Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:57:45 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Từ chiến sĩ  (Đọc 26346 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #90 vào lúc: 03 Tháng Năm, 2016, 09:19:13 pm »


Bộ đội công binh thực sự là nguồn động viên không khí lao động hăng say trên công trường. Hai trung đoàn 259 và 289 tạo nên sức mạnh vật chất kết hợp kỹ thuật hiện đại của sức mạnh truyền thống quân đội là giỏi tổ chức, khéo lãnh đạo, quyết tâm cao. Mặt bằng đổ bê tông mở thêm nhiều điểm cao thấp, dọc ngang. Tầng tầng giàn giáo mọc vút lên. Bốn ngọn đèn pha 500W "thức" suốt đêm chiếu rõ từng gương mặt gái trai, chiến sĩ trên công trường. Bốn cần trục tháp chuyển bê tông lên xuống cần mẫn như con thoi. Tiến độ xây dựng ngày một nhanh hơn.

Trung đoàn 259 và Trung đoàn 289 nhận hai mũi xung kích làm cốt thép và đổ bê tông đã hoàn thành cơ bản. Các chiến sĩ công binh luôn luôn tỏ rõ phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ.

Công trình xây dựng có những lúc gặp khó khăn như không đủ cần trục thép chuyển bê tông; chiến sĩ công binh bắc những cầu đà lao qua hố móng, vươn lên cao chúi xuống thấp, hình thành mặt bằng nối tầng cao, lớp thấp để cho xe cải tiến chở đầy ắp bê tông đến đổ trực tiếp. Năng suất tăng dần lên, chất lượng càng đảm bảo. Các chuyên gia Liên Xô sang giúp ta xây dựng Lăng cũng mặc quần áo lao động màu xanh công nhân, may theo kiểu vỏ áo bông Việt Nam, từng quen thi công theo phương pháp hiện đại, nhưng cũng rất thích cách thi công của ta, vừa kết hợp thủ công với cơ giới, thô sơ với hiện đại. Các đồng chí bạn nói với tôi:

- Đây là một biện pháp thi công khôn ngoan.

Hai tháng cuối, công trường đổ bê tông bằng cả tám tháng trước đó. Cũng như công việc lắp đặt thiết bị, khó nhất là mối hàn. Khi hàn, đòi hỏi những người thợ hàn không chỉ giỏi nghề nghiệp mà phải giàu đức tính chịu khó, kiên trì, bền gan. Có nơi mối hàn luồn ngang rẽ phải lên cao, xuống thấp. Thợ hàn phải uốn người, gấp khúc theo từng cấu kiện nhỏ, to. Nếu ghì mỏ hàn nặng tay một chút thì dễ bị hỏng vì có chỗ hàn thép mỏng như lá lúa. Nhưng nếu nhẹ tay thì không đảm bảo được độ cứng mối hàn. Trong đó, chiến sĩ Trung đoàn 259 có nhiều người hàn giỏi, bảo đảm chất lượng không thua kém những thợ hàn bên ngoài, nhiều lần được chỉ huy công trường ngợi khen. Để đảm bảo hoàn thành Lăng đúng thời hạn, công việc được làm song song xen kẽ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #91 vào lúc: 03 Tháng Năm, 2016, 09:20:14 pm »


Khi thợ bê tông phấn đấu đảm bảo chất lượng công trình thì thợ nề với xô vữa, chiếc bay trèo lên giàn giáo tô trét. Thật xúc động khi nhìn những bác thợ nề mái tóc hoa râm, giương mục kỉnh lên trát vữa vào trần nhà rồi miết đi, miết lại cho phẳng lì. Thợ sơn vôi cũng lao động, nhiệt tình sáng tạo. Họ lọc nước vôi thật trong, không chút vẩn đục, rồi lau rửa, quét, làm đi làm lại hàng chục lần nhằm tạo nên một lớp vôi bền đẹp, không phai nhạt.

Một công việc khá đặc biệt trong xây dựng mà lúc đó ở nước ta là mới mẻ, đó là việc ốp đá. Chúng ta phải nhờ thợ kỹ thuật của bạn dìu dắt. "Anh cả" Liên Xô rất nhiệt tình giúp đỡ. Bạn cử sang một tổ thợ ốp đá giúp chúng ta. Những người thợ bê tông làm xong việc của mình cũng chuyển sang ốp đá, anh em vừa làm vừa học.

Ngày 1 tháng 11 năm 1974 là một ngày đáng ghi nhớ. Những người thợ ốp những tấm đá lên phòng khách. Đó là những tấm đá cẩm thạch Hoa Pháp của tỉnh Hà Tây.

Anh em trong Ban chỉ huy công trường đến xem trực tiếp. Quả là khi ốp đá xong, phòng khách sáng rực lên như gương. Trông thật mát mắt. Việc ốp đá ở tầng thấp còn dễ, ốp đá càng lên cao càng khó khăn hơn. Những người thợ lái cần cẩu giúp chuyển đá lên cao. Họ làm giỏi, không để xảy ra va đập và tai nạn. Những người thợ trên tầng cao chót vót dù trong nắng gắt, gió rét, vẫn nhẹ nhàng tỉ mẩn ốp từng tấm đá vào tường. Hàng nghìn tấm đá ốp phía trong và phía ngoài Lăng Bác đều đảm bảo kỹ thuật cao.

Đến đây tôi cũng nhớ lại trong 120 gái trai làm nhiệm vụ ốp đá công trình Lăng Bác chỉ có một người duy nhất biết được ít phương pháp hiện đại, số còn lại hầu hết đều từ những thợ bê tông, giàn giáo chuyển sang.

Người chỉ huy thi công trực tiếp và là người duy nhất biết ít nhiều phương pháp ốp đá hiện đại nói trên là đồng chí Nguyễn Minh Thế, 45 tuổi, hơn 20 năm làm thợ xây dựng.

Năm 1971, đồng chí Thế có sang Liên Xô, được đến viếng Lăng Lênin. Đồng chí tìm hiểu kỹ thuật ốp đá hiện đại. Từ đó đồng chí mơ về Việt Nam phải hướng dẫn cho mọi người để có nhiều người thợ nắm vững phương pháp này, để làm đẹp nhiều công trình cho Tổ quốc. Niềm mơ ước đó đã đến với đồng chí, hôm nay được ốp đá lên công trình Lăng Bác.

Đồng chí Nguyễn Minh Thế có một kỷ niệm vô giá. Đó là tết Giáp Thìn (1964), đúng ngày mồng một Tết, Bác Hồ đến chúc Tết nhà đồng chí. Lúc vợ chồng đồng chí vừa mới bày hoa, đặt bánh, đốt hương trên bàn thờ thì Bác đến. Cả gia đình quá cảm động, không nói lên lời. Bác thăm hỏi và chúc Tết gia đình và khuyên nhủ: 'Tin vào sức mình, cố gắng đoàn kết, học hỏi nhau, công tác sẽ tốt hơn". Đã 10 năm rồi, lời khuyên của Bác và niềm vinh hạnh ấy luôn luôn giữ mãi trong tim đồng chí.

Trước khi cho ốp đá lên tường, đồng chí Thế cho ốp thử lên mặt bàn cát. Người thợ ốp đá phải có con mắt của người họa sĩ. Ốp làm sao mà tấm đá có mặt bằng rộng hơn một mét vuông phải có mặt bằng như bức tường, thẳng như kẻ chỉ, những đường vân đá màu sắc không so le, chênh lệch. Có 27 loại đá được chọn ốp vào Lăng Bác. Người thợ ốp đá phải sắp xếp làm sao cho hài hòa cân đối là cả một nghệ thuật công phu. Đá ốp làm cờ là phải cờ đang bay, đỏ thắm.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #92 vào lúc: 03 Tháng Năm, 2016, 09:21:44 pm »


Đá ốp phòng thi hài Bác phải làm sao khi đồng chí, đồng bào vào viếng Bác vẫn thấy ấm lòng, không lạnh lẽo. Đá ốp hai đường cầu thang lên phòng Bác, làm sao có cảm giác gần gũi như chân lý của Bác đến với mọi người. Đá ốp phòng khác phải có cảm giác thoáng đãng, đẹp như cây cỏ đất nước, đá ốp cột mang dáng cột nhà sàn của Bác. Mỗi loại đá mang mỗi nơi đến đều có dáng vẻ thể hiện riêng. Người thợ ốp đá không chỉ trung thành với bản vẽ thiết kế mà còn biết thể hiện cái đẹp của những nhà điêu khắc. Vừa làm vừa học, học chuyên gia, học đồng đội. Tổ chức chuyên môn hóa cho từng bộ phận thi công. Người lo đục lỗ, người buộc thép móc đá vào khung, người chuyên nhồi bê tông vào phía sau những tấm đá ốp.

Khó khăn nhất là khi ốp đá ở phía dưới mặt đáy máng nước, ở góc mái vát, chỗ chìa ra như hình mũi mác. Đá phải đưa lên độ cao 20 mét. Có tấm đá nặng hơn hai tạ, to như mặt bàn. Thợ ốp đá luôn luôn ngửa mặt nhìn lên. Có chỗ vừa đổ bê tông, vừa ốp đá liền mạch. Chậm ốp đá là vữa bê tông sẽ khô dần độ nhuyễn. Chậm đổ vữa bê tông ảnh hưởng đến độ bền chặt của công trình. Hai động tác này gắn liền như một. Ốp đá xong, người thợ lại kỳ cọ mài mặt đá, mài đến khi soi rõ bóng mình trong đó là được.

Vật liệu trang trí nội thất trong Lăng phải kể đến một thứ nữa là gỗ. Gỗ được chuyển về Hà Nội từ mọi miền đất nước, không thiếu thứ gỗ gì. Nhưng chọn và bố trí như thế nào là cả một vấn đề lớn. Chúng tôi mời nhiều chuyên gia giỏi đến tham mưu chỉ rõ cách thức sử dụng gỗ. Những sản phẩm gỗ trong Lăng gồm các bộ cửa tủ, lan can, bàn ghế... Mỗi loại sản phẩm mang tên một loại gỗ quý miền Nam, được những bàn tay thợ mộc khắp mọi miền đất nước gia công trau chuốt.

Một sản phẩm được hoàn thành có công của những người thợ hai miền chung sức. Những thợ mộc giàu kinh nghiệm kiến trúc cổ truyền, như thợ mộc Thái Yên (Đức Thọ, Hà Tĩnh), quê hương của đồng chí Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng - đồng chí Trần Phú; thợ mộc Giao Hòa, Cao Đà (tỉnh Nam Hà), thợ mộc Yên Thế quê hương của cụ Đề Thám... Thật cảm động là có nhiều thợ mộc tài giỏi đã ngoài 70 tuổi, nhưng biết tin cần thợ mộc giỏi để làm Lăng Bác, các cụ tự giác mang theo đồ nghề nằng nặc đòi lên xe về Hà Nội bằng được. Có cụ nói rất chân thành: Góp một nhát bào vào xây Lăng Bác, có chết tôi mới thỏa lòng thành kính của mình đối với Bác. Bác đã cứu sống họ hàng và gia đình tôi.

Các cụ vừa lên xe vừa nói lời ruột gan như vậy, chính quyền cũng không nỡ cản lại. Những người thợ mộc tài hoa khắp mọi miền đất nước được mời về làm nội thất cho Lăng, vốn sẵn đức tính cần kiệm nên khi đến công trường vừa buông đồ nghề họ đã hùn sức kê đà, dựng chống, bắc gỗ lên cưa bằng cưa tay của mình.

Tôi đến thăm và có ý kiến:

- Các bác, các cụ là những bậc tài năng, mỗi người có một cách thức của mình, nhưng làm cho Bác, phải đoàn kết, cách nào cũng đẹp, cách nào cũng hay nhưng phải chọn một cách và phải nhất trí tuân theo.

Các bác, các cụ đều phấn khởi nhất trí: - Đồng ý!
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #93 vào lúc: 03 Tháng Năm, 2016, 09:22:22 pm »


Công trường có rất nhiều cưa máy, nếu cưa máy thì rất nhanh, các cụ bảo rằng nếu cưa máy mạch rộng, tốn gỗ. Với lại cưa máy không lựa được thớ gỗ đường vân như mong muốn.

Cứ hai người một dây, hình thành tuyến dọc đứng dưới mái tranh che tạm, những người thợ dùng những lưỡi cưa cổ truyền mỏng sắc như lá lúa đẩy tới đưa lui, kiên nhẫn hàng tháng trời bên những khúc gỗ to vòng tay hai người ôm không xuể. Cưa tay tiện lợi cho ván gỗ và người thợ cũng không cưa xuyên tâm vì cưa theo phương pháp này tuy tấm gỗ có kích thước rộng, đỡ vềnh nhưng lại cắt ngang nhiều đường vân đẹp nên không thể cho được tấm gỗ vừa ý. Thợ xẻ kết hợp hai phương pháp, vừa cưa xuyên tâm vừa cưa tiếp tuyến, nghĩa là tùy theo loại sản phẩm mà đặt mạch cưa. Gỗ làm cửa phía ngoài Lăng chịu nhiều nắng gió phải là gỗ cứng, có lõi sống hàng trăm năm. Gỗ làm lan can đòi hỏi gỗ vừa đẹp vừa bền, vừa dẻo để tạo được những sống lượn chênh chếch, nghiêng nghiêng theo đường đi lên, đi xuống. Gỗ làm mặt tủ, mặt bàn, phải lắm đường vân, sáng bóng như những tấm gương lớn mới đẹp.

Ngày đó, Ban chỉ huy công trường đề ra một phương cách là thi tài: Ai được nhất thì chọn sản phẩm và cách làm của người ấy. Việc này vừa thông minh vừa sòng phẳng. Các tốp thợ ai cũng giỏi, không ai chịu ai, khi qua thi tài thì phải chấp hành người đứng nhất.

Hội thi tài được đông đảo "nam phụ lão ấu" và có những nhà kiến trúc, mỹ thuật vào xem.

Nhiều thợ bậc giỏi nhất phát biểu rất xác đáng:

- Hội thi không phải ăn thua mà chắt lọc tinh hoa nghề mộc cổ truyền của nước ta dâng lên Bác kính yêu!

Đề tài thi là làm một kiểu mộng bằng gỗ trắc. Yều cầu kiểu mộng là kết cấu từ bên trong không có ke, không có chốt, đủ sức giữ thăng bằng cánh cửa nặng 60 kilôgam mỗi lần đóng mở. Nếu mộng không chặt, không khỏe, cửa sẽ bị bửa, méo vênh khó di động. Ba mươi lăm người dự thi kiểu nào cũng đẹp, rất đáng khen ngợi. Có kiểu mộng vuông theo hình chữ thập, có kiểu mộng xiên theo hình lồng khung ảnh. Mỗi kiểu mộng nói lên phong cách kiến trúc mỗi vùng, miền khác nhau của đất nước.

Cuối cùng kiểu mộng được mọi người tán thưởng, ngợi khen nhất là của người thợ mộc Giao Hòa thuộc tỉnh Nam Hà (cũ) sáng tạo. Kiểu mộng này trong nghề mộc gọi là mộng mời. Trông bề ngoài cũng hình xiên góc như khung kính lồng ảnh, nhưng kết cấu bên trong vừa lồng ngang, vừa thắt dọc mộng đã vào là khóa chặt trụ cầu. Những đường vân thớ gỗ bên má mộng vẫn có bước chuyển nối nhau, càng trông càng đẹp như nguyên một tấm gỗ. Kiểu mộng này trở thành kiểu mộng cho tất cả những cửa gỗ trong Lăng Bác.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #94 vào lúc: 03 Tháng Năm, 2016, 09:23:26 pm »


Trong quá trình xây Lăng, các vị lãnh đạo cao nhất của Đảng và Chính phủ luôn đến thăm hỏi và động viên cán bộ, kỹ sư, kỹ thuật viên, công nhân, chiến sĩ công binh trên công trường.

Tôi còn nhớ một lần, Bác Tôn đến thăm công trường. Đó là ngày 18 tháng 5 năm 1974, Bác Tôn là người được toàn dân tộc Việt Nam kính yêu với phẩm chất đạo đức sáng ngời, chí công vô tư. Tuy làm Chủ tịch nước, nhưng khi rảnh rỗi Bác Tôn vẫn lấy đồ nghề sửa chữa xe đạp cho mọi người và bà con xung quanh mà không lấy tiền. Bác thích làm như vậy vì Bác là người thợ rất yêu nghề và rất nhớ nghề thợ của mình.

Đến công trường, mặc dù tuổi cao, nhưng Bác Tôn vẫn đi khắp mọi nơi xem xét, hỏi han cán bộ, công nhân, chiến sĩ, ngợi khen, khích lệ mọi người cố gắng hoàn thành Lăng Bác Hồ đúng thời hạn và chất lượng cao.

Bác Tôn ôn tồn nói với tôi:

- Chú Đặng ạ! Công trình chú làm là hơn mọi công trình khác đó cha nội ạ!

Tôi kính cẩn đáp:

- Vâng ạ! Con cám ơn Bác!

Ngày 19 tháng 5 năm 1974, nghe công trường đã đạt mục tiêu quan trọng về đổ bê tông, Bác Tôn ban lệnh thưởng cho toàn công trường đi thăm nhà Bác Hồ nhân dịp sinh nhật của Người.

Lúc đó, chúng tôi coi đây là một phần thưởng cao quý nhất. Niềm hạnh phúc lớn lao đối với cán bộ, công nhân, chiến sĩ mà bao nhiêu người hy sinh xương máu ngoài chiến trường chưa được dịp vinh dự này.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #95 vào lúc: 03 Tháng Năm, 2016, 09:23:58 pm »


Sáng 20 tháng 5 năm 1974 đẹp trời, mọi người mặc những bộ áo tươm tất, đứng xếp hàng đôi ngay ngắn trước công trường, hồi hộp hướng cặp mắt về nơi Bác Hồ từng ở và làm việc. Cánh cửa khu vườn Bác mở. Ai nấy bồi hồi nhìn những dấu tích còn lại lưu giữ hình Bác. Ao cá, hàng dâm bụt, cây bưởi, cây nhãn..., đâu đâu cũng gợi nhớ về Bác Hồ kính yêu! Tôi bồi hồi xúc động nhớ lại câu thơ của nhà thơ Tố Hữu:

"Đường xoài hoa trắng nắng đu đưa
Còn đâu bóng Bác đi hôm sớm
Ướt lạnh hàng cau, mấy gốc dừa
"

Anh chị em dừng lâu trước nhà sàn có cây vú sữa miền Nam quấn quýt bên hồi. Hương nhài thơm ngát. Vườn nhài được Bác chăm chút, hôm ấy như chờ dịp sinh nhật Bác, dâng nhiều bông hoa trắng muốt!

Trong nhà sàn Bác, ở tầng dưới trên mặt bàn lớn nơi đây Bác thường làm việc với các đồng chí gần gũi với mình đặt ngay ngắn cuốn sách Bác đang đọc dở. Đó là cuốn "Vì nước, vì dân", một loại sách viết về người tốt việc tốt. Mọi người lặng đi, suy nghĩ về cuộc đời cao đẹp của Bác. Cuộc đời mà những công lao hoạt động bao la trời biển của Bác cùng toàn Đảng lãnh đạo nhân dân giành lại non sông đất nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, mà Bác chỉ có một ham muốn tha thiết là dân ta có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành và dân phải giàu, nước phải mạnh. Tất cả đời Bác là vì nước, vì dân!

Đã đến lúc phải về, mọi người con lưu luyến ngẩng lên nhìn phòng Bác một lần nữa. Một cuộc đời vị Cha già dân tộc ăn ở thật giản dị khiêm nhường. Ai cũng bùi ngùi xúc động!

Ra về, trở lại công trường, cán bộ, công nhân, chiến sĩ được tăng thêm sức lực mới. Mọi người lao động nhiệt tình hơn, hăng say hơn, quyết tâm phấn đấu xây dựng Lăng Bác hoàn thành đúng thời hạn.

Tôi là người đã xây nhiều công trình, mỗi công trình để lại cho tôi nhiều kỷ niệm. Nhưng chưa có một công trình nào mà tôi cảm thấy mình gắn bó mật thiết như công trình xây Lăng Bác. Cùng với mọi người, tất cả tâm lực, trí lực của mình tôi dành cho công trình này.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #96 vào lúc: 03 Tháng Năm, 2016, 09:24:40 pm »


Các lực lượng xây dựng vẫn sôi nổi lao động. Anh Lê Hãn và các đồng chí trong Ban chỉ huy công trường chạy như con thoi để tìm nguyên vật liệu cần thiết cho việc xây Lăng ở những công đoạn nước rút. Phần việc vô cùng quan trọng là lắp đặt toàn bộ thiết bị trong Lăng. Đây là phần việc hoàn toàn mới, có nhiều khó khăn và giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giữ gìn lâu dài thi hài Bác kính yêu. Phần việc này cấp trên giao cho cán bộ, chiến sĩ công binh. Bộ Tư lệnh Công binh đã điều tới những cán bộ, chiến sĩ ưu tú có trình độ khoa học kỹ thuật chuyên ngành rất cao mà anh em kỹ thuật công trường phong cho nhau là "vua" chuyên ngành. Đồng chí Chiến là "vua điều hòa", đồng chí Thành là "vua điện". Trùm lên các ”vua" là "vua" Quyền. Tôi cũng được mệnh danh là "vua công trình". Được trao phần việc trọng đại này, anh em cán bộ, chiến sĩ rất tự hào, vinh dự, cũng biết là khó khăn nặng nề nhưng ai nấy đều tỏ rõ quyết tâm vượt qua khó khăn và hoàn thành nhiệm vụ được giao phó!

Đất nước ta ở vào vùng nhiệt đới khí hậu khắc nghiệt. Các chuyên gia Liên Xô đã có kinh nghiệm trong việc bảo quản, chảm sóc thi hài Lênin mấy chục năm qua không khỏi băn khoăn khi tiếp xúc với khí hậu nhiệt đới nước ta. Làm sao khống chế độ ẩm dưới 5% cho phép để trừ các loại vi khuẩn độc hại, để không gian để thi hài Bác trong lành, tinh khiết. Cán bộ, chiến sĩ công binh, những người năng động cùng với chuyên gia Liên Xô đã hoàn thành tốt công việc trên. Đó là một thắng lợi lớn!

Tiếp đến là việc làm hòm kính để đặt thi hài Bác. Lúc này nếu chờ vật liệu ở nước ngoài về thì lâu quá và chưa chắc đã bảo đảm khí hậu nước ta. Bàn bạc việc làm hòm kính có cả các vị lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước. Ai cũng nhất trí là dùng vật liệu có sẵn ở trong nước, về thép lấy thép máy bay, còn kính thì tìm trong các kho tàng ở các cơ quan, xí nghiệp chuyên dùng kính. Đồng chí Quyền "vua" của các loại "vua" đã tìm được kính ở hiệu kính Tràng Tiền là bảo đảm chất lượng tốt nhất để làm hòm kính đặt thi hài Bác. Tôi cho anh em mua về.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #97 vào lúc: 03 Tháng Năm, 2016, 09:25:32 pm »


Về mẫu hòm kính đựng thi hài Bác, có nhiều ý kiến tranh cãi. Người thì đưa ra khối chữ nhật, người thì đưa ra khối hộp hình thang cân. Tôi đưa ra khối mẫu hình có tham khảo hòm thủy tinh đựng thi hài Lênin.

Đồng chí Trường Chinh phát biểu rất thẳng thắn, chân tình:

- Chúng ta phải làm thế nào cho dân tộc, đại chúng, trang nghiêm.

Sau khi xem qua mô hình của tôi, đồng chí phê phán hơi gay gắt:

- Các đồng chí học nước ngoài rồi mô phỏng theo nước ngoài sao?

Đồng chí Lê Duẩn cũng vào xem và có ý kiến. Cuối cùng, mọi người nhất trí kiểu hòm kính như hiện giờ Bác nằm.

Sau khi nhất trí kiểu hòm kính, mọi người bắt tay vào công việc. Anh chị em làm việc liên tục ngày đêm, có người không biết đến ngày nghỉ, cố gắng để xong trước tiến độ đề ra.

Việc lắp đặt các thiết bị đã được hoàn thành. Đó là ngày vui lớn của toàn thể công trường, đặc biệt cán bộ, chiến sĩ công binh. Chúng tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, sử dụng tốt những thiết bị quý giá nước bạn tặng cho ta.

Phòng để thi hài Bác là nơi trang trọng nhất. Trên tường cao hai lá cờ Đảng và cờ Tổ quốc. Hai lá cờ này làm bằng những mẫu đá quý mà đồng bào, chiến sĩ khắp mọi miền đất nước gửi về. Đá được qua các loại máy hiện đại xẻ mỏng, cắt vuông vắn, mài bóng. Sau đó người thợ chọn trong hàng vạn mảnh đá ấy lấy 4.000 mảnh có màu sắc tươi đẹp nhất, ghép đủ hai lá cờ. Nhờ sự giúp đỡ của nhiều cơ quan khoa học và trường đại học, nhà máy chế tạo một loại keo đặc biệt, người ta dùng keo này gắn 4.000 mảnh đá nhỏ thành một mảnh đá to phẳng lì.

Đá vàng dùng để ghép hình ngôi sao và hình búa liềm; tất cả cũng được chế tác công phu như đá đỏ. Trong lúc hai lá cờ đang được kết cấu thì miền Nam gửi ra những mẫu đá quý vừa tìm được. Những mẫu đá được chế biến để ghép vào hai lá cờ. Một mảnh đá quý màu đỏ được đặt trên cờ Đảng, nơi cán búa, một viên đá vàng được đặt nơi trung tâm ngôi sao cờ Tổ quốc. Hai lá cờ ghép bằng đá quý của hai miền đất nước. Nghệ thuật ghép công phu, tinh tế làm cho hai lá cờ giữ được vẻ mềm mại như đang bay, đúng như câu thơ của nhà thơ Tố Hữu từng viết:

"Cờ đỏ bay quanh tóc bạc Bác Hồ”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #98 vào lúc: 03 Tháng Năm, 2016, 09:26:35 pm »




Công trình xây dựng Lăng Bác Hồ đang dần đi đến giai đoạn hoàn tất, thì cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta kết thúc thắng lợi. Ngày 30 tháng 4 năm 1975, chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 toàn thắng. Đất nước sạch bóng quân thù, giang sơn Bắc - Nam thu về một mối. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã thực hiện xuất sắc Di chúc của Bác Hồ:

"Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào".

Miền Nam đã giải phóng rồi, nhưng Bác lại đi xa, Bác không vào thăm được miền Nam. Chúng tôi vui với chiến thắng vĩ đại của dân tộc bao nhiêu thì lại thương Bác bấy nhiêu. Miền Nam luôn trong tim Bác, thế mà Bác không bao giờ vào thăm nữa. Không chỉ riêng tôi mà anh em trong Bộ Tư lệnh Công binh, anh em trên công trường xây dựng Lăng Bác đều bồi hồi xúc động, ngàn lần tiếc thương Bác kính yêu.

Công trình xây Lăng Bác tiến hành đúng kế hoạch và ở giai đoạn cuối. Phần cơ bản đã hoàn thành. Song song với việc xây Lăng; Quảng trường Ba Đình cũng được cải tạo sao cho xứng đáng với nơi tôn nghiêm và sẽ chứng kiến nhiều sự kiện lớn lao của đất nước từ trước đến nay và mãi mãi về sau.

Những cán bộ thiết kế theo yêu cầu tạo ra được một quảng trường rộng lớn theo yêu cầu thẩm mỹ và kỹ thuật.

Giữa Quảng trường là những ô cỏ với hệ thống bơm tưới chủ động không bị úng khi mưa lũ. Cỏ được chọn trong số các giống cỏ lạ, đẹp, bền... Đường Hùng Vương được xây theo tiêu chuẩn vĩnh cửu, rải bê tông dày để duyệt binh trong các ngày lễ lớn.

Hệ thống chiếu sáng Quảng trường gồm hàng trăm ngọn đèn cao áp thủy ngân và bốn cây đèn rất lớn đủ bảo đảm ánh sáng đêm cũng như ngày.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #99 vào lúc: 03 Tháng Năm, 2016, 09:27:11 pm »


Việc trồng cây ở Quảng trường và chung quanh Lăng Bác được xem xét tỉ mỉ, chu đáo và được cấp trên duyệt mới được thực thi.

Hai hàng vạn tuế, mỗi hàng chín cây đứng hai bên Lăng như người vệ sĩ; hai cây đại đứng sát chân Lăng tôn thêm sự trường cửu. Những mảnh vườn sát sau Lăng trồng xen nhiều cây cỏ, hoa thơm.

Ban đêm, cả Quảng trường rực sáng, thấy rõ Lăng Bác uy nghi, trầm mặc rất tôn nghiêm nhưng cũng rất gần gũi với mọi người.

Đợt cuối cùng, tôi và các cán bộ, chiến sĩ hai trung đoàn công binh 259, 289 kiểm tra lần cuối hệ thống trang thiết bị đã được hoàn chỉnh; cho chạy thử thệ thống máy, theo dõi chặt chẽ các thông số kỹ thuật; kịp thời điều chỉnh cho đạt yêu cầu cao nhất. Tất cả diễn ra rất tốt đẹp để có thể đưa thi hài Bác về ngôi nhà vĩnh cửu của Người.

Từ cuối tháng 5 năm 1975, việc chuẩn bị đưa thi hài Bác từ K84 về Hà Nội đã được chuẩn bị tích cực, chu đáo theo chỉ đạo chặt chẽ của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương.

Ngày 18 tháng 7 năm 1975, thi hài Bác chính thức được chuyển từ Sơn Tây về Hà Nội. 20 giờ hôm đó đoàn xe hộ tống thi hài Bác về tới Lăng. Nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương đã đợi sẵn ở phía sau Lăng. Sau khi thi hài Bác được trang trọng rước vào phòng chờ; đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Phó chủ tịch nước thay mặt Trung ương Đảng, Nhà nước ta nói lời chào mừng ngày Bác trở về Hà Nội; bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Đảng, Nhà nước, nhân dân và các nhà khoa học Liên Xô đã tận tình giúp đỡ Việt Nam trong việc giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng Lăng của Người.

Từ ngày 18 tháng 7 năm 1975, Bác Hồ kính yêu của chúng ta yên nghỉ trong Lăng của Bác.

Ngày 29 tháng 8 năm 1975, Đảng và Nhà nước ta long trọng tổ chức lễ khánh thành Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cả nước vui mừng hướng về Ba Đình, Hà Nội, theo dõi các đoàn đại biểu thay mặt nhân dân cả nước đã góp công sức xây Lăng, vào Lăng viếng Bác. Từ người thiết kế đến người đào móng, từ một người lắp đặt thiết bị đến người đánh bóng tấm đá, từ người lái xe vận chuyển vật liệu đến người chiến sĩ bảo vệ, từ người lao động bình thường đến những chiến sĩ công binh, đã lao động cần mẫn trên 700 ngày đêm để công trình Lăng Bác được hoàn thành.

Sau khi viếng Bác về, lòng tôi nhẹ nhõm lâng lâng bởi đã đóng góp trí lực của mình cùng các chiến sĩ, đồng bào làm được một việc có ý nghĩa nhất trong cuộc đời mình.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM