Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:59:32 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chuyện bây giờ mới kể  (Đọc 30654 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #20 vào lúc: 08 Tháng Tư, 2016, 10:05:10 pm »


KÝ ỨC VỀ MỘT NGƯỜI ANH
Thiếu tướng Trần Đối1


Nhân ngày giỗ của anh Ba Trân tại căn nhà mà anh đã ra đi, tôi gặp lại chị Hà cùng các cháu: Thủy, Linh, Trung. Trước vong linh anh, lòng tôi bỗng dâng lên nỗi niềm thương nhớ, những kỷ niệm sống dậy về một thời bom đạn ác liệt gian khổ, đói no, đau ốm, bệnh tật, sống chết có nhau; về tình anh em, tình đồng chí, đồng đội. Anh Trần Văn Trân, Thiếu tướng Tư lệnh của tôi! Người lính Cụ Hồ.

Đầu năm 1967, tôi là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 5 của Trung đoàn 320 thuộc Sư đoàn 1 chiến trường Tây Nguyên (B3), anh Trân là Sư đoàn phó. Tôi được sống và chiến đấu trên chiến trường với anh từ ngày ấy. Một hôm Tiểu đoàn 5 chuẩn bị xuất quân sang đông sông Sa Thầy (công trường Đất Đỏ), anh Trân thay mặt Đảng ủy và Bộ Tư lệnh sư đoàn đến giao nhiệm vụ và dự cuộc họp quân chính của Tiểu đoàn 5. Tôi báo cáo quyết tâm và kế hoạch tác chiến của Tiểu đoàn 5, anh ngồi theo dõi và ghi vào sổ tay. Khi tôi báo cáo xong anh hỏi: Có làm được và chắc thắng không? Tôi ngập ngừng một chút rồi trả lời: Các đơn vị khác đánh thắng được thì Tiểu đoàn 5 cũng đánh thắng được. Anh đứng thẳng người bắt tay tôi thật chặt và nhìn vào cuộc họp hỏi tiếp: “Còn các đồng chí thế nào?”. Một câu trả lời đồng loạt: Tiểu đoàn 4, Tiểu đoàn 6 và các tiểu đoàn trong sư đoàn đánh được, lập công được thì chúng em cũng đánh được, lập công được ạ!

Tôi thật bất ngờ, cả Tiểu đoàn 5 “tâm đồng, ý hợp” một khí thế xuất quân như vậy! Tôi càng mến phục cách phát động thi đua giết giặc lập công của anh Trân! Trước khi cuộc họp kết thúc, anh nhắc lại nhiệm vụ của đơn vị trong trận đánh này. Anh nhấn mạnh: Tiểu đoàn 5 có dám hứa với cấp trên bắt sống được tù binh Mỹ không? Đồng chí Nghịch - Chính trị viên tiểu đoàn đứng nghiêm nói dõng dạc: Tiểu đoàn 5 xin hứa với Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Sư đoàn sẽ bắt sống tù binh Mỹ! Cả hội nghị đều giơ tay biểu thị quyết tâm. Không khí trở lại vui vẻ, phấn khởi lạ thường. Riêng tôi có chút lo lo, vì chưa được nghe nói bắt sống lính Mỹ tại trận bao giờ.

Tối hôm đó anh Trân ở lại với anh em để sáng hôm sau Tiểu đoàn 5 ra trận. Bấy giờ, Ban chỉ huy chúng tôi có 5 người, tối ngủ chung một chiếc hầm vuông không có nắp, đầu quay ra chân chụm vào giữa hầm, an toàn hơn mắc võng ngủ trên mặt đất. Để bảo vệ anh, đồng chí Mãn - Tham mưu trưởng tiểu đoàn tự nguyện xin ngủ trên hầm nhường phần của mình cho Phó Tư lệnh sư đoàn, nhưng anh Trân không chịu, anh nói: Người cần được bảo vệ an toàn lúc này là các đồng chí vì các đồng chí là người trực tiếp đảm nhiệm chỉ huy trận đánh, không ai thay được!

Anh mắc võng ngủ trên miệng hầm. Theo tập quán chỉ huy của quân Mỹ, ban đêm thường là các loại bom B52 bom tọa độ và các loại pháo lớn tập trung cao độ 24/24 những khu vực nghi ngờ có lực lượng ta. Rất may tối hôm đó chúng tôi không ai hề hấn gì.

Trận vận động tấn công ở Hang Đá tây bắc căn cứ hành quân của Mỹ (gọi là Đất Đỏ vì Mỹ ủi thành bờ tường toàn đất đỏ) nay thuộc xã Mô Rây, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum vào ngày 21 tháng 3 năm 1967. Tiểu đoàn 5 tiêu diệt đại đội A,    đánh thiệt hại nặng đại đội c thuộc tiểu đoàn 2, lữ đoàn 3 sư đoàn 25 “tia chớp nhiệt đới” của Mỹ, loại khỏi vòng chiến 150 tên, thu 30 súng các loại, bắn rơi 1 máy bay trực thăng, bắt sống được 1 tên lính Mỹ da đen. Trên đường áp giải về phía sau, lợi dụng thời cơ lực lượng áp tải lo tránh pháo, tên Mỳ lủi mất (không biết nó có sống được không?). Trận này, Tiểu đoàn 5 được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất và một số cán bộ chiến sĩ cũng được tặng thưởng huân chương các loại.

Trong chiến công đầu của Tiểu đoàn 5 có công lao của đồng chí Trần Văn Trân - Phó Tư lệnh sư đoàn.
_____________________________________
1. Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Phó Tư lệnh Mặt trận 479.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #21 vào lúc: 08 Tháng Tư, 2016, 10:05:51 pm »


Sau trận Hang Đá, tôi được điều về giữ chức Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 4 (Trung đoàn 320), tiểu đoàn mà trước đây tôi đã nhiều năm gắn bó. Ngày 16 tháng 5 năm 1967, Tiểu đoàn 4 trên đường hành quân đến vị trí tập kết (vị trí xuất phát tấn công) thì gặp địch, đại đội B và đại đội c tiểu đoàn 1 lữ đoàn 1 sư đoàn bộ binh 4 của Mỹ dưới chân núi Chư Yam (nay thuộc huyện Chư Pả tỉnh Gia Lai). Trận tao ngộ chiến (nay gọi là đánh gặp địch) diễn ra từ 10 giờ 30 đến 17 giờ 30 mới kết thúc. 7 tiếng đồng hồ, hai bên quần nhau bom đạn đủ loại, đều chịu ác liệt ngang nhau, không bên nào có được 15 phút để ăn cơm uống nước.

Sở chỉ huy Trung đoàn 320 không nắm được tình hình của trận đánh để báo cáo với sư đoàn. Anh Trân được Tư lệnh Nguyễn Hữu An cử xuống để giúp Ban chỉ huy trung đoàn. Tôi đang báo cáo tình hình cho Trung đoàn trưởng Nguyễn Hữu Hành, thấy trung đoàn trưởng hỏi tôi nhiều mục, nhiều vấn đề tốn thời gian quá, anh liền góp ý: Ưu tiên thời giờ để cho cấp dưới chỉ huy vì cấp dưới trực tiếp đối mặt với địch sẽ bận rộn nhiều hơn ở ta.

Trận đánh diễn ra khá gay go phức tạp. Ban chỉ huy tiểu đoàn chúng tôi đều lao xuống các hướng, các mũi để kịp xử trí các tình huống khó khăn ác liệt. Riêng tôi (tiểu đoàn trưởng) có lúc phải xuống đến tuyến tản binh nên các chiến sĩ thông tin đảm bảo liên lạc không kịp thời. Vì nếu đưa dây máy đến nơi thì tôi đã qua chỗ khác. Anh Ba Trân cũng nóng ruột, anh cùng anh Huỳnh Nghĩ (nay là Thiếu tướng, giáo sư, tiến sĩ) cán bộ tham mưu của trung đoàn xách một hăng gô xôi và hai con gà luộc (tiêu chuẩn bồi dưỡng của Phó tư lệnh) xuống Tiểu đoàn 4 đang nổ súng. Cũng vừa lúc kết thúc  trận đánh. Gặp tôi, anh Trân nhắc nhở ngay: đề phòng địch phản kích, tổ chức thu dọn chiến trường nhanh, nhất là thương binh tử sĩ, để trời tối rừng già không biết đâu mà đưa anh em về, bộ phận nào xong trước thì cho rời trận địa trước, sơ tán đội hình đề phòng địch hủy diệt trận địa..

Anh bảo:

- Thấy mày còn khỏe mạnh tau mừng rồi. Triển khai xong công việc mày báo cáo cho trung đoàn, tau và Huỳnh Nghĩ ngồi đây nghe luôn thể. Không cần báo cáo lại cho tau.

Anh Huỳnh Nghĩ bày mẹo cho tôi: Trước mỗi việc phải báo cáo, lời đầu tiên là nói câu: “mới nắm được” hoặc “đang nắm”.

Thấy tôi báo cáo với Trung đoàn trưởng Nguyễn Hữu Hành hơi lâu, anh liền giành tổ hợp nói với anh Hành:

- Tụi nó cả ngày chưa ăn cơm, còn vấn đề gì đó ăn xong rồi báo cáo tiếp cũng được chứ.

Đồng chí điện thoại viên báo lại với tôi là trung đoàn bảo ăn cơm xong báo cáo tiếp. Bấy giờ, anh Huỳnh Nghĩ mới đưa cái hăng gô ra! Cả hai anh đều không ăn, nhường cho tôi và nói: đây là để phần cho mày. Anh Huỳnh Nghĩ chỉ yêu cầu trả công xách hăng gô bằng cho anh mảnh bản đồ mà tôi vừa thu được đang lật ra báo cáo trước mặt các anh.

Hồi ấy, tôi ăn khỏe lắm, nửa hăng gô xôi và nửa con gà tôi chén hết sạch. Anh Trân ngồi nhìn tôi với đôi mắt thương cảm nhưng nét mặt rất vui tươi. Anh hỏi: anh nuôi của tiểu đoàn đã đem cơm tôi ra cho bộ đội chưa? Tôi trả lời: anh em đang ăn. Một chiến sĩ trinh sát tiểu đoàn đưa đến cho tôi một hộp xuất ăn của lính Mỹ (cứ mỗi lần sau trận đánh là tôi được ưu ái như vậy) tôi nhường lại cho anh em. Anh Trân nhìn tôi và chỉ thị: cho phép Tiểu đoàn 4 trong trận này được sử dụng thức ăn hộp của Mỹ, nhưng phải cẩn thận, trong đó có xà phòng bột và chất cồn dẻo bỏ đi nếu ăn là trúng độc đấy! Từ khi vào chiến trường gần 5 năm, tôi mới thấy một vị chỉ huy cho phép cấp dưới được sử dụng đồ hộp chiến lợi phẩm tại trận địa...

Trận đánh được Bộ Tư lệnh B3 và Sư đoàn 1 đánh giá hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc, trong đó nổi bật là bắt sống được 1 lính Mỹ tại trận địa đưa về đến căn cứ của B3 và về sau đưa ra miền Bắc. Đây cũng là tiểu đoàn bắt được tù binh Mỹ đầu tiên của chiến trường B3. Đồng chí Chu Huy Mân - Chính ủy Mặt trận đang họp ở Hà Nội điện vào Hậu cần B3 thưởng cho Tiểu đoàn 4 ăn một tháng bồi dưỡng bằng gạo không tính tiêu chuẩn, ăn no được bao nhiêu thì cấp bấy nhiêu chỉ không được lãng phí và một con trâu. Cả tiểu đoàn càng phấn khởi, tự hào hơn khi nghe công bố quyết định tặng thưởng huân chương các hạng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #22 vào lúc: 08 Tháng Tư, 2016, 10:06:55 pm »


*
* *

Tôi không bao giờ quên được anh Ba Trân - một người chỉ huy mà từ việc lớn đến việc nhỏ, lúc chiến đấu cũng như lúc bình thường, luôn nghĩ đến chiến sĩ đến cấp dưới - một vị chỉ huy dày dạn kinh nghiệm trận mạc, một tác phong chỉ huy không phải ai cũng có được.

Anh Ba Trân là vị tướng cách mạng, giỏi cả về quân sự, chính trị và hậu cần.

Trận đánh tập kích chiến lược Mậu Thân năm 1968 là những kỷ niệm trận mạc chiến trường lần cuối giữa hai chúng tôi.

Bấy giờ, tôi được bổ nhiệm giữ chức Trung đoàn trưởng Trung đoàn 66, anh Trân là Tư lệnh sư đoàn (Sư đoàn trưởng). Sư đoàn 1 lúc bấy giờ gồm: Trung đoàn 66, Trung đoàn 209, Trung đoàn 2. Anh Toàn (Toàn vẩu, cua-rơ Đông Dương) Trung đoàn trưởng Trung đoàn 209, Trần Ngọc Trai (Tám Trai) Trung đoàn trưởng Trung đoàn 2.

Trong số ba trung đoàn trưởng thì chỉ có tôi khỏe và trẻ hơn. Anh Tám Trai mắt cận thị, đi rừng vướng cây là rơi mất kính, có lúc xúm nhau đi tìm mất cả nửa giờ đồng hồ. Anh Toàn vẩu mắc bệnh quáng gà, cứ chạng vạng tối là phải có người dắt mới đi được. Đi trinh sát thực địa mục tiêu là đánh công sự vững chắc mà không thấy được cái gì trong cứ điểm thì đành chào thua.

Ngày đó Sư đoàn 1 chuyển vào Buôn Ma Thuột đảm nhiệm tiêu diệt 3 cứ điểm: Đức Lập do Trung đoàn 2 đảm nhiệm, Đất Xấc do Trung đoàn 66 đảm nhiệm, Quảng Nhiêu do Trung đoàn 209 đảm nhiệm. Hai vị trung đoàn trưởng của Trung đoàn 209 và Trung đoàn 2 không đến được mục tiêu. Anh Trân tâm sự với tôi: hai vị này trời đã hại mù lòa rồi mà còn vào chiến trường. Tau với mày còn hạnh phúc hơn chúng nó, có lẽ mày phải gánh vác thêm nhiệm vụ.

Chưa biết Tư lệnh sư đoàn giao cho Trung đoàn 66 thêm mục tiêu nào nhưng tôi phấn khởi nói, chính anh là người lúc nào cũng nhắc nhở chúng tôi: “nhường thuận lợi cho bạn, giành khó về mình” kia mà. Anh ôm chặt lấy tôi. Trung đoàn 66 được giao nhiệm vụ tổ chức chỉ huy Tiểu đoàn 8 của Trung đoàn 209 tiêu diệt cứ điểm Quảng Nhiêu. Anh Trân cho tăng cường các đồng chí tham mưu trưởng, chủ nhiệm chính trị sư đoàn cùng trung đoàn phó để giúp Đảng ủy và Bộ chỉ huy Trung đoàn 66 thực hiện nhiệm vụ.

Anh thường quán triệt cho các cơ quan sư đoàn: cấp dưới, nhất là các phân đội chiến thuật (thường là tiểu đoàn, đại đội) trực tiếp với bom đạn ác liệt, lại nhiều tình huống khó khăn phức tạp; còn chúng ta (cấp sư đoàn) yên tĩnh hơn, có điều kiện hơn, ta phải lo giúp đỡ cấp dưới không nên chê trách hoặc quy tội cho anh em. Một quan điểm, một phong cách thật chí tình chí lý. Sau này chúng tôi có dịp gặp nhau đều nhắc: “Được chiến đấu dưới sự chỉ huy của Bộ Tư lệnh Sư đoàn 1 (anh Ân, anh Dân, anh Trân, anh Viên, anh Đức Cụt, anh Định) thì dù có phải hy sinh cũng không có gì hối tiếc”.

Đợt 3 Tết Mậu Thân năm 1968 tiếp tục. Sư đoàn 1 mới giải quyết xong cứ điểm Đất Xấc và đánh vận động một số trận nhỏ lẻ chưa thấm tháp gì thì được lệnh nhanh chóng cùng sư đoàn hành quân cấp tốc vào B2 (R) còn có tên gọi “Miền”. Trung đoàn 66 được xếp đội hình hành quân cuối cùng. Anh Trân điện cho tôi vượt đội hình lên đầu để cùng Trung đoàn trưởng 209 và Trung đoàn 2 với anh đi nhanh vào Miền trước để tìm hiểu nhiệm vụ và tình hình chiến trường mới. Chúng tôi đang trao đổi những gì cần khi đến chiến trường mới để chuẩn bị thì được lệnh Trung đoàn 66 và đồng chí Đức - Tư lệnh phó, Châu (Lã Ngọc Châu) - Chủ nhiệm chính trị hành quân quay trở lại B3 để thành lập Lữ đoàn bộ binh 66. Ở chiến trường B3 (Tây Nguyên) tôi được biết tư lệnh và chính ủy (anh Viên) và cả Sư đoàn 1 ai cũng muốn Trung đoàn 66 đi cùng Sư đoàn 1, nên lúc chia tay tình cảm thật chân thành, quyến luyến. Trong đó có sự kiện mà cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 66 đến nay ai cũng nhớ. Đó là việc anh Trân chỉ thị cho cơ quan Sư đoàn 1 bàn giao cho Trung đoàn 66 hầu hết lương thực, thực phẩm, thuốc men trong kho của sư đoàn, kế cả vũ khí và khí tài.

Cuộc tập kích chiến lược Mậu Thân năm 1968 kéo dài đến thời điểm đó thì toàn chiến trường đều thiếu thốn mọi thứ. Anh Trân biết Trung đoàn 66 có một số cán bộ ở các tỉnh Nam Bộ như đồng chí Dương Đôi - Tham mưu trưởng trung đoàn quê Thủ Dầu Một, đồng chí Lê Ba - Đại đội trưởng quê Bến Tre (cháu chị Ba Định)... Tổng số 12 đồng chí. Anh Trân bảo tôi tổ chức một đội gồm 12 đồng chí đó, biên chế về cho Ban cán bộ sư đoàn quản lý tổ chức hành quân theo sư đoàn. Tôi rất hiểu ý định của anh, nên bàn với Ban chỉ huy trung đoàn thực hiện, mặc dù bấy giờ Trung đoàn 66 qua ba đợt chiến đấu cán bộ đang thiếu trầm trọng.

Nhớ lại những kỷ niệm chiến đấu cuối cùng với anh Ba Trân, tôi càng thấy anh là vị chỉ huy toàn diện. Tôi lưu luyến mến thương anh hoài. Mãi đến năm 1978, tôi mới gặp lại anh trong một lớp tập huấn chiến thuật tại Long Bình, Biên Hòa. Bấy giờ anh là Phó Giám đốc Học viện Lục quân phụ trách lớp tập huấn...

Có dịp, tôi sẽ viết tiếp những điều còn sâu lắng trong lòng về anh. Qua chị Hà và các cháu, tôi gửi đến anh Ba Trân nén hương lòng, mãi mãi nhớ anh!
TP. Hồ Chí Minh, ngày 10-4-2007

T.Đ

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #23 vào lúc: 08 Tháng Tư, 2016, 10:09:32 pm »


MẨU CHUYỆN NHỎ THỜI KHÁNG CHIẾN
Nguyễn Phước1


Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, có lần anh Trần Văn Trân và tôi vào một cơ sở gần đồn La Chữ, huyện Hương Trà nắm tình hình địch, chuẩn bị trận đánh. Tháng giêng, trời hay mưa phùn, gió bấc. Hai đứa tôi mang tơi đội nón, súng kẹp nách. Trân trước tôi sau, đi vào xóm.

Vừa qua khỏi một khúc quẹo, Trân quay lại huơ tay bảo:

- Tây, Tây, chạy lui.

Trân và tôi là bạn trèo me trèo sấu. Tính Trân rất nhộn, hay bịa chuyện hù dọa tôi chạy bán sống bán chết. Lần này tôi cũng tưởng là Trân đùa nên cứ sấn sổ bước tới. Vừa đi được mươi bước chạm trán ngay một thằng Tây cao to. Nó cũng cải trang làm dân thường mang tơi đội nón đi đón lõng cán bộ về hoạt động.

Quá bất ngờ nên cả hai bên đều đứng khựng lại. Tôi chĩa mũi súng ra ngoài tơi bóp cò. Súng không nổ. Trong lúc bối rối, tôi quên mở khóa an toàn. Cái chết đã cầm chắc trong tay. Tôi thét to: Hồ Chí Minh muôn năm!

Thằng Tây trợn trừng mắt nhìn tôi rồi quay ngoắt người chạy thục mạng. Tôi cũng chạy lui văng cả tơi nón.

Khi ra giữa cánh đồng, tôi kể lại sự cố cho Trân nghe, có thêm “mắm” thêm “muối” làm như ta đây dũng cảm lắm nên thằng Tây nó sợ quá bỏ chạy lui.

Trân cười ngất bảo tôi:

- Thôi đừng có “Lấy vải thưa che mắt thánh”, mình cam đoan rằng lúc đó cậu đã “đứng tim rồi”. Thằng Tây bỏ chạy là vì nó sợ uy linh của Hồ Chủ tịch chứ nó sợ cóc gì cậu.

Tôi phải công nhận là Trân nói đúng.

Trong truyện Tam Quốc có giai thoại Trương Phi bất ngờ thét lên xưng danh, làm cho một viên tướng của Tào Tháo sợ quá, vỡ mật ngã ngựa chết tươi, nên chuyện thằng Tây bỏ chạy lui cũng dễ hiểu thôi.

Điều thú vị là nếu nó biết được lúc đó đồng bào và bộ đội ta có “phong tục” mới trước lúc hy sinh đều hô to: “Hồ Chủ tịch muôn năm” để tỏ lòng trung thành với Tổ quốc, quyết không khuất phục kẻ thù thì chắc là tôi đã được đi “du lịch” sang bên kia thế giới rồi.

Năm 1995, kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Trung đoàn Cao Vân - 101, tôi gặp lại Thiếu tướng Trần Văn Trân - nguyên Phó Tư lệnh Quân đoàn 4, Phó Giám đốc Học viện Lục quân. Tôi đưa cho anh Trân xem bài viết, anh thay ba từ “són ra quần” mà tôi dùng bằng cụm từ “đứng tim rồi”.

Nhớ anh Ba Trân, tôi ghi lại một chuyện nhỏ đầy kỷ niệm trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên mảnh đất Bình Trị Thiên đau thương mà anh dũng.
N.P.
______________________________________
1. Nguyên Chính trị viên đại đội thời kỳ đầu chống Pháp.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #24 vào lúc: 08 Tháng Tư, 2016, 10:12:05 pm »


MẤY KỶ NIỆM VỚI ANH BA TRÂN
Thiếu tướng Vũ Văn Thược1


Trên đường Trường Sơn  hành quân vào Nam chiến đấu, đến bản Mùi bắc thị xã Kon Tum, chúng tôi được lệnh dừng lại tăng cường Trung đoàn 88 cho Sư đoàn bộ binh chỉ huy chiến đấu. Tôi cho trung đoàn dừng lại vào gặp Bộ chỉ huy Sư đoàn bộ binh 1.

Người đầu tiên tôi gặp có hai con mắt tròn, to, nước da trắng, giọng nói nhẹ nhàng dễ nghe, dễ gần.

Anh tự giới thiệu mình tên là Trần Văn Trân, anh em thường gọi là Ba Trân. Sau đó anh giao nhiệm vụ cho tôi: về cho trung đoàn vào vị trí đóng quân và nhanh chóng chuẩn bị phương án tác chiến đánh quân Mỹ đổ quân xuống cắt đường tiếp tế từ Bắc vào Nam cho quân giải phóng.

Ngày 12 tháng 11 năm 1966, Mỹ đổ quân ở bản Mùi, đúng ý định tác chiến của Sư đoàn bộ binh 1 đề ra.

Anh Trân ra lệnh: Trung đoàn 88 nhanh chóng tổ chức tập kích không cho địch đứng chân ổn định. Trung đoàn chấp hành mệnh lệnh của anh Ba, dũng cảm chiến đấu làm cho địch bị thiệt hại nặng, nhưng không dứt điểm được. Ngày hôm sau địch tiếp tục đổ thêm quân xuống giải quyết hậu quả. Anh Ba ra lệnh đánh bồi, đánh nhồi cho lữ đoàn hành quân Mỹ một đòn nữa, sư đoàn tăng cường hỏa lực pháo binh và dùng toàn bộ pháo cối của trung đoàn, tập kích hỏa lực mãnh liệt vào quân Mỹ. Qua hai trận đánh của trung đoàn đã tiêu diệt 678 tên Mỹ, phá hủy 6 pháo 105 ly, 2 cối 106 ly. Lữ đoàn 2 thuộc T4 Mỹ phải bỏ cuộc hành quân, rút về phía sau. Kết thúc chiến dịch bắc sông Sa Thầy của Sư đoàn 1. Tôi được lệnh tiếp tục hành quân vào miền Đông Nam Bộ (B2). Thế là xa anh Ba Trân dễ thương, dễ nhớ! Tôi hy vọng sẽ có ngày gặp lại anh.

Mậu Thân năm 1968, theo yêu cầu của chiến trường trọng điểm (B2) Sư đoàn bộ binh 1 lại có mặt ở chiến trường miền Đông “gian lao mà anh dũng”.

Tôi được Bộ chỉ huy Miền điều động về làm Tham mưu phó của Sư đoàn 1. Thế là tôi lại về với Sư đoàn. Tôi trình quyết định cho anh Ba Trân, anh ôm chặt lấy tôi.

Tôi đi cùng anh Ba chỉ huy sư đoàn tập kích cụm quân Mỹ đóng tại ngã ba Lộ Ủi, suối Bà Chiêm thuộc tỉnh Tây Ninh, rồi liên tiếp tấn công cụm quân Mỹ đóng tại sân bay Đồng Ban, Tây Ninh. Qua hai trận đánh sư đoàn 25 Mỹ phải co về căn cứ Đồng Dù, Củ Chi.

Không để cho quân địch nghỉ ngơi, anh tiếp tục chỉ huy sư đoàn đi đánh giao thông, chặn tiếp tế của địch từ phía sau lên Bình Long trên quốc lộ 13, phá hủy hơn 150 xe quân sự của Mỹ, ngụy Sài Gòn.

Chiến trường miền Tây kêu gọi! Thế là anh Ba lại lên đường đi tiếp. Sư đoàn được lệnh các khung cơ quan sư đoàn lấy bộ phận nhỏ đi trước còn phần lớn để lại đi sau. Tôi không được đi cùng anh Ba. Anh được gọi về Bộ Tư lệnh Miền nhận nhiệm vụ mới.

Từ tháng 11 năm 1966 đến tháng 8 năm 1969, tôi được sống và chiến đấu cùng anh Ba Trân. Anh là người rất gần gũi cấp dưới, cởi mở, sống có nghĩa có tình rất sâu đậm. Anh là người chỉ huy vững vàng, dũng cảm tài ba. Anh còn là người có “tay nghề” đầu bếp giỏi. Món ăn anh nấu rất ngon, nhất là các món ăn Huế. Tôi rút ra một số nét sống và làm việc của anh Ba, con người hiền hậu, dễ gần, tác phong chiến đấu. Sâu sát cũng là bài học tôi đã được học ở anh Ba.
Ngày 26-12-2006
V.V.T
___________________________
1. Nguyên Tư lệnh Quân đoàn 4.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #25 vào lúc: 09 Tháng Tư, 2016, 11:02:43 pm »


ANH TRẦN VĂN TRÂN,
NGƯỜI CHỈ HUY CÓ TẤM LÒNG ĐÔN HẬU
Thiếu tướng, GS-TS Huỳnh Nghi1


Sau chiến dịch Plaay Me, tháng 12 năm 1965 mặt trận Tây Nguyên quyết định thành lập 2 sư đoàn bộ binh: 1 và 6. Sư đoàn 1 gồm 3 trung đoàn bộ binh: 320, 66, 33, một số đơn vị hỏa lực và bảo đảm. Anh Trần Văn Trân từ Sư đoàn 325 về nhận nhiệm vụ Sư đoàn phó Sư đoàn 1.

Cuối năm 1966, Mỹ tiếp tục thực hiện “chiến lược chiến tranh cục bộ”, để chuẩn bị mở cuộc phản công chiến lược lần thứ hai vào mùa khô 1966-1967. Để chuẩn bị cho cuộc phản công, quân Mỹ đã đưa sư đoàn 4 bộ binh cơ giới lên Tây Nguyên, nâng tổng số quân Mỹ ở Tây Nguyên lên xấp xỉ hai sư đoàn. Trong cuộc phản công chiến lược lần này, quân địch tiến hành các cuộc hành quân liên miên như cuộc hành quân Frances Marion, Sam Houston, Paul Rever... Vào các vùng tây Gia Lai, bắc Đắc Lắc, nhất là vùng tây sông Pô Cô và tây sông Sa Thầy, nhằm đẩy quân chủ lực Tây Nguyên ra khỏi vùng biên giới. Tây Nguyên do vậy trở thành một trong những chiến trường ác liệt, gian khổ mà anh em chiến sĩ thường gửi gắm câu ca dao:

Tây Nguyên đi dễ khó về,
Thiếu gạo, thiếu muối, tái tê lòng người...
Tây Nguyên thiếu muối, thiếu rau,
Ốm đau thiếu thuốc, thương nhau làm gì?


Trong năm 1966 - 1967, Mỹ tiếp tục chiến lược chiến tranh cục bộ, leo thang chiến tranh xâm lược, quân Mỹ và quân chư hầu được tăng cường ồ ạt đánh phá khốc liệt miền Nam; đồng thời tăng cường chiến tranh phá hoại ra miền Bắc. Quyết tâm chống giặc Mỹ, ngày 17 tháng 7 năm 1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi quân và dân cả nước quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phối hợp với các chiến trường bạn nhằm đánh bại cuộc phản công chiến lược lần thứ hai của địch, đồng thời giữ vững quyền chủ động chiến trường, Bộ Tư lệnh Tây Nguyên quyết định mở chiến dịch tiến công Sa Thầy (18/10/1966 - 6/12/1966), nhằm tiêu diệt một bộ phận quân Mỹ, thu hút quân Mỹ lên chiến trường rừng núi, tạo điều kiện cho chiến trường đồng bằng Khu 5 đánh phá bình định.

Bước vào chiến dịch, Trung đoàn 320 chúng tôi cùng các đơn vị bạn trong Sư đoàn 1 chuẩn bị hết sức khẩn trương. Hôm nhận nhiệm vụ tác chiến ở Sở chỉ huy trung đoàn, tôi may mắn gặp lại anh Trần Văn Trân. Anh vẫn khỏe mạnh, lạc quan. Lần này anh đến giao nhiệm vụ cho trung đoàn chúng tôi tham gia chiến dịch. Trong chiến dịch này, Trung đoàn 320 có nhiệm vụ tác chiến ở khu vực trung gian chiến dịch, nằm trên giải đất hẹp giữa sông Pô Cô và sông Sa Thầy, đánh địch, lôi kéo quân Mỹ vượt sông sang sông Sa Thầy và lừa chúng rơi vào thế trận khu vực quyết chiến ở đồi C1 mà ta đã chuẩn bị sẵn.

Buổi làm việc diễn ra khá căng thẳng, nhưng anh Trân thân mật và vui vẻ, bàn bạc dân chủ với chúng tôi tỉ mỉ kế hoạch tác chiến. Làm việc xong, anh chia tay ra về thì trời mưa nhẹ hạt. Chúng tôi mời anh ở lại, nhưng vì bận việc gấp anh phải về ngay, choàng tấm nilông lên người anh ra đi trong mưa, nhưng vẫn dí dỏm đọc câu ca dao:

Trời mưa lâm thâm ướt dầm lá hẹ.

Câu thơ mộc mạc của anh làm cho mọi người trong Sở chỉ huy vui hẳn lên, làm dịu bớt không khí căng thẳng trong buổi họp.

Tiến hành cuộc phản công chiến lược lần thứ hai, quân Mỹ sử dụng bom đạn đánh phá cực kỳ ác liệt. Những hôm đầu mới đến, các khu rừng còn kín đáo hoang sơ. Nhưng chiến dịch mới trải qua có vài tuần mà cảnh quan đã thay đổi hẳn, máy bay B52 dội bom suốt ngày đêm đánh phá xơ xác rừng núi, cây cối đổ ngổn ngang, tất cả đều biến dạng.

Theo kế hoạch chiến dịch, trung đoàn chúng tôi vượt sang đông sông Sa Thầy. Anh Trân đi với Sở chỉ huy tiền phương sư đoàn, cùng vượt sông với chúng tôi. Dựa theo kinh nghiệm của chiến dịch Plây Me, trong chiến dịch này kế hoạch tác chiến chủ yếu của chúng tôi là chuẩn bị đánh quân Mỹ đổ bộ bằng trực thăng. Nhưng sư đoàn 4 Mỹ hoạt động khác hẳn sư đoàn kỵ binh không vận số 1, chúng hành quân bộ xuyên rừng là chính, vì thế chúng tôi phải điều chỉnh lại kế hoạch tác chiến.
________________________________
1. Nguyên Phó Giám đốc Học viện Lục quân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #26 vào lúc: 09 Tháng Tư, 2016, 11:03:30 pm »


Một buổi sáng sau trận chiến đấu tập kích một cụm quân Mỹ, chúng tôi hành quân về đóng quân trên một triền đồi, thì B52 đến ném bom đánh trúng Sở chỉ huy Trung đoàn 320. Cả Trung đoàn trưởng Vũ Bào và Chính ủy Đặng Hồng Thanh đều bị bom đánh sập hầm. Chúng tôi moi hầm đem các anh lên, cả hai đều ngất xỉu. Sở chỉ huy tiền phương của sư đoàn cùng nằm trong dãy đồi. Tôi lên gặp anh Trân và anh Nam Khánh báo cáo lại tình hình và xin ý kiến chỉ đạo. Các anh dặn dò tôi về ổn định tình hình, tư tưởng cho bộ đội và nhanh chóng chuyển anh Thanh và anh Bào về hậu phương.

Chiến dịch càng về sau càng gay go ác liệt. Máy bay địch đánh phá đứt cầu phao nên việc chuyển đạn dược lên phía trước và thương binh về phía sau ngày càng phức tạp. Thấy trung đoàn chúng tôi quá khó khăn, anh Trân ra lệnh chúng tôi chuyển về phía tây sông Sa Thầy.

Phát hiện chúng tôi về phía tây sông, quân Mỹ cũng sang sông. Chúng vừa đóng quân bên bờ sông vào buổi chiều thì tối hôm đó đã bị ta tập kích ngay. Trong trận tập kích này, quân ta diệt gần hai đại đội quân Mỹ, nhưng bộ đội ta cũng bị thương vong khá nặng vì trận địa pháo ở “Công trường đất đỏ” từ phía đông sông đánh trả dữ dội. Sáng hôm đó, gặp tôi anh Trân nói trong thổn thức: “Chiến tranh tàn nhẫn quá cậu. Số chiến sĩ mới bổ sung vào chiều qua, má còn măng tơ, chỉ bằng tuổi con mình. Đáng lẽ các cháu phải được tiếp tục học hành, nhưng chiến tranh đã đẩy các cháu ra mặt trận, thật đau xót!” Và mắt anh nhìn về cõi xa xăm, có lẽ anh đang nhớ số anh em vừa hy sinh trong trận đánh đêm qua và liên tưởng đến các con của mình.

Sau hai cuộc phản công mùa khô thất bại nặng nề trên chiến trường Việt Nam và bị dư luận ngày càng phản đối quyết liệt hành động xâm lược của quân Mỹ; đặc biệt phong trào chống chiến tranh ngày càng phát triển rộng lớn trong lòng nước Mỹ. Giới cầm quyền Mỹ bắt đầu dao động, lúng túng, nhưng vẫn ngoan cố tiếp tục tăng quân, chuẩn bị mở cuộc phản công chiến lược lần thứ ba vào mùa khô 1967 - 1968 với dự tính sẽ sử dụng 120 vạn quân, trong đó có 50 vạn quân Mỹ. Nhưng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 của ta đã giáng “một đòn sét đánh” vào hầu hết các thành phố và đô thị miền Nam, đặc biệt là đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn, làm choáng váng cả nước Mỹ và chấn động dư luận thế giới, khiến kế hoạch phản công lần thứ ba của chúng bị phá sản.

Thắng lợi mùa xuân 1968 trên chiến trường Tây Nguyên đã góp phần quan trọng vào thắng lợi chung trên toàn Miền, tạo ra bước ngoặt mới của cuộc chiến tranh giải phóng. Tiếp tục cuộc Tổng tiến công trong đợt 2, Sư đoàn 1 được lệnh hành quân vào Đắc Lắc. Lúc này anh Trân là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 1. Tôi cũng được biệt phái về cơ quan tác chiến của sư đoàn. Đường từ Gia Lai vào Đắc Lắc khá xa, phải hành quân trên 10 ngày. Tôi cùng đi với bộ phận tiền trạm do anh Trân dẫn đầu. Đường đi phần lớn là rừng khộp, mùa khô nguồn nước dọc đường rất khan hiếm. Những con suối chỉ còn từng vũng nước đọng. Các cung đường phụ thuộc vào các con suối dọc đường. Suốt ngày hành quân dưới nắng chang chang, chiều đến trạm là treo võng nằm nghỉ và tán chuyện. Anh Trân có thể nói là một kho chuyện tiếu lâm, nên giờ nghỉ chúng tôi thường quây quần bên cạnh để nghe anh kể chuyện. Trong đoàn có đồng chí Tần - trợ lý thông tin cũng là một cây chuyện tiếu lâm. Tôi giới thiệu đồng chí Tần với anh Trân. Đến trạm nghỉ, anh Trân nài nỉ đồng chí Tần kể chuyện, nhưng đồng chí Tần cứ mỉm cười và tìm cách thoái thác. Anh Trân bèn tìm cách trao đổi, anh nói: “Bây giờ mình kể một chuyện, cậu kể một chuyện. Thế là công bằng nhé!”. Đồng chí Tần vui vẻ nhận lời. Thế là hai người thi nhau kể chuyện tiếu lâm, còn bọn chúng tôi bò lăn ra cười. Sau buổi hôm đó, anh Trân khen đồng chí Tân nhiều chuyện thật. Cũng có hôm anh Trân tâm sự với chúng tôi về thời trai trẻ. Anh kể rằng lúc còn nhỏ nhà anh quá nghèo, “ăn mắm mút dòi”, nên anh phải đi lang bạt để kiếm sống. Anh đã từng đi làm thuê tại hồ Lắc, Buôn Ma Thuột... Vì thế chuyện anh sớm tham gia vào quân đội là lẽ đương nhiên.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #27 vào lúc: 09 Tháng Tư, 2016, 11:04:27 pm »


Một buổi trưa, chúng tôi dừng chân bên bờ một con suối cạn chỉ còn mấy vũng nước. Bỗng một đồng chí vệ binh phát hiện một con ba ba rất to đang nấp dưới suối, nhưng không làm sao bắt được. Nghe anh em nói, anh Trân đi đến và anh nhảy xuống suối, hai tay rất thành thạo anh lôi con ba ba lên, nó nặng 10kg.

Đoàn chúng tôi vào Đắc Lắc lần này với nhiệm vụ phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương nghiên cứu cách đánh vào thị xã Buôn Ma Thuột. Theo hướng dẫn của địa phương, chúng tôi chuẩn bị vượt sông Sêrêpôc để vào hướng thị xã. Trời đã hoàng hôn, chúng tôi ra sát bờ sông chờ đêm tối để vượt sông. Bỗng từ trong rừng một con voi to đi về hướng chúng tôi. Không kịp tránh nữa, chúng tôi đành nấp sau các thân cây. Trên lưng voi có một ông cụ già và một đứa bé con. Chờ ông đến gần, tôi ra gặp ông. Nhìn thấy chúng tôi, ông cụ hốt hoảng, nhưng cũng không tránh kịp nữa.

- Chào cụ.

Tôi cố làm cho ông cụ yên lòng, nên không cầm súng. Thấy tôi hỏi thăm nhà, ông cụ trả lời:

- Thưa anh, nhà tôi ở buôn Đôn - Vừa nói cụ vừa chỉ ngôi làng phía bên kia sông - Dạ, hôm nay tôi đi làm về muộn.

Sau khi thăm hỏi tình hình, tôi dặn cụ:

- Cụ về bên đó đừng nói với ai là chiều nay đã gặp chúng tôi nhé!

Ông cụ hứa sẽ không bao giờ nói lại với ai và chỉ lên bành voi, nơi đứa con trai bé nhỏ đang ngồi.

- Tôi chỉ có một đứa con trai, xin lấy tính mạng con tôi bảo đảm cho lời hứa của tôi.

Đứa con trai đối với người buôn Đôn còn quý hơn vàng. Ở Tây Nguyên nhiều năm tôi rất tin vào lời hứa của đồng bào dân tộc.

Chào chúng tôi, hai cha con ông cụ cưỡi voi vượt qua sông Sêrêpôc về lại buôn làng. Mấy hôm sau cơ sở của ta ở trong làng báo ra là ông cụ giữ đúng lời hứa không nói lại với ai về việc gặp chúng tôi. Tôi thầm nghĩ đó là tấm lòng chung thủy sắt son của nhân dân các dân tộc Tây Nguyên đối với bộ đội Cụ Hồ. Nhờ tấm lòng thủy chung của nhân dân mà chúng tôi đã được chở che vượt qua muôn vàn thử thách để sống và chiến đấu hàng chục năm ở Tây Nguyên.

Từ lúc xảy ra câu chuyện gặp ông cụ già đến bây giờ, sợ nguy hiểm nên chúng tôi không muốn anh Trân xuất hiện, để anh ngồi yên theo dõi chúng tôi xử lý sự việc và anh rất hài lòng về cách xử lý đó. Đêm hôm đó chúng tôi vượt qua sông nước chảy xiết, bí mật vào hướng tây bắc thị xã Buôn Ma Thuột. Một anh du kích địa phương đưa chúng tôi đến dãy núi Chư Ebua nằm trên hướng tây bắc thị xã. Dưới chân núi, mấy chú voi nhà đang ăn lá tre. Chúng tôi lần lượt trèo lên núi để quan sát thị xã.

Trong ánh hoàng hôn, lần đầu tiên anh Trân và tôi quan sát rõ ràng toàn cảnh thị xã Buôn Ma Thuột, đẹp như bức tranh của họa sĩ Lêvitan. Giữa những đồi đất đỏ bazan, những rừng cà phê và cao su đan xen xanh mướt. Lấp ló sau rặng cây xanh, khu biệt điện Bảo Đại như cô gái ẩn mình sau bức rèm thưa, ở phía xa sân bay Buôn Ma Thuột nổi bật trên rặng cao su mỗi lần máy bay hạ cánh mà ta có cảm giác như máy bay vẫn treo lơ lửng giữa trời mây. Sau giây phút lãng mạn chiêm ngưỡng cảnh quan thị xã, chúng tôi trở về với nhiệm vụ. Giở tấm bản đồ thị xã Buôn Ma Thuột ra anh Trân cùng chúng tôi lần lượt xác định các mục tiêu trong thị xã, nhất là sở chỉ huy sư đoàn 23 ngụy. Thị xã rộng trên 24 ki-lô-mét vuông, quân địch trấn giữ thị xã ngót một sư đoàn. Tình hình đó cho thấy, một sư đoàn của chúng ta không đủ khả năng tiến công đánh chiếm các mục tiêu trong thị xã. Tuy vậy, tối hôm đó anh Trân vẫn phân công anh Uynh, tham mưu trưởng và anh Thông chủ nhiệm trinh sát sư đoàn đột nhập vào thị xã. Sau tổng tiến công đợt 1, giờ đây địch tổ chức phòng ngự thị xã rất chặt chẽ nên rất khó tìm ra đường để vào trinh sát trong thị xã.   

Sau khi nghe báo cáo tình hình, Bộ Tư lệnh mặt trận quyết định cho chúng tôi chuyển sang hoạt động ở khu vực Đức Lập (Đắc Mil). Lúc này Bộ Tư lệnh đã cử Bộ Tư lệnh tiền phương của mặt trận do anh Bùi San làm Chính ủy và anh Hồng Sơn làm Tư lệnh vào chỉ huy mặt trận Đức Lập. Về lực lượng, tăng thêm hai trung đoàn bộ binh.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #28 vào lúc: 09 Tháng Tư, 2016, 11:05:17 pm »


Một buổi tối, Đảng ủy tiền phương thảo luận cách đánh mở màn đợt hoạt động ở Đức Lập. Tôi treo võng nằm chờ anh Trân đi họp về. Cuộc họp kéo dài đến tận khuya vì phải tranh luận giữa hai phương án, tiến công cứ điểm Đắc Xắc, là mục tiêu mở màn đợt hoạt động. Ý kiến của anh Trân là chỉ nên bao vây đồn Đắc Xắc, buộc quân địch ra ứng viện và tiêu diệt nó trong vận động. Nhưng ý kiến thứ hai cho rằng phải tổ chức đánh công kiên để tiêu diệt cứ điểm Đắc Xắc. Do chưa thống nhất về tư tưởng chiến thuật và cách đánh nên buổi họp phải kéo dài. Khoảng 12 giờ đêm, anh Trân đập võng gọi tôi dậy, chuẩn bị triển khai kế hoạch tiến công theo kết luận của Đảng ủy là đánh công kiên cứ điểm Đắc Xắc.

Với giọng buồn buồn, anh nói với tôi:

- Đơn vị mới vào chưa có kinh nghiệm tác chiến mà đánh công kiên sẽ khó thắng lắm cậu ơi. Nhưng phải triển khai kế hoạch ngay, nếu không khi có mệnh lệnh sẽ làm không kịp.

Tôi ôm tấm bản đồ về chuẩn bị kế hoạch thì bất ngờ đồng chí cơ yếu đưa cho tôi bức điện khẩn. Đọc lướt qua, tôi tưởng mình đọc nhầm. Tôi đọc kỹ lại. Cấp trên quyết định điều Trung đoàn 320 hành quân gấp vào Nam Bộ và sau đó là toàn bộ Sư đoàn 1 cũng vào tăng cường gấp cho Nam Bộ. Tôi đem bức điện đến cho anh Trân. Đọc xong tôi thấy nét mặt anh thẫn thờ, tâm trạng bâng khuâng.

Như vậy là sau bốn năm hoạt động trên khắp chiến trường Tây Nguyên, nằm gai nếm mật, sống chết với đồng bào các dân tộc, nay Trung đoàn 320 và Sư đoàn 1 sắp từ giã chiến trường Tây Nguyên, nơi có những bản trường ca Đam Sam, Xinh Nhã... bất hủ trong kho tàng sử thi nổi tiếng. Nơi mà sau những ngày mùa thắng lợi, lũ làng thường vây quanh ngọn lửa hồng trên sân nhà Rông lắng nghe những bản trường ca suốt thâu đêm. Nơi đêm đêm tiếng chày giã gạo từ các buôn làng quyện trong tiếng vang vọng xa xăm của núi rừng, ru ta mơ màng trong giấc ngủ. Dù đi đến chân trời nào cũng không làm sao quên được những khúc hát ân tình.

Trăng lên rồi
Đêm càng đẹp.
Lũ làng mừng giã gạo nuôi quân
Ơi anh giải phóng, cái chân không mỏi.
Lũ làng đây cái tay cũng không mỏi.
Anh diệt nhiều thù, cối gạo càng trắng thơm.
Đẹp lòng quân dân


Nghĩa tình cá nước. Thế là anh Trân đi vào Nam Bộ, còn tôi tiếp tục ở lại Tây Nguyên. Chia tay anh, lòng tôi thương nhớ anh, một người chỉ huy với tấm lòng đôn hậu bao la, hết sức tôn trọng và yêu thương cấp dưới và đồng đội.

Giờ đây anh đã đi xa, xin chúc anh yên giấc ngàn thu ở cõi vĩnh hằng.
TP. Hồ Chí Minh, tháng 2 - 2007
H.N
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #29 vào lúc: 09 Tháng Tư, 2016, 11:08:15 pm »


THƯƠNG TIẾC MỘT NGƯỜI ANH, THIẾU TƯỚNG TRẦN VĂN TRÂN
Giáo sư Trần Thanh Đạm1


Đáng lẽ viết về anh là các đồng chí, đồng đội của anh, những người cùng vào sống ra chết với anh trên các chiến trường gần 50 năm qua, hoặc chính bản thân anh với bao kinh nghiệm chiến đấu dày dạn của một người lính chân chính của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tôi viết mấy dòng này với tư cách một người em của anh, với ý nghĩ rằng tôi được như tôi ngày hôm nay là vì trong cuộc đời tôi thường xuyên có hình ảnh anh, của những người như anh, bao giờ cũng như tiếng gọi phía trước. Cả ngày hôm nay nữa sau khi anh đã ra đi, đối với tôi, anh vẫn còn là tiếng gọi tha thiết và thiêng liêng ấy.

Anh rời quân ngũ với quân hàm Thiếu tướng năm 1995, song 50 năm trước anh gia nhập quân đội làm liên lạc kiêm cần vụ. Là con một bà mẹ nghèo ở xóm nghèo chợ Cống thành phố Huế, anh phải bỏ học sớm để đi làm thuê nuôi mẹ, nuôi em. Mười tám tuổi, anh tham gia khởi nghĩa ở Huế, rồi gia nhập quân đội ta từ ngày nó còn là những đơn vị giải phóng quân thô sơ mới được thành lập.

Anh thường nhắc những kỷ niệm về mẹ. Ngày ấy mẹ nghe các anh hát: “Đoàn giải phóng quân một lần ra đi”... mẹ khóc và bảo: sao chúng mày hát buồn quá. Quả thật bốn đứa con của mẹ ra đi ngày ấy, ngày chiến thắng có hai đứa trở về và đều không gặp mẹ. Mẹ mất năm 1973, suốt hai cuộc kháng chiến chưa lần nào gặp lại các con. Trong cuộc chiến đấu của chúng ta có những bà mẹ chờ con từ chiến trường không trở lại, lại cũng có những đứa con từ chiến trường trở về mà không còn mẹ ngày ra đi.

Tôi gặp anh lần đầu vào mùa mưa năm 1949 khi tôi rời thành phố Huế ra vùng kháng chiến. Lúc này anh là đại đội trưởng “đại đội độc lập” với nhiều trận đánh “xuất quỷ nhập thần” được đồng bào truyền tụng như huyền thoại. Anh là một trong những “Sa-pa-ép” của Việt Nam những ngày đầu kháng chiến chống Pháp. Anh trẻ, khôi ngô, nước da trắng hồng, với đôi mắt sáng, nụ cười tươi đầy vẻ hiên ngang hấp dẫn. Nếu không đi dạy học mà đi bộ đội thì ngày ấy tôi gia nhập đơn vị của anh. Chính anh đã khuyên tôi: “Em cố mà học, em đi dạy đi. Để các anh chiến đấu cho. Ngày xưa anh thất học, con em mình ngày nay phải được học hành đến nơi đến chốn, để sau này chiến thắng có người  xây dựng Tổ quốc”.

Ngôi trường của tôi ở cái thôn Mỹ Lộc giữa những vườn cây xanh mướt và lòng dân vô cùng nhân hậu. Đơn vị của anh thỉnh thoảng lại về đây nuôi quân, dưỡng sức sau những trận đánh. Anh thường ghé lại lớp học của tôi kể chuyện chiến đấu cho thầy trò nghe. Câu anh thường nói để kết thúc câu chuyện là: “Kháng chiến nhất định thắng lợi. Tổng phản công sắp đến nơi rồi”.

Thời gian tôi xa Bình Trị Thiên, tôi vẫn được nghe tin anh ở chiến trường với nhiều chiến công vang dội trong đó có trận thắng được ghi lại trong bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ - liệt sĩ Nguyễn Hồng bài “Đồi 18”. Chúng tôi hát bài hát đó và nhớ anh rất nhiều.

Năm 1952 tôi gặp anh một lần ở Nghệ An, khi anh ra an dưỡng tại đó, trước khi trở lại chiến trường. Hồi ấy tôi ôm mộng viết văn, và tôi ước mong được nghe anh kể chuyện chiến đấu rồi viết lại các chuyện đó. Tại nhà một bà mẹ chiến sĩ ở Đô Lương, giữa những cơn sốt rét, anh kể chuyện đơn vị của anh, các chiến sĩ của anh, công việc nuôi quân, luyện quân, cầm quân của anh. Tôi cứ mơ màng giá chỉ ghi lại các câu chuyện đó của anh thôi cũng đã là văn chương rồi. Phải nhận rằng cho đến hôm nay với tư cách là một người cầm bút, tôi còn mắc nợ anh, mắc nợ các anh rất nhiều. Chúng tôi chưa thực hiện được lời hứa: viết về cuộc đời, về chiến công, về những gian khổ hy sinh của các anh.
___________________________________
1. Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM