Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 04:57:44 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chuyện bây giờ mới kể  (Đọc 30647 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #40 vào lúc: 09 Tháng Tư, 2016, 11:26:33 pm »


Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, đơn vị khẩn trương bước vào làm nhiệm vụ quân quản ở thành phố Sài Gòn - Gia Định. Trung đoàn tôi được sư đoàn phân công phụ trách quận Bình Hòa (nay là quận Bình Thạnh). Nhiệm vụ mới mẻ, sư đoàn xác định nhiệm vụ quân quản là làm chức năng của đội quân công tác. Trong cuộc họp quân chính sư đoàn, anh Ba nói: phải tập trung xây dựng đơn vị vững mạnh mới làm nhiệm vụ quân quản tốt. Sư đoàn bắt tay vào huấn luyện quân sự, huấn luyện điều lệnh đội ngũ, chăm lo đời sống của bộ đội, ra Dầu Giây khai hoang, sản xuất chăn nuôi. Trong huấn luyện chú ý lễ tiết tác phong quân nhân và kỷ luật tự giác khi tiếp xúc với nhân dân, nhất là nhân dân Sài Gòn - Gia Định trong những ngày đầu giải phóng với khẩu hiệu: “Làm theo truyền thống, sống có kỷ luật”.

Suốt hơn 2 năm sống trong thành phố Sài Gòn - Gia Định, hơn một nửa số đại đội không hề vi phạm kỷ luật. Đi ra đường phố từ một người đến tập thể, anh em đều ăn mặc chỉnh tề, nghiêm trang chào hỏi, giữ nghiêm kỷ luật, để lại cho người dân nhiều ấn tượng tốt đẹp về bộ đội Cụ Hồ.

Anh Ba thường xuyên cùng cơ quan tổ chức kiểm tra, sơ tổng kết, biểu dương khen thưởng kịp thời các cá nhân và các đơn vị chấp hành tốt. Tôi nhớ mãi ngày đầu anh xuống kiểm tra trung đoàn. Lúc đó trung đoàn đóng quân ở đường Nhất Linh (nay là đường Nguyễn Huy Tưởng) phường 6, quận Bình Thạnh. Thấy trung đoàn dùng bom câm làm kẻng, mỗi lần đánh lên tiếng vang to điếc óc cả một khu vực khiến dân không ai ngủ được. Tuy nhiên, bà con vùng mới giải phóng không ai dám có ý kiến gì. Anh Ba nhắc: bây giờ chúng ta vào thành phố rồi, dùng bom làm kẻng là không phù hợp. Ngày mai, trung đoàn cử 2 đồng chí về sư đoàn đi học thổi kèn. Từ đó, trung đoàn tôi dùng kèn làm hiệu lệnh.

Tiếng kèn thổi vang lên nghe sao rộn rã như thúc giục mọi người. Đơn vị và người dân nghe đều vui, không còn cảnh điếc tai nhức óc nữa.

Mỗi lần anh Ba đi kiểm tra là giúp đơn vị chúng tôi và nhất là cán bộ chỉ huy lãnh đạo chúng tôi nhiều bài học sâu sắc.

Anh xuống kiểm tra không chỉ ở cơ quan mà còn xuống tận đơn vị, nơi ăn ở, huấn luyện, sinh hoạt của đơn vị. Khi anh đến kiểm tra Tiểu đoàn 8, thấy một chiến sĩ bị phạt theo điều lệnh, giữ tại trại kiểm điểm, lý do vì thèm kem không có tiền mua rút cọc rào sắt ra đổi kem, bị vệ binh bắt. Anh móc túi lấy tiền bảo anh em ra mua 10 cây kem cho chiến sĩ ăn, nhưng cậu chiến sĩ nghĩ sao chỉ ăn 2 cây kem rồi thôi không ăn nữa. Anh Ba bảo tiểu đoàn tha cho anh em về đơn vị. Sau kiểm tra, anh nêu những mặt ưu khuyết điểm, rồi anh nhắc nhở: cán bộ chúng ta là những người thay mặt tổ chức và gia đình, là người cha, người anh, ở nhà con em chúng ta gia đình lúc khó khăn, có lúc thèm khát ăn vụng, chúng ta là cán bộ ngoài trách nhiệm, phải có lòng khoan dung thương yêu chiến sĩ. Anh nhắc nhở nhẹ nhàng, ngồi nghe chúng tôi vô cùng thấm thía.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #41 vào lúc: 09 Tháng Tư, 2016, 11:27:01 pm »


Anh Ba ở sư đoàn không lâu. Tháng 4 năm 1976, anh được bổ nhiệm làm Phó Tư lệnh Quân đoàn 4. Sau đó, anh về làm Viện phó Học viện Quân sự Đà Lạt. Tháng 9 năm 1977, xảy ra cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam. Sư đoàn 341 lên đường chiến đấu, từ Bến Cầu - Tây Ninh về An Giang, Châu Đốc, Hà Tiên, Đồng Tháp, tham gia giải phóng Pnôm Pênh giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi hoạ diệt chủng Pôn Pôt. Tháng 1 năm 1979, sau khi giải phóng Pnôm Pênh, tôi từ giã sư đoàn về làm Chính ủy Lữ đoàn công binh Quân đoàn, làm đường 56 ra biên giới Thái Lan, rồi về Sư đoàn 9 Quân đoàn 4, ít gặp anh. Một lần nghe chuông điện thoại reo, trên báo anh Ba Trân đi kiểm tra trên đường bị phục kích, tôi cùng tiểu đoàn dẫn quân ra chi viện tiếp cứu. Gặp lại tôi, anh rất mừng, ôm chầm lấy tôi. Tôi hỏi:

- Anh đi đâu mà không báo để chúng tôi tuần tra bảo vệ anh.

Anh cười.

- Mình đi kiểm tra tuyến K5, tuyến phòng thủ biên giới Campuchia - Thái Lan.

Sau này, nhân họp mặt truyền thống Sư đoàn 341 tại Thành phố Hồ Chí Minh, gặp lại anh em chiến đấu cũ của sư đoàn, anh Ba rất mừng. Anh nói: chúng ta đời đời biết ơn các anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống cho cuộc sống của chúng ta hôm nay. Các đồng chí nhớ ngày lễ, nhất là ngày thương binh liệt sĩ, ngày Tết, chúng ta tổ chức đi viếng các nghĩa trang liệt sĩ, nhất là các nghĩa trang Xuân Lộc, Thống nhất, Đồng Nai, nơi đây hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ sư đoàn đã ngã xuống...

Thực hiện lời căn dặn của anh Ba, hằng năm, ngày lễ, ngày Tết, Ban liên lạc truyền thống Cựu chiến binh Sư đoàn 341 tại Thành phố Hồ Chí Minh thường phân công nhau đi khắp các nghĩa trang từ Xuân Lộc, Thống Nhất, Đồng Nai, Chơn Thành, Tây Ninh đến Hà Tiên, Rạch Giá, Kiên Giang, thay mặt đơn vị, gia đình viếng mộ, đốt nhang tưởng nhớ đến các anh, các anh hùng liệt sĩ.

Chúng tôi không bao giờ quên đến nghĩa trang thành phố, nơi đây Bộ Tư lệnh Sư đoàn 341 đầu tiên, các Thiếu tướng Trần Văn Trân, Trần Nguyên Độ; các đại tá Phạm Thành Minh, Nguyễn Quế đang an nghỉ.

Đứng trước mộ các anh, đốt nén nhang với lòng thành kính bùi ngùi xúc động, thương tiếc, chúng tôi tưởng nhớ đến các anh, biết ơn các anh trong Bộ Tư lệnh đầu tiên của sư đoàn đã dày công xây dựng và chiến đấu để cho Sư đoàn 341 được hai lần tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Tháng 12-2006
N.T.M

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #42 vào lúc: 10 Tháng Tư, 2016, 10:19:06 pm »


VÌ SAO QUÂN NGỤY SÀI GÒN KHÔNG PHÁT HIỆN RA
NGƯỜI TÙ BINH LÀ SƯ ĐOÀN TRƯỞNG QUÂN GIẢI PHÓNG?
Thế Trường


Trong chiến tranh hai bên tham chiến bắt được tù binh là chuyện bình thường. Việc ông Ba Trân bị địch bắt cũng không ngoại lệ. Nhưng điều đáng nói ở đây là suốt ba năm giam giữ ông, bọn địch vẫn không phát hiện được ông là một sư đoàn trưởng của Quân giải phóng. Chúng đinh ninh ông là một y tá đông y “quèn” của Việt cộng.

Ông là Trần Văn Trân, sinh ngày 1 tháng 5 năm 1927 tại Thừa Thiên, tham gia quân đội từ tháng 8 năm 1945. Ông vào miền Nam chiến đấu từ thập niên 60, sau Tết Mậu Thân 1968, ông là Sư đoàn trưởng Sư đoàn bộ binh 1, chủ lực của Quân giải phóng miền Nam.

Đầu năm 1969, Bộ Tư lệnh Miền quyết định điều động Sư đoàn 1 do ông Ba Trân chỉ huy, tăng cường cho miền Tây Nam Bộ để bảo vệ vùng Bảy Núi, hỗ trợ cho phong trào chiến tranh du kích địa phương hồi phục và phát triển. Một trung đoàn của Sư đoàn 1 hành quân từ miền Đông xuống đã tập kết ở tỉnh Campôt của Campuchia, giáp với tỉnh Châu Đốc của Việt Nam, chuẩn bị vượt kênh Vĩnh Tế để vào Bảy Núi đất Châu Đốc làm nhiệm vụ.

Một đêm cuối tháng 2 năm 1970, Sư đoàn trưởng Ba Trân mặc quần xà lỏn, áo bà ba cộc tay, đi dép râu, dẫn đầu sở chỉ huy nhẹ của sư đoàn, gồm thông tin, trinh sát, vệ binh, tham mưu, tác chiến, tất cả khoảng ba chục người trang bị gọn nhẹ, lặng lẽ vượt kênh Vĩnh Tế. Khi cả đoàn đã bơi qua con kênh rộng 50 mét sang bờ phía đông nam thuộc đất Việt Nam thì lọt vào ổ phục kích của địch. Lực lượng của chúng có một tiểu đoàn bảo an, một giang đội hải thuyền gồm 4 chiếc tàu bo bo, hoạt động trên kênh Vĩnh Tế, một biên đội trực thăng vũ trang HU-1A soi đèn bắn phá quân ta. Trong trận chiến không cân sức này, chỉ có 5 người chạy thoát, còn phần lớn anh em đã bị địch bắt hoặc hy sinh. Sau khi đã bắn hết 2 băng đạn súng ngắn K.54, thấy đồng chí quân y sĩ nằm cạnh mình đã hy sinh, ông Ba vứt khẩu súng ngắn của mình ra xa, khoác vội túi thuốc quân y của đồng chí y sĩ vào người rồi cùng một số anh em còn lại chạy băng về phía Bảy Núi. Một toán lính ngụy đã đón lõng sẵn, bắt được 8 anh em của ta, trong đó có Sư đoàn trưởng Ba Trân.

Hôm sau, tại quận lỵ Tri Tôn, tên đại úy quận trưởng ngụy đích thân gặp số anh em của ta vừa bị bắt để thẩm vấn. Thấy ông Ba Trân lớn tuổi nhất, hắn hỏi họ tên, tuổi, quê quán, chức vụ, cấp bậc, đơn vị, ông Ba bình tĩnh nói to như để mọi người cùng nghe lời khai của mình, đại ý ông nói tên là Nguyễn Văn Thương, 42 tuổi, quê ở Thừa Thiên, làm y tá đông y của đại đội địa phương tỉnh đội Châu Đốc, là cán bộ tiểu đội bậc trưởng, tương đương thượng sĩ. Sau này khi được trở về với đơn vị, ông Ba Trân mới kể lại rằng sở dĩ ông khai vậy là vì trước khi tham gia cách mạng ông đã học lỏm được số ít bài thuốc nam do người chú họ làm nghề thầy lang chỉ dẫn cho. Bố ông cũng thường chữa bệnh cho vợ con bằng các thứ cây cỏ có sẵn trong vườn.

Nhìn người tù binh dáng cao, gầy, da ngăm đen, ăn mặc hệt một nông dân, không có dáng vẻ gì của một viên chỉ huy, và khi bị bắt trên vai còn đeo một túi thuốc quân y có hình chữ thập đỏ, tên quận trưởng bán tín bán nghi, quay sang thẩm vấn những tù binh khác. Tất cả anh em đều khai như vậy. Thẩm vấn xong, ông và một số anh em bị bắt được chuyển về nhà lao của tỉnh, một thời gian sau đó, chuyển về giam ở Cần Thơ... Đến đâu, khi bị thẩm vấn, ông Ba cũng chỉ nói vậy. Bọn quản lý trại giam cũng có lần nghi vấn về ông, một người đã lớn tuổi, sao chỉ là cấp tiểu đội? Chúng tra hỏi một số anh em bị bắt cùng ông đêm đó, nhưng cả bảy anh em này đều xác nhận lời khai của ông là đúng, mặc dù họ biết rất rõ lý lịch vị chỉ huy của mình.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #43 vào lúc: 10 Tháng Tư, 2016, 10:19:37 pm »


Khi ông Ba Trân bị mất tích, đơn vị không biết ông đã sa vào tay giặc mà tưởng ông đã hy sinh. Hai ngày sau khi xảy ra trận phục kích, đơn vị đã cử người cải trang đến đây để tìm thi hài của anh em đã hy sinh thì đồng bào trong vùng cho biết đã chôn cất các liệt sĩ chu đáo. Theo bà con kể lại, trong số liệt sĩ có một người dáng cao, gầy. Chắc người đó là ông Ba Trân. Do đơn vị báo cáo như vậy nên cấp trên đành xác nhận là ông đã hy sinh. Cho đến một hôm, vào hạ tuần tháng 2 năm 1970, ông Phạm Hùng - Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Bí thư Quân ủy Miền, Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng gọi ông Nguyễn Viên - Chính ủy Sư đoàn 1 lên gặp và nói: “Có lẽ Ba Trân còn sống, chỉ bị địch bắt. Qua đường dây mật của an ninh giải phóng, tôi vừa nhận được một lá thư hết sức ngắn gọn từ nhà lao Cần Thơ gửi ra cho biết, có người của ta tên là Thương, từng quen thân với anh Bảy Viên và anh Năm Uynh, đề nghị tìm cách gửi vào cho ít súng đạn và thuốc nổ để anh em ta phá nhà lao về với cách mạng. Tôi đoán chỉ có anh Ba Trân mới biết rõ tôi và anh Uynh (Huỳnh Uynh, Sư đoàn phó kiêm Tham mưu trưởng) như vậy”.

Sau khi xác minh là ông Ba Trân đã bị địch bắt, nhưng chưa bị lộ sư đoàn trưởng, lãnh đạo Miền và cơ quan bảo vệ quyết định cứ coi như ông đã hy sinh để đánh lạc hướng địch. Đơn vị đã tổ chức trọng thể lễ truy điệu Sư trưởng Trần Văn Trân, điện ra Bắc báo tử cho gia đình và gửi các di vật của liệt sĩ về cho thân nhân. Các thông tin này được cơ quan tình báo Mỹ ngụy hồi đó thâu nhận ngay. Đài, báo ở Sài Gòn lúc bấy giờ đều đưa tin về việc “Quân lực Việt Nam cộng hòa đã hạ sát được một vị chỉ huy cao cấp của Việt Cộng…”.

Khi Bộ Tư lệnh Miền, đứng đầu là ông Mười Khang (đồng chí Hoàng Văn Thái) đang nghiên cứu kế hoạch đưa vũ khí vào nhà tù Cần Thơ cho ông Ba Trân thì địch đã chuyển ông ra Hố Nai, Biên Hòa. Từ khi bị bắt, qua nhiều trại giam, mỗi lần chuyển đến một nơi mới ông Trân đã gặp không ít các đồng chí chỉ huy cấp dưới thuộc quyền, họ biết ông từ hồi còn ở Trị Thiên, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ... Nhưng vì ông sống có tình có nghĩa nên ai cũng quý mến, bảo vệ ông không để lộ cho địch biết. Sau này ông Ba Trân thổ lộ: “Chính những anh em này đã góp phần không nhỏ giúp tôi được sống trở về. Nếu không, tôi sẽ bị địch thẩm vấn, tra khảo và chắc chắn chúng sẽ thủ tiêu tôi chứ ít có khả năng được trao trả...”

Sau này khi trở về hàng ngũ, ông Ba Trân kể lại rằng, bọn ngụy Sài Gòn không phải đã tin ngay lời khai của ông cũng như những xác nhận của anh em cùng bị bắt. Chúng đã nhiều lần thử thách ông. Có lần, ở thị xã Long Xuyên, một tên trung sĩ bị đau thần kinh tọa, tiêm thuốc tây mãi không khỏi. Biết ông là y tá đông y, tên phụ trách trại giam gọi ông lên chữa giúp. Ông Ba Trân kê ngay cho tên trung sĩ này một toa thuốc đơn giản, chỉ có 4 vị thuốc nam: một đoạn thân cây dâu băm nhỏ, một nắm rễ cây xấu hổ, một nắm rễ lá lốt, một nắm cỏ xước, tất cả những thứ đó đem sao thật vàng rồi sắc lấy nước uống liên tục ba ngày. Quả nhiên tên này đã khỏi bệnh, đi lại bình thường.

Lần khác, vợ của một tên sĩ quan ngụy bị tắc sữa, đầu vú nhức nhối khó chịu. Tây y đành bó tay. Bọn ngụy cho gọi ông Ba Trân lên nhờ chữa bằng đông y. Ông nhớ 4 vị thuốc nam chuyên trị bệnh tắc sữa là cam thảo nam, hạt bông mã đề, ý dĩ và râu ngô mà mẹ ông có lần bị tắc sữa đã dùng. Thế là ông kê đơn và bảo tên sĩ quan ngụy ra chợ tìm mua ở các hàng thuốc nam đem về sao vàng sắc đặc lấy nước uống ba ngày liền. Thuốc của ông đã có hiệu nghiệm, sau ba hôm, vợ của tên sĩ quan nọ đã thông được đường sữa khi cho con bú... Quả nhiên, sau nhiều lần thử thách, bọn địch tạm tin ông là một y tá đông y thật.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #44 vào lúc: 10 Tháng Tư, 2016, 10:20:12 pm »


Một ngày cuối tháng 3 năm 1973, ông Ba Trân cùng hơn 300 anh em ta bị địch bắt đã được trao trả ở bờ nam sông Thạch Hãn thuộc tỉnh Quảng Trị để đổi lấy 27 phi công Mỹ và 500 tù binh ngụy. Trong danh sách mà chính quyền ngụy trao trả cho phía Cách mạng, Sư đoàn trưởng Trần Văn Trân được ghi một dòng trích ngang vắn tắt: “Nguyễn Văn Thương, 46 tuổi y tá đông y - bộ đội địa phương Châu Đốc - bị bắt ngày 17 tháng 2 năm 1970”.

Kính trọng và quý mến người chỉ huy sư đoàn bị địch bắt giam gần 4 năm vẫn một lòng một dạ trung thành với cách mạng, mưu trí, khôn khéo che giấu địch, không để lộ tung tích, Bộ Quốc phòng đã bố trí riêng một xe com-măng-ca để đón khi ông Trần Văn Trân vừa bước chân lên bờ bắc sông Thạch Hãn, đưa thẳng về Bộ Tư lệnh Quân khu 4. Thấy vậy tên trung tá ngụy Sài Gòn tức điên người, hắn chửi đổng: “Đ.mẹ, thế là lọt mất một tên Việt cộng cỡ bự rồi”.

Qua mấy tháng điều dưỡng nghỉ ngơi, ông Ba Trân lại được giao nhiệm vụ chỉ huy Sư đoàn bộ binh 341, trong đội hình của Quân đoàn 4 chủ lực Miền. Trong cuộc tổng tiến công mùa Xuân năm 1975, chính ông đã chỉ huy Sư đoàn 341 phối hợp với các đơn vị bạn chọc thủng phòng tuyến Xuân Lộc - cửa ngõ phía đông bắc Sài Gòn của địch, tiêu diệt và làm tan rã sư đoàn 18 ngụy, mở đường cho các binh đoàn chủ lực khác của ta ào ạt tiến đánh sào huyệt cuối cùng của địch. Trên đường tiến vào giải phóng Sài Gòn, chính sư đoàn của ông đã đánh vào Biên Hòa, giải phóng nhà lao Tam Hiệp, nơi địch đã giam giữ ông ba tháng trước khi được trao trả về với đồng chí, đồng đội.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, đại tá Trần Văn Trân đã được thăng quân hàm Thiếu tướng và được bổ nhiệm làm Phó Tư lệnh Quân đoàn 4, rồi Viện phó Học viện Lục quân Đà Lạt, nơi đào tạo và bổ túc các tiểu đoàn trưởng, trung đoàn trưởng binh chủng hợp thành của Quân dội nhân dân Việt Nam.
T.T
(Theo lời kể của đại tá Nguyễn Viên - nguyên Chính ủy Sư đoàn 1)
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #45 vào lúc: 10 Tháng Tư, 2016, 10:22:18 pm »


ĐẠI TÁ SƯ ĐOÀN TRƯỞNG VÀ THƯỢNG SĨ ĐÔNG Y
Đại tá Đinh Như Ninh

Tháng 10 năm 1969, khi tôi ở sư đoàn 1 về cơ quan Cục Chính trị Quân giải phóng (B2) tôi được biết đài BBC đưa tin đại tá Ba Trân quân giải phóng đã bị quân lực Việt Nam cộng hòa phục kích bắn chết tại tỉnh Mỹ Tho, tôi đau đớn không cầm được nước mắt. Vài hôm sau có tin anh bị địch bắt, ít lâu sau lại được tin anh vẫn còn sống với tên gọi: Nguyễn Văn Thương, thượng sĩ đông y, tôi lo lắng hồi hộp...

Với tôi, anh Trần Văn Trân là thủ trưởng, là người thầy, vừa là người anh yêu quý. Tôi biết và sống cùng đơn vị của anh từ năm 1950 đến nay, tôi mới xa anh hôm đầu tháng 9 năm 1969. Anh luôn nêu gương về lòng dũng cảm, khắc phục khó khăn và lạc quan cách mạng. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, trong hòa bình 10 năm xây dựng quân đội trên miền Bắc cũng như trong cuộc chiến chống Mỹ những năm qua, anh luôn thể hiện tính giai cấp và tính tiên phong trong lời  nói và việc làm tích cực của người đảng viên, cán bộ với một lòng tin và tươi vui.

Tháng 3 năm 1975, tôi biết anh đang làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 341 tấn công căn cứ Xuân Lộc, tỉnh Long Khánh. Sau ngày toàn thắng 30 tháng 4 năm 1975, biết tin anh làm Phó Tư lệnh Quân đoàn 4 rồi Viện phó Học viện Quân sự Đà Lạt, tôi đã định đến thăm anh để nghe anh kể chuyện nhưng chưa có dịp. Tháng 4 năm 1986, anh là Thiếu tướng Tham mưu trưởng quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia. Lúc đó tôi là đại tá chỉ huy trưởng Đoàn 7708 bảo vệ thủ đô Pnôm Pênh. Tôi thu xếp một ngày chủ nhật đến thăm anh tại nhà công vụ của anh ở khu vực Chằmsamon nghe anh kể chuyện. Anh nói: “chỉ là những mẹo vặt, chẳng có gì nhiều đâu”. Anh kể thoải mái, tôi chăm chú lắng nghe và ngắm nhìn anh, lòng tràn đầy tự hào, khâm phục, thỉnh thoảng tôi hỏi lại có lúc chêm thêm... Hai anh em thân mật, vui vẻ. Anh kể:

“Tháng 2 năm 1970, mình cùng đơn vị rút gọn từ miền Đông hành quân xuông miền Tây Nam Bộ. Khi chuẩn bị vượt qua kênh Vĩnh Tế, Châu Đốc bằng xuồng máy, một xuồng máy đã chở sáu người đã qua trước chốt bến. Trong xuồng mình ngồi có cậu Yên là y sĩ quê Thanh Hóa. Yên bơi giỏi, khỏe mạnh. Để bảo đảm tài liệu không bị ướt, mình và Yên đổi xà cột cho nhau. Yên nói: “Thủ trưởng yên chí, nếu rủi có chìm xuồng em sẽ bơi đứng bằng một tay hai chân, bảo đảm cái xà cột của thủ trưởng không bị ướt”. Mình đeo cái túi cứu thương. Xuồng mình vừa chạy được một phần ba kênh Vĩnh Tế thì hai chiếc tàu địch từ hướng Mỹ Tho lao lên, đèn pha sáng trưng. Xuồng mình định vượt qua nhưng không kịp, súng địch đã nổ mấy loạt... một số hy sinh (trong đó có Yên), mình bị bắt. Bọn địch hỏi, họ, tên, chức vụ, mình nói: Nguyễn Văn Thương y tá. Đêm đầu tiên bị nhốt ở trại tù Mỹ Tho mình nhẩm đi nhẩm lại nhiều lần cái sơ yếu lý lịch mới.

Tại bàn thẩm vấn của trại tù binh, mình khai: tên họ Nguyễn Văn Thương 41 tuổi, cha chết, mẹ Nguyễn Thị Nuôi chết. Năm sinh: 1928. Cấp bậc: thượng sĩ, nghề nghiệp: y tá đông y.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #46 vào lúc: 10 Tháng Tư, 2016, 10:22:46 pm »


Chúng lùa mình vào trại tù binh nhốt các binh sĩ hạ sĩ quan. Mình nghe tụi lính kháo với nhau: hôm qua diệt được đại tá Ba Trân, lấy được tài liệu. Hơn một tuần sau chúng gọi mình lên, thẩm vấn kỹ hơn, căn vặn những điều nghi ngờ. Có thời giờ mình đã tự bổ sung lý lịch mình chi tiết hơn. Mình tỏ ra luộm thuộm nhếch nhác, mình cố tình kéo tóc xuống che phủ trán, tai, mình ít rửa ráy cho mặt mũi nhem nhuốc, áo quần lôi thôi như kẻ chán đời, thấy vật gì lạ mắt mình nhặt lên coi, lượm được cái vỏ đạn nhọn mình đưa lên môi thổi kêu u u rồi cho vào túi áo để dành chơi.

Người thẩm vấn hôm đó là một người nói giọng Bắc, hắn có vẻ là một sĩ quan từ đâu tới, trạc tuổi bốn mươi, nói ít và một thư ký giúp việc có vẻ nhanh nhẹn. Mình trả lời theo câu hỏi, thư ký ghi chép: “Họ và tên: Nguyễn Văn Thương, sinh năm 1928. Quê quán: bản A Túc, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên. Nhập ngũ ngày 8 tháng 8 năm 1950, cấp bậc: thượng sĩ, chức vụ: y tá đông y, trình độ văn hóa: biết đọc biết viết. Họ tên cha dượng: Côn Thu sinh năm Tân Hợi, chết năm 1955, vì máy bay Mỹ ném bom. Anh chị em ruột không có. Ở quê hiện nay không có người thân.

Ông, bà nội ngoại: không biết họ tên, quê quán. Nghe mẹ kể cha mình tên là Thường chuyên nghề nấu cao hổ cốt, cao gạc nai tại miền núi huyện Phong Điền, để có người đem về dâng lên vua chúa trong Huế, ông chết lúc mình mới 4 tuổi. Mẹ dẫn mình đi ăn xin, lần hồi lên thấu bản A Túc, mẹ con nương thân ở đây, năm mình lên sáu tuổi, mẹ lấy ông Côn Thu làm chồng là người dân tộc Pakô. Ông thương mình như con đẻ, hàng ngày ông rủ mình lên nương rẫy chơi, dần dà ông bày cho cách làm rẫy, trỉa lúa, bắp, trồng sắn. Từ năm 1946 có người đến thuê nấu cao hà thủ ô, cao trăn, cao gạc nai, hố cốt. Dạo đó mình đã lớn, hai bố con làm có tiền nhưng không hiểu vì sao mẹ không sinh được em. Năm 1950 mình bị động viên vào bộ đội lúc đã 22 tuổi, mình quen lối sống của người Pakô, thích ở núi rừng, lại biết nghề nấu cao nên ít lâu sau họ đưa mình lên miền núi huyện Dương Hòa nấu cao để họ gỡi cho các ông lớn ở nhiều nơi. Mình kể chi tiết cách nấu cao và cách ngâm các loại rượu tắc kè, bìm bịp, rượu rắn, kể về tác dụng của các loại rượu bổ...

Người thẩm vấn ngồi nghe đã lâu đột ngột hỏi: “Ông anh đi lính đã lâu, sao cấp bậc chỉ mới là thượng sĩ? Họ không trọng dụng anh, anh có buồn không?”.

Mình nói bên các ông thế nào tôi không biết, bên bộ đội miền Bắc hễ vào ngạch chuyên nghiệp thì chỉ có đến thượng sĩ là cao nhất. Đời tôi cũng chẳng màng gì cấp chức, chỉ mong cho mau hết chiến tranh, tôi được giải ngũ về làm ruộng rẫy, lấy vợ may ra còn kiếm được chút con làm vốn”.

Người thẩm vấn thở dài, tỏ vẻ thông cảm.

Năm sau chúng chở mình về một trại giam ở Biên Hòa. Ở đây có tới hàng ngàn tù binh. Mình không dám đi lại nhiều. Ngán nhất là mấy thằng đầu hàng phản bội phát hiện chỉ mặt, lại cũng phải đề phòng gặp người quen “chào thủ trưởng” thì hỏng bét. Chúng vẫn giam mình trong trại các hạ sĩ quan binh sĩ. Năm 1971, một hôm người cai tù biểu mình đến gặp tay sĩ quan quản ngục. Tay này tỏ vẻ lịch sự mời mình ngồi rồi nói: Nhiều trại tù binh phía các ông bị ghẻ lở nhiều quá! Sắp tới tôi thấy bất tiện khi phải tiếp và dẫn khách nước ngoài đến thăm. Tôi muốn nhờ ông chỉ giùm cách chữa trị bằng thuốc đông y. Mình suy nghĩ: đây là việc làm có lợi cho anh em tù binh, mình chỉ dẫn cách chữa ghẻ bằng thuốc diêm sinh và nhấn mạnh: phải phát cho mỗi người hai bộ quần áo mới để thay đổi, phải tắm rửa sạch sẽ trước khi xức thuốc, phải trụng áo quần bằng nước sôi trước khi phơi khô. Sau mười ngày chữa trị bệnh ghẻ  lở đã lành, kịp cho các quan thầy Mỹ đến kiểm tra.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #47 vào lúc: 10 Tháng Tư, 2016, 10:23:10 pm »


Một lần khác vào mùa hè năm 1972, tên giám thị trại giam Tam Hiệp - Biên Hòa cho gọi mình đến phòng làm việc và cho biết vợ hắn bị thần kinh tọa đau đớn khổ sở lắm và khẩn khoản nhờ mình châm cứu? Mình nhìn túi áo ngực có thêu chữ trung tá Phong. Mình nghĩ: mình đâu có biết nghề châm cứu? Nhưng mình nói: “Tôi không cầm kim châm cứu đã lâu, hơn nữa nay đã có tuổi cầm kim không tốt bằng lớp trẻ, tôi sẽ giúp”. Mình về tìm một y sĩ châm cứu giỏi cũng là một bạn tù, hôm sau hai anh em cùng đến. Theo lời hẹn, mình chỉ ngồi hướng dẫn em này châm. Hôm đầu lần đặt kim thứ ba thì mình gật đầu châm đúng huyệt; hôm thứ hai lần đặt kim thứ hai thì mình gật đầu châm... cứ như thế mình ngồi cách bệnh nhân 1,5 mét và ra hiệu dịch qua phải, qua trái, dịch lên, dịch xuống... châm cứu một tuần thì vợ trung tá Phong khỏi bệnh. Tiếng tăm mình nổi như cồn.

Thi hành Hiệp định Pa-ri, theo điều khoản trao trả tù binh, mình mang tên Nguyễn Văn Thương, thượng sĩ, y tá đông y có tên trong danh sách trao trả đợt đầu tiên tại Quảng Trị. Thế là, xế trưa ngày 18 tháng 2 năm 1973, mình vừa đặt chân lên bờ bắc sông Thạch Hãn đã thấy anh Phạm Thái - Cục phó Cục Chính trị quân giải phóng, sau này là Đại tá Cục trưởng Cục Quân pháp Quân đội nhân dân Việt Nam đến bắt tay kéo vội mình lên chiếc xe com-măng-ca đang nổ máy chờ sẵn. Xe nhấn ga chạy về Hà Nội trước sự ngỡ ngàng của mọi người có mặt hôm đó.

Vậy là Đại tá Trần Văn Trân - Sư đoàn trưởng Sư đoàn 1 Quân giải phóng miền Nam (B2), một người cao lớn, có nước da trắng mịn, mũi dọc dừa, cái trán hơi dô với cái xoáy ở chân tóc phía phải trán đã trở về trong niềm vui của người chiến thắng. Một người đẹp trai dáng vẻ thanh tú, đã vào vai “thượng sĩ đông y” và qua mặt được bộ máy tình báo gián điệp đồ sộ của Mỹ ngụy từ tháng 2 năm 1970 đến tháng 3 năm 1973.

Sau chiến tranh, ta nghiên cứu các tài liệu thu được của dịch, thấy rõ địch đã sử dụng 31 tên tình báo chuyên nghiệp đi các trại giam, chúng lục trong hơn 40.000 tù binh để tìm những người không ưa thích chế độ cộng sản, người có tâm tư bất mãn, người thành khẩn khai báo, người tự nguyện hợp tác với chúng. Bọn địch chú trọng đến số sĩ quan, kỹ sư, bác sĩ, ... để tuyển chọn sử dụng. Nhưng không có một chữ nào nói về thượng sĩ đông y Nguyễn Văn Thương. Tôi cho rằng chúng yên chí Đại tá Trần Văn Trân đã bị bắn chết. Hơn nữa, các lời khai của anh không có một khe hở nào khiến chúng nghi ngờ. Dạo đó, tại Hà Nội, Cục Cán bộ - Bộ Quốc phòng cùng chính quyền địa phương đã tổ chức lễ truy điệu ngậm ngùi hồi tưởng lại cuộc đời anh và thực hiện chính sách gia đình liệt sĩ đối với vợ con anh. Thời gian ở trong tù, anh được tín nhiệm bầu vào Đảng ủy nhà lao Tam Hiệp, cũng có một số người biết rành rọt về anh nhưng nhờ có sự lãnh đạo của Đảng và họ yêu thương anh, quý trọng anh, bảo vệ anh, nên anh mới không bị lộ.
Đ.N.N
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #48 vào lúc: 10 Tháng Tư, 2016, 10:26:11 pm »


ANH BA TRÂN NGƯỜI BẠN LỚN CỦA AN GIANG
Nguyễn Văn Danh1 kể

Hồi những năm 1968-1972 chiến trường miền Tây Nam Bộ nói chung và chiến trường An Giang nói riêng vô cùng ác liệt, do chính sách bình định cấp tốc của Mỹ ngụy. Thời kỳ đó, anh Năm Sương là Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội An Giang (sau này là Thiếu tướng, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự An Giang).

Hồi đó tôi là chiến sĩ công tác tại văn phòng Tỉnh đội. Nghe mấy chú mấy anh nói có ông Ba Trân, Sư đoàn trưởng và ông Hai Viên, Chính ủy Sư đoàn 1 - bộ đội chủ lực của Bộ tăng cường vào chiến trường miền Tây Nam Bộ và chiến trường An Giang. Lúc đó Sư đoàn mới từ miền Bắc vào, chưa quen chiến trường sông nước đồng bằng sông Cửu Long nên gặp không ít khó khăn, anh em dựng nhà cửa, lán trại rất vất vả. Anh Năm Sương chỉ đạo nhường Sở chỉ huy Tỉnh đội lại cho Bộ Tư lệnh Sư đoàn.

Thời đó có hai chuyện mà tôi và anh em ở An Giang mãi sau này vẫn còn nhắc đến.

Lần đầu tiên tôi được thấy và tiếp xúc với anh Ba Trân, nghe uy danh chúng tôi hình dung ổng phải dị tướng lắm. Hóa ra không phải vậy. Anh vừa hoạt bát nhanh nhẹn vừa thoải mái, nhất là tướng mạo vừa đẹp trai, cao ráo, trắng trẻo thư sinh.

Hôm đó anh Năm có gọi tôi lên nói: “Hôm nay có ông Ba Trân và Ban chỉ huy sư đoàn đến, anh em mình phải làm bữa cơm chiêu đãi”. Tôi cử cậu Sang đi mò cua bắt ốc về làm bữa. Thời đó còn biết kiếm gì hơn cá với ốc, Tỉnh đội khó khăn đến mức không có đồng nào. Nghe tôi cử người đi bắt ốc, anh Năm nói nhỏ với tôi: “Cậu ra ngoài Dọc Lài mượn ít tiền kiếm cái gì cho xôm tụ để chiêu đãi cái coi, không có gì đãi cũng kỳ, chứ ai lại chiêu đãi ốc”. Rồi chúng tôi cũng mượn được ít tiền, mua được con vịt xiêm về cũng hãm tiết canh và làm món này món khác, so với thời ấy xôm tụ quá rồi.

Nấu nướng xong chỉ đợi các anh tới. Xế chiều, anh Ba Trân và anh Hai Viên đến. Sau khi anh Năm giới thiệu, anh Ba đi một vòng chào hỏi hết lượt. Anh Năm mời mọi người vào dùng cơm. Anh Ba gọi tôi: “Chú thư ký Tỉnh đội lại đây tôi biểu”. Tôi đến, anh móc túi rút một xấp tiền đưa cho tôi (sau này đếm được 500 riel - tiền Campuchia). Lúc đó và mãi sau này chúng tôi vẫn không hiểu anh Ba mới chân ướt chân ráo tới đất An Giang chưa được mấy bữa mà đã biết cảnh nghèo khó của Ban chỉ huy Tỉnh đội An Giang. Động tác của anh Ba làm anh em chúng tôi nhớ hoài. Tôi đưa mắt xin ý kiến anh Năm. Anh Năm chưa biết phản ứng ra sao. Tôi nói: “Em không lấy đâu”. Nghe vậy, anh Ba nhìn anh Năm nhìn tôi rồi bảo: “Mày không lấy, tao không ăn nữa tao về”. Chiều ý anh Ba, tôi tạm cầm để anh em cùng vào ăn cơm. Bữa cơm thật rôm rả, nói hết chuyện này sang chuyện khác cứ như anh đã quen biết lâu lắm rồi. Anh Ba nói chuyện thật có duyên.

Lần đầu tiên được tiếp xúc với anh Ba, nhìn tướng mạo, tác phong, tính tình và nhất là nghĩa cử của anh đã gây một dấu ấn sâu đậm trong tôi. Với chúng tôi lúc đó 500 riel là lớn lắm, nhưng cái lớn hơn đó là cách xử sự của một vị chỉ huy rất sâu sắc và tinh tế. Bấy giờ, tình hình chiến trường An Giang cũng như miền Tây Nam Bộ vô cùng ác liệt bởi chính sách bình định cấp tốc của địch. Tỉnh ủy cũng như lực lượng vũ trang thiếu thốn đủ thứ, nhất là lương thực, tất cả anh em bên văn phòng Tỉnh đội thay phiên nhau đi giăng câu kiếm tôm cá bán lấy tiền mua gạo đắp đổi qua ngày.

Trước tình hình ấy, anh Ba đã quyết định mỗi cán bộ chiến sĩ sư đoàn bớt tiêu chuẩn mỗi người 1 ki-lô-gam gạo dành cho Tỉnh đội An Giang. Trên thực tế thì sư đoàn của anh Ba cũng rất khó khăn. Anh giao cho anh Tư Bé, Phó Chủ nhiệm Hậu cần tính toán và chuyển giao cho Tỉnh đội.
_____________________________________
1. Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #49 vào lúc: 10 Tháng Tư, 2016, 10:26:44 pm »


Lực lượng Sư đoàn 1 không biết chính xác bao nhiêu, nhưng chúng tôi nhận được vài tấn gạo. Lúc đó quý như vàng. Nhờ có gạo cứu trợ kịp thời của anh Ba, chúng tôi đã vượt qua thời kỳ khó khăn đó. Giờ đây sau bao nhiêu năm chiến tranh đã lùi xa, vậy mà những hạt gạo của anh Ba vẫn còn để lại trong chúng tôi những tình cảm quý mến, và lòng biết ơn không thể tả xiết.

Rồi ngày 12 tháng 2 năm 1970 khi vượt kênh Vĩnh Tế trên đường trở về miền Tây Nam Bộ để chuẩn bị chiến trường, anh bị địch phục kích, bị thương và bị bắt. Nghe tin anh đã hy sinh, chúng tôi đau đớn bàng hoàng.

Sau ngày đất nước thống nhất, không ngờ chúng tôi lại được gặp anh con người bằng xương, bằng thịt. Anh em gặp nhau thật là sung sướng.

Kể từ đó anh em chúng tôi thường xuyên lui tới thăm nhau hoài. Chúng tôi coi anh như ruột thịt.

Còn tình cảm của anh dành cho chúng tôi thì vô cùng sâu sắc và chân tình, từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ.

Vào những năm 80 lúc tôi đã chuyển sang Tỉnh ủy, mỗi lần từ chiến trường biên giới Tây Nam về hay từ Thành phố Hồ Chí Minh xuống có dịp là anh ghé thăm chúng tôi. Có lần anh về, với cương vị là Chánh văn phòng Tỉnh ủy An Giang tôi sắp xếp để anh nghỉ ở khách sạn Tỉnh ủy nhưng anh bảo: “Tao về thăm anh em, chứ có phải về tìm khách sạn để nghỉ đâu, từ nay mỗi lần về đây tao đến nhà mày để ở”. Anh Ba chân tình vậy đó.

Nhà tôi, nhà anh Năm Sương, Hai Khởi, chị Hai Nguyên... gần kề và quây quần bên nhau, nên anh chỉ đến chỗ chúng tôi ở. Anh thích nằm trên bộ ván trong căn nhà gỗ của tôi chứ nhất định không ở khách sạn.

Mỗi lần anh về cả xóm chộn rộn, nhà anh Năm làm món này, nhà chị Hai làm món khác... rồi thì hết chuyện trò với anh Năm, chị Hai, anh kêu chúng tôi tới trò chuyện. Mỗi lần gặp anh là bao nhiêu chuyện. Anh có tài nói chuyện lắm và nhất là chuyện tiếu lâm, tưởng chừng như không bao giờ hết chuvện.

Anh lặn lội hết chiến trường ác liệt này, bị địch tù đày tra tấn dã man, rồi lại đến chiến trường ác liệt khác. Anh luôn lạc quan, hài hước.

Vậy mà về nghỉ hưu sum vầy với gia đình, đi chơi, đi thăm hỏi anh em chưa được bao ngày thì anh đã vội vã ra đi. Thương tiếc anh mà chúng tôi không nói nên lời. Thương tiếc vô cùng! Anh Ba Trân, một vị tướng tài ba, một người anh tình nghĩa sâu sắc vẹn toàn.
An Giang, tháng 10 - 2006
Trần Chí Linh ghi
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM