Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 04:10:12 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trận quyết chiến lịch sử Xuân 1975  (Đọc 26673 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #20 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2016, 11:19:26 pm »

        
        4. Tư tưởng nhân nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh - một mũi tiến công sắc bén

        Tinh thần nhân nghĩa của ông cha ta, trong thời đại ngày nay được phát triển thành lòng nhân ái cách mạng, thành chân lý "năm ngón tay cũng có ngón ngắn, ngón dài. Nhưng ngắn dài đều hợp nhau lại nơi bàn tay"1, thành mưu lược "phá được địch mà không phải đánh"2 trong tư tưởng quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trên chặng đường cuối cùng của cuộc chống Mỹ, tư tưởng nhân nghĩa của dân tộc ta và của Bác Hồ lại chói sáng và trở thành một mũi tiến công quan trọng hơn bao giờ hết.

        Trong lịch sử, thật hiếm thấy những lãnh tụ quan tâm và trực tiếp vận động binh lính địch nhiều như Nguyễn Trãi và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ "Bài ca binh lính" đến lời kêu gọi ngày 20 tháng 7 năm 1965, tính có đến mấy mươi lần Bác kêu gọi binh lính Pháp, binh lính Mỹ, binh lính ngụy trở về với chính nghĩa và chỉ rõ chính sách khoan hồng của cách mạng đối với tù binh.

        Trong quyết tâm chiến lược của Bác "đánh cho ngụy nhào", chúng ta thấy rõ ở đây không đặt ra vấn đề tiêu diệt "sạch sành sanh", càng không phải là một sự trả thù, một cuộc "tắm máu" sau ngày thắng lợi như kẻ thù vu khống và hù doạ. "Đánh cho ngụy nhào" là thể hiện tinh thần nhân nghĩa, và cũng là truyền thống, một quy luật giành thắng lợi trong chiến tranh giải phóng và giữ nước của dân tộc Việt Nam trong lịch sử.

        Quán triệt tư tưởng đó, sau khi hiệp định Pa-ri được ký kết, chúng ta đã thả tù binh Mỹ sau một thời gian chúng được giáo dục và đối xử bằng chính sách nhân đạo. Đây là một việc làm gây xúc động và thức tỉnh lương tri của nhân dân Mỹ. Ở miền Nam, chính sách 10 điểm của Chính phủ cách mạng lâm thời và sự thực hiện chính sách đó đã được phát huy tác dụng tích cực, kết hợp cùng các mũi tiến công quân sự, chính trị góp phần đưa đến thời cơ lớn.

        Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân 1975, mặc dù chưa tạo được những cuộc binh biến lớn, nhưng dưới áp lực mạnh mẽ của đòn tiến công quân sự, binh vận đã kết hợp chặt chẽ với đấu tranh chính trị tạo ra thế tan rã nhanh chóng của ngụy quân, ngụy quyền. Việc chấp hành đúng đắn chính sách đối với tù binh, hàng binh có tác dụng thúc đẩy quân ngụy mau tan rã, làm cho ta đỡ tốn xương máu.
« Sửa lần cuối: 05 Tháng Tư, 2016, 10:56:54 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #21 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2016, 11:22:05 pm »

        
BÀI HỌC VỀ NGHỆ THUẬT CHỈ ĐẠO CHIẾN LƯỢC
TRONG TRẬN QUYẾT CHIẾN CHIẾN LƯỢC
KẾT THÚC CHIẾN TRANH

Trung tướng PHẠM HỒNG SƠN        
       
        Trận quyết chiến chiến lược này là một cuộc Tổng tiến công và nổi dậy ở giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh lâu dài diễn ra theo quy luật phát triển biện chứng từ tuần tự đến nhảy vọt về chiến lược. Việc tạo ra thời cơ chiến lược và chỉ đạo sự phát triển của cuộc quyết chiến chiến lược, kịp thời nắm thời cơ mới để giành thắng lợi quyết định, đòi hỏi một nghệ thuật chỉ đạo chiến lược năng động, sắc bén về những vấn đề chính sau đây:
        
        1. Quyết tâm chiến lược và quy hoạch chiến lược.
        2. Lực lượng, thế chiến lược và thời cơ chiến lược.
        1. Quyết tâm chiến lược trong trận quyết chiến chiến lược kết thúc chiến tranh
        
        Trong hai cuộc chiến tranh giải phóng chống Pháp và chống Mỹ, một đặc điểm nổi bật của trận quyết chiến chiến lược cuối cùng là diễn biến chiến cuộc hết sức nhanh: trong đông – xuân 1953-1954 chỉ vài tháng; trong mùa xuân năm 1975 cũng chỉ 55 ngày đêm.
        
        Quy luật vận động theo bước nhảy vọt của thời cơ chiến lược trong giai đoạn kết thúc chiến tranh đã thể hiện rất rõ trong các trận quyết chiến chiến lược.
        
        Quyết tâm ban đầu tháng 10 năm 1974 giải phóng miền Nam trong hai năm 1975-1976 đã được Hội nghị Bộ Chính trị tháng 1 năm 1975 bổ sung bằng việc dự kiến tình hình có thể phát triển nhanh, thời cơ chiến lược cụ thể có thể đến sớm, và chủ trương chuẩn bị thêm phương án nhanh chóng nắm thời cơ, hoàn thành nhiệm vụ giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975.

        Trong khi phân tích, Bộ Chính trị đã suy xét cụ thể tình hình đang diễn ra trên chiến trường trong hai năm 1973-1974, giai đoạn trực tiếp tạo tiền đề cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy.
        
        Về địch: Quân ngụy còn hơn một triệu tên, còn chiếm giữ ở các địa bàn chiến lược quan trọng. So sánh lực lượng về tổng quân số, địch còn lớn hơn ta: quân chủ lực của địch ít hơn ta (địch 1 ta 1,3), nhưng quân địa phương thì địch đông hơn (địch 4,9 ta 1). Song tình hình tổng quát trên chiến trường cho thấy tuy địch còn đông, còn chiếm giữ các thành phố, thị xã, còn khống chế các đồng bằng, nhưng chúng đã liên tiếp bị thất bại, mất đâu chịu đó, sau khi mất thị xã Phước Long, chúng không đủ sức phản kích lấy lại. Ngay sát Sài Gòn 40 ki-lô-mét, cuộc hành quân càn quét của nhiều sư đoàn địch cũng thất bại. Ở đồng bằng sông Cửu Long, chỉ trong ba tháng địch bị tiêu diệt đến 20.000 tên. Chủ lực ngụy không còn lực lượng dự bị cơ động chiến lược: hai sư đoàn thuỷ quân lục chiến và sư đoàn dù đều đã phải triển khai phòng thủ ở quân khu I.
        
        Về ta: Ta đã giành thắng lợi được trên các chiến trường, đang nắm quyền chủ động tiến công địch. Bộ đội chủ lực của ta được tăng cường trang bị, chất lượng chiến đấu được nâng lên, đã triển khai trên các địa bàn chiến lược trọng yếu, có khả năng đánh địch trên toàn chiến trường miền Nam, có thể thực hiện đánh chia cắt chiến lược hoặc cơ động tập trung đánh vào các trung tâm đô thị như Sài Gòn, Đà Nẵng. Các quân đoàn chủ lực đã được thành lập có sức cơ động cao hơn, có khả năng tiêu diệt sư đoàn địch, giải phóng thị xã. Vùng giải phóng của ta đã nối liền từ Bắc đến Nam, hệ thống đường giao thông chiến lược được củng cố, phát triển. Lực lượng vũ trang địa phương tuy còn ít nhưng chất lượng có tiến bộ.Khả năng phối hợp với chủ lực tiến công ở đồng bằng đông dân ngày càng cao.

        Phân tích sâu sắc tình hình so sánh lực lượng địch – ta cả về lực và thế chiến lược, Bộ Chính trị đã đi đến kết luận: “Trong khi thế và lực của ta lớn lên nhanh thì địch càng xuống dốc cả về quân sự, chính trị, kinh tế. Ta tiến công mạnh thì nhất định sẽ tạo ra những đột biến mới trong quá trình xuống dốc đó của địch”1.
        
        So sánh lực lượng địch - ta trên phạm vi cả nước cũng như trên chiến trường miền Nam đã có sự chuyển biến cơ bản và rõ rệt có lợi cho cách mạng: ta đã mạnh hơn địch. Chúng ta đang đứng trước thời cơ chiến lược lớn. Chưa bao giờ ta có đầy đủ điều kiện về quân sự và chính trị như lúc này để hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới thống nhất Tổ quốc.
        
        Rõ ràng kết luận này đã vạch ra thế chiến lược và thời cơ chiến lược lớn. Quân ngụy còn đông trên một triệu tên, tiềm lực của Mỹ vẫn còn rất mạnh. Nhưng thế của ngụy là thế thua, thế đi xuống, thế bị động và khó khăn; còn Mỹ thì vấp phải những khó khăn, mâu thuẫn gay gắt trong nội bộ, tâm trạng chán ghét chiến tranh của nhân dân Mỹ và vụ bê bối Oa-tơ-ghết khiến Ních-xơn phải từ chức và Phơ lên nắm chính quyền không qua bầu cử, nên khó có thể đưa quân trở lại về miền Nam và dù có can thiệp thì cũng không thể cứu vãn nổi sự sụp đổ của ngụy quyền Sài Gòn.
       
        Ý định chiến lược: - hạt nhân của quyết tâm chiến lược – đã được Bộ Chính trị xác định: đòn đột kích chủ yếu mở đầu nhằm vào Tây Nguyên, lấy Buôn Ma Thuột làm mục tiêu chủ yếu của chiến dịch, trong thế trận chiến lược của ba đòn tiến công chiến lược liên tiếp trên ba hướng Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng và Sài Gòn, mà tiến công vào Sài Gòn là quyết định cuối cùng. Đánh vào “thủ đô” của địch để giải quyết chiến tranh là một quyết tâm có tính chất “kinh điển” trong nghệ thuật chiến lược của nhiều nước trên thế giới, như đã diễn ra trong chiến tranh thế giới thứ hai với chiến dịch công phá Béc-lin hay trong nhiều cuộc chiến tranh khác trong lịch sử. Trong thư gửi Khu uỷ Sài Gòn – Gia Định ngày 1 tháng 7 năm 1967, đồng chí Lê Duẩn viết về vị trí của đô thị trong chiến tranh giải phóng chống Mỹ như sau: “Đứng về quân sự mà xét, không đánh vào căn cứ, vào hậu phương, vào đầu não của địch thì không thể giành được thắng lợi cuối cùng”1.
« Sửa lần cuối: 05 Tháng Tư, 2016, 09:36:18 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #22 vào lúc: 05 Tháng Tư, 2016, 09:48:32 am »

              
TÍNH THẦN TỐC CỦA CUỘC TỔNG TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY XUÂN 1975
       
Trung tướng  HOÀNG PHƯƠNG        
       
        Sau khi buộc phải ký Hiệp định Pa-ri về Việt Nam, Mỹ vẫn tiếp tục củng cố ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn để thực hiện chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam Việt Nam dưới dạng một nước riêng biệt, phụ thuộc vào Mỹ.
        
        Hàng loạt kế hoạch được kẻ địch vạch ra và ráo riết thực hiện: kế hoạch quân sự 1973 – 1975 nhằm dồn các lực lượng vũ trang giải phóng về sát biên giới, với sức chiến đấu giảm sút tới mức chỉ có thể hoạt động ở quy mô đại đội; kế hoạch “cộng đồng tự vệ và phát triển địa phương” 1973-1975 nhằm bình định lấn chiếm toàn bộ vùng giải phóng; kế hoạch quân sự 1974-1975 nhằm “hiện đại hoá và tinh nhuệ hoá” quân đội ngụy; kế hoạch kinh tế hậu chiến 1973-1980 nhằm triển khai toàn diện nền kinh tế thực dân mới lệ thuộc vào Mỹ, ổn định đời sống xã hội, đồng thời làm cho nền kinh tế miền Nam hơn hẳn kinh tế miền Bắc. Với những kế hoạch trên, Mỹ và ngụy hy vọng chiến tranh sẽ “tàn lụi” vào những năm từ 1978 đến 1980 và chúng sẽ kiểm soát hoàn toàn miền Nam Việt Nam.
        
        Để hỗ trợ cho việc thực hiện mưu đồ nói trên, Mỹ duy trì ở bên ngoài Việt Nam một lực lượng răn đe gồm 15 nghìn tên với hàng ngàn máy bay và nhiều tàu chiến. Đồng thời lợi dụng xu thế hoà hoãn trên thế giới, Mỹ thực hiện “chính sách cân bằng lực lượng ” giữa các nước lớn, câu kết với các thế lực phản động quốc tế để ngăn chặn sự phát triển của cách mạng Việt Nam và buộc ta phải đơn phương thi hành Hiệp định Pa-ri.
        
        Tuy âm mưu của Mỹ - ngụy rất thâm độc, hành động của chúng hết sức điên cuồng, nhưng xu thế tất thắng của cách mạng Việt Nam không hề bị đảo ngược, cục diện chiến trường miền Nam vẫn ngày càng phát triển có lợi cho ta. Quân Mỹ đã phải rút; quân ngụy bị ta tiến công và phản công giáng trả những đòn trừng phạt đích đáng, đã suy yếu nghiêm trọng. Viện trợ của Mỹ cho ngụy mỗi năm một giảm. Còn ta thì thế và lực ngày càng tăng. Ta đã tạo được thế liên hoàn từ miền Bắc đến chiến trường miền Nam, giữ vững và phát huy được quyền chủ động chiến lược. Lực lượng vũ trang được tăng cường, các quân đoàn chủ lực được xây dựng và đứng châm vững chắc trên các địa bàn chiến lược quan trọng (quân đoàn 2 ở Trị - Thiên, quân đoàn 4 ở Đông Nam Bộ, một lực lượng tương đương quân đoàn ở Tây Nguyên… và quân đoàn 1 ở miền Bắc). Sức chiến đấu của các lực lượng vũ trang ta, nhất là khối chủ lực, đã hơn hẳn quân chủ lực ngụy. Khí thế cách mạng của quần chúng ngày càng lên cao. Phong trào đấu tranh chống chính quyền Thiệu ở miền Nam Việt Nam và chống chính quyền Ních – xơn ở Mỹ đang phát triển mạnh.
        
        Trước tình hình đó, trong cuộc họp từ ngày 30 tháng 9 đến ngày 8 tháng 10 năm 1974, Bộ Chính trị đã nhận định: “Chiến tranh đã bước vào giai đoạn cuối, so sánh lực lượng đã thay đổi, ta mạnh lên, địch yếu đi”; “chúng ta đã thúc đẩy thời cơ chiến lược chín muồi cho giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến tranh, đã tạo nên những yếu tố quan trọng để tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn”; vì vậy “một cuộc đọ sức cuối cùng giữa ta và địch tất yếu phải xảy ra và sự sụp đổ hoàn toàn của ngụy quân, ngụy quyền là không tránh khỏi”.
        
        Đây là những nhận định cực kỳ quan trọng, dựa trên sự phân tích và đánh giá đúng đắn so sánh lực lượng giữa đôi bên. Xuất phát từ đó, Đảng ta đã kịp thời phát hiện thời cơ và hạ quyết tâm chiến lược: giải phóng miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước.
        
        Được sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, của Quân uỷ Trung ương và sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Tổng bí thư Lê Duẩn, từ giữa năm 1974, Bộ Tổng tham mưu đã tập trung sức xây dựng kế hoạch giành thắng lợi hoàn toàn ở miền Nam. Yêu cầu cơ bản đề ra là phải thắng nhanh làm cho địch không kịp xoay xở và các thế lực phản động quốc tế cũng không thể phá ngang. Đây là một yêu cầu chính xác, phù hợp với khả năng và nguyện vọng của quân và dân cả nước ta. Bộ Chính trị nhấn mạnh: nếu bỏ lỡ thời cơ này là có tội đối với dân tộc. Vì kéo dài thì tình hình sẽ phức tạp và như Lê-nin đã nói “để lỡ mất thời cơ hiện tại… thì sẽ là hoàn toàn ngu xuẩn, hoặc là phản bội hoàn toàn”1. Khác với các thời kỳ trước, lúc này là lúc ta có thể và cần thiết phải dốc toàn bộ sức mạnh ra đánh địch trên thế mạnh dứt điểm.
        
        Sau nhiều lần nghiên cứu, nhất là về đánh giá địch, và qua nhiều lần dự thảo, Bộ Tổng tham mưu đề nghị kế hoạch giành thắng lợi ở miền Nam trong hai năm 1975-1976.
        
        Địch còn hơn một triệu quân (kể cả quân chủ lực, quân địa phương và dân vệ vũ trang), có trang bị kỹ thuật hiện đại và phòng ngự trận địa với công sự vững chắc; chúng còn duy trì một hệ thống kìm kẹp chặt chẽ từ trung ương đến địa phương hòng làm tê liệt mọi hình thức đấu tranh của quần chúng. Về phía ta, trình độ tác chiến lớn, hợp đồng binh chủng tuy có tiến bộ nhưng chưa vững chắc: trận tiêu diệt chi khu quận lỵ Thượng Đức và đánh quân địch phản kích phải kéo dài 4 tháng; trận giải phóng tỉnh Phước Long mất 20 ngày. Khối lượng vật chất và kỹ thuật bảo đảm cho giai đoạn chiến lược này lên tới mấy chục vạn tấn và phải chuyển từ hậu phương tới. Đó là những căn cứ cụ thể cần chú ý để tính toán thời gian thực hiện quyết tâm chiến lược.
        
        Hơn nữa, khả năng can thiệp trở lại của đế quốc Mỹ còn là một vấn đề phải theo dõi và có biện pháp đối phó. Khả năng nổi dậy của quần chúng cách mạng chưa phải đã mạnh mẽ và đồng đều ở mọi nơi. Chính vì vậy, ước tính thời gian 2 năm cho trận quyết chiến chiến lược là một sự tính toán thận trọng, có căn cứ khoa học.
        
        Kế hoạch này dự tính trong năm 1975, ta tranh thủ bất ngờ thực hiện tiến công lớn và rộng khắp nhằm tiêu diệt và làm tan rã một bộ phận quan trọng quân ngụy, đánh bại về cơ bản kế hoạch bình định của địch, giải phóng và làm chủ đại bộ phận nông thôn, chủ yếu là vùng đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng Khu 5 và Trị - Thiên; mở thông các đường hành lang trên các hướng từ Tây Nguyên xuống miền Đông Nam Bộ và xuống ba tỉnh nam Khu 5… Cùng với đòn tiến công quân sự, phải đẩy mạnh phong trào quần chúng ở đô thị, phát triển lực lượng, củng cố vùng giải phóng, chuẩn bị chiến trường cho năm 1976. Trên cơ sở hoàn thành nhiệm vụ nói trên, sang năm 1976 sẽ dốc toàn bộ lực lượng để Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam.
        
        Kế hoạch hai năm 1975-1976 thể hiện tính cách mạng và khoa học rất cao. Nó tận dụng được thời cơ chiến lược đang chín muồi, phát huy được sức mạnh mới cả về thế và lực mà quân và dân ta đã tạo ra. Vì thế, so với các thời kỳ đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” và “chiến tranh cục bộ” thì thời gian lần này được rút ngắn hơn nhiều.

        Kế hoạch chiến lược cơ bản đã được Hội nghị Bộ Chính trị tháng 10 năm 1974 thông qua. Tại Hội nghị mở rộng (18-12-1974 – 8-1-1975) để xác định quyết tâm cuối cùng; sau khi cân nhắc kỹ càng tình hình mọi mặt, Bộ Chính trị đã hạ quyết tâm: giải phóng hoàn toàn miền Nam trong hai năm 1975-1976. Đồng thời để chủ động trước tình hình có thể phát triển mau lẹ và phức tạp, Bộ Chính trị còn dự kiến khả năng giành thắng lợi sớm hơn nếu ta hành động khôn khéo, đánh đòn phủ đầu mãnh liệt và liên tục tiến công kết hợp với nổi dậy đồng loạt của nhân dân ở khắp nơi theo tư tưởng của Lê-nin: “chấm dứt chiến tranh bằng cách phát triển cách mạng lên hơn nữa”1
        
        Trong khi ta khẩn trương chuẩn bị cho trận đánh quyết định để giành thắng lợi hoàn toàn thì Nguyễn Văn Thiệu và bộ máy chiến tranh ngụy, với tính chủ quan cố hữu của chúng, đã có những đánh giá và phán đoán sai lầm về ta, từ ý đồ chiến lược đến khả năng hành động, từ phương hướng, mục tiêu tiến công đến quy mô, thời gian và cách đánh… Do đó, địch vẫn giữ thế bố trí “mạnh ở hai đầu”2 lo đối phó với một cuộc tiến công mà chúng dự kiến sẽ lớn hơn năm 1974 nhưng không bằng năm 1968 hay năm 1972, và đặt trọng tâm đối phó ở hướng Tây Ninh. Vì vậy địch hoàn toàn bị bất ngờ khi ta nổ súng đánh vào Buôn Ma Thuột, Nam Tây Nguyên.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #23 vào lúc: 05 Tháng Tư, 2016, 09:51:29 am »

       
MẤY NÉT TIÊU BIỂU CỦA NGHỆ THUẬT CHIẾN DỊCH VIỆT NAM
TRONG CHIẾN DỊCH HỒ CHÍ MINH LỊCH SỬ
       
Đại tá  HOÀNG DŨNG       
       
        Tổng kết thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ Đại hội lần thứ VI của Đảng đã kết luận: "Là bước phát triển ở giai đoạn chín muồi trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, là kết quả hợp thành của tất cả những lực lượng, những yếu tố làm nên sức mạnh tất thắng của nhân dân ta trong cuộc chiến tranh yêu nước vĩ đại, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 đã diễn ra với tốc độ "một ngày bằng 20 năm". Chỉ trong 55 ngày đêm, với sức mạnh áp đảo cả về quân sự và chính trị, quân và dân  ta đã giành được toàn thắng bằng ba trận đánh then chốt"1. Đó là ba chiến dịch lớn của cuộc tổng tiến công chiến lược.

        Chiến dịch Tây Nguyên mở đầu bằng trận Buôn Ma Thuột, tiêu diệt một tập đoàn phòng ngự quan trọng của địch, là khởi điểm dẫn đến sự tan rã và suy sụp về chiến lược của chúng, mở ra thời cơ tổng tiến công chiến lược, cũng tạo ra thời cơ cho chiến dịch Huế - Đà Nẵng.

        Chiến dịch Huế - Đà Nẵng được tổ chức chuẩn bị trong quá trình phát triển cuộc Tổng tiến công chiến lược, từ hai chiến dịch của hai quân khu (Trị - Thiên và khu 5), nhằm mục đích diệt địch, giành dân, mở vùng... phát triển thành một chiến dịch quy mô lớn có ý nghĩa chiến lược, đã tiêu diệt quân đoàn 1 ngụy, quét sạch địch ở vùng ven biển miền Trung. Thắng lợi lớn và rất nhanh của chiến dịch này đã cùng với chiến dịch Tây Nguyên làm thay đổi hẳn so sánh lực lượng về mặt chiến lược, trực tiếp đánh bại âm mưu co cụm chiến lược của địch, tích cực góp phần tạo điều kiện cả về thế trận và lực lượng cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử chắc thắng.

        Chiến dịch Hồ Chí Minh là đỉnh cao của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân 1975. Đây là cuộc hội quân lớn nhất của các cánh quân, tập trung sức mạnh của cả nước đánh trận quyết chiến chiến lược cuối cùng vào sào huyệt địch, giải phóng Sài Gòn - Gia Định, tạo những điều kiện quyết định để quân và dân các tỉnh còn lại của Nam Bộ đồng loạt tiến công và nổi dậy giải phóng địa phương bằng lực lượng bản thân. Cùng với chiến thắng có ý nghĩa chiến lược của các chiến dịch lớn Tây Nguyên và Huế - Đà Nẵng, chiến dịch Hồ Chí Minh đã kết thúc toàn thắng, nhanh chóng và trọn vẹn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, kết thúc rất oanh liệt 30 năm chiến tranh giải phóng và giữ nước thần thánh của nhân dân ta.

        Đây là một chiến dịch tiến công tiêu diệt lớn chưa từng có trên chiến trường nước ta, vượt hẳn các chiến dịch lớn trước đó cả về quy mô sử dụng lực lượng, về cường độ và nhịp độ tiến công, về nội dung của tác chiến hiệp đồng binh quân chủng, cả về mức độ hoàn thành kiên quyết, triệt để nhiệm vụ chiến lược cũng như mục đích chính trị của chiến tranh cách mạng Việt Nam.

        Là kết tinh sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân Việt Nam được xây dựng và phát triển trong quá trình 21 năm chống Mỹ, cứu nước cũng như toàn bộ sự nghiệp đấu tranh cách mạng và chiến tranh cách mạng kể từ sau cách mạng tháng Tám, chiến dịch Hồ Chí Minh được ghi vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta như một bản anh hùng ca bất hủ của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong thời đại mới. Trong lịch sử phát triển của nghệ thuật quân sự Việt Nam hiện đại, nó đánh dấu một đỉnh cao của nghệ thuật chiến dịch tiến công hợp đồng binh quân chủng, thể hiện bước phát triển nhảy vọt lớn nhất của sức mạnh chiến đấu của toàn dân và các lực lượng vũ trang nhân dân trên cả nước trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước.

        Dưới đây là một số suy nghĩ bước đầu về nội dung của bước phát triển mới trên lĩnh vực nghệ thuật chiến dịch Việt Nam qua thực tiễn chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

        1. Trong một thời gian rất ngắn, ta đã tập trung một lực lượng quân sự lớn chưa từng có trong điều kiện chiến trường nước ta, hình thành ưu thế áp đảo, tiêu diệt và làm tan ra nhanh chóng tập đoàn phòng ngự lớn có chuẩn bị trước của địch tại trung tâm đầu não của chúng. Đây là nét phát triển mới về quy mô tập trung lực lượng trong chiến dịch tiến công. Đánh vào Sài Gòn - Gia Định ta đã sử dụng 5 quân đoàn chủ lực tinh nhệ, chưa kể các lực lượng sự bị chiến lược và các lực lượng địa phương của Nam Bộ. Thêm vào đó còn hàng chục sư đoàn, lữ đoàn, trung đoàn thuộc các quân chủng và binh chủng với nhiều vũ khí, phương tiện kỹ thuật hiện đại. Chỉ tính riêng pháo binh đã có 20 trung đoàn, lữ đoàn và 8 tiểu đoàn độc lập với 509 khẩu pháo (thực tế chiến đấu là 419 khẩu) không kể pháo đi cùng (ĐKZ, cối 82) trong các trung đoàn, tiểu đoàn bộ binh, tổ chức thành 30 cụm pháo binh các cấp và một đại đội pháo chuyên trách (đánh sân bay Biên Hoà), trong đó có 421 khẩu pháo xe kéo, 88 khẩu pháo mang vác cỡ lớn . Lực lượng thiết giáp có 398 xe tăng, xe bọc thép. Lực lượng phòng không có 5 sư đoàn, 3 trung đoàn (gần 68 tiêu đoàn pháo xe kéo) 17 tiểu đoàn súng máy cao xạ, 2 trung đoàn tên lửa SAM-2, 2 tiêu đoàn tên lửa A.72, 1 trung đoàn pháo cao xạ tự hành 23mm. Về binh chủng đặc biệt, có 7 trung đoàn và 5 tiểu đoàn đặc công, 1 lữ đoàn biệt động gồm 13 cụm được bố trí ém sẵn trên các hướng, các cánh của chiến dịch trên đường tiến vào những mục tiêu quan trọng nhất của thành phố. Cùng với ngót 60.000 tấn vật chất kỹ thuật mà hậu cần phải tiếp tế, quy mô sử dụng lực lượng trong chiến dịch Hồ Chí Minh không những lớn hơn hẳn các chiến dịch Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân 1975, mà còn là lớn nhất trong lịch sử chiến tranh cách mạng của ta. Chưa bao giờ chúng ta đưa vào chiến dịch một lực lượng quân lớn như vậy. Kể từ khi Bộ Chính trị kết luận ngày 31 tháng 3: "Từ giờ phút này trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của quân và dân ta đã bắt đầu", cho đến ngày nổ súng mở màn chiến dịch, ta chỉ có khoảng trên ba tuần lễ, trong khi đó quân địch cũng cố tìm đủ mọi cách để ngăn cản ta, buộc ta phải kéo dài thời gian chuẩn bị cho tới mùa mưa.

        Chiến dịch này lại được chuẩn bị ngay từ khi đang tiến hành các chiến dịch trước, trong hoàn cảnh thời cơ lớn của trận quyết chiến cuối cùng đã xuất hiện. Đối tượng tác chiến chiến dịch là tập đoàn phòng ngự lớn của địch trong tổ chức phòng thủ có chuẩn bị sẵn ở sào huyệt cuối cùng, trung tâm đầu não của chúng. Vành đai bảo vệ Sài Gòn với bán kính từ 30 đến 50 ki-lô-mét có 5 sư đoàn chủ lực ngụy (5, 18, 25, 7 và 22) cùng với lực lượng tương đương 2 sư đoàn trong tuyến phòng thủ nội thành. Tuy địch đã thua rất to, bị suy sụp cả về tinh thần và tổ chức nhưng chúng vẫn còn rất ngoan cố và chủ tâm cố thủ, hy vọng tránh khỏi thất bại hoàn toàn. Lực lượng của quân đoàn 3 và sư đoàn 7 thuộc quân đoàn 4 của chúng còn chưa bị đánh lớn nên hầu như vẫn nguyên vẹn.

        Lực lượng lớn của ta gồm lực lượng có sẵn trên địa bàn chiến dịch và cả những lực lượng mới từ xa cơ động đến. Như quân đoàn 1 (thiếu) từ Ninh Bình vào, phải vượt chặng đường dài 1.700 ki-lô-mét, theo các đường 12, 15, 14. Quân đoàn 2 phải hành quân 900 ki-lô-mét qua rất nhiều cầu bị phá, lại phải đánh địch ở Phan Rang, Phan Thiết trên đường vào .Tổ chức cho 2.000 xe của quân đoàn vượt qua 6 sông lớn, chưa kể phải đánh địch trên đường đi, là cả một quá trình tổ chức, chỉ huy rất phức tạp. Việc đưa toàn bộ lực lượng đó kịp vào trận đánh một cách nhịp nhàng, có hiệp đồng chặt chẽ nhằm phát huy sức mạnh lớn nhất trong tình huống chiến lược khẩn trương, thực hiện "táo bạo, bất ngờ, chắc thắng" trong điều kiện thời gian đặc biệt gấp rút là một công phu tổ chức rất lớn. Nó đòi hỏi phải giải quyết nhiều vấn đề phức tạp từ việc nắm địch, điều động và cơ động lực lượng ta, tác chiến diệt địch để tạo thế và cài thế (như cuộc tiến công Xuân Lộc của quân đoàn 4, trận đánh tiêu diệt tiền phương quân đoàn 3 ngụy cơ Phan Rang, hoạt động tác chiến của đoàn 232 ở đường số 4 tạo thế chia cắt Sài Gòn với vùng đồng bằng Sông Cửu Long...) đến việc củng cố bộ đội, bổ sung vật chất, kỹ thuật, vận chuyển và tiếp tế hậu cần, v.v.

        Tập trung được một lực lượng lớn trong thời gian nhanh như vậy rõ ràng là một thành công đặc biệt của ta. Nó thể hiện một quyết tâm rất cao chớp thời cơ, xốc tới giành thắng lợi quyết định. Nó đánh dấu một trình độ tổ chức chỉ huy chiến dịch phát triển vượt bậc, điều động triển khai lực lượng giữ được bí mật về lực lượng và thời gian tiến công của ta, tạo nên một bất ngờ lớn đối với địch. Đây không chỉ là khoa học về tổ chức mà còn là bước phát triển cao về nghệ thuật tập trung lực lượng ưu thế tuyệt đối hơn địch ở nơi quyết định, trong thời điểm quyết định.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #24 vào lúc: 05 Tháng Tư, 2016, 09:52:24 am »

 
        2. Trong một thời gian rất ngắn, ta đã hình thành được thế trận bao vây, chia cắt lớn, hãm quân địch vào thế hết sức nguy ngập, cuối cùng bị tiêu diệt và tan rã nhanh chóng. Tập trung lực lượng lớn, tạo ưu thế tuyệt đối so với địch là yếu tố cơ bản đầu tiên quyết định thắng lợi của chiến dịch. Tiếp đó nhanh chóng cài được thế chiến dịch hiểm, thực hiện bao vây chia cắt toàn bộ tập đoàn phòng ngự của địch là một vấn đề mấu chốt của nghệ thuật chiến dịch để tạo thế tiến công áp đảo, bịt mọi đường rút chạy của địch trên các hướng tây - tây nam (đường số 4) về đồng bằng sông Cửu Long, hướng đông về Vũng Tàu... nhanh chóng đè bẹp mọi sự phản kháng của chúng. Chiến dịch Huế - Đà Nẵng, với tư tưởng chỉ đạo "kịp thời nhất, nhanh chóng nhất, bất ngờ nhất và chắc thắng", đã nêu điển hình xuất sắc về nghệ thuật bao vây chia cắt lớn mau lẹ , bất ngờ đến nỗi địch trở tay không kịp, muốn co cụm không co được, muốn tháo chạy cũng không thoát và cuối cùng đã bị tiêu diệt nhanh. Trong chiến dịch quyết chiến lịch sử này, một trong những nét đặc sắc của nghệ thuật chiến dịch là dựa trên thế trận khá hoàn chỉnh của chiến tranh nhân dân được xây dựng từ nhiều năm, trên thế chiến lược mới rất chủ động do thắng lợi lớn của hai chiến dịch Tây Nguyên và Huế - Đà Nẵng tạo ra, nhanh chóng hình thành thế hợp vây chiến dịch, thọc sâu chia cắt, bao vây chặt làm cho tập đoàn phòng ngự lớn của địch bị tách ra từng mảnh, không thể hỗ trợ và ứng cứu lẫn nhau.

        Trước khi nổ súng công kích vào Sài Gòn, đến 17 giờ ngày 26 tháng 4 ta đã hình thành được thế trận bao vây thành phố từ nhiều mặt. Ở phía đông, ta cắt hoàn toàn đường 1, sẵn sàng cắt đứt đường 15 (xuống Vũng Tàu), sông Lòng Tàu và khống chế Vũng Tàu, làm tê liệt sân bay Biên Hoà. Phía tây và tây - nam, các lực lượng quân khu 9 áp sát đoạn Cái Vồn và nam Cần Thơ. Quan trọng hơn cả là quân ta đã áp sát con đường huyết mạch số 4 cắt lìa Sài Gòn với đồng bằng sông Cửu Long. Các đơn vị thuộc khu 8 mở rộng hoạt động ở nam Long An, chuẩn bị sẵn sàng cắt đường số 4 và kênh Chợ Gạo. Các lực lượng lớn của chiến dịch đã tiến dần vào vị trí triển khai. Quân đoàn 4 sau khi chiếm Xuân Lộc, đã áp sát Trảng Bom. Phía đông - nam, quân đoàn 2 tiến sát Long Thành, Vũng Tàu, Nước Trong, Bà Rịa... Đoàn 232 đã đến tuyến sông Vàm Cỏ Đông và Hậu Nghĩa. Sư đoàn 5 và sư đoàn 8 đứng sát đường số 4 đoạn từ Tân An đến Cai Lậy, áp vào Mỹ Tho; 2 trung đoàn bộ binh đã đứng ở Cần Đước Cần Giuộc phía nam quận 8 Sài Gòn.

        Hướng bắc và tây - bắc đã có một vùng giải phóng rộng nối liền từ Lộc Ninh đến Phước Long. Quân đoàn 1 cơ động từ hậu phương lớn vào đã đứng ở khu vực tập kết nam sông Bè. Quân đoàn 3 ở khu vực Dầu Tiếng. Các đơn vị đặc công, biệt động đã vào ém sẵn tại các vị trí quy định ở vùng ven và cả trong nội thành, sẵn sàng đánh chiếm các mục tiêu, mở và bảo vệ đường tiến cho các cánh quân lớn, đặc biệt là các cầu quan trọng trên đường vào trung tâm thành phố.

        Đường hành lang từ các cánh, các hướng đều thông suốt. Đường vận chuyển chiến dịch và chiến thuật đã được nối liền, có chất lượng tốt, bảo đảm các loại xe quân sự (kể cả xe tăng, xe bọc thép), chạy với mật độ lớn, tốc độ cao. Lực lượng lãnh đạo của Đảng và chính quyền cách mạng đã về vùng ven. Nhiều bộ phận đã vào nội thành chuẩn bị cho việc nổi dậy của quần chúng và tiếp quản thành phố.

        Nay nhìn lại ta càng thấy giá trị to lớn và ý nghĩa quyết định của thế trận chiến dịch đó, một thế trận rất hiểm dựa trên cơ sở lực lượng lớn mạnh của toàn thể chiến dịch và cũng là sự phản ánh của lực lượng đó. Đó là thế trận tiến công của chiến tranh nhân dân Việt Nam, tiêu biểu cho sự kết hợp giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, giữa tiến công quân sự của lực lượng vũ trang ba thứ quân trong đó nổi lên vai trò quả đấm rất mạnh của các binh đoàn cơ động chiến lược - với hành động nổi dậy mạnh mẽ của nhân dân giành quyền làm chủ ở cơ sở, kết hợp giữa vành ngoài và vành trong, giữa ven đô và nội đô. Khi ta bước vào chiến dịch, mặc dù quân địch còn đông, có tổ chức phòng thủ sẵn nhằm trì hoãn bước tiến của ta, nhưng với thế trận tiến công áp đảo này ta đã thắng rất nhanh, địch tan vỡ và thua rất nhanh. Điều đó hoàn toàn không phải ngẫu nhiên.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #25 vào lúc: 05 Tháng Tư, 2016, 09:54:00 am »

     
        3. Trong một thời gian rất ngắn ta đã kết hợp chặt chẽ việc tập trung lực lượng ưu thế tuyệt đối đột phá tuyến phòng thủ bên ngoài với việc tiêu diệt quân địch cơ động ứng cứu và thọc sâu vào trung tâm phòng ngự của chúng. Chiến dịch Hồ Chí Minh đã diễn ra và dứt điểm rất nhanh chỉ trong 3 ngày 4 đêm và 6 giờ 30 phút (từ 17 giờ ngày 26 tháng 4 đến 11 giờ 30 ngày 30 tháng 4). Đây là một nét phát triển mới về cách đánh chiến dịch của ta, khác với các chiến dịch tiến công trong các thời kỳ trước của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cũng khác với cách đánh của các chiến dịch Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng mùa xuân năm 1975.

        Trong nghệ thuật chiến dịch, vấn đề lập thế trận, cài thế chiến dịch luôn luôn gắn liền với cách đánh chiến dịch. Hướng chủ yếu của chiến dịch là hướng tây - bắc. Năm mục tiêu trung trung tâm thành phố mà lực lượng chiến dịch phải nhanh chóng đánh chiếm là sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu ngụy, dinh tổng thống ngụy quyền, Biệt khu thủ đô và Tổng nha cảnh sát. Mục tiêu quan trọng số một về quân sự là sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu ngụy - trung tâm chỉ huy của địch. Phương châm hành động của chiến dịch Hồ Chí Minh là "thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng". Cho đến trung tuần tháng 4, toàn bộ Tây Nguyên và miền Trung đã giải phóng, quân ta đã đánh lớn vào Xuân Lộc, Phan Rang, từ nhiều hướng áp sát quanh Sài Gòn, địch cũng đã phát hiện một số sư đoàn chủ lực của ta mới vào và đang vào miền Đông Nam Bộ. Chúng đã biết hướng tiến công của ta sẽ là Sài Gòn. Vì thế sự bất ngờ về hướng tiến công, về lực lượng tiến công đã giảm đi nhiều. Nhưng ta lại tạo nên những bất ngờ khác, quan trọng hơn, đó là cách đánh và thời gian đánh.

        Vấn đề đặt ra là phải đánh vào Sài Gòn như thế nào để dứt điểm nhanh, gon, chắc thắng, nhưng trong điều kiện hai bên đều có binh lực và hoả lực rất lớn, phải đánh làm sao để thành phố ít bị tàn phá nhất, đồng bào không bị thiệt hại nhiều về tính mạng, tài sản và cuộc sống mau trở lại bình thường. Khi đánh thị xã Buôn Ma Thuột, ta cài thế chiến dịch, cắt các đường ứng cứu để cô lập Buôn Ma Thuột rồi bỏ qua các lực lượng bố trí vòng ngoài phần lớn là bảo an, dân vệ để bất ngờ đánh thẳng vào hai cơ quan đầu não của địch nằm sâu trong thị xã, đánh xong bên trong mới toả ra diệt nốt những vị trí vòng ngoài. Nhưng ở Sài Gòn, quân chủ lực mạnh của địch lại đứng chân ở vòng ngoài. Chúng muốn ngăn chặn từ xa 30 đến 50 ki-lô-mét cách trung tâm thành phố, khi ta tiến công thì địch cả bên trong lẫn bên ngoài đều đã có sự chuẩn bị trước. Nếu ta bỏ qua các sư đoàn bên ngoài để bất ngờ thọc ngay vào bên trong bằng binh lực lớn hợp đồng binh chủng thì khó lọt, hoặc có vào được thì 5 sư đoàn bộ binh ngụy phía ngoài kéo về ứng cứu, thế trận nhất định sẽ giằng co. Nhưng nếu ta tập trung diệt xong 5 sư đoàn địch ở vòng ngoài rồi mới tiến vào 5 mục tiêu quy định trong thành phố thì chắc chắn sẽ kéo dài thời gian. Địch sẽ lùi về nội thành, phá các cầu lớn, chiếm vị trí có lợi cầm cự kéo dài. Như vây ta sẽ tốn nhiều xương máu, hao phí nhiều vật chất và khó tránh khỏi sự thiệt hại về tính mạng của nhân dân, thành phố sẽ bị tàn phá.

        Trước tình hình địch, địa hình, nhiệm vụ và yêu cầu của chiến dịch quyết chiến cuối cùng, dựa vào lực lượng và thế trận áp đảo của ta, Bộ chỉ huy chiến dịch đã xác định cách đánh của chiến dịch lịch sử này là: dùng một bộ phận lực lượng thích hợp trên từng hướng đủ sức hình thành bao vây, chia cắt, chặn giữ quân địch không cho rút chạy hoặc lùi dần về Sài Gòn; tiêu diệt và làm tan rã tại chỗ các sư đoàn bộ binh chủ lực của địch phòng thủ vòng ngoài; đồng thời dùng đại bộ phận lực lượng nhanh chóng thọc sâu đánh chiếm các địa bàn then chốt ở vùng ven, mở đường cho các binh đoàn đột kích cơ giới hoá mạnh đã được tổ chức chặt chẽ, tiến nhanh theo các trục đường lớn đánh thẳng vào 5 mục tiêu đã được lựa chọn trong nội thành1. Để phối hợp và tạo điều kiện cho các binh đoàn đột kích đó tiến nhanh vào các mục tiêu, các lực lượng đặc công, biệt động, an ninh vũ trang và tự vệ thành phố, các lực lượng chính trị quần chúng ở Sài Gòn - Gia Định sẽ đánh chiếm trước các cầu, các bàn đạp cho bộ đội chủ lực tiến quân, dẫn đường cho các đơn vị, trừ gian và phát động quần chúng nổi dậy. Ta kết hợp cả ngoài đánh vào, trong đánh ra, kết hợp quả đấm rất mạnh của chủ lực với đánh nhỏ, đánh hiểm, làm cho lực lượng địch bị chia cắt, phân tán, tổ chức phòng ngự của chúng mất hiệu lực và nhanh chóng bị đập tan. Ôn lại các sự kiện lịch sử tiêu biểu này, ta càng thấy rõ đó là một cách đánh chiến dịch có hiệu lực cao để thực hiện đòn tiến công sấm sét, đánh bại mọi ý đồ chính trị và kế hoạch chiến lược của địch ngay khi chúng còn chưa kịp triển khai, khiến quân địch đến phút cuối cùng vẫn bị bất ngờ lớn.

        Thế trận chiến dịch và cách đánh chiến dịch của ta đã đưa đến hiệu quả chiến dịch lớn nhất trong thời gian ngắn nhất. Toàn bộ quân địch đã bị tiêu diệt và tan rã tại chỗ nhanh đến mức không chỉ bọn ngụy tay sai mà cả Nhà trắng và Lầu năm góc cũng phải bàng hoàng, sửng sốt.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #26 vào lúc: 05 Tháng Tư, 2016, 09:54:54 am »

      
               4. Ta đã thực hiện sự hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng, các quân chủng, binh chủng hiện đại trên địa bàn chiến dịch rộng lớn. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, ta đã thực hiện thành công sự hiệp đồng chặt chẽ, ăn khớp, phối hợp nhịp nhàng, chủ động giữa các lực lượng, các hướng và cánh quân, tạo nên sức mạnh tiêu diệt địch rất lớn, với nhịp độ tiến công cao chưa từng thấy. Đó là sự phối hợp ăn ý giữa các binh đoàn chủ lực với lực lượng tại chỗ, giữa các cánh, các mũi tiến quân, giữa các binh chủng của bộ đội binh chủng hợp thành. Đó là sự hiệp đồng giữa đánh địch trên tuyến phòng thủ từ xa và đột phá tuyến phòng thủ cơ bản của địch với đánh địch trong thành phố; giữa cắt đường bộ với ngăn đường sông, khống chế đường không; giữa diệt bộ binh thiết giáp với chế áp tiêu diệt các trận địa pháo binh địch và bắn phá, làm tê liệt các sân bay. Điểm rất mới trong chiến dịch này là ta đã dùng máy bay A.37 lấy được của địch để ném bom sân bày Tân Sơn Nhất, tạo nên sự phối hợp chiến dịch giữa trên không và mặt đất, làm cho địch choáng váng, kinh hoàng. Lần đầu tiên quân đội ta thực hiện một trân đánh hợp đồng quân chủng, binh chủng tạm gọi là đầy đủ nhất vào một thời điểm hết sức quan trọng có tác động lớn đến diễn biến chiến dịch. Các lực lượng, các cánh và mũi đã tiến quân nhịp nhàng, nhanh chóng bao vây, cô lập từng mục tiêu, hiệp đồng chặt chẽ theo thời gian và mục tiêu chiến dịch. Trong bước tổng công kích từ sáng ngày 29 tháng 4, các cánh quân từ ngoài vào và lực lượng tại chỗ ém quân sẵn trong thành phố đã thực hiện sự phối hợp rất ăn ý. Cánh quân phía đông-bắc của quân đoàn 4 tiêu diệt tập đoàn phòng ngự địch ở Biên Hoà, đánh chiếm và làm chủ sân bay Biên Hoà. Cánh quân phía đông của quân đoàn 2 chiếm khu Long Bình, Nhơn Trạch, Thành Tuy Hạ, Thủ Đức và Vũng Tàu. Cánh quân phía bắc của quân đoàn 1 tiêu diệt và đánh tan sư đoàn 5 ngụy, chiếm Thủ Dầu Một, Lái Thiêu, thẳng tiến theo hướng Tổng tham mưu ngụy. Cánh quân phía tây - bắc của quân đoàn 3 tiêu diệt sư đoàn 25 ngụy, chiếm Đồng Dù, Củ Chi theo hướng vào sân bay Tân Sơn Nhất. Cánh quân phía tây và tây - nam của đoàn 232 đánh tan 2 sư đoàn 7 và 22, chiếm Hậu Nghĩa, Đức Hoà, Tân An, Bến Lức, Thủ Thừa. Các đơn vị đặc công, biệt động, tự vệ, an ninh vũ trang trong nội thành đã tiến công và phối hợp cùng đồng bào nổi dậy chiếm lĩnh một số vị trí quân sự và hành chính ở cơ sở trong thành phố, góp phần nâng cao tốc độ tiến công của các binh đoàn chủ lực từ ngoài đánh vào. Thế trận tác chiến hợp đồng rộng lớn, chặt chẽ đó tạo cơ sở cho các binh đoàn trên các hướng ào ạt tiến vào trung tâm Sài Gòn với thế mạnh như chẻ tre, nhanh chóng chiếm tất cả các mục tiêu chiến dịch, đè bẹp mọi sự đề kháng cuối cùng của địch, buộc chúng phải hạ vũ khí đầu hàng. Tổ chức hiệp đồng tác chiến đã thực sự phát huy được sức mạnh áp đảo của ta để đánh cho địch phải chịu thua và tan rã rất nhanh, ta đạt hiệu quả chiến dịch lớn nhất, với mức tổn thất lớn nhất và tiêu phí vật chất không đáng kể. Thực hiện được sự hiệp đồng tác chiến như vậy là một bước tiến mới của nghệ thuật tổ chức, điều hành chiến dịch.

        5. Ta đã kết hợp trên quy mô lớn ba mũi giáp công, tiến công quân sự với nổi dậy của quần chúng, lấy tiến công quân sự làm chính và đòn tiêu diệt chủ lực giữ vai trò quyết định, phát huy sức mạnh tổng hợp lớn nhất để giành toàn thắng trong chiến dịch quyết chiến cuối cùng. Đòn tiến công quân sự rất mạnh, rất nhanh của ta đã thu hút, tiêu diệt và làm tan rã quân chủ lực địch, phá vớ tuyến phòng thủ của chúng ở ngoài thành phố, tạo điều kiện cho đồng bào nổi dậy giành quyền làm chủ khóm phường. Vỏ cứng của địch vòng ngoài bị đập vỡ, bọn địch trong thành phố, kể cả lực lượng vũ trang cho đến cảnh sát và bộ máy ngụy quyền các cấp đều hoang mang, tan rã. Nhân dân ta ở nhiều khóm, phường được tổ chức và chuẩn bị sẵn từ trước, có lực lượng biệt động, du kích, tự vệ mật và an ninh nhân dân làm nòng cốt, đã kịp thời phối hợp với lực lượng vũ trang nổi dậy giành quyền làm chủ với những hình thức và mức độ khác nhau, phù hợp với đặc điểm khởi nghĩa trong chiến tranh ở ngay thủ đô của địch và trong trận giao tranh cuối cùng của cuộc kháng chiến.

        Trong những ngày này, Mỹ - ngụy vẫn chủ trương ngoan cố chống đỡ hòng trì hoãn giờ phút sụp đổ và giảm nhẹ thất bại của chúng. Tiến công quân sự của lực lượng vũ trang ta tiêu diệt và làm tan rã những đơn vị địch phòng thủ ở vòng ngoài đã phát huy vai trò "đi trước" trực tiếp thúc đẩy hành động nổi dậy của quần chúng. Nó là mũi nhọn nhất trong ba mũi giáp công ở thành phố để tạo sức mạnh tiến công toàn diện.

        Nhân dân các quận vùng ven thành phố mang cờ, đánh trống mõ, kêu gọi binh lính và cảnh sát ngụy buông súng, truy lùng bọn lẩn trốn, tước súng địch, diện bọn tề điệp, dẫn đường cho bộ đội. Công nhân bảo vệ nhà máy, kho tàng giao cho bộ đội. Các cơ sở chính trị cùng lực lượng tự vệ, an ninh nhân dân nhanh chóng chiếm các trụ sở hành chính quận, phường và khối phố. Nhân dân nhiều khu trong nội thành Sài Gòn - Gia Định được động viên tổ chức từ trước đã kịp thời nổi dậy theo kế hoạch của Thành uỷ, dưới những hình thức và mức độ khác nhau, trên những địa bàn khác nhau, trong những tình huống khác nhau, kết hợp với đòn tiến công quân sự. Có nơi chủ lực chưa tiến đến hoặc ở xa các trục đường tiến quân, quần chúng nhân dân đã tranh thu thời cơ địch tan rã, bỏ mặc hoặc bị tê liệt do tác động của đoàn tiến công quân sự, nhanh chóng nổi dậy làm chủ. Tại nhiều điểm khác, bộ đội tiến tới đâu nhân dân nổi dậy tới đó cùng với lực lượng vũ trang làm chủ địa bàn, thiết lập trật tự an ninh, truy quét tàn binh địch.

        Hình thức, mức độ nổi dậy và dạng kết hợp của nổi dậy với tiến công quân sự như vậy phản ánh quy luật của khởi nghĩa trong chiến tranh. Trong chiến tranh giải phóng miền Nam, cả quy luật chiến chiến tranh và quy luật khởi nghĩa đều phát huy tác dụng và luôn tác động lẫn nhau, trong đó quy luật chiến tranh ngày càng giữ địa vị chi phối và quyết định, nhất là trong bước kết thúc chiến tranh ở trận quyết chiến cuối cùng. Bởi lẽ đó, chúng tôi nghĩ rằng những ý kiến đánh giá quá mức vị trí và tác dụng của hành động nổi dậy, đều không phản ánh đúng hiện thực sinh động của chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #27 vào lúc: 05 Tháng Tư, 2016, 10:00:41 am »

        
TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY, NỔI DẬY VÀ TIẾN CÔNG,
TIẾN LÊN TỔNG TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY
TOÀN THẮNG XUÂN 1975
       
Đại tá TỐNG HỒ TRINH        
       
        Tại Đại hội lần thứ IV, Đảng ta đã tổng kết sự vận dụng thành công phương thức tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là “sử dụng bạo lực với hai lực lượng, lực lượng chính trị của quần chúng và lực lượng vũ trang nhân dân; tiến hành khời nghĩa từng phần ở nông thôn và từ khởi nghĩa phát triển thành chiến tranh cách mạng; … nổi dậy và tiến công, tiến công và nổi dậy…”.

        Để chứng minh sự vận dụng tài tình và sáng tạo đó của Đảng ta, dưới đây xin trình bày một số sự kiện và tư liệu góp phần vào việc nghiên cứu quy luật vận động của phương pháp cách mạng đồng thời là nội dung của chiến lược chiến tranh cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta.

        1. Tiến công và nổi dậy, nổi dậy và tiến công – phương thức cơ bản để giành thắng lợi trong chiến tranh giải phóng miền Nam.

        Sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta là lịch sử và truyền thống cả nước một lòng, chung sức dựng nước và giữ nước.

        Giặc Mỹ xâm lược nước ta, bằng chính sách thực dân mới vô cùng thâm độc, chúng điên cuồng thực hiện một cuộc chiến tranh toàn diện với những biện pháp “bình định”, “tìm diệt” vô cùng quyết liệt, dai dẳng, hòng tiêu diệt lực lượng cách mạng. Đi đôi với việc đưa quân viễn chinh Mỹ và quân chư hầu vào xâm lược nước ta, sử dụng một khối lượng bom đạn khổng lồ, những phương tiện chiến tranh hiện đại nhất (trừ vũ khí hạt nhân), chúng xây dựng bộ máy ngụy quyền tay sai từ trung ương xuống cơ sở, tổ chức đội quân ngụy đông đảo, hành quân đánh phá liên miên phát triển cách mạng miền Nam.

        Thực hiện chân lý vĩ đại “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta từ Nam chí Bắc đã nhất tề đứng lên, cả nước đánh giặc, toàn dân một ý chí: tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

        Tuy nhân dân ta vô cùng kiên cường, anh dũng, sẵn sàng nổi dậy lật đổ ách thống trị của kẻ thù nhưng nếu không được tổ chức chặt chẽ, không có đường lối đúng đắn chỉ đạo thì không thể có đủ sức mạnh để đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược. Ph. Ăng-ghen đã chỉ rõ: “Nhiệt tình của một dân tộc là một điều vĩ đại, nhưng khi chưa kết hợp được với kỷ luật và tổ chức thì nó sẽ không đưa lại thắng lợi trong chiến đấu”1.

        Trong suốt quá trình chống Mỹ, Đảng ta luôn luôn chăm lo động viên, tổ chức quần chúng, xây dựng lực lượng chính trị rộng rãi, đồng thời xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân hùng mạnh gồm ba thứ quân làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc. Quy luật phát triển đấu tranh cách mạng của nhân dân ta là từ khởi nghĩa từng phần phát triển thành chiến tranh cách mạng, kết hợp đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị nổi dậy và tiến công, tiến công và nổi dậy, thực hiện làm chủ để tiêu diệt địch, tiêu diệt địch để làm chủ trên cả ba vùng chiến lược, tiến lên tổng tiến công và nổi dậy giành thắng lợi hoàn toàn.

        Đó là thực tiễn những năm 1954-1960, từ chủ trương đấu tranh chính trị, giữ gìn tích trữ lực lượng tiến lên phát động cao trào đồng khởi, giành quyền làm chủ nhiều vùng nông thôn rộng lớn với sức mạnh nổi dậy của quần chúng có vũ trang tự vệ hỗ trợ.

        Đó là thực tiễn những năm1961-1964 và đầu năm 1965, cách mạng miền Nam từ khởi nghĩa từng phần tiến lên chiến tranh cách mạng, thực hiện đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị song song, đấu tranh vũ trang ngày càng được đẩy mạnh, đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ. Những biện pháp của địch dồn dân lập “ấp chiến lược” bị phá vỡ, hành quân càn quét hòng tiêu diệt lực lượng vũ trang cách mạng còn non trẻ, phá vỡ các cơ sở, căn cứ cách mạng vừa nhen nhóm, đều bị đánh bại. Hàng loạt ấp chiến lược bị phá vỡ, chế độ ngụy quyền rung chuyển dữ dội, Diệm – Nhu bị giết. Đội quân tay sai Mỹ được yểm trợ bằng không quân, pháo binh, thiết giáp và do cố vấn Mỹ chỉ huy, đứng trước nguy cơ suy sụp sau những đòn Bình Giã, Ba Gia, Đồng Xoài của quân và dân anh hùng.

        Giữa năm 1965, Mỹ phải ồ ạt đổ quân vào miền Nam hòng cứu nguy cho ngụy, thực hiện chiến lược “chiến tranh cục bộ”, Đảng, quân đội và nhân dân ta đứng trước muôn vàn khó khăn. Nhiều câu hỏi được đặt ra: liệu ta có thắng được quân viễn chính Mỹ không? Quân Mỹ vào tham chiến, ta còn đấu tranh chính trị được nữa không? Có tiếp tục tiến công và nổi dậy, nổi dậy và tiến công được không?

        Đảng ta đã kịp thời phân tích và chỉ rõ: chiến tranh mà đế quốc Mỹ tiến hành vẫn là một cuộc chiến tranh xâm lược thực dân mới. Chúng vừa sử dụng quân viễn chính Mỹ, vừa sử dụng quân ngụy và bộ máy thống trị tay sai làm hai lực lượng chiến lược. Chúng vừa sử dụng bạo lực đàn áp, đánh phá, vừa sử dụng chính sách mị dân, lôi kéo và lừa bịp, dưới những khẩu hiệu dân chủ, độc lập giả hiệu.
« Sửa lần cuối: 05 Tháng Tư, 2016, 10:57:54 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #28 vào lúc: 05 Tháng Tư, 2016, 10:03:10 am »

        Vì thế, ta vẫn có thể sử dụng lực lượng quân sự và lực lượng chính trị, tiến công và nổi dậy, nổi dậy và tiến công, đánh cả Mỹ lẫn ngụy. Thực tế đã chỉ rõ, đế quốc Mỹ đưa quân vào càng khơi sâu lòng căm thù đấu tranh của toàn dân tộc. Vì thế, nhân dân ta càng phát huy mạnh mẽ lực lượng quân sự và lực lượng chính trị, tiến công và nổi dậy với nhiều hình thức phong phú, với sức mạnh tăng lên gấp nhiều lần và đã giành thắng lợi to lớn, liên tiếp trong những năm 1965-1968.

        Từ những trận phủ đầu diệt Mỹ như Núi Thành, Vạn Tường, Plây Me, Đất Cuốc, Bầu Bàng, đến các mùa khô 1965-1966 và 1966-1967, quân và dân ta đã hai lần đánh bại quân viễn chinh Mỹ có quân ngụy đi kèm, tiến hành phản công chiến lược với hàng loạt cuộc hành quân “bình định”, “tìm diệt” quy mô lớn nhất. Ta đã làm cho quân Mỹ không những không những không vực được quân ngụy mạnh lên mà với những chỗ yếu rất cơ bản, quân Mỹ và quân ngụy còn giằng kéo nhau và bị đòn đau hơn. Quân Mỹ sa lầy trong thế trận lợi hại của chiến tranh nhân dân ở miền Nam, liên tiếp bị thất bại trong các cuộc ra quân chiến lược, bị động chống đỡ trước những đòn tiến công chính trị của quần chúng. Hai lực lượng, ba thứ quân của ta cùng đánh địch trên cả ba vùng chiến lược.

        Sự kết hợp chặt chẽ, sinh động giữa tiến công và nổi dậy, giữa đấu tranh chính trị của quần chúng và tác chiến của lực lượng vũ trang được thể hiện từ những vành đai diệt Mỹ đến các thôn xã chiến đấu, trong từng trận đánh và trong các chiến dịch, tạo thành sức mạnh tổng hợp đánh bại các cuộc hành quân càn quét lớn nhất của Mỹ như Át-tơn-bơ-ro, Xê-đa-phôn, đỉnh cao là cuộc hành quân Gian-xơn Xi-ti ở miền Đông Nam Bộ.

        Mùa xuân năm 1968, từ tiến công và nổi dậy, nổi dậy và tiến công, quân và dân ta đã tiến hến đỉnh cao kỳ diệu Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt Tết Mậu Thân. Miền Nam đã cùng với quân và dân miền Bắc giáng cho địch một đòn quyết liệt làm đảo lộn thế chiến lược và làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ” của Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh.

        Sau thất bại Tết Mậu Thân, Mỹ phải chuyển sang “Việt Nam hoá chiến tranh”, rút dần quân Mỹ về, trút gánh nặng chiến tranh lại cho ngụy. Nhưng với bản chất cực kỳ tàn bạo và ngoan cố, chúng đã tập trung đánh phá dữ dội cố giành lại vùng nông thôn. Ở đây đã diễn ra cuộc đấu tranh chính trị có sự hỗ trợ của đấu tranh vũ trang mạnh mẽ, ra sức chống phá các kế hoạch “bình định” của địch, giữ dân, giữ đất bảo vệ cơ sở. Trong lúc đó, bộ đội chủ lực ta tập trung giữ vững bàn đạp đứng chân ở vùng rừng núi, tích cực tiến công, phản công cùng lực lượng tại chỗ đánh bại các cuộc hành quân càn quét của địch hòng đẩy ta ra xa.

        Chủ động và nhanh chóng khai thác sai lầm của địch phiêu lưu mở rộng chiến tranh sang Cam-pu-chia và Lào, Đảng ta đã lãnh đạo lực lượng vũ trang và nhân dân ta phối hợp với nhân dân cách mạng hai nước Bạn, kết hợp tiến công và nổi dậy giải phóng nhiều vùng rộng lớn ở Cam-pu-chia và Lào, giữ vững và củng cố các vùng nông thôn ở miền Nam Việt Nam, đẩy địch quay về thế chống đỡ.

        Không để địch kịp củng cố, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương đã nhanh chóng chỉ đạo cuộc tiến công chiến lược năm 1972, đập vỡ từng mảng hệ thống phòng ngự, ngăn chặn của chúng. Cùng với thắng lợi của quân và dân miền Bắc đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B.52 vào Hà Nội, Hải Phòng cuối tháng 12 năm 1972, nhân dân ta đã làm phá sản chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” của Mỹ, buộc chúng phải ký hiệp định Pa-ri. Hy vọng hão huyền của địch “Mỹ rút ra nhưng ngụy vẫn mạnh lên” đã tan vỡ.

         Việc Mỹ rút quân đã mở ra thời cơ chiến lược cho quân và dân ta thực hiện cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 lịch sử, đập tan đội quân ngụy đông đảo, lật nhào chế độ tay sai thực dân kiểu mới, giải phóng hoàn toàn miền Nam, đưa cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc đến thắng lợi hoàn toàn.

        Qua từng bước phát triển của cách mạng miền Nam, đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị đã được Đảng ta chỉ đạo kết hợp hết sức linh hoạt. Khi thì lấy đấu tranh chính trị làm chính như giai đoạn đầu (1954-1960), khi thì thực hiện đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị song song như trong thời kỳ tiếp sau (1961-1963), khi thì thúc đẩy đòn tiến công quân sự đi trước một bước hỗ trợ quần chúng nổi dậy với mức độ khác nhau, coi tiến công quân sự là phương thức quyết định nhất để tiêu diệt đội quân xâm lược, giành thắng lợi cho chiến tranh. Tuỳ theo tình hình so sánh lực lượng giữa ta và địch trên từng vùng, trong từng thời gian, hai phương thức đã được kết hợp nhịp nhàng, luôn luôn thúc đẩy, hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển, tạo thành sức mạnh tiến công tổng hợp to lớn, giáng những đòn chiến lược quyết định như Tết Mậu Thân, như mùa xuân 1975.

        Thực hiện chính sách thực dân kiểu mới, địch luôn luôn sử dụng “bình định” và “tìm diệt” làm hai biện pháp chiến lược cơ bản, nhất quán và xuyên suốt để đánh phá cách mạng, giành dân, lấn đất. Vì thế cách mạng miền Nam phải vừa dùng sức mạnh chính trị của đông đảo quần chúng vừa sử dụng mũi nhọn tiến công của lực lượng vũ trang nhân dân, tạo thành lực lượng to lớn áp đảo, đánh bại kẻ thù.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #29 vào lúc: 05 Tháng Tư, 2016, 10:03:36 am »


        Nổi dậy của quần chúng giành quyền làm chủ là một phương thức đấu tranh cơ bản và thường xuyên của cách mạng. Nhưng do địch đã dùng chiến tranh với bộ máy quân sự to lớn, giăng đồn bốt dày đặc, cùng đội ngũ tay sai đủ loại, thực hiện biện pháp chiến lược “bình định”, giành dân, chiếm đất vô cùng khốc liệt, nên phải có đòn tiến công quân sự đi trước một bước bằng những trận tiêu diệt làm rung chuyển bộ máy thống trị của địch, cổ vũ và phát động quần chúng vùng lên đấu tranh giành quyền làm chủ.

        Tiến công quân sự của lực lượng vũ trang cũng là một phương thức đấu tranh cơ bản của cách mạng có tác dụng trực tiếp tiêu diệt lực lượng quân sự của địch, giữ vai trò quyết định thắng lợi cuối cùng của chiến tranh. Nhưng nếu không có đấu tranh chính trị rộng khắp của quần chúng thường xuyên căng kéo địch, buộc chúng phải phân tán đối phó, sa lầy trong một cuộc đấu tranh giành dân, thì ta cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn để tập trung các đội quân cơ động chiến lược đánh những trận tiêu diệt có ý nghĩa quyết định. Mặt khác, quần chúng nổi dậy giành được quyền làm chủ lại mở ra thế trận tiến công mới, tạo ra thuận lợi mới, làm cho lực lượng vũ trang ta lực thêm đông, sức thêm mạnh, càng có điều kiện và thời cơ tiến lên đánh to, thắng lớn hơn nữa.

        Kết hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa tiến công và nổi dậy, nổi dậy và tiến công là nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh cách mạng tạo thành sức mạnh tổng hợp to lớn đánh bại đội quân xâm lược đông đảo, có nhiều trang bị tối tân, hiện đại, giành thắng lợi tốt nhất, nhanh nhất. Những trận chiến đấu đánh bại hai cuộc phản công chiến lược của quân Mỹ mùa khô 1965 – 1966 và 1966 – 1967, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt Tết Mậu Thân 1968, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân 1975 là những điển hình tuyệt đẹp về nghệ thuật chỉ đạo kết hợp hai phương thức tiến công và nổi dậy của Đảng ta.

        Khéo kết hợp giữa tiến công và nổi dậy trong từng trận, từng đợt chiến đấu, nghệ thuật quân sự Việt Nam đã có bước phát triển mới. Một loại hình chiến dịch mới đã hình thành: chiến dịch tiến công tổng hợp đánh địch bằng cả lực lượng quân sự và lực lượng chính trị, tiêu diệt địch và giành quyền làm chủ, mở rộng vùng giải phóng.

        Nhưng vì đây là một cuộc chiến tranh nên dù “đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang đều đóng vại trò cơ bản và quyết định, những đấu tranh vũ trang đóng vai trò quyết định trong việc đánh bại lực lượng quân sự địch, chỗ dựa của nền thống trị của chúng, làm cho cách mạng thắng lợi”1. Đồng chí Lê Duẩn cũng chỉ rõ: “Trong quá trình cách mạng miền Nam phát triển thành một cuộc chiến tranh quyết liệt thì đấu tranh quân sự ngày càng tăng lên và giữ một vai trò rất quan trọng. Phải thắng địch về quân sự mới giành được thắng lợi cho kháng chiến, cho cách mạng”2.

        Trong việc kết hợp giữa đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị, giữa tiến công và nổi dậy, còn phải căn cứ vào so sánh thế và lực giữa ta và địch trên từng vùng chiến lược để xác định đúng đắn vai trò của từng hình thức đấu tranh. Lúc đầu, ở vùng rừng núi thưa dân mà ta có lực lượng vũ trang mạnh, thường lấy đấu tranh quân sự là chính. Ở vùng nông thôn đồng bằng đông dân, xen kẽ với những vùng địch tạm thời kiểm soát, ta có nhiều vùng giải phóng, vùng làm chủ làm chỗ đứng chân cho lực lượng vũ trang để thực hiện đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị song song. Ở vùng đô thị hoạt động vũ trang chưa có điều kiện đánh lớn, nên thường lấy đấu tranh chính trị là chính. Nhưng chiến tranh cách mạng càng phát triển thắng lợi, trước yêu cầu của nhiệm vụ chiến lược, nhất thiết phải đưa đòn tiến công quân sự phát triển ngày càng mạnh, dần dần trở thành phương thức chủ yếu cả ở nông thôn đồng bằng rồi sau đó ở cả đô thị.

        Trong thư gửi Khu uỷ Sài Gòn – Gia Định ngày 1 tháng 7 năm 1969, đồng chí Lê Duẩn chỉ rõ: “Đối với cuộc chiến tranh thực dân mới của Mỹ, thành thị là căn cứ, là hậu phương quan trọng. Hơn nữa, dù liều lĩnh và trắng trợn, đế quốc Mỹ cũng không thể không dựa vào ngụy quyền. Vì vậy, thành thị còn là hang ổ, là đầu não của ngụy quân và ngụy quyền. Đứng về quân sự mà xét, không đánh vào căn cứ, vào hậu phương, vào đầu não của địch thì không thể giành được thắng lợi cuối cùng”3.

        Những đòn chiến lược như Tết Mậu Thân làm chấn động dữ dội Sài Gòn, Huế và hàng loạt thành phố thị xã khác, và cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân 1975 đã đập tan hang ổ cuối cùng của địch, giải phóng hoàn toàn miền Nam, là thực tiễn sinh động chứng minh sự đúng đắn của những luận điểm trên.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM