Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 05:23:13 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chuyện bây giờ mới kể  (Đọc 30782 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #90 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2016, 08:23:04 pm »



NGƯỜI CHIẾN SĨ TRONG TÔI
Trần Ngọc Thúy1


Có lẽ con người và sự vật đều sợ thời gian vì lớp bụi thời gian sẽ phủ mờ đi tất cả. Nhưng cũng có khi những kỷ niệm khó quên cùng những con người mà ta hằng luôn kính trọng sẽ sống mãi trong lòng mỗi chúng ta, vượt qua thời gian...

Ông bác! Tiếng gọi thân thương và quen thuộc mà tôi đã từng gọi ông Trần Văn Trân, người ông kính yêu của tôi. Cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh của ông bác. Đó là một con người to cao, khỏe mạnh, nét mặt lúc nào cũng có vẻ nghiêm nghị nhưng lại rất vui tính và dễ gần. Những lúc rảnh rỗi, tôi thường được ông nội kể cho nghe về cuộc sống vất vả của gia đình hồi xưa và cả cuộc đời ông bác: “Nhà mình hồi xưa nghèo lắm, bà cố hằng ngày phải gánh hàng gia vị ra chợ Cống bán để kiếm tiền nuôi các con khôn lớn. Hồi nhỏ ông và ông bác cùng đi học chung một trường, một lớp và ông bác luôn bảo vệ cho ông mỗi khi ông bị những học sinh khác ăn hiếp. Nhưng do nhà mình nghèo nên ông bác phải nghỉ học sớm, xin đi làm thợ máy và phụ lái ô tô để kiếm tiền phụ giúp gia đình”. Giọng ông kể đến đây có cái gì đó nghèn nghẹn. Dường như những kỷ niệm hồi ấu thơ khi có ông bác đang ùa về trong ông. Ông bác vừa là một người anh, một người bạn nhưng cũng vừa là một người đồng chí của ông tôi.

Suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc: chống Pháp và chống Mỹ, ông bác đã đi chiến đấu từ chiến trường này đến chiến trường khác, trải qua bao nhiêu khó khăn, bệnh tật... nhưng “người chiến sĩ ấy” vẫn quyết tâm một lòng chiến đấu anh dũng, kiên cường để bảo vệ Tổ quốc. Cũng vì có ý thức, trách nhiệm cao trong chiến đấu nên ông bác đã trưởng thành từ anh chiến sĩ nuôi quân đến Thiếu tướng Quân đoàn phó. Bên cạnh những thành tích có được qua hai cuộc kháng chiến thì có một điều cho đến khi mất cả ông bác và ông tôi bây giờ còn nuối tiếc. Đó là không kịp về thăm “mẹ” lần cuối.

Giờ đây, khi hai cuộc kháng chiến đã đi qua “người chiến sĩ ấy” trở về với cuộc sống đời thường bên cạnh gia đình, làng xóm. Từ ngày xuất ngũ, ông bác đã vào sống ở Thành phố Hồ Chí Minh nên tôi cũng ít có dịp được gặp. Nhưng những lúc có cơ hội được ra thăm Huế, ra thăm quê hương thì ông bác lại ở đây vài ba tháng. Nhớ những ngày ở Huế, ông bác vẫn giữ những thói quen khi sống trong quân ngũ, rất ngăn nắp và sạch sẽ. Hằng ngày ông bác dậy rất sớm đi tập thể dục và sau đó là chăm sóc những chậu cây trong vườn. Trước đây ở phía sau nhà tôi có mảnh đất trồng rất nhiều loại cây: nào là bắp, mía, nào là vú sữa, sa-pô-chê... Mỗi lần đến mùa, cả nhà tôi và ông bác đều ra thu hoạch và trồng lại một vụ mới. Nhìn những lúc ông bác cuốc đất, trồng cây cứ như là một người nông dân thực thụ, rất nhanh nhẹn và chăm chỉ.

Chiều chiều, sau bữa cơm thân mật, cả gia đình tôi và ông bác lại ngồi quây quần bên nhau trò chuyện vui vẻ. Ông bác và ông tôi ngồi ôn lại những kỷ niệm xưa hồi còn nhỏ rồi đến khi vào trong quân đội và kể lại cho mọi người cùng nghe. Có lẽ câu chuyện ông bác kể lại làm tôi nhớ nhất là những vụ đánh lộn hồi nhỏ. Hồi xưa, ông tôi và ông bác cùng học chung một lớp tiểu học. Ông tôi do tính tình hiền lành nên luôn bị những học sinh khác bắt nạt. Và mỗi lần như vậy ông bác đều đứng ra bảo vệ và che chở cho ông tôi. Vì thế mỗi lần đi học ông bác đều giao nhiệm vụ cho ông tôi xách cặp của hai anh em. Đối với ông tôi thì ông bác luôn là chỗ dựa an toàn cho ông những ngày thơ ấu. Có lẽ cái tính thẳng thắn, cương trực và dũng cảm đó đã theo ông bác vào cả chiến trường.

Trong cuộc sống, ông bác luôn được mọi người tin yêu, kính trọng. Chẳng bao giờ ông bác la mắng ai nặng lời mà chỉ nhẹ nhàng khuyên bảo, dạy dỗ. Hồi nhỏ, mỗi lần có dịp được ba mẹ cho vào Thành phố Hồ Chí Minh chơi, tôi rất vui. Vào trong đó, tôi luôn được nghe những câu chuyện hài hước, vui vẻ của ông bác, được đi xem những con cá cảnh của ông bác nuôi...

Tất cả những điều đó đã để lại một ấn tượng sâu sắc về ông bác trong tuổi thơ của tôi.

Nhưng rồi một ngày điều đau buồn đã xảy ra. Ông bác đã đi mãi mãi vào cõi vĩnh hằng để lại bao tiếc thương cho gia đình, đồng đội và bạn bè. Khi nghe tin ông bác mất, gia đình tôi không khỏi bàng hoàng, sửng sốt, không tin đó là sự thật mặc dù biết ông bác không còn khỏe nữa.

Tuy ở xa nhưng cả gia đình tôi đã kịp vào với ông bác. Trong tang lễ, không những chỉ có gia đình, người thân mà cả đồng đội, bạn bè, bà con lối xóm đều đến khóc thương bởi sự ra đi đột ngột của ông bác.

Suốt ba ngày tang lễ, cơ quan đoàn thể, đồng đội, bạn bè không ngớt đến thăm viếng. Nhiều ông, nhiều bà khóc nức nở, kể lể thảm thiết: “Anh Trân ơi! Anh ra đi đột ngột, đồng đội, bạn bè thương anh nhiều lắm anh ơi!”, “Sao anh ra đi không một lời nhắn nhủ, không một lời trăng trối, thế là anh đã mãi mãi ra đi không còn về Huế quê ta nữa anh ơi!”. Cả đám tang không ai cầm được nước mắt.

Khi về Huế, nơi mà ông bác sinh ra và lớn lên, tuy nghèo khó, vất vả nhưng chứa đựng bao nhiêu kỷ niệm sâu sắc. Gia đình tôi và đồng đội lại tổ chức truy điệu ông bác không kém phần trang nghiêm. Bà con, đồng đội, bạn bè đến với ông bác với bao nỗi niềm thương nhớ chứa đựng tình đồng chí, tình quê hương sâu đậm. Mọi người đứng bên bàn thờ úp mặt khóc nức nở, thật là cảm động! Đến khi chiếu lại cuốn băng đám tang của ông bác, anh tôi vẫn khóc nức nở: “Ông bác ơi!... Ông bác ơi!...”, cả nhà cũng khóc theo. Và một thời gian khá dài, mỗi lần ăn cơm, ông tôi đều xới thêm một bát cơm quay vào bàn thờ mời ông bác cùng ăn. Tuy ông bác đã mất nhưng mãi mãi gia đình tôi không bao giờ quên.

Sự ra đi của ông bác là một mất mát quá lớn và nó để lại một khoảng trống trong lòng ông tôi cũng như tất cả mọi người.

Ông bác ơi! Làm sao cháu có thể quên được hình ảnh người chiến sĩ dũng cảm trong chiến đấu, thân thuộc và gần gũi trong cuộc sống đời thường.

Thời gian trôi qua nhanh thật, mới đó đã 10 năm rồi kể từ khi ông bác mất. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa thì ông bác vẫn luôn sống mãi trong trái tim của mọi người thân yêu.
T.N.T
_____________________________________
1. Cháu nội của Đại tá Trần Văn Sang, em ruột Thiếu tướng Trần Văn Trân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #91 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2016, 08:24:11 pm »


KỶ NIỆM VỀ MỘT TRẬN ĐÁNH
Đại tá Đinh Như Ninh

Tháng 1 năm 1968, Sư đoàn 325B chúng tôi tách khỏi đường mòn Hồ Chí Minh từ ngã ba La Hạp tiến về hướng đông. Trong hơn một tháng dưới trời mưa rả rích, sên, vắt rừng và muỗi mòng nhiều vô kể, bộ đội khiêng vác nặng lại phải vừa đi vừa mở đường nhưng vì tiếp tế khó khăn nên mỗi người chỉ được ăn 150 gam gạo mỗi ngày. Máy bay địch quần đảo rải chất độc phá rừng để ngăn chặn.

Đầu tháng 3 năm 1966, bộ đội đã tập kết xong, chuẩn bị đánh cứ điểm A Sầu do 7 đại đội biệt kích địch chiếm giữ.

Sắp đến ngày N, tại Sở chỉ huy Sư đoàn mỗi người một việc ai nấy đều khẩn trương chuẩn bị. 5 giờ chiều ngày 5 tháng 3, đồng chí thượng tá Trần Văn Trân - Sư đoàn phó kiêm Tham mưu trưởng cho gọi tôi (lúc đó là đại úy trợ lý bảo vệ) nhận nhiệm vụ đi vòng qua phân đội nghi binh ở A Táo xác minh thực hư thế nào vì địch đưa tin có 2 cán binh Bắc Việt vào đầu hàng địch tại đồn A Sầu. Nếu có kẻ đầu hàng thì mức độ hiểu biết của họ về kế hoạch tác chiến của sư đoàn đến đâu? Tính toán lợi hại và đề xuất nên đánh hay chưa đánh? Anh Trân cho biết sẽ cho xác minh trên các hướng khác ngay trong đêm nay để kịp thời tổng hợp báo cáo với sư đoàn lúc 15 giờ ngày mai. Anh Trân nói tiếp: “Từ đây qua A Táo mất ba tiếng đồng hồ ban ngày. Bây giờ trời mưa lại đi ban đêm, phải khẩn trương lắm mới kịp về đây trưóc 3 giờ chiều ngày mai”. Để bảo đảm công việc, sư đoàn đồng ý cho sử dụng vệ binh hoặc trinh sát với số lượng và trang bị thế nào tùy tôi lựa chọn.

Tôi nói: đi đông nặng nề lắm, tôi chỉ xin một tổ trinh sát ba người mà tôi đã quen sử dụng trong đợt chuẩn bị địa hình vừa qua.

Trời vẫn mưa, bốn chúng tôi lên đường lúc trời đã tối mịt. Khi ngang qua Phòng tham mưu, thiếu tá Trần Hữu Xung - Tham mưu phó nhắc tôi phải cảnh giác chống địch phục kích trên đường đi. Nhất là khi đến, cần đề phòng địch đón sẵn tại A Táo. Tôi gật đầu ghi nhận. Chúng tôi lầm lũi đi trong đêm tối, đường trơn, bùn nhão nhoẹt. Cách sở chỉ huy khoảng một cây số tôi cho tạm dừng, dặn dò anh em những điều cần thiết rồi đi theo đội hình chiến đấu, nếu gặp địch thì tìm cách vòng qua. Chúng tôi vừa đi, đói thì nhấm nháp gạo rang, khát thì uống nước bi đông để tranh thủ thời gian. Dọc đường có gặp một số trở ngại, chúng tôi đều vượt qua và đến khu vực A Táo lúc 1 giờ sáng. Tôi cho dừng lại tản ra, cử một người lên dò xét. Thấy có bóng người, tôi dùng mật khẩu bắt liên lạc. Biết đúng là người của ta, mừng quá!

Tôi tìm gặp đồng chí Phát, đại úy phụ trách phân đội nắm tình hình chung, rồi đi gặp lần lượt những người cần thiết, khó nhất là tìm gặp cho được đồng chí nữ du kích dân tộc Pakô, người đã tận mắt nhìn thấy hai tên đầu hàng đi vào đồn địch lúc 4 giờ chiều ngày 4 tháng 3.

Xong việc lúc gần 9 giờ, tôi gặp lại đồng chí Phát nói lời cảm ơn về ý thức bảo mật chiến dịch phổ biến nhiệm vụ cho phân đội nghi binh rồi quay về sở chỉ huy sư đoàn. Trời tạnh mưa, tôi vừa đi vừa suy nghĩ nội dung báo cáo và đề xuất đánh hay chưa đánh... Dọc đường về tôi gặp một cán bộ trinh sát và được biết địch đã tăng thêm 150 tên biệt kích Nùng xuống đồn A Sầu.

Thượng tá Trần Văn Trân đón tôi lúc 12 giờ 30 phút, tôi báo cáo họ tên, cấp chức, quê quán đơn vị và thời gian hai tên đầu hàng đã vào đồn địch, xác định mức độ hiểu biết bí mật của chúng và đề nghị cứ đánh tiêu diệt bằng sức mạnh áp đảo. Anh Trân chú ý lắng nghe và biểu dương chúng tôi.

Tôi hiểu bằng nhiều nguồn tin và các yếu tố quan trọng khác, sư đoàn đã hạ quyết tâm và được cấp trên phê duyệt.

Trận đánh đã diễn ra trong 2 đêm và hơn hai ngày với kết quả: Quân ta đã tiêu diệt, bắt sống toàn bộ 7 đại đội và 150 tên biệt kích mới tăng cường cùng một số cố vấn Mỹ, thu toàn bộ vũ khí trang bị, san phẳng căn cứ A Sầu, giải phóng vùng rừng núi rộng lớn huyện A Lưới, Thừa Thiên. Đây là trận đánh được Bộ Tổng Tư lệnh đánh giá là một trong tám đòn sấm sét mà Quân giải phóng miền Nam đã giáng vào đầu bè lũ Mỹ ngụy trong mùa Xuân 1966.

Kỷ niệm này gợi nhớ trong tôi hình ảnh nhanh nhẹn của tổ trinh sát do thiếu úy Trần Quang Nhạ người Nam Đàn chỉ huy, đã cùng tôi vượt gian nan trong một đêm thức trắng. Đặc biệt, tôi nhớ đồng chí Trần Văn Trân, người cán bộ chỉ huy mưu trí, quyết đoán.
Đ.N.N
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #92 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2016, 08:26:53 pm »


KỶ NIỆM NHỎ VỀ ANH BA TRÂN
Hồng Trần1


Là đồng hương, đồng đội, đồng chí, nhưng anh Trân ở bên quân sự, còn tôi ở ngành quân y nên chúng tôi ít có điều kiện gặp nhau nhiều, nhưng tiếng tăm về tài đánh giặc của anh thời chống Pháp, chống Mỹ, thì cả Trung đoàn Trần Cao Vân - 101, Sư đoàn 325 ai ai cũng biết.

Chuyện chiến đấu thì các đồng đội của anh Trân đã viết nhiều, riêng tôi chỉ xin kể lại mấy chi tiết nhỏ về đời sống bình thường của anh, một chàng trai xứ Huế mặc áo lính. Lúc xung trận, anh Trân là vị chỉ huy đầy bản lĩnh, mưu trí, dũng cảm, lập được nhiều chiến công vang dội, khiến kẻ thù phải khiếp sợ..., nhưng về đời thường anh là một thư sinh hiền lành, lúc nào cũng dí dỏm, hài hước và thích đùa nghịch. Anh gọi chị Hồng Tịnh là con mệ Tịnh, gọi tôi là Hồng Trần nghĩa là gió bụi, gọi anh Võ Quang Hồ bạn thân của mình là “cậu Hồ của tau” để trêu chọc Lệ Tùng, vì Lệ Tùng là cháu gọi anh Hồ bằng cậu. Đó là đặc điểm riêng của anh, luôn đùa nghịch thân mật với bạn bè thân thiết. Ngay cả Bích Hà vợ anh trong câu chuyện vui với bạn bè vẫn thường nói về chồng mình một cách âu yếm: “Ôi! Cái ông rể thiên lôi!”

Anh kể năm 1945, khi mới vào bộ đội anh rất trẻ, đẹp trai, dáng dấp thư sinh, vui tính. Được phân công làm anh nuôi, tiếp phẩm, anh ra chợ Đông Ba còn ngỡ ngàng chưa biết mua gì thì các mẹ đã xúm đến hỏi thăm: “Con đi chợ mua chi? Để mạ mua giùm cho..”. Chỉ một loáng, các mẹ đã mua đủ loại thực phẩm ngon: thịt, cá, tôm, rau... rồi bảo anh đem về mà không lấy tiền. “Rứa là mình đem về đơn vị nấu nướng cho bộ đội ăn ngon lành, được anh em khen mãi, lần sau lại cử mình đi chợ nữa”.

Anh sống giản dị, hồn nhiên, cởi mở, chan hòa với mọi người, giống như anh Nguyễn Chí Thanh của chúng ta vậy. Anh rất quan tâm giúp đỡ những đồng chí còn yếu kém về trình độ văn hóa. Bản thân anh cũng ra sức học tập, với trí thông minh nhạy cảm sẵn có, anh tiến bộ rất nhanh. Nhiều lần anh đến Quân y viện 108 ở Hà Nội gặp bác sĩ Ngọc Toản và tôi, anh nói rất chân tình: ở đây có hai đồng chí là đồng đội của đồng chí Hằng, rất mong các đồng chí quan tâm giúp Hằng nâng cao trình độ văn hóa cho kịp với mọi người. (Bây giờ, nữ đồng chí Hằng vẫn đang công tác tại khoa Ngoại B2 ở Bệnh viện 108).

Chín năm kháng chiến chống Pháp vô cùng gian khổ ở chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa và ở nước bạn, anh Trân cũng như nhiều đồng đội không có thì giờ và hoàn cảnh thuận lợi để nghĩ đến việc xây tổ ấm riêng tư...

Sau hòa bình lập lại, mãi đến 1956, 1957, đồng đội mới thúc giục anh Trân tìm một mái ấm gia đình...

Một tối thứ 7 năm 1956, đồng chí bảo vệ cổng Quân y viện 108 thấy một đoàn cán bộ quân đội đến cổng hỏi gặp đồng chí Hồng. Vừa thấy tôi ra cổng, đồng chí Dương Sự nói như ra lệnh:

- Đi! Nhập vào đoàn mà đi cho đủ bộ!

Tôi tò mò hỏi:
- Đi mô rứa?
- Đi hỏi vợ cho Trân!

Tôi reo lên:
- Hoan hô, rứa thì tôi xin xung phong cùng đi với các anh!

Thế là ngẫu nhiên hình thành một đội họ nhà trai đến nhà gái. Đoàn gồm có: đồng chí Dương Sự làm trưởng đoàn, đồng chí Nguyễn Văn Mót, anh Trân, hai đồng chí nữa mà tôi quên tên, và cuối cùng là tôi, duy nhất là nữ. Tất cả vui vẻ, vừa đi vừa nói chuyện, một lúc thì đến nhà cụ Võ Lương, thủ trưởng cũ của anh Trân...

Thấy khách là “lính cũ” của mình, cụ Võ Lương vui vẻ, thân mật đón tiếp. Bà cụ ngồi nhai trầu, chị Thúy pha trà mời khách uống. Riêng “tiểu thư” Bích Hà khi ấy thẹn thùng e ấp sau rèm cửa...

Lần đầu đi hỏi vợ chưa kết quả... Lần thứ hai, còn gặp trắc trở gì đó. Anh Trân ra về có vẻ buồn... Chung quy cũng tại cái tính nghịch ngợm hồn nhiên như trẻ con của anh không bỏ được. Anh hay đùa nghịch, kể cả với cụ Lương, ông bố vợ tương lai của mình... Hôm ấy anh đến nhà thấy cụ Lương đang nằm ngửa trên gường, anh vui tính nghịch ngợm lăn lên nằm trên bụng cụ Lương, bà cụ thấy vậy, lắc đầu ngao ngán kêu lên:

- Chao trời, sắp làm rể mà dám nghịch ngợm như rứa tề!

Có lẽ vì thế mà anh và đồng đội phải đi lại nhiều lần. Cuối cùng thì ở hiền gặp lành... Trời cũng thương và hạnh phúc đã đến với anh. Anh được cụ Lương và cụ bà chọn làm “phò mã” để cùng “tiểu thư” Bích Hà xây đắp hạnh phúc lâu dài...
________________________________________
1. Cựu chiến binh Trung đoàn Trần Cao Vân - 101, Sư đoàn 325.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #93 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2016, 08:27:18 pm »


Năm 1970, nghe tin anh bị địch bắt và đã hy sinh, quân đội tổ chức truy điệu, gia đình lập bàn thờ hương khói. Anh Trần Quốc Phong (con trai cụ Trần Gia Hội) đang học lớp Chuyên tu 5 tại Trường đại học Quân y với tôi ở Hà Đông đã tranh thủ về Hà Nội dự lễ truy điệu.

Ngày hôm sau, tôi đi tàu điện từ Hà Đông ra Hà Nội tìm đến nhà cụ Võ Lương xin được thắp nén nhang cho anh Trân. Vợ anh là Bích Hà đi vắng, tôi gặp ông bà cụ ở nhà, hai cụ lặng lẽ không nói gì.

Đến trước bàn thờ, nhìn lên bức ảnh của anh Trân được phóng to, đôi mắt sáng nhìn thẳng, tôi thắp hương khấn vái xong, xúc động quá, tôi gục đầu vào bàn thờ đứng khóc nức nở. Tôi khóc rất lâu, khi nỗi đau đã vơi đi, tôi mới lau nước mắt và xin phép hai cụ ra về.

Thời gian sau, được tin anh còn sống và được trao trả trở về, hiện đang điều trị tại Quân y viện 108, tôi vội đến thăm anh. Đứng trước cửa phòng A1 nhìn vào thấy chị Cúc (vợ anh Nguyễn Chí Thanh) và bác sĩ Ngọc Toản (vợ anh Cao Văn Khánh) đang ngồi trò chuyện với anh, tôi ngập ngừng chưa muốn vào. Chợt anh nhìn thấy tôi và gọi to:

- Hồng Trần! Vào đây! Vào đây! Làm được mấy bài thơ rồi? Đọc cho nghe mau! À, mà còn mắc nợ tau hai con vịt, trả đây mau. Ai bảo tế sống tau?

Rồi anh quay sang nói với hai chị:

- Hắn đến nhà thắp hương tế sống tui, chừ tui phải đòi nợ hắn mới được!

Tôi nghĩ bụng chắc là cụ Lương đã kể lại chuyện tôi đến thắp hương cho anh ngày trước...

Tháng 3 năm 1997, tôi cùng đoàn Cựu nữ sinh Đồng Khánh Huế từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Huế họp 80 năm ngày thành lập trường. Khi về lại Thành phố Hồ Chí Minh lúc 18 giờ 30 phút ngày 30 tháng 3 năm 1997, vừa bước chân vào nhà, nghe con tôi nói: “Má ơi! Chú Trân mất rồi! Trên ti vi có thông báo... Tôi bàng hoàng, sửng sốt... Đột ngột quá!”.

Không còn thì giờ ăn uống gì nữa, tôi vội đi xe ôm chạy đến Tân Bình để thắp nén nhang cho anh và chia buồn cùng gia đình... Đêm ấy tôi ở lại đó, ngồi gục đầu vào thành ghế suy nghĩ miên man, để sáng mai đưa đám cho kịp.

4 giờ sáng, cả nhà đã dậy chuẩn bị mọi thứ. Các đồng chí, đồng hương, đồng đội thân thiết của anh đã có mặt đầy đủ: anh Hà Văn Lâu, anh Võ Quang Hồ, anh Trần Chí Cường, anh Mai Xuân Tần, Lê Chí Thuận, v.v... Và chính quyền địa phương đã đứng chật ních cả sân nhà anh, im lặng trong niềm xúc động đau thương chuẩn bị đưa anh ra nơi an nghỉ cuối cùng...
H.T
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #94 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2016, 11:48:01 am »


NHỚ MÃI MỘT NGƯỜI ANH
Huỳnh Kim Yến1


Tôi bắt đầu nghe nói về anh Trần Văn Trân khi còn học phổ thông Trường cấp III Nguyễn Trãi với chị Bích Hà (1957 - 1959). Lúc đó mà có người bạn gái học cùng quen với một sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam là “oách” vô cùng. Chúng tôi cứ to nhỏ với nhau: “lính chân chì” đấy, không phải dễ tìm đâu nghe!

Thật tình lúc ấy tôi cũng chưa được giáp mặt anh Trân bao giờ. Cứ nhớ như in, mỗi lần anh đến rủ chị Bích Hà đi chơi, chúng tôi lại giật bắn người vì tiếng chọi của viên sỏi vào kính cửa sổ phòng nội trú chúng tôi đang ở một cách bất ngờ. Đúng là kiểu hò hẹn người yêu của con nhà lính, vừa nghịch ngợm nhưng cũng rất “chì”!!!

Những năm tháng sau đó trong khi chúng tôi được tiếp tục học hành trong khung cảnh hòa bình ở miền Bắc và với điều kiện khá đầy đủ khi được đi học ở nước bạn, thì anh Trân và biết bao đồng đội khác trong đó có cả những bạn cùng học với chúng tôi đã cống hiến tất cả tuổi thanh xuân tươi đẹp cho cuộc chiến đấu chống Mỹ ở chiến trường miền Nam. Chúng tôi có những người bạn cùng lớp, cùng trường năm xưa đã hy sinh anh dũng như nhà thơ trẻ Ca Lê Hiến (Lê Anh Xuân), kỹ sư thổ nhưỡng Huỳnh Phan Lê, cô diễn viên văn công xinh đẹp Nguyễn Kim Yến, v.v... Còn anh Trân đã trải qua biết bao khó khăn, gian khổ, vào sinh ra tử ở mặt trận Tây Nguyên rồi chiến trường Nam Bộ. Tại đây, anh bị sa vào tay giặc gần 3 năm trời nhưng vẫn giữ gìn được khí tiết, khôn khéo đấu tranh với địch để bảo toàn tính mạng. Sau khi được trao trả, anh tiếp tục là một Sư đoàn trưởng xuất sắc của Sư đoàn 341 anh hùng, đánh thắng Mỹ ngụy tại cửa ngõ vào Sài Gòn góp phần tạo nên chiến thắng lẫy lừng 30-4-1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Chính những tấm gương hy sinh và chiến đấu kiên cường đó là động lực thôi thúc chúng tôi, những học sinh miền Nam sống trên đất Bắc luôn phấn đấu rèn luyện và học tập thật tốt, công tác thật tốt để mong ngày được trở về miền Nam, được góp sức mình xây dựng lại quê hương.

Cuối năm 1975, tôi dược trở về Sài Gòn làm cán bộ giảng dạy môn Hóa của Trường đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Đúng là có duyên với nhau hay sao ấy mà người “lính chân chì” năm nào bây giờ lại là anh nuôi của chị Hoa, dạy môn Sinh cùng trường với tôi.

Trong một lần gặp mặt ở nhà chị Hoa, tôi mới biết đấy là anh Trân chồng chị Bích Hà, bạn học thời cấp III với tôi. Thật là “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”. Bấy giờ, tôi mới thấy một anh Trân bằng xương bằng thịt, cao to lừng lững, trắng trẻo, oai phong với đôi mắt sáng hay nheo nheo khi nói những câu hóm hỉnh để chọc cười tất cả mọi người. Cách đối xử của anh rất thân tình, quan tâm và cởi mở dù lúc ấy anh đang mang quân hàm đại tá. Ngày ấy, đối với cánh dân sự chúng tôi, hàm đại tá là quá giỏi, quá cao cấp... Vậy nhưng khi tiếp xúc với anh, chúng tôi không hề cảm thấy e ngại, cách biệt mà luôn có cảm giác như đang nói chuyện với một người anh dày dạn phong sương, rất anh hùng khi đánh giặc song lại rất giản dị, rất tình người trong cuộc sống đời thường.

Chính vì thế nên anh Trân đã chú ý đến cuộc sống riêng của tôi. Cha tôi cũng là bộ đội, ông đã anh dũng hy sinh thời kháng chiến chống Pháp năm 1950. Ông là Huỳnh Đình Hai, bí danh Hai Râu, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 300, Thành đội trưởng Thành đội Sài Gòn - Chợ Lớn. Hiện nay ở quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh có một con đường được mang tên ông. Mẹ tôi mất sớm, tôi được Nhà nước nuôi dạy cho ăn học nên người. Bây giờ trở về miền Nam tôi hầu như không còn ai thân thích, gia đình riêng vừa bị đổ vỡ, có một cháu trai vừa lên 5 tuổi. Thấy hoàn cảnh của tôi, anh Trân nghĩ ngay đến người bạn chiến đấu cùng Sư đoàn 341 với mình, đại tá chính ủy Trần Nguyên Độ cũng vì hoàn cảnh riêng mà chiến đấu đến gần 50 tuổi vẫn chưa lập gia đình. Anh Trân và chị Bích Hà đã tạo điều kiện để anh Độ và tôi có nhiều dịp gặp gỡ nhau và tìm hiểu cặn kẽ. Và chính nhờ sự chân tình hết lòng của anh Trân và Ban chỉ huy sư đoàn lúc bấy giờ (anh Vũ Cao, anh Phạm Thành Minh, anh Vũ Thang...) tha thiết muốn tạo dựng hạnh phúc cho đồng đội sau bao năm tháng chịu nhiều hy sinh trong chiến đấu, nên chúng tôi đã thành đôi lứa vào cuối năm 1976.
___________________________________
1. Phu nhân cố Thiếu tướng Trần Nguyên Độ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #95 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2016, 11:48:39 am »


Anh Độ là con trai trưởng của một gia đình nông dân nhưng có truyền thống hiếu học ở làng Nguyệt Áng, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Biết được tâm lý các cụ ngoài Bắc rất thích có cháu đích tôn nên anh Trân đã chú ý “chăm sóc sức khỏe” cho anh Độ rất kỹ. Không biết từ đâu mà anh Độ luôn có những hũ rượu ngâm tắc kè đầy ắp để sẵn trong nhà (sau này tôi mới biết có sự “góp công” rất lớn của anh Vũ Thang). Mỗi lần uống một ly nhỏ trước khi ăn cơm, anh Độ lại cười khà sảng khoái: Đây là “âm mưu” của ông Trân với mấy ông trong sư đoàn đây mà!

Thật là ấm áp khó quên trong tình yêu thương hết lòng của đồng chí đồng đội. Kết quả là cuối năm 1977 tôi và anh Độ đã có được một cháu trai đặt tên là Hoàng Chinh (vì lúc mang thai cháu, anh Độ, anh Trân cùng Sư đoàn 341 vẫn đang tham gia chinh chiến trên đất bạn Campuchia). Hạnh phúc nho nhỏ đó không phải chỉ riêng anh Độ và tôi có, mà nó còn là niềm vui thật sự của anh Trân, anh Vũ Cao và các đồng chí khác trong sư đoàn, với ý nghĩa: lính ta - lính Cụ Hồ đã chiến đấu thì trên bất cứ “mặt trận nào” cũng thắng!

Lúc bấy giờ điều kiện kinh tế quá khó khăn, mẹ con chúng tôi luôn được sống trong sự chăm sóc, quan tâm và chia sẻ của anh Trân, anh Vũ Cao và các đồng chí khác trong sư đoàn. Biết tôi là cô giáo, còn anh Độ lại là “quan văn” chẳng hề tháo vát chút nào trong việc xoay xở kinh tế, nên mỗi lần có món gì ngon và lạ “chiến lợi phẩm” từ các đơn vị mà anh Trân đã tham gia chiến đấu trước đây dành cho anh, anh Trân lại réo ông Độ ơi, ông Độ hỡi, để cùng nhau chia sẻ (vì nhà chúng tôi được phân ở cạnh nhau trong Làng đại học Thủ Đức). Lúc có phong trào nuôi cá rô phi để cải thiện, anh Trân và chị Hà tích cực động viên, hướng dẫn cho tôi cùng làm.

Hai cháu trai của tôi đều rất thương quý nhưng cũng rất sợ cậu Trân. Anh thật sự là tấm gương tốt cho các cháu. Trong mắt các cháu, anh là một vị đại tá oai phong lẫm liệt, đánh giặc giỏi, ngực đầy huân chương. Vậy mà cứ hễ về đến nhà là anh xắn quần, miệng nói tay làm mọi việc, từ cuốc cỏ trồng rau, dọn vườn, tắm heo, cho gà vịt ăn đến thu xếp nhà cửa... Các cháu hay chạy sang nhà anh, vừa xem cậu Trân làm, vừa được nghe kể chuyện đánh giặc, chuyện tiếu lâm kèm theo những lời dạy bảo. Đặc biệt đối với cháu Hoàng Chinh “chiến lợi phẩm” mà anh Trân và sư đoàn đã tìm mọi cách để tặng cho bố Độ, anh hay đe: “Sau này lớn lên con phải học cho giỏi và nghe lời bố Độ rõ chưa, không thì cậu đá một phát con bay lên ngọn dừa đó!” (vì nhà tôi có trồng mấy cây dừa rất sai quả). Anh đe cháu nhưng ánh mắt của anh lúc ấy thật sáng, thật ấm áp và tràn đầy tình yêu thương. Chính anh mới cảm nhận được sâu sắc niềm hạnh phúc bình dị rất đời thường của một người lính sau những tháng năm đầy vất vả hy sinh trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Anh biết đó là “vốn quý” của bố Độ, nên có lần được đi tham quan ở Cộng hòa Dân chủ Đức, tiền tiêu vặt chẳng có là bao nhưng anh vẫn dành dụm mua cho cháu một chiếc ô tô đồ chơi rất xinh xắn (cháu Chinh mê ô tô từ bé). Anh luôn muôn đem lại cho đồng đội, cho bạn bè thân thiết, cho con cháu những niềm vui, niềm hạnh phúc nho nhỏ để cuộc sống lúc đó tuy còn nhiều cực khổ nhưng vẫn không thiếu những điều tốt đẹp xảy ra xung quanh, giúp ta có đủ nghị lực để sống tốt hơn, xứng đáng hơn.

Tuy chỉ được sống cạnh gia đình anh trong khoảng thời gian gần 10 năm khi hai nhà còn là láng giềng của nhau, nhưng tôi thật sự quý mến và yêu kính anh như một người anh trai của mình. Trong gia đình có gì khó khăn tôi đều kể anh nghe và xin ý kiến. Anh cũng không hề “quân sự” chút nào trong việc góp ý và trao đổi với tôi. Trái lại, anh có một trái tim rất nhạy cảm để đánh giá đúng từng con người, đúng với vị trí và hoàn cảnh của nó nên những lời khuyên nhủ của anh đều rất chí lý, chí tình, giúp tôi biết cách sống chủ động hơn và bằng chính sức mình làm được nhiều việc hơn.

Không biết khi anh Trân còn sống, có lúc nào tôi đã mở miệng cám ơn “ông mai” vì đã hết lòng giúp tôi có được một gia đình ấm êm, không phải bơ vơ sau những năm vừa giải phóng đầy khó khăn ấy chưa?

Nhưng thật sự trong thâm tâm, tận đáy lòng tôi mãi mãi biết ơn anh (nghĩ đến đây, nước mắt tôi lại chảy dài...). Anh đã cho tôi thấy một tấm gương sáng của một người chiến sĩ, một người cộng sản thật sự: biết chiến đấu kiên cường không khuất phục, sẵn sàng hy sinh bản thân cho một lý tưởng cao đẹp. Đồng thời anh cũng là một con người rất đỗi bình dị, đời thường, biết sống bằng tất cả tình yêu cuộc sống (lạc quan yêu đời, không hề ngại bất cứ khó khăn nào...) và biết yêu thương con người bằng một tấm lòng nồng hậu và chân thành nhất.

Tôi tin rằng tuy anh Trân đã mãi mãi đi xa nhưng hình ảnh và tính cách con người anh sẽ vẫn còn sâu đậm mãi trong trái tim của những người đã từng quen biết, từng được sống cạnh anh!
TP. Hồ Chí Minh, tháng 5-2007
H.K.Y
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #96 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2016, 11:50:46 am »


THƯƠNG TIẾC MỘT NGƯỜI ANH ĐÃ ĐI XA
Nhà văn Trần Công Tấn

Tháng 12 năm 1945, tôi nhập ngũ vào làm liên lạc ở Chi đội Trần Cao Vân. Một hôm được chỉ huy trao cho bản mệnh lệnh đưa đến cho ông Võ Lương, thì gặp một người rất đẹp trai, mắt sáng, môi đỏ như môi con gái, chặn ngựa tôi lại, giọng rất hách:

- Ê! Thằng tê. Mi đi mô mà phóng ngựa hắc xì dầu rứa?

Thấy người này nai nịt quá oai, tôi ngỡ là ông Võ Lương. Bèn xuống ngựa, rụt rè:

- Dạ thưa chỉ huy, em mang thư cho ông.

Người thanh niên đó hơn tôi chừng bốn, năm tuổi, cầm chiếc phong bì xem qua rồi nói:

- Ông Lương đi vắng. Tau làm liên lạc kiêm giữ ngựa cho ông Lương. Tau sẽ đưa thư cho ông Lương. Còn mi tên chi?

- Dạ em tên Tấn.

- Nì Tấn, cứ kêu tao là thằng Trân. Không thưa trình chi hết. Tau không phải chỉ huy. Hai thằng liên lạc in chắc (như nhau) thì thưa bẩm chi cho mệt.

Đó là lần đầu tiên tôi gặp anh Trần Văn Trân cách đây đã 62 năm. Từ ngày đó, chúng tôi thường gặp lại và chơi thân với nhau. Anh xem tôi như người em. Ở chung một trung đoàn, tôi làm ở bên lực lượng trinh sát, tình báo. Anh ở đơn vị chiến đấu. Nhưng cứ đụng trận lại gặp nhau, lúc ở Đường 9, Sê Pôn (Lào), lúc ở Huế, Quảng Trị, Quảng Bình...

Mặt trận Huế vỡ, chúng tôi rút lên chiến khu, cùng nhau đánh Pháp một thời gian rồi tôi được chuyển ra Trung đoàn 95 ở Quảng Trị. Khi anh Trân làm cán bộ Trung đoàn 95 thì tôi được ra Thanh Hóa đi học trường Thiếu sinh quân.

Cuối năm 1950, có đoàn cán bộ từ Bình Trị Thiên ra họp ở Bộ Tư lệnh Liên khu 4, trao cho tôi một bức thư của anh Trân. Thư viết: “…Vừa rồi Tiểu đoàn 227 của anh tham gia đánh đổ một đoàn tàu hỏa ở Như Sơn - Bến Đá, lấy được khẩu đại bác Bôpho. Từ nay quân mình có đại bác nòng dài 40 ly đánh lô cốt Pháp rồi. Còn anh thì thu được một cây viết máy Warever de luxe gửi ra cho em. Mong em học thiệt giỏi”.

Nghe lời anh tôi cố học, và khi trường giải tán, tôi được bổ sung về Trung đoàn 101 (Trần Cao Vân cũ) tiếp tục đi đánh Pháp ở Lào, Campuchia...

Ta thắng Pháp, chúng tôi kéo quân về Quảng Bình, làm lực lượng phía sau bảo vệ vĩ tuyến 17. Tôi cưới vợ là con gái Mệ Thoại, trọng tài bóng đá Huế và Đông Dương. Anh Trân rất mừng khi tìm lại được tôi ở Đồng Hới. Anh vốn mê bóng đá nên rất kính trọng mẹ vợ tôi và hay nhắc lại những trận bóng do bố vợ tôi làm trọng tài. Anh khen: “Chú mi giỏi. Mê bóng đá mà lấy được con gái ông trọng tài là nhất hạng rồi!”. Loay hoay thế nào anh lại về làm cán bộ Trung đoàn 101.

Khi anh về chỉ huy trung đoàn thì tôi lên sư đoàn làm điện ảnh rồi ra Quân khu. Xa anh Trân một thời gian, mãi đến đầu năm 1965 tôi gặp lại anh Trân ở sân vận động Hàng Đẫy, cùng ngồi xem bóng đá. Anh vẫn hồn nhiên hò hét cổ vũ cho đội Thể Công. Lúc thấy cầu thủ Thể Công - Ba Đẻn dẫn bóng và sút rất điêu nghệ, anh chửi yêu: “Coi tề! Mệ nội thằng Ba Đẻn”. Giờ nghỉ giải lao sau hiệp 1, anh nói: “Anh sắp đi B rồi. Lúc nào giải phóng Huế, anh sẽ đón em về Ngoẹo-Dàng-Xay, An Cựu ăn bánh bèo”.

Về sau tôi mới biết anh đi B với cương vị Sư đoàn phó Sư đoàn 325 mà anh Nguyễn Hữu An làm Sư đoàn trưởng (về sau là Thượng tướng), cùng chỉ huy sư đoàn đánh Mỹ ở Tây Nguyên. Bẵng đi một thời gian rồi tôi được tin anh hy sinh ở chiến trường Nam Bộ khi anh là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 1, chiến đấu ở mặt mặt trận An Giang.

Nhưng rồi anh không chết mà bị thương ngất xỉu, rồi bị bắt làm tù binh. Trong nhà tù Mỹ ngụy, anh khai tên là Nguyễn Văn Thương, thượng sĩ đông y. Hàng trăm chiến sĩ, chỉ huy quân ta bị bắt, bị giam chung cùng anh, ai cũng biết tên anh và chức vụ của anh là Sư đoàn trưởng, bầu anh làm bí thư Đảng trong tù. Địch đã tra tấn bắt mọi người khai tên thật của anh, nhưng dù chết, không một ai để lộ tung tích của anh. Trong lúc đó ở Hà Nội, cấp trên biết rõ anh vẫn còn sống nhưng vẫn tổ chức lễ truy điệu anh để che mắt địch và làm lễ cho gia đình anh để tang cứ như anh đã chết thật.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #97 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2016, 11:51:24 am »


Giữa tháng 3 năm 1973, theo Hiệp định Pa-ri được ký kết, hai bên trao trả tù binh cho nhau. Khi địch đưa anh Trân và đồng đội ra trả tại bờ sông Thạch Hãn bên ngoài thành cổ Quảng Trị, thì anh đã cởi hết áo quần tù của Mỹ ngụy vứt đi rồi lao xuống sông bơi một mạch về phía bờ Bắc. Khi biết trong số tù binh Việt cộng có một Sư đoàn trưởng, đối phương rất cay cú. Anh đã được đón tiếp trong vòng tay của các tướng lĩnh và chiến sĩ của anh ở Bộ Tư lệnh mặt trận B5.

Chuyện cuộc đời chiến đấu anh dũng của anh suốt cả hai thời kỳ đánh Pháp, đánh Mỹ, những vinh quang cay đắng, những gian khổ và gian lao... của anh thì phải có một cuốn tiểu thuyết sự kiện lịch sử hàng ngàn trang mới mong nói hết. Riêng tôi có may mắn là biết anh rất sớm và trong suốt cuộc đời binh nghiệp cũng như về sau này anh luôn sống gần gũi tôi.

Về hưu với quân hàm Thiếu tướng, anh và chị Hà cùng các con về ở Làng đại học Thủ Đức, chỉ cách nhà tôi con đường số 1. Nhà anh có nuôi một ao cá tai tượng và có một cây khế ngọt. Vài hôm anh lại gọi điện thoại qua nói: “Tau đã hái một giỏ khế, qua mà đèo về cho mẹ con nó ăn”. Hôm thì nhắn: “Thằng Sang (đại tá Trần Văn Sang, em ruột anh) và vợ hắn vô chơi. Tau đã chiên xù hai “tai tượng” hơn ba ký. Qua mà nhậu. Vợ chồng chú mi không qua, thì tau tới đốt nhà cho mà coi”. Tính anh hài hước, thích bông đùa và hay dọa “đốt nhà” người khác. Nhưng cả đời anh chẳng gây gổ bắt nạt ai. Thượng tướng Nguyễn Hữu An, người đã gắn bó với anh rất lâu, nói về anh như sau: “Trần Văn Trân là một vị tướng có tài, có đức. Đặc biệt rất gần gũi và thương chiến sĩ. Chính vì vậy mà anh được bộ đội rất kính nể và yêu thương. Riêng chuyện giữ được bí mật tung tích của anh, che được mắt địch, bảo vệ cho anh là một bằng chứng và tấm lòng của chiến sĩ đáp lại tình cảm của anh”.

Về nghỉ, anh thường tranh thủ đi thăm các chiến trường cũ. Thăm lại đồng bào, đồng chí và tìm hài cốt đồng đội. Anh hay đi Phú Quốc và về An Giang. Có hôm anh rủ tôi đi An Giang để chỉ cho xem cái chỗ anh bị địch bắt và thăm lại các anh chị cán bộ cũ, thăm các bà má đã chăm sóc đơn vị anh trong thời đánh Mỹ. Đến đâu anh cũng được đón tiếp như người ruột thịt đi xa về. Đến đâu anh cũng giới thiệu tôi. Anh nói: “Cậu Tấn này cùng nhập ngũ với tôi một lần từ năm 1945. Hai đứa cùng làm liên lạc. Bây giờ thì cậu ấy là nhà văn, nhà báo. Tướng tá cứ về hưu chẳng mấy ai còn nhớ, nhưng nhà văn thì tên tuổi lưu danh muôn đời”.

Anh nói với một cán bộ Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đừng mua quà cáp gì cho anh hết. Anh nói thêm: “Nên mua tặng nhà văn một cái quạt máy”. Vì hôm nào đó anh đến nhà thấy nhà văn, nhà báo ngồi viết bài mà không có quạt.

Lần đó trở về nhà, tôi khệ nệ bưng theo cái quạt của An Giang tặng. Anh cười khúc khích: “Quạt này người ta làm cho vua đó. Vì chỉ có vua mới dùng quạt mạ vàng. Bệ hạ cố gắng mà viết văn cho hay nhé!”.

Tính anh là thế. Rất chu đáo lo cho người lính khi đang là chỉ huy. Khi về nghỉ, anh chu đáo chăm sóc vợ con và quan tâm đến đời sống của bạn bè, bà con, đồng đội. Đi với anh, những đêm nằm nghỉ ở nhà khách đơn vị cũ hay của các tỉnh, anh thường tâm sự với tôi chuyện gia đình rằng chị Hà vợ anh, cô giáo đã về nghỉ nhưng vẫn dạy ngoại ngữ kiếm thêm tiền để cải thiện bữa ăn cho gia đình. Anh nuôi cá, nuôi gà, trồng bí, bầu, rau, ớt. Anh phân tích tính nết của các con: Bích Thủy, Chí Linh và Hiếu Trung. Cháu nào cũng có nhược điểm chỗ này chỗ nọ nhưng ưu điểm là chính. Anh thường khen ngợi, phát huy ưu điểm cho con để hạn chế nhược điểm. Anh là người chồng thủy chung và hết lòng yêu vợ, thương con, cháu.

Ngày 25 tháng 3 năm 1997, chúng tôi làm tiệc liên hoan mừng 40 năm ngày cưới, có mời anh Trân, chị Hà đến dự. Chờ mãi không thấy anh chị đến. Tiệc đãi được chừng 20 phút thì anh gọi điện đến bảo cháu ngoại anh bị cảm, ba mẹ cháu đi làm chưa về nên anh phải đưa cháu đi bác sĩ. Anh nói: “Mình và Hà không đến được nhưng không quên ngày vui của Tấn và An”. Tôi cảm ơn anh và thưa lại rằng, anh cứ yên tâm chăm sóc cho cháu bé. Giọng anh vẫn băn khoăn: “Tau đã chuẩn bị quà tặng hai đứa bay rồi. Áo quần là ủi sẵn, có móc lon tướng đoàng hoàng, mà tiếc quá: không đi được!”. Tôi cười vì giọng anh lại hài hước về cái lon thiếu tướng mà ít khi thấy anh đeo lên áo. Tự nhiên anh nghiêm giọng: “Mi cười chi? Nì! Tau nói thiệt từ nay đến cuối tháng mà tau không chết, thì tau sẽ xuống mừng vợ chồng mi”. Tôi lại cười. Anh lại nói: “Đó đó... lại cười. Tau nhắc lại: Từ nay đến 29 mà tau còn sống thì xuống mi. Còn đến ngày đó mà tau chết thì... huề nghe. Thông cảm nghe. Tấn ơi! Trân cúp máy đây”.. Anh nói vậy và tôi đã quen giọng bông lơn của anh. Ở Hà Nội anh thường rủ tôi đi ăn phở các quán Lò Đúc, Nam Ngư, Lê Văn Hưu... Vừa ăn, anh vừa rung đùi chửi: “Mệ nội cái phở Hà Nội. Ngon thiệt”. Rồi anh nói: “Khi tau chết mi cúng cho tau một bát phở là... xong”. Rồi vào tiệc, rồi khách khứa tôi cũng quên mất lời bông đùa của anh Trân. Ai ngờ sáng ngày 29 tháng 3 gia đình chị Hà gọi xuống bảo tôi: “Lên ngay! Anh Trân mất rồi!”. Tôi choáng váng hét lên với vợ: “Anh Trân chết rồi!”. Vợ tôi cũng hốt hoảng kêu lên: “Sao mà chết” và vừa khóc vợ tôi vừa nói: “Anh đi ngay đi, lên xem anh Trân đau ốm ra sao chứ chết làm sao được”. Tôi bước sấp bước ngửa đẩy cái xe ra. Xe chạy mà tôi như người mất hồn, cứ mong rằng người ta đang cấp cứu cho anh.

Đến nhà anh thấy ngoài hiên đã che rạp. Mấy cán bộ của Bộ Quốc phòng và các anh nhà báo, đài truyền hình đang chờ tôi để cùng viết tóm tắt tiểu sử anh đưa đăng cáo phó trên báo và phát tin trên đài truyền hình.

Tôi bước vào chỗ anh hay ngồi chuyện vãn những lần tôi đến thăm, thấy chị Hà và các cháu đang gục đầu nức nở trên quan tài anh. Chiếc ảnh anh mặc quân phục được phóng to có giải băng tang đen ngòm vắt qua. Nhưng qua làn khói nhang nghi ngút, tôi vẫn thấy mắt anh hấp háy hóm hỉnh nhìn tôi và như đang đùa với cái chết. Tôi kêu thầm mà trong lòng đau thắt: “Thế là hết một cuộc đời anh Trân ơi! Bây giờ thì anh không đùa nữa, anh chết thật rồi”.. Và nước mắt tôi trào ra, thương tiếc một người anh lớn đã mãi mãi di xa...
Ngày 29-3-2007
T.C.T
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #98 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2016, 11:53:18 am »


MÃI MÃI THƯƠNG NHỚ ANH
Trần Văn Sang

Trên mảnh đất quê hương, bên bờ sông Như Ý của xứ Huế thân thương - nơi mà hai anh em chúng tôi đã sinh ra và lớn lên trong vòng tay âu yếm của Mẹ, tôi đang tưởng nhớ về Anh. Duyên nợ cuộc đời đã gắn chặt hai anh em chúng tôi từ ngày thơ ấu đến những ngày gian khổ của cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và cả đến ngày toàn thắng.

Những ngày thơ ấu:

Ông nội tôi là một sĩ phu yêu nước quê ở Trà Vinh (Nam Bộ) đã tham gia chống Pháp và hy sinh ở Cầu Kè (Trà Vinh). Bà nội tôi là người gốc Huế. Sau khi ông mất, bà đưa các con (hai gái một trai) ra định cư ở Huế. Từ đó cha chúng tôi cũng đi theo ngành võ làm quan ở triều đình Huế đến chức Thống chế Đại Nội - quan võ đầu triều thời kỳ Duy Tân làm vua. Sau cuộc bạo động chống Pháp của các cụ Thái Phiên, Trần Cao Vân cùng vua Duy Tân chống Pháp không thành và nhà vua bị Pháp bắt đưa đi đày biệt xứ. Cha chúng tôi bị thực dân Pháp và triều đình thải hồi về làm dân thường, định cư ở đường Nguyễn Công Trứ (thành phố Huế) ngày nay.

Kế thừa huyết thống của ông cha, sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, bốn anh em chúng tôi đều xung phong vào quân đội cách mạng để giết giặc cứu nước.

Ba anh đã gia nhập lực lượng Vệ quốc doàn sau khi lực lượng vũ trang của Đảng mới ra đời ở Huế - Trung đoàn Trần Cao Vân -101.

Tôi đang học ở Trường Quốc học Huế, thời kỳ đó có phong trào “xếp bút nghiên lên đường tranh đấu, xếp bút nghiên theo việc đao cung” tôi cũng náo nức muốn nhập ngũ nhưng các anh không cho, khuyên tôi ở nhà với mẹ để những lúc “tối lửa tắt đèn” mẹ đỡ buồn vì không có ai chăm sóc. Cha mất ngày tôi mới 3 tuổi. Anh Trân lớn hơn tôi 3 tuổi. Nhà tôi nghèo lắm, mẹ phải vất vả ngày hai buổi gánh hàng gia vị ra chợ Cống bán để kiếm tiền nuôi các con khôn lớn. Anh cả tôi là Trần Văn Hiếu được bà dì ruột không có con xin mẹ tôi đưa về làm con nuôi và cho ăn học. Anh học đến Sơ học yếu lược (lớp 3), vì nhà nghèo nên phải đi học thợ máy để tự nuôi sống mình và nuôi mẹ cùng các em.

Anh Trân và tôi cùng đi học một trường, một lớp đến xong tiểu học, thấy mẹ quá vất vả làm việc quần quật suốt ngày nhưng không đủ nuôi các con ăn học nên anh thôi học và xin đi làm thợ máy, phụ lái ô tô để tự nuôi sống bản thân và giúp đỡ mẹ, em.

Ngày còn nhỏ đi học với nhau, anh là chỗ dựa an toàn của tôi để chống lại số học sinh lớn tuổi ăn hiếp dọa dẫm. Tuy không phải là to cao nhất lớp nhưng tài đánh bậy của anh thì không ai sánh kịp. Anh luôn sáng kiến tự tạo cho mình nhiều cách ra đòn độc đáo mà đối phương không hề đoán trước được.

Trước đây, hồi còn nhỏ anh em chúng tôi đi học phải đi qua nhà hàng khách sạn Morin, là cửa hàng dành cho quan Tây và trường con Tây học. Anh rất ghét bọn quan Tây và cả bọn con Tây choai choai. Để rảnh tay trị tội bọn con Tây, anh giao nhiệm vụ cho tôi mang cặp sách của cả hai anh em. Mỗi lần học trò Việt Nam đánh con Tây thì bọn cảnh sát rượt đuổi bắt chúng tôi. Anh nhanh chân thoát trước, còn tôi mang sách vở nặng chạy thoát sau, có bữa chạy đến hụt hơi mà vẫn thấy vui. Đi qua khách sạn Tây, nhìn vào cửa sổ nhà bếp thấy nào gà, nào bát đĩa đựng đầy thức ăn bốc khói chuẩn bị dọn cho khách Tây rượu chè phè phỡn. Anh lấy que tre thật dài chọc cho bát đĩa đổ vỡ loảng xoảng rồi bỏ chạy, cười khoái chí vì đã trả trù được bọn Tây ác ôn. Bọn bồi bếp khách sạn bị chửi mắng tức lắm, có bữa chuẩn bị sẵn xô nước nóng để khi thấy chúng tôi xuất hiện là tạt nước nóng đối phó. Và từ đó, anh lại nghĩ kế sách mới để bọn Tây ăn những ngón đòn khác không kém phần “hấp dẫn”.

Có lẽ vì thế mà sau này khi ra trận đối phó với kẻ thù, anh chiến đấu rất dũng cảm luôn luôn có nhiều chiến thuật, kỹ thuật bất ngờ, sáng tạo mà kẻ địch phải bó tay đầu hàng.

Tuổi thơ của chúng tôi đã gắn bó với nhau biết bao kỷ niệm vui buồn nên khi Cách mạng tháng Tám thành công, anh vào bộ đội, tôi đi học một mình, buồn lắm. Thời kỳ vào quân đội nơi anh đóng quân ở Phú Mộng (Kim Long) cách nhà độ 4 ki-lô-mét nên tôi thường xuyên lên thăm anh. Các anh chỉ huy trung đoàn thấy anh xông xáo, nhanh nhẹn nên đã chọn anh làm công vụ cho trung đoàn, khi nấu ăn, khi thì giữ ngựa. Hàng ngày cho ngựa ra tắm ở sông Hương xong, anh lại cho ngựa phi nước đại về nhà thăm mẹ và em, oai lắm. Anh thường hát bài: “Đoàn giải phóng quân một lần ra đi. Là có mong chi đâu ngày trở về...” Nghe chúng tôi hát, mẹ thường bảo: “Sao các con hát mà nghe buồn quá”. Sau này bốn đứa con của mẹ lần lượt ra đi, đến ngày chiến thắng ba đứa trở về lại không gặp được mẹ. Trong cuộc chiến đấu của chúng ta có những bà mẹ chờ con ở chiến trường vĩnh viễn không còn trở lại, nhưng cũng có những đứa con khi trở về nhưng không còn mẹ nữa.

Một thời gian sau, anh được đề bạt lên tiểu đội trưởng rồi trung đội trưởng. Đơn vị anh được cử đi chiến đấu ở chiến trường Lào. Anh bị thương ở mặt trận Sê Pôn và được đưa về điều trị ở bệnh viện Nguyễn Tri Phương (Huế).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #99 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2016, 11:53:40 am »


Tôi nhớ mãi hàng ngày mẹ bảo tôi mang thức ăn bồi dưỡng cho anh để chóng lành, ra viện. Các mẹ, các chị trong Ban ủy lạo chiến sĩ đã đến bệnh viện tặng quà, áo quần cho chiến sĩ. Trời rét, thấy em mình chỉ mặc mỏng manh chiếc áo tay cụt, anh rơi nước mắt, lấy bộ áo quần mới vừa được tặng cho em để em có bộ áo quần lành lặn mặc khỏi thua thiệt với bạn bè. Sau ngày thoát ly gia đình để đi bộ đội, tôi vẫn còn giữ mãi bộ quần áo mà anh đã cho.

Điều trị vết thương chưa lành hẳn, anh lại xung phong trở lại đơn vị chiến đấu. Anh được đề bạt lên Đại đội trưởng chiến đấu ở Mặt trận Huế. Trong ngày toàn quốc kháng chiến, ngày ấy hai mẹ con tôi được lệnh tản cư về Dương Mông. Mặt trận Huế bị vỡ, anh có về từ giã mẹ và em để đi vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp. Huế bị giặc tạm chiếm, lực lượng vũ trang cách mạng chúng ta phải phân tán vào nhà dân ở vùng tự do để kháng chiến. Anh được giao nhiệm vụ Đại đội trưởng Đại đội độc lập 117 ở nam Thừa Thiên - Huế.

Anh nhắn mẹ về thăm, cả đơn vị đón mẹ rất nồng nhiệt, ấm cúng, về nhà mẹ cứ khen mãi, đơn vị bộ đội như mái ấm gia đình.

Biết tin tôi hoạt động trong Liên đoàn học sinh kháng chiến của thành phố Huế và bọn Pháp đang bắt thanh niên đi lính làm bia đỡ đạn cho chúng, anh đã thuyết phục mẹ cho em thoát ly gia đình ra vùng tự do, nếu ở vùng tạm chiếm thế nào cũng bị địch bắt đi lính, vô tình hai anh em ở hai chiến tuyến khác nhau.

Đúng như vậy, hoạt động nội thành dễ bị lộ, bị địch truy bắt. Thấy không ổn, mẹ đã đồng ý cho tôi ra vùng kháng chiến với anh.

Thời kỳ tôi đang hoạt động bí mật ở nội thành, thỉnh thoảng tôi được giao liện bí mật dẫn ra vùng tự do để họp nhận kế hoạch hoạt động nội thành nên đường đi về cũng khá quen thuộc.

Hôm đó, một chiều vàng cuối thu năm 1949, tôi tạm biệt mẹ để lên đường, tự đấu tranh tư tưởng khá quyết liệt. Trong căn nhà nhỏ, tiện nghi sinh hoạt sơ sài, chỉ có hai mẹ con sinh sống, tối đèn tắt lửa nương tựa vào nhau nhưng nay con lại ra đi để mẹ ở nhà một mình cuộc sống sẽ ra sao? Còn ai để chuyện trò với mẹ trong những ngày vắng lặng, ốm đau ai sẽ lo cơm cháo cho mẹ? Ở lại vùng tạm chiếm sẽ bị địch bắt đi lính, muôn vàn tủi nhục vì phải làm người nô lệ. Thấy con đứng ngồi không yên, không đành lòng để mẹ ở nhà một mình, mẹ rất hiểu điều đó. Mẹ buồn ôm con vào lòng nghẹn ngào cố nén xúc động: “Phận làm trai phải ra đi cứu nước, còn một tên giặc Pháp trên đất nước ta thì dân ta sẽ còn khổ mãi, mẹ ở nhà một mình buồn thật, nhưng còn có bà con lối xóm qua lại, rồi mẹ cũng sẽ quen dần...”.

Hôm đó mẹ nấu thật nhiều thức ăn mà con thường ngày vẫn thích để con ra đi theo kháng chiến. Ngồi trước mâm cơm đầy ắp tình yêu thương của mẹ, mẹ gắp bỏ đầy bát cơm của con nhưng hai mẹ con không thể ăn được miếng nào. Mẹ cố ghìm nước mắt để con khỏi xao xuyến trước khi chia tay. Từ tuổi thơ đến khi lớn lên tôi chưa bao giờ một ngày sống xa mẹ. Cố gắng nuốt nước mắt vào lòng, tôi buộc phải từ giã mẹ lên đường mà không kịp ôm hôn mẹ trước lúc đi xa không hẹn được ngày trở về.

Đến cầu ngói Thanh Toàn (Hương Thủy) tình cờ gặp anh Trân, mừng vô kể! Đại đội 117 do anh làm Đại đội trưởng về đóng quân ở đây để cùng giúp dân chống địch càn, bảo vệ xóm làng. Anh hỏi chuyện về mẹ, về chuyện học hành của tôi, về nguyện vọng của tôi sau khi đã ra vùng kháng chiến. Tôi muốn vào bộ đội để cùng anh diệt giặc lập công, giải phóng quê hương. Anh ân cần tâm sự: “Nguyện vọng của em muốn tòng quân là hoàn toàn chính đáng, nhưng kháng chiến cũng rất cần thanh niên có trình độ văn hóa để làm thầy giáo dạy cho các em nhỏ. Kháng chiến phải đi đôi với kiến quốc. Dân ta còn mù chữ quá nhiều, các em nhỏ không có điều kiện học hành, kháng chiến còn thiếu nhiều giáo viên. Em phải đi dạy học. Việc đánh giặc để các anh lo, vả lại trong mấy anh em mình phải có đứa còn sống để về với mẹ”.

Nhưng buồn thay, sau ngày chiến thắng trở về quê hương, cả ba anh em đều đau lòng nghe bà con xóm giềng kể lại là hàng ngày cứ chiều chiều mẹ lại ra đầu ngõ mỏi mắt ngóng chờ các con. Mẹ lại buồn rầu tâm tình với bà con hàng xóm: “Ba đứa con ra đi, sao không thấy đứa nào trở về hoặc nhắn tin về cho mẹ?”. Mẹ khóc và hôm đó, một buổi chiều cuối thu se lạnh của năm 1973, mẹ đã vĩnh viễn ra đi trong nỗi buồn, nỗi mong nhớ các con.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM