Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 01:12:25 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chuyện bây giờ mới kể  (Đọc 30813 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #50 vào lúc: 10 Tháng Tư, 2016, 10:29:37 pm »


ANH BA TRÂN, VỊ TƯỚNG TÀI BA, TÌNH NGHĨA SÂU SẮC
Đại tá Nguyễn Thành Khởi1 kể

Cả cuộc đời tôi gắn liền với quân ngũ. Lớn lên và trưởng thành trên mảnh đất An Giang, tôi đã được sự dìu dắt và chỉ bảo của nhiều bậc đàn anh. Một trong những vị chỉ huy đó phải kể đến đồng chí Trần Văn Trân, người anh mà chúng tôi luôn trìu mến gọi bằng anh Ba. Một tấm gương cho anh em chúng tôi noi theo.

Nói đến anh Ba với chiến trường An Giang thì nhiều chuyện xúc động để kể lắm. Những chuyện lớn thì lớp chúng tôi và cả những đàn em sau này của An Giang (có người biết mặt, có người không biết mặt anh Ba) đều biết chuyện: như chuyện mỗi chiến sĩ của anh Ba góp mỗi người 1 ki-lô-gam gạo ủng hộ lực lượng quân sự An Giang lúc khó khăn, rồi chuyện tặng tiền cho Tỉnh đội... Nhiều chuyện lắm.

Với riêng tôi, ấn tượng về anh Ba vô cùng sâu sắc. Một hôm, tôi được anh Năm Sương (Tỉnh đội trưởng An Giang) gọi lên giới thiệu anh Ba - Sư đoàn trưởng Sư đoàn 1 bộ đội chủ lực đầu tiên của Bộ vào chiến trường An Giang. Lúc đó tôi là Đại đội phó Đại đội cảnh vệ. Nghe uy danh anh là “Cọp xám miền Đông Nam Bộ” chúng tôi ngán lắm. Sau khi nghe giới thiệu, tôi cứ nghĩ anh Năm nhầm vì trông anh Ba cao ráo, trắng trẻo, tướng mạo thư sinh. Tôi nghĩ chắc anh Ba là chính ủy.

Lần đầu gặp anh Ba, nghe anh nói chuyện, truyền đạt ngắn gọn dễ hiểu, chúng tôi mê liền. Rồi từ đó số phận như gắn kết anh em chúng tôi với nhau.

Khoái nhất là, lúc nào anh Ba cũng nhìn nhận đi trước vấn đề.

Khi đó chiến trường An Giang vô cùng khốc liệt, lương thực, thuốc men... Vô cùng thiếu thốn và nhất là vũ khí, Tỉnh đội không được trang bị đầy đủ, toàn súng nhỏ lại thiếu.

Để thực hiện chính sách bình định cấp tốc, địch tập trung lượng lớn quân chủ lực các binh chủng quân Mỹ và ngụy, vũ khí, khí tài hiện đại rải khắp các tỉnh miền Tây Nam Bộ, nhất là chiến trường An Giang. Với khó khăn của lực lượng quân sự tỉnh An Giang nên việc đánh và diệt địch cứ dây dưa, giằng co hoài, không dứt điểm được.

Khi Sư đoàn 1 của anh Ba mới chuyển quân vào An Giang vừa ổn định được chỗ ăn, chỗ ở cho bộ đội, anh đã gặp và bàn với anh Năm tổ chức đánh địch. Anh Ba đưa ra phương án tác chiến: Bộ đội chủ lực sẽ tập trung đánh cứ điểm lớn, Tỉnh đội phối hợp tiêu diệt các cứ điểm nhỏ. Một trong những mục đích chính của chiến dịch là tạo đà thắng lợi để nâng cao tinh thần chiến đấu cho toàn mặt trận. Nghe anh Ba trình bày chúng tôi thấy quá đã. Anh “gãi” đúng chỗ ngứa của chúng tôi.

Và trận mở màn tại núi Bà Đôi, chiến thắng vang dội. Lâu lắm rồi lực lượng vũ trang của ta mới làm chủ một vùng rộng lớn, phá tan thế gọng kìm của địch. Thật sướng!

Sau trận đánh, biết tình hình An Giang đang gặp khó khăn, nên bao nhiêu vũ khí thu được, anh Ba giao hết cho Tỉnh đội. Lần đầu tiên Tỉnh đội có súng lớn, ai cũng phấn khởi.

Cuộc chiến ngày càng khốc liệt. Ta chiến thắng giòn giã. Mọi chiến thắng trên chiến trường An Giang đều thể hiện sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương. Công đầu phải kể đến anh Ba và anh Năm, hai anh khăng khít đến mức anh em chúng tôi thường đùa: họ là “bồ bịch” của nhau.
____________________________________
1. Nguyên Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội An Giang.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #51 vào lúc: 10 Tháng Tư, 2016, 10:30:12 pm »


Nói đến anh Ba Trân phải nói đến cách giáo dục, rèn luyện lính của anh. Có lần anh Ba đến thăm đơn vị chúng tôi, lúc đó tôi là Đại đội trưởng, sau một hồi quan sát anh hỏi tôi: “Cậu và chính trị viên ở đâu?”. Tôi chỉ trong lùm dừa nước. Nhìn căn chòi bé tẹo, anh quay sang các đồng chí cán bộ sư đoàn đi cùng nói: “Các cậu thấy không, hai thằng này đoàn kết hết chỗ biết, nếu có chết thì chết chung một chỗ”. Anh cắt nghĩa cho chúng tôi, tất cả đều thấm thía: Để tạo được sức mạnh không gì bằng đoàn kết nhưng trong chiến đấu cứ đơn giản ở chung như vậy nếu có sự cố xảy ra, cán bộ chỉ huy hy sinh hết thì lấy ai lãnh đạo đơn vị?

Ngày 12 tháng 2 năm 1970, trên đường về để chuẩn bị chiến trường miền Tây Nam Bộ, anh bị địch phục kích và bắt ở kênh Vĩnh Tế. Chúng tôi nhận được tin anh hy sinh. Cả chiến trường An Giang đều thương tiếc anh vô cùng.

Cuộc chiến ngày càng lan rộng. Chúng tôi chiến đấu ngoan cường. Trong mỗi chiến thắng tôi đều nghĩ đến anh Ba, nếu có anh lúc này chắc anh vui lắm.

Sau ngày đất nước thống nhất, cuộc sống bình yên trong hòa bình chưa được bao lâu. Chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, đã thấy có mặt anh ở đó. Thật bất ngờ năm 1976 tôi lại được gặp anh ngay trên mảnh đất An Giang, khi đó anh là Phó Tư lệnh Quân đoàn 4, xuống miền Tây Nam Bộ để củng cố tuyến phòng thủ chống bọn Khơme đỏ quấy phá và xâm nhập biên giới nước ta.

Anh em gặp nhau mừng khôn xiết. Tính cách anh Ba vẫn vậy, với anh em chúng tôi, anh lúc nào cũng chân tình, cởi mở, chu đáo. Anh vẫn lạc quan và tiếu lâm số một.

Tôi coi anh như người anh ruột thịt. Lúc nào anh cũng bày vẽ, chỉ bảo cho tôi như em út trong nhà. Tôi nhớ năm 1983, khi đó tôi đang là Chính trị viên tiểu đoàn. Gặp tôi trên chiến trường Campuchia, anh đã động viên tôi: “Cậu khá lắm, cố gắng lên, phấn đấu để thay anh Năm Sương, anh Tư Lê”. Tôi nghĩ trong bụng mình như thế này làm thế nào bằng anh Tư, anh Năm được mà thay.

Rồi thời gian trôi đi. Tôi luôn phấn đấu hết mình Anh Ba thường xuyên thăm hỏi, động viên. Thế rồi điều anh Ba nói nhưng tôi không dám nghĩ tới đã thành hiện thực. Tôi được đề bạt Đại tá Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang. Ngày đó anh Ba còn vui hơn cả tôi.

Vậy mà anh Ba đã bỏ lại gia đình, bỏ đồng đội đồng chí và những người anh em của anh mà ra đi đã gần mười năm.

Đến bây giờ cứ mỗi lần nhắc đến tên anh Ba Trân là anh em An Giang chúng tôi đều dâng lên nỗi xúc động, trìu mến.

Anh Năm Sương bây giờ tuổi đã cao, trí nhớ không còn được như trước, ăn bữa trước quên bữa sau. Vậy mà cứ nhắc tới anh Ba là ông kể vanh vách.

Tình nghĩa của anh Ba Trân đối với An Giang và An Giang đối với anh như vậy đó!
An Giang, tháng 10 - 2006
T.C.L ghi
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #52 vào lúc: 10 Tháng Tư, 2016, 10:33:05 pm »


ANH BA TRÂN “ANH HAI NAM BỘ”
Đại tá Phạm Văn Bé1 kể

- Cậu có phải là Bẩy Bé, dân An Giang không?
- Phải - Tôi trả lời.

Tay bắt mặt mừng. Trước đó tôi chưa gặp anh. Nhưng trong “làng tù” tụi tôi, anh Ba Trân là biểu tượng: Mưu trí, dũng cảm, trung thành vô hạn. Và nhất là việc nhìn người và dùng người tuyệt vời. Đó là chuyện khi bị địch phục kích trên kênh Vĩnh Tế - An Giang anh bị thương và bắt, cùng bị bắt với anh có cậu cần vụ của anh.

Trong nhà tù Hố Nai - Biên Hòa khi bị địch dùng cực hình tra tấn, không chịu nổi, cậu cần vụ này đã chiêu hồi. Để bảo vệ an toàn và giữ bí mật tung tích của anh, Đảng ủy trong nhà tù đã bàn biện pháp xử lý. Nhưng anh Ba can. Anh nói: “Tôi biết cậu ấy, vì không chịu nổi cực hình nên cậu ta khai cho bớt cực thôi, chứ tôi biết chắc cậu ta không bao giờ phản bội lại anh em đâu. Mà cũng nhờ cậu ta có khi chúng ta biết thêm động tĩnh của địch”. Và sự thật đúng như vậy.

Hồi đó anh Ba ở trại tù Hố Nai - Biên Hòa, còn tôi ở trại tù Phú Quốc, tính khí tôi ở trong tù cũng hệt như anh Ba và lại là dân An Giang nên khi đến thăm trại an dưỡng anh em tù binh mới được trao trả là anh tìm tôi ngay.

Lần đầu tiên gặp nhau đáng nhớ vô cùng, thật là duyên kỳ ngộ. Sau Hiệp định Pa-ri, năm 1973 khi địch trao trả tôi được đưa ra Bắc về trại nghỉ dưỡng tại Quảng Yên - Quảng Ninh. Anh Ba được trao trả tại sông Thạch Hãn, được Bộ Quốc phòng đón về Hà Nội. Anh được Nhà nước, Chính phủ và Bộ Quốc phòng cho đi nghỉ dưỡng ở nước ngoài, nhưng anh từ chối. Anh xin ở nhà tranh thủ chăm sóc vợ con, để bù đắp những ngày gia đình phải chịu “tang” anh. Thấy anh từ chối đi nghỉ nước ngoài, Đại tướng Võ Nguyên Giáp hỏi anh có đề đạt nguyện vọng gì? Anh chỉ xin Đại tướng và Bộ Quốc phòng cho anh mượn một chiếc xe con để đi thăm anh em chiến hữu trong tù đang nghỉ dưỡng tại Quảng Yên - Quảng Ninh. Anh thăm hết lượt anh em chiến hữu vào sinh ra tử, đồng cam cộng khổ kiên trung trong những ngày ác liệt dưới đòn roi, nhục hình của kẻ thù. Anh thăm các anh em, đồng chí, đồng hương Thừa Thiên - Huế.

Sau khi thăm hỏi hết lượt, anh và gia đình tính về, khoái anh quá, tôi nói:

- Ở lại chơi thêm ít bữa, anh Ba.
- Ừ, tớ ở lại, anh em mình tâm sự.

Vậy là anh ở lại chơi với chúng tôi dăm ngày. Thôi thì đủ thứ chuyện, anh bày vẽ, chỉ bảo căn dặn chúng tôi đủ điều. Anh dặn đi dặn lại là chúng tôi phải hoàn toàn tin tưởng và chấp hành tổ chức.

Tôi ở lại quân đội và về Sư đoàn 330 cho đến ngày nghỉ hưu. Khi chúng tôi còn đang nghỉ dưỡng, cuối năm 1973 đã nghe tin anh Ba Trân nhận nhiệm vụ Sư đoàn trưởng Sư đoàn 341. Vậy là anh chẳng được nghỉ ngơi gì.

Sau ngày đất nước thống nhất, thật bất ngờ năm 1976 tôi lại được gặp anh Ba ngay trên mảnh đất An Giang, khi đó anh là Phó Tư lệnh Quân đoàn 4, xuống miền Tây Nam Bộ để củng cố tuyến phòng thủ biên giới, chống bọn Pôn Pôt quấy phá và xâm lược nước ta.

Anh em gặp nhau mừng khôn xiết. Anh coi tôi, Hai Khởi (sau này là Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang) và các đồng chí khác như anh em.
________________________________________
1. Nguyên Phó Sư đoàn trưởng Sư đoàn 330.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #53 vào lúc: 10 Tháng Tư, 2016, 10:33:39 pm »



Trong công việc anh Ba luôn xông xáo, đi sâu, đi sát tìm hiểu cặn kẽ tình hình cẩn thận, chu đáo mọi việc. Anh nhanh trí và táo bạo lắm. Tất cả các đức tính của anh Ba là bài học theo chúng tôi suốt cả quãng đời binh nghiệp cũng như đời thường sau này. Học hoài không hết.

Với anh Ba chúng tôi còn nhiều chuyện tri ân tri kỷ lắm. Một lần hồi ở Bát-tam-bang (Campuchia) nghe tin anh xuống công tác tại Lữ đoàn 96 của đơn vị bạn, tôi rủ Hai Khởi tới thăm anh. Đường đi rất nguy hiểm vì bọn Pôn Pôt cài mìn khắp nơi. Thấy chúng tôi, anh la làng: “Hai thằng quỷ liều mạng quá”. Tôi cười: “Chuyện nhỏ, có cách mà anh Ba, nghe tin anh xuống mà tụi em không thăm được thì bậy hết sức”.

Việc đầu tiên là anh đi đun nước nóng bắt chúng tôi tắm cho đỡ mệt. Khi tắm xong đã thấy cơm nước đầy đủ, trong mâm cơm đã có sẵn chai rượu. Trong bụng tôi đã nghĩ, thật kỳ lạ vì từ hồi quen anh Ba đến giờ, anh có uống rượu đâu. Mỗi lần thấy anh em chúng tôi uống rượu anh đều la làng: “Chúng mày đều sốt rét, uống cho lắm vào rồi lăn quay ra đấy bắt vợ con hầu”. Chẳng lẽ bây giờ anh cũng lai rai? Như đoán biết được ý nghĩ của tôi, anh Ba cười: “Đãi ai chứ đãi Bảy Bé, Hai Khởi mà không có món này là không xong”. Anh đãi bọn tôi nhưng anh có chịu uống miếng nào đâu, tính cách anh là vậy. Bữa cơm chiến trường không có gì nhưng sao xôm tụ quá, chuyện đông chuyện tây, chuyện tình chuyện nghĩa và nhất là chuyện tiếu lâm anh kể thì cười vỡ bụng. Chỉ tốn rượu, rôm rả cả buổi tối. Tiệc vừa tàn đã thấy anh mắc mùng bắt chúng tôi chui vào mùng ngủ để tránh muỗi vì vùng đó đang sốt rét dữ lắm, mặc dù tôi chỉ muốn ngủ ngoài cho mát. Trong lán trại chỉ có hai gường, tôi và Hai Khởi cởi trần ngủ chung một ghế bố nằm úp bụng lại với nhau, anh Ba nằm một giường. Đang ngủ ngon trớn, bỗng nghe anh Ba gọi dậy uống cà phê tưởng đã sáng, nhìn ngoài trời tối hù, xem đồng hồ mới gần 4 giờ. Tôi thắc mắc hỏi anh sao dậy sớm vậy, anh cười bảo: “Hai thằng mày uống vào ngáy như tàu hụ trên đầu tao - sao mà ngủ được, dậy uống cà phê tào lao cho vui, rồi mai mỗi người một ngả”.

Mỗi lần anh xuống đơn vị tôi công tác, tôi ở hậu cần thì anh xuống ở hậu cần. Tôi lên sư đoàn bộ thì anh lên sư đoàn ở với tôi.

Hồi đó tôi đang phụ trách hậu cần của sư đoàn. Anh thấy tôi đánh giặc cũng được, nên anh đề nghị lên Mặt trận: “Để đồng chí Bảy Bé - đánh giặc lì lợm làm hậu cần thì phí quá”. Anh đề nghị, đề bạt tôi làm Sư đoàn phó phụ trách chung. Thế là Bộ đồng ý, từ đó tôi làm Sư đoàn phó cho đến ngày nghỉ hưu.

Khi tôi đã là Sư đoàn phó Sư đoàn 330, anh làm Tham mưu trưởng Mặt trận 719. Có lần tôi lên Mặt trận họp, ra khỏi phòng họp tôi đi đâu anh cũng kè kè đi theo. Tôi xuống họp hậu cần, anh cũng kè kè theo, tôi hỏi anh không nói. Không hiểu thần sắc tôi thế nào mà khi họp trên Tham mưu Mặt trận anh đã để ý. Khi vừa đến hậu cần mặt trận, cơn sốt rét bùng phát, tôi quỵ luôn. Anh Ba phải đỡ tôi đưa vào Quân y cấp cứu. Anh Ba tài thật, cái gì anh cũng biết. Sau anh bảo: “Khi cậu họp trên Tham mưu tớ thấy thần sắc cậu kém lắm, nhưng tớ cứ để cậu báo cáo cho xong, cũng may cậu lại xuống hậu cần, chứ không đi về đơn vị luôn thì tiêu”. Tối đó anh đưa tôi về nhà anh nghỉ. Anh lo cơm nước cho tôi, anh còn trêu tôi, la làng bảo cậu Cổn cần vụ đi mua rượu về cho Bảy Bé uống.

Rồi một lần, nghe đoàn cán bộ mặt trận của anh bị lính Pôn Pốt phục kích, chúng tôi lo quá, vội điều lực lượng đến yểm trợ, giải vây, nhưng anh khôn khéo, mưu trí thoát khỏi. Gặp anh Ba, tôi phát khùng trách anh: “Sao anh bất cẩn, sơ hở vậy”. Anh cười: “Tao ở trong tay địch mà còn thoát được, huống hồ là mấy thằng đánh lén không dám ra mặt”.

Tính anh Ba Trân là vậy, thật hiếm ai như anh, đúng là “anh Hai Nam Bộ”
An Giang, tháng 10-2006
T.C.L ghi

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #54 vào lúc: 10 Tháng Tư, 2016, 10:36:44 pm »


LIỆT SĨ KHÔNG CHẾT!

Mùa hè năm 1970, gia đình chúng tôi được Tổng cục Chính trị mời ra Hà Nội để dự lễ truy điệu anh. Trong giấy mời chỉ ghi tóm tắt: “Đồng chí đại tá Trần Văn Trân - Sư đoàn trưởng Sư đoàn 1 đã anh dũng hy sinh ở chiến trường Đông Nam Bộ trong lúc đang làm nhiệm vụ..”. Gia đình đã lập bàn thờ và kỵ giỗ anh. Sự thật là anh vẫn còn sống. Trong một chuyến đi nghiến cứu chiến trường, anh đã bị phục kích, bị thương và bị bắt ở kênh Vĩnh Tế (Nam Bộ). Đồng đội đi tìm, tưởng anh đã hy sinh, báo về cho đơn vị, gia đình... chúng tôi xin trích một đoạn trong tập nhật ký của anh kể lại những ngày anh đã dũng cảm đấu trí với địch trong nhà tù và sau những ngày được trả lại tự do, tiếp tục chiến đấu giành độc lập, tự do cho Tổ quốc... Tựa đề là của chúng tôi.
Đại tá Trần Văn Sang
Hội Cựu chiến binh tỉnh Thừa Thiên - Huế


Ngày 18 tháng 3 năm 1973, tôi được đối phương trao trả tại sông Thạch Hãn (Quảng Trị), sau khi cởi vất lại quần áo tù, từ bờ nam sông Thạch Hãn tôi đã phóng xuống sông, bơi một mạch đến bên kia bờ bắc (con sông quá quen thuộc mà tôi thường qua lại hồi chống Pháp).

Nơi này cách đây 8 năm, nhân dân đã tiễn chân Sư đoàn 325 và tôi vào Nam. Ở Vĩnh Linh ruột thịt, có nhiều bà mẹ nghèo nhịn cháo, nhịn sắn nuôi tôi đánh đế quốc. Ra đi còn Bác Hồ, ngày về đã trải qua chục lần roi vọt trong tù để mặc niệm Bác, và được biết vợ con bao năm tang chế cho “liệt sĩ không chết”.

Tháng 10 năm 1965, khi đặt chân lên đường mòn Hồ Chí Minh, tôi nhận được điện vợ sinh con út, ngày trở về con đã 8 tuổi.

Ở đời lắm chuyện ngẫu nhiên.

Qua đến bờ bắc sông Thạch Hãn ướt đẫm, quá lạnh, tôi không đi qua trạm liên hợp mà đi thẳng theo quốc lộ. Ngẫu nhiên, tôi gặp ông bạn chính trị viên Đại đội độc lập 117 hồi đánh Pháp ở Huế là Nguyễn Chỉ, đại tá Cục trưởng Cục Bảo vệ Quân đội nhân dân Việt Nam. Hai anh em thấy nhau mà giả vờ lờ đi. Tôi đi trên đường song song với anh Chỉ, đi trong ruộng, hơn 1 ki-lô-mét mới rẽ vào nhà dân. Hai đứa ôm nhau đầy nước mắt. “Chỉ ơi, có gì cho ăn với, mấy ngày nay căng lăm không ăn được”. 15 phút sau, có một món ăn rất lạ, cực kỳ ngon - “lương khô”! Và 3 năm, 1 tháng, 16 ngày tôi mới vinh dự được mặc quân phục Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ăn chưa xong thì tôi được xe của Bộ Tư lệnh B5, từ chỉ huy sở chiến đấu trong rừng ra đón về chỉ huy sở. Vào đến rừng, cả rừng cây và rừng người - rừng tình cảm ôm chầm bao phủ lấy tâm hồn tôi, tôi không nói được câu nào, chỉ đáp lễ bằng nước mắt và cả thân hình rung lên, sao không cảm động được?
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #55 vào lúc: 10 Tháng Tư, 2016, 10:37:53 pm »


Tôi gặp được những người anh, người thầy dìu dắt trước cách mạng: Thiếu tướng Lê Tự Đồng, Trung tướng Hoàng Văn Thái, Thiếu tướng Cao Văn Khánh, Thiếu tướng Nguyễn Hữu An... Sau một hồi gặp nhau, anh An kéo riêng tôi ra và nói: “Có gì cho Trân ăn hè”. Hồi đó thực phẩm vô cùng khó khăn, vào bếp (là cái chòi canh), thấy 2 lạng thịt hiếm hoi, anh An nói: “Giao cho bếp trưởng Trân quyết định”. Tôi bóp hành, nước mắm đem nướng ngay và chỉ 15 phút sau, hai anh em ngồi bên bếp lửa ăn ngon hơn “nem công, chả phụng”.

Chiều, Bộ Tư lệnh B5 làm một bữa tiệc thịnh soạn, nhưng nào tôi có ăn được vì cảm động, vì tình người đầy ắp tận tâm can. Các anh hỏi: “Sao cậu ăn ít thế?” Cơm chan đầy nước mắt và tình cảm, vả lại trong tù ăn ít đã quen dạ rồi!

Đêm ấy ở B5, tôi được anh Thái tạo điều kiện để nói chuyện với vợ con tôi ở Hà Nội.

Trên đường từ B5 trở về Hà Nội, tôi hạnh phúc nhận thấy Thủ đô về đêm đèn pha commăngca sáng trưng, quét rõ hai rặng cây xà cừ. Trên đường vào Nam, hai hàng xà cừ còn bé bỏng, nay đã lớn cao phủ tán như vẫy chào và che chở đứa con trở về với cuội nguồn.

Bao nhiêu ngày tù là bấy nhiêu ngày căng thẳng song 9 tháng còn lại, tôi biết địch đi tìm nhận mặt Nguyễn Văn Thương, thượng sĩ đông y nấu cao hổ cốt cao khỉ.

Tôi nhớ sau 15 ngày toàn trại Cần Thơ tuyệt thực trước lúc bầu cử tổng thống Thiệu, buộc chúng phải nhượng bộ 100% yêu sách và đày 800 tù binh Việt Nam ra Phú Quốc. Chúng tôi là thương binh khoảng 70 người, bị đưa về nhà tù Hố Nai - Suối Máu.

Như các đồng chí đã biết, tên trung tá Mã Khắc Quy là em Mã Sanh Nhơn, bị bộ đội Long An bắn chết dịp Mậu Thân. Nó trực tiếp thẩm vấn tôi với con mắt căm thù. Nó hỏi: “Mày là Bí thư Đảng ủy Cần Thơ, phải không Thương?”.

Tôi trả lời: “Các thầy đã biết, khi tôi bị thương, các thầy bắt tôi chỉ có khẩu CKC, một túi y tá (cao hổ cốt, cao khỉ) không Đảng, không Đoàn, với lại chứng minh thư Nguyễn Văn Thương, thượng sĩ đông y nấu cao hổ cốt, cao khỉ, ai dám giao tôi là bí thư trong tù?”. Tôi nói thêm: “Tôi biết có người vu khống tôi, là thằng Vui trật tự, người Bến Tre. Ở Cần Thơ, nó đem bệnh di tinh bảo tôi chữa, tôi bảo lấy gì mà chữa; nhiều lần nó nói, tôi chịu vì không có thuốc. Nó dọa tôi sẽ báo với thiêu tá Hoạt tôi là người lãnh đạo trại giam, các thầy xét”.

Mã Khắc Quy thử: “Có mấy thằng Việt cộng nói với tao “tiêm nước dừa, huyết gà là tốt hơn xê rom, mày nghĩ sao?”. “Tôi không thạo thuốc Tây lắm, nhưng đứng trước cái sống, cái chết và thiếu thốn, dùng nó là cần thiết song có lẽ là không khoa học bằng thuốc tây và cao hổ cốt, cao khỉ”. Tôi trả lời.

Hắn lại nói: “Mày nói nghe được, dụng cụ nấu cao gồm những gì?”.

- Hai cái chảo gang, một nồi đồng, một cưa sắt, vá (môi) vớt bọt, một cái như thìa để khuấy.

Bài học đầu tiên của nhà tù mà các anh đảng viên vào tù trước bày xưng hô với nó bằng từ “các thầy”, nghĩa là “cầy thác” là “chó chết”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #56 vào lúc: 10 Tháng Tư, 2016, 10:38:29 pm »


8 giờ sáng, xe đưa tôi về đến Hà Nội, vào nhà số 37 Lý Nam Đế, tôi được gặp anh Song Hào, anh Mậu, anh Ân và một số cán bộ Tổng cục Chính trị.

Còn gì sung sướng bằng lòng tin yêu của dân, của Đảng. Tôi được dự cơm với Quân ủy Trung ương, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các binh chủng.

Vài ngày sau đó, ở khách sạn Thắng Lợi, tôi được dự bữa cơm thân mật với các anh Trần Văn Trà, Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn. Cảm động nhất là được gặp chị Ba Định.

Trong lúc tôi nằm Viện 108, anh Ba Duẩn, anh Phạm Văn Đồng có đến thăm, còn anh Sáu Thọ thì được “gặp luôn”. Tôi được đi viếng lăng Bác, được đi thăm anh em bạn tù đang nghỉ dưỡng ở Sầm Sơn, ở Quảng Ninh. Vui mừng vô kể. Đúng là cuộc gặp mặt của những “người đứt ruột, mới biết người ruột đau”.

Vui mừng khôn xiết là nhận giấy chứng nhận của Ban Tổ chức Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương công nhận toàn bộ tuổi Đảng trong tù.

Tôi nằm viện trên ba tháng. Ra viện ở nhà được mấy hôm với gia đình, tôi xin phép gặp anh Song Hào, anh Lê Quang Đạo, đề nghị cho ra đơn vị chiến đấu. Hai anh nói: “Vội gì để nghỉ ngơi, khôi phục sức khỏe đã!”. Tôi trả lời: “Thưa anh, sức khỏe hồi này hơn hồi đi B năm 1964, vả lại, được nghỉ ba năm ròng trong tù rồi! (các anh cười). Nếu được ở đơn vị cơ động chiến đấu vào Nam, chiến trường nào tôi cũng thuộc: Trị Thiên, Tây Nguyên, Nam Bộ, miền Đông, An Giang và Sài Gòn cũng đã ở, cho vào Nam Bộ càng hay”.

Tháng 11 năm 1973, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Sư đoàn 341 lấy tên là Sông Lam, con sông quê hương Bác Hồ. cầm quyết định của Bộ Quốc phòng về Quân khu nhận chức Sư đoàn trưởng Sư đoàn 341, tôi mừng hết nói.

Tuổi của sư đoàn còn rất trẻ, nhưng đơn vị được vinh dự tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tham gia quân quản thành phố Sài Gòn. Sau giải phóng, đồng chí Nguyễn Văn Linh - Bí thư Thành ủy đến thăm và tặng quà cho sư đoàn. Mặc dù mới được thành lập nhưng Sư đoàn 341 đã hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Tục ngữ có câu: “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”. Song, tôi không nằm co. Sau khi về hưu, tôi nuôi hàng trăm con gà và cá để tăng thêm phần thu nhập cho gia đình.

Hằng năm tôi được các anh em ở Kiên Giang, An Giang, Long Khánh tạo điều kiện cho đi Phú Quốc tìm mồ mả và thăm các nghĩa trang liệt sĩ, đồng thời về thăm các mẹ các em và nhân dân nơi đóng quân xưa.

Một hạnh phúc lớn lao nữa đối với tôi là thường có nhiều bạn bè từ các địa phương về thăm.

Tôi tham gia Hội Cựu chiến binh quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh và các công tác xã hội tại địa phương.

Các đồng chí hỏi tôi nhắn nhủ gì với thế hệ trẻ hôm nay?

Tôi nghĩ rằng: “Trẻ khôn qua, già lú lại” lớp trẻ Việt Nam của chúng ta tài giỏi lắm, bụng đầy ắp những truyền thống anh hùng của dân tộc, lại tiếp thu được nhiều kiến thức của thời đại văn minh. Tôi nghĩ, còn phải học lớp trẻ.
(Trích nhật ký Thiếu tướng Trần Văn Trân)
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #57 vào lúc: 10 Tháng Tư, 2016, 10:41:13 pm »


TÌNH NGHĨA CỦA ANH BA TRÂN ĐỐI VỚI TÔI NHƯ ANH EM
Đại tá Nguyễn Văn Hanh1


Đồng chí thiếu tướng Trần Văn Trân, nguyên Phó Tư lệnh Quân đoàn 4 - Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia (719). Chúng tôi thường gọi theo thứ bậc gia đình của người Nam Bộ là anh Ba.

Năm 1952, tôi vào bộ đội thì anh Ba đã là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 227 Trung đoàn 95 Đại đoàn 325.

Tôi gặp anh Ba Trân tại chiến khu Hòa Mỹ, tỉnh Thừa Thiên lúc đó tôi mới 14 tuổi. Anh Ba hỏi tôi: “Em còn nhỏ tuổi vậy, ở chiến khu có chịu nổi cái sốt rét không?” Dạ thưa anh, em muốn về đồng bằng, theo bộ đội chủ lực đánh Tây, ở cơ quan làm liên lạc, suốt ngày chạy công văn em buồn lắm. Anh Ba nói: “Em còn nhỏ, ở đơn vị chiến đấu, mang khẩu súng trường quét đất, làm sao theo kịp bộ đội. Thôi, khi nào lớn, anh cho theo đơn vị anh”.

Quả thật, sau đó tôi bị một trận sốt rét kéo dài 3 tháng không có thuốc men, không có cơm ăn, chỉ ăn cháo sắn và rau rừng, người kiệt sức không đi được, đơn vị gửi lại một nhà dân giữa rừng núi chiến khu.

Nghe tin tôi bị sốt nặng, anh Ba gửi cho một liều thuốc kí ninh. Hồi đó bộ đội bị sốt rét rất thiếu thuốc, một viên kí ninh hòa thành nước để tiêm cho nhiều người. Nhờ chục viên thuốc kí ninh của anh Ba mà cơn sốt trong tôi hạ dần. Tôi lần mò đến bệnh viện của Mặt trận tại chiến khu Ba Lòng, Quảng Trị.

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, anh Ba làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 101, sau đó làm Tham mưu trưởng rồi Sư đoàn phó Sư đoàn 325. Tôi là sĩ quan thông tin của Trung đoàn 95, Sư đoàn 325. Mười năm huấn luyện, xây dựng quân đội trong thời bình (1954 - 1964), thỉnh thoảng tôi được gặp anh qua những lần về sư đoàn tập huấn.

Đầu năm 1964, anh Ba đến kiểm tra đơn vị tôi huấn luyện tại huyện Hương Khê, Hà Tĩnh. Gặp tôi,, anh hỏi: “Hòa bình mười năm rồi, sao em vẫn chưa lấy vợ? Cưới vợ nhanh lên, nếu không sẽ “mồ côi vợ” suốt đời”. Tôi ngầm hiểu ý anh Ba, thời gian không xa đơn vị sẽ vào Nam chiến đấu. Tôi thưa thủ trưởng, nguyện vọng của em là trở về Nam chiến đấu, giải phóng quê hương. Chừng nào nước nhà còn bị chia cắt thì em chưa lấy vợ. Anh Ba cười gật gù đồng tình với ý nguyện của tôi.

Tháng 11 năm 1964, Sư đoàn 325 được lệnh vào Nam chiến đấu. Toàn sư đoàn với khí thế hùng dũng, rầm rập bước chân “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Anh Ba là Sư đoàn phó, vai đeo ba lô, tay cầm cái rađiô bán dẫn cùng bộ đội trèo đèo, lội suối, vượt qua bao nhiêu suối sâu, đèo cao, có những đỉnh núi cao 1001 - 2700 mét. Cuộc hành quân dài ngày, từ tỉnh Quảng Bình đến Tây Nguyên bộ đội mang vác nặng vô cùng gian khổ, có chiến sĩ phải nằm lại giữa rừng Trường Sơn vì bệnh tật và kiệt sức.

Sau hơn hai tháng hành quân liên tục, vào đến Tây Nguyên, Trung đoàn 95 đổi tên thành Trung đoàn 10, tách khỏi đội hình Sư đoàn 325, xuống hoạt động chiến đấu ở đồng bằng miền Trung, phát triển vào miền Đông rồi miền Tây Nam Bộ, chiến đấu ở chiến trường nam tỉnh Cà Mau, dải đất tận cùng của Tổ quốc. Sư đoàn 325 được đổi tên thành Sư đoàn 1 do anh Ba làm Sư đoàn phó, chiến đấu ở Tây Nguyên. Năm 1969, anh Ba làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 1, chiến đấu ở chiến trường miền Đông Nam Bộ, trực thuộc Bộ chỉ huy Miền (R).
______________________________________
1. Nguyên Chính ủy Trung đoàn 10.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #58 vào lúc: 10 Tháng Tư, 2016, 10:41:42 pm »


Tuy xa anh Ba Trân, nhưng tôi vẫn theo dõi tình hình, được biết Sư đoàn 1 là sư đoàn đánh giặc giỏi nổi tiếng toàn Miền. Đầu năm 1970, một tin sét đánh: anh Ba bị địch bắt ở vùng Bảy Núi, An Giang. Tôi vô cùng bàng hoàng, sửng sốt, thương anh Ba, người anh thân thiết, người chỉ huy gan dạ, dũng cảm, chỉ huy Sư đoàn 1 đánh đâu thắng đó, kẻ thù khiếp sợ. Người thủ trưởng được toàn sư đoàn yêu quý, cấp trên khen ngợi. Nay anh bị bắt, bị tù, không khỏi bị địch tra tấn, hành hạ. Nếu chúng biết anh là Sư đoàn trưởng thì chúng sẽ thủ tiêu. Nghĩ vậy mà lòng tôi đau xót, không sao cầm được nước mắt.

Sau khi bị địch bắt, anh khai là y tá. Trong trại giam của địch, nhiều anh em tù binh biết anh nhưng mọi người đều bảo vệ anh, anh không bị lộ tung tích và được bầu làm bí thư Đảng ủy, lãnh đạo anh em đấu tranh với địch, bảo vệ khí tiết của người chiến sĩ cách mạng cho đến ngày được trao trả.

Đầu năm 1973, anh được đối phương trao trả tại sông Thạch Hãn, Quảng Trị. Mọi người nghe tin anh được trao trả đều vui mừng, thở phào nhẹ nhõm. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho anh đi nghỉ dưỡng ở nước ngoài, anh xin nhận nhiệm vụ làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 341, vào chiến đấu giải phóng thị xã Xuân Lộc - Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Sau 30 tháng 4 năm 1975, đơn vị tôi làm nhiệm vụ quân quản thành phố Cần Thơ. Anh Ba xuống thăm đơn vị, xem lại nơi địch giam giữ anh. Anh em gặp nhau vui mừng khôn xiết. Trải qua 10 năm trên chiến trường đánh Mỹ vô cùng khốc liệt, biết bao đồng đội đã ngã xuống, thế mà anh em mình vẫn còn sống, được tận hưởng hòa bình thống nhất đất nước là sự may mắn và là một vinh dự lớn của người chiến sĩ cầm súng.

Anh Ba hỏi tôi: “Thế nào, bây giờ em đã chịu lấy vợ chưa?”. “Dạ, chịu rồi, thưa thủ trưởng”.

Đầu năm 1976, đơn vị tôi chuyển sang làm kinh tế, khai hoang ở vùng Tứ giác Long Xuyên, tỉnh An Giang.

Ngày 30 tháng 4 năm 1977, chiến tranh biên giới Tây Nam xẩy ra. Bọn Pôn Pốt - Iêng Xari xua quân xâm lấn trên toàn tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia. Chúng tàn sát đồng bào ta rất man rợ. Hơn 1.000 đồng bào ở Xa Mát - Thiện Ngôn, tỉnh Tây Ninh, 3.000 đồng bào ở xã Ba Chúc, tỉnh An Giang bị chúng sát hại. Sáu vạn héc-ta ruộng dọc biên giới bị bỏ hoang. Anh Ba lại ra trận. Anh là Phó Tư lệnh Quân đoàn 4, chỉ huy cánh quân chiến đấu bảo vệ biên giới thuộc hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #59 vào lúc: 10 Tháng Tư, 2016, 10:42:08 pm »


Cuối năm 1977, anh vào thăm đơn vị tôi đang ở kênh Tám Ngàn, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Anh Ba lại hỏi tôi: “Sao hòa bình, thống nhất đã hai năm rồi mà em vẫn chưa lấy vợ”. Tôi thưa, hòa bình được một năm thì mẹ em mất và như anh thấy đó, ở đây chỉ có lính và đồng hoang cỏ dại, nước chua phèn con cá cũng không sống được. Bộ đội phải đi cách 30 ki-lô-mét chở nước ngọt về ăn. Đơn vị làm nhiệm vụ khai hoang, đào kênh đắp bờ, rửa phèn, thau chua đồng ruộng, đời sống thiếu thốn vô cùng cực khổ. Với cương vị Chính ủy trung đoàn, em làm sao rời khỏi nơi đây được?

Anh Ba nói: “Thôi được rồi, để anh giúp”. Rồi anh quay sang nói với đồng chí cán bộ cùng đi: “Tao về chụp cổ con Phan Hoàng Anh giới thiệu cho Hanh”. Phan Hoàng Anh là cán bộ giảng dạy Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Anh lấy mấy cái hình tôi chụp sau hòa bình về để giới thiệu với Hoàng Anh.

Tôi tranh thủ mấy ngày phép lên gặp anh tại nhà riêng của anh ở 314 đường Hồng Đức, làng Đại học Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. Anh và gia đình đón tiếp, giúp đỡ tôi tận tình. Anh dẫn tôi đến gặp Hoàng Anh tại 106 đường Lê Văn Sỹ, quận Phú Nhuận. Anh nói với Hoàng Anh: “Mày không lấy nó, tao dùng B40 phụt cho sập cái lô cốt của mày”. (Hoàng Anh ở một căn phòng 8 mét vuông trên lầu 6, trông như cái lô cốt). Mọi người cười vui vẻ với cách hỏi vợ táo bạo của anh Ba.

Thời gian tìm hiểu không có nhiều, nhưng gia đình và Hoàng Anh biết từ trước vả lại tin tưởng ở anh Ba, một con người có uy tín, chân thật và nghiêm túc, nên gia đình và Hoàng Anh chấp nhận.

Sau hơn hai tháng, đám cưới tôi và Hoàng Anh được tổ chức tại trường Đại học Sư pham Thành phố Hồ Chí Minh. Anh Ba bận chỉ huy đơn vị ở biên giới, không về dự được, gia đình tôi ở xa, dãy ghế dành cho bộ đội để trống vì đơn vị đang chiến đấu ở biên giới An Giang. Chị Hà vợ anh Ba, thay mặt nhà trai phát biểu lời cảm ơn.

Thế là nhờ sự giúp đỡ của anh Ba, chị Hà nên chúng tôi đã thành vợ, thành chồng, đã có hai con, một gia đình hạnh phúc.

Suốt hơn 45 năm trong quân ngũ, lúc ở gần, lúc ở xa, lúc hòa bình cũng như trong chiến đấu gian khổ, ác liệt. Hình ảnh anh Ba, người anh thân thương, người chỉ huy tài giỏi, sống chan hòa, yêu thương đồng đội luôn khắc sâu trong tôi. Anh luôn quan tâm, động viên, giúp đỡ tôi. Tình nghĩa anh Ba Trân đối với tôi như người anh ruột thịt.
N.V.H
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM