Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 03:45:16 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chuyện bây giờ mới kể  (Đọc 30646 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« vào lúc: 07 Tháng Tư, 2016, 10:00:34 am »

Tên sách: Thiếu tướng Trần Văn Trân-Chuyện bây giờ mới kể
Tác giả: Nhiều tác giả
Nhà xuất bản: Quân đội Nhân dân
Năm xuất bản: 2007
Số hoá: ptlinh, chuongxedap



Sưu tầm tuyển chọn:
- Trung tướng VŨ CAO
- Nhà giáo VÕ BÍCH HÀ
- Đại tá VŨ THANG
- Đại tá TRẦN VĂN SANG
- Kỹ sư TRẦN CHÍ LINH





Lời giới thiệu


Thiếu tướng Trần Văn Trân (1927 - 1997), tên thường gọi thân mật là Ba Trân, người con của mảnh đất Thừa Thiên - Huế, nguyên Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Mặt trận 719, Phó Giám đốc Học viện Lục quân, Phó Tư lệnh Quân đoàn 4.

Sinh trưởng trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, từ một thanh niên yêu nước sớm được giác ngộ, ngay sau ngày Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, ông hăng hái gia nhập Giải phóng quân tại thành phố Huế, trực tiếp cầm súng chiến đấu trong đội hình Trung đoàn Trần Cao Vân - 101.

Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, khói lửa chiến tranh đã trui rèn nên phẩm chất can trường, chịu đựng gian khổ hy sinh, quyết đánh và quyết thắng của Thiếu tướng Trần Văn Trân. Tên tuổi của ông gắn liền với nhiều chiến công vang dội của các sư đoàn chủ lực, và được định vị trong Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam.

Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông tham gia chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên, miền Tây và miền Đông Nam Bộ trên cương vị Sư đoàn trưởng. Đầu năm 1970, trong một lần đi chuẩn bị chiến trường ở An Giang, ông bị thương và bị sa vào tay giặc. Với sự thương yêu đùm bọc của đồng chí đồng đội, ông đã khôn khéo che giấu được tung tích của mình, giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cách mạng, một lòng một dạ trung thành với Đảng, với Tổ quốc. Sau Hiệp định Pa-ri, ông được đối phương trao trả tại Quảng Trị, ông trở về trong tư thế của người chiến thắng. Chuyện kể về quãng thời gian sống trong các nhà tù của Mỹ ngụy từ Cần Thơ đến Hố Nai (Biên Hòa) của người Sư đoàn trưởng Quân giải phóng trong vai “thượng sĩ đông y” đã trở thành huyền thoại.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ông là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 341 (Sông Lam) đảm nhiệm đột kích hướng Xuân Lộc, mở toang “cánh cửa thép” của địch, đưa đại quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước Xuân 1975.

Thiếu tướng Trần Văn Trân, ngoài sự dũng lược và tài trí sáng tạo trong chiến đấu, ông còn là một người chỉ huy có tấm lòng đôn hậu, đại lượng, bao dung; luôn gần gũi, thủy chung, để lại những dấu ấn sâu đậm với đồng chí, đồng đội.

Kỷ niệm 10 năm ngày ông đi xa, tưởng nhớ đến ông, nhiều tướng lĩnh, đồng chí, đồng đội, bạn bè và người thân trong gia đình đã phối hợp cùng Nhà xuất bản Quân đội nhân dân tổ chức sưu tầm, tập hợp và biên soạn cuốn sách “Thiếu tướng Trần Văn Trân, chuyện bây giờ mới kể”.

Với tình cảm chân thành, với lối viết giản dị và trong sáng của những người trong cuộc, cuốn sách đã góp phần khắc họa sống động chân dung cố Thiếu tướng Trần Văn Trân, đồng thời góp phần làm sáng tỏ nhiều sự kiện, nhiều chi tiết mới lạ, hấp dẫn.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!


NHÀ XUẤT BẢN QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN
« Sửa lần cuối: 09 Tháng Hai, 2021, 10:23:54 am gửi bởi ptlinh » Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #1 vào lúc: 07 Tháng Tư, 2016, 10:02:26 am »


THƯƠNG TIẾC ĐỒNG CHÍ THIẾU TƯỚNG TRẦN VĂN TRÂN

Đại tướng Võ Nguyên Giáp


Trong hàng ngũ tướng lĩnh quân đội nhân dân Việt Nam, đồng chí Thiếu tướng Trần Văn Trân là một cán bộ dày dạn trong chiến đấu, trưởng thành từ chiến sĩ lên cán bộ chỉ huy Sư đoàn, Quân đoàn.

Suốt cuộc chiến tranh 30 năm giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, đồng chí đã có mặt trên các chiến trường nóng bỏng, từ Trị - Thiên đến Tây Nguyên, miền Đông, miền Tây Nam Bộ và biên giới Tây Nam. Đồng chí là một đảng viên trung kiên mẫu mực, một cán bộ có đức độ và tài năng, dũng cảm mưu trí, năng động sáng tạo, không quản khó khăn gian khổ ác liệt, gần gũi thương yêu chiến sĩ, gắn bó với nhân dân, nên trong chiến đấu cũng như trong xây dựng đã lập được nhiều chiến công và thành tích xuất sắc.

Không chỉ ngoài mặt trận mà trong ngục tù Mỹ ngụy, khi đi chuẩn bị chiến trường không may sa vào tay giặc, trên cương vị Sư đoàn trưởng, đồng chí đã tỏ rõ lòng trung thành tuyệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân, khôn khéo giữ bí mật ẩn mình trong sự bảo vệ và che chở của đồng đội để đấu tranh với địch và trở về với cách mạng.

Đồng chí Thiếu tướng Trần Văn Trân không còn nữa, nhưng phẩm chất và tài năng, nghĩa tình của đồng chí với đồng đội và đồng bào mãi mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ cán bộ và chiến sĩ Quân đội ta.

Hà Nội, ngày 9 tháng 6 năm 2007.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #2 vào lúc: 07 Tháng Tư, 2016, 10:05:32 am »


ĐỒNG CHÍ TRẦN VĂN TRÂN VỊ TƯỚNG “MỘT SAO” KHIÊM NHƯỜNG, NGƯỜI CHỈ HUY HUYỀN THOẠI
Võ Văn Kiệt
Nguyên Thủ tướng Chính phủ


Đồng chí Trần Văn Trân là một người con ưu tú của xứ Huế. Tôi được nghe ngay sau ngày Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, anh hăng hái gia nhập Giải phóng quân và trực tiếp chiến đấu trong đội hình Trung đoàn Trần Cao Vân - 101 oai hùng. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, anh trưởng thành từ chiến sĩ lên đến cán bộ trung đoàn. Tài năng đánh giặc của anh gắn liền với những chiến công vang dội của các sư đoàn chủ lực, rất đáng tự hào. Có thể nói anh Trân là một chiến binh được trui rèn ngay nơi chiến trường ác liệt thời chống Pháp, qua những địa danh như "Bình Trị Thiên khói lửa", ''Chiến khu Dương Hòa", đất thép nơi có "những bà mẹ Gio Linh anh hùng" (nơi mà tôi đã đi qua đầu năm 1952, lúc từ Chiến khu Việt Bắc trở về).

Trong kháng chiến chống Mỹ, anh Trân và đơn vị anh cũng là những người đầu tiên đi B về chiến trường cũ từ rất sớm. Vào khoảng đầu năm 1965, anh đã có mặt chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên ác liệt.

Sau Mậu Thân, địch phản kích dữ dội, chúng tiến hành bình định cấp tốc, bình định đặc biệt. Ở Đồng bằng sông Cửu Long, tôi còn nhớ rõ Sư đoàn 1 của anh Trần Văn Trân được Bộ Chỉ huy Miền quyết định tăng cường chi viện cho chiến trường Tây Nam Bộ. Anh là Phó bí thư Tiền phương, Tư lệnh Mặt trận An Giang. Khoảng đầu năm 1970, trong một lần đi nghiên cứu chiến trường vào ban đêm, khi đến khu vực kênh Vĩnh Tế (An Giang) thì anh Trân cùng một số anh em khác bị rơi vào ổ phục kích của địch. Chúng tôi được báo cáo: Sư trưởng Trần Văn Trân và một số chiến sĩ hy sinh không tìm được xác. Tin nhận được khiến ai cũng đau đớn, bàng hoàng. Sau đó, sư đoàn làm lễ truy điệu, thông báo đến gia đình. Ở ngoài Bắc, chị Hà và các cháu để tang cho anh, coi như vĩnh viễn mất anh.

Cho tới lúc ấy, tôi vẫn chưa được gặp anh lần nào, nhưng được nghe anh em trong quân đội nói nhiều về anh và rất thương tiếc một Tư lệnh sư đoàn đánh địch có tầm cỡ, qua nhiều chiến trường ác liệt và là một cán bộ chỉ huy bản lĩnh, đức độ. Anh em chúng tôi trong Quân khu 9 vô cùng thương tiếc anh.

Đến năm 1973, sau Hiệp định Pa-ri, trong số anh em được trao trả bất ngờ có đồng chí Trần Văn Trân. Anh Trân còn sống! Tin vui làm sững sờ tất cả, bởi không ai dám nghĩ còn gặp được anh. Hóa ra, anh và một số chiến sĩ ta bị địch bắt, nhưng bằng trí thông minh, quả cảm của mình, anh khôn khéo xây dựng anh em và che giấu được tên tuổi của mình. Đây là một tin vui rất "huyền thoại". Chị Hà và gia đình cũng như đơn vị được xả tang anh.

Sau đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có ý định cho anh Trân đi nghỉ dưỡng ở nước ngoài nhưng anh từ chối và xin nhận ngay nhiệm vụ Sư đoàn trưởng Sư đoàn 341. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, Sư đoàn 341 của anh Trân đột phá thị xã Xuân Lộc, Trảng Bom, khai thông cánh cửa cho đại quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn. Tôi biết nhiều về anh Trân và gia đình anh từ đó.

Sau ngày đất nước thống nhất, anh Trần Văn Trân được đề bạt Phó Tư lệnh Quân đoàn 4, Phó Giám đốc Học viện Lục quân (Đà Lạt), Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Mặt trận 719 (quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia), suốt nhiều năm đối mặt với bọn diệt chủng Pôn Pốt, góp phần giúp nhân dân nước bạn hồi sinh.

Tôi nhớ mãi một sự kiện khi tuổi quân của anh Trần Văn Trân đã đến lúc được nghỉ ngơi. Lúc bấy giờ, tĩnh hình cách mạng Apganistan đang diễn biến hết sức phức tạp, thủ đô Kabul liên tục bị phe Taliban uy hiếp. Anh Trần Văn Trân được lựa chọn và đề cử làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của ta tại Apganistan. Tôi tiếp anh Trân ở Hà Nội trước khi anh lên đường nhận nhiệm vụ mới. Hai anh em tâm sự khá nhiều về chuyện chiến trường, chuyện đời thường. Tôi đoán biết là không ai tình nguyện nhận chức vụ quan trọng này, giành phần "danh dự" cho vị Tướng một sao "chết rồi, sống lại". Có thể nói hầu như cả cuộc đời binh nghiệp của mình, anh Trân thuộc nằm lòng mấy chữ "chấp hành mệnh lệnh", không thuộc chữ "từ chối". Duy nhất chỉ có một lần, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho phép anh đi nghỉ dưỡng ở Liên Xô sau khi vừa ra khỏi ngục tù của địch, anh đã từ chối. Giờ đây, anh lại tiếp tục sẵn sàng dấn thân vào tuyến lửa đi nhận nhiệm vụ của một sứ giả hoà bình.

Tuy nhiên, cũng may cho riêng anh Trân và cho gia đình anh, đó là cái chức "Đại sứ hụt" bởi tình hình Apganistan thay đổi quá nhanh chóng. Nhờ vậy mà anh giành được một ít thời gian còn lại của cuộc đời cho vợ, cho con trước khi đi xa.

Vài dòng ngắn ngủi thay cho nén nhang tưởng nhớ đến vị tướng, người chỉ huy huyền thoại, đồng chí Trần Văn Trân.
V.V.K
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #3 vào lúc: 07 Tháng Tư, 2016, 10:08:31 am »


THƯƠNG NHỚ ANH TRẦN VĂN TRÂN
Thượng tướng GS Hoàng Minh Thảo1


Anh Trần Văn Trân là một  người chỉ huy mưu trí, dũng cảm, lập được nhiều chiến công hiển hách.

Anh đã chỉ huy sư đoàn lập được nhiều chiến thắng vẻ vang, chiến đấu ngày càng phát triển. Anh là người chỉ huy kiên cường mẫu mực, không ngại hy sinh gian khổ; có ý thức tổ chức, kỷ luật tốt. Việc gì trên giao là anh khắc phục mọi khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong chỉ huy anh là người kiên quyết, quyết đoán. Trong quan hệ anh có tình cảm với anh em, có tác phong quần chúng, thương yêu mọi người. Đối với anh em cán bộ chiến sĩ, anh quan hệ như bạn bè, thương yêu chiến sĩ; đoàn kết, có tác phong quần chúng, dân chủ. Cuộc sống của anh giản dị, dễ gần gũi. Anh em ai cũng ủng hộ anh, chấp hành mọi ý kiến mệnh lệnh của anh, để cùng hoàn thành nhiệm vụ. Mọi nhiệm vụ anh đều hoàn thành tốt, từ chiến trường Tây Nguyên đến Nam Bộ. Anh là người chồng, người cha tốt của gia đình.

Anh mất đi là một tổn thất    lớn của Đảng và quân đội cùng gia đình. Mấy dòng hồi ký này là để thắp một nén nhang để biết ơn anh. Mong anh an nghỉ giấc ngàn   thu.
Hà Nội, 22-11-2006

H.M.T
_________________________________________
1. Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Quân sự - Bộ Quốc phòng
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #4 vào lúc: 07 Tháng Tư, 2016, 10:12:21 am »


ANH ĐÃ ĐI RỒI, NHƯNG HÌNH ẢNH ANH VẪN CÒN ĐỌNG MÃI
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước1

Một ngày cuối tháng 3 năm 1997, sau khi có quyết định nghỉ hưu, vợ chồng tôi từ Quân khu 4 vào Thành phố Hồ Chí Minh để thăm vợ chồng anh Trần Văn Trân và các cháu. Lâu ngày gặp lại ôn nhiều chuyện cũ, chuyện chiến đấu, chuyện bạn bè, chuyện hậu phương gia đình trở lại những ngày sôi sục trước âm mưu “Bắc tiến” của Ngô Đình Diệm trên địa bàn nam Quân khu 4, nơi mà Sư đoàn 325 của chúng tôi do anh làm Sư đoàn trưởng với bao cảm xúc về tình đồng chí, đồng đội, tình anh em. Tuy hơn anh một tuổi nhưng tôi vẫn luôn gọi bằng anh và anh thường gọi tôi bằng cậu hoặc gọi theo tên. Ngồi thăm anh chị suốt một buổi, anh bảo lâu ngày hai vợ chồng ở lại ăn cơm với gia đình để có thêm thời gian trò chuyện tâm tình. Lúc này anh mới qua một cơn tai biến não, đi lại không được hoạt bát như trước, nhưng nói năng hành động vẫn sôi nổi như xưa. Vì không còn thời gian, vợ chồng tôi nói lần này vội, đến thăm anh chị, nay được nghỉ rồi xin để lần sau, năm tháng còn dài, lo gì chuyện ăn uống, chỉ sợ anh chị không đủ sức bao bọn này thôi, cũng tưởng sẽ còn nhiều lần có thể gặp nhau. Nào ngờ vừa ra đến Hà Nội được mấy hôm, vào buổi đêm 29 tháng 3 năm 1997 chị Bích Hà, vợ anh điện cho tôi báo tin anh đã từ trần. Tin như sét đánh, tôi bàng hoàng và không tin vì mới mấy ngày trước đây anh chưa có hiện tượng gì suy sụp nhanh được. Tin dữ đến với tôi, bao nhiêu kỷ niệm những ngày cùng sống, công tác, chiến đấu bên nhau, chuyện đơn vị, chuyện bạn bè, chuyện gia đình, đặc biệt là những kỷ niệm với tình cảm sâu nặng giữa anh và tôi, giữa hai gia đình lại hiển hiện lên trong đầu óc tôi như những hình ảnh của mới ngày hôm qua…

Những năm tháng sôi sục trên mảnh đất Quảng Bình - nam Quân khu 4

Năm 1957, tôi đang làm Trưởng ban Tác huấn Trung đoàn 101 thì được điều động về làm trợ lý tác chiến Sư đoàn 325 tại Thuận Lý, tây thị xã Đồng Hới, sau là Phó phòng rồi Trưởng phòng Tác chiến Sư đoàn. Lúc bấy giờ anh Trân là Tham mưu trưởng, anh Lê Đình Sum là Sư đoàn trưởng. Một thời gian ngắn anh Sum đi nhận công tác mới, anh Trân đảm nhiệm quyền Sư đoàn trưởng rồi Sư đoàn trưởng, mãi đến cuối năm 1964 Sư đoàn 325 được tổ chức thành hai sư đoàn: 325A và 325B. Sư đoàn 325A do đồng chí Nguyễn Hữu An được Bộ điều về làm Sư đoàn trưởng, vào chiến trường B cuối năm 1964. Anh Trân được giao nhiệm vụ, tiếp tục tổ chức xây dựng Sư đoàn 325B, đảm nhiệm sẵn sàng chiến đấu bảo vệ giới tuyến và phía nam Quân khu, đồng thời khẩn trương chuẩn bị đi tiếp vào Nam chiến đấu. Sau gần một năm xây dựng, huấn luyện đồng thời đảm nhận nhiệm vụ chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu, vào giữa năm 1965, sư đoàn được lệnh lần lượt lên đường vào Tây Nguyên. Trước ngày xuất phát, cấp trên quyết định đồng chí Vương Tuấn Kiệt về làm Sư đoàn trưởng, anh Trân làm Sư đoàn phó Sư đoàn 1, kiêm Tham mưu trưởng, tôi làm Trưởng ban Tác chiến sư đoàn. Đây là thời điểm đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm sâu sắc về những hoạt động của sư đoàn và cá nhân anh với tư cách là người đứng đầu sư đoàn trong một thời gian dài. Nhưng nói đến thành tích của hai Sư đoàn 325A và 325B khi vào chiến trường chiến đấu không thể không nhắc đến công lao của anh trong tập thể Bộ chỉ huy sư đoàn mà anh là người chủ trì cùng với anh Hoàng Văn Thái - Chính ủy, sau là anh Quách Sỹ Kha, đã kiến tạo nên. Trong một thời gian dài, sau khi anh Lê Đình Sum đi nhận công tác mới, anh đã cùng Bộ Tư lệnh Sư đoàn và ba cơ quan xây dựng 2 sư đoàn thành đơn vị mạnh, một quả đấm thép cùng với Trung đoàn 270 bảo vệ vững chắc vùng giới tuyến nam Quân khu 4 cùng với thành tích các sư đoàn trên các chiến trường Tây Nguyên - Khu 5 và Nam Bộ trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Là một cán bộ trưởng thành rất sớm từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp với các cương vị chỉ huy từ cấp phân đội đến cấp tiểu đoàn, trung đoàn, luôn ở tuyến đầu của trận mạc, nên anh Trân đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm thực tế để đưa vào vận dụng một cách sáng tạo trong huấn luyện và chiến đấu. Ở anh không có nhiều về lý luận. Tôi cảm nhận ở anh từ kinh nghiệm thực tế của bản thân và đơn vị trên chiến trường mà rút ra những vấn đề có tính lý luận để áp dụng trong huấn luyện đơn vị cả về năng lực chỉ huy, cả về hành động của chiến sĩ và phân đội nhỏ, đi kiểm tra huấn luyện anh rất say sưa với những hành động sáng tạo của cán bộ cơ sở và chiến sĩ trên thao trường. Ở anh, con người chỉ huy hành động nhiều hơn là một cán bộ lý luận. Anh không nói nhiều mà thường diễn đạt bằng hành động thực tế. Thường những cuộc hội nghị tổng kết về xây dựng và huấn luyện, anh rất quan tâm nghe những trình bày của cán bộ cấp dưới, nhất là những điểm mới trong vận dụng chiến thuật, kỹ thuật, từ đó anh khái quát lên thành những vấn đề có tính lý luận - thực tiễn để mọi người tiếp thu. Với tác phong quần chúng - dân dã, dân chủ nên anh đã khơi dậy được tính độc lập tự tin của cán bộ cấp dưới khi trình bày một vấn đề gì, từ đó mà mạnh dạn bộc lộ hết suy nghĩ, tư duy của mình. Nhiều lần thông qua kế hoạch và phương án huấn luyện hoặc tác chiến của một trung đoàn, sau khi đồng chí Trung đoàn trưởng báo cáo xong, anh bảo tôi với tư cách là cơ quan Tham mưu có ý kiến nhận xét đánh giá của mình, và khi mọi người đã phát biểu hết ý kiến anh chỉ tóm tắt một cách ngắn gọn nêu lên những vấn đề có tính khái quát và cơ bản nhất, làm sáng tỏ nội dung của vấn đề. Tuy là một cán bộ quân sự, nhưng khi giao nhiệm vụ cho đơn vị, anh Trân luôn gắn với công tác động viên, công tác tư tưởng nên dễ truyền cảm được ý định quyết tâm của người chỉ huy, vì vậy mà trong quá trình chấp hành nhiệm vụ, với ý thức tự giác và tư tưởng thông suốt nên đã phát huy được tính chủ động sáng tạo của cấp dưới...
________________________________
1. Nguyên ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 4.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #5 vào lúc: 07 Tháng Tư, 2016, 10:12:57 am »


Trong những ngày nóng bỏng sôi sục trước âm mưu “Bắc tiến” của Ngô Đình Diệm ra vùng bắc giới tuyến nam Quân khu 4 với những hoạt động tổ chức biệt kích xâm nhập bằng đường biển, đường bộ và đường không, nhằm móc nối với bọn phản động nội địa, điều tra và phá hoại các cơ sở quân sự chính trị, làm mất ổn định tình hình tại tuyến đầu hậu phương miền Bắc. Với sự nhạy cảm về chính trị, ý thức cảnh giác cao, anh đã đưa sư đoàn vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao một cách khẩn trương ở trình độ cao. Ban ngày tranh thủ huấn luyện, chuẩn bị cho nhiệm vụ vào Nam, ban đêm tổ chức các lực lượng phối hợp với lực lượng dân quân du kích và bộ đội địa phương truy lùng bọn biệt kích nhái từ biển vào, bọn sơn cước từ máy bay thả xuống vùng rừng núi tây Quảng Bình, nên hễ toán nào vừa xâm nhập đã bị ta tóm gọn. Phán đoán ý đồ địch sẽ tìm cách tập kích vào thị xã Đồng Hới và khu vực Sư đoàn bộ, anh Trân chỉ đạo chúng tôi tổ chức một cuộc tập kích không báo trước để nâng cao ý thức cảnh giác, sẵn sàng chủ động đối phó khi tình huống xảy ra. Sau khi thống nhất phương án và bí mật chuẩn bị, một đêm tối trăng anh và một bộ phận cán bộ tác chiến, trinh sát bất ngờ dùng bộc phá tập kích vào cơ quan Sư đoàn bộ và Trung tâm thông tin. Mọi người hoàn toàn bất ngờ, tưởng là địch tập kích thật, nhưng vì đã được luyện tập trước theo phương án khác nhau nên khi xảy ra mọi người đều hành động một cách nhanh chóng, theo phương án dự kiến không hề lúng túng bối rối và mọi người vào đúng vị trí, thực hiện nhiệm vụ theo phương án đã phân công. Kết thúc cuộc diễn tập, mọi người mới biết đây là cuộc kiểm tra của đồng chí Sư đoàn trưởng và Cơ quan Tác chiến đối với Cơ quan sở chỉ huy. Quả nhiên mấy ngày sau, một toán biệt kích nhái bí mật xâm nhập vào khu bãi biển vắng người ở bắc Bàu Tró, bố trí hỏa tiễn hẹn giờ nhằm tập kích vào thị xã Đồng Hới rồi bí mật rút lui, nhưng do hốt hoảng dàn hỏa tiễn của chúng chỉ nổ được một quả nhưng lại chệch hướng qua phía ruộng, và khi phát hiện ra tiếng nổ dân quân biển đã được tập luyện trước nên đã kịp thời bủa vây bắt gọn khi chúng tháo chạy ra ngoài biển. Âm mưu tung biệt kích ra phá hoại bị thất bại, đế quốc Mỹ đẩy mạnh đánh phá miền Bắc. Tinh thần sẵn sàng chiến đấu của đơn vị và địa phương hết sức cao. Cuộc tập kích bằng không quân ngày 5 tháng 8 năm 1964, tiếp đó là các cuộc oanh kích liên tục trong những ngày đầu tháng 2 năm 1965 vào khu vực Đồng Hới và sư đoàn, đơn vị hoàn toàn không bị bất ngờ, sẵn sàng đánh trả các đợt oanh kích của địch. Tại sở chỉ huy dã chiến của sư đoàn, anh Trân thường trực theo dõi qua đài quan sát các hướng xuất kích của máy bay địch, kịp thời ra lệnh cho cơ quan tác chiến và pháo binh phòng không chuyển lệnh cho các đơn vị cao xạ, các hỏa lực phòng không và bộ binh kịp thời đánh trả và bảo toàn lực lượng cho toàn đơn vị. Toàn đơn vị cũng như nhân dân hết sức bình tĩnh bước vào cuộc chiến, không nao núng và lúng túng. Sau ngày oanh kích đầu tiên, theo phương án đã chuẩn bị trước, anh lệnh cho toàn sư đoàn nhanh chóng rời khỏi doanh trại ngay trong đêm, đề phòng địch tiếp tục oanh kích ngày hôm sau. Mọi việc diễn ra trong trật tự nhưng rất khẩn trương. Anh cùng một bộ phận của các cơ quan tham mưu, chính trị lần lượt xuống kiểm tra việc di chuyển của các đơn vị. Những hành động đó đã tạo cho đơn vị ý thức về cuộc chiến đấu thực sự, một tác phong chiến đấu khẩn trương không để xảy ra bị động bất ngờ.

Một sự kiện đáng nhớ nhất đối với anh, ngày 1 tháng 2 năm 1965 khi địch tập trung oanh kích vào khu vực các mục tiêu quân sự của sư đoàn lúc này đã bị bỏ trống, với thế trận phòng không đã chuẩn bị sẵn, các đơn vị phòng không của sư đoàn đã cùng với bộ đội địa phương, dân quân du kích chủ động đánh trả quyết liệt, bắn rơi 3 máy bay, bắn bị thương một số khác trong đó có 1 chiếc F8A bị rơi tại chỗ. Lực lượng địa phương và dân quân tóm được tên phi công vũ trụ thiếu tá Su-mêch-cơ. Lập tức anh điện cho Tỉnh đội cho giải về sở chỉ huy dã chiến của sư đoàn và sư đoàn đã kịp thời khai thác nắm chặt kế hoạch của địch để kịp thời triển khai đối phó. Ban đầu tên phi công này rất ngạo mạn, hắn yêu cầu ta phải đối xử theo luật quốc tế về tù hàng binh, và yêu cầu đưa về cơ quan chỉ huy tối cao. Anh Trân nổi nóng quát tháo, qua phiên dịch (đồng chí phiên dịch cũng chỉ hiểu “trọ trẹ” được phần nào thôi). Anh nói: mày là lũ giặc đến giết hại đồng bào tao, mày không đủ tư cách là một tù hàng binh, người chỉ huy tối cao là tao đây! Thái độ với kẻ thù vừa giết hại đồng đội và đồng bào đã cổ vũ tinh thần khí thế của cán bộ chiến sĩ toàn sư đoàn, động viên mọi người tăng cường cảnh giác sẵn sàng chiến đấu, quyết bắt bọn giặc phải đền nợ máu. Vì điều kiện ngôn ngữ hạn chế anh quyết định ngay trong đêm cho giải tên giặc lái ra Quân khu để có điều kiện khai thác, nắm được ý đồ, kế hoạch của địch, chủ động đối phó về mặt chiến lược...

Những năm tháng với tư cách là một cán bộ chủ chốt của cơ quan tham mưu tác chiến, làm việc với anh tôi thấy vừa dễ, nhưng lại vừa rất khó. Dễ bởi vì anh là người chỉ huy rất dân chủ, luôn tôn trọng và lắng nghe ý kiến của cấp dưới dù đó là ý kiến khác với mình, không bao giờ anh cắt ngang ý kiến của cấp dưới khi ý kiến đó khác ý kiến của anh. Do đó khi phát biểu không phải rào đón, có gì trong óc được tự do bộc lộ hết, chính phong cách đó làm cho cấp dưới mạnh dạn nói hết suy nghĩ của mình được tranh luận và được anh phân tích, cân nhắc và kết luận, tạo được sự nhất trí cao trên dưới và khi thực hiện thì đồng lòng đồng sức cùng nhau quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để thực hiện đến cùng. Cái khó ở đây là người chỉ huy cho mình được quyền nói hết suy nghĩ, ý kiến của mình, thì bản thân phải làm sao có những ý kiến, những đóng góp có chất lượng, trên tôn trọng dưới thì dưới lại càng phải tôn trọng cấp trên từ đó mà phải vắt óc suy nghĩ, không thể bạ đâu nói đấy, được chăng hay chớ, thiếu trách nhiệm. Chính vượt qua được cái đó, có những ý kiến sai đúng nên đã nâng mình lên một tầng cao mới, đáp ứng được yêu cầu của một cán bộ tham mưu có chất lượng. Làm việc với anh Trân, vừa dễ dàng vừa nghiêm túc và trách nhiệm. Học tập phong cách làm việc đó, sau này ở các cương vị chỉ huy khác nhau tôi tự xác định cho mình ý thức luôn luôn chịu khó lắng nghe, khêu gợi cho dưới phát huy hết ý kiến dân chủ nhất là chịu khó lắng nghe những ý kiến khác với mình để có cơ sở đối chứng, suy nghĩ, phân tích làm rõ đúng sai có kết luận chính xác. Phong cách đó đã tạo được một sự đoàn kết thống nhất thực sự giữa người chỉ huy và cơ quan, giữa cấp trên và cấp dưới. Qua thực tiễn trong chiến đấu, cán bộ các cấp trong hai Sư đoàn 325A và 325B khi vào chiến trường đều là những đơn vị đã luôn hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc. Tôi được biết Sư đoàn 341 được vào chiến đấu trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến do anh và tập thể Ban chỉ huy sư đoàn xây dựng trong một thời gian ngắn đã thể hiện là một sư đoàn tiêu biểu trong chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, đơn vị tuổi đời rất trẻ nhưng đã hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong chống Mỹ và trong chiến tranh biên giới Tây Nam...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #6 vào lúc: 07 Tháng Tư, 2016, 10:13:40 am »


Năm 1969, anh Trân đưa Sư đoàn 1 vào chiến đấu ở Nam Bộ, tôi không có điều kiện theo dõi tình hình mà chỉ được biết trong một lần đi chuẩn bị chiến trường đoàn cán bộ bị địch phục kích, anh bị sa vào tay giặc. Đầu năm 1973, anh được trao trả tại Thạch Hãn. Mãi đến năm 1974 khi anh làm Sư trưởng Sư đoàn 341, tôi từ Tây Nguyên ra Hà Nội, thay mặt Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên B3 nhận nhiệm vụ chiến dịch giải phóng Tây Nguyên 1975, qua khu vực nam Quảng Bình, tôi cố tìm đến Sư đoàn 341 để thăm anh. Hai anh em gặp nhau được một đêm, cùng nhau tâm sự mãi đến sáng mà câu chuyện chưa kết thúc. Bao nhiêu chuyện cũ, chuyện đơn vị, chuyện chiến đấu, chuyện riêng tư và gia đình... Đến mờ sáng, anh chiêu đãi tôi một bữa cháo gà, món ăn mà mười năm trên chiến trường Tây Nguyên ít khi dám nghĩ tới. Tạm biệt anh để ra gặp Bộ Tư lệnh nhận nhiệm vụ, mãi sau giải phóng miền Nam 30 tháng 4 năm 1975, trong buổi kỷ niệm ngày truyền thống của Sư đoàn 325 tại căn cứ Nước Trong, những cán bộ cũ của Sư đoàn 325 mới hội tụ về đây trong niềm vui sướng và tình cảm dạt dào của những người còn sống để báo cáo với Bác Hồ kính yêu là các thế hệ của Sư đoàn 325 con đẻ của Bình Trị Thiên - Quân khu 4 đã hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang, góp phần giải phóng miền Nam thống nhất đất nước theo đúng nguyện vọng của Bác...

Lại nhớ tới những ngày cuối năm 1969, sau khi có quyết định của Bộ Chính trị về việc mở tuyến cơ giới để rút ngắn thời gian đưa lực lượng và vật chất vào miền Nam, Sư đoàn 325 được giao nhiệm vụ phối hợp với đường dây 559 mở đường cơ giới trên đoạn tây Quảng Bình vào làng Ho - Vítthùlù - cao điểm 1001 - Cù Bai, giáp ngọn nguồn sông Hiền Lương. Để giữ bí mật, bộ phận mở đường chỉ được phổ biến là để tiếp tế cho hai đồn biên phòng Cù Bai và Tàrua, chỉ có các đồng chí trong Bộ Tư lệnh và một vài đồng chí chủ chốt trong cơ quan tham mưu và chính trị biết rõ ý định này. Với tâm niệm và nguyện vọng được nhanh chóng tham gia tiếp ứng cho miền Nam trong đó có quê hương Thừa Thiên của anh. Anh Trân giao cho tôi chuẩn bị một bộ phận cán bộ tác chiến, trinh sát, công binh, thông tin được tuyển chọn kỹ càng để cùng anh chuẩn bị lên đường, khảo sát mở tuyến. Đi trong đoàn này có đồng chí Song Nguyên - Chủ nhiệm trinh sát, đồng chí Lưu Xuân Sỹ - Chủ nhiệm công binh. Ba chúng tôi là cánh tay đắc lực cho anh trong nhiệm vụ trọng đại này. Lúc này đã vào mùa mưa dầm gió bấc, rét lạnh. Anh cùng chúng tôi vượt qua đèo cao, suối thẳm, chui rúc để tìm tuyến, phát tuyến, đánh dấu đường để sau này đưa bộ đội vào mở đường. Đói rét, sên vắt, mệt mỏi nhưng mọi người đều hăng say. Những lúc mệt nhọc anh thường động viên chúng tôi bằng những câu chuyện tiếu lâm vui nhộn. Mấy chục ngày lặn lội nơi núi cao, suối sâu, rừng rậm chúng tôi đã xác định xong tuyến đường. Từ đó một công trường thủ công mở đường cơ giới được hình thành và sau hơn hai tháng với tinh thần “mỗi người làm việc bằng hai, bằng ba” không kể đêm ngày, anh trực tiếp thường xuyên trên tuyến để cùng anh em hoàn thành vượt mức thời gian mà Bộ Chính trị giao. Tuyến vận chuyển rút ngắn được nhiều ngày. Bộ đội và đồng bào miền Nam sớm nhận được “dòng máu” của bộ đội và đồng bào miền Bắc để cùng quyết tâm giải phóng miền Nam. Nhiệm vụ đặc biệt này của sư đoàn được Quân ủy và Bộ Tài chính khen. Qua nhiệm vụ này mà cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 325 được tiếp cận với nhiệm vụ chi viện miền Nam, nên đã tạo được sự khát vọng sớm được vào Nam chiến đấu bên cạnh đồng bào, đồng chí miền Nam “đi trước về sau”...

Tuyến đường cơ giới vừa thông, sư đoàn lại được lệnh tổ chức cho Trung đoàn 101 sang phối hợp với bạn Lào tiêu diệt đồn Tà Khống - Sê Pôn, mở rộng vùng giải phóng trên trục đường 9 để tạo thêm căn cứ giải phóng cho bạn, đồng thời để chuẩn bị mở tuyến cơ giới tây Trường Sơn vào miền Nam. Một lần nữa anh Trân lại cùng đoàn cán bộ cơ quan sư đoàn cùng với đồng chí Trung đoàn trưởng Võ Huy, đồng chí Chính ủy Thái Bá Nhiệm cùng vượt biên giới đi chuẩn bị chiến trường. Việc chuẩn bị rất khẩn trương, nhưng lại vào mùa mưa, nước sông Sê Băng Hiêng chảy xiết, thuyền bè không có, nhưng bằng mọi cách phải vượt qua để tiếp cận mục tiêu, với yêu cầu tuyệt đối giữ bí mật và với đồng bào nước bạn nên mọi người đều ăn mặc theo trang phục bộ đội Pathét Lào từ đầu đến chân. Sau một thời gian chuẩn bị chu đáo, anh trực tiếp thông qua phương án tại thực địa, Trung đoàn 101 được lệnh bí mật vượt sông Sê Băng Hiêng, tiếp cận mục tiêu. Với hình thức tập hợp bí mật và cường tập, đơn vị nhanh chóng tiêu diệt đồn Tà Khống, phát triển và giải phóng thị trấn Sê Pôn, Mường Phin, giải phóng một vùng rộng lớn từ Kaki giáp Lao Bảo, Quảng Trị đến đồn Pha Lan. Vùng giải phóng đường 9 được mở rộng, hành lang tây Trường Sơn có điều kiện mở tuyến cơ giới vào phía tây tỉnh Thừa Thiên đến ngã ba La Hạp, đồng thời ta nhanh chóng khôi phục sân bay Tà Khống để dùng máy bay từ sân bay Đồng Hới chuyển hàng tiếp tế cho ta và bạn lập căn cứ hậu cần để chi viện cho miền Nam. Đến lúc này tuyến tiếp tế đã được rút ngắn hàng chục ngày, sợi dây nối liền Nam Bắc ngày một ngắn dần. Những kỷ niệm đó dù đã đi qua mấy chục năm, nhưng không bao giờ phai mờ trong trí nhớ chúng tôi. Những kỷ niệm tốt đẹp về đồng đội, về đơn vị, về anh Trần Văn Trân, người chỉ huy mẫu mực mà chúng tôi hết sức quý mến. Nhớ những ngày đi mở tuyến, những ngày chuẩn bị chiến trường, ngày chui lủi, chui rúc, dầm mình trong nước lạnh, vượt sông, cùng những lúc vượt đỉnh Trường Sơn dốc đứng, phải chặt cây làm thang, người sau đỡ người trước, người trước kéo người sau để vượt lên, tuy vô cùng vất vả nhưng mọi người đều vui. Những đêm về bên cạnh đống lửa giữa núi rừng bạt ngàn chưa từng có dấu chân người, mọi người ôm nhau nằm quanh cho đỡ lạnh, nhưng lại thương anh em vệ binh, trinh sát vẫn phải thức canh gác đề phòng thú rừng hoặc bọn biệt kích thám báo. Nhiều đêm thấy anh em chiến sĩ vất vả, anh Trân bảo cho tôi gác đỡ anh em một phần và đêm anh cũng tự phân cho mình nhận một phiên gác như mọi người, là một người chỉ huy trưởng thành từ chiến sĩ lên nên mọi động tác chiến đấu, tháo súng đạn anh sử dụng rất thành thạo. Đi hành quân, anh luôn trang bị cho mình một khẩu cacbin. Có những hôm gần địch, không được đun nấu, mỗi người một bát gạo rang với nước sôi cho qua bữa, nhưng không ai kêu ca phàn nàn. Những lúc đó với năng khiếu “nói trạng” anh đã làm cho anh em quên mệt nhọc và lấy lại niềm vui. Cuộc sống những lúc này không có khoảng cách giữa cán bộ với chiến sĩ mà thực sự như anh em ruột thịt trong nhà. Khi làm nhiệm vụ chiến đấu thì như vậy, còn khi huấn luyện, rèn luyện tại hậu phương, những ngày chủ nhật anh không hề nghỉ ngơi mà thường rủ chúng tôi đi săn tìm mấy con chim về cải thiện. Anh bắn súng thể thao rất giỏi xác xuất đạt 80 - 90 phần trăm, cứ 10 viên đạn ăn chắc 8-9 con, chúng tôi khá lắm chỉ được 6-7 con, riêng đồng chí Sỹ chủ nhiệm công binh mở đường thì giỏi nhưng may lắm 10 phát chỉ được 3-4 con. Được chim rồi về nhà anh bảo chúng tôi vặt lông làm sạch, còn việc nấu nướng chỉ có anh được đặc cách, không ai được tham gia. Quê anh ở Huế, cái nôi của kỹ thuật nấu ăn miền Trung nên anh thao tác như một đầu bếp thực thụ. Chuẩn bị xong mọi người ngồi vào “chén chú chén anh” như trong một gia đình. Tôi nghĩ, và cũng như những anh em đã từng sống với anh, tình cấp trên cấp dưới, tình cán bộ chiến sĩ như vậy đã là nhân tô gắn kết với nhau, sống chết cùng có nhau, bảo vệ nhau, không ai nỡ thoái thác nhiệm vụ, thậm chí càng không thể phản bội nhau. Việc anh cùng cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 1 bị địch bắt nhưng vẫn giữ được bí mật, bảo vệ anh, chính xuất phát từ chỗ đó, cộng với tinh thần kiên cường “không bao giờ phản bội xưng khai” của anh bộ đội Cụ Hồ...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #7 vào lúc: 07 Tháng Tư, 2016, 10:14:45 am »


Một câu chuyện mà tôi không bao giờ quên. Năm 1974, khi tôi được thay mặt Bộ Tư lệnh Tây Nguyên - B3 ra Hà Nội nhận nhiệm vụ chiến dịch Tây Nguyên, trên đường ghé qua nhà được vợ tôi kể lại câu chuyện về tình đồng chí, đồng đội, bên cạnh đại đa số chí cốt với nhau, đối với gia đình của nhau, thì cũng có những người đáng chê trách, nói hay làm dở, làm hoen ố phần nào tình đồng đội về lời thề “giúp đỡ nhau lúc thường cũng như lúc ra trận”. Sau khi được trao trả trên đường ra Hà Nội trình diện với Quân ủy Trung ương, việc đầu tiên anh tìm đến thăm gia đình các đồng chí vào Nam chiến đấu với anh. Tại Quảng Bình, anh tìm đến nông trường Lệ Ninh thăm gia đình đồng chí Hồ Trọng Tuyến, chủ nhiệm thông tin sư đoàn. Đến Vinh anh tìm đến thăm gia đình đồng chí Trần Duy Uynh, chủ nhiệm trinh sát của sư đoàn, động viên an ủi gia đình và chia buồn cùng gia đình về sự hy sinh của đồng chí Uynh tại chiến trường, gia đình hết sức xúc động và cũng vơi đi phần nào nỗi đau trước tình đồng đội từ chốn tù đày ra đã tìm đến thăm. Tiếp theo anh tìm đến gia đình tôi tại xí nghiệp may Việt - Đức. Nghe vợ tôi kể lại tuy đã hơn 8 năm xa cách, nhìn đám đông trong chị em, anh nhận ra nhà tôi ngay. Anh bảo sao em gầy và xanh xao thế? Mọi người liền nói “gánh nặng một mẹ hai con, đi sơ tán khắp nơi, đói rét bệnh tật không gầy ốm sao được”. Anh xúc động lắm và mọi người trong xí nghiệp cũng xúc động. Và anh liền hỏi: thằng cu khi mới sanh được 3-4 tiếng, bố nó về nhìn mặt con, biền biệt đến bây giờ, nay ra sao rồi? Mọi người không ngờ anh vẫn còn nhớ những chi tiết nhỏ đó và liền nói: nó lớn rồi và nghịch lắm. Nhà tôi nói thêm: “Cha nào con nấy thôi, sau này lớn lên gửi cho anh vào bộ đội”. Anh hỏi chuyện làm ăn, chuyện học hành của con và gửi gắm nhờ chị em giúp đỡ. Lúc anh hỏi đến việc thăm hỏi của cơ quan Quân khu đối với gia đình, nhà tôi liền nói: mọi năm trước Tết, cơ quan Tỉnh đội cho một cán bộ đến trao quà, còn lương phụ cấp thì hằng tháng đến trạm tỉnh đội nhận. Mấy năm liền không thấy ai đến hỏi han, trừ một lần anh Phạm Lê Đoài, chủ nhiệm pháo binh sư đoàn trước đây, không đi B đến thăm mà thôi. Nghe nhà tôi nói  đến đây, anh thay đổi sắc mặt, lộ một nét buồn rồi anh động viên vợ tôi cố gắng nuôi con chờ tôi về. Thực ra lúc này anh cũng không biết tôi còn hay mất, sau mấy năm xa nhau không tin tức. Nhà tôi nói có tin tôi đã hy sinh rồi, anh động viên và đả thông cho vợ tôi. Năm 1974, tôi ra Bắc nhận nhiệm vụ, nghe vợ tôi kể lại chuyện đó, tôi thực sự quá xúc động, nhớ những ngày sống, công tác và chiến đấu bên nhau, nay càng thể hiện đầy đủ bản chất của anh, của người đảng viên “bộ đội Cụ Hồ” thực sự coi nhau như ruột thịt. Nghe chuyện anh về thăm gia đình, người duy nhất không phải là những người của đơn vị cũ không đi B, công tác tại Quân khu ngay tại Nam Đàn, mà là người đã từng chiến đấu trên chiến trường, bị tù đày vừa được trao trả, càng quý mến anh tôi lại càng trách, giận những người khi chúng tôi đi B thì động viên chúng tôi yên tâm chiến đấu ở nhà đã có “chúng tôi” lo. Những người đó ngót 10 năm nay không thấy đoái hoài! Tôi thực sự tức giận về những con người đó, nói một đằng làm một nẻo, hứa mà không làm, những người đó đã làm hoen ố tình đồng đội của anh bộ đội Cụ Hồ. Bài học đó trước hết là bài học bổ ích cho tôi về trách nhiệm và tình thương đồng chí đồng đội, tình nghĩa trước sau như một của một người đảng viên, một quân nhân cách mạng...

Chuẩn bị cho Sư đoàn đi B - trên chiến trường cho đến ngày tạm xa nhau.

Sư đoàn 325 là đơn vị cấp sư đoàn đầu tiên được vào Nam chiến đấu... Năm 1963, sư đoàn được lệnh khẩn trương xây dựng, huấn luyện để sẵn sàng làm nhiệm vụ. Lúc này trừ một số cán bộ chủ chốt của sư đoàn, còn mọi người chỉ biết có vậy. Đơn vị đang phối hợp tác chiến với bạn Lào trên chiến trường Lào, nên mọi người cứ nghĩ là sẽ tiếp tục đi chiến đấu ở Lào. Bấy giờ đã có các đoàn cán bộ chiến sĩ đi lẻ ở cấp tiểu đoàn lần lượt lên đường vào Nam. Nhiệm vụ của sư đoàn lúc này hết sức nặng nề: sẵn sàng chiến đấu - chiến đấu bảo vệ miền Bắc, phối hợp chiến đấu mở rộng khu căn cứ cách mạng của bạn Lào, đồng thời khẩn trương xây dựng sẵn sàng có lệnh lên đường vào Nam bất cứ lúc nào. Việc giáo dục chính trị, quán triệt nhiệm vụ, việc huấn luyện diễn tập chiến thuật, kỹ thuật, hành quân xa mang vác nặng, luyện tập leo núi, vượt sông được tiến hành hết sức khẩn trương dồn dập. Mọi người không nói ra nhưng cũng đoán biết là nhiệm vụ chiến đấu rất nặng nề. Những cuộc diễn tập thực binh với các hình thức chiến thuật, đánh vận động, đánh công kiên, đánh phục kích, tập kích, đánh giao thông được tiến hành rất ráo riết. Những trận đánh diễn ra như thật trên vùng trung du và núi cao tại Quảng Bình. Tại bất kỳ cuộc diễn tập nào từ cấp đại đội, tiểu đoàn đến trung đoàn, với cương vị là người chỉ huy cao nhất của sư đoàn, anh Trân đều có mặt để theo dõi, chỉ huy, nhất là các đơn vị đột phá, đơn vị điểm của sư đoàn. Theo dõi diễn tập có lúc cán bộ chiến sĩ xử trí sai anh trực tiếp khêu gợi, hướng dẫn, thậm chí có lúc tự mình trực tiếp xử trí để cán bộ dưới rút kinh nghiệm. Hành quân mang vác nặng đường dài là mục gian khổ nhất. Mỗi người với chiếc ba lô bỏ đầy gạch đá, lúc đầu nhẹ là 20 cân chưa kể súng đạn, người trung bình là 27 - 30 cân, chiến sĩ trợ chiến phải 25 – 27 cân và từ chỉ tiêu tối thiểu đó mà nâng dần lên mức tối thiểu là 30 cân thì mới đạt yêu cầu, và đó là tiêu chuẩn để được tuyển chọn vào trong đội hình. Trong các cuộc hành quân, anh thường xuyên đi tập cùng bộ đội và mang vác như chiến sĩ. Những buổi đầu có chiến sĩ trẻ không theo kịp, anh còn mang giùm vũ khí để mọi người không phải bỏ cuộc. Nhiều chiến sĩ bảo nhau: sư trưởng làm được thì chúng mình phải cố lên. Tấm gương anh khích lệ mọi người gian lao khổ hạnh nhưng lại đầy niềm vui và tự hào. Lúc này nếu một ai bị loại ra vì bất kỳ lý do nào cũng là một sự hổ thẹn nên ai cũng ráng sức tập luyện. Sau những năm tháng rèn luyện dưới sự lãnh đạo chỉ huy của Bộ Tư lệnh sư đoàn, trực tiếp là anh Trân, hai Sư đoàn 325A, 325B đã “đi đến nơi - về đến chốn” với bao nhiêu chiến công lẫy lừng trên các chiến trường miền Nam. Thành tích đó không thể không nhắc đến công lao của anh Trần Văn Trân, đến bây giờ những người còn sống đều khẳng định như vậy...

Một câu chuyện đáng nhớ về Sư đoàn 325B vào Tây Nguyên. Theo lệnh của Bộ, trên đường vào Tây Nguyên, sư đoàn có nhiệm vụ tổ chức tiêu diệt căn cứ biệt kích ác ôn hỗn hợp Mỹ - ngụy tại thung lũng A Sầu - tây Thừa Thiên, để bảo đảm an toàn hành lang chiến lược - đường mòn Hồ Chí Minh. Anh trực tiếp chỉ huy bộ phận cán bộ đi chuẩn bị chiến trường, lúc này biệt kích Mỹ - ngụy lùng sục ráo riết để đánh phá hành lang chiến lược của ta. Việc nghiên cứu, chuẩn bị chiến trường hết sức khó khăn. Nếu lộ bí mật, địch tăng cường bố phòng thì trận đánh sẽ khó khăn. Vốn là địa bàn quê hương của anh, nơi anh đã từng hoạt động trước đây trong kháng chiến chống Pháp, quen thuộc thung thổ, anh đã bắt được liên lạc với cán bộ nằm vùng, với du kích người dân tộc Pacô và Vân Kiều nên việc dẫn đường, tránh địch để tiếp cận mục tiêu cũng được thuận lợi hơn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #8 vào lúc: 07 Tháng Tư, 2016, 10:15:33 am »


Một thời gian khẩn trương chuẩn bị, mọi việc đã hoàn thành. Đêm giao thừa đầu năm 1966, sau khi chuẩn bị xong, toàn bộ về tập kết tại một đầu ngọn suối chảy ra sông A Sáp bên kia biên giới Việt Lào để đảm bảo an toàn, chờ bộ đội vào triển khai chiến đấu. Chẳng may đêm đó mưa rào lũ quét mọi người không kịp chạy, toàn bộ quân trang lương thực cơ bản bị trôi hết, may chạy được người và vũ khí, không ai bị cuốn trôi. Nhưng sáng 30 Tết, toàn bộ trắng tay, may mà thoát chết. Anh Trân chỉ còn lại chiếc quần đùi duy nhất trong người. Sáng mồng 1 Tết, mọi người đều “treo niêu” tạm hái rau rừng để đón xuân vậy. Sau chiến thắng sẽ tính sau. Hoàn cảnh cơ cực đó không làm mọi người nản lòng. Với khoa nói trạng vốn có, anh động viên anh em: Thôi, trời không thương ta, ta cố chịu, mấy hôm nữa, tiêu diệt xong đồn ta sẽ lấy của địch trang bị lại cho ta, cố gắng chịu đói vài hôm nữa, anh em đơn vị sẽ vào đến nơi, ta sẽ truy lĩnh Tết sau. Mọi người vui vẻ... Và đúng ngày giờ quy định cuộc tấn công vào căn cứ A sầu bắt đầu. Đêm đầu do căn cứ quá kiên cố, lực lượng lại đông ta chỉ chiếm được một phần căn cứ, địch chống cự quyết liệt, ta phải tạm dừng trụ bám, chuẩn bị tổ chức lại tiếp tục tấn công đợt 2. Lúc này anh Vũ Lăng - Tư lệnh phó Quân khu vào trực tiếp chỉ huy, giao cho anh Trân tổ chức cơ quan lên nắm tình hình và giúp Trung đoàn 95 nắm lại lực lượng, xốc lại đội hình, tổ chức lại các trận địa hỏa lực chi viện để dứt điểm vào đợt 2. Tôi được phân công xuống đơn vị để cùng anh Lê Khắc Cần - Trung đoàn trưởng nắm lại tình hình, bố trí lại lực lượng, tổ chức hiệp đồng chặt chẽ để về báo cáo Bộ Tư lệnh hạ quyết tâm tiến công đợt 2.

Theo đúng chỉ thị của anh Trân, sau khi củng cố xong, anh Cần thống nhất tôi về Sở chỉ huy báo cáo với Bộ Tư lệnh xin được công kích dứt điểm trong đợt 2. Do tâm trạng bức xúc vì trận chiến đấu không dứt điểm mà ta lại bị thương vong nên vừa thấy tôi trở về, anh Vũ Lăng liền quát tháo: Sao chưa dứt điểm cậu lại trở về? Cậu sợ chết à?

Câu nói xúc phạm đến danh dự của tôi, tôi nổi nóng liền cãi lại, cuộc đấu khẩu diễn ra gay gắt, mọi người trong Sở Chỉ huy không ai nói một lời, vì mọi người biết anh Vũ Lăng rất nóng tính. Tôi liền nói rõ là trước khi đi anh Trân bảo tổ chức củng cố xong đội hình, hiệp đồng lại với hỏa lực, xong mọi việc về báo cáo để Bộ Tư lệnh hạ lệnh tấn công đợt 2. Lúc này anh Vũ Lăng không nói thêm nữa. Anh Trân liền lên tiếng nói rõ ý định của anh để Bộ Tư lệnh nắm chắc tình hình, cân nhắc cẩn thận để hạ quyết tâm cho chính xác, nên tôi đã phải về báo cáo đã. Vấn đề đã rõ và mọi người lúc này tập trung theo dõi cuộc tấn công đợt 2. Đúng lúc này anh Lê Khắc Cần điện báo cáo trong căn cứ địch có hiện tượng nhốn nháo, khả năng chúng chuẩn bị tháo chạy. Lệnh tấn công bắt đầu. 30 phút sau, sau đợt tấn công dồn dập của pháo binh, bộ đội xung phong lần lượt đánh chiếm hoàn toàn căn cứ địch. Trận chiến đấu kết thúc thắng lợi, cánh cửa an toàn hành lang chiến lược được mở rộng, tuy nhiên do trận đầu chưa có kinh nghiệm, căn cứ địch lại rộng lớn, đối tượng là bọn ác ôn Mỹ ngụy khét tiếng nên thương vong ta còn cao. Qua câu chuyện trước áp lực nặng nề của người chỉ huy cả Bộ Tư lệnh và cơ quan không ai nói một lời, nhưng anh đã thẳng thắn nói rõ chính kiến của mình. Sau này có lần tôi nói đùa với anh, hôm đó nếu anh không lên tiếng như mọi người thì chắc tôi đã bị... nặng rồi, mặc dù tôi không sai. Anh cười và nói: sợ thua địch chứ thua cấp trên thì cũng chẳng sao, mọi vấn đề đều có chân lý của nó...

Vào Tây Nguyên, Sư đoàn 325B giải thể, chuyển các trung đoàn thành các đơn vị độc lập phân tán đi hoạt động các hướng. Tôi trở về cơ quan tham mưu mặt trận. Sau đó anh Trân được giao nhiệm vụ tổ chức lại Sư đoàn 1 do anh làm Sư trưởng để vào tăng cường cho chiến trường Nam Bộ. Vào một ngày đầu năm 1969 chúng tôi tạm chia tay nhau, anh vào Nam Bộ, tôi ở lại Tây Nguyên, hứa với nhau dù ở đâu cũng quyết tâm phát huy truyền thống của Bình Trị Thiên của Sư đoàn 325, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, hẹn gặp lại một ngày không xa. Ngày ấy chính là ngày kỷ niệm Sư đoàn 325 vào cuối năm 1975 tại căn cứ Nước Trong sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Tiếp đó, thỉnh thoảng chúng tôi lại có dịp gặp nhau tại chiến trường biên giới Tây Nam năm 1978, lúc này anh là Phó Tư lệnh Quân đoàn 4, tôi là Phó Tư lệnh Quân đoàn 3. Lần gặp anh năm 1997 cũng là lần cuối cùng để từ đấy không bao giờ còn gặp nhau nữa.

Vào một ngày hạ tuần tháng 3 năm 1997 tôi nhận được tin dữ về anh Trân qua điện thoại của chị Hà và từ đây chỉ còn gặp nhau trong ký ức với những hình ảnh đẹp đẽ của anh, đậm tình đồng chí, đồng đội, tình anh em.

Tháng 3 /1997 – 12/2006
N.Q.T

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #9 vào lúc: 08 Tháng Tư, 2016, 09:41:16 pm »


THƯƠNG MẾN ANH BA TRÂN
Trung tướng Lê Nam Phong1


Anh Ba Trân là một đồng đội thân quý, một người bạn chí thân đã từng sống cùng tôi tràn đầy tình nghĩa. Chúng tôi đã từng chỉ huy chiến đấu, tham gia nhiều trận đánh, nhiều chiến dịch trên các chiến trường cùng nhau.

Anh để lại trong lòng tôi những ấn tượng tốt đẹp và nhiều kỷ niệm sâu sắc.

Anh là một cán bộ chỉ huy, một vị tướng dày dạn trận mạc, một vị tướng sống thẳng thắn, giản dị, nồng nhiệt với đồng đội, đồng chí, vui vẻ trong giao tiếp, thân mật hòa đồng với mỗi cán bộ chiến sĩ dưới quyền mình.

Lần đầu tôi gặp anh ở Đồng Hới cách đây đã mấy chục năm. Đó là quãng thời gian 1961 - 1962, khi anh ở Sư đoàn 325.

Lúc bấy giờ tôi công tác ở Cục Tác chiến, được phân công theo dõi hướng Liên khu 4. Là phái viên của Bộ Quốc phòng, tôi vào chuẩn bị những công việc cho đoàn Phương Đông 1 do đồng chí Trần Văn Quang làm trưởng đoàn chuẩn bị đi B.

Tôi thường xuyên đi kiểm tra Sư đoàn 325 nhiều lần phát lệnh báo động! Anh Ba Trân bấy giờ là Tham mưu trưởng, bực lắm.

Có lần tôi vào, anh đuổi - không cho ăn cơm! Tôi ra Đồng Hới ăn cơm xong, quay trở về lại báo động tiếp! Chuyện này sau mấy chục năm tôi và anh Ba Trân vẫn nhắc lại nhiều lần, xem đó là “kỷ niệm khó quên!”

Anh là một chiến sĩ quân đội cách mạng kiên trung và dũng cảm. Những năm tháng bị địch giam giữ, tù đày anh vẫn giữ vững lòng trung thành với Đảng với dân, giữ vững khí tiết trong sạch của người chiến sĩ cộng sản.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tôi và anh đều là Sư đoàn trưởng (Sư đoàn 7 và Sư đoàn 341) tham gia chỉ huy chiến đấu trên mặt trận Xuân Lộc tháng 4 năm 1975.

Về sau cả hai chúng tôi cùng làm nhiệm vụ quân quản thành phố Sài Gòn, cùng làm việc trong Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4. Tôi và anh Ba Trân đã trở thành đôi bạn gắn kết thân thiết, tin cậy lẫn nhau, cùng đoàn kết chia sẻ mọi nỗi niềm buồn vui, động viên nhau rất nhiều!

Những năm tháng ở Bộ Tư lệnh tiền phương (Mặt trận 719) từ 1983 - 1987, tôi lại cùng với anh được kề cận trong Bộ Tham mưu Mặt trận của quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia.

Ngoài tình đồng chí, đồng đội, hai gia đình chúng tôi có cơ duyên sống gần nhau trong làng Đại học Thủ Đức. Nhờ vậy mà hai gia đình chúng tôi được kề cận, gần gũi có điều kiện vun đắp thêm mối tình thâm giao hữu hảo giữa tất cả các thành viên gồm cả con cháu!

Giờ đây, anh Ba Trân không còn nữa. Nhưng trong lòng tôi vẫn không thể nào quên hình bóng của người đồng đội, đồng chí thân quý ấy.

Ôn lại bao nhiêu kỷ niệm về công tác tham mưu chiến trường, chiến dịch, về chỉ huy chiến đấu, tôi càng nhớ anh. Nhớ những lúc chúng tôi cùng nhau tranh luận sôi nổi, nhớ những sớm chiều dạo bước bên nhau trên các con đường vắng lặng ở làng Đại học...

Nhớ những lúc tôi cùng anh vui say đón tiếp đồng đội, bạn bè gần xa.

Bây giờ anh đã đi xa nhưng hình bóng và tình cảm của anh còn lại mãi trong tâm khảm và ký ức đời tôi.
L.N.P
___________________________________
1. Nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 2.
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM