Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 02:42:10 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chuyện bây giờ mới kể  (Đọc 30798 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #80 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2016, 11:58:40 pm »



CHÚNG TÔI ĐẾN VỚI NHAU
Nhà giáo Võ Bích Hà1

Anh Trần Văn Trân và tôi quen nhau do mối quan hệ đồng đội, đồng chí, đồng hương. Ba tôi là ông Võ Lương nguyên là Tham mưu trưởng Trung đoàn Trần Cao Vân - 101 của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Trước khi vỡ mặt trận Huế, ba tôi ở trong Ban huấn luyện “Trường Thanh niên Tiền tuyến” Huế, cùng với các ông Phan Tử Lăng, Hà Văn Lâu, Cao Văn Khánh...

Bấy giờ, anh Trân vừa gia nhập Vệ quốc quân, là lính của Trung đoàn Trần Cao Vân. Vốn tinh nghịch, hiếu động thích đùa, vào Vệ quốc đoàn anh làm liên lạc, nấu ăn, chiến đấu kiêm luôn việc chăn dắt ngựa cho ba tôi.

Trung đoàn có hai con ngựa, chắc là lấy của Tây, thỉnh thoảng ba tôi về thăm nhà cưỡi ngựa trông rất oai phong. Huế vỡ mặt trận, bộ đội rút lên chiến khu Dương Hòa. Ba tôi đi rồi, mấy mẹ con dựng căn nhà tranh ba gian nhỏ ở làng An Ninh Thượng (nay là phường Hương Long). Một thời gian sau, nhà chúng tôi bị đốt cháy giữa đêm khuya, cùng với một nhà nữa ở xóm trên. Sau này chúng tôi được biết vì cả hai gia đình đều có người đi theo kháng chiến chống Pháp. Ba mẹ con tôi về ở nhờ nhà bà ngoại gọi là bà Tôn Sim, bà cho ở căn nhà ven sông Hương gần Máy nước, chợ Kim Long (Kim Luông). Đây là vùng đệm giữa ta và địch, lính từ đồn Văn Thánh - Võ Thánh về thành phố Huế phải qua con đường Kim Long - Thiên Mụ này, địch thường bị du kích đánh úp bất ngờ, chúng rất hoảng loạn nhưng người mình lại rất vui mừng.

Năm 1954, hòa bình lập lại. Ba mẹ con tôi ra Bắc tìm ba tôi. Căn nhà đó ông bà ngoại tôi bán lại cho “Mụ Ngữ”, người bán bánh ướt thịt nướng nổi tiếng tại làng Kim Long, sau này là quán “Huyền Anh” có tên trong danh mục ẩm thực được giới thiệu cho các tour du lịch khi về Huế.

Ra Hà Nội, gặp ba tôi, lúc đó ông là Trung tá công tác tại Cục Quân lực - Bộ Tổng Tham mưu. Hai chị em chúng tôi được chuyển vào ở nội trú học sinh miền Nam tập kết ra Bắc. Tôi đang học lớp đệ ngũ trường Đồng Khánh (Huế), nay chuyển ra học trường Trưng Vương, Hà Nội cho phù hợp. Học hết cấp II, tôi ở nội trú trường Chu Văn An, rồi về trường cấp III Lý Thường Kiệt (nay là trường Việt Đức), thầy Hiểu, thầy Vận là Hiệu trưởng. Chúng tôi học văn với thầy Lê Đình Kỵ, thầy Lê Trí Viễn, học toán với thầy Hoàng Tụy... Tôi được người quen là bộ đội (cậu Đào - Cục Vận tải) tìm mướn cho một căn phòng nhỏ ở nhà số 8 ngõ Hội Vũ - Hà Nội.

Ba tôi ở trong đơn vị, chị gái tôi Võ Thị Như Huê học y sĩ ở Phủ Lý. Tôi ở nội trú tại trường, chủ nhật được nghỉ về nhà, tối phải trở lại trường. Anh Trân đóng quân ở Quảng Bình (Sư đoàn 325) có dịp ra Hà Nội là đến thăm thủ trưởng cũ. Nhất là được biết thủ trưởng cũ có hai cô con gái mới ở Huế ra, tuổi chưa tới đôi mươi, đang đi học, trông cũng có duyên nên càng năng lui tới. Từ Quảng Bình ra, anh luôn có quà “đặc sản” của khu Bốn: mắm ruốc, mắm nêm, cam Vinh, v.v... là những thứ mà cả gia đình tôi đều rất thích.
______________________________________
1. Phu nhân của Thiếu tướng Trần Văn Trân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #81 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2016, 11:59:38 pm »


Thời gian anh Trân đi học văn hóa, ngoại ngữ ở Kiến An, Hải Phòng, gần như tuần nào cũng có mặt ở nhà tôi, ở lại ăn uống thân tình với gia đình.

Thấy anh năng lui tới gia đình tôi, bà con tốt bụng ở khu phố hỏi mợ tôi:

- Anh bộ đội, đội mũ có lưới, mặc áo đại cán bốn túi, cao cao, trắng trẻo như người lai Tây, hay đến nhà hai bác, chắc là để ý cô Hà?

Một hôm, tôi ở trường về. Ba tôi gọi tôi, cụ có vẻ lúng túng. Ba tôi rất hiền, cha con ít khi tâm sự với nhau, nhưng cụ rất đỗi thương vợ con. Cụ bảo:

- Trân nhờ các anh trong Ban chỉ huy sư đoàn đến đặt vấn đề với ba mợ - muốn tìm hiểu con!

Cụ nói thêm: “Trân là đứa có triển vọng”.

Có lẽ tôi là con gái của thủ trưởng cũ nên anh ấy đi bằng con đường tổ chức trước, để bày tỏ tình cảm với tôi.

Hè năm 1961, tôi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội, anh ấy bàn với tôi: nên xin về trường cấp III Vinh (Nghệ An) dạy vì anh vẫn đóng quân ở Quảng Bình (Sư đoàn phó 325). Anh giải thích: mẹ con em ở Vinh, hàng tháng anh ra Vinh họp Đảng ủy Quân khu nên sẽ có nhiều dịp về thăm nhà. Anh nói thêm, anh ở Quảng Bình chắc không lâu nữa vì tình hình chiến sự không ổn.

Anh đi ô tô chở hai mẹ con tôi từ Hà Nội về Nghệ An, đến thẳng trường cấp III Vinh rồi anh về lại Quảng Bình, lúc đó khoảng 3 giờ chiều. Vào hè, trường vắng lặng, công trường xây dựng còn ngổn ngang, chỉ có một bác bảo vệ trường.

Hai mẹ con tôi tá túc trong gian lều tranh tuềnh toàng, trống huếch trong gió Lào thổi ràn rạt khô cả người - là lán của công nhân xây dựng mới vừa rút đi, chỏng trơ cái sạp tre cũ mục, không đèn, không điện. Chợ Vinh cách trường 2 ki-lô-mét, lại không có phương tiện đi lại, lạ nước lạ cái, bơ vơ, ngỡ ngàng! Tối đến, chiếc loa phóng thanh treo từ đầu cột điện ngoài ngã ba đường cái phát bản nhạc sérénade của Schubert - nó mới hay làm sao, da diết làm sao! Trong bối cảnh đó, bản nhạc khiến tôi xúc động và sao xuyến quá, để lại dấu ấn sâu đậm trong tâm khảm tôi, lần đầu theo chồng đi nhận công tác ở nơi xa.

Sáng hôm sau, thầy Nhượng - Hiệu phó của trường tới, thấy mẹ con tôi, thầy hỏi:

- Cô đến đây làm gì?

Tôi trình quyết định cho thầy. Thời gian sau, tôi được trường phân cho một gian phòng nhỏ mới xây xong khoảng 10 mét vuông, cho ba mẹ con và bà trông cháu ở. Anh em ở đơn vị đến chơi, nếu quá hai người thì không có chỗ để ngồi! Mỗi khi anh Trân về, muốn cải thiện bữa ăn rất khó xoay trở cho việc nấu nướng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #82 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2016, 12:00:59 am »


Hồi đó trong trường, giáo viên các tỉnh xa ở nội trú tại trường, ăn cơm bếp tập thể, nhà bếp thường phục vụ món cá ướp nghệ nướng. Mấy mẹ con tôi cũng ăn cơm tập thể. Thời đó, chợ Vinh thức ăn vừa tươi ngon, lại rẻ, nhất là cứ 5 ngày lại có một phiên chợ, cũng hay. Anh Trân rất có tài xoay trở, lại khéo biết chế biến các món ăn nên gia đình tôi luôn có những bữa ăn ngon lành. Nhiều bạn bè của tôi cũng hết sức thán phục tài nấu ăn của anh ấy. Mỗi khi bạn bè đến chơi nhà, chúng tôi lại rất hiếu khách. Anh luôn hồ hởi, chân tình, bông đùa tiếp đón bạn bè nhiệt tình. Anh thường trổ tài nấu các món ăn, biết chọn những món ăn thích khẩu cho từng người, làm cho buổi gặp gỡ bạn bè càng thêm phần phấn chấn.

Anh em đơn vị đến chơi, thấy chúng tôi ở chật chội bảo tôi:

- Chị nói với anh, xin một phòng mà ở, nhà của Quân khu mới xây cho gia đình cán bộ quân đội.

Tôi cũng có dịp theo anh đến chơi gia đình anh chị Quách Sỹ Kha. Anh Kha là Chính ủy Sư đoàn 325, anh Trân là quyền Sư đoàn trưởng. Thấy gia đình anh chị ở hai gian tương đối rộng rãi, tiện nghi khá đầy đủ (so với thời gian đó). Tôi đem ý đó tâm sự với anh. Anh bảo:

- Anh sẽ không ở sư đoàn lâu nữa đâu, vì tình hình chiến sự sẽ phức tạp, hơn nữa gia đình anh chị Kha đông con hơn mình.

Anh nói sao thì tôi nghe vậy, tuy trong lòng cũng có chút ưu tư. Thời đó “cái ăn, cái ở” sao mà giản đơn đến thế!

Quả đúng như vậy, sáng ngày 5 tháng 8 năm 1964, máy bay Mỹ ném bom bắn phá Quảng Bình rồi Nghệ An, Thanh Hóa.. Trường học sơ tán, tôi về phân hiệu Quán Hành, Nghi Lộc. Ban ngày ba mẹ con theo đường giao thông hào, bồng bế nhau vào ở nhà dân, tối quay về trường thắp đèn dầu dạy học. Thực hiện lời Bác Hồ dạy: "Dù khó khăn đến đâu cũng phải dạy thật tốt, học thật tốt”.

Chiến tranh leo thang ngày càng ác liệt. Trước khi đi B, anh Trân đưa các con ra Hà Nội gửi nhờ ông bà ngoại. Tôi ở lại dạy hết năm học rồi ra sau.

Năm học kết thúc, tôi đạp xe từ Vinh ra Hà Nội hơn 300 ki-lô-mét, với bụng mang thai ba tháng. Ngày nghỉ, đêm đi, cả tuần lễ mới đến được Hà Nội.

Vừa đặt chân đến nhà, chưa kịp thở, các bác phụ trách tổ dân phố (20 Lê Thánh Tông) lập tức đến vận động mẹ con tôi phải sơ tán khỏi Hà Nội ngay! Mợ tôi bảo:

- Các cháu mới từ Nghệ An ra, chưa kịp hoàn hồn, các bác ạ!

Tôi chạy vạy mãi mới xin được Bộ Giáo dục cho về tỉnh Hà Tây ở xã Đại Đồng, dạy trường cấp III Thạch Thất.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #83 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2016, 12:01:44 am »


Chiến tranh ngày càng ác liệt, các con còn nhỏ.

Ngoài việc giảng dạy, tôi tích cực hoạt động đoàn thể nơi sơ tán, xây dựng trường. Năm 1968, tôi được Sở Giáo dục chọn đi học để nâng cao tay nghề, tại Từ Sơn, Thọ Vực, Bắc Ninh, Hà Bắc, cũng tiện việc cho các con cùng đi sơ tán theo. Những năm đó tin tức về anh Trân tôi cũng ít nhận được.

Khoảng năm 1969, anh Nguyễn Hữu An (về sau là Thượng tướng) từ Tây Nguyên ra ghé thăm mẹ con tôi. Anh cho biết: Trân thay anh làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 1. Anh chụp cho bốn mẹ con tôi tấm hình để gửi vào cho anh Trân kèm theo lá thư của cháu Bích Thủy, con gái đầu lòng, lúc anh đi B cháu đang học mẫu giáo, nay đã viết được thư gửi cho ba, đầy lỗi chính tả. Với câu hỏi mở đầu: Ba có “khẻo” không?

Đọc thư con, anh thích thú lắm, tìm cách gửi lại ra Bắc cất giữ làm kỷ niệm.

Sau khi học bồi dưỡng xong, tôi kiên trì chạy vạy, cậy cục xin được về Hà Nội, với lý do: diện gia đình chính sách từ Khu bốn, vùng chiến sự ác liệt ra, mong muốn được ở cùng bố mẹ. Phòng Tổ chức Sở Giáo dục Hà Nội nhận đơn hẹn sẽ xem xét, không từ chối.

Tôi kiên trì theo đuổi để đạt được mong muốn. Sau đó ngày nào tôi cũng có mặt trước cửa Phòng tổ chức sớm hơn giờ bắt đầu làm việc 15 phút và sau đó cũng vào giờ tan tầm, để các đồng chí phụ trách tổ chức thấy được tôi có mặt đang chờ được chấp nhận.

Bỗng một buổi chiều, đồng chí Phi phụ trách tổ chức của Sở, đạp xe đến nhà tôi nhắn bảo: ngày mai đến Sở nhận quyết định, làm tôi khá ngỡ ngàng. Tôi được về dạy tại trường cấp III Nguyễn Gia Thiều, Gia Lâm, Hà Nội, bên kia cầu Long Biên.

Tôi mừng vô kể! Gặp “số đỏ” rồi đây, không biết Cục Chính sách có can thiệp với Sở Giáo dục không? Bốn mẹ con tôi vẫn ở nhờ với ông bà ngoại các cháu, nhà số 20 Lê Thánh Tông, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ít lâu sau, tôi được nhận thông báo của Cục Chính sách báo tin: Đồng chí Trần Văn Trân thăng quân hàm từ Thượng tá lên Đại tá. Hằng tháng gia đình sẽ được lĩnh thêm tiền phụ cấp đi B theo chế độ mới.

Một hôm trời nhá nhem tối, cả nhà chuẩn bị ăn cơm, bác tổ trưởng dân phố đến đưa cho mợ tôi phong bì trong đó là giấy báo tử: Đồng chí Trần Văn Trân đã anh dũng hy sinh ở mặt trận phía Nam!

Tôi bàng hoàng, ngồi lặng không biết tính sao. Chị Thanh, chị dâu tôi hay tin đến liền. Mấy hôm sau chị lo chợ búa, nấu cơm cúng cho anh ấy đủ 49 ngày.

Tại lễ truy điệu được tổ chức ở Hà Nội, rất nhiều bạn bè, chiến hữu thân thiết của anh đến dự...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #84 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2016, 12:03:33 am »


Sau đó, mẹ con tôi được tổ chức bố trí cho về ở khu 1A Hoàng Văn Thụ, dãy X7 (nay là khu di tích lịch sử Hoàng Thành của Hà Nội), gần nhà anh chị Trần Văn Hoàng, trung tá Cục Quân báo. Chị dâu Trần Thị Thanh là cửa hàng trưởng của cửa hàng lương thực Đặng Dung thường qua lại động viên, chăm sóc mẹ con chúng tôi. Gia đình chúng tôi đã làm “giỗ đầu” cho anh Trân, nhưng không hiểu sao, linh tính mách bảo cho tôi rằng: anh ấy chưa chết.

Giáp tết năm 1972, ngày ngày tôi phải đạp xe qua cầu Long Biên để dạy học. Mưa gió, rét đậm, tâm tư có nhiều nỗi buồn... Tôi bị rối loạn tiền đình nặng, không nhấc nổi đầu, nằm yên một chỗ. Tôi vào Viện 354, bệnh viện giữ tôi nằm lại nhưng tôi xin về vì chỉ vài ngày nữa là Tết đến, các cháu ở nhà còn nhỏ tội nghiệp!

Hằng ngày y, bác sĩ quân đội đến điều trị cho tôi tại nhà. Mấy hôm sau, anh Võ Quang Hồ - Cục Tác chiến đến thăm và cho hay:

- Trân nó chưa chết. Hiện Trân bị bắt giam, đang tìm cách liên lạc với chị Ba Định xin bộc phá để vượt ngục. Anh Phạm Hùng - Bí thư Trung ương Cục biểu anh ra báo cho Hà hay. Nhưng phải hết sức giữ kín, nếu địch biết nó thủ tiêu Trân ngay đấy.

Tin quá vui, nhưng phải hai tháng sau tôi mới dậy được. Sau nhiều đêm nằm suy ngẫm tôi nói cho cháu Bích Thủy, con gái đầu về tin ba con hãy còn sống, để nếu chẳng may tôi có bị bom đạn chết, cháu còn hy vọng chăm lo cho hai em trai.

Như thông lệ, hằng tháng bộ phận chính sách ở quận Ba Đình đến phát tiền cho gia đình chúng tôi, vừa lúc gặp anh Trân trở về, các anh ấy ngỡ ngàng nhưng lại rất vui.

Sau một thời gian điều trị trở về, anh Trân lại hồ hởi lên đường cùng Sư đoàn 341 vào Nam giải phóng quê hương, góp phần giành độc lập thống nhất đất nước vào ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Ngày ngày mấy mẹ con chúng tôi lại sống trong cảnh trông ngóng, đợi chờ. Đêm đêm, tôi áp tai nghe tin tức từ đài BBC nói về trận đánh vào Xuân Lộc, cửa ngõ Sài Gòn, nghe nhắc đến tên Đại tá Trần Văn Trân chỉ huy trận chiến khốc liệt đó.

Sau 3 năm đất nước thống nhất, tháng 6 năm 1977, tôi xin chuyển công tác từ Hà Nội vào Thành phố Hồ Chí Minh. Sở Giáo dục phân công tôi làm cán bộ quản lý trường bổ túc văn hóa công nông I ở Thủ Đức, đồng chí Đoàn Phương Sách nguyên là cán bộ quân đội làm Hiệu trưởng, đồng chí Trần Hữu Nghị và tôi làm Hiệu phó. Sau khi trường này giải thể (1984) tôi về trường vừa học vừa làm, rồi về trường cấp III Thủ Đức. Đồng chí Trần Hữu Nghị làm Hiệu trưởng, đồng chí Nguyễn Trọng Điệp và tôi làm Hiệu phó. Tôi kiêm luôn công tác Đảng và công tác công đoàn của nhà trường. Gia đình tôi ở trong Làng đại học Thủ Đức.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #85 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2016, 12:04:06 am »


Sau ngày giải phóng, Sư đoàn 341 làm nhiệm vụ quân quản Sài Gòn. Anh Trân xin Thành ủy được 10 căn biệt thự ở Thủ Đức cho cán bộ cao cấp của Quân đoàn 4. Bấy giờ, anh Trân là Phó Tư lệnh Quân đoàn 4, đơn vị đóng quân ở Sóng Thần, nên anh có nhiều dịp về với gia đình.

Cuối thập niên 80, tôi có ý nguyện xin về hưu sớm, vì đi đến đâu anh ấy cũng thường nói vui bị “tiểu đường” hơn 40 năm chưa có điều kiện chữa trị! Cuộc đời binh nghiệp của anh đi suốt dọc Trường Sơn, tiểu bờ, tiểu bụi, tiểu đường là chuyện thường tình. Nghe anh hài hước kể chuyện với bạn bè, với đồng đội, nên tôi quyết định xin về hưu sớm để sang Campuchia sống với anh, vợ chồng có điều kiện chăm sóc lẫn nhau. Thời gian này anh là Tham mưu trưởng Mặt trận 719, cùng ở với đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh. Tuy nhiên, mãi đến năm học 1990 - 1991, tổ chức Sở Giáo dục mới sắp xếp cho tôi được toại nguyện.

Tuy lấy nhau ngót 38 năm, nhưng mãi tới lúc về hưu (1995) anh mới thực sự được sống sum vầy với gia đình, gần gũi nhiều hơn với con cháu. Ấy cũng là lúc các con cần chỗ dựa, cần lời khuyên của người cha - một người rất mực thương yêu con cháu, khao khát không khí đầm ấm của gia đình. Một người đã biết sống, biết hiến dâng cuộc đời của mình cho sự nghiệp lớn của dân tộc, của đất nước.

Tiếc thay, các con tôi chưa được dựa vào người cha đáng kính đó được bao lâu. Anh đột ngột từ giã cõi đời vào tháng 3 năm 1997, nhưng hình ảnh người cha thân thương đó sẽ dìu dắt các con tôi suốt cuộc đời.

Trong tâm tưởng của mẹ con, bà cháu tôi, thì anh như người vừa chợt đi đâu đó thăm bạn bè, người thân...
Ngày 8 - 4 - 2007
(21-2 Đình Hợi)
V.B.H
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #86 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2016, 08:13:51 pm »


VĨNH BIỆT ANH!
Đại tá Trần Văn Sang1


Anh Trân ơi!

Thật là thiệt thòi đau xót lắm anh ơi! Anh đã đột ngột ra đi không một lời trối trăng nhắn gửi với vợ con, anh em, các cháu, bạn bè và đồng đội.

Ai cũng biết:

“Trăng tròn đẹp, đến chu kỳ phải khuyết
Trái chín thơm đến lúc phải lìa cành
Cảnh bèo hợp mây tan, sau vầng ly tán
Là quy luật tồn vong của tạo hóa”


Nhưng sao anh ra đi sớm thế, đột ngột lắm, đau xót lắm anh ơi! Anh ra đi để lại trăm nhớ ngàn thương trào dâng tha thiết cho gia đình, bè bạn gần xa. Anh ra đi để lại chị vắng bóng người chồng thân yêu, các con bơ vơ vắng bóng người cha mẫu mực. Thế là mãi mãi đâu còn những lời chỉ bảo thân thương, đâu còn những tiếng cười, tiếng nói vui vẻ trong gia đình. Các cháu còn nhỏ dại lắm: cháu Quỳnh Anh, cháu Anh Trung còn nhỏ nhưng khi anh đột ngột ra đi, nỗi đau thương trào dâng khóc nức nở. Từ nay các cháu mãi mãi không còn những lời âu yếm, vỗ về của ông nữa. Nỗi mất mát lớn quá làm sao bù đắp nổi! Anh Trân ơi! Làm sao quên được những ngày thơ ấu, những kỷ niệm vui buồn mà anh em chúng mình đã cùng chung sống trong vòng tay ấm áp của mẹ kính yêu đã tần tảo một nắng hai sương, nuôi con khôn lớn. Dưới ách thống trị của thực dân Pháp, gia đình chúng mình nghèo quá, anh đã sớm nghỉ học để lao động cùng mẹ nuôi sống gia đình và để có điều kiện bí mật hoạt động cách mạng không hề sợ hy sinh gian khổ.

Khi Cách mạng tháng Tám thành công, anh là một trong những thanh niên đầu tiên của xứ Huế gia nhập quân đội cách mạng, theo lời kêu gọi cứu nước thiêng liêng của Bác Hồ. Em còn nhớ mãi, chỉ cách đây mấy tháng thôi, khi anh bị bệnh nặng, anh đã tâm sự cùng em: “Mẹ chúng mình suốt đời hy sinh gian khổ vì con vì nước, anh còn nhớ mãi câu nói của mẹ: “Trân ơi tại sao mỗi khi nghe con hát: “Đoàn vệ quốc quân một lần ra đi là có mong chi đâu ngày trở về”, mà mẹ buồn quá. Biết thế nhưng mẹ vẫn động viên bốn con ra đi bộ đội, giành độc lập tự do cho Tổ quốc, và đến khi đất nước thống nhất các con trở về thì mẹ không còn nữa! Mẹ suốt đời vì nước vì non nhưng không được một ngày vui trọn vẹn!”. Đối với gia đình, anh là người con hiếu thảo, là người anh, người chồng, người cha mẫu mực biết chăm lo cho từng thành viên trong gia đình được hạnh phúc, vui vẻ và trưởng thành. Đối với Tổ quốc, anh là một chiến sĩ cách mạng kiên cường, tuyệt đối trung thành với dân, với Đảng. Mỗi tên đất tên làng ở chiến trường Bình Trị Thiên, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ đều có ghi đậm những chiến công hiển hách của đồng chí, đồng đội và anh. Đúng vậy, những lời tâm tình của những người bạn cùng chiến đấu lúc vĩnh biệt anh đã chứng minh điều đó.

Anh Trân ơi, anh có lối sống rất đặc biệt, rất vị tha, quan tâm giúp đỡ, nghĩa tình trọn vẹn. Anh là một chỉ huy chiến đấu vô cùng dũng cảm, một vị tướng tài năng, hết lòng thương yêu chiến sĩ, cán bộ cấp dưới. Anh là một chiến sĩ kiên cường, mưu trí trong lao tù, chiến đấu bí mật giữa lòng kẻ thù, bảo vệ Đảng, bảo vệ đồng đội. Anh là một người bạn đã để lại nhiều dấu ấn, kỷ niệm sâu sắc khó quên trong lòng bạn bè, đồng chí, đồng đội. Vĩnh biệt anh, bạn bè, đồng đội không sao cầm dược nước mắt.

Anh Trân ơi! Trăm nhớ ngàn thương trào dâng vô hạn. Nuốt nước mắt vĩnh biệt anh. Chị, em, các cháu, các đồng chí và bè bạn gần xa, cả những người không có mặt hôm nay gửi anh lời chúc lên đường đi xa, đi xa mãi mãi.

Tuy anh đã đi xa, nhưng gia đình, đồng đội, đồng chí vẫn nhớ mãi hình ảnh của anh.

Vĩnh biệt anh, gia đình và bè bạn vô cùng thương tiếc, mãi mãi noi theo gương sáng của anh. Anh Trân ơi! Đã đến lúc anh lên đường đi vào cõi vĩnh hằng, cầu mong linh hồn anh thanh thản như ngày nào chúng mình ra trận.

Vĩnh biệt anh! Vĩnh biệt!
T.V.S.
______________________________________
1. Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Thừa Thiên Huế (em Thiếu tướng Trần Văn Trân).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #87 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2016, 08:17:43 pm »


ĐỂ TRUNG CANG MỘT THỜI
Kính viếng linh hồn anh Ba Thương1 
(Thiếu tướng Trần Văn Trân)

Chết nào có dễ đâu Anh
Bom luồn dép cứng, đạn đan võng mềm
Ruổi rong khắp chốn ngày đêm
Đất thân chỉ lối, trăng hiền rọi đi.

Chết nào đâu có dễ gì
Sáng chơi “chuồng cọp”, chiều đi “tàu ngầm”
Tối về kể truyện “Trăm năm”...
Xót đời Từ Hải, thương thân Thúy Kiều.

Sống sao mà khó trăm chiều
Oan khiên Thị Kính, đặt điều Sở Khanh
Ngổn ngang tình lý, công danh...
Việc mình mình biết, phận mình mình hay.

Sông sao khó, dễ lắm thay
Ngả lưng trên chiếc võng này, năm xưa...
Nghĩa, tình từ dạo nắng, mưa
Trả bao nhiêu vẫn thấy chưa bằng lòng.

Nghỉ yên cánh võng vô cùng
Để THƯƠNG huyền thoại trong lòng TRẦN gian:
Rủi ro trên đất An Giang
Nấu cao khỉ để trung cang một thời
16-5-1997
49 ngày mất anh Ba Trân
Trần Nguyên Phò
________________________________
1. Gặp anh Trần Văn Trân (Ba Thương) ở trại giam Cần Thơ lúc vết thương ở chân anh chưa lành.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #88 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2016, 08:18:50 pm »



TIẾC THƯƠNG THIẾU TƯỚNG TRẦN VĂN TRÂN
Người anh thân yêu của gia đình
Phạm Thị vắng, Trần Đức Bản

Tôi viết bài thơ tiễn biệt anh
Mà đôi dòng lệ cứ vòng quanh
Và trong gan ruột đau như cắt
Viết chẳng nên thơ, bỏ chẳng đành.

Tôi nhủ lòng tôi cứ viết đi
Nghĩ gì viết nấy có can chi
Tình như dòng thác trên câu chữ
Nghĩa nặng keo sơn cấu tứ thi.

Nhớ lắm anh ơi! Cả cuộc đời
Vào sinh, ra tử vẫn vui tươi
Nghĩa tình chung thủy không phai nhạt
Thân ái, hồn nhiên những nụ cười.

Giàu lòng nhân ái, nặng tình thương
Anh mãi xông pha khắp chiến trường
Luôn sống chan hòa cùng đồng đội
Nặng tình đồng chí, nghĩa quê hương.

Anh vội ra đi thế, anh Trân!
Giữa mùa hoa nở, giữa trời xuân
Gia đình, bạn hữu quanh anh đó
Anh đã vội ngồi trong khói hương!

Tôi viết bài thơ tiễn biệt anh
Mà đôi dòng lệ cứ vòng quanh
Anh đi để lại bao thương tiếc
Với tấm gương trong mãi sáng - lành!
Huế, 11-4-1997
Trần Đức Bản
(Trần Thanh Văn)

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #89 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2016, 08:20:50 pm »


VĨNH BIỆT BA VÔ VÀN KÍNH YÊU
Trần Thị Bích Thủy1


Ba ơi! Đau đớn quá, ba đột ngột ra đi không kịp nhắn nhủ lại dù một lời cuối.

Sáng mẹ con còn nói chuyện với ba, chúng con đi làm, các cháu đi học vẫn vui vẻ chào ba, vậy mà chiều về chúng con đã mất ba mãi mãi. Các cháu hỏi: Ông đâu? Sao ông không dậy ăn cơm? Con nhớ ông lắm cho nhìn ông đi!

Ba không còn nữa là mất mát to lớn không có gì có thể bù đắp được vì ba là tấm gương sáng, là trụ cột, là linh hồn và nhất là sự đầm ấm của gia đình. Từ nay mẹ con không còn được tâm sự với ba nữa, chúng con không còn được người ba khuyên bảo, bé Quỳnh Anh không được ngủ với ông, Tu Ty không còn được chào ông mỗi khi đi học về, bé Nô không còn được đòi “đi sang ông ngoại” để chơi bắn súng, còn bé Trung Anh thiệt thòi bé quá vẫn chưa biết ông.

Ba yêu thương, chúng con không dám nói lời “Cám ơn ba” ở đây, vì không có lời nào có thể đền đáp hết công lao, tình thương và lòng nhân hậu bao la của ba đối với chúng con. Chúng con chỉ xin ba một điều: ba hãy tha lỗi cho chúng con có những lúc chúng con đã làm ba buồn lòng. Ba hãy tha thứ cho chúng con ba nhé! Dù nỗi ray rứt, nỗi ân hận nay đã quá muộn màng.

Thôi ba cứ yên tâm ngủ ngon, chúng con xin hứa chăm sóc mẹ, chúng con xin hứa làm việc xứng đáng với ba và chúng con sẽ dạy các cháu sống - học tập xứng đáng với ông.

Một lần nữa chúng con xin vĩnh biệt ba - Nhưng ba mãi mãi vẫn sống trong trái tim của gia đình ta.
T.T.B.T
___________________________________
1. Cán bộ giảng dạy Trường Đại học Bách khoa Tp. Hồ Chí Minh, con gái đầu lòng của Thiếu tướng Trần Văn Trân.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM