Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 01:21:33 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Từ chiến sĩ  (Đọc 26486 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #80 vào lúc: 03 Tháng Năm, 2016, 09:11:36 pm »




Mọi hoạt động ở K84 đang diễn ra bình thường, thì bất ngờ, đêm 20 rạng ngày 21 tháng 11 năm 1970, đế quốc Mỹ tổ chức cuộc tập kích đường không xuống Sơn Tây, hòng giải cứu số giặc lái của chúng bị ta bắt, giữ tại đây. Mặc dù mưu đồ của chúng không thực hiện được, vì ta đã chuyển số giặc lái Mỹ đến một vị trí mới từ trước, nhưng việc địch tập kích xuống Sơn Tây, buộc chúng ta phải tăng cường nêu cao cảnh giác. Đặc biệt, sau sự kiện trên, đòi hỏi công tác bảo đảm an ninh trong nhiệm vụ bảo vệ, giữ gìn lâu dài thi hài Bác Hồ phải cẩn trọng, nghiêm ngặt hơn. Liền sau đó, Bộ Chính trị quyết định tạm thời đưa thi hài Bác về Hà Nội - trở lại 75A.

Mùa hè năm 1971, một trận lũ lịch sử đã xảy ra ở Bắc Bộ. Hà Nội đứng trước-nguy cơ ngập lụt. Ngày 19 tháng 8 năm 1971, Quân ủy Trung ương quyết định đưa thi hài Bác lên K84.

Với chủ trương bảo vệ an toàn tuyệt đối thi hài của Bác, mùa hè năm 1972, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương quyết định xây dựng một cơ sở để bảo quản thi hài của Bác ở bên kia sông Đà, dự phòng cho K84 và H21 được chọn xây dựng công trình dự phòng này. Một lần nữa bộ đội công binh vinh dự được giao nhiệm vụ thi công H21 và tôi vinh dự được tham gia chỉ đạo thi công H21. "Tuy đã có kinh nghiệm thi công các công trình ngầm và cải tạo các hang động, nhưng các chiến sĩ công binh đã phải làm việc trong điều kiện vô cùng khó khăn. Vào thời điểm này, ở khu vực thi công mưa nắng thất thường, hơi núi bốc lên ngùn ngụt; muỗi, vắt sinh sôi nảy nở nhiều như trấu, lại có nhiều rắn rết. Bộ đội phải thi công cả ngày lẫn đêm để kịp tiến độ, và để giữ bí mật, bởi vì H21 chỉ cách tỉnh lộ 200 mét. Sau 20 ngày đêm lao động cực nhọc, các chiến sĩ công binh đã hoàn thành một công việc ngoài sức tưởng tượng: đục phá 70 mét khối đất đá, đào một giếng với khối lượng 25 mét khối đất, xây 5 buồng công tác, 3 bể chứa nước, lắp đặt toàn bộ thiết bị trạm điện, trạm bơm, hệ thống cung cấp và thoát nước..."1.

Sau khi H21 hoàn thành, đêm 11 tháng 7 năm 1972, việc chuyển thi hài Bác Hồ từ K84 vượt sông Đà sang H21 diễn ra an toàn tuyệt đối.

Ngày 27 tháng 1 năm 1973, Hiệp định Pari về Việt Nam được ký kết. Theo Hiệp định, đế quốc Mỹ buộc phải chấm dứt mọi hoạt động đánh phá miền Bắc, rút quân Mỹ và chư hầu khỏi miền Nam Việt Nam.

Hòa bình đã trở lại trên miền Bắc. Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định đưa thi hài của Bác Hồ từ H21 về K84.

Đúng 21 giờ ngày 8 tháng 2 năm 1973 - mùng 4 Tết Quý Sửu, đoàn xe hộ tống thi hài của Bác rời H21. Ít ngày sau đó, theo lệnh trên, anh em công binh xây lấp cửa hang, xóa hết mọi dấu vết. Công trình H21 hoàn thành sứ mạng lịch sử.
_______________________________
1. Trần Kinh Chi: Những năm tháng... Sđd, tr. 99.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #81 vào lúc: 03 Tháng Năm, 2016, 09:12:29 pm »



 
Cùng với quyết định giữ gìn lâu dài thi hài của Bác Hồ, thể theo nguyện vọng tha thiết của các tầng lớp nhân dân, đồng thời để thể hiện niềm tôn kính, lòng biết ơn công lao trời biển của Bác Hồ đối với dân, với nước, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một lần nữa, Binh chủng Công binh được trực tiếp xây dựng Lăng cho Người. Tôi được cấp trên tin tưởng giao trọng trách trực tiếp phụ trách lực lượng công binh tham gia xây dựng công trình quan trọng này. Bộ Tư lệnh Công binh tổ chức một công trường, huy động hầu hết cán bộ kỹ thuật đầu ngành của cơ quan, lấy lực lượng của Trung đoàn 259 và Xưởng 49 làm nòng cốt; đồng thời cấp trên cho huy động cán bộ kỹ thuật và công nhân lành nghề ở các quân chủng, binh chủng bổ sung cho công trường. Trong quá trình xây dựng, tôi còn điều một bộ phận của Trung đoàn 298 tham gia.

Từ mùa Thu năm 1970, trên các ngả đường Hà Nội, Hải Phòng, Vinh, Thái Nguyên, Sơn La từng đoàn người đổ về Hà Nội; xem và góp ý 38 phương án thiết kế mẫu Lăng Bác. Đồng thời, những công nhân, kỹ sư, cán bộ của các ngành xây dựng, địa chất, Cục Bản đồ... được giao nhiệm vụ đi tìm nguồn vật liệu quý để xây Lăng.

Ngày 18 tháng 6 năm 1973, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước họp lần cuối quyết định xây Lăng. Ban chỉ huy công trình xây Lăng Bác đã được thành lập. Một đồng chí Thứ trưởng Bộ Xây dựng làm chỉ huy trưởng. Tôi là Phó chỉ huy thứ nhất. Chúng tôi mời anh Lê Hãn - đại tá quân đội (là con của Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam lúc đó là đồng chí Lê Duẩn) làm Phó chỉ huy công trình. Ban chỉ huy đều thống nhất một lòng một dạ, tận tâm tận lực làm ngôi nhà vĩnh hằng cho Bác.

Ngày 2 tháng 9 năm 1973, công trường xây Lăng chính thức khởi công. Mặt đất quảng trường còn sũng nước mưa hôm trước, nhưng công việc vẫn được tiến hành. Búa đóng cọc đóng liền một lúc 250 cọc thép. Đội xe 75 gọi là xe "bò tót" xếp hàng thứ tự tiến lại gần máy xúc đất. Lần lượt những chiếc xe chở đất ở vị trí xây Lăng, đổ cho khu đầm lầy xây dựng Bệnh viện trẻ em. Các đồng chí xây dựng công trình làm theo tấm lòng của Bác. Bác lúc nào cũng dành muôn vàn tình yêu thương cho các cháu thiếu niên, nhi đồng.

Việc chuyển một khối đất khổng lồ xuống một đầm lầy, gặp rất nhiều khó khăn trắc trở, những người lái xe đội 75 kiên quyết vượt qua. Họ đổ gạch đá chống lầy và mở thêm đường tiến sâu vào vũng nước.

Thời hạn quy định xây Lăng là 2 năm, tức là đến tháng 8 năm 1975 phải hoàn thành để kỷ niệm 30 năm Quốc khánh. Lúc này chưa ai nghĩ rằng miền Nam sẽ giải phóng trước đó 4 tháng. Thật là một "điểm hẹn vàng".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #82 vào lúc: 03 Tháng Năm, 2016, 09:13:06 pm »


Ban chỉ huy xây dựng công trình Lăng Bác đã xác định được yêu cầu về chất lượng là không được nhân nhượng vì đây là một công trình tồn tại lâu dài. Yêu cầu về thẩm mỹ là làm sao cho Lăng vừa mang tính chất hiện đại vừa khoa học, vừa giản dị trang trọng.

Khó khăn là không ít. Nhưng một thuận lợi hết sức cơ bản là tình cảm của mọi người đối với Bác. Nói đến xây Lăng của Bác là các địa phương, thậm chí mọi người dân, nếu cần sẽ sẵn sàng góp công, góp của ngay.

Thời ấy xi măng rất hiếm, mà công trường cần một khối lượng xi măng khổng lồ, không những thế phải loại xi măng đặc biệt. Tôi và đồng chí Lê Hãn về làm việc với lãnh đạo Nhà máy xi măng Hải Phòng để tìm lối ra.

Các đồng chí dưới ấy cũng hết sức băn khoăn, tấm lòng đối với Bác thì có thừa nhưng trình độ kỹ thuật lại thiếu, nếu không nói là yếu kém. Sản xuất xi măng mác thường còn khó khăn vất vả, bây giờ sản xuất xi măng mác cao cho những công trình đặc biệt, nhất là lại công trình xây Lăng của Bác thì khó khăn biết bao nhiêu! Nhưng không thể hứa hão, qua chuyện mà vì công việc thiêng liêng nên Ban lãnh đạo Nhà máy xi măng Hải Phòng xin cấp trên cho quyết định rồi thử nghiệm sản xuất.

Tất cả những lãnh đạo nhà máy, cán bộ kỹ thuật, kỹ sư ngày đêm suy nghĩ, thực hành thí nghiệm làm thử loại xi măng đặc biệt. Lúc đầu làm năm chục cân, đưa vào máy ép chịu lực. Một tin đáng mừng là xi măng chất lượng tốt. Nhà máy cho sản xuất ngay 50 tấn. Được nhiều nơi thử nghiệm và kết luận là xi măng vừa sản xuất vượt những yêu cầu của những công trình đặc biệt. Lãnh đạo Nhà máy xi măng Hải Phòng phấn khởi báo cáo với Ban chỉ huy công trường nhận sản xuất xi măng xây dựng Lăng Bác đủ khối lượng và đúng thời hạn.

Kết quả thật khả quan, những sự nỗ lực của cán bộ công nhân Nhà máy xi măng Hải Phòng là lớn lao. Khi gặp gỡ lãnh đạo nhà máy và được các đồng chí báo cáo tôi mới hiểu quy trình làm xi măng mác cao thật là gian khó, nhưng cũng chứng tỏ sự thông minh sáng tạo của anh chị em công nhân, cán bộ, kỹ sư. Các đồng chí lãnh đạo nhà máy cho biết: Muốn sản xuất một khối xi măng đặc biệt, cần có hàng trăm mét khối các chất phụ gia, trước tiên là đất Cổ Pháp.

Cổ Pháp là một làng ngoại thành ở Hải Phòng, ở đây có những đồi đất màu nâu, bà con thường lấy đất để trình tường làm nhà ở. Những bức tường này đạn không xuyên thủng. Thời chống Pháp, Cổ Pháp và cả Thủy Nguyên là chiến lũy đánh Tây. Chính những thành lũy bằng đất Cổ Pháp đã làm chùn tay thực dân, góp phần đẩy lùi nhiều cuộc càn quét của lính Pháp.

Khi chọn đất Cổ Pháp để làm xi măng góp phần xây dựng Lăng Bác, cả làng già trẻ đều rất vui mừng, nô nức lấy đất chuyển về cho Nhà máy xi măng Hải Phòng. Anh chị em mỏ đá Tràng Kênh cũng chọn những lô đá tốt nhất dành cho những mẻ xi măng đặc biệt. Địa phương Anh Vàng là nơi có đá tốt nhất, có điều rất khó lấy, khó vận chuyển. Nhưng không khó khăn nào không vượt qua khi lòng yêu thương Bác được nhân lên hàng vạn lần. Chỉ một thời gian ngắn, lượng đá Anh Vàng đã lấy đủ cho Nhà máy xi măng Hải Phòng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #83 vào lúc: 03 Tháng Năm, 2016, 09:13:54 pm »


Ở tại nhà máy xi măng, anh chị em công nhân ngày đêm làm việc, sửa chữa lò máng, thông lò nung, thay bi trong máy nghiền. Cán bộ kỹ thuật theo dõi chặt chẽ từng khâu dây chuyền sản xuất. Tất cả các mẻ xi măng đặc biệt tuôn chảy kịp ra lò đáp ứng và vượt yêu cầu công trường.

Xi măng đặc biệt được đóng vào những bao đặc biệt có dòng chữ: "Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại" và được chuyển về Hà Nội. Nhà máy xi măng Hải Phòng đã có một đóng góp đáng kể vào việc xây dựng Lăng của Bác.

Một vật liệu quan trọng nữa để xây dựng Lăng là đá. Nước ta đá không thiếu, nhưng đá quý và đạt yêu cầu thì rất hiếm. Những ngày đó ở công trường đã được báo cáo có gần 300 mẫu đá, hơn 20 loại đá ở khắp mọi miền đất nước được gửi về theo yêu cầu xây dựng. Bộ phận vật liệu xây dựng của công trường tuyển chọn và kiểm nghiệm. Chúng tôi biết rõ công nhân, cán bộ kỹ thuật phải làm việc trong hoàn cảnh sơ tán khó khăn, lại thiếu phương tiện máy móc nhưng rồi mọi người cũng vượt qua, Những lần kiểm nghiệm đá xây dựng, tôi mới biết thêm các nguồn đá như: đá bazan Vĩnh Linh màu đen thẫm, đá Đèo Thệm (Sơn La) màu xanh mơ như lá cây ban, đá Phú Lợi (Nghệ An) màu vàng nâu, đá Hoa Pháp (Hà Tây) có cụm vân trắng như mây, được anh em Đoàn địa chất 47 và Cục Bản đồ tìm được. Màu đá này đỏ đẹp như màu cờ Đảng và cờ Tổ quốc.

Xí nghiệp An Dương được giao gia công đá. Tôi điện hỏi các đồng chí lãnh đạo xí nghiệp, anh em báo cáo tình hình rất tốt. Màu đá Bá Thước (Thanh Hóa) chính là màu cờ đỏ.

Ban chỉ huy công trường cử đặc phái viên vào Bá Thước mở công trường khai thác đá đỏ. Công trường mở bên thôn Điền Lư, làng Ruồng, xã Điền Hải. Nơi đó đã in dấu chân khởi nghĩa của người anh hùng dân tộc Lê Lợi. Bà con dân tộc Thái, Mường ở quanh vùng nghe tin lấy đá về xây Lăng Bác cũng nô nức đi tìm. Hơn 600 người tình nguyện gom nhặt. Nhiều ông cụ, bà cụ đã thất tuần rồi vẫn bảo con cháu dẫn vào khe suối để chỉ nơi có hồng ngọc.

Công trường đã có đá hoa cương Điện Biên sáng lấp lánh như gương, đá núi Lở, Thanh Hóa trắng ngần không khác gì bông tuyết ở Ý.

Tuy vậy đến năm 1973 vẫn chưa phát hiện ở đâu có loại đá màu đỏ cờ. Lúc này, trên miền Bắc, sau khi quân và dân ta thắng trận lịch sử "Điện Biên Phủ trên không", Hiệp định Pari đã được ký kết hơn nửa năm, quân và dân ta đang nỗ lực khôi phục kinh tế, đẩy mạnh quốc phòng. Ở miền Nam, sau khi những tên lính viễn chinh Mỹ cuối cùng đã rút khỏi nước ta, quân và dân miền Nam đã đánh trả quân ngụy lấn chiếm vùng giải phóng. Việc xây dựng Lăng Bác càng đẩy nhanh, khẩn trương. Hai mươi sáu tỉnh thành, 14 bộ, tổng cục trên miền Bắc đưa đến công trình những công nhân, xã viên, cán bộ, kỹ sư nhiệt tình lao động, hiểu biết về nghề xây dựng, nghề mộc, rèn, chạm trổ. Đảng, Chính phủ Liên Xô cũng gửi tiếp những cán bộ, kỹ sư, công nhân kỹ thuật có tay nghề cao giúp đỡ chúng ta.

Những người đi tìm đá lại lên đường. Họ leo non, băng suối sâu; đêm ngày quyết tìm ra màu đá quý. Một cuộc thi đua âm thầm nơi xa vắng nhưng rất sôi động. Quân dân Quảng Nam tìm cách phá vòng vây giặc, vào tận Non Nước có dãy núi đá khổng lồ, tìm đá tốt để gửi ra Bắc. Từng khối đá được khiêng bộ lên Trường Sơn, cho xe chở ra Bắc. Rồi quân dân Nam Bộ cũng tìm cách gửi ra những khối đá mã não màu vàng, màu đỏ, thể hiện tấm lòng kính yêu lãnh tụ của đồng bào miền Nam ruột thịt.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #84 vào lúc: 03 Tháng Năm, 2016, 09:14:40 pm »


Trong những ngày này, cả nước vừa sản xuất, vừa chiến đấu chống lại những mưu toan thâm độc của bè lũ tay sai Nguyễn Văn Thiệu, nhưng cũng dành thời gian để tìm vật liệu bền, đẹp gửi về Hà Nội để xây dựng Lăng Bác. Sự bền bỉ của đồng bào, chiến sĩ cuối cùng đã tìm ra thứ đá như yêu cầu của công trình là đá màu đỏ cờ.

Việc lấy đá rộn ràng cả tỉnh Thanh Hóa. Các đồng chí trong Tỉnh ủy, Ủy ban Hành chính tỉnh Thanh Hóa cùng thay nhau xuống cơ sở cùng bà con đi lấy đá.

Nhiều câu chuyện cảm động của nhân dân đối với lãnh tụ được truyền tụng.

Đất nước ta có Bác Hồ, trời đất cho con cháu đá đỏ để làm cờ Đảng, cờ Tổ quốc trong nhà nghỉ của Bác. Đó là điều thiêng liêng, ít nơi có được.

Không khí sản xuất ở xí nghiệp đá An Dương càng sôi động hơn. Chỉ không đầy 10 tháng, xí nghiệp đã làm được hai lá cờ để kịp ốp lên tưòng phòng để thi hài của Bác.

Đá vật liệu xây dựng thông thường ở nước ta nơi nào cũng có, nhưng chọn được thứ đá thích hợp, màu tốt nhất để xây dựng nhà nghỉ vĩnh hằng cho Bác là phải chọn lọc rất kỹ. Các nơi báo về có đá Xuân Hòa (Vĩnh Phú) là loại được xếp hàng đầu. Đó là loại đá cứng, đáp ứng mọi yêu cầu của việc đổ bê tông. Ngoài đá Xuân Hòa, đá Thác Bà chất lượng cũng rất tốt. Khi xay nhỏ đá Xuân Hòa, tỉ lệ hạt đạt như đá Thác Bà nên Thác Bà cũng được chọn để xây Lăng Bác.

Chúng ta biết Lăng Bác là một công trình kiến trúc với yêu cầu cao về kỹ thuật; cần một khối lượng rất lớn về đá ốp. Nước ta có rất nhiều đá đẹp quý nhưng chưa có công nghiệp chế biến. Đảng và Chính phủ Liên Xô tặng nhân dân ta đủ số lượng đá cẩm thạch, đá hoa cương cần thiết cho việc xây Lăng Bác. Tuy thế, đồng bào, đồng chí chúng ta với tình yêu đối với Bác đã cố gắng hết sức tìm kiếm và chế biến một số đá đẹp và quý trong nước để tô điểm cho ngôi nhà của Bác.

Xí nghiệp đá hoa Hà Nội là đơn vị được biểu dương nhiều lần. Xí nghiệp trước đây chỉ là một công trường nhỏ chỉ chuyên sản xuất các loại đá hoa thông thường, nay đã vươn lên chế tác những loại đá đòi hỏi kỹ thuật cao. Được sự giúp đỡ của nghành Địa chất và cán bộ, đồng bào các địa phương, công nhân, cán bộ Xí nghiệp đá hoa Hà Nội đã được nhiều nơi có đá đẹp và đá quý cung cấp để chế biến, sản xuất.

Những mẫu đá được chọn là đá cẩm thạch Hà Tây, đá ngọc bích Cao Bằng, Thanh Hóa.

Tỉnh Hà Tây đã sớm tổ chức khai thác đá một lượng lớn đá cẩm thạch để chuyển về Hà Nội. Những người thợ đá chùa Thầy, với công cụ thô sơ đã tìm được nguồn đá bảo đảm chất lượng xây dựng Lăng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #85 vào lúc: 03 Tháng Năm, 2016, 09:15:30 pm »


Xí nghiệp đá hoa Hà Nội được ngành Cơ khí gấp rút trang bị máy cưa, máy cắt, máy mài đã tổ chức chế biến các loại đá từ các địa phương chuyển về.

Những ngươi thợ xẻ đá kiên trì bền bỉ đưa những khối đá lớn vào dàn máy cưa xẻ. Lưỡi cưa đá không có răng vì răng thép không đủ sức cắt đá cứng. Thợ cưa nghĩ ra cách rắc cát thạch anh vào lưỡi cưa mới cưa được đá. Những người thợ thay nhau thức hơn trăm ngày đêm bên những máy xẻ đá, không nghỉ. Cuối cùng những tấm đá quý được cắt theo khuôn mẫu để chuẩn bị ốp Lăng.

Vật liệu xây dựng nữa cần thiết cho Lăng Bác là sỏi. Tuyên Quang là địa phương có phong trào tìm sỏi sôi động nhất. Ban chỉ huy công trường cử cán bộ về để hướng dẫn dân chúng tìm sỏi. Sỏi phải đạt tiêu chuẩn: cỡ tròn như hạt nhãn màu hồng mơ hoặc màu vàng đậm. Ba mươi năm trước núi rừng Tuyên Quang đã từng in dấu chân những người yêu nước về dự Quốc dân đại hội Tân Trào do Bác Hồ trực tiếp chỉ đạo.

Nhân dân các huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa, Hàm Yên và thị xã Tuyên Quang gồm các dân tộc Cao Lan, Thanh Y, Tày, Kinh,... từ đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đến em bé vỡ lòng đều đi nhặt sỏi xây dựng Lăng Bác. Bình quân mỗi người nhặt 5 kilôgam sỏi. Trên những vùng dọc sông suối ở Tuyên Quang rất nhiều người tay cầm dao rừng, tay xách giỏ mây tìm sỏi đạt chất lượng về góp vào xây Lăng Bác.

Công nhân nông trường Sông Lô cũng thể hiện tình yêu thương đối với Bác. Ban ngày bận sản xuất, ban đêm công nhân đốt đuốc đi nhặt sỏi, lửa sáng một góc rừng. Cảnh đẹp như đêm hội hoa đăng. Có những cụ già tuổi ngoài 70 nhưng vẫn cùng con cháu đi nhặt sỏi; người nào cũng muốn góp công sức mình vào xây Lăng Bác.

Đoàn xe vận tải của công trường xây dựng Lăng Bác liên tục hết chuyến này đến chuyến khác chở sỏi Tuyên Quang về Hà Nội. Các đồng chí lái xe phải đi đến 30 điểm trong tỉnh Tuyên Quang để nhận sỏi. Đường từ Hà Nội lên phải đi qua hơn 10 con suối, ngọn đồi quanh co, nhưng lái xe ít khi phải chờ đợi. Thấy xe đến là mọi người đã lấy sỏi trong kho "Đời đời nhớ ơn Bác" chất lên xe. Lái xe nổ máy lao đi trong niềm vui của đồng bào!

Có nhiều khi nước lũ tràn về, xe đi không được, bà con dân bản lấy ván làm đà, chống lầy, cho xe qua như những năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #86 vào lúc: 03 Tháng Năm, 2016, 09:16:14 pm »


Anh em đoàn vận tải xà lan Hồng Hà cũng nêu tấm gương sáng khi vận chuyển sỏi từ Tuyên Quang về Hà Nội. Xà lan xuất phát từ Trịnh Cá theo dọc sông Lô xuôi về sông Hồng, đến gần hết sông Lô thì gặp đoạn sông cạn dài 600 mét. Xà lan nào cũng chở nặng trên 20 tấn sỏi. Chờ nước lên thì tới bao giờ? Tất cả anh chị em trong đoàn nhảy xuống sông dùng vai nâng đẩy xà lan nhấc từng nấc một, vượt qua đoạn sông cạn để về kịp cho các xí nghiệp bê tông Chèm, Nam Thắng dùng sỏi thi công các tấm đan.

Cát là vật liệu thứ tư để đổ bê tông. Cát ở nước ta và ngay cả Hà Nội không thiếu, nhưng cát đạt tiêu chuẩn xây Lăng Bác quả thật là hiếm. Anh em cán bộ chỉ huy, kỹ sư, kỹ thuật ra sức tìm tòi cát các miền đủ tiêu chuẩn đề ra. Mọi người tìm trong tài liệu cũ, sách của các nhà khoa học để lại, có cả các nhà khoa học Pháp nghiên cứu về địa lý, thổ nhưỡng Việt Nam. Có nhà khoa học Pháp kết luận: "Ở An Nam, nguồn cát ở sông Lô là số 1".

Có được thông tin đó, tôi cho anh em kỹ sư, cán bộ kỹ thuật lên sông Lô thị sát tình hình. Anh em báo cáo cát sông Lô đúng là tốt. Cát này gói vào khăn tay, khi đưa ra không dính lớp mùn như bột. Chúng tôi chưa an tâm, muốn có loại cát tốt hơn. Đang tìm tòi thì các anh địa chất báo về là cát ở Kim Bôi, Hòa Bình tốt hơn cát sông Lô cả về độ bền và màu sắc. Kích thước độ đồng đều của hạt cát Kim Bôi rất chuẩn. Tỷ lệ mùn cho phép bảo đảm xây dựng. Nếu đưa tay vốc một nắm cát rồi buông ra bàn tay không dính cát và mùn. Cát sạch đều như thóc chiêm phơi nắng qua nhiều lần quạt. Bà con dân tộc tỉnh Hòa Bình phấn khởi tích cực khai thác cát đem về xây Lăng Bác. Dù một hạt cát đi nữa được đưa vào xây Lăng Bác cũng vinh dự.

Kim Bôi nhanh chóng mở công trường khai thác cát vàng. Hàng trăm thanh niên các dân tộc Hòa Bình kéo về các suối lớn ở Kim Bôi đãi cát. Người ta dựng nhà làm theo dọc sông, suối. Mọi người tự cơm đùm, khăn gói để bám trụ công trường. Họ lao vào "chiến dịch" khai thác cát. Người làm trên cạn, người ngâm mình dưới nước, vừa làm vừa hát, không khí công trường thật vui nhộn. Cát được xúc từng gàu, đổ đầy thuyền chở lên bờ, chờ xà lan và ô tô ở Hà Nội lên chở đi. Nguồn cát Kim Bôi vô tận, đáp ứng đầy đủ công trình xây Lăng Bác để sớm hoàn thành.

Đúng là cả nước góp công góp của để xây Lăng Bác. Ngoài nguồn vật liệu, xi măng, sắt thép, cát sỏi; vật liệu trang trí nội thất như gỗ là thứ hết sức cần thiết. Nghe tin xây Lăng Bác, đồng bào Nam Bộ đã gửi gỗ quý từ trong Nam ra Bắc.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #87 vào lúc: 03 Tháng Năm, 2016, 09:16:54 pm »


Các đơn vị bộ đội vừa đánh giặc, vừa tìm gỗ quý. Ở miền Đông có nhiều loại gỗ quý như: gỗ Nu nổi tiếng. Gỗ Nu còn gọi là gỗ Nup, luôn giữ màu vàng tâm và màu nâu gụ. Vân gỗ Nu đẹp với nhiều nét hoa văn lạ như mây cuộn, gió bay. Miền Đông được giải phóng, bà con chọn cây gỗ Nu lớn nhất giữa rừng gửi về Ba Đình trong chuyến xe chở gỗ đầu tiên. Cây gỗ khoảng 500 năm tuổi, đường kính 1 mét, dài khoảng 6 mét, nặng 10 tấn. Công nhân và các chiến sĩ ta đã đẵn cây gỗ này cưa làm 3 khúc đặt lên 3 chiếc xe vận tải vừa chở đạn vào chiến trường. Đoàn xe khởi hành từ Lộc Ninh ngày 14 tháng 2 năm 1974. Để về tới Ba Đình, đoàn xe đã vượt qua chặng đường dài 2.000 kilômét trong đó có hơn 1.000 kilômét đường Trường Sơn mang tên Bác Hồ kính yêu.

Ngày 1 tháng 3 năm 1974, đoàn xe về tới Hà Nội. Lúc này Ban chỉ huy công trường cùng kỹ sư, cán bộ với anh em chiến sĩ có mặt đầy đủ trên công trường xây dựng, có đến nghìn người. Đồng chí Nguyễn Thị Định - Phó Tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam, thay mặt đồng bào các chiến sĩ miền Nam trao gỗ cho công trường. Đồng chí Ba Định xúc động nói: "Nam Bộ có thành phố mang tên Bác, nhưng ân hận chưa được đón Bác vào thăm. Máu chảy về tim, lòng dân miền Nam luôn luôn hướng về Bác như lòng con đối với cha. Từ mảnh đất miền Nam thân yêu, Bác tìm đường cứu nước. Cách mạng tháng Tám thành công lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tới nay đã 29 năm trời, nhân dân miền Nam chưa được gặp Bác, chưa một lần nắm tay Bác, nhưng hình ảnh Bác đã có trong tim từ lâu rồi".

Cả nghìn người im phăng phắc, nhiều người cảm động lau nước mắt. Qua phút nghẹn ngào, đồng chí Ba Định nói tiếp:

"Đây là loại gỗ quý tiêu biểu cho sức sống lâu bền kiên cường trong gian khổ. Cây gỗ đã sống 500 năm trong căn cứ. Đây là tấm lòng đồng bào, chiến sĩ Nam Bộ dâng lên Bác, để bày tỏ tấm lòng sắt son đời đời ghi nhớ công ơn vị Cha già dân tộc".

Ông Chủ tịch ủy ban tự trị Tây Nguyên khi giao gỗ cho công trường cũng xúc động nói lên tình cảm của bà con Tây Nguyên đối với Bác kính yêu. Các tỉnh khác cũng gửi về Ba Đình những cây gỗ quý của địa phương mình. Cao Bằng gửi cây trúc mọc ở Pắc Bó, Tuyên Quang góp cây đa gốc Tân Trào, Nghệ An gửi cây bông bụt, Lào Cai gửi cây Pơ mu, Lạng sơn gửi cây đào bạch mẫu sơn. Quảng Ninh gửi cây thông... cả nước góp công xây Lăng Bác.

Những cây gỗ quý từ miền Nam và mọi miền đất nước gửi về xây Lăng Bác càng thúc giục cán bộ, công nhân, chiến sĩ toàn công trường đem hết sức mình đẩy nhanh tốc độ xây dựng Lăng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #88 vào lúc: 03 Tháng Năm, 2016, 09:17:45 pm »


Ban chỉ huy công trường chúng tôi có định kỳ hội ý, từng tuần, từng tháng. Công việc thông suốt từ trên xuống dưới, đoàn kết giữa quân sự và dân sự, tình thân ái giữa anh chị em và cán bộ, công nhân. Cả quá trình xây dựng Lăng Bác không để xảy ra mất đoàn kết. Đó là một nét đáng ghi nhớ!

Anh Lê Hãn - Phó chỉ huy công trường có mối quan hệ rộng, nên các khâu vướng mắc anh đều xoay xở chóng vánh. Nhờ vậy tiến độ thi công đẩy lên rất nhanh. Các đội bê tông công trường được bố trí, sắp xếp lại cho hợp lý hơn. Khi hai trung đoàn công binh 259, 289 được tăng cường thì tiến độ công trình tăng nhanh rõ rệt. Thời ấy, vì giữ bí mật nên Trung đoàn 259 gọi là Trung đoàn Hùng Vương, còn Trung đoàn 289 gọi là Trung đoàn Bắc Sơn. Các nhà báo và cây viết Hồng Khanh, Thế Long, Dân Hồng... đến lấy tài liệu. Tôi đã trao đổi với các đồng chí ấy nên dùng mật danh cho tiện việc giữ bí mật. Vì cách mạng nước ta đang bước vào cao trào mới, chuẩn bị tiến công giải phóng hoàn toàn miền Nam. Bài viết sau đó được in báo Nhân Dân, nhân kỷ niệm 30 năm Quốc khánh (2.9.1945 - 2.9.1975).

Hai trung đoàn có nhiều kinh nghiệm xây dựng công trình lớn và là hai đơn vị tiêu biểu của Binh chủng Công binh được tuyển chọn vào xây dựng Lăng Bác. Cán bộ, chiến sĩ quân đội nói chung, công binh nói riêng đều thấm nhuần công ơn trời biển của Bác Hồ. Họ khắc sâu trong lòng biết bao kỷ niệm về Bác kính yêu. Có thể nào quên những lời dạy ân cần của Bác thời cách mạng còn trứng nước. Ấm áp biết bao những ngày Bác cùng chiến sĩ hành quân, cùng uống nước suối, cùng ăn cơm đùm, cơm nắm. Bác đã dìu dắt con cháu đi tới chiến thắng. Lòng ghi sâu ơn Bác, chiến sĩ công binh cũng tự hào vinh dự được góp phần xây dựng Lăng của Người. Đây cũng là phần thưởng xứng đáng đối với các chiến sĩ công binh đã nhiều lần lo toan chỗ ở của Bác, từng được xây dựng nhiều ngôi nhà Bác ở, từ ngôi nhà sàn xinh xắn trong vườn nhài thơm ngát đến những ngôi nhà tuyệt đối im lặng, thiêng liêng!

Các chiến sĩ Trung đoàn 259 và 289 hành quân về công trường, dựng lều bạt y như đi chiến trường, rồi lao vào "chiến dịch" đổ bê tông mang tên 19-5 (ngày sinh của Bác).   
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #89 vào lúc: 03 Tháng Năm, 2016, 09:18:19 pm »


Một chiến dịch đúng nghĩa, khẩn trương tích cực không khác gì chiến dịch Đường 9 - Nam Lào năm 1971 cũng giống như chiến dịch Quảng Trị năm 1972; các chiến sĩ công binh lo cho 4 sư đoàn tiếp cận chiến dịch thần tốc thắng lợi.

Các đồng chí chỉ huy tiểu đội, trung đội, đại đội và cấp cao hơn sắp xếp lực lượng, chuẩn bị dụng cụ, tổ chức các dây chuyền bám trận địa đổ bê tông, đôn đốc từng ca sản xuất, kịp thời giải quyết từng nút tắc cho công việc chạy nhanh.

Các chiến sĩ công binh phơi mình trong nắng, trong mưa nhưng vẫn phấn đấu làm cho chất lượng tốt nhất. Các chiến sĩ làm việc với tình cảm của những người con trung hiếu đối với người Cha vô vàn kính yêu!

Những lúc mệt mỏi, những khi thèm ngủ, cán bộ, chiến sĩ công binh thường ôn lại những kỷ niệm đầm ấm với Bác ngày nào để quên mệt nhọc.

Tưởng như mới hôm qua, các chiến sĩ công binh chúng tôi làm nhà cho Bác ở. Khi nhà làm xong, Bác gọi anh em ngồi chung quanh Bác xem phim. Bác bảo các đồng chí phục vụ trảy nhãn trong vườn, bắt cá dưới ao đãi các chiến sĩ công binh. Bộ đội công binh rất được Bác quan tâm. Mặc dù anh em đã công tác nơi xa, nhưng Bác thường gửi cam, quýt, nhãn khi có quả lứa đầu tiên cho chiến sĩ. Bác bận trăm công nghìn việc, nhưng vẫn không quên chiến sĩ công binh!

Công trường ngày càng sôi động chuẩn bị mẻ bê tông cuối cùng của móng công trình Lăng Bác. Nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đên thăm và động viên khích lệ anh chị em!

Anh hùng lao động Vũ Tất Ban - người thợ đổ bê tông số 1 của ngành xây dựng chịu trách nhiệm tổ chức hướng dẫn mọi người thực hành theo công việc được phân công.

Giai đoạn đổ móng công trình Lăng diễn ra trong 6 tháng. Anh em tính trong thời gian ấy gặp đến 20 trận mưa lớn, nhỏ. Thấy mưa, mọi người ùa đến dùng bạt, ni lông che chắn. Người ướt, nhưng bê tông không ướt. Khi dùng phương tiện hiện đại nghiệm thu, các chuyên gia đều kết luận bê tông đạt chất lượng rất tốt.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM