Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 04:02:48 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trận quyết chiến lịch sử Xuân 1975  (Đọc 26790 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #60 vào lúc: 05 Tháng Tư, 2016, 06:08:36 pm »


        Qua 17 ngày đêm vừa hành quân, vừa đánh địch với tốc độ trung bình 100km/ngày khi không có tác chiến dọc đường, và đạt trung bình 40km/ngày khi tiến công trong hành tiến lúc 3 giờ ngày 24 tháng 4, toàn bộ đội hình quân đoàn đã vào vị trí tập kết chiến dịch, đúng thời gian, với đủ vũ khí, trang bị, đạn dược, nhiên liệu, lương thực thực phẩm, sẵn sàng nhận nhiệm vụ chiến đấu được ngay.

        Với thắng lợi của cuộc hành quân thần tốc đột phá mở đường vào phía nam, tiến công tiêu diệt và đập tan tổ chức phòng ngự của địch ở Phan Rang, Phan Thiết, Hàm Tân, quân đoàn đã góp phần quan trọng làm thất bại biện pháp chiến lược phòng ngự từ xa của địch ở hướng đông - bắc Sài Gòn, giải phóng con đường chiến lược số 1 và ven biển miền Trung, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chi viện chiến trường trọng điểm trong trận quyết chiến chiến lược cuối cùng.

        Sự có mặt của quân đoàn 2 trong chiến dịch Hồ Chí Minh đã tăng thêm một lực lượng quan trọng trên một hướng chiến lược rất hiểm yếu đối với địch cùng với các đơn vị bạn gây lên sức ép mới, tạo ra so sánh lực lượng có lợi cho cả ta về thế và lực ở khu vực Sài Gòn - Gia Định.

        Sau khi mất Phan Rang, Phan Thiết, Hàm Tân, địch chủ trương co cụm quanh Sài Gòn, ngăn chặn ta từng bước để tranh thủ thời gian củng cố lực lượng, cải thiện thế phòng thủ, cố giữ phần đất còn lại.

        Trên hướng tiến công của quân đoàn, địch có 4 trung đoàn bộ binh, lữ đoàn thuỷ quân lục chiến 468, 2 lũ đoàn dù 1 và 2, liên đoàn biệt động 33, 18 tiểu đoàn bảo an, 2 chiến đoàn 314, 318, 4 thiết đoàn xe tăng - thiết giáp, 5 tiểu đoàn pháo binh. Ngoài ra còn có lực lượng của các cơ quan, nhà trường và trung tâm huấn luyện của chúng.

        Nhìn chung, địch đã hình thành được thế phòng thủ, lợi dụng được địa hình có lợi, đưa vào các chi khu, các căn cứ lớn tổ chức thành các tuyến, các khu vực phòng ngự có cộng sự vững chắc, có hệ thống hoả lực và vật cản được chuyển bị, tạo thành thế liên hoàn hổ trợ cho nhau. Quân địch còn đông, lực lượng tề điệp ác ôn, phản động còn nhiều và địch sẽ ngoan cố chống cự vì đây là sào huyệt cuối cùng của chúng.

        Mặt yếu cơ bản của địch là đang dao động về tinh thần, rệu rã về tổ chức, lực lượng chủ lực cơ động hầu hết đã bị đánh bại chưa kịp củng cố, lại phải đối phó với nhiều hướng tiến công của ta, lực lượng bị căng mỏng, không đủ sức để phản kích lớn.

        Địa bàn tác chiến của quân đoàn là địa hình đồng bằng có các thị trấn và thành phố lớn. Mạng đường sá khá phát triển, tiện cơ động cho xe cơ giới các loại. Sông ngòi, kênh rạch, cầu cống nhiều, có những cầu lớn như cầu Xa Lộ, cầu Rạch Chiếc, cầu Sài Gòn, cầu Cổ Mây được địch tăng cường bảo vệ và chúng đã có kế hoạch phá để ngăn chặn bước tiến của ta. Hướng Cát Hải có sông Nhà Bè rộng 700m và căn cứ hải quân Cát Lái.

        Ngày 22 tháng 4 quân đoàn được giao nhiệm vụ phối hợp với đặc công và quân đoàn 4 đảm nhiệm tiến công trên một hướng quan trọng của chiến dịch Hồ Chí Minh. Nhiệm vụ trước mắt của quân đoàn: đánh chiếm căn cứ Nước Trong, chi khu Long Thành, căn cứ Long Bình, cầu Xa lộ, chi khu Nhơn Trạch, Thành Tuy Hạ, bến phà Cát Lái, chi khu Đức Thạnh, thị xã Bà Rịa, Vũng Tàu. Nhiệm vụ tiếp theo: tiêu diệt địch ở hữu ngạn sông Đồng Nai, đánh chiếm quận 4, quận 9 Sài Gòn. Sau đó tuỳ tình hình có thể tiếp tục phát triển tiến công về đồng bằng khi có lệnh. Quá trình phát triển chiến đấu, Bộ giao thêm nhiệm vụ dùng pháo binh đánh sân bay Tân Sơn Nhất.

        Quyết tâm của Bộ tư lệnh quân đoàn là: "Tập trung sức mạnh hiệp đồng binh chủng, nhanh chóng đập tan hệ thống phòng ngự vành ngoài của địch, tạo thời cơ thọc sâu chiến dịch, hiệp đồng chặt chẽ với đơn vị bạn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Bộ giao".

        Đội hình của quân đoàn thành một thê đội, có binh đoàn hỗn hợp thọc sâu chiến dịch và đội dự bị binh chủng hợp thành.

        Tư tưởng chỉ đạo tác chiến: mạnh - nhanh - chắc.

        Cách đánh: tập trung lực lượng tạo thành sức đột kích mạnh chọc thủng tuyến phòng ngự địch ở nơi hiểm yếu, kết hợp chặt chẽ giữa đột phá chính diện với bao vây, vu hồi chia cách địch không để địch rút chạy hoặc co cụm, sau khi đột phá mở cửa, nhanh chóng thực hành thọc sâu đánh chiếm các mục tiêu quan trọng trong nội đô bằng tiến công trong hành tiến.
 
        Khi quân đoàn đã đánh chiếm cầu Xa lộ và căn cứ hải quân Cát Lái, để kịp thời hiệp đồng với các đơn vị bạn, binh đoàn thọc sâu có nhiệm vụ nhanh chóng tiến công theo trục Xa lộ vào nội đô Sài Gòn, đánh chiếm các mục tiêu quy định.

        Nếu chấp hành đúng thời gian quy định của chiến dịch nổ súng tổng công kích vào nội đô Sài Gòn ngày 29 tháng 4 năm 1975 thì quân đoàn khó có thể vào Sài Gòn kịp thời gian, vì trên hướng tiến công của quân đoàn có nhiều căn cứ lớn, địa hình phức tạp, nhiều sông ngòi và cầu lớn. Vì vậy Bộ tư lệnh quân đoàn đã đề nghị và được Bộ chỉ huy chiến dịch đồng ý cho quân đoàn nổ súng sớm hơn vào ngày 26 tháng 4. Như vậy quân đoàn có thể hiệp đồng với các hướng khác khi đồng loạt tổng công kích vào Sài Gòn.

        Theo đúng kế hoạch, 17 giờ ngày 26 tháng 4 năm 1975, quân đoàn bắt đầu bắn chuẩn bị, mở màn chiến dịch tiến công ở hướng đông - đông - nam Sài Gòn và cũng là mở màn chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ngay từ phút đầu quân địch đã bị áp chế hoàn toàn, hệ thống phòng ngự của chúng bị rối loạn.

        Lúc 17 giờ 45, các sư đoàn bộ binh thê đội một hiệp đồng với pháo binh, xe tăng đột phá các mục tiêu đã định, đánh chiếm một phần trường thiết giáp, căn cứ Nước Trong, tiêu diệt một bộ phận lữ đoàn thuỷ quân lục chiến 46, chiến đoàn 318, chiếm ngã ba đường số 10 và đường số 15 quận lỵ Đức Thạnh và phát triển tiến công thị xã Bà Rịa. Trung đoàn 116 đặc công tiếp cận chuẩn bị đánh chiếm cầu Xa lộ.

        Ngày 27 tháng 4, địch tổ chức phản kích, dùng pháo binh, máy bay đánh phá dữ dội vào các trận địa hỏa lực và các mũi đột kích của ta. Cuộc chiến đấu diễn ra rất quyết liệt, nhất là khu vực căn cứ Nước Trong. Ta phải giành đi giật lại với địch từng lô cốt, từng căn nhà, có mục tiêu phải đánh đi đánh lại ba, bốn lần. Ở hướng đường số 15, ta chiếm chi khu Long Thành, Phước Thiềng, bao vây Long Tân, làm chủ thị xã Bà Rịa. Địch phá cầu Cổ Mây và ngăn chặn, ta phải cho lực lượng đánh vòng phía sau buộc địch phải bỏ cầu Cổ Mây, rồi phát triển tiến công về Vũng Tàu. Đêm 27 tháng 4, trung đoàn 116 đặc công chiếm được cầu Xa lộ.

        Như vậy đến đêm 27 tháng 4, về cơ bản quân đoàn đã đập nát tuyến phòng thủ vành ngoài phía đông - đông - nam Sài Gòn của địch và cắt hẳn đường rút chạy ra biển của chúng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #61 vào lúc: 05 Tháng Tư, 2016, 06:10:33 pm »


        10 giờ ngày 28 tháng 4, quân đoàn nhận được thông báo: "Toàn chiến dịch tổng công kích vào sáng 29 tháng 4. Đơn vị nào đánh nhanh cứ đánh chiếm dinh Độc lập, không cần chờ đơn vị bạn". Sáng 29 tháng 4, đợt tổng công kích trên toàn mặt trận bắt đầu. Các lực lượng của quân đoàn đã tiêu diệt và gọi hàng cụm quân địch ở rừng cao su ngã ba đường số 15 và đánh chiếm căn cứ Long Bình, chi khu Nhơn Trạch, Thành Tuy Hạ, tổ chức vượt sông bằng sức mạnh đánh chiếm Cát Lái, khoá đường rút chạy của địch theo sông Nhà Bè, đánh chiếm và làm chủ phần lớn thị xã Vũng Tàu. Pháo binh chiếm lĩnh trận địa ở Nhơn Trạch, bắn vào sân bay Tân Sơn Nhất, không cho địch rút chạy bằng đường không.

        5 giờ ngày 30 tháng 4 năm 1975, các mũi tiến công của quân đoàn đồng loạt tiến vào nội đô, tổ chức vượt sông bằng sức mạnh, đánh chiếm quận 9, quận 4. Binh đoàn thọc sâu tiến công mạnh mẽ trong hành tiến, tiêu diệt quân địch phòng ngự phía tây cầu Xa lộ, phát triển tiến công đánh chiếm các mục tiêu quan trọng trong nội đô Sài Gòn. Trên đường tiến công của binh đoàn thọc sâu từ ngã ba Long Bình đến dinh Độc lập đã diễn ra những trận đánh quyết liệt giữa ta và địch, nhưng với cách đánh táo bạo, kiên quyết, hoả lực tập trung cao, sức đột kích mạnh, cơ động nhanh, ta đã nhanh chóng đập tan những cụm phòng ngự cuối cùng của địch. Trên hướng đường số 2, ta làm chủ Vũng Tàu lúc 9 giờ và phát triển tiến công đánh chiếm đảo Cần Giờ.

        10 giờ 30, lực lượng đi đầu của binh đoàn thọc sâu đánh chiếm dinh Độc lập, bắt toàn bộ nội các Dương Văn Minh. 11 giờ 30 lá cờ chiến thắng được các chiến sĩ cắm trên nóc dinh Độc lập.

        Sở chỉ huy tiền phương quân đoàn tiến vào dinh Độc lập tiếp tục chỉ huy đánh chiếm các mục tiêu còn lại, tổ chức truy quét tàn binh, tuần tra canh gác, giữ vững an ninh trật tự khu vực đã chiếm. Lực lượng dự bị của quân đoàn đánh chiếm huấn khu và học viện cảnh sát quốc gia Thủ Đức.

        Sau 5 ngày đêm liên tục chiến đấu, quân đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Bộ chỉ huy chiến dịch giao. Qua thực tiễn hoạt động tác chiến của quân đoàn trong mùa xuân 1975, chúng tôi rút ra một số bài học kinh nghiệm sau đây:

        1. Tổ chức tốt hành quân "thần tốc" đường dài bằng cơ giới

        Lần đầu tiên quân đoàn tổ chức hành quân chiến đấu đường dài bằng cơ giới, đưa lực lượng vào vị trí tập kết chiến dịch trong điều kiện thời gian chuẩn bị gấp, vừa đi vừa đánh địch. Trong quá trình thực hiện thắng lợi cuộc hành quân thần tốc, quân đoàn đã giải quyết thành công nhiều vấn đề quan trọng phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và đặc điểm chiến trường.

        Đã tổ chức hành quân tốt theo những yêu cầu: hành quân chiến đấu đường dài bằng cơ giới với đội hình lớn, nhiều trang bị kỹ thuật. Đội hình hành quân được bố trí theo yêu cầu triển khai chiến đấu nhanh, gồm nhiều khối với lực lượng bộ binh, xe tăng - thiết giáp, pháo binh, cao xạ, công binh được bố trí thích hợp, đồng bộ, bảo đảm đánh thắng địch trong mọi tình huống, cả trên mặt đất, trên không và ven biển.

        Tổ chức chỉ huy, điều chỉnh giao thông, tiền trạm phát huy được hiệu lực, bảo đảm lực lượng lớn hành quân không bị chồng chéo, ùn tắc, nhất là trên các đoạn quan trọng, qua các cầu lớn, bến vượt, đoạn đường địch tập trung đánh phá, đồng thời huy động được quân và dân địa phương chi viện, khắc phục kịp thời hậu quả đánh phá của địch, bảo đảm cho quân đoàn cơ động đạt tốc độ cao.

        Về phương tiện hành quân, quân đoàn đã tận dụng các loại phương tiện cơ giới sẵn có trong biên chế, sử dụng xe, nhiên liệu lấy được của địch và động viên khả năng của nhân dân vùng giải phóng, đồng thời được sự chi viện của binh đoàn vận tải chiến lược. Quân đoàn đã huy động được 2276 xe các loại (trong đó xe của quân đoàn chiếm 36%, xe của binh đoàn vận tải - 30%, xe lấy được của địch - 19%, xe của nhân dân - 15%). Ngoài ra còn tận dụng phương tiện vận chuyển đường biển chở một bộ phận từ Đà Nẵng vào Quy Nhơn.

        Để đưa được lực lượng lớn hành quân với tốc độ cao, quân đoàn đã đề nghị trên cho đi theo trục đường số 1. Trong điều kiện hoạt động của không quân địch đã giảm sút, thì việc dùng những trục đường tốt như đường số 1 là thích hợp, bảo đảm phát huy được khả năng cơ động của cơ giới và hiệu lực của binh khí kỹ thuật trong tác chiến hợp đồng binh chủng, để vừa đánh địch vừa hành quân với tốc độ cao.

        2. Đánh địch trong hành tiến kiên quyết, táo bạo.

        Khi địch đã thất bại liên tiếp, bị động, sa sút về tinh thần chiến đấu, rối loạn về tổ chức chỉ huy, thì phải nắm vững thời cơ, thừa thắng xốc tới, tiến công nhanh, mạnh, dồn dập, không cho địch kịp phục hồi chống đỡ. Vì vậy tiến công trong hành tiến, đánh địch với thời gian chuẩn bị gấp vừa là một yêu cầu khách quan, vừa là một khả năng hiện thực.

        Trên hướng tiến quân vào vị trí tập kết theo thời gian quy định, quân đoàn nhất thiết phải đột phá các cụm phòng ngự của địch ở Phan Rang, Phan Thiết, Hàm Tân. Để hoàn thành nhiệm vụ đó, quân đoàn đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo cách đánh địch trong hành tiến, với thời gian chuẩn bị gấp. Yêu cầu của cách đánh này là: tổ chức chiến đấu nhanh, đánh nhanh, đánh mạnh, giải quyết chiến đấu trong một thời gian ngắn, không để địch làm chậm tốc độ hành quân của ta, không cho địch vừa rút lui vừa chống đỡ ở những khu vực quan trọng.

        Nắm vững yêu cầu đó, quân đoàn đã tổ chức đội hình hành quân chiến đấu gồm nhiều khối, mỗi khối là một đơn vị chiến đấu hoàn chỉnh, đồng bộ, đủ sức đánh thắng địch trong mọi tình huống và có khả năng tự khắc phục chướng ngại để bảo đảm cơ động. Khối đi đầu có nhiệm vụ đánh địch, mở đường, nên được tăng cường để đủ sức đột phá, tiêu diệt các cụm quân địch phòng ngự mà không phải mất thời gian điều động lực lượng từ phía sau lên, bảo đảm tốc độ hành quân của đội hình toàn quân đoàn.

        Tổ chức lực lượng phái đi trước cỡ trung đoàn, được tăng cường xe tăng - thiết giáp, pháo binh, cao xạ, công binh với nhiệm vụ chủ yếu là nắm tình hình mọi mặt ở phía trước, khắc phục chướng ngại trên đường hành quân, nhanh chóng đánh chiếm các bàn đạp có lợi, bảo đảm cho lực lượng cơ bản triển khai đội hình tiến công. Tiếp sau lực lượng phái đi trước là lực lượng chiến đấu cơ bản của quân đoàn được bố trí theo ý định chiến đấu trên dọc đường. Công tác tổ chức chiến đấu của các đơn vị đã được tiến hành đồng thời từ trên xuống dưới, tại thực địa, và được bổ sung trong quá trình hành tiến, nên rút ngắn được thời gian chuẩn bị. Vì thế quân đoàn đánh địch từ Phan Rang, Phan Thiết đến Hàm Tân chỉ mất 6 ngày đêm.

        Cách đánh trong hành tiến là phải nhanh chóng hình thành thế bao vây, đột phá bằng nhiều mũi vào cụm phòng ngự của địch, kết hợp đột phá vòng ngoài với thọc sâu vào trung tâm phòng ngự địch. Điều quan trọng là phải phát huy được sức mạnh hợp đồng binh chủng để tạo sức đột kích mạnh, hoả lực áp đảo, tốc độ tiến công cao, giải quyết chiến đấu nhanh.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #62 vào lúc: 05 Tháng Tư, 2016, 06:11:57 pm »


        3. Vận dụng cách đánh chính xác

        Cách đánh trong chiến dịch tiến công là nghệ thuật sử dụng lực lượng, tạo thế có lợi, phá thế địch, vận dụng các thủ đoạn tác chiến để tiêu diệt địch. Quân đoàn đã giải quyết tốt các vấn đề sau đây về cách đánh:

        - Có quyết tâm chính xác, chọn hướng tiến công và mục tiêu chủ yếu đúng, phát huy được sức mạnh chiến đấu hợp đồng binh chủng, nhanh chóng đập tan tổ chức phòng ngự của địch ở vòng ngoài. Hướng tiến công chủ yếu: căn cứ Nước Trong - Long Bình - cầu Xa lộ - Sài Gòn là hướng thuận lợi nhất, có khả năng phát huy hết uy lực của binh khí kỹ thuật, lại sát với quân đoàn bạn tạo thành thế áp đảo quân địch và hỗ trợ lẫn nhau. Chọn trường tiếp giáp làm mục tiêu chủ yếu khi đột phá vành ngoài là thích hợp: ở đây tuy địch phòng ngự vững chắc, là chỗ dựa cơ bản của căn cứ Nước Trong, nhưng khi ta đột phá thành công thì tạo cửa mở rất thuận lợi cho lực lượng tiếp sau của quân đoàn phát triển tiến công nhanh chóng đánh chiếm mục tiêu chủ yếu.

        - Tổ chức sử dụng lực lượng thích hợp, quán triệt được cách đánh hợp đồng binh chủng. Ngay từ đầu, quân đoàn đã hình thành ba lực lượng: lực lượng đột phá, đập tan tuyến phòng ngoài của địch; lực lượng thọc sâu; lực lượng dự bị. Xe tăng - thiết giáp được sử dụng tập trung nên đã phát huy được sức đột kích mạnh, sức cơ động cao, áp đảo quân địch.

        - Trong điều kiện địch phòng ngự vòng ngoài với những cứ điểm dày đặc liên hoàn, có quân đông, ta không thể dùng cách luồn lách. Muốn đưa lực lượng đột kích nhanh, phải có trục đường tốt, có địa hình triển khai binh khí kỹ thuật, tổ chức đánh chiếm các cầu lớn. Vì thế phải đột phá tuyến phòng ngự vòng ngoài của địch, phối hợp với bộ đội đặc công chiếm giữ các cầu và đầu mới giao thông quan trọng. Như vậy mới tao điều kiện thọc sâu vào nội đô bằng lực lượng mạnh. Chỉ 3 ngày đêm, quân đoàn đã đập tan tuyến phòng ngự vòng ngoài của địch trên hướng đông - đông - nam Sài Gòn, và trong 4 - 5 giờ lực lượng thọc sâu của quân đoàn đã tiến công trong hành tiến trên đoạn đường dài 30 ki-lô-mét nhanh chóng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

        4. Làm tốt việc bảo đảm về hậu cần, kỹ thuật.

          Để bảo đảm hành quân và tác chiến, quân đoàn phải có một khối lượng vật chất trên 1 vạn tấn, trong điều kiện phương tiện vận chuyển có hạn, cự ly vận chuyển xa, thời gian chuẩn bị rất ngắn, phải vừa đi vừa đánh địch dài gần 1.000 ki-lô-mét, bảo đảm đến vị trí tập kết chiến dịch đúng thời gian quy định và tác chiến được ngay. Để thực hiện yêu cầu đó, quân đoàn đã giải quyết tốt các vấn đề sau đây:

        - Trên cơ sở nắm vững nhiệm vụ chiến đấu, quán triệt tinh thần tự lực tự cường, không trông chờ ỷ lại, quân đoàn đã nhạy bén, chủ động chuẩn bị trước một bước, đồng thời làm tốt việc tạo nguồn vật chất trong quá trình phát triển chiến đấu, nên mặc dù thời gian chuẩn bị rất ngắn, vẫn giải quyết được khối lượng vật chất kỹ thuật cần thiết cho chiến đấu.

        Ngoài lực lượng vật chất do hậu cần chiến lược chuyển đến, quân đoàn đã duy trì được lực lượng dự trữ chiến đấu thường xuyên với số lượng thích hợp, chất lượng đồng bộ, có phân cấp quản lý chặt chẽ. Đây là nguồn vật chất chủ động nhất để bảo đảm chiến đấu được ngay trong một hai trận đầu, trong khi chờ đợi nguồn bổ sung tiếp theo. Lượng dự trữ mang theo được quy định cụ thể và quản lý nghiêm ngặt, quá trình chiến đấu dọc đường có tiêu hao thì tận thu chiến lợi phẩm để bổ sung: khi cần, quân đoàn bổ sung tiếp cho đủ số lượng quy định.

        - Phát huy được nguồn nhân lực, vật lực ở vùng mới giải phóng, lấy vũ khí trang bị của địch để đánh địch, thực hiện yêu cầu càng đánh càng mạnh, lực lượng vật chất càng dồi dào, nguồn cung cấp tại chỗ càng lớn. Trong cuộc hành quân thần tốc vừa đi vừa đánh địch đến vị trí tập kết, quân đoàn đã làm tốt việc khai thác nguồn bổ sung tại chỗ, tranh thủ được sự chi viện rất kịp thời của lực lượng vũ trang địa phương (Quân khu 5 đã chi viện cho quân đoàn hơn 1.500 tấn vật chất thu được của địch) đồng thời huy động được sức người, sức của nhân dân vùng mới giải phóng, và kịp thời sử dụng có hiệu quả nguồn thu được của địch đẻ phát triển tiến công, biến hậu phương của địch thành hậu phương tại chỗ của ta (đã thu và sử dụng vũ khí trang bị của địch với tỷ lệ: xe 18,7%, pháo 45,8%, đạn pháo 70%).
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #63 vào lúc: 05 Tháng Tư, 2016, 06:14:20 pm »

       
TÁC CHIẾN CỦA BINH ĐOÀN CHỦ LỰC TẠI CHỖ
KẾT HỢP VỚI CHIẾN TRANH NHÂN DÂN ĐỊA PHƯƠNG

Thượng tướng HOÀNG CẦM       

        Thắng lợi của Tổng tiến công và nổi dậy xuân 1975 là thắng lợi của đường lối chính trị, đường lối quân sự của Đảng, trong đó một vấn đề có ý nghĩa quyết định là không ngừng phát huy sức mạnh tổng hợp của ta trên mặt trận đấu tranh vũ trang bằng sự kết hợp chiến tranh chính quy với chiến tranh du kích, ngày nay gọi là kết hợp chiến tranh bằng các binh đoàn chủ lực với chiến tranh nhân dân địa phương.

        Kết hợp chiến tranh bằng các binh đoàn chủ lực với chiến tranh nhân dân địa phương không những xuất phát từ đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng mà còn là sự kế thừa và phát huy truyền thống "cả nước một lòng, toàn dân đánh giặc" được hình thành, phát triển qua bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc. Nó trở thành một quy luật về phương thức tiến hành chiến tranh cách mạng của Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp cũng như kháng chiến chống Mỹ.

        Từ điểm xuất phát như vậy, trong quá trình đấu tranh vũ trang, đi đôi với phát động phong trào toàn dân đánh giặc, ta đã ra sức xây dựng, phát triển bộ đội chủ lực có đủ các quân binh chủng, từng bước cải tiến trang bị kỹ thuật ngày càng tốt hơn, đặc biệt đã xây dựng những binh đoàn lục quân ngày càng lớn mạnh. Trong các binh đoàn đó có những binh đoàn làm nhiệm vụ dự bị chiến lược cơ động trên một hướng chiến lược trong một thời gian dài, có khi suốt cả cuộc chiến tranh, thường gọi là binh đoàn chủ lực tại chỗ.

        Quân đoàn 4 là một đơn vị chủ lực của Bộ được hình thành trong quá trình kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và đảm nhiệm hoạt động ở chiến trường B2, chủ yếu là vùng Đông Nam Bộ. Với chức năng là đơn vị chủ lực tại chỗ nên trong quá trình hình thành và phát triển lực lượng, các đơn vị tiền thân của quân đoàn cũng như quân đoàn đã gắn chặt với quân và dân Nam Bộ, Cực nam Trung Bộ, gắn chặt việc xây dựng đơn vị mình với xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân ở chiến trường này. Nhờ vậy, quân đoàn đã cùng quân và dân tại chỗ hoàn thành các nhiệm vụ mà Trung ương Đảng giao cho. Đặc biệt đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, sau khi hoàn thành nhiệm vụ tạo thế ở vòng cung từ tây - bắc đến đông - bắc Sài Gòn, quân đoàn đã cùng với các binh đoàn chủ lực cơ động của Bộ cùng quân và dân địa phương tiến hành thắng lợi chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta.

        Trong mùa xuân 1975, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương Cục và Quân uỷ Miền, sự chỉ huy trực tiếp của Bộ chỉ huy Miền, Quân đoàn 4 đã giải quyết thành công nhiều vấn đề quan trọng góp phần vào việc chuẩn bị chiến trường trọng điểm, cùng các binh đoàn chiến lược khác và quân dân địa phương giành toàn thắng trong trận quyết chiến chiến lược cuối cùng.

        1. Tạo thế cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng

        Nếu trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Bắc Bộ là chiến trường chính, thì trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Nam Bộ lại là chiến trường chính của cuộc chiến tranh, trong đó, Đông Nam Bộ là địa bàn chủ yếu, vì ở đây có Sài Gòn là đầu não và sào huyệt cuối cùng của địch, là trung tâm chính trị, kinh tế của cả miền Nam; đồng thời lại có vùng rừng núi là căn cứ địa cách mạng của cả Nam Bộ và Cực Nam Trung Bộ.

        Do miền Đông Nam Bộ có vị trí như vậy nên địch thường tập trung lực lượng gồm nhiều đơn vị chủ lực mạnh hoạt động ở chiến trường này, hòng ngăn chặn và tiêu diệt chủ lực ta, nhằm bảo vệ vững chắc Sài Gòn. Ta cũng tập trung hầu hết lực lượng chủ lực của miền ở đây, cùng các lực lượng vũ trang và lực lượng chính trị các địa phương xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân ngày càng vững mạnh, luôn luôn chủ động tiến công, uy hiếp địch ở Sài Gòn. Cho đến giữa năm 1974, trên cơ sở quán triệt Nghị quyết 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá III) và căn cứ vào tình hình cụ thể của chiến trường, Trung ương Cục và Quân uỷ Miền đã đề ra chủ trương trong vài năm tới (1974 - 1976) đánh bại về cơ bản "kế hoạch bình định" của địch, chủ yếu ở đồng bằng sông Cửu Long, mở rộng và hoàn chỉnh vùng giải phóng miền Đông, mở thông hành lang xuống đông và tây Sài Gòn, nhằm chuẩn bị một bước quan trọng cho trận quyết chiến chiến lược Sài Gòn khi thời cơ đến.

        Quân đoàn 4 là đơn vị chủ lực mạnh nhất của chiến trường Nam Bộ, đảm nhiệm hướng tiến công chủ yếu ở miền Đông, có nhiệm vụ trước mắt trong mùa khô 1974 - 1975 cùng với quân và dân địa phương giải phóng một số khu vực quan trọng ở hướng tây - bắc, đông - bắc Sài Gòn.

        Chấp hành nhiệm vụ đó, ngay từ cuối năm 1974, quân đoàn đã cùng với quân và dân địa phương giải phóng tỉnh Phước Long. Với chiến thắng này ta đã đập tan một khu vực tiền đồn quan trọng nhất của quân khu 3 ngụy trên hướng tây - bắc, tạo điều kiện cho chủ lực ta mở vùng giải phóng ở đường số 20 và đường số 1 xuống bờ biển, uy hiếp sở chỉ huy quân đoàn 3 và căn cứ không quân quan trọng của địch ở Biên Hoà, mở rộng và hoàn chỉnh một bước hậu phương tại chỗ của chiến trường Nam Bộ và Cực Nam Trung Bộ. Chiến thắng đó có tầm chiến lược quan trọng, vì đây là tỉnh đầu tiên ở miền Nam được giải phóng hoàn toàn, tỉnh đó lại ở gần Sài Gòn và nằm trong một quân khu mạnh vào loại nhất nhì của ngụy ở miền Nam, thế mà chúng phải chịu bó tay không dám và không thể tung lực lượng chủ lực phản kích hòng giành lại; còn Mỹ thì buộc phải làm ngơ và tuyên bố "lúc này chưa cho phép" yểm hộ cho Nam Việt Nam. Chiến thắng Phước Long đã "củng cố thêm quyết tâm chiến lược được xác định trong Hội nghị Bộ Chính trị và bổ sung cho phương án giành thắng lợi lớn khi có thời cơ".

        Sau chiến thắng Phước Long, quân đoàn tiếp tục phát triển áp sát tuyến phòng thủ cơ bản của địch và đến tháng 3 năm 1975 đã cùng với quân và dân địa phương giải phóng các khu vực Dầu Tiếng, đường số 26, Chơn Thành (tỉnh Bình Long), đường số 20, Định Quán (tỉnh Lâm Đồng), quét sạch địch ở tuyến phòng thủ cơ bản của chúng trên hướng tây - bắc đến đông - bắc Sài Gòn. Sở chỉ huy quân đoàn 3 ngụy và các sở chỉ huy sư đoàn thuộc quân đoàn này vốn là những căn cứ hậu phương cơ bản của chúng hàng chục năm nay, bay giờ đã trở thành những tiền đồn bị ta uy hiếp mạnh; hầu hết các căn cứ hậu phương của chúng ở vùng ven và cả một số mục tiêu quan trọng ở thành phố Sài Gòn đều có thể bị pháo tầm xa của ta bắn tới.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #64 vào lúc: 05 Tháng Tư, 2016, 06:51:47 pm »

        Việc giải phóng các khu vực trên đã làm cho vùng giải phóng miền Đông Nam Bộ được mở rộng hoàn chỉnh gồm phần lớn đất đai các tỉnh: Lâm Đồng, Phước Long, Bình Long, Bình Dương, Tây Ninh, tạo thế hậu phương tại chỗ của chiến trường; phía sau nối liền với Tây Nguyên vừa được giải phóng hoàn toàn, đến tận hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa, phía trước kéo gần sát thành phố Sài Gòn. Với vùng giải phóng rộng lớn đó, ta có khả năng bảo đảm cho những binh đoàn chủ lực lớn triển khai và tiến công vào Sài Gòn trên nhiều hướng. Điều đó sau này đã được thể hiện rõ: Quân đoàn 3, Quân đoàn 1 và hàng chục sư đoàn, trung đoàn của các quân binh chủng với nhiều binh khí kỹ thuật hiện đại đã triển khai ở khu vực Dầu Tiếng - Đồng Xoài là bàn đạp tiến công ở hướng tây - bắc của chiến dịch Hồ Chí Minh, còn ở phía đông - bắc đã tạo thành một hành lang vững, rộng. Đường số 20 - Định Quán - Lâm Đồng bảo đảm cho quân đoàn phát triển xuống tiến công địch ở phía đông thành phố Sài Gòn. Chiến thắng Phước Long, rồi chiến thắng Tây Ninh, Lâm Đồng đòn phủ đầu có ý nghĩa quyết định đập tan kế hoạch của địch định phòng thủ Sài Gòn từ xa bằng phòng tuyến Tây Ninh - Lâm Đồng - Nha Trang, trong đó Lâm Đồng được coi là xương sống.

        Trước đà phát triển tiến công của ta ở vùng ven biển miền Trung, địch đã dùng mọi thủ đoạn hòng thực hiện "trì hoãn chiến". Chúng tập trung cố gắng khẩn cấp tổ chức lại thế trận phòng thủ chủ yếu nhằm ngăn chặn hướng tiến công của chủ lực ta theo đường số 20 và đường số 1, với tuyến phòng thủ mạnh kéo dài từ Phan Rang đến Sài Gòn, trong đó Xuân Lộc là một khu then chốt. Nhưng tuyến phòng thủ này của địch vừa triển khai thì quân đoàn đã cùng với quân và dân tỉnh Bà Rịa, Biên Hoà tiến công địch ở Xuân Lộc, đánh chiếm khu vực Dầu Giây. Sau hơn 10 ngày chiến đấu, ta đã giải phóng thị xã Xuân Lộc, đập tan một khâu trọng yếu trong tuyến phòng thủ từ xa của địch ở hướng đông Sài Gòn, mở toang cửa cho các binh đoàn chủ lực cơ động của ta ở hướng này tiến công vào sào huyệt cuối cùng của địch.
       
        Hoạt động tác chiến của quân đoàn không những góp phần cùng quân và dân địa phương hoàn thành nhiệm vụ tạo thế trận cho trận quyết chiến chiến lược trên hướng tây-bắc - đông-bắc Sài Gòn mà còn phối hợp có hiệu quả với các hướng khác. Ngược lại, thắng lợi của các hướng khác cũng tạo điều kiện thuận lợi cho quân đoàn hoàn thành nhiệm vụ của binh đoàn chủ lực tại chỗ.
       
        Đến giữa tháng 4 năm 1975, ta đã xây dựng được một thế trận rất vững mạnh trên các hướng tiến vào Sài Gòn, tạo ra một hậu phương trực tiếp có khả năng đáp ứng những yêu cầu của chiến trường, thiết lập bàn đạp tiến công cho các binh đoàn chủ lực cơ động trên các hướng, mở thông và bảo đảm tính vững chắc của hành lang xuống tây và đông Sài Gòn, hình thành một "vành đai thép" mà nhiều nhà quân sự phương Tây ví như "một chiếc thọng lọng khổng lồ" siết vào cổ quân địch ở Sài Gòn. Không những thế, ở phía sau lưng địch, ta đã triển khai thế trận chiến tranh nhân dân địa phương vững mạnh gồm hàng vạn cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, từ những đơn vị đặc công của miền, những tiểu đoàn mũi nhọn của thành phố đến các đội du kích, tự vệ mật... và hàng vạn quần chúng được tập hợp trong các tổ chức cách mạng ở khắp vùng ven đô và nhiều phường khóm trong nội đô, có cả nhiều cán bộ, đảng viên, cốt cán của ta đã cài sẵn trong hàng ngũ địch, kể cả những cơ quan chiến lược quan trọng như Bộ Tổng tham mưu ngụy. Khi ta tiến hành chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, những lực lượng đó đã kết hợp tiến công và nổi dậy, tiêu diệt địch và giành quyền làm chủ ở nhiều cơ sở, đánh chiếm một số mục tiêu quan trọng, nhất là những cầu lớn trên các đường giao thông  chủ yếu, tạo điều kiện thuận lợi cho các binh đoàn cơ giới, hùng mạnh và sắc nhọn của chủ lực ta nhanh chóng thọc sâu vào trung tâm thành phố Sài Gòn.
       
        Với thế trận trên, ta đã tạo ra được một trong những yếu tố cơ bản bảo đảm thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh. Thế trận đó không những được tạo ra ngay trong thời kỳ đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 mà còn là kết quả của cả mấy chục năm đấu tranh kiên cường, bền bỉ của quân và dân ta ở chiến trường này.
       
        Thế trận của trận quyết chiến chiến lược ở Sài Gòn không chỉ do quân và dân Nam Bộ - Cực nam Trung Bộ trực tiếp lập ra mà còn do thế trận chung của cả miền Nam, của cả nước tạo thành. Trải qua gần 20 năm kháng chiến chống Mỹ, ta đã lần lượt đánh bại bốn kế hoạch chiến lược chiến tranh xâm lược của chúng. Trong năm 1974 và đầu năm 1975, tiếp theo thắng lợi của ta ở Khu 9 và các chiến trường khác ở miền Nam, đặc biệt là chiến thắng Phước Long và thắng lợi có tính chất bước ngoặt trên chiến trường Tây Nguyên tháng 3 năm 1975 đã làm cho thế và lực của ta có sức áp đảo quân địch; ta nắm hoàn toàn quyền chủ động chiến lược, còn địch thì bị động, lúng búng bế tắc trầm trọng từ chiến lược đến chiến thuật, tinh thần hoang mang dao động. "Cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam không những đã bước vào giai đoạn nhảy vọt mà thời cơ chiến lược để tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa vào sào huyệt của địch đã chín muồi".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #65 vào lúc: 05 Tháng Tư, 2016, 06:55:48 pm »

       
        2. Tiêu diệt một bộ phận lực lượng chủ yếu, đánh bại những thủ đoạn chiến thuật cơ bản của địch.
       
        Một trong những quy luật cơ bản giành thắng lợi trong chiến tranh là phải tiêu diệt lực lượng quân sự của địch, cả sinh lực, phương tiện chiến tranh, và đánh bại những biện pháp chiến lược, chiến thuật của chúng. Nhưng địch có nhiều loại quân, nhiều loại lực lượng, sử dụng nhiều thủ đoạn. Ta phải chọn đúng đối tượng, đánh gục những lực lượng chủ yếu của địch, đánh bại những thủ đoạn cơ bản của chúng thì mới làm cho địch tan rã nhanh chóng, làm thay đổi cục diện chiến trường có lợi cho ta. Đó là yêu cầu chung, đồng thời cũng là yêu cầu của từng chiến trường, từng chiến dịch.
       
        Trên chiến trường miền Đông Nam Bộ (gồm cả thành phố Sài Gòn) trước khi ta tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân 1975, quân địch còn gần 78 vạn tên, gồm 15 vạn chủ lực, 8 vạn bảo an, gần 2 vạn dân vệ và 53 vạn phòng vệ dân sự. Toàn bộ lực lượng đó lúc này chủ yếu được sử dụng làm nhiệm vụ phòng thủ Sài Gòn bằng nhiều tuyến, hòng ngăn chặn từ xa, trong đó hầu hết lực lượng chủ lực được tập trung ở tuyến phòng thủ cơ bản từ thị xã Tây Ninh qua Lai Khê, Phước Vĩnh đến Xuân Lộc, còn các tuyến khác chủ yếu là lực lượng địa phương quân. Ngoài những tuyến phòng thủ liên hoàn ở vùng giáp ranh và vùng ven, địch còn tăng cường khả năng nhằm giữ cho được những khu vực quan trọng như thị xã Phước Long, An Lộc, đường số 14, Chơn Thành, vừa làm tiền đồn bảo vệ Sài Gòn, vừa là những căn cứ xuất phát của chúng để hoạt động vào sâu trong hậu phương ta khi có điều kiện. Muốn tiến công vào Sài Gòn, tất yếu ta phải tiêu diệt được lực lượng chủ lực địch, đập tan tuyến phòng thủ cơ bản của chúng ở vành ngoài. Nhưng để có đủ sức đè bẹp địch ở tuyến này, một yêu cầu có tính chất quyết định là phải mở rộng và hoàn chỉnh vùng căn cứ địa miền Đông Nam Bộ vững mạnh, một hậu phương trực tiếp có tầm chiến lược không chỉ đối với chiến trường Nam Bộ và Cực Nam Trung Bộ mà cả cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của cả nước. Dó đó, ngay từ giữa năm 1974, Quân uỷ Miền và Bộ chỉ huy Miền đã giao nhiệm vụ cho quân đoàn trong mùa khô 1974 - 1975 phải giải phóng đường số 14 - Phước Long, sau đó phát triển xuống giải phóng Dầu Tiếng, Định Quán, Chơn Thành.
       
        Chủ trương của ta lúc này là đi đôi với tiêu diệt một bộ phận quan trọng quân chủ lực địch, phải tập trung nỗ lực diệt được nhiều chi khu, quét sạch từng mảng đồn bốt của chúng. Có như vậy mới thực hiện được tiêu diệt địch và giành quyền làm chủ về tay nhân dân, mở mảng, mở vùng. Đó là yêu cầu vừa rất cấp bách vừa rất cơ bản của cách mạng và chiến tranh cách mạng miền Nam lúc này. Tuy nhiên, cách đánh như thế nào đang còn là vấn đề phải nghiên cứu giải quyết.
       
        Qua học tập kinh nghiệm của một số địa phương, đơn vị, quân đoàn thấy rằng muốn tiêu diệt chi khu tiến tới tiêu diệt tiểu khu địch, giải phóng những vùng đất đai rộng, ta không thể đánh theo kiểu bóc vỏ, lần lượt diệt các đồn bốt địch từ ngoài vào trong mà phải cùng một lúc tiêu diệt và đánh tan rã toàn bộ hệ thống ngụy quân, ngụy quyền của địch bằng cách tiêu diệt chi được căn cứ sở chỉ huy chi khu, tiểu khu, đồng thời kết hợp giữa tiến công và nổi dậy tiêu diệt địch, giành quyền làm chủ ở các ấp, xã. Khi tiến công địch ở Phước Long, quân đoàn xác định đối tượng và mục tiêu chủ yếu là sở chỉ huy yếu khu, chi khu, tiểu khu địch. Trên thực tế, chính nhờ ta diệt được những đối tượng đó, chiếm được những mục tiêu đó mà làm cho toàn bộ quân địch tan ra nhanh chóng. Như ở Bù Đăng, sư đoàn 3 (sư đoàn độc lập của Miền phối thuộc quân đoàn) của ta đánh chiếm sở chỉ huy chi khu và căn cứ trung tâm hoả lực của địch ở Vĩnh Thiện vào lúc 8 giờ 30 ngày 4 tháng 1 năm 1974 thì đến 12 giờ cùng ngày, các lực lượng vũ trang và lực lượng chính trị địa phương đã kết hợp tiến công và nổi dậy chiếm gần 50 đồn bốt và hàng trăm tháp canh, giành quyền làm chủ ở tất cả các ấp, giải phóng toàn quận ngay trong ngày. Vận dụng sáng tạo kinh nghiệm đó, quân đoàn đã tiêu diệt thêm nhiều chi khu ở Phước Long, mở ra khả năng thực tế đánh bại thủ đoạn phòng ngự "diện địa" của địch.
       
        Đầu tháng 4 năm 1975, quân đoàn tiến công tuyến phòng thủ cơ bản của địch ở phía đông Sài Gòn. Lúc này quân địa phương địch trên toàn miền Nam dao động mạnh, không những chi khu mà hàng loạt tiểu khu địch bị tiêu diệt và tan rã. Ở Trị - Thiên, Khu 5 và nhiều tỉnh ở Khu 6 - Đông Nam Bộ, kiểu phòng ngự "diện địa" của địch đã thất bại. Chúng tập trung quân lực co về phòng thủ Sài Gòn bằng một hệ thống trận địa phòng ngự cấp trung đoàn, sư đoàn trên nhiều hướng, chủ yếu là hướng đông Sài Gòn. Trên hướng này, địch khẩn cấp tổ chức tuyến phòng ngự với chiều sâu lớn suốt từ Phan Rang vào đến Sài Gòn, trong đó Phan Rang là tiền đồn, Xuân Lộc là khu vực phòng ngự then chốt. Địch xác định "mất Xuân Lộc thì không giữ nổi Sài Gòn" nên đã tập trung ở đây sư đoàn 18, đơn vị mạnh nhất của quân đoàn 3 và cũng được chúng coi là mạnh nhất của quân đội ngụy lúc này, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng ứng cứu khi Xuân Lộc bị tiến công. Khi ta đánh bại lực lượng này, giải phóng thị xã Xuân Lộc, địch ở Sài Gòn càng hoang mang tan rã, vì chúng không còn đơn vị chủ lực nào đủ sức chống đỡ các cuộc tiến công của chủ lực ta, cũng không còn kiểu phòng ngự nào có thể giữ nổi bất cứ địa bàn nào ở Nam Bộ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #66 vào lúc: 05 Tháng Tư, 2016, 06:57:07 pm »

        Khi tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, nhiệm vụ chủ yếu của quân đoàn là nhanh chóng đánh chiếm những mục tiêu chiến dịch quan trọng nhất, ở hướng đông phải chiếm cho được sở chỉ huy quân đoàn 3 ngụy và căn cứ không quân Biên Hoà, rồi nhanh chóng thọc sâu chiếm dinh Độc lập cùng với Quân đoàn 2 hoàn thành nhiệm vụ ở hướng đông, góp phần giành thắng lợi cho chiến dịch. Để tiến nhanh vào nội thành, quân đoàn đã đề nghị và được giao nhiệm vụ tiến công diệt cụm phòng ngự Trảng Bom, chiếm khu liên hợp quân sự Biên Hoà, và đánh thắng địch ở những nơi đó. Sư đoàn 341 sau khi đập tan cụm phòng ngự địch ở Hố Nai, đã đánh vào thị xã Biên Hoà, tạo điều kiện thuận lợi cho các cánh quân ở hướng này tiến vào Sài Gòn.
       
        Cùng thời gian, sư đoàn 9, một đơn vị mạnh của quân đoàn tăng cường cho Đoàn 232 trên hướng tây - nam, sau khi bí mật luồn qua các tuyến phòng thủ của địch ở Hậu Nghĩa - Long An, đập vỡ tuyến phòng thủ vùng ven, đã nhanh chóng thọc sâu đánh chiếm sở chỉ huy Biệt khu thủ đô địch, hoàn thành nhiệm vụ chủ yếu của hướng tây - nam, tạo điều kiện thuận lợi cho phong trào tiến công và nổi dậy ở nhiều phường, khóm nội thành.
       
        Rõ ràng muốn làm cho địch tan rã lớn, tan rã nhanh, phải đánh gục những lực lượng chủ yếu của chúng, mà đương nhiên đó là quân chủ lực, nhất là những đơn vị "chủ bài" của chúng. Nhưng đối với binh đoàn chủ lực tại chỗ, còn phải tuỳ theo yêu cầu nhiệm vụ cụ thể của chiến trường mà chọn đối tượng tác chiến chính trong từng lúc, từng nơi cho thích hợp. Do đó, nói chung đối tượng chính của binh đoàn chủ lực tại chỗ vẫn là chủ lực địch những cũng có khi thường là trong một số chiến dịch tổng hợp đối tượng chính lại là bọn ngụy quân, ngụy quyền ở xã ấp. Do đó quy mô hoạt động tác chiến của quân đoàn không chỉ là đánh tập trung hợp đồng binh chủng ở cấp trung đoàn, sư đoàn, quân đoàn - mặc dù đây vẫn là hướng chính - mà còn phải thường xuyên kết hợp giữa đánh lớn, đánh vừa, đánh nhỏ một cách rộng rãi của cả bộ binh và các binh chủng; không những hoạt động tập trung ở các hướng chủ yếu của chiến trường mà có lúc phải phân tán hoạt động trên nhiều hướng. Nhưng dù tác chiến phân tán hay tập trung với bất cứ quy mô nào cũng đều phải đánh tiêu diệt gọn, nhất là đối với những mục tiêu then chốt. Có như vậy mới thực sự là quả đấm mạnh làm nòng cốt cho từng địa phương, từng hướng tiến công, từng chiến trường.
       
        3. Triệt để truy quét tàn quân địch; tích cực tham gia xây dựng lực lượng cách mạng vùng mới giải phóng.
       
        Giành chính quyền từ tay địch là một việc khó, song xây dựng và bảo vệ chính quyền ở cơ sở nhất là ở thời kỳ đầu, xét về mặt nào đó còn khó hơn. Bởi vì kẻ địch mặc dù bị đánh gục nhưng vẫn chưa cam chịu thất bại hẳn, mà còn tiếp tục âm mưu phục thù, chống phá cách mạng. Sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, một nhiệm vụ cơ bản và rất cấp báchlà phải truy quét tận gốc tàn quân địch, xây dựng lực lượng cách mạng ở vùng mới giải phóng, trong đó Sài Gòn là địa bàn trọng yếu nhất.
       
        Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, tổ chức ngụy quân, ngụy quyền đã bị đập tan, nhưng nhiều tên ác ôn chưa bị diệt hoặc bị bắt, còn lén lút ẩn lấp, nhiều Đảng phái phản động chưa bị đập tan, gần nửa triệu sĩ quan binh lính ngụy và nhân viên ngụy quyền tan rã tản mác trong dân, nhiều người dân bị địch mê hoặc vẫn còn phân vân lo ngại về chính sách của cách mạng. Sau khi thành phố được giải phóng chỉ vài ngày, một số tàn quân địch đã tiến hành các hoạt động chống lại cách mạng và ngày càng rộng, mạnh hơn. Do đó, nhiệm vụ hàng đầu của công tác quân quản mà quân đoàn là một trong những lực lượng chủ chốt, là phải lập tức truy quét ngay tàn quân địch, giữ vững an ninh trật tự ở thành phố.
       
        Để hoàn thành nhiệm vụ đó, quân đoàn đã kết hợp chặt chẽ với các lực lượng khác của trung ương và địa phương, kết hợp giữa tiếp tục tiến công với nhanh chóng phát động nhân dân đứng lên xây dựng, củng cố chính quyền, kết hợp giữa truy quét, cảm hoá và cải tạo tàn quân địch với xây dựng lực lượng cách mạng ở cơ sở ngày càng vững mạnh. Đi đôi với việc tập trung một bộ phận lực lượng bảo vệ những mục tiêu chủ yếu trong và ngoài thành phố, quân đoàn đã phân tán một bộ phận xuống hầu hết các khóm phường của các quận nội thành, trực tiếp tuyên truyền vận động nhân dân tham gia xây dựng và ổn định vùng giải phóng, tổ chức chính quyền, lực lượng vũ trang và các đoàn thể quần chúng ở cơ sở, cùng với các lực lượng cách mạng ở địa phương thiết lập trật tự xã hội mới, từng bước ổn định đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, Quân đoàn đã góp phần kêu gọi hầu hết tàn quân địch ra trình diện và đi cải tạo, nhiều tên ngoan cố chống lại đã bị trừng trị đích đáng, nhiều mưu đồ hoạt động của địch bị đánh bại, và nhiều tổ chức địch vừa mới nhen nhóm đã bị đập tan. Thắng lợi trong công tác quân quản thành phố Sài Gòn đã góp phần giữ vững và phát huy thành quả vĩ đại của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân 1975, tạo điều kiện thuận lợi cho thành phố nhanh chóng ổn định và tiến lên.
       
        Kết quả đó chứng tỏ rằng binh đoàn chủ lực tại chỗ không những có thể tiêu diệt lớn quân địch bằng tác chiến hợp đồng binh chủng quy mô lớn mà còn phải tham gia truy quét, cải tạo tàn quân địch, phát động quần chúng đứng lên làm chủ, xây dựng lực lượng cách mạng, nhanh chóng ổn định vùng mới giải phóng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #67 vào lúc: 05 Tháng Tư, 2016, 07:01:08 pm »

*
*   *
        Thực tiễn của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân 1975 cho thấy, để phát huy sức mạnh tổng hợp trên mặt đấu tranh vũ trang, các binh đoàn chủ lực đều phải kết hợp chặt chẽ với chiến tranh nhân dân địa phương, song đối với binh đoàn chủ lực tại chỗ, sự kết hợp đó có khác với binh đoàn chủ lực cơ động.
       
        Binh đoàn chủ lực tại chỗ là một bộ phận và là bộ phận nòng cốt trong lực lượng tiến hành chiến tranh nhân dân ở địa phương. Nó phải cùng với chiến tranh nhân dân địa phương phát huy sức mạnh tổng hợp, đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn của địch trên một hướng chiến lược. Do đó, binh đoàn chủ lực tại chỗ phải kết hợp với chiến tranh nhân dân địa phương không chỉ trên mặt trận quân sự, mà cả trên các mặt trận đấu tranh chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội trên địa bàn hoặc trên toàn chiến trường, trong từng thời kỳ, có khi suốt cả cuộc chiến tranh. Binh đoàn không những phải dựa vào sức mạnh to lớn về nhiều mặt của địa phương mà còn phải thực sự tham gia phát triển lực lượng cách mạng ở địa phương, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân địa phương ngày càng vững mạnh. Chỉ trên cơ sở đó, binh đoàn mới phát huy được sức mạnh của mình và không ngừng phát triển tiến lên.
       
        Từ thực tiễn hoạt động của quân đoàn và quá trình trưởng thành của quân đội ta qua 30 năm chiến tranh cách mạng, chúng tôi thấy: binh đoàn chủ lực tại chỗ là một hình thức tổ chức thích hợp với điều kiện địa lý nước ta, với khả năng trang bị của ta, phát huy được sức mạnh của chiến tranh nhân dân ở từng chiến trường trên cả nước. Cách tổ chức đó làm cho không những trên cả nước, mà ở từng chiến trường ta đều phát huy được sức mạnh tổng hợp của hai phương thức, ba thứ quân để tiến công địch; dù địch có cơ động bằng phương tiện gì cũng không thể nhanh hơn, chủ động hơn lực lượng ta đã bố trí sẵn tại chỗ. Điều đó không những được hình thành và phát triển trong những năm chiến tranh giải phóng, mà sau đó còn được vận dụng sáng tạo trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới tây - nam và nhiệm vụ quốc tế ở Cam-pu-chia.
       
        Ngày nay, trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, tuy ta phải đánh và chuẩn bị đánh với nhiều kiểu chiến tranh của bọn phản động quốc tế, những với kiểu chiến tranh nào của địch, ta cũng phải phát huy sức mạnh tổng hợp của cả nước, của mọi lực lượng và các mặt trận đấu tranh để đánh bại chúng. Riêng trên mặt trận quân sự ta vẫn phải phát huy sức mạnh tổng hợp của cả chiến tranh nhân dân địa phương và chiến tranh bằng các binh đoàn chủ lực, kết hợp ba thứ quân, kết hợp lực lượng cơ động với lực lượng tại chỗ. Do đó trong bộ đội chủ lực, có những binh đoàn cơ động chiến lược đồng thời vẫn có những binh đoàn tại chỗ đảm nhiệm một hướng chiến lược, thậm chí trực tiếp phòng thủ một địa bàn nhất định ở tuyến đầu. Những binh đoàn này không những cùng với quân và dân địa phương đánh bại mọi hành động phá hoại và xâm lược của địch mà còn phải tham gia xây dựng và củng cố nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, cải tạo và xây dựng kinh tế, không ngừng phát triển lực lượng cách mạng ở địa phương.
       
        Để hoàn thành nhiệm vụ của binh đoàn chủ lực tại chỗ, về tổ chức biên chế vẫn phải thống nhất theo quy định chung, song trong từng thời gian nhất định, có thể và cần phải tổ chức những đơn vị, cơ quan lâm thời nhằm bảo đảm hoàn thành những nhiệm vụ cụ thể do yêu cầu cụ thể đặt ra. Về huấn luyện, đi đôi với huấn luyện đánh tập trung hợp đồng binh chủng quy mô vừa và lớn, phải chú trọng huấn luyện bộ đội cách đánh bại kiểu hoạt động nhỏ lẻ, lấn chiếm của địch và cách phát động quần chúng phá các tổ chức hoạt động bí mật của chúng, xây dựng và củng cố lực lượng của ta ở cơ sở phù hợp với yêu cầu cụ thể của chiến trường. Phải thường xuyên làm cho bộ đội nhận rõ nhiệm vụ quan trọng của binh đoàn chủ lực tại chỗ là không những phải phối hợp tác chiến với địa phương mà còn phải tích cực tham gia xây dựng địa phương, xây dựng quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc ở hướng binh đoàn dảm nhiệm. Có như vậy mới phát huy được sức mạnh của binh đoàn và không ngừng đưa bình đoàn phát triển tiến lên ngày càng mạnh, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #68 vào lúc: 05 Tháng Tư, 2016, 07:04:42 pm »

                
BƯỚC PHÁT TRIỂN MỚI CỦA
NGHỆ THUẬT TÁC CHIẾN ĐẶC CÔNG
TRONG MÙA XUÂN 1975
                           
Đại tá   TRẦN ĐẮC TRUNG        
       
        Nghệ thuật tác chiến của bộ đội đặc công đã phát triển không ngừng theo đà phát triển của nghệ thuật quân sự hiện đại của chiến tranh nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh dạo của Đảng.

        Nghệ thuật tác chiến đặc công kế thừa nghệ thuật đánh giặc từ ngàn xưa của dân tộc, mà tiêu biểu là nghệ thuật lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ thắng lớn, lấy chất lượng tinh đánh thắng quân địch có số lượng đông.
        
        Được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, chỉ đạo nghệ thuật tác chiến đặc công đã phát triển ngày càng cao, đặc biệt trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Trong chiến dịch này, nghệ thuật tác chiến đặc công đã phát triển lên một đỉnh cao mới, góp phần thực hiện một cách sáng tạo quyết tâm, phương châm và cách đánh của chiến dịch.

        Có thể nói một trong những nét nổi bật nhất của nghệ thuật tác chiến đặc công là nghệ thuật chuyên tiến công quân địch bằng lực lượng ít hơn địch rất nhiều lần nhưng lại tạo được sức mạnh hơn hẳn địch để đánh thắng chúng. Cơ sở khoa học của nghệ thuật tác chiến đặc công là sự kết hợp chặt chẽ giữa lực tinh, thế hiểm và thời cơ thuận lợi. Mỗi một yếu tố trên đây đã là một sức mạnh đáng kể nhưng nếu kết hợp chặt chẽ ba yếu tố đó thì sẽ tạo được một sức mạnh phát triển theo cấp số nhân mà kẻ địch không sao lường hết được, nên dù lực ít vẫn đủ sức áp đảo để đánh thắng địch mặc dù chúng đông hơn đặc công gấp bội.

        Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân 1975, nhất là trong chiến dịch Hồ Chí Minh, đặc công cũng đã thể hiện sự kết hợp ba yếu tố đó một cách xuất sắc.
        
        Bộ đội đặc công là con đẻ của chiến tranh nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, nên trong chiến tranh giải phóng, đặc công đã phát triển theo quy luật chung của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam từ không đến có, từ ít đến nhiều, từ nhỏ đến lớn, từ những đơn vị nhỏ lẻ trở thành một binh chủng của Quân đội nhân dân Việt Nam.
        
        Trong thời kỳ cuối cuộc chiến tranh chống Mỹ, đặc công đã hình thành các loại lực lượng tương đối hoàn chỉnh, có tính hệ thống trên toàn miền Nam.

        Đã hình thành một mạng lưới đặc công địa phương từ xã, huyện, tỉnh đến quân khu, là lực lượng đặc công tại chỗ rộng khắp rất lợi hại, góp phần làm nòng cốt, mũi nhọn của chiến tranh nhân dân địa phương và đòn xeo cho phong trào nổi dậy của quần chúng.

        Đã bố trí được một lực lượng khá mạnh đặc công chuyên trách đánh các căn cứ, hậu cứ, kho tàng quan trọng của địch, có nơi có cả đặc công nước. Đây là một lực lượng vô cùng lợi hại, chuyên bám đánh thường xuyên, liên tục các căn cứ quan trọng có ý nghĩa chiến lược, chiến dịch, phá huỷ lớn cơ sở vật chất, phương tiện chiến tranh quan trọng của địch, gây tiếng vang lớn, góp phần làm lung lay ý chí xâm lược của chúng.
        
        Đã tổ chức được một lực lượng biệt động đều khắp trong các thành phố, thị xã, thị trấn ở miền Nam một lực lượng đặc biệt lợi hại, thường xuyên bám đánh các cơ quan đầu não chiến tranh các cấp của địch; đặc biệt là đặc công, biệt động trong nội đô Sài Gòn và vùng ven, chuyên bám đánh bọn đầu sỏ nguy hiểm nhất của Mỹ - ngụy. Đó là một trong những lực lượng chính làm nòng cốt, mũi nhọn cho chiến tranh nhân dân ngay trong căn cứ hậu phương, sào huyệt của địch. Những chiến công hiển hách của biệt động thường gây nên những chấn động trong dư luận, góp phần làm dao động tinh thần chiến đấu và ý chí xâm lược của địch.
        
        Đã tổ chức được một lực lượng đặc công tập trung cơ động tương đối mạnh của Bộ và các mặt trận, quân khu với quy mô tiểu đoàn, trung đoàn, lữ đoàn. Đây là một lực lượng mới phát triển trong thời kỳ cuối chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, một lực lượng đáng kể tham gia tác chiến hợp đồng binh chủng trong chiến dịch.

        So với các thời kỳ mà lực lượng đặc công phát triển tương đối mạnh như Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt xuân 1968 và Tổng tiến công chiến lược năm 1972 thì trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân 1975, đặc công đã có lực lượng mạnh chưa từng có. Đặc biệt, ở vùng ven và trong nội đô Sài Gòn, ta đã ém sẵn được 6 trung đoàn đặc công, 1 lữ đoàn biệt động (gồm 13 cụm) và một số đơn vị binh khí kỹ thuật. Ngoài ra còn có lực lượng đặc công địa phương tại chỗ và cơ sở nội tuyến. Đây là một lực lượng ém sẵn mạnh, có ý nghĩa chiến dịch vô cùng quan trọng, tạo một thế trận thật lợi hại, hiểm hóc ngay trong hậu phương địch.
        
        Nhờ có lực lượng hùng mạnh và đều khắp ở sát và sâu trong hậu phương địch,nhất là vùng ven và nội đô Sài Gòn, nên cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân 1975 đặc biệt là trong chiến dịch Hồ Chí Minh, đặc công đã có một thế đánh mới vô cùng thuận lợi để đạt tới bất ngờ nhất, cơ động và kịp thời nhất để tạo thời cơ và tận dụng thời cơ.
        
        Có lực lượng đặc công và biệt động mạnh, với một thế đánh vô cùng lợi hại là một trong những cơ sở quan trọng để Bộ tư lệnh chiến dịch nghiên cứu và hạ quyết tâm chính xác, đề ra phương châm, cách đánh chiến dịch thích hợp. Đồng thời nhờ có lực lượng hùng mạnh kết hợp với thế đánh vững chắc, bất ngờ, hiểm hóc, nên trong chiến dịch Hồ Chí Minh, đặc công đã phát huy nghệ thuật tác chiến của mình lên một bước mới.
        
        Trong chiến tranh chống Mỹ, nghệ thuật tác chiến đặc công phát triển theo đà phát triển nghệ thuật tác chiến của các lực lượng vũ trang nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đặc công cũng từ đánh nhỏ từng tổ, mũi (trung đội), đội (đại đội), tiểu đoàn tiến lên đánh tương đối lớn nhiều tiểu đoàn và đánh lớn cỡ trung đoàn và nhiều trung đoàn trong một chiến dịch; từ lấy nhiệm vụ đánh phá hủy làm chính, tiến lên đánh chiếm giữ theo ý định chiến dịch; từ đánh đêm là chính đến đánh cả đêm lẫn ngày; từ tác chiến thời gian ngắn tính từng giờ đến tác chiến dài nhiều ngày đêm; từ sử dụng vũ khí thô sơ tự tạo là chính đến sử dụng các vũ khí tương đối hiện đại của ta và lấy được của địch; từ đánh độc lập theo sở trường là chính, tiến lên đánh được hợp đồng binh chủng trong chiến dịch quy mô lớn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #69 vào lúc: 05 Tháng Tư, 2016, 07:08:55 pm »

        
        Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, đặc công có quy mô lực lượng lớn, cách đánh rất phong phú, nhưng theo ý định chiến lược, lực lượng được bố trí rải trên nhiều khu vực mục tiêu quan trọng, lấy tác chiến độc lập làm chính, tiến hành từng đợt chiến đấu trong một thời gian tương đối dài, mà chưa thực hiện được đánh tập trung lớn trong tác chiến hợp đồng binh chủng.
        
        Đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân 1975, nhất là trong chiến dịch Hồ Chí Minh, các lực lượng đặc công vừa phát huy tốt sở trường đánh độc lập, vừa đánh giỏi trong chiến dịch lớn hợp đồng binh chủng. Trong trận then chốt Buôn Ma Thuột mở màn chiến dịch Tây Nguyên, ta đã sử dụng lực lượng đặc công tương đối lớn (trung đoàn tăng cường) luồn sâu vào trung tâm địch, bất ngờ đánh chiếm những căn cứ then chốt, mục tiêu hiểm yếu (sở chỉ huy, sân bay, kho tàng...) rồi chốt giữ liên tục đánh phản kích cả đêm lẫn ngày, bao vây, chia cắt, không cho địch co cụm, đổ quân phản kích hoặc rút chạy, tạo điều kiện cho binh đoàn binh chủng hợp thành nhanh chóng đánh chiếm thị xã Buôn Ma Thuột, giành thắng lợi giòn giã.
        
        Chiến dịch Hồ Chí Minh có quy mô rất lớn và yêu cầu rất cao đối với mọi lực lượng tham gia chiến dịch, trong đó có đặc công. Đặc công phải đánh chiếm và giữ vững nhiều địa bàn và mục tiêu quan trọng (14 cầu, 6 căn cứ án ngữ) trên các hướng tiến vào Sài Gòn và trong nội đô, tạo bàn đạp, cửa mở cho năm binh đoàn binh chủng hợp thành tiến công, góp phần thực hiện trong ngoài cùng đánh để bảo đảm bất ngờ, thần tốc, giành thắng lợi giòn giã và trọn vẹn cho chiến dịch.
        
        Đây là một yêu cầu đặc biệt nặng nề, khó khăn và phức tạp đối với đặc công trong chiến dịch. Nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Bộ Chính trị, Quân uỷ trung ương, ngay từ sau khi ký hiệp định Pa-ri, Trung ương Cục và Bộ chỉ huy Miền đã chủ động tích cực chỉ đạo, xây dựng lực lượng đặc công Miền (6 trung đoàn đặc công, 1 lữ đoàn biệt động) và dựa vào thế chiến tranh nhân dân, bố trí ngay tại vùng ven Sài Gòn - Chợ Lớn trên các hướng và địa bàn quan trọng; mặt khác bản thân các lực lượng đặc công đã khắc phục vô vàn khó khăn, đối phó rất ác liệt với các cuộc càn quét chà đi xát lại của địch. Tuy có một số đơn vị bị mất sức chiến đấu, song các lực lượng đặc công đã giành được thắng lợi bước đầu rất quan trọng trong việc chuẩn bị cả về thế và lực. Ta đã chốt được một lực lượng rất mạnh và bất ngờ ngay trong hậu phương chiến lược, chiến dịch của địch. Đó là lực lượng tại chỗ nên có tác dụng bao vây, chia cắt, vu hồi, thọc sâu chiến lược, chiến dịch vô cùng lợi hại, thực hiện đánh địch từ bên trong, góp phần bảo đảm thần tốc nhất, bất ngờ nhất, táo bạo nhất và chắc thắng cho chiến dịch. Nhờ đó các lực lượng đặc công đã phát huy cao độ nghệ thuật tác chiến độc đáo của mình, kết hợp rất chặt chẽ giữa lực tinh, thế hiểm và thời cơ thuận lợi, tạo nên một sức mạnh kỳ diệu để đánh thắng.
        
        Bước vào chiến dịch, ba cánh đặc công, biệt động trên năm hướng chiến dịch và các cụm biệt động trong nội đô đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đánh chiếm và giữ vững các địa bàn, bàn đạp được phân công gồm 14 cầu quan trọng (mà địch đã đặt sẵn thuốc nổ định phá khi chúg rút) và 6 căn cứ án ngữ, bảo đảm cho năm binh đoàn binh chủng hợp thành nâng cao tốc độ tiến công; đồng thời đánh chiếm một số mục tiêu trong nội đô và phát động quần chúng nổi dậy.
        
        Đặc biệt trên hướng Quân đoàn 2, trung đoàn 116 đặc công đã đánh chiếm và giữ vững cầu Xa lộ Biên Hoà, phân chi khu Bến Gỗ theo lệnh của quân đoàn trước ba ngày và đón được đại đội xe tăng đi đầu của quân đoàn. Các chiến sĩ đặc công ngồi trên xe tăng, dẫn đường và cùng chiến đấu đánh chiếm dinh Độc lập, sào huyệt cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn. Z28 biệt động Sài Gòn đã đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu ngụy, sau đó cùng đơn vị bạn chiếm lĩnh toàn bộ.
        
        Qua thực tiến chiến đấu và chiến thắng của bộ đội đặc công trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân 1975, nhất là trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, có thể rút ra mấy kết luận sau đây:
        
        a.  Đặc công là con đẻ của chiến tranh nhân dân Việt Nam phát triển cao dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nghệ thuật tác chiến đặc công cũng phát triển theo đà phát triển của nghệ thuật quân sự Việt Nam như đồng chí Tổng bí thư Lê Duẩn đã chỉ rõ: "Kỹ thuật, chiến thuật phát triển trên cơ sở chiến lược của Đảng, chiến lược của Đảng giúp đặc công phát triển".
        
        b. Phải tạo được lực mạnh và thế vững ngay trong hậu phương chiến lược, chiến dịch cũng như chiến thuật của địch thì đặc công mới phát huy được tác dụng lớn, mới thực hiện được đánh đúng, đánh trúng, đánh đau, đánh hiểm, đạt được hiệu xuất cao, hiệu quả lớn có ý nghĩa chiến lược, chiến dịch và chiến thuật.
        
        c. Đặc công kết hợp chặt chẽ giữa lực tinh, thế hiểm và thời cơ thuận lợi thì sẽ tạo được sức mạnh to lớn, áp đảo để đánh thắng mọi kẻ địch đông hơn mình gấp bội.
        
        d. Có hai điều kiện cơ bản nhất để đặc công có được lực lượng cần thiết và hình thành thế đánh vững chắc, bất ngờ sâu trong hậu phương địch. Một là, cấp lãnh đạo, chỉ huy có ý định nhất quán trong việc lập mưu kế, thế trận, tạo cho đặc công có sự chủ động chuẩn bị trước trong điều kiện cho phép; đó là tiền đề quyết định nhất. Hai là, bản thân các lực lượng đặc công phải phát huy cao độ tính năng động chủ quan, kiên quyết chuẩn bị lực lượng và thế đánh theo yêu cầu của lãnh đạo, chỉ huy; đó là điều kiện quyết định trực tiếp. Chỉ trên cơ sở kết hợp hai điều kiện nói trên thì đặc công mới có lực lượng tinh đáp ứng yêu cầu đóng chốt vững chắc trong hậu phương địch, và khi thời cơ đến mới phát huy tác dụng cao nhất hoàn thành được chức năng chính của mình.

*
*     *
       
        Trên cơ sở đường lối chính trị, đường lối quân sự đúng đắn, sáng tạo của Đảng, trong giai đoạn cách mạng mới nền nghệ thuật quân sự Việt Nam sẽ phát triển ngày càng cao hơn; đặc công cũng có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nghệ thuật tác chiến của mình lên một bước mới.
       
        Để phát triển nghệ thuật tác chiến trong chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc, binh chủng đặc công cần quán triệt đường lối chính trị, đường lối quân sự của Đảng trong giai đoạn cách mạng mới, nhất là quyết tâm chiến lược, phương châm, phương thức tiến hành chiến tranh... Trên cơ sở đó, xuất phát từ đặc điểm về đối tượng tác chiến, địa bàn hoạt động mới, kế thừa những kinh nghiệm quý báu trong chiến tranh giải phóng mà nghiên cứu đề xuất những điểm phát triển mới của nghệ thuật tác chiến đặc công trong điều kiện mới.

        Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa đặt ra cho các lực lượng đặc công những yêu cầu rất cao.
       
        Một là, phải có đủ lực lượng và tạo được thế đánh tốt, góp phần đánh thắng kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt của địch hiện nay đối với nhân dân ta.
       
        Hai là, phải tích cực chuẩn bị để có lực lượng mạnh và thế đánh vững chắc, linh hoạt, bất ngờ, đáp ứng được mọi tình huống chiến tranh, thực hiện đánh mạnh, đánh đúng, đánh trúng, đánh đau, đánh hiểm, đánh rộng khắp, liên tục ngay trong thời kỳ đầu khi chiến tranh lớn xảy ra để góp phần hoàn thành thắng lợi quyết tâm chiến lược của Đảng. Đây là yêu cầu chính bao trùm nhất.
       
        Ba là, vừa đánh độc lập giỏi theo cách đánh sở trường của đặc công, vừa tham gia đánh giỏi trong tác chiến hợp đồng quân, binh chủng trong các chiến dịch lớn.
       
        Mấy yêu cầu chính trên đây đặt ra cho binh chủng đặc công những nhiệm vụ mới vô cùng nặng nề và khó khăn nhưng với sự chỉ đạo sáng suốt của trên và sự nỗ lực của bản thân, binh chủng Đặc công nhất định sẽ làm tròn nhiệm vụ, thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ đối với bộ đội đặc công: "Bất kỳ khó khăn đặc biệt nào cũng phải vượt qua, cũng phải khắc phục cho kỳ được... Bất kỳ nhiệm vụ gì, bất kỳ nhiệm vụ đặc biệt nào cũng phải hoàn thành và hoàn thành cho tốt "1. Trên cơ sở đó, nghệ thuật tác chiến đặc công nhất định sẽ có bước phát triển mới càng cao hơn.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM