Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 03:48:19 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Từ chiến sĩ  (Đọc 26338 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« vào lúc: 08 Tháng Tư, 2016, 07:05:20 am »

Tên sách: Từ chiến sĩ
Tác giả: Thiếu tướng Trần Bá Đặng
Nhà xuất bản: Quân đội Nhân dân
Năm xuất bản: 2006
Số hoá: ptlinh, chuongxedap



I

TUỔI THƠ CƠ NHỌC


Tôi đã sắp bước sang tuổi tám mươi. Tám mươi năm so với thời gian vĩnh hằng thì chẳng thấm vào đâu, nhưng đối với con người thì quãng thời gian ấy thật là dài, thật nhiều ý nghĩa khi mình được sinh thành hiện hữu trên cõi thế này! Đối với tôi càng đáng quý hơn nữa khi tôi được sống, được cống hiến hết sức lực của mình cho cách mạng, cho Đảng quang vinh và cho đất nước. Bây giờ, khi tuổi đã cao, ngồi suy nghĩ lại dù công lao của bản thân chưa thấm tháp gì so với công lao của bao đồng bào, bao chiến sĩ và cả trang lứa của mình, nhưng cũng tự hào nhờ có cách mạng, nhờ có Đảng và Bác Hồ mà mình trở nên một người hữu ích!

Tám mươi năm qua, bao sự việc xảy ra, tôi không thể nào nhớ hết, khi tuổi cao trí nhớ sút kém nên những gì nhớ lại cũng không thể sắp xếp theo trình tự được, có khi lộn xộn, đó là điều mong đồng đội và bạn đọc lượng thứ. Ước mong của tôi là kể lại những gì mình tâm huyết nhất, những điều đáng nhớ nhất, trước là cho con cháu, gia tộc, làng xóm biết, sau là đến độc giả thấu hiểu bước trưởng thành của một đứa trẻ cơ nhọc, thất học, nghèo đói, khốn khổ chưa biết qua mặt chữ, cơm không có ăn, áo không có mặc, làm thuê, làm mướn, may mắn có cách mạng, đi theo cách mạng chiến đấu dưới cờ của Đảng anh minh, từ người chiến sĩ thành vị Tư lệnh binh chủng, từ người mù chữ thành Tổng công trình sư!





Tôi sinh ra tại thôn Đầu Quê, xã Vụ Bản, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam vào tháng 10 năm 1927. Gia đình tôi là nông dân cố cựu, ít chữ nghĩa nên con cái chẳng có ai lập lá số tử vi, đoán vận hạn sau này. Tôi có năm anh chị em, tôi là thứ ba, trên có anh và chị gái, dưới có hai em.

Quê tôi đặc trưng là đồng chiêm trũng Bắc Bộ, chưa mưa đã úng, chưa nắng đã hạn. Con người và cây lúa đều lớn lên trong cơ nhọc. Dân xứ tôi thường gọi là dân "cầu tõm". Trước cách mạng tháng Tám 1945, gái cũng như trai, già cũng như trẻ, ngày chỉ ăn một bữa; đồng trắng, nước thâm, ngày ăn một bữa! Bây giờ, nhiều nơi vẫn còn khó khăn; nhưng cho dù là vùng lấn biển, vùng mới khai hoang cũng không còn cảnh này.

Bố tôi tên là Trần Bá Quá, mẹ tôi là Nguyễn Thị Trang. Bố mẹ quanh năm, suốt tháng bán mặt cho đất, bán lưng cho trời làm ăn quần quật để nuôi năm miệng ăn đang như tằm ăn rỗi. Ngoài làm ruộng, bố tôi làm phụ thêm nghề thợ mộc nên cũng có tên phụ là ông Cả Quá. Tôi cũng thường được cụ bảo giúp việc, khi thì cầm một đầu cưa, khi thì đục lỗ, khai mộng. Tuy ăn uống kham khổ, đói khát như thế nhưng tôi là đứa trẻ khỏe chắc, vật giỏi, đánh lộn rất gan lì. Đêm cũng như ngày chỉ cái quần cộc vải bố, lăn lộn ngoài đồng, nước da đen sạm nên mọi người thường gọi tôi là Đặng Đen. Khi kiếm sống, sinh nhai, tôi nổi tiếng giỏi đơm tát, câu cá, bắt lềnh đềnh (một loại chim, mòng, vịt giời, le le...). Bọn trẻ trong làng tôi rất ngán khi đi qua các ao chuôm cá mà Đặng Đen đã tát. Tôi bắt kỳ hết thôi, không một con nào sót lại. Đồng làng tôi rất nhiều cá trê; cá trê lủi cũng không kém chạch, nên khi tát cạn nước bắt con trê cuối cùng, tôi buộc sợi lạt vào mang của nó, ném xuống ao, lại tát tiếp, tát thật cạn nước, bắt kỳ hết con nào sót lại. Khi bắt được con trê do mình buộc lạt là biết cá trong ao không còn, lúc ấy mới cầm nơm về nhà!

Còn giống lềnh đềnh rất tham ăn mà lại thích nhất là con chạch chẫu. Tôi kiếm được nhiều chạch chẫu, nhưng buổi đầu không biết câu nên lềnh đềnh chén hết mà mình vẫn không bắt được con nào, sau đó tôi nghĩ ra một cách. Tôi lấy một đoạn sắt khoảng mười phân, đánh một cái chui nhọn hai đầu, thuồn vào bụng con chạch chẫu rồi cài trên lúa. Lềnh đềnh lao vào chộp chạch chẫu nuốt vào họng mắc móc sắt, giãy đành đạch, không gỡ ra được. Tôi chỉ có việc đến bắt về làm thịt.

Lấm lem như thế nhưng tôi và tốp trẻ chăn trâu trong làng cực kỳ thích thú không hề biết tuổi thơ của mình cơ nhọc và bùn đất! Tuổi thơ vô tư qua đi!

Khi tôi lên 13 tuổi thì mẹ tôi mất. Thương mẹ vô cùng, bởi mẹ chưa một ngày vui, chưa một bữa no... Đó là cái tang đau đớn nhất đổ lên đầu năm anh em chúng tôi. Anh em tôi như đàn gà con mất mẹ, táo tác giữa đám quạ diều phong kiến, thực dân! Tôi đành phải cầm cưa đục theo bố tôi làm phó nhỏ lang thang khắp xó xỉnh làm nghề, kiếm sống. Cơm không đủ ăn làm sao học được chữ! Bố tôi có người quen ở Hà Nội, ông ra đó làm thuê và kéo tôi theo luôn. Mười ba tuổi, vì đói nghèo khốn khổ, trái tim tôi bị chai sạn, tâm hồn tôi khô cứng, bỏ làng ra đi mà tôi không có cảm giác buồn đau, thương tiếc. Đi để kiếm cái ăn là việc cần thiết cho con người, một xã hội mà con người còn không lưu luyến nơi mình sinh thành thì xã hội ấy trước sau rồi cũng bị xóa bỏ.

Người làm thuê của làng tôi lên Hà Nội khá nhiều. Không chỉ xứ tôi, lên Hà Nội tôi gặp nhiều hạng người tứ xứ: Hải Phòng, Bắc Ninh, Nam Định, Thanh - Nghệ - Tĩnh có cả... Họ toàn làm những việc nặng nhọc của dân cùng đinh như: bốc vác, đào đất, kéo xe tay. Bà con làng tôi tá túc tập trung ở bãi Phúc Xá và rất nhiều người các vùng quê khác cũng ở đó. Phúc Xá năm 1940 chỉ là bãi đất hoang không nhà, không cửa, chỉ có mấy cái lều của người làm thuê, làm mướn trú ngụ. Ngày lên phố rúc vào tất cả ngõ ngách kiếm việc làm, tối nhọ mặt người lại mò ra bãi ngủ qua đêm.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #1 vào lúc: 08 Tháng Tư, 2016, 07:06:51 am »


Từ xứ Đầu Quê đồng trắng, nước thâm, ngày ăn một bữa, lên Hà Nội cái gì tôi cũng thấy lạ như mình đi qua một thế giới khác. Xe ô tô, tàu điện, Tây mũi lõ, bà đầm váy dài, áo ngắn là những thứ quê tôi không thấy có. Tôi tò mò xem như đi xem hề chèo. Nhưng có những cái mà ở quê tôi cũng có và có khi nhiều hơn là những người lam lũ nghèo khổ, đói rách thì đông nghịt như đám lềnh đềnh về mùa lũ. Những khi bố con tôi không kiếm được việc làm thì cái đói hành hạ tôi ghê gớm hơn nhiều lần ở quê. Ở quê, tôi là đứa trẻ nhanh nhẹn kiếm ra cái ăn, nhưng ở phố tôi là một oắt con ngơ ngác không tìm ra mẩu bánh. Tối mò ra bãi Phúc Xá, tôi không lê nổi chân. Đói đến mức tôi ngã lăn từ cồn hoang xuống mép nước. Vớ được ngọn cỏ nào tôi cho vào mồm ngọn cỏ ấy, mà không còn cảm giác đắng chát nữa. Rồi tôi vớ được một nắm châu chấu cho vào mồm ăn ngọt lịm. Cái cảm giác ngon béo ấy giữ mãi trong tôi, có cảm tưởng nó ngon hơn bữa đại tiệc mà Học viện Công binh Quibisép Liên Xô chiêu đãi học viên sĩ quan Việt Nam chúng tôi tốt nghiệp năm 1963.

Không chỉ có bố con tôi, bà con thôn Đầu Quê mà mọi người các xứ cũng sang lắt lay trên bãi Phúc Xá và các nơi khác. Đêm đêm, các chị em "ăn sương" cùng đám thợ, cãi vã chửi nhau om sòm. Chỉ có sông Hồng nghe thấy, còn phố xá vẫn lạnh tanh ánh điện, ếch nhái vẫn oàm oạp đêm đêm cùng với tiếng nhạc Tây rền rĩ phát ra trên các cao ốc.   

Sau những ngày đói hoa cả mắt, chất nhà quê trong tôi trỗi dậy, hay nói theo lối hiện đại là bản năng sống thúc giục tôi kiếm cái ăn. Sau lũ sông Hồng, chim cá có nhiều, tôi bắt cá, đánh bẫy chim. Bắt được nhiều cá, nhiều chim, tôi đem cho những người thợ làm ở Nhà hát Lớn. Lúc này bố tôi kiếm được việc làm ở đây. Ngày, bố con tôi làm ở Nhà hát Lớn, đêm vẫn ra ngủ bãi Phúc Xá. Không chỉ thợ mình mà Tây cũng thích ăn thịt chim. Từ đó tôi quen chúng nên ra vào Nhà hát Lớn như vào ra nhà mình. Điều này rất có lợi khi tôi trèo lên nóc Nhà hát Lớn treo cờ đỏ sao vàng. Buổi đó tôi chưa hiểu đế quốc, thực dân, phong kiến là gì, chỉ căm tức cái bất công diễn ra trước mắt mình. Tuy suy nghĩ còn nông cạn nhưng tôi tự vấn được, tại sao bố con tôi, người quê tôi và các miền khác hai nắng một sương mà đói khổ hoàn đói khổ, trong khi đó Tây đầm và bọn theo chân không đổ mồ hôi, không chân lấm tay bùn mà sống hết sức giàu sang, sung sướng? Người quê tôi có ai được vào xem ca hát, diễn kịch ở Nhà hát Lớn? Bố con tôi và nhiều người thợ khác sửa chữa Nhà hát Lớn nhưng có ai được vào xem bao giờ. Tôi mường tượng sự bất công từ đó. Ý thức phản kháng bắt đầu manh nha trong nhận thức thơ trẻ của tôi!

Theo bố lâu năm, rồi tôi cũng học được nghề của bố. Từ một cậu bé nhà quê, tôi trở thành người thợ như bố tôi và như mọi người thợ khác. Sau này ta gọi là giai cấp công nhân. Tôi là người thợ đa năng. Tôi làm được nhiều việc. Việc nào cũng khá. Mới mười bốn, mười lăm tuổi nhưng tôi đứng máy, quai búa không khác gì thợ cả. Tôi còn làm thợ sơn, thợ ngõa, thợ rèn. Biết tôi giỏi làm sắt thép, các anh lớn tuổi giao cho tôi tháo lắp các bộ phận máy xe ô tô. Nghề cơ khí, tôi làm rất thành thạo. Sau này sang Liên Xô học công binh ở khoa chỉ huy, nhưng tôi cùng Vũ Trọng Hà, Cao Khắc Định, Đặng Hương vẫn có bằng tú tài về nghiệp vụ chuyên môn. Sau này Vũ Trọng Hà thay tôi làm Tư lệnh Binh chủng Công binh, Cao Khắc Định - Chủ nhiệm công binh Miền. Đặng Hương là Phó tư lệnh Đoàn 559.

Càng lớn lên tôi mới thấy ra sự bất công: kẻ ăn không hết, người lần không ra. Bọn thực dân Pháp, lũ ngoại bang cướp nước ta thì hưởng hết mọi đặc quyền, đặc lợi; chúng đi ô tô, ở nhà lầu, được xem phim, ca nhạc; được quyền đánh đập dân bản xứ. Bọn tay sai theo Pháp cũng như vậy, chúng tha hồ áp bức bóc lột và cũng hưởng nhiều quyền lợi mà người dân nghèo không có. Tôi chỉ cảm nhận thấy bằng nhãn quan của mình khi mình thực sự nhìn những cảnh tượng ấy diễn ra hằng ngày. Tôi không được học hành, chưa được ai dạy dỗ nhưng tôi nghĩ bọn Tây giàu sang này và bọn liếm đích (từ thợ thuyền lúc đó chỉ lũ tay sai) có thể đánh đổ chúng vì chúng ít, không đông bằng thợ thuyền, với lại chúng lười lao động nên thằng nào, con nào cũng như đứa bạch tạng, cho một dùi mộc là chết ngay. Thế mà không hiểu sao nhiều người bị Tây đánh đập mà không dám kêu la, không đứng lên đánh lại chúng. Tôi nghĩ nếu ai đó tài giỏi hô lên một tiếng thì tôi và đám thợ thuyền xông lên ngay và giết hết bọn chúng. Một lần tôi thấy bố tôi bị thằng cai nện cho mấy cái ba toong lên lưng mà bố tôi không kêu ca lời nào, một mực chỉ vâng dạ, bẩm thưa ông lớn con sai, con sai, con có tội. Tôi thấy hết sức thương bố nhưng cũng tức bố, sao trong tay ông có rìu rựa, mà không cho thằng cai một nhát để nó về với ông bà của nó.

Tối đó tôi hỏi bố tôi:

- Sao thầy cong lưng mà chịu gậy nhục như thế?

Bố tôi ôn tồn dạy:

- Mình phận làm thuê, mình phải nhịn như thế, họ đánh mình thì được, mình làm sao đánh lại người nhà nước. Đánh người nhà nước là phải tội chết. Không chết đi nữa, họ đuổi việc mình, thì bố con mình kiếm đâu ra miếng cơm để sống?

Bố tôi nói cũng có lý, nhưng chúng ta cứ chịu nhục như thế này suốt đời sao? Hết đời bố tôi, đến đời tôi cảnh đi làm thuê, làm mướn, cảnh bị áp bức đè nén rồi cũng không khác gì. Rồi hết Tây đến cai thợ tạt tai đá đít thợ như một con chó không bằng. Bố bị nhục, mình là con trai cũng chỉ đứng giương mắt ếch ra mà nhìn chứ cũng chẳng làm gì được chúng nó. Phải có người đứng lên kêu gọi, tôi tin mọi người theo rất đông. Nhưng ý nghĩ đó tôi không dám nói với bố tôi. Bố tôi đang kiếm miếng ăn cho cả nhà. Vì cụ lo nhất trong lúc này nếu mất việc thì chỉ có chết đói nằm ngoài bãi Phúc Xá. Ai cũng vì đói mà phải nín nhịn. Cả dân tộc câm lặng nín nhịn. Đêm đêm, tôi trằn trọc nghĩ đến cái kiếp tủi nhục mà bố tôi, tôi và hàng nghìn, hàng vạn người đang chịu đựng. Không thể im lặng như thế này mãi, dân nghèo phải có ngày đứng lên đạp đổ cái xã hội thối tha này, phải đuổi bọn ngoại bang xâm lăng ra khỏi đất nước!
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #2 vào lúc: 20 Tháng Tư, 2016, 02:55:24 pm »


II
ĐỜI CHIẾN ĐẤU

Từ thôn Đầu Quê đói rách tơi tả, bố con tôi phải tha phương cầu thực ra Hà Nội kiếm kế sinh nhai, nhưng cũng gặp phải cảnh rách đói tả tơi. Thật là:

Cây khô xuống nước cũng khô
Phận nghèo đi tới chỗ mô cũng nghèo.

Tôi thấm thía câu ca cảnh nghèo này khi trợ lý văn thư của tôi người miền Trung đọc tôi nghe vào lúc bộ đội ta phát động chỉnh quân, chỉnh cán năm 1952 ở Văn Hải, Quỳnh Lưu, Nghệ An.

Thấm thoắt đã ở bãi Phúc Xá Hà Nội được bốn năm. Năm 1944, tôi đã 17 tuổi, là một người thợ chững chạc, đã biết nghĩ về cuộc đời. Năm đó cũng là năm người ta gọi là năm Đấu xảo trước Cách mạng. Tôi có người anh đi hoạt động kín. Nghe nói anh đi hoạt động Việt Minh, nhưng buổi đó không chỉ tôi mà cả tốp thợ thuyền cũng không hiểu Việt Minh là gì? Anh đi biền biệt, thỉnh thoảng mới ghé lại bãi Phúc Xá. Khi anh về, cả bãi vui như tết. Ai cũng tìm tới nghe chuyện. Nhiều chuyện lạ mà tôi chưa bao giờ biết được như: chuyện phe Trục sắp bị thua. Đồng minh sắp thắng to. Trục là ai, Đồng minh là gì, tôi không biết, không biết mình đứng về phe nào. Tôi chỉ có cảm tình Đồng minh là khi anh tôi bảo: Đồng minh ủng hộ thợ thuyền. Anh cũng nói thêm, Việt Minh cứu giúp người nghèo, đánh đổ bọn Tây, Nhật. Việt Minh sẽ đuổi chúng ra khỏi đất nước của mình. Bọn ăn bám bóc lột cũng bị hạ bệ. Chỉ từng ấy thôi, nhưng tôi và anh em nghèo khổ, thợ thuyền tin yêu lắm. Đêm đêm, anh tôi dạy chúng tôi tập hát, những bài hát ái quốc. Tôi còn nhớ bài hát đầu tiên mà anh tôi dạy là bài "Dân cày".

"Dân cày,
Đi dân cày.
Cực kho lắm thay!
Dân cày,
Đi dân cày.
Đời sài lang đọa đày.
Cực khổ lắm thay!
Dân cày,
Đi dân cày!"


Rồi anh tôi đi biền biệt. Thời gian tiếp theo, tôi và đám thợ thuyền đang làm quanh Nhà hát Lớn thì có một người tên là Mộc đến gặp tôi. Anh ta lớn hơn tôi độ hai, ba tuổi gì đó, người cũng đen nhẻm như tôi. Không hiểu vì sao anh ta biết tên tôi. Anh ta kéo tôi ra sau Nhà hát Lớn bảo nhỏ:

- Đặng Đen, mày quen khu vực này, mày lại giỏi leo trèo, mày lên treo cái này. Anh ta đưa tôi một bọc vải lớn.

Tôi hỏi: - Treo cái gì?
Anh ta đáp: - Treo cờ!   
- Treo cờ cho ai?
- Treo cho thợ thuyền!

Treo cho thợ thuyền là tôi đồng ý ngay. Hồi ấy nói làm cho thợ thuyền, chết tôi cũng làm. Điều này không chỉ tôi mà dân cần lao buổi đó ai cũng một lòng như vậy. Bên trong, bên ngoài Nhà hát Lớn tôi đều thông thuộc nên chỉ một loáng là tôi đã phốc lên tận nóc như một con sóc. Tôi buộc cờ lên cột thu lôi. Tôi thấy lá cờ đỏ một màu máu, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh. Tôi nghĩ: Cờ thợ thuyền thế cũng được, hơn cờ ba sọc của Tây. Rồi có một ông lớn tuổi hơn đưa cho tôi một thùng giấy bảo tôi rải khắp các lối phố. Tôi không biết giấy viết gì vì tôi không biết chữ nhưng ông ta cũng nói đúng như lời anh Mộc nói là rải giấy ủng hộ thợ thuyền. Thế là tôi cũng làm ngay. Say này mới biết là khẩu hiệu của Việt Minh kêu gọi cần lao đứng lên làm cách mạng đánh Tây, đuổi Nhật. Tôi rải vừa xong thùng giấy thì đám giặc và tay chân của chúng ập đến. Mọi người ra tín hiệu chạy trốn. Tôi nhằm bãi Phúc Xá lao về. Đứng chưa nóng chỗ, giặc đã tràn ra. Mọi người vượt sông qua Gia Lâm trốn giặc. Không ai dám quay lại bãi Phúc Xá nữa, giặc thường xuyên lùng sục chỗ này. Anh em hoạt động ở Quảng Ninh biết tôi không ở lại được bãi Phúc Xá, họ kéo tôi về dưới ấy. Lại chia tay bố già, giã từ Hà Nội, sông Hồng, dấn thân vào cuộc trường chinh. Tôi chính thức đi hoạt động cách mạng từ đấy.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #3 vào lúc: 20 Tháng Tư, 2016, 02:57:14 pm »


Về Quảng Ninh, tôi được cấp trên điều lên Tràng Bạch, Uông Bí. Đây là chiến khu bí mật của Việt Minh. Tôi vừa mới đến nhưng bắt tay ngay vào công việc; được phân công làm lưỡi lê, giáo, mác, báng súng... Những công việc này tuy mới mẻ nhưng tôi làm hết sức thành thạo, được cấp trên rất khen ngợi. Thấy tôi gan lì, nhanh nhẹn, trên lại điều tôi đi làm bảo vệ thượng cấp. Tôi có nhiệm vụ bảo vệ ông Hải Thanh. Ông Thanh lúc này là Bí thư Đệ tứ chiến khu. Cùng với ông Hải Thanh còn có ông Nguyễn Bình vị tướng tài của quân đội ta sau này. Ngoài công việc cần vụ, tôi còn có việc cùng phối hợp với các đơn vị bạn đi làm nhiệm vụ tiễu phỉ. Tôi đánh phỉ cũng ra trò, nên ông Hải Thanh có lần nói: - Trần Bá Đặng có thể cầm quân đánh giặc!

Hồi ấy nghe nói đánh giặc đã thích lắm rồi, nhưng chấp hành lệnh trên là tối thượng nên không thể đứng núi này trông núi nọ. Tôi vẫn làm tốt công việc cần vụ của mình.

Sống một thời gian trên núi, đầu năm 1945, một bộ phận trong Đệ tứ chiến khu kéo về Quảng Yên cướp chính quyền. Tôi sung sướng có mặt trong đoàn quân ấy. Chỉ trong một thời gian ngắn, Quảng Yên gần như đất vùng tự do. Chúng tôi đi đâu cũng chẳng gặp phải Tây, phải Nhật. Mọi người truyền tin nhau: Cách mạng đã đến gần. Bọn Tây, Nhật sắp hết thời. Bước sang năm 1945, tôi đã là một chàng trai 18 tuổi đầy háo hức và tự hào mình là người cách mạng. Đặng Đen từ một người ăn đói mặc rách, làm thuê, làm mướn, tha phương cầu thực, bị bọn Tây, Nhật coi như loài vật, bỗng trở thành một chiến sĩ cách mạng thì vinh dự nào bằng! Thời gian này tôi mới biết mình thực sự là một con người có tự do. Nó khác xa một trời, một vực lúc sống lầm than ở quê và lúc sống lăn lóc ở bãi Phúc Xá, sông Hồng. Nhiều anh chị em ở quê ra đi, nhiều anh em thợ thuyền với tôi đều cùng chung nhau một nỗi niềm như vậy. Cách mạng là ngày hội của dân cần lao quả là một điều chân lý.

Về Quảng Yên, tôi không còn làm cần vụ cho ông Hải Thanh nữa mà được chuyển qua làm cấp dưỡng. Tính tôi hiếu động, thích bay nhảy, làm cấp dưỡng thật không hợp với tôi, nhưng tôi không dám thoái thác công việc được phân công. Tôi vẫn hoàn thành công việc một cách xuất sắc mà ông Hải Thanh phải khen ngợi tôi. Được nước, tôi liền xin ông:
- Chú cho cháu chuyển sang sản xuất, chiến đấu. Làm cách mạng như thế mới đáng làm cách mạng.

Ông Hải Thanh vặc lại ngay:
- Cấp dưỡng cho đoàn thể không phải làm cách mạng sao?

Tôi hồi đó còn ngây ngô lắm, chưa hiểu biết gì nên nói:
- Làm cấp dưỡng không phải làm cách mạng, chỉ là việc nấu ăn. Nấu ăn thì đàn bà, con gái cũng làm được. Chỉ đánh giặc mới cần trai trẻ. Cháu là trai trẻ, cháu muốn chiến đấu! Cháu muốn tay mình phải cầm khẩu súng để bắn lại bọn giặc. Vì chúng quá ác độc với quê hương, làng xóm, người thân... của cháu!

Nghe tôi xin mãi, ông Hải Thanh cười hỏi:
- Có sợ chết không?

Tôi dõng dạc đáp:
- Đặng Đen không khi nào sợ chết!

Ông Hải Thanh tiếp tục phân trần:
- Ở nhà thì ai chẳng nói oai, nhưng khi thấy bóng giặc thì tè ra cả quần.

Tôi cương quyết hơn:
- Đặng Đen này thà chết chứ không bao giờ nhút nhát làm những điều hổ thẹn!

Trầm ngâm một lát, ông Hải Thanh lại nhẹ nhàng:
- Phải nhớ lấy lời nhá!

Tôi quá sung sướng đứng nghiêm xin thề:
- Đặng Đen quyết không bao giờ làm mất danh dự đoàn thể!

Vài tuần sau, ước ao của tôi được thỏa nguyện, ông Hải Thanh điều tôi về đơn vị chiến đấu.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #4 vào lúc: 20 Tháng Tư, 2016, 02:57:59 pm »


Hồi ấy ở Đệ tứ chiến khu còn gọi là chiến khu Đông Triều có ba phân đội: Ký Con, Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão. Ký Con là tên một nhà cách mạng dân chủ. Tôi được cấp trên điều về phân đội Ký Con. Tôi không thể nói hết niềm vui của mình khi được sống trong quân ngũ. Tôi rất quý mến anh em và anh em cũng rất yêu quý tôi. Tôi học các bài tập quân sự một cách hứng thú nhiệt tình, học đâu nhớ đấy. Học đâu thực hành đến đấy. Đúng là như ý thơ của nhà thơ Chính Hữu sau này:

Súng bắn đã quen.
Quân sự mươi bài.
Lột sắt đường tàu.
Rèn thêm dao kiếm.
Ngày phục kích.
Đêm truy lùng giặc đánh.


Phân đội trưởng Ký Con là anh Lê Phú, phân đội phó là anh Bùi Sinh. Hai anh là những chỉ huy gan dạ, dũng cảm, quyết đoán xứng bậc đàn anh cho lớp lính trẻ chúng tôi noi theo. Thời gian này phân đội Ký Con cũng có một vài thay đổi về biên chế. Ký Con lại chia ra hai đơn vị: Ký Con A, Ký Con B. Tôi được chuyển sang Ký Con A, những tưởng sẽ được đi đánh giặc, nhưng không ngờ Ký Con B mới được điều đi đánh giặc, còn Ký Con A thì ở lại hậu phương. Anh Lê Phú chỉ huy Ký Con A, chỉ huy Ký Con A còn có anh Lê Hai. Anh Lê Hai sau này là Trung tướng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị quân đội ta.

Ở lại hậu phương một thời gian, Ký Con A lại được điều ra đảo Cát Bà làm nhiệm vụ bảo vệ đảo. Chúng tôi thường lên pháo đài bắn tàu địch. Đơn vị Ký Con A phát triển dần lên, lớn mạnh hơn, về sau trở thành Tiểu đoàn Cô Tô thuộc Trung đoàn 66 Sư đoàn 304.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #5 vào lúc: 26 Tháng Tư, 2016, 03:19:32 pm »




Cách mạng tháng Tám thành công chưa bao lâu thì cấp trên đã nhận định thực dân Pháp có thể quay lại xâm chiếm nước ta. Điểm đầu tiên chúng sẽ đến là vùng mỏ Quảng Yên và Hải Phòng; chúng rất thèm khát các mỏ than ở đó. Các đơn vị quân sự sẵn sàng chiến đấu.

Quả nhiên, tháng 11 năm 1946, quân Pháp gây chiến ở Hải Phòng. Phân đội Ký Con được lệnh tham chiến. Ngoài Ký Con, cấp trên còn điều động Tiểu đoàn 2 ra chi viện cho mặt trận Kiến An, lúc đó thường gọi là mặt trận Hải Kiến (Hải Phòng và Kiến An).

Phân đội Ký Con được đánh nhiều trận: Nhà ga, Nhà hát Lớn, Chợ Cột Đèn, Trường Thiện... Tôi được giao nhiệm vụ trinh sát. Đi với tôi còn có một trinh sát rất giỏi nữa là Đào Văn Sửu. Sửu đã nhiều lần bắt được Tây, giải về báo công.

Có một chuyện vui hồi đánh giặc ở mặt trận Hải Phòng.

Buổi đó tôi rất thích khẩu Brennô bạc đầu - một loại súng cạc bin liên thanh. Thấy tôi quá thích khẩu súng loại này, Trung đoàn phó Bùi Quang Thường bảo:

- Đặng ơi! Mày đi bắt cho tao được một thằng Tây thì tao cho mày khẩu Brennô bạc đầu!

Tôi nghi ngờ hỏi lại: - Thủ trưởng nói thật không?

Ông Thường gật đầu:

- Thật trăm phần trăm!

Đêm đó rất may cho tôi là trời mưa gió tối đen, tối đặc, tôi rủ Đào Văn Sửu cùng một vài tay súng gan lì khác bí mật lên đường. Chúng tôi bơi dọc sông Cấm mà không cảm thấy lạnh rét. Đến đồn Tây, chúng tôi bắn chết một thằng, bắt sống một thằng đem về nộp cho ông Thường để lĩnh thưởng.

Tôi sung sướng có được khẩu Brennô bạc đầu và Trần Bá Đặng cũng nổi tiếng dũng cảm, gan dạ trong Ký Con từ đó!
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #6 vào lúc: 26 Tháng Tư, 2016, 03:21:47 pm »


Chiến sự vẫn đang tiếp diễn. Từ ngày 30 tháng 11 năm 1946 cho đến hết năm, đơn vị chúng tôi vẫn cầm cự quân địch ở tại sân bay Cát Bi, cầu Rào, ngã ba Tam Xá, làng Trà Khê, làng Phấn Dũng và dọc đường về thị xã Kiến An. Sau đó phân đội Ký Con rút từ Hải Phòng về Vĩnh Bảo.

Do lập nhiều thành tích chiến đấu, được anh em đồng chí quý mến, tín nhiệm, đầu năm 1947, tôi được kết nạp vào Đảng. Đây cũng là ngày vinh dự nhất đời tôi. Dấu mốc vững chắc tạo đà cho tôi tiếp bước trên đường cách mạng. Tôi đã thề hy sinh tất cả cho Đảng, cho Tổ quốc. Suốt cuộc đời tôi, tôi đã làm đúng như lời thề ấy! Niềm vinh dự trào dâng, quá xúc động đã giúp tôi làm bài thơ "Gác đêm". Bài thơ đã được các anh em chiến sĩ ghi lại và dán trên báo tường của đơn vị.

Lạch Tray sóng nước lững lờ.
Bao chàng trai trẻ trên bờ đắp xây.
Phòng khi quân địch đến đây.
Thây địch quyết phải xếp đầy bờ sông.
Nước sông pha máu nhuộm hồng.
Thực dân bội ước đi không trở về!

                                     Ký tên Đỏ Lòm.

Anh em trong đơn vị đọc bài thơ khoái lắm nhưng không biết Đỏ Lòm là ai cứ hỏi nhau mãi. Cuối cùng phát hiện ra Trần Bá Đặng. Có người nói sao không ký tên Trần Bá Đặng mà ký tên Đỏ Lòm? Tôi giải thích: Tớ vừa được kết nạp vào Đảng. Bao anh hùng liệt sĩ hy sinh cho Đảng nên ngọn cờ nhuộm đỏ máu đào. Tớ cũng sẽ đem máu mình nhuộm cho lá cờ thấm đậm máu đỏ nên mới lấy tên Đỏ Lòm.

Năm 1948, tôi được đề bạt làm trung đội trưởng. Bước sang năm 1949, Trung đoàn chủ lực 66 có biên chế bốn tiểu đoàn hoàn chỉnh và mang danh hiệu Ký Con.

- Tiểu đoàn 87 (Lê Lợi).   
- Tiểu đoàn Ký Con (Cô Tô).
- Tiểu đoàn 150 (Nguyễn Huệ).   
- Tiểu đoàn trợ chiến (Hoàng Diệu).

Từ đó tôi là người lính Ký Con. Sau này có 5 người được tặng huy hiệu Ký Con. Tôi và Đào Văn Sửu đều được nhận huy hiệu, thực ra lính Ký Con cũng là anh Bộ đội Cụ Hồ, Quân đội nhân dân Việt Nam. Nhưng quá trình trưởng thành và chiến đấu lại hoạt động ở các thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định có nhiều cán bộ, chiến sĩ là học sinh tiểu tư sản, dân nghèo nên tính cách, tác phong có nhiều nét độc đáo. Thời đó có một khẩu hiệu nghe rất tếu của bộ đội Ký Con: "Vui nổ trời, chơi lở đất, đánh chết thôi!".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #7 vào lúc: 26 Tháng Tư, 2016, 03:22:46 pm »


Từ đó, tiếng lành đồn xa, bộ đội Ký Con đi đâu cũng được dân yêu mến, giúp đỡ. Sau này dù bộ đội Ký Con đã được biên chế chính thức vào đội hình của Đại đoàn 304 nhưng lính Ký Con vẫn được bà con Khu 3, Khu 4 và các đơn vị bạn kính nể, mến yêu.

Bài thơ "Ký Con ơi" được đăng trên báo Quân Ký Con số đầu năm 1950 vẫn còn truyền lại hôm nay trong lòng chiến sĩ Ký Con.

"Thao trường dâng ngùn ngụt.
Trăm ánh đuốc bập bùng
Ánh sao trời phất gió reo tầng không.
Các anh về mang tên mùa gió mới.
Sinh trong thời đại,
Tô đẫm nét vàng son.
Phải không anh, người chiến sĩ Ký Con!
Đất mẹ hiền muôn thuở tiếng danh thơm!
Tôi nhớ mãi
Lửa Cô Tô xác thù quằn quại.
Vượt trùng dương mê mải bắt con tàu.
Vòng vây thành Nam, càng xiết, càng sâu.
Hồn sông Mã về đây họp lại
Muôn mắt trừng trừng hồn nhiên đợi.
Tiếng reo hò hòa ánh lửa hôm nay
Sức vô biên súc tích đã bao ngày.
Đem vỗ nhịp sóng,
Chinh chiến men say.
Bước anh đi, thế hệ trẻ ngày mai!
Tôi chưa quên:
Văn Điển tường dày thấm máu son.
Đồi Tranh thây giặc đè cỏ non.
Hang Na tiếng vọng vang rừng núi.
Quang Sáng, Đục Khê sử vẫn còn...
Tôi đang chép
Lửa Đồng Bến máu thù rụng dưới ánh thép.
Gươm vung cao đêm kiêu hùng Mường Riệc!
Lệ Xá tan tành rung động thành Nam
Ký Con ơi!
Muôn đời âm vang!"

                           Chu Mai Niệm
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #8 vào lúc: 26 Tháng Tư, 2016, 03:25:05 pm »


TRẬN MƯỜNG RIỆC

Sau đợt rèn cán, chỉnh quân mùa hè năm 1949, Tiểu đoàn Cô Tô (Ký Con) nhận nhiệm vụ lên đường chiến đấu. Tôi được làm trung đội trưởng Trung đội 1, Nguyễn Phúc Trạch trung đội trưởng Trung đội 2... Trung đoàn 66 giao cho Tiểu đoàn Cô Tô nhiệm vụ tiêu diệt đồn Mường Riệc. Đồn Mường Riệc nằm ở phía nam tỉnh Hòa Bình, là chốt tiền tiêu cho đồn Vụ Bản nằm ở đông nam đường 12. Đây là chốt điểm quan trọng của địch. Ta đã có lần đánh nhưng chưa tiêu diệt được. Trung đội tôi được làm nhiệm vụ chủ công. Tôi cho trinh sát nhiều lần để nắm địa hình, địch tình cho thật chắc chắn. Bản thân tôi cũng dẫn một mũi trinh sát vào sâu đồn địch. Đó cũng là tác phong chỉ huy của tôi được anh em chiến sĩ khâm phục. Không phải tôi không tin anh em, nhưng là người chỉ huy trực tiếp nên tôi muốn tự mình nắm thật chắc binh khí hỏa lực của địch, để khi quyết định đánh là phải giành thắng lợi, bớt hy sinh xương máu của bộ đội.

Sau nhiều lần đi trinh sát cùng chiến sĩ, tôi đã nắm rất chắc lực lượng địch và binh khí kỹ thuật của chúng. Đồn Mường Riệc có 60 tên lính ngụy Mường, 3 hạ sĩ quan, sĩ quan Âu - Phi chỉ huy. Chúng nó có 2 khẩu cối 60, phóng lựu, 4 khẩu trung liên, còn lại là tiểu liên và súng trường. Đồn đóng trên đồi cỏ tranh, xung quanh rào tre theo kiểu lông nhím.

Bên ta, Tiểu đoàn Cô Tô giao cho Đại đội 1 (Ký Con cũ) tiêu diệt đồn này. Trung đội 1 do tôi chỉ huy được giao nhiệm vụ chủ công, mở hướng đột phá chính.

Lần đầu tiên chỉ huy một trung đội đánh giặc, tôi có thoáng lo lắng nhưng bản tính tôi không để nỗi lo ấy kéo dài, tôi tin anh em chiến sĩ, tin mình. Đồn địch này ta có thể tiêu diệt gọn. Tôi báo cáo để tiểu đoàn trưởng yên tâm. Nguyễn Phúc Trạch cũng động viên tôi:

- Đồn Mương Riệc ta đã nắm vững, không có gì sơ suất nữa, trung đội của Đặng lên trước, trung đội mình sẵn sàng trợ chiến phía sau. Quân ta nhất định thắng!

Trước khi vào trận, tiểu đoàn triệu tập cán bộ cốt cán họp thêm lần nữa để quán triệt tinh thần tiến công.

Tiểu đoàn trưởng Nhật Tuấn nói:

- Trận Mường Riệc rất cam go, là thử thách việc công đồn của quân ta, nhưng thắng lợi của nó thì thật lớn lao với ý nghĩa ta thí điểm một phương thức tác chiến mới: đánh kỳ tập, có chuẩn bị, có tổ chức một cách toàn diện từ tinh thần chiến sĩ đến cách đánh cụ thể, được các cấp chỉ huy, lãnh đạo bàn bạc thấu đáo, thông suốt mọi vướng mắc từ cán bộ cho đến chiến sĩ.

Sau 10 ngày chuẩn bị, quân ta đã hoàn tất mọi mặt chuẩn bị công đồn. Tôi báo cáo lên cấp trên: Trung đội 1 sẵn sàng đảm nhận mũi chủ công!
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #9 vào lúc: 26 Tháng Tư, 2016, 03:25:53 pm »


Ngày 29 tháng 5 năm 1949, Trung đoàn 66 phát lệnh cho Tiểu đoàn Cô Tô đánh Mường Riệc. Từ địa điểm tập kết ở đồn điền Phan Lê Bông cách Mường Riệc độ 15 đến 20 kilômét, toàn tiểu đoàn hành quân từ chiều. Đại đội 1 đi trước bao vây đồn, ém quân trước 1 giờ đêm. Các đại đội chặn viện, dự bị đi sau.

Trung đội 1 của tôi dẫn đầu đại đội tiến lên cách cổng đồn không xa. Tất cả im lặng chờ lệnh. Đêm đó vào ngày cuối tháng, trời không trăng sao, chung quanh đen đặc, tĩnh lặng, thật lý tưởng cho việc công đồn!

12 giờ đêm, đúng giờ G, Tiểu đoàn trưởng Nhật Tuấn phát lệnh công kích. Cán bộ chỉ huy, chiến sĩ Trung đội 1 ào ào xông lên trước. Vì bị bất ngờ, bọn địch không kịp đối phó, ta hoàn toàn làm chủ trận đánh ngay từ phút đầu tiên. Bọn địch ở Mường Riệc bị tiêu diệt gần hết, một số ít bị ta bắt sống, khoảng 5, 6 tên lợi dụng đêm tối và phía sau không có quân ta, chạy thoát về đồn Chiềng Vang.

Trận tiêu diệt đồn Mường Riệc diễn ra chưa đầy 30 phút. Đại đội 1 chưa sử dụng trung đội 3 dự bị. Ta bị thương 5 chiến sĩ. Giải quyết xong công việc thương binh, bộ đội rút lui an toàn!

Đại đội 1 mở màn chiến dịch xuân hè 1949-1950 thắng lợi giòn giã. Trung đội 1 được Trung đoàn 66 biểu dương, bản thân tôi được thưởng Huân chương Chiến sĩ hạng Ba. Lần đầu tiên trong đời được nhận Huân chương nên tôi mừng lắm! Niềm vui của tôi hòa trong niềm vui chung. Chiến thắng trở về, anh em chúng tôi sung sướng ca vang:   

"Hòa Bình! Hòa Bình!
Mường Riệc! Mường Riệc!
Khí thiêng hun đúc lộ Đà Giang.
Quét sạch quân thù, lũ sói lang.
Giặc Pháp ngông cuồng gieo tội ác!
Để xem lũ quỷ mấy buồng gan?
Đồi Mè ta chặn lại.
Mường Riệc lửa cháy tàn.
Quân thù đang hoảng loạn.
Chiến công,
Nối tiếp chiến công!
Ký Con! Ký Con!
Lại lần nữa xứng danh anh hùng.
Ta còn hành quân công đồn bước tiếp.
Khi lũ Pháp đang còn.
Mường Riệc! Mường Riệc!
Lại lừng danh Ký Con...”


Sau này từng chỉ huy trung đoàn chiến đấu, bản thân tham gia đánh lớn nhỏ cả trăm trận, nhiều chiến thắng oanh liệt hơn, vang dội hơn nhưng tôi vẫn nhớ trận Mường Riệc. Trận Mường Riệc là lần đầu tôi thực sự cầm quân. Tự mình bày binh bố trận và đã đánh thắng, giành thắng lợi một cách trọn vẹn không để xảy ra một điều đáng tiếc nào. Mốc chiến thắng trận đầu là một quyết định quan trọng trong cuộc đời binh nghiệp của tôi. Với trận thắng Mường Riệc, tôi có thêm chút kinh nghiệm trận mạc và biết cầm quân đánh thắng địch. Ngoài nhiệm vụ cách mạng, tôi thấy mình có thể suốt đời gắn bó với quân đội, đấy là mái nhà thứ hai của đời tôi.
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM