Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 01:29:06 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trận quyết chiến lịch sử Xuân 1975  (Đọc 26810 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« vào lúc: 04 Tháng Tư, 2016, 10:18:35 pm »

        - Tên sách: Trận quyết chiến lịch sử Xuân 1975
        - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam biên soạn và xuất bản năm 1990.
        - Số hóa: Hoacuc
        - Hiệu đính: Giangtvx

LỜI GIỚI THIỆU
       
        Cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc trọn vẹn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta.
        
        Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 10, ngày toàn thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, theo sự chỉ đạo của Bộ quốc phòng, Viện lịch sử quân sự Việt nam đã phối hợp với các cơ quan nghiên cứu khoa học trong và ngoài quân đội, tổ chức Hội nghị khoa học về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân 1975.
        
        Mục đích của Hội nghị khoa học là nghiên cứu ý nghĩa và tác động to lớn của sự kiện lịch sử quân sự này đối với dân tộc và thời đại, nêu lên những nguyên nhân thắng lợi, những bài học kinh nghiệm về nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh, nghệ thuật quân sự Việt nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đặc biệt là trong Tổng tiến công và nổi dậy xuân 1975, góp phần chứng minh thêm sự đúng đắn của đường lối quân sự và sự chỉ đạo chiến lược tài giỏi và sáng tạo của Đảng ta.
        
        Viện lịch sử quân sự Việt Nam đã lựa chọn và tập hợp một số bản báo cáo khoa học tại Hội nghị thành tập kỷ yếu mang tên "Trận quyết chiến lịch sử xuân 1975" và xuất bản tập kỷ yếu này thành sách mong góp phần nhỏ vào việc nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, và xây dựng, phát triển nền lý luận khoa học, nghệ thuật quân sự Việt Nam.
        
        Trong cuốn sách, các bản báo cáo khoa học được sắp xếp theo mấy nội dung chính sau đây:
        
        - Những vấn đề chung về chỉ đạo chiến lược và nghệ thuật quân sự trong Tổng tiến công và nổi dậy xuân 1975.
        - Thực hành tiến công và nổi dậy ở các địa phương, các địa bàn chiến lược.
        - Tác chiến của các binh đoàn chủ lực cơ động, các quân chủng, binh chủng.
        - Công tác đảng - công tác chính trị trong mùa xuân 1975.
        - Hoạt động hậu cần chiến lược, chiến dịch và hoạt động của hậu phương phục vụ Tổng tiến công và nổi dậy.
        - Ý nghĩa lịch sử của Đại thắng mùa xuân 1975.
        
« Sửa lần cuối: 04 Tháng Tư, 2016, 10:31:22 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #1 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2016, 10:24:14 pm »

        
ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975 VÀ MẤY VẤN ĐỀ
CHIẾN LƯỢC TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN
CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC
                         
Đại tướng VĂN TIẾN DŨNG        
       
        Cách đây 10 năm, vào mùa xuân 1975, lịch sử dân tộc Việt Nam ta đã ghi thêm một chiến công vĩ đại làm nức lòng nhân dân cả nước và anh em bầu bạn khắp năm châu. Trong một trận quyến chiến chiến lược thần tốc, qua 55 ngày đêm tiến công và nổi dậy, quân và dân ta đã đánh bại hoàn toàn chiến tranh xâm lược và đập tan ách thống trị thực dân kiểu mới của đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam thân yêu, kết thúc vẻ vang cuộc chiến tranh yêu nước lâu dài nhất, khó khăn nhất và vĩ đại nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta.
        
        Nhân dân thế giới đã chứng kiến một sự kiện chưa từng có; một nước nhỏ, kinh tế nghèo nàn và lạc hậu đã đánh thắng về quân sự rất oanh liệt một đế quốc lớn nhất, giàu mạnh nhất phe đế quốc, tên sen đầm quốc tế, kẻ thù nguy hiểm và tàn bạo nhất của loài người tiến bộ.
        
        Đối với nhân dân ta, thắng lợi oanh liệt đó đánh dấu một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc, mở ra một kỷ nguyên mới đầy hứa hẹn cho Tổ quốc ta.
        Đối với thế giới, thắng lợi của nhân dân ta góp phần làm suy yếu hệ thống đế quốc chủ nghĩa, tăng thêm sức mạnh và thế tiến công của các trào lưu cách mạng của thời đại.
        
        Về mặt quân sự, thắng lợi hoàn toàn và trọn vẹn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước với đỉnh cao là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân 1975, đã đánh dấu một bước phát triển rực rỡ của nền khoa học hiện đại, góp phần làm phong phú thêm kho tàng lý luận quân sự của chủ nghĩa Mác - Lê nin.
        
        Chúng ta kỷ niệm nước ngày hội lớn của cả nước này cũng vào dịp kỷ niệm lần thứ 95 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Với lòng biết ơn vô hạn, nhân dân và lực lượng vũ trang ta vô cùng xúc động, ghi sâu công ơn của Bác Hồ, "Người sáng lập Đảng ta và Nhà nước ta, người sáng lập mặt trận dân tộc thống nhất và lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, lãnh tụ vĩ đại vô cùng kính yêu của giai cấp công nhân và nhân dân ta, của toàn thể dân tộc Việt Nam, một chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản quốc tế và phong trào giải phóng dân tộc" . Từ khi Bác đi xa, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng do đồng chí Tổng bí thư Lê Duẩn đứng đầu, chúng ta đã thực hiện trọn vẹn lời Di chúc thiêng liêng của Người: "Dù khó khăn giản khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ sum họp một nhà".
        
        Đại thắng mùa xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, là thắng lợi của toàn bộ sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, sự nghiệp giải phóng của nhân dân ta. Nó là kết quả cả quá trình chiến đấu suốt mấy chục năm ròng. Nó là bước phát triển tất yếu ở giai đoạn chín muồi của toàn bộ công cuộc kháng chiến đều được phát huy, mà nhân tố cơ bản nhất, quyết định nhất là sự lãnh đạo đúng đắn và sáng tạo của Đảng ta, đã kế thừa, khơi dậy và phát huy đến đỉnh cao sức mạnh vô địch của con người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam trong thời đại mới.

*
*    *
       
        Nghiên cứu sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân 1975, cũng là tập trung nghiên cứu cuộc kháng chiến chống Mỹ ở giai đoạn kết thúc của nó. Vì vậy, cần đặt nó trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ mà nó là đỉnh cao. Thắng lợi to lớn của nó cũng như thành công về mặt chỉ đạo chiến lược của Đảng ta chính là biểu hiện tập trung sức mạnh của toàn bộ cuộc kháng chiến, là thành công tiêu biểu của nghệ thuật đánh thắng Mỹ trong giai đoạn kết thúc chiến tranh.
        
        Sức mạnh của cuộc kháng chiến chống Mỹ là sức mạnh của dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại, là sức mạnh tổng hợp cả về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá, cả về tinh thần, tư tưởng và vật chất kỹ thuật, có tài năng, trí tuệ của lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy và tính năng động sáng tạo vĩ đại của quần chúng nhân dân và lực lượng vũ trang.
        
        Đảng ta có đường lối chính trị, đường lối quân sự và đường lối đối ngoại đúng đắn, giải quyết sáng tạo và thành công các vấn đề chiến lược cách mạng, chiến lược chiến tranh và chiến lược quân sự, lại có sự chỉ đạo sáng suốt trong mỗi thời kỳ nên mới có thể tố chức, động viên và phát huy sức mạnh đó để đánh Mỹ và thắng Mỹ.
        
        Do đó khi nghiên cứu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy lịch sử này, cần hiểu rõ cả những vấn đề chiến lược cách mạng, chiến lược chiến tranh và chiến lược quân sự của ta trong cuộc chống Mỹ, cứu nước, thấy rõ mối liên hệ biện chứng giữa các vấn đề chiến lược nói trên. Đây là một vấn đề quan trọng về phương pháp luận cần nắm vững trong công tác nghiên cứu khoa học của chúng ta.
« Sửa lần cuối: 04 Tháng Tư, 2016, 10:31:07 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #2 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2016, 10:26:23 pm »

       
        1. Về chiến lược cách mạng.
       
        Thành công trước hết trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước là Đảng ta đã định ra đường lối chiến lược và sách lược cách mạng hết sức đúng đắn và sáng tạo, phù hợp với những đặc điểm của cách mạng Việt Nam và của tình hình thế giới trong thời kỳ này.
       
        Chúng ta đều biết, sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta kết thúc thắng lợi, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, đế quốc Mỹ đã thay chân thực dân Pháp độc chiếm miền Nam, biến thành thuộc địa kiểu mới của chúng. Lúc này nhiều vấn đề đặt ra cho cách mạng Việt Nam cũng là những vấn đề đặt ra cho cách mạng thế giới. Việc đánh giá đúng sức mạnh và khả năng gây chiến tranh lớn của đế quốc Mỹ có liên quan rất nhiều đến việc đẩy mạnh phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân ta, của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.
       
        Nay nghĩ lại, ta càng thấy rõ những vấn đề lớn nhất đặt ra cho cách mạng nước ta lúc đó là: miền Bắc tiến ngay vào giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa hay chờ cách mạng miền Nam? Miền nam tiếp tục làm cách mạng giải phóng dân tộc hay tạm thời dừng lại, "trường kỳ mai phục" đợi miền Nam tiếp tục tiến lên thì bằng phương pháp hoà bình hay bằng con đường bạo lực? Nếu bằng con đường bạo lực, từ đấu tranh và chiến tranh giải phóng thì liệu có giữ được hoà bình ở miền Bắc không? Nếu chiến tranh lan rộng ra miền Bắc thì liệu có thể phát triển thành chiến tranh khu vực, có ảnh hướng đến hoà bình thế giới mà ta đang cần bảo vệ hay không?
       
        Nắm vững học thuyết cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Đảng ta đã đánh giá đúng chỗ mạnh, chỗ yếu của đế quốc Mỹ, nắm vững thực chất của chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ, chiến lược phản cách mạng của Mỹ trên phạm vi toàn cầu cũng như ở Việt Nam, Đông Dương và Đông Nam Á. Chúng ta đã chấp nhận cuộc đụng đầu lịch sử với tên đế quốc đầu sỏ, kiên quyết đầy mạnh cách mạng ở cả hai miền Nam, Bắc, đồng thời có sách lược mềm dẻo, có bước đi thích hợp để vừa đẩy mạnh cách mạng Việt Nam, vừa góp phần vào phong trào đấu tranh cách mạng của các dân tộc và giữ gìn hoà bình thế giới. Đó chính là đường lối tiến hành đồng thời và phối hợp chặt chẽ hai chiến lược cách mạng ở hai miền nước ta, chiến lược cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam và chiến lược cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Đảng ta xác định: cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc chủ dân chủ nhân dân ở miền Nam thuộc hai chiến lược khác nhau, nhưng quan hệ mật thiết với nhau, ảnh hưởng lẫn nhau, thúc đẩy nhau cùng phát triển. Nhiệm vụ cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc là nhiệm vụ quyết định nhất đối với sự phát triển của toàn bộ cách mạng nước ta. Cách mạnh miền Nam có tác dụng quyết định trực tiếp trong công cuộc giải phóng miền Nam và thực hiện hoà bình thống nhất Tổ quốc(1).
       
        Theo đường lối chiến lược cách mạng trên đây, Đảng ta đã đề ra sách lược cách mạng rất mềm dẻo, phù hợp với tình hình so sánh lực lượng địch, ta ở Việt Nam, Đông Dương, Đông Nam Á và bối cảnh quốc tế, nhằm tập hợp thật đông đảo lực lượng ta, cô lập cao độ kẻ thù, giành thắng lợi từng bước, tiến lên giành thắng lợi cuối cùng.
       
        Đảng ta lại có đường lối đối ngoại đúng đắn, thực hiện được sự liên minh chiến lược và chiến đấu giữa nhân dân ta với nhân dân hai nước Lào và Cam-pu-chia anh em trên bán đảo Đông Dương, tranh thủ được sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác, sự đồng tình ủng hộ của cả loài người tiến bộ trong đó có cả nhân dân Mỹ.
       
        Đường lối chiến lược và sách lược cách mạng nêu trên chính là biểu hiện cụ thể đường lối nhất quán và xuyên suốt mọi quá trình cách mạng do Đảng ta lãnh đạo là gương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vận dụng đúng đắn sáng tạo những điều kiện cụ thể của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, vừa có tính nguyên tắc cao, vừa có sách lược mềm dẻo. Với đường lối ấy, cách mạng Việt Nam thể hiện chân lý sáng ngời của thời đại ngày nay là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội gắn liền với nhau, thể hiện sự kết hợp chặt chẽ cuộc chiến đấu cứu nước của nhân dân ta với ba dòng thác cách mạng trên thế giới, kết hợp những yêu cầu cơ bản của dân tộc Việt Nam với những mục tiêu cao cả của cả loài người tiến bộ, vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.
       
        Đường lối chiến lược và sách lược cách mạng của Đảng đã tạo nên một lực lượng cách mạng hùng hậu, làm nền tảng vững chắc cho việc phát động và phát triển thắng lợi chiến tranh cách mạng chống Mỹ, cứu nước. Đường lối chiến lược và sách lược cách mạng ấy đã chỉ đạo toàn bộ các hoạt động của nhân dân ta trong chiến tranh, chỉ đạo chiến lược chiến tranh và chiến lược quân sự trên cả nước và mỗi miền.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #3 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2016, 10:28:27 pm »

       
        2. Về chiến lược chiến tranh.
         
        Trong cuộc chống Mỹ của toàn dân tộc ta, miền Nam là tiến tuyến lớn, miền Bắc là hậu phương lớn. Do đặc điểm của cách mạng và chiến tranh nhân dân ở mỗi miền, cuộc kháng chiến chống Mỹ biểu hiện dưới hình thái hai cuộc chiến tranh khác nhau ở hai miền nhưng thống nhất hữu cơ với nhau: chiến tranh giải phóng miền Nam và chiến tranh bảo vệ chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Xuất phát từ đường lối chiến lược và sách lược cách mạng đã nêu ở trên và từ những quy luật của chiến tranh nhân dân Việt Nam, Đảng ta đã đề ra và không ngừng phát triển trong chỉ đạo thực tiễn một chiến lược chiến tranh với những nội dung chung cho cuộc kháng chiến trên cả nước và những nội dung cụ thể ở mỗi miền.
       
        Đó là chiến lược của chiến tranh toàn dân và toàn diện, kết hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị trên ba vùng chiến lược ở tiền tuyến lớn miền Nam; kết hợp chiến đấu với sản xuất và chi viện tiền tuyến ở hậu phương lớn ở miền Bắc; thực hành chiến lược tiến công bằng sức mạnh tổng hợp; liên minh chiến lược và chiến đấu với nhân dân hai nước Lào và Cam-pu-chia và tranh thủ viện trợ quốc tế, đánh lâu dài, giành thắng lợi từng bước tiên lên giành thắng lợi cuối cùng.  Chiến lược chiến tranh này có bước phát triển mới so với kháng chiến chống Pháp và đỉnh cao thắng lợi của nó thể hiện nổi bật trong đòn kết thúc cực kỳ mau lẹ đại thắng mùa xuân 1975, đánh tan hơn một triệu quân địch làm cho kẻ thù không kịp trở tay, quét sạch cơ đồ chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ ở miền Nam nước ta. Bước phát triển đó phù hợp với những điều kiện mới của đất nước dưới sự tác động tổng hợp của hai cuộc cách mạng trên hai miền Nam Bắc, theo đường lối chiến lược và sách lược đã nêu ở trên. Nó cũng thể hiện trong chiến tranh những nội dung cơ bản của phương pháp cách mạng cách mạng trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân ở miền Nam nhằm đánh đổ chủ nghĩa thực dân mới và đánh bại chiến tranh xâm lược thực dân mới của đế quốc Mỹ.
       
        Chiến tranh toàn dân và chiến tranh toàn diện phát triển rất cao, với những nội dung rất phong phú. Từ đó, trong chỉ đạo chiến lược, ta đã kết hợp chặt chẽ đẩy mạnh chiến tranh giải phóng miền Nam với bảo vệ miền Bắc trong mọi tình huống, tạo nên những bước phát triển nhảy vọt trong xây dựng lực lượng. Ta lại biết tạo thời cơ và nắm thời cơ, thực hiện những bước ngoặt chiến lược có lợi cho ta, đánh bại các bước leo thang chiến tranh điên cuồng của đế quốc Mỹ trên cả hai miền Nam Bắc, giành thắng lợi ngày càng to lớn.
       
        Trong sự chỉ đạo chiến lược của chiến tranh giải phóng ở Miền Nam, Đảng ta đã sử dụng bạo lực cách mạng một cách đúng đắn, phối hợp các lực lượng và các mặt đấu tranh để tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn. Lực lượng vũ trang và lực lượng chính trị là hai lực lượng cơ bản; đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị là hai hình thức đấu tranh cơ bản. Cách mạng miền Nam đã phát triển từ khởi nghĩa từng phần thành chiến tranh cách mạng. Khi khởi nghĩa đã phát triển thành chiến tranh thì vẫn có khởi nghĩa và kết hợp chiến tranh với khởi nghĩa. Khởi nghĩa trong chiến tranh ở miền Nam khác với khởi nghĩa từng phần tiến lên tổng khởi nghĩa giành thắng lợi trong Cách mạng tháng Tám. Các cuộc khởi nghĩa diễn ra trong hoàn cảnh cách mạng đã có lực lượng quân sự mạnh, có căn cứ và hậu phương vững chắc, còn địch thì còn một bộ máy chiến tranh đồ sộ, có quân đội đông và trang bị hiện đại; cuộc chiến đấu giữa quân đội hai bên diễn ra quyết liệt. Các cuộc đấu tranh chính trị và nổi dậy của quân chúng luôn luôn kết hợp chặt chẽ với đấu tranh vũ trang, với tiến công quân sự. Sự kết hợp đó diễn ra dưới những hình thức khác nhau ở mỗi vùng chiến lược và trong mỗi thời kỳ phát triển của kháng chiến. Trong đại thắng mùa xuân 1975, các cuộc nổi dậy của quần chúng ở từng nơi và từng lúc cũng không giống nhau. Thường là đòn tiến công quân sự đi trước một bước, tạo điều kiện cho quần chúng cách mạng nổi dậy tác động đến ngụy quân ngụy quyền, dẫn đến sự kết hợp chặt chẽ giữa tiến công và nổi dậy.

        Đấu tranh quân sự là đặc trưng cơ bản của chiến tranh. Đấu tranh quân sự có quy luật riêng của nó nhưng quy luật đó không vận động một cách đơn độc mà vận động trong sự kết hợp chặt chẽ với đấu tranh chính trị, với khởi nghĩa vũ trang, với tất cả các mặt đấu tranh khác. Từ khởi nghĩa phát triển thành chiến tranh, đấu tranh quân sự ngày càng có vai trò quan trọng. Quy luật chiến tranh và quy luật khởi nghĩa đều phát huy tác dụng và tác động lẫn nhau, trong đó quy luật chiến tranh ngày càng giữ địa vị chi phối và quyết định cuối cùng.
       
        Chính vì biết phát huy sức mạnh của cả nước, kết hợp sức mạnh của cách mạng xã hội chủ nghĩa và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, sử dụng kết hợp mọi lực lượng, mọi hình thức đấu tranh, nên chúng ta đã tạo ra sức mạnh tổng hợp to lớn để thực hành chiến lược tiến công. Nếu chỉ dựa vào các yếu tố đơn thuần quân sự, vào quân đội thì chiến tranh cách mạng miền Nam đã không thể thực hành chiến lược tiến công và càng không thể phát triển tiến công khi Mỹ ồ ạt đưa quân vào và không ngừng tăng quân, leo thang chiến tranh đến mức cao nhất.
       
        Tuy nhiên trong điều kiện lấy nhỏ thắng lớn, ta không thể thực hành chiến lược tiến công để giành thắng lợi trong thời gian ngắn, mà phải phát triển thế tiến công từ nhỏ đến lớn, từ cục bộ đến toàn bộ trong một cuộc chiến tranh lâu dài, lấy thời gian làm lực lượng, vừa đánh vừa xây dựng, càng đánh càng mạnh đi đến thắng lợi hoàn toàn.
       
        Chiến lược chiến tranh chống Mỹ, cứu nước của ta là chiến lược chiến tranh lâu dài, biết hạn chế không gian chiến tranh (quyết tâm thắng địch ở miền Nam, hạn chế không để địch mở rộng chiến tranh ra miền Bắc bằng cả lục quân), biết đánh địch khi chúng leo thang và biết kéo địch xuống thang, đánh lui địch từng bước, đánh đổ địch từng bộ phận, tiến tới thắng lợi hoàn toàn. Nắm vững phương châm chiến lược đánh lâu dài, đồng thời biết tạo thời cơ và tranh thủ thời cơ mở những trận tiến công chiến  lược, làm thay đổi cục diện chiến tranh, giành thắng lợi từng bước, "đánh cho Mỹ cút", rồi tiến lên "đánh cho ngụy nhào", thực hiện tổng tiến công và nổi dậy đè bẹp quân địch, giành thắng lợi cuối cùng.
       
        Có thể nói Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta và Bộ Chính trị đã đạt tới đỉnh khá cao của nghệ thuật chỉ đạo tiến hành chiến tranh cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Sự chỉ đạo đó đã gắn bó chặt chẽ chiến lược chiến tranh với đường lối chiến lược và sự chỉ đạo chiến lược trong chiến tranh chống Mỹ, cứu nước không bao gồm đơn thuần những yếu tố quân sự mà là sự quán triệt, vận dụng đường lối chiến lược, sách lược và phương pháp cách mạng của Đảng trong chiến tranh, theo quy luật chiến tranh và quy luật đấu tranh quân sự của chiến tranh nhân dân Việt Nam.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #4 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2016, 10:30:13 pm »

       
        3. Về chiến lược quân sự.
       
        Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước còn do Đảng ta đã giải quyết đúng đắn các vấn đề chiến lược quân sự, bộ phận chủ đạo của nghệ thuật quân sự. Chiến lược quân sự phục tùng đường lối chiến lược, sách lược cách mạng, chiến lược chiến tranh nhân dân và tuân theo những quy luật riêng của đấu tranh vũ trang. Chiến lược quân sự trong cuộc chiến tranh chống Mỹ của ta đã giải quyết thành công các vấn đề thực tiễn và lý luận cảu đấu tranh vũ trang và phối hợp đấu tranh vũ trang với các mặt đấu tranh khác, nhằm đạt mục đích chính trị của chiến tranh và mục tiêu của cách mạng.
       
        Đó là chiến lược toàn dân đánh giặc, lấy ba thứ quân làm nòng cốt, tiến công địch bằng hai phương thức tiến hành chiến tranh: chiến tranh du kích (nay gọi là chiến tranh nhân dân địa phương) và chiến tranh chính quy (nay gọi là chiến tranh bằng các binh đoàn chủ lực), đánh địch trên ba vùng chiến lược ở miền Nam (rừng núi, nông thôn đồng bằng và thành thị), thực hiện ba mũi giáp công (quân sự, chính trị và binh vận); kết hợp chặt chẽ tiến công quân sự với tiến công chính trị và đến lúc nào đó, với tiến công ngoại giao. Đây chính là bí quyết tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn về quân sự và nghệ thuật chiến thắng quân địch trên chiến trường trong toàn bộ cuộc chiến tranh cũng như trong từng tình huống chiến lược cụ thể. Những nội dung của chiến lược quân sự thể hiện tập trung trong chiến tranh giải phóng miền Nam, đồng thời có những nội dung riêng trong chiến tranh nhân dân bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa.
       
        Nghệ thuật đánh giặc của toàn dân bằng ba thứ quân và bằng hai phương thức là tuyền thống và cũng là một nét độc đáo của chiến lược quân sự của ta. Nghệ thuật đó có bước phát triển rất cao trong kháng chiến chống Mỹ, bắt nguồn từ đường lối chiến lược, sách lược cách mạng và chiến lược chiến tranh nhân dân chống Mỹ, đồng thời có tiền đề thuận lợi là sự lớn mạnh của lực lượng vũ trang nhân dân trên cả hai miền. Sự lớn mạnh đó gắn liền với những thành tựu của công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, của việc tổ chức tuyến vận tải chiến lược Hồ Chí Minh trên bộ và trên biển. Nhờ vậy đã liên tiếp diễn ra những bước tiến vượt bậc về xây dựng ba thứ quân và kết hợp hai phương thức tiến hành chiến tranh trên chiến trường niềm Nam.
       
        Dựa vào sức mạnh tổng hợp của cách mạng và chiến tranh nhân dân trên cả hai miền, phát huy thế chiến lược tiến công toàn diện của cách mạng và chiến tranh nhân dân nên chúng ta đã thực hành được nhất quán chiến lược tiến công về quân sự trong chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, mặc dù những năm đầu ở miền Nam lực lượng vũ trang nhân dân chưa nhiều, quy mô tổ chức còn nhỏ bé, trang bị vũ khí còn kém cỏi; tiến công ngay cả khi đế quốc Mỹ có những bước leo thang quân sự và tăng quân ồ ạt vào tham chiến. Đây là một sự thật hiển nhiên trên chiến trường miền Nam nhưng lại dường như rất khó hiểu đối với những nhà lý luận quân sự tư sản, chỉ xem xét chiến tranh qua những yếu tố đơn thuần quân sự, nhất là theo quan điểm tiến hành chiến tranh chỉ bằng quân đội, bằng một thứ quân.
       
        Tư tưởng chỉ đạo cơ bản của chiến lược tiến công quân sự là kết hợp tiêu diệt địch với giành quyền làm chủ, làm chủ để tiêu diệt địch, tiêu diệt địch để làm chủ ngày càng vững chắc hơn. Đây là sự thống nhất giữa yêu cầu của quy luật đấu tranh cách mạng (giành chính quyền) với quy luật đấu tranh vũ trang (tiêu diệt dịch): yêu cầu của quy luật đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị (vừa tiêu diệt vừa dành quyền làm chủ); và yêu cầu của bản thân quy luật đấu tranh vũ trang trong chiến tranh nhân dân (toàn dân đánh giặc chứ không phải chỉ có quân đội; cả ba thứ quân vừa làm chủ vừa tiến công chứ không phải chỉ có quân chủ lực cơ động đánh địch). Để tiêu diệt địch và làm chủ, phải kết hợp chặt chẽ lực lượng vũ trang với lực lượng chính trị, đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị, tiến công và nổi dậy, vừa có lực lượng cơ động mạnh để đánh tiệu diệt lớn, vừa có lực lượng tại chỗ mạnh để tiêu diệt nhỏ và vừa, tiêu hao rộng, phối hợp với quần chúng nhân dân bám trụ kiên cường, đánh địch khắp nơi.
       
        Chiến lược tiến công quân sự đã quyết định các hình thức hoạt động tác chiến cả trên phạm vi chiến lược, chiến dịch và chiến thuật, chủ yếu là các hoạt động tiến công và phản công. Tiến công trên phạm vi chiến lược, chiến dịch và chiến thuật; phản công trên phạm vi chiến dịch và có thể trên phạm vi chiến lược; phòng ngự chủ yếu trong phạm vi chiến thuật.
       
        Ba thứ quân của ta đã cùng nhân dân sáng tạo ra nhiều chiến thuật, nhiều cách đánh hết sức phong phú và có hiệu quả cao như; đánh du kích, đánh tập trung, đánh của đặc công, đánh sân bay, đánh hậu cứ, đánh giao thông, đánh cơ quan đầu não, sở chỉ huy, sinh lực "quý" của địch, lập "vành đai diệt Mỹ"... Như vậy, quân và dân ta đã phát huy mạnh mẽ cách đánh sở trường của mình, buộc địch phải đánh theo ý định của ta làm cho chúng không thể phát huy được ưu thế về binh khí kỹ thuật, liên tiếp đánh bại các thứ chiến thuật của quân Mỹ và quân ngụy có số lượng đông, trang bị kỹ thuật hiện đại.
       
        Tiến công quân sự luôn luôn kết hợp với tiến công chính trị và nổi dậy của quần chúng trên ba vùng chiến lược. Biểu hiện tập trung của sự kết hợp đó trên ba vùng là ba đòn chiến lược của chiến tranh nhân dân ở miền Nam: các chiến dịch tiến công (và phản công) của bộ đội chủ lực chủ yếu trên chiến trường rừng núi; các chiến dịch tổng hợp tiến công quân sự và nổi dậy của quần chúng ở vùng nông thôn đồng bằng đông dân; và các cuộc đấu tranh chính trị lớn ở thành thị.
       
        Tiến công quân sự kết hợp với tiến công chính trị và nổi dậy của quần chúng trên ba vùng phát triển thành Tổng tiến công và nổi dậy, đưa trung tâm bão táp của chiến tranh cách mạng vào thành thị, kết hợp với tiến công và nổi dậy ở nông thôn đồng bằng và rừng núi, đập tan hoàn toàn quân đội địch và chính quyền tay sai, kết thúc chiến tranh thắng lợi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #5 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2016, 10:34:44 pm »

        
ĐÁNH GIÁ ĐÚNG SO SÁNH LỰC LƯỢNG ĐỊCH - TA,
XÁC ĐỊNH ĐÚNG THỜI CƠ, HẠ QUYẾT TÂM
CHIẾN LƯỢC KỊP THỜI, CHÍNH XÁC
                       
Đại tướng HOÀNG VĂN THÁI        
       
        Đánh giá đúng so sánh lực lượng, nắm vững thời cuộc, tạo thời cơ và tận dụng thời cơ là vấn đề cực kỳ quan trọng có ý nghĩa quyết định trong đường lối cách mạng, chiến lược cách mạng, chiến lược quân sự.
        
        Như chúng ta đều biết, lịch sử là một quá trình liên tục, giai đoạn sau bao giờ cũng là sự tiếp nối của giai đoạn trước. Không có kinh nghiệm quý báu trong kháng chiến chống Pháp, chắc chắn chiến tranh nhân dân ở nước ta không thể phát triển tới trình độ rất cao như trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Cũng như không có những bài học kinh nghiệm quý báu, kể cả những kinh nghiệm "xương máu" của thời kỳ đầu và của cả quá trình phát triển, nhất định không thể có được những sáng tạo rất lớn trong thời kỳ cuối cách mạng và chiến tranh cách mạng ở miền Nam, như ta đã thấy.
        
        1. Chiến tranh cách mạng miền Nam đã trải qua hơn 20 năm đấu tranh gian khổ, quyết liệt, nhưng có thể nói những năm 1957-1959 là thời kỳ khó khăn nghiêm trọng nhất. Đó là thời kỳ mà đế quốc Mỹ - tên đế quốc đầu sỏ hiếu chiến nhất - đã trực tiếp xâm lược miền Nam nước ta bằng chủ nghĩa thực dân kiểu mới. Đế quốc Mỹ đã dùng chính quyền phản động Ngô Đình Diệm làm công cụ thống trị, nô dịch cực kỳ hung bạo, không những thẳng tay chém giết những người cách mạng, những người kháng chiến cũ mà còn trắng trợn khủng bố, đàn áp khốc liệt hầu hết các tầng lớp nhân dân từ đồng bằng đến rừng núi, từ nông thôn đến thành thì, cũng có thể nói, đó là thời kỳ cả miền Nam như phải sống lại thời kỳ trung cổ. Lực lượng phản cách mạng đã điên cuồng đánh phá cách mạng bằng các chiến dịch "tố cộng, diệt cộng", gây nên những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng cho cả đời sống tinh thần và vật chất của đồng bào ta ở miền Nam.
        
        Đánh giá tình hình so sánh lực lượng địch, ta ở miền Nam và trong bối cảnh quốc tế lúc này, thật là một vấn đề rất phức tạp.

        Hồi đó, Mỹ - Diệm đã tưởng rằng chúng mạnh gần như tuyệt đối, phong trào cách mạng miền Nam sẽ tàn lụi và suy sụp, nhân dân miền Nam sẽ phải cúi đầu chấp nhận chế độ thống trị của chúng.
        
        Nhưng Đảng ta đã nhận định: địch không mạnh như chúng ta tưởng. Đảng luôn luôn tin chắc rằng đồng bào miền Nam nhất định không bao giờ chấp nhận chế độ thực dân, dù là thực dân cũ hay thực dân mới. Đảng khẳng định: chúng có quân đông, nhưng không có cơ sở chính trị - xã hội sâu rộng và vững chắc, tuy quân sự của chúng còn mạnh, nhưng chính trị của chúng lại rất yếu, mà yếu nhất là ở nông thôn. Một chế độ cai trị bằng tàn sát đẫm máu không phải là một chế độ mạnh, và khi Mỹ-Diệm phải lê máy chép đi khắp miền Nam để giết hại và hăm doạ nhân dân, chính là lúc chính trị của chúng yếu nhất.
        
        Đảng ta đã giải quyết thành công những vấn đề chiến lược cách mạng, chiến lược chiến tranh và chiến lược quân sự trên đây trong một giai đoạn lịch sử đặc biệt của dân tộc Việt Nam, giành thắng lợi vĩ đại trong cuộc đụng đầu lịch sử với tên đế quốc đầu sỏ của thời đại ngày nay. Đó là vì Đảng vững tin ở sức mạnh to lớn của quần chúng nhân dân, của con người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam, biết khai thác những khả năng vô tận và động viên sức mạnh vĩ đại của quần chúng nhân dân và sức mạnh thời đại để đẩy mạnh cách mạng, tiến hành chiến tranh nhân dân và giải quyết sáng tạo các vấn đề nghệ thuật quân sự.
        
        Sức mạnh của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là sức mạnh được tích luỹ trong 21 năm chống Mỹ, trong cả quá trình 45 năm dấu tranh cách mạng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, là kết tinh sức mạnh của dân tộc ta qua bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước. Đó là sức mạnh của cả nước, của cả quân sự và chính trị, của tiến công và nổi dậy trên cả ba vùng chiến lược; của cả chiến tranh bằng các binh đoàn chủ lực và chiến tranh nhân dân địa phương...
        
        Trong khi nghiên cứu các yếu tố tạo nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung, của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân 1975 nói riêng, chúng ta cần thấy đúng vai trò, vị trí của từng yếu tố, đồng thời phải xem xét nó trong mối quan hệ tác động lẫn nhau, tránh nhấn mạnh một chiều yếu tố này hoặc yếu tố khác, mặt này hay mặt khác.
        
        Những vấn đề chiến lược nên trên đây, cũng như nhiều kinh nghiệm phong phú được đúc kết từ hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ thật vô cùng quý báu. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ngày nay chống kẻ thù xâm lược mới, chúng ta phải trân trọng và ra sức học tập những kinh nghiệm đã có, vận dụng và phát triển một cách sáng tạo phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh mới.
        
        Đối với đội ngũ cán bộ trong quân đội, cần thấm nhuần bài học về phương pháp luận để giải quyết đúng đắn và sáng tạo các vấn đề khoa học và nghệ thuật quân sự hiện nay phù hợp với đường lối chính trị, đường lối kinh tế và đường lối quân sự của Đảng trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phải luôn nhận rõ cái gốc của mọi thắng lợi là nhân dân Việt Nam anh hùng, ở dân tộc Việt Nam anh hùng, ở phong trào cách mạng rộng lớn của đông đảo quần chúng do Đảng lãnh đạo. Phải đo từ cái gốc đó, trân trọng bài học kinh nghiệm lịch sử của ta đồng thời ra sức học tập những kiến thức quân sự hiện đại, những kinh nghiệm tiên tiến của các lực lượng vũ trang Liên Xô để làm giàu thêm kiến thức và kinh nghiệm của mình, đưa khoa học và nghệ thuật quân sự Việt Nam phát triển đúng hướng, đại nhiều thành tựu mới rực rỡ hơn nữa.

        Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành trung ương Đảng (khoá II) năm 1959, về đường lối cách mạng Việt Nam, đường lối cách mạng ở miền Nam, như ngọn đuốc soi sáng con đường tiến lên của cách mạng. Nghị quyết vạch rõ: "chỉ có thắng lợi của cách mạng mới chấm dứt cảnh cùng khổ của nhân dân miền Nam, mới triệt để đánh bại mọi chính sách nô dịch, chia cắt, gây chiến của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai ở miền Nam... Con đường phát triển cơ bản của cách mạng miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân... Theo tình hình cụ thể hiện nay của cách mạng thì con đường đó là lấy sức mạnh của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang đánh đổ chính quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng nên chính quyền cách mạng của nhân dân...". Nghị quyết 15 đã phát triển nhận định của Chủ tịch Hồ Chí Minh về kẻ thù, ngay từ giữa năm 1954: "Mỹ không những là kẻ thù của nhân dân thế giới, mà Mỹ đang biến thành kẻ thù chính và trực tiếp của nhân dân Việt, Miên, Lào"(1). Nghị quyết cũng hoàn thiện những quan điểm cơ bản của Đảng ta về cách mạng miền Nam, đã được "thai nghén" từ những năm 1955-1956 trong Đề cương cách mạng miền Nam do đồng chí Lê Duẩn khởi thảo ngay tại miền Nam.
        
        Nhận định đúng, chủ trương đúng đó của Đảng đã thật sự làm xoay chuyển tình thế cách mạng miền Nam, từ chỗ "tình hình khó khăn đến mức tưởng như cách mạng không thể duy trì và phát triển được"(2) đến chỗ "quần chúng cách mạng đã vùng lên"(3) và "về lực lượng chính trị... ta đã chiếm ưu thế tuyệt đối so với Mỹ-Diệm"(4). Có nghị quyết 15, nhân dân miền Nam thật sự tăng thêm sức mạnh của mình lên gấp nhiều lần, hoàn toàn đủ sức vùng lên đánh địch ở cơ sở. Những cuộc khởi nghĩa vũ trang từng phần, chủ yếu là ở nông thôn - mà ta thường gọi là "đồng khởi" - nổ ra ở Bến Tre, Minh Hải và cả miền Nam đầu năm 1960. Chỉ sau một thời gian ngắn, cách mạng miền Nam không chỉ phục hồi nhanh chóng mà còn tiến lên mạnh mẽ, làm cho kẻ thù sau một thời gian dài "làm mưa làm gió" ở miền Nam, bắt đầu lâm vào cuộc khủng hoảng trầm trọng toàn diện, cả về chính trị và quân sự. Thực tiễn lịch sử đó đã chứng minh sức mạnh to lớn và tác dụng quyết định của một nhận định đúng, một chủ trương đúng trong chỉ đạo chiến lược của Đảng ta, tạo nên một bước ngoặt căn bản của cách mạng miền Nam trong những năm đầu thập kỷ 60.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #6 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2016, 10:37:00 pm »

       
        2. Từ khởi nghĩa vũ trang tiến lên chiến tranh cách mạng, sau khi đánh thắng chiến lược "chiến tranh đặc biệt" của Mỹ - ngụy, cách mạng và chiến tranh cách mạng miền Nam trong những năm 1965-1968 lại đứng trước thử thách lớn chưa từng có: đế quốc Mỹ ồ ạt đưa mấy chục vạn quân vào miền Nam, thực hiện chiến lược "chiến tranh cục bộ" ở miền Nam. tiến hành "chiến tranh phá hoại" ở miền Bắc, đẩy chiến tranh phát triển đến mức cao nhất.
       
        Chúng ta không bao giờ thừa nhận những lời tuyên bố huênh hoang của đế quốc Mỹ về cái gọi là "sức mạnh vạn năng của quân Mỹ", "sức mạnh không thể tưởng tượng nổi của không lực Hoa Kỳ", đe doạ sẽ "nghiền nát quân giải phóng miền Nam", sẽ "đẩy miền Bắc trở lại thời kỳ đồ đá". Song ta nhận rõ Mỹ là một nước giàu nhất trong phe đế quốc, có tiềm lực kinh tế lớn, có bộ máy quân sự mạnh, có đội quân viễn chinh đông, từng giày xéo lên non sông đất nước của nhiều dân tộc. Quân đội Mỹ cũng được nhiều nhà quân sự thế giới coi là một trong những quân đội mạnh vào bậc nhất. Thực tế lịch sử những thập kỷ gần đây, đã có lần Mỹ chỉ tung ra 20 vạn quân là đã có thể làm đảo lộn chiến lược của đối phương: đang tiến chiến lược phải chuyển sang rút lui chiến lược.
       
        Cuối năm 1965, đế quốc Mỹ ồ ạt đưa vào miền Nam nước ta hơn 20 vạn quân. Trong tình hình đó, đánh giá đúng so sánh lực lượng địch, ta rõ ràng là rất phức tạp, nhất là trong bối cảnh quốc tế lúc này tư tưởng phục Mỹ, sợ Mỹ vẫn đang là một khuynh hướng có trọng lượng không nhỏ.
       
        Song ngay từ đầu, Đảng ta đã khẳng định: Mỹ giàu nhưng không mạnh. Ngày nay mọi người đều thấy nhận định đó là rất đúng đắn và sáng suốt, nhưng hồi đó không phải ai cũng đồng tình. Đảng ta cho rằng quân Mỹ tuy là một đội quân mạnh, nhưng vào miền Nam không phải trong thế mạnh mà trong thế yếu, thế bị động, thế thua, vào để cứu quân ngụy khỏi sụp đổ. Quân viễn chinh Mỹ vào miền Nam còn là "hạ sách" của chủ nghĩa thực dân mới - một thứ chủ nghĩa thực dân giấu mặt, trá hình để lừa bịp nhân dân - do đó càng làm gay gắt thêm những mâu thuẫn vốn rất sâu sắc giữa nhân dân ta với đế quốc Mỹ, với nhân dân thế giới và với chính nhân dân Mỹ. Chỗ yếu cơ bản của địch từ trước đến nay vẫn là về chính trị, thì lúc này khi quân Mỹ vào miền Nam, chỗ yếu đó lại càng bộc lộ sâu sắc hơn.
       
        Mấy chục vạn quân Mỹ vào làm cho số quân và đầu súng của địch tăng lên rõ rệt, nhất là các phương tiện chiến tranh tăng lên rất nhiều cả về khối lượng và trình độ hiện đại. Nhưng khi Mỹ vào, ta không chỉ mạnh về chính trị mà đã mạnh lên nhiều cả về quân sự. Lúc này cách mạng miền Nam không còn trong thời kỳ "trứng nước" mà đã ở vào thời kỳ cao trào, chiến tranh cách mạng miền Nam không mới khởi đầu mà đã diễn ra rất mạnh mẽ và rộng khắp từ Quảng Trị đến Cà Mau, từ rừng núi đến nông thôn, đồng bằng và cả trong đô thị.
       
        Về lực lượng, ta có lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang cả hai lực lượng chiến lược ấy đều đã mạnh. Lực lượng chính trị đã tập hợp được hàng triệu quần chúng có tổ chức chặt chẽ, ngày đêm trực diện đấu tranh với quân thù, có phương pháp đánh địch dũng cảm và thông minh, phong phú và linh hoạt. Lực lượng vũ trang nhân dân gồm ba thứ quân đều đã lớn mạnh, đứng vững trên hầu hết các địa bàn chiến lược ở chiến trường miền Nam, trong đó đã hình thành những "quả đấm" chủ lực mạnh, có khả năng đánh những trận tiêu diệt tương đối lớn.
       
        Lúc này, ta đã xây dựng được thế trận vững mạnh và hiểm hóc: thế trận trên cả ba vùng chiến lược, liên hoàn với nhau trên toàn chiến trường miền Nam, nối liền với hậu phương lớn miền Bắc trong thế trận chung cả nước; thế trận xen kẽ, đan cài giữa ta và địch, cắm sâu tận trong lòng địch, áp sát mọi sào huyệt của chúng, thế trận căng địch ra mà đánh, kiềm địch lại mà diệt, không cho chúng đánh theo cách sở trường của chúng mà buộc phải đánh theo ý định của ta.
       
        Cách đánh của ta lúc này đã phát triển tương đối hoàn chỉnh: cách đánh của chiến lược tổng hợp, huy động tất cả các lực lượng cách mạng và chiến tranh cách mạng lên tận tuyến đấu tranh, sử dụng mọi hình thức và phương pháp đấu tranh phong phú, linh hoạt... mà ta thường khái quát ngắn ngọn là hai chân, ba mũi, ba vùng, ba thứ quân, hai phương thức, ba quy mô(1)... trên cơ sở tư tưởng chiến lược tiến công.
       
        Không có sự phân tích toàn diện và sâu sắc thì không thể đánh giá đúng so sánh lực lượng địch, ta trên chiến trường khi Mỹ đã đưa vào mấy chục vạn quân mà ta chưa phải đã tăng ngay được nhiều quân trên chiến trường trong một thời gian ngắn. Trong bối cảnh chiến trường cực kỳ nóng bỏng, hàng triệu tấn bom đạn trút xuống dữ dội trên cả hai miền Nam Bắc mà nhiều người coi như những "cơn bão lửa". Nghị quyết Hội nghị lần thứ 12 của Ban Chấp hành trung ương Đảng (khoá III) năm 1965 về tình hình nhiệm vụ mới, đã khẳng định rất kiên quyết và sáng suốt: "Dù đế quốc Mỹ có đưa vào miền Nam mấy chục vạn quân đội viễn chinh, lực lượng so sánh giữa ta và địch vẫn ngày càng trở nên gay go ác liệt, nhưng nhân dân ta đã có cơ sở vững chắc để giữ vững và tiếp tục giành thế chủ động trên toàn chiến trường, có lực lượng và điều kiện để tiến hành phản công và tiến công, đánh bại âm mưu trước mắt và lâu dài của địch ..."Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định đanh thép quyết tâm đánh Mỹ: "chúng có thể đưa 50 vạn quân, 1 triệu quân hoặc nhiều hơn nữa để đẩy mạnh chiến tranh xâm lược ở miền Nam Việt Nam. Chúng có thể dùng hàng nghìn máy bay tăng tường đánh phá miền Bắc. Nhưng chúng quyết không thể lay chuyển được chí khí sắt đá, quyết tâm chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam anh hùng"(1)
       
        Cuối năm 1967, khi đế quốc Mỹ đưa vào miền Nam nước ta hơn 50 vạn quân, nâng tổng số quân địch ở miền Nam, cả Mỹ, Ngụy và chư hầu lên tới 120 vạn tên, "chiến tranh cục bộ" của đế quốc Mỹ đã phát triển đến mức cao nhất, Đảng ta sớm đã phát hiện một yếu tố mới trong so sánh lực lượng địch, ta trên chiến trường: tuy quân địch rất đông, nhưng chúng lại có nhiều sơ hở, mà sơ hở nhất là ở thành thị, khác với những năm 1957-1959, nơi yếu nhất của địch lúc đó là ở nông thôn.
       
        Ngay từ năm 1965, khi Mỹ bắt đầu đưa quân vào miền Nam nước ta, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã nhắc nhở: "Biết thắng địch một cách bất ngờ là một trong những nhân tố quan trọng để giành thắng lợi, một phương châm tác chiến mà tất cả những người cầm quân đều phải nhuần nhuyễn. Thắng địch một cách bất ngờ không có nghĩa là thắng một cách tình cờ hoặc cầu may, mà phải có ý thức, có chuẩn bị trước, có kế hoạch khắc phục mọi khó khăn, trở ngại và phải có tinh thần triệt để cách mạng, tinh thần quyết chiến quyết thắng cao... kịp thời phát hiện các sơ hở của địch... phải giữ tuyệt đối bí mật về phương hướng và ý định chiến lược của ta... Lại còn phải biết nắm thời cơ, tranh thủ thời cơ..."
       
        Nhận định sáng suốt và những chỉ thị kịp thời nói trên là cơ sở hết sức quan trọng cho chủ trương sắc sảo, táo bạo của Đảng ta tiến hành cuộc tiến công và nổi dậy đồng loạt ở hầu hết các thành thị miền Nam hồi Tết Mậu Thân năm 1968. Đòn sấm sét bất ngờ đó giáng trúng phần lớn những trung tâm đầu não chiến tranh của Mỹ - ngụy, làm cho kẻ thù ở chiến trường miền Nam cũng như ở nước Mỹ kinh hoàng, rối loạn, còn anh em, bầu bạn ta thì ngạc nhiên, sung sướng.
       
        Thắng lợi to lớn của cuộc tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân là một đòn quyết định làm phá sản chiến lược "chiến tranh cục bộ" của địch.
        Quân thù đã lâm vào một cuộc khủng hoảng chiến lược trầm trọng nhất từ trước đến lúc bấy giờ. Chúng không thể tiếp tục leo thang mà phải bắt đầu xuống thang chiến tranh từng bước và ngồi vào bàn đàm phán. Chúng phải bị động thay đổi chiến lược, "phi Mỹ hoá chiến tranh" rồi "Việt Nam hoá chiến tranh"- một sản phẩm bất đắc dĩ mà nhiều nhà nghiên cứu quân sự trên thế giới hồi đó gọi là một chiến lược "nửa dơi, nửa chuột", vừa có tính chất "chiến tranh đặc biệt" có cải tiến và nâng cao. Đó là một chiến lược mà ngay từ khi mới xuất hiện đã bộc lộ những yếu tố thất bại không thể tránh khỏi.
       
        Như vậy thực tế lịch sử lại một lần nữa chứng tỏ, một nhận định đúng, một chủ trương đúng của Đảng trong chỉ đạo chiến lược cùng với những hành động anh dũng, sáng tạo của quần chúng trên chiến trường đã có thể tạo nên một trong những bước ngoặt căn bản của cách mạng và chiến tranh cách mạng miền Nam vào những năm cuối thập kỷ 60.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #7 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2016, 10:39:05 pm »

       
        3. Trong 20 năm chống Mỹ, cứu nước cũng như trong suốt 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, chưa có thời kỳ nào mà vấn đề đánh giá so sánh lực lượng địch, ta và nắm bắt thời cơ, hạ quyết tâm chiến lược của Đảng lại có những phát triển sáng tạo, sắc bén, kịp thời như những năm 1973-1975, nhất là từ cuối năm 1973 và đặc biệt là trong mùa xuân 1975 lịch sử.
       
        Mọi người còn nhớ, trong những tháng nửa đầu năm 1973, trên chiến trường miền Nam lại xuất hiện tình hình khá phức tạp. Đánh giá so sánh lực lượng địch, ta trên chiến trường lúc này cũng không đơn giản. Sau 18 năm đánh Mỹ, ta đã giành được thắng lợi to lớn, được đánh dấu bằng việc ký kết Hiệp định Pa-ri, trong đó có một vấn đề rất lớn có quan hệ đến chỉ đạo chiến lược: quân Mỹ và quân chư hầu phải rút khỏi miền Nam, còn lực lượng vũ trang và lực lượng chính trị của ta ở miền Nam vẫn tiếp tục duy trì và phát triển. Do đó, so sánh lực lượng trên chiến trường có thay đổi lớn theo hướng có lợi cho ta. Tuy nhiên Mỹ-ngụy "một tay ký, một tay phá" hiệp định, điên cuồng đánh phá phong trào cách mạng, làm cho một số nơi lại gặp khó khăn, tổn thất, có nơi có lúc khó khăn nghiêm trọng. Việc đánh giá so sánh lực lượng địch, ta lúc này cũng không kém phần phức tạp. Song Đảng ta đã sớm khẳng định: địch còn đánh phá được phong trào cách mạng một số địa phương ở miền Nam không phải do địch mạnh mà do ta còn có sai sót trong chỉ đạo cách mạng miền Nam. Cách mạng Việt Nam đã mạnh hơn bất cứ thời kỳ nào kể từ năm 1954 đến nay.
       
        Đánh giá đúng tình hình so sánh lực lượng địch, ta và xu thế phát triển tất yếu của nó, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 21 của Ban Chấp hành trung ương Đảng (khoá III) năm 1973 đã kịp thời khẳng định: con đường cách mạng miền Nam vẫn là con đường bạo lực để hoàn thành cách mạnh dân tộc dân chủ, tư tưởng chiến lược vẫn là tư tưởng tiến công; phương hướng hành động của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta là phải ra sức nhanh chóng tạo thế mới, lực mới, quyết tâm giành thắng lợi cuối cùng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Như vậy, nếu Nghị quyết 12 vạch ra phương hướng cơ bản để thực hiện nhiệm vụ lịch sử "đánh cho Mỹ cút", thì Nghị quyết 21 đã chỉ rõ con đường đi tới hoàn thành một nhiệm vụ lịch sử nữa là "đánh cho Ngụy nhào", như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm chỉ ra từ mùa xuân năm 1968.
       
        Qua những diễn biến lớn trên chiến trường năm 1973 và nhất là năm 1974, Bộ Chính trị Trung ương Đảng lại kịp thời có những nhận định mới về so sánh lực lượng địch, ta, và thời cơ lịch sử để hạ quyết tâm chiến lược chính xác. Ví dụ, sau chiến thắng Thượng Đức và tiếp đến việc đánh bại những cuộc hành quân phản kích của quân ngụy vào giữa năm 1974  (ở tây - nam Đà Nẵng) ta đã đi đến kết luận quan trọng: chủ lực ta đã hơn hẳn chủ lực ngụy, và đây chính là một dấu hiệu bước vào thời kỳ cuối của chiến tranh. Đến đầu năm 1975, sau chiến thắng Phước Long (ở Đông Nam Bộ), ta lại kịp thời khẳng định: địch đã có một bước suy yếu mới; quân ngụy  không còn khả năng phản kích lớn để giành lại một tỉnh quan trọng mà ta vừa giải phóng; Mỹ cũng chỉ có những phản ứng mang tính chất tượng trưng.
       
        Trong đánh giá so sánh lực lượng địch, ta vào cuối năm 1974, vấn đề nổi lên cần chú ý không phải là so sánh mạnh yếu giữa ta và ngụy nữa - vì ta mạnh lên, ngụy yếu đi là điều rõ ràng - mà là vấn đề xem xét khả năng Mỹ can thiệp trở lại như thế nào, do đó sẽ có ảnh hưởng tới so sánh lực lượng đến mức nào. Sau khi xem xét và phân tích sâu sắc tất cả khía cạnh của vấn đề này, Bộ Chính trị đã đi đến một nhận định rất đúng đắn, sáng suốt, thật sự khoa học: Mỹ đã rút khỏi miền Nam thì đến lúc này khó có khả năng trở lại miền Nam, và cho dù Mỹ có can thiệp đến thế nào đi chăng nữa thì cũng không thể cứu vãn được nguy cơ sụp đổ của ngụy quyền Sài Gòn.
       
        Đầu năm 1975, do đánh giá đúng lực lượng và khả năng của địch, nhận định đúng tình thế mới và thời cơ lớn của cách mạng và chiến tranh cách mạng miền Nam, nắm bắt đúng những động thái mới trên chiến trường, phản đoán đúng chiều hướng phát triển của địch, của ta... Bộ Chính trị đã chính thức hạ quyết tâm chiến lược rất chính xác, kịp thời và linh hoạt: dự kiến trong hai năm 1975 - 1976, nỗ lực vượt bậc để kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã kéo dài 20 năm; đồng thời còn dự kiến nếu tạo ra được thời cơ tốt xuất hiện sớm hơn, sẽ hoàn thành nhiệm vụ giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975.
       
        Khi bắt đầu thực hiện quyết tâm chiến lược ấy, đặc biệt là sau chiến thắng Buôn Ma Thuột - chiến thắng mở đầu cho cuộc tổng tiến công chiến lược - từ trung tuần tháng 3 trở đi, Bộ Chính trị và Quân uỷ trung ương đã xem xét, kết luận từng tuần, có khi từng ngày việc đánh giá so sánh lực lượng địch, ta trên chiến trường và vạch ra những chủ trương chiến lược, xử lý kịp thời các tình huống chiến lược, có khi cả tình huống chiến dịch có quan hệ đến chiến lược.
       
        Trong tháng 3 lịch sử này, Bộ Chính trị đã bốn lần họp hội nghị kịp thời bổ sung quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam từ hai năm rút xuống một năm, rồi trong mùa mưa và cuối cùng ngay trước mùa mưa năm 1975. Rõ ràng từ chỗ tạo thời cơ, nắm thời cơ, mau lẹ thúc đẩy thời cơ, ta đã không ngừng đẩy nhanh tốc độ tiến công với những bước tiến "thần tốc" làm cho bọn cầm đầu Mỹ-ngụy không kịp trở tay đối phó, khiến chúng phạm hết sai lầm này đến sai lầm khác. Trong những ngày tổng tiến công và nổi dậy cực kỳ sôi động ấy, Bộ Chính trị đã đánh giá rất đúng so sánh lực lượng địch, ta trong từng thời điểm, phát hiện chính xác thời cơ chiến lược "nghìn năm có một", kịp thời bổ sung và hoàn chỉnh kế hoạch tổng tiến công chiến lược, tổ chức thực hiện thắng lợi những trận quyết chiến chiến lược cuối cùng với thời gian nhanh nhất, tổn thất thấp nhất, đạt hiệu quả cao nhất: chưa đầy hai tháng đã hoàn thành kế hoạch hai năm, kết thúc trọn vẹn cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #8 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2016, 10:44:25 pm »

*
*     *
        Nhắc lại sự đánh giá so sánh lực lượng địch, ta nắm bắt thời cơ và hạ quyết tâm chiến lược của Đảng qua mấy thời kỳ tương đối điển hình như trên, tôi muốn nêu lên mấy suy nghĩ bước đầu về lập trường và phương pháp của Đảng ta trong khi xem xét và giải quyết vấn đề này, một trong những vấn đề rất quan trọng trong chỉ đạo chiến lược cách mạng và chiến tranh cách mạng. Đây không chỉ là nghiên cứu xem xét những vấn đề đã qua, mà còn có ý nghĩa không nhỏ trong việc xem xét và giải quyết vấn đề này trong công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc xã hội chủ nghĩa hiện này và sắp tới.
       
        1. Trong đánh giá so sánh lực lượng địch, ta, nhất là trong hạ quyết tâm chiến lược qua các thời kỳ, lập trường của Đảng ta rất kiên quyết, triệt để.  Vấn đề này có lẽ tất cả mọi người, ở nước ta và trên thế giới đến nay đều thấy rõ.

        Chỉ điểm qua những lời khẳng định đanh thép của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ tối cao của Đảng, của dân tộc, thể hiện tập trung quyết tâm, ý trí của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cũng thấy lập trường của Đảng ta rõ ràng và rứt khoát. Ngay từ trước Cách mạng tháng Tám, Bác đã chỉ thị: "dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho kỳ được độc lập, tự do". Khi thực dân Pháp hùng hổ quay trở lại xâm lược nước ta, Người tuyên bố "Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhát định không chịu làm nô lệ". Khi đế quốc Mỹ ồ ạt đưa mấy chục vạn quân vào miền Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định "Dù chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Song nhân dân Việt Nam quyết tâm không sợ. Không có gì quý hơn độc lập tự do"(1). Khi đế quốc Mỹ thất bại buộc phải chấm dứt ném bom bắn phá miền Bắc và nói đến "thương lượng hoà bình", nhưng vẫn ngoan cố, chưa chịu từ bỏ dã tâm xâm lược của chúng. Người đã kịp thời chỉ rõ: "Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu, quét sạch nó đi"(2)... Trong lời Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Người khẳng định: "Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao, chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn"(3).
       
        Điểm qua các Nghị quyết của Đảng, những di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta thấy nhất quán một quyết tâm gang thép như vậy, từ Nghị quyết 15 (1959) đến Nghị quyết 21 (1973) đều khẳng định con đường của cách mạng miền Nam là con đường bạo lực của cách mạng, là đường lối chiến lược của cách mạng miền Nam là đường lối chiến lược chiến công, phương pháp cách mạng và chiến tranh cách mạng miền Nam là thực hành chiến lược tổng hợp. Tất cả đều nhằm: Làm thay đổi so sánh lực lượng giữa địch và ta theo hướng có lợi cho ta, giành thắng lợi từng bước, tiến lên giành thắng lợi cuối cùng: giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Như ta đã thấy, đến 10 giờ sáng ngày 29 tháng 4 năm 1975, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương vẫn chỉ thị rất kiên quyết, triệt để, rõ ràng và dứt khoát cho toàn chiến trường: "...tiếp tục tiến công vào Sài Gòn theo kế hoạch; tiến quân với khí thế hùng mạnh nhất, giải phóng và chiếm lĩnh toàn bộ thành phố, tước vũ khí quân đội địch, giải tán chính quyền các cấp của địch, đập tan triệt để mọi sự chống cự của chúng"(4).
       
        Trước mọi kẻ thù cũng như trước mọi xu hướng hữu khuynh, tiêu cực, Đảng ta đã dứt khoát không khoan nhượng, nhưng cũng rất khôn khéo. Đối với kẻ thù thì kiên quyết trong chiến lược, mềm dẻo trong sách lược. Ta nhất quán thực hành chiến lược tiến công, nhưng biết cách tiến công đánh thắng từng bước đến đánh thắng hoàn toàn quân địch. Ta nhất quán thực hiện quyết tâm chiến lược đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, nhưng đã thành lập Mặt trận dân tộc giải phóng, Chính phủ cách mạng lâm thời ở miền Nam, thậm chí còn tuyên bố sẵn sàng thành lập "chính phủ liên hiệp ba thành phần", thực hiện "hoà bình, trung lập". Đối với những khuynh hướng tiêu cực, ta vừa đấu tranh rất kiên quyết và bền bỉ, có lý, có tình - thường là trong nội bộ - vừa tìm mọi cách tranh thủ tất cả những lực lượng có thể tranh thủ được nhằm tập hợp lực lượng lớn nhất, hình thành mặt trận của nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam, chống đế quốc Mỹ xâm lược với quy mô sâu rộng nhất.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #9 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2016, 10:46:18 pm »

        
        2. Trong việc nắm bắt thời cơ, hạ quyết tâm chiến lược, nhất là trong việc đánh giá so sánh lực lượng địch, ta, Đảng ta vận dụng thành thục phương pháp luận Mác - Lê Nin, vận dụng nhuần nhuyễn phép biện chứng duy vật. Sự phân tích, đánh giá so sánh lực lượng địch, ta của Đảng được thể hiện trong các Nghị quyết của Trung ương Đảng, của Bộ Chính trị, các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của đồng chí Tổng bí thư Lê Duẩn, có thể xem như mẫu mực về đánh giá địch, đánh giá ta, về so sánh lực lượng địch, ta.
        
        Mọi người còn nhớ, ngay từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, khi so sánh lực lượng - chủ yếu là về quân sự - giữa ta và địch còn chênh lệch quá lớn, mà nhiều người hồi đó ví như "châu chấu đá voi"; nhưng Bác Hồ đã sớm chỉ rõ bản chất của mối tương quan đó và xu thế phát triển tất yếu của nó: "Lực lượng của chúng cũng như mặt trời lúc hoàng hôn, hống hách lắm nhưng đã gần tắt nghỉ"1, còn lực lượng của ta thì "ngày càng thêm mạnh, như suối mối chảy, như lửa mới nhen, chỉ có tiến, không có thoái"2. Người còn nói "Lực lượng của địch trước to sau nhỏ, trước mạnh sau yếu... Lực lượng của ta trước nhỏ sau to, trước yếu sau mạnh. Thanh thế của ta cũng như những nguồn nước nhỏ nhóm dần thành một đại dương"3.
        
        Khi đế quốc Mỹ ồ ạt tung mấy chục vạn quân viễn chinh vào miền Nam nước ta tưởng có thể đè bẹp được phong trào cách mạng miền Nam, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kịp thời khẳng định: Mỹ giàu nhưng không mạnh. Đây không phải là một nhận định chủ quan, duy ý trí, mà là sự phân tích rất biện chứng, đúng đắn, sáng suốt, một kết luận rất cách mạng và khoa học trên cơ sở nắm vững quy luật vận động, phát triển và xu thế tất yếu của sự vật.
        
        Đảng ta không những phân tích rất toàn diện mà còn phân tích rất cụ thể sức mạnh của đế quốc Mỹ. Đúng là trong lịch sử, chưa có một tên đế quốc nào có tiềm lực kinh tế và bộ máy quân sự đồ sộ, hiện đại như đế quốc Mỹ, nhưng sức mạnh quân sự - kinh tế ấy của chúng tại đặt trên nền móng của một chế độ chính trị - xã hội thối nát, dưới sự điều khiển của một tập đoàn thống trị cực kỳ phản động. Chính sách thực dân mới của Mỹ đi ngược lại trào lưu tiến hoá của lịch sử và đã bị cả loài người tiến bộ kiên quyết lên án và chống lại. Chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ còn là sản phẩm của thế thua, thế yếu của chủ nghĩa đế quốc sau khi chủ nghĩa thực dân cũ đã hoàn toàn phá sản. Do vậy, đế quốc Mỹ không phải mạnh tuyệt đối như chúng huênh hoang, như nhiều người ngộ nhận.
        Mỹ càng không mạnh khi mang quân xâm lược miền Nam nước ta. Trên chiến trường miền Nam Việt Nam, chế độ thực dân mới mà Mỹ ra sức áp đặt là sản phẩm của thế bị động sau thực dân Pháp đã thất bại, phải rút khỏi miền Bắc nước ta, khi cách mạng miền Nam và cách mạng cả ba nước Đông Dương đã mạnh hơn bất cứ thời kỳ nào trước đó. Tiến hành chiến tranh xâm lược thực dân mới rất tàn bạo đối với một dân tộc được cả loài người yêu mến và quý trọng, lại ở rất xa nước Mỹ, một cuộc chiến tranh không đem lại lợi ích gì cho nhân dân Mỹ, bọn trùm hiếu chiến Mỹ không phải dễ gì huy động được mọi lực lượng, mọi sức mạnh quân sự- kinh tế của nước Mỹ như chúng mong muốn.
        
        Khác với chủ nghĩa thực dân cũ, phương thức xâm lược của chủ nghĩa thực dân mới là phải giấu mặt, trá hình, muốn thống trị, nô dịch các dân tộc, nhất định Mỹ phải thông qua bọn tay sai bản xứ, nhưng ở nước ta bọn ngụy quyền tai sai rất suy yếu và hoàn toàn bị cô lập. Hơn nữa, trực tiếp xâm lược nước ta, Mỹ vấp phải một đối phương già dặn, dũng cảm và thông minh, một dân tộc có nền văn hiến  lâu đời, có chủ nghĩa Mác - Lê nin vô địch, lại có nghệ thuật quân sự ưu việt của chiến tranh cách mạng Việt Nam, vừa có tính nhân dân cao, vừa có tính hiện đại ngày càng phát triển.
        
        Với phương pháp phân tích cụ thể, ta thấy sức mạnh của nước Mỹ trong chiến tranh xâm lược Việt Nam khác với thời kỳ Mỹ tham gia chiến tranh thế giới thứ hai với tư cách đồng minh chống phát xít. Trong chiến tranh xâm lược thực dân kiểu cũ, với một đối phương chưa có chiến tranh nhân dân phát triển cao, thì quân đội viễn chinh có thể phát huy được sức mạnh và đánh theo cách đánh sở trường của chúng. Nhưng ở Việt Nam thì khác hẳn, Mỹ phải đương đầu với một đối thủ dày dạn kinh nghiệm về tiến hành chiến tranh nhân dân, và buộc phải đánh theo ý định của đối phương.
        
        Với phương pháp xem xét rất cách mạng và khoa học, Đảng ta đã giải quyết đúng đắn hàng loạt mối quan hệ phức tạp, hình thành chiến lược tổng hợp của chiến tranh cách mạng Việt Nam: kết hợp chặt chẽ giữa quân sự với chính trị, binh vận, ngoại giao (khi có điều kiện) và cả pháp lý (khi có hiệp định Pa-ri); giữa tiến công và nổi dậy; giữa khởi nghĩa và chiến tranh cách mạng; giữa chiến tranh du kích và chiến tranh chính quy; kết hợp sức mạnh của ba vùng chiến lược, của tiền tuyến lớn và hậu phương lớn, của ba nước Đông Dương, kết hợp sức mạnh của dân tộc và sức mạnh thời đại, trong nước và quốc tế; kết hợp chặt chẽ giữa thế, lực và thời cơ, giữa đánh và đàm, giữa đánh địch trên chiến trường với tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của các lực lượng cách mạng và tiến bộ trên thế giới, ở ngay trong lòng nước Mỹ. Tất cả nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp lớn nhất, làm thay đổi so sánh lực lượng có lợi nhất cho ta.
                
        Nắm vững phương pháp duy vật biện chứng, duy vật lịch sử và học thuyết của chủ nghĩa Mác-Lê nin về chiến tranh và quân đội, Đảng ta có đường lối tiến hành chiến tranh và quan điểm so sánh lực lượng địch, ta trong chiến tranh khác hẳn cách tiến hành chiến tranh và cách đánh giá so sánh lực lượng trong các cuộc chiến tranh "cổ điển", và cũng hoàn toàn trái ngược với quan điểm quân sự đơn thuần. Các văn kiện của Đảng cũng như thực tiễn chiến trường đều thể hiện rõ: cuộc đọ sức giữa hai quân đội và không phải chỉ đánh địch bằng quân sự. Trong điều kiện phải đương đầu với những kẻ thù xâm lược có đội quân nhà nghề đông hàng triệu tên, được trang bị vũ khí rất hiện đại, nếu chỉ lấy số quân, số súng mà so sánh và nếu chỉ đánh địch bằng quân sự thì làm sao ta có thể mạnh hơn địch và đánh thắng chúng. Ta mạnh vì ta không phải chỉ có quân đội chiến đấu và có cả toàn dân đánh giặc; không chỉ đánh bằng vũ trang mà tiến công địch bằng cả quân sự và chính trị (cả binh vận, ngoại giao và pháp lý nữa); không chỉ đánh địch bằng chiến lược quân sự mà thực hành chiến lược tổng hợp của cách mạng và chiến tranh cách mạng; không chỉ tăng dần sức mạnh trên toàn triến trường mà còn biết tạo sức mạnh áp đảo quân thù trên những hướng chiến lược quan trọng nhất, ở những thời điểm quyết định nhất để đánh thắng quân địch. Rõ ràng, ta thắng địch vì ta mạnh hơn địch trên chiến trường Việt Nam. Quy luật của chiến tranh là "mạnh được, yếu thua", tiến trình và kết cục của chiến tranh suy cho cùng, bao giờ cũng tuỳ thuộc vào lực lượng so sánh của hai bên đối chiến.
        
        Trong các Nghị quyết của  Ban Chấp hành Trung ương, các Nghị quyết và Chỉ thị của Bộ Chính trị, cũng như trong nhiều bức thư vào Nam của đồng chí Tổng bí thư Lê Duẩn đều thể hiện rõ sự nghiên cứu toàn diện, sâu sắc những kinh nghiệm quý báu, phong phú của cách mạng nước ta và cách mạng thế giới, kế thừa và vận dụng sáng tạo điều kiện cụ thể của cách mạng và chiến tranh cách mạng ở miền Nam nước ta. Trong đó đó nổi bật là sự kế thừa và phát triển những kinh nghiệm của cách mạng tháng Tám và chiến cuộc Đông-Xuân 1953-1954 trong kháng chiến chống Pháp, của cao trào đồng khởi và những trận chiến đấu điển hình có tính chất bước ngoặt như Ấp Bắc, Bình Giã, Vạn Tường, Tết Mậu Thân... trong kháng chiến chống Mỹ, những kinh nghiệm của Cách mạng tháng Mười và những chiến dịch điển hình của Liên Xô trong chiến tranh giữ nước vĩ đại (1941-1945), những kinh nghiệm của cách mạng Lào trong quá trình đi tới thành lập chính phủ trung lập ba phái... Tất cả những kinh nghiệm đó đều được phân tích cặn kẽ để từ đó suy nghĩ về đường lối và phương pháp cách mạng miền Nam, về chỉ đạo chiến lược, về đánh giá so sánh lực lượng, địch, ta, về nắm bắt thời cơ và hạ quyết tâm chiến lược trong từng giai đoạn, từng thời kỳ, từng thời điểm của cách mạng và chiến tranh cách mạng miền Nam... Đây là một vấn đề rất quan trọng, một thành công điển hình về phương pháp luận trong lãnh đạo, chỉ đạo chiến tranh cách mạng của Đảng ta.

*
*     *

        Vận dụng những kinh nghiệm về chỉ đạo chiến lược cách mạng và chiến lược chiến tranh cách mạng trước đây, Đảng ta đã khẳng định rất đúng đắn và kịp thời: cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta ngày nay phải thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Cả hai nhiệm vụ ấy đều rất cơ bản và cấp bách; phải ra sức xây dựng nền kinh tế quốc dân làm cho đất nước giàu mạnh, đồng thời phải khẩn trương chuẩn bị đất nước chống xâm lược, kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, không ngừng xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng và hoàn thiện thế trận của chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc; xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang nhân dân ngày càng vững mạnh; xây dựng và hoàn chỉnh khoa học kỹ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện hiện đại.
        
        Chúng ta cần hết sức coi trọng những kinh nghiệm phương pháp trước đây mà ta đã tích luỹ được. Đó là một "tài sản", một tiềm lực, một nguồn sức mạnh vô cùng quý báu mà ta phải giữ gìn và phát triển. Cần tổng kết những kinh nghiệm ấy và nâng lên thành lý luận để vận dụng và phát huy trong điều kiện mới. Đồng thời phải tiếp tục học tập và vận dụng một cách sáng tạo những kinh nghiệm tiên tiến của các nước anh em.
        
        Chúng ta tin tưởng rằng, với kho tàng kinh nghiệm của những năm kháng chiến trước đây, với sức mạnh giữ nước và dựng nước vĩ đại của dân tộc ta trong kỷ nguyên mới ngày nay, dưới sự lãnh đạo đúng đắn và sáng tạo của Đảng, dân tộc ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, đại thắng mùa xuân 1975 thì nhất định sẽ hoàn thành thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược trong điều kiện mới, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
        
Logged

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM