Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 01:10:29 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tây Nguyên dấu ấn một thời  (Đọc 33159 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #20 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2016, 10:15:49 pm »


Cuối tháng 1 năm 1969, trung đoàn được điều động vào mặt trận Tây Nguyên tham gia chiến dịch đánh sư đoàn 4 Mỹ ở phía tây tỉnh Kon Tum. Đại đội 2 tiểu đoàn 1 diệt gần hết một đại đội của tiểu đoàn 1 trung đoàn 12 sư đoàn 4 Mỹ ở Chư Đô (trong đêm 4 tháng 3 năm 1969). Đại đội 28 đặc công của trung đoàn đã đánh vào đại đội B của tiểu đoàn 1 Mỹ, loại khỏi vòng chiến đấu 80 tên, thu 17 súng và 3 PRC25. Trong cùng thời gian đó, trung đoàn đã đánh thiệt hại nhiều đơn vị Mỹ, kết hợp các đơn vị bạn làm thất bại cuộc hành quân cuối cùng của quân viễn chinh Mỹ ở Tây Nguyễn.

Sang giữa năm 1969, trung đoàn đã tham gia đánh nhiều trận trong chiến dịch Đắc Tô 2 với nhiều hình thức tác chiến; năm 1970 tham gia chiến dịch Đắc Xiềng, Tây Bắc đường 18 Kon Tum đi ngã ba biên giới đã cùng phối hợp đơn vị bạn tiêu diệt tiểu đoàn 1 trung đoàn 42. Khi tiến sang đất bạn Lào, đã giải phóng khu vực rộng lớn ở A Tô Pơ và miền tây cao nguyên Bô Lô Ven, tiểu đoàn 2 đã đánh diệt gọn một tiểu đoàn địch, quét sạch địch ở vùng đông bắc Cam-pu-chia.

Năm 1971, trung đoàn tham gia chiến dịch ngã ba biên giới, Ngọc Tu Ba, Ngọc Rinh Rua; năm 1972 tham gia chiến dịch bắc Tây Nguyên, trung đoàn làm nhiệm vụ cắt đường 14 đảm bảo vững chắc cho các đơn vị tiêu diệt địch ở Tân Cảnh - Đắc Tô. Đại đội đặc công của trung đoàn đã lập công xuất sắc; trong đêm 7 tháng 4 năm 1972, đã diệt trận địa pháo địch ở Kong Trang Lang Loi, loại khỏi vòng chiến đấu 150 tên, phá hủy hoàn toàn 2 đại đội pháo binh 105 ly và 155 ly của địch, làm cho lữ đoàn dù địch rơi vào tình trạng lúng túng, khủng khiếp, tạo được cho đơn vị bạn thuộc Sư đoàn 320 của ta tiêu diệt gọn tiểu đoàn 11 dù trên cao điểm 1015 (12 khẩu pháo địch và 24 xe tải cùng 5 xe tăng, xe bọc thép đều bị phá hủy trong trận này). Trung đoàn cũng đã diệt gọn đoàn xe địch chở lính 10 chiếc cùng 8 xe tăng và M113 trong thời gian đó.

Năm 1974, Trung đoàn đã cùng đơn vị bạn lập nhiều chiến công xuất sắc. Tiêu biểu là ngày 30 tháng 10 năm 1974 tiêu diệt khu căn cứ Măng Đen của địch cách phía bắc thị xã Kon Tum 37km trên độ cao 1.000m. Đây là trận đánh tiêu diệt địch trong công sự vững chắc của trung đoàn, toàn bộ ban chỉ huy chiến thuật thuộc tiểu khu Kon Tum, ban chỉ huy chi khu Chương Nghĩa và tiểu đoàn 254 hoàn toàn bị tiêu diệt, giải phóng vùng đất rộng lớn nối liền tỉnh Kon Tum đi Quảng Ngãi.

Nhược điểm của trung đoàn là đánh tiêu diệt địch chưa cao, thương vong tổn thất với ta còn nhiều, tổ chức chỉ huy của trung đoàn chưa có nền nếp chặt chẽ, đánh giằng co phân tán nhiều, chưa phát huy được sức mạnh tập thể cả trung đoàn chưa phát huy được triệt để hình thức tác chiến hiệp đồng các binh chủng.

Mặc dầu Trung đoàn 28 còn bộc lộ những nhược điểm, khuyết điểm trên, nhưng trung đoàn đã trải qua bề dày kinh nghiệm chiến đấu; cán bộ, chiến sĩ có quyết tâm xây dựng đơn vị, qua rèn luyện thích ứng với điều kiện chiến trường biết chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn, chịu khó học hỏi sáng tạo. Đấy là những điểm mấu chốt để xây dựng trung đoàn thành đơn vị mạnh tiến lên tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #21 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2016, 10:16:35 pm »


 
*
* *

Trung đoàn 24 tiền thân là chi đội 3 vệ quốc đoàn thuộc chiến khu 3 Tả Ngạn. Sau này lần lượt nhiều lần đổi tên. Trong chiến tranh chống Pháp, Trung đoàn 24 (cũ) đánh địch trên trục đường số 5 rất anh dũng kiên cường. Bác Hồ đã tặng cho trung đoàn tên "Trung đoàn Trung Dũng".

Có mặt ở chiến trường Tây Nguyên ngày 27 tháng 12 năm 1971, trong chiến dịch Xuân Hè 1972 trung đoàn đã đánh cắt giao thông và đánh phục kích đạt nhiều kết quả.

Thành công lớn nhất của trung đoàn là đánh cắt giao thông địch, tạo được thế chia cắt địch rất lợi hại khi làm nhiệm vụ đánh cắt giao thông ở khu vực đường 14 đoạn núi Chư Thoi, nam thị xã Kon Tum.

Dưới làn mưa bom đạn pháo địch, trung đoàn vẫn kiên cường trụ bám, kết hợp chốt và xuất kích đã đánh lui và đánh thiệt hại trung đoàn 45 trung đoàn 53 và các chi đoàn xe bọc thép địch, giữ vững trận địa cắt giao thông - đường 14 hoàn toàn bị cắt đứt trong nhiều ngày. Trong ác liệt khó khăn và gian khổ, trung đoàn đã phát huy được cách đánh gần để địch vào sát cách công sự 10 – 15m bắn và ném lựu ctạn; dùng B40 - B41 bắn xe tăng, xe bọc thép địch.

Chốt kết hợp vận động xuất kích ngắn là hình thức chiến thuật, trung đoàn đã vận dụng thành công.

Ngày 16 tháng 3 năm 1974, trung đoàn đã vận động bao vây tiêu diệt tiểu đoàn 62 địch ở đông bắc thị xã Kon Tum 7km, diệt 72 tên, làm bị thương 111 tên tại trận, bắt 20 tên địch, thu 51 súng.

Ngày 2 tháng 4 năm 1974, tác chiến hiệp đồng bộ - pháo trung đoàn đánh tập trung tiêu diệt được căn cứ 1227 Kon Rốc chỉ trong 2 giờ, tiêu diệt gọn tiểu đoàn bảo an 280, diệt 116 tên tại trận, bắt 31 tù binh, thu và phá hủy hàng trăm súng, với thương vong của ta: 8 đồng chí hy sinh, 31 đồng chí bị thương.

Nhìn chung Trung đoàn 24 phát triển từng bước có tính toàn diện phù hợp đặc điểm chiến trường. Nhược điểm lớn nhất là đánh hiệp đồng binh chủng còn yếu, chưa có những trận đánh tập trung trung đoàn tiêu diệt gọn tiểu đoàn địch một cách xuất sắc.

Với ba năm có mặt ở chiến trường Tây Nguyên, đó là thời gian thử thách, rèn luyện để Trung đoàn 24 từng bước trở thành trung đoàn mạnh. Cán bộ và chiến sĩ có quyết tâm học hỏi, ý thức chấp hành mệnh lệnh tốt, kiên định vững vàng chịu khó phấn đấu trong mọi hoàn cảnh khó khăn phức tạp, bên cạnh các đơn vị trong sư đoàn có độ dày kinh nghiệm chiến đấu, chắc chắn Trung đoàn 24 sẽ xây dựng thành công để trở thành trung đoàn mạnh, đánh giỏi góp phần xứng đáng vào thành tích chung của sư đoàn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #22 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2016, 10:18:38 pm »


*
* *

Trung đoàn 4 pháo binh sư đoàn thực chất là tổng hợp các tiểu đoàn pháo binh mặt trận, hầu hết đều đã tham gia các chiến dịch trên chiến trường - đánh hiệp đồng binh chủng cũng khá, đánh độc lập luồn sâu cũng giỏi, rất thành thạo sử dụng các loại hỏa lực khác nhau (cối 82 ly, 120 ly, pháo 105 ly Mỹ, lựu pháo 122 ly, pháo 85 ly và cả pháo 155 ly và Đ74 nòng dài) đánh địch trên mọi loại địa hình. Đặc biệt từ 1972, ngay từ ngày mới thành lập trung đoàn đã phát huy tốt hiệu lực pháo binh, tháo rời pháo (xe kéo), khiêng lên núi cao, dùng cách bắn ngắn trực tiếp diệt hỏa điểm, lô cốt, công sự kiên cố của địch trong trận địa vững chắc, chi viện rất đắc lực cho bộ binh, được bộ binh rất tin tưởng.

Cái yếu nhất của trung đoàn là cơ quan mới thành lập, xây dựng chưa có nền nếp, chỉ huy đánh tập trung quy mô lớn chưa thành thạo, tác phong còn luộm thuộm, tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn còn nhiều vấn đề phải đề cập.

Nhưng tôi hy vọng những khuyết điểm, nhược điểm đó của Trung đoàn 4 sẽ sớm được khắc phục vì cán bộ chủ trì các cấp đều đã qua chiến đấu dày dạn, lặn lội nhiều ở chiến trường, có hào hứng phấn khởi và quyết tâm được đứng trong đội hình tập trung của sư đoàn, chiến sĩ các phân đội, khẩu đội hầu hết đã qua chiến đấu, có trình độ và kinh nghiệm chuyên môn, nên trung đoàn sẽ xứng đáng là trung đoàn pháo binh đánh giỏi trong tác chiến hiệp đồng binh chủng của sư đoàn.

Bên cạnh những mặt hạn chế về tác phong nền nếp công tác của các cơ quan sư đoàn, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ trợ lý có hạn, còn phần lớn cán bộ của sư đoàn đã thích ứng với chiến trường, biết sâu sát lăn lộn với đơn vị chiến đấu.

Đặc biệt cái hay và thú vị lúc này là cách tổ chức sắp xếp cán bộ của mặt trận là rất coi trọng và điều động cán bộ kinh qua chiến đấu về cơ quan, điều cán bộ cơ quan xuống đơn vị chiến đấu để rèn luyện, nên giữa cơ quan và đơn vị gần gũi nhau, hiểu biết nhau, gắn bó nhau chặt chẽ, mặt khác lại điều động cán bộ ở chiến trường lâu năm, có trình độ, dày dạn kinh nghiệm chiến đấu sang đơn vị mới để cán bộ học hỏi lẫn nhau, đẩy nhanh tốc độ xây dựng đơn vị. Trên thực tế đó, đã tạo điều kiện cho sư đoàn hình thành một khối thống nhất.

Điểm qua lịch sử của các đơn vị, tôi muốn nói lên một vấn đề rất quan trọng: Sư đoàn 10 là kết tinh truyền thống các đơn vị chủ lực của mặt trận Tây Nguyên. Truyền thống ấy được phát huy triệt để trong suốt thời gian tiếp theo, nổi bật là Xuân 1975 từ chiến dịch Tây Nguyên đến chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, sư đoàn đã đóng góp thành tích xứng đáng với quân đội và nhân dân cả nước - nó đã giải đáp vì sao Sư đoàn 10 Tây Nguyên mới thành lập được 3 năm (1972 - 1975) mà đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu "Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân" ngay từ đợt đầu tiên so cùng các đơn vị sư đoàn khác trong toàn quân1.
_____________________________________
1. Sau 7 năm thành lập (1-1972 - 12-1979) Sư đoàn bộ binh 10 được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân 2 lần:
    - Lần 1 vào ngày 12 tháng 9 năm 1975.
    - Lần 2 vào ngày 20 tháng 12 năm 1979.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #23 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2016, 10:19:14 pm »


Vấn đề đặt ra hiện nay với sư đoàn là nắm bắt cho được yêu cầu tác chiến mới, phấn đấu tạo ra khả năng tập trung thống nhất toàn sư đoàn để trở thành đạo quân tinh nhuệ đánh giỏi tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn.

Qua suy nghĩ về quá trình lịch sử hình thành của các đơn vị trong sư đoàn, tôi nhận thấy: Rõ ràng việc xây dựng sư đoàn đánh tập trung hiệp đồng binh chủng quy mô lớn trở thành một vấn đề vô cùng cấp bách. Sự việc không đơn thuần là làm sao khắc phục nhược điểm yếu kém của từng đơn vị mà quan trọng hơn nữa là phải nâng cao sự hiểu biết về nhận thức, yêu cầu tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn.

Vì thế, sau khi cùng cơ quan chuẩn bị xong, chúng tôi liền bắt tay mở các lớp tập huấn sư đoàn, thành phần tập huấn bao gồm từ cán bộ đại đội trở lên. Cán bộ đều phải luân phiên nhau để được tập huấn kể cả những đơn vị đang chiến đấu. Chỉ trong một thời gian ngắn, chúng tôi đã tiến hành được 3 lớp tập huấn ở cấp sư đoàn cho tất cả cán bộ từ bộ binh đến binh chủng, cùng các cán bộ cơ quan kể cả hậu cần quân y.

Ngoài việc truyền đạt cho anh em biết khái niệm nhận thức tác chiến hiệp đồng binh chủng mà tôi đã tiếp thu được ở Trường Quân sự trung cao cấp, tập huấn đi sâu vào tưởng định: sư đoàn ta tập trung tiêu diệt lữ đoàn của địch ra phản kích ở dã ngoại trong thời gian 5 - 7 ngày, sau đó thừa thắng đánh thẳng vào thị xã, thành phố, tiêu diệt các căn cứ của địch và đánh bại địch phản kích, bằng diễn tập trên sa bàn và bản đồ. Mặt khác tập huấn sư đoàn còn đem các chiến lệ, các trận đánh đã có của từng trung đoàn ra phân tích, nêu rõ nguyên nhân thành công và chưa thành công, không những đi sâu vào chiến thuật... và cách đánh mà qua đó còn chấn chỉnh nền nếp tác phong chỉ huy chiến đấu, kỹ thuật chiến trường và kỷ luật chấp hành các chính sách thương binh, tử sĩ, chính sách chiến lợi phẩm, chính sách tù hàng binh và kỷ luật dân vận.

Tôi nêu một điển hình chiến dịch Đắc Xiêng (năm 1970), ta vây ép đồn Đắc Xiêng để buộc địch đi giải tỏa cho ta đánh, ngày 6 tháng 4 năm 1970 tiểu đoàn biệt kích số 1 của địch đổ quân xuống đồi cao cách Đắc Xiêng 1km về phía đông nam - do dự đoán đúng hướng và đường xuất kích của tiểu đoàn biệt kích, Trung đoàn 66 quyết định dùng tiểu đoàn 8 phục kích để tiêu diệt tiểu đoàn biệt kích này - Trận địa tiểu đoàn 8 có thêm hỏa lực tăng cường của trung đoàn bí mật bố trí phía đông cách cao điểm địch 300m. Trong kế hoạch đại đội 7 lợi dụng thời cơ từ hướng tây lên chiếm cao điểm lúc địch đã rời cao điểm, nhằm khóa đuôi đảm bảo cho tiểu đoàn 8 (-) diệt gọn tiểu đoàn địch. Nhưng thực tế diễn biến, khi địch đã rời cao điểm bắt đầu lọt vào khu vực ta đang phục kích, thì đại đội 7 chiếm được cao điểm, lại rơi vào tình trạng tranh nhau đi sục tìm đồ hộp của địch bỏ lại, cán bộ chỉ huy không nắm được quân, đội hình rất lộn xộn - địch phát hiện, lập tức chúng gọi phi pháo đến oanh tạc làm cho đại đội 7 thương vong nặng, sau đó tiểu đoàn 1 địch trở lại chiếm cao điểm - ta phục kích hụt hẫng, không hoàn thành nhiệm vụ vì bộ đội vi phạm kỷ luật chiến đấu.

Nhớ lần đầu tập huấn cấp sư đoàn, khi bàn kế hoạch thì nhất trí nhưng lúc đưa ra sa bàn để thảo luận thì đồng chí Lã Ngọc Châu có phân vân, đưa xe tăng tăng cường cho các trung đoàn, sẽ trở thành thói quen ỷ lại binh khí kỹ thuật. Tôi hiểu rằng đồng chí Châu xưa nay là cán bộ phụ trách lãnh đạo đơn vị, hầu hết các trận đánh dùng hỏa lực trong biên chế là chính, vả lại đồng chí Châu thấy chiến trường rừng núi cũng không phải trường hợp nào cũng thuận lợi dùng xe tăng, nên phân vân của đồng chí Châu cũng có phần đúng. Vì vậy, chúng tôi đã nhất trí với nhau trong phương án tập huấn có tình huống trung đoàn được tăng cường xe tăng, pháo binh, cao xạ, có tình huống trung đoàn phải tự dùng hỏa lực trong biên chế để đánh thắng địch, hoàn thành nhiệm vụ sư đoàn giao cho.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #24 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2016, 10:20:17 pm »


Một vấn đề nữa làm tôi suy nghĩ là qua các chiến dịch, như năm 1972 đánh vào thị xã Kon Tum, xe tăng thường vượt trước, bộ binh không theo kịp, nên các tổ hỏa lực và các tổ diệt tăng của địch đánh diệt xe tăng ta. Tôi đem vấn đề ra thảo luận quân sự dân chủ trong tập huấn, bàn cãi nhau cũng nhiều, cuối cùng thống nhất sử dụng "xe tăng, thiết giáp cặp đôi", trên thiết giáp có tiểu đội bộ binh từ 6 - 8 đồng chí; để quá trình cơ động, xe tăng luôn luôn có thiết giáp và bộ binh bảo vệ chặn đánh các tổ diệt tăng của địch.

Vấn đề này, sau khi tập kết chiến dịch ở nam Tây Nguyên, được nghe chiến lệ đánh Phước Long, xe tăng ta cũng bị tình trạng tương tự. Chúng tôi càng thấy việc thống nhất trong sư đoàn là tương đối thích hợp; cho đến ngày đánh vào Buôn Ma Thuột (10-3-1975) tiểu đoàn 4 Trung đoàn 24 kết hợp với tiểu đoàn (thiếu), xe tăng, thiết giáp theo cách đó, đã vận dụng thành công mũi thọc sâu  vào chỉ huy sở sư đoàn 23 ngụy. Từ đó về sau, sư đoàn đều áp dụng tương tự.

Tiếp theo các lớp tập huấn sư đoàn, các trung đoàn cũng tiến hành các lớp tập huấn cho cán bộ phân đội từ cán bộ tiểu đội trở lên, đồng thời sư đoàn cũng giao cho tiểu đoàn 28 (tiểu đoàn huấn luyện) tổ chức bồi dưỡng cho cán bộ phân đội (bộ binh và binh chủng). Trong huấn luyện cán bộ phân đội và bộ đội sư đoàn rất coi trọng việc tìm cách sáng tạo phát huy hiệu lực của các loại vũ khí cả của ta và địch, bắn ứng dụng, bắn găm, bắn chìm, bắn kìm thích hợp chiến đấu trong thành phố, đồng thời liên hệ với Trung đoàn 273 xe tăng thiết giáp để tập luyện cán bộ biết đánh hợp đồng; thiết kế trên thao trường đầy rẫy các mô hình xe tăng cho bộ đội luyện tập (bằng gỗ và bằng lá rừng).

Các lớp tập huấn của sư đoàn và trung đoàn đều đạt kết quả tốt, huấn luyện bộ đội luân phiên nhau, cả phía trước phía sau đều được rèn luyện. Đạt được kết quả thực sự sư đoàn đã biến được tinh thần hăng hái sôi sục từ đại hội Đảng thành sức mạnh vật chất mà tạo nên - theo tôi nghĩ cái quý nhất là qua tập huấn, sư đoàn đánh giá được trình độ cán bộ để tiếp tục rèn luyện anh em thêm.

Không khí thao trường ở đơn vị nhộn nhịp bao nhiêu thì cơ quan mặt trận càng dồn nén công việc bấy nhiêu, hết phái đoàn tham mưu xuống kiểm tra huấn luyện, tổ chức cuộc thi đua thành tích xây dựng đơn vị, đến phái đoàn hậu cần xuống sư đoàn kiểm tra vật chất kỹ thuật, các đội sửa chữa súng xuống thu hồi hư hỏng về kho, đổi lại súng mới cho sư đoàn. Phòng Trinh sát mặt trận thì thông báo cho sư đoàn biết tình hình địch lúc đó như sau:

Toàn miền Nam cuối năm 1974 chủ lực quân ngụy có 13 sư đoàn chính quy, 18 liên đoàn biệt động với hơn 2.000 xe tăng và xe bọc thép, 1.500 khẩu đại bác, 6 sư đoàn không quân hàng chục vạn bảo an, dân vệ và cảnh sát, nhưng chúng phải phân tán dàn mỏng. Hai sư đoàn tổng dự bị chiến lược (dù và thủy quân lục chiến) bị giam chân ở Trị - Thiên thường xuyên phải đối phó với khối chủ lực mặt trận Đường 9 ta. Phần lớn lực lượng bộ binh, pháo binh, thiết giáp, không quân và lực lượng quân địa phương tập trung vào tuyến phòng ngự Huế - Đà Nẵng, Sài Gòn, Gia Định một phần ở Cần Thơ, Chương Thiện và đường số 4. Trên địa bàn quân khu 2 (quân khu 5 Tây Nguyên) địch bố trí 2 sư đoàn chủ lực, 7 liên đoàn biệt động, 14 tiểu đoàn và đại đội pháo binh, 5 thiết đoàn và 13 chi đội xe tăng thiết giáp, 2 sư đoàn không quân với 138 máy bay chiến đấu. Thực tiễn các lực lượng này phải rải ra phòng ngự trên 12 tỉnh duyên hải và miền núi.

Riêng ở Tây Nguyên, quân đoàn 2 ngụy phải tập trung hơn hai phần ba lực lượng bộ binh và pháo binh, một sư đoàn không quân và hầu hết các thiết giáp. Chuẩn tướng Lê Văn Thân được cử lên làm tư lệnh phó quân khu 2 để phụ trách các lực lượng an ninh lãnh thổ, sẵn sàng đánh phá cơ sở của ta bằng những kế hoạch đặc biệt. "Chiến dịch bình định cấp tốc, bình định lập tức" đã diễn ra, nhưng không ngăn cản nổi sự phát triển của ta.

Trên khu vực Plây Cu - Kon Tum, địch bố trí sư đoàn 23 (-) 6 liên đoàn biệt động, 2 tiểu đoàn pháo binh, 4 thiết đoàn, 1 liên đoàn và 21 tiểu đoàn bảo an, hướng Đắc Lắc - Quảng Đức có trung đoàn 53 sư đoàn 23, 1 thiết đoàn, 2 tiểu đoàn pháo binh, 12 tiểu đoàn bảo an và liên đoàn biệt động 21. Phú Bổn có 4 tiểu đoàn bảo an.

Cách bố trí lực lượng của địch như vậy bộc lộ nhược điểm rất lớn về phòng ngự, vì quân chủ lực hầu như mắc kẹt vào từng địa phương. Mâu thuẫn giữa ý đồ phòng ngự với khả năng có hạn, mâu thuẫn giữa giữ trận địa và rút lực lượng ra để cơ động. Đó là cơ hội cho ta đánh to thắng lớn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #25 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2016, 10:21:02 pm »


Về ta: Giữa năm 1974, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh cử Thiếu tướng Vũ Lăng vào làm Tư lệnh B3 (mặt trận Tây Nguyên), đại tá Đặng Vũ Hiệp - Chính ủy mặt trận, đồng chí Hoàng Minh Thảo và đồng chí Trần Thế Môn đi nhận công tác nơi khác.

Tháng 9 năm 1972, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh giao nhiệm vụ cho B3 mở chiến dịch Nam Tây Nguyên, chủ yếu là khu vực Đức Lập - Thuần Mẫn, Đắc Lắc. Đảng ủy và Bộ tư lệnh B3 bắt tay vào chuẩn bị, hướng chủ yếu là Đức Lập. Mặt trận đã sớm điều động các lực lượng công binh đi trước mở các trục đường, các kế hoạch được phổ biến cho các đơn vị, đặc biệt là kế hoạch bảo đảm chuyển vật chất xuống phía Nam.

Hội nghị tham mưu mặt trận được triệu tập trong 2 ngày 15 và 16 tháng 11 năm 1974. Sau khi dự hội nghị Tham mưu trưởng Võ Ngọc Phụng báo cáo: Chuấn bị cơ động sư đoàn thiếu, đánh Đức Lập, phối hợp với Sư đoàn 320 đánh trên trục đường 21 - Sê Rê Pôc và phía Nam. Sư đoàn - căn cứ vào đó chuẩn bị, vào ngày 25 tháng 11 Đảng ủy sư đoàn họp quyết định phương án hành quân, giao Trung đoàn 24 ở lại giữ địa bàn tỉnh Kon Tum. Không ngờ lúc đó lại xảy ra chuyện mới: Trung đoàn 24 do đồng chí Vũ Văn Tài làm Trung đoàn trưởng thay đồng chí Đinh Xuân La; đồng chí Bùi Văn Hòe làm Chính ủy thay đồng chí Nguyễn Nghịch, đồng chí Trương Văn Việt làm Trung đoàn phó. Các đồng chí biết được quyết định trên, trong đội ngũ cán bộ Trung đoàn 24 xôn xao hẳn lên. Đảng ủy trung đoàn và ban chỉ huy Trung đoàn 24 đã họp lại, bàn nhau kiến nghị yêu cầu cho trung đoàn đi theo sư đoàn, hứa hẹn quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà cấp trên giao phó.

Trung đoàn trưởng Vũ Văn Tài và Chính ủy Bùi Văn Hòe khẩn trương bám chúng tôi đưa quyết tâm thư. Chúng tôi lúc đó thật sự lúng túng, vì biết rằng nếu thay đổi thì không đơn vị nào chịu ở lại bám trụ Kon Tum.

Tôi cũng có suy nghĩ, muốn cho chúng tôi đánh to thắng lớn thì phải đánh tập trung cả sư đoàn. Chuyện này đã trở thành bài toán hắc búa. Trong chiến đấu, có khi cấp dưới biểu hiện tích cực mà làm cho cấp trên khó xử là thế. Trong khi đang đau đầu, thì được lệnh cấp trên triệu tập sư đoàn trưởng và chính ủy lên mặt trận họp, chúng tôi bàn nhau đi tới một đề nghị với Đảng ủy và Bộ tư lệnh mặt trận cho chúng tôi được cơ động cả sư đoàn.

Vào hội nghị, thảo luận nghị quyết cấp trên và bàn phương án hoạt động, đồng chí Tư lệnh Vũ Lăng tuyên bố kế hoạch hoạt động và cơ động lực lượng, trong đó nói rõ nhiệm vụ của Sư đoàn 10. Lúc này, chúng tôi mới biết rõ có Sư đoàn 968 đang chiến đấu ở Nam Lào, sẽ vào thay Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320 để hai sư đoàn này rút ra và cơ động được cả sư đoàn. Chúng tôi nghe, phấn khởi quá. Bộ tư lệnh mặt trận đã giải thoát cho tôi bài toán hắc búa này. Tôi nghĩ nếu tin này phổ biến cho Trung đoàn 24 thì cán bộ, chiến sĩ trung đoàn sẽ phấn khởi biết chừng nào, và thực tế về sau đã trở thành động lực trung đoàn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Tình hình của sư đoàn lúc đó rất ổn định, vì được cơ động để đánh to thắng lớn nên ai cũng mong chờ, rạo rực như đi trẩy hội, ý thức tự nguyện tự giác được nâng cao, ai cũng tỏ ra sẵn sàng chấp hành triệt để mệnh lệnh trên.

Sau hội nghị trở về, chúng tôi bắt tay vào việc chuẩn bị hành quân và sẵn sàng bàn giao địa bàn cho bạn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #26 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2016, 10:25:21 pm »


Chương hai
TRONG CHIẾN DỊCH TÂY NGUYÊN


* HÀNH QUÂN TẬP KẾT

Cơ động sư đoàn về phía Nam theo đúng lệnh của trên, cơ quan tham mưu mặt trận đã hoàn chỉnh kế hoạch cung trạm và lộ tiêu chỉ dẫn trên trục đường chiến lược. Nhưng phương án tổ chức hành quân từng đơn vị lại thay đổi từng bước, lúc đầu tính kế hoạch đi bộ, chỉ kết hợp một phần cơ giới, kế hoạch của sư đoàn do đó cũng rất vất vả, vừa kế hoạch đi bộ, vừa kế hoạch khi có xe vận tải của Đoàn 559.

Đồng chí Đoàn Ngọc Anh - Trưởng ban Tác chiến của sư đoàn phải vật lộn với kế hoạch, không khác gì chuẩn bị cho kế hoạch tác chiến để sư đoàn bước vào chiến dịch. Nào tiền trạm khi đi bộ, khi có xe, cung trạm, thời gian địa điểm từng khối trên trục đường, nào kế hoạch thứ tự rút quân, tập kết, bàn giao cho đơn vị bạn.

Vấn đề quan trọng nhất lúc đó là giữ bí mật, cấm bộ đội ra với dân, hoặc cứ để như bình thường cũng thành chuyện - cơ quan tham mưu sư đoàn lúc đó cũng thực hiện nghi binh, nhưng quá đơn giản, đến nỗi mấy mụ bán hàng cũng biết - chập tối thì các anh rầm rộ kéo pháo vào như sắp đánh to, đến khuya các anh bí mật rút về.

Từ nhận thức qua thực tiễn, tôi thấy cần nói rõ cho cán bộ biết: Đánh giặc muốn giành được thắng lợi giòn giã, thì phải khôn khéo nghi binh lừa địch. Nghi binh lừa địch gắn liền với giữ bí mật về ta, nếu chủ quan giản đơn thì khó tránh khỏi thất bại. Bộ tư lệnh Sư đoàn lúc đó đã phải họp bàn rất kỹ và quyết định ra lệnh cho tất cả các đơn vị phải tổ chức lại tuyến công sự cho thật tốt, từ cơ quan đến đơn vị phải đi vác gạo đưa lên trận địa đủ ăn một tháng, bảo đảm cho đơn vị bạn đến thay, yên tâm không phải rút lực lượng về phía sau khi quân số có hạn (một trung đoàn phải vào thay thế một sư đoàn). Biết địch thường xuyên theo dõi sự di chuyển của Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320 rất kỹ. Vì chúng cho rằng 2 sư đoàn này có mặt ở đâu, thì ở đó sẽ có đánh lớn. Tương kế tựu kế, sư đoàn đã báo cáo lên cấp trên, để lại toàn bộ phương tiện thông tin vô tuyến cho đơn vị bạn dùng kể cả nhân viên báo vụ và duy trì phát sóng đúng giờ, tung các báo cáo giả lên làn sóng điện coi như sư đoàn vẫn ở chỗ cũ bình thường, tránh tình trạng địch thường theo dõi ta theo tật báo vụ. Cuối cùng được lệnh trên thông báo, có xe vận tải của Đoàn 559 vào để sư đoàn hành quân, lòng tôi phấn khởi hẳn lên. Khi đang chờ xe, sư đoàn triệu tập cuộc họp quân chính để phát động thi đua và lo chuyện tổ chức cho bộ đội ăn Tết sớm. Hội nghị bàn rất sôi nổi. Hậu cần sư đoàn phải báo cáo tỉ mỉ từ lợn và trâu bò đang có trong trại chăn nuôi, nguồn cung cấp trên đưa xuống với gạo nếp, rau, dưa, bộ đội tăng gia được.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #27 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2016, 10:26:09 pm »


Tôi nghĩ: Đã mấy năm liền, từ khi làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 66 cho đến lúc này, bộ đội chiến trường Tây Nguyên chưa năm nào được hưởng một cái Tết tinh tươm. Nhiều Tết sắn cõng gạo, rau rừng, măng khô, lá sắn thay bánh chưng, thịt mỡ dưa hành, bún nem và giờ lụa. Vui chuyện Tết, có đơn vị còn gói bột sắn, nấu thành bánh chưng đặt lên bàn thờ cúng tổ tiên. Dần dà về sau do Đảng ủy mặt trận phát động phong trào tăng gia sản xuất, có lực lượng chuyên trách thì cuộc sống bộ đội mới được cải thiện một chút. Đó là một quá trình ai cũng nhận thức được với chiến trường Tây Nguyên thì tăng gia sản xuất là quan trọng.

Vậy năm nay với nguồn cung cấp trên cho xuống, cộng với kết quả tăng gia được. Tôi háo hức đứng lên thay mặt Bộ tư lệnh Sư đoàn kết luận:

Truyền thống của sư đoàn là đoàn kết, thống nhất. Vậy năm nay ăn Tết cũng phải thể hiện được truyền thống ấy. Chỉ mấy hôm nữa là ngày 22 tháng 12 - kỷ niệm 30 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, ta thống nhất cho bộ đội ăn Tết và kỷ niệm 30 năm ngày truyền thống quân đội thật ý nghĩa. Do đó, ta phải điều chỉnh vật chất vốn có trong sư đoàn, bảo đảm cho mọi đơn vị dù ở tuyến trước hay ở tuyến sau, dù tăng gia được nhiều hay được ít đều phải được hưởng một cái Tết thật tinh tươm. Riêng mục bánh chưng phải gói gạo nếp bốn lạng, nhân thịt một lạng rưỡi bảo đảm cho từng cán bộ và chiến sĩ, ai cũng được ba bánh, tức là: 10 x 3 = 30. Con số đó rất có ý nghĩa với sư đoàn ta. Tất cả hội nghị đều vỗ tay nhất trí. Thế là năm ấy đơn vị ăn Tết đúng ngày kỷ niệm rất rôm rả. Tết ấy sư đoàn và cả các trung đoàn, còn mời đại biểu địa phương đến dự rất đông vui. Có chiến sĩ đã reo lên: "Đoàn kết thống nhất thì ba chiếc bánh chưng nếp là thể hiện thống nhất rồi, từ sư đoàn trưởng đến anh em đoàn kết thống nhất thế thì kiên cường quyết thắng từ đó sẽ làm nên".

Bộ tư lệnh sư đoàn phân công nhau đi thăm và chúc Tết các đơn vị trong toàn sư đoàn. Tôi dừng lại ăn Tết với cán bộ Trung đoàn 66. Rượu nếp làm bằng men vỏ cây leo, rất ngon. Uống rượu say rồi kể chuyện, đọc thơ, tranh nhau nói. Trong cuộc vui ấy tôi cũng làm thơ tức cảnh nói về công tác tăng gia tự túc.

Nâng chén rượu lên, ai ai cũng bảo đúng, ở Tây Nguyên mà không tăng gia thì trụ bám chiến trường sao được. Cuộc sống từ ăn sắn thay cơm, rau rừng hoặc lá sắn khô xào muối, không một chút mõ dính nồi. Nay đã khác trước hàng chục vạn mẫu sắn rải khắp núi, có lợn, gà nuôi trong chuồng, có trâu, bò chăn thả trên các đồi cỏ, có gạo để ăn có nếp để làm bánh, cùng với sự tăng cường vật chất của tuyến chiến lược đưa vào đã bảo đảm cho quân ta bám trụ chắc chắn ở chiến trường gian khổ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #28 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2016, 10:26:52 pm »


Bài hát cây sắn tiến công đã ra đời, niềm vui tin tưởng vào chiến thắng càng thêm vững. Bệnh tật ốm đau vì khí thiêng nước độc đã có phần giảm bớt, sức lực bộ đội được nâng lên, khí thế khác hẳn trước, hiện tượng tiêu cực và đào ngũ hầu như đã giảm hẳn. Không hiểu về sau, những đơn vị được tăng cường vào mặt trận B3 từ năm 1973 còn nhớ hay không? Hành quân dài ngày gian khổ, khó nhọc, nhưng đến B3 đều được các đơn vị tặng cho mỗi người năm cân sắn tươi, vào nương sắn mà nhổ, lấy về ăn. Có chiến sĩ còn khen: Tây Nguyên giàu có. Thật ra đối với tôi, còn nhớ nương sắn, luống khoai Tây Nguyên lắm. Để nhớ những năm tháng được rèn luyện trưởng thành ở Tây Nguyên, nên sau khi giải phóng Sài Gòn tôi đã làm bài thơ kỷ niệm về Tây Nguyên:

Xa rừng nhớ rẫy sắn khoai
Tiễn nhau nhớ lúc muối hoài có măng
Dẫu mai duyên sánh cô Hằng (mặt trăng)
Không phai bóng cội núi rừng Tây Nguyên
Từ trong gian khó làm nên
Tiến cùng đất nước nên thiên sử vàng
Đường đi đêm tối nhớ trăng
Sớm hôm giá lạnh nhớ rừng che sương
Bước chân đi khắp nẻo đường
Còn vang vọng mãi chiến trường Tây Nguyên.


Bộ đội ăn Tết xong thì cũng vừa lúc có tin xe Đoàn 559 tới. Gặp được đại biểu của xe Đoàn 559 do đồng chí Quỳnh - Trung đoàn trưởng phụ trách, chúng tôi đã thống nhất số lượng xe, thời gian và địa điểm, lộ tiêu và người đón xe; quy định đêm đầu tiên của từng khối phải đảm bảo xe vào lúc trời đã tối, 21 giờ 30 phút bộ đội mới lên xe, từ khu tập kết ra bãi xe phải đi đêm để giữ bí mật. Kế hoạch hành quân trình tự mỗi khối đi một đêm, đêm sau tiếp tục khối khác, khu vực tập kết bộ đội đều nằm trong phạm vi hai huyện Đắc Tô và Sa Thầy, từ núi Chư Mon Ray, nam bắc đường 18 đến tây nam huyện Sa Thầy. Bàn giao xong địa bàn từng khu vực cho từng đơn vị, bộ đội ra khu tập kết đều có đủ 2 ngày để tiến hành tổ chức và kiểm tra chuẩn bị hành quân.

Đối với đơn vị bạn, ngoài việc lấy danh nghĩa Sư đoàn 10, còn thống nhất hiểu sư đoàn rút về tuyến sau huấn luyện và cơ động trong phạm vi tỉnh Kon Tum. Công việc được tiến hành suôn sẻ, không hề để lộ cho bất cứ ai biết sư đoàn sắp hành quân xa.

Đội hình của sư đoàn chia thành bốn khối, lấy cơ sở từng trung đoàn, gắn vào đó là bộ phận các cơ quan và trực thuộc, có quy định số lượng xe cho từng bộ phận trong từng khối và chỉ định cán bộ phụ trách. Dọc đường xe được ngụy trang cẩn thận và chạy đèn gầm, tốc độ 20km/h, theo đúng trục tuyến đường chiến lược đi về phía Nam, vào tập kết ở khu vực Đắc Đam, cách tây bắc Đức Lập khoảng 28km. Nhờ kinh nghiệm của bộ đội Trường Sơn - Đoàn 559, xe chạy rất thông suốt, trước 1 giờ đã chuẩn bị xong để bộ đội lên xe trước 7 giờ sáng vào khu tạm dừng. Đến từng nơi tạm trú bộ đội đều phải đào công sự ẩn nấp và làm lán lá để có chỗ nghỉ ngơi, đào bếp Hoàng Cầm để ăn nóng sốt. Đây là kết quả quá trình rèn luyện bộ đội thành nền nếp, chống tạm bợ. Khối đi trước có vất vả, khối đi sau dựa vào đó củng cố thêm. Cuộc hành quân từng khối trong 6 ngày đã tới khu tập kết cuối cùng. Sư đoàn giữ được an toàn bí mật không xảy ra chuyện gì.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #29 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2016, 10:27:29 pm »


Khi sư đoàn đang bận rộn sắp xếp và hành quân, thì bất ngờ đồng chí Phan Quyết - Bí thư tỉnh ủy Kon Tum đến thăm, biếu mỗi đồng chí trong Bộ tư lệnh sư đoàn mỗi người một gói sâm, loại sâm giống như củ gấu dính vào nhau. Chuyện trò vui vẻ, tôi hỏi, và đồng chí Quyết cho biết: đây là sâm núi Ngọc Linh. Giở bản đồ ra xem, tôi thấy núi Ngọc Linh cách thị xã Kon Tum chừng 70 - 80km về hướng đông bắc. Đây là dãy núi Trường Sơn cao nhất, so với mặt biển chừng 2,5km. Đồng chí Quyết cho biết ở đây có đường từ tỉnh Kon Tum đi Quảng Ngãi, xưa kia người đi buôn thường đi qua, khí hậu trên núi loãng và rất lạnh, luộc trứng gà không chín vì nước nấu 50°c đã sôi rồi, có trường hợp con buôn qua núi, đêm nghỉ lại bị chết cóng.

Tôi ngồi ngẫm nghĩ, chuyến thăm của đồng chí Quyết đột ngột, rất cảm động, chắc đồng chí Bí thư tỉnh ủy này đã biết Sư đoàn 10 sắp cơ động xa, nhưng không ai nói với ai cả?

Ngày 26 tháng 2 năm 1975, Trung đoàn 66, khối hành quân đầu tiên của Sư đoàn 10 bí mật rời khỏi hậu cứ Kleng về tập kết ở phía bắc dãy núi Chư Mon Ray rồi tiếp tục hành quân cơ giới về nam Tây Nguyên. Những ngày tiếp theo, Trung đoàn 28, sư đoàn bộ và các đơn vị còn lại của sư đoàn lên đường. Hòa cùng dòng xe chạy vào chiến dịch là những đoàn xe chở cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 10. Ngồi trên xe, người chiến sĩ sư đoàn như thấy Tây Nguyên đang chuyển mình. Ai nấy đều xúc động mỗi khi xe chạy qua những cánh rừng quen thuộc - chiến trường xưa: Ngọc Tô Ba, Sa Thầy, Đức Vinh, Ia Đrăng... những địa danh gợi lên bao kỷ niệm với những chiến công đã đi vào lịch sử.

Đi xa tỉnh Kon Tum ai cũng nhớ thương đồng bào, vì qua năm tháng bám trụ chiến đấu, từ lãnh đạo các cấp của tỉnh và bà con dân tộc ai cũng coi Sư đoàn 10 như anh em ruột thịt mình, như đơn vị của tỉnh mình, của gia đình quê hương mình. Bà con đã từng chia ngọt sẻ bùi, nhường cơm, nhường sắn cho bộ đội ăn để đánh giặc, có gia đình chỉ để thóc giống, ngô giống cho mùa sau, còn bao nhiêu giao cho bộ đội hết, gia đình chỉ ăn sắn, ăn khoai, thiếu muối thì lấy than ăn cùng với sắn. Có em bé mới 13 tuổi cũng tình nguyện với ông già sáu bảy mươi tuổi, đi làm dân công vận tải giúp bộ đội chiến đấu. Bộ đội hy sinh thì dân giúp chôn cất, bộ đội bị thương thì dân cứu chữa, kể sao cho hết tình cảm đồng bào với bộ đội của sư đoàn. Cán bộ và chiến sĩ của sư đoàn càng nhớ thương đồng bào, càng quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ sắp tới. Cuộc chia tay bí mật với đồng bào làm cho đồng bào nhớ thương bộ đội. Chỉ trong 10 ngày, Sư đoàn 10 đã bí mật tập kết xong. Ngày 12 tháng 2 năm 1975, Trung đoàn 24 khối hành quân cuối cùng của Sư đoàn đã tới Đắc Đam, vị trí tập kết chiến dịch đúng thời gian.

Chuẩn bị trọng điểm ở hướng Đức Lập, là khu vực địch đã chiếm giữ lâu ngày, quân chủ lực thì ít, nhưng là vùng đông dân biệt kích, thám báo, bảo an, dân vệ lại rất nhiều. Đi qua khu rừng bị phá vì chất độc màu da cam, lại gặp phải những dãy đồi và sườn núi, dân địa phương chặt cây làm rẫy, cây cối đang đổ ngổn ngang. Đoàn cán bộ gồm hầu hết cán bộ cấp trưởng quân sự từ đại đội trưởng trở lên, chúng tôi vừa chui, vừa nhảy, vừa leo trèo, ban ngày thì dễ bị lộ, ban đêm thì rất khó đi, chỉ tận dụng được ánh trăng đầu tuần, nên nhiều đồng chí bị xước da, sưng trán và cũng không ít đồng chí bị bong gân. Ăn cơm nắm mấy ngày ròng rã, tất cả đều mệt nhoài, nhưng vẫn cố trèo lên đồi cao, sát địch để quan sát các vị trí cứ điểm của địch; trinh sát viên đi trước, cán bộ bám theo, thay nhau hết đơn vị nọ đến đơn vị kia, trung đoàn cùng sư đoàn quan sát xong thì đến cấp tiểu đoàn, đại đội lên nghiên cứu, theo phân công cho từng đơn vị. Thời gian đi chuẩn bị chiến trường mất nửa tháng mới hoàn tất được công việc, bảo đảm được an toàn.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM