Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 07:06:31 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Từ chiến sĩ  (Đọc 26343 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #70 vào lúc: 28 Tháng Tư, 2016, 09:42:22 pm »


Ngày 24 tháng 4 năm 1975, Bộ Chính trị nhận định: "Thời cơ quân sự và chính trị để mở cuộc tấn công vào Sài Gòn đã chín muồi, ta cần tranh thủ từng ngày, từng giờ kịp thời phát động tiến công địch trên các hướng không thể chậm trễ".

Bộ chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn được thành lập và chiến dịch này được lấy tên là chiến dịch Hồ Chí Minh.

Cơ quan công binh chiến dịch được thành lập trên cơ sở công binh Miền do đồng chí Nguyễn Văn Nhạn - Tham mưu phó kiêm Chủ nhiệm công binh. Đồng chí Nguyễn Ích (Phó chính ủy Bộ Tư lệnh Công binh) làm Chính ủy.

Lực lượng của ta tham gia chiến dịch có 5 quân đoàn cùng nhiều đơn vị binh chủng, quân chủng, lực lượng vũ trang Quân khu 7 và Thành đội Sài Gòn - Gia Định. Theo kế hoạch chiến dịch, năm quân đoàn binh chủng hợp thành của ta đánh vào Sài Gòn theo 5 hướng. Thực hiện chia cắt bao vây quân địch, tiêu diệt địch ở vòng ngoài, không cho chúng co cụm ở nội đô, đồng thời tổ chức những mũi thọc sâu vào thành phố đánh chiếm các mục tiêu đã xác định, phối hợp lực lượng tại chỗ, lực lượng chính trị đánh chiếm các mục tiêu quân sự, chính trị, kinh tế trong thành phố.

Thực hiện cách đánh trên, việc bảo đảm cơ động các binh đoàn chủ lực trở thành nhiệm vụ chủ yếu của công tác bảo đảm công trình chiến dịch. Khu vực Sài Gòn có hệ thống đường giao thông phát triển chất lượng tốt nhưng đây cũng là khu vực có nhiều sông ngòi, kênh rạch; các sông đều chịu ảnh hưởng của thủy triều, thủy triều lên dòng sông rộng thêm, sông Nhà Bè rộng đến 700 mét. Sài Gòn có nhiều cầu nếu địch phá hỏng cầu sẽ làm cho tốc độ tiến quân chậm hơn.

Ngày 20 tháng 4 năm 1975, các cánh quân của ta bắt đầu triển khai tiến công Sài Gòn trên các hướng:

Hướng Đông, sau khi giải phóng Phan Rang, Hàm Tân (từ ngày 16 đến 22 tháng 4), Quân đoàn 2 phát triển về Sài Gòn theo tỉnh lộ 12 và quốc lộ 15. Công binh của quân đoàn gỡ mìn, sửa đường đảm bảo cho các đơn vị đánh địch trong hành tiến, cầu Cỏ May trên đường 15 bị địch đánh sập, công binh nhanh chóng tổ chức bến phà. Quân đoàn 2 tiến công căn cứ Nước Trong ngày 27 tháng 4, chiếm Bà Rịa. Bộ Tư lệnh Quân đoàn giao cho Tiểu đoàn công binh vượt sông số 5 chuẩn bị bảo đảm vượt sông Đồng Nai, Sài Gòn, Nhà Bè.

Cũng trên hướng đông, sau khi giải phóng Xuân Lộc (ngày 21 tháng 4) Quân đoàn 4 đánh chiếm Trảng Bom, Hố Nai. Tiểu đoàn công binh 25 của Quân đoàn bảo đảm đường sông Thao - Trảng Bom dài 13 kilômét, làm 4 ngầm vượt sông Thao, suối Rết. Các tiểu đoàn công binh 276 và 282 mở tuyến đường từ Dầu Giây đến Hố Nai, trong đó có những đoạn chống lầy, làm ngầm bảo đảm cho Quân đoàn phát triển về Sài Gòn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #71 vào lúc: 28 Tháng Tư, 2016, 09:42:56 pm »


Hướng Bắc và Đông Bắc, Lữ đoàn công binh 299 (Quân đoàn 1) và Trung đoàn công binh 279 (có hai tiểu đoàn) của Bộ phối thuộc làm ngầm Bến Bào và mặc dầu bị pháo, máy bay địch bắn phá ác liệt, nhưng công binh đã bảo đảm cho 900 xe pháo qua ngầm an toàn.

Hướng Tây Bắc, ngày 20 tháng 4 năm 1975, hai trung đoàn công binh (7 và 575) đến Chơn Thành, bắt tay vào việc đảm bảo đường 13 và mở hai trục dọc và các đường vòng tránh. Trung đoàn công binh số 7 mở trục dọc từ Bến Củi đến Củ Chi bảo đảm cho Sư đoàn 10 thọc sâu theo đường số 1. Trung đoàn công binh 575 mở trục dọc đường số 4 bảo đảm cho bộ binh đánh Phú Hòa Đông. Chiều dài các con đường này lên tới 280 kilômét. Yêu cầu thời gian gấp rút nhưng với quyết tâm chiến thắng, hai trung đoàn công binh đã hoàn thành nhiệm vụ đúng thời gian.

Hướng Tây Nam, để vượt qua vùng sình lầy, ít đường sá, công binh Đoàn 232 dùng thuyền nhỏ chở pháo 105mm đã tháo rời từ Ba Thu xuống Ngã ba Bình Thạnh dài 30 kilômét, rồi dùng thuyền máy đẩy đưa theo sông Vàm Cỏ đến vị trí tập kết. Ngày 28 tháng 4 năm 1975, với sự nỗ lực tiến quân thần tốc, được công binh đảm bảo đường cầu kịp thời, các quân đoàn, binh chủng hợp thành đã vào vị trí triển khai chiến dịch.

17 giờ ngày 26 tháng 4 năm 1975, cuộc tiến công Sài Gòn bắt đầu. Quân đoàn 2 sử dụng Sư đoàn 3 (Quân khu 5 tăng cường) đánh chiếm Vũng Tàu, đại bộ phận còn lại của Quân đoàn tiến về Sài Gòn. Bộ đội công binh khôi phục cầu sông Buông bị địch phá sập, dọn các xe pháo hỏng của địch trên đường để bộ đội tiến quân. Khi vượt sông Nhà Bè, công binh Quân đoàn 2 đã sử dụng hai bộ phà lớn 200 tấn và hai bộ phà 20 tấn của địch, đảm bảo cho Quân đoàn vượt sông nhanh chóng.

Công binh Quân đoàn 4 sửa đường, lấp hố bom, gỡ mìn, đảm bảo cho bộ binh thọc sâu vào thành phố Sài Gòn.

Công binh Quân đoàn 1 đảm bảo cho đội hình tiến công của Quân đoàn đánh Phú Lợi, Tân Uyên, vào cửa ngõ Bình Triệu để tiến vào thành phố. Công binh Quân đoàn 3 bảo đảm cầu đường cho các đơn vị tiến vào Củ Chi và tiến vào trung tâm thành phố.

Công binh Đoàn 232 khắc phục nhiều khó khăn vượt sông Vàm Cỏ. Tại đây, Tiểu đoàn 741 ghép 2 phà TPP được tăng cường 1 đại đội của Trung đoàn vượt sông 249 của Bộ đã đảm bảo cho 593 xe, pháo qua sông an toàn ở bến An Ninh. Ở bến Lộc Giang, Tiểu đoàn 2 (thuộc trung đoàn vượt sông của Bộ) cùng 500 dân công chống lầy quãng đường xuống bến dài trên 1.000 mét, đảm bảo cho bộ đội vượt qua sông Vàm Cỏ Đông thọc sâu vào Sài Gòn đúng ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #72 vào lúc: 28 Tháng Tư, 2016, 09:43:23 pm »


11 giờ ngày 30 tháng 4 năm 1975, chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, Sài Gòn hoàn toàn giải phóng.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 thắng lợi hoàn toàn và kết thúc trọn vẹn 30 năm chiến đấu gian khổ, hy sinh của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu. Nhân dân ta đã lần lượt đánh bại các đế quốc xâm lược là Pháp, Nhật và Mỹ. Đỉnh cao thắng lợi là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Công binh ra đời trong những ngày Cách mạng tháng Tám mới thành công, lực lượng vũ trang cách mạng còn trứng nước và trưởng thành theo từng bước trưởng thành của quân đội ta. Tôi là người lính đã trải qua hai cuộc chiến đấu. Trong thời kỳ chống Pháp, trực tiếp ra chiến trường làm người lính bộ binh đánh giặc rồi lên từng cấp chỉ huy đến cấp trung đoàn trưởng. Trong kháng chiến chống Mỹ, tôi lần lượt giữ chức Cục phó Cục Công binh rồi đến Tư lệnh Binh chủng Công binh, Tổng công trình sư. Từ những cương vị, trọng trách được giao, tôi đã chứng kiến được sự lớn mạnh trưởng thành vượt bậc của Công binh Việt Nam cùng với quân đội ta... Công binh Việt Nam đã tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô từ quân đoàn trở lên và có khả năng cả tập đoàn quân.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, lực lượng công binh tham gia đông nhất: gồm 2 sư đoàn, 3 lữ đoàn, 15 trung đoàn, 30 tiểu đoàn, 72 đại đội, chiếm trên 20% lực lượng chiến dịch. Công binh mở mới hàng trăm kilômét đường, bảo đảm hơn 300 kilômét, sửa chữa và khôi phục trên 80 cầu sắt với tổng chiều dài 3 kilômét, làm hơn 40 ngầm, tổ chức gần 10 bến phà và cầu nổi. Nhiệm vụ bảo đảm cho quân đoàn cơ động và tác chiến hiệp đồng binh chủng đều rất khẩn trương, trên địa hình mới có nhiều khó khăn, phần lớn là các đơn vị công binh thiếu trang bị, có loại không đồng bộ. Nhưng với sự nỗ lực cao, tận dụng những vật liệu tại chỗ, bộ đội công binh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong chiến dịch, thực hiện đúng lời dạy của Bác Hồ: "Mở đường thắng lợi".

Thành tích của công binh là thành tích chung của anh em cán bộ, chiến sĩ trong toàn Binh chủng, nhưng với cương vị giữ chức Tư lệnh Công binh nhiều năm, tôi không khỏi sung sướng tự hào khi mình được góp công sức xây dựng Binh chủng ngày một lớn mạnh trưởng thành vượt bậc trong thời kỳ chiến đấu gian nan, quyết liệt nhất và sau này là thời kỳ hòa bình thống nhất, khôi phục kinh tế đất nước; công binh vẫn tỏ rõ bản lĩnh kiên cường không ngại hiểm nguy, không sợ hy sinh gian khổ, quyết giành thắng lợi!
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #73 vào lúc: 03 Tháng Năm, 2016, 09:00:33 pm »


V
GÓP PHẦN GIỮ YÊN GIẤC NGỦ CỦA BÁC HỒ


Những ngày thu năm 1969, giữa lúc bộ đội công binh cùng toàn quân, toàn dân sôi nổi đẩy mạnh sự nghiệp kháng chiến thì một tổn thất to lớn đến với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Ngày 2 tháng 9 năm 1969, Bác Hồ kính yêu của toàn dân tộc qua đời. Nghe tin dữ, người người xót đau vô hạn. Anh em cán bộ, chiến sĩ trong Bộ Tư lệnh Công binh ôm nhau khóc. Tôi nghĩ không có mất mát nào lớn hơn như mất Bác Hồ. Là người lính dạn dày trận mạc, tôi rất ít khi phải rơi nước mắt, kể cả lúc mình bị thương tưởng suýt chết. Thế mà nghe tin Bác mất, tôi đã khóc như một đứa trẻ. Nhân dân ta buồn đau vô hạn cũng như 45 năm về trước, nhân dân Liên Xô buồn đau khi nghe tin Lênin mất. Nhà thơ nổi tiếng của Liên bang Xô viêt Maiacôpxki đã viết:

      "Hôm qua, 6 giờ 50 phút,
      Đồng chí Lênin từ trần!
      Năm này chứng kiến một lần
      Điều bất hạnh trăm năm không thấy nữa...
      Người công nhân trước máy.
      Như một chén lệ đổ xuống bàn dụng cụ.
      Trẻ nhỏ bỗng nghiêm trang
                           Như các cụ già!
      Các cụ già
                 Khóc
                     Như trẻ nhỏ!...
”.

Từ cơ quan, đơn vị, đến phố xá, khu gia đình và trở về nhà đâu đâu cũng đẫm một bầu tang tóc. Ai cũng nghĩ mất Bác như mất người thân thiết nhất trong gia đình mình. Tôi nói điều này nhiều lần và tôi cũng xin nhắc lại một lần nữa: không có cách mạng, không có Đảng, Bác Hồ thì đời tôi không có được như hôm nay. Ơn Đảng, ơn Bác đối với gia đình tôi quả là sâu nặng không có gì so sánh nổi. Tôi lại là người được làm nhiều công trình phục vụ Bác, được sống gần Bác, được Bác dạy dỗ nhiều điều, nên tình cảm đối với Bác kính yêu càng thêm sâu nặng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #74 vào lúc: 03 Tháng Năm, 2016, 09:01:21 pm »


Cách mấy tháng, trước khi đi xa, Bác còn bảo anh Vũ Kỳ điện báo tôi lên để Bác gặp. Bác lại khen tôi: Chú Đặng xứng đáng là Tổng công trình sư. Bao nhiêu năm, công trình xây cho Bác vẫn vững như bàn thạch, cửa vào nghinh phong, hướng nguyệt, phòng ốc vẫn sạch sẽ tươm tất. Bác nói khi Bác về với tổ tiên, Bác sẽ hòa cùng cây cỏ. Tôi im lặng, buồn quá.

Bác nói với tôi:
- Chú Đặng này! Nghề của chú, trước đây người ta gọi là nghề gì, chú biết không?

Tôi đáp thành thật:
- Thưa Bác, cháu không biết ạ!

Bác cười hồn hậu:
- Nghề chú, xưa gọi là lính thợ! Quả là chú và quân cán rất xứng với mấy chữ nớ. Lính thợ cũng như nghề dạy học, không phải bảng vàng bia đá, chiến công lẫy lừng, nhưng hoàn thành nhiệm vụ là anh hùng. Chú và quân cán của chú xứng đáng là những anh hùng!

Thế mà nay Bác đã đi xa! Đúng như điếu văn của đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam: "Tổn thất này thật là lớn lao. Đau thương này là vô hạn...". Tôi là người vào sinh ra tử, chứng kiến nhiều nỗi mất mát nhưng tôi nghĩ không có mất mát đau thương nào như nỗi đau mất Bác!

Biến đau thương thành sức mạnh, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng bào, cán bộ chiến sĩ đã biến đau thương thành hành động, vượt lên mọi thách thức, khó khăn, thực hiện Di chúc mà Bác để lại cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân. Toàn Binh chủng Công binh tham gia đợt sinh hoạt chính trị "Học tập và làm theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bồi dưỡng ý chí chiến đấu và phẩm chất cách mạng, lập thành tích đền ơn Người và thực hiện Di chúc của Người!".

Một vinh dự của Công binh là Đảng và Chính phủ giao cho nhiệm vụ tham gia bảo đảm kỹ thuật để giữ gìn lâu dài thi hài của Bác và phục vụ những ngày tang lễ. Đây là công việc hết sức mới mẻ, thời gian rất khẩn cấp, điều kiện vật chất kỹ thuật, thiết bị, vật tư vô cùng thiếu thốn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #75 vào lúc: 03 Tháng Năm, 2016, 09:02:41 pm »




Vào những năm cuối của thập kỷ 60 - thế kỷ trước, Bác Hồ của chúng ta mặc dầu vẫn làm việc với cường độ cao, nhưng qua theo dõi của các bác sĩ chăm sóc Bác hằng ngày, thì sức khỏe của Bác ngày càng suy giảm. Trước tình hình đó, sau lễ mừng thọ sinh nhật lần thứ 77 của Bác (19-5-1967), Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp phiên bất thường, chuyên bàn về việc chăm lo sức khỏe của Bác và những công việc cần thiết cho trường hợp xấu nhất là Bác Hồ qua đời.

Để bày tỏ tình cảm, lòng biết ơn, sự tôn kính của toàn Đảng, toàn dân đối với Bác và đáp ứng yêu cầu tha thiết của toàn Đảng, toàn dân ta, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định, sau khi Bác qua đời sẽ giữ gìn, bảo quản lâu dài thi hài của Bác.

Để gìn giữ, bảo quản được lâu dài thi hài của Bác như Trung ương Đảng Cộng sản và nhân dân Liên Xô đã làm đối với thi hài của Lênin vĩ đại, cần nhiều lĩnh vực khoa học về y học, điện tử, công tác bảo vệ an ninh...

Riêng Bộ Tư lệnh Công binh được giao nhiệm vụ xây dựng một số công trình đặc biệt phục vụ công tác khoa học gìn giữ thi hài và bảo quản thi hài. Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chỉ định tôi trực tiếp chỉ đạo thi công các công trình này. Yêu cầu nghiêm ngặt đối với các công trình đặc biệt là đảm bảo những tiêu chuẩn của khoa học y học trong việc giữ gìn bảo quản thi hài và tuyệt đối bí mật. Với lực lượng công binh, ngoài tôi được phổ biến mục đích của công trình này, còn lại không ai được biết.

Theo yêu cầu của các đồng chí trong tổ y tế đặc biệt, thì công trình phục vụ công tác khoa học gìn giữ lâu dài thi hài của Bác Hồ, gồm các hạng mục: phòng giải phẫu thi thể; kho để thuốc và dụng cụ y tế; phòng làm thuốc thi hài; phòng lưu giữ, bảo vệ thi hài sau khi làm thuốc xong... Công trình này phải có độ vững chắc, chống được bom đạn ở mức độ nhất định; có thiết bị điều hòa nhiệt độ để giữ nhiệt độ thường xuyên là 16°c, độ ẩm 75%, vô trùng tuyệt đối và nhiều yêu cầu kỹ thuật khác.

Sau một quá trình nghiên cứu, tính toán mọi yếu tố, nhất là yêu cầu kỹ thuật và yêu cầu bảo mật, Quân ủy Trung ương và đồng chí Nguyễn Lương Bằng quyết định xây dựng công trình này ở sau nhà tang lễ Bệnh viện quân đội 108.

Sau khi xin ý kiến, được Quân ủy Trung ương cho phép và bàn thảo kỹ trong Bộ Tư lệnh Công binh, chúng tôi giao nhiệm vụ thiết kế công trình đặc biệt này cho một nhóm kỹ sư công trình. Còn lực lượng thi công được chọn rất kỹ từ Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 259 do đồng chí Trần Sỹ Yêm chỉ huy. Toàn bộ lực lượng thiết kế cũng như thi công chỉ biết họ đang thi công một công trình đặc biệt. Anh em làm việc, nghỉ ngơi "tại trại", hạn chế tiếp xúc với người ngoài đơn vị.

Các yêu cầu về kỹ thuật kiến trúc, xây dựng của công trình, dù có khó khăn, phức tạp, chúng tôi cũng bàn bạc, giải quyết ổn thỏa. Duy có một chi tiết (nếu như sau này thì quá ư đơn giản) nhưng khi đó vô cùng khó khăn là máy điều hòa nhiệt độ. Máy điều hòa lúc đó chúng ta có là do Liên Xô sản xuất, kích cỡ to, cồng kềnh và đặc biệt là khi máy hoạt động, độ rung lớn; đặt trong phòng kỹ thuật không đảm bảo yêu cầu. Suy đi tính lại mãi, chúng tôi nhớ khi xây dựng công trình đặc biệt trước đây cho các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, có công trình được lắp một máy điều hòa có chất lượng tốt; có thể nên đổi lấy để đưa chiếc máy ấy về đây. Các đồng chí lãnh đạo nhất trí, việc đổi máy được thực thi ngay lập tức. Anh Trần Kinh Chi (khi đó là Cục trưởng Cục Bảo vệ an ninh quân đội) nói đùa với tôi là: "Cái khó ló cái khôn". Bá Đặng có những "phát kiến" đáng giá nghìn vàng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #76 vào lúc: 03 Tháng Năm, 2016, 09:03:19 pm »


Cuối năm 1968, công trình đặc biệt có mật danh 75A hoàn thành. Chuyên gia Liên Xô sang kiểm tra đánh giá cao chất lượng công trình. Bạn không ngờ trong điều kiện vô cùng khó khăn, thiếu thốn, ta vẫn xây dựng được công trình đạt yêu cầu chuyên môn, đạt chất lượng cao như vậy.

Quả thật, không phải là duy ý chí, nhưng với bàn tay khéo léo, khối óc biết suy nghĩ, chịu khó suy nghĩ, và với tình cảm, trách nhiệm hết mình vì công việc, các chiến sĩ công binh đã làm được những việc tưởng chừng như không làm nổi.

Sau khi Công trình 75A được nghiệm thu, tôi được giao nhiệm vụ cùng một số anh nghiên cứu xây dựng một công trình khác - công trình bảo quản thi hài của Bác trong những ngày tổ chức tang lễ. Vị trí được chọn xây dựng công trình này là Hội trường Ba Đình - nơi sẽ tổ chức quốc tang khi Bác qua đời. Công trình này có mật danh là Công trình 75B.

Công trình 75B ngoài những tiêu chuẩn kỹ thuật như 75A, còn phải đạt những tiêu chuẩn khác, cao hơn, vì khi tổ chức lễ tang, người đến viếng Bác sẽ rất đông, môi trường sẽ tác động xấu đến yêu cầu kỹ thuật; nhiệm vụ bảo vệ an ninh cũng gặp khó khăn.

Công trình 75B gồm các hạng mục: nơi đặt bàn thờ Bác, nơi đặt hòm kính thi hài Bác, một trung tâm điều hòa nhiệt độ, và một số hạng mục ngoại vi.

Về kỹ thuật xây dựng, từ kinh nghiệm xây dựng 75A, nay thi công 75B, chúng tôi không gặp khó khăn gì quá sức. Để bảo đảm tuyệt đối bí mật, việc thi công đều tiến hành vào ban đêm; với danh nghĩa tu bổ, bảo dưỡng thường kỳ Hội trường Ba Đình; nhưng để bảo đảm mọi hoạt động bình thường, nên phải làm ban đêm mà thôi.

Khó khăn nhất đối với 75B là thi công hòm kính đặt thi hài Bác. Việc có được một hòm kính cỡ lớn, kính dày, trong suốt, không mờ vì hơi nước khi chạy máy điều hòa nhiệt độ... là quá khó khăn. Và chính những người lính công binh công trình của chúng ta đã thực thi xuất sắc việc thi công hòm kính đảm bảo mọi tiêu chuẩn kỹ thuật mà chuyên gia Liên Xô yêu cầu. Các đồng chí trong Ban chỉ đạo xây dựng các công trình đặc biệt và chuyên gia Liên Xô đã rất khâm phục tài hoa của những người lính công binh.

Anh Trần Kinh Chi nhiều lần tâm sự với tôi rằng: Không tham gia chỉ đạo thi công những công trình đặc biệt này thì anh không thể biết được mình có những người lính công binh tài hoa đến như vậy.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #77 vào lúc: 03 Tháng Năm, 2016, 09:04:51 pm »


Đến đầu năm 1969, hai công trình 75A và 75B hoàn tất về cơ bản; chúng tôi tiếp tục cho hoàn thiện, cho vận hành thử. Đây cũng là thời gian mà các lực lượng được chọn tham gia phục vụ lễ tang Bác Hồ, tiến hành tập dượt - thực thi những công việc mà nếu hiểu thực chất của việc mình làm, ai cũng muốn chỉ là tập dượt mà thôi.

Nhưng rồi, ngày mà chúng ta không ai trông đợi cũng đã đến - ngày Bác Hồ muôn vàn kính yêu vĩnh viễn ra đi.

Là một trong những người được giao thực hiện nhiệm vụ đặc biệt; hơn một năm trời được thông báo thường xuyên tình hình sức khỏe của Bác, tôi cũng hình dung ngày đau đớn nhất sẽ xảy ra; từ đó chuẩn bị cho mình sự rắn rỏi cần thiết để thực thi nhiệm vụ được giao. Nhưng rồi, tin Người mất như sét đánh ngang tai. Không nén nổi lòng mình, tôi khóc như trẻ nhỏ. Và đâu mỗi mình tôi, chứng kiến giây phút Bác vĩnh viễn từ giã thế giới này, các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp... cũng đã nức nở nghẹn ngào.

Những ngày đó - những ngày sau khi Bác mất, ở những vùng miền xa xôi, bưng biền, hải đảo..., không biết thế nào, còn ở Hà Nội, đất trời, phố xá, muôn người đều chìm ngập trong không khí mất mát đau thương vô hạn.

Được giao nhiệm vụ phục vụ những ngày tang lễ, tôi cũng như bao đồng nghiệp khác, nén đau thương, gắng hoàn thành trọng trách đối với Bác kính yêu.

Mặc dù trước đây Công trình 75A và 75B đã được hoàn thiện, vận hành thử nhiều lần; nhưng sau khi Bác mất, theo chỉ đạo của trên, chúng tôi tập trung cao độ cả tinh thần, nhân lực hoàn tất công tác chuẩn bị trong 4 ngày. Tôi nhớ mãi sự kiện, sau khi toàn bộ các thiết bị vận hành đảm bảo các yêu cầu khắt khe về kỹ thuật; đồng chí Nguyễn Lương Bằng rất xúc động trước tinh thần làm việc của anh em công binh, đã thay mặt Ban tang lễ khen ngợi và nói:

- Nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ công binh muốn gì?

Tôi hỏi anh em, đồng chí của mình, tất cả đều chung ý nguyện: cho bộ đội công binh vào viếng Bác.

Điều ước nguyện của anh em đã được Ban tang lễ chấp thuận. Thế là toàn bộ lực lượng công binh phục vụ tang lễ giữ nguyên trang phục lao động cùng tôi đi theo đồng chí Nguyễn Lương Bằng lần đầu tiên được vào viếng Bác - một vinh dự, một đặc ân mấy ai có được!
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #78 vào lúc: 03 Tháng Năm, 2016, 09:08:08 pm »




Sau khi hoàn thành Công trình 75A và Công trình 75B, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương Quyết định phải nhanh chóng xây dựng một công trình ở bên ngoài Thủ đô, để chủ động trong việc bảo quản, gìn giữ thi hài của Bác, đối phó với những tình huống ác liệt nhất của chiến tranh và thiên tai - bão lũ.

Thực hiện quyết định của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, tôi được cùng các anh Phùng Thế Tài, Trần Kinh Chi đi khảo sát tìm vị trí để xây cất công trình đặc biệt thứ ba này, Vị trí được chọn và được Bộ Chính trị phê chuẩn là K9 - dưới chân Tản Viên Sơn. Tiếp đó, tôi được cùng các anh Phùng Thế Tài, Trần Kinh Chi... xây dựng phương án thi công. Một ban chỉ huy công trình được thành lập và tôi được phân công chỉ đạo trực tiếp; gồm các đồng chí: Lương Soạn, Nguyễn Trọng Quyền, Nguyễn Trung Thành, Cao Đàm, Lam Sinh, Bùi Danh Chiêu, Hoàng Quang Bá, Phạm Hoàng Vân... Lực lượng thi công chủ yếu vẫn là Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 259 công binh - đơn vị đã thi công hai công trình 75A và 75B.

Về quá trình xây dựng K9, tôi xin dẫn một đoạn hồi ký của anh Trần Kinh Chi, đã mô tả rất kỹ những nhọc nhằn, khó khăn và tinh thần cố gắng cao độ của các lực lượng tham gia:

"Thật khó tả hết tinh thần lao động quên mình và trí thông minh, sáng tạo tuyệt vời của những người lính công binh Việt Nam. Nếu như trong điều kiện thi công những công trình bình thường, không đòi hỏi tính chất bí mật cao đến thế thì việc huy động tiềm năng kỹ thuật khí tài để xây dựng những công trình này không phải là việc khó. Nhưng cái khó là không được tăng thêm lực lượng, không được sử dụng những khí tài gây ồn, gây nổ, những thiết bị chiếu sáng tỏa rộng và cao, không được mở rộng diện tham khảo ý kiến về phương pháp thi công. Tất cả phải âm thầm lặng lẽ mà làm và phải đạt độ chính xác cao, chất lượng tốt.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #79 vào lúc: 03 Tháng Năm, 2016, 09:08:47 pm »


Công việc khó khăn, nặng nhọc nhất là phải cải tạo hầm ngầm để có thể biến nơi đây thành một la bô ngầm, đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật như ở 75A và tăng cường thêm khả năng chống bom và tên lửa các loại. Với trí thông minh sáng tạo vốn có, các cán bộ, chiến sĩ công binh đã đưa ra những giải pháp thi công rất độc đáo: Để cải tạo hầm ngầm và đưa máy móc thiết bị xuống hầm phải đào một giếng rộng năm mét, sâu sáu mét ngay từ nóc bê tông của hầm ngầm. Phải sử dụng khoan tay để phá kết cấu bê tông, cứ năm xăngtimét vuông phải khoan một mũi, tông cộng phải khoan tới 1.800 mũi khoan mới tạo ra một cửa để đưa bốn tấn thiết bị, trong điều kiện không thể dùng cần cẩu mà phải dùng tời tay để đưa xuống hầm ngầm. Sau đó phải thi công một thiết bị để di chuyển thi hài Bác xuống hầm mà không dùng đến người khiêng để bảo đảm tuyệt đối an toàn. Thiết bị đó là một bộ giá đỡ có bánh xe trượt trên hai đường ray uốn cong theo độ dốc (tới 60°). Hộp thi hài sẽ được đặt trên giá đỡ, luôn giữ được cân bằng dù di chuyển bằng tay, hoặc dùng tời bằng điện. Tác giả sáng kiến này là kỹ sư cơ khí Nguyễn Trung Thành và Vũ Quý Khôi - bộ đội công binh.

Hệ thống cấp điện cho công trình cũng phải được lắp đặt và tính toán lại. Ngoài việc củng cố hệ thống điện lưới quốc gia, còn phải lắp đặt ba tổ máy diêzen. Bộ phận kỹ thuật điện do kỹ sư Nguyễn Trung Thành phụ trách, đã thiết kế lắp đặt ba cụm máy diêzen theo thế chân vạc. Để bảo đảm nguồn điện liên tục, một hệ thống đóng, cắt nguồn điện dự phòng tự động đã được lắp đặt, hệ thống tự động này có thể đảm bảo đưa một trạm diêzen vào hoạt động ngay khi nguồn điện lưới quốc gia bị mất và còn có khả năng chọn trạm diêzen khác thay thế khi cần thiết. Ngoài ra còn lắp đặt hệ thống điều khiển từ xa đối với các máy điều hòa nhiệt độ trong công trình để tránh phải đi lại nhiều, ảnh hưởng tới nhiệt độ và độ ẩm trong phòng để thi hài.

Về nước sạch, để công trình hoạt động được cũng phải thường xuyên có hàng trăm mét khối nước mỗi ngày, chưa kể nước sinh hoạt cho cán bộ. chiến sĩ.

K9 nằm trên độ cao 250 mét so với mực nước biển, nguồn nước cũng rất khó khăn. Để khắc phục khó khăn này, kỹ sư Hoàng Trung Bá đã thiết kế một hệ thống khai thác và sử dụng nước rất tiết kiệm, có hiệu quả.

Tất cả những sáng kiến "tự động hóa" này phải đặt vào bối cảnh năm 1969, chúng ta mới thấy hết được những khó khăn và những ý nghĩa quan trọng của công tác thiết kế thi công. Các chiến sĩ công binh, những người trực tiếp lao động trên công trình đã trải qua những tháng ngày vô cùng gian khổ. Khả năng cung cấp có hạn do ở xa dân, xa chợ búa, lại phải hạn chế đi lại nên bữa ăn của anh em rất đạm bạc. Ngoài ra, anh em còn phải chấp hành nghiêm ngặt chế độ bảo mật, không đi lại, không tiếp xúc với dân, không phơi phóng linh tinh, thậm chí không cả thư từ trong những ngày làm việc tại công trình. Nhưng, tuy thiếu thốn, gian khổ, lao động cường độ cao, anh em vẫn rất vui vẻ, tự hào khi được Đảng, Nhà nước, quân đội giao cho thi công một công trình đặc biệt nên họ đã thi đua nhau, đạt năng suất cao, đẩy nhanh tiến độ công trình"1.

Ngày 15 tháng 12 năm 1969, công trình hoàn thành và từ đây được mang mật danh K84.

Sau khi K84 hoàn thành, đêm 23 tháng 12 năm 1969, thi hài của Bác đã được chuyển từ 75A lên K84.
____________________________________
1.  Trần Kinh Chi: Những tháng năm tham gia giữ gìn lâu dài và bảo vệ thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nxb Trẻ - Nxb QĐND, 2005, tr, 67-70.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM