Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 02:02:13 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trận quyết chiến lịch sử Xuân 1975  (Đọc 26683 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #70 vào lúc: 05 Tháng Tư, 2016, 07:14:14 pm »

                
MẤY VẤN ĐỀ VỀ NGHỆ THUẬT SỬ DỤNG PHÁO BINH
TRONG MÙA XUÂN 1975
                             
Thiếu tướng  NGUYỄN TRUNG KIÊN        
       
        Đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân 1975, nghệ thuật sử dụng pháo binh đã phát triển đến mức cao nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Đó là nghệ thuật sử dụng pháo binh trong những chiến dịch hợp đồng binh chủng quy mô lớn kết hợp với phong trào nổi dậy của quần chúng trước thời cơ lịch sử mới đầy tính biến động về chiến lược, chiến dịch và chiến đấu, nhằm kết thúc thắng lợi chiến tranh giải phóng.

        Sau đây là mấy vấn đề chủ yếu trong nghệ thuật sử dụng pháo binh:
        
        1. Nắm vững quy luật của chiến tranh giải phóng, khẩn trương xây dựng lực lượng pháo binh mạnh, đáp ứng yêu cầu tác chiến hợp đồng binh chủng quy mô lớn trong giai đoạn kết thúc chiến tranh.
        
        Một vấn đề nổi bật về sử dụng pháo binh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân 1975 là ngoài việc hoàn chỉnh hệ thống pháo binh ở các cấp, ta đã nhanh chóng phát triển lực lượng pháo binh xe kéo lớn mạnh đáp ứng kịp thời yêu cầu của thời cơ chiến lược, phù hợp với quy luật chiến tranh giải phóng ở giai đoạn kết thúc chiến tranh.

        "Quy luật chiến tranh cách mạng là từ những đơn vị nhỏ ban đầu phát triển thành những binh đoàn lớn tác chiến hợp đồng binh chủng để tiêu diệt lực lượng lớn địch và cuối cùng phải đánh vào thành phố, đánh vào đầu não và đập tan chính quyền địch, mới đánh gục được địch, giải phóng Tổ quốc"1. Xuất phát từ quy luật trên, tác chiến hợp đồng binh chủng đã trở thành xu thế tất yếu trong giai đoạn kết thúc của chiến tranh giải phóng. Từ đó đòi hỏi phải xây dựng những binh đoàn binh chủng hợp thành có đủ thành phần binh chủng kỹ thuật với sức đột kích lớn, cơ động cao, hoả lực mạnh, có khả năng chiến đấu liên tục và tiêu diệt lớn quân địch.
        
        Nói đến tác chiến hợp đồng binh chủng, không thể không nói đến pháo binh. Quy mô tác chiến hợp đồng càng lớn thì hoả lực pháo binh càng phải mạnh, tổ chức và trang bị kỹ thuật pháo binh càng phải được hoàn thiện, trong đó sự phát triển pháo binh xe kéo có ý nghĩa quyết định.

        Lịch sử hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã chứng minh điều đó. Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp gắn liền với sự xuất hiện trung đoàn pháo binh xe kéo đầu tiên của quân đội ta.

        Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, mỗi trận đánh, mỗi chiến dịch hợp đồng binh chủng như Làng vây, Khe Sanh (1968), Đường số 9- Nam Lào (1971), Quảng Trị, Tây Nguyên, Bình Long (1972), Phước Long (1974) cho đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân 1975 đều gắn liền với sự trưởng thành và hoạt động của pháo binh xe kéo từ nhỏ đến lớn.
        
        Đây là một vấn đề có tính quy luật của tổ chức lực lượng vũ trang nhân dân ta, trong đó có lực lượng pháo binh. Năm 1954 - 1960, lực lượng ta ở miền Nam chưa có pháo; đến năm 1960 - 1964, có súng cối lực lượng vũ trang ta đã góp phần đánh bại chiến lược chiến tranh đặc biệt; năm 1968, có súng cối và hoả tiễn lực lượng vũ trang ta đã góp phần đánh bại chiến lược "chiến tranh cục bộ"; từ năm 1968, ở các chiến trường đã bắt đầu phát triển pháo binh cơ giới, đến năm 1972 pháo binh cơ giới đã phát huy vai trò của mình trên cả ba chiến trường Trị - Thiên, Bắc Tây Nguyên, Đông Nam Bộ.
        
        Sự hình thành lực lượng pháo binh xe kéo lớn mạnh đáp ứng yêu cầu của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân 1975 là kết quả của một quá trình đấu tranh giải quyết nhận thức cũng như chuẩn bị về tổ chức lực lượng cụ thể qua các thời kỳ lịch sử của chiến tranh.
        
        Năm 1968, trong điều kiện gặp nhiều khó khăn về đường cơ động, đạn dược, nhiên liệu ta đưa pháo xe kéo vào Khe Sanh, vừa đánh vừa rút kinh nghiệm. Năm 1972, khi đã giải quyết được hệ thống đường cơ động, ta kiên quyết đưa pháo xe kéo vào sử dụng trên các chiến trường trọng điểm, mở ra triển vọng to lớn sử dụng rộng rãi pháo binh xe kéo trên chiến trường miền Nam. Từ giữa năm 1973 trở đi, trước tình hình phát triển thuận lợi của cách mạng miền Nam, song song với việc hình thành các binh đoàn chiến dịch và chuẩn bị cho việc thành lập các quân đoàn mới, ta đã phát triển vượt bậc lực lượng pháo binh xe kéo. Cho đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân 1975, số lượng pháo binh xe kéo được sử dụng đã lên tới trên 20 trung đoàn, lữ đoàn, gồm 67 tiểu đoàn. Đây là bước phát triển nhảy vọt, tạo nên sức mạnh rất lớn của hoả lực pháo binh mà nòng cốt là hoả lực pháo binh xe kéo trong cuộc tổng tiến công chiến lược.
« Sửa lần cuối: 05 Tháng Tư, 2016, 07:21:14 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #71 vào lúc: 05 Tháng Tư, 2016, 07:19:44 pm »

        
        Sự phát triển của lực lượng pháo binh xe kéo qua các chiến dịch lớn trong kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ, được thể hiện như sau:
        
        
Chiến dịch           Năm        Số tiểu đoàn xe kéo
Điện Biên Phủ19542
Khe Sanh19689
Tây Nguyên197516
Huế - Đà Nẵng197520
Hồ Chí Minh197547

        Đi đôi với phát triển về số lượng, chúng ta đã cải tiến một bước tổ chức pháo binh như: hình thành pháo binh ba cấp trong các đơn vị chủ lực (pháo binh chiến dịch, pháo binh sư đoàn, pháo cối đi cùng); khôi phục và xây dựng các trung đoàn pháo binh xe kéo trong các sư đoàn chủ lực; hình thành các trung đoàn, lữ đoàn pháo binh chiến dịch tầm xa, cỡ lớn (25 tiểu đoàn trong tổng số 67 tiểu đoàn pháo xe kéo). Do đó đã tạo nên sự chuyển biến về chất trong tổ chức lực lượng pháo binh, khả năng hoả lực của các binh đoàn binh chủng hợp thành được tăng cường, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ tác chiến trong cuộc Tổng tiến công.
        
        Trong điều kiện cụ thể nước ta, để phát huy mạnh mẽ vai trò của hoả lực pháo binh trong tác chiến hợp đồng binh chủng quy mô lớn thì việc sử dụng pháo lấy được của địch cũng là một nguồn bổ sung quan trọng làm cho lực lượng pháo binh ta thêm mạnh và tạo ưu thế hoả lực rõ rệt đối với địch.
        
        Đây là kinh nghiệm có tính quy luật của chiến tranh giải phóng và cũng là một truyền thống của quân đội ta, đã được thực hiện thành công trong cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân 1975, kinh nghiệm này càng được vận dụng rộng rãi góp phần tích cực làm cho bộ đội pháo binh càng đánh càng mạnh. Ta đã tổ chức được 27/67 tiểu đoàn bằng vũ khí, phương tiện lấy được của địch. Ở nhiều sư đoàn thuộc Khu 5 và khu 9, các trung đoàn pháo binh được thành lập trong chiến đấu và tham gia tác chiến ngay. Đối với những loại pháo mới của địch như pháo 155, 175mm, ta đã tuyên truyền giác ngộ và dùng binh lính địch để sử dụng kịp thời. Để thực hiện yêu cầu này, ngay từ năm 1973, theo chỉ thị của Bộ, binh chủng pháo binh đã chuẩn bị đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật để khi cần có thể sử dụng tốt pháo và cối lấy được của địch.
        
        Để phát huy hiệu quả cao nhất của lực lượng pháo binh, nhất là pháo binh xe kéo, phải giải quyết một loạt vấn đề về tổ chức, thiết bị chiến trường và công tác bảo đảm, như mạng đường sá, hệ thống hậu cần, tiếp tế đạn dược, nhiên liệu, các cơ sở sửa chữa và bảo đảm kỹ thuật.
        Vấn đề then chốt đối với pháo binh là mạng đường sá và sức kéo. Từ sau chiến dịch Đường số 9-Khe Sanh (1968), nhiều đồng chí lãnh đạo của ta đã đề cập vấn đề này, vì có làm đường cơ động để đưa xe tăng, pháo binh vào mới đánh lớn được. Với 20.000 km đường chiến lược và đường chiến dịch được mở rộng trong suốt quá trình chiến tranh, đến năm 1974 pháo binh xe kéo đã có thể đi suốt chiều dài đất nước, tiến xuống áp sát vùng giáp ranh từ Trị - Thiên, Huế - Đà Nẵng, Plây Ku - Buôn Ma Thuột đến Đông Nam Bộ. Nhờ đó đã tạo nên thế bố trí pháo binh rộng khắp, hết sức cơ động, đã phát huy tác dụng rất lớn, đánh địch kịp thời, liên tục trong quá trình cuộc tổng tiến công.
        
        Vấn đề thứ hai là phải vận chuyển một khối lượng đạn dược, nhiên liệu lớn. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy vừa qua vấn đề này đã được giải quyết bằng sự nỗ lực của cấp chiến lược, chiến dịch cho đến từng đơn vị pháo binh, thực hiện trên dưới cùng làm để đáp ứng yêu cầu liên tục cơ động đánh địch.
        
        Vấn đề thứ ba là bảo đảm kỹ thuật cho pháo binh trong suốt quá trình chiến đấu. Trong giai đoạn chuẩn bị, cấp chiến lược, chiến dịch đã tiến hành bảo đảm ở từng đơn vị để nâng cao hệ số sử dụng của xe, pháo binh và khí tài. Trong quá trình chiến dịch, do tính cơ động cao nên việc bảo đảm kỹ thuật chủ yếu là ở các trung đoàn pháo để sửa chữa ngay tại chỗ, khai thác sử dụng phương tiện lấy của địch để thay thế.
        
        Ba yêu cầu trên đã được giải quyết đồng bộ bằng sự nỗ lực của các cấp, các lực lượng, tạo điều kiện cho pháo binh xe kéo phat triển chiến đấu trong một chiến dịch dài ngày (55 ngày đêm) và trên một chiến trường rộng lớn.
        Tóm lại, phát triển lực lượng pháo binh, nhất là pháo binh xe kéo, đáp ứng yêu cầu tác chiến hợp đồng binh chủng quy mô ngày càng lớn, là một yêu cầu tất yếu của chiến tranh giải phóng, nhất là ở giai đoạn cuối chiến tranh.
        Dưới sự chỉ đạo chiến lược sắc bén của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, của Quân uỷ trung ương và Bộ Quốc phòng binh chủng pháo binh đã nhận thức đầy đủ và hoàn  thành xuất sắc nhiệm vụ này, góp phần xứng đáng vào Đại thắng mùa xuân 1975.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #72 vào lúc: 05 Tháng Tư, 2016, 07:22:57 pm »

        
        2. Quán triệt quan điểm chiến tranh nhân dân của Đảng, ra sức phát triển lực lượng pháo binh địa phương, hình thành pháo binh tại chỗ rộng khắp, đánh địch mọi lúc, mọi nơi.
        
        Phát triển lực lượng pháo binh ba thứ quân vững mạnh là một vấn đề có tính nguyên tắc trong xây dựng lực lượng pháo binh.

        Trong quá trình chiến tranh, pháo binh địa phương đã không ngừng phát triển, góp phần rất lớn tiêu hao, tiêu diệt sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch. Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân 1975, nhiệm vụ của pháo binh kết hợp cùng quần chúng nổi dậy, giải phóng các chi khu quận lỵ, tiến lên giải phóng từng tỉnh; hình thành lực lượng pháo binh tại chỗ rộng khắp, góp phần cùng pháo binh chủ lực tiêu diệt quân địch, bảo vệ vùng giải phóng, bảo vệ bờ biển để pháo binh chủ lực rảnh tay tập trung cơ động đánh địch. Trong thực tế, hoạt động của pháo binh địa phương Quảng Trị, khu 5, đồng bằng Nam Bộ đã có tác dụng rất lớn, chi viện cho lực lượng địa phương tiến công giải phóng các tỉnh Quảng Trị, Quảng Ngãi, Tuy Hoà và một số tỉnh ở đồng bằng Nam Bộ.
        
        Sự phát triển của pháo binh địa phương rất phong phú, từ hẹp đến rộng, từ phân đội nhỏ đến các đại đội, tiểu đoàn tập trung (Quảng Trị, Quảng Ngãi, Tây Nam Bộ). Từ chỗ chỉ quen sử dụng pháo cối nhỏ, nhiều nơi đã sử dụng được pháo mang vác của bộ đội chủ lực chuyển giao và tiến lên sử dụng pháo binh cho bộ đội địa phương, đã mở rộng việc trang bị pháo cho cả lực lượng dân quân tự vệ.

        Theo đà phát triển của cuộc Tổng tiến công, lực lượng pháo binh địa phương càng phát triển nhanh chóng. Hầu hết pháo đạn lấy được của địch đã được sử dụng. Nhiều nơi đã tuyên truyền giác ngộ pháo thủ, lái xe của địch để sử dụng ngay trong chiến đấu. Đây là một nét đặc sắc trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân 1975. Cùng với sự phát triển lực lượng, trình độ chiến đấu của pháo binh địa phương được nâng cao, vừa tham gia đánh hợp đồng, vừa chủ động đánh độc lập, vừa tiến công, vừa phòng ngự giữ làng, giữ biển, tạo nên phương thức thứ hai của pháo binh trong chiến tranh nhân dân. Các trận tham gia chi viện cho bộ đội địa phương giải phóng Quảng Trị, Quảng Ngãi, Tuy Hoà,.... chi viện cho tiểu đoàn địa phương Phú Yên chặn địch ở Phú Bồn là những trận hợp đồng tốt; trận đánh của phân đội ĐKB Quảng Đà vào sân bay Đà Nẵng và tiểu đoàn 6 pháo binh Quảng Trị cơ động từ Cửa Việt vào tham gia khóa chặt cửa Thuận An là những trận đánh độc lập có chất lượng cao.
        
        Một vấn đề cũng nên được nêu lên là: để nhanh chóng hình thành các đơn vị pháo binh khi thành lập các quân đoàn và sư đoàn, từ năm 1973 chúng ta đã chuyển giao việc xây dựng và sử dụng các đơn vị pháo chuyên đánh căn cứ cho bộ đội pháo binh địa phương. Do đó trong các chiến dịch tiến công, các đơn vị pháo này đã kết hợp chặt chẽ với pháo binh chủ lực cùng quần chúng nổi dậy đánh vào các căn cứ, sân bay, kho tàng, sở chỉ huy của địch, đồng thời cũng tạo điều kiện thuận lợi cho pháo binh chủ lực hình thành những "quả đấm" hoả lực mạnh.

        Nói đến tổng tiến công và nổi dậy là phải nói đến hai phương thức tác chiến. Trong Đại thắng mùa xân 1975, việc hình thành và hoạt động tác chiến của bộ đội pháo binh địa phương đã góp phần không nhỏ vào phong trào tiến công và nổi dậy của địa phương, góp phần thúc đẩy nhanh đà tan rã và thất bại của địch.
        
        3. Nắm vững thời cơ chiến lược, quán triệt tư tưởng chỉ đạo "thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng", bắn đúng thời cơ là một yêu cầu về sử dụng hoả lực mang ý nghĩa chiến dịch rất lớn.
        
        Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân 1975, sau đòn "điểm huyệt" của ta vào Buôn Ma Thuột, địch lâm vào thế bị động lúng túng, phải thực hành rút lui chiến lược. Tình hình đó đã tạo ra thời cơ lớn cho cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam. Trước sự phát triển của cách mạng, pháo binh cần phải có cách đánh thích hợp thì mới đáp ứng được yêu cầu. Lúc này quân địch đã hoang mang rối loạn, dễ bị tan rã từng mảng. Đánh địch kịp thời không cho chúng hồi phục là một vấn đề có ý nghĩa quyết định. Do đó đánh kịp thời, bất ngờ, đúng thời cơ đã trở thành yêu cầu hàng đầu đối với pháo binh; nếu bắn đúng thời cơ thì chỉ cần một số đạn nhỏ cũng đạt được hiệu quả rất lớn, tạo điều kiện cho bộ binh và xe tăng nhanh chóng phát triển tiến công, tiêu diệt gọn từng bộ phận lớn quân địch, không cho chúng co cụm. Vai trò chủ yếu lúc này thuộc về pháo xe kéo vì phải có tầm bắn xa, uy lực lớn, mức chính xác cao, cơ động nhanh thì mới đáp ứng được yêu cầu nói trên.
        
        Hoả lực bất ngờ của pháo binh bắn vào trung tâm đầu não quân địch ở Buôn Ma Thuột đã làm cho chúng rối loạn và nhanh chóng tan vỡ. Những trận đánh kịp thời của pháo binh Trị - Thiên và pháo binh quân đoàn 2 bắn vào cửa Thuận An và Tư Hiền đã bịt chặt đường rút của địch, tạo điều kiện cho quân và dân Trị - Thiên và binh đoàn chủ lực tiêu diệt gọn quân địch, giải phóng thành phố Huế. Những trận đánh kịp thời của pháo binh Quảng Đà và các trung đoàn pháo 164, 572 vào sân bay, trung tâm hành chính Đà Nẵng, Hoà Khánh đã tác động rất mạnh vào tinh thần ngụy quân ngụy quyền tạo điều kiện cho các lực lượng của quân đoàn 2 và quân khu 5 nhanh chóng thọc sâu đánh chiếm căn cứ quân sự liên hợp Đà Nẵng. Trận đánh kịp thời của pháo binh sư đoàn 7, bằng một đại đội với một vài loạt đạn bắn vào Đà Lạt đã buộc địch ở đây phải đầu hàng. Những trận đánh khoá chặn sân bay Biên Hoà và bắn phá sân bay Tân Sơn Nhất trước khi ta tiến công vào Sài Gòn cũng có giá trị rất lớn về chiến dịch. Trên thực tế, mỗi khi pháo binh đánh kịp thời cơ thì đều gây biến động lớn về tinh thần tâm lý đối với địch, hiệu quả đạn pháo được nhân lên gấp bội, góp phần cho bộ binh và xe tăng ta tăng tốc độ tiến công, giảm bớt được thương vong trong chiến đấu.
        
        Để đánh kịp thời cơ, ngoài yếu tố hàng đầu là quán triệt tư tưởng chỉ đạo chiến lược của trên, nắm vững thời cơ, có quyết tâm cao, còn phải giải quyết tốt các vấn đề sau đây:

        - Bố trí thế trận pháo binh thích hợp và hết sức cơ động. Trong chiến dịch Tây Nguyên pháo binh đã kịp thời chi viện cho bộ binh chặn địch ở Phú Bổn, vì trước đó ta đã cài thế pháo binh trên hướng đường 7. Pháo binh ở Huế - Đà Nẵng kịp thời đánh vào các mục tiêu trọng điểm, chặn đường rút lui của địch, vì ta đã đưa pháo tầm xa, cỡ lớn vào sát vùng giáp ranh, bố trí thế trận hết sức cơ động vừa đánh được địch ở Huế, lại có thể cơ động hoả lực đánh vào Đà Nẵng.
        
        - Vấn đề cơ động đóng một vai trò có ý nghĩa quyết định trong việc sử dụng pháo binh. Trong các chiến dịch, ta đã thực hành cơ động, đường dài, cơ động chiến đấu nhanh nhất bằng mọi phương tiện có thể tận dụng được (đường bộ, bằng tàu biển, bằng phương tiện thô sơ như thuyền ghép của các đơn vị pháo binh Tây Nam Bộ).
        
        - Trong hành động chiến đấu của pháo binh, phải triển khai nhanh, chuẩn bị bắn bằng các phương pháp chính xác và nhanh nhất. Mục tiêu là tập trung vào trận địa pháo, sân bay, sở chỉ huy, cơ quan đầu não của địch, các hướng địch có thể rút lui bằng đường bộ, đường biển, đường không. Trong cuộc Tổng tiến công vừa qua, từ sau trận mở đầu Buôn Ma Thuột, pháo binh vừa hành tiến vừa đánh địch, nhiều trường hợp phải chuẩn bị rất gấp, có lúc không đợi triển khai đội hình mà vào được khẩu nào, đơn vị nào là phát huy hoả lực ngay. Tình hình này đã xuất hiện từ chiến dịch phản công Đường số 9 - Nam Lào năm 1971, khu trung đoàn 45 vừa hàng quân vừa triển khai đánh địch ở cầu Cha Ki. Trong cuộc Tổng tiến công  và nổi dậy xuân 1975, kinh nghiệm này đã được vận dụng phổ biến và phát huy hiệu lực lớn.
        
        Người chỉ huy pháo binh phải ở vị trí chỉ huy của bộ binh để giữ vững hiệp đồng, nắm chắc quyết tâm và yêu cầu của bộ đội binh chủng hợp thành, tổ chức chỉ huy chặt chẽ trong suốt quá trình chiến đấu và chiến dịch.

        Thắng lợi lịch sử của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân 1975 đánh dấu một bước phát triển mới của nghệ thuật quân sự Việt Nam nói chung và nghệ thuật sử dụng pháo binh nói riêng. Nhiều bài học rất quý đến nay vẫn có giá trị thiết thực đối với việc xây dựng và tác chiến của pháo binh trong giai đoạn mới.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #73 vào lúc: 05 Tháng Tư, 2016, 08:06:26 pm »

               
NGHỆ THUẬT TÁC CHIẾN CỦA BỘ ĐỘI XE TĂNG - THIẾT GIÁP
TRONG TỔNG TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY XUÂN 1975
                         
Thiếu tướng LÊ XUÂN KIỆN       
       
        Trong thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân 1975, bộ đội thiết giáp đã đóng một phần quan trọng, đưa nghệ thuật tác chiến của mình lên một bước phát triển mới, xứng đáng với vai trò là một lực lượng đột kích quan trọng trong chiến đấu hiệp đồng binh chủng quy mô lớn.
       
        Với lực lượng được sử dụng lớn hơn tất cả các thời kỳ trước đó trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, bộ đội thiết giáp đã tham gia chiến đấu thắng lợi trên tất cả các hướng chiến dịch, chiến lược quan trọng.

        Trong chiến dịch mở đầu ở Tây Nguyên, hiệp đồng chặt chẽ với các binh chủng bạn, với lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương, trong đoàn xe tăng 273 đã phát huy cao độ sức mạnh hoả lực, khả năng cơ động, chi viện đắc lực cho binh đoàn chủ lực đánh thắng địch phòng ngự trong công sự vững chắc, giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột. Trong đó, lực lượng vũ trang Tây Nguyên có trung đoàn xe tăng 273 tham gia, tiêu diệt quân địch rút chạy khỏi Tây Nguyên, tiến xuống giải phóng Tuy Hoà, Nha Trang. Với tinh thần tích cực chủ động, lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2 trung đoàn xe tăng 574 Quân khu 5 đã khắc phục khó khăn về kỹ thuật, bảo đảm cơ động, phối hợp kịp thời với các đòn truy kích của lực lượng vũ trang Tây Nguyên, chi viện cho các đơn vị vũ trang Quân khu 5 và Quân đoàn 2 tiến công như vũ bão, trong vòng hai tuần lễ từ ngày 10 đến ngày 25 tháng 3 giải phóng hoàn toàn hai tỉnh Quảng Trị - Thừa Thiên. Tiếp đó, chỉ trong hai ngày đêm từ 27 đến 29 tháng 3, bộ đội thiết giáp lại dẫn đầu hai mũi: một mũi của Quân đoàn 2 từ phía bắc vào và tây xuống, căn cứ quân sự liên hợp Đà Nẵng, đánh tan 10 vạn quân địch co cụm ở đó.
       
        Mất Tuy Hoà, Nha Trang, địch co về cố thủ Phan Rang, Phan Thiết. Nhưng lực lượng Quân đoàn 2 có lữ đoàn xe tăng 203 dẫn đầu tiến quân thần tốc đập tan tuyến phòng thủ từ xa mà Mỹ ngụy vội vã lập ra hòng ngăn chặn quân ta tiến về Sài Gòn.

        Phố hợp với mặt trận Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng, các mũi tiến công của các binh đoàn chủ lực ở miền Đông Nam bộ có xe tăng thiết giáp dẫn đầu đã liên tiếp giáng đòn sấm sét ở Dầu Tiếng, Chơn Thành, Di Linh, Xuân Lộc, kể cả vùng tây - nam Sài Gòn chằng chịt kênh rạch mà địch không ngờ ta có thể đưa xe tăng, thiết giáp vào được, khiến nguỵ quân, ngụy quyền càng thêm hoảng hốt. Từ ngày 10 đến ngày 31 tháng 3, một bộ phận bộ binh đánh 15 trận trên đường số 13 và đường số 20, giải phóng một vùng rộng lớn ở Tây Ninh, Lâm Đồng, mở rộng hành lang phía bắc và tây - bắc Sài Gòn. Cùng thời gian đó, một bộ phận xe tăng, thiết giáp khác của mặt trận Nam Bộ đã kịp thời chi viện cho sư đoàn bộ binh 3 tiến công quân địch ở phía tây sông Vàm Cỏ Đông, nối thông hành lang từ miền Đông xuống miền Tây Nam Bộ. Tiếp đó, lực lượng xe tăng thiết giáp Nam Bộ cùng lực lượng quân đoàn 4 tiến công Xuân Lộc, đến ngày 21 tháng 4 buộc chúng rút chạy về Bà Rịa, Biên Hoà, Trảng Bom, tạo điều kiện cho các cánh quân của ta áp sát Sài Gòn, nhanh chóng triển khai thế trận tiến hành trận quyết chiến chiến lược cuối cùng.
       
        Nói tới thành công về nghệ thuật tác chiến của bộ đội thiết giáp trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân 1975, trước hết phải nói tới nghệ thuật chỉ đạo tổ chức lực lượng tạo thế bố trí chiến lược liên hoàn vững chắc và cơ động trên chiến trường miền Nam, đón thời cơ lớn.

        Trong chiến tranh giải phóng, muốn giành được thắng lợi ngày càng lớn thì phải không ngừng tích luỹ lực lượng về mọi mặt. Đặc biệt lực lượng vũ trang phải trưởng thành nhanh chóng, không ngừng phát triển về tổ chức, trang bị, có những binh đoàn cơ động chiến lược mạnh đứng chân trên những địa bàn chiến lược trọng yếu sẵn sàng giáng đòn tiến công mạnh mẽ phá vỡ những tập đoàn phòng ngự của địch, đột phá chiến dịch sâu hàng chục, hàng trăm km, giải phóng các trung tâm chính trị kinh tế, tiêu diệt và làm tan rã hàng vạn quân địch. Đồng thời phải có đông đảo lực lượng quần chúng cách mạng và lực lượng vũ trang địa phương trên các địa bàn rộng lớn để khi thời cơ đến, kết hợp và phát huy sức mạnh của hai lực lượng, tạo ra cao trào tiến công và nổi dậy rộng khắp, đánh bại hoàn toàn quân địch.

        Thắng lợi toàn diện của cách mạng và chiến tranh cách mạng miền Nam trong hai năm 1973-1974 báo hiệu một thời cơ lớn sắp đến. Thấy trước sự xuất hiện thời cơ đó, để chuẩn bị cho cuộc đọ sức cuối cùng giữa ta và địch, Bộ Chính trị và Quân uỷ trung ương đã gấp rút chỉ đạo củng cố và phát triển lực lượng vũ trang, trong đó có lực lượng xe tăng thiết giáp.
       
        Trong hai năm 1973-1974, Quân uỷ trung ương, trực tiếp là Bộ Tổng tham mưu, đã chỉ đạo sát sao việc tích luỹ và phát triển lực lượng xe tăng thiết giáp. Một mặt, không sử dụng lực lượng này đánh những trận không có ý nghĩa quyết định, mặt khác tích luỹ tổ chức thêm các đơn vị mới, trang bị bằng xe của ta và xe mới lấy được của địch. Nếu trong năm 1972 ta mới tổ chức lực lượng xe tăng thiết giáp ở quy mô trung đoàn, tiểu đoàn độc lập thì sang năm 1973-1974, đã tổ chức nhiều trung đoàn, lữ đoàn trực thuộc các quân khu, quân đoàn và các lữ đoàn xe tăng dự bị chiến lược của Bộ.
       
        Đảng, Nhà nước, quân đội còn chú trọng mở rộng, phát triển mạng đường giao thông chiến lược Bắc-Nam, thành lập nhiều binh đoàn vận tải chiến lược, điều kiện cho binh chủng Thiết giáp đưa nhiều đoàn xe tăng và hàng ngàn tấn vật tư kỹ thuật từ hậu phương lớn vào chiến trường miền Nam.
       
        Trước khi bước vào cuộc Tổng tiến công, Bộ tư lệnh Thiết Giáp đã hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị bạn, đưa 3 tiểu đoàn xe tăng hoàn chỉnh vào miền Đông Nam Bộ; đưa hàng chục xe tăng, thiết giáp, 4 đội sửa chữa lưu động, 1.151 tấn khí tài, 500 cán bộ chiến sĩ, nhân viên kỹ thuật được huấn luyện tốt từ miền Bắc vào các chiến trường; đồng thời liên tiếp cử các đoàn cán bộ vào Trị Thiên - Huế, Quân khu 5, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ nắm tình hình, kiểm  tra giúp đỡ các đơn vị tổ chức huấn luyện bổ sung, sửa chữa khôi phục xe, pháo, khí tài.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #74 vào lúc: 05 Tháng Tư, 2016, 08:09:45 pm »

       
        Hai năm 1973-1974, binh chủng còn mở nhiều hội nghị tổng kết kinh nghiệm chiến đấu, tập huấn cán bộ, tổ chức học tập chính trị, quân sự cho các phân đội hậu phương cũng như ở chiến trường. Đặc biệt đã chú trọng đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, dựa theo kinh nghiệm chiến đấu mà bổ sung thêm các cách đánh đối với những đối tượng khác nhau, mở nhiều lớp huấn luyện lái xe và sử dụng vũ khí trên các loại xe tăng, thiết giáp lấy được của địch. Nhờ đó, năng lực tổ chức chỉ huy của cán bộ, trình độ kỹ,  chiến thuật của các phân đội và lòng tin vào cách đánh mới được củng cố. Các phân đội xe tăng thiết giáp đã có khả năng hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn năm 1972.
       
        Như vậy, trước khi bước vào cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân 1975, lực lượng xe tăng thiết giáp đã được tổ chức thành nhiều trung đoàn, lữ đoàn và một tiểu đoàn độc lập, được củng cố và huấn luyện tốt, triển khai sẵn trên các địa bàn chiến lược trọng yếu từ Trị Thiên - Huế, Tây Nguyên đến vùng rừng núi phía bắc và tây - bắc Sài Gòn. Các lữ đoàn xe tăng dự bị chiến lược của Bộ đứng chân tại miền Bắc, luôn ở tư thế sẵn sàng, các phương tiện vận chuyển và tuyến đường cơ động được chuẩn bị chu đáo và có nhiều thuận lợi hơn trước, tạo ra một thế bố trí chiến lược liên hoàn, vững chắc và rất cơ động, sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ được giao.
       
        Rõ ràng là nếu không có các binh đoàn binh chủng hợp thành bao gồm bộ binh, thiết giáp, pháo binh... đứng sẵn sàng trên các chiến trường Tây Nguyên, Huế và Đà Nẵng, bắc Sài Gòn thì khó có thể tạo ra đòn tiến công chiến lược bất ngờ mạnh mẽ như Buôn Ma Thuột và cũng không có khả năng thực hành kịp thời các đòn tiến công phối hợp của Quân đoàn 2 ở Trị Thiên-Huế, của các đơn vị ở Quân khu 5. Nam Bộ và ở ngay phía bắc, và tây -bắc Sài Gòn. Mặt khác, nếu không có lực lượng cơ động và bảo đảm cơ động mạnh, bao gồm các binh đoàn chiến lược, binh đoàn vận tải chiến lược, đơn vị bảo đảm giao thông chiến lược thì ta không thể thần tốc cơ động xe tăng thiết giáp từ Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ Tĩnh vào chiến trường miền Nam để tập trung được một số lực lượng bộ đội binh chủng hợp thành lớn chưa từng có, tạo ra ưu thế áp đảo quân địch trong chiến dịch Hồ Chí Minh, nhanh chóng kết thúc chiến tranh ở thời điểm có lợi nhất.

        Có thể nói chuẩn bị lực lượng, tạo thế bố trí chiến lược liên hoàn vững chắc và cơ động là yếu tố thắng lợi đầu tiên của các lực lượng vũ trang ta nói chung và của bộ đội thiết giáp nói riêng.
       
        Thành công trong nghệ thuật tác chiến của bộ đội thiết giáp trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân 1975 còn được biểu hiện ở nghệ thuật sử dụng tập trung lực lượng xe tăng thiết giáp vào thời cơ có lợi nhất, trên hướng chiến dịch quan trọng nhất, đánh thắng những trận then chốt có ý nghĩa quyết định.
       
        Mùa xuân 1975, ta đã huy động một số lượng xe tăng thiết giáp lớn nhất trong suốt 20 năm kháng chiến chống Mỹ, vượt xa mức sử dụng trong các năm trước. Tuy nhiên so với nhiệm vụ được giao trên chính diện và chiều sâu của cuộc tổng tiến công thì số lượng đó còn nhỏ. Đứng trước thời cơ lịch sử, Đảng ta không chỉ chú trọng tích luỹ, phát triển lực lượng vũ trang về số lượng mà còn chỉ đạo phát huy cao độ tác dụng và hiệu lực tiến công của các lực lượng. Vì vậy, lực lượng xe tăng thiết giáp của ta, xét về toàn cục thì không nhiều hơn địch, nhưng sử dụng tập trung vào những trận then chốt nên đạt hệ số sử dụng lớn, hiệu suất chiến đấu cao. Trong chiến dịch Tây Nguyên, ta sử dụng toàn bộ trung đoàn xe tăng 273 vào trận Buôn Ma Thuột, hiệp đồng với bộ binh bỏ qua các tuyến phòng thủ vòng ngoài, chọc thẳng vào những mục tiêu quan trọng bên trong thị xã nên đã nhanh chóng dứt điểm; sau đó dùng 5 đại đội xe tăng thiết giáp cùng bộ binh truy kích tiêu diệt địch rút chạy trên đường số 7 ở thị xã Cheo Reo và ở Phước An, đèo Ma-đơ-rắc trên đường số 21, tiến xuống đánh chiếm Nha Trang, Tuy Hoà, tạo thế chia cắt chiến lược rất lợi hại.
       
        Trong chiến dịch Huế - Đà Nẵng, lữ đoàn xe tăng 203 Quân đoàn 2 và trung đoàn xe tăng 754 Quân khu 5 đã nhanh chóng triển khai lực lượng đứng chân trên các khu vực khác nhau, kịp thời chi viện cho các binh đoàn chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương giải phóng Trị Thiên - Huế và Đà Nẵng.
       
        Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, toàn bộ lực lượng xe tăng thiết giáp ở Nam Bộ cùng các đơn vị cơ động từ Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng và ở miền Bắc vào (chiếm hơn 2/3 tổng số xe tăng thiết giáp sử dụng trong cuộc tổng tiến công) được tập trung ở các mũi nhọn đánh vào 5 mục tiêu quan trọng nhất trong nội thành Sài Gòn.
       
        Chính nhờ nghệ thuật chỉ đạo sử dụng tập trung lực lượng xe tăng thiết giáp vào thời cơ chiến dịch, chiến lược quan trọng nhất, đánh những trận then chốt quyết định, nên sức mạnh của các bình đoàn, binh chủng hợp thành nhất là các binh đoàn thọc sâu được nhân lên gấp bội, tạo ra những bước tiến thần tốc và những chiến công vang dội trong mùa xuân 1975 lịch sử.

        Thành công trong nghệ thuật tác chiến của bộ đội thiết giáp trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân 1975 còn được biểu hiện ở trình độ chiến đấu của các phân đội xe tăng thiết giáp. Đó là khả năng vận dụng linh hoạt nhiều cách đánh dũng cảm, táo bạo mưu trí, sáng tạo, phát huy cao độ tính năng của các loại xe, cơ động kịp thời, hiệp đồng chặt chẽ, tạo ra nhịp độ tiến công ngày càng cao, chiều sâu tiến công ngày càng lớn, thực hành thọc sâu đột phá liên tục, mạnh mẽ, khiến quân thù không sao chống đỡ nổi.
       
        Sau đòn "điểm huyệt" thắng lợi ở Buôn Ma Thuột, tình hình biến đổi rất nhanh và có bước phát triển nhảy vọt, kẻ thù có triệu chứng tan rã, tạo nên một thời cơ vô cùng thuận lợi, đòi hỏi tất cả các lực lượng của ta phải nỗ lực vượt bậc, có cách đánh táo bạo, thần tốc, đạt hiệu suất chiến đấu cao. Chính trong hoàn cảnh đó, các phân đội xe tăng thiết giáp đã vận dụng thành công chiến thuật tiến công địch trong hành tiến.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #75 vào lúc: 05 Tháng Tư, 2016, 08:10:39 pm »

        
        Thời gian chuẩn bị tiến công trong hành tiến thường rất ngắn, trung bình từ 6 đến 12 giờ nên các đơn vị xe tăng thiết giáp phải luôn luôn ở tư thế sẵn sàng; quá trình hành quân tiếp cận mục tiêu là quá trình bổ sung kế hoạch tác chiến và hiệp đồng giữa các phân đội.

        Đội hình tiến công trong hành tiến được bó trí để có thể vừa cơ động vừa nắm địch, triển khai chiến đấu, tiến hành bao vây các khu vực đề kháng của địch cho chủ lực ta lướt qua, thọc sâu đánh chiếm các mục tiêu đã định, đồng thời phát huy sức mạnh hoả lực đánh được địch ở cả mặt đất, trên không, trên sông, biển. Nhờ bố trí địa hình hợp lý, các phân đội xe tăng thiết giáp đã vượt qua nhiều cứ điểm địch ngăn chặn dọc đường để nhanh chóng cùng bộ binh thọc sâu, đánh chiếm các mục tiêu đã định. Khi tiến vào giải phóng thị xã Phan Thiết, lữ đoàn xe tăng 203 đã đánh lướt qua bốn quận lỵ dọc đường là Phan Rí, Sông Mao, Tuy Phong, Hoà Đa; khi tiến vào Sài Gòn, lữ đoaà cũng đã lướt qua ngã ba đi Thủ Dầu Một, ngã tư Thủ Đức, cầu Sài Gòn, cầu Thị Nghè để tiến vào đánh chiếm dinh tổng thống ngụy quyền.
        
        Tuỳ theo tình hình địch, khả năng của ta và ý định của người chỉ huy binh chủng hợp thành mà tổ chức lực lượng cho thích hợp. Có khi dùng từng đại đội hoặc tiểu đoàn xe tăng thiết giáp phối thuộc cho các trung đoàn, sư đoàn bộ binh như khi truy kích địch trên đường số 7 và đường số 21 ở Tây Nguyên hoặc khi đánh địch trên đường số 20 từ Định Quán đi Bảo Lộc, Di Linh. Nhưng cũng có khi lấy lữ đoàn xe tăng làm lực lượng trung tâm hiệp đồng do lữ đoàn trưởng xe tăng chỉ huy như trận đánh chiếm thị xã Phan Thiết, hoặc mũi thọc sâu của Quân đoàn 2 trong chiến dịch Hồ Chí Minh.
        
        Cách đánh địch trong hành tiến phải kiên quyết, táo bạo và linh hoạt. Trường hợp gặp địch ngăn cản dọc đường phải tìm cách kiềm chế, đánh lướt qua, hoặc vừa đánh địch trước mặt vừa đánh vòng sau lưng địch, buộc chúng phải tháo chạy. Như trong trận đánh địch ở ngã tư Thủ Đức, chiếc xe tăng do đồng chí Trần Quang Nhàn chỉ huy đã dũng mãnh thọc sâu vào phía sau trường quân sự Thủ Đức, buộc bọn sĩ quan và học sinh ở đây phải tháo chạy.
        
        Cách đánh địch trong hành tiến rất thích hợp với sở trường của bộ đội thiết giáp, nhưng phải bảm đảm làm chủ trên không, có tuyến đường cơ động tốt, có sự hỗ trợ tích cực của lực lượng tại chỗ, sự hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị bạn.

        Tiến công trong hành tiến không phải không cần có chuẩn bị và cũng không phải là cách đánh có hiệu quả đối với bất kỳ kẻ địch nào. Tiến công trong hành tiến đòi hỏi cán bộ chiến sĩ phải có quyết tâm cao, tuyệt đối chấp hành mệnh lệnh cấp trên; người chỉ huy phải quyết đoán, xử trí nhanh, sâu sát dưới, đến những nơi khó khăn, trực tiếp chỉ huy xử trí những tình huống gay cấn nhất. Hành động của bộ đội phải linh hoạt, táo bạo, sử dụng thành thạo cacs loại vũ khí trên xe, chủ động đánh địch và biết tìm đường vòng tránh khi đội hình phía trước bị ùn tắc hoặc bị địch ngăn  chặn.
        
        Tiến công giải phóng các thành phố, thị xã là yêu cầu tất yếu của nghệ thuật tác chiến trong giai đoạn cuối chiến tranh giải phóng. Trong mùa xuân 1975, bộ đội thiết giáp đã tham gia tiến công giải phóng nhiều thành phố, thị xã bằng những phương pháp tác chiến khác nhau.
        
        Huế và Đà Nẵng là hai thành phố lớn, ở đó địch có những căn cứ quân sự lớn, được bố phòng chu đáo, có các cứ điểm vòng ngoài bao bọc. Nhưng khi địch đã hoang mang rệu rã thì các phân đội xe tăng thiết giáp của ta với số lượng không nhiều đã có thể hiệp đồng với các binh đoàn chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương tranh thủ thời cơ, táo bạo dẫn đầu đội hình thọc sâu vào trung tâm thành phố, chặn đường tháo chạy của chúng ra cửa biển Thuận An (Huế), bán đảo Sơn Trà, sân bay Nước Mặn (Đà Nẵng). Cách đánh này biểu hiện nghệ thuật sử dụng xe tăng thiết giáp kiên quyết táo bạo, đúng thời cơ, khiến quân thù kinh hoàng rối loạn, còn đông quân mà không sao chống đỡ nổi.
        
        Khi tiến vào giải phóng Phan Rang, Phan Thiết, Hàm Tân, cách đánh có những nét khác. Ở ba thị xã này, địch mới lập tuyến phòng thủ vội vã để bảo vệ Sài Gòn từ xa. Vì thế, Quân đoàn 2 đã quyết định tổ chức binh đội phái đi trước với lữ đoàn xe tăng 203 làm nòng cốt, vừa trinh sát nắm địch vừa tiến công tiêu diệt các chốt bảo an, dân vệ dọc đường, tiếp cận thị xã vào ban đêm rồi lướt qua các mục tiêu không quan trọng ở vòng ngoài, chọc thẳng vào bên trong các thị xã lúc nửa đêm hoặc mờ sáng, nhanh chóng tiêu diệt các đối tượng chủ yếu, tạo điều kiện cho quân và dân ta giải phóng thị xã.
        
        Khi tổng công kích vào thành phố Sài Gòn, do địch phòng thủ vòng ngoài mạnh nhưng bên trong mỏng yếu, nên các trung đoàn, lữ đoàn xe tăng thiết giáp được sử dụng một phần lực lượng chi viện cho cho các binh đoàn đột phá mở cửa, còn phần lớn lực lượng làm bộ phận hợp thành của các binh đoàn cơ giới thọc sâu, hoặc đảm nhiệm phân đội thọc sâu của các quân đoàn. Cách đánh này mang lại hiệu quả lớn. Trong năm hướng tiến công vào nội đô, có bốn hướng có xe tăng thiết giáp tham gia và trở thành lực lượng đột kích quan trọng, co nơi là lực lượng đột kích chủ yếu, chi viện đắc lực cho các binh đoàn hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ đột phá chiến dịch trong thời gian ngắn.
        
        Trong tiến công vào thành phố, thị xã phải tuỳ theo thế trận phòng thủ, cách bố trí lực lượng và sức chiến đấu của địch, điều kiện địa hình mà quyết định cách đánh thích hợp. Khi thế phòng ngự của địch còn vững chắc thì xe tăng thiết giáp phải chiến đấu trong đội hình binh chủng hợp thành và tổ chức thành đội đột kích mạnh, chi viện cho nhau chiến đấu, thực hiện đánh chắc, tiến chắc. Khi địch phòng ngự vội vã hoặc rút chạy, tan rã, có thể tổ chức lực lượng phái đi trước, lấy xe tăng thiết giáp làm nòng cốt, có các phân đội bộ binh ngồi trên xe, có pháo binh, cao xạ, công binh trực tiếp chi viện và bảo đảm, thực hành tiến công trong hành tiến. Trong trường hợp này, các phân đội xe tăng thiết giáp phải hành động kiên quyết, táo bạo, phối hợp với lực lượng vũ trang tại chỗ và dựa vào nhân dân, tổ chức đội hình có đội trinh sát đi đầu, có lực lượng tiền vệ và hỏa lực chi viện trực tiếp mạnh, đủ sức mở đường cho chủ lực vượt lên, đánh thẳng vào trung tâm thành phố, thị xã khiến cho quân địch không kịp trở tay đối phó.
       
        Xe tăng thiết giáp là loại xe chiến đấu hiện đại, nhưng do nhiều nguyên nhân, trang bị của ta thường không đồng bộ, gồm nhiều chủng loại cũ, mới, với tính năng kỹ thuật, chiến đấu khác nhau; kỹ thuật chế tạo chưa được nhiệt đới hoá nên chưa thật thích hợp với địa hình, thời tiết Việt Nam. Sức mạnh chiến đấu của mỗi chiếc xe tăng, thiết giáp không chỉ phụ thuộc vào vỏ thép dày hay mỏng, cỡ pháo lớn hay nhỏ, trang bị súng nhiều hay ít mà còn phụ thuộc rất nhiều vào tài nghệ của người chỉ huy và của các kíp xe đièu khiển. Với quyết tâm sắt đá, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, với kiến thức và kỹ năng chiến đấu ngày một nâng cao, bộ đội thiết giáp đã sử dụng thành công các loại xe trong những nhiệm vụ khác nhau.
       
        Thành công to lớn của các đơn vị xe tăng thiết giáp đã sử dụng hợp lý các loại xe khác nhau trên các chiến trường, ở những thời điểm khác nhau trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 đã khẳng định: xe tăng, thiết giáp chỉ có thể phát huy đầy đủ tính năng tác dụng khi ở trong tay những người có quyết tâm chiến đấu cao, có trình độ làm chủ vũ khí kỹ thuật, vận dụng sáng tạo cách đánh thích hợp trước từng kẻ thù cụ thể, có sự hiệp đồng chặt chẽ, chi viện tích cực của các lực lượng khác trong đội hình chiến đấu binh chủng hợp thành, sự phối hợp kịp thời của các lực lượng vũ trang tại chỗ và nhân dân các địa phương.
       
        Kinh nghiệm trên cần được nghiên cứu, vận dụng sáng tạo để xây dựng và phát triển lực lượng xe tăng thiết giáp trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Hết sức tránh nhấn mạnh một chiều tính năng tác dụng của một loại xe nào đó, dẫn đến sử dụng không thích hợp với từng loại địa hình, thời tiết và thế trận ở từng địa bàn, trong những thời điểm khác nhau. Đồng thời phải khắc phục hiện tượng chỉ chú trọng trang bị kỹ thuật hiện đại mà lãng quên việc chăm lo xây dựng con người vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tinh thông kỹ thuật, chiến thuật.

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #76 vào lúc: 05 Tháng Tư, 2016, 08:15:01 pm »

                      
SỬ DỤNG KHÔNG QUÂN
KIÊN QUYẾT, THẦN TỐC, TÁO BẠO, BẤT NGỜ
TRONG CHIẾN DỊCH HỒ CHÍ MINH LỊCH SỬ
                                 
Thượng tướng ĐÀO ĐÌNH LUYỆN        
       
        Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Không quân nhân dân Việt Nam được góp phần nhỏ bé với lực lượng một biên đội Quyết thắng, trong một trận đánh kết thúc tuyệt đẹp quá trình 10 năm trực tiếp đánh Mỹ, bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam của quân chủng.

        Lần này, sân bay Tân Sơn Nhất, cầu hàng không cuối cùng để Mỹ thực hiện kế hoạch di tản, là mục tiêu công kích của không quân.

        Trong 7 ngày chuẩn bị chiến đấu hết sức khẩn trương, các chiến sĩ không quân gặp nhiều khó khăn tưởng như không thể vượt qua nổi với khối lượng công việc to lớn, phức tạp và mới mẻ trong huấn luyện chuyển loại từ máy bay xã hội chủ nghĩa sang máy bay A.37 lấy được của địch, trong bảo đảm vật chất kỹ thuật, tổ chức chỉ huy, hiệp đồng...Nhưng được sự chỉ đạo sáng suốt, kiên quyết của Bộ Tổng tham mưu, Bộ chỉ huy chiến dịch, sự tập trung nỗ lực của quân chủng, các chiến sĩ không quân đã thể hiện ý chí và quyết tâm cao, hành động kiên quyết sáng tạo, táo bạo, thần tốc, thực hiện thắng lợi trận đánh sân bay Tân Sơn Nhất, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Bộ chỉ huy chiến dịch giao cho.
        
        Qua thực tiễn trận đánh này nổi lên một số vấn đề nghệ thuật sử dụng không quân.

        1. Hạ quyết tâm chính xác, đánh đúng thời cơ
        
        Ngay sau khi ta chiếm được một số sân bay và máy bay ở quân khu I, quân khu 2 ngụy (cuối 3-1975) Bộ đã sớm giao nhiệm vụ cho không quân tiếp quản và nhanh chóng đưa vào sử dụng các sân bay mới được giải phóng, gấp rút chuẩn bị triển khai lực lượng để làm chủ bầu trời miền Nam, kể cả vùng biển và hải đảo, đồng thời đề ra cho người lái của ta chuẩn bị mọi mặt để có thể dùng máy bay lấy được của địch đánh địch.
        
        Tiếp dó, chiều 25 tháng 4 năm 1975, sau khi nghe báo cáo và nắm tình hình không quân tiếp quản các sân bay của địch từ Phan Rang trở ra, Bộ chỉ huy chiến dịch đã quyết định: dùng máy bay lấy được của địch do phi công ta lái để đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất, nhằm mục đích khống chế sân bay tích cực và chủ động nhất, thúc đẩy tình hình địch vốn đã rối loạn càng rối loạn hơn nữa, không cho bọn đầu sỏ dễ dàng chạy trốn, không cho địch mang đi những máy bay tốt hiện còn để ở sân bay Tân Sơn Nhất, tạo điều kiện cho không quân ta được trực tiếp tham gia chiến dịch lịch sử này để có thêm kinh nghiệm phục vụ huấn luyện, xây dựng và chiến đấu của không quân ta trong tương lai.
        
        Thời cơ đánh đã chín muồi, vì các quân đoàn chủ lực của ta đã vào vị trí tập kết xung quanh Sài Gòn. Quyết tâm của Bộ chỉ huy chiến dịch là giải phóng Sài Gòn trước ngày 1 tháng 5 năm 1975. Theo kế hoạch chung đã định, từ chiều 26 và sáng 27 tháng 4, các hướng sẽ đồng loạt đánh vào vùng ven Sài Gòn. Ngày 28 tháng 4, pháo binh tầm xa của ta ở Nhơn Trạch bắn vào sân bay Tân Sơn Nhất và các mũi tiến công của các binh đoàn chủ lực cũng sẵn sàng tiến quân vào Sài Gòn. Với thời gian chung và kế hoạch của chiến dịch như vậy, Bộ chỉ huy chiến dịch đã quy định ngày đánh cụ thể của không quân là 28 tháng 4 và chỉ rõ: "Không quân chỉ có một ngày này, một lần để lập công" (trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử).
        
        Đối với không quân, tuy thời gian từ khi nhận lệnh đến khi đánh thật gấp rút, nhưng đó là thời cơ "ngàn năm có một". Nếu đánh sớm trước ngày 28 tháng 4 thì không thể chuẩn bị kịp; mặt khác, bộ đội ta còn ở xa, tinh thần quân địch chưa hoang mang cực độ, tính quyết định của chiến dịch chưa cao, tính hiếp đồng chưa lớn. Nếu đánh muộn (sau ngày 28-4) thì mất thời cơ, tác dụng đối với chiến dịch không lớn và có thể gây khó khăn cho việc hiệp đồng tác chiến, dẫn đến lầm lẫn gây thương vong cho đơn vị bạn và không bảo đảm an toàn cho phi công ta. Cho nên yêu cầu không quân đánh đúng thời gian là rất bức bách. Không quân phải làm chủ được thời gian để hành động đúng thời cơ tốt nhất, đúng thời điểm quyết định. Không quân đánh đúng thời cơ sẽ góp phần áp đảo địch, buộc Mỹ phải di tản nhanh hơn, thất bại nhanh hơn, bộ đội ta đỡ tốn xương máu.
        
        Trong hoàn cảnh cấp bách như vậy, không thể tính toán giải quyết hết mọi khó khăn rồi mới đánh, mà phải có tinh thần đạp bằng mọi khó khăn để giành thắng lợi. Kẻ địch cho rằng không quân ta chuyển máy bay Mích từ miền Bắc vào thì không kịp, mà sử dụng được máy bay của chúng thì cũng còn lâu, nên khi bị đánh bất ngờ, tinh thần của chúng sẽ sa sút nhanh hơn, đà di tản càng gấp rút hơn. Ta tìm thấy chỗ yếu, chỗ sơ hở của địch để triệt để lợi dụng, bảo đảm đạt được bất ngờ, tạo ra khả năng giải quyết nhiệm vụ một cách chắc chắn với lực lượng nhỏ, dù chỉ là một biên đội và chỉ đánh một trận. Đó là nghệ thuật chỉ đạo, chỉ huy biết nắm thời cơ, hạ quyết tâm chính xác, sử dụng lực lượng không quân thích hợp, đúng tính năng vào thời điểm quan trọng, vào trận đánh then chốt, vào một trong những mục tiêu trọng yếu của chiến dịch. Như vậy, dù lực lượng không quân ít, số trận đánh không nhiều nhưng vẫn có hiệu quả cao, tác dụng lớn đối với chiến dịch và cả tác chiến và cả xây dựng lâu dài của không quân.
        
        Lựa chọn, xác định mục tiêu đánh cũng là một vấn đề nghệ thuật chỉ huy. Từ Bộ chỉ huy chiến dịch đến Bộ tư lệnh quân chủng, các cấp cán bộ của không quân và người lái đã nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng. Mục tiêu đánh là sân bay Tân Sơn Nhất hay sân bay Biên Hoà? Là dinh "Độc lập" hay Bộ Tổng tham mưu hoặc Tổng nha cảnh sát ngụy?... Nếu là sân bay thì đánh vào đâu cho có hiệu quả và tác dụng lớn, kho bom, kho xăng dầu, đường cất hạ cánh, sân đỗ máy bay hay đài chỉ huy? Cuối cùng, ta đã xác định đúng mục tiêu đánh là sân bay Tân Sơn Nhất, tập trung đánh khu vực để máy bay F.5 đang sẵn sàng chiến đấu, kể cả máy bay mà bọn Mỹ dùng để di tản.

        Chọn mục tiêu này có tác dụng gây chấn động lớn cho bọn Mỹ, buộc chúng tháo chạy nhanh hơn. Đây là mục tiêu lớn, người lái ta dễ quan sát, phát hiện, dễ đánh trúng, không sợ nhầm lẫn gây tổn thất cho nhân dân thành phố. Mặt khác là một sân bay nằm sâu trong hang ổ của chúng nên lực lượng phòng không của địch ở đây không mạnh lắm, tuy chúng có chú ý hơn sau khi dinh "Độc lập" bị trút bom, đề phòng không chỉ máy bay của ta mà cả máy bay do ngụy lái nữa.
       
        Đúng 15 giờ 40, biên đội gồm 5 máy bay A.37 do phi công ta lái đã xuất kích oanh tác sân bay Tân Sơn Nhất, đánh trúng khu vực để máy bay F.5, máy bay vận tải và máy bay làm nhiệm vụ di tản của Mỹ. Từng loạt bom trút xuống, tiếng nổ rung chuyển Sài Gòn, khói lửa trùm kín khu vực để máy bay. Trừ một vài loạt cao xạ địch hoảng hốt bắn lên, mọi hoạt động khác của địch trên sân bay lúc này đều tê liệt. Tại các khu vực khác, máy bay chiến đấu của địch vẫn nằm trên sân bay. Biên đội máy bay ta đã làm chủ bầu trời Sài Gòn bằng hành động quả cảm, táo bạo, bất ngờ. Cuộc di tản vội vã của bọn Mỹ trong giờ phút đó phải tạm ngừng, để rồi sau đó càng hối hả hơn, đẩy địch đi đến thất bại hoàn toàn nhanh chóng hơn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #77 vào lúc: 05 Tháng Tư, 2016, 08:17:57 pm »

       
        2. Phát huy truyền thống lấy vũ khí địch diệt địch
       
        Lấy vũ khí địch để diệt địch là truyền thống chiến đấu của quân đội ta. Không quân nhân dân Việt Nam đã kế thừa và phát huy truyền thống đó. Song nhiệm vụ này vô cùng khó khăn, phức tạp. Bản thân việc bay trên trời đã chứa đựng những yếu tố không an toàn, đòi hỏi phải có điều kiện bảo đảm nhiều mặtvà có đủ thời gian để nắm vững kỹ thuật bay và bảo đảm vật chất kỹ thuật cho bay. Dù chỉ có một máy bay bay trên trời cũng phải bảo đảm đồng bộ và toàn diện các mặt như bảo đảm cho hàng chục máy bay. Đối với các loại vũ khí bộ binh, pháo binh, xe tăng, thiết giáp... đoạt được của địch thì việc đưa vào sử dụng không đòi hỏi nhiều thời gian như máy bay. Mỗi chiếc máy bay là kết quả tổng hợp của nhiều ngành khoa học kỹ thuật hiện đại tinh vi nên việc sử dụng đòi hỏi phải có thời gian, phải nghiên của nắm vững kỹ thuật để bảo đảm an toàn tuyệt đối, vì người lái máy bay không có điều kiện để rút kinh nghiệm và sửa chữa sai lầm, thiếu sót của mình khi bay ở trên không.
       
        Không quân ta phải chiến đấu trong những điều kiện hoàn toàn mới về nhiệm vụ, đối tượng tác chiến, phương pháp hoạt động... Song điều khó khăn nhất là dùng máy bay lấy được của địch để diệt địch. Thời gian 7 ngày chỉ đủ để nắm được những yêu cầu tối thiểu cho việc điều khiển một chiếc máy bay, còn để tìm hiểu hết tính năng, tác dụng của mọi trang bị để có thể xử trí với mọi bất trắc về kỹ thuật trong khi bay thì hoàn toàn không đủ. Trong cuộc chiến đấu với không quân Mỹ để bảo vệ miền Bắc, ngay với tinh thần cách mạng sáng tạo và khẩn trương "đốt cháy giai đoạn", việc huấn luyện chuyển loại máy bay mới của ta cũng mất 3 tháng. Với máy bay của địch, sự khác biệt về cấu tạo, tính năng tác dụng và cách sử dụng càng lớn hơn. Nhưng do yêu càu nhiệm vụ, thời gian bay chuyển loại, chuẩn bị chiến đấu, bay chuyển từ sân bay Đà Nẵng vào sân bay Phù Cát, đến sân bay Phan Rang và thực hành chiến đấu tất cả chỉ có 7 ngày. Nếu không có ý chí quyết tâm cao, kiên quyết chấp hành nhiệm vụ, không phát huy cao tinh thần tự lực tự cường và khả năng làm chủ kỹ thuật loại máy bay mới thì khó có thể đáp ứng yêu cầu về thời gian. Từ tác chiến phòng không, một phương thức hoạt động mà không quân ta đã có nhiều kinh nghiệm chuyển sang phương thức hoạt động đánh mục tiêu mặt đất nằm sâu trong hang ổ của địch cũng là một vấn đề mới phải nghiên cứu kỹ.
       
        Tuy kẻ địch đang sa sút về tinh thần, nhưng bọn giặc lái ngụy đều có giờ bay cao, máy bay F.5 của địch còn nhiều và đang sẵn sàng chiến đấu trên một số sân bay, chúng có thể cùng với hệ thống phòng không đối phó với ta trên vùng trời mà trước nay chúng chưa hề gặp đối thủ.
       
        Máy bay ta lại hoạt động độc lập, không có máy bay tiêm kích hộ tống. Ngoài ra, hoả lực phòng không của các đơn vị quân ta đang vây ép Sài Gòn nếu không được thông báo kịp sẽ có thể vì không biết mà bắn vào máy bay địch do phi công ta lái.

        Để làm chủ loại máy bay A.37, phi công ta đã khẩn trương nghiên cứu kỹ thuật ở mặt đất, điều khiển máy bay lăn trên mặt đất, kèm nhau bắn thử, tập bổ nhào ném bom, đặc biệt ta đã sử dụng một số lái cũ của ngụy hướng dẫn kỹ thuật. Sau đó được đồng chí Nguyễn Thành Trung hướng dẫn bay kèm và dẫn biên đội đi đánh, nên cũng rút ngắn được thời gian chuẩn bị. Anh em thợ máy đã dốc sức sửa chữa, chuẩn bị máy bay. Sửa chữa được chiếc nào, bay chiếc đó, dù chỉ có một chiếc cũng luân phiên bay tập. Các trang bị bổ trợ, nhiên liệu, vũ khí, các phương tiện thông tin, ra-đa cũng được chuẩn bị khẩn trương, chu đáo để bảo đảm cho nhiệm vụ. Mặc dù thời tiết miền Trung về mùa hè thường thay đổi bất thường, hay có mưa giông, mây thấp, nhiều ngày rất trở ngại cho bay. Nhưng anh em vẫn kiên trì tranh thủ từng giờ thời tiết tốt để bay, thực hiện kỳ được mỗi người lái ít nhất cũng bay tập ném bom được một lần.
       
        Với ý chí kiên quyết tiến công tiêu diệt địch, trận đánh đã kết thúc thắng lợi giòn giã, đạt hiệu xuất ném trúng cao, thực hiện đúng ý định về thời cơ và yêu cầu về thời gian của Bộ chỉ huy chiến dịch. Không quân nhân dân Việt Nam đã ghi thêm vào lịch sử của mình chiến công "dùng máy bay lấy được của địch đánh thắng địch" góp phần vào thắng lợi của trận quyết chiến cuối cùng của quân dân ta. Chiến công đó càng tô thắm và làm dày thêm truyền thống "Trung thành vô hạn, kiên quyết tiến công, đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể" của không quân nhân dân. Đó cũng là kết quả của những năm tháng vừa chiến đấu vừa xây dựng gian khổ, quyết liệt trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, đánh thắng nhiều kiểu loại máy bay hiện đại với những tên giặc lái sừng sỏ của Mỹ bằng mọi loại vũ khí có trong tay, loại máy bay nào cũng đánh thắng, lớp phi công nào cũng lập chiến công và trưởng thành toàn diện.
       
        Cũng từ kinh nghiệm thực tiễn và phát huy truyền thống trận đánh Tân Sơn Nhất, sau này không quân ta đã mạnh dạn sử dụng không những máy bay A.37 mà tất cả các loại máy bay ta lấy được của địch như F.5, trực thăng vũ trang UH.1, trực thăng cần cẩu CH.47, máy bay trinh sát L.19, vận tải C.130... tham gia chiến đấu hợp đồng với các binh, quân chủng khác ở biên giới tây - nam, bằng nhiều phương thức phong phú, chi viện có hiệu lực cho các binh, quân chủng bạn chiến đấu thắng lợi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #78 vào lúc: 05 Tháng Tư, 2016, 08:19:55 pm »

       
        3. Chọn cách đánh đúng đắn, sáng tạo, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng
       
        Trong chiến đấu và chiến dịch, xác định cách đánh đúng là yếu tố rất quan trọng để giành thắng lợi. Bằng lối đánh thông minh, táo bạo, bất ngờ, trận oanh kích sân bay Tân Sơn Nhất đã giành thắng lợi giòn giã với một biên đội (5 máy bay A.37) không có máy bay tiêm kích hộ tống. Việc xác định đúng lực lượng sử dụng, phương án ném bom, thời cơ cất cánh, sân bay xuất kích, đội hình bay, đường bay, độ cao bay, phương pháp tiếp cận mục tiêu, phương pháp công kích mục tiêu, phương pháp xử trí các tình huống bất trắc, chỉ huy và dẫn đường bay... có quan hệ trực tiếp đến kết quả trận đánh.
       
        Trong trận đánh này, điểm nổi bật lên hàng đầu của mọi biện pháp trong cách đánh là phải giữ được bí mật, giành được bất ngờ mới bảo đảm chắc thắng, đánh trúng mục tiêu đạt hiệu suất chiến đấu cao. Vì nếu để địch sớm phát hiện ý định của ta, và máy bay ta từ phía bắc bay xuống, lại bay cao, chắc chắn ra-đa của chúng sẽ phát hiện được và sẽ dùng máy bay F.5 chặn đánh. Ta phải tính toán làm sao bay lọt qua được mạng lưới ra-đa cảnh giới của địch suốt chặng đường bay từ căn cứ xuất kích đến mục tiêu đánh, có vậy mới giáng cho chúng một đòn bất ngờ.
       
        Ta đã sử dụng lực lượng nhỏ với trọng lượng bom vừa đủ (10 tấn) thực hành đánh sâu, đánh hiểm vào khu vực để máy bay ở căn cứ sào huyệt chính của địch, trong thời điểm quyết định của chiến dịch, thể hiện nghệ thuật lấy nhỏ thắng lớn của không quân trong điều kiện cụ thể, với đối tượng tác chiến cụ thể.
       
        Ta chọn thời cơ sử dụng không quân đúng vào lúc (28-4) địch đang hoang mang dao động, di tản hỗn loạn và chúng không ngờ ta lại kịp sử dụng được máy bay của chúng nhanh đến thế. Về thời cơ cụ thể, ta cất cánh lúc 15 giờ 40 phút là lúc địch dễ chủ quan, ít đề phòng; đánh xong quay về hạ cánh trước lúc trời tối. Ta dùng sân bay Thành Sơn làm nơi xuất kích chiến đấu để rút ngắn cự ly bay, tăng thêm thời gian hoạt động trên không và chọn đường bay trùng hợp với đường bay mà máy bay địch thường hoạt động để dễ trà trộn, làm cho chúng dễ nhầm  là máy bay của chúng. Ta đã bay thấp để tránh ra-đa địch phát hiện, không sử dụng vô tuyến điện liên lạc trên đường bay để giữ bí mật. Đến gần mục tiêu thì kéo lên độ cao cần thiết, dùng phương pháp bổ nhào ném bom cho chuẩn xác. Sử dụng máy bay do Nguyễn Thành Trung lái dẫn đầu biên đội và ném bom chỉ chuẩn cho các máy bay tiếp theo ném trúng mục tiêu... Tất cả những vẫn đề ấy đều được tính toán tỉ mỉ, chặt chẽ cho từng người lái, từng động tác, chuẩn bị kỹ cách đối phó trong từng tình huống cụ thể.

        Khi bay qua Bà Rịa, mặc dù cao xạ dưới mặt đất bắn rộ lên, biên đội vẫn quả cảm bay lướt qua, giữ vững đội hình bay theo đường bay dự định đến mục tiêu một cách bất ngờ.
       
        Bằng một loạt biện pháp, ta đã giữ được bí mật trong suốt quá trình chuẩn bị cũng như thực hành chiến đấu, làm cho địch hoàn toàn bị bất ngờ. Khi bom nổ, địch bàng hoàng, tưởng lại có một "Nguyễn Thành Trung thứ hai" chứ không ngờ là chính máy bay của chúng do anh em ta lái do chính Nguyễn Thành Trung dẫn đầu đang giội bão lửa lên đầu chúng. Trận đánh bất ngờ càng làm tăng thêm nỗi kinh hoàng của kẻ địch vốn đang hoang mang, suy sụp. Giữ được bí mật, giành được bất ngờ nên ta giữ được quyền chủ động trên không; không quân ta làm chủ bầu trời Sài Gòn suốt thời gian oanh kích.
       
        Sử chỉ đạo sáng suốt của Bộ chỉ huy chiến dịch kiên quyết sử dụng không quân đúng thời cơ, với lực lượng thích hợp bằng máy bay lấy được của địch để tiêu diệt địch ở thời điểm quyết định trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã làm tăng thêm sức mạnh tổng hợp của các lực lượng tham gia chiến dịch, đẩy địch đi nhanh đến thất bại, đồng thời tạo điều kiện cho không quân trưởng thành lên một bước mới.
       
        Đây là trận đánh đầu tiên của không quân ta tham gia một chiến dịch có ý nghĩa chiến lược trong tác chiến hợp đồng quân, binh chủng, "một trận phối hợp tuyệt đẹp, một trận đánh hợp đồng quân chủng, binh chủng đầy đủ nhất từ trước đến nay của quân đội ta vào một thời điểm hết sức quan trọng có tác dụng lớn đến diễn biến chiến dịch".
       
        Đối với quân chủng không quân, thành công của trận đánh sân bay Tân Sơn Nhất cho phép rút được nhiều bài học hay, kinh nghiệm quý về quán triệt nhiệm vụ và quyết tâm chiến dịch, về tổ chức chỉ huy và thực hành một trận chiến đấu mới mẻ về mọi mặt.

        Những bài học đó có ý nghĩa thiết thực đối với nhiệm vụ xây dựng, chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu của Quân chủng không quân trong sự nghiẹp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #79 vào lúc: 05 Tháng Tư, 2016, 08:21:54 pm »

                       
TÁC CHIẾN CỦA BINH ĐOÀN CHỦ LỰC TẠI CHỖ
KẾT HỢP VỚI CHIẾN TRANH NHÂN DÂN ĐỊA PHƯƠNG
                         
Thượng tướng HOÀNG CẦM       
       
        Thắng lợi của Tổng tiến công và nổi dậy xuân 1975 là thắng lợi của đường lối chính trị, đường lối quân sự của Đảng, trong đó một vấn đề có ý nghĩa quyết định là không ngừng phát huy sức mạnh tổng hợp của ta trên mặt trận đấu tranh vũ trang bằng sự kết hợp chiến tranh chính quy với chiến tranh du kích, ngày nay gọi là kết hợp chiến tranh bằng các binh đoàn chủ lực với chiến tranh nhân dân địa phương.

        Kết hợp chiến tranh bằng các binh đoàn chủ lực với chiến tranh nhân dân địa phương không những xuất phát từ đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng mà còn là sự kế thừa và phát huy truyền thống "cả nước một lòng, toàn dân đánh giặc" được hình thành, phát triển qua bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc. Nó trở thành một quy luật về phương thức tiến hành chiến tranh cách mạng của Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp cũng như kháng chiến chống Mỹ.
       
        Từ điểm xuất phát như vậy, trong quá trình đấu tranh vũ trang, đi đôi với phát động phong trào toàn dân đánh giặc, ta đã ra sức xây dựng, phát triển bộ đội chủ lực có đủ các quân binh chủng, từng bước cải tiến trang bị kỹ thuật ngày càng tốt hơn, đặc biệt đã xây dựng những binh đoàn lục quân ngày càng lớn mạnh. Trong các binh đoàn đó có những binh đoàn làm nhiệm vụ dự bị chiến lược cơ động trên một hướng chiến lược trong một thời gian dài, có khi suốt cả cuộc chiến tranh, thường gọi là binh đoàn chủ lực tại chỗ.

        Quân đoàn 4 là một đơn vị chủ lực của Bộ được hình thành trong quá trình kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và đảm nhiệm hoạt động ở chiến trường B2, chủ yếu là vùng Đông Nam Bộ. Với chức năng là đơn vị chủ lực tại chỗ nên trong quá trình hình thành và phát triển lực lượng, các đơn vị tiền thân của quân đoàn cũng như quân đoàn đã gắn chặt với quân và dân Nam Bộ, Cực nam Trung Bộ, gắn chặt việc xây dựng đơn vị mình với xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân ở chiến trường này. Nhờ vậy, quân đoàn đã cùng quân và dân tại chỗ hoàn thành các nhiệm vụ mà Trung ương Đảng giao cho. Đặc biệt đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, sau khi hoàn thành nhiệm vụ tạo thế ở vòng cung từ tây - bắc đến đông - bắc Sài Gòn, quân đoàn đã cùng với các binh đoàn chủ lực cơ động của Bộ cùng quân và dân địa phương tiến hành thắng lợi chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta.
       
        Trong mùa xuân 1975, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương Cục và Quân uỷ Miền, sự chỉ huy trực tiếp của Bộ chỉ huy Miền, Quân đoàn 4 đã giải quyết thành công nhiều vấn đề quan trọng góp phần vào việc chuẩn bị chiến trường trọng điểm, cùng các binh đoàn chiến lược khác và quân dân địa phương giành toàn thắng trong trận quyết chiến chiến lược cuối cùng.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM