Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 06:27:39 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chuyện bây giờ mới kể  (Đọc 30649 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #100 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2016, 11:55:27 am »

Những ngày cùng ở quân đội:

Đúng là hai anh em chúng tôi có nhiều duyên nợ gắn bó với nhau suốt cả thời gian sống trong quân ngũ. Được sự thương yêu dìu dắt của anh trong suốt thời gian ở Đại đội độc lập 117, trong lúc sinh hoạt tập thể cũng như cùng chiến đấu, vui buồn đều có nhau, tôi không rời anh một ngày nào. Một thời gian sau, lựa chọn trong số chiến sĩ có lập trường tư tưởng tốt, có trình độ văn hóa khá, tôi được lọt vào tầm ngắm của Ban chỉ huy trung đoàn. Tôi là chiến sĩ độc nhất của trung đoàn hội tụ đầy đủ những tiêu chuẩn để được chọn đi học bác sĩ ở miền Bắc. Anh Trân thuyết phục tôi đi học bác sĩ, bước đầu tôi đồng ý. Nhưng khi lên cơ quan trung đoàn để chờ liên lạc đưa đi học ở Việt Bắc, xa anh, xa đơn vị chiến đấu, buồn quá tôi lại xin các anh chỉ huy trung đoàn cho về lại đơn vị tiếp tục chiến đấu.

Về lại đơn vị cũ, tôi được phân công làm chiến sĩ chính trị cùng ở cơ quan của Ban chỉ huy đại đội, cùng ăn ở và công tác hành quân chiến đấu với nhau, đi đâu hai anh em đều ở với nhau. Có những đêm hành quân chiến đấu trở về trong xóm ven bờ biển, dưới ánh trăng rằm êm dịu, hai anh em chúng tôi cùng nghĩ về mẹ, về quê nhà. Năm 1950, do những thành tích xây dựng Đại đội 117 thành đại đội chiến lũy và chi bộ cốt thép, anh được đề bạt lên Tiểu đoàn phó rồi Tiểu đoàn trưởng, còn tôi được điều động lên làm Tổ trưởng chính trị Tiểu đoàn 227. Anh Trân trực tiếp chỉ huy trận đánh đoàn tàu hỏa chạy qua địa phận Như Sơn (Phong Điền), anh đã xung phong nhảy lên nóc tàu tháo gỡ được khẩu pháo Bôpho 40 ly của địch.

Tết năm 1950, đơn vị hành quân vào Quảng Điền đánh đồn Sịa thì bị lộ, nên được lệnh rút về xã Phong Chương đúng vào đêm 30 Tết. Sáng mồng 1 Tết được tin chị Lượng, giao liên của ta vừa ở Huế ra có thư và quà Tết của mẹ gửi cho hai con, mừng vô kể. Mặc dù đã hai đêm thức trắng đi tìm diệt địch rất mệt nhưng tôi vẫn vừa đi vừa chạy đến địa điểm nhận thư và quà Tết của mẹ. Lá thư tuy ngắn gọn nhưng mẹ đã dồn tất cả tình thương cho các con nên đã làm hai anh em không cầm được nước mắt, nhớ và thương mẹ nhiều lắm.

Sau trận chống càn Thanh Lương - Mỹ Xuyên quân ta thắng giòn giã, anh Trân bị ốm phải đi điều trị và an dưỡng ở Mỹ Lợi - nam Thừa Thiên Huế. Đến trận càn lần sau của địch về Mỹ Xuyên - Phong Chương, đồng chí tiểu đoàn phó mới lên nhận nhiệm vụ lúng túng nên để cho Tiểu đoàn bộ 227 bị rơi vào vòng vây của địch, một số cán bộ của đoàn 227 bị thương, bị địch bắt làm tù binh. Tôi cũng bị thương nặng và bị địch bắt về giam tại Tòa Khâm (Huế). Anh Trân buồn lắm, rất ân hận là nếu có mình chỉ huy trận đó, Tiểu đoàn 227 chắc chắn sẽ không bị thiệt hại nặng. Vào tù được 3 tháng, may mắn tôi bắt được liên lạc với chi bộ Đảng nhà lao và được chi ủy giao nhiệm vụ tổ chức các đảng viên nòng cốt trong nhà tù do tôi trực tiếp chỉ huy vụ binh biến ở Động Sầm (Hương Thủy) dùng xẻng, cuốc diệt được 27 tên lính địch, thu 20 súng các loại, giải thoát được 50 tù binh của ta trở về với kháng chiến tiếp tục chiến đấu. Được tin tôi thoát tù, anh Trân mừng lắm. Khi tôi trở lại Tiểu đoàn 227 thì anh được tổ chức cho đi dưỡng bệnh ở Trung Quốc. Năm 1954, anh được đề bạt lên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 95 rồi về làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 101, và Chủ nhiệm pháo binh của Sư đoàn. Để tạo điều kiện cho anh hoàn thành nhiệm vụ trên cương vị công tác mới, cấp trên bố trí cho anh đi học văn hóa và ngoại ngữ ở Kiến An (Hải Phòng). Có lẽ vì không thích nghi với môi trường mới lắm, anh xin về lại Sư đoàn 325 để công tác, được đề bạt lên Tham mưu trưởng rồi Sư đoàn phó và quyền Sư đoàn trưởng Sư đoàn 325. Sau khi thoát tù, tôi được tổ chức cho đi điều dưỡng ở Nghệ An và học bổ túc ở Trường Quân chính Quân khu 4. Năm 1956, được Bộ Quốc phòng điều về Phòng chính trị Sư đoàn 325. Hai anh em gặp lại nhau. Tôi làm trợ lý văn hóa sư đoàn nên có điều kiện, những khi anh rảnh rỗi tôi lại trực tiếp bồi dưỡng văn, hóa thêm cho anh.

Năm 1958, anh thay mặt gia đình và đơn vị đi hỏi vợ cho tôi. Gia đình cô ấy cách đơn vị gần 20 ki-lô-mét, không có phương tiện cơ giới, anh đi xe đạp cọc cạch về hỏi vợ cho em. Thời kỳ bao cấp, sĩ quan quân đội chưa có lương, chỉ có phụ cấp để tiêu vặt nên mọi việc cưới xin đều do gia đình bên gái lo liệu, đơn vị chỉ cung cấp một ít thuốc lá, bánh kẹo, đám cưới tổ chức theo đời sống mới tuy đơn giản nhưng vui vẻ, ấm cúng.

Đến cuối năm 1964, Sư đoàn 325 được lệnh của Bộ Quốc phòng điều động vào chiến trường miền Nam chiến đấu. Anh Trân phải ở lại miền Bắc xây dựng Sư đoàn 325B, anh buồn lắm, nhưng vẫn động viên tôi: “Là cán bộ miền Nam được về chiến đấu trên quê hương cùng cả nước giải phóng miền Nam, còn gì vinh dự bằng. Em cố gắng chiến đấu cho tốt, cố gắng về Huế để gặp mẹ. Anh rất buồn không được cùng Sư đoàn 325A đi chiến đấu trong dịp này vì anh được lệnh của Bộ Quốc phòng ở lại miền Bắc xây dựng Sư đoàn 325B, nhưng nhất định anh cũng sẽ được đi chiến đấu sau một thời gian ngắn nữa”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #101 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2016, 11:55:53 am »


Năm 1965, Sư đoàn 325B được vào chiến đấu ở A So, A Lưới (Thừa Thiên - Huế) rồi đi thẳng vào Tây Nguyên. Gặp nhau mừng quá, hai anh em lại chung một chiến hào đánh Mỹ. Thấy tôi gầy yếu vì bị sốt rét liên tục, anh cho tôi một ít thuốc bổ, lương khô để bồi dưỡng sức khỏe.

Tết Mậu Thân 1968, anh và tôi cùng ở một mặt trận, cùng nằm chung một công sự, được tin Huế giải phóng, quân và dân ta đã 25 ngày đêm làm chủ thành phố, hai anh em cứ tiếc mãi: Nếu trong thời cơ này được chiến đấu ở Quân khu Trị Thiên, thế nào cũng được về Huế, được gặp mẹ, được mẹ ôm vào lòng cho thỏa lòng mong nhớ.

Cuối năm 1969, sư đoàn do anh làm Sư đoàn trưởng được bổ sung vào chiến trường Nam Bộ, còn tôi đã vào chiến trường gần 6 năm nên được Bộ Tư lệnh Tây Nguyên cho ra miền Bắc điều dưỡng, hai anh em bịn rịn không muốn xa nhau, liệu có còn cơ hội để gặp nhau nữa không?

Mùa hè năm 1970, gia đình chúng tôi được Tổng cục Chính trị mời ra Hà Nội để dự lễ truy điệu anh! Trong giấy mời chỉ ghi vắn tắt: “Đại tá Sư đoàn trưởng Sư đoàn 1 Trần Văn Trân đã anh dũng hy sinh trên chiến trường miền Đông Nam Bộ trong lúc đang làm nhiệm vụ”. Gia đình đã lập bàn thờ để hương khói cho anh nhưng sự thật là anh vẫn còn sống. Trong một chuyến đi nghiên cứu chiến trường, anh đã bị phục kích và bị thương, bị địch bắt ở kênh Vĩnh Tế (Nam Bộ). Đồng đội ngày đêm thương tiếc anh, tìm kiếm sục sạo mãi không thấy, tưởng anh hy sinh nên đã báo tin với đơn vị và gia đình.

Năm 1973, đột ngột biết tin anh được trao trả tù binh ở sông Thạch Hãn (Quảng Trị), mừng vô kể! Cấp trên dự định cho anh đi dưỡng bệnh ở nước ngoài, nhưng anh chỉ có một nguyện vọng duy nhất là trở lại chiến trường để cùng cả nước giải phóng miền Nam, anh được cấp trên chấp thuận và bổ nhiệm về làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 341 mới thành lập.

Hôm Sư đoàn 341 hành quân vào miền Nam, tôi cùng vợ con đến tiễn đưa anh tại Lệ Thủy (Quảng Bình). Sư đoàn 341 được vinh dự tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Qua đài tiếng nói Việt Nam, tôi biết đơn vị do anh chỉ huy đang quần nhau ác liệt với địch ở Xuân Lộc. Cả gia đình tôi đều hồi hộp lo âu theo dõi tin chiến thắng của đơn vị và tin anh. Và còn gì vui sướng bằng khi biết được tin miền Nam hoàn toàn giải phóng và anh vẫn còn sống.

Sư đoàn 341 được tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và được giao nhiệm vụ làm quân quản tại thành phố Sài Gòn và được Đại tướng Võ Nguyên Giáp khen tặng “Vào thành vững như thành”.

Một thời gian sau, anh được đề bạt làm Tư lệnh phó Quân đoàn 4 và sau đó lên làm Viện phó Học viện Lục quân Đà Lạt. Đây không phải là môi trường quen thuộc của anh nên anh lại tình nguyện đi chiến đấu ở Campuchia giúp nước bạn thoát khỏi nạn diệt chủng Pôn Pốt, và anh đã lập được nhiều chiến công xuất sắc.

Tôi có dịp may mắn lên thăm đơn vị anh đóng quân tại thủ đô Pnôm Pênh (Campuchia). Những đêm buồn vắng lạnh ở nước bạn, anh nhớ da diết gia đình và quê hương. Anh lại đem những băng nhạc Nam ai, Nam bình, dân ca xứ Huế ra nghe để đỡ nhớ nhà.

Anh tâm sự với tôi: “Đã gần 50 năm đi chiến đấu xa quê hương nhưng không lúc nào anh quên Huế, quên những ngày tháng thơ ấu sống trong vòng tay của mẹ và người thân. Anh kể lại sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, anh được cấp trên triệu tập ra Hà Nội để báo cáo kết quả chiến đấu của đơn vị, anh mừng thầm: chuyến đi này thế nào cũng được ghé Huế, ghé thăm mẹ. Anh chuẩn bị sẵn nhiều thuốc men để bồi dưỡng cho mẹ để mẹ đủ sức đi ra Hà Nội thăm con và ở lại sống hạnh phúc lâu dài với các con.

Nhưng buồn thay, mẹ đã vĩnh viễn ra đi không kịp để lại một lời nhắn nhủ với các con...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #102 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2016, 11:56:27 am »


Về lại đời thường.

Những ngày về hưu với vợ và các con ở Thành phố Hồ Chí Minh, thỉnh thoảng anh lại về Huế để cùng tôi đi thăm lại các địa danh mà trước đây ngày còn nhỏ hai anh em thường đi bẫy chim về nuôi. Anh bùi ngùi tâm sự: “Ngày còn nhỏ nhà tuy nghèo nhưng anh em mình sống với nhau ấm cúng quá! Được về Huế ôn lại kỷ niệm xưa, anh cảm thấy lòng mình rất thanh thản...”

Hai anh em rất hợp tính nhau và rất thương yêu nhau. Có thể nói từ nhỏ tới lớn chưa bao giờ anh to tiếng la rầy tôi...

Anh luôn luôn quan tâm, lo lắng cho sự tiến bộ của tôi cũng như hạnh phúc của gia đình tôi.

Vì vậy, khi anh bị ốm nặng phải vào điều trị ở bệnh viện Thành phố Hồ Chí Minh, các cháu đã điện thoại cho tôi vào với anh gần nửa tháng cho đến khi bệnh tình đã khá dần, anh đi lại bình thường tôi mới trở về Huế. Mấy tháng sau, tôi lại đột ngột được tin anh đã vĩnh viễn ra đi!

Cuộc đời anh đã gắn liền với cuộc đấu tranh giành lại tự do độc lập của dân tộc. Anh đã đi gần như suốt cả chiều dài của cuộc chiến tranh khốc liệt chống Pháp, chống Mỹ và giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng.

Căm thù sâu sắc bọn giặc ngoại xâm, anh đã luôn luôn ở tuyến đầu của chiến trận, là con người của trận mạc, linh hoạt, sáng tạo và quyết đoán, dũng cảm trong chiến đấu với quân thù. Đối với đồng đội, anh luôn luôn thương yêu gần gũi chiến sĩ như ruột thịt, vui vẻ, nhiệt tình, hay “phịa” những chuyện tiếu lâm nên anh em trong đơn vị ai cũng muốn gần anh để nghe anh nói chuyện vui. Đối với gia đình, anh là người chồng, người cha, người anh mẫu mực. Kể cả những lúc ốm nặng điều trị ở bệnh viện, anh vẫn lạc quan yêu đời chiến thắng bệnh tật, được cảm tình sâu sắc của các y bác sĩ và nhân viên phục vụ của bệnh viện.

Cố gắng hết sức mình nhưng tôi không thể nào nói hết được nỗi lòng mình. Đây chỉ là những nét chấm phá viết về anh - đời anh.

Với tất cả tình yêu thương sâu sắc, mãi mãi thương nhớ anh!
T.V.S
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #103 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2016, 11:57:37 am »


NHỚ MÃI ANH TRẦN VĂN TRÂN
Nhà văn Trần Phương Trà

Quê tôi ở làng Trúc Lâm, trong cuộc kháng chiến chống Pháp thuộc xã Hương Mai, quê chị Võ Bích Hà ở làng An Ninh Hạ, xã Hương Bình, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Nay cả hai làng đều thuộc xã Hương Long thành phố Huế. Hồi năm 1947 - 1954, tôi ở vùng du kích phía tây thành phố Huế nên thường được gặp nhiều anh bộ đội thuộc Trung đoàn 101 của Sư đoàn 325. Thời kỳ 1952 - 1954, cuộc chiến tranh ác liệt và để bảo vệ Huế, lính Pháp cấm chèo đò sáng sớm trên sông Bạch Yến qua vùng Kim Long, Xuân Hòa nên tôi phải về ở làng Kim Long để hằng ngày đi học ở Trường Quốc học Huế. Tôi ở gần nhà hai chị Võ Như Huế và Võ Bích Hà. Tháng 8 năm 1954 khi Hiệp định Giơ-ne-vơ có hiệu lực, nhiều học sinh Huế rủ nhau đi thăm thương binh trên đường tập kết ra Bắc dừng lại nghỉ ở làng Long Hồ, Xước Dũ... Sau đó chúng tôi lên Lại Bằng, xã Hương Vân, huyện Hương Trà thăm bộ đội Việt Minh và xem triển lãm của bộ đội Trung đoàn 101. Khi trở về nhà, tôi xin phép ông bà nội, ba mẹ để được ra Bắc tiếp tục đi học. Mang ba lô theo bộ đội vượt qua vùng chiến khu Hòa Mỹ, qua vùng Cùa, Cam Lộ, vượt sông Bến Hải ở vùng Hói Cụ, qua vùng Mỹ Đức, đến ga Thuận Lý, chúng tôi xuống quốc lộ 1. Lúc này quân đội Pháp đang bàn giao thị xã Đồng Hới cho quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Những năm học trường Đại học Tổng hợp Hà Nội cũng như khi công tác ở Đài tiếng nói Việt Nam, sẵn mối thân tình với gia đình chị Bích Hà, tôi nhiều lần đến thăm ông bà Võ Lương ở ngõ Hội Vũ. Thỉnh thoảng tôi được gặp vợ chồng anh chị Nguyễn Thúy - Võ Như Huê và vợ chồng anh chị Trần Văn Trân - Võ Bích Hà.

Là một người với dáng cao, linh hoạt, vui vẻ, anh Trân có tiếng cười sang sảng và thoải mái. Tôi được nghe nhiều anh chị quen thân với anh Trân, chị Hà kể lại nhiều câu chuyện vui. Hồi kháng chiến chống Pháp, anh Trân làm liên lạc cho bác Võ Lương ở Trung đoàn 101. Sau này khi kết hôn với chị Bích Hà, anh Trân nói đùa với bố vợ:

- Ngày trước con giữ ngựa cho Ba nay con giữ con gái cho Ba!

Chị Bích Hà đã học ở trường Nữ Trung học Đồng Khánh Huế, khi viết thư cho anh Trân, cuối thư có ghi một câu tiếng Anh. Anh Trân không hiểu chị Hà nói gì phải mang thư đi hỏi người bạn thân cùng ở quân đội. Người bạn đọc thư cười bảo anh Trân:

- Phải khao đi! Có gì vui hơn khi nàng viết: “Em gửi anh ngàn chiếc hôn”.

Năm 1966, tôi được gặp lại anh Trân lúc anh từ chiến trường Tây Nguyên về Hà Nội. Anh siết chặt tay tôi, hỏi cặn kẽ về gia đình và công tác của tôi. Tôi nói với anh:

- Em có đề đạt nguyện vọng trở về quê hương nhận một công tác gì về báo chí và văn nghệ. Bộ biên tập Đài tiếng nói Việt Nam đã chuyển em từ Phòng Văn nghệ sang Tổ thời sự miền Nam để làm quen với các thể loại tin tức, bình luận... mà trước đây em chưa được học. Em biết vào chiến trường thì phải biết làm được nhiều loại công việc để có thể đáp ứng được yêu cầu ở mọi noi, mọi lúc.

Anh Trân kể và nói những kinh nghiệm khi sống ở vùng rừng núi rồi dặn tôi:

- Em sắm vài chục lưỡi câu, vài chục mét chỉ câu, phao và chì đem theo người. Đây là công cụ cần thiết để cải thiện sinh hoạt ở chiến trường. Đến đâu, có khe suối, chỉ cần kiếm một chút mồi, chặt một cành cây làm cần câu là có thể kiếm thêm con cá cho bữa ăn ở chiến trường. Không thể coi thường việc nhỏ này...

Từ 1967 đến cuối năm 1973, ở chiến trường Trị Thiên Huế, tôi vẫn nhớ những kinh nghiệm và những lời dặn dò của anh Trân. Khi dừng lại mắc võng bên bờ suối, tôi chú ý đề phòng những cơn lũ quét bất ngờ ập đến trong đêm. Những khi câu được cá, tôi lại nhớ anh. Tôi hình dung anh đang chỉ huy một sư đoàn chiến đấu ở Tây Nguyên...

Sau năm 1973, lại được gặp chị Bích Hà ở Hà Nội, tôi mới biết anh đã bị sa vào tay địch. Anh khéo che giấu được tung tích của mình trong một vai y tá đông y quân giải phóng. Tôi hiểu tính tình hiền lành, vui nhộn, hay đùa hay tếu và nhất là tác phong gần gũi quần chúng đã giúp anh che mắt được quân địch. Tôi khâm phục và mừng anh an toàn trở về với gia đình và đồng đội.

Tháng 11 năm 2006, cùng chị Võ Bích Hà, tôi được đến dự buổi họp mặt truyền thống của cán bộ và chiến sĩ Hội Cựu chiến binh Sư đoàn 341 tại Hà Nội. Những tiếng nói chân tình và tốt đẹp của đồng đội dành cho người thủ trưởng quý mến là một niềm an ủi lớn đối với chị Bích Hà và các cháu. Tôi cũng đã đến thăm gia đình chị Võ Bích Hà ở đường Cộng Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh và thắp một nén nhang trước di ảnh của anh, nhớ tiếng cười lạc quan và giọng nói thân tình của một người anh, một vị tướng dũng cảm sống trọn vẹn cho đất nước và gia đình...
Hà Nội, 4-2007
T.P.T
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #104 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2016, 11:59:07 am »


THIẾU TƯỚNG TRẦN VĂN TRÂN

Đồng chí Trần Văn Trân, sinh ngày 1 tháng 5 năm 1927 tại thành phố Huế trong một gia đình có truyền thống cách mạng.

Từ tháng 7 năm 1944 đến 26 tháng 9 năm 1945 hoạt động trong tổ chức Việt Minh Nguyễn Tri Phương, thành phố Huế, tham gia công tác cho cuộc khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945 tại Huế.

Ngày 26 tháng 9 năm 1945, đồng chí gia nhập giải phóng quân ở Huế, đơn vị Trung đoàn Trần Cao Vân - 101.

Từ tháng 8 năm 1947 đến tháng 6 năm 1964 đồng chí đã qua các đơn vị từ cấp Đại đội phó đến Thượng tá Sư đoàn phó Sư đoàn 325.

Tháng 3 năm 1965 đến tháng 12 năm 1969 đồng chí vào chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên, giữ chức vụ Sư đoàn trưởng Sư đoàn 1. Sau đó đồng chuyển về chiến trường Nam Bộ giữ chức Sư đoàn trưởng Sư đoàn Nam Bộ, Phó bí thư Tiền phương Tư lệnh Mặt trận An Giang.

Từ tháng 2 năm 1970 đến tháng 2 năm 1973, trên đường đi công tác bị địch phục kích, đồng chí bị thương và bị địch bắt giam ở các nhà tù Cần Thơ, Hố Nai. Tại đây tổ chức cử đồng chí giữ nhiệm vụ Bí thư Đảng ủy trong nhà tù. Trong những năm tháng ở tù, bị địch tra tấn dã man nhưng đồng chí vẫn giữ vững khí tiết của người cộng sản. Tưởng như đồng chí không còn nữa, nhưng sau khi ký Hiệp định Pa-ri đồng chí được trở về trong chiến thắng của dân tộc.

Từ năm 1973 đến tháng 7 năm 1975, đồng chí lại tiếp tục vào chiến trường giữ chức vụ Đại tá Sư đoàn trưởng Sư đoàn 341 và đã tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đến ngày 3 tháng 4 năm 1976 là Đại tá Phó Tư lệnh Quân đoàn 4.

Từ tháng 12 năm 1976 đến tháng 8 năm 1980 đồng chí là Phó Viện trưởng - Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Học viện Quân sự Đà Lạt.

Từ tháng 9 năm 1984 đến tháng 12 năm 1985 đồng chí là Thiếu tướng Tham mưu trưởng Mặt trận 719.

Từ tháng 7 năm 1988 đến tháng 10 năm 1991 là Ủy viên Ban chỉ đạo Đoàn K88 tại Campuchia.

Từ tháng 11 năm 1991 đến tháng 12 năm 1994 đồng chí là cán bộ nghiên cứu của Bộ Quốc phòng.

Đến tháng giêng năm 1995, đồng chí nghỉ hưu. Khi về địa phương, đồng chí tham gia Hội cựu chiến binh, Hội người cao tuổi. Đồng chí Trân đã tích cực hoạt động trong các tổ chức Đảng, Đoàn thể địa phương, hòa mình cùng bà con đường phố tích cực hoạt động, được đồng đội và nhân dân quý mến.

Trong những năm tháng công tác và chiến đấu, với những cương vị công tác khác nhau nhưng dù ở cương vị nào đồng chí Trần Văn Trân cũng đem hết nhiệt tình, trách nhiệm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nêu cao tinh thần đấu tranh chống mọi kẻ thù của giai cấp, của dân tộc, phẩm chất cách mạng trong sáng. Tính tình hiền hậu, khiêm tốn, giản dị trong mọi sinh hoạt, tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, thân ái với đồng đội.

Trong suốt những năm chiến đấu và công tác, đồng chí đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng:

-   Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng
-   Cán bộ Tiền khởi nghĩa
-   3 Huân chương Quân công hạng Nhất, Nhì
-   1 Huân chương Quân công giải phóng hạng Ba
-   4 Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì
-   Huân chương Chiến thắng hạng Nhất
-   Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng 1, 2, 3
-   Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng 1, 2, 3
-   Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất
-   Huân chương bảo vệ Tổ quốc Ăngko hạng Nhất
-   Huy chương quân kỳ quyết thắng
-   Kỷ niệm chương “Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù, đầy”
Và nhiều bằng khen, giấy khen

Do căn bệnh hiểm nghèo, mặc dù đã được y bác sĩ bệnh viện Thống nhất và gia đình tận tình cứu chữa, nhưng do căn bệnh quá nặng, đồng chí trút hơi thở cuối cùng vĩnh viễn ra đi từ giã chúng ta vào lúc 11 giờ 10 phút ngày 19 tháng 3 năm 1997 (nhằm ngày 21 tháng 2 năm Đinh Sửu) hưởng thọ 71 tuổi. Gần 52 năm tham gia hoạt động cách mạng, “Với 51 tuổi Đảng cả cuộc đời quên mình vì Tổ quốc, gia đình, con cháu, bằng hữu, đồng đội”. Đồng chí Trân mất đi đã để lại trong lòng chúng ta hình ảnh một đảng viên trung kiên, một chiến sĩ kiên định, một người đồng đội chân thành. Đây là những hình ảnh không thể nào quên được, tiếc thương sao một cuộc sống vẹn tròn, một tấm lòng nhân nghĩa.

Đồng chí Trần Văn Trân mất đi, Đảng ta mất đi một đảng viên trung kiên, với gia đình đây là một mất mát không có gì bù đắp được, với bạn bè, đồng chí, đồng đội những người có mặt ở đây cũng như những người chưa kịp về đây để từ giã đồng chí, chúng ta mất đi một người đồng chí, một người anh gần gũi, chân thành.

Đồng chí Trần Văn Trân đã vĩnh biệt chúng ta để đi vào cõi vĩnh hằng, để lại lòng thương tiếc vô hạn trong lòng mỗi chúng ta. Đồng chí mất đi nhưng tinh thần, đạo đức, tình cảm của đồng chí sẽ mãi mãi là những hình ảnh tốt dẹp, gần gũi trong lòng mỗi chúng ta...
(Trích điếu văn do Thiếu tướng Nguyến Văn Chia, Phó Tư lệnh Quân khu 7 đọc)
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #105 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2016, 12:03:35 pm »


LỜI TƯỞNG NIỆM

Đồng chí Trân ơi! Đồng đội trên quê hương cố đô Huế quá đau buồn, quá bàng hoàng lúc nghe đồng chí ra đi đột ngột, không một lời trăng trối, không một lời vĩnh biệt vợ con, bạn bè, đồng đội. Đồng chí Trân ơi! Đồng chí đi thật rồi ư? Ra đi thanh thản quá, đã để lại bao nhiêu mọi sầu đau thương cảm, nuối tiếc, nhớ nhung cho người ở lại. Đứng trước bàn thờ khói hương nghi ngút là những đồng chí, đồng đội đã từng sánh vai cùng đồng chí chiến đấu khắp các nẻo đường của đất nước, đã giữ trọn lời thề thứ 7, luôn giữ trọn “Bài ca không quên” một mối tình đồng đội son sắt bất diệt.

Chúng tôi những người có mặt xin thay mặt cho toàn thể đồng chí, đồng đội hôm nay không có mặt xin gửi đến vong linh đồng chí nỗi niềm thương tiếc vô hạn.

Đồng chí Trân ơi! Bạn bè nhớ buổi tòng quân, nhớ tình chiến hữu máu xương chia lửa đạn, nhớ những thuở trường chinh, nhớ những trận phục kích, công đồn, nhớ hạt muối mặn trên môi, nhớ tấm chăn đơn co quắp suốt đêm trường.

Ôi bao nhiêu cái nhớ, cái vui buồn, cho nên kỷ niệm có lúc vô tình qua đi, nhưng ký ức đời lính của chúng mình luôn tồn tại.

Đồng chí là một đồng đội thủy chung, chân tình, giản dị, một người chồng mẫu mực, một người cha chăm lo cho các con từng bước trưởng thành, vun đắp cho các con thành những hoa thơm cỏ ngọt trong vườn hoa tươi đẹp, trọn vẹn ân tình trong tình làng nghĩa xóm, một người con ưu tú của Đảng, của Tổ quốc mang đủ 4 chữ: “Trung - Hiếu - Vẹn - Toàn” một con người đức độ như vậy. Ôi đồng chí đã từ giã gia đình, bạn bè, đồng đội ra đi sớm quá, đột ngột quá, đồng đội quá thương tiếc đồng chí, không ai muốn tin đó là sự thật.

Thưa vong linh đồng chí Trần Văn Trân!

Với đau thương vô hạn, hôm nay chúng tôi là đồng đội Cựu chiến binh, đồng đội Trung đoàn Trần Cao Vân - 101, Tiểu đoàn 227 xin có lời “tạm biệt” chứ không nói là vĩnh biệt, vì đồng chí vẫn sống mãi trong tâm tư tình cảm và kỷ niệm, ký ức chúng tôi, giống các cuộc chia tay trước lúc lên đường chiến đấu đầy hiểm nguy, không rõ ai còn, ai mất.

Với chị Hà, con cháu, họ hàng, chúng tôi những đồng đội thân tình chí cốt với đồng chí Trân, xin chia buồn sâu sắc đến gia quyến lòng thương tiếc vô hạn.

Đồng chí Trân ơi! Trái tim đồng chí đã dừng cấp dòng máu ấm, mọi ưu tư cũng tiêu tan trong lòng, mắt đồng chí đã khép lại để về cõi vĩnh hằng. Trong giờ phút đau thương này mới rõ, lúc lâm chung càng thấu rõ bạn bè, gánh trần thế sẽ nặng vai người ở lại.

Chúng tôi những người ở lại xin nguyện trước vong linh đồng chí, sẽ gánh vác thêm phần đồng chí, đóng góp bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa.

Một lần nữa chúc đồng chí thanh thản ra đi và xin chia buồn sâu sắc đến gia quyến
Huế, 10-4-1997
Hội Cựu chiến bình tỉnh Thừa Thiền Huế
Hội Cựu chiến binh thành phố Huế
Ban liên lạc Trung đoàn Trần Cao Vân -101
Ban liên lạc Tiểu đoàn 227


HẾT
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM