Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:31:44 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Từ chiến sĩ  (Đọc 26345 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #20 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2016, 07:54:58 pm »


IV
NHIỆM VỤ MỚI

Tháng 11 năm 1963, đoàn sĩ quan học tập ở Liên Xô về nước. Chúng tôi đến Bộ Quốc phòng và được phân công nhận nhiệm vụ ngay. Tôi về Cục Công binh và được bổ nhiệm giữ chức Cục phó. Từ đó tôi không chỉ gắn bó với nghề mà còn là nghiệp công binh nữa. Thực ra người lính như tôi, trước đây dù không chuyên về công binh nhưng công việc nào của chiến đấu mà không gắn với công binh, như: đánh mìn, bộc phá, đào công sự, làm hầm ngầm... Trước đây mình chỉ lo cho đơn vị nhỏ, bây giờ mình lo cho toàn quân, toàn dân và cả lãnh tụ. Biết là rất vinh dự nhưng trách nhiệm cũng rất nặng nề. Nhưng đã xác định từ lâu nên tôi hoàn toàn yên tâm với cương vị mới.

Đồng chí Song Hào Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị cho gọi tôi đến trao đổi công việc. Ông cười và nói: Giờ đây yên tâm chưa?.

Tôi đáp: -Thưa thủ trưởng yên tâm rồi!

Ông tiếp: - Có ý kiến gì nữa không?

Tôi đáp: - Thưa không ạ!

Ông cười:-Thế là tốt. Các cậu học nước ngoài về hay coi thường anh em, hãy cẩn thận đấy!

Khi tôi về công tác, Cục Công binh có quá trình phát triển gần 20 năm. Từ ngày 25 tháng 3 năm 1946, Công chính giao thông Cục thuộc Bộ Quốc phòng được thành lập theo Sắc lệnh số 34 về tổ chức Bộ Quốc phòng do, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký. Đồng chí Nguyễn Duy Thanh là Cục trưởng đầu tiên của Công chính giao thông Cục.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #21 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2016, 07:55:57 pm »


Ngày trước ở đơn vị chiến đấu, tôi chưa hiểu về lịch sử Công binh của quân đội ta. Không chỉ tôi mà nhiều đồng chí khác cũng vậy. Nhưng khi được cấp trên cử đi du học Liên Xô chuyên về công binh, thì tôi bắt đầu tìm hiểu lịch sử Công binh quân đội ta và lịch sử công binh quân đội các nước, nhất là công binh quân đội các nước xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là công binh quân đội Xô viết!

Tôi hiểu được một cách tổng quát trên cương vị người chỉ huy cao nhất của Binh chủng Công binh.

Xin điểm qua vài nét tiến trình lịch sử công binh Việt Nam.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, nước ta gặp muôn vàn khó khăn, Bác Hồ ra lời kêu gọi diệt ba thứ giặc: giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Vận nước lâm nguy vì giặc ngoại xâm câu kết với giặc "nội xâm", ở miền Bắc, 20 vạn quân Tàu Tưởng tràn vào nước ta kéo theo bọn Việt quốc, Việt cách và bọn phản động nằm chờ trong nước hòng bóp chết chính quyền cách mạng non trẻ của chúng ta. Ở miền Nam, thực dân Pháp núp dưới bóng quân Anh âm mưu cướp nước ta lần nữa. Nạn đói năm Ất Dậu (1945) làm 2 triệu người chết đói còn là nỗi kinh hoàng cả dân tộc, nỗi đau rùng rợn ấy chưa chấm dứt. Thế nước đang "ngàn cân treo sợi tóc". Trước khó khăn chồng chất khó khăn như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đề ra nhiều khẩu hiệu cấp thiết, đặc biệt là chú trọng phát triển lực lượng vũ trang, vận động thanh niên đầu quân cứu nước. Hàng vạn người đã xung phong nhập ngũ và vào lực lượng tự vệ chiến đấu. Giải phóng quân trước chỉ có vài trung đội đã phát triển lên thành hàng chục chi đội có võ trang và thành lập các chi đội chuyên môn như chế tạo bom, mìn, đúc rèn vũ khí, lựu pháo...

Ở Huế, sau Cách mạng tháng Tám, ta đã thành lập chi đội Vệ quốc đoàn mang tên Trần Cao Vân, đồng thời thành lập các phân đội chuyên môn. Đồng chí Đào Hữu Lưu, một thanh niên gương mẫu, chuyên viên kỹ thuật công binh được giao nhiệm vụ thành lập phân đội 16 và được cử làm Trưởng ban công binh Thừa Thiên - Huế.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #22 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2016, 07:56:36 pm »


Ngày 15 tháng 9 năm 1945, phân đội 16 tuyển quân và ngày 21 tháng 9 năm 1945 chính thức thành lập với quân số khoảng 40 người, phần lớn là thợ mộc, thợ nề, học sinh Trường Kỹ nghệ Huế. Đồng chí Nguyễn Văn Ngưu được cử làm phân đội trưởng, đồng chí Lê Vừa làm phân đội phó.

Trong thời gian đầu xây dựng đơn vị, phân đội 16 vừa huấn luyện, vừa chữa nhà cửa trong Đội Cung, chuẩn bị phá hoại cầu Tràng Tiền, Lăng Cô và các nhà máy điện, nước...

Cuối năm 1945, Phân khu Trị - Thiên được thành lập. Ban Công binh Thừa Thiên - Huế chuyển thành Ban Công binh Trị - Thiên. Phân đội 16 tách một tiểu đội thành phân đội công binh Quảng Trị.

Phân đội công binh Huế thành lập ngày 21 tháng 9 năm 1945 là phân đội công binh đầu tiên. Ban chỉ đạo công binh Thừa Thiên – Huế là cơ quan chỉ đạo công binh đầu tiên của quân đội ta. Binh chủng Công binh ngày một trưởng thành theo bước trưởng thành của quân đội ta và phát triển đi lên như nhiều binh chủng khác.

Ngày 25 tháng 3 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 34 quy định tổ chức Bộ Quốc phòng. Trong các cục chuyên môn có Công chính giao thông Cục. Sắc lệnh quy định: "Công chính giao thông Cục có nhiệm vụ tổ chức thi hành việc vận tải, thông tin, vẽ bản đồ và tổ chức công binh dùng vào việc chuyên môn: cầu cống, đường sá, máy móc...".

Một thời gian sau, Công chính giao thông Cục chuyển dần thành cơ quan chỉ đạo công binh toàn quân. Ngày 23 tháng 3 năm 1946 đánh dấu sự ra đời của Công binh Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngày 23 tháng 3 trở thành ngày truyền thống của Công binh Việt Nam.

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Công binh Việt Nam liên tục đạt nhiều thành tích xuất sắc và từng bước trưởng thành, trở thành một binh chủng vững mạnh của quân đội ta, đóng góp to lớn vào chiến thắng thực dân Pháp. Trải qua 9 năm chiến đấu, vượt qua vô vàn gian khổ, công binh góp phần vào thắng lợi chung cùng dân tộc.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #23 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2016, 07:57:12 pm »


Công binh Việt Nam ra đời và lớn lên trong cuộc kháng chiến chống Pháp theo sát sự phát triển của lực lượng vũ trang cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, vừa chiến đấu, vừa xây dựng, Công binh Việt Nam đã trưởng thành từ không đến có, từ nhỏ đến lớn, từ phân tán đến tập trung, từ chiến đấu du kích đến chiến đấu hiệp đồng, quy mô ngày càng rộng lớn.

Hoạt động của công binh là hoạt động kỹ thuật chuyên môn. Nhờ có đường lối và chính sách đúng đắn của Đảng và Bác Hồ mà nhiều kỹ sư, chuyên viên kỹ thuật, sinh viên, học sinh, công nhân viên lành nghề được đào tạo trong chế độ cũ đã tham gia công binh. Đội ngũ này là nòng cốt quan trọng trong việc xây dựng Công binh Việt Nam trở thành một lực lượng chuyên môn kỹ thuật quân sự, hoàn thành nhiệm vụ và góp phần đặt cơ sở cho việc phát triển Công binh Việt Nam sau này.

Từ thực tiễn chiến đấu, công binh đã khai phá con đường, xây dựng nền móng công binh trong ba thứ quân trên khắp các chiến trường; đã xây dựng một đội ngũ cán bộ và nhân viên kỹ thuật ngày càng đông; đã xây đắp nên truyền thống vẻ vang "Mở đường thắng lợi" và đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm phong phú trong kho tàng kỹ thuật quân sự Việt Nam.

Do nhiều hạn chế khách quan, trong kháng chiến chống Pháp, công binh chưa có điều kiện để xây dựng thành một binh chủng chính quy hiện đại, nên trình độ tác chiến hiệp đồng ở quy mô nhỏ. Những hạn chế đó đòi hỏi Công binh ngày càng nỗ lực hơn, phấn đấu xây dựng binh chủng ngày càng vững mạnh, chính quy hiện đại trong thời gian hòa bình sau thắng lợi kháng chiến chống thực dân Pháp.

Tôi về nhận nhiệm vụ ở Cục Công binh thì Binh chủng đã có bề dày truyền thống xây dựng và trương thành, trong đó gần mười năm củng cố xây dựng binh chủng tiến lên chính quy và hiện đại, phát triển công binh miền Nam góp phần đánh thắng chiến tranh đặc biệt của Mỹ - ngụy giai đoạn 1954-1964; tiếp đến là nâng cao chất lượng huấn luyện, chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu khi chiến tranh xảy ra.

Với tầm nhìn xa của Đảng, Bác Hồ kính yêu, chuẩn bị đề phòng chiến tranh ác liệt có thể xảy ra, lực lượng quân đội nói chung, công binh nói riêng luôn luôn tăng cường luyện tập đề cao cảnh giác, ra sức học tập thông hiểu binh khí kỹ thuật hiện đại, sẵn sàng đập tan mọi mưu đồ gây chiến của địch, sẵn sàng đánh thắng trận đầu.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #24 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2016, 07:58:06 pm »


Miền Bắc nước ta thời gian từ năm 1954 đến tháng 8 năm 1964 là thời kỳ hòa bình. Khi tôi về nước, ta đã bước sang năm thứ ba thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Cuộc sống nhân dân ta từ nông thôn đến thành thị có những đổi thay to lớn. Đúng như nhà thơ Tố Hữu có viết:

"Năm năm mới bấy nhiêu ngày,
Mà trông trời đất đổi thay đã nhiều.
Dân có ruộng dập dìu hợp tác.
Lúa mượt đồng ấm áp làng quê.
Chiêm mùa cờ đỏ ven đê.
Sớm hôm tiếng trống đi về nông thôn..."


Những ngày hòa bình thật là quý giá, nhưng không được dài. Âm mưu của địch đầy hận thù và lắm quỷ quyệt. Điều này ta đã nhận ra từ lâu, nên Đảng, Bác Hồ đã đề ra nhiều chiến lược, sách lược với tầm nhìn xa, trông rộng đầy tính chất cảnh giác cao, phòng thủ cao!

Do yêu cầu phòng thủ miền Bắc, công tác xây dựng quốc phòng được triển khai trên diện rộng ở các vùng duyên hải, hải đảo, giới tuyến quân sự tạm thời... Ở Bộ có Trung đoàn 259 đảm nhiệm xây dựng các sở chỉ huy. Ở các quân khu có các tiểu đoàn chuyên trách xây dựng các công trình quốc phòng. Các đơn vị được chấn chỉnh cho phù hợp với điều kiện thi công và yêu cầu giữ bí mật cao. Trung đoàn công binh 259 chuyển thành Trung đoàn kiến trúc 259 với các đội chuyên môn đào đất, đổ bê tông, xe - máy, bảo quản công trình... Các chiến sĩ chuyển sang chế độ quân nhân chuyên nghiệp. Ở các quân khu, các tiểu đoàn xây dựng công trình cũng chuyển thành các đội kiến trúc với chế độ quân nhân chuyên nghiệp.

Việc xây dựng các công trình quân sự có ý nghĩa chiến lược, chiến dịch cũng được chú trọng. Để chuẩn bị cho Không quân hoạt động, Bộ Tổng Tham mưu thành lập Công trường 120 sửa chữa các sân bay, đầu tiên là sửa chữa sân bay Kép. Nhiệm vụ xây dựng và bảo đảm sân bay trở thành một trong những nhiệm vụ ngày càng lớn của công binh.

Đối với tôi, từ một sĩ quan bộ binh chỉ huy cấp trung đoàn chuyển sang chỉ huy Binh chủng Công binh cũng là một thử thách rất lớn. Hơn nữa, xuất phát điểm văn hóa của tôi quá thấp, đến nỗi Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Song Hào lúc nào cũng giễu vui tôi:

- Trần Bá Đặng thực sự i - tờ mà làm Tổng công trình sư ngon ơ!

Để làm được điều này, tuổi trẻ của tôi chỉ có hai việc: đánh giặc và học tập! Là người lính, chúng tôi chỉ biết tuân lệnh cấp trên, là con người tôi cũng có nhiều đam mê và đắn đo như bao nhiêu người bình thường khác.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #25 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2016, 07:59:02 pm »


Như đã tường trình ở phần trước, trước khi du học, tôi có xin cả đồng chí Song Hào và đồng chí Trần Quý Hai cho tôi học trường Phrunde. Đây là nơi đào tạo sĩ quan chỉ huy bộ binh nổi tiếng của Liên Xô. Tôi xuất thân là sĩ quan chỉ huy bộ binh trải qua thực tế chiến đấu. Tôi học bộ binh sẽ thuận lợi hơn nhiều. Với tôi đảm trách chỉ huy một sư đoàn bộ binh, thậm chí cả cấp quân đoàn tôi có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ. Học trường Phrunde chỉ ba năm sẽ thuận lợi cho tôi nhiều việc, cả việc công lẫn việc tư. Nhưng "quân lệnh như sơn". Tôi chỉ có việc chấp hành. Và từ một sĩ quan bộ binh tôi trở thành một sĩ quan công binh chuyên nghiệp. Không chỉ là sĩ quan chỉ huy, tôi còn đảm trách công việc của một Tổng công trình sư chỉ đạo xây dựng hàng trăm công trình quốc phòng, công trình tuyệt mật, các công trình có tính chất chiến lược lâu dài.

Tôi về nhận nhiệm vụ ở Cục Công binh tháng 11 năm 1963 thì tháng 12 năm 1963, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam họp Hội nghị lần thứ 9 ra nghị quyết: "Nỗ lực phấn đấu tiến lên giành thắng lợi lớn ở miền Nam". Hội nghị đã vạch ra phương hướng nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội để bảo vệ miền Bắc, tăng cường bộ đội chủ lực và đẩy mạnh tác chiến tập trung ở miền Nam.

Thời điểm này ở miền Nam, công binh thuộc Bộ chỉ huy Miền có ba đại đội, gồm Đại đội 23 chuyên trách xây dựng căn cứ. Hai đại đội 24, 25 là công binh chiến đấu. Biên chế các trung đoàn bộ binh có một trung đội công binh. Các quân khu có từ một trung đội công binh hoặc một đại đội công binh... Một số tỉnh, huyện có một tiểu đội công binh. Lực lượng công binh phát triển từng bước trên toàn miền Nam.

Từ một vài đơn vị nhỏ phân tán rải rác, thời điểm này, từ người chiến sĩ bình thường cho đến các cấp chỉ huy đều thấy sự trưởng thành lớn mạnh của công binh trên cả hai miền Nam - Bắc.

Trước khi tôi về Cục Công binh, tháng 7 năm 1963 có Hội nghị công binh toàn quốc đã được tổ chức. Hội nghị xác định: "Trước mắt nhiệm vụ của công binh là chiến đấu bằng vũ khí, khí tài của công binh. Song đặc biệt phải coi trọng công tác xây dựng và tổ chức để tiến lên làm nhiệm vụ bảo đảm chiến đấu trong thời gian tới". Việc xác định đúng đắn kịp thời đó đã tạo điều kiện cho công binh ở miền Nam phát triển vững chắc. Nhiệm vụ đánh phá giao thông của địch được công binh miền Nam triển khai rộng khắp. Tuy nhiên bước đầu các đơn vị công binh miền Nam lấy việc đánh nhỏ là chính. Cụ thể nhiệm vụ giao cho mỗi đại đội công binh là đánh phá giao thông địch trên đoạn đường khu vực mình quản lý. Đại đội phân công giao nhiệm vụ cho từng trung đội, tiểu đội. Mỗi trận đánh chỉ sử dụng tổ hoặc tiểu đội và dùng vài ba quả mìn. Trong năm 1964, tôi được nghe báo cáo thành tích của đại đội công binh hoạt động trên đường 14 Tây Nguyên tiêu diệt được 20 xe cơ giới của địch. Thành tích của đại đội công binh làm nức lòng cả quân và dân. Tuy hoạt động đánh phá trên toàn miền Nam chưa mạnh nhưng những thắng lợi trên đã gây cho địch nhiều tổn thất và khó khăn. Đó là thắng lợi bước đầu để sau này đại quân ta tiến thẳng, đánh thắng từng cụm căn cứ của địch ở Tây Nguyên và giải phóng miền Nam.

Những ngày về nhận công tác ở Cục Công binh, tôi tranh thủ đọc hồ sơ tài liệu, lịch sử của ngành để có cái nhìn toàn diện về Binh chủng mà mình sẽ gắn bó lâu dài.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #26 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2016, 07:59:54 pm »


Ngày 9 tháng 1 năm 1964, trên miền Bắc, Bộ Tổng Tham mưu triệu tập Hội nghị phòng không nhân dân lần thứ nhất. Hội nghị quyết định một số biện pháp đề phòng máy bay địch đánh phá như: Tổ chức quan sát máy bay, đào hầm hố ẩn nấp cho nhân dân, di chuyển chất nổ, kho tàng ra khỏi các thành phố lớn; tổ chức hệ thống thông tin báo động, thực tập phòng không ở tất cả các cơ quan quân sự, dân sự, trường học, bệnh viện...

Thấm nhuần nghị quyết của Đảng ủy cơ quan Bộ Tổng Tham mưu, Đảng ủy, thủ trưởng cơ quan Cục Công binh đặc biệt quan tâm giáo dục nâng cao cảnh giác và trình độ sẵn sàng chiến đấu cho toàn Binh chủng. Trong các đơn vị trực thuộc Cục Công binh, nhiệm vụ chuẩn bị chiến đấu được xác định như sau:

- Các trung đoàn 229, 239 và 83 sẽ được sử dụng đầu tiên khi có chiến tranh. Nhiệm vụ của các trung đoàn là phải bảo đảm cho các binh đoàn chủ lực cơ động phản công đột kích trên địa bàn Quân khu 4.

- Các trung đoàn 219, 249 và Tiểu đoàn 69 là lực lượng dự bị chiến lược, hướng sử dụng là Quân khu 3, bảo đảm cho các sư đoàn phản đột kích, vượt sông Thái Bình, sông Luộc, sông Trà Lý và sông Ninh Cơ.

Trong tình hình mới, các đơn vị công binh thường xuyên giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nhận rõ âm mưu của địch, nắm vững nhiệm vụ của đơn vị mình, quản lý chặt chẽ bộ đội, có kế hoạch tỉ mỉ đối phó với các tình hình bất ngờ xảy ra. Cục Công binh ra chỉ thị cho các đơn vị khẩn trương đào công sự ẩn nấp cho xe - máy, ngụy trang doanh trại, có kế hoạch đối phó khi bị máy bay oanh tạc, như: giữ vững trị an, cứu thương, chữa cháy, tổ chức lực lượng cứu thương và sẵn sàng đánh trả máy bay địch...

Cục Công binh chỉ thị cho Trung đoàn 219 khẩn trương xây dựng công trình cho Hải quân; Trung đoàn 83 đẩy mạnh thi công đường Vụ Bản - Cẩm Thủy; Công binh Quân khu 4 tăng cường sửa chữa các con đường chiến lược, chiến dịch như: đường số 7, đường 12, đường 15, đường 30. Công binh Quân khu Tây Bắc hoàn thành việc mở rộng đường Điện Biên - Tây Trang, đường Xồm Lồm - Vạn Yên. Cục Công binh chuẩn bị kế hoạch mở tuyến đường Làng Ho đi Hướng Lập và thiết kế kỹ thuật xong tuyến đường từ Mường Noòng đến bờ sông Sê Kông trên triền phía Tây Trường Sơn.

Cục trưởng Cục Công binh lúc này là anh Phạm Hoàng. Với tôi, anh Hoàng là bậc đàn anh, lớp người đi trước, từng trải và có nhiều kinh nghiệm chỉ huy, quản lý Cục Công binh. Anh không tự ti, mặc cảm với số sĩ quan được đào tạo tại nước ngoài như lớp chúng tôi. Anh coi chúng tôi như những người em trong gia đình nên có kinh nghiệm gì anh cũng đều bảo ban chia sẻ. Đó là những kỷ niệm không thể nào quên.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #27 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2016, 08:00:59 pm »


Sang năm 1964, tình hình có nhiều biến đổi, khả năng hòa bình trên miền Bắc không thể dài lâu; ta có thể phải đối phó với cuộc chiến tranh của đế quốc Mỹ ác liệt hơn, dữ dội hơn cuộc chiến tranh chống Pháp gấp nhiều lần. Nhiệm vụ chiến đấu khẩn trương đòi hỏi công tác đào tạo và phân phối cán bộ chặt chẽ kịp thời. Tháng 4 năm 1964, Bộ Quốc phòng quyết định đưa phân hiệu Sĩ quan công binh từ Trường sĩ quan Lục quân trở về thuộc Cục Công binh.

Tháng 5 năm 1964, Cục Công binh quyết định sáp nhập hai tiểu đoàn 70 và 71 vào Trường Công binh.

Đúng như nhận định sáng suốt của Trung ương Đảng, bắt đầu từ giữa năm 1964, địch đã có những dấu hiệu chống phá miền Bắc quyết liệt. Tháng 6 năm 1964, chúng cho biệt kích phá hoại cầu Hang (Thanh Hóa), nhà máy nước Đồng Hới (Quảng Bình). Tháng 7, máy bay Mỹ ném bom đồn biên phòng Nậm Cắn (Nghệ An) sát biên giới Việt - Lào. Chủ động chuẩn bị cho lực lượng vũ trang sẵn sàng chiến đấu, ngày 1 tháng 6 năm 1964, Bộ Tổng Tham mưu ra lệnh báo động chiến đấu trong toàn lực lượng vũ trang nhân dân. Các đơn vị thoát ly doanh trại thời bình, sẵn sàng chiến đấu. Thời kỳ xây dựng quân đội trong thời bình không còn nữa. Các đơn vị trong lực lượng Binh chủng Công binh ra khỏi doanh trại đóng quân phân tán trong các làng xóm ở khu vực quy định. Chế độ sinh hoạt, huấn luyện chuyển sang thời chiến.

Không đầy hai tháng khi Bộ Quốc phòng và Cục Công binh triển khai quân sự hóa thời chiến trong toàn quân thì đế quốc Mỹ đã cho không quân ra oanh tạc miền Bắc, bất kể sự lên án của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Mặc dầu trang bị khí tài kém hơn Mỹ nhiều lần, nhưng bộ đội ta, tất cả các binh chủng hợp thành chiến đấu đều giành thắng lợi. Ngày 5 tháng 8 năm 1964, hải, lục, không quân ta giành thắng lợi trận đầu. Ta đã bắn rơi 8 máy bay phản lực của đế quốc Mỹ. Đó là mốc chiến thắng vô cùng quan trọng, động viên nhân dân, quân đội tin tưởng vào sức mạnh chiến tranh nhân dân ta có thể đánh thắng tên đế quốc giàu có nhất thế giới tư bản.

Giữa không khí chiến thắng vang dội của quân và dân miền Bắc, ngày 24 tháng 8 năm 1964, Đại hội đại biểu Đảng bộ Công binh lần thứ III tiến hành tại Hà Nội. Đại hội nhận định: "Sức chiến đấu và trình độ chiến đấu của bộ đội công binh đã nâng lên một bậc. Binh chủng đã hoàn thành các nhiệm vụ huấn luyện, công tác phục vụ chiến đấu trong những năm 1961-1964". Với những khả năng đó, khi xảy ra chiến tranh với quy mô lớn, hiện đại, Binh chủng được sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Tư lệnh và sự giúp đỡ phối hợp với các đơn vị bạn cùng với sự nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ, đơn vị sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà cấp trên giao phó.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #28 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2016, 08:01:45 pm »


Đến tháng 11 năm 1964, tôi đảm trách chức vụ Cục phó Cục Công binh đúng tròn 1 năm. Một năm tuy không dài nhưng là thử thách rất lớn đối với bản thân. Tôi đã hòa nhập với các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy Cục sống chan hòa với cấp trên và cấp dưới. Đấy cũng là phẩm chất của những người như tôi - người chỉ huy trưởng thành từ người chiến sĩ. Cơ quan của Cục Công binh đoàn kết thân ái thương yêu nhau, cùng chung lòng, chung sức xây dựng Binh chủng Công binh ngày càng lớn mạnh.

Đến cuối năm 1964, Công binh Việt Nam đã trải qua 10 năm xây dựng trong điều kiện miền Bắc nước ta có hòa bình, cách mạng miền Nam đã trải qua một thời gian từ đấu tranh chính trị chuyển sang kết hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị. Còn đối với Công binh Việt Nam, phải nói rằng từ phân tán tiến lên hợp thành, từ tác chiến du kích, Công binh Việt Nam đã xây dựng trở thành đơn vị chính quy, tương đối hiện đại. Cán bộ, chiến sĩ được giáo dục, nâng cao tinh thần cách mạng, giác ngộ xã hội chủ nghĩa. Tổ chức lãnh đạo Đảng trong Binh chủng được kiện toàn vững mạnh. Tổ chức lực lượng đã hình thành có hệ thống ở ba cấp trong lục quân và có những cơ sở đầu tiên trong không quân, hải quân với biên chế, trang bị thống nhất gần năm chủng loại ngày càng chuyên môn hóa. Việc xây dựng trình độ chính quy hiện đại của Binh chủng được giải quyết một cách hợp lý sáng tạo, vừa ra sức học tập kinh nghiệm và tiếp nhận trang bị của Liên Xô, Trung Quốc giúp đỡ, vừa tổng kết kinh nghiệm chiến đấu của ta và vận dụng nghiên cứu ứng dụng vào thực tế Việt Nam. Trong quá trình xây dựng Cục Công binh và các đơn vị đã thực hiện nhiều biện pháp quan trọng như cử cán bộ đi học, đi tham quan nước ngoài, mở liên tục các lớp cán bộ tập huấn ngắn ngày, tập trung biên dịch, biên soạn hệ thống tài liệu kỹ thuật, chiến thuật; cử cán bộ nòng cốt đi huấn luyện tập trung dưới sự hướng dẫn của chuyên gia. Sau đó nhân rộng ra nhiều đơn vị đưa trang bị hiện đại về các nhà trường, các đơn vị nòng cốt ở cấp trên rồi mở rộng xuống cấp dưới, lấy việc xây dựng cán bộ và công nhân kỹ thuật là trung tâm, lấy chiến thuật hiệp đồng làm chính, kỹ thuật là cơ sở. Xây dựng Binh chủng Công binh tiến lên chính quy và hiện đại trong điều kiện công nghiệp đất nước chưa phát triển. Đây là cuộc cách mạng về tổ chức, về kỹ thuật trong lực lượng công binh.

Kết quả xây dựng Binh chủng trong 10 năm hòa bình (1954-1964) là rất to lớn, đã tạo nên cơ sở vững chắc để Binh chủng Công binh phát triển lực lượng và hoàn thành những nhiệm vụ nặng nề, phức tạp trong kháng chiến chống Mỹ và các giai đoạn tiếp sau. Điều này đã được đúc kết và đưa vào bộ sách "Lịch sử công binh Việt Nam 1945-1975 " đã được xuất bản.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #29 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2016, 08:02:17 pm »


Để đáp ứng với nhu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, ngày 28 tháng 6 năm 1965; Bộ Quốc phòng đã ra quyết định số 102/QP thành lập Bộ Tư lệnh Công binh. Đồng chí Phạm Hoàng được Bộ Quốc phòng bổ nhiệm làm Tư lệnh, đồng chí Chu Thanh Hương làm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy. Tôi là Phó Tư lệnh. Đồng chí Tạ Đình Hiền cũng là Phó Tư lệnh. Đồng chí Nguyễn Đông - Phó Chính ủy, đồng chí Nguyễn Văn Đoan - Tham mưu trưởng, đồng chí Hoàng Đức Nghi - Chủ nhiệm chính trị. Đây là một sự kiện hết sức quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới về tổ chức và nhiệm vụ của Binh chủng, kịp thời đáp ứng tình hình nhiệm vụ mới của cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Cơ quan của Bộ Tư lệnh Công binh lúc này có gần 491 sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ và công nhân viên; tổ chức thành 6 phòng: tham mưu, chính trị, hậu cần, khí tài, công trình và sân bay.

Theo quyết định của Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Tư lệnh Công binh đã điều một số phân đội bổ sung cho các quân khu để tăng cường phòng thủ đất nước. Bởi thời điểm này mức độ đánh phá của không quân Mỹ đối với miền Bắc là hết sức ác liệt. Giữa năm 1965, máy bay Mỹ đã leo thang đánh phá ra ngoài vĩ tuyến 20. Để đối phó với hành động phiêu lưu điên cuồng của đế quốc Mỹ, ngày 14 tháng 7 năm 1965, Bộ Tư lệnh Công binh đã thành lập Công trường Z3 tương đương với cấp sư đoàn làm nhiệm vụ xây dựng sở chỉ huy cấp cao ở khu căn cứ. Công trường gồm ba trung đoàn công binh công trình 259, 289 và 299. Theo sự thỏa thuận giữa Đảng và Chính phủ nước ta với Đảng và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Đảng và Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, hai nước bạn đã cử nhiều đơn vị công binh sang giúp ta xây dựng công trình quốc phòng và sân bay từ năm 1964 đến năm 1968.

Để sớm đưa không quân ta vào chiến đấu, từ tháng 1 năm 1965, Nhà nước giao nhiệm vụ xây dựng sân bay cho Bộ Quốc phòng. Phòng Sân bay thuộc Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân chuyển sang thuộc Bộ Tư lệnh Công binh. Công trường 101 xây dựng sân bay Thanh Hóa và Công trường 130 xây dựng sân bay Yên Bái do Bộ Giao thông đảm nhiệm trước đây được chuyển sang thuộc Bộ Tư lệnh Công binh. Bộ Nông trường cũng giao cho Bộ Tư lệnh Công binh gần 100 xe - máy công trình và 700 cán bộ kỹ thuật, công nhân viên vận hành xe - máy.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM