Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 03:36:03 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Từ chiến sĩ  (Đọc 26479 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #30 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2016, 08:03:07 pm »


Ngày 27 tháng 1 năm 1965, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Trung đoàn 251 công binh xây dựng sân bay. Như vậy trong Binh chủng Công binh đã hình thành một lực lượng chuyên trách xây dựng sân bay, với hơn 10.000 người, trang bị hàng trăm xe - máy công trình.

Thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị về tăng cường giúp đỡ cách mạng Lào, ngày 12 tháng 11 năm 1965, Bộ Quốc phòng ra quyết định số 203/QP-QĐ thành lập 2 công trường (7 và 217) thuộc Bộ Tư lệnh Công binh làm nhiệm vụ bảo đảm các tuyến đường từ biên giới Việt Nam đến các căn cứ cách mạng Lào. Mỗi công trường được biên chế từ 4 đến 5 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội súng máy cao xạ 12,7mm.

Trong những tháng cuối năm 1965, Bộ Tư lệnh Công binh còn xây dựng Trung đoàn công binh 28 gồm 3 tiểu đoàn công trình; sau đó điều động trung đoàn này sang Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân. Bộ Quốc phòng còn quyết định điều động cho Đoàn 559 hai tiểu đoàn công binh và một trung đội công binh vượt sông do Bộ Tư lệnh Công binh tổ chức huấn luyện cấp tốc để kịp phục vụ cho nhu cầu chiến trường.

Đến cuối năm 1965, quân số trực thuộc Bộ Tư lệnh Công binh đã lên tới 30.884 cán bộ, chiến sĩ, gấp 4 lần số quân biên chế năm 1964. Về đơn vị, có 10 trung đoàn, 5 công trường, 1 tiểu đoàn và 2 nhà trường. Đây là thời kỳ lực lượng công binh chủ lực phát triển nhất. Lực lượng công binh ở các quân khu, quân chủng, binh chủng cũng được củng cố và phát triển.

Đế quốc Mỹ ngày càng leo thang chiến tranh, mức độ đánh phá ngày càng ác liệt. Chúng không chỉ đánh vào các công trình quân sự mà còn triệt phá xóm thôn, làng mạc, những vùng đông dân và dò tìm đánh vào cơ quan đầu não của chúng ta, giống như thực dân Pháp đã từng làm trước đây. Nhận rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ các cơ quan Trung ương, bảo vệ Đảng, bảo vệ Bác Hồ và các lãnh tụ, cấp trên đã có chủ trương nâng cấp và xây dựng mới các công trình quốc phòng và các công trình bảo vệ lãnh tụ. Tôi là Phó Tư lệnh Binh chủng, được giao chỉ huy trực tiếp các đơn vị làm nhiệm vụ xây dựng những công trình lớn ở các khu căn cứ và các cơ quan Trung ương ngay tại Hà Nội. Đây là những công việc hết sức nặng nề nhưng trách nhiệm và vinh dự lớn. Cán bộ, chiến sĩ tham gia xây dựng các công trình đặc biệt này được thẩm tra lý lịch, chọn lựa hết sức kỹ càng yêu cầu phẩm chất tốt, tính bảo mật cao.

Đây là quãng thời gian tôi phát huy hết về kiến thức mình đã học được đem áp dụng vào thực tiễn. Và qua thực tiễn bổ sung đầy đủ thêm kiến thức cho mình. Tôi đã thực hành tốt nhiệm vụ của một Tổng công trình sư. Đến nay các công trình vẫn bảo đảm chất lượng và vẫn còn sử dụng tốt. Có được kết quả trên, phải nói rằng những năm tháng du học tôi đã tiếp thu tốt các bài giảng của các giáo sư, tướng lĩnh Xô viết; biết ơn các thầy, cô đã tận tình dạy bảo cho mình nên mình mới áp dụng thành công vào thực tế. Có được những kết quả đó, không thể không nói đến đóng góp của những cộng sự đắc lực - những đồng chí, đồng đội, từ các kỹ sư công trình đến những người lính công binh đã từng "đổ mồ hôi, sôi nước mắt" trên các công trường xây dựng...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #31 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2016, 08:03:45 pm »


Tôi cũng xin nhắc lại một vài kỷ niệm việc học ở Học viện Công binh Quibisép. Thời đó học môn gì thì học viên phải tiến hành thực hành ngay môn ấy. Học viên tự làm lấy, sau đó các giáo sư kiểm tra đánh giá cho điểm. Mà các giáo sư, sĩ quan Liên Xô kiểm tra cho điểm đến nơi, đến chốn và chính xác. Tôi có thực hiện một đề tài là thiết kế, xây dựng hầm sở chỉ huy cấp quân đoàn, ở trong nước, thời gian đó cấp quân đoàn là quá lớn. Cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, ta mới thành lập các quân đoàn cơ động, còn thập kỷ 60 ta chưa có quân đoàn cơ động. Ở Liên Xô cấp quân đoàn là nhỏ, bạn còn có tập đoàn quân, phương diện quân. Tôi thiết kế xong hầm chỉ huy quân đoàn, được bạn cho đầy đủ nguyên vật liệt để xây dựng công trình như thật. Tôi đã bỏ ra mấy tháng trời, học hỏi anh em học viên, các giáo sư, tướng lĩnh để hoàn thành bài học của mình. Hồi hộp nhất là khi thử lực chịu đựng. Không chỉ tôi mà anh em học viên và các giáo sư hướng dẫn cũng lo lắng hồi hộp khi thử kháng lực. Nhà trường đã cho máy bay ném bom hạng nặng xuống công trình tôi thực hành làm. Hết lượt bom nổ này đến lượt bom nổ khác. Từ xa, tôi hồi hộp theo dõi, tim cứ như thắt lại. Đến khi tan khói bom, tất cả chạy tới, tôi vui mừng đến phát khóc vì thấy công sự sở chỉ huy quân đoàn của mình vẫn vững chắc, không lay chuyển. Mọi người bắt tay tôi chúc mừng thành công.

Hôm nay nhận nhiệm vụ quan trọng mà cấp trên giao phó cho mình, tôi rất tự hào nhưng không tránh khỏi lo lắng. Nỗi lo thứ nhất là các công trình đều phục vụ cơ quan Trung ương Đảng, Bác Hồ và các lãnh tụ, nếu có mệnh hệ gì thì mình hối hận không kịp; thứ nữa các thông tin về quân sự chúng tôi nắm được là mức độ công phá bom mìn của Mỹ thời gian này có sức mạnh hơn của Liên Xô thời tôi học. Hồi thực hành nếu bom có đánh sập thì rút kinh nghiệm làm lại, chứ bây giờ không thể rút kinh nghiệm làm lại được. Nhưng nỗi lo lắng nhanh chóng qua đi, tôi lấy lại bản lĩnh, tin vào khả năng của mình, tin vào sự ủng hộ của cấp trên.

Tôi cho anh em cán bộ, chiến sĩ triển khai xây dựng hết công trình này đến công trình khác.

Niềm động viên, an ủi và cũng là hạnh phúc lớn nhất của tôi là vinh dự được tham gia tổ chức thi công công trình phục vụ Bác Hồ công tác, sinh hoạt khi Người còn sống và công trình bảo vệ, lưu giữ lâu dài thi hài của Bác sau khi Người qua đời. Có thể nói các công trình xây dựng phục vụ công tác của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi đều vinh dự được trực tiếp chỉ huy thiết kế, thi công. Tôi đã tham gia làm công trình cho các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Song Hào... Bây giờ được làm công trình cho Bác Hồ, thật vinh hạnh không thể nào nói hết. Đối với tôi, ơn Đảng, ơn Bác như Trời, Phật. Nếu không có Đảng, có Bác thì tôi và thế hệ cùng tôi mãi mãi dưới bùn đen. Tôi sẽ như mọi người ở cái thôn Đầu Quê kiếp chân lấm, tay bùn. Bà con của tôi sẽ bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. May mắn lắm thì Đặng Đen làm được gã phó mộc nối nghề cha tha phương cầu thực kiếm sống. Nếu không, với sự chà đạp con người của chính quyền thực dân, phong kiến ngột ngạt như thế, Đặng Đen phẫn chí nổi lên làm một anh thảo khấu tự phát chống lại áp bức, bóc lột, cường quyền rồi bị thực dân, phong kiến chém đầu! Thật muôn đời biết ơn là có Đảng, có Bác Hồ vĩ đại, Trần Bá Đặng mới trở thành một sĩ quan trong quân đội. Trời, Phật lại cho tôi đền đáp công ơn bằng công việc cụ thể làm công trình phục vụ các lãnh tụ và Bác Hồ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #32 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2016, 08:04:34 pm »


Trước đây, tôi cũng như mọi người dân Việt Nam bình thường nào mà không ước ao gặp Bác Hồ. Tôi may mắn hơn nhiều người là khi làm công trình phục vụ Bác, được gặp Bác nhiều hơn, được học những lời dạy bảo của Bác. Gần gũi Bác, tôi càng chiêm ngưỡng, kính trọng một bậc anh minh vĩ đại mà cũng vô cùng bình dị như tất cả mọi người chúng ta. Điều này người Việt Nam ta và ngay cả bạn bè năm châu đều biết. Bác là thánh thần nhưng Bác cũng rất gần gũi. Mội vị lãnh tụ kiệt xuất có sức mạnh cảm hóa, lay động quần chúng đã làm nên một sự nghiệp lẫy lừng lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân giải phóng dân tộc mình thoát khỏi ách áp bức bóc lột của giặc ngoại xâm đã đô hộ nước nhà gần 100 năm. Đôi lần tôi ngắm Bác mà không thể hiểu nổi vì sao một con người bình dị như bao con người Việt Nam của mình, không có gì đặc biệt khác người như cha mẹ bình dân của mình vậy mà con người ấy lại có một tài trí vô song đến vậy! Bác là vị Thánh mà bề ngoài không có vẻ gì là vị Thánh. Bác giản dị như tất cả mọi người, ân cần hỏi han từ cán bộ đến chiến sĩ lái xe.

Một lần cấp trên điện cho tôi: 2 giờ chiều lên chỗ Bác. Bác đang xem xét công trình tôi chỉ huy thi công. Tôi lo lắng lắm. Nghĩ không biết có vấn đề gì không. Bác chê thì thật hổ thẹn không biết để vào đâu! Tôi dặn đồng chí lái xe đưa đi đúng giờ giấc.

Thật bất ngờ, khi gặp Bác, được Bác khen:

- Chú Đặng thật tác phong quân sự. Bác khen công trình của chú và các chiến sĩ đã làm cho Bác.

Tôi sướng ơi là sướng, cảm động vô cùng, nên chỉ đáp lí nhí:   

- Thưa Bác! Thưa Bác!

Bác vỗ vai tôi, tiếp lời trìu mến:

- Khá thật, bộ đội ta xây dựng những công trình này thì ta chẳng ngại gì bom Mỹ.

Tôi theo Bác đi xem lại một lượt. Bác khen nhiều hơn chê và không bảo làm lại chỗ nào cả.

Bác Hồ như có mắt thần, Bác đặt niềm tin vào con cháu, vào chúng tôi. Làm công trình cho Bác mà Bác bằng lòng thì còn hạnh phúc nào lớn hơn đối với người chiến sĩ công binh!
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #33 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2016, 08:07:08 pm »


Xem xong một lượt, trở lại phòng làm việc của Bác, nghe Bác nói, tôi mới hiểu vì sao Bác có niềm tin làm vậy vào chúng tôi.

Như một người Cha thân ái, Bác hỏi tôi:

- Chú Đặng lên đây bằng phương tiện gì?

Tôi kính cẩn đáp:

- Thưa Bác, cháu đi xe Commăngca ạ!

- Chiến sĩ lái xe đâu? - Bác hỏi tiếp.

Tôi nhìn quanh ú ớ:

- Thưa Bác, chiến sĩ lái xe ở ngoài cổng ạ!

Bác nói nhẹ nhàng chậm rãi:

- Chú lên làm công trình cho Bác, tính mạng chú nằm trong tay cháu Hợp (tên chiến sĩ lái xe). Cháu Hợp phải làm việc bằng tay, bằng mắt, nếu lơ đãng thì sẽ xảy ra tai nạn, vậy nên bảo cháu Hợp vào đây!

Nói rồi Bác đưa ra hai cốc sữa, cho tôi một cốc và bảo tôi đưa cho cháu Hợp một cốc.

Đấy là bài học thấm thìa nhất mà Bác đã dạy cho tôi, làm tôi phải ghi nhớ suốt đời về mối quan tâm giữa con người với con người, giữa lãnh tụ và quần chúng, giữa sĩ quan và binh sĩ trong chế độ của ta!

Những lãnh tụ khởi nghĩa thành công, tay không mà dựng nổi cơ đồ đều hơn người về mặt nhân tâm, về sự quan tâm đến quảng đại quần chúng!
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #34 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2016, 08:07:48 pm »


Từ giây phút ấy tôi đã được Bác cảm hóa và coi những giây phút gần gũi được nghe lời dạy bảo của Bác là những thời khắc quý giá nhất trong đời của mình. Từ giây phút này, tôi lại có may mắn được làm việc với Bác nhiều lần cho đến ngày Bác ra đi gặp các bậc cách mạng tiền bối. Lúc đó, tôi đã là Tư lệnh binh chủng Công binh nhưng vẫn được cấp trên cử sang làm Phó chỉ huy thứ nhất công trường xây dựng Lăng Bác. Thật là không phụ lòng công ơn trời biển của Đảng, Bác cho mình đi học, trở về phục vụ cho nhân dân.

Đợi tôi và chiến sĩ Hợp lái xe uống xong sữa, Bác hỏi tôi:
- Binh chủng chú Đặng có bao nhiêu xe máy?

Tôi đáp:
- Thưa Bác khoảng một triệu chiếc.

Bác cười tiếp lời:
- Báo cáo với Bác thì được, chứ người ngoài thì phải giữ bí mật nghe!

Tôi chỉ còn cách đáp:
- Thưa Bác! Vâng ạ!

Bác trầm ngâm một chút rồi lại nói tiếp:
- Bác nghe các chú kể lại rằng chú Đặng nghèo khổ lắm không được đi học, vào bộ đội quyết tâm học tập mà làm đến trung đoàn trưởng, rồi được đi học, làm được Tổng công trình sư, Bác thực sự khen ngợi.

Tôi lại càng cảm động hơn khi Bác hiểu rõ mình đến thế. Tôi bùi ngùi:
- Thưa Bác! Cháu phải cố gắng lắm!

Bác cười hiền hậu:
- Tốt! ngày xưa Bác cũng vậy, Bác học ở trường rất ít, Bác bôn ba nước ngoài phải tự kiếm sống rất sớm nên tự học là chính. Giấy vở của Bác đây. Bác nói và đưa cánh tay ra chỉ: Bác viết chữ Tây vào đây để học, mỗi ngày mươi chữ, tích tiểu thành đại đó!

Nghe Bác kể chuyện việc tự học của Bác, tôi và chiến sĩ lái xe ngồi lặng người cảm kích biết bao nhiêu.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #35 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2016, 08:08:36 pm »


Sau một lát, Bác trở lại hỏi việc xây dựng công trình cho Bác:
- Công trình xây dựng cho Bác kháng lực được bao nhiêu?

Tôi tự tin đáp:
- Thưa Bác, có thể chịu được tất cả các loại bom đạn.

Bác im lặng rít thuốc, rồi nói tiếp:

- Biết địch, biết ta, trăm trận, trăm thắng! Người cầm quân không được chủ quan khinh địch. Thằng Pháp mạnh một, thằng Mỹ mạnh mười. Chúng cũng lắm quỷ kế. Chú Đặng là Tổng công trình sư, giỏi xây dựng các công trình nên hiểu điều đó; Rồi Bác hỏi:

- Kháng lực tốt nhất thì phải làm gì?

Tôi định trả lời là phải đổ xi măng mác cao, cốt sắt theo tiêu chuẩn quy định xây dựng các công trình vĩnh cửu, nhưng Bác cười thâm thúy và trả lời thay cho chúng tôi:

- Kháng lực tốt nhất là bí mật! Các chú xây dựng công trình cho Trung ương, cho Bác mà không bí mật, đi đâu cũng kể ra, địch sẽ biết thì chẳng sắt thép xi măng nào chịu được. Nếu chúng ta không giữ bí mật thì bọn địch đem bộc phá đến tung vào trong hầm thì làm sao?

Chúng tôi ngồi nghe Bác dạy mà lặng cả người. Đúng rồi, kháng lực tốt nhất là bí mật. Một trong những nhân tố bảo đảm cho cách mạng thành công cũng nhờ bí mật. Bác Hồ đã dạy cho anh em chúng tôi một bài học vô cùng thấm thía.

Xây dựng công trình phục vụ Bác và Trung ương, chúng ta hết sức giữ bí mật. Bí mật đến mức mà một đồng chí cán bộ ở địa phương mất chức vì không biết đơn vị của chúng tôi đang thực thi một công trình quan trọng đặc biệt.

Chuyện xảy ra khi đơn vị công binh nhận lệnh mở đường cho xe pháo chuyến vật liệu vào xây dựng công trình, đồng chí cán bộ đó đã ra lệnh ngăn cản không cho bộ đội thi công. Đơn vị phải điện lên cấp trên xin ý kiến. Chỉ tuần sau là có người được điều về thay vị trí của đồng chí đó.

Mỗi lần làm việc gần Bác là mỗi lần tôi thấy mình trưởng thành và hiểu biết hơn. Bác đã dạy cho chúng tôi bao bài học thấm thìa: bài học làm người, bài học làm cán bộ. Cái sâu lắng nữa mà tôi luôn luôn ghi nhớ là phong thái ung dung, tự tại của một bậc thông tuệ, minh triết, cái bình dị lạ thường của một đấng thiên tài! Cái lớn nhất tôi học ở Bác là sự chí công vô tư, dĩ công vi thượng! Bác không giữ riêng cho mình thứ gì. Tất cả đều cho dân, cho nước. Gương sáng ấy lớp cán bộ thế hệ chúng tôi hết thảy đều noi theo.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #36 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2016, 08:09:54 pm »


Thường thì những công trình chúng tôi xây dựng, bảo đảm cho công tác, sinh hoạt hằng ngày của Bác và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong điều kiện Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại, Bác không có ý kiến gì thêm. Bác thường bảo vui: Nghề này thì các chú là thầy rồi, Bác xin học theo. Nói vui vậy, nhưng Bác góp ý cho chúng tôi nhiều ý kiến quý giá mà chúng tôi phải học theo ngay. Một lần, Bác bảo anh em chúng tôi khi làm cửa vào nhà hoặc vào hầm thì phải "nghinh phong, hướng nguyệt!". Tôi chưa hiểu nghinh phong, hướng nguyệt là gì, may có anh Vũ Kỳ thư ký riêng của Bác giải thích: "Làm cửa nhà là phải đón được hướng gió mát và ánh trăng thanh". Nhà như thế mới yên lành, mới xua đuổi được tà khí. Bao nhiêu kinh nghiệm, tri thức của cha ông mà mình đã hiểu hết đâu! Với Bác thì gần như điều gì Người cũng tỏ tường, để rồi Bác dạy bảo cho chúng tôi. Từ đó, khi xây dựng các công trình, tôi đều gắng làm theo lời dạy của Bác. Bác đã hiểu biết sâu sắc tri thức vĩ mô và cũng tường tận kiến thức vi mô, người binh thường khó mà đạt được. Bác chỉ góp ý những vấn đề đại cục, chứ không bắt bẻ những cái tiểu tiết mà người thường hay để ý.

Tôi biết từng phút, từng giờ của Bác là vàng, ngọc nên không dám phạm thời gian của Bác. Nhưng với Bác khi có đủ anh em chiến sĩ, cán bộ, Bác thường trò chuyện với chúng tôi. Những phút trò chuyện ấy để lại nhiều bài học sâu sắc mà tôi không bao giờ quên.

Bác nói đại ý: Các chú giờ Tây học nhiều nhưng đừng quên truyền thống cha ông, những lời dạy bảo của cổ nhân. Đó là kinh nghiệm hàng ngàn đời vô cùng quý giá. Làm cách mạng mà cầu vinh hoa phú quý thì đừng làm. Vì vinh hoa phú quý xa lạ với người làm cách mạng. Làm cách mạng phải "dĩ công vi thượng" (đặt việc công lên trên hết). Người xưa từng bảo: "Thiên trường, địa cửu, dĩ kỳ bất tự sinh" (Trời đất dài lâu vì trời đất không sống riêng cho mình)... Chúng tôi nghe lời Bác như nghe lời non nước!

Khi hoàn thành công trình, Bác mời tôi lên ăn cơm với Bác. Tôi nhận được điện, đúng 8 giờ sáng khởi hành. Lái xe đã chuẩn bị xăng dầu đầy đủ và theo con đường quen thuộc đến nhà Bác. Khi tôi đến, đã có nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội: Phạm Văn Đồng, Tố Hữu, Phùng Thế Tài và một số anh em phục vụ.

Lần đầu tiên trong đời được ăn cơm với Bác, tôi thấy không gì vinh hạnh bằng nhưng cũng lúng ta, lúng túng không được tự nhiên. Đó cũng là tâm lý thường tình của một cán bộ trước lãnh tụ anh minh mà mình hằng kính trọng.

Bữa cơm của lãnh tụ thật là đạm bạc. Cơm gạo tám, canh bí đao nấu với cánh gà, cổ gà. Một đĩa cà pháo, một đĩa thịt gà luộc, chén nước mắm thêm ớt và một đĩa quýt. Chẳng thấy yến sào, thịt bò xào sâm đâu cả! Mọi nhà bình dân nào cũng có một bữa cơm như thế, dù đất nước đang trên bom, dưới đạn. Nhìn bữa cơm mà lãnh tụ mời khánh thành công trình của mình, tôi bùi ngùi cảm động, không nói nên lời. Thấy tôi ngồi ngẩn tò te, Bác bảo:

- Chú Đặng ăn đi! Công trình này, công chú nhiều nhất đó!

Mọi người cũng giục ăn thêm, tôi cũng ăn cho chiếu lệ, bởi được Bác mời cơm, được ngồi gần các đồng chí Phạm Văn Đồng, Tố Hữu... thì không ăn cũng no.

Ăn xong, Bác đem quýt cho mọi người. Tôi và đồng chí Phùng Thế Tài được hai quả. Bác bảo đem về cho các cháu nhỏ. Ra bàn uống nước, Bác và đồng chí Phạm Văn Đồng, Tố Hữu đàm đạo văn chương, thi phú. Tôi ngồi nghe mà lắng đọng biết bao điều. Bác nói: "Đoản thi tối hảo phá" (Thơ ngắn sức truyền cảm lớn). Thơ ca đừng dài dòng, dây cà ra dây muống. Quần chúng có thời gian đâu mà đọc. Phải viết thế nào để cho trời đất rung động mà người dân bình thường cũng thấy thấm thía mới là người tài!

Các đồng chí Phạm Văn Đồng, Tố Hữu rất thán phục ý kiến của Bác.

Tôi nghĩ đó là những lời chỉ giáo của Bác cho tất cả mọi người chứ không chỉ riêng cho đồng chí Tố Hữu chuyên về văn chương.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #37 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2016, 08:11:00 pm »




Đảng, Bác là những bậc tiên tri nhìn xa trông rộng. Miền Bắc vừa hòa bình, nhiều cán bộ quân đội được cử đi đào tạo ở nước bạn ngay. Tôi cũng là một trong số sĩ quan được chọn đi đào tạo lâu dài ở Liên Xô lượt đầu tiên khi hòa bình lập lại trên miền Bắc. Nếu không được học tập một cách bài bản chính quy ở Học viện Công binh Quibisép, tôi không thể xây dựng được những công trình quốc phòng trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. Sức mạnh quân sự, tiềm năng kinh tế thì đế quốc Mỹ gấp nhiều lần đế quốc Pháp. Hồi học ở Liên Xô, chúng tôi thường nghiên cứu tài liệu tham khảo quân sự các nước, nhất là của Mỹ. Chúng tôi biết nước Mỹ cũng có nền khoa học quân sự khá hoàn chỉnh, có trường đào tạo sĩ quan chính quy, bài bản. Đế quốc Mỹ lại rất tham vọng, muốn làm bá chủ hoàn cầu. Nước ta cần thống nhất Tổ quốc. Mỹ và tay sai muốn thôn tính miền Bắc. Chúng có nhiều kế hoạch "Bắc tiến" triển khai từ hồi Ngô Đình Diệm mới lên nắm chính quyền ở miền Nam.

Lớp sĩ quan chúng tôi mới về nước chưa đầy một năm thì cuộc chiến tranh chống Mỹ đã phát triển sang một giai đoạn mới. Tất cả các sĩ quan được đào tạo tại Liên Xô, ai về nhận công việc của người ấy. Nhìn chung, tất cả đều phát huy năng lực kiến thức của mình vừa được học tập ở nước ngoài...

Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ ngày càng ác liệt trên cả nước, Bộ Tư lệnh Công binh được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ: Trực tiếp đảm bảo giao thông trên hai tuyến đường 7 và 217 sang chiến trường Lào, mở và khôi phục đường 6B, làm tham mưu giúp Bộ chỉ đạo các quân khu đảm bảo giao thông các tuyến do quân đội phụ trách, chủ yếu là các tuyến đường qua Quân khu 4 vào chiến trường miền Nam và sang Lào; hiệp đồng với Bộ Giao thông vận tải đảm bảo giao thông trên các tuyến đường do quân đội phụ trách.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, lực lượng công binh nhanh chóng mở rộng, triển khai trên các tuyến đường ba tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Ở các trọng điểm mà địch đánh phá, Bộ tăng cường 26 đại đội công binh giao thông. Trung đoàn công binh 152 trực thuộc Quân khu 4 mới thành lập, nhanh chóng triển khai lực lượng đảm bảo giao thông trên các tuyến đường 12, 15 phía tây Quảng Bình. Tiểu đoàn 27 công binh (Quân khu 3) và Tiểu đoàn 15 công binh (Sư đoàn 350) tổ chức cho binh khí kỹ thuật vượt sông và ứng cứu giao thông ở các trọng điểm đường 1 và đường 5. Thành phố Hải Phòng xây dựng thêm một đại đội giao thông đảm bảo cầu sắt An Dương. Tỉnh Hà Bắc có đại đội công binh đảm bảo cầu Bến Lường và một đại đội đảm bảo giao thông đường 1A, đoạn Bắc Giang - Đáp Cầu. Tỉnh Hải Dương có một đại đội công binh đảm bảo bến Cổ Pháp...

Được quản lý chặt chẽ, nhiều phân đội công binh lập chiến công xuất sắc. Các phân đội làm nhiệm vụ ở bến phà Ghép, cầu Hàm Rồng, phà Bến Thủy, phà Gianh, phà Quán Hàu... thường xuyên đảm bảo giao thông thông suốt, kể cả khi địch tập trung máy bay đánh phá ác liệt. Các phân đội trên đã được Quốc hội, Chính phủ tuyên dương Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #38 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2016, 08:11:29 pm »


Giao thông toàn dân là một chủ trương của Trung ương ra đời trong thời kỳ này và đạt được nhiều thành tích xuất sắc. Các đơn vị hành chính xã nằm hai bên trục đường giao thông đã tổ chức được đội dân quân đảm bảo giao thông. Riêng địa bàn Quân khu 4 có 182 đơn vị. Cùng với nhân dân, các đơn vị này là lực lượng hỗ trợ rất đắc lực cho các lực lượng chuyên nghiệp. Các đội dân quân ở Hà Tĩnh, Quảng Bình thường xuyên sửa chữa đường, làm cọc tiêu, biển báo, hướng dẫn xe chạy, tổ chức các đội cứu xe, cứu hàng mỗi khi địch oanh tạc. Hà Tĩnh có phong trào "Hòn đá chống Mỹ". Hằng ngày, bà con xã viên đi làm đồng, làm nương rẫy tự nguyện lấy một hòn đá đem về góp vật liệu làm đường. Chỉ trong thời gian ngắn, Hà Tình đã gom được hàng ngàn mét khối đá để sửa đường.   

Còn ở Quảng Bình có khẩu hiệu: "Xe chưa qua nhà không tiếc". Câu thành ngữ này trở thành câu khẩu hiệu thời kỳ chống Mỹ. Câu khẩu hiệu này bắt nguồn từ một sự thật là nhân dân Quảng Bình ở hai bên đường số 1 cứ thấy xe bộ đội đang trên đường vào chiến trường, bị bom đánh sập cầu, cống hoặc cắt đôi đường là bà con tự giác dỡ nhà mình làm đường, làm cầu cho xe qua. Đồng chí Lại Văn Ly - Trưởng ty Giao thông Quảng Bình hồi đó đã kể cho tôi nghe về nơi sinh ra câu khẩu hiệu trên. Quảng Bình là điểm "đòn gánh" miền Trung, chỗ hẹp nhất của nước ta. Từ biên giới Việt Lào xuống biển Đông đoạn qua Đồng Hới chỉ có 40 kilômét. Máy bay địch thường xuyên ném bom trên tuyến đường này để ngăn cản xe pháo và bộ đội ta hành quân vào chiến trường. Ở Đèo Ngang, địch luôn bỏ bom, hòng biến nơi này thành tử địa. Càng đi sâu, mức độ bom đạn càng ác liệt. Nhật Lệ, Hạc Hải, U Bò, Quán Hàu đều thành trọng điểm đánh phá thường xuyên của máy bay Mỹ. Khẩu hiệu "Xe chưa qua nhà không tiếc” xuất phát từ địa phương xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Đoạn đường số 1 từ Võ Ninh, Gia Ninh, Thanh Thủy, Cam Thủy, Hưng Thủy là con đường độc đạo. Một bên là phá Hạc Hải, một bên là đồng cát như sa mạc, bom địch dội liên hồi, kỳ trận, ném xuống lòng đường. Có lúc, hàng trăm xe nghẽn lại trên đường độc đạo này. Không thể ngồi yên nhìn xe và bộ đội bị kẹt lại, bà con ở Võ Ninh liền dỡ nhà mình lấy cột kèo, đòn tay lát cho xe tiến lên. Còn người chấp nhận về ở trong các hầm chữ A.

Phong trào từ Võ Ninh nhân rộng ra các xã trên tuyến đường số 1 và nhân rộng ra cả nước. Thật là "Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong". Tôi nghe đồng chí Lại Văn Ly, Anh hùng Võ Xuân Nở kể lại chuyện này mà rưng rưng cảm động. Nhân dân ta thật anh hùng; tình thần hy sinh của nhân dân thật cao cả!
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #39 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2016, 08:13:03 pm »


Trong kháng chiến chống Mỹ, tôi còn phổ biến khẩu hiệu "Tiếng hát át tiếng bom". Cũng các đồng chí ở Quảng Bình kể cho tôi nghe nơi sinh ra câu khẩu hiệu này. Chủ tịch xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình là đồng chí Nguyễn Thị Lướt. Một đêm, sau khi họp ủy ban xã về khuya, đồng chí phải ra trực chiến cùng dân quân. Đường đi dọc bờ sông Kiến Giang bị bom Mỹ thả liên tục. Bởi vì đây là điểm vận chuyển lương thực, súng đạn ra chiến trường cần kíp nhất. Trên sông lúc nào cũng có bom nổ và đạn pháo từ ngoài biển bắn vào, trên đầu lúc nào cũng có máy bay gầm thét bắn rốc két xuống. Để lấy can đảm, đồng chí Lướt vừa đi, vừa hát. Một bài hát rất phổ biến thời chống Mỹ là bài hát "Bắn máy bay" của nhạc sĩ Lô Giang:

"Khi trên bầu trời xanh có tiếng máy bay lượn quanh. Chúng rải chất độc xuống quê ta, chúng bắn giết người lương thiện. Dù dưới bom rơi, tay súng sẵn sàng này! Nhằm cho trúng đầu máy bay. Ta bắn cho chúng nhào lăn quay, lăn quay!"

Sau này, câu "Tiếng hát át tiếng bom" trở thành khẩu hiệu nhân rộng thành phong trào trong cả nước.

Thời kỳ này, trên các tuyến đường sang Lào, Bộ Tư lệnh Công binh đã khẩn trương ổn định tổ chức, đưa Công trường 7, và Công trường 271 vào tuyến. Công trường 7 đảm bảo giao thông trên đường 7 từ biên giới Khang Khay và mở đường 6B từ bản Ban đến Pu So Voi. Công trường 217 đảm bảo giao thông đường 217 từ biên giới Việt - Lào đến Sầm Nưa, mở tiếp đường từ Sầm Nưa đến Nậm Non và mở đường tránh đèo Mường Liệt. Cả hai công trường đều làm nhiệm vụ trên tuyến dài, hoạt động độc lập. Vừa tổ chức làm đường, vừa tổ chức đánh giặc, công binh ta lại cùng với bạn xây dựng cơ sở chính trị ở các bản và xã ven đường.

Để chuẩn bị cho bộ đội bước vào chiến đấu, ngày 12 tháng 7 năm 1965, theo lệnh của Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Tư lệnh Công binh điều gấp Đoàn công binh 1506 đang huấn luyện tại Trung Hà đi xây dựng trận địa tại Suối Hai (huyện Bất Bạt, tỉnh Hà Tây). Các đơn vị công binh của các sư đoàn 308, 312 và một số học viên Trường sĩ quan Lục quân và sĩ quan Pháo binh cũng được điều động đến để xây dựng trận địa.

Ngày 24 tháng 7 năm 1965, từ trận địa Suối Hai, bộ đội tên lửa phóng hai quả đạn tiêu diệt 1 máy bay F4C, ngày 26 tháng 7 năm 1965, bắn rơi một máy bay trinh sát không người lái và 1 máy bay RF.101. Sau trận đánh, Đoàn công binh 1506 được khen thưởng ba Huân chương Chiến công. Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân tặng Đoàn lá cờ "Đoàn kết hiệp đồng chiến đấu".
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM