Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 06:34:59 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Từ chiến sĩ  (Đọc 26481 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #40 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2016, 08:14:51 pm »


Cùng với chiến công của Đoàn 1506, ngày 27 tháng 7 năm 1965, Đại đội 2, phân đội 127 và phân đội thông tin của Trung đoàn công binh 239 đã dùng súng trường bộ binh bắn rơi hai máy bay phản lực của Mỹ khi chúng bay vào vùng trời khu vực đơn vị đang huấn luyện. Đây là chiến công đầu của Binh chủng Công binh bắn rơi máy bay phản lực của đế quốc Mỹ. Các đơn vị đã được thương Huân chương Chiến công hạng Hai và hạng Ba.

Sau chiến thắng Suối Hai, bộ đội tên lửa tiếp tục cơ động tiêu diệt máy bay địch, bảo vệ các mục tiêu giao thông trọng yếu.

Trước đây, việc bắc cầu cho ô tô, xe pháo là công việc khó khăn, vất vả, phức tạp, nay bắc cầu chở phà cho tên lửa càng khó khăn, phức tạp hơn. Tên lửa là loại vũ khí nặng nề, cồng kềnh, lại phải đảm bảo tuyệt đối bí mật nên nhiều vấn đề nảy sinh phải khắc phục. Được cơ sở đơn vị báo cáo tình hình thực tế, tôi cùng các anh Phạm Hoàng, Chu Thanh Hương... hạ quyết tâm: "Khó khăn phát huy sáng kiến".

Ngày 14 tháng 8 năm 1965, theo yêu cầu của Bộ Tổng Tham mưu, chúng tôi cho một tiểu đoàn của Trung đoàn vượt sông 239 bảo đảm ba bến: Đoan Vĩ, Gián Khẩu, Cầu Yên (Ninh Bình) bảo đảm cho tên lửa và pháo cao xạ vượt sông, góp phần bắn rơi 12 máy bay Mỹ. Vào ngày 23 tháng 8 năm 1965, Trung đoàn 239 còn bảo đảm cho tên lửa và pháo cao xạ cơ động qua bến sông ở các điểm Hàm Rồng, Phả Lại, Lai Vu... Trung đoàn vượt sông 249 đảm bảo cho các tên lửa và pháo cao xạ cơ động qua các bến Yên Lập, Uông Bí, Lục Ngạn, Đáp Cầu... Trong năm 1965, hai trung đoàn vượt sông 239 và 249 đã 60 lần bắc cầu, chở phà trên 15 bến, bảo đảm an toàn cho 2.277 lượt xe tên lửa và pháo cao xạ qua sông an toàn trong đêm tối.

Khi chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ lan rộng khắp miền Bắc, tôi được đặc trách sang xây dựng các công trình quốc phòng phục vụ cơ quan Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh thì cũng là lúc Quân ủy Trung ương quyết định xây dựng Đoàn 559 thành một đoàn hậu cần chiến lược tương đương với cấp quân khu, trực thuộc Bộ Tư lệnh. Đồng chí Đồng Sĩ Nguyên làm Tư lệnh Đoàn 559. Đồng chí Đặng Hương trước học công binh với tôi ở bên Liên Xô được cử vào nhận cương vị Tham mưu trưởng công binh, đồng chí Nguyễn Văn Nhạn - Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Công binh vào nhận chức Tham mưu phó công binh Đoàn 559. Lúc này Đoàn 559 có khoảng 16.800 người, trong đó có 2 trung đoàn công binh (98 và 278), Tiểu đoàn công binh 25 và 2 đoàn Thanh niên xung phong. Lực lượng vận tải có 674 xe các loại. Cơ quan chỉ đạo công binh của Đoàn 559 lúc đầu gọi là Phòng Công binh, sau chuyển thành Cục Công binh. Bộ Tư lệnh Công binh đã cử nhiều cán bộ giỏi vào tăng cường cho Cục Công binh 559 và cho cả miền Nam. Năm 1965, đồng chí Đỗ Xuân Mẫn được cử làm Chủ nhiệm công binh Quân khu 8, đồng chí Nguyễn Phú Xuyên Khung làm Chủ nhiệm công binh Quân khu 9, đồng chí Nguyễn Đình Nam làm Chủ nhiệm công binh Quân khu 5... Những cán bộ mà Bộ Tư lệnh Công binh tăng cường cho mặt trận, cho các quân khu là những người có đức, có tài, đã trải qua cuộc kháng chiến chống Pháp, được học hành cơ bản cả trong nước và cả nước ngoài.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #41 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2016, 08:15:38 pm »


Mùa khô 1965-1966 với trên 20 vạn quân Mỹ và chư hầu cùng gần 50 vạn quân ngụy, được trang bị binh khí kỹ thuật hiện đại, đế quốc Mỹ quyết định mở các cuộc phản công chiến lược ở miền Nam nhằm tiêu diệt chủ lực của ta hòng giành quyền chủ động. Ở miền Bắc, đế quốc Mỹ tăng cường không quân đánh phá ngày một ác liệt.

Ngày 10 tháng 3 năm 1966, Đảng ủy Bộ Tư lệnh Công binh họp bàn thực hiện nghị quyết của Quân ủy Trung ương. Theo phân công của Đảng ủy, tôi vẫn tiếp tục trực tiếp đảm nhiệm chỉ đạo thi công các công trình trọng điểm của Bộ Quốc phòng, Tổng tư lệnh: về nhiệm vụ chung, Đảng ủy đề ra phương hướng lãnh đạo Binh chủng cùng quân và dân miền Bắc đánh bại chiến tranh phá hoại của địch, giữ vững mạch máu giao thông, hoàn thành kịp thời các công trình chiến đấu, tổ chức lực lượng làm nhiệm vụ ở chiến trường theo yêu cầu và sẵn sàng mở rộng lực lượng khi tình hình phát triển. Mặt khác, khẩn trương nâng cao trình độ mọi mặt của Binh chủng, sẵn sàng đối phó với tình huống chiến tranh ngày càng khốc liệt.

Sau một thời gian phát triển nhanh về số lượng, từ năm 1966, Binh chủng Công binh tập trung hoàn thành biên chế tổ chức, nâng cao chất lượng và đẩy mạnh thi công các công trình do Bộ Quốc phòng giao cho. Lúc này không kể những đơn vị được điều động đi chiến đấu ở miền Nam, quân số trực thuộc Bộ Tư lệnh Công binh là 26.789 người.

Trong 2 năm 1966-1967, bộ đội công binh được trang bị nhiều khí tài, phương tiện do các nước xã hội chủ nghĩa anh em giúp đỡ, viện trợ. Hàng nhập năm 1966 gấp 10 lần năm 1965. Bên cạnh các máy công trình đơn lẻ, công binh nhận nhiều khí tài đồng bộ như bộ khí tài vượt sông, bộ xe máy làm đường và làm sân bay. Do nhiều nguồn cung cấp ở nhiều nước khác nhau nên trang bị của công binh khá phức tạp, gồm nhiều chủng loại. Toàn Binh chủng lúc này có 1.300 ô tô thuộc 27 kiểu loại, 2.500 máy có động cơ thuộc 47 loại với 147 kiểu khác nhau.

Do lực lượng công binh phát triển nhanh nên việc đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ chủ chốt trở nên cấp bách. Đồng thời để làm chủ, sử dụng có hiệu quả các trang thiết bị hiện có, chúng tôi thống nhất đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ, nhân viên kể cả cán bộ chỉ huy tham mưu công binh, cả nhân viên kỹ thuật. Trong 2 năm 1966-1967, Trường sĩ quan Công binh đã đào tạo, bồi dưỡng được 2.700 cán bộ các ngành. Với thành tích đó, Trường được Bộ Quốc phòng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất. Đoàn 1506 - đơn vị chuyên trách huấn luyện công binh đi chiến trường được Bộ Tư lệnh Công binh giao nhiệm vụ bồi dưỡng, đào tạo nhân viên kỹ thuật cho binh chủng. Từ cuối năm 1967, Đoàn 1506 bắt đầu bồi dưỡng đào tạo hạ sĩ quan và sửa chữa các loại xe máy công binh, về nhiệm vụ huấn luyện công binh cho chiến trường, Đoàn đã hoàn thành huấn luyện 5 tiểu đoàn, gồm 3 tiểu đoàn đánh phá giao thông, 2 tiểu đoàn công trình.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #42 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2016, 08:16:32 pm »


Tháng 10 năm 1967, Đảng ủy Bộ Tư lệnh Công binh tổng kết hoạt động công binh trên các chiến trường trong 2 năm và đề ra nhiệm vụ mới để xây dựng Binh chủng Công binh trong chiến tranh nhân dân.

Một nhiệm vụ quan trọng cũng được đặt lên hàng đầu đối với công binh trong thời gian này là phá, gỡ bom mìn của địch. Trong 4 năm đánh phá miền Bắc lần thứ nhất (1964-1968) Mỹ đã ném xuống đất đai, ruộng đồng của chúng ta 700.000 tấn bom gồm 52 loại, trong đó có 52 loại đầu nổ khác nhau. Có thể nói đây là cuộc chiến tranh phá hoại bằng bom mìn với quy mô lớn nhất và phương tiện kỹ thuật hiện đại. Về ta, đây là cuộc chiến đấu đòi hỏi một lực lượng có chuyên môn, có trình độ kỹ thuật và lòng dũng cảm cao, vừa có lực lượng rộng rãi, sẵn sàng có mặt trên khắp các địa bàn cả nước. Để vô hiệu hóa những thủ đoạn thâm hiểm của địch, chúng tôi đã cử nhiều đoàn cán bộ đi thu thập, nghiên cứu các loại bom mìn, nghiên cứu quy luật đánh phá của địch, gấp rút tổ chức biên soạn tài liệu, phổ biến rộng rãi trong toàn quân, toàn dân.

Nhiều đội huấn luyện của Bộ Tư lệnh Công binh, của Phòng Công binh quân khu và các đơn vị chủ lực được cử đến các binh chủng, quân chủng, các đơn vị dân quân tự vệ giới thiệu tính năng cấu tạo của các loại bom mìn, làm cho mọi người hiểu rõ bom mìn là một loại vũ khí nguy hiểm, nhưng chúng ta có thể chế ngự được chúng nếu có kiến thức và hiểu biết cần thiết. Từ đó phong trào chống phá bom mìn được nhân rộng. Cuối năm 1967, lực lượng dân quân tự vệ trên miền Bắc đã tổ chức được 4.300 tổ đội rà phá bom mìn với 25.000 người. Tổng kết hoạt động thực tiễn, chúng tôi cho rằng: Để chống phá bom mìn địch, biện pháp hàng đầu là lập đài quan sát, thường xuyên theo dõi quy luật hoạt động của máy bay địch, nắm vững số lượng bom mìn địch thả xuống. Trên thực tế trong số 4.300 tổ đội rà phá bom mìn của dân quân tự vệ đã tổ chức được 3.000 đài quan sát với 6.300 lượt người thay nhau thường trực. Nhờ có hệ thống đài quan sát của các tổ đội rà phá bom mìn nên phần lớn các loại vũ khí mới của địch đều sớm bị phát hiện. Từ đó ta tập trung nghiên cứu để có giải pháp xử lý. Tháng 1 năm 1967, lần đầu địch thả bom bi nổ chậm ở Bắc Giang, chỉ ba ngày sau, một quả bom bi nổ chậm đã được đưa về Bộ Tư lệnh Công binh để lực lượng kỹ thuật chuyên trách nghiên cứu xử lý, phổ biến cách tháo bom bi trong toàn quân và toàn dân.

Cùng với các đội tổ chức rà phá bom mìn, ta tổ chức rộng rãi ở cơ sở hệ thống cán bộ nòng cốt - trợ lý công binh bom, mìn - được bố trí ở các huyện, tỉnh, cơ quan trung đoàn công binh. Đây là những cán bộ khỏe mạnh, dũng cảm, chịu khó tìm tòi nghiên cứu. Đồng chí Lò Văn Dân cùng tổ công binh Yên Châu (Sơn La) phá gõ được 14 quả bom nổ chậm hóa học; chị Nguyễn Thị Nụ ở xã Song Mai (Hòa Bình) tháo được đầu nổ 3 quả bom nặng hơn một nghìn bảng Anh.

Trong việc chống phá bom mìn, công việc có ý nghĩa quyết định là nghiên cứu cấu tạo của các loại đầu nổ. Chúng tôi đã chỉ đạo cơ quan nghiên cứu của Bộ Tư lệnh Công binh cùng với Cục Nghiên cứu của Bộ Quốc phòng tìm ra nguyên lý vận hành của các loại ngòi nổ mỗi khi ta thu được của địch thả xuống. Sau khi thu gom, ta xác định cách tháo gỡ, biên soạn tài liệu, phổ biến rộng rãi. Nhờ vậy đã hạn chế được rất nhiều tổn thương do bom mìn gây ra. Công binh đã góp công của mình một cách xứng đáng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #43 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2016, 08:16:56 pm »


Qua 4 năm chống "chiến tranh cục bộ" của đế quốc Mỹ, quân và dân hai miền Nam, Bắc đã giành được những thắng lợi to lớn. Trong cuộc chiến đấu mới đầy thử thách này, các lực lượng công binh đã được tôi luyện, trưởng thành về nhiều mặt.

Ở miền Bắc, lượng công binh tăng 2,5 lần so với trước chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ. Bên cạnh công binh công trình, cầu đường, kiến trúc, đã hình thành công binh bảo đảm giao thông, rà phá bom mìn. Trong tổ chức lực lượng đã hình thành công binh dự bị chiến lược, công binh cấp chiến dịch và công binh cấp chiến thuật gắn bó chặt chẽ với nhau. Công binh trong dân quân tự vệ được khẳng định là một lực lượng không thể thiếu trong các nhiệm vụ bảo đảm công trình chống chiến tranh phá hoại. Qua thực tiễn chiến đấu và công tác, công binh đã tìm ra và phát triển nhiều cách đánh, nhiều biện pháp chuyên môn nghiệp vụ có hiệu quả, không chỉ khẳng định bằng tinh thần dũng cảm mà còn bằng mưu trí và khoa học kỹ thuật. Với sự phối hợp và giúp đỡ toàn quân, toàn dân, lực lượng công binh đã hoàn thành bảo đảm công trình trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của địch ở miền Bắc.

Ở miền Nam, lực lượng công binh cũng không ngừng phát triển. Với công binh làm nòng cốt, phong trào đánh phá giao thông địch phát triển liên tục, đều khắp và ngày càng mạnh mẽ, trở thành một phương thức tác chiến, chiến lược sắc bén đầy hiệu quả, một mối uy hiếp thường xuyên đối với địch. Từ những hình thức hoạt động nhỏ, lẻ, phân tán là chủ yếu, công binh đã tiến lên đánh phá giao thông trong đội hình binh chủng hợp thành, bằng lực lượng tổng hợp ngày càng đạt hiệu quả cao. Về chức năng nhiệm vụ cũng có bước chuyển hóa. Từ chỗ lấy nhiệm vụ chiến đấu là chủ yếu, các lực lượng công binh chủ lực ở miền Nam đã chuyển sang nhiệm vụ bảo đảm chiến đấu và bước đầu đã phát huy vai trò chiến đấu trong hiệp đồng binh chủng.

Trên tuyến đường Trường Sơn, lực lượng công binh phát triển nhanh chóng, hoàn thành nhiệm vụ to lớn và nặng nề, xây dựng được mạng đường phía Tây Trường Sơn và bước đầu mở tuyến đường phía Đông Trường Sơn tạo nên một hệ thống đường ô tô ngày càng vươn dài và ngày càng vững chắc trên núi rừng hiểm trở. Trong việc chống phá máy bay địch đánh phá các trọng điểm, cầu đường, công binh đã vượt qua ác liệt, khó khăn, bảo đảm giao thông ngày càng thông suốt, góp phần chi viện cho các chiến trường đạt hiệu quả cao!
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #44 vào lúc: 28 Tháng Tư, 2016, 09:24:19 pm »




Bị thất bại nặng nề trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt của quân và dân ta ở miền Nam trong Tết Mậu Thân (1968), chính quyền Giônxơn buộc phải chấm dứt vô điều kiện ném bom miền Bắc. Đầu năm 1969, sau khi lên thay Giônxơn làm Tổng thông Mỹ, Níchxơn đề ra chiến lược mới: "Việt Nam hóa chiến tranh". Tại Hội nghị Pari về Việt Nam, Mỹ vẫn tiếp tục tỏ thái độ thương lượng trên thế mạnh, buộc ta phải chấp nhận những điều kiện có lợi cho chúng.

Tháng 4 năm 1969, Bộ Chính trị dự kiến cuộc chiến tranh có thể diễn ra hai khả năng:

Một là do bị tổn thất nặng nề và gặp khó khăn trong nước và quốc tế, Mỹ buộc phải kết thúc bằng giải pháp chính trị mà chúng có thể chấp nhận được.

Hai là nếu ta tiến công không đủ mạnh và Mỹ tạm thời khắc phục được khó khăn thì chúng còn tiếp tục kéo dài chiến tranh.

Để tiếp tục đẩy mạnh tiến công địch, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã đề ra nhiều chủ trương về kiện toàn tổ chức, đặc biệt là bộ đội chủ lực.

Ngày 22 tháng 8 năm 1969, sau khi trao đổi với Bộ Tư lệnh Công binh, Bộ Tổng Tham mưu quyết định giữ tổng quân số của Binh chủng là: 16.950 người, trong đó quân số các đơn vị công binh trực thuộc Bộ Quốc phòng là 14.900 người, gồm 10 trung đoàn (hai trung đoàn công binh 219, 223, hai trung đoàn công binh vượt sông: 239, 249, ba trung đoàn cầu đường: 7, 83, 217 và ba trung đoàn công trình: 259, 289, 299, Tiểu đoàn xe lội nước 69 và đại đội phá bom 93. Trường sĩ quan Công binh biên chế 528 người, trong đó có 300 học viên. Đoàn 1506 huấn luyện lái xe máy và thợ có 110 người.

Tháng 1 năm 1970, Bộ Quốc phòng quyết định chuyển Trung đoàn cao xạ 225 thành Trung đoàn cầu đường 215 trực thuộc Bộ Tư lệnh Công binh. Công trường 217 tổ chức thành Trung đoàn công binh 217 (phối thuộc cho Đoàn 559). Công trường 216 tiếp tục làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông trên chiến trường Lào.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #45 vào lúc: 28 Tháng Tư, 2016, 09:24:48 pm »


Về tổ chức cơ quan, Bộ Tư lệnh Công binh quyết định tách Ban Huấn luyện Phòng Khí tài, Phòng Hậu cần và Ban Tài vụ. Tháng 10 năm 1969, Bộ Tổng Tham mưu lại quyết định điều Phòng Sân bay thuộc Tổng cục Hậu cần về trực thuộc Bộ Tư lệnh Công binh.

Về phần mình, sau hơn 5 năm làm Phó tư lệnh tháng 4 năm 1970, tôi được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm làm Tư lệnh Binh chủng Công binh thay đồng chí Phạm Hoàng đi nhận nhiệm vụ khác. Đảm trách chức vụ Tư lệnh Binh chủng Công binh là một vinh dự lớn nhất trong cuộc đời chiến đấu của tôi từ ngày tham gia cách mạng. Đồng thời đây cũng là trách nhiệm hết sức nặng nề - người đứng đầu Binh chủng hùng mạnh trong quân đội anh hùng. Cuộc kháng chiến chống Mỹ chưa đến ngày toàn thắng, còn lắm hy sinh gian khổ, còn vượt qua nhiều thử thách gian lao, người lính công binh còn vào sinh ra tử. Nhận quyết định, tôi hứa với cấp trên dù khó khăn gian khổ đến mấy, dù có hy sinh tính mạng vẫn sẵn sàng hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng giao phó. Tất cả cán bộ và chiến sĩ Binh chủng Công binh nguyện hy sinh thân mình để giành thắng lợi cuối cùng. Sung sướng tự hào được cấp trên tin cậy, anh em cán bộ, chiến sĩ tin yêu, không có hạnh phúc nào bằng, tôi tâm nguyện đem hết sức lực, trí tuệ, tấm lòng yêu Đảng, yêu Tổ quốc cống hiến hết mình cho Đảng cho đất nước! Từ một đứa bé tha phương cầu thực đi theo cách mạng, từ một chiến sĩ trở thành Tư lệnh binh chủng, từ một người mù chữ trở thành Tổng công trình sư, từ binh nhì lên Thiếu tướng, tôi không làm sao nói hết lòng biết ơn của mình đối với Đảng, Bác Hồ kính yêu!

Nhận trọng trách mới, mừng - lo lẫn lộn. Lo lắng nhất là đã nhiều năm làm Phó tư lệnh Binh chủng, nhưng tôi được phân công chuyên trách chỉ đạo xây dựng các công trình đặc biệt của Nhà nước, Bộ Quốc phòng, nay là người chủ trì Binh chủng, phải vươn với đảm trách toàn bộ các mảng công việc.

Bước sang năm 1970, Bộ Tư lệnh Công binh chấn chỉnh tổ chức biên chế. Tiếp theo, chúng tôi tổ chức một đợt sinh hoạt chính trị, làm cho cán bộ, chiến sĩ hiểu rõ tình hình, nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ mới, khắc phục biểu hiện "hòa bình chủ nghĩa", mất cảnh giác, muốn nghỉ ngơi, đồng thời tăng cường vai trò lãnh đạo của các chi bộ Đảng, củng cố chế độ sinh hoạt Đảng.

Tháng 9 năm 1970, Bộ Tư lệnh Công binh tham mưu giúp Bộ Tổng Tham mưu tổ chức Hội nghị tổng kết xây dựng công trình quốc phòng (lần thứ 2). Hội nghị đánh giá: Nhờ có các công trình đã xây dựng trong chiến tranh phá hoại, bộ đội ta đã trụ lại trên các hải đảo, ven biển... Các cơ quan lãnh đạo, chỉ huy từ Trung ương đến tỉnh, từ Bộ Tổng tư lệnh đến các quân khu, binh chủng đều đảm bảo ổn định, chỉ huy. Hội nghị cũng thống nhất xây dựng phương hướng quốc phòng từ năm 1971 đến năm 1980.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #46 vào lúc: 28 Tháng Tư, 2016, 09:25:26 pm »


Về huấn luyện quân sự, các đơn vị công binh đều tranh thủ mở các lớp huấn luyện cán bộ, hội thao kỹ thuật. Trung đoàn 239 trong một lần diễn tập bắc cầu phao qua sông Hồng hoàn thành trong 55 phút, được phái đoàn quân sự Hunggary đến tham quan, đánh giá cao kỹ thuật bắc cầu của Công binh Việt Nam.

Tháng 3 năm 1970, đế quốc Mỹ và bọn tay sai làm đảo chính ở Campuchia, lật đổ Chính phủ do Hoàng thân Nôrôđôm Xihanúc đứng đầu, Tiếp đó, chúng đưa một lực lượng lớn quân Mỹ - ngụy miền Nam mở cuộc tiến công xâm lược Campuchia, mở rộng cuộc chiến tranh xâm lược ra toàn cõi Đông Dương.

Nhận định âm mưu và hành động sắp tới của địch, Bộ Chính trị Trung ương Đảng cho rằng: Địch sẽ có những hành động phiêu lưu quân sự mới rất ác liệt và nguy hiểm! Mục tiêu tiến công chính của chúng trong mùa khô 1970-1971 là tuyến vận tải chiến lược 559, Trung - Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia. Từ nhận định đó, quyết tâm của ta là bảo vệ bằng được tuyến vận tải 559, sẵn sàng đánh địch trên hướng đường 9, vùng Ba biên giới và vùng Đông Bắc Campuchia. Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã chỉ thị cho các chiến trường chuẩn bị chủ động đánh địch.

Trong công tác chuẩn bị chiến trường, nhiệm vụ mở đường và bảo đảm giao thông rất nặng nề và khẩn trương. Theo đó, trọng trách của Bộ Tư lệnh Công binh về chỉ đạo tổ chức xây dựng đường sá, tổ chức bảo đảm công binh cho tác chiến là rất nặng nề. Ở miền Trung lúc này mùa mưa đã đến. Khác với mọi năm, lực lượng công binh Đoàn 559 ở lại trên tuyến cùng với ba trung đoàn công binh của Bộ tăng cường. Đó là ba trung đoàn (7, 83, 219) và các đơn vị công binh cầu đường của Quân khu Trị - Thiên, Quân khu 5 tiếp tục mở đường và củng cố các tuyến dọc Đông Trường Sơn, tập trung vào chiến trường Trị - Thiên. Kế hoạch dự định mở 280 kilômét đường mới, củng cố trên 300 kilômét đường cũ, trong đó rải đá 79 kilômét. Lực lượng công binh trên tuyến 559 lúc này có ba trung đoàn công binh cầu đường (10, 4, 98) và 22 tiểu đoàn công binh đảm bảo giao thông thuộc các binh trạm và thanh niên xung phong.

Trên cơ sở đề nghị của đơn vị, đồng thời nắm khá chắc hiệu quả công tác của Trung đoàn 7 được Bộ Quốc phòng tăng cường cho tuyến vận tải Trường Sơn, tôi ký công văn đề nghị trên khen thưởng. Trung đoàn 7 được Quốc hội, Chính phủ tuyên dương Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Trung đoàn 83 cũng được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất.

Hai đơn vị trên có thành tích khi mở mới đường B70 (Hướng Hóa - Quảng Trị). Đây là đoạn đường rất ác liệt. Khi các đơn vị công binh vừa nhập tuyến, địch dùng trực thăng lùng sục ráo riết, ném lựu đạn, rải truyền đơn gây nhiều khó khăn cho ta. Được bộ binh hỗ trợ, công binh đã dùng súng bộ binh và súng máy cao xạ 12,7mm bắn trả máy bay, làm cho chúng không dám bay thấp. Tranh thủ những lúc chưa có máy bay trinh sát, bộ đội công binh kết hợp máy xúc, thuốc nổ thi công. Nhờ vậy các đơn vị mở đường hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và đã được khen thưởng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #47 vào lúc: 28 Tháng Tư, 2016, 09:26:04 pm »


Tiếp theo việc mở đường B70, Bộ Tư lệnh Công binh được giao mở đường Sa Trầm - Hướng Hóa dài trên 20 kilômét.

Với Bộ Tư lệnh Trường Sơn - Đoàn 559, những lần các đồng chí Đồng Sĩ Nguyên, Nguyễn An..., hay anh Đặng Hương, anh Nhạn ra làm việc với Bộ Tư lệnh Công binh, chúng tôi đều tham gia về kỹ thuật thi công đường miền núi, khắc phục chiến tranh điện tử, bom mìn nổ chậm trên tuyến vận tải quân sự chiến lược.

Cho đến tháng 10 năm 1970, công tác chuẩn bị chiến trường, chuẩn bị bộ đội đã đạt được những kết quả quan trọng. Ở Quân khu 4, đoàn cán bộ Bộ Tổng Tham mưu cùng Bộ Tư lệnh Quân khu 4 kiểm tra hệ thống công sự quốc phòng, tổ chức diễn tập phòng thủ và phản công theo giả định địch tập kích đường bộ và đường biển. Các lực lượng ở đường số 9 chuẩn bị phương án đánh địch.

Cũng trong tháng 10 năm 1970, Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Binh đoàn B70 gồm các sư đoàn bộ binh: 304, 308 và các đơn vị binh chủng kỹ thuật; trong đó có Trung đoàn 219 công binh. Binh đoàn B70 là lực lượng nòng cốt cùng lực lượng tại chỗ (Quân khu Trị - Thiên, Quân khu 5, Bộ Tư lệnh 559) sẵn sàng mở chiến dịch phản công địch ở Đường 9 - Nam Lào. Binh đoàn B70 còn sẵn sàng đánh địch nếu chúng liều lĩnh tiến công ra nam Quân khu 4. Công tác chuẩn bị chiến trường cho chiến dịch Đường 9 - Nam Lào được xúc tiến theo kế hoạch chiến dịch. Chủ nhiệm công binh Đoàn B70 là đồng chí Ngô Năng Thạch. Đồng chí được lệnh cùng các đồng chí khác trong Đoàn B70 lập kế hoạch đảm bảo công trình và chỉ đạo việc chuẩn bị đường sá cho các quân chủng, binh chủng hành quân. Khu vực Đường 9 - Nam Lào đã có một hệ thống đường vận tải chiến lược xây dựng từ nhiều năm trước như: các đường 10, 16, 18, 127, B70... nhưng chất lượng đường còn xấu. Trung đoàn công binh 219 cùng các đơn vị công binh 559 khẩn trương sửa chữa, củng cố các đường có sẵn và mở thêm một số đoạn đường mới.

Công binh các binh trạm và nhiều đơn vị thanh niên xung phong củng cố các tuyến đường mới như: 16B, 16C.

Để chuẩn bị khí tài, phương tiện công binh cho chiến dịch, chúng tôi chỉ đạo cho lập kho A10 (ở miền tây Quảng Bình) và đã chuyển đến trên 200 tấn khí tài bảo đảm cho các đơn vị công binh tham gia chiến dịch. Trước ngày chiến dịch mở màn, tôi nhận điện của Trung đoàn 219 báo cáo đã giấu được 3,7 tấn thuốc nổ, gần 6 tấn mìn các loại ở các kho dự trữ Mường Trường, Cha Ki, A Lê A.

Lúc này ở Bộ Tư lệnh Công binh, chúng tôi cũng được lệnh của cấp trên cho công binh các sư đoàn, trung đoàn huấn luyện khoảng hai tuần theo yêu cầu phối hợp tác chiến hiệp đồng chiến dịch với quy mô lớn. Nội dung huấn luyện là nâng cao trình độ sử dụng các loại mìn (mìn phóng MF-1A, mìn định hướng, để mở cửa tập kích tiêu diệt địch, đánh phá giao thông và nâng cao trình độ bắn súng, phá gỡ bom mìn, sử dụng khí tài hóa học đơn giản. Công binh các binh trạm, thanh niên xung phong, công nhân quốc phòng học cách khắc phục bom mìn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #48 vào lúc: 28 Tháng Tư, 2016, 09:26:46 pm »


Đầu năm 1971, ở miền Nam, Bộ Tư lệnh Miền thành lập Đoàn 301. Đoàn 301 gồm 3 sư đoàn: 5, 7 và 9. Cơ quan công binh của Miền tổ chức bộ phận tiền phương trực thuộc Đoàn 301, do đồng chí Trưởng phòng công binh cầu đường, vượt sông bảo đảm phía sau chiến dịch. Lực lượng công binh Đoàn 301 có một tiểu đoàn công vệ (công binh và vệ binh) chuyên đảm bảo sở chỉ huy.

Tổ chức ở Đoàn 301 là mỗi sư đoàn bộ binh có một đại đội công binh, riêng Sư đoàn 7 có hai đại đội công binh, ở hậu phương chiến dịch có ba tiểu đoàn công binh cầu đường (274, 276, 739) và Tiểu đoàn vượt sông 278 mới thành lập cuối năm 1970. Từ khi địch đánh sang Campuchia (tháng 4-1970), các đơn vị công binh liên tục đánh phá giao thông và mở đường vận chuyển nối với tuyến đường vận tải 559, chuẩn bị chiến dịch phản công ở Đông Bắc Campuchia; các đơn vị công binh được bổ sung quân số và triển khai lực lượng chiếm lĩnh các vị trí theo kế hoạch chuẩn bị chiến dịch.

Ở Tây Nguyên, đến tháng 2 năm 1971, Bộ Quốc phòng có chỉ thị cho Bộ Tư lệnh Tây Nguyên chuyển hướng chiến dịch về vùng ngã ba biên giới để bảo vệ kho tàng và đường chiến lược. Do nhiệm vụ rất khẩn trương, các đơn vị công binh cầu đường (Tiểu đoàn 25 và một tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 83) đang làm nhiệm vụ ở nước bạn được lệnh cấp tốc hành quân về vùng Ba biên giới để sửa và mở thêm đường mới. Các đơn vị công binh thuộc các trung đoàn bộ binh 66, 28, 40 vừa chuẩn bị mìn thuốc nổ vừa đảm bảo cho bộ binh cơ động.

Tình hình hết sức khẩn trương. Cuối tháng 1 năm 1971, địch huy động hầu hết lực lượng dự bị chiến lược quân ngụy Nam Việt Nam và một phần quân ngụy Lào, Campuchia có sự yểm trợ mạnh của hỏa lực không quân, hậu cần, bộ binh Mỹ ở phía sau mở cuộc hành quân lớn trên 3 hướng: Đường 9 - Nam Lào, vùng Ba biên giới và Đông Bắc Campuchia. Cuộc hành quân của địch ra Đường 9 - Nam Lào có tên "Lam Sơn 719" là cuộc hành quân lớn nhất của địch trong thời gian này và là hướng chủ yếu của địch. Ở đây địch đã sử dụng 40 tiểu đoàn bộ binh, 4 thiết đoàn và chi đoàn thiết giáp, 13 tiểu đoàn pháo binh. Phía sau quân ngụy là quân Mỹ gồm 12 tiểu đoàn bộ binh và bộ binh cơ giới, 8 tiểu đoàn pháo và 1.000 máy bay các loại (trong đó có 600 trực thăng, 50 máy bay chiến đấu chiến lược B52). Phía tây có 15 tiểu đoàn quân ngụy Lào.

Tình hình căng thẳng như vậy, nên Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chỉ thị: Nhất thiết phải đánh thắng trận này dù có phải động viên sức người, sức của và hy sinh như thế nào. Đây là một trận đánh có ý nghĩa về chiến lược!
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #49 vào lúc: 28 Tháng Tư, 2016, 09:27:23 pm »


Ngày 4 tháng 2 năm 1971, Bộ Tư lệnh quyết định thành lập Bộ Tư lệnh mặt trận Đường 9 - Nam Lào (bí danh là Bộ Tư lệnh 702) để thống nhất các lực lượng tham gia chiến dịch. Thực hiện lệnh của Tổng tham mưu trưởng, chúng tôi cử Phó Tư lệnh Đào Hữu Liêu, cùng một số cán bộ kết hợp với Phòng Công binh B70 hình thành cơ quan công binh mặt trận.

Lực lượng tham gia mặt trận Đương 9 - Nam Lào gồm có 3 sư đoàn bộ binh cơ động (304, 308, 324) và một số trung đoàn thuộc Sư đoàn 320, còn các lực lượng của Quân khu Trị - Thiên, của Đoàn 559 và các đơn vị binh chủng pháo binh, xe tăng, cao xạ, đặc công.

Công binh có hai trung đoàn (Trung đoàn 219 và Trung đoàn 7), các đơn vị công binh B70, công binh Quân khu Trị - Thiên và các đơn vị vận tải trên địa bàn chiến dịch. Tổng số công binh tham gia chiến dịch lên tới 28 tiểu đoàn và 11 đội thanh niên xung phong, công nhân quốc phòng, trong đó có 60% là công binh binh trạm. Nhiệm vụ của công binh là đảm bảo cho bộ đội chủ lực và binh khí kỹ thuật cơ động nhanh từ hậu phương vào mặt trận.

Đây là lần đầu tiên lực lượng dự bị chiến lược của Bộ Quốc phòng hành quân cơ giới quy mô vào chiến trường. Theo phương án đã được Phòng Công binh B70 đề xuất từ tháng 11 năm 1970, các đơn vị hậu phương tiến vào tập kết ở nam Long Đại thuộc huyện Quảng Ninh (thuộc nam tỉnh Quảng Bình) theo hai trục đường số 1 và số 15. Bộ Tư lệnh Công binh đã nắm kỹ đường số 1 trống trải và trọng tải cầu phà thấp nên dành cho bộ binh và xe pháo nhẹ. Đường 15 khá hơn thì sử dụng xe chở binh khí kỹ thuật nặng. Ngày 31 tháng 1 năm 1971, cán bộ đơn vị đi trinh sát đường hành quân và khu vực tập kết đã hoàn thành nhiệm vụ.

Ngày 1 tháng 2 năm 1971, bộ đội ta bắt đầu hành quân. Công tác đảm bảo cầu đường tập trung các bến phà qua sông lớn.

Tôi điện trực tiếp cho đồng chí Trần Sự - Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Quảng Bình về việc đảm bảo cho bộ đội hành quân. Đồng chí Trần Sự cho biết: - Tỉnh đội Quảng Bình đã triển khai rất tốt theo kế hoạch trên. Lực lượng làm nhiệm vụ tại phà Gianh, phà Quán Hàu túc trực 24/24 giờ các ngày. Các trọng điểm trên đường số 1, số 15 đều được bảo đảm sẵn sàng. Trung đoàn 249 và hai tiểu đoàn vượt sông 27, 37 (Quân khu 4) bảo đảm các bến Nam Đàn, Đò Trai, Xuân Sơn, Long Đại trên đường 15. Các bến phà từ Phú Quý và Lệ Ninh do Đại đội 8 (Trung đoàn 249) đảm nhiệm. Các đơn vị công binh ngày đêm bám bến, đảm bảo giao thông thông suốt. Đến ngày 5 tháng 2 năm 1971, trên 200 xe cơ giới cùng 80.000 tấn lương thực, thực phẩm, đạn dược đã được chuyển đến vị trí tập kết, đảm bảo an toàn.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM