Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 01:37:12 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chuyện bây giờ mới kể  (Đọc 30657 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #70 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2016, 11:44:29 pm »


Đầu tháng 1 năm 1975, Bộ tổ chức lớp tập huấn cho toàn quân ở Hà Nội 10 ngày. Đồng chí Chính ủy Trần Nguyên Độ và tôi được cử tham dự lớp học này.

Sau khi học tình hình nhiệm vụ, mỗi sư đoàn là một tổ phải vẽ quyết tâm chiến đấu cấp sư đoàn, hiệp đồng binh chủng đánh vào thành phố Huế với những tưởng định về địch, về dân tình, v.v... Anh Độ được Cục Cán bộ gặp riêng, anh Trân được Bộ Tổng Tham mưu gặp riêng, còn tôi cứ loay hoay vẽ, mà cả đời đã bao giờ đến Huế đâu! Tôi đành vẽ dặm bút chì đen mờ rồi lo so sánh lực lượng ta và địch. Khi anh Trân về anh la toáng lên, làm tôi xấu hổ quá chừng. “Mũi tấn công chủ yếu phải nhắm vào đồn Mang Cá đây nè. Tham mưu trưởng vẽ chỗ đó là đánh vào nhà tôi rồi...”. Đến đây tôi mới nhớ là anh Trân quê ở Huế. Rồi cũng xong, chúng tôi nộp bài cho bảo mật rồi lên hội trường nghe phổ biến tin chiến thắng đường 14 Phước Long của miền Đông Nam Bộ.

Trên dường từ Hà Nội về Quảng Bình, ngồi trên xe com-măng-ca đít tròn của sư đoàn trưởng, đồng chí Dong lái, tôi không thấy anh nói nhiều về Huế nữa mà lại nói nhiều về đặc điểm địa hình và các đơn vị của ta ở miền Đông Nam Bộ. Anh nhắc tôi muốn vào Sài Gòn từ rừng núi xuống có 3 trục đường bộ là đường 20 Đà Lạt đi Sài Gòn, đường 13 từ Lộc Ninh vào Sài Gòn, đường 22 từ Tây Ninh xuống Sài Gòn... Tôi chưa có bản đồ nên hỏi anh thế có đi qua dân không và địch thế nào? Anh nói: “Sau chiến thắng Phước Long, ở Sài Gòn, Nguyễn Văn Thiệu đã họp các tướng tá ở Dinh Độc lập bàn cách đối phó và đã nhận định rằng: năm 1975 Việt cộng có thể đánh lớn hơn 1974 nhưng không bằng 1968 và càng không bằng 1972, có nghĩa là Việt cộng chỉ đánh ở vùng ven như Phước Long, Gia Nghĩa...”.

Tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Ở Huế anh cũng quen vì đó là quê anh, nay tôi hỏi ở Nam Bộ anh cũng quá rành. Sau này tôi mới hiểu là anh đã tranh thủ dạy tôi vì tôi là Tham mưu trưởng. Xe đi qua đất Thanh Hóa đường quá xấu, đầy hố bom, ổ voi, ổ gà và khói bụi nên phải đóng cửa kín. Mỗi lúc anh Trần Nguyên Độ ngáp ngủ là anh nói lái xe dừng lại để chính ủy hút thuốc. Ông chính ủy “bắn” liền hai phát rồi mở cửa vòng ra sau. Tôi thấy anh Trân mở cửa đối diện liếc nhìn chính ủy, rồi anh quay lại bịt miệng cười và dí ngón tay vào mũi tôi. Tôi còn đang ngơ ngác thì anh lệnh cho xe lăn bánh... Ôi câu chuyện tếu mà mang nặng tình người, tình đồng chí, đồng đội. Mãi sau giải phóng Sài Gòn, khi làm nhiệm vụ quân quản anh Trần Văn Trân đã nhờ Trung đoàn 270 có hậu cứ ở ngã ba Dầu Giây bắt giúp tắc kè. Đồn điền Ông Quế có rất nhiều tắc kè. Trung đoàn trưởng Trung đoàn 270, Nguyễn Thanh Vân đã huy động anh em đi làm sớm, bắt được cả trăm con tắc kè đực thật sung mãn, gửi về Sở chỉ huy ở đường Tô Hiến Thành quận 10 để ngâm rượu giúp Chính ủy Trần Nguyên Độ “sức yếu đầu bạc”. Bài thuốc này kết quả trông thấy, hiệu nghiệm lắm. Vài tháng sau tóc Chính ủy đã ngả màu muối tiêu mà tiêu đen nhiều hơn muối. Anh Trân ra lệnh cho tôi: “Tham mưu cho doanh trại, hành chính sửa chữa và dọn căn nhà số 201 đường Công Lý, quận 3 cho sạch sẽ, kín đáo, có vệ binh canh gác xa xa… để sau đám cưới với chị Kim Yến thì nơi đó là tuần trăng mật của Chính ủy, rõ chưa?” Tôi trả lời: “Rõ thưa Sư trưởng!” rồi bắt tay chuẩn bị.

Vài ngày sau đồng chí Lê Đức Thọ, các anh Vũ Cao, Phạm Thành Minh đến kiểm tra công tác chuẩn bị để đảm bảo chắc ăn...! Thời gian trôi đi, 27 năm sau, khi anh Trần Nguyên Độ từ trần, tôi đến viếng anh ở Làng đại học Thủ Đức. Với nghi thức lễ tang một vị tướng rất nghiêm trang cảm động có đại diện Học viện Lục quân, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4, Quân khu 7, Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Bà con lối xóm, chính quyền Đảng bộ địa phương, gia đình ngoài Bắc trong Nam, mọi người đều ngậm ngùi vô cùng thương tiếc anh Trần Nguyên Độ, song trong lòng mọi người vẫn thầm cảm ơn “Y sĩ đông y Trần Văn Trân” mỗi khi họ nhìn vành khăn tang của chị Kim Yến và cháu Hoàng Chinh. Làm Tham mưu trưởng cùng chiến đấu, công tác với các anh tôi cảm nhận tình đồng đội, tình người thắm đượm quá. Nó ở bên nhau, nó đi với nhau hết cả cuộc đời.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #71 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2016, 11:45:53 pm »


Nhận nhiệm vụ hành quân chiến đấu:

Ngày 25 tháng 1 năm 1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trực tiếp giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 341 vào Nam Bộ chiến đấu trong đội hình Quân đoàn 4. Sau thời gian chuẩn bị, nay được vào chiến trường anh Trân mừng lắm, song vấn đề đặt ra là nhiều việc phải triển khai một lúc. Đảng ủy chỉ huy Sư đoàn đã phân công hợp lý, kịp thời. Anh Trân giao cho tôi vào Bộ Tư lệnh 559 hiệp đồng xe chở Sư đoàn đi B2. Cùng đi với tôi có đồng chí Phạm Tiễn - Trưởng ban Quân lực, đồng chí Hoàng Đăng Lâm - Trưởng ban Công binh. Anh dặn dò thêm: “B2 rất thiếu đạn, ta phải đem theo hai cơ số, lương thực thực phẩm đều trên vai cả đấy, khẩn trương lắm rồi, đi lẹ lên!”.

Tôi lo lắm vì quân số gần hai vạn, anh nói mang thêm cơ số đạn là tăng lên cả trăm tấn rồi. Nhưng nghĩ anh ở nhà lo tổ chức triển khai cả một sư đoàn đâu có nhẹ nhàng gì. Hồi tối, nghe anh bàn với anh Độ đi chào chính quyền và cảm ơn dân, đi hiệp đồng đón nhận quân nhân đi viện về, các gia đình vào thăm mà đơn vị đi rồi...

Rất may là tổ chức đã sắp xếp anh Bảo Cường, anh Lương Tư là cán bộ sư đoàn ở lại chịu trách nhiệm hậu cứ để sư đoàn lên đường một trăm phần trăm.

Làm việc với các đồng chí Đoàn 559 tôi được biết đường Tây Trường Sơn có 900 ki-lô-mét chạy tốt, đường Đông Trường Sơn có 1.050 ki-lô-mét chạy tốt, dọc đường có 46 kho, 113 trạm xăng dầu. Chúng tôi quyết định chọn đi đường Đông Trường Sơn, hiệp đồng 500 xe vận tải nặng mỗi xe chở gọn một trung đội của Đoàn vận tải anh hùng 571. Việc bảo đảm ăn uống, chiến đấu dọc đường đơn vị hành quân lo, đến phạm vi trạm nào thì kết hợp với trạm đó. Chỉ huy đoàn ngồi cùng xe với chỉ huy xe.

Sau bao ngày xa, anh Trân về lại sở chỉ huy ở xã Hoa Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình. Anh gầy hẳn, vành mắt hơi thâm quầng vì mất ngủ, hội họp quá nhiều... Anh nói: Đảng ủy và chỉ huy sư đoàn đã thông qua phương án hành quân chia hai đoàn. Đoàn một gồm toàn bộ Trung đoàn 273 và bộ phận hỏa lực nhẹ, các cán bộ đi trước của sư đoàn do đồng chí Phạm Thành Minh chỉ huy. Đồng chí Vũ Thang và đồng chí Lê Hải Anh (nay là Trung tướng) đi trước hai tuần lễ, số lượng xe cần dùng là 160 xe. Số còn lại đi đoàn 2. Vật chất mang theo Bộ cho 100 xe, đồng chí Trịnh Hồng Phát đang nhận về... Trường hợp vợ đồng chí Phạm Tiễn từ Hải Dương vào trong khi chồng đi vắng, chị ấy trình bày: lấy anh Tiễn từ năm 17 tuổi, nay chị đã 28 tuổi, hai người vẫn chưa có con. Nay chị xin Đảng ủy và Sư trưởng cho gặp chồng để có một đứa con, rồi anh ấy đi bao lâu nữa chị cũng chờ.

Việc này tôi đã bàn với Chính ủy Trần Nguyên Độ là “còn nước còn tát...”. Từ xưa đến nay tôi chỉ nghe có cụm từ này cho người bệnh thập tử nhất sinh. Tôi luôn bất ngờ với quyết định của anh Trân khi anh cho phép những quân nhân nào có vợ hoặc gia đình đến thăm thì được ở lại đi theo đoàn thứ hai. 15 ngày đối với những người vợ lính là vô cùng quý giá. Anh quá hiểu chiến tranh, quá hiểu con người, quá tuyệt vời với lính. Ở trường hợp này ai mà không mang ơn ông Trân, ông Độ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #72 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2016, 11:46:31 pm »


Ngày 28 tháng 2 năm 1975 tới trạm cuối cùng ở B2 bộ phận đi đoàn 1 của Sư đoàn 341 được tách ra làm 2 theo ý định của Miền và Quân đoàn 4.

Số cán bộ và cơ quan đi về hướng đường 20 để chuẩn bị đón sư đoàn. Toàn bộ Trung đoàn 273 vào thế chỗ của Trung đoàn 3 Sư đoàn 9 trên trục đường 13 đoạn Chơn Thành - Bầu Bàng, cùng Sư đoàn 9 và Quân đoàn chiến đấu ở Dầu Tiếng, ở đường số 2 từ Cầu Tào, ngã ba Đất Sét, v.v... Ngày 31 tháng 3 năm 1975, Trung đoàn 273 ở trong đội hình Quân đoàn giải phóng chi khu quận lỵ Chơn Thành, sau đó hành quân về trục đường 20 trong đội hình Sư đoàn 341 đủ. Đến đây tôi mới nhận thức điều anh Trân đã dạy tôi từ hôm ngồi trên xe từ Hà Nội về Quảng Bình, tôi mới thấm cái tình đồng chí, đồng đội ở anh.

Ngày 17 tháng 3 năm 1975, Sư đoàn 7 vừa tiêu diệt địch ở Định Quán, Quân đoàn cho phát triển giải phóng Lâm Đồng - Đà Lạt, giao ngay nhiệm vụ đánh về Túc Trưng, Gia Tân - Gia Kiệm cho Sư đoàn 341. Vừa trải qua chặng đường hành quân cơ giới hơn một ngàn ki-lô-mét, Sư đoàn 341 xuất hiện ở mặt trận hướng đông bắc Sài Gòn. Quân địch ngỡ như ta từ trên trời rơi xuống, còn quân ta khá bỡ ngỡ, mọi trang bị đều ở trên vai, mỗi chiến sĩ phải cõng từ 28 đến 30 ki-lô-gam vào trận.

Sư đoàn 9, Sư đoàn 7 của Quân đoàn 4 đã ở đây hàng chục năm rồi, rất thuộc đường, lại có căn cứ kho trạm nên vào chiến đấu chỉ cần mang một bộ đồ, một cơ số đạn, v.v...

Sau cuộc họp Đảng ủy sư đoàn và các đồng chí chỉ huy trung đoàn, có cả cán bộ địa phương nữa, Chính ủy Trần Nguyên Độ chỉ hút có một điếu thuốc lào rồi vội đi cùng với các chính ủy trung đoàn. Chủ nhiệm chính trị Nguyễn Quế, cán bộ địa phương, anh Trần Văn Trân, anh Vũ Cao, anh Hồ Đình Quý cùng các trung đoàn trưởng, các cán bộ tham mưu lên phương án trên bản đồ. Ngay chiều tối đầu tiên ấy toàn sư đoàn đã vào vị trí chiến đấu. Bị áp lực đè nặng nên chiến đoàn 52 ngụy và lữ đoàn thiết giáp của chúng ở Gia Tân, Gia Kiệm, Dầu Giây, không còn khả năng phản kích. Đây là điều kiện thuận lợi để Sư đoàn 7 giải phóng Lâm Đồng ngày 28 tháng 3 năm 1975.

Ngày 31 tháng 3 năm 1975, Bộ Chính trị có công điện: “Giờ phút quyết chiến chiến lược của quân và dân ta bắt đầu, cần động viên cao độ và nhanh chóng lực lượng của cả nước giải phóng Sài Gòn trong thời gian sớm nhất... không chậm trễ.”.

Ngày 3 tháng 4 năm 1975, tại Sở chỉ huy Quân đoàn 4 ở phía đông cầu La Ngà, anh Trần Văn Trân, anh Trần Nguyên Độ nhận nhiệm vụ và bàn phương án đánh Xuân Lộc - Long Khánh mở cửa vào Sài Gòn - Gia Định.

Thị xã Xuân Lộc - Long Khánh, nằm giữa quốc lộ số 1 cũ và quốc lộ số 1 mới (vòng ra Phan Thiết đi Nha Trang) chỉ cách Sài Gòn 60 ki-lô-mét đường chim bay về hướng đông bắc. Đây là đầu mối giao thông đường sắt đường bộ đi Nha Trang, đi Vũng Tàu, đi Đà Lạt về Biên Hòa. Tất cả các cánh quân hướng đông và đông bắc đều phải qua đây để vào Sài Gòn.

Xuân Lộc là mục tiêu kiên cố bởi nó kết hợp nhà xây, hầm hào kiên cố, kết hợp tiểu khu Long Khánh có sư đoàn 18 ngụy với 8 tiểu đoàn bảo an, 20 đại đội địa phương, hàng ngàn cảnh sát và dân vệ. Từ sau khi Đà Nẵng thất thủ, Mỹ ngụy đã bổ sung thêm trung đoàn 5 thiết giáp, chuyển sở chỉ huy quân đoàn 3 ở Biên Hòa lên Trảng Bom kéo theo quân cơ động để ứng cứu. Tướng Mỹ Uây-en đã khẳng định: “Bằng mọi giá phải giữ Xuân Lộc, nếu để mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn...”
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #73 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2016, 11:47:09 pm »


Ngày 4 tháng 4 năm 1975, thủ tướng Sài Gòn Trần Thiện Khiêm từ chức, Nguyễn Bá Cẩn được cử ra lập chính phủ mới. Mỹ gửi công hàm cho Liên Xô - Trung Quốc đề nghị họp hội nghị Giơ-ne-vơ. So sánh lực lượng ta áp đảo hơn địch, mục tiêu lực lượng địch rất đông dàn trải rộng. Quân đoàn 4 quyết định dùng Sư đoàn 7 hành động trên hướng chủ yếu đánh thẳng vào sư đoàn 18 ngụy; Sư đoàn 341 tiến công trên hướng thứ yếu, đánh thẳng vào thị xã Long Khánh, chi khu quận lỵ, dinh tỉnh trưởng.

Sư đoàn 6 Quân khu 7, Trung đoàn 95B của Bộ đánh ngã ba Dầu Giây, chia cắt Trảng Bom.

Đúng 5 giờ 40 ngày 9 tháng 4 năm 1975, ta nổ súng và kết thúc ngày 21 tháng 4 năm 1975. Trận đánh kéo dài tới 11 ngày, cam go nhất là 3 ngày đầu mùng 9, 10, 11 tháng 4, các ngày sau là truy diệt và đánh quân tăng viện.

Kết quả chung cuộc, ta tiêu diệt 2.056 tên địch, bắt 2.785 tên. Đánh tan 3 chiến đoàn bộ binh, 2 chi đoàn xe bọc thép, một số đơn vị pháo binh và biệt động. Ta thu 48 xe ô tô, 1.499 khẩu súng các loại, phá hủy 16 xe ô tô, 42 xe bọc thép.

Tổng thống ngụy Nguyễn Văn Thiệu vội vã từ chức để mặc Phó tổng thống Trần Văn Hương 71 tuổi, già yếu, mắt kém chịu trận tiếp theo.

Trong phạm vi nhiệm vụ của mình, ngay trong ngày 9 tháng 4 năm 1975, Sư đoàn 341 đã đánh chiếm hết các mục tiêu.

9 giờ 30 phút, Trung đoàn 266, Tiểu đoàn 5 Trung đoàn 270 đã tràn vào thị xã. Chiến sĩ Phan Lê Canh và Phan Văn Trong của Trung đoàn 270 phối hợp với chiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn và chiến sĩ Nguyễn Minh Đức cắm cờ trên nóc dinh tỉnh trưởng. Ngày 10 và 11 tháng 4 năm 1975, chiến sự diễn biến vô cùng ác liệt. Bộ đội ta vẫn giữ từng căn nhà, ngách phố. Công lao của Đảng ủy và người chỉ huy Sư đoàn 341 đã tạo lên sức mạnh, lòng dũng cảm, sự chịu đựng ác liệt. Anh hùng Phạm Văn Lái xuất hiện ở đây.

Sau chiến thắng Xuân Lộc, bọn địch ở vòng ngoài và bọn tàn binh các nơi dồn về lập tuyến phòng thủ ở Long Bình, Trảng Bom, Biên Hòa, Bàu Cá, Tam Hiệp dày đặc hai bên quốc lộ 1 vào Sài Gòn. Khu vực Tam Hiệp có lữ đoàn dù số 3 thiết giáp và quân biệt động, khu vực Long Thành - Nước Trong có lữ đoàn 258 thủy quân lục chiến. Ở Trảng Bom còn nguyên quân tăng cường từ Biên Hòa lên kết hợp với quân ngụy tháo chạy ở các nơi về phòng thủ dày đặc tại dốc Ông Hoàng, ga Long Lạc, suối Đĩa, Bầu Cá, ấp Hưng Nghĩa; chi khu quận lỵ có tiểu đoàn 368.

Về phía ta, cấp trên đã quyết định mở chiến dịch Hồ Chí Minh từ ngày 27 tháng 4 năm 1975. Trung tướng Lê Trọng Tấn - Phó Tư lệnh, Trung tướng Lê Quang Hòa - Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy chiến dịch đã lệnh cho Quân đoàn 4 sử dụng Sư đoàn 341 kết hợp với địa phương Đồng Nai đánh dứt điểm Trảng Bom vào ngày mở màn chiến dịch 27 tháng 4 năm 1975, sau đó phát triển vào Biên Hòa - Sài Gòn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #74 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2016, 11:48:28 pm »


Ngày 24 tháng 4 năm 1975, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 đã tăng cường cho Sư đoàn 341 một tiểu đoàn xe tăng, một tiểu đoàn pháo cao xạ, một đại đội pháo 105 mm và giao nhiệm vụ đánh Trảng Bom.

Sau khi nhận nhiệm vụ, Sư đoàn đã tính toán thời gian mọi công việc phải làm cho kịp, rồi thông qua dự kiến quyết tâm của tham mưu trưởng, tổ chức đi trinh sát nghiên cứu tình hình mục tiêu trận đánh.

Toàn sư đoàn đã tổ chức quán triệt nhiệm vụ và thực hành công tác chuẩn bị chiến đấu.

Sau 11 ngày đánh Xuân Lộc, chính ủy Trần Nguyên Độ quá thèm thuốc lào! Hôm nay có khoảng cách giữa hai trận đánh, anh hút ba điếu liên tục rồi từ từ thả khói thuốc cuồn cuộn bay cao... thật quá đã. Bất giác anh đứng dậy hỏi Chủ nhiệm chính trị Nguyễn Quế đã đủ chưa? Rồi anh dõng dạc xác định trước hội nghị Đảng ủy sư đoàn mở rộng ngay tại lô cao su bên cạnh đường 20 khu Bình Lộc: “Đây là vinh dự cho Sư đoàn 341 chúng ta, mới vào chiến trường đã được tin tưởng giao nhiệm vụ. Chúng ta phải chiến thắng đúng thời gian mệnh lệnh, chậm trễ là ảnh hưởng toàn mặt trận”.

Trận đánh hiệp đồng binh chủng quy mô cấp sư đoàn tăng cường vào mục tiêu đông quân, vũ khí nhiều, tính chất ngoan cố, dễ đụng chạm chính sách. Thời gian trận đánh là tiếng kèn xung trận của chiến dịch Hồ Chí Minh trên hướng đông.

Khói bụi trận đánh Xuân Lộc đã khiến Sư đoàn trưởng Trần Văn Trân bị viêm mũi, anh phải lấy khăn dụi dụi làm đỏ bừng khuôn mặt. Anh Trân phụ với đồng chí Trần Hường - Trưởng ban Tác chiến trải tấm bản đồ cho song song với đường 20 trên tấm bản đồ - mục tiêu Trảng Bom được tô đậm, mục tiêu Biên Hòa được tô bằng hàng kẻ phụ, mục tiêu Sài Gòn được tô đậm, đứt đoạn. Sư đoàn trưởng phân tích rất kỹ về khả năng của địch, tính chất, tinh thần, chờ gọi đồng chí Lê Hải Anh, Hoàng Trung Trực vừa đánh Chơn Thành về rồi mới kết luận về địch.

Khi phân tích địa hình, anh cho mời chị Nguyễn Thị Ngọc Liên (Hai Liên - Bí thư Huyện ủy Trảng Bom) và hai du kích thông thạo địa hình vào trình bày đâu là chi khu quận lỵ, đi đường nào vào nhanh, đâu là dốc Ông Hoàng, là ga Long Lạc, là suối Đĩa, v.v... sau đó anh mới kết luận về địa hình. Chị Hai Liên tận dụng dịp may hiếm có tranh thủ phổ biến luôn nghị quyết của Khu ủy miền Đông, của Biên Hòa và yêu cầu bắn pháo phải trúng đích kẻo vào nhà dân thì không giữ được nguyên vẹn, các đồng chí cứ đánh đến đâu là dân ào lên đến đó, tôi sẵn lòng nhường căn cứ Huyện ủy để anh Ba Trân làm sở chỉ huy. Giờ nghỉ, anh trao đổi rất kỹ với anh Phạm Thành Minh, Phó chính ủy sư đoàn, các chính ủy trung đoàn và chị Hai Liên về chính sách sau giải phóng, về tù binh, quân nhân đi lạc, v.v...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #75 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2016, 11:49:07 pm »


Vào giờ thứ hai, anh Ba Trân hỏi ngay chủ nhiệm hóa học Trần Viện về tác hại của hai quả bom CBU địch thả xuống Bảo Vinh A hôm đánh Xuân Lộc. Đồng chí Trần Viện báo cáo CBU gây thương vong bằng sóng chấn động không có hóa học, ở Trảng Bom tôi đã cho trinh sát đi với Tham mưu trưởng Vũ Thang rồi. Anh hỏi về việc đạn pháo đem từ Quân khu 4 vào, đồng chí Lê Đình Cúc báo cáo theo lệnh của Sư đoàn phó Vũ Cao trận Trảng Bom 1.000 quả, chợ Sặc 500 quả, Biên Hòa 2.000 quả, còn lại dự trữ để vào Sài Gòn. Anh nói như ra lệnh cho đồng chí Cúc tìm gặp chị Hai Liên để hiểu rõ tình hình dọc Hố Nai - Biên Hòa vì quá nhiều dân, nhà thờ...

Sau đó anh trao đổi ngắn với Ban chỉ huy, Thường vụ Đảng ủy rồi kết luận. Với giọng Huế ấm áp thiết tha, dứt khoát, anh nói: Sư đoàn 341 được mang tên Sư đoàn Sông Lam, lại được đánh trận mở màn cho chiến dịch tổng công kích vào Sài Gòn, chiến dịch mang tên Bác Hồ kính yêu. Tất cả chúng ta quyết đánh tiêu diệt lớn trận này! Cả hội nghị giơ tay quyết tâm, một khí thế bừng bừng. Anh Trân cầm que chỉ huy đặt vào tấm bản đồ đây là mục tiêu chủ yếu có hầm ngầm chỉ huy, Trung đoàn 270 khi xung phong phải sớm phát hiện để tiêu diệt kiểm tra khối bộc phá và tổ chức đánh đồng thời cho tiểu đoàn 4 chiếm ngay suối Đĩa... Đồng chí Nguyễn Thanh Vân báo cáo: Rõ!...

Lần lượt các lực lượng được anh Trân dặn dò rất kỹ. Cuối cùng anh phái tôi (Vũ Thang) - Tham mưu trưởng đi theo hướng Trung đoàn 270. Anh ở giữa Trung đoàn 273 - 270 nơi hậu cứ của chị Hai Liên. Các mũi, các hướng vừa trinh sát bổ sung, vừa chiếm lĩnh bí mật đúng 4 giờ ngày 27 tháng 4 năm 1975, nổ súng.

Trận đánh diễn ra gần đúng như phương án nhiệm vụ được giao. Chúng tôi cảm nhận anh Trân nói không thừa một câu, không thiếu tình huống nào, cứ như là cái nghề chiến đấu của anh. Với lực lượng Sư đoàn hoàn toàn áp đảo, ta làm chủ lúc 10 giờ ngày 27 tháng 4 năm 1975 (chỉ mất 5 giờ đồng hồ). Với trình độ tinh thông, vũ khí mạnh, kỷ luật nghiêm minh, sức mạnh của Sư đoàn 341 vào thời điểm này không còn kẻ địch nào ngăn nổi. Ngày 28, 29, 30 lần lượt hành tiến tiến công. 21 giờ ngày 27 tháng 4 năm 1975, anh Trân lệnh cho tôi rời khỏi Trung đoàn 270 tìm gặp Trung đoàn 226 đang ở Trảng Bom để tổ chức đội hình hành tiến. Trời tối lại bị pháo binh địch bắn chặn khi phát hiện đội hình xe tăng, tôi hỏi anh Miên anh Thuật đâu? Thấy chiến sĩ ngồi quá cao tôi hỏi các em có sợ không, thì được trả lời đi giải phóng miền Nam vào đến đây rồi còn sợ gì, nếu có hy sinh cũng là cần thiết thủ trưởng ơi. Tôi thầm nghĩ trong bụng đánh Xuân Lộc, Trung đoàn 266 anh hùng thật, song thương vong rất lớn. Thế mới biết lúc còn ở Quảng Bình, trung đoàn được ông Trân - ông Độ xếp loại vững mạnh toàn diện.

Sau khi quét sạch địch ở dốc Ông Hoàng, ở ga Long Lạc, ở suối Đĩa, khoảng 14 giờ ngày 28 tháng 4 năm 1975 qua máy của anh Thuật, anh Miên, anh Trân bảo tôi cùng anh Thuật leo lên gác chuông để quan sát chợ Sặc, Biên Hòa. Anh điều pháo của anh Cúc lên chuẩn bị và cho người đón anh Cúc. Tôi chưa xuống khỏi gác chuông đã thấy xe anh Cúc vụt chạy qua lên sát suối bị xe tăng và bộ binh địch bắn chặn lại. Rất may là anh Cúc đi có đem theo trinh sát và pháo cao xạ 37 mm, anh hạ nòng chiến đấu vừa kịp lúc Trung đoàn 266 vượt lên. Hú vía!...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #76 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2016, 11:50:52 pm »


Đêm 28 tháng 4 năm 1975, tình hình bức bối quá, anh Trân giao Sở chỉ huy lại cho anh Vũ Cao, anh Trần Nguyên Độ và anh Phạm Thành Minh. Anh cùng sĩ quan tác chiến Lê Hải Anh vượt lên giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 266 phải đột kích bằng được vào Biên Hòa, Trung đoàn 273 vòng đánh vào Hốc Bà Thức, vào sân bay. Trung đoàn 270 vượt qua Biên Hòa phát triển vào Sài Gòn qua ngã Dĩ An.

Ngày 30 tháng 4 năm 1975 ở Biên Hòa do xe tăng quá nặng, quá to không qua được cầu, anh Trân lệnh cho toàn bộ xe tăng và Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 273 quay lại xa lộ gặp anh đi cùng đường với Sư đoàn 7.

Đội hình các trung đoàn tiến vào Sài Gòn là Trung đoàn 270 có một đại đội vào Tao Đàn (càfe Trầu Cau bây giờ) còn lại trải dài từ quận 3 đến Dĩ An. Trung đoàn 273 vào ngả biệt khu thủ đô, trường đua Phú Thọ. Trung đoàn 266 vào ngã tư Hàng Xanh, Bình Thạnh, Gò Vấp.

Trung đoàn pháo binh đồng chí Cúc cho kéo pháo 85 và 37 mm ra tuốt cảng Sài Gòn, khu hải quân ngụy.

Các cánh quân hợp điểm, ai ai cũng muốn phải đến tận nơi, phải mắt thấy, tay sờ vào mục tiêu mới sướng, vì vậy mà kẹt đường, đội hình bị chia cắt, thông tin liên lạc tắc nghẽn. Mấy năm nay có lúc nào tôi xa anh Trân nửa bước, nếu tính kỹ thì tôi là người gần anh hơn cả chị Hà nhiều! Vậy mà lúc này anh đi đằng anh, tôi đi đằng tôi. Ấy thế mà tới Sài Gòn đã thấy anh cho sĩ quan tác chiến Lê Hải Anh đưa tôi và sư đoàn bộ đang ở Trần Hưng Đạo, quận 1 về đường Tô Hiến Thành, trại Đào Bá Phước của ngụy quyền Sài Gòn.

Tại đây anh Trân đã ra mệnh lệnh khẩn cấp:

1. Toàn tuyến hậu cần của sư đoàn dừng và quay lại Dầu Giây, đồn điền Ông Quế triển khai cấp cứu bộ đội, tăng gia tự túc.

2. Sở chỉ huy cơ bản về lại Biên Hòa – Hốc Bà Thức cấp cứu bộ đội, kiểm kê, tổ chức đón người đi lạc.

3. Sở chỉ huy nhẹ ở trại Đào Bá Phước, các đại đội trực thuộc về sân gôn Phú Nhuận.

4. Trung đoàn pháo binh về ngã ba Tam Hiệp - Long Bình triển khai phòng không, tăng gia.

5. Các trung đoàn bộ binh tiếp tục truy quét, tuần tra canh gác bảo vệ các mục tiêu phục vụ ngay cho ngày 1 tháng 5 năm 1975.

Năm nay, tôi đã 71 tuổi. Nhiều đêm nghĩ về anh Trân, cái mệnh lệnh ấy vẫn sống mãi đến hôm nay và không thể nào quên. Bởi các địa danh trong mệnh lệnh như đồn điền Ông Quế, Hốc Bà Thức, ngã ba Tam Hiệp đang có 37 gia đình của Sư đoàn 341. Ở Sài Gòn đang có 51 hộ gia đình của Sư đoàn 341. Tôi đã thay anh Trân dự hàng trăm đám cưới của con em những người chiến sĩ Sư đoàn, đám cưới, đám tiệc nào cũng gợi nhớ tên anh.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #77 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2016, 11:52:23 pm »


Nhiệm vụ quân quản:

Đêm 30 tháng 4 năm 1975, tại dinh Độc Lập, Quân đoàn 4 phân công Sư đoàn 7 làm nhiệm vụ quân quản các quận 1, 2, 3, 9, bảo vệ các mục tiêu dinh Độc Lập, đài phát thanh, khu Bộ tư lệnh hải quân ngụy, cảng Bạch Đằng.

Sư đoàn 9 quân quản các quận 5, 10, Tân Bình, bảo vệ nhà máy điện Chợ Quán, cầu chữ Y và ba cầu lớn từ quận 5 sang quận 8, khu Bà Quẹo, khu Chợ Lớn. Sư đoàn 341 là lực lượng cơ động, riêng Trung đoàn 266 quân quản các quận 6, 7, 11, Gò Vấp và khu nội đô.

Rạng sáng ngày 1 tháng 5 năm 1975, công nhân và nhân dân Sài Gòn đón nhận ngày Quốc tế Lao động đầu tiên dưới chính quyền cách mạng. Đứng trước các công sở, kho tàng, đường phố là các chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam quân phục chỉnh tề, nét mặt vui tươi trẻ trung. Đặc biệt Sư đoàn 341 quần áo còn xanh mới có đồng chí còn giữ bộ quân hàm binh nhất, da trắng hồng chưa có râu.

Ngày 7 tháng 5 năm 1975, Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định do Thượng tướng Trần Văn Trà làm Chủ tịch ra mắt nhân dân.

Là người gần gũi với anh Trần Văn Trân, anh Trần Nguyên Độ, tôi hiểu nhiệm vụ quân quản là nặng nề đối với Quân đoàn là tám tháng, đối với Sư đoàn 341 là hai năm với một thành phố lớn như Sài Gòn - Gia Định.

Từ sau năm 1954, ngụy quân, ngụy quyền ở miền Nam nước ta đã biến Sài Gòn - Gia Định, Chợ Lớn thành đô thị lớn, nơi đầu não của chế độ chống phá cách mạng, nơi tập trung kinh tế chính trị, ngoại giao, quân sự với một không gian và một diện tích rất rộng 2.000 ki-lô-mét vuông, dân số 3,5 triệu. Địch chia làm 12 quận có 268 cấp phường, trong phường có hệ thống chính quyền đến khóm.

Ngoại thành có 6 huyện: Củ Chi, Hóc Môn, Thủ Đức, Bình Chánh, Nhà Bè, Duyên Hải, có 83 xã diện tích 1.889 ki-lô-mét vuông. Số liệu điều tra:

Nam giới 1.522.972 người
Nữ giới 1.797.072 người
Nội thành 2.719.129 người
Ngoại thành 720.819 người
Hoa kiều 870.000 người

Các nước khác 8.000 người (gồm Pháp, Canada, Mỹ, Nhật, Phi Luật Tân...)
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #78 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2016, 11:53:08 pm »


- Về thương mại:

Có 1.690 công ty nước ngoài, 30 ngân hàng, 300 đại diện các nhà buôn, 2.230 tư sản xuất nhập khẩu, 366.000 làm nghề kinh doanh, có 5 khu thương xá lớn, 220 khách sạn với 7.720 phòng chứa được 16 ngàn khách.

Tình hình đặc điểm trên có biết bao tình huống phải xử trí bằng quân sự, bằng luật pháp, bằng tình người. Hàng trăm vụ việc phải trấn áp bọn phản động lưu manh, nhen nhóm “phục quốc” bạo loạn, hàng trăm vụ trá hình nói xấu cách mạng, chia rẽ đoàn kết. Hàng tấn vũ khí, thuốc nổ, vứt bỏ ở cống rãnh, hầm hào, v.v... Đây là những thứ mà kẻ địch vứt bỏ trong thế hoang mang, nên rất khó kiểm soát và phải thu gọn.

Bọn lưu manh lợi dụng cướp giật tài sản của dân, bọn gái điếm đói ăn, đói tình dụ dỗ đủ kiểu...

Bộ đội Sư đoàn 341 đã vượt qua tất cả, tuyên truyền vận động nhân dân, bớt tiêu chuẩn ăn từ 7 lạng xuống còn 5 lạng mỗi người một ngày để cứu đói cho dân, được nhân dân ủng hộ và tin yêu.

Ngày 2 tháng 9 năm 1976, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào thăm, thấy sư đoàn làm tốt nhiệm vụ quân quản, được nhân dân và chính quyền tin yêu, lại tăng gia rau tự túc, nuôi gà công nghiệp mà vẫn duy trì nền nếp chính quy mẫu mực, Đại tướng đã nhận xét các đồng chí Sư đoàn 341: “Vào thành vững như thành…”

Tôi lướt qua những đặc điểm cơ bản trên, để qua đó thấy được sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng đối với đất nước, với quân đội. Cũng như nêu lên những kỷ niệm, qua những con số cụ thể, để thấy được công lao của những người chỉ huy mà Sư đoàn trưởng Trần Văn Trân là một trong những người tiêu biểu.

Tôi viết cảm nghĩ về anh Trân khi anh ở Sư đoàn 341 nhưng tôi biết rằng anh đã ở Sư đoàn 325, và nhiều đơn vị nữa. Đâu đâu cũng in đậm dấu ấn về anh, rồi anh lại lên cấp trên, trở thành vị tướng của quân đội ta. Những gì anh Trần Văn Trân để lại là rất lớn, rất nhiều và còn đọng mãi với thời gian...
Ngày 23-11-2006
V.T
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #79 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2016, 11:56:34 pm »


CỰU CHIẾN BINH TRẦN VĂN TRÂN
Đại tá Nguyễn Đình Sử1

Đầu năm 1973 tôi chiến đấu phía tây Thành cổ Quảng Trị, được tin ta và địch đang trao trả tù binh bên Nham Biều, sông Thạch Hãn - Quảng Trị, chiếc tàu thủy chở tù binh ra trao trả có anh Ba Trân là Sư đoàn trưởng, ta đã đưa xe Commanca từ Hà Nội vào đón. Tên nữ trung úy nguỵ phụ trách áp tải dẫn đoàn tù binh từ miền Nam ra trao trả, té ngửa khi biết người tù binh mà chúng vừa trao trả chính là một cán bộ cấp cao của Việt cộng. Tôi được nghe kể, tên này trước đây vốn là người của ta, khi vào Nam y thị bị địch bắt dọa dẫm, mua chuộc rồi làm cho địch. Bọn địch tin dùng giao cho hắn theo dõi tù binh, chiêu hồi.

Khi bị địch bắt, anh Trần Văn Trân khai là y tá nhờ bởi cái túi thuốc và một quyển sách chữa bệnh bằng thuốc nam, cây thuốc, bài thuốc y học cổ truyền. Bọn địch tin là đúng, thế rồi tôi bị thương ra Bắc không biết gì thêm.

Đến khi tôi về hưu, nhận đất ở đường Cộng Hòa, phường 12, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1993 tôi gặp anh Ba Trân lần đầu tiên, thấy anh cao to, khỏe, trắng trẻo, đẹp trai, tính tình cở mở, hiền hậu, chân tình giúp đỡ mọi người. Chị Hà, vợ anh, nhà anh chị cách nhà tôi khoảng 100 mét. Tôi là Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh và anh là hội viên, hằng ngày anh đi qua nhà tôi luôn. Bên cạnh nhà tôi, có chị Y. mua hai lô đất, mở bốn máy cưa chạy cứ ầm ầm, bụi bay mù mịt, ngoài ra còn sử dụng xăng thơm làm ảnh hưởng đến sức khỏe người cao tuổi, người mắc bệnh hiểm nghèo. Tôi đã làm đơn do các cựu chiến binh ký, đề nghị với anh Ba có uy tín giải thích thuyết phục chị Y. Anh Ba Trân nhận lời, rất nhiệt tình nói với chị Y. Và kết quả là chị này đã chuyển đi nơi khác, việc xăng thơm và máy chạy lan tỏa ảnh hưởng sức khỏe của các hội viên và nhân dân, tôi không phải làm đơn lên Vệ sinh môi trường của phường nữa.

Lại một chuyện nữa anh băn khoăn, trăn trở trong lòng là anh có ý định mở lớp cho những mảnh đời của các cháu lang thang cơ nhỡ, đi lượm ve chai để kiếm sống, các em đánh giầy. Anh khoe là: tớ đã viết được hai bài giảng. Việc mới bàn thì anh đã vội ra đi, thế là dang dở. Ba bốn năm trời ở với nhau, các anh chị, đối với các cháu còn nhiều chuyện kể, nào là chuyện chiến đấu, chuyện nhà trường, chuyện to, chuyện nhỏ...

Gần trưa ngày 29 tháng 3 năm 1997, chúng tôi nghe tin anh Ba Trân đột ngột đi cấp cứu ở Bệnh viện Thống Nhất. Chúng tôi không kịp hỏi thêm, tôi và anh Hai Nhường hớt hơ, hớt hải chạy đến trước nhà anh Bê có chiếc ô tô con nhờ anh lái xe anh đưa chúng tôi vào bệnh viện. Vào gần đến sân bệnh viện, gặp bác sĩ bảo bác Trân mất rồi!

Tôi và anh Hai Nhường trở về buồn bã. Chúng tôi bàn với nhau là phải họp ban liên lạc truyền thống Học viện Lục quân. Khi chúng tôi đang họp thì được tin gia đình đã đưa anh Ba Trân về nhà. Chúng tôi liền chạy sang. Thấy chúng tôi đến mọi người đều giãn ra để chúng tôi chải đầu, vuốt tóc, mặc quần áo ngay ngắn và xếp huân chương lên ngực cho anh. Người nhà và bà con hàng xóm xúm xít rất đông. Khoảng 12 giờ chúng tôi về họp tiếp và chiều tối triệu tập họp chi hội Cựu chiến binh, chủ yếu là thông báo hội viên Ba Trân đã mất và phân công túc trực, thông báo cho anh em và một số đơn vị cần thiết. Anh Phát - đại tá, Chủ tịch Cựu chiến binh phường 12 và anh Vận cũng là đại tá, ủy viên ban chấp hành Cựu chiến binh cũng sang gặp tôi để bàn túc trực và giúp đỡ gia đình.

Mấy ngày đêm chúng tôi túc trực bên linh cữu anh Ba Trân trong ánh đèn và nến, hương hoa nghi ngút. Chị Hà và các cháu vận đồ tang. Mọi người đến đây, ai nấy đều mặt mày ủ rũ, đau buồn. Các đoàn thay nhau đến viếng, tiếng giới thiệu giọng Huế chầm chậm, da diết: Vô cùng thương tiếc đồng chí Thiếu tướng Trần Văn Trân vang lên bùi ngùi, xúc động. Buổi sáng, sau mấy ngày làm lễ đưa tang, chúng tôi làm tiêu binh từ nhà ra đến đường Cộng Hòa, hai bên con hẻm người đứng chen chúc, đông nghẹt, lưu luyến tiễn đưa một vị tướng về nơi an nghỉ cuối cùng.

Ra đến đường Cộng Hòa, lúc bấy giờ chưa xây dải phân cách, khi đoàn xe tang đi qua, nhiều phương tiện tham gia giao thông đều tự giác vòng sang đường K300 để nhường đường. Chúng tôi lên xe đi đến nghĩa trang thành phố tiễn biệt anh Ba Trân lần cuối. Ai cũng bùi ngùi thương tiếc anh, người cựu chiến binh cởi mở, tốt bụng với đồng chí, đồng đội, với bà con tổ dân phố.
N.Đ.S
____________________________________
1. Chi hội trưởng Cựu chiến binh nơi anh Trân sinh hoạt.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM