Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 17 Tháng Tư, 2024, 01:37:33 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tây Nguyên dấu ấn một thời  (Đọc 33135 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #30 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2016, 10:29:14 pm »


Riêng có một điều tôi thấy cũng cần đáng nói, vì giờ đây kẻ còn, người mất, âu là chuyện để kỷ niệm trong chiến tranh. Đó là chuyện khi đi chuẩn bị chiến trường của một vị tướng trong chiến tranh.

Trong đoàn có bộ phận cán bộ mặt trận do đồng chí Vũ Lăng - Tư lệnh B3 dẫn đầu (đồng chí Vũ Lăng sau là Phó tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên). Dọc đường đi, anh vẫn vui, anh thích hoa, gặp cụm phong lan tai trâu nào đẹp là anh cố dừng lại nhìn một tý, gần Tết âm lịch nên ở những cây còn sót lại, hoa phong lan nở rất nhiều. Trong đoàn, khoác lá ngụy trang, ai cũng đèo thêm một cành, người và hoa cứ quyện nhau mà tiến lên phía trước. Một hôm gặp phải mưa to, gió rét ướt đầm đìa, đã mệt lại càng mệt hơn. Tôi vừa leo lên đỉnh dốc chưa kịp thở, thì anh Vũ Lăng cũng vừa tới. Mệt quá, anh nằm vật xuống, ngửa mặt lên trời, mắt lim dim. Anh em lo cho anh bị cảm, râu mấy ngày không kịp cạo, vốn trước kia đã mệnh danh là "Anh râu xồm", nay đã quá mức xồm mà người ta tưởng. Y tá vội xoa dầu nóng cho anh thì anh mới tỉnh dậy. May lúc ấy gần sát đồn địch, nhưng không một phát súng của địch bắn vu vơ. Tôi mừng tưởng lại hình ảnh của anh vừa rồi thấy cũng vui và buồn cười, liền tức cảnh làm mấy vần thơ để ghi lại kỷ niệm này.

Đường ra phía trước nẻo xa
Nậm lia lộng giá bẻ hoa trên ngàn
1 
Đã từng muôn dặm quan san
Càng say vẻ đẹp phong lan gọi hồn
Hoa ơi. Em chớ có buồn
Trời sao nào biết lúc dồn bước đi
Râu hùm hàm én mà chi
Bóng trăng lấp ló, oanh gì, liệt đây
Nghĩ rằng: Như thế mà hay
Để ta có dịp xuân này lập công.


Nghe tôi nhẩn nha đọc, anh Vũ Lăng cười và đẩy tôi một cái, cái mệt mỏi như biến mất đâu.

Trong khi đang trinh sát thực địa ở hướng Đức Lập, thì ngày 21 tháng 1 năm 1975 đồng chí Lê Ngọc Hiền - Phó tổng tham mưu trưởng vào phổ biến chỉ thị của Thường vụ Quân ủy Trung ương về nhiệm vụ chiến dịch nam Tây Nguyên, mục tiêu then chốt quyết định là Buôn Ma Thuột. Bộ Tổng tư lệnh quyết định: Tư lệnh chiến dịch là Trung tướng Hoàng Minh Thảo, Chính ủy chiến dịch là đồng chí Đặng Vũ Hiệp; Phó tư lệnh chiến dịch là đồng chí Vũ Lăng va các đồng chí Phan Hàm, Nguyễn Năng, Nguyễn Lang, Phó chính ủy là đồng chí Phí Triệu Hàm. Đại diện Thường vụ Khu ủy Khu 5 là đồng chí Bùi San bên cạnh Bộ tư lệnh chiến dịch. Cơ quan mặt trận B3 là cơ quan chiến dịch.

Hướng và mục tiêu chiến dịch thay đổi, buộc mặt trận phải tổ chức đoàn đi trinh sát thực địa mới. Hầu hết các thành viên của đoàn là cán bộ cấp phó và do đồng chí Nguyễn Năng trực tiếp chỉ đạo.
____________________________________
1. Nậm Lia là tên núi, Hoa là tên vợ của anh.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #31 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2016, 10:29:47 pm »


Trinh sát thực địa xong, Bộ chỉ huy chiến dịch tổ chức hội nghị quân sự bàn phương án tác chiến. Hội nghị quân sự dân chủ gồm các thành phần chỉ huy đơn vị và binh chủng. Căn cứ vào mệnh lệnh mới của cấp trên, Hội nghị nghiên cứu, tranh luận rất sôi nổi, với nhiều phương án khác nhau. Bộ phận trinh sát thực địa Buôn Ma Thuột về, lấy kết quả thực tế trinh sát được trình bày: Buôn Ma Thuột là thị xã lớn rất phức tạp, xung quanh lại có nhiều cứ điểm vòng ngoài rất xa, nên cách đánh rất khó áp sát được, cần phải dùng cách đánh: đánh từng bước mới giải quyết được. Song đại bộ phận cán bộ trong hội nghị lại thấy rằng, muốn giành được thắng lợi giòn giã thì phải nghi binh lừa địch rồi đánh thọc sâu vào mục tiêu chủ yếu trong thị xã bằng hiệp đồng binh chủng mới thành công. Lúc này, tôi suy nghĩ đánh to thắng lớn thì phải đánh bất ngờ thọc sâu nhanh nên cố gắng bảo vệ ý kiến của mình và thuyết phục mọi người đánh theo cách thứ hai. Tôi và đồng chí chính ủy Lã Ngọc Châu bàn nhau đề nghị cấp trên chấp nhận sử dụng Sư đoàn 10 đảm nhiệm mũi đánh thọc sâu đó; nhưng đây chỉ là hội nghị dân chủ lấy ý kiến nên phải chờ Thường vụ Đảng ủy họp rồi Bộ tư lệnh mới quyết định.

Suy nghĩ của tôi lúc ấy là rất mong có sự hỗ trợ ý kiến của mình và nhớ lại năm 1972: chiến dịch Bắc Tây Nguyên giải phóng Đắc Tô, Tân Cảnh, đồng chí Tư Thuận - Ủy viên Trung ương Đảng được cử về làm Bí thư Đảng ủy chiến dịch, đồng chí Hoàng Minh Thảo làm Tư lệnh, đồng chí Trần Thế Môn làm Phó chính ủy, cùng trong Thường vụ Đảng ủy.

Hồi đó bàn phương án tác chiến và sử dụng lực lượng. Đồng chí Tư Thuận do quen biết kỹ về Trung đoàn Ba Gia (Trung đoàn 2 của Sư đoàn 2 Quân khu 5) nên nêu ý kiến cần dùng Trung đoàn Ba Gia tiêu diệt căn cứ Tân Cảnh là mục tiêu chủ yếu của chiến dịch, nhưng đồng chí Hoàng Minh Thảo và đồng chí Trần Thế Môn lại muốn dùng Trung đoàn 66 chủ lực của mặt trận B3 vì Trung đoàn 66 đã có nhiều kinh nghiệm đánh địch trong công sự vững chắc trên đỉnh Ngọc Rinh Rua (31-3-1971), nên với Tân Cảnh Trung đoàn 66 đánh sẽ rất chắc thắng và giành được thắng lợi nhanh chóng.

Giữa lúc chưa quyết định dứt khoát và lúc này Trung đoàn Ba Gia từ Quân khu 5 cũng chưa lên kịp, nên Phòng Tham mưu mặt trận chỉ còn một mình tôi là Tham mưu phó ở nhà, tôi cũng bàn với các đồng chí chủ nhiệm trong Phòng Tham mưu lấy lý do cơ quan đã lập xong phương án và đã cùng Trung đoàn 66 bàn bạc nhất trí, trung đoàn sẵn sàng chờ lệnh hành quân sang phía Đông để đánh vào Tân Cảnh. Tôi đưa phương án trình bày với Thường vụ Đảng ủy Bộ tư lệnh chiến dịch đề nghị dùng Trung đoàn 66. Qua trình bày thì lúc đó đồng chí Tư Thuận cảm thấy hợp lý và đồng ý.

Tôi liền viết báo cáo về bản đồ phương án tác chiến đưa đồng chí Hoàng Minh Thảo ký báo cáo lên Bộ. Đồng thời thông báo cho Trung đoàn 66 cho bộ đội ăn Tết ngay để hành quân sang phía Đông; diễn biến sau này, trung đoàn đánh trận Tân Cảnh (24-4-1972) giành được thắng lợi rất giòn giã. Trung đoàn Ba Gia dưới sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí Nguyễn Chơn, Sư trưởng Sư 2 cũng lập được chiến công tuyệt đẹp.

Qua đó tôi thấy, Bộ tư lệnh chiến dịch cũng cần có cơ quan tham mưu vững mạnh, chủ động kịp thời giúp Bộ tư lệnh giải quyết thỏa đáng những vấn đề còn có ý nghĩa khác nhau.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #32 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2016, 10:32:26 pm »


*
* *

Trong những tháng cuối năm 1974 đầu năm 1975, giữa lúc cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 10 và các đơn vị bạn đang sôi nổi chuẩn bị cho cuộc ra quân mùa xuân thì tại Thủ đô Hà Nội, Hội nghị Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã xem xét tình hình và ra quyết định lịch sử: "Khi thời cơ lịch sử đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức tập trung lực lượng của cả nước giải phóng miền Nam trong năm 1975"1 .

Thực hiện quyết tâm chiến lược và giai đoạn đầu kế hoạch hai năm giải phóng miền Nam của Bộ Chính trị, chiến trường Tây Nguyên được chọn làm hướng chiến trường chính, trong đó Buôn Ma Thuột là trận mở đầu then chốt.

Trung tuần tháng 2 năm 1975, Bộ tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên được thành lập do Trung tướng Hoàng Minh Thảo làm Tư lệnh, đại tá Đặng Vũ Hiệp làm Chính ủy Phướng án tác chiến chính thức của chiến dịch được Bộ chỉ huy tiền phương Bộ Tổng tư lệnh thông qua là: tập trung lực lượng chủ yếu của chiến dịch vào khu vực Buôn Ma Thuột, Đức Lập, Thuần Mẫn, tiêu diệt địch, giải phóng mục tiêu then chốt quyết định là Buôn Ma Thuột.

Ngày 25 tháng 2 năm 1975, Đại tướng Văn Tiến Dũng Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng tham mưu trưởng thay mặt Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh vào chiến trường để chỉ huy trực tiếp tại chỗ. Thực hiện phương án đã xác định, các đơn vị tham gia chiến dịch Tây Nguyên được giao nhiệm vụ cụ thể. Đến ngày 27 tháng 2 năm 1975, tôi được gọi lên, đi cùng Bộ tư lệnh chiến dịch đến chỉ huy sở tiền phương Bộ thông qua phương án tác chiến trước Đại tướng Văn Tiến Dũng. Kết quả phương án cuối cùng là nghi binh triệt để hướng Kon Tum và Plây Cu, bí mật tập trung lực lượng hiệp đồng binh chủng đánh thọc sâu thẳng vào trung tâm, chiếm cho được hai mục tiêu chủ yếu là chỉ huy sở sư đoàn 23 và chỉ huy sở tiểu khu Đắc Lắc - sau đó đánh phát triển ra các mục tiêu khác ở ngoại vi. Như vậy, Sư đoàn 10 phải cùng lúc thực hiện 2 nhiệm vụ2 :

1. Sử dụng sư đoàn thiếu được tăng cường một tiểu đoàn cao xạ thuộc Trung đoàn 234, một cụm pháo binh 122 và 155 có nhiệm vụ đánh dứt điểm quận lỵ Đức Lập và quét địch từ Đức Lập đến ngã ba Đắc Song trong thời gian từ một đến hai ngày.

Đánh xong Đức Lập, sư đoàn nhanh chóng cơ động lực lượng về bắc Buôn Ma Thuột, sẵn sàng tham gia trận then chốt, đánh dứt điểm Buôn Ma Thuột nếu địch ngoan cố co cụm chống cự khi đơn vị bạn chưa giải quyết được. Đồng thời sẵn sàng cơ động đánh địch phản kích từ hướng đông và đông bắc tới, phát triển đánh các chi khu, quận lỵ vùng phụ cận phía Đông. Nếu Sư đoàn 320 gặp khó khăn thì tăng cường lực lượng để giải quyết Cheo Reo.

2. Tổ chức một sở chỉ huy nhẹ của sư đoàn chỉ huy Trung đoàn 24 và Trung đoàn 95B tác chiến trên hướng đông bắc và hướng tây Buôn Ma Thuột.

- Trung đoàn 95B được tăng cường hai khẩu ĐKB, hai khẩu lựu pháo 122 và hai dàn hỏa tiễn H-12, có nhiệm vụ đánh chiếm sân bay thị xã, ngã sáu chỉ huy sở tiểu khu Đắc Lắc.

- Trung đoàn 24 sử dụng một tiểu đoàn được tăng cường một đại đội xe tăng, một đại đội xe thiết giáp, một đại đội cao xạ, hình thành bộ phận cơ động thọc sâu mạnh của chiến dịch, đánh chiếm sở chỉ huy sư đoàn 23, dùng một tiểu đoàn bao vây Chư Nga và một tiểu đoàn làm lực lượng dự bị.
___________________________________
1. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nưởc 1954 - 1975 - Những sự kiện lịch sử, Nxb QĐND, Hà Nội, 1980, tr. 280 - 281.
2. Sư đoàn 10, Nxb QĐND, Hà Nội 1990, tr. 82.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #33 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2016, 10:33:11 pm »


Xác định nhiệm vụ được Bộ tư lệnh chiến dịch giao là rất nặng nề nên cán bộ, chiến sĩ toàn sư đoàn đều quyết tâm phát huy nỗ lực cao nhất để hoàn thành được nhiệm vụ được giao. Vấn đề đặt ra đối với sư đoàn lúc này là: Làm thế nào dứt điểm nhanh Đức Lập, để tăng cường lực lượng sớm cho Buôn Ma Thuột! Làm thế nào để các đơn vị thọc sâu hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt cơ quan đầu não của địch và các mục tiêu đã được phân công.

Bộ tư lệnh sư đoàn dành nhiều thời gian để thảo luận cách đánh và tổ chức lực lượng thọc sâu bằng binh chủng hợp thành đánh thẳng vào cơ quan đầu não của địch, về cách đánh, sư đoàn quyết định: sử dụng một đại đội được tăng cường trinh sát, công binh bí mật lót sát, xây dựng trận địa, lợi dụng pháo ta bắn, phá rào mở cửa. Lực lượng binh chủng hợp thành theo đường đã mở sẽ khẩn trương đánh lướt qua tuyến phòng thủ vòng ngoài, thọc thẳng vào mục tiêu đã định, phối hợp với đơn vị bạn tiêu diệt địch, làm chủ mục tiêu.

Để bộ binh và xe tăng không bỡ ngỡ trong tác chiến Bộ tư lệnh sư đoàn đã tổ chức cho bộ đội huấn luyện bổ sung. Những kinh nghiệm chiến đấu của Trung đoàn 66 trong trận Tân Cảnh (4-1972) và kinh nghiệm mới nhất của các đơn vị bạn đánh thị xã Phước Long (1-1975) được đưa vào vận dụng và phát triển trong trận đánh Đức Lập.

Sau khi phân tích thế trận của địch ở Đức Lập, Đảng ủy sư đoàn quyết định: tập trung lực lượng đánh thẳng vào hai căn cứ chính của địch là sở chỉ huy hành quân sư đoàn 23 và căn cứ Núi Lửa. Đồng thời dùng lực lượng bao vây Đắc Song, chia cắt quận lỵ với sở chỉ huy hành quân sư đoàn 23. Sau khi đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ ở Đức Lập, Trung đoàn 28 sẽ ở lại phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương giải quyết nốt quân địch và bảo vệ các mục tiêu vừa chiếm được... Đây là cách đánh thích hợp, sử dụng lực lượng hợp lý và động viên được quyết tâm chiến đấu của bộ đội, vừa đảm bảo cơ động lực lượng sớm vừa có thể đánh dứt điểm nhanh Đức Lập.

Đại tướng Văn Tiến Dũng có nhấn mạnh cụ thể mũi thọc sâu của tiểu đoàn 4/24 cùng tiểu đoàn (-) xe tăng thiết giáp thọc sâu vào chỉ huy sở sư đoàn 23 là rất quan trọng. Phải kết hợp chặt chẽ với Sư đoàn 316 đánh hướng tây bắc và phía nam Buôn Ma Thuột. Đại tướng nhấn mạnh, đây là cách đánh mới phải hết sức giữ bí mật - lấy hiệp đồng binh chủng mạnh đánh bất ngờ thì chắc chắn thắng lợi. Thế là Sư đoàn 10 phải tổ chức thông tin liên lạc, cơ quan bảo đảm chỉ huy chiến đấu, hậu cần - kỹ thuật, vừa để đánh Đức Lập vừa để đảm bảo đánh Buôn Ma Thuột. Bộ tư lệnh sư đoàn cũng phân ra hai hướng để chỉ huy chiến đấu, phân công đồng chí Quốc Biên - Sư đoàn phó đi hướng Trung đoàn 24 và 95b, còn tôi đi hướng Đức Lập.

Tổ chức chiến đấu của sư đoàn rất công phu trên cả hai hướng. Ngoài kế hoạch động viên bộ đội quyết tâm, sư đoàn rất coi trọng kế hoạch đưa bộ đội vào chiếm lĩnh, trên các trục đường đều có lộ tiêu, ba-ri-e chặn các ngã đường không cho xe vận tải vượt qua, quy định bộ đội hành quân đêm vào chiếm lĩnh. Nhưng rồi một số sự việc đáng tiếc đã xảy ra.

- Bộ phận đồng chí Khoa, Tham mưu phó Trung đoàn 24 khi chuẩn bị, vấp lựu đạn đã cài sẵn, hy sinh một chiến sĩ.

- Bộ phận pháo binh của đồng chí Quỳnh, Trung đoàn trưởng sục vào bãi gai, vấp mìn cũng hy sinh một đồng chí.

- Bộ phận đồng chí Mùi, Trung đoàn phó Trung đoàn 28 vào bám địch ở hướng Núi Lửa, khi trở ra cũng bị mìn hy sinh 2 đồng chí, bị thương 4 đồng chí.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #34 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2016, 10:33:57 pm »


Cuộc đấu trí càng trở nên rất căng thẳng, địch ra sức phái các toán biệt kích, thám báo ra ngoài phát hiện sự động tĩnh của ta, còn ta thì phải ra sức giữ bí mật để vào chiếm lĩnh. Đâu đó hầu như lúc nào cũng có súng nổ, hoặc đại liên từ trong cứ điểm địch bắn ra, đêm thì địch thả pháo sáng đèn dù. Trinh sát của ta phải bám sát địch để tìm cách luồn tránh.

Đáng chú ý lúc này ở hướng Đức Lập có đại đội trinh sát biệt kích của trung đoàn 53 địch sục sâu vào hướng Đông Bắc, rồi quặt về hướng núi Chư Ho, nơi ta đã làm công sự trận địa pháo 105 ly, Trung đoàn 28 đang cho bộ đội lần lượt khiêng các bộ phận pháo lên núi. Tình huống rất khó khăn vì đại đội địch chỉ còn cách 800m, ước chừng nửa giờ nữa, chúng có thể phát hiện ra trận địa pháo của ta. Chỉ huy Trung đoàn 28 rất lo lắng, đồng chí Trung đoàn trưởng liền đề nghị với tôi, cho sử dụng tiểu đoàn 3 tiêu diệt đại đội địch ngay. Tôi suy nghĩ thấy vội dùng lực lượng như thế không ổn, liền ra lệnh cho trung đoàn dùng 21 chiến sĩ (15 chiến sĩ, 6 trinh sát) có cán bộ chỉ huy đại đội trực tiếp, vượt qua sông Đắc Đam đến hướng Đông Bắc, nổ súng thu hút đánh lừa, buộc đại đội biệt kích địch thấy động phải quay lại lùng sục, bộ phận của ta tìm cách đánh vào phía sau, làm cho chúng càng đi xa khu vực ta chiếm lĩnh. Sự việc diễn ra ổn thỏa, trong 2 ngày 5 và 6 tháng 3 ta đã lừa được đại đội biệt kích của địch, 5 tên chết và 15 tên bị thương, chúng phải dừng lại bắc đường 22 ở tọa độ 75896. Ta đưa pháo vào chiếm lĩnh an toàn.

Tiếp tục 2 đêm (7 và 8 ), bộ binh, pháo binh và cao xạ lần lượt bí mật vào chiếm lĩnh an toàn. Khi vượt qua đường 22, người đi trước trải ni lông, người đi cuối cùng thu ni lông lại - khôn ngoan của địch cũng không thể phát hiện được ta.

Chiếm lĩnh xong, Bộ tham mưu chiến dịch thông báo lại việc tăng cường cho sư đoàn hướng Đức Lập, không có đại đội xe tăng như trước, pháo 155 ly chỉ cho 50 viên, không tăng cường đủ 300 viên theo kế hoạch. Thế là sư đoàn lại phải chỉnh lý kế hoạch.

Giữa giờ phút đang căng thẳng thì đồng chí Tư lệnh chiến dịch Hoàng Minh Thảo gọi điện thoại trực tiếp cho tôi, thông báo tình hình và kiểm tra việc chuẩn bị, đồng chí cho biết: Sư đoàn 320 đã tiêu diệt căn cứ địch ở Cẩm Ga, Trung đoàn 9 đã cắt đường 14 Plây Cu đi Buôn Ma Thuột, rồi đồng chí có nhận xét Sư đoàn 10 bảo đảm bí mật được như thế là tốt, song công binh sư đoàn đi làm đường cùng Trung đoàn 7 công binh mặt trận, có anh nào đó đánh rơi một bì thư viết rõ địa chỉ, làm cho địch có chút ghi ngờ. Tôi giật mình vì số anh em công binh này được phái đi trước một tháng với Trung đoàn 7, sư đoàn thiếu kiểm tra căn dặn. Nhưng đồng chí Hoàng Minh Thảo lúc đó cũng nói luôn tin như vậy cũng để biết thôi, chứ địch cũng chưa hiểu được gì và thực ra đến giờ phút này chúng có phán đoán và đối phó gì nữa thì cũng đã muộn. Tôi đoán biết thế trận chiến dịch đã đi vào thời cơ, khóa chặt được địch lại để mà đánh, đã xuất hiện tình huống có lợi để chiến dịch đánh theo phương án địch không có phòng ngự dự phòng. Nghệ thuật nghi binh lừa địch đã thành công. Tình huống có lợi này trước hết là sự khéo léo trong chỉ huy, chỉ đạo chiến dịch, bên cạnh đó còn có sự cố gắng vượt bậc của cán bộ, chiến sĩ trên toàn mặt trận trong việc giữ bí mật về ta. Công phu giáo dục rèn luyện bộ đội chu đáo thường xuyên hàng ngày mới có cơ hội dẫn tới tình huống có lợi đó để thành công.

15 giờ ngày 8 tháng 3, khi sư đoàn đang bận rộn theo dõi các đơn vị trong sư đoàn và các lực lượng phối thuộc vào chiếm lĩnh trận địa, sở chỉ huy sư đoàn đã vào chiếm lĩnh xong ở phía bắc quận lỵ Đức Lập 6km trong khu rừng bằng lăng kín đáo, thì tôi nghe được điện thoại từ sở chỉ huy tiền phương Bộ. Đại tướng Văn Tiến Dũng trực tiếp cầm máy hỏi thăm sức khỏe của tôi và các đồng chí trong Bộ tư lệnh sư đoàn, đồng thời Đại tướng tỏ lời khen ngợi sư đoàn việc chuẩn bị chiến đấu đã giữ tốt được bí mật. Sau đó Đại tướng căn dặn: cần nhắc nhở anh em đơn vị tiếp tục vào chiếm lĩnh thật chu đáo đến phút cuối cùng và khi đánh phải nắm vững nguyên tắc tập trung sức mạnh diệt cho được mục tiêu chủ yếu, không phân tán nhiều mục tiêu. Diệt được mục tiêu chủ yếu mạnh mẽ và nhanh chóng thì địch sẽ tan rã, bộ đội bớt bị thương vong. Đại tướng chúc sư đoàn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Thay mặt anh em sư đoàn tôi xin kính chúc sức khỏe Đại tướng và xin hứa làm đúng lời căn dặn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #35 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2016, 10:35:24 pm »


* ĐÁNH ĐỨC LẬP

Đức Lập là một quận lớn ở phía tây tỉnh Đắc Lắc, diện tích khoảng 65km2 - trên độ cao 650m so với mặt biển nằm trên quốc lộ số 14 (Buôn Ma Thuột - Gia Nghĩa).

Dân số có khoảng 16.000 người, trong đó có 3.000 người dân tộc E-đê, Xê Đăng, Mơ Nông, nhiều dân công giáo miền Bắc di cư vào.

Lực lượng địch khoảng 3.000 tên (có 2.391 lính chủ lực) cùng với 2.500 lính phòng vệ dân sự, 12 pháo lớn (155 ly và 105 ly), 15 xe tăng M41 và M113. Lực lượng chủ yếu bố trí ở các vị trí căn cứ hành quân của sư đoàn 23, quận lỵ, núi Lửa, Đắc Sắc, Đắc Song, cùng các cứ điểm vòng ngoài như Bác Ái, Tư Minh, Đức An và ngã ba Đắc Song, kèm theo các chốt dã ngoại. Các cứ điểm đều có công sự vững chắc, có rào chướng ngại vật (dây thép gai, mìn chống tăng và mìn chống bộ binh xen kẽ).

Trước đây ta đã nhiều lần tiến công địch ở Đức Lập, nhưng chưa có lần nào ta đánh dứt điểm được. Sau mỗi lần bị đánh, địch càng củng cố vững chắc thêm.

Phương án tác chiến của ta: là tận dụng bí mật bất ngờ, bỏ qua tuyến địch phòng ngự vòng ngoài, tập trung lực lượng chủ yếu tiêu diệt căn cứ hành quân sư đoàn 23, cụm ở núi Lửa và quận lỵ, sau đó phát triển tiêu diệt toàn bộ quân địch trong khu vực.

Thời gian quy định của chiến dịch giao cho Sư đoàn 10 (thiếu Trung đoàn 24) đánh chiếm khu vực quận Đức Lập xong từ một đến hai ngày, sau đó cơ động lực lượng lên phía bắc để làm dự bị cho trận đánh vào thị xã Buôn Ma Thuột.

Đêm mồng 7 và mồng 8, toàn sư đoàn hành quân vào chiếm lĩnh, phải vượt qua nhiều địa hình phức tạp lại phải thận trọng vòng tránh qua các ấp chiến lược dày đặc dân vệ và bảo an.

Đúng 5 giờ 55 phút ngày 9-3-1975 khi các đài quan sát thấy rõ mục tiêu thì trận đánh bắt đầu, 15 khẩu pháo của Sư đoàn kết hợp cùng hỏa lực của các trung đoàn nã đạn chính xác vào những mục tiêu đã được phân công. Sau 90 phút bắn phá liên tục, hầu hết các trận địa pháo binh địch bị khóa miệng. Bộ binh bắt đầu tiến công.

Trung đoàn 66 phát triển đánh căn cứ hành quân của Sư đoàn 23 khá quyết liệt, ở hướng Tây do tiểu đoàn 7 bộ binh phụ trách, sau khi mở được cửa qua chướng ngại vật thì bộ binh lao lên chiếm lô cốt đầu cầu, địch liền cho xe tăng ra bịt cửa mở. Chiếc xe tăng M41 đầu tiên vừa xuất hiện, lập tức bị chiến sĩ Nguyễn Minh Phúc của ta dùng B40 bắn tiêu diệt buộc quân địch phải lùi lại, đại đội 1 và đại đội 3 liền nhanh chóng cho bộ đội tràn qua cửa mở đánh thẳng vào trung tâm, dùng thủ pháo, lựu đạn và lưỡi lê diệt địch.

Ở hướng Bắc do tiểu đoàn bộ binh 8 phụ trách, sau khi khắc phục được chướng ngại vật, bộ đội xông vào chiếm đầu cầu, lúc đầu phát triển khá thuận lợi nhưng khi đến gần trung tâm cứ điểm, bất ngờ bị xe tăng địch trong công sự bắn chặn, một số chiến sĩ hy sinh. Tiểu đội phó Đoàn Khắc Kiệm lập tức vượt lên trước đội hình, lợi dụng được thế ẩn nấp, liền nhằm đúng lỗ châu mai bắn. Quả đạn B41 của Đoàn Khắc Kiệm bay lọt vào lỗ châu mai tiêu diệt được xe tăng địch đang trong công sự. Thế là chiến sĩ ta xông vào dùng thủ pháo, súng phun lửa tiêu diệt hết bọn địch này đến bọn địch khác. Hai tiểu đoàn 7 và 8 bắt liên lạc được với nhau, làm chủ hoàn toàn căn cứ của địch. Đến 9 giờ 30 phút căn cứ hành quân của sư đoàn 23 một vị trí quan trọng bậc nhất của địch ở Đức Lập hoàn toàn bị tiêu diệt.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #36 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2016, 10:36:20 pm »


Trung đoàn 28 đánh căn cứ địch ở núi Lửa. Nhờ tận dụng được yếu tố bí mật bất ngờ, trung đoàn đã phát huy tốt hiệu lực của pháo binh tăng cường (bắn thẳng) và hỏa lực cối, ĐKZ của bộ binh, nên ngay từ đầu trung đoàn đã đánh tiêu diệt được nhiều mục tiêu hỏa điểm địch. ĐKZ và súng cối của trung đoàn bắn trúng trận địa pháo địch làm nổ tung 2 kho đạn pháo, gây nên nhiều đám cháy, làm địch hỗn loạn, nhốn nháo hẳn lên. Bộ đội ta xông lên mở cửa và đánh chiếm đầu cầu.

Trên hướng tiểu đoàn 1, trung đoàn dùng đại đội 1 giá được 2 giá mìn ĐH10 quét sạch 4 lớp rào dây thép gai, bảo đảm cho bộ đội xông được vào cửa mở.

Trên hướng Đông Bắc, tiểu đoàn 3 của trung đoàn dùng đại đội 10 lên mở cửa, mặc dầu phải đánh tới giá mìn ĐH10 lần thứ ba nhưng cũng đã mở toang được hết các lớp rào rồi phát triển vào đánh trận địa pháo địch.

Địch trở nên hỗn loạn, chạy nhốn nháo, bộ đội ta lợi dụng thời cơ thuận lợi đánh sập lô cốt đầu cầu, ào ạt phát triển vào bên trong, diệt hết hỏa điểm công sự này đến hỏa điểm công sự khác bằng B40, B41, thủ pháo, lựu đạn - toàn bộ tiểu đoàn địch (gồm tiểu đoàn bảo an 259 và 2 đại đội chủ lực khác đều bị diệt, bị bắt và đầu hàng. Trận đánh chiếm căn cứ núi Lửa kết thúc vào 9 giờ ngày 9 tháng 3 năm 1975. Như vậy là hai cứ điểm quan trọng bậc nhất của địch đã bị ta đánh tiêu diệt cùng một lúc. Nhiều gương chiến đấu dũng cảm của bộ đội đã thể hiện, thắng lợi của hai trận đánh đã phá vỡ được thế trận của địch, chia cắt chúng ra thành từng mảnh, ta tạo được thế áp sát các mục tiêu còn lại, để tiêu diệt chúng, tinh thần binh lính địch trở nên rất hoang mang dao động. Qua tin kỹ thuật ta biết địch đang kêu cứu và xin phi pháo đến viện trợ.

Song lúc này một sự cố xảy ra: Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 28 có nhiệm vụ luồn sâu bố trí chia cắt địch ở nam quận lỵ. Theo kế hoạch của sư đoàn, đáng lẽ sau khi ta đánh căn cứ hành quân của sư đoàn 23 và căn cứ địch ở núi Lửa thì mới dùng tiểu đoàn 2 Trung đoàn 28 kết hợp với tiểu đoàn 9 (dự bị của Trung đoàn 66) do Trung đoàn 66 trực tiếp chỉ huy để đánh chiếm quận lỵ Đức Lập - nhưng tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 2 Trung đoàn 28 khi thấy ta đánh thắng giòn giã và nhanh chóng 2 cứ điểm trên, liền tự động chỉ huy tiểu đoàn mình đánh vào quận lỵ. Giữa lúc pháo binh ta chuyển làn bắn vào quận lỵ, kho xăng địch bốc cháy, quận lỵ mịt mù trong khói lửa, bộ đội tiểu đoàn 2 cũng đột phá chiếm được 4 lô cốt vòng ngoài, nhưng càng phát triển vào trong một cách đơn độc, càng bị xe tăng địch trong công sự ngầm bắn ngăn chặn. Do hỏa lực địch mạnh, nhiều chiến sĩ phải hy sinh và bị thương, đội hình tiểu đoàn 2 chững lại, tiến thoái lưỡng nan. Tiểu đoàn đành cho bộ đội lợi dụng công sự chiếm được, bám trụ tại chỗ.

Nói là quận lỵ nhưng trên thực tế địch cấu trúc thành một căn cứ quân sự rất vững chắc, có hầm ngầm, có hào chống tăng rộng 3m, sâu 2m, vách đứng và 8 lớp rào kẽm gai xen lẫn mìn các loại. Trước đây vào ngày 23 tháng 8 năm 1968, đặc công ta đã đánh chiếm được căn cứ quận lỵ này, nhưng bị pháo binh và máy bay đánh bom trùm lên quận lỵ, gây tổn thất lớn cho ta; sau đó địch ở hầm ngầm chui lên chiếm lại cứ điểm. Ta đã biết điều này trước và vì lẽ đó mới định đánh chiếm quận lỵ vào bước 2 trong ngày. Trung đoàn 66 khi thấy tiểu đoàn 2 Trung đoàn 28 nổ súng thì cũng lệnh cho tiểu đoàn 9 lên đột phá phối hợp. Nhưng thực tế chỉ còn một hướng tiểu đoàn 9, máy bay địch kết hợp với pháo binh bắn trùm lên cửa mở cả đại đội 9 ; và đại đội 10, tiểu đoàn 9 không lên đột phá được, Trung đoàn 66 đành cho dừng lại.

Nắm được tình hình trên, sư đoàn liền ra lệnh dừng lại để tổ chức chu đáo rồi mới đánh. Để đánh một cách chắc thắng. Trong đêm, sư đoàn ra lệnh điều thêm 2 khẩu pháo 85 ly lên bắn thẳng. Các chiến sĩ tiểu đoàn 17 công binh sư đoàn trong đêm đã phải vượt qua ác liệt mở 2km đường và kết hợp với Trung đoàn 4 pháo binh kéo được 2 pháo 85 ly lên đồi nhà thờ sát quận lỵ. Mặc dầu máy bay C130 và pháo địch bắn như vãi đạn xung quanh quận lỵ, nhưng 2 pháo 85 ly vẫn vào chiếm lĩnh an toàn dưới sự yểm hộ của cao xạ Trung đoàn 234. Thế là 6 giờ 30 phút sáng 10 tháng 3 pháo binh ta bắn dồn dập vào quận lỵ, kết hợp được pháo 85 ly bắn thẳng diệt hết công sự hỏa điểm địch tại quận lỵ. Dưới sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí Nguyễn Đình Kiệp - Trung đoàn 66, cả 2 tiểu đoàn (tiểu đoàn 2 Trung đoàn 28 và tiểu đoàn 9 Trung đoàn 66) đều đột phá thành công. Với thời gian trong vòng 30 phút chiến đấu, toàn bộ quân địch ở quận lỵ đều bị tiêu diệt và bị bắt, trong đó có tên quận trưởng quận Đức Lập bị bắt.

Thừa thắng, ta điều Trung đoàn 66 phát triển đánh chiếm luôn cứ điểm Đắc Sắc và Đức Minh, đồng thời điều tiểu đoàn 3 Trung đoàn 28 trực tiếp do Trung đoàn phó Đỗ Công Mùi đi về hướng Đắc Song.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #37 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2016, 10:36:40 pm »


Trước đó sư đoàn đã dùng tiểu đoàn 37 đặc công của sư đoàn xuống phục kích sẵn trên hướng mà tiểu đoàn bảo an ở Đắc Song có thể rút chạy, vì dự đoán khi mất quận Đức Lâp thì tiểu đoàn bảo an này cũng không thể bám trụ lại được. Diễn biến thực tế sau khi tiểu đoàn 3 Trung đoàn 28 xuống tới nơi tổ chức hỏa lực đánh nghi binh thì tiểu đoàn bảo an này liền hô nhau bỏ chạy. Chúng không ngờ sau khi thoát khỏi cứ điểm chúng liền sa vào trận địa phục kích của tiểu đoàn 37 đặc công. Toàn bộ địch đều đã bị diệt và bị bắt, trong đó ta bắt được cả tên tiểu đoàn trưởng.

Kết thúc trận đánh của sư đoàn ở quận lỵ Đức Lập vào sáng 10 tháng 3 năm 1975. Kết quả ta đã tiêu diệt và bắt 2.400 tên địch, thu 14 pháo, 20 xe tăng và xe bọc thép, nhiều quân trang, quân dụng. Đơn vị địch bị tiêu diệt gồm tiểu đoàn 3 trung đoàn 53, chi đoàn 1 của trung đoàn xe tăng, thiết giáp 18, hai đại đội biệt động quân của trung đoàn 224, đại đội trinh sát, biệt kích của trung đoàn 53, bốn tiểu đoàn bảo an 258, 259, 269 và 271, cùng hàng nghìn quân phòng vệ dân sự của địch ở Đức Lập, ta hy sinh 22 đồng chí và 241 đồng chí bị thương.

Trận đánh tiêu diệt địch ở quận lỵ Đức Lập tuy không phải là trận then chốt nhưng là vị trí rất quan trọng. Trận đánh đã thể hiện quyết tâm chiến đấu của các đơn vị trong sư đoàn đánh nhanh tiêu diệt gọn, bộ đội dũng cảm và chiến đấu linh hoạt.

Trận đánh còn là một bài học kinh nghiệm đáng nhớ đối với sư đoàn: khi giao nhiệm vụ cho cấp dưới đã không làm quán triệt một cách đầy đủ để xảy ra tình trạng tự động xử trí như trường hợp của tiểu đoàn 2 Trung đoàn 28 nói trên.

Đây là trận đánh đầu tiên của sư đoàn tham gia chiến dịch Tây Nguyên năm 1975. Nhìn toàn cục, thắng lợi của trận đánh có nhiều nguyên nhân, trước hết là giữ được bí mật, đánh bất ngờ, pháo binh kết hợp được với hỏa lực bộ binh bắn chính xác, phân đội nhỏ chiến đấu độc đảm và linh hoạt dũng cảm. Song một bài học dùng pháo bắn ngắm trực tiếp đạt hiệu quả cao, làm tôi nhớ lại trận đánh đầu tiên sau ngày thành lập sư đoàn. Đó là trận đánh tiêu diệt cứ điểm Bến Hét (Plây Cần) trên trục đường 18 - ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia (ngày 11 tháng 10 năm 1972). Cũng tương tự như ở Đức Lập, địch thiết lập cụm cứ điểm rất kiên cố trên 5 đồi cao, có hầm sâu vào lòng đất, lô cốt xi măng cốt thép do quân Mỹ làm thí điểm phòng ngự trong chiến tranh cục bộ của quân viễn chinh. Cụm cứ điểm kết cấu chặt chẽ 4 tầng hệ thống lô cốt, có rào chắn B40, B41, chướng ngại vật dây thép gai dày 200m đan xen các loại mìn. Địa hình vòng quanh rất thấp hầu như hỏa lực pháo, ĐKZ của ta trong phạm vi bố trí cách 2km không thể bắn lên cao được.

Song trận đánh vào cụm cứ điểm này, ta hoàn toàn giành thắng lợi diệt gọn 800 tên chủ lực địch, chiếm trận địa thu toàn bộ vũ khí. Sở dĩ có thắng lợi đó, do nhiều nguyên nhân, song có một nguyên nhân quan trọng là: ta dùng pháo xe kéo để bắn trực tiếp, bằng cách tháo pháo khiêng từng bộ phận đưa lên núi cao đặt ngang tầm cao cụm cứ điểm địch để bắn. Cự ly tầm bắn pháo 105 ly: 5km 600, pháo 85 cự ly bắn: 3km 600, kết quả thật mỹ mãn, do bắn ngắm trực tiếp nên cứ 3 phát đạn hủy diệt được một công sự hỏa điểm kiên cố của địch Cách dùng pháo binh bắn trực tiếp như thế đã trở thành bài học rất tốt cho các trận đánh địch trong công sự vững chắc của sư đoàn, của cả mặt trận Tây Nguyên và Quân khu 5. Là người chỉ huy trực tiếp trận đánh dùng lối pháo bắn trực tiếp này, nên chúng tôi cần viết rõ ràng như thế để cải chính việc gần đây nhiều sách báo nói "ta đưa pháo vào gần bắn thẳng" là không thực tế.

So với trận đánh của sư đoàn ở khu vực Đức Lập, mặc dầu đã nghiên cứu rất kỹ địa hình từ hướng núi Chư Ho có điều kiện khiêng được 2 pháo 105 ly lên đặt bắn thẳng vào hướng núi Lửa do Trung đoàn 28 phụ trách, còn các hướng khác địa hình không cho phép, vì đất bằng và cây to, do đó chỉ khi áp sát được lực lượng gần địch mới đưa được 2 khẩu pháo 85 ly vào để bắn trực tiếp. Rõ ràng thực tiễn khác nhau, phải có sự sáng tạo vận dụng khác nhau.

Song bài học rút ra cho các trận đánh của sư đoàn về sau là:

Thứ nhất: trong mọi hoàn cảnh phải biết tận dụng sử dụng pháo binh bắn ngắm trực tiếp là rất quan trọng. Hai là, từ Bến Hét (Plây Cần) đến Đức Lập đều khẳng định một kinh nghiệm sử dụng pháo binh các loại đều phải kết hợp chặt chẽ với các loại hỏa lực của bộ binh, làm được như vậy sẽ tạo nên sức mạnh tác chiến hiệp đồng binh chủng được tăng thêm gấp bội.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #38 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2016, 10:38:13 pm »


* ĐÁNH BUÔN MA THUỘT

Trong đêm 9 tháng 3 năm 1975, tham mưu chiến dịch thông báo, trận đánh vào thị xã Buôn Ma Thuột sẽ tiến hành đúng kế hoạch. Chúng tôi cũng nhận thức được nhiệm vụ chủ yếu tiếp theo, nên sáng 10 tháng 3 sau khi chấm dứt trận đánh Đức Lập, sư đoàn đã ra lệnh sẵn sàng hành quân, để lại Trung đoàn 28 theo lệnh trên làm dự bi chiến dịch ở hướng Đức Lập.

15 giờ 30 phút ngày 10 tháng 3 năm 1975, sư đoàn bắt liên lạc được với lực lượng vận tải Đoàn 559, lập tức ra lệnh cho bộ đội hành quân theo trục đường dã chiến; 11 giờ ngày 11 tháng 3 năm 1975 đã có mặt ở bắc thị xã Buôn Ma Thuột cách 12km. Sư đoàn đã kết hợp được lực lượng hai hướng vào một mới chỉ huy.

Lúc này trận quyết chiến chủ yếu của chiến dịch đã bắt đầu từ sáng ngày 10 tháng 3 năm 1975.

Lực lượng của sư đoàn đánh trên hướng thị xã Buôn Ma Thuột gồm Trung đoàn 24, một tiểu đoàn pháo binh sư đoàn và được trên giao sư đoàn chỉ huy cả Trung đoàn 95b, do đồng chí Quốc Biên - Sư đoàn phó phụ trách (đồng chí Quốc Biên - nguyên Giám đốc Trường Quân chính mặt trận, được điều về làm Sư đoàn phó tháng 2-1975).

Đồng chí Quốc Biên liền cho tôi biết tình hình đã diễn biến chiến đấu và nói rõ chiến dịch đang giao nhiệm vụ dùng lực lượng đánh Chư Nga và đánh căn cứ hậu cứ trung đoàn 45. Tôi liền trực tiếp xuống Trung đoàn 24. Ban chỉ huy Trung đoàn 24 đã báo cáo cho tôi biết trận đánh thọc sâu vào sở chỉ huy số 23 như sau:

Trung đoàn tổ chức mũi thọc sâu gồm tiểu đoàn 4 Trung đoàn 24 và tiểu đoàn (thiếu) xe tăng, thiết giáp của Trung đoàn 273 (16 xe tăng T54 và xe bọc thép K63) một tiểu đoàn pháo cao xạ 37 ly, hai khẩu 12 ly 7 cùng trinh sát, công binh trung đoàn, sư đoàn, do đồng chí Trương Văn Việt - Trung đoàn phó chỉ huy.

3 giờ sáng ngày 10 tháng 3, sau khi pháo binh, ĐKZ, súng cối bắn, thì xe tăng tăng cường cho trung đoàn mở hết tốc lực, quật ngã cây đã cưa sẵn, theo chỉ dẫn vào tuyến triển khai. 7 giờ 30 phút khi pháo binh chiến dịch ban dồn dập thì xe tăng tiến vào vị trí dừng bắn, yểm hộ cho bộ đội mở cửa. Đánh bật được 4 lớp rào thì bộ đội ào lên chiếm được khu vận tải, rồi thọc sâu vào khu kỹ thuật. Địch đánh trả quyết liệt, ta chiếm được khu truyền tin, đánh tiếp vào nhà tên tiểu đoàn trưởng, lại tưởng nhầm đó là chỉ huy sở sư đoàn 23. Địch ném bom, cao xạ ta bắn trả. Đến 13 giờ 30 phút ta làm chủ cả khu gia binh, nhưng ta cũng bị tổn thất lớn, 60 đồng chí bị thương vong, trong đó có cả đồng chí Quách - tiểu đoàn trưởng nên phải tạm dừng để củng cố lại bộ đội, địch cho xe tăng phản kích bị xe tăng ta đánh trả, diệt nhiều tên và bắt một số.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #39 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2016, 10:38:45 pm »


Qua khai thác tù binh ta biết chỉ huy sở sư đoàn 23 còn cách 1km nên ngay trong đêm 10 tháng 3, Trung đoàn phó Trương Văn Việt cùng cán bộ lên xem xét và lập phương án tác chiến, cùng cán bộ tham mưu mặt trận xuống bàn bạc. Đúng 5 giờ 30 phút sáng ngày 11 tháng 3 sau khi pháo binh chiến dịch bắn dồn dập, bộ đội lên mở cửa rồi vượt lên đánh chiếm được khu liên đoàn bảo an, khu kiến tạo và khu chiến tranh tâm lý. Lúc đó mới thấy biển đề "Bộ tham mưu", thế là xe tăng thiết giáp của ta dẫn đầu bộ binh xông vào đánh chiếm, địch dùng xe tăng ra bịt cửa bị ta bắn cháy hai chiếc; cuối cùng bằng lưỡi lê, báng súng đánh địch, bộ đội ta giành giật từng lô cốt ụ súng mới chiếm được mục tiêu sở chỉ huy sư đoàn 23. Cùng lúc có sự phối hợp với đại đội 7 và xe tăng của Trung đoàn 95b đánh đến và bộ phận Trung đoàn 174 Sư đoàn 316 vào tới nơi. Địch ở hướng đường 129 có 8 xe tăng đến phản kích cũng bị ta đánh bại. Tỉnh trưởng Đắc Lắc Nguyễn Trọng Luật cùng 12 sĩ quan tháo chạy bị bắt. Tư lệnh phó sư đoàn 23 Vũ Thế Quang bị các chiến sĩ Trung đoàn 174 túm cổ ở buôn A Lê. Đến 10 giờ ngày 11 tháng 3 năm 1975 lá cờ quyết thắng được cắm lên nóc nhà sở chỉ huy sư 23.

Nghe qua báo cáo, tôi thấy cuộc chiến đấu thọc sâu vào thị xã, thành phố rất phức tạp, hầu như các đơn vị trong sư đoàn chưa có lần nào phải đánh như lần này, địch thì bố trí sẵn dày đặc xe tăng thiết giáp trong công sự, hỏa lực pháo binh và phi cơ bắn yểm hộ, mục tiêu địch liên tiếp nhiều khu vực, mà ta lại đánh trong hành tiến tiến công không được trinh sát nghiên cứu mục tiêu trước, vừa phát triển tiến công, vừa xác định mục tiêu đánh đã gặp không ít khó khăn.

Tuy nhiên, nhờ cán bộ chỉ huy xông xáo đi sát dẫn đầu, phân đội nhỏ độc đảm chiến đấu, hiệp đồng chặt chẽ với xe tăng thiết giáp đi trong đội hình, ta mới thắng được. Xe tăng thiết giáp cặp đôi đi trong đội hình là một kinh nghiệm hay, cần vận dụng về sau, tôi nói luôn, Trung đoàn 24 cần tổ chức rút kinh nghiệm ngay để phổ biến cho các đơn vị trong sư đoàn.

Theo báo cáo của trung đoàn, như vậy là mũi thọc sâu của Trung đoàn 24 đã diệt được 297 tên địch, bắt 157 tên, thu 2.004 súng các loại, 402 xe ô tô, 100 xe honđa, cùng nhiều thứ khác, ta bị thương vong gần 70 đồng chí.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM