Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 03:25:22 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chuyện bây giờ mới kể  (Đọc 30645 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #60 vào lúc: 11 Tháng Tư, 2016, 11:20:24 pm »


KIÊN TRUNG, BẤT KHUẤT TRONG TÙ NGỤC,
VỀ VỚI ĐỜI THƯỜNG TÌNH NGHĨA THỦY CHUNG
Nguyễn Xuy1


Khi tôi đang ở trại giam C8 biệt lập đảo Phú Quốc thì một tù binh từ Cần Thơ vừa ra đảo cho biết ở trại giam tù binh nam có một cán bộ cao cấp bị địch bắt, khai tên Nguyễn Văn Thương y tá. Anh tả cả vóc dáng, khuôn mặt và giọng nói xứ Huế khiến tôi băn khoăn. Phải chăng đó là anh T. thủ trưởng của đơn vị? Với trách nhiệm của người lãnh đạo, tôi căn dặn người bạn tù tuyệt đối giữ bí mật và nhất thiết không để loan rộng tin tức ấy vì rất nguy hại. Từ đó, câu chuyện y tá Nguyễn Văn Thương tạm lắng xuống. Đến tháng 12 năm 1972, địch đã có lệnh tập trung tất cả tù binh là thương binh về trại giam Hố Nai (Biên Hòa) để chuẩn bị trao trả theo Hiệp định Pa-ri, trong đó có cả số thương binh ở trại Cần Thơ về tại khu B, chúng tôi tù binh Phú Quốc ở tại khu A. Tin tức về y tá Nguyễn Văn Thương càng dồn dập, bàn tán xôn xao và bọn giám thị cũng đã đánh hơi liền cài cắm hai tên chiêu hồi ác ôn chốt ngay bót gác cổng ra vào khu A để theo dõi mọi động tĩnh và mối liên hệ giữa hai khu A và B.

Nhận thức rõ hiểm họa, Đảng ủy khu A quyết định cử hai đảng viên trung kiên chập choạng tối đột nhập xử lý gọn hai tên chiêu hồi và để tránh khủng bố tràn lan, hai đồng chí thú nhận tự mình xử tội hai tên chiêu hồi ác ôn phản bội Tổ quốc. Bọn địch đã xử bắn cả hai đồng chí, sự hy sinh anh dũng của các đồng chí đã chặn đứng sự cài cắm theo dõi phát hiện những cán bộ “lọt lưới” trong đó có y tá Nguyễn Văn Thương. Sau khi trao trả, Đảng ủy đã báo cáo tổ chức và hai đồng chí đảng viên trung kiên đã được công nhận liệt sĩ.

Việc chuẩn bị cho đợt trao trả tù binh là thương binh tiến triển thuận lợi, ta đã đấu tranh được gặp phái đoàn quân sự bốn bên để giải quyết các yêu sách của tù binh trước lúc trao trả.

Nhưng có những bất trắc đã xảy đến, song đó lại là một dịp may hiếm thấy. Do sự trục trặc trong hợp đồng giao nhận tù binh tại Thạch Hãn (Quảng Trị), ngày 15 tháng 2 năm 1973 chuyến máy bay thứ nhất chở số thương binh trao trả bị kéo dài phải đến 16 tháng 2 năm 1973 mới xong; nhưng theo lịch đã định thì ngày 16 tháng 2 năm 1973 số tù binh thương binh cả khu A và khu B được lệnh lên xe ô tô chờ sẵn tại cảng khu A để chở đến sân bay Biên Hòa bay ra Quảng Trị. Số tù binh này vừa lên xe chuẩn bị nổ máy thì có lệnh dừng lại. Tất cả xuống xe, trở lại trại giam. Lệnh chưa chuyển đến xe cuối thì mọi người đã nhảy ào xuống xe mặc cho bọn quân cảnh hộ tống đoàn xe la hét om sòm, anh em ở khu A tranh nhau vào khu A kẻo sợ để chậm địch sẽ lùa vào khu B nơi mà bọn trật tự chiêu hồi còn lộng hành; ngược lại một số anh em khu B tranh thủ lúc lộn xộn lọt vào khu A được an toàn hơn, trong đó có y tá Nguyễn Văn Thương, cổng trại giam vừa khép lại khóa chặt, trên đường đi về phòng giam tôi bắt gặp một tù binh khu B vóc người cao lớn, mặt hơi cúi xuống đang suy nghĩ điều gì, thấy vậy tôi chống đôi nạng gỗ đối diện với anh định hỏi anh cần tìm ai? Anh vừa nhìn tôi thì cũng là lúc tôi định hỏi có phải anh là... Với ý thức cảnh giác thường trực, anh đưa ngón tay trỏ lên miệng ra hiệu im lặng!

Tôi hiểu ý ngay nhích gần anh và nói nhỏ: Chúng ta vào phòng số 2 để nói chuyện. Anh vào cửa trước tôi vòng ra cửa sau để tránh theo dõi của vọng gác ở cổng, tôi đi trước để thu xếp chỗ ăn ngủ đêm nay và tổ chức canh gác bảo vệ anh và xử lý các tình huống xảy ra thông qua đồng chí Đảng ủy viên kiêm bí thư chi bộ và nhờ đồng chí mật báo cho Thường vụ Đảng ủy xin ý kiến chỉ đạo. Mọi việc xong xuôi chúng tôi bắt đầu tâm sự, anh cho biết trường hợp anh bị địch bắt tháng 2 năm 1970 trong cuộc hành quân từ miền Đông xuống miền Tây Nam Bộ bằng xuồng máy thì bị hai chiếc tàu địch rượt đuổi nổ súng làm cho một số anh em hy sinh, còn mình bị thương và bị địch bắt. Lúc ấy là ban đêm, mình lại đang bị thương cần băng bó cầm máu nên bọn địch không thẩm vấn trực tiếp, chỉ có một tên lính ngụy hỏi mấy câu: họ tên gì? chức vụ? Mình đáp ngay:

Nguyễn Văn Thương y tá. Bọn chúng đem mình về nhốt vào nhà tù Cần Thơ. Mình cho rằng: “Đầu xuôi đuôi lọt” nên bắt đầu sắp xếp và nhẩm đi nhẩm lại thật ăn khớp với bản lý lịch mới, nhất là nghề y tá phải đổi sang nghề đông y thạo nấu cao khỉ, cao hổ cốt, thuốc nam... còn nếu nói lĩnh vực thuốc tây thì chịu, lộ tẩy; còn cha mẹ, vợ con, quê quán, thì mình có khả năng bịa như thực, nói chung là chết hết, đơn thương độc mã. Anh bảo vấn đề cốt lõi là gan lỳ còn hỏi cung thì trả lời trước sau như một thật kín kẽ, nói càng ít càng tốt. Một vấn đề khá gay cấn đó là thân hình anh cao to, tướng mạo khôi ngô, khai là thượng sĩ y tá thì bọn cai ngục, bọn thẩm vấn dễ phát hiện chân tướng. Vì vậy, lợi dụng vết thương anh giả bộ đau đớn nhức nhối, tóc tai bù xù, quần áo nhếch nhác, ít tắm giặt; có lúc anh phải giả ngây, giả dại để che mắt địch. Anh cũng cho biết lúc ở trại Cần Thơ, anh sinh hoạt Đảng theo đơn tuyến để khỏi lộ bí mật đến khi chuyển về khu B Biên Hòa thì cùng một số đồng chí hình thành bộ phận lãnh đạo của trại để lãnh đạo đợt trao trả.

Câu chuyện đang lắng dần, rỉ rả thì đột nhiên anh quay lại hỏi tôi đã biết tin gì về Thu Hà chưa? Tôi liền đáp, năm 1961 tôi vào chiến trường B, Thu Hà ở lại nhà máy gạch Thanh Hóa. Anh bảo: “Tao nghi quá chừng, hiện ở khu B trong số tù binh nữ trao trả ra Bắc có một người tên là Nguyễn Thị Thược y hệt Thu Hà vợ mày!”. Tôi vẫn chưa tin, anh lấy cả dẫn chứng hôm chúng tôi làm lễ cưới tại Trường Sĩ quan Lục quân có cả anh và anh Tấn, anh Hòa dự, chỉ có điều là Thu Hà già đi nhiều do bị tù đày! Tôi vẫn nửa tin nửa ngờ vì chính anh cũng chỉ đứng nhìn sang phòng tù binh nữ cách hàng trăm mét với hàng rào kẽm gai chằng chịt vây quanh chứ chưa trực diện lần nào vì vậy có thể nhầm lẫn là chuyện bình thường. Cuối cùng cả hai anh em nhất trí ngày 18 tháng 2 năm 1973 trên bờ bắc sông Thạch Hãn sẽ rõ trắng đen. Nói vậy nhưng đầu tôi căng như sợi dây đàn, phần vì lo cho đợt trao trả tù binh thương binh Hố Nai (Biên Hòa) có suôn sẻ trót lọt hay kẻ thù còn những thủ đoạn nham hiểm nào nữa đối với tù binh và Nguyễn Thị Thược có phải là Thu Hà hay đó là sự nhầm lẫn, cả hai câu hỏi đang chờ đáp án.

Việc gì đến đã đến! Đợt trao trả tù binh thương binh ở trại giam Hố Nai (Biên Hòa) ngày 18 tháng 2 năm 1973 đã diễn ra thuận lợi. Thượng sĩ Nguyễn Văn Thương y tá đông y đã cùng đoàn quân chiến thắng trở về quân ngũ với quân hàm Đại tá Sư trưởng! Và tôi đã gặp lại người vợ yêu thương với tên gọi đầy đủ Nguyễn Thị Thu Hà trung úy cán bộ quân báo, trong tù là Nguyễn Thị Thược dân buôn gạo qua biên giới tuyến Hiền Lương.

Những tin tức “bỏ sót, lọt lưới” trong trao trả tù binh cho miền Bắc kể cả Quân giải phóng miền Nam mà CIA nắm được ngày càng nhiều khiến bọn Mỹ sửng sốt. Cả lũ thầy tớ của chúng đổ lỗi cho nhau. Mỹ chê ngụy tồi, ngụy chê Mỹ có mắt như mù. Thực chất Mỹ - ngụy đều tồi!
Ngày 1-1-2007
N.X
________________________________
1. Nguyên Bí thư Đảng ủy Trại giam Hố Nai (Biên Hòa).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #61 vào lúc: 11 Tháng Tư, 2016, 11:23:56 pm »


NHỮNG NGÀY GẶP ANH BA THƯƠNG
Trần Nguyên Phò1


Ngày 21 tháng 9 năm 1969, tôi và anh Lý Minh Văn cùng ở Tiểu ban giáo dục miền Nam đang trên đường từ Bến Tre trở về căn cứ R (chiến khu Đ) thì bị Mỹ ngụy bắt trong trận càn vào xã Phú Đức, huyện Châu Thành. Sau này, trao trả tù binh, gặp lại hai đồng chí bộ đội cùng bị bắt tôi mới biết do có chiêu hồi dẫn về đánh phá đường dây.

Tháng 2 năm 1970, sau khi khai thác lấy cung ở Mỹ Tho xong, địch đưa tôi về trại giam Cần Thơ. Chúng nhốt hai chúng tôi với anh em tù binh quê miền Bắc trong một phòng có kẽm gai bao quanh. Qua tìm hiểu, chúng tôi biết anh em cũ ở đây có 5 đảng viên với 2 chúng tôi nữa là 7, liên hệ với Đảng ủy trại giam để thành lập chi bộ. Đồng chí Nông Văn Viễn, dân tộc Tày, quê ở Lạng Sơn là đảng viên chính thức; Nguyễn Văn Viễn quê ở Quảng Ninh là đảng viên dự bị đến trại giam trước mấy ngày, rỉ tai tôi:

- Có đồng chí chỉ huy cấp cao của tôi cùng bị bắt bị thương ở chân, địch đang chữa trị, chắc nay mai cũng về đây thôi, vì anh ấy khai là thượng sĩ.
- Các cậu đừng nói với ai nữa nhé, phải giữ bí mật cho anh ấy đấy.
- Chứng em tin anh, nên chỉ nói với anh thôi, anh Mười à!

Gần một tuần lễ sau, khoảng 9 giờ sáng, một anh cao gầy mang đôi nạng gỗ được dẫn tới phòng giam chúng tôi. Vẻ mặt tỏ ra mệt mỏi, chỉ có đôi mắt sắc sảo, tinh anh:

- Chào các anh.
- Vâng, chào anh. Vết thương của anh nay thế nào rồi?
- Vết thương vẫn chưa lành, cũng không nặng lắm đâu, chủ yếu ở phần mềm. Tôi là Ba Thương, y tá thu dung, bị bắt ở An Giang.
- Còn tôi, Mười Phò, giáo viên bị bắt ở Bến Tre...

Qua hình dáng và mấy lời trao đổi, thăm hỏi nhau, tôi nghĩ ngay: đây là đồng chí bộ đội cấp cao mà hai anh Viễn đã nói cho tôi biết. Chúng tôi nhanh chóng tìm hiểu hoàn cảnh bị bắt của nhau, đã khai với địch thế nào... anh tỏ ra thông cảm với tôi, nhà giáo bị giặc khui từ hầm “bí mật quốc tế”2  trong tay không một tấc sắt chỉ có một số tài liệu về giáo dục.
_____________________________________
1. Nguyên Thường trực Ban liên lạc tù binh chống Mỹ tại Tp. Hồ Chí Minh và Việt Nam, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội cựu giáo chức Tp. Hồ Chí Minh.
2. Hầm bí mật của đường dây giao liên. ‘‘Khách’’ ở trạm, gặp giặc càn, giao liên đưa “khách” xuống hầm. “Hầm bí mật” nhưng khách ai cũng biết.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #62 vào lúc: 11 Tháng Tư, 2016, 11:24:41 pm »


Anh Ba Thương ít nói và có vẻ suy tư. Ai mà chẳng nghĩ ngợi khi sa vào tay giặc như thế này.

Với đôi nạng gỗ, lúc anh ở chỗ này, lúc ở chỗ nọ. Nhiều lần anh đứng ngắm hàng rào kẽm gai xám xịt, chăm chăm nhìn chòi canh ngất nghểu, hay phóng tầm mắt đến khoảng trời xanh bao la thăm thẳm, mây trắng bay lờ lững. Tôi bắt gặp ý nghĩ của anh: con chim đại bàng bị thương, bị nhốt trong lồng sắt nhớ về khoảng trời cao rộng. Sau này tôi mới biết tại sao như vậy. Anh tìm cách liên hệ với Đảng ủy trại giam, nhờ Đảng ủy báo ra bên ngoài là kế hoạch tác chiến mà anh giữ không bị lộ mặc dù anh bị giặc bắt.

Anh vẽ sơ đồ chỗ giấu vũ khí và tài liệu dưới sình nơi bị giặc phục kích, gửi ra ngoài để tổ chức tìm. Xong công việc, anh hoạt bát và nhanh nhẹn hẳn lên...

Anh bàn với tôi nên nói chuyện với anh em về văn học, qua đó lồng vào giáo dục tư tưởng, tình cảm, niềm tin... Và xử thế sao cho xứng đáng là lực lượng vũ trang của nhân dân không may sa vào tay giặc. Tôi hỏi anh:

- Tôi kể Truyện Kiều của Nguyễn Du có được không? Anh tính thế nào?

Anh đồng ý ngay và đề nghị nên bàn với anh Sinh, đảng viên, quê ở Thanh Hóa đang làm trưởng phòng để nói với anh em. Công việc suôn sẻ.

Tôi đã học thuộc lòng Truyện Kiều trên đường Trường Sơn từ Bắc vào Nam nên kể và phân tích gặp nhiều thuận lợi. Hằng ngày, sau bữa cơm chiều, anh em nghỉ ngơi một lúc rồi tụ họp nghe Truyện Kiều. Một vài anh em miền Nam ở phòng giam gần đó cũng đến. Anh Ba Thương để đôi nạng dựa vào vách tôn, ngồi nghe... Thúy Kiều bao lần bị xã hội phong kiến vùi dập xuống tận bùn đen là bấy nhiêu lần vùng lên ánh sáng. Từ Hải, về hàng triều đình nên phải chịu cái chết thảm thương - dù là cái chết của người anh hùng - chết đứng. Mỗi nhân vật, mỗi cảnh ngộ trong tác phẩm đều cho chúng tôi bài học. Một tuần trôi qua, anh Ba Thương không bỏ buổi nào, ra chiều thích thú lắm. Từ đó, anh gọi tôi là “ông thầy Kiều!”...

Anh Ba tỏ ý muốn tham gia sinh hoạt chi bộ. Tôi và anh Sinh thống nhất với nhau:

- Anh Ba à! Chi bộ mới tập hợp, người của khắp nơi. Cần gì chúng tôi báo cáo với anh, anh góp ý. Anh nên như ông thượng sĩ già, chỉ biết tiêm chích, phát thuốc thì không bị lộ.

Anh Ba nhất trí. Đến ngày trại giam được “thăm nuôi”, các phòng giam anh em miền Nam san bớt một ít trái cây tặng cho anh em miền Bắc ăn lấy thảo. Chúng tôi chia mỗi người được một phần sáu quả vú sữa, một phần tư quả mận... Anh Sinh chia cho anh Ba một phần tư quả vú sữa, vì anh bị thương cần bồi dưỡng. Anh Ba nhất định không nhận, nói thế nào anh cũng không chịu, chỉ nhận phần bằng anh em. Chúng tôi ăn, nhìn nhau mà ứa nước mắt...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #63 vào lúc: 11 Tháng Tư, 2016, 11:25:28 pm »


Tôi và một số anh em khác bị đày ra đảo Phú Quốc. Lúc chia tay, lòng tôi bùi ngùi, lo lắng cho anh Ba Thương phải ở lại một mình ở một phòng giam. Liệu anh có giữ được bí mật cho đến ngày trao trả hay không?

Ra trại tù Phú Quốc, Nông Văn Viễn đã ít nói, càng ít nói hơn. Tôi gợi mở, Viễn nói với tôi:

- Anh Ba mong vết thương mau lành, để lãnh đạo một số anh em chí cốt có “tay nghề” tổ chức vượt ngục, ở Cần Thơ, anh Ba hay thơ thẩn chống tó ra gần hàng rào kẽm gai là để nghiên cứu địa hình địa vật. Vết thương chưa lành, anh em đã lại xa nhau, kế hoạch vượt ngục không thực hiện được, em buồn cho mình và lo cho anh Ba lắm, anh Mười ơi!

Ở đảo Phú Quốc cuộc đấu tranh trực diện với kẻ thù diễn ra hàng ngày. Bao nhiêu tâm trí tôi đều để vào đây, ít nghĩ đến việc khác. Thi thoảng đêm nằm, tôi nhớ về Cần Thơ, thương nhớ anh Ba, không biết giờ anh ở đâu, sống ra sao?

Sau Hiệp định Pa-ri, tôi được trao trả tại Thạch Hãn, Quảng Trị ngày 8 tháng 3 năm 1973. Biết tin anh Ba Thương được trao trả trước đó, tôi mừng lắm. Khi về an dưỡng ở Sầm Sơn, tôi và một số anh em được anh Ba tới thăm đôi lần...

Tôi lại vào miền Nam. Chuyến này không phải đi bộ vượt Trường Sơn mà đi bằng máy bay đáp xuống Tân Sơn Nhất vào ngày 6 tháng 5 năm 1975! Tháng 11 năm ấy, vợ con tôi cũng từ Thái Bình vào Sài Gòn công tác sinh sống. Tôi được cấp nhà ở hẻm số 9 đường Nhất Linh (nay là Nguyễn Huy Tưởng) quận Bình Thạnh. Một ban chỉ huy đơn vị bộ đội đóng cùng con hẻm đối diện nhà tôi.

Một buổi sáng, tôi dắt xe đạp từ nhà ra hẻm đi công tác. Mấy anh bộ đội từ ngoài đi vào. Một anh cao lớn thấy tôi, la lớn:

- Ông Mười Phò, ông thầy Kiều, ông ở đây à?

Tôi sững sờ:

- Ôi trời ơi, anh Ba Thương, anh đi đâu đây?

Chúng tôi ôm chầm lấy nhau, mừng vui khôn xiết. Đoạn, anh kéo tôi vào gặp Ban chỉ huy trung đoàn rồi giới thiệu với anh Cúc, anh Miên:

- Đây là ông Mười Phò cùng tù với tôi ở Cần Thơ. Ông ấy tốt lắm, mà nhà giáo thì nghèo rồi. Các cậu ở đây giúp được gì cho gia đình ông ấy thì cố gắng giúp.

Tôi dẫn anh vào nhà tôi uống nước, vợ tôi chuẩn bị đi làm, ra chào. Tôi giới thiệu vợ tôi cũng là giáo viên với anh Ba...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #64 vào lúc: 11 Tháng Tư, 2016, 11:35:08 pm »


Từ đấy các anh ở đơn vị bộ đội đối diện coi tôi như bạn thân vậy. Các anh bảo mấy cậu cần vụ thường xuyên mang cơm thừa cho gia đình tôi nuôi heo. Cho ăn không hết, vợ tôi phơi khô để heo ăn dần, đỡ được bao nhiêu là tiền. Nhờ nuôi heo, tôi mua được xe honda đời mới...

Sau ngày anh Ba nghỉ hưu, chúng tôi thường gặp nhau khi Ban liên lạc tù binh chống Mỹ viết “Trại giam tù binh Phú Quốc 1967-1973”. Có lần tôi hỏi anh:

- Sao anh khai với giặc là thượng sĩ, mà lại là thượng sĩ “nấu cao khỉ”?

Anh hóm hỉnh giải thích:

- Mình lúc bị bắt là thượng tá. Mình khai là thượng sĩ để nếu thằng nào chiêu hồi “tâu” với giặc mình là thượng tá thì mình cãi lại: chúng nó nghe nhầm chứ tôi chỉ là thượng sĩ. Đều là thượng cả mà! Còn “thượng sĩ nấu cao khỉ” ấy à? Thằng Mỹ là khỉ đột. Lúc nào mình cũng phải nhớ nó là kẻ thù hung ác, quỷ quyệt, có thời cơ là mình phải xé xác nó...

Anh Ba kể với chúng tôi, có lần anh gặp một cán bộ tổ chức cấp cao. Người đó hỏi anh:

- Trân! Mày cao lớn, sắc sảo thế kia mà khai là thượng sĩ, thằng giặc nó cũng tin à? Tại sao thằng Nguyễn Văn Viễn, lính của mày cũng bị bắt, địch đày ra Phú Quốc, sau lại đưa về đất liền giam ở Biên Hòa cùng với mày, nó ra chiêu hồi khai khui nắp hầm bí mật đào vượt ngục mà không khai báo mày nghĩa là làm sao?

- Anh trả lời thế nào?
- Tớ chỉ còn biết cười, chứ trả lời làm sao!

Tôi bực tức:
- Gặp tôi, tôi trả lời liền!
- Trả lời sao?
- Thế này nhé. Trước Cách mạng tháng Tám, những người cộng sản, Tây nó biết rành rẽ mới bắt tống giam, còn bây giờ thời chống Mỹ, hàng chục ngàn bộ đội bị giặc bắt, chúng biết ai vào với ai? Chỉ vài người bị bắt cùng tài liệu như tôi hoặc dăm thằng yếu hèn, mấy dùi cui đã khai tuồn tuột, còn số đông anh chị em kiên cường bất khuất, khai giấu, tránh né cho xong. Có thế khi trao trả tù binh, chúng mình mới được Đảng gọi là “Những người chiến thắng trở về” chứ. Còn thằng Viễn ra chiêu hồi không khai báo anh mà chỉ khai nắp hầm bí mật đào vượt ngục thì cũng dễ hiểu thôi. Viễn khai báo cái hầm đang đào dở dang có thể là giặc đã gài thằng Viễn theo dõi tù binh vượt ngục. Giặc khui cái hầm ấy, một hai người ra nhận là mình không chịu cảnh tù đày, tìm cách vượt ngục cũng là lẽ thường tình. Chúng đánh đập rồi giam chuồng cọp, biệt giam... Khai báo anh Ba là thượng tá thì phiền phức đấy. Anh Ba không nhận, dù chết cũng không nhận - chắc chắn là như thế - Vậy thì giặc nó cho là thằng Viễn khai láo. Nó dần cho nhừ xương! Thằng Viễn thừa biết điều đó! Mặt khác, dù chiêu hồi, nó vẫn là con người. Trước đây chung đơn vị, anh Ba thương lính, nỡ lòng nào lính lại hại anh? Viễn sợ chết nên chiêu hồi, nhưng nó cũng muốn sống để còn trở về chứ! Nếu khai ra anh Ba thì nó hết đường về! Trường hợp thằng Viễn là như vậy. Tôi nói thế, có đúng không nào?

Anh gật gật cái đầu và... cười!

Tham gia cách mạng, không may sa vào tay giặc, thật bất hạnh. Bao nhiêu câu hỏi với mình. Càng làm to thì càng nhiều dấu hỏi. Tuy không được như anh Ba Thương (Trần Văn Trân) nhưng tôi cũng có niềm tin và tự hào là mình đã trung thành với Đảng, với Dân, với Nước dù trong hoàn cảnh tù ngục.
TP. Hồ Chí Minh, ngày 20-11-2006
T.N.P
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #65 vào lúc: 11 Tháng Tư, 2016, 11:37:29 pm »


NHỚ VỀ CHÚ BA THƯƠNG, NGƯỜI THẦY - NGƯỜI LÃNH ĐẠO
Nguyễn Anh Chiến1

Lần đầu tiên tôi biết chú Ba Trân (Trần Văn Trân - Nguyễn Văn Thương) tại khu 1, trại giam tù binh ở Cần Thơ, một người cán bộ kiên trung của Đảng và quân đội, mà sau này tôi mới biết chú là Tư lệnh Sư đoàn 341.

Hôm đó vào buổi sáng khoảng tháng 8 năm 1970, toàn bộ tù binh trong khu tập trung theo từng phòng ra trước sân chờ bọn cai ngục đọc tên từng người và số tù để đi đày ra trại giam Cây Dừa (Phú Quốc). Mọi người đều dõi theo để biết có tên mình hay không. Đến cái tên Nguyễn Văn Thương, tôi vẫn lơ là chưa chú ý nhưng vẫn nhìn về phía ấy và nhận ra một người cao lớn, gầy nhưng dáng đi mạnh mẽ.

Tuổi đời tôi còn quá ít, tuổi quân chưa được bao nhiêu dù trước đó tôi cũng bị đòn roi, bị mua chuộc dụ dỗ để cung khai đơn vị, quân số, trang bị lẫn những điều bí mật khác.

Chú Ba Thương không đi Phú Quốc như những người tù binh khác, chú ở lại và phải chịu biệt giam. Nghĩa là bị nhốt vào trong một cái thùng sắt khoảng 4 mét vuông, trên người chỉ độc quần cộc. Ban ngày trời nóng như rang, ban đêm thì lạnh cóng. Ăn cơm lạt.

Ngày hôm đó, một số anh em tù binh bị đày đi Phú Quốc, do không chịu chào cờ ba que và mọi quy định khác. Số anh em còn lại không chịu chào cờ thì bị chuyển trả lại khu 2 (khu được coi là cứng đầu). Tôi về phòng 36, phòng dành riêng cho thương binh và thiếu nhi (khai dưới 18 tuổi).

Sau thời gian biệt giam, chú Ba Thương được đưa vào trại, nhưng phải ở phòng cách ly. Tôi vẫn còn nhớ chú ở một mình, bọn quân cảnh (cai ngục) vào đóng cái bảng “xâm nhập” (phòng dành riêng cho các chiến sĩ miền Bắc vào Nam chiến đấu). Nhưng khi đóng xong, cai ngục bước ra là chú giật xuống vứt đi, cứ như vậy nhiều lần. Hình ảnh đó tác động đến tôi như lời nhắc nhở: Phải hiên ngang, dũng cảm trước quân thù dù trên tay không còn tấc sắt!

Sau đó, chú Ba Thương được đưa về phòng 36, vì chú là thương binh. Được ở với chú, bọn trẻ chúng tôi như có chỗ dựa về tinh thần. Chú kể cho chúng tôi nghe về những trận đánh thời chống Pháp, cũng như trong thời kỳ chống Mỹ, chuyện xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Có câu chuyện trên đường vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu, khi đi qua bản làng của người dân tộc cà răng - căng tai, chú gặp lại người lính năm xưa ở lại (không đi tập kết) chuẩn bị cho đường mòn Hồ Chí Minh. Người lính ấy nắm lấy tay chú vừa cười, vừa khóc “thủ trưởng quên em rồi sao?”
____________________________________
1. Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Long An.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #66 vào lúc: 11 Tháng Tư, 2016, 11:38:31 pm »


Thời gian sau ngẫm nghĩ lại, tôi mới thấm thía câu chuyện chú Ba kể. Câu chuyện đó như lời nhắc nhở nhắn nhủ chúng tôi, người chiến sĩ Quân đội nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng, với dân, với nước, khó khăn nào cũng phải vượt qua, kẻ thù nào cũng phải đánh thắng như Bác Hồ đã dạy.

Nhiệm vụ của chúng tôi trong tổ chức chủ yếu cũng thực hiện 5 bước công tác như bên ngoài là tìm hiểu, tuyên truyền giáo dục, tổ chức, huấn luyện và đưa quần chúng ra đấu tranh. Vì không phải ai ở trong trại giam tù binh cũng đều là chiến sĩ quân đội, hoặc du kích, số này không nhiều, chủ yếu là dân thường ở vùng giải phóng, bị bắt bị tra tấn phải khai là du kích. Nhiệm vụ nữa của chúng tôi là canh phòng cho các chú họp Đảng ủy trại, mà chú Ba Thương là Bí thư. Không chỉ canh phòng bọn quân cảnh mà cả những tên chiêu hồi.

Rất vinh dự, tôi và anh Phạm Hồng Kiển (về sau là Giám đốc Đài phát thanh - Truyền hình Đồng Tháp) được chú Ba chọn làm thư ký. Nói cho oai vậy, thật ra đến các ngày lễ lớn, chú viết trước một bài dùng để các chi bộ tuyên truyền kỷ niệm như: thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2), Quốc tế Lao động (1-5), Quốc khánh (2-9)... Những tài liệu chỉ đạo khác của Đảng ủy cũng có nhưng rất cần thiết mới sử dụng. Chú rất cẩn thận, sinh hoạt với chúng tôi phải viết chữ in, không được viết chữ thường. Do vậy quá trình thực hiện điều này cũng khá gian nan, phải viết vào ban đêm dưới bóng đèn mờ, tốn nhiều thời gian. Nếu tài liệu không may rơi vào tay bọn phản bội, đầu hàng, chắc chắn bọn cai ngục sẽ đối chiếu nét chữ để tìm ra người viết. Có lẽ trong khoảng thời gian này, tôi có dịp được tìm hiểu nhiều nhất về lịch sử của dân tộc ta kể từ khi có Đảng.

Một hôm chúng tôi quây quần bên chú Ba để nghe chú kể chuyện. Tôi đột ngột hỏi chú:

- Chú Ba, tại sao chú lại tên là Nguyễn Văn Thương.
- Chú cười và hỏi ngược lại tôi: Tại sao cậu lại tên là Nguyễn Văn Tấn, trả lời đi rồi chú nói.

Tôi trả lời:
- Không may bị sa vào tay giặc, cháu suy nghĩ phải khai báo thế nào đây. Nên khi bọn chúng hỏi cung cháu nói tên Tấn, nghĩa là tấn công, phải không ngừng tấn công, không được đầu hàng phản bội, còn họ Nguyễn thì như họ bao nhiêu người khác.

Chú và mọi người cười ngặt nghẽo vì câu trả lời của tôi. Rồi chú nói:
- Chú cũng vậy thôi. Khi bị bắt chú lấy họ Nguyễn (họ thật của chú là họ Trần) còn tên là Thương bởi lúc đó chú bị thương. Đơn giản chỉ có vậy, sau này khi được trao trả về miền Bắc, gặp lại tôi mới biết chú tên là Trần Văn Trân...

Đảng ủy trại giam mà chú là người đứng đầu tôi cũng không biết chú và các anh quan hệ móc nối với bên ngoài như thế nào và bên ngoài cử người liên lạc ra sao? Chú có cả radio để nghe được tin tức từ bên ngoài lại có cả hai quả lựu đạn M26. Tôi tin chắc là do hai người lính đưa vào: người thứ nhất là lính bảo an, canh gác bên ngoài trại; người thứ hai là trung sĩ nhất tên Kiệt, giám thị trại giam quê ở Chợ Gạo, Tiền Giang. Khi được trao trả, qua anh em tù tôi hỏi về người giám thị này, nhưng không ai biết anh ở đâu và làm gì? (Hy vọng những dòng chữ này các anh có thể đọc được).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #67 vào lúc: 11 Tháng Tư, 2016, 11:56:59 pm »


Tôi nói điều này hoàn toàn sự thật, không biết anh Phan Hồng Kiển hoặc anh Thái Dũng (Sau này là Giám đốc Sở Lao động Thương binh xã hội tỉnh Đồng Tháp) có biết không. Tôi đã cầm cái radio đó và nghe được một đêm, nhìn thấy 2 quả lựu đạn do anh Phan Thành Sang, Bí thư chi bộ phòng (Trung tá Trưởng phòng cảnh sát bảo vệ, công an Tiền Giang) đưa xem. Anh còn nói với tôi, Đảng ủy đã liên lac được với bên ngoài, có kế hoạch đánh vào giải thoát trại này.

Rất tiếc kế hoạch đã vạch ra nhưng không thực hiện được, bọn cai ngục tiếp tục thanh lọc trại. Toàn bộ thiếu nhi và thương binh (trong đó có chú Ba) bị đưa ra trại giam Hố Nai, Biên Hòa. Tôi và một số bạn cùng lứa đã sang tuổi 18, bị đày đi Phú Quốc với các anh em tù khác. Xa chú Ba Thương, tôi thấy như hụt hẫng, phải một thời gian mới trở lại bình thường, vì mất một chỗ dựa vững chắc của lòng tin.

Sau Hiệp định Pa-ri, chúng tôi được trao trả tại Thạch Hãn, Quảng Trị ngày 21 tháng 3 năm 1973. Biết tin bọn trẻ chúng tôi được trao trả ra miền Bắc, chú Ba Thương xuống thăm và nói:

- Chú về, Trung ương cho đi nghỉ ở nước ngoài hai tháng, nhưng chú từ chối. Chú báo cáo với Trung ương bây giờ không gì khỏe hơn và vui hơn là cho phép được đi thăm anh em trước đây cùng ở chung trại giam của Mỹ - ngụy.

Đầu những năm 80, tôi đi học ở trường Nguyễn Ái Quốc IX ở Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi đến nhà thăm chú Ba và gia đình, chú cháu cùng nhau ôn lại những kỷ niệm của 10 năm về trước. Có lần chú nói:

- Chú Chín Cần (Bí thư Tỉnh ủy), chú Tư Thân (Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh) có ý định xin Bộ Quốc phòng cho chú về Long An.

Tôi hỏi:
- Chú về làm gì?
- Lãnh đạo ở Long An biết chú có Dự án Binh đoàn làm kinh tế, trong lúc tỉnh đang thành lập các trung đoàn làm kinh tế, khai mở Đồng Tháp Mười thuộc Long An. Các anh ấy dự kiến bố trí chú làm Phó Chủ tịch phụ trách lĩnh vực này.

Và chú Ba nói tiếp:
- Chú có về Long An, Tấn đi với chú nghe!
- Cháu rất sẵn sàng, nhưng sợ không làm hài lòng chú.
- Chú cháu mình biết nhau cả rồi, còn gì mà hài lòng với không hài lòng.

Nhưng điều đó cũng không xảy ra. Vì tình hình nhiệm vụ quốc tế cao cả, chú được Bộ Quốc phòng cử đi chiến đấu giúp nhân dân Campuchia đánh chế độ diệt chủng Pôn Pốt, hồi sinh đất nước.

Ngoài ra còn một việc không thể nào quên và đó cũng là bài học sâu sắc. Hôm đó khi hai chú cháu ngồi nói chuyện với nhau thì chuông ngoài cổng reo vang. Khách vào, chú giới thiệu với tôi, đây là Phó Tư lệnh Quân đoàn 4, và giới thiệu tôi với khách, đây là “ông bạn nhỏ của tôi ngày xưa”. Một cách giới thiệu rất hay mà tới giờ tôi chưa từng gặp lại.

Tham gia cách mạng, bị địch bắt tù đày, nhưng cũng có thể nói, thời gian được sống bên chú Ba Thương - Trần Văn Trân, người lãnh đạo, người thầy vô cùng kính yêu trong những ngày gian khổ đã giúp tôi trưởng thành rất nhiều về mọi mặt; củng cố được niềm tin và lòng trung thành với Đảng, với nhân dân. Chú Ba để lại cho tôi nhiều bài học quý báu trong cuộc đời.

Giờ đây chú Ba Trân đã đi vào cõi thiên thu, hy vọng bài viết nhỏ này trả được món nợ ân tình ngày nào của tôi với chú.
Tân An, ngày 11-1-2007
N.A.C
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #68 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2016, 11:42:40 pm »


ANH TRẦN VĂN TRÂN VỚI SƯ ĐOÀN 341
Đại tá Vũ Thang1


Sau thắng lợi to lớn của ta trong cuộc tổng tiến công chiến lược năm 1972, từ diễn biến chiến lược trên chiến trường đã xuất hiện khả năng mới có lợi cho ta, đòi hỏi cấp bách cần có những sư đoàn mạnh, ngày 23 tháng 11 năm 1972, Sư đoàn 341 (Sư đoàn Sông Lam) được thành lập tại huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, với phương châm “Xây dựng chính quy, hiện đại, tinh nhuệ, thiện chiến”.

- Ban chỉ huy Sư đoàn 4 đồng chí.
- Ba cơ quan là: Phòng tham mưu, Phòng chính trị, Phòng hậu cần - kỹ thuật. Ban hóa học nằm trong Phòng tham mưu.
- 3 Trung đoàn bộ binh: 1, 2, 3.
- 1 trung đoàn pháo binh hỗn hợp: Trung đoàn 4.

Với quân số
Tiểu đội: từ 9 đến 12 người
Trung đội: 35 người
Đại đội: 125 người
Tiểu đoàn: 550 người

Để khẩn trương ổn định, bước vào huấn luyện sát với chiến trường đáp ứng yêu cầu chiến lược, Bộ Quốc phòng bổ nhiệm đại tá Trần Văn Trân làm Sư đoàn trưởng. Anh Trân là người quen thuộc chiến trường miền Nam, đã từng là Tiểu đoàn trưởng của Trung đoàn Cao Vân, rồi Trung đoàn trưởng của Sư đoàn 325 từ những năm kháng Pháp ở Khu 5 với các anh Nguyễn Sơn, Nguyễn Đôn, Hà Văn Lâu...

Đại tá Trần Văn Trân, người cao to, da trắng, đặc biệt ông có đôi mắt sáng, đôi mắt chứa đựng tất cả những đằm thắm yêu thương tình người, tình đồng chí, đồng bào và những năm thăng trầm trong cuộc sống. Chính ủy sư đoàn là đại tá Trần Nguyên Độ. Ngược lại với Sư đoàn trưởng, đại tá Chính ủy là người không cao, tóc bạc trắng, già trước tuổi vì lo học, lo làm luận án tiến sĩ triết học Mác - Lênin. Anh Độ vừa tham gia đấu tranh ngoại giao từ Phái doàn Quân sự bốn bên về. Anh cười rất tươi, rất sảng khoái, rất dễ mến nhất là sau mỗi lần hút thuốc lào. Trước đó đã có đồng chí Bảo Cường đảm nhiệm Sư đoàn trưởng nhưng vì tuổi cao, đồng chí Phạm Thành Minh, đồng chí Lương Tư đều là cán bộ lữ đoàn ở Hồ Xá - Vĩnh Linh nhưng quân lính bổ sung đi B, đi C hết, các chiến trường đều hút quân, nay Bộ điều về làm sư đoàn phó, phó chính ủy sư đoàn làm tăng chất lượng chỉ huy lãnh đạo.

Khi Sư đoàn vào chiến trường, Bộ điều đồng chí Vũ Cao về làm Sư đoàn phó; các đồng chí Bảo Cường, Lương Tư ở lại hậu phương. Đồng chí Vũ Cao là cựu cán bộ pháo binh, trong chiến dịch Biên giới 1950 - 1951, ông làm Tiểu đoàn trưởng pháo binh, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông đi học ở Liên Xô, Trung Quốc nên ông rất giỏi về binh khí kỹ thuật quân sự. Ông có dáng người cao, da trắng, rất thư sinh.

Trung tá Nguyễn Quế - Chính ủy Lữ đoàn công binh Quân khu 4 về làm Chủ nhiệm chính trị. Tôi (Vũ Thang) trung tá ở Bộ Tham mưu Quân khu 4 về làm Tham mưu trưởng, đồng chí thiếu tá Nguyễn Văn Khánh ở Cục Hậu cần Quân khu về làm Chủ nhiệm.

Trung đoàn bộ binh 1 (e273) do đồng chí Hoàng Trung Trực làm Trung đoàn trưởng, đồng chí Nguyễn Mậu là Chính ủy.

Trung đoàn bộ binh 2 (e270) do đồng chí Nguyễn Thanh Vân làm Trung đoàn trưởng, đồng chí Nguyễn Trung Tín là Chính ủy.

Trung đoàn pháo binh 4 (e55) do đồng chí Lê Đình Cúc làm Trung đoàn trưởng, đồng chí Đỗ Nhân là Chính ủy.
_______________________________
1. Nguyên Tham mưu trưởng Sư đoàn 341.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #69 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2016, 11:44:03 pm »


Huấn luyện sát với yêu cầu chiến trường:

Được sự quan tâm đặc biệt của Bộ, sự đầu tư của Quân khu 4 nên cán bộ cơ quan, cán bộ trung đoàn hầu hết đã qua chiến đấu ở chiến trường C, ở mặt trận B5, B4. Đồng chí Hồ Đình Quý từng chỉ huy Tiểu đoàn 5 đặc công và Tiểu đoàn 4 bộ binh đánh Cồn Tiên về làm Tham mưu phó sư đoàn. Đồng chí Nguyễn Tấn Miên từ B5 về làm Chính ủy Trung đoàn 266. Đồng chí Lê Đình Cúc cùng đồng chí Vũ Thang đánh trận Gio An, nay đồng chí Cúc về làm Trung đoàn trưởng pháo binh 55...

Hầu hết các chiến sĩ đều mới qua ba tháng tân binh nên Đảng ủy và Tư lệnh sư đoàn có nhận định đánh giá cụ thể tỉ mỉ đến từng người, từng đại đội xây dựng tư tưởng, quyết tâm chiến đấu giải phóng miền Nam, với tinh thần đi vào sâu chiến trường, đi lâu, chiến đấu cho đến thắng lợi hoàn toàn.

Huấn luyện cho thật tinh thông vũ khí các loại có trong biên chế của đại đội mình và đặc biệt huấn luyện từng động tác từng người chiến đấu, tổ 3 người, tiểu đội, trung đội, đại đội rồi ghép tiểu đoàn, diễn tập cấp trung đoàn trên các loại địa hình ngày và đêm.

Đặc biệt nổi lên trong huấn luyện xây dựng là rèn luyện đạo đức kỷ luật. Đồng chí Sư đoàn trưởng Trần Văn Trân coi kỷ luật là sức mạnh của Sư đoàn. Hằng ngày, 10 lời thề danh dự của Quân đội nhân dân Việt Nam, và 12 điều kỷ luật, luôn được lấy làm cơ sở để soi rọi phấn đấu, tuyệt nhiên anh không cấm kỵ, không mệnh lệnh. Thực ra những ngày ở Quảng Bình cũng có dư luận là anh nóng nảy. Là Tham mưu trưởng, tôi không xa anh nửa bước. Khi vào Xuân Lộc, Trảng Bom - Biên Hòa và khi làm quân quản, thắng lợi của Sư đoàn 341 nổi lên là sức mạnh chiến đấu, là kỷ luật nghiêm minh. Ngày 20 tháng 10 năm 1976 Sư đoàn 341 được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Kết thúc huấn luyện năm 1974, đơn vị rời nhà dân ra dã ngoại ở ven rừng theo dọc đường lâm nghiệp chạy từ Bãi Hà nông trường Quyết Thắng của Vĩnh Linh đến Trường Thủy, Vạn Ninh của Lệ Thủy, Quảng Bình để làm công tác chuẩn bị chiến đấu.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM