Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 09:55:13 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chuyện bây giờ mới kể  (Đọc 30652 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #30 vào lúc: 09 Tháng Tư, 2016, 11:08:47 pm »


Sau năm 1959, tôi gặp lại anh mang quân hàm trungtá mới toanh vừa được phong. Các anh sĩ quan mới về dự lớp huấn luyện, mở tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Anh vui mừng khi thấy tôi tiến bộ nhiều trong nghề dạy học, anh nhắc lại câu chuyện ngày xưa và lại khuyến khích tôi. Lúc này anh đã có vợ. Anh vốn trẻ trung, tính tình hay đùa nghịch. Tôi ước đoán ở đơn vị hẳn rằng các chiến sĩ gần gũi và yêu quý anh lắm với các tác phong như vậy của anh. Quả thực anh cho biết rằng một trong những nhân tố thành công của anh trong “binh nghiệp” là tác phong sâu sát, giản dị, thân thiết chia ngọt sẻ bùi, đồng sinh đồng tử với đồng đội. Tôi hỏi thăm chị Hà vợ anh. Anh bảo: “Vợ mình là con gái thủ trưởng ngày xưa của mình. Hồi mới vào bộ đội, mình làm liên lạc, giữ ngựa cho ông ấy. Từ giữ ngựa mình tiến lên giữ luôn con gái của ông ấy. Cô ấy cũng là nhà giáo như em”.

Hình như anh Trần Văn Trân sinh ra là để làm bộ đội, để đánh giặc, số phận của anh là ở chiến trường. Cuộc kháng chiến chống Mỹ bắt đầu, anh đã có mặt tại chiến trường Tây Nguyên lúc này với cương vị sư trưởng. Từ Tây Nguyên anh chuyển về miền Tây Nam Bộ với cương vị Phó bí thư Đảng ủy Tiền phương mặt trận An Giang. Mậu Thân năm 1968, anh cùng với người em ruột chung một chiến trường, một chiến hào Tây Nguyên. Nghe tin Giải phóng quân vào Huế cả hai anh em ứa nước mắt thương mẹ. Giá như được chiến đấu ở chiến trường Bình Trị Thiên hẳn có dịp về gặp mẹ. Sau này trở về quê hai anh em đều đau lòng nghe hàng xóm kể lại rằng, mẹ hàng ngày trông ngóng các anh, mẹ nói: Chúng nó bốn đứa ra đi sao không thấy đứa nào trở về hay nhắn tin về.

Chị Hà ở miền Bắc với các cháu chờ anh cho đến ngày tin anh hy sinh vào đầu những năm 1970. Chị đã lập bàn thờ cúng giỗ anh. Sự thật là anh vẫn còn sống. Trong một chuyến đi nghiên cứu chiến trường, anh đã bị phục kích bị thương và bị địch bắt. Đồng đội đi tìm tưởng anh đã hy sinh báo về cho đơn vị cho gia đình. Ba năm bị bắt làm tù binh trong nhà tù của địch, do mưu trí dũng cảm tìm cách che mắt địch, lại do tác phong bình dị, chất phác chẳng khác nào người lính thường, lại được đồng đội bao bọc che chở, dù giữ cương vị Bí thư Đảng ủy nhà tù, địch không phát hiện được anh là cán bộ cao cấp của quân đội ta. Anh trở về nhà thấy gia đình lập bàn thờ anh. Có lẽ số phận cũng có ý định trêu chọc con người hay trêu chọc người khác là anh.

Ở với gia đình, với địa phương chưa được bao lâu, anh đã trở lại chiến trường với cương vị đại tá sư đoàn trưởng, chiến đấu liên tục cho đến ngày tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Có lẽ niềm hạnh phúc lớn đối với tôi, với cương vị một trong các cán bộ giáo dục tham gia tiếp quản các trường đại học Sài Gòn, tôi được anh tiếp đón thân mật ở sở chỉ huy của anh trên cương vị Phó Tư lệnh Quân đoàn 4, một trong năm cánh quân tiến vào hợp điểm ở trung tâm Sài Gòn ngày 30 tháng 4 năm 1975. Tôi nhớ lần gặp gỡ ấy giữa hai anh em, cả hai đều bàng hoàng như trong giấc mơ. Điều có thể nói là lạ kỳ, là sau hơn một phần tư thế kỷ dù trải qua bao nhiêu gian lao, qua bao nhiêu chiến trường, anh vẫn trẻ như một chàng thanh niên. Có lẽ tại cái tính lạc quan, yêu đời “bất trị” của anh. Nghe tin anh sau đó được điều về Học viện Quân sự Đà Lạt. Tôi bỗng nghĩ: có lẽ anh về đây không hợp dù là Học viện cũng vậy. Quả nhiên năm 1980 cùng học với anh, một “chị” ở trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc cho biết, anh tâm sự “mình muốn lên mặt trận biên giới hoặc đi K, đó mới là nơi thích hợp của mình”. Tôi trở về Thành phố Hồ Chí Minh năm 1983 thì nghe tin anh đã cùng đoàn quân tình nguyện làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn mấy lần thoát chết vì mìn. Anh giữ cương vị Tham mưu phó rồi Tham mưu trưởng Mặt trận 719 quân tình nguyện Việt Nam cho đến ngày quân ta hoàn thành nhiệm vụ trở về nước.

Trở thành cựu chiến binh đầu năm 1995, anh được mời tham gia vào Ban liên lạc Cựu chiến binh Mặt trận Bình Trị Thiên và Sư đoàn 325 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Rời chiến trường, rời quân ngũ mới được 2 năm, chưa được hưởng bao nhiêu chút yên vui của tuổi già anh đã đột ngột ra đi, lần này không bao giờ trở lại. Trước linh cữu của anh, đồng đội, đồng chí thương khóc anh. Đồng chí, đồng bào khắp mọi miền đất nước, ở nước bạn, ở mọi nơi anh cùng đơn vị đã đi qua đều thương tiếc anh. Tôi biết các bác sĩ, y tá chăm sóc anh những ngày cuối cùng ở bệnh viện cho biết anh luôn luôn bình tĩnh, vui vẻ trong chữa trị, không hề đòi hỏi một chút gì cho mình ngay cả lúc đau đớn nguy kịch nhất. Anh ở với đồng bào nơi khu phố của anh chưa được bao lâu mà bà con thương mến anh vô cùng. Tôi đọc sau bàn thờ anh ở câu đối của bà con viếng anh trên một bức trướng:“SỐNG ANH DŨNG, THÁC TRƯỜNG TỒN”.

Quả thực đời anh là vậy. Tôi nhớ hai câu Tố Hữu viết về anh Nguyễn Chí Thanh, có lẽ nó cũng hợp với anh Trân:

Ở đâu tiền tuyến kêu anh tới
Tay súng, tay cờ lại tiến công


Từ người liên lạc trở thành vị tướng, anh là hình ảnh tiêu biểu của anh bộ đội Cụ Hồ “Trung với Đảng hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nà cũng đánh thắng”.
T.T.Đ
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #31 vào lúc: 09 Tháng Tư, 2016, 11:13:24 pm »


"SƯ TRƯỞNG MỚI"
Trung tướng Vũ Cao

Ngày 23 tháng 11 năm 1973, Sư đoàn 341 nhận được lệnh điều động của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng: đồng chí Trần Văn Trân về Sư đoàn 341 nhận nhiệm vụ Tư lệnh sư đoàn thay đồng chí Bảo Cường, đồng chí Bảo Cường về Quân khu 4 nhận nhiệm vụ mới.

Sư đoàn trưởng Trần Văn Trân về Sư đoàn 341 đúng ngày kỷ niệm thành lập sư đoàn tròn một năm tuổi. Đây là thuận lợi đầu tiên của Sư đoàn trưởng để tìm hiểu nắm bắt tình hình. Đặc biệt, sư đoàn đang chuẩn bị quán triệt Nghị quyết Trung ương lần thứ 21 đánh giá tình hình miền Nam sau Hiệp định Pa-ri. Nghị quyết Trung ương lần thứ 21 là văn kiện lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ; văn kiện chỉ đạo cuộc chiến tranh cách mạng giành thắng lợi trong giai đoạn kết thúc chiến tranh. Nghị quyết Trung ương lần thứ 21 là lời hiệu triệu khí thế tiến công. Không khí hội nghị học tập Nghị quyết sôi sục, khí thế và cũng lo lắng về tình hình của sư đoàn; tổ chức chưa ổn định - huấn luyện - chiến kỹ thuật còn bất cập, nhất là ý kiến của đồng chí Sư đoàn trưởng qua thời gian đi kiểm tra đơn vị - luyện tập, huấn luyện diễn tập. Tư lệnh trao đổi với Bộ Tư lệnh sư đoàn và phát biểu trước hội nghị Đảng ủy: “Yêu cầu của chiến đấu với trình độ của đội ngũ cán bộ - chiến sĩ hiện nay của sư đoàn còn có khoảng cách rất lớn, ta phải rút ngắn khoảng cách này lại, càng ngắn, càng nhanh bao nhiêu càng tốt”. Một nhận định thực tế sắc sảo để sư đoàn có bước phát triển mới.

Ý kiến của Sư đoàn trưởng được đưa vào Nghị quyết của Đảng ủy và nhanh chóng tổ chức cho các đơn vị trung đoàn, sư đoàn học tập quán triệt nghị quyết có tính chất cấp bách của sư đoàn. Ngoài việc học tập quán triệt nghị quyết còn tiến hành một loạt các biện pháp tổ chức thực hiện như:

- Đưa bộ đội ra khỏi nhà dân ra doanh trại để xây dựng, chỉ một tháng trời bằng sức lực và bàn tay cần cù lao động của cán bộ chiến sĩ hơn 3.000 căn nhà tre, gỗ thống nhất toàn sư đoàn được dựng lên. Toàn sư đoàn ra khỏi nhà dân sinh hoạt, tập trung trong những khu doanh trại cao ráo trên đồi, khang trang đúng với xây dựng 11 chế độ sinh hoạt trong ngày của người lính, thuận tiện cho việc xây dựng nền nếp chính quy thống nhất; xung quanh doanh trại còn có vườn rau, ao cá, giếng nước, đời sống được cải thiện.

- Xây dựng hệ thống thao trường, kỹ thuật, chiến thuật để theo đúng phương châm: “hệ thống, cơ bản, toàn diện”; vừa huấn luyện phân đội vừa khẩn trương bồi dưỡng cán bộ. Trong ba tháng huấn luyện, sư đoàn đã tổ chức bồi dưỡng cho hơn 3.000 cán bộ về quân sự, chính trị, hậu cần, kỹ thuật và phương pháp quản lý huấn luyện, kinh nghiệm chiến đấu, chiến trường do đích thân đồng chí Sư đoàn trưởng trực tiếp bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ. Anh không chỉ giới thiệu nguyên tắc mà gắn với thực tế kinh nghiệm chiến trường Tây Nguyên, miền Đông, miền Tây Nam Bộ mà anh đã từng hoạt động.

Cơ quan của sư đoàn tổ chức 5 tổ cán bộ có trình độ để đi kiểm tra, hướng dẫn thực hiện nghị quyết của Đảng ủy sư đoàn ở các trung đoàn và các phân đội trực thuộc. Với phương châm thực tế, thực sự, sai đâu sửa đó từ sinh hoạt trong ngày đến nội dung kỹ chiến thuật, các tổ kiểm tra trước khi xuống đơn vị được Sư đoàn trưởng hướng dẫn thống nhất các nội dung...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #32 vào lúc: 09 Tháng Tư, 2016, 11:14:01 pm »


Toàn sư đoàn thành một phong trào “tự học, tự rèn”, từ nhận thức biến thành hành động, cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên lao động Hồ Chí Minh với khí thế tiến công, quyết trong một thời gian ngắn đưa trình độ tác chiến của sư đoàn lên một trình độ mới, đáp ứng yêu cầu chiến trường.

“Tự học, tự rèn” trở thành phong trào quần chúng sâu rộng, các trung đoàn, tiểu đoàn, đại đội, cơ quan xuất hiện những phong trào thi đưa chấp hành điều lệnh, bình dạy, bình học, tham quan học tập lẫn nhau. Hội nghị trao đổi kinh nghiệm “đầu bờ”, giữ tốt dùng bền, ba xung kích, chai tay bắn giỏi, pháo thủ toàn năng...

Say sưa hòa cùng với các phong trào thi đua của đơn vị, khi tiếng kẻng báo thức vừa dứt, Sư đoàn trưởng Trần Văn Trân đã đứng ở nhà ngủ của Đại đội 2 Trung đoàn 1 (273) để kiểm tra công việc của chiến sĩ từ lúc dậy đến khi ra bãi tập. 11 giờ trưa, anh đã có mặt ở Đại đội 2 kiểm tra cán bộ quản lý chiến sĩ từ khi ở bãi tập về đến bữa ăn trưa; kiểm tra ngủ trưa của các chiến sĩ đến khi báo thức chuẩn bị ra thao trường... Một ngày kiểm tra, Sư đoàn trưởng đã thấy được cái yếu của cán bộ, chiến sĩ, anh triệu tập các tổ trưởng các tổ kiểm tra, cán bộ cơ quan của sư đoàn. Anh nêu từng vấn đề để mọi người nghe tham gia ý kiến, cần khắc phục điểm yếu để thống nhất toàn sư đoàn đồng đều tiến lên...

Điều mong mỏi trông chờ đã đến, ngày 20 tháng 1 năm 1975, một đoàn cán bộ của Sư đoàn 341 do Sư đoàn trưởng Trần Văn Trân dẫn đầu ra Hà Nội nhận nhiệm vụ theo điện triệu tập của Bộ.

Ngày 25 tháng 1 năm 1975, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp thay mặt Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ:

- Sư đoàn 341 do Bộ trực tiếp trang bị.
- Tham gia vào chiến đấu ở chiến trường B2.
- Ngày 10 tháng 2, sư đoàn hoàn thành công tác chuẩn bị.
- Ngày 15 tháng 2, đơn vị đi đầu xuất phát.

Sau buổi nhận nhiệm vụ của Đại tướng Tổng Tư lệnh giao, đoàn được làm việc với Thượng tướng Hoàng Văn Thái - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Song Hào - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Trung tướng Lê Trọng Tấn; Trung tướng Lê Quang Đạo; Thiếu tướng Cao Văn Khánh cũng có mặt trong buổi giao nhiệm vụ cho sư đoàn.

Sư đoàn trưởng Trần Văn Trân thay mặt cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 341, hứa với Đại tướng và các đồng chí đại diện Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu: “Cán bộ, chiến sĩ toàn sư đoàn nghiêm chỉnh chấp hành mọi nhiệm vụ được giao. Trước mắt hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tổ chức hành quân, đi nhanh, đến đủ, tới đích trăm phần trăm quân số và sẵn sàng nhận nhiệm vụ ngay”!

... Từ Sư đoàn trưởng đến người chiến sĩ toàn sư đoàn sôi sục khí thế chuẩn bị lên đường ra trận, hàng ngàn lá thư quyết tâm xin đi chiến đấu gửi lên Bộ tư lệnh Sư đoàn, có hàng trăm lá thư viết bằng máu. Ai cũng muốn được góp phần mình vào sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #33 vào lúc: 09 Tháng Tư, 2016, 11:14:52 pm »


Song song với công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng, củng cố quyết tâm. Sư đoàn khẩn trương huấn luyện bổ sung cho chiến sĩ mới, tiếp nhận trang bị...

Không khí chuẩn bị thật khẩn trương thi đua giữa các đơn vị - cơ quan chuẩn bị mọi mặt tốt nhất, xứng đáng với lòng tin yêu của Đảng và nhân dân và lập thành tích kỷ niệm năm thứ 45 ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3 tháng 2 năm 1975 và làm lễ xuất quân.

Thật vinh dự, sư đoàn tổ chức kỷ niệm ngày thành lập Đảng và làm lễ xuất quân. Đồng chí Lê Đức Thọ - Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng căn dặn và động viên cán bộ chiến sĩ toàn sư đoàn, đồng chí tặng sư đoàn bốn câu thơ:

Hôm nay tiễn bạn lên đường
Vượt Trường Sơn đến chiến trường phía Nam
Đánh tan quân giặc hung tàn
Ngày về thống nhất Bắc - Nam một nhà


Trong buổi lễ, Trung tướng Lê Quang Đạo thay mặt Quân ủy Trung ương; Thiếu tướng Đàm Quang Trung - Tư lệnh Quân khu 4 dự, căn dặn và tặng sư đoàn bức trướng thêu dòng chữ: “Trung thành vô hạn. Đoàn kết nhất trí. Quyết chiến quyết thắng”.

Sau buổi lễ kỷ niệm ngày thành lập Đảng 3 tháng 2 và lễ xuất quân, Tư lệnh sư đoàn cùng Thường vụ Đảng ủy tính toán thời gian và tình hình chuẩn bị. Quyết tâm tranh thủ thời gian tổ chức diễn tập chiến thuật tổng hợp, ở địa hình gần với chiến trường miền Đông Nam Bộ, trên địa hình từ Thanh Thủy, Lệ Thủy - tây đường quốc lộ 1 đến Thác Cóc trên đường 15 là địa hình trung du có đồi, bãi bằng, có sông, suối xen kẽ làng, xóm. Nội dung diễn tập chiến thuật từ tổ chức phòng ngự đánh quân địch tấn công; đánh bại ý định tấn công chuyển sang phản kích - phản công tiêu diệt địch. Ngược lại tập từ tấn công bị địch chặn đánh ta và phản kích lại. Ta chuyển sang phòng ngự - đánh bại phản kích của địch. Kết hợp tập chiến thuật với tập kỹ thuật đột phá mở cửa hàng rào; vượt sông bằng trang bị có...

Mười lăm ngày toàn sư đoàn diễn tập đạt được kết quả thật đáng mừng, từ chọn địa hình đến nội dung chiến kỹ thuật với tổ chức diễn tập liên tục, giúp cán bộ về công tác tổ chức, chỉ huy và rèn luyện sức dẻo dai chiến đấu liên tục. Tư lệnh sư đoàn rất hài lòng với kết quả diễn tập...

Mọi công tác tiếp nhận trang bị, huấn luyện bổ sung, diễn tập chiến thuật cơ bản hoàn thành, đơn vị hành quân đi trước đã hoàn thành chuẩn bị. Sư đoàn trưởng trực tiếp viết điện báo về cơ quan Bộ Tổng Tham mưu và Bộ Tư lệnh Quân khu 4, xin phép cho sư đoàn hành quân ngày 15 tháng 2 năm 1975. Sau đó sư đoàn nhận được điện của Bộ và Quân khu cho phép.

Cuộc hành quân Sư đoàn 341 bắt đầu với 500 xe trên 2.000 ki-lô-mét vượt Trường Sơn bắt đầu...

Ngày 30 tháng 2 năm 1975, cơ bản các phân đội của sư đoàn đã vào vị trí tập kết ở miền Đông Nam Bộ an toàn tuyệt đối, bảo đảm 100 phần trăm quân số. Thắng lợi đầu tiên đáng ghi nhớ, thực hiện đúng lời hứa của Sư đoàn trưởng với Bộ ngày đi nhận nhiệm vụ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #34 vào lúc: 09 Tháng Tư, 2016, 11:15:24 pm »


Chiến trường mới lạ, nhưng lại là chiến trường thuận lợi nhất của sư đoàn. Chiến trường miền Đông và miền Tây Nam Bộ là chiến trường Sư đoàn trưởng Trần Văn Trân đã hoạt động, chiến đấu với cương vị Sư đoàn trưởng. Anh hiểu địch, biết địch, đã từng đụng đầu với các đơn vị của địch, thông thạo địa hình và hiểu phong tục tập quán của nhân dân Nam Bộ. Hơn một năm qua anh đã phổ biến cho cán bộ chiến sĩ của Sư đoàn 341 đã giúp cho toàn sư đoàn rút ngắn khoảng cách xa lạ chiến trường, nhanh chóng nhập cuộc thực tiễn chiến trường. Ngày 4 tháng 3 năm 1975 Trung đoàn 273 được lệnh tách đội hình sang hướng bắc trên đường 13 Bàu Bàng, đến Châu Thành thay Trung đoàn 1 Sư đoàn 9 Quân đoàn 4 bảo vệ thị trấn Dầu Tiếng vừa mới giải phóng. Lực lượng địch ở đây gồm có liên đoàn 31, 32 ở Châu Thành. Chiến đoàn 7 và 8 của sư đoàn 5, chi đoàn xe tăng 182 và lực lượng bảo an. Ngày 7 tháng 3 năm 1975, địch dùng pháo binh bắn phá trận địa phòng ngự của Trung đoàn 273. Quân ta đánh trả quyết liệt gây cho địch thương vong lớn, ta giữ vững trận địa. Đặc biệt là địch tổ chức lực lượng lớn gồm 2 chiến đoàn của sư đoàn 5 được xe tăng, pháo binh chi viện, chúng tổ chức tấn công từ sáng sớm ngày 3 tháng 4 năm 1975 với nhiều đợt tấn công đều bị quân ta tiêu hao, tiêu diệt từng tiểu đoàn địch. Đến 17 giờ cùng ngày, địch phải dừng tiến công và tháo chạy về Bầu Bàng - Châu Thành, bỏ lại hàng trăm xác chết. Ta bắt sống 23 tên.

Trung đoàn 273 phòng ngự vững chắc kết hợp hỏa lực và phản kích tiến công địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Trong chiến dịch tiến công bao vây Long Khánh - Xuân Lộc là tuyến phòng ngự chủ yếu của địch bảo vệ Sài Gòn bị bao vây, ta đánh tiêu diệt buộc chúng phải tháo chạy... Ta tiến công khu Trảng Bom tiêu diệt sư đoàn 18 và các chiến đoàn của quân khu 3 ngụy ở phòng tuyến này hòng ngăn chặn quân ta đánh chiếm Biên Hòa và Sài Gòn, mở cửa ở hướng đông trong chiến dịch Hồ Chí Minh. 8 giờ 30 ngày 27 tháng 4 năm 1975, Sư đoàn hoàn thành nhiệm vụ tiến công Trảng Bom, mở toang “cánh cửa thép phía đông”. Quân đoàn tăng cường cho một tiểu đoàn xe tăng với nhiệm vụ tiến công quân khu 3 và đánh chiếm sân bay Biên Hòa…

Thường vụ Bộ Tư lệnh Sư đoàn nhanh chóng hội ý quán triệt lời kêu gọi của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp: “Thời gian là sức mạnh, là thời cơ, cần suy nghĩ táo bạo, hành động táo bạo, thần tốc hơn nữa. Dùng sức mạnh hỏa lực, đánh diệt lớn, vỡ lớn tan lớn!”.

Sư đoàn trưởng đề xuất quyết tâm và được Thường vụ Đảng ủy sư đoàn nhất trí:

- Dùng tiểu đoàn 4 và hỏa lực kiềm chế địch ở Hố Nai.
- Trung đoàn 273 nhanh chóng đánh chiếm sân bay Biên Hòa.
- Trung đoàn 270 vòng lên phía bắc đường số 1 đánh chiếm trận địa pháo binh Hốc Bà Thức phát triển qua sân bay phối hợp với Trung đoàn 273.
- Trung đoàn 266 được pháo binh sư đoàn chi viện đánh chiếm căn cứ sở chỉ huy quân khu 3 ngụy sau đó phát triển qua Hố Nai đánh chiếm tổng kho Long Bình.

Hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt lực lượng quân khu 3 ngụy, nhanh chóng củng cố lực lượng sẵn sàng chờ lệnh phát triển tấn công vào Sài Gòn - Gia Định. Thành lập sở chỉ huy phía trước để nắm chắc tình hình và trực tiếp chỉ huy do một sư đoàn phó đảm nhiệm.

6 giờ sáng ngày 29 tháng 4 hỏa lực của sư đoàn và hỏa lực đi cùng của các trung đoàn đồng loạt nổ súng đánh chiếm các mục tiêu quân khu 3, sân bay, trận địa pháo ở Hốc Bà Thức.

10 giờ ngày 29 tháng 4 năm 1975, ta đánh chiếm, làm chủ các mục tiêu căn cứ sở chỉ huy quân khu 3, sân bay Biên Hòa. Trận địa pháo binh Hốc Bà Thức và truy kích quân địch tháo chạy về Thủ Đức.

6 giờ sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975, pháo binh Quân đoàn và sư đoàn chế áp các trận địa pháo binh địch ở cầu Rạch Chiếc, Thị Nghè chi viện cho quân ta phát triển tấn công. Trong ngày 30 tháng 4, lực lượng của sư đoàn được pháo binh và xe tăng chi viện: Trung đoàn 266 đánh chiếm khu Bộ tư lệnh cảnh sát quốc gia. Trung đoàn 273 và tiểu đoàn xe tăng, đánh chiếm khu Tân Cảng, Sài Gòn lúc 17 giờ. Trung đoàn 270 chiếm khu căn cứ Thủ Đức. Một bộ phận trực thuộc của sư đoàn chiếm đóng khu kho quân nhu Nguyễn Tri Phương. Trung đoàn pháo binh chiếm đóng khu trận địa pháo binh Hố Nai...

Ngày 30 tháng 4 năm 1975 là mốc son lịch sử chói lọi của dân tộc và đất nước, của Đảng và Bác Hồ. Sư đoàn 341 (Đoàn Sông Lam) đã góp phần nhỏ bé, trong đó có đóng góp trí tuệ, tài năng của Sư đoàn trưởng Trần Văn Trân.
V.C.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #35 vào lúc: 09 Tháng Tư, 2016, 11:18:42 pm »


HỒI ỨC VỀ ĐỒNG CHÍ TRẦN VĂN TRÂN
Thiếu tướng Lê Đình Cúc1


Nói đến trung đoàn Trần Cao Vân - Trung đoàn 101A, ai ai cũng thừa nhận đồng chí Trần Văn Trân là trụ cột trong Ban chỉ huy trung đoàn, đã cùng với các thế hệ cán bộ chỉ huy, lãnh đạo xây đắp nên những chiến công rực rỡ của trung đoàn, được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương cao quý, được tuyên dương danh hiệu Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Tôi công tác, chiến đấu tại Trung đoàn Trần Cao Vân từ ngày thành lập đến tháng 4 năm 1948. Đồng chí Trân nhập ngũ trước tôi khoảng ba, bốn tháng.

Trong những ngày đầu chống thực dân Pháp tại cố đô Huế (có thể tôi không nhớ kỹ) đồng chí Trân chiến đấu trong khu vực trường Đồng Khánh, trường Quốc Học, bệnh viện Huế, trường Thiên Hựu, miếu Đại Càn. Tôi chiến đấu ở góc nam nhà hàng Morin, dọc đường gần Trung Bộ Phủ. Qua hiểu biết, nhất là lời kể của đồng đội, khi còn là cán bộ chỉ huy sơ cấp đồng chí Trân đã tỏ rõ là người chỉ huy dũng cảm, linh hoạt, quyền biến thận trọng, ân nghĩa. Những việc mà đồng chí Trân thường làm tôi coi như những bài học quý đối với bộ đội.

Về chuẩn bị chiến đấu và chiến đấu:

Sau khi nhận nhiệm vụ và trước khi đi trinh sát thực địa, đồng chí hội ý trong ban chỉ huy trung đoàn dự kiến có những vấn đề gì sẽ xảy ra để cùng suy nghĩ cách giải quyết. Đề xuất với các đồng chí ở nhà đôn đốc đơn vị tinh luyện những động tác chiến kỹ thuật có liên quan, chuẩn bị súng đạn, v.v.

Đi trinh sát thực địa, đồng chí Trân thường đi với một đồng chí dẫn đường, một công vụ hay thông tin liên lạc. Đi ít người dễ giữ bí mật, có thể dễ tiếp cận mục tiêu quan sát, đặc biệt là những địa điểm khó tiếp cận, có hỏa lực mạnh của địch.

Trinh sát về, tùy thời gian cho phép. Đồng chí trình bày lại với tập thể, ban chỉ huy và cơ quan trên sa bàn hoặc bản vẽ. Nêu phương án tác chiến, thời gian xuất phát, thời gian triển khai lực lượng, thời cơ nổ súng (nếu đánh trong hiệp đồng với các đơn vị bạn thì thời gian do cấp trên quy định). Tiếp đó họp toàn thể đơn vị cho anh em góp thêm ý kiến, đồng chí tiếp thu vui vẻ những ý kiến khác mình.

Trước giờ nổ súng, đồng chí kiểm tra đội hình lần cuối động viên các đảng viên nêu cao gương mẫu.

Phá được hàng rào chướng ngại, đồng chí Trân dẫn đầu đơn vị xung phong, hướng dẫn các tổ chiến đấu phát triển theo hướng thuận lợi.

Trường hợp gặp những trận không hoàn thành nhiệm vụ, đồng chí bình tĩnh cho đơn vị rút lui bí mật, trật tự. Đồng chí Trân ở lại với một tổ để ngăn chặn quân địch nếu chúng truy kích. Chiến lợi phẩm, ngoài những thứ nộp lên cấp trên, đồng chí không tơ hào bất cứ thứ gì.

Trong xây dựng đơn vị: đồng chí Trần Văn Trân rất coi trọng công tác chính trị, tư tưởng và huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật. Đồng chí phân đều các chiến sĩ hăng hái, đảng viên có mặt ở các bộ phận. Có khi đồng chí để những người cùng quê hương hoặc có quen biết nhau từ trước ở với nhau để phát huy tình cảm giúp đỡ nhau.

Nắng cũng như mưa, đồng chí Trân thường có mặt ở thao trường, theo dõi cả buổi tập, sửa chữa cho anh em từng động tác nhỏ, làm đi làm lại đến mức tinh luyện. Có những hôm đã hết giờ tập, đồng chí cho đơn vị chạy thêm vài ba ki-lô-mét để từng bước nâng cao thể lực. Trong sinh hoạt, đồng chí Trần Văn Trân là con người trẻ trung, vui tính, cởi mở, chân tình. Đến đâu chưa thấy bóng người đã nghe tiếng cười, tiếng nói oang oang. Tới giờ ăn cơm, đồng chí thường xuống bếp kiểm tra anh nuôi. Những bữa ăn tuy đạm bạc nhưng đồng chí thường nói chuyện tiếu lâm để làm vui anh em. Đồng chí có tài nói chuyện vui, dí dỏm. Những đêm ít việc, đồng chí xuống đơn vị nghe anh em đọc báo, và tranh thủ kể những trang sử hào hùng của dân tộc, kể những gương anh hùng liệt sĩ. Đồng chí kể cả những chuyện sứ thần ta chơi xỏ quan quân “Thiên triều”. Trong thời gian công tác tại Học viện Quân sự Đà Lạt đồng chí nhiều lần mời cán bộ hưu trí lên an dưỡng.

Đạo đức cách mạng, tinh thần chiến đấu, tác phong sinh hoạt của đồng chí Trần Văn Trân, không bao giờ tôi quên. Bản thân tôi lấy đó để giáo dục hai con tôi hiện đang phục vụ trong quân đội.
________________________________________
1. Nguyên Chánh văn phòng Bộ Tổng Tham mưu.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #36 vào lúc: 09 Tháng Tư, 2016, 11:21:33 pm »


NHỚ MÃI ANH BA TRÂN
Đại tá Nguyễn Tấn Miên1


Sau khi kết thúc chiến dịch mùa khô năm 1972 - 1973 ở Trung Lào, tiểu đoàn đặc công chúng tôi được lệnh rút về xã Sơn Kim, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, tổng kết rút kinh nghiệm, thì tôi nhận được điện của Quân khu 4, bàn giao tiểu đoàn về Quân khu nhận nhiệm vụ mới, thanh toán tài chính, sinh hoạt, công tác phí đến Vĩnh Linh, cầm bức điện lòng tôi bao bâng khuâng suy nghĩ. Vào Vĩnh Linh nhận nhiệm vụ gì trong đó, cái buồn nhất với tôi là phải xa cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn đặc công gần tám năm trời chung sống, vui buồn, chiến đấu chết sống có nhau.

Tôi về Quân khu gặp gỡ được nhiều anh em, bạn bè tập trung về đây học nghị quyết Trung ương lần thứ 21, nội dung bàn về giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thấy tôi, anh Trần Ngọc Hà nguyên là Chính trị viên Tiểu đoàn đặc công nay là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 270, Sư đoàn 341 reo lên:

- Cậu về làm Chính ủy Trung đoàn 266 Sư đoàn 341 do anh Ba Trân làm Sư đoàn trưởng.

Tôi chưa biết và gặp anh Ba Trân lần nào, nhưng được nghe anh em bàn tán, kể nhiều về anh Ba Trân - Sư đoàn trưởng Sư đoàn 341 mới thành lập của Quân khu. Anh mới được địch trao trả ở bờ sông Thạch Hãn - Quảng Trị thì có một chiếc xe com-măng-ca vào đón anh. Địch trông thấy hoảng hốt nuối tiếc để sẩy mất một con cá lớn nằm trong tay chúng bao nhiêu năm mà không phát hiện được. Nhiều đồng chí chung sống với anh kể lại: anh trưởng thành từ Trung đoàn 101, Sư đoàn 325 lên đến sư đoàn trưởng. Anh là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 1 chiến đấu ở mặt trận B3, sau đó vào B2 miền Đông Nam Bộ. Anh em ca ngợi anh là một cán bộ chỉ huy xông xáo, đánh giặc dũng cảm, sâu sát, thương anh em cán bộ, chiến sĩ. Tôi ngồi lặng thinh nghe, ước gì được chiến đấu dưới tài chỉ huy của anh.

Sau khi học nghị quyết xong, tôi vinh dự vào gặp đồng chí Thiếu tướng Chính ủy Quân khu Lê Quang Hòa để nhận nhiệm vụ. Tôi được giao nhiệm vụ về làm Chính ủy Trung đoàn 266 Sư đoàn 341 Quân khu 4. Tôi có đề nghị trên cho tôi đi học vì từ trước đến nay tôi quen chiến đấu với binh chủng đặc công, đánh nhỏ lẻ, quân số ít, bây giờ về bộ binh đánh hiệp đồng binh chủng, đánh lớn, quân số đông. Chính ủy Quân khu chấp nhận, bảo tôi về đơn vị nhận nhiệm vụ, khi nào có điện thì đi học sau.
______________________________________
1. Nguyên Chính ủy Trung đoàn 266 - Sư đoàn 341 Quân đoàn 4, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #37 vào lúc: 09 Tháng Tư, 2016, 11:22:26 pm »


Tôi về sư đoàn nhận nhiệm vụ. Bấy giờ, Sư đoàn 341 đóng quân ở xã Dương Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình. Lần đầu tiên gặp anh Trân tại chỉ huy sở sư đoàn. Tôi đứng nghiêm báo cáo:

- Báo cáo Tư lệnh sư đoàn, tôi thượng úy chính trị viên Tiểu đoàn đặc công 31 về sư đoàn nhận công tác!

Anh vui vẻ bắt tay tôi, mời tôi uống trà.

- Cậu ở chiến trường về có tranh thủ về thăm nhà chưa?
- Dạ có!
- Cậu được mấy cháu?
- Dạ, tôi mới được một cháu trai ba tuổi ở với ông bà ngoại.
- Cậu đặc công đánh nhau, quen chiến trường nào?
- Chiến trường B5, đường 9 - Quảng Trị, rồi Thượng Lào, Trung Lào, đánh Mỹ ngụy, Nam Triều Tiên rồi phỉ Vàng Pao,... kẻ thù nào cũng đánh tuốt.

Anh cười, mình cũng mới về sư đoàn. Qua cán bộ báo cáo, được biết hầu hết cán bộ từ đại đội đến trung đoàn đều đã kinh qua chiến đấu, mình rất mừng. Anh tâm sự:

- Mình sống nhiều với anh em trinh sát đặc công, mình rất quý và biết ơn họ. Anh em chiến đấu rất dũng cảm, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ cán bộ, nên mình mới còn sống đến ngày hôm nay.

- Cậu về sư đoàn nhận nhiệm vụ có gì khó khăn không?

- Thưa Tư lệnh! Tôi chiến đấu quen với binh chủng đặc công, nay về bộ binh quân số đông, chiến đấu hiệp đồng binh chủng, tôi chưa được học hành và cũng chưa có kinh nghiệm gì.

Anh cười và nói: đặc công cũng là bộ binh đấy!

Anh trao đổi với tôi về tình hình sư đoàn, trung đoàn, nhiệm vụ huấn luyện của trung đoàn sắp tới và giao nhiệm vụ tôi về làm chính ủy trung đoàn cùng với Trung đoàn trưởng Hồ Đình Quý, nguyên là tiểu đoàn trưởng đặc công, anh em cùng chiến đấu gian khổ, chết sống có nhau, chiến đấu ở chiến trường đường 9, Quảng Trị. Tôi rất mừng, anh em lại được sống bên nhau.

Tôi mang ba lô về trung đoàn đóng quân ở miền tây Quảng Bình. Đây là nơi “khỉ ho cò gáy”, nơi trước kia vua Hàm Nghi lập căn cứ chống Pháp. Đất đỏ, đồi trọc mênh mông, mùa khô gió Lào tràn về, nóng ơi là nóng. Tôi về cùng anh em lên rừng chặt gỗ, cắt tranh, xây dựng nhà ở, hội trường để khẩn trương bước vào huấn luyện.

Ở đơn vị một thời gian ngắn, theo điện của Quân khu, tôi được cử đi học. Bàn giao cho anh Hà Xuân Hải, chính trị hiệp lý viên cơ quan Quân khu về thay tôi làm chính ủy trung đoàn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #38 vào lúc: 09 Tháng Tư, 2016, 11:23:34 pm »


Tôi mang ba lô ra Hà Nội vào học tại Học viện Quân sự - Chính trị, thời gian hơn một năm. Tôi rất mừng và cũng rất lo, xác định được nhiệm vụ, phải cố gắng học tập để mà về đơn vị lãnh đạo, chỉ huy chiến đấu sau này.

Học gần xong, thì nhận được điện của Tổng cục Chính trị bảo về đơn vị, đi chiến đấu. Học viện lo giấy tờ thanh toán tài chính, đưa xe chở tôi ra ga Hàng Cỏ, mua vé tàu về Vinh, về đến Quân khu, qua làm việc với phòng cán bộ, Phòng tổ chức Quân khu, được biết đơn vị đang khẩn trương chuẩn bị lên đường vào B2 chiến đấu. Về lại sư đoàn, trong không khí chuẩn bị khẩn trương, sôi nổi, nhiều khẩu hiệu giăng lên: “Đi lâu, đi sâu, đi đến ngày toàn thắng!”. Tôi nhận bàn giao, anh Hà Xuân Hải ở lại Quân khu, anh Hồ Đình Quý lên làm Tham mưu phó sư đoàn, anh Nguyễn Quang Thuật về làm Trung đoàn trưởng. Tình hình trung đoàn biết bao thay đổi qua hai năm huấn luyện.

Ngày 3 tháng 2 năm 1975, Sư đoàn 341 tổ chức kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Đảng và làm lễ xuất quân. Đồng chí Trung tướng Lê Quang Đạo - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị thay mặt Quân ủy Trung ương phát biểu và tiễn đưa sư đoàn: "... Quân ủy Trung ương và Bộ Tư lệnh tin tưởng ở quyết tâm, khả năng chiến đấu của sư đoàn và đón chờ tin thắng trận của các đồng chí!...”

Đồng chí Lê Đức Thọ gửi tặng cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn mấy câu thơ nhắn nhủ:

"... Hôm nay tiễn bạn lên đường
Vượt Trường Sơn đến chiến trường phía Nam
Đánh tan quân giặc hung tàn
Ngày về thống nhất, Bắc Nam một nhà..”


Ra đi trong cảnh mùa xuân năm 1975 lịch sử. Cán bộ, chiến sĩ Sư Đoàn Sông Lam (Sư đoàn 341) vẫy chào tạm biệt hậu phương lớn miền Bắc thân yêu; tạm biệt Quảng Bình, nhân dân khu Bốn anh hùng.

Đoàn xe 500 chiếc của Đoàn 571 vận tải chở chúng tôi đi, vượt sông Bến Hải, theo đường 9, qua đèo Lao Bảo, vượt Trường Sơn tiến vào Nam. Sư đoàn hành quân cấp tốc bằng xe cơ giới. Con đường bụi đất mịt mù xe chạy ban ngày phải bật đèn pha, bóp còi inh ỏi. Suốt gần một tháng trời hành quân vất vả, vượt gần 2.000 ki-lô-mét đến Nam Bộ an toàn. Sư đoàn được vinh dư chiến đấu trong đội hình Quân đoàn 4, một Quân đoàn chủ lực dày dạn trong khói lửa của cuộc chiến tranh. Sư đoàn đến nơi thì được Quân đoàn giao nhiệm vụ ngay:

- Trung đoàn 1 do Tham mưu trưởng Vũ Thang chỉ huy, thay thế Trung đoàn 1 Sư đoàn 9 chuẩn bị đánh Chơn Thành.

Anh Ba Trân trực tiếp chỉ huy cùng cơ quan, anh Hồ Đình Quý cùng các Trung đoàn 270, 266, 55 đi chuẩn bị hướng đường 20, Xuân Lộc, Long Khánh.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #39 vào lúc: 09 Tháng Tư, 2016, 11:25:24 pm »


Trong những ngày chuẩn bị chiến trường ăn uống kham khổ, anh Ba Trân đi tiểu ra máu. Chúng tôi rất lo nhưng anh vẫn xông xáo, hăng hái cùng đi trinh sát với anh em. Tôi nhắc các anh em quân y chăm lo, săn sóc anh Ba. Tôi nói với anh:

- Anh đi với trung đoàn, trung đoàn còn thì anh còn, không để cho anh bị bắt lần thứ hai đâu.

Anh cười. Những đêm nằm trên võng giữa rừng cao miền Đông, bên cạnh cán bộ trung đoàn, anh kể nhiều chuyện tâm tình, buồn vui lúc ở nhà tù của địch, anh mang tên là Ba Thương thượng sĩ nấu cao, đến lúc địch trao trả ngày về gặp lại chị Bích Hà (vợ anh) và các con sau tám năm xa cách. Anh có tài kể chuyện pha tiếu lâm, nào là tìm X, tìm Y những ngày sống chung với vợ. Chúng tôi nghe, cười bò lăn ra. Tôi nói với anh:

- Anh Ba nhé! Sau chiến thắng trở về gặp lại chị Bích Hà tôi mách lại với chị hết.

Anh cười khà khà.

Trận Xuân Lộc, Trung đoàn 266 của chúng tôi được tăng cường Tiểu đoàn 5 của Trung đoàn 270 cùng pháo cao xạ 37, pháo 75, cối 120 của Trung đoàn 55 của anh Ba Cúc. Trung đoàn đảm nhận hướng chủ yếu của sư đoàn, đánh từ hướng bắc xuống, tấn công vào dinh Tỉnh trưởng Xuân Lộc, khu cố vấn Mỹ.

0 giờ 30 phút, ngày 9 tháng 4 năm 1975, lệnh nổ súng bắt đầu. Cuộc chiến đấu diễn ra suốt 10 ngày đêm liên tục. Ta với địch đánh nhau ác liệt, giành giật nhau từng căn nhà, từng ngõ phố. Địch tăng cường đổ quân, xe tăng, pháo binh, máy bay thả bom quyết chiến không để mất. Còn ta thì quyết tâm giải phóng Xuân Lộc. Do đó, cuộc chiến đấu diễn ra gay go, ác liệt kéo dài. Sau này nhờ thay đổi cách đánh của Quân đoàn, Sư đoàn lệnh cho Tiểu đoàn 5, 6, 9 ra đánh vòng ngoài, chỉ riêng Tiểu đoàn 7 tiếp tục chốt giữ các mục tiêu đã chiếm trong thị xã.

Ta tập trung bao vây đánh vòng ngoài chặn viện, thị xã Xuân Lộc bị cô lập cắt khỏi Biên Hòa, Sài Gòn.

Tướng Lê Minh Đảo ra lệnh cho Tỉnh trưởng Nguyễn Văn Phúc lập một vòng phòng thủ để bảo vệ Xuân Lộc, còn sư đoàn 18 (quân ngụy) bí mật rút chạy.

17 giờ, ngày 20 tháng 4 năm 1975, thị xã Xuân Lộc hoàn toàn giải phóng. “Cánh cửa thép” Xuân Lộc phía đông bắc Sài Gòn bị đập tan. Riêng Sư đoàn 341 có 1.500 cán bộ, chiến sĩ hy sinh để giải phóng Xuân Lộc.

Trong những giờ phút chiến đấu ác liệt và trong những lúc khó khăn, bên tai tôi luôn nghe những giọng nói của anh Ba Trân, anh Trần Nguyên Độ, có lúc chỉ thị, ra lệnh, có lúc nhắc nhở, cổ vũ động viên chúng tôi, giúp chúng tôi vững vàng tin tưởng hơn. Có lúc anh Ba nghe tôi báo cáo tình hình chiến đấu và thương vong của anh em, anh hỏi tình hình tư tưởng của bộ đội ra sao? Tôi báo cáo:

- Bộ Tư lệnh an tâm, anh em chốt giữ ở thị xã Xuân Lộc, chiến đấu rất dũng cảm, kết hợp với bộ đội địa phương, dân quân du kích chiến đấu kiên cường. Chúng tôi sẵn sàng chiến đấu hy sinh để giải phóng Xuân Lộc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Nghe xong anh xúc động lặng người.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM