Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 09:42:23 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Từ chiến sĩ  (Đọc 26344 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #10 vào lúc: 26 Tháng Tư, 2016, 03:28:26 pm »


TRẬN ĐỒI MÈ

Sau trận Mường Riệc đến trận Chùa Dâu, tôi được bổ nhiệm từ đại đội phó lên đại đội trưởng ngay tại mặt trận. Một trận đánh nữa mà tôi nhớ mãi là trận Đồi Mè trong chiến dịch xuân hè Hà Nam Ninh năm 1951-1952. Trận này, tôi bị thương thủng phổi. Anh em đã đưa tôi ra chỗ tập hợp liệt sĩ, tử sĩ để chuẩn bị đưa đi mai táng. Đây là lần bị thương nặng nhất trong 7 lần tôi bị thương. Nhớ đến trận Đồi Mè là nhớ đến bài học sâu sắc đổi bằng máu khi mình thực hành trinh sát điều tra quân địch. Trận Đồi Mè cũng như các trận khác, tôi cũng đích thân đi trinh sát cùng các chiến sĩ. Phong cách chỉ huy của tôi là vậy. Anh em chiến sĩ và tôi đã quan sát, dò xem, tính kỹ các ngõ ngách và binh lực của địch. Thế mà không tìm ra ổ trung liên giấu bên góc trái của đồn địch. Khi tôi xông lên thì bị một làn đạn bắn thẳng vào ngực và ngã lăn ra bất tỉnh. Tỉnh dậy, thấy mình đang nằm trong trạm xá gần suối rừng Kim Tân. Sau này, chú Nguyễn Long Minh kể lại tôi mới giật mình về sự bị thương nguy kịch của mình. Nguyễn Long Minh nhà nghèo lắm, mới 15 tuổi đã vào bộ đội. Tôi với chú Minh kết nghĩa anh em. Hôm đó Nguyễn Long Minh đi gom xác liệt sĩ, tử sĩ. Trong đám xác ấy, Minh phát hiện ra tôi đang còn thở nên mới tìm cách đưa về gấp trạm xá. Tôi cũng gặp may mắn nữa là được bác sĩ Nhân tốt nghiệp y khoa thời Pháp mổ cho. Bác sĩ kể khi mổ phải vốc từng nắm phổi nát bỏ ra ngoài. Rất tiếc, do điều kiện chiến tranh sau này tôi rất ít khi được gặp bác sĩ Nhân, nhưng không bao giờ quên ơn ông. Còn chú Nguyễn Long Minh tuy không cùng ở đơn vị nhưng hai anh em vẫn liên lạc với nhau. Đời chú Nguyễn Long Minh cũng thành đạt. Chú cũng đi suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Từng là chỉ huy trung đoàn, sư đoàn. Từ người mù chữ được bộ đội cho ăn học mà trở thành cán bộ cao cấp của quân đội ta.

Tôi nằm viện hai tháng ròng rã. Hồi ấy sức trai nên bệnh tình mau lành. Ổn định sức khỏe, tôi xin trở về đơn vị chiến đấu ngay. Tôi được cấp trên tin tưởng giao quyền chỉ huy cấp đơn vị ngày một cao hơn. Từ đại đội trưởng lên tiểu đoàn trưởng, từ tiểu đoàn trưởng lên quyền trung đoàn trưởng. Năm 1965, khi cấp trên cử tôi đi học quân sự ở Liên Xô, tôi là trung đoàn trưởng. Lúc đó tôi mới 29 tuổi.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #11 vào lúc: 26 Tháng Tư, 2016, 03:29:42 pm »




Thời trai trẻ lại làm anh Bộ đội Cụ Hồ được đi qua nhiều nơi, quen biết nhiều chiến sĩ, đồng bào; tình quân dân thật là sâu nặng. Ngoài tình cảm gia đình tôi cũng có tình cảm đôi lứa đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm không thể xóa nhòa. Đó cũng chỉ là những kỷ niệm khó quên mà thôi. Bởi không chỉ tôi mà nhiều đồng chí lớn tuổi chỉ huy cấp cao hơn vẫn chưa ai lập gia đình chỉ mới "Nhìn o thôn nữ cuối nương dâu" mà thôi. Ý câu thơ mà có một anh trong đơn vị của tôi hay đọc cho anh em chúng tôi nghe mà chúng tôi cũng rất thích thú. Trong đơn vị của tôi ngày đó có một người có trí nhớ rất tốt, chúng tôi phong tặng anh ta là cái máy nhớ của đơn vị. Anh ta lại chăm đọc báo, đọc sách, thuộc nhiều thơ ca hò vè nên ai không biết điều gì đều phải đến hỏi "Máy nhớ". Ví dụ như: Cách mạng Pháp năm bao nhiêu, Cách mạng tháng Mười ngày mấy, năm mấy. Anh ta chỉ chớp chớp mắt hai cái là có thể đọc số liệu chính xác cho anh em. Cái "Máy nhớ" đó là anh Lê Khả Phiêu sau này có thời gian là Tổng bí thư Đảng ta. Bài thơ mà anh em lính tráng chúng tôi rất thích cũng nhờ anh Phiêu đọc cho chép và bọn lính chúng tôi tự đặt tên là bài "Cười vang”. Sau này mới biết đó là bài "Nhớ" của tác giả Hồng Nguyên.

"Lũ chúng tôi.
Bọn người tứ xứ.
Gặp nhau hồi chưa biết chữ,
Quen nhau từ thuở một hai.
Súng bắn chưa quen,
Quân sự mươi bài...
Lột sắt đường tàu,
Rèn thêm dao kiếm!

Đằng nớ vợ chưa đằng nớ?
Tớ còn chờ độc lập.
Cả lũ cười vang bên ruộng bắp
Nhìn o thôn nữ cuối nương dâu!"


Có lẽ nhờ bài thơ này mà chúng tôi chưa phải vướng víu chuyện gia đình. Mọi người dành tuổi trẻ cống hiến cho đất nước.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #12 vào lúc: 26 Tháng Tư, 2016, 03:31:54 pm »


Sau khi tôi về hưu, tôi và anh Lê Khả Phiêu đều cùng ở phố Lý Nam Đế - Hà Nội. Một lần tôi đi bách bộ trên phố thì một chiếc xe sang trọng dừng ngay tại chỗ tôi đứng. Tôi tránh sâu vào trong lề đường. Một người tầm thước ra khỏi xe, bước đến chỗ tôi đứng cười và chìa tay ra bắt. Tôi nhận ra ngay là anh Lê Khả Phiêu. Hồi chiến tranh chống Pháp cùng ở Sư đoàn 304, tôi và anh cùng cấp trưởng trung đội với nhau, nhưng tôi cấp trưởng quân sự, anh Phiêu cấp trưởng chính trị ở trung đội khác. Tôi bối rối quá ấp úng, tôi nói theo kiểu lính:

- Tớ tưởng ông quên bọn tớ rồi! Rất cám ơn đồng chí quan tâm anh em quá!

Anh Lê Khả Phiêu cười hiền hậu:

- Ông cứ làm quan trọng hóa!

Sau một lúc chuyện trò thân tình, khi chia tay, tôi nói với anh Phiêu:

- Tôi được sống gần và làm việc giúp Bác Hồ, cho nhiều lãnh tụ, tôi biết cách sống của họ, nên anh cũng đừng lùi xùi quá trong khi tiếp khách đối ngoại và cũng đừng diêm dúa quá khi làm công việc.

Anh Phiêu bắt tay tôi cười tán đồng!

Khi đóng quân ở Thanh Hóa, tôi ở trong nhà cụ Mẫn. Cụ có một người con gái độc nhất. Cụ rất thương tôi. Gia đình lại rất khá giả, ruộng nhiều, vườn rộng; người làm, người ở tấp nập. Cụ ủng hộ cho bộ đội nhiều thứ. Cụ cũng không chỉ thương riêng tôi mà còn thương hết anh em trong đơn vị. Cô con gái cụ Mẫn thấy tôi thui thủi một mình và khi biết hoàn cảnh gia đình tôi ly tán, mẹ mất sớm nên cô càng quan tâm, chăm sóc hơn. Tình cảm của cô đối với tôi, tôi thực trân trọng. Một lần, cụ Mẫn bàn việc cụ thể, cụ bảo tôi:

- Nếu hai đứa thành vợ chồng thì bố giao hết nhà cửa ruộng vườn, hai vợ chồng yên tâm sống sung sướng suốt đời!

Tình thương của cụ Mẫn dành cho tôi thật lớn, nhưng tôi là anh Bộ đội Cụ Hồ, đất nước đang còn giặc xâm chiếm, bao thanh niên đang lên đường chiến đấu. Mình lập gia đình lúc này có lẽ chưa thuận.

Tôi nói điều đó với cụ Mẫn:

- Chiến tranh đang vào hồi ác liệt. Chúng con không thể bỏ chiến đấu được. Tình thương của bố, con rất kính trọng, biết ơn nhưng...

Cụ Mẫn ngắt lời:

- Có vợ vẫn đi chiến đấu được, cả nước đánh giặc không ai bắt chồng ở nhà. Làng xóm họ cười cho chứ!

Tôi chân thành đáp:

- Nhưng đời bộ đội trong chiến tranh các liệt, sống chết khó lường!

Cụ Mẫn gạt ngay:

- Hy sinh cho đất nước là vinh dự, con gái thời này người ta không sợ điều đó! Chỉ sợ các con không thích người ta mà thôi!
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #13 vào lúc: 26 Tháng Tư, 2016, 03:32:33 pm »


Tôi thật cảm động về tình cảm, tình ý của cụ Mẫn. Nhưng mặt trận lại tiếp mở ra, chúng tôi lại ba lô, mũ nan lên đường chiến đấu. Những dự định tốt đẹp của cụ Mẫn và cô con gái đối với tôi không thành hiện thực. Từ bấy đến nay, tôi đã không bao giờ gặp lại cảnh cũ, người xưa. Cụ Mẫn chắc đã quy tiên, còn cô con gái thì cũng đã nên cửa, nên nhà, con cháu đề huề và tuổi đã ngấp nghé bát tuần rồi còn gì! Nhớ về kỷ niệm để nhớ lại một thời trẻ trai sôi nổi, chiến đấu anh dũng và những mối tình rất đẹp cảm động không bao giờ quên!

Trong kháng chiến chống Pháp, tôi có một kỷ niệm thứ hai, nhiều lần rất muốn viết ra mà chưa thực hiện.

Hồi bị thương nặng ở trận Đồi Mè, tôi phải nằm viện suốt hai tháng trời trong suối rừng Kim Tân. Từ cuộc sống chiến đấu tuy ác liệt nhưng rất sôi nổi, hăng say; giờ nằm trên giường bệnh một mình dù có các chiến sĩ quân y chăm sóc, tôi vẫn cảm thấy rất buồn. Cha con ly tán, anh em phiêu bạt, bao năm ròng chẳng nhận được tin tức, tôi càng buồn hơn. Tôi nhớ một bài thơ mà anh Lê Khả Phiêu hay đọc cho tôi nghe, mà tôi rất thích:

"Loạn lạc mùa tan, cơ nghiệp tan.
Anh em phiêu bạt khắp Bắc Nam.
Ruộng vườn xơ xác sau binh lửa.
Ruột thịt chia ly trước ngã đàng!
Nghìn dặm tấm thân, con nhạn lạc.
Ba thu ngọn cỏ, gốc bồng tan.
Cùng nhìn trăng sáng, cùng rơi lệ.
Nằm chốn đêm nay ngóng quê làng!".


Chỉ có tôi nằm một mình ở trong bệnh viện, anh em đơn vị đang lo đánh giặc, nên không có ai thăm viếng. Người chăm chút tôi nhiều nhất là cô y tá của bệnh viện. Thấy cảnh cô đơn của tôi, cô động lòng thương. Tôi cũng rất trân trọng tình cảm ấy và nghĩ rằng: tôi đi chiến đấu ở đâu, nếu không hy sinh, tôi sẽ quay lại tìm cô! Nhưng là người lính chiến đấu thời chiến tranh, tôi không được toại nguyện như ý muốn.

Mối tình lãng mạn, đẹp và thơ mộng như thế tưởng là sẽ thành công. Thế mà nó vẫn không thành. Năm 1956 tôi sang Liên Xô du học, Năm 1959, tôi về phép thì được biết cô y tá ngày trước đã lấy chồng. Có lẽ cô ấy nghĩ: Tôi du học Liên Xô chắc sẽ có nhiều người con gái theo đuổi, chốn giàu sang sẽ làm ngợp mắt tôi, đâu còn tưởng đến cô y tá năm xưa giữa rừng núi heo hút. Quả thật oan uổng, vì sau hai năm du học ở Liên Xô, về phép thăm quê nhà, tôi vẫn là một chàng sĩ quan độc thân. Tôi chưa có một mối tình nào dù chỉ là chút thoảng qua.

Không biết trách ai và không biết phân trần thế nào. Tôi lúc ấy đã 32 tuổi nhưng vẫn chưa có người yêu, chưa một lời hẹn ước với ai. Những tháng nằm ở đất bạn, chúng tôi đêm ngày miệt mài với sách vở, ít ai nghĩ đến chuyện riêng tư và cũng không có thời gian để nghĩ. Riêng tôi, tôi phải học bổ túc văn hóa cấp tốc từ anh mới i tờ lên hết cấp ba rồi vào đại học, tôi càng chăm chú vào sách vở hơn. Học ở Liên Xô 7 năm mà tôi không hề biết phố xá đô thị Liên Xô như thế nào. Mọi điều và khoảnh khắc thời gian nào tôi cũng chỉ dành cho sách vở, chăm chú học tập. Học để nắm chắc tri thức quân sự hiện đại mà cuộc chiến tranh tới chắc chắn sẽ ác liệt hơn, dữ dội hơn, đòi hỏi người chỉ huy phải có kiến thức chuyên sâu, vững vàng, không phải chỉ có lòng dũng cảm là đủ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #14 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2016, 03:19:38 pm »


III
TRÊN GIẢNG ĐƯỜNG

Nhìn nhận cho thật khách quan thì cách mạng tháng Tám đã đổi đời cho mọi tầng lớp nghèo khổ, trong đó có gia đình tôi và bản thân tôi. Cách mạng tháng Tám đã đem lại cho tôi nhiều thứ. Từ một đứa trẻ nghèo hèn trở thành sĩ quan cao cấp của quân đội. Tất nhiên trong đó có quá trình phấn đấu vươn lên không mệt mỏi của bản thân.

Trong quãng đời cầm quân, tôi thường đảm nhận cấp trưởng. Từ tiểu đội trưởng lên trung đội trưởng, từ trung đội trưởng lên đại đội trưởng, từ đại đội trưởng lên tiểu đoàn trưởng, từ tiểu đoàn trưởng lên trung đoàn trưởng! Các nhà nghiên cứu tiểu sử các tướng lĩnh sẽ nói điều này, nhưng theo thiển kiến và sự trải nghiệm của tôi, tôi thấy ai có tính quyết đoán dám làm, dám chịu, cộng thêm lòng dũng cảm thì sẽ là người cầm quân giỏi.

Năm 1956, theo Hiệp định Giơnevơ, nước ta sẽ tổng tuyển cử thống nhất Tổ quốc nhưng bọn Mỹ - Diệm cố tình vi phạm Hiệp định, hòng chia cắt lâu dài nước ta.

Trước tình hình ấy, Đảng, Bác Hồ đã có tầm nhìn chiến lược sáng suốt vừa xây dựng đất nước vừa củng cố quốc phòng, xây dựng quân đội chính quy hiện đại vững mạnh. Những cán bộ cốt cán của quân đội được giữ lại để đào tạo phục vụ lâu dài cho quân đội. Bọn Mỹ - Diệm cố tình chia cắt lâu dài đất nước ta, cuộc kháng chiến tiếp đến sẽ lâu dài hơn, ác liệt hơn bởi đế quốc Mỹ là thế lực hiếu chiến có tiềm lực kinh tế, quân sự mạnh hơn thực dân Pháp nhiều lần, đang làm mưa, làm gió trên hoàn cầu. Để chuẩn bị đối đầu với cuộc chiến tranh khốc liệt quy mô hơn cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, quân đội ta đã cử nhiều cán bộ đi học ở các nước có nền khoa học quân sự tiên tiến, nền kinh tế hùng mạnh. Tôi cũng là một trong nhiều cán bộ, sĩ quan được Bộ Tổng gọi về từ Sư đoàn 304 để đi học. Nghe tin này, đồng đội ai cũng mừng cho tôi, nhưng tôi cũng thoáng buồn là mình phải xa anh em, xa đơn vị đã từng sống chết với nhau. Mình chưa biết nhiều chữ, muốn chỉ huy tốt mình phải đi học là lẽ dĩ nhiên nhưng tôi thực sự lo lắng. Bởi những đồng chí có bằng tú tài mà còn lo lắng, huống gì tôi trình độ văn hóa còn i tờ. Tôi có ý định ở lại đơn vị một thời gian, nếu quân đội không sử dụng, tôi sẽ xin chuyển ngành về làm cán bộ nông trường khai hoang. Biết tôi dao động, không an tâm, đồng chí Trần Quý Hai gọi tôi lên an ủi. Ông tâm sự nhiều điều nhưng tóm lại là: Đảng, Bác nhận định nước ta vì bị bọn Mỹ - Diệm phá hoại Hiệp định Giơnevơ, nên còn chia cắt lâu dài. Muốn thống nhất đất nước, chúng ta phải tiếp tục đấu tranh võ trang. Quân đội tuyển chọn những cán bộ ưu tú nhất để gửi đi đào tạo ở nước ngoài để đáp ứng cho cuộc chiến tranh ác liệt hơn, gay go hơn với bọn đế quốc Mỹ sau này.

Khi kháng chiến chống Pháp, không một ai nghĩ đến chuyện riêng tư gia đình, nhưng khi hòa bình lập lại họ nghĩ đến hạnh phúc lứa đôi. Tôi đã 29 tuổi rồi, buổi ẩy là tuổi quá lớn so với nhiều người khác. Tôi thực sự băn khoăn cân nhắc suy tính. Chính ủy trung đoàn tôi Trương Công Cẩn cũng động viên tôi:

- Anh Đặng nên đi học, quân đội đã chọn mình là muốn mình trưởng thành hơn nữa. Bộ đội ta tiến lên chính quy hiện đại, người chỉ huy không thể không có tri thức. "Trai ba mươi tuổi đang xoan, lo gì. Anh cứ đi học đi, tôi tin rồi sẽ công thành danh toại đó!".

Tôi nghe lời cấp trên và mọi lời khuyên bảo, dẹp hết nỗi riêng tư, chuẩn bị tinh thần lên đường.

Tôi ghé về thăm quê. Thôn Đầu Quê không còn bóng giặc nhưng dấu vết chiến tranh để lại vẫn nặng nề. Đời sống của người dân quê tôi có đỡ hơn trước Cách mạng tháng Tám nhưng vẫn còn khó khăn lắm. Anh em tôi cũng phiêu bạt tứ xứ. Bố tôi mất từ trong kháng chiến chống Pháp, lúc tôi đang tham gia chiến dịch Xuân Hè Hà Nam Ninh năm 1952, bố mất cũng không thể về được, thật buồn, nhưng vì nhiệm vụ chiến đấu, tôi cũng không còn cách nào khác.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #15 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2016, 03:21:19 pm »




Lưu luyến chia tay cán bộ, chiến sĩ trong trung đoàn, tôi khoác ba lô về Trường Văn hóa quân đội học tập. Trường lúc này đóng ở Kiến An. Tôi và nhiều cán bộ khác đều thuộc vào loại học viên đặc biệt, tức là phải học từ "vỡ lòng” trở đi. Thật là vất vả khi làm văn, làm toán. Nhiều lần tôi toát mồ hôi hột, cảm thấy học khó hơn nhiều lần công việc đánh giặc. Nhưng phải nói cám ơn Đảng, ơn Bác, cám ơn quân đội và các thầy giáo đã tạo điều kiện cho mình, đã giúp đỡ mình học tập một cách nhiệt tình, không nề hà khó khăn mệt nhọc.

Nhiều tướng lĩnh về thăm trường cũng động viên anh em học viên.

Thất bại ở mặt trận này coi như thất bại trong cuộc chiến đấu sắp tới. Thế là máu anh hùng trong tôi nổi lên; chúng tôi cắm đầu, cắm cổ học hành. Sau một năm học văn hóa, các thầy chấm điểm xác nhận tôi đủ kiến thức đi du học nước ngoài.

Hè năm 1956, anh em chúng tôi đã có mặt tại Bộ Tổng Tham mưu để chuẩn bị lên đường. Nhiều người còn mới lạ, nhưng sau này đều trở thành những cái tên thân thiết, thân yêu như: Vũ Trọng Hà, Lương Soạn, Đặng Hương, Nguyễn Công Chuyên, Lương Văn Tu, Nguyễn Văn Thọ, Nguyễn Thuận, Cao Khắc Định...

Trước khi lên đường du học, tôi có về thăm quê. Nhiều người trong họ nói ra, khuyên vào:

- Chú đi học 7 năm, gần 40 tuổi ai lập gia đình nữa. Lấy vợ rồi đi học cũng được, có ràng buộc gì đâu! Gái làng mười tám, đôi mươi đầy ra đấy.

Đúng là ngổn ngang trăm mối. Tôi cũng định lấy vợ cho xong chuyện. Nhưng việc hôn nhân đâu phải dễ như bà con nói. Tôi chẳng thấy ai yêu tôi lúc vội vàng như thế này. Đành chấp nhận tạm "mồ côi vợ", trở lại với binh nghiệp, với việc học hành. Khi phổ biến nhiệm vụ và giao trách nhiệm học tập, tôi biết tôi học công binh. Học công binh phải học 7 năm, học bộ binh chỉ học 4 năm. Tôi lại một lần nữa xin đồng chí Trần Quý Hai và đồng chí Văn Tiến Dũng xin chuyển qua học bộ binh. Nhưng hai đồng chí động viên và bảo tôi nên chấp hành mệnh lệnh.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #16 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2016, 03:22:30 pm »


Liên Xô, Trung Quốc, thành trì của phe xã hội chủ nghĩa là nơi ước mơ của bao người, nhất là tầng lớp thanh niên nhiều cao vọng, khát khao đến khám phá những chân trời mới. Hồi ấy người Việt Nam đã hát bao nhiêu bài hát ca ngợi Liên Xô, Trung Quốc. Tự bao giờ, tình yêu Liên Xô, Trung Quốc đã thấm vào máu thịt chúng tôi. Tôi nhanh chóng quên nỗi riêng tư hòa nhập ngay với không khí anh em trước lúc lên đường.

Đoàn cán bộ quân đội du học khởi hành từ Hà Nội đi Mátxcơva bằng tàu hỏa liên vận. Đến ga Bằng Tường (Trung Quốc) đổi tàu, đoàn tàu đi đến Mátxcơva hết 11 ngày đêm ròng rã. Lần đầu tiên ra khỏi Tổ quốc, tôi mới thấy được đất nước Liên Xô rộng lớn như thế nào. Tầm mắt mình được mở rộng. Những anh em có văn hóa hơn nói cho tôi biết về Liên Xô vĩ đại. Tôi mới biết đó là liên bang gồm 18 quốc gia trải dài từ Đông sang Tây với một diên tích vô cùng rộng lớn, chiếm hơn một phần sáu trái đất! Sau này, học thạo tiếng Nga, tôi rất thích nghe bài thơ về nước Nga của nhà thơ đồng quê Nga Êxênhin:

"Rồi khi đó Trái đất sẽ ra sao?
Mặt trời sẽ ra sao?
Tôi sẽ ngợi ca với sức bình sinh có trong người thi sĩ
Nơi mảnh đất chiếm phần sáu địa cầu.
Mang cái tên ngắn ngủi là
Nga!"


Và bài thơ "Đàn sếu" của nhà thơ dân tộc thiểu số Liên Xô Gamzatốp:

"Tôi chạnh nghĩ những người lính ấy.
Từ chiến trường chưa trở lại giờ này.
Không phải họ trong lòng đất nằm xuống.
Mà trở thành đàn sếu trắng đang bay!"...


Đến Mátxcơva nghỉ ngơi một vài ngày, chúng tôi về ngay Học viện Công binh Liên Xô đóng ở Quibisép. Năm đầu, chúng tôi học tiếng Nga. Các thầy giáo, cô giáo người Nga dạy dỗ hết sức ân cần chu đáo giống như các thầy ở Trường Văn hóa quân đội Kiến An. Bạn rất quý mến kính trọng chúng tôi. Các thầy cô bảo rằng: Trước đó họ không hề biết Việt Nam ở đâu bên châu Á. Nói đến châu Á, người ta chỉ biết có China (Trung Quốc) và Japan (Nhật Bản) mà thôi. Nay nghe Việt Nam đánh thắng thực dân Pháp, người châu Âu bắt đầu khâm phục và vị nể.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #17 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2016, 03:24:07 pm »


Một năm học tiếng Nga xong, anh em chúng tôi được phân công về các khoa học cụ thể. Tôi và Nguyễn Văn Thọ, Nguyễn Công Chuyên, Lương Văn Tu học khoa chỉ huy; Nguyễn Thuận, Lương Soạn, Huỳnh Liệu học khoa công trình; Vũ Trọng Hà, Cao Khắc Định, Đặng Hương học khoa xe máy... Số anh em tu nghiệp tại Liên Xô thời đó sau này mọi người đều trưởng thành cả. Nguyễn Công Chuyên về sau là Chủ nhiệm công binh Quân khu 6, Lương Văn Tu làm Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn vượt sông 249, Nguyễn Thuận - Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Công binh, Đặng Hương - Phó Tư lệnh Đoàn 559, Lương Soạn - Tư lệnh Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Vũ Trọng Hà - Tư lệnh Binh chủng Công binh, thay tôi sau khi tôi nghỉ hưu.

Thời kỳ này, Liên Xô là một trong những nước có nền khoa học quân sự tiên tiến trên thế giới. Đương đầu với các cuộc chiến tranh hiện đại, chúng ta không thể không học tập các nước tiên tiến. Học viện Công binh Quibisép học thứ gì phải thực hành luôn thứ ấy, không chỉ huy trên giấy bao giờ. Ví dụ học công trình thì học viên phải tự thiết kế công trình, rồi cho pháo binh hoặc máy bay oanh tạc để kiểm tra sức chịu đựng của vật liệu. Từ đó rút kinh nghiệm bổ sung lại kiến thức sách vở. Phải công nhận một đất nước hùng cường như Liên Xô buổi đó mới đào tạo sĩ quan vào loại chính quy như vậy. Sĩ quan ra sĩ quan. Thời kỳ Liên Xô cũng kế thừa truyền thống đào tạo sĩ quan từ thời truyền thống xưa của Nga. Trong số sĩ quan học ở Học viện Công binh Quibisép, tôi là người có văn hóa thấp nhất lại học cấp tốc một năm ba lớp nên thật vô vàn gian nan vất vả khi tiếp thu kiến thức chuyên sâu. Ấy vậy mà khi tốt nghiệp tôi đạt loại khá, chỉ đứng sau Nguyễn Tử Xê - Huy chương vàng xuất sắc nhất. Nguyễn Tử Xê toàn đạt điểm 5. Tôi bị một điểm 3 nên hạ xuống một cấp. Luận án tốt nghiệp của tôi có tên: "Sư đoàn phòng thủ bờ biển". Luận án này rất phát huy tác dụng khi triển khai trên đất nước ta thời kỳ chống chiến tranh phá hoại.

Luận án này tôi chuẩn bị rất công phu, nào hầm hào, chướng ngại vật, bom mìn. Tự bản thân đi vào các công sự kiểm tra thi công thiết kế. Về nước nhiều lần lấy tư liệu, đo đạc địa hình, kiểm tra các thông số kỹ thuật. Lần thử kháng lực cuối cùng công trình của tôi và Vũ Trọng Hà, bạn dùng bay máy bay oanh kích thử sức kháng lực của công trình. Nếu Vũ Trọng Hà đồng ý chia đôi điểm thì mỗi người sẽ đạt điểm 4, nhưng Vũ Trọng Hà không đồng ý nên tôi chỉ đạt điểm 3. Nhắc đến điều này để thấy giáo dục quân sự ở Liên Xô rất công minh, sòng phẳng, chính xác, trung thực.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #18 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2016, 03:24:49 pm »


Ngày bảo vệ luận án tốt nghiệp là ngày đáng nhớ nhất trong đời binh nghiệp của tôi. Bên phía Liên Xô có hai bàn: bàn 1 đỏ: 20 vị tướng; bàn 2 xanh: 20 vị đại tá. Đối diện với hai bàn là các học viên sĩ quan Việt Nam. Mỗi học viên được hỏi trắc nghiệm 7 câu. Đối với tôi, tôi thấy câu nào cũng rất khó. Mà mỗi câu chỉ cho có 15 phút suy nghĩ. Giám thị hỏi tôi:

- Lực chịu đựng cho phép của công trình phòng thủ bờ biển bao nhiêu đối với áp lực của sóng và gió?
- Quả mìn nổ ra sao?

Tôi trả lời đúng và chính xác nhiều câu hỏi. Tôi bảo vệ luận án thành công. Hôm đó có cô giáo dạy tiếng Nga Bromôxôva khen ngợi tôi: Trần Bá Đặng về nước sẽ đảm trách được công việc. Nguyên soái Araốp - Cục trưởng Cục Công binh Liên Xô khen ngợi tôi và các học viên sĩ quan Việt Nam: Các đồng chí đã bảo vệ luận án thành công, rất tốt!

Những năm tháng ấy, quân đội ta cử rất nhiều sĩ quan qua Liên Xô học tập ở nhiều ngành nghề quân sự như: công binh, pháo binh, bộ binh, không quân, hải quân. Về quy mô tác chiến cụ thể thì không thể lấy kinh nghiệm của Liên Xô áp dụng vào đất nước mình được nhưng cái thiết thực nhất mà các sĩ quan học tập được và sau này đảm nhận các chức vụ đầu ngành của quân đội ta thấy rằng: Nhờ có những năm tháng tu nghiệp ở Liên Xô học được kinh nghiệm tác chiến Xô viết nên chúng ta có thêm kiến thức để đánh bại được quân đội Mỹ vốn là đội quân nhà nghề có tổ chức với tiềm lực quân sự rất mạnh mẽ. Chúng ta chiến thắng Mỹ không phải nhờ sự ăn may mà thắng Mỹ bởi sự lãnh đạo tài tình của Đảng, Bác Hồ của những người lính có học, có quyết tâm giành thắng lợi. Riêng tôi, xin nhắc lại là 7 năm học ở Liên Xô mà tôi không hề biết phố xá của họ như thế nào; 7 năm ấy là 7 năm tôi dành tất cả tuổi trẻ, sức lực để học tập cho thành tài, để phục vụ quân đội. Cuộc sống của những sĩ quan cấp cao du học cũng như cuộc sống tất cả sinh viên du học khác. Chúng tôi vẫn sống kham khổ tằn tiện. Chúng tôi tự đi chợ, tự nấu ăn, tự mua tông đơ về cắt tóc cho nhau. Tất cả thời gian dành cho học tập. Vì thế mà tôi một người học văn hóa trong nước cấp tốc, sang Liên Xô học đại học quân sự lại nắm vững vàng tri thức quân sự tiên tiến, tốt nghiệp thuộc loại khá là sự nỗ lực hết mình. Sau này, 23 năm làm Tư lệnh binh chủng Công binh, Tổng công trình sư, có năng lực hoàn thành mọi nhiệm vụ, giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ là chính nhờ những năm tháng du học hết sức quý giá này!
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #19 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2016, 03:25:26 pm »


Bảy năm học ở Liên Xô, tôi về nước cả thảy ba lần. Một lần vào năm 1959, một lần năm 1960, một lần năm 1961. Năm 1959 tôi về nước thì nghe tin cô bạn gái yêu quý, đã đi lấy chồng. Cô không tin cho tôi biết và không biết vợ chồng cô ở đâu. Thực tâm, tôi muốn tìm một người vợ để có một gia đình bình thường như mọi người, để yên tâm công tác. Nhưng chẳng tìm được ai. Tôi không đòi hỏi tiêu chuẩn gì cao siêu cho lắm, chỉ có một người vợ bình thường như cô gái con ông Mẫn ở Thanh Hóa hồi chống Pháp là được. Thế mà tôi vẫn tìm không ra. Hồi ấy trung đoàn trưởng là có giá lắm, lại du học Liên Xô, Đảng đào tạo thành tướng lĩnh sau này thì còn "có giá" hơn. Thế mà tôi trở lại Liên Xô vẫn là một chàng trai tân. Dù lúc đó tôi đã 32 tuổi rồi.

Có nhiều sĩ quan du học lâu năm, do nhiều hoàn cảnh, đã lấy vợ là người Liên Xô rồi ở hẳn lại Liên Xô, họ cũng thành tướng lĩnh. Tôi - một sĩ quan cao cấp, độc thân cũng là đối tượng cho những cô gái Nga mới lớn có cảm tình. Tình cảm gái trai là một việc bình thường của tuổi trẻ, không phân biệt dòng giống, quốc gia.

Thời ấy các thiếu nữ Nga rất quý mến các chàng trai Việt Nam, nhất là anh Bộ đội Cụ Hồ, người đã đánh thắng đế quốc Pháp. Họ quý mến thật lòng, từ quý mến, kính phục đi đến tình yêu rất dễ.

Tôi đã có một mối tình như thế. Sau lần về phép năm 1959, khi cô bạn gái đi lấy chồng, trong lòng tôi thoáng một chút trống trải.

Năm 1960, tôi về phép thăm quê. Lần về phép này là một bước ngoặt lớn của đời tôi. Trong một lần làm phù rể cho đám cưới của một người bạn, tôi gặp một cô gái đang làm phù dâu. Hai đứa trò chuyện tâm đầu, ý hợp. Cô tên là Nguyễn Thị Tuyết Thu sinh năm 1941, người Hà Nội gốc. Mọi người bảo: "Thế là môn đăng, hộ đối. Thật là đẹp duyên chồng vợ". Quyết định đến với Thu, tôi không khỏi không dằn vặt, nghĩ suy khi nhớ về cô bạn gái người Nga đã nặng lòng yêu. Nhưng ông bà từng dạy: "Ta về, ta tắm ao ta, dù trong, dù đục, ao nhà vẫn hơn".

Thật là chuyến đò nên nghĩa và Thu gắn bó với tôi ngay phút gặp gỡ ban đầu. Khi trở lại Liên Xô học tiếp năm thứ tư, tôi và Thu thường xuyên viết thư cho nhau. Tôi cũng làm tặng Thu mấy bài thơ - chủ yếu là gửi gắm tâm trạng của mình, còn tứ thơ thì chẳng đâu vào đâu. Nhưng khi yêu, người ta thường sống với những tâm trạng "phiêu diêu" như vậy.

Năm 1961 về phép lần thứ ba, tôi và Thu tổ chức lễ cưới. Một đám cưới không lấy gì làm ồn ào, giản tiện nhưng lịch sự đúng nghi thức Hà Nội thời hòa bình. Vậy là tôi cũng lấy được người vợ xứng đáng. Gia đình, với Thu làm trụ cột là hậu phương vững chắc, là điểm tựa cho tôi trên lộ trình công tác. Vợ chồng tôi có ba đứa con, các con đều phương trưởng và thành đạt. Gia đình hạnh phúc vẹn tròn. Từ khi có vợ, tôi càng yên tâm hơn trên con đường sự nghiệp, tất cả thời gian, tâm trí dồn hết cho công tác.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM