Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 07:04:02 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chuyện bây giờ mới kể  (Đọc 30662 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #10 vào lúc: 08 Tháng Tư, 2016, 09:44:27 pm »


NHỚ THIẾU TƯỚNG TRẦN VĂN TRÂN
Trung tướng Vũ Cao1


Mới ngày nào vậy mà đã mười năm anh Trân ra đi theo Bác Hồ vĩ đại. Mười năm với đời người đã dài, anh ra đi nhưng tình cảm, việc làm của anh với đơn vị, tập thể, bạn bè hiện còn rất sâu nặng trong tình người...

Cùng công tác với Thiếu tướng Trần Văn Trân, tôi hiểu anh và thấy trong anh một con người hành động sôi nổi, hăm hở với nhiệm vụ chính trị của bản thân và đơn vị.

Ba năm, anh bị bắt làm tù binh của Mỹ - ngụy trong điều kiện bất lợi với cương vị “y tá đại đội” của quân giải phóng miền Nam...

Anh được đối phương trao trả sau khi Hiệp định Pa-ri được ký kết năm 1973. Những năm tháng chiến đấu ở chiến trường và ba năm trong nhà tù Mỹ- ngụy, chặng đường dài đấu tranh gian khổ, quyết liệt giữa “cái sống, cái chết” giữ trọn niềm tin vào sự nghiệp cách mạng, tình cảm gia đình, vợ, con... ba năm “trong bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn".

Tháng 2 năm 1973, trở về với tình thương của đồng chí, đồng đội, đơn vị, gia đình, vợ con. Chưa bao lâu, trước yêu cầu của tình hình và sự tin tưởng của tổ chức, tháng 11 năm 1973, anh được điều động đi nhận nhiệm vụ Sư đoàn trưởng Sư đoàn 341, có nhiệm vụ nhanh chóng xây dựng sư đoàn để nhận nhiệm vụ chiến đấu. Gác lại tình cảm riêng tư, anh vui vẻ lên đường về đơn vị.

Về đơn vị, bắt tay vào công việc với khí thế “tiến công”, sau khi nghe cơ quan báo cáo tình hình các đơn vị, anh tìm phương pháp bằng việc đi cơ sở tìm hiểu thực tế, gặp cán bộ, chiến sĩ, xem xét việc làm, huấn luyện xây dựng của đơn vị. Với tác phong thực tế, cởi mở, gần gũi chân tình, anh được cán bộ, chiến sĩ tiếp đón vui vẻ thân mật, kính trọng và tin tưởng. Họ bộc lộ hết tâm tư, nguyện vọng, nỗi lo lắng và lòng mong muốn với Sư đoàn trưởng. Tình cảm của cán bộ chiến sĩ cũng động viên anh nên chỉ trong thời gian ngắn giúp anh nhanh chóng nắm được tình hình sư đoàn và anh đã có báo cáo tổng hợp đánh giá tình hình đơn vị trước Đảng ủy và Hội nghị Quân chính của Sư đoàn. Những việc làm được, việc chưa làm được, ưu khuyết điểm và thiếu sót khá cụ thể, anh đề ra kế hoạch, những biện pháp cụ thể khắc phục từng việc... Những nội dung anh trình bày đầy sức thuyết phục, vì đó là kinh nghiệm chiến trường - những kinh nghiệm bằng máu được tập thể Đảng ủy, cán bộ sư đoàn hoan nghênh, tiếp nhận tự giác quyết tâm làm, khắc phục những hạn chế để đưa sư đoàn hoàn thành nhiệm vụ trước mắt và sau này.

Với bạn bè, anh có nét riêng chân thành, tốt bụng với bạn bè sẵn sàng giúp đỡ mọi người, đã giúp - giúp đến nơi đến cùng, giúp bằng được; trong lúc giúp đỡ bạn bè thái độ trung thực, không thớ lợ, không sợ liên lụy, không lên mặt đứng trên mọi người...

Đồng chí Thiếu tướng Trần Văn Trân xứng đáng với lớp đảng viên, cán bộ được Đảng - Bác Hồ đào tạo trong lớp Cách mạng tháng Tám năm 1945: trung thành - kiên định, suốt đời với cách mạng với nhân dân, với độc lập - tự do của dân tộc.
V.C.
__________________________________
1. Nguyên Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân đoàn 4.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #11 vào lúc: 08 Tháng Tư, 2016, 09:48:07 pm »


MỘT CHỈ HUY QUÂN SỰ XÔNG XÁO, DŨNG CẢM!
MỘT NGƯỜI BẠN CHÂN TÌNH, CỞI MỞ, GẦN GŨI CHIẾN SĨ

Trung tướng Hoàng Nghĩa Khánh1



Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, tôi làm tiểu đoàn trưởng chiến đấu ở Quảng Ninh, Lệ Thủy tỉnh Quảng Bình, được biết tiếng và tên anh Trần Văn Trân (tuy chưa gặp mặt) với những chiến công và đức tính tốt, qua những cán bộ ở Trị Thiên đi ra Quân khu 4, ghé nghỉ ở tiểu đoàn bộ gặp nhau nói chuyện.

Hòa bình ở miền Bắc được lập lại, tôi công tác ở Bộ Tổng Tham mưu được nghe kể chuyện chiến đấu, anh em thường nhắc tới những cán bộ chiến đấu dũng cảm ở mặt trận “Bình Trị Thiên khói lửa!”, như các anh Bá Vận, Dương Bá Nuôi, Trần Văn Trân, v.v...

Lần đầu tiên tôi được gặp mặt anh, là hồi năm 1960 lúc đó tôi làm Trưởng phòng Tác chiến của Cục Tác chiến Bộ Tổng Tham mưu, đi công tác ở Quân khu 4, vào Lữ đoàn 341 ở giới tuyến Vĩnh Linh (thời kỳ này gọi là Lữ đoàn, chưa có Sư đoàn), ghé qua làm việc và nghỉ đêm ở Quảng Bình (Sư đoàn bộ 325 do đồng chí Trần Văn Trân làm Sư đoàn trưởng, đồng chí Quách Sỹ Kha làm Chính ủy).

Trong một đêm trực tiếp trò chuyện, gặp nhau lần đầu tiên tôi thấy có cảm tình ngay. Anh kể lại những kinh nghiệm chiến đấu thời kháng chiến chống Pháp ở mặt trận Bình Trị Thiên và công tác xây dựng sư đoàn sẵn sàng chiến đấu, trong kế hoạch cùng Lữ đoàn 341 bảo vệ nam Quân khu 4, nơi trực tiếp với quân thù ở nam vĩ tuyến 17 đang hò hét “lấp sông Bến Hải, Bắc tiến!”

Ở cơ quan Bộ Tổng Tham mưu, đồng chí Trần Quý Hai - Tổng Tham mưu phó (trong kháng chiến chống Pháp là Đại đoàn trưởng 325) nói chuyện với cán bộ Bộ Tổng Tham mưu, thường nhắc tới đồng chí Trần Văn Trân, một cán bộ trẻ tuổi, dũng cảm, đầy triển vọng của đại đoàn. Khi nghe tin đồng chí Trần Văn Trân - Sư đoàn trưởng Sư đoàn 1 bị địch bắt ở Nam Bộ, đồng chí Hai rất buồn, rất thương. Khi nghe tin đồng chí Trần Văn Trân được thả tự do (theo Hiệp định Pa-ri), đồng chí Trần Quý Hai rất vui mừng, cử ngay cán bộ vào Vĩnh Linh đón tiếp, và đưa ngay ra nhà đồng chí, gặp gỡ thân tình, hỏi han tình hình sức khỏe và những ngày gian khổ bị tra tấn trong nhà tù đế quốc.

Thời gian gặp gỡ và sống cùng nhau lâu ngày nhất là những năm tháng cùng công tác ở Quân đoàn 4. Khoảng tháng giêng năm 1975, theo lệnh đồng chí Hoàng Cầm, Tư lệnh Quân đoàn 4, tôi và một số cán bộ ra đón Sư đoàn 341, từ Quân khu 4 mới được Bộ điều động vào tăng cường cho Quân đoàn 4. Chúng tôi hướng dẫn các đơn vị của sư đoàn vào chỗ đóng quân ở vùng Lộc Ninh mà Quân đoàn đã chuẩn bị. Tôi gặp đồng chí Trần Văn Trân là Sư đoàn trưởng, đồng chí Trần Nguyên Độ là Chính ủy. Đã lâu ngày gặp lại nhau “tay bắt, mặt mừng”, từ khi anh Ba Trân chiến đấu ở Nam Bộ ra miền Bắc, còn anh Trần Nguyên Độ từ khi làm Chủ nhiệm chính trị Quân khu 3 (Thiếu tướng Hoàng Sâm làm Tư lệnh), mà tôi thường xuyên công tác ở Quân khu.

Cả hai anh, một chỉ huy quân sự “trận mạc”, “từng vào sống ra chết”, dày dạn kinh nghiệm chiến đấu, và một chính ủy lãnh đạo chính trị “kỳ cựu” trong thời gian ngắn đã xây dựng lại một sư đoàn hùng hậu, với quân số đầy đủ, trang bị tối tân, đưa đến quân đoàn một sức mạnh mới, một khí thế mới!

Sau khi tôi báo cáo tình hình B2 với Bộ Tư lệnh sư đoàn và nhiệm vụ của Quân đoàn trong giai đoạn lịch sử mới, mặc dù “chân ướt, chân ráo” qua một cuộc hành quân cơ giới, cấp tốc vượt Trường Sơn dài ngày gian khổ, tới nơi chưa ổn định chỗ ăn ở, nhưng hai đồng chí tư lệnh và chính ủy đã khẩn trương lệnh cán bộ các trung đoàn và sư đoàn bộ, tập trung ngay để nghe tôi phổ biến tình hình. Tôi báo cáo với các cán bộ sư đoàn (cả hai đồng chí dự nghe) về tình hình mới của địch, ta ở miền Đông Nam Bộ, kinh nghiệm chiến đấu của Sư đoàn 7, Sư đoàn 9 trong chiến dịch giải phóng tỉnh Phước Long.
____________________________________
1. Nguyên Tham mưu trưởng Quân đoàn 4, nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến Bộ Tổng Tham mưu.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #12 vào lúc: 08 Tháng Tư, 2016, 09:48:41 pm »


Vào đội hình Quân đoàn 4, Sư đoàn 341 nhận ngay nhiệm vụ vào chiến đấu cùng Sư đoàn 9, giải phóng đường 13. Sau đó Sư đoàn 9 chuyển sang phía Tây Nam Bộ cùng Sư đoàn 5 thuộc Binh đoàn 232, thì Sư đoàn 341 lật cánh sang đường 20 cùng Sư đoàn 7 và Sư đoàn 6 (Quân khu 7), hiệp đồng chiến đấu trong một chiến dịch ác liệt, giải phóng Xuân Lộc, mở toang “cánh cửa thép” đông bắc Sài Gòn, để cùng các đơn vị của quân đoàn tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Trong cuộc chiến đấu giằng co vô cùng ác liệt ở Xuân Lộc, Sư đoàn trưởng Trần Văn Trân cùng Chính ủy Trần Nguyên Độ đã đi sâu sát xuống đơn vị phía trước, chỉ huy và động viên chiến sĩ, lấn chiếm bám giữ trận địa chiến đấu, dưới làn bom mưa đạn, cả những đợt dội bom tấn (CBU) của Mỹ ngụy.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trân đã đi đầu với một đơn vị của Sư đoàn 341, trên một cánh quân của Quân đoàn 4. Với tinh thần tốc chiến quyết thắng, xông xáo hăng hái đã cùng đơn vị lao vào chiến đấu, chiếm các mục tiêu trọng yếu, qua 4 ngày đêm giải phóng Sài Gòn, hoàn thành nhiệm vụ giải phóng miền Nam Việt Nam.

Sau ngày toàn thắng, Quân đoàn 4 làm nhiệm vụ quân quản thành phố, Sư đoàn 341 là đơn vị cuối cùng rút về tập trung ở quân đoàn vùng Sông Bé, Đồng Nai.

Làm nhiệm vụ quân quản, đồng chí Ba Trân không chỉ là một người chỉ huy quân sự giỏi, mà còn là một cán bộ chính trị biết làm công tác dân vận, xây dựng cơ sở cách mạng ở vùng mới giải phóng, đảm bảo đơn vị giữ nghiêm kỷ luật, ổn định tình hình. Khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm Sư đoàn 341 làm nhiệm vụ quân quản, đồng chí đã khen ngợi sư đoàn: “Vào thành, vững như thành”.

Khi đơn vị rút ra về vị trí mới, đồng chí Ba Trân được đề bạt làm Tư lệnh phó Quân đoàn 4. Đồng chí đã cùng Bộ Tư lệnh đoàn kết xây dựng, huấn luyện quân đoàn tiến lên chính quy hiện đại.

Đặc biệt, là một cán bộ chỉ huy quân sự có nhiều kinh nghiệm chiến đấu, huấn luyện cán bộ nên sau đó đồng chí được điều động lên làm Phó Giám đốc Học viện Lục quân Đà Lạt, để xây dựng nhà trường, đào tạo lớp cán bộ trung cao cấp đầu tiên ở Nam Bộ.

Chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra! Là một người dày dạn kinh nghiệm trên chiến trường cũ, đồng chí Trân lại được điều động lên làm chỉ huy chiến đấu ở biên giới Tây Nam và sang Campuchia giúp bạn thoát khỏi nạn diệt chủng. Sau đó lại tiếp tục giúp bạn trong nhiều năm, chiến đấu và xây dựng lực lượng vũ trang cho bạn.

Với cương vị là tham mưu phó, rồi làm tham mưu trưởng trong Bộ Tư lệnh 719 (quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia), đồng chí luôn đi sát xuống đơn vị quân tình nguyện Việt Nam và quân cách mạng Campuchia. Đồng chí đã từng lên tận biên giới Campuchia - Thái Lan, lặn lội trong đường hào bùn lầy, nước đọng, vào ra trong các lùm cây dọc biên giới đầy chông gai, mìn cạm bẫy để giúp nhân dân Campuchia xây dựng tuyến phòng thủ K5, ngăn chặn tàn quân Pôn Pôt từ Thái Lan len lỏi về phá hoại nhân dân Campuchia trong cuộc hồi sinh đất nước.

Về nghỉ hưu, với thái độ vui vẻ thân thiết, anh thường qua lại thăm hỏi gia đình bạn bè, đồng đội cũ và cả nhà tôi. Anh đã sống chan hòa với bà con khu phố, quan hệ tốt với cán bộ địa phương.

Anh ra đi đột ngột! Để lại niềm thương tiếc vô hạn với gia đình vợ con.

Bạn bè, đồng đội vô cùng thương nhớ anh, một cán bộ, một đảng viên gương mẫu, suốt đời trung thành phục vụ cách mạng, quân đội. Với tính cách chan hòa cởi mở, trực tính, thẳng thắn nhưng vô tư, không thành kiến ai, anh không để lại điều gì khúc mắc trong bụng dạ, tâm trí.

Anh đã sống một cuộc đời khiêm tốn, giản dị, trong sáng, thân mật, chân thành với mọi người!

Mới đó mà đến nay đã mười năm rồi! Hình ảnh của anh đã in đậm trong lòng chúng tôi. Chúng tôi mãi mãi không bao giờ quên anh!
H.N.K
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #13 vào lúc: 08 Tháng Tư, 2016, 09:52:55 pm »


ANH BA TRÂN, NGƯỜI BẠN CHÍ TÌNH, NGƯỜI ĐỒNG CHÍ MẪU MỰC
Thiếu tướng Lê Chí Thuần1 kể


Tôi và anh Trần Văn Trân (Ba Trân) là đôi bạn chí thân, gắn bó với nhau từ thuở đầu xanh tuổi trẻ cho đến hầu hết những chặng đường cầm súng chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc trong quân ngũ, từ chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa thời 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp oanh liệt, cho đến những năm tháng oai hùng thời đánh Mỹ, rồi thời kỳ làm nghĩa vụ quốc tế giúp bạn Campuchia... Mối thâm tình giữa hai anh em chúng tôi có lẽ còn sâu nặng hơn cả tình ruột thịt, bởi sự đồng cảm sẻ chia với nhau từng kỷ niệm nhỏ và cùng chí hướng trên đường đời nhiều gian nan, trắc trở. Có thể nói, cách mạng đã giáo dục, đào luyện anh em chúng tôi từ những người lính dũng cảm trở thành những tướng lĩnh của Quân đội nhân dân Việt Nam, xứng danh bộ đội Cụ Hồ.

Anh Trần Văn Trân quê ở gần chợ Cống, nay là đường Nguyễn Công Trứ, phường Phú Hội, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Thuở nhỏ, tôi được cha mẹ đặt tên là Lê Văn Nẹt. Quê tôi ở làng Niêm Phò, (cùng làng với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh) nay là xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế. Tôi và anh Ba Trân đều là con nhà nghèo, từ tấm bé chúng tôi đã phải vất vả lam lũ kiếm sống. Tuy phải đi chăn trâu, cắt cỏ nhưng cũng giống như nhiều bạn bè cùng trang lứa khác, thấu hiểu được nỗi nhục mất nước, do vậy anh em chúng tôi hầu hết đều sớm có ý chí tự lập và luôn hướng lòng mình về những điều mới mẻ, tốt đẹp. Anh Ba Trân vào đời khá sớm. Từ một người thợ làm công cho chủ, anh biết nghề lái xe và rất thành thạo kỹ thuật sửa chữa ô tô. Nhờ những vốn liếng từng trải như vậy cho nên về sau trong quãng đời quân ngũ khi đã là một cán bộ chỉ huy có tiếng tăm, mỗi lần hành quân thấy xe pháo của đơn vị gặp sự cố trục trặc, anh Ba Trân đều không ngần ngại xắn tay áo “chẩn bệnh” cho xe và tìm mọi cách khắc phục bằng được khiến cho cánh lái xe vô cùng cảm phục.

Như vậy, tôi với anh Ba Trân vừa là bạn bè tri kỷ, vừa “nặng tình đồng chí lại đồng hương”. Có điều, nếu tôi nhỏ con và có phần nóng nảy, bộc trực thì anh Ba Trân lại là một chàng trai có vóc dáng cao lớn, khỏe mạnh, tính tình cởi mở chân thật và đặc biệt thương người. Sự trái ngược bề ngoài ấy không hề cản trở tình thân giữa hai anh em chúng tôi mà dường như đó là sự bổ sung khá hoàn hảo, làm nên một tình bạn keo sơn gắn bó suốt cả cuộc đời cầm súng.

Hẳn mọi người đều biết, Huế là đất “thần kinh”, vốn là nơi sản sinh ra rất nhiều anh hùng và nghệ sĩ cùng những tướng lĩnh tài ba mà tên tuổi của họ đã được lưu danh cùng sông núi. Từ giữa năm 1944, anh Ba Trân đã được giác ngộ cách mạng. Anh hăng hái tham gia hoạt động trong tổ chức Việt Minh Nguyễn Tri Phương của thành phố Huế. Tại đây, cùng với đông đảo những thanh niên giàu nhiệt huyết khác, anh lao vào tham gia công tác chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Huế. Những ngày tháng Tám năm 1945, không khí cách mạng hừng hực như triều dâng, như nước cuốn. Tuổi trẻ chúng tôi như được chắp cánh bay lên trong niềm háo hức, mê say.

Ngay sau ngày cách mạng tháng Tám thành công, theo chỉ thị của Trung ương và được sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế, đầu tháng 9 năm 1945, Chi đội Trần Cao Vân chính thức được thành lập, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo quần chúng nhân dân. Chi đội tập hợp những người con ưu tú của xứ Huế trong mọi giai tầng xã hội, tự nguyện đứng trong hàng ngũ lực lượng vũ trang cách mạng, cầm súng bảo vệ chính quyền dân chủ nhân dân còn hết sức non trẻ. Không đầy nửa năm sau, Chi đội này đã phát triển vượt bậc trở thành Trung đoàn Trần Cao Vân danh tiếng, làm nức lòng phấn khởi của đồng bào đồng chí trên dải đất Bình Trị Thiên đau thương mà anh dũng.
_________________________________
1. Nguyên Phó Tư lệnh Mặt trận 479.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #14 vào lúc: 08 Tháng Tư, 2016, 09:53:42 pm »


Đều là lính của Chi đội Trần Cao Vân, tôi và anh Ba Trân gặp nhau ở đồn Mang Cá. Chúng tôi tâm đầu ý hợp nên ngoài giờ luyện tập, hai anh em thường quấn quýt với nhau như hình với bóng. Câu thơ của nhà thơ Tố Hữu trong bài “Lượm ơi!” đã nói hộ tâm tư của những người trẻ tuổi đi theo cách mạng thời bấy giờ: “Ở đồn Mang Cá thích hơn ở nhà”. Ban đầu ở Chi đội Trần Cao Vân, quân số đông mà vũ khí trang bị hầu như chưa có gì, chủ yếu là một số súng ống tước được của Nhật, Pháp với rất ít đạn dược. Từ cái ăn, cái mặc, tất cả đều do nhân dân tự nguyện đóng góp, giúp đỡ. Cực khổ, thiếu thốn đủ thứ nhưng được cái vui ngất trời. Đâu đâu cũng nghe những bài ca cách mạng, vang vọng khắp phố phường, ngõ chợ, tạo nên những luồng sinh khí mới. “Chừ đây Huế, Huế ơi! Xiềng gông xưa đã gãy. Hãy bay lên sông núi của ta rồi!”.

Trên khắp các bãi tập của đơn vị ở Ngự Bình, Nam Giao, hay Thành Nội, một khí thế tập luyện say sưa và có sức cuốn hút kỳ lạ. Tôi để ý thấy có nhiều bạn thanh niên chưa được nhập ngũ cứ tần ngần bám theo mọi hoạt động của đơn vị với lòng khao khát, tiếc nuối. Thêm vào đó, tôi nghĩ là cơ duyên mà Chi đội Trần Cao Vân và về sau là Trung đoàn Trần Cao Vân có được những người chỉ huy mà với bất kỳ ai thoạt mới nghe tên đã thấy trong lòng trào dâng niềm tự hào, kính trọng. Đó là các anh Hà Văn Lâu, Hoàng Lưu, Trần Gia Hội, Phùng Đông... những người chỉ huy học rộng, vừa có tâm vừa có tài, thường xuyên sâu sát lính, chăm sóc động viên, chỉ vẽ cho chúng tôi từng ly từng tý, thân thiết như những người anh người chị trong gia đình. Từ cái lò luyện ấy mà anh em chúng tôi nhanh chóng trưởng thành, đi khắp đất nước. Anh Ba Trân đóng ở bắc sông Hương, còn tôi ở nam sông Hương. Những khi rảnh rỗi, anh em chúng tôi vẫn hẹn gặp nhau trước cửa Thượng Tứ, cùng ăn miếng kẹo mè xửng và tâm sự với nhau đủ thứ chuyện trên trời dưới đất.

Tuy nhiên, những ngày vui thanh bình ấy trôi vèo qua rất nhanh. Lúc bấy giờ tình hình rất nóng bỏng. Vận nước đang ở vào thế ngàn cân treo sợi tóc. Thực dân Pháp vẫn chưa chịu từ bỏ dã tâm xâm lược đất nước ta một lần nữa. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, bọn chúng núp sau lưng quân Anh - Ấn gây hấn và nổ súng tấn công Sài Gòn, mở rộng chiến tranh ra toàn Nam Bộ và nam Trung Bộ, đồng thời chúng chuẩn bị kế hoạch đánh chiếm rộng ra toàn cõi Đông Dương. Từ Trung Lào, bọn tàn binh Pháp được hà hơi tiếp sức cũng ngóc đầu dậy. Chúng hùng hổ tràn xuống đánh vào tây Quảng Trị, gây ra nhiều tội ác đối với đồng bào ta.

Được lệnh của cấp trên, để hỗ trợ chiến đấu chặn địch, Chi đội Trần Cao Vân đã cử ngay một số phân đội (trung đội) làm nhiệm vụ Tây tiến và Nam tiến. Anh Ba Trân thuộc phân đội Tây tiến. Anh dự trận Sêpôn và bị thương nhẹ ở chân phải. Từ đây, thỉnh thoảng anh em chúng tôi mới có dịp gặp nhau, thường là rất ngắn và hết sức vội. Chỉ cần nhìn thấy mặt nhau dù chỉ một thoáng, được nắm tay nhau, nghe giọng nói đặc sệt âm hưởng Huế của nhau là vui sướng, là ấm lòng rồi.

Trung đoàn Trần Cao Vân được thành lập trên cơ sở Chi đội Trần Cao Vân, đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ của lực lượng vũ trang cách mạng đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #15 vào lúc: 08 Tháng Tư, 2016, 09:54:16 pm »


Hòa cùng tiếng súng của toàn quốc kháng chiến, đêm 19 tháng 12 năm 1946, nghe theo lời hiệu triệu của Bác Hồ, cán bộ chiến sĩ Trung đoàn Trần Cao Vân đã nhất tề xung phong, đánh chiếm các mục tiêu quy định trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế. Trung đoàn đã phá sập cầu Trường Tiền, tập kích vào một số nới có quân Pháp chiếm đóng, diệt nhiều tên địch, thu vũ khí và làm chủ một số nơi. Tuy nhiên, do trang bị kém, đặc biệt là do thiếu kinh nghiệm trận mạc, nên nhiều trận đánh đã diễn ra trong thế giằng co, bộ đội bị thương vong. Trước tình thế hiểm nghèo, Trung đoàn chuyển sang bao vây địch vòng ngoài, đồng thời táo bạo tổ chức đột nhập vào những nơi địch có nhiều sơ hở, tiêu hao sinh lực. Tiêu biểu có thể kể đến những trận đột nhập như: nhà Mác Bớp, miếu Đại Càn, khu nhà đèn, v.v... Qua hơn 50 ngày đêm vây hãm giam chân và tấn công địch, được sự hỗ trợ hết lòng của nhân dân, Trung đoàn đã phối hợp với các đơn vị bạn tiêu diệt gần 2.000 tên địch.

Cuộc chiến đấu không cân sức đã tôi luyện phẩm chất gan dạ, mưu trí, dũng cảm của những người lính Trung đoàn Trần Cao Vân. Từ một người lính xông xáo, dũng cảm, anh Ba Trân được đề bạt lên cán bộ trung đội, đại đội. Khi vỡ Mặt trận Huế, anh Ba Trân về làm đại đội trưởng một đại đội độc lập đóng ở nam Huế. Rồi anh cũng đã kinh qua các chức vụ như: Tiểu đoàn trưởng và Chính trị viên tiểu đoàn, vì vậy, với cấp dưới, bao giờ anh cũng sâu sát, ân cần. Gần cuối cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, anh Ba Trân đã là Trung đoàn phó Trung đoàn 95 nổi tiếng của Sư đoàn 325 (Đại đoàn Bình Trị Thiên trước đây).

Có một chuyện trong kháng chiến khiến tôi nhớ mãi không thể nào quên cái đức độ của con người anh Ba Trân. Một lần, sau lễ thành lập Tiểu đoàn trên động cát ở Phong Chương, Phong Điền, chúng tôi lại có dịp sát cánh bên nhau. Anh Ba Trân nắm đại đội 117, tôi ở một đại đội do các anh Tống Hồ Trinh và Võ Bá Hạp phụ trách. Trong một trận đánh quyết định, ở đơn vị anh Ba Trân có một anh tên là Tr. chưa thấy Tây bao giờ, thành thử lúc xung trận anh ta sợ bổ vía không dám lên, làm ảnh hưởng nhất định đến tinh thần của anh em. Biết vậy, nhưng anh Ba Trân vẫn không la rầy hay mắng mỏ gì cả, anh lệnh cho người này lui về tuyến sau để củng cố tinh thần, về sau tìm hiểu kỹ mới biết anh chàng này khi còn ở nhà vốn làm nghề cắt tóc, trói gà không chặt, cầm súng đánh giặc là cả một việc lớn, một khi người ta đã không đủ can đảm thì không thể ép. Anh Ba Trân bàn với các anh trong Ban chỉ huy để cho Tr. được làm công việc phía sau, và quyết định sắm luôn một bộ tông-đơ để anh này chuyên cắt tóc cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Được sử dụng đúng sở trường, sở đoản, người lính này đã trở nên hữu ích và được anh em quý trọng. Đại để cái cách dùng người của anh Ba Trân là vậy, luôn tôn trọng con người và có tấm lòng bao dung, đại lượng, thực hiện đúng lời cổ nhân đã dạy: “Dụng nhân như dụng mộc”.

Đầu tháng 2 năm 1947, sau khi tổ chức đánh chặn địch từ Đà Nẵng bằng cả đường bộ và đường biển tấn công về Huế, giải tỏa cho quân Pháp đang bị vây hãm tại đây, Trung đoàn Trần Cao Vân được lệnh rời Huế, rút về vùng núi để củng cố lực lượng, chuẩn bị chiến đấu lâu dài. Chúng tôi ra đi mà lòng không khỏi bịn rịn, lưu luyến bởi tình quân dân đã ngấm sâu vào máu thịt. Thêm vào đó là những tội ác của quân xâm lược gây ra với đồng bào, đồng chí, càng thêm thôi thúc những người lính trung đoàn siết chặt tay súng trừng trị kẻ thù. Mặc cho bọn thực dân Pháp rêu rao, huênh hoang rằng “đã tiêu diệt hoàn toàn quân Việt Minh”, đêm 24 tháng 3 năm 1947, Đội cảm tử của Trung đoàn đã đột nhập vào nội thành Huế diệt 20 tên địch, xé bỏ cờ tam tài, treo cờ đỏ sao vàng lên cột cờ và rải truyền đơn rồi rút ra an toàn. Đó là sự trả lời đanh thép, nhắc cho bọn địch biết rằng chúng sẽ không bao giờ được yên, đồng thời ngầm báo tin cho người dân biết bộ đội ta vẫn còn đó, cổ vũ tinh thần kháng chiến của mọi người. Tiếp đó, ngày 29 tháng 3 năm 1947, bộ đội ta đã lập thêm một chiến công mới, tiêu diệt đồn Đất Đỏ, giải tỏa sự khống chế của giặc Pháp đối với chiến khu Hòa Mỹ, mở rộng đất đai, khai thông các trục đường đi lại và tiếp tế của ta từ đồng bằng Phong Quảng lên chiến khu. Đây là trận đánh “nội công ngoại kích” giữa Trung đoàn với các đơn vị có mặt ở chiến khu lúc đó và ta đã giành được thắng lợi lớn. Kẻ địch bị bất ngờ không kịp trở tay.

Trận này ta tiêu diệt một trung đội lính Pháp, thu 2 đại liên Browning, 5 cối 60 ly, 3 tiểu liên Thompson, 11 súng trường Garange, 6 súng ngắn cùng nhiều đạn và lựu đạn, giải thoát cho nhiều đồng bào bị địch bắt giam. Sau trận này, đơn vị được thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #16 vào lúc: 08 Tháng Tư, 2016, 09:54:44 pm »


Đại đội 117 của anh Ba Trân được giao nhiệm vụ đánh trận Hộ Thành. Quân ta phục kích bất ngờ. Khí thế đang lên, anh em ôm súng trung liên đứng giữa đường bắn mãnh liệt khiến bọn địch kinh hoàng khiếp sợ. Nhiều tên lính Pháp hốt hoảng chạy dạt xuống đồng và bị quân ta bắt sống. Đơn vị anh Ba Trân thắng to, bắt được nhiều tù binh và thu vũ khí. Ở một trận khác, trận Như Sơn, Bến Đá, (giữa ga Phò Trạch và ga Quảng Trị) anh Ba Trân trực tiếp chỉ huy đánh chặn một đoàn tàu quân sự của địch, thu được nhiều súng đạn, gây được tiếng vang lớn trên chiến trường. Đặc biệt, anh em đã mưu trí cắt toa cuối và thu được nguyên vẹn một khẩu canông Bôpho 40 ly. Anh em tìm mọi cách khiêng về được. Vừa nhìn thấy tôi, anh Ba Trân reo to: “Sướng quá, Nẹt ơi! Từ nay đã có pháo bắn thẳng rồi!”. Trong trận ấy có một chiến sĩ ta hy sinh. Trước tình thế phải nhanh chóng lui quân để bảo toàn lực lượng, anh Ba Trân vẫn kiên quyết đưa cho bằng được thi hài liệt sĩ vượt sông Khe Mương về đơn vị lo mai táng chu toàn. Có thể nói, bất kỳ ở đâu, anh cũng là người quan tâm đến cấp dưới, lo cho anh em chiến sĩ từng ly, từng tý.

Từ sau các trận Hộ Thành, Đất Đỏ, Trung đoàn 101 còn tiến công đánh địch ở Võ Xá, Cầu Vực, Mỹ Chánh, Ưu Điềm v.v... Tiêu biểu là trận kỳ tập đồn Câu Nhi, trận diệt đồn Hà Thanh, khiến cho kẻ địch vô cùng khiếp sợ. Tiếp theo trận Hói Mít, Trung đoàn đã lập được những chiến công làm nức lòng người. Nổi lên là trận đánh phá vỡ hệ thống phòng thủ của địch dọc tuyến Phú Ốc - Sịa, diệt đồn Phổ Lại. Đây là trận công kiên thắng lợi đầu tiên của Trung đoàn do Tiểu đoàn 436 thực hiện. Đặc biệt, sau khi chuyển quân xuống phía nam ngày 26 tháng 7 năm 1951, Trung đoàn đánh thắng trận Thanh Lam Bồ thuộc huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế, diệt gọn một tiểu đoàn lính Âu Phi, đánh thiệt hại nặng binh đoàn Sốc-kên.

Không thể liệt kê hết ra đây những chiến công oai hùng của Trung đoàn Trần Cao Vân - 101 trong suốt chặng đường 9 năm kháng chiến trường kỳ. Mỗi trận đánh thắng lợi đều là kết tinh của công sức, mồ hôi và cả xương máu của biết bao đồng chí, đồng đội, trong đó có phần đóng góp của anh Ba Trân.

Trong ký ức của tôi còn đọng mãi những kỷ niệm về anh Ba Trân, nhớ mãi những biệt tài của anh. Năm 1950 là thời kỳ đầy khó khăn. Ôi chao, cái lạnh và cái đói hoành hành ghê gớm, có lúc tưởng chừng như không thể nào vượt qua nổi. Tôi gặp anh Ba Trân dẫn bộ đội đi mót củ mì trên đám rẫy của đồng bào người dân tộc thiểu số. Anh em gặp nhau, mặt xanh như tàu lá, nhưng vẫn lạc quan. Dường như trong mọi hoàn cảnh, anh Ba Trân là người không chịu bó tay, ở đâu và lúc nào dù khó khăn đến mấy anh cũng tìm được lối ra. Không chỉ đào mót được gần 10 gánh củ mì, anh Ba Trân còn trổ tài “ngoại giao” xin được Huyện ủy cả một con trâu đem về mổ thịt. Nhờ vậy mà anh em có thêm chút thực phẩm bồi dưỡng sức khoẻ. Một miếng khi đói bằng cả gói khi no. Thật quý hơn vàng!
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #17 vào lúc: 08 Tháng Tư, 2016, 09:55:22 pm »


*
*  *

Hoà bình lập lại, anh Ba Trân là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 101. Thời gian anh Ba Trân ra Bắc học tập, anh đã gặp được chị Võ Bích Hà, con gái vị thủ trưởng cũ của anh và là một người đồng hương. Từ mối lương duyên ấy, về sau chị Hà trở thành người bạn đời chung thủy của anh. Học xong, anh về lại Sư đoàn 325. Trên địa bàn Quảng Bình, sư đoàn tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được Bộ Quốc phòng và Quân khu 4 giao. Anh Ba Trân say sưa lao vào chỉ đạo công tác huấn luyện của đơn vị với một nhiệt tình trách nhiệm hiếm thấy. Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn tham gia mở đường chiến lược từ Quảng Bình lên Làng Ho, Vítthùlù, 1001, thiết lập đường dây tiếp tế qua phía tây Trường Sơn. Ngoài ra, Trung đoàn 101 đã nghiêm túc chấp hành mệnh lệnh cấp trên, phối hợp với bạn Lào quét sạch quân địch trên hành lang Đường 9 từ Lao Bảo đến đông Pha Lan, với chiều dài 140 ki-lô-mét. Tại Đại hội Đảng bộ Quân khu 4, anh Ba Trân được tín nhiệm bầu vào Ban chấp hành Đảng bộ (Quân khu ủy).

Đầu năm 1964, toàn Sư đoàn 325 được lệnh sẵn sàng vào miền Nam chiến đấu. Bấy giờ tôi là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 18. Cả tôi và anh Ba Trân đều được cấp trên điều động ra Quân khu. Khi Sư đoàn 325 B được thành lập anh Ba Trân đi B với cương vị là Sư đoàn phó. Từ Mặt trận Tây Nguyên, anh xuống miền Trung, rồi sau đó thọc sâu vào tận chiến trường Nam Bộ.

Tết Mậu Thân 1968, tôi chỉ huy Trung đoàn 95A, Trung đoàn 18B lên B3 để bổ sung vũ khí, trang bị. Thật bất ngờ, tôi được gặp lại anh Ba Trân. Thoạt đầu hai mũi trinh sát của hai đơn vị đụng nhau, anh em tính nổ súng. Nhưng nghe tiếng nói, tôi linh cảm thấy đây là người đằng mình nên gọi to: “B3 đây!”. Thế là hai bên oà lên, nhận ra nhau. Quá bất ngờ! Giữa một chiến trường rộng lớn, hai anh em chúng tôi lại có cuộc hội ngộ. Quả là trái đất tròn. Anh Ba Trân ôm chầm lấy tôi, mừng đến bật khóc. Đoạn anh lùi ra ngắm nhìn tôi, anh xót xa hỏi tôi: “Nẹt! Răng mi lại gầy như rứa?”. Tôi kể cho anh nỗi đoạn trường khi phải chiến đấu trong điều kiện cực kỳ gian nan và thiếu thốn ghê người. “Ruồi vằng, muỗi bạc, vắt kim cương” là câu cửa miệng mà anh em chúng tôi vẫn truyền tụng. Nghe vậy, anh Ba Trân dồn tất cả những thứ gì đơn vị anh có được, dốc hết cho chúng tôi.

Từ bấy, hai anh em chúng tôi tạm chia xa, mỗi người đảm đương một nhiệm vụ khác nhau. Tuy sống xa nhau, nhưng có thể nói lúc nào chúng tôi cũng hướng về nhau, dõi theo từng bước tiến của nhau trên con đường binh nghiệp. Cho đến một ngày đầu năm 1970, tôi sững sờ khi nghe tin anh Ba Trân bị địch bắt. Không thể nào tin nổi, dù đó là sự thật mười mươi. Tôi uất nghẹn vì thương anh. Trải qua các nhà tù với nhiều cực hình tàn bạo của Mỹ ngụy từ Cần Thơ đến Hố Nai, Biên Hoà, dưới cái vỏ bọc là “Thượng sĩ Đông y Nguyễn Văn Thương”, anh Ba Trân đã chiến thắng kẻ thù. Đầu năm 1973, sau khi Hiệp định Pa-ri được ký kết, tôi vô cùng sung sướng khi được biết trong đoàn quân chiến thắng được trở về từ bờ bắc sông Thạch Hãn có anh Ba Trân. Kẻ địch đã bị hố to, chúng lồng lộn điên cuồng, nhưng không thể làm gì được ngoài việc trơ mắt ếch ra nhìn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #18 vào lúc: 08 Tháng Tư, 2016, 09:56:00 pm »


Cuối năm 1973, anh Ba Trân trở lại chiến trường với cương vị Sư đoàn trưởng Sư đoàn 341 lừng danh. Đầu năm 1975, sau khi giải phóng xong Đà Nẵng, Chu Lai và phía nam Quảng Ngãi, chúng tôi được lệnh hành quân “thần tốc” vào tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Tôi cho anh em xếp đạn vô thùng và lên xe của hãng Phi Long cơ động. Dọc đường đi, tôi nghe tin anh Ba Trân đang chỉ huy đơn vị tấn công Xuân Lộc, trước cửa ngõ Sài Gòn. Sư đoàn của anh đang phát triển đánh chiếm Hố Nai, Biên Hoà và thọc sâu về Sài Gòn. Mừng thôi là mừng. Tuy nhiên, giữa hoàn cảnh chiến trường ác liệt, sục sôi bom đạn, không có thì giờ để thể hiện tình cảm. Tôi mừng cho anh và khấp khởi tự hào, bởi hướng mũi khốc liệt ấy đã có một người chỉ huy tài ba, dạn dày kinh nghiệm trận mạc, là bạn mình. Vậy là dù có khó đến đâu rồi cũng sẽ chắc thắng. Ngày 30 tháng 4 năm 1975, cả hai anh em ehúng tôi đều có mặt ở Sài Gòn, trong niềm vui hân hoan mừng chiến thắng. Không thể tả nổi cảm xúc của những người lính vừa đi qua một chặng đường dài đầy trận mạc.

Đầu năm 1976, anh Ba Trân là Tư lệnh phó Quân đoàn 4. Sau đó, anh đi học ở Học viện Quân sự cấp cao (nay là Học viện Quốc phòng) rồi trở về giữ chức Viện phó Học viện Lục quân Đà Lạt. Thời gian này, đơn vị tôi chuyển sang làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế. Chúng tôi gặp lại nhau khi cùng thực hiện nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia, khi ấy, anh Ba Trân là Tham mưu trưởng Mặt trận 719. Anh Trần Văn Trân được Nhà nước phong quân hàm Thiếu tướng năm 1985.

Có thể nói suốt cuộc đời trai trẻ, quãng đời đẹp nhất của một con người, anh em chúng tôi đã hiến dâng cho cách mạng. Không chỉ lúc đang làm việc, ngay cả khi đã trở về với cuộc sống đời thường, anh Ba Trân vẫn luôn quan tâm đến đồng chí, đồng đội, những người đã một thời vào sinh ra tử. Việc gì anh đã nói, đã hứa là anh quyết làm cho bằng được. Câu chuyện anh đi tìm và phát hiện ra đồng chí Huy, một đồng đội cũ và là cấp dưới của anh bị thương hỏng mắt trong chiến đấu đang sống rất khó khăn ở Đà Lạt mà chưa được hưởng bất cứ một chế độ gì, khiến tôi vô cùng cảm phục. Anh Ba Trân chủ động làm giấy tờ và bảo với tôi: Hai tướng ta cùng ký vào rồi gửi cho bên Thương binh - Xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế đề nghị họ giải quyết cho anh em đỡ thiệt thòi. Sự nhiệt tâm và tận tình của anh cuối cùng cũng được đền đáp. Đồng chí Huy đã được hưởng các tiêu chuẩn chế độ của một thương binh.

Một ngày cuối tháng 3 năm 1997, tôi bàng hoàng như sét đánh ngang tai khi hay tin anh Ba Trân đột ngột từ trần. Từ bệnh viện Thống Nhất tôi chạy về, lòng đau như cắt. Nhìn anh nằm thanh thản như người ngủ say, tôi không sao cầm được nước mắt. Những ngày đau thương ấy, tôi và anh Trần Chí Cường, vừa là đồng chí, đồng đội, lại là đồng hương xứ Huế, hai Thiếu tướng đứng túc trực bên linh cữu anh Ba Trân. Cả hai chúng tôi vô cùng kinh ngạc khi chứng kiến đôi mắt của anh như vừa chợt hé mở rồi khép lại. Về sau tôi cho rằng dường như anh Ba Trân đang muốn dặn lại chúng tôi điều gì đó mà anh chưa làm xong. Thương nhớ anh vô cùng, anh Ba Trân ơi!

Khi tôi kể lại những dòng này, anh Ba Trân đã đi xa vừa chẵn mười năm, vậy mà trong tâm tưởng của tôi, dường như anh vừa mới đi đâu đó trong chốc lát. Tôi vẫn nghe văng vẳng đâu đây giọng nói ấm áp và phảng phất nhìn thấy nụ cười đôn hậu của anh. Tôi tin rằng: Một con người ngay thẳng, trung thực, suốt đời kiên trung với sự nghiệp cách mạng của Đảng; một người chỉ huy nhất mực yêu thương chiến sĩ, sống chan hòa với anh em, đồng đội, con người ấy sẽ còn sống mãi!

Nhà văn Nguyễn Minh Ngọc
(ghi)
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #19 vào lúc: 08 Tháng Tư, 2016, 09:58:42 pm »


NHỚ ANH TRÂN!
Thiếu tướng Trần Chí Cường1


Thiếu tướng Trần Văn Trân ra đi vào cõi vĩnh hằng đến nay đã 10 năm (1997 - 2007).

Nhớ anh, tôi nhớ về người bạn vừa đồng chí, vừa đồng hương; người bạn xông pha trận mạc, anh dũng trên các chiến trường đánh Pháp, đánh Mỹ, vững vàng khi địch bắt làm tù binh, bị giam trong các nhà lao Mỹ ngụy.

Nhớ lại lần đầu vào năm 1948, gặp anh trên mảnh đất quê hương Phú Lộc - Thừa Thiên đang bị giặc Pháp tạm chiếm. Ngày ấy tôi công tác ở cơ quan Đảng và chính quyền địa phương. Tôi rất mừng đón tiếp Đại đội 117 được cấp trên điều về tăng cường cho huyện, làm nhiệm vụ đại đội độc lập phối hợp với địa phương xây dựng lực lượng kháng chiến, phát triển chiến tranh du kích.

Tôi gặp anh Trần Văn Trân trong nhiều lần làm việc. Anh là người Đại đội trưởng - người chỉ huy trẻ với 21 tuổi đời - anh hoạt động tích cực, xông xáo có nhiều sáng kiến trong công tác, đi sát quần chúng nhân dân. Anh được đơn vị cũng như địa phương tin yêu. Một thời gian ngắn, Đại đội 117 có nhiều thành tích trong xây dựng, chiến đấu phát triển phong trào kháng chiến địa phương. Tôi quen thân anh từ dạo đó.

Những năm tiếp sau, tên tuổi anh gắn liền với Tiểu đoàn 227, đơn vị chủ lực của Trung đoàn 95, Trung đoàn 101 có nhiều chiến công trên chiến trường Bình Trị Thiên.

Năm 1951 tôi được vào quân đội, công tác ở các cơ quan hậu cần, chính trị của Sư đoàn 325 - Mặt trận Bình Trị Thiên và Trung Lào. Thế là có dịp gặp lại anh. Cuối năm 1955 cấp trên điều tôi ra Hà Nội, công tác ở miền Bắc. Anh ở lại với Trung đoàn 101 rồi Sư đoàn 325 ở Quảng Bình - Quân khu 4. Khi thành lập Sư đoàn 325B, anh cùng Bộ chỉ huy đưa sư đoàn vào Nam chiến đấu ở Mặt trận Tây Nguyên rồi miền Đông Nam Bộ. Từ đó nhiều khó khăn, xa cách, ít biết tin tức về nhau. Cuối tháng giêng đến cuối tháng 3 năm 1973, 60 ngày tôi được trên cử làm Trưởng đoàn quân sự Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong Ban liên hiệp quân sự bốn bên khư vực I (Quân khu Trị - Thiên) để thi hành Hiệp định Pa-ri. Chúng tôi và đại diện Đoàn quân sự bốn bên Trung ương ở Sài Gòn cùng với Ủy ban quốc tế thường có mặt ở bờ nam sông Thạch Hãn (Quảng Trị) giám sát việc trao trả tù binh giữa hai bên. Thật bất ngờ là anh có mặt trong đoàn tù binh mà địch không hề biết. Với sự che chở của tổ chức và nhân dân, anh khôn khéo giấu được tung tích của mình nên mới có tên anh trong danh sách tù binh địch trao trả cho ta. Chúng đưa anh từ Nam Bộ ra sân bay Đồng Lâm thuộc huyện Phong Điền Thừa Thiên rồi chuyển tiếp bằng ô tô đến bờ nam sông Thạch Hãn để qua đò sang bờ bắc bàn giao cho phía ta. Khi đò ra giữa sông, tất cả đồng chí ta cởi quần áo tù binh vứt xuống sông. Mỗi người chỉ mặc một quần đùi tất cả hô vang khẩu hiệu: “Việt Nam thống nhất muôn năm!”. Tại bờ bắc sông, một đơn vị của Sư đoàn 320 đón tiếp. Bất ngờ và hạnh phúc làm sao! Anh công khai tiếp xúc với bộ đội, với đồng bào đón các anh. Anh Trân đã trở về với Đảng, quân đội, nhân dân, với Tổ quốc. Rồi anh được tổ chức báo về Tổng cục Chính trị, nói chuyện với gia đình qua điện thoại. Xe của Quân khu Trị Thiên đưa anh về Hà Nội để gặp cấp trên và về với gia đình. Tôi bàng hoàng và cảm động khi được tin anh trở về.

Một thời gian sau anh Trân lại ra tiền tuyến, là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 341 chiến đấu trong đội hình Quân đoàn 4 tham gia vào chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng Sài Gòn và là một trong những đơn vị làm nhiệm vụ quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định. Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, anh là Tham mưu trưởng Mặt trận 719 tham gia giúp bạn Campuchia giành độc lập, thoát nạn diệt chủng.

Năm 1995 anh mới được nghỉ hưu. Thời gian nghỉ hưu tôi và anh có nhiều dịp gặp nhau. Anh và tôi cùng các bạn chiến đấu cũ tham gia vào Ban liên lạc truyền thống Mặt trận Bình Trị Thiên, Sư đoàn 325. Tiếc làm sao thời gian ngắn ngủi! Sau hai năm bị bệnh, anh nhiều lần vào điều trị ở Bệnh viện Thống Nhất. Tôi đến thăm anh, trò chuyện với anh nhiều. Khi anh bệnh quá nặng, tôi đến bên giường bệnh ôm lấy anh, không ngờ dó là lần cuối cùng được sống với anh trong tình bạn yêu thương quý trọng.

Đau đớn thay! Anh đã ra đi, đi mãi để lại bao tiếc thương cho gia đình, cho bạn bè và đồng chí quen thân.

Tôi được thay mặt Ban liên lạc Sư đoàn 325 - Mặt trận Bình Trị Thiên và bà con đồng hương Thừa Thiên Huế tại Thành phố Hồ Chí Minh tham gia Ban lễ tang tổ chức viếng và đưa anh đến nghĩa trang Thành phố Hồ Chí Minh - nơi an nghỉ cuối cùng. Thiếu tướng Trần Văn Trân đã đi xa nhưng tên tuổi và sự nghiệp của anh để lại cho quân đội, cho quê hương, cho Tổ quốc là to lớn. Tên anh được đưa vào Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam.

10 năm đã qua, đối với tôi, hình ảnh anh, tình cảm với bao kỷ niệm với anh mãi mãi đọng lại trong tâm trí tôi, một người bạn thân tình của anh.

Nhớ anh mãi, anh Trân ơi!
TP. Hồ Chí Minh, tháng 3-2007
T.C.C
___________________________________
1. Nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM