Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 03:27:08 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Từ chiến sĩ  (Đọc 26336 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #60 vào lúc: 28 Tháng Tư, 2016, 09:35:00 pm »




Sau khi Hiệp định Pari được ký kết, nhìn nhận lại tổng lực công binh cũng có nhiều vấn đề đặt ra. Trải qua cuộc chiến đấu kéo dài ác liệt, quân số trang bị của nhiều đơn vị bị hao hụt. Trong toàn Binh chủng, số xe hỏng chiếm tới 42,7%, máy hỏng chiếm 48%. Số xe còn sử dụng được bị xuống cấp; các đơn vị, trạm xưởng đều thiếu phụ tùng thay thế. Tình hình đó ảnh hưởng đến các đơn vị công binh thuộc Bộ Tư lệnh Công binh và hạn chế khả năng chi viện khí tài trang bị cho công binh các chiến trường. Sau khi Hiệp định Pari được ký kết, một thực tế đã diễn ra nữa là viện trợ của các nước bạn giảm hẳn.

Thực hiện chỉ thị của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Công binh chủ trương nhanh chóng thu hồi sửa chữa phương tiện trang bị hiện có, khẩn trương củng cố nâng cao trình độ chiến đấu cho toàn Binh chủng. Với tinh thần đó, chúng tôi phát động một đợt thu hồi sửa chữa khôi phục các khí tài công binh, chủ yếu là các phương tiện vượt sông, làm đường, rộng khắp trong toàn binh chủng, nhằm đảm bảo cho các đơn vị công binh cơ động có đủ trang bị theo yêu cầu.

Thực hiện cuộc vận động, đến cuối năm 1973, toàn Binh chủng tìm kiếm mò vớt thu hồi 1.170 xe - máy, dồn lắp hoàn chỉnh 117 chiếc, bảo dưỡng 7.885 lần chiếc, sửa chữa nhỏ 5.560 lần chiếc, sửa chữa vừa và lớn 485 xe - máy các loại. Riêng Xưởng 49 sửa chữa lớn được 116 xe - máy đặc chủng. Hai đội sửa chữa lưu động thuộc Phòng Khí tài Bộ Tư lệnh Công binh sửa chữa nhỏ và vừa được 266 lần chiếc. Kết quả là các đơn vị vượt sông, các đơn vị công trình chiến đấu có gần đủ trang bị theo biên chế. Bộ Tư lệnh Công binh có thêm trang bị khí tài chi viện cho công binh các chiến trường.

Nhiều lần họp Bộ Tư lệnh, tôi đề nghị ban hành chế độ sử dụng nghiêm ngặt trang thiết bị. Mỗi trung đoàn công binh chỉ được sử dụng hai máy húc, mỗi tiểu đoàn vượt sông chỉ được sử dụng hai bộ phà và một số xe chở phà để huấn luyện. Các xe - máy còn lại được đưa vào để niêm cất bảo quản chủ động phục vụ yêu cầu chiến lược. Nhờ chủ trương đúng đắn này các đơn vị công binh có thể chủ động phương tiện khi bước vào những chiến dịch quy mô lớn.

Lần này về tổ chức, tôi bàn kỹ với các đồng chí lãnh đạo Bộ Tư lệnh Công binh tập trung củng cố các trung đoàn 229, 239, 249 là những đơn vị có nhiệm vụ sẵn sàng cơ động chiến đấu. Nhiều cán bộ trẻ khỏe, nhân viên kỹ thuật được bổ sung cho các trung đoàn này. Mỗi trung đoàn xây dựng hai tiểu đoàn hoàn chỉnh để sẵn sàng chiến đấu. Các đơn vị khác giữ khung cán bộ, tổ chức Đảng, sẵn sàng kiện toàn theo biên chế khi có quân bổ sung.

Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Công binh chủ trương tinh giảm biên chế ở các cơ quan Bộ Tư lệnh. Các phòng, ban giảm người, gọn hơn nhưng vẫn đảm bảo công việc. Trường sĩ quan Công binh được chiêu binh 1.500 học sinh, gấp 3 lần năm 1972. Đoàn 1506 được củng cố thành Trường đào tạo Hạ sĩ quan và nhân viên kỹ thuật. Trước mắt, trường mở các lớp tập huấn cán bộ kỹ thuật xe-máy góp phần quản lý xe-máy ở các đơn vị.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #61 vào lúc: 28 Tháng Tư, 2016, 09:35:59 pm »


Vào cuối năm 1973, trực thuộc Bộ Tư lệnh Công binh có 8 trung đoàn, gồm 3 trung đoàn công trình (229; 279; 299), 2 trung đoàn vượt sông (239, 249), 3 trung đoàn kiến trúc (259, 259A, 289), 2 tiểu đoàn xe - máy (71, 72) bảo đảm công trình ở khu căn cứ và 2 trường.

Đảng ủy Bộ Tư lệnh Công binh đã lãnh đạo các đơn vị tiến hành nhiều đợt sinh hoạt chính trị, nâng cao nhận thức về tình hình và nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới sẵn sàng hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng và quân đội giao cho. Cuộc vận động "Chấp hành kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy" giúp các đơn vị khắc phục hiện tượng tự do, tùy tiện, không nghiêm túc chấp hành kỷ luật do hoàn cảnh chiến đấu phân tán, đóng quân dã ngoại lâu ngày gây ra. Các vụ vi phạm kỷ luật giảm rõ rệt, có nhiều đơn vị không để xảy ra vi phạm kỷ luật nào trong năm 1973.

Chấp hành nghị quyết của Bộ Quốc phòng, tháng 2 năm 1973, Bộ Tư lệnh Công binh chuyển giao Trung đoàn công binh 7 cho Mặt trận Tây Nguyên, Trung đoàn công binh 83 cho Quân khu 5; tiếp đó, chuyển giao Trung đoàn công binh 219 cho Mặt trận Trị - Thiên. Bộ Tư lệnh Công binh còn tổ chức xây dựng cho các quân khu 3 tiểu đoàn và 9 đại đội vượt sông; bổ sung nhiều lái xe, lái máy, thợ sửa chữa cho các chiến trường.

Về trang bị khí tài, Bộ Tư lệnh Công binh chi viện cho các chiến trường 118 xe - máy, 8.314 tấn thuốc nổ, 897 tấn khí tài. Đầu năm 1974, Bộ Tư lệnh Công binh tăng cường cho chiến trường Nam Bộ và Cực Nam Trung Bộ (B2) một tiểu đoàn xe - máy: gồm 315 cán bộ, chiến sĩ và nhiều xe - máy công trình. Kể từ khi bước vào cuộc chiến tranh chống Mỹ, đây là đợt bổ sung lớn nhất.

Trước tình hình mới, trên miền Bắc, các tiểu đoàn công binh đảm bảo giao thông thuộc các quân khu, các tỉnh được giải thể. Các quân khu Tả Ngạn, Hữu Ngạn, Tây Bắc chỉ còn 1 đến 3 tiểu đoàn công binh. Quân khu Việt Bắc còn 2 đại đội. Riêng Quân khu 4 có 1 trung đoàn và 2 tiểu đoàn công binh.

Ở miền Nam, Mặt trận Trị - Thiên có 2 trung đoàn công binh (219, 414), 1 tiểu đoàn vượt sông và 1 tiểu đoàn kiến trúc. Quân khu 5 có 2 trung đoàn công binh, 1 tiểu đoàn vượt sông, 1 tiểu đoàn kiến trúc. Mặt trận Tây Nguyên có 1 trung đoàn công binh (Trung đoàn 7), 1 tiểu đoàn vượt sông, 1 tiểu đoàn làm sở chỉ huy. Mỗi tỉnh ở Tây Nguyên có 3 đến 4 đại đội công binh.

Ở Nam Bộ, tháng 5 năm 1973, Phòng Công binh chuyển thành Bộ Tư lệnh công binh Miền. Đồng chí Nguyễn Văn Thọ được cử làm Tư lệnh. Đồng chí Nguyễn Văn Thọ học môn chỉ huy cùng với tôi tại Học viện Công binh Liên Xô. Đồng chí là một trong những học viên giỏi thời ấy. Đồng chí Võ Minh Triết và Nguyễn Phú Xuyên Khung làm Phó Tư lệnh.

Như vậy, sau nhiều năm xây dựng và chiến đấu, bảo đảm chiến đấu, lực lượng công binh trên chiến trường Nam Bộ và Cực Nam Trung Bộ đã phát triển lớn mạnh có khả năng chiến đấu hiệp đồng binh chủng.

Ở miền Bắc, công việc nặng nề cấp bách là khắc phục hậu quả chiến tranh: rà, phá thủy lôi, bom mìn địch để lại. Phía Hoa Kỳ, theo quy định của Hiệp định Pari, cũng tổ chức một lực lượng lớn trên 4.680 người, do một phó đô đốc (tướng hai sao) chỉ huy mang theo nhiều phương tiện rà, phá thủy lôi hiện đại, nhưng trong 6 tháng (từ tháng 2 đến ngày 20 tháng 8 năm 1973) chỉ làm nổ được 3 quả thủy lôi. Còn lại do bộ đội công binh, dân quân tự vệ và quần chúng nhân dân đã phá hàng nghìn, hàng vạn quả bom, mìn, thủy lôi, từ trường mà địch để lại.

Trong thành tích này, nổi trội có đội phá bom của Bộ Tư lệnh Công binh. Đội là đơn vị duy nhất có máy dò tìm bom hiện đại. Liên tục trong hai năm, đội dò tìm khắp địa bàn Hà Nội, Thái Nguyên, Quảng Ninh và đã gỡ được 251 quả bom từ trường, gần 800 quả bom phá.

Tháng 7 năm 1973, Hội nghị sơ kết công tác rà, phá bom mìn được Binh chủng tổ chức ở Vĩnh Phú, nhằm trao đổi kinh nghiệm bàn biện pháp thúc đẩy công việc nhanh hơn. Đại biểu công binh các quân khu, binh chủng về dự đông đủ. Qua Hội nghị này chúng tôi đã rút ra nhiều kinh nghiệm, nhiều bài học bổ ích và phương hướng công tác sắp tới, đồng thời biểu dương khen thưởng những đơn vị cá nhân xuất sắc.

Cũng xin nói một điều, trong thời gian này, theo yêu cầu của Bộ Chính trị Trung ương Đảng, tôi còn được giao trực tiếp phụ trách lực lượng công binh thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt (sẽ trình bày ở phần sau); nên mặc dù trên cương vị Tư lệnh Công binh, nhưng tôi cũng không quán xuyến hết mọi công việc. Bù lại, các đồng chí: Chính ủy Chu Thanh Hương (sau là anh Trần Thế Môn); Phó chính ủy: Nguyễn Ích, Nguyễn Huân; Phó tư lệnh: Phạm Cương, Nguyễn Văn Đoan, Đào Hữu Liêu, Phan Kim Bảng, Phạm Văn Diêu... là một tập thể cán bộ vững vàng về mọi mặt; đã giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ trên cương vị của mình.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #62 vào lúc: 28 Tháng Tư, 2016, 09:36:37 pm »




Mặc dù Hiệp định Pari được ký kết, nhưng với bản chất lật lọng, tráo trở, Mỹ đã giật dây, tiếp sức cho chính quyền và quân đội Sài Gòn phá hoại Hiệp định ngay từ đầu và có hệ thống. Trong khi đó, về phía ta, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và lãnh đạo, chỉ huy các chiến trường, quân và dân ta chấp hành nghiêm Hiệp định, sẵn sàng đánh bại mọi hành động vi phạm Hiệp định của kẻ thù. Tuy nhiên, cũng có một vài địa phương, một số vùng chủ quan, ảo tưởng vào "thiện chí" của đối phương, bị động khi địch lấn chiếm, dẫn đến mất đất, mất dân.

Để tiếp tục đưa cách mạng miền Nam đi lên, từ ngày 19 tháng 6 đến ngày 6 tháng 7 năm 1973, Ban Chấp hành Trung ương Đảng tiến hành Hội nghị lần thứ 21, ra nghị quyết về tình hình và nhiệm vụ mới của cách mạng miền Nam, khẳng định tiếp tục thực hiện chiến lược cách mạng tiến công, đánh bại hoàn toàn đế quốc xâm lược và chính quyền, quân đội tay sai bán nước, thực hiện độc lập, thống nhất Tổ quốc.

Thực hiện Nghị quyết 21 của Trung ương Đảng và nghị quyết Hội nghị Quân ủy Trung ương (tháng 3 năm 1973) Bộ Tổng Tham mưu và Tư lệnh các chiến trường, quân chủng, binh chủng khẩn trương chuẩn bị mọi mặt cho cuộc tổng tiến công chiến lược nhằm hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam.

Giai đoạn cuối năm 1973, các quân đoàn chủ lực 1, 2, 4 (Binh đoàn Quyết thắng, Binh đoàn Hương Giang và Binh đoàn Cửu Long) của quân đội ta được thành lập. Các quân đoàn được thành lập chứng tỏ sức mạnh của quân đội ta đã lớn mạnh cả số lượng lẫn chất lượng. Quân và dân ta có thể mở những chiến dịch với quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu chiến tranh trong giai đoạn mới.

Thành phần binh chủng kỹ thuật trong các quân đoàn chiếm tỉ lệ đáng kể. Theo quyết định của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Công binh đã chuyển những đơn vị mình trực tiếp phụ trách cho các đơn vị bạn. Trung đoàn công binh 299 trực thuộc Bộ Tư lệnh Công binh được tăng cường quân số, trang bị xây dựng thành Lữ đoàn công binh 299, gồm: 4 tiểu đoàn công trình, 1 tiểu đoàn vượt sông, 1 tiểu đoàn xe - máy. Đồng chí Vũ Trọng Hà làm Lữ đoàn trưởng. Trung đoàn 219 thuộc Quân khu Trị - Thiên tổ chức thành Lữ đoàn công binh 219 thuộc Quân đoàn 2 (gồm 3 tiểu đoàn công trình, 1 tiểu đoàn vượt sông, 1 tiểu đoàn xe - máy) do đồng chí Nguyễn Hoa làm Lữ đoàn trưởng. Chủ nhiệm công binh Quân đoàn 2 là đồng chí Bùi Lộc. Trung đoàn công binh 25 trực thuộc Bộ Tư lệnh Miền chuyển thành Lữ đoàn 25 thuộc Quân đoàn 4 (gồm 2 tiểu đoàn công trình, 1 đại đội vượt sông, 1 đại đội xe máy) do đồng chí Nguyễn Phú Xuyên Khung làm Chủ nhiệm công binh quân đoàn kiêm Lữ đoàn trưởng. Lực lượng công binh thuộc Quân khu 5, Tây Nguyên, Nam Bộ được tăng cường bằng cách chuyển các đơn vị công binh đánh phá giao thông thành các trung đoàn, tiểu đoàn trực thuộc quân khu.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #63 vào lúc: 28 Tháng Tư, 2016, 09:37:15 pm »


Tháng 3 năm 1974, Bộ Tư lệnh Công binh mở đợt sinh hoạt chính trị học tập Nghị quyết 21 của Trung ương Đảng, quán triệt chủ trương nhiệm vụ quân sự trong giai đoạn mới. Công tác huấn luyện quân sự giáo dục chính trị trong Binh chủng được tiến hành theo hướng bảo đảm tác chiến hiệp đồng binh chủng với quy mô lớn. Chỉ thị huấn luyện năm 1974 của Bộ Tư lệnh Công binh chỉ rõ: "Huấn luyện để tác chiến thành thạo với các khí tài đặc chủng, giỏi về mở đường, đảm bảo vượt sông và các mặt đảm bảo công trình khác, đáp ứng yêu cầu chiến đấu tiến công tốc độ cao của các chiến dịch".

Những kinh nghiệm chiến đấu, kinh nghiệm công tác chính trị trong các chiến dịch nhất là chiến dịch tiến công - phòng ngự ở Trị - Thiên năm 1972 được tổng kết biên soạn thành tài liệu học tập cho các lớp huấn luyện cán bộ. Một số vấn đề về chiến thuật của Binh chủng được nghiên cứu, biên soạn như: "Bảo đảm công trình chiến dịch tiến công, phản công"; "Bảo đảm công trình tiến công thành phố”; "Hành động của đoàn công binh mở đường"; "Hành động của tiểu đoàn trong chiến dịch tiến công".

Trường sĩ quan Công binh được tăng cường số lượng học viên lên đến 1.500 người, tổ chức thành 4 tiểu đoàn gồm: 3 tiểu đoàn đào tạo cán bộ sơ cấp và 1 tiểu đoàn bổ túc cán bộ trung sơ cấp.

Tháng 8 năm 1974, Đại hội đại biểu Đảng bộ công binh lần thứ IV được triệu tập. Đây là Đại hội đầu tiên từ khi Binh chủng bước vào cuộc chiến đấu chống Mỹ (Đại hội Đảng bộ công binh lần thứ III họp vào tháng 8 năm 1964). Đại hội lần thứ IV đã kiểm điểm nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và hoạt động trong 10 năm, khẳng định sự trưởng thành lớn mạnh và sự đóng góp to lớn của Binh chủng Công binh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Lãnh đạo Bộ Tư lệnh được đánh giá tốt, có nhiều cố gắng quán xuyến chỉ đạo, có nhiều thành tích trong chỉ đạo toàn Binh chủng, đồng thời những việc giao thêm như: xây dựng các công trình phục vụ cơ quan Trung ương, Bộ Quốc phòng, nhất là công trình xây dựng Lăng Bác đạt hiệu quả cao.

Đại hội phân tích sâu quan điểm thông qua trong Đại hội Đảng bộ lần thứ III, đánh giá các công tác cán bộ, công tác huấn luyện, công tác chính trị, công tác trong Binh chủng, thống nhất nhận thức về một số vấn đề cơ bản trong cán bộ Binh chủng, trên cơ sở đó, Đại hội đã xác định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, tính chất của Binh chủng Công Binh Việt Nam. Đó là: "Nắm vững Binh chủng Công binh là một binh chủng kỹ thuật có chức năng bảo đảm chiến đấu và chiến đấu, vừa chuyên sâu, vừa biết rộng, kết hợp hiện đại với thô sơ, cải tiến, kết hợp chiến đấu, công tác và xây dựng, cần kiệm, liềm chính, chí công, vô tư, tự lực tự cường xây dựng Binh chủng". Đại hội đã xác định nhiệm vụ mục tiêu và một số công tác lớn của Binh chủng trong 2 năm 1974-1975.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #64 vào lúc: 28 Tháng Tư, 2016, 09:38:42 pm »




Trong 2 năm 1973-1974, cùng với xây dựng kế hoạch tác chiến chiến lược, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tham mưu rất chú trọng cho công tác chuẩn bị chiến trường, trong đó việc tăng cường lực lượng và chuẩn bị đường sá là những việc then chốt. Năm 1973 và tháng 6 năm 1974, nhiều đơn vị bộ binh và binh chủng kỹ thuật đã trải qua huấn luyện theo phương hướng tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn đang hành quân vào Nam.

Sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết 21 của Trung ương Đảng, quân và dân ta đẩy mạnh tiến công địch trên khắp các chiến trường miền Nam; đồng thời tích cực tạo thế, tạo lực; thành lập các quân đoàn chủ lực cơ động; đẩy mạnh tổ chức chiến trường. Đến cuối năm 1973, trên chiến trường miền Nam, thế và lực của ta hoàn toàn áp đảo địch. Đây là cơ sở cho phép Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương quyết định giải phóng hoàn toàn miền Nam trong hai năm 1975-1976 và khi điều kiện cho phép sẽ hoàn thành kế hoạch này trong năm 1975.

Sau hội nghị Bộ Chính trị tháng 10 năm 1974 và tháng 1 năm 1975, chấp hành chủ trương của cấp trên, công tác chuẩn bị cho Tổng tiến công giải phóng hoàn toàn miền Nam càng khẩn trương hơn.

Chuẩn bị cho chiến tranh lâu dài và xảy ra trên quy mô lớn, tức là tác chiến hợp đồng binh chủng trên cấp quân đoàn, đầu năm 1975, Bộ Tư lệnh Công binh cử một đoàn cán bộ do đồng chí Phó Tư lệnh Phạm Văn Diêu dẫn đầu sang Liên Xô để tập huấn về nghệ thuật bảo đảm công trình chiến dịch quy mô tác chiến toàn quân.

Một đoàn cán bộ khác do đồng chí Nguyễn Hữu Yên - Trưởng phòng tác chiến đi vào các chiến trường, trước mắt là Tây Nguyên, để nắm tình hình chi viện các chiến trường và kế hoạch tham gia Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975.

Ở Tây Nguyên, theo kế hoạch chiến dịch, mặt trận sẽ chia thành 4 khu vực: Đức Lập, Buôn Ma Thuột (khu vực chủ yếu), Cẩm Ga - Thuần Mẫn (trên đường 14 là khu vực quan trọng), Công Tum - Plây Ku (hướng nghi binh).
Thực hiện kế hoạch này, bộ đội công binh đã chuẩn bị mạng đường sá trên địa bàn rộng lớn, nhất là khu vực tác chiến xa hậu phương. Tuy vậy, bộ đội công binh đều hoàn thành tốt.

Đến trước giờ nổ súng đánh địch ở Buôn Ma Thuột - trận mở màn chiến dịch Tây Nguyên, các đơn vị công binh chiến dịch và công binh sư đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ mở đường góp phần cùng các lực lượng bộ đội chủ lực, dân quân tự vệ giải phóng Buôn Ma Thuột, giáng một đòn chí mạng buộc địch phải bỏ Tây Nguyên tháo chạy. Sai lầm về chiến lược, chiến thuật của địch dẫn đến sự sụp đổ nhanh chóng của chính quyền và quân đội Nguyễn Văn Thiệu.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #65 vào lúc: 28 Tháng Tư, 2016, 09:39:14 pm »


Sau thắng lợi chiến dịch Tây Nguyên, Bộ Tư lệnh Công binh kịp thời rút ra bài học sơ kết cho các chiến dịch sau. Ở chiến dịch Tây Nguyên, lực lượng công binh chiếm 18% số tiểu đoàn tham gia chiến dịch, gồm: 16 tiểu đoàn và 34 đại đội. Số lượng tham gia đông ở cấp chiến dịch và cấp chiến thuật. Nhưng một số hạn chế rất lớn là: trang bị còn thiếu, xe máy có 3 máy húc (trong đó có 1 chiếc thu được của địch) và một số xe vận tải; phương tiện vượt sông gồm có: 3 phà TPP 50 tấn và 2 phà LPP 35 tấn. Nhiều đơn vị thiếu quân số so với biên chế, chưa có kinh nghiệm đảm bảo cho binh chủng hợp thành đánh thành phố, thị xã, đánh thọc sâu. Mặc dầu còn hạn chế nhưng bộ đội Công binh đã nỗ lực vượt bậc mở được 1.532 kilômét đường cơ giới, trong đó mở mới 653 kilômét đường bộ binh, có tổ chức bến phà đảm bảo cho 83 xe xích, 3.974 xe bánh lốp, bắc 1 cầu nổi và 1 bến thuyền cho bộ binh, làm 3 ngầm với tổng chiều dài 260 mét. Ngoài ra, công binh còn xây dựng 67 sở chỉ huy từ cấp chiến dịch đến cấp trung đoàn, 15 trận địa pháo, mở 14 cửa mở qua bãi mìn cho xe tăng. Trong chiến dịch tiến công hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, nhiệm vụ đảm bảo công trình chiến dịch của công binh rất phong phú, có tính nghệ thuật cao. Đây là một trong những đỉnh cao nghệ thuật đảm bảo công trình chiến dịch của Công binh Việt Nam.

Bản thân tôi và các đồng chí Vũ Trọng Hà, Nguyễn Văn Thọ... từng học ở Học viện Công binh Liên Xô đã áp dụng những bài học được trong trường vào thực tế một cách đúng đắn, sáng tạo trong điều kiện tác chiến ở chiến trường Việt Nam. Đúng như lời dạy bảo của Bác Hồ: Các chú còn trẻ phải học tri thức quân sự tiên tiến của thế giới mối đánh bại bè lũ đế quốc sừng sỏ.

Một phần thưởng xứng đáng cho công binh tham gia chiến dịch Tây Nguyên là được Bộ chỉ huy chiến dịch khen: "Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ".

Ở Mặt trận Trị - Thiên, công binh cũng hoạt động tích cực. Công binh Sư đoàn 324 mở đường kéo pháo từ đường 14 đến Truồi và cao điểm 651, đưa pháo 122mm, 57mm, 85mm vào cách địch hơn 1 kilômét. Ngày 18 tháng 3 năm 1975, pháo binh Sư đoàn 324 dội bão lửa xuống căn cứ địch ở tây nam Huế, mở màn chiến dịch tiến công trên chiến trường Trị - Thiên. Cùng ngày, Quân đoàn 2 cùng các lực lượng vũ trang Trị - Thiên đồng loạt tiến công căn cứ điểm của địch ở tây Quảng Trị đến nam Thừa Thiên, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #66 vào lúc: 28 Tháng Tư, 2016, 09:40:02 pm »


Ngày 27 tháng 3 năm 1975, Quân đoàn 3 (Binh đoàn Tây Nguyên) được thành lập. Đồng chí Trần Huy Ngọ - Chủ nhiệm công binh mặt trận Tây Nguyên chuyển sang làm Chủ nhiệm công binh Quân đoàn. Trung đoàn công binh 7 thuộc Quân đoàn do đồng chí Trần Đình Thiện làm Trung đoàn trưởng. Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, sau khi kết thúc chiến dịch Tây Nguyên, các đơn vị nhanh chóng triển khai xuống đồng bằng Khu 5.

Trước diễn biến mau lẹ của tình hình "một ngày bằng hai mươi năm", Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương nhận định ta có khả năng giành thắng lợi to lớn, nên đã chỉ thị cho Quân khu Trị - Thiên, Quân đoàn 2 và các đơn vị trên chiến trường thừa thắng đẩy mạnh tiến công địch, giải phóng Trị - Thiên, Huế.

Lữ đoàn công binh 219 (thuộc Quân đoàn 2) đang đảm bảo cho Quân đoàn đánh địch ở vùng giáp ranh Kim Sắc, núi Bông, núi Nghệ (tây nam Huế) được lệnh đảm bảo cho bộ binh tràn xuống đường số 1.

Thời gian rất gấp rút, Bộ Tư lệnh Công binh điều Tiểu đoàn vượt sông 5 (Lữ đoàn 219) hành quân cấp tốc từ Nam Đông xuống Truồi và La Sơn (thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế). Đơn vị vừa tới địa điểm tập kết đã bắt tay vào gỡ phá bom mìn do địch cài lại, ghép xong phà tại bến La Sơn, bến Truồi, tiếp đến bắc cầu nổi Phú Bài. Cùng ngày 27 tháng 3, Tiểu đoàn công binh 17 (Sư đoàn 325) sửa xong cầu Bạch Thạch. Nhờ có cầu thông suốt, xe tăng, pháo cao xạ, pháo mặt đất, xe vận tải, bộ binh thần tốc tiến về Huế. Ngày 25 tháng 3, bộ đội ta tiêu diệt và đánh địch tan tác khi chúng rút chạy xuống cửa biển Thuận An, cửa biển Tư Hiền, giải phóng hoàn toàn Trị - Thiên.

Ngày 25 tháng 3, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương khẳng định thời cơ chiến lược đã tới, cần nhanh chóng tập trung lực lượng vào phương hướng chủ yếu, hành động táo bạo, bất ngờ hoàn thành giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa. Trước mắt phải tiêu diệt quân địch ở Đà Nẵng. Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã chỉ thị: "Thần tốc! Thần tốc hơn nữa! Táo bạo, táo bạo hơn nữa!". Toàn quân chấp hành mệnh lệnh của Đại tướng Tổng tư lệnh.

Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Bộ Tư lệnh chiến dịch. Các đồng chí lãnh đạo Tổng cục Chính trị điện cho tôi chọn một số cán bộ có uy tín chuyên môn như từ phổ biến thời đó là "vừa hồng, vừa chuyên" để bổ sung cho cán bộ lãnh đạo trong Bộ chỉ huy chiến dịch. Bộ Tư lệnh Công binh cử đồng chí Nguyễn Thuận là Tham mưu trưởng Binh chủng Công binh cùng một số cán bộ khác thành lập cơ quan công binh chiến dịch.

Thời điểm này, đúng là mỗi người làm việc bằng hai, bằng ba. Tôi vừa lo chỉ đạo thi công hoàn tất công trình Lăng Bác Hồ cho tiến kịp tiến độ xây dựng, vừa tiếp thu chỉ thị cấp trên kịp thời điều binh, điều cán cho các mặt trận. Công việc cứ xoay như đèn cù.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #67 vào lúc: 28 Tháng Tư, 2016, 09:40:34 pm »


Vì tình hình các mặt trận diễn ra rất khẩn trương, để chỉ đạo kịp thời, Bộ Tổng Tham mưu tổ chức giao ban hằng ngày, có đủ tất cả các thành phần binh chủng, quân chủng tham gia. Nắm được tình hình diễn biến hằng giờ, hằng ngày, Bộ Tư lệnh Công binh kịp thời tổ chức thực hiện. Trong Binh chủng không khí lập công thật sôi nổi. Ai cũng muốn mình có chút đóng góp vào chiến thắng sắp tới. Đoàn cán bộ đi tập huấn Liên Xô do anh Phạm Văn Diêu phụ trách điện về cho tôi, xin về nước chiến đấu. Anh em tâm sự: Giải phóng đất nước đến nơi rồi, mình là người lính không có mặt thì thật là tiếc và hối hận. Tôi phải động viên anh em:

- Cứ yên tâm học đi, có học mới đánh thắng được giặc Mỹ và các loại đế quốc đầu sỏ khác. Nhờ học mà tôi làm được Tư lệnh binh chủng Công binh. Tổng công trình sư. Các đồng chí cứ yên tâm. Có công các đồng chí đấy. Tôi rất thông cảm khát vọng ước mong của cán bộ, chiến sĩ trước giờ đại thắng đến gần!

Sau giải phóng Huế, Quân đoàn 2 tiến về Nam cùng các lực lượng Quân khu 5 giải phóng Đà Nẵng.

15 giờ ngày 29 tháng 3 năm 1975, Đà Nẵng giải phóng. Trong chiến dịch giải phóng Đà Nẵng, công binh có nhiệm vụ bảo đảm cho các đơn vị cơ động, đánh địch trong hành tiến. Lực lượng công binh tham gia chiến dịch này chiếm 13%, nếu tính cả công binh Đoàn 559 thì số lượng công binh lên tới 19% trong số lực lượng chiến đấu ở mặt trận.

Chưa đầy một tháng kể từ ngày mở màn chiến dịch Tây Nguyên, ta đã giải phóng một địa bàn rộng lớn từ Quảng Trị đến Khánh Hòa và mở rộng vùng giải phóng Nam Bộ đến sát Sài Gòn. Với truyền thống "Mở đường thắng lợi", bộ đội công binh cùng toàn dân, toàn quân phấn khởi bước vào trận chiến cuối cùng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #68 vào lúc: 28 Tháng Tư, 2016, 09:41:20 pm »




Ngày 31 tháng 3 năm 1975, Bộ Chính trị nhận định: "Cả về thế chiến lược và lực lượng quân sự, chính trị ta đã có sức mạnh áp đảo quân địch. Thời cơ chiến lược để tiến hành tổng công kích đã chín muồi. Cuộc cách mạng đấu tranh giải phóng miền Nam đã bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt. Từ giờ phút này, trận quyết chiến, chiến lược của quân và dân ta đánh vào sào huyệt cuối cùng của địch đã bắt đầu nhằm hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam, thực hiện thống nhất Tổ quốc".

Thực hiện nghị quyết Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Bộ Tư lệnh Công binh đã điều động các trung đoàn công binh vượt sông 239, 249, Trung đoàn công binh 279 và cử nhiều cán bộ vào chiến trường.

Đúng là "Tin mừng thắng trận như hoa nở"! Lời Bác Hồ tiên đoán cho ngày đại thắng đã thành hiện thực. Sau hơn một tháng tổng tiến công và nổi dậy, quân và dân ta tiêu diệt và làm tan rã 35% lực lượng của địch, loại khỏi vòng chiến đấu 2 quân khu, 2 quân đoàn, phá hủy, đánh chiếm trên 40% cơ sở hậu cần của chúng, giải phóng 12 tỉnh với 8 triệu dân. Các lực lượng vũ trang càng đánh, càng mạnh. Nhân dân cả nước từ hậu phương đến tiền tuyến vô cùng phấn khởi, hết lòng tham gia sự nghiệp giải phóng miền Nam.

Cả nước ra trận. Các đoàn xe, tàu đều hướng về Sài Gòn. Theo sự phân công của Nhà nước, Bộ Giao thông vận tải đảm nhận cầu đường trên miền Bắc, từ đường 9 trở ra, có công binh tăng cường một số bến phà, bảo đảm cho binh khí kỹ thuật nặng qua sông. Từ đường 9 trở vào do quân đội đảm nhiệm. Lực lượng chủ yếu là công binh Đoàn 559, các quân khu phía Nam và lực lượng tăng cường của Bộ Tư lệnh Công binh.

Trung đoàn công binh vượt sông 239 lên đường vào phối thuộc cho Quân khu 5, sau cuộc hành quân dài 800 kilômét, đã đến vị trí tập kết ngày 15 tháng 4 năm 1975 với đầy đủ trang thiết bị và tiếp theo đảm bảo phà trên bến Câu Lâu, Bà Rén, An Tân. Sau khi Trung đoàn 239 vào chiến trường, theo đề xuất của chúng tôi, Bộ Tổng Tham mưu quyết định thành lập Trung đoàn vượt sông 265 thuộc Bộ Tư lệnh Công binh trên cơ sở 233 cán bộ và chiến sĩ Trung đoàn 239 để lại.

Tất cả vào kỳ "nước rút”. Yêu cầu đảm bảo cầu đường cho cuộc hành quân thần tốc của các quân đoàn và binh khí kỹ thuật rất cao. Đường số 1 từ Đông Hà và Sài Gòn dài 1.155 kilômét có 614 cầu lớn nhỏ, trong đó có 164 cầu dài từ 52 mét đến 1.000 mét. Đường số 14 từ Đắc Tô đến Chơn Thành dài 569 kilômét, địch phá hỏng 9 cầu. Việc khắc phục cầu bị địch đánh phá hỏng trở thành công việc chủ yếu cấp bách của các đơn vị công binh.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #69 vào lúc: 28 Tháng Tư, 2016, 09:41:52 pm »


Để nhanh chóng đưa các quân đoàn chủ lực và binh khí kỹ thuật tham gia chiến dịch, Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo công binh đảm bảo trên một diện rộng nhiều trục. Công binh Đoàn 559 tiếp tục duy trì các đoạn đường Đông - Tây Trường Sơn, đồng thời nhanh chóng đưa một bộ phận lực lượng xuống bảo đảm đường số 1. Ba trung đoàn công binh 8, 531, 99 bảo đảm từ Huế vào Cam Ranh, Sư đoàn công binh 470 bảo đảm từ Công Tum đi Buôn Ma Thuột, đường 19 từ Plây Ku đến Quy Nhơn. Các đơn vị công binh thuộc Đoàn 559 đã tận dụng khí tài của địch, khai thác vật liệu tại chỗ khôi phục mới 96 cầu, với chiều dài 3.000 mét.

Trên đường hành quân, các quân đoàn sử dụng công binh đi cùng lực lượng đột kích đi trước, hoặc thành lập đội công binh "bảo đảm vận động" phá gỡ bom mìn, mở đường vòng tránh, ghép phà. Do công tác bảo đảm đường cầu thực hiện tốt nên cuộc hành quân của các quân đoàn đều thuận lợi. Nhiều đoạn đường có liều lượng 2.000 xe trong một ngày đêm, nhưng vẫn đảm bảo tốc độ trung bình từ 40 đến 50 kilômét một giờ.

Quân đoàn 1 xuất phát từ Tam Điệp (Ninh Bình) cuối tháng 3, và đơn vị cuối cùng vào tới Đồng Xoài ngày 24 tháng 4 năm 1975. Quân đoàn 2 xuất phát từ Đà Nẵng theo đường số 1, vừa hành quân vừa chiến đấu đến đông bắc Sài Gòn ngày 24 tháng 4 năm 1975. Quân đoàn 3 từ Tây Nguyên đến tây bắc Sài Gòn ngày 15 tháng 4 năm 1975. Nhiều đơn vị binh chủng kỹ thuật như tên lửa, ra-đa, pháo cao xạ, pháo mặt đất, xe tăng theo trục đường Trường Sơn vào tập kết chiến dịch đúng thời gian quy định.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Công binh Việt Nam, ta đã có một lực lượng lớn công binh tham gia chiến dịch: gồm 2 sư đoàn, 3 lữ đoàn, 20 trung đoàn, 30 tiểu đoàn làm nhiệm vụ bảo đảm cầu đường cho các quân đoàn chủ lực, các đơn vị binh khí kỹ thuật với hàng vạn xe pháo các loại, cơ động dài hàng nghìn kilômét vào tham gia chiến dịch. Cuộc hành quân thần tốc diễn ra gần một tháng. Đây là điều bất ngờ đối với địch.

Vòng vây quanh Sài Gòn đã xiết chặt. Lữ đoàn công binh 25 (Quân đoàn 4) mở 3 tuyến đường: Mã Đà - Trảng Bom, Bà Bào - Ngã ba Dầu Giây, Tà Lài - Chứa Chan bảo đảm bến phà Vĩnh An cho các đơn vị binh khí kỹ thuật vượt qua sông Đồng Nai tiến vào thị xã Xuân Lộc.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM