Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:27:05 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Từ chiến sĩ  (Đọc 26341 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #50 vào lúc: 28 Tháng Tư, 2016, 09:28:09 pm »


Bộ đội và binh khí kỹ thuật triển khai đội hình chiến đấu trên ba trục đường số 10, 16, 18. Đường số 10 dài 72 kilômét, đường số 18 dài 60 kilômét dành cho vận chuyển binh khí kỹ thuật nặng. Đường số 16 dài 140 kilômét dành cho bộ binh vũ khí nhẹ và hậu cần. Những trục đường này thường bị máy bay đánh phá liên tục, nhất là khu vực từ sông Sê Băng Hiêng đến Bản Đông thuộc Binh trạm 27 - Đoàn 559. Nhờ công tác tổ chức chỉ huy chặt chẽ của các đơn vị, việc đảm bảo giao thông chu đáo của Phòng Binh trạm thuộc Bộ Tư lệnh B70, Trung đoàn 219 và các binh trạm, việc triển khai đội hình chiến dịch đã được thực hiện đúng theo kế hoạch.

Ngày 8 tháng 2 năm 1971, một lực lượng lớn bộ binh và cơ giới của địch có không quân yểm trợ vượt qua biên giới Việt - Lào âm mưu đánh chiếm Bản Đông và Sê Pôn. Máy bay trực thăng địch đổ quân tạo thành hai cánh bảo vệ sườn nam và phía bắc.   

Trên toàn mặt trận, bộ đội ta đã nổ súng đánh địch. Phía bắc, công binh đảm bảo cho xe tăng, pháo xe kéo chiến đấu. Thấy xe tăng ta xuất kích, địch cho máy bay oanh tạc dữ dội. Các chiến sĩ công binh dũng cảm đảm bảo cho xe tăng tiến lên. Phân đội công binh Trung đoàn 64 (Sư đoàn 320) phối hợp với công binh đơn vị thiết giáp bí mật mở đường cho Đại đội 9 (Tiểu đoàn xe tăng 198) tiếp cận và Trung đoàn 66 (Sư đoàn 304) bất ngờ đột phá sở chỉ huy lữ đoàn 3 của địch, diệt 370 tên, bắt 137 tên (trong đó có tên lữ đoàn trưởng Nguyễn Văn Thọ) thu 10 khẩu pháo. Hai trung đoàn công binh (219, 98) đảm bảo cho pháo cơ động, đảm bảo cho bộ binh đánh bại thiết đoàn 17 cơ động của địch, lữ đoàn dù 8 của địch từ Bản Đông phản kích lên cao điểm 543.

Những ngày này ở Bộ Tư lệnh Công binh cũng rộn rịp như ở chiến trường. Anh em cán bộ, chiến sĩ làm việc hết sức mình. Tất cả toàn quân, toàn dân dốc lòng để giành chiến thắng. Công việc diễn ra ở chiến trường được báo cáo về Sở chỉ huy hằng ngày.

Dưới cơ sở báo cáo lên ở khu vực nam đường 9, công binh các sư đoàn bộ binh cùng công binh các binh trạm chốt giữ các cao điểm 400B, 595, 732, 199... sử dụng mìn định hướng chống tăng, bộc phá, súng B40, B41 chặn đánh quyết liệt nên đã hạn chế các hành động lùng sục, phá hoại kho tàng của địch. Hàng trăm xe thiết giáp, máy bay của cánh quân phía nam đường 9 của địch bị phá hủy.

Bị chủ lực ta đánh mạnh, quân địch co cụm ở một số khu vực như: Bản Đông, Tà Cơn; đồng thời chúng dùng trực thăng đổ hai tiểu đoàn xuống phía bắc Sê Pôn. Trước sức ép của quân ta, tiểu đoàn này vừa đến Sê Pôn đã vội vã tháo chạy. Bộ chỉ huy chiến dịch chủ trương chặn địch không cho chúng lên Sê Pôn và điều động lực lượng đến bao vây chia cắt địch chuẩn bị đánh trận then chốt chiến dịch. Nhiệm vụ mở đường đảm bảo bộ đội cơ động rất khẩn trương nhằm đưa các binh đoàn chủ lực có xe tăng, pháo kéo thực hành phản đột kích địch ở Bản Đông.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #51 vào lúc: 28 Tháng Tư, 2016, 09:28:40 pm »


Máy bay địch đánh phá quyết liệt các con đường dẫn đến Bản Đông, nhất là khu vực Binh trạm 27. Trước tình hình đó, theo đề nghị của chúng tôi, Bộ tăng cường cho mặt trận Trung đoàn công binh 7, một đơn vị nhiều kinh nghiệm mở đường và đảm bảo giao thông đã quen thuộc khu vực đường 9. Trung đoàn 7 hành quân gấp bằng cơ giới, có đoạn đi bộ, từ cửa khẩu Ta Lê (đường 20) vào đường 9 xa 300 kilômét. Tiểu đoàn 3 của trung đoàn hỗ trợ Binh trạm 27 bảo đảm giao thông đường 16A, mở đường vòng tránh khai thông đường. Tiểu đoàn 2 khôi phục đường A Lê A - A Duấp dài 7 kilômét và làm 18 trận địa pháo. Tiểu đoàn 1 vào thay Tiểu đoàn 3 (Trung đoàn 219) khôi phục tuyến đường ngang Ta Loi - Cha Ki và Làng Sen - A Lê A. Trong hai ngày, tiểu đoàn đã hoàn thành 33 kilômét đường để pháo binh triển khai đánh Tà Cơn.

Được Trung đoàn 7 vào tăng cường, hai trung đoàn công binh 98 và 219 chuyển lên phía trước cùng Trung đoàn 10 khôi phục các tuyến đường 16, 16A, 29A tiến đến Bản Đông. Đây là những con đường cũ từ lâu không được sử dụng đã bị hư hỏng nặng. Bộ đội công binh thi công cả ngày đêm liên tục dưới bom đạn ác liệt của địch.

Với sự nỗ lực của các đơn vị công binh, các tuyến đường phía trước đều thông suốt. Ngày 16 tháng 3 năm 1971, quân ta tiến đánh Bản Đông.

Đêm 17 tháng 3, Đại đội 8 (Trung đoàn công binh 219) mở đường qua bãi mìn trên đường 16, đảm bảo cho xe tăng và bộ binh Sư đoàn 304 đánh địch ở đồi Mâm Xôi. Mặc dầu bị B52 ném bom trúng đội hình, Đại đội 8 vẫn vượt qua thử thách ác liệt, đảm bảo cho xe tăng và bộ đội tiến vào lúc quân địch rút chạy.

Ở phía Nam, phân đội công binh của Sư đoàn 320 mở đường hộ tống xe tăng đánh lữ đoàn 147 - thủy quân lục chiến ở cao điểm 550. Ngày 18 tháng 3, Sư đoàn 324 đã làm chủ trận địa.

Ngày 23 tháng 3 năm 1971, chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào kết thúc thắng lợi. Thắng lợi của chiến dịch Đường 9 - Nam Lào giáng một đòn vào chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" của đế quốc Mỹ.

Đối với công binh, đây là chiến dịch công binh tham gia với lực lượng đông, hoạt động trên một địa bàn rất rộng, bảo đảm cho binh khí kỹ thuật triển khai và di chuyển đội hình trong những tình huống hết sức khẩn trương dưới hỏa lực ác liệt của địch.

Sự phối hợp, hiệp đồng tác chiến chặt chẽ giữa các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Công binh với công binh các quân khu, Đoàn 559 và công binh các đơn vị đã đạt thành tích đáng khâm phục. Trong chiến dịch, công binh đã mở trên 90 kilômét đường, khôi phục 116 kilômét đường, mở trên 300 kilômét đường cho bộ đội và xe tăng, đảm bảo giao thông trên nhiều tuyến đường với tổng chiều dài trên 700 kilômét. Công binh đã cấu trúc hàng trăm nghìn hầm chữ A cho các sở chỉ huy, đội điều trị, xây dựng hàng chục trận địa pháo, đã phá gỡ trên 1.000 quả bom, mìn; trực tiếp đánh 72 trận phục kích, chốt chặt diệt hơn 1.700 tên địch; phá hủy gần 300 xe các loại, trong đó có 63 xe bọc thép, phá hủy 3 khẩu pháo 175 của địch. Trong quá trình chiến dịch, công binh đã nỗ lực rất cao, biết phát huy những thuận lợi cho hoạt động của mình, góp phần vào thắng lợi chung của chiến dịch.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #52 vào lúc: 28 Tháng Tư, 2016, 09:29:41 pm »




Sau thất bại liên tiếp trong xuân hè 1971, Mỹ - ngụy phải co về phòng ngự. Thế và lực chiến trường rất có lợi cho ta. Tháng 5 năm 1971, Bộ Chính trị họp đánh giá tình hình chủ trương mở cuộc tiến công chiến lược trên chiến trường miền Nam, đánh bại chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" của đế quốc Mỹ. Thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương chỉ đạo các chiến trường tiếp tục phản công và tiến công địch, đồng thời chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công chiến lược.

Trong công tác chuẩn bị, việc xây dựng và phát triển hệ thống đường chiến lược chi viện cho các chiến trường và xây dựng mạng lưới đường chiến dịch trên các hướng là một trong những công tác trọng yếu. Bộ Tư lệnh Công binh được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ tổ chức công trường mở 54 kilômét đường từ Cầu Khỉ đến Nguồn Rào. Chấp hành lệnh của Bộ, Bộ Tư lệnh Công binh thành lập cơ quan tiền phương chỉ huy công trường (Cầu Khỉ - Nguồn Rào) do đồng chí Phan Kim Bảng làm Chỉ huy trưởng, đồng chí Nguyễn Ích làm Chính ủy. Lực lượng sử dụng có hai trung đoàn công binh 225 và 229, mỗi trung đoàn có 4 tiểu đoàn. Toàn công trường có 3.867 người, 5 máy húc, 13 xe ben và 59 xe vận tải. Rút kinh nghiệm những đợt mở đường trước, chúng tôi tập trung chỉ đạo chuẩn bị tốt về mọi mặt hết sức chu đáo để bảo đảm thành công.

Phát hiện ta mở đường, địch huy động các loại máy bay, kể cả B52 đánh phá. Chúng sử dụng nhiều loại bom mìn để ngăn chặn quân ta. Nhưng với quyết tâm cao, tháng 7 năm 1971, nhiệm vụ cơ bản hoàn thành.

Để chuẩn bị chuyển khí tài, phương tiện cho các đơn vị tham gia chiến dịch chúng tôi quyết định huy động mọi phương tiện vận tải đưa trên 400 tấn khí tài các loại vào hệ thống kho công binh nằm trong hệ thống kho chiến dịch vào tháng 3 năm 1972.

Bộ Tư lệnh Công binh được thông báo chuẩn bị sẵn sàng phục vụ các chiến dịch. Các đơn vị tham chiến đã sẵn sàng lên đường. Ta đánh Quảng Trị, dùng tới 4 sư đoàn bộ binh, 7 trung đoàn pháo mặt đất, 7 trung đoàn pháo cao xạ tên lửa, 2 trung đoàn xe tăng thiết giáp và các binh khí kỹ thuật khác. Tổng số phương tiện cơ giới gồm trên 1.500 xe ô tô các loại, 200 xe xích, trên 130 xe tăng, trên 350 khẩu pháo xe kéo. Công binh đã góp phần bảo đảm cho các đơn vị và binh khí kỹ thuật hành quân an toàn bí mật vào nơi tập kết.

Ngày 20 tháng 3 năm 1972, các đơn vị bắt đầu chiếm lĩnh trận địa. Công binh đã rải quân trên các trục đường tiến quân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #53 vào lúc: 28 Tháng Tư, 2016, 09:30:13 pm »


Từ Sở chỉ huy ở Hà Nội, tôi được các anh Phan Kim Bảng, Nguyễn Ích thông báo thường xuyên diễn biến tình hình địch - ta, hoạt động của công binh, cả đến tình hình thời tiết Quảng Trị có mưa, đường sá lầy lội, chuẩn bị đường sá rất khó khăn. Nhưng được tuyên truyền, động viên kịp thời, cán bộ, chiến sĩ công binh đã tập trung công sức chống lầy lội, hộ tống xe pháo di chuyển. Nhờ công tác chuẩn bị tỉ mỉ, chu đáo toàn bộ lực lượng tham gia chiến dịch đã vào vị trí triển khai đúng thời gian, bí mật, an toàn. Đây là một thành công lớn trong nghệ thuật chuẩn bị chiến dịch của quân đội ta.

Ngày 19 tháng 2 năm 1972, trong cuộc họp đánh giá công tác chuẩn bị Tư lệnh chiến dịch Lê Trọng Tấn nhận xét: "Công binh đã xây dựng mạng lưới đường sá đầy đủ nhất so với các chiến dịch khác. Có mạng đường sá tốt, ta mới sử dụng lực lượng binh khí kỹ thuật lớn".

Cùng với các đơn vị trong toàn quân, tháng 3 năm 1972 Binh chủng Công binh đã căn bản hoàn thành công tác chuẩn bị và đã tạo đà, tạo thế cho bộ binh, pháo binh lập thực hành chiến dịch giành thắng lợi.

Công binh chuẩn bị đầy đủ cho chiến dịch Quảng Trị năm 1972. Tháng 3, quân ta mở cuộc tiến công chiến lược trên toàn miền Nam. Ngày 30 tháng 3 năm 1972, quân ta nổ súng tiến công địch ở Quảng Trị, ngày 31 tháng 3, quân ta tiến công địch ở Tây Nguyên; ngày 1 tháng 4, tiến công địch ở miền Đông Nam Bộ.

Ở Quảng Trị, đêm 26 tháng 3, một tiểu đoàn của trung đoàn công binh vượt sông do Trung đoàn trưởng Trần Bình Dân chỉ huy bí mật ghép phà chở hai đại đội pháo qua sông Bến Hải vào bố trí trận địa ở Cam Phổ. Đây là một mũi vu hồi hỏa lực bất ngờ lợi hại có thể bắn vào Đông Hà, Ái Tử, hỗ trợ cho pháo binh hướng chính.

Ngày 30 tháng 3, Đại đội công binh 8 cùng hải quân liên tiếp công kích ở Cửa Việt, khống chế tàu địch trên cảng và trên sông Cửa Việt.

Bắc và Tây Bắc là hướng tiến công chủ yếu của quân ta trong chiến dịch Quảng Trị. Trên hướng này, khi bộ binh bao vây tiến công các căn cứ của địch như: Động Toàn, Ba Hồ, Đầu Mầu..., pháo ta bắn dữ dội vào Cồn Tiên, Dốc Miếu, Mai Lộc... Các đơn vị công binh của ta gấp rút nối các mút đường mới mở vào các đường do địch kiểm soát, đảm bảo cho pháo binh nhanh chóng triển khai tiến công. Với thành tích này, đồng chí Bùi Lộc và Vũ Trọng Hà được khen thưởng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #54 vào lúc: 28 Tháng Tư, 2016, 09:30:48 pm »


Ở đường 42, Trung đoàn công binh 671 do đồng chí Bùi Lộc chỉ huy đã lấn dũi, mở tiếp đường, ngày 31 tháng 3 nối được vào đường 76. Đường 42 và đường 76 trở thành một trục quan trọng của chiến dịch. Dựa vào các cung đường này, Trung đoàn bộ binh 31 có xe tăng yểm trợ đánh chiếm Quán Ngang, đuổi địch về Đông Hà. Ở các đường 11, 9B, 13, Trung đoàn công binh 229 do đồng chí Vũ Trọng Hà chỉ huy đã chôn sẵn thuốc nổ trên 1.000kg (đường 13), 600kg (đường 9B). Trưa 30 tháng 3, bộ đội ta nổ súng tiến công; công binh gây nổ đồng loạt rồi cho máy húc ra mở thông đường. Sau khi mở được đường, các đại đội công binh của Trung đoàn 229 cùng công binh của bộ đội thiết giáp hộ tống xe tăng thiết giáp của ta đánh thẳng vào căn cứ của địch. Các lực lượng công binh của ta vừa mở đường, vừa tháo gỡ bom mìn đảm bảo cho xe tăng hiệp đồng với bộ binh tiêu diệt các căn cứ 241 Mai Lộc...

Trong quá trình chiến đấu xuất hiện nhiều gương hy sinh của bộ đội công binh. Nổi bật lên là gương đồng chí Cao Văn Hậu. Tiểu đội trưởng Cao Văn Hậu và cả tiểu đội đều bị thương vì bom mìn địch đánh và gài trúng vào đội hình Trung đoàn. Nhưng các chiến sĩ còn đi được đều cùng Cao Văn Hậu tiếp tục dẫn dắt xe tăng đánh vào cứ điểm địch ở Phượng Hoàng. Pháo thủ tiếp đạn trên xe tăng hy sinh; dù bị thương, Cao Văn Hậu vào thay thế. Đồng chí Cao Vãn Hậu được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngay sau chiến dịch.

Bộ Tư lệnh chiến dịch đã lệnh cho Trung đoàn vượt sông 249 cấp tốc tổ chức bến phà, bắc cầu phao ở bến Hiền Lương cho bộ đội tiến vào.

Ở hướng Nam, Trung đoàn công binh 219 do đồng chí Lành Văn Tu chỉ huy tiếp tục mở đường B75 từ Ba Hy lên dốc Đá Bàn, đảm bảo cho ba đại đội pháo lớn và 120 xe vận tải vào tuyến B75. Ngày 17 tháng 4, trung đoàn đưa được ba khẩu pháo 130 lên eo Đá Bàn để bắn vào thị xã Quảng Trị tạo nên mũi hỏa lực vu hồi sâu của pháo binh chiến dịch.

Sau 5 ngày chiến đấu, quân ta phá dỡ tuyến phòng thủ ngoài của địch, giải phóng hoàn toàn hai huyện Cam Lộ, Gio Linh.

Địch vội vàng cho tăng quân và co cụm ở ba khu vực Đông Hà, Ái Tử, Quảng Trị - La Vang, hình thành một tập đoàn phòng ngự mạnh, có xe tăng, thiết giáp yểm trợ, làm nòng cốt.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #55 vào lúc: 28 Tháng Tư, 2016, 09:31:15 pm »


Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết định chuyển sang vây hãm địch và chuẩn,bị cho đợt tiến công tiếp theo.

Lần này công binh lại được giao nhiệm vụ bảo đảm giao thông đưa binh khí kỹ thuật, vật chất lên phía trước. Để ngăn chặn quân ta tiến công, máy bay và pháo hạm ngoài biển của địch bắn phá dữ dội, hòng chặn đường tiến công của quân ta. Nhiều đoạn đường ở bắc Đông Hà, đường 9, đường 76, Mai Lộc, Ba Đốc, Thịnh Tất... bị tắc nghẽn. Dưới sự chỉ huy của tiền phương Bộ Tư lệnh Công binh, hai trung đoàn công binh 219, 229 đã tổ chức các đoạn điều chỉnh giao thông, các phân đội sửa đường, lấp hố đạn bom, gỡ mìn đảm bảo cho trên 500 xe tăng, 200 khẩu pháo lớn, 10 xe tên lửa và gần 4.500 xe vận tải tiến lên phía trước. Trung đoàn công binh 671, một tiểu đoàn của Trung đoàn 219 và một tiểu đoàn của Sư đoàn 304 cấp tốc mở thêm các đoạn đường cho pháo di chuyển từ Gia Nùng lên miền Bái Sơn, từ Đá Bàn lên cao điểm 618, từ bến Than lên Tân Lê Phường. Đến ngày 14 tháng 4 năm 1972, trục vận chuyển chính của chiến dịch từ đường 42 - 76 qua Truồi, Mai Lộc xuống Thịnh Tất đã hình thành.

Lúc này bắt đầu có những cơn mưa đầu mùa, xe vận tải không qua được ngầm Thịnh Tất trên sông Thạch Hãn. Việc tiếp tế cho sở chỉ huy Sư đoàn 324 ở hướng Nam gặp nhiều khó khăn. Chủ nhiệm công binh đề nghị lên Tư lệnh chiến dịch Lê Trọng Tấn điều xe giúp đỡ. Tư lệnh chiến dịch kịp thời điều xe lội nước và phà của Trung đoàn 249 vào phối thuộc cho Trung đoàn công binh 219 làm tròn nhiệm vụ đảm bảo ngầm Thịnh Tất.

Ngày 26 tháng 4 năm 1972, quân chủ lực tiến công một lần nữa phá tan những đợt phản kích của địch, đẩy chúng về phía bên kia sông Mỹ Chánh.

Sau sáu ngày chiến đấu anh dũng, ta đã giải phóng hoàn toàn Quảng Trị. Cuộc tiến công chiến lược của quân và dân ta trên mặt trận Trị - Thiên năm 1972 đã giành được thắng lợi to lớn. Bài học kinh nghiệm của công binh trong chiến dịch này đã đúc kết là: công binh đã chuẩn bị được một mạng đường tương đối hoàn chỉnh đảm bảo cho các binh chủng kỹ thuật cơ động và chiếm lĩnh trận địa đúng thời gian, bí mật an toàn. Công binh đã xây dựng sở chỉ huy chiến dịch và sở chỉ huy các cánh, các hướng góp phần đảm bảo vững chắc, không gián đoạn toàn bộ cuộc tiến công chiến lược khi địch phát hiện. Công binh đã kịp thời bảo đảm cho xe tăng, pháo di chuyển đội hình. Tuy nhiên việc chúng tôi cho Trung đoàn 249 đưa một bộ cầu Belây vào bảo đảm vượt sông Thạch Hãn, bị địch cho máy bay oanh kích làm hư hỏng hoàn toàn cũng là một bài học kinh nghiệm được Bộ Tư lệnh Công binh nghiêm túc kiểm điểm.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #56 vào lúc: 28 Tháng Tư, 2016, 09:32:01 pm »




Sau khi thất bại nặng nề trên khắp các chiến trường miền Nam, nhằm hỗ trợ tinh thần cho ngụy quân, ngụy quyền, chà đạp lên dư luận tiến bộ trên thế giới, đế quốc Mỹ tiếp tục cho máy bay đánh phá trở lại miền Bắc với mức độ ác liệt hơn, tàn bạo hơn. Những ngày đầu tháng 4 năm 1972, chúng đánh phá Quảng Bình, Vĩnh Linh - khu vực hậu phương chiến dịch của ta. Ngày 10 tháng 4, máy bay B52 rải thảm thành phố Vinh; ba ngày sau, chúng đánh Thọ Xuân (Thanh Hóa) và ngày 16 tháng 4 đánh Hải Phòng.

Bộ Tư lệnh Công binh đã kịp thời triển khai kế hoạch mới theo sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng. Nhằm đối phó với cuộc chiến tranh phá hoại mới của địch, lực lượng công binh trong ba thứ quân được gấp rút khôi phục và phát triển, đặc biệt là các đơn vị phá bom, mìn. Ngoài lực lượng tại chỗ do dân quân, tự vệ đảm nhiệm, mỗi huyện tổ chức một trung đội phá bom, mỗi tỉnh có một trung đội hoặc một đại đội công binh cơ động. Huyện đội có trợ lý công binh, tỉnh đội có ban công binh được biên chế từ 6 đến 8 cán bộ. Các tỉnh, thành phố lập các ban đảm bảo giao thông. Ở Quân khu 4, cơ quan tiền phương Tổng Cục Hậu cần được thành lập. Trên địa bàn quân khu có 13 tiểu đoàn đảm bảo giao thông và 6 đại đội công binh vượt sông.

Quân khu Hữu Ngạn thành lập thêm 2 đại đội vượt sông thuộc Tiểu đoàn 27 và 3 tiểu đoàn công binh đảm bảo giao thông. Quân khu Tả Ngạn tổ chức thêm 1 tiểu đoàn công binh 23.

Một sự kiện ác liệt mà bọn Mỹ đã làm trong thời gian này là ngày 9 tháng 5 năm 1972 đế quốc Mỹ ném 1.435 quả thủy lôi phong tỏa các vùng ven biển miền Bắc. Tiếp đến ngày 29 tháng 5, chúng ném bom mìn từ trường phong tỏa các tuyến đường vận tải, đường sông nội địa các tỉnh thuộc Quân khu 4. Chúng còn sử dụng bom có đầu nổ la-ze đánh trúng nhiều cầu trên đường bộ, đường sắt. Đường sắt Thanh Hóa - Vinh là đường số 1 hầu như bị tê liệt. Rà phá thủy lôi bom mìn địch, đảm bảo giao thông trở thành nhiệm vụ cấp thiết trước mắt.

Các đoàn tàu, các trung đoàn hải quân đều tổ chức tiểu đoàn, đại đội công binh. Cục Vận tải đường biển, đường sông, Công ty bảo đảm Hàng hải, các địa phương có bờ biển và cửa sông đều thành lập các đơn vị công binh rà phá bom mìn, thủy lôi.

Rà phá thủy lôi, mìn từ trường dưới biển là công việc mới mẻ, phức tạp. Bộ Tư lệnh Công binh đã phối hợp với Cục nghiên cứu Kỹ thuật quân sự (Bộ Quốc phòng), Bộ Tư lệnh Hải quân và các cơ quan nghiên cứu của Nhà nước cùng hỗ trợ nghiên cứu vấn đề này. Đồng thời, các tỉnh đội phối hợp hành động giữa các lực lượng chống địch phong tỏa đường biển, đường sông. Bộ Giao thông Vận tải sản xuất tàu phóng từ điều khiển từ xa. Cục Đường biển nghiên cứu dùng máy phát sóng siêu âm để dò thủy lôi. Các biện pháp đơn giản như câu rà, lặn xuống để thuôn, kéo tôn thép trên sông... đều được áp dụng rộng rãi và có hiệu quả. Chỉ trong một thời gian ngắn, số luồng ra vào cảng đã được quét sạch thủy lôi, mìn từ trường. Các luồng Nam Triệu, Quả Xoài, cảng Hải Phòng tiếp tục hoạt động.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #57 vào lúc: 28 Tháng Tư, 2016, 09:32:33 pm »


Tháng 4 năm 1972, xét nhu cầu nhiệm vụ cấp thiết và theo đề nghị của các ban chức năng, tôi đã thừa lệnh Tổng tham mưu trưởng thành lập tiểu đoàn mới thuộc Trung đoàn 229, xây dựng thành trung đoàn cầu đường. Một thời gian sau đó tổ chức lại Trung đoàn vượt sông 269, thành lập Trung đoàn cầu đường 279. Bộ Tư lệnh Công binh kịp thời phân phối 183 bộ máy phóng từ, 308 máy phát điện cỡ nhỏ, 160.000 mét dây ni lông cho các địa phương và Bộ Giao thông Vận tải, phục vụ cho việc phá bom mìn. Ngoài ra Bộ Tư lệnh Công binh còn trang bị cho các ngành và các địa phương một số phương tiện chống phá bom mìn địch, do các sĩ quan cán bộ, chiến sĩ binh chủng tự sáng chế sản xuất.

Các tổ công binh trong dân quân các xã, nhất là ở Quân khu 4 đều có kinh nghiệm chống phá bom nên triển khai nhanh. Ở Nghi Xuân (Hà Tĩnh) chỉ sau một giờ địch đánh phá, anh chị em công binh dân quân đã phá được 30 quả trong số 40 quả bom từ trường địch thả xuống. Dân quân xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) rà phá được 83 quả mìn từ trường bằng nam châm và khung dây PK.

Đầu tháng 7 năm 1972, địch thả nhiều bom mìn từ trường ở Lục Đầu Giang - một điểm nút giao thông rất quan trọng giáp nối Bắc Ninh, Hải Dương. Quân khu Tả Ngạn lập cơ quan tiền phương do đồng chí Tham mưu phó quân khu chỉ huy thống nhất điều hành các đơn vị rà phá bom mìn. Lực lượng tham gia có Tiểu đoàn phá bom 23 của Quân khu, tàu phá bom của hải quân, các đội rà phá bom mìn của Cục Vận tải đường biển, đường sông và 5 huyện lân cận. Nhờ tổ chức chỉ huy thống nhất hợp lý, chỉ sau 3 ngày đã mở thông luồng, giải tỏa được ách tắc giao thông ở khu vực này.

Ở Quân khu 4, do địch đánh phá ác liệt, đặc biệt là máy bay B52 rải thảm nên đã gây nhiều điểm giao thông ách tắc, biến thành trọng điểm đánh phá của địch như: cầu Cấm, Ròn, sông Gianh, Quán Hàu... Trong khi đó nhu cầu tiếp tế cho chiến trường hết sức cấp bách. Để giải quyết khó khăn, tháng 10 năm 1972, Thủ tướng đã triệu tập Hội nghị bảo đảm giao thông trên địa bàn Quân khu 4. Hội nghị quyết định giao cho quân đội phụ trách tuyến đường 15 thuộc hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và quản lý đường goòng Đức Thọ - Minh Cầm. Từ tháng 10 năm 1972, tình hình đảm bảo giao thông ở Quân khu 4 có nhiều biến chuyển tốt, hàng vào chiến trường tăng lên nhanh.

Trong hơn 6 tháng đánh phá ác liệt, địch đã sử dụng 200 máy bay B52, 1.400 máy bay chiến thuật hiện đại, 6 tàu sân bay và 60 tàu chiến ném gần 15.000 quả thủy lôi, mìn từ trường và nhiều bom đạn khác vào các mục tiêu đế quốc Mỹ đã đề ra nhưng không đạt được. Ngày 23 tháng 10 năm 1972, Níchxơn, Tổng thống Mỹ tuyên bố ngừng đánh phá từ vĩ tuyến 20 trở ra và nối lại đàm phán ở Pari.

Tuy nhiên, Tổng thống Níchxơn đưa ra nhiều yêu cầu ngang ngược đòi sửa chữa nhiều điều khoản trong Hiệp định đình chiến sắp ký kết. Mặt khác, đế quốc Mỹ tranh thủ viện trợ ồ ạt cho ngụy quyền ở miền Nam và đánh phá ồ ạt ở miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở vào.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #58 vào lúc: 28 Tháng Tư, 2016, 09:33:04 pm »


Cuối tháng 11 năm 1972, Bộ Tư lệnh Công binh nhận chỉ thị của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng: sắp tới chúng ta cần đề phòng địch có hành động phiêu lưu mới. Chúng có thể ném bom bắn phá trở lại vĩ tuyến 20 trở ra với mức độ ác liệt hơn. Chúng có thể liều lĩnh dùng máy bay B52 đánh phá Hà Nội, Hải Phòng.

Chấp hành chỉ thị của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, ta tiếp tục sơ tán dân ra khỏi các thành phố lớn, các khu công nghiệp, một số kho lớn được di chuyển hoặc phân tán, hầm hố được đào, xây khắp nơi. Hệ thống báo động phòng không được củng cố. Các đài quan sát triển khai rộng khắp. Lúc này, chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị công binh thuộc Binh chủng hỗ trợ lực lượng tên lửa, pháo cao xạ xây dựng nhiều trận địa bí mật. Tháng 11 năm 1972, Quân khu 4 thành lập Trung đoàn công binh 79 gồm 2 tiểu đoàn công trình và hai tiểu đoàn vượt sông.

Đúng như tiên liệu của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, vào lúc 19 giờ 40 phút ngày 18 tháng 12 năm 1972, Mỹ huy động 90 lần chiếc máy bay B52 và 200 lần máy bay chiến thuật mở cuộc tập kích chiến lược quy mô lớn vào Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương khác. Trong 12 ngày (từ 18 tháng 12 đến 29 tháng 12 năm 1972), địch tập trung toàn bộ máy bay B52 ở khu vực Đông Nam Á - Thái Bình Dương với 729 lần chiếc và một lực lượng rất lớn không quân chiến thuật (1.000 lần chiếc) ném hơn 16.000 tấn bom. Riêng Hà Nội trên 1.000 tấn. Đây là cuộc tập kích chiến lược không quân lớn nhất trong lịch sử chiến tranh và cũng là bước phiêu lưu tột cùng của đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Quân và dân ta đã anh dũng giáng trả bước phiêu lưu mới của Mỹ, ngay đêm đầu tiên, đã bắn rơi 3 máy bay B52 và 4 máy bay chiến thuật. Sau 12 ngày và đêm chiến đấu, ta đã bắn rơi 81 máy bay trong đó có 34 máy bay B52 và 5 máy bay F111, lập nên một trận ’’Điện Biên Phủ trên không" vô cùng oanh liệt.

Trong chiến dịch này, công binh được giao nhiệm vụ cứu sập các trọng điểm. Chúng tôi quyết định tăng cường Trung đoàn 289, đội phá bom 93A và Đại đội 4 (thuộc Trung đoàn 259B) cho Hà Nội. Các lực lượng tự vệ dân phòng ở thành phố, nhiều cần cẩu, xe ben của các cơ quan, xí nghiệp được tập trung vào công tác cứu người vùi lấp trong các nhà bị bom đánh sập.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #59 vào lúc: 28 Tháng Tư, 2016, 09:33:55 pm »


Trong những ngày bom đạn ngút trời Hà Nội, tôi đã cùng các anh trong Bộ Tư lệnh Công binh thay nhau trực tiếp xuống chỉ đạo, thăm hỏi, động viên lực lượng công binh cứu sập. Đại đội công binh số 4 tham gia cứu sập bệnh viện Bạch Mai, ga Giáp Bát. Đội phá bom 93A tháo gỡ bom ở Ngọc Hà. Trung đoàn công binh 298 giải quyết hậu quả ở Khâm Thiên. Phố Khâm Thiên bị đánh sập hoàn toàn, có trên 200 người bị chết, là cái tang chung cho Thủ đô và cả nước. Trung đoàn công binh 298 và các đơn vị đã đem hết sức mình và kỹ thuật chuyên môn góp phần khắc phục hậu quả nặng nề trong cuộc tập kích chiến lược của đế quốc Mỹ ở Hà Nội, Hải Phòng và nhiều nơi khác.

Trong thời gian địch tập kích bằng không quân ở Hà Nội, Hải Phòng, địch còn thả hàng trăm thủy lôi ở Hòn Gai, Cửa Ông, Hải Phòng, Cửa Hội, sông Gianh; các chiến sĩ công binh, bộ đội hải quân, lực lượng tự vệ giao thông đã rà quét, phá gỡ nhiều thủy lôi địch bảo đảm cho các tàu ra vào cảng Hải Phòng an toàn.

Thất bại nặng nề ở miền Nam, thua đau trong chiến tranh phá hoại lần thứ hai và trận tập kích chiến lược B52 ở miền Bắc, ngày 27 tháng 1 năm 1973 đế quốc Mỹ buộc phải ký Hiệp định Pari, chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, rút quân về nước.

Trải qua nhiều năm tháng chiến đấu gian khổ, ác liệt, quân và dân ta thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là "Đánh cho Mỹ cút", tạo ra một bước ngoặt cách mạng mới tiến lên thống nhất hai miền Nam - Bắc, giang sơn thu về một mối.

Tuy Hiệp định Pari đã được ký kết, nhưng đế quốc Mỹ chưa từ bỏ dã tâm xâm lược nước ta, chúng cố nuôi dưỡng đám quân ngụy, tăng cường viện trợ súng đạn, lương thực, tiền bạc để xây dựng chế độ Nguyễn Văn Thiệu, "lính hóa" từ cấp chính quyền trung ương đến địa phương. Tập đoàn Nguyễn Văn Thiệu luôn phá hoại Hiệp định Pari với kế hoạch tràn ngập lãnh thổ, bình định lấn chiếm vùng giải phóng.

Hiệp định Pari ký ngày 27 tháng 1 năm 1973 cũng là ngày Bộ Tổng Tư lệnh ra mệnh lệnh cho toàn quân sẵn sàng chiến đấu đánh bại mọi âm mưu của địch, tiếp tục công cuộc xây dựng quân đội cách mạng, theo hướng chính quy hiện đại hùng mạnh, không ngừng nâng cao bản lĩnh chiến đấu.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM