Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 10:48:10 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tướng Giáp qua hai cuộc chiến tranh Đông Dương  (Đọc 37324 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #20 vào lúc: 02 Tháng Tư, 2016, 09:00:01 pm »

        Tướng Philippe Marie Leclerc vốn là một nhà quý phái, ông đã đổi tên (trước là Jean de Hantecloque) năm 1940 để đến gặp De Gaulle ở Luân Đôn tránh cho gia đình ở Pháp khỏi bị bọn quốc xã trả thù. Ông đã xây dựng được một đội quân (một quân đoàn) bổ sung vào lực lượng quân Pháp tự do ở Tachd, là vị chỉ huy đặc biệt trên cánh đồng Tunisie và dứng đầu sư đoàn xe bọc thép số 2 vào Paris tháng 8 năm 1944. Thieny d’Argenlieu đã phục vụ trong hải quân Pháp trong hai cuộc chiến tranh thế giới. Thời gian ở giữa hai cuộc chiến tranh đó, ông ở trong một tu viện thuộc dòng Carmel. Giáp gọi ông là “Linh mục hoàn tục”. Đó là một con người khô khan, thiếu nhiệt tình, bè phái, với con mắt nhìn cuộc đời cứng nhắc. Một trong những ủy viên hội đồng của ông ta đã mỉa mai nói đó là một trong những người tinh anh xuất sắc nhất của thế kỷ XX. Việc nhanh chóng bổ nhiệm ông ta tỏ ra là một sai lầm đau xót.

        Leclerc và d’Argenlieu bắt đầu tăng cường các đội quân Pháp và vội vàng gọi các viên chức ở các thuộc địa khác ở Viễn Đông đến, họ định lập lại trật tự ở Nam kỳ trước khi xảy ra chiến tranh. Trong bốn tháng tiếp quân đội Pháp giao chiến nhiều trận với quân khởi nghĩa, ổn định được Sài Gòn và một số vùng châu thổ sông Mêkông. Tháng 2 năm 1946 d’Argenlieu tuyên bố rằng miền Nam đã được dẹp yên. Người Việt Nam lãnh đạo quân khởi nghĩa ở miền Nam Trần Văn Giàu dẫn vài nghìn người đi gặp các lực lượng của Giáp ở phía Bắc, để lại một số cán bộ vững vàng để thành lập trung tâm của cuộc nổi dậy sắp tới trong các làng mạc.

        Cuộc hành quân về phương Bắc không phải dễ dàng. Việc di chuyển ở Việt Nam lúc bấy giờ cũng rất giống như ngày nay. Đi từ Hà Nội lên Điện Biên Phủ cách nhau hơn năm trăm kilômét ngày nay phải đi mất hai ngày rưỡi, phải vòng qua những đoạn đường cái sụt hỏng, phải khai thông một số lối đi giữa những đàn trâu bò ì ạch do trẻ em dẫn dắt, phải vòng vèo qua các phụ nữ hốc hác, chân trần gồng gánh với chiếc đòn gánh trên vai vừa đi vừa bóp còi vược các xe đạp, xe bò kéo và xe tải của thời đại cũ. Năm 1945 dẫn hàng nghìn binh sĩ từ Nam ra Bắc cách nhau tám trăm kilômét phải mất nhiều tuần lễ. Cuối cùng đoàn người của ông Giáp cũng nhập vào quân đội lớn mạnh của Giáp.

        Đến tháng mười, Giáp cùng với nhà ngoại giao Pháp Jean Sainteny từ Pháp qua làm nhiệm vụ cao ủy Bắc kỳ đến Sài Gòn để gặp Leclerc. Hai con người không hiểu nhau, suốt buổi nói chuyện, ông Leclerc luôn tỏ thái độ coi thường, nhìn lơ láo và không tỏ chút chân thành mà lại hoàn toàn bất lịch sự khi ông ta phải đàm phán với một con người nhỏ nhắn buồn cười mặc một chiếc quần rộng thùnh thình, đầu đội mũ quá khổ. Đó là một cách đánh giá sai lầm thô lỗ đi đến hậu quả nặng nề: Leclerc không thể ở lại Đông Dương lâu nữa, người Pháp vừa chuốc lấy thất bại khi chống đối con người thứ ba của Chính phủ Hồ Chí Minh.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #21 vào lúc: 02 Tháng Tư, 2016, 09:08:09 pm »

       
Chương 6

Cuộc chiến tranh bắt đầu

        Không phải một cuộc chiến tranh chống một đội quân, mà đó là một cuộc chiến tranh chống toàn bộ một dân tộc.
       
Tướng Philippe Leclerc       

        Thực tế Việt Nam hiện nay vẫn bị chia cắt làm hai. Điều đó không phải được quyết định vì những giải pháp tạm thời trong khi chờ đợi việc đàm phán cho tương lai của Việt Nam như hội nghị Potsdam đã quyết định, mà vì việc ra đi vội vàng của quân Anh, trước khi đàm phán bắt đầu khiến cho quân Pháp quay trở về Nam kỳ, và kiếm được các cương vị cũ của họ ở đó. Không phụ thuộc những gì xảy ra ở miền Bắc, miền Nam vẫn bị chia cắt trong gần ba mươi năm.

        Ở miền Bắc, Chính phủ Hồ Chí Minh đang suy nghĩ thực thi quyền lực và nhân dân tỏ ra ủng hộ Cụ, còn những người Pháp thì có ý kiến khác. Dưới con mắy họ, quyết định của hội nghị Potsdam dựa trên giả thiết có một sự thỏa thuận chung về tương lai của Việt Nam sau khi chiến tranh kết thúc: họ không hiểu nổi một dân tộc thuộc địa lại có thể chiếm lấy quyền lực để làm chuyện đã rồi như dân tộc Việt Nam. Ở Paris chính phủ nổi giận về hoàn cảnh của học lúc bấy giờ-quyết tấm khôi phục cương vị trước chiến tranh của họ ở Việt Nam bị Cụ Hồ Chí Minh chống lại-còn ở Hà Nội các viên chức người Pháp vừa được giải phóng khỏi trại giam cảm thấy nhục nhã trước cảnh tưởng người Việt Nam thực hiện nhiệm vụ hành chính một cách vụng về, vì họ chẳng có kinh nghiệm mà cũng chẳng biết yêu cầu của công việc. Người Việt Nam rất nghi ngờ ý định của người Pháp, nhưng không dùng vũ lực đuổi chúng đi được, họ bí mật tăng cường quân đội bằng cách đưa giấu vũ khí qua các cảng hoặc chế tạo lấy trong các công binh xưởng.

        Tháng 11 năm 1945, hy vọng người Pháp công nhận Chính phủ Hồ Chí Minh là chính quyền hợp pháp ở Bắc kỳ và Trung kỳ, cũng như muốn dẹp bớt bọn nổi loạn-nhất là bọn quốc dân đảng được quân Tưởng yểm trợ, Cụ tuyên bố giải tán Đảng Cộng sản Đông Dương. Cụ khẳng định đất nước Cụ có đảng của Cụ. Cụ xóa bỏ thuế muối, thuế thân đáng ghét, cấm sử dụng thuốc phiện, quốc gia độc quyền sản xuất rượu. Cụ lôi kéo cả giới giáo sĩ đạo thiên chúa và để chứng tỏ dân chủ có thể thực hiện ở Việt Nam. Cụ kêu gọi tổng tuyển cử tự do trong toàn quốc.

        Ngày 6 tháng Giêng năm 1946 gần 90 phần trăm cử tri đi bỏ phiếu-các ứng cử viên Việt Minh được số phiếu tuyệt đối. Ông Giáp về tỉnh nhà để tham gia ứng cử và bầu cử, ông đã trúng cử với tỷ lệ 90% số phiếu. Cụ Hồ đã bảo đảm cho Việt Nam Quốc dân đảng và Việt Nam cách mạng đồng minh hội 67 ghế ở Quốc hội, cuối cùng họ chỉ đạt được 48. Và muốn chứng minh lòng chân thành của mình, Cụ chỉ giữ lại 3 Bộ trưởng của Đảng Cộng sản Sài Gòn cũ trong số 12 bộ trưởng của Chính phủ của Cụ. Ông Giáp bị đánh giá quá cứng nhắc và không mềm dẻo với bọn quân Tưởng nên không còn giữ ghế Bộ trưởng nội vụ và được cử làm chủ tịch hội đồng quân sự.

        Không phải là một chức vụ tầm thường. Tháng 3 năm 1945, Việt Minh có khoảng 1.000 người có vũ khí đã kiểm soát được tám trăm nghìn dân trong vùng tự do và một phần ba Bắc kỳ với ba chục nghìn kilômét vuông đất đai. Tháng 6, Giáp đã thành lập được đơn vị tiểu đoàn đầu tiên; tháng 8 Giáp chỉ huy năm nghìn binh sĩ vào Hà Nội, vào cuối 1945 hơn năm chục nghìn người khác đã được tuyển chọn.

        Nhiệm vụ đầu tiên của ông Giáp là trang bị vũ khí cho các binh sĩ mới. Ông đã dùng tiền quyên góp trong “tuần lễ vàng” do Cụ Hồ đề xướng khi Cụ về Hà Nội-để mua ba chục nghìn súng trường và hai nghìn súng máy của Hồng quân Trung Quốc. (Cụ Hồ yêu cầu đồng bào đóng góp tiền bạc và của cải cho Chính phủ, vì ngân khố đang trống không. Phần lớn tiền quyên góp được-khoảng hai mươi triệu đồng bạc-phải cung cấp cho tướng Lư Hán để quân Tưởng không can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam và để cho Cụ Hồ được rảnh tay hoạt động). Ông Giáp đã phái Nguyễn Văn Cam và Trần Văn Giàu-sau này là lãnh đạo miền Nam-đến Hồng Kông và Bang Kok để đổi vàng, thuốc phiện và gạo lấy vũ khí đưa bí mật qua các cảng nhỏ ở miền Nam.

        Ông Giáp còn tổ chức sản xuất vũ khí trong những “nhà máy” nguyên thủy và các xưởng rèn. Ở Thái Nguyên, một nghìn năm trăm chiến sĩ Việt Nam cùng làm việc với hàng trăm tù binh chiến tranh Nhật Bản thuộc số vài nghìn lính đào ngũ của quân đội hoàng gia đã đi theo Việt Minh: nỗi nhục đầu hàng là tội lỗi không thể tha thứ trong đạo luật của Võ sĩ đạo của các chiến binh Nhật Bản. Có lẽ vì vậy họ không muốn trở về đất nước họ. Ở Thái Nguyên mỗi ngày có thể sản xuất được 50 súng trường và 10 súng ngắn, mỗi tháng sản xuất được 3-4 súng máy phỏng theo kiểu các vũ khí hiện có trong kho.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #22 vào lúc: 02 Tháng Tư, 2016, 09:13:44 pm »

        Nhà máy thứ hai ở Quảng Ngãi. Ba trăm đàn ông và đàn bà làm việc ở đó dưới sự điều hành của một sĩ quan tham mưu Nhật Bản đào ngũ tên là Saito. Còn một xưởng ở Phú Thọ và một ở Tháp Mười, năm trăm công nhân làm việc với những người Nhật Bản và có cả vài người Đức thuộc quân lê dương ngoại quốc đào ngũ. Có một dãy núi ở Trung kỳ và miền Nam. Một vài công nhân Trung Quốc sản xuất vũ khí ở Trà Lĩnh trên biên giới Việt Trung. Ngoài ra còn có nhiều xưởng thợ thủ công của làng xã cũng sản xuất các phụ tùng của vũ khí mà không thể thực hiện sản xuất hàng loạt được. Giáp đã dùng mọi nơi lớn hoặc nhỏ thuận lợi để sản xuất vũ khí. Đó là một dẫn chứng về tài năng kỳ lạ của ông Giáp trong việc tổ chức, sử dụng và tuyển chọn những người dưới quyền.

        Ở các tỉnh, các cán bộ tuyển chọn thanh niên để thành lập bộ đội địa phương. Bộ đội địa phương cũng tổ chức thành đơn vị thông thường nhưng không phải trả lương? (Cho đến năm 1950, dân thường không có ai phải tái ngũ, sau đó thì sĩ quan phải tái ngũ). Mặc dù Cụ Hồ đang hết sức cố gắng để thành lập một Chính phủ được người Pháp công nhận dù cho tương lai sắp tới sẽ như thế nào ông Giáp cũng muốn: “động viên, tổ chức và trang bị cho nhân dân để chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh nhân dân”. Dù sao ngày ngày 26 tháng 3 Giáp cũng đã đọc một bài diễn văn ca ngợi quân đội Pháp: người ta có thể nghĩ rằng khi có điều kiện ông Giáp có thể trở thành nhà ngoại giao.

        Đầu năm 1946 đại diện của Chính phủ Pháp đồng ý với đề nghị của Cụ Hồ, chấp nhận từ bỏ quyền cai trị Đông Dương trước chiến tranh để đổi lấy việc quân đội Tưởng rút khỏi Bắc kỳ và Trung kỳ. Quân Tưởng ra đi dọn đường cho quân Pháp tự do vào miền Bắc. Cùng lúc đó ngày 6 tháng 3, Sainteny thỏa thuận với Cụ Hồ Chí Minh ký kết một hiệp định cho phép hai mươi lăm nghìn quân Pháp được đóng ở miền Bắc chỉ trong 5 năm. Đổi lại Việt Nam trở thành một quốc gia tự do-một bộ phận của “Liên bang Đông Dương” trong khối liên hiệp Pháp-có chính phủ riêng, tài chính và quân đội riêng. Chỉ sau hai tuần lễ, để tăng tăng cường sự có mặt nhanh chóng của quân Pháp ở Đông Dương, một nửa lữ đoàn quân lê dương số 13 nổi tiếng vào miền Nam, ngay sau đó lữ đoàn lê dương số 3 và những quân tăng viện từ Pháp, châu Phi vào miền Bắc.

        Quân lê dương đến Đông Dương từ 1883, họ rất bất mãn đối với người Việt Nam và rất kiêu ngạo khi làm việc với người Việt Nam-Chúng tung ra một chương trình can dự và phát triển. Bọn lê dương cũng đối xử rất nghiêm khắc đối với lính lê dương lọt vào tay Việt Minh: thiến, mổ bụng, đóng đinh, đó là những từ thông thường trong lịch sử của quân đội lê dương.

        Chiến lược của người chỉ huy quân sự ở Việt Nam tướng Salan là giữ các thành phố bằng đội quân đồn trú và lấn chiếm vùng nông thôn bằng các đội tuần tiễu. Quân đội Pháp càng tiến sâu vào vùng nông thôn càng đòi hỏi quân số phải tăng lên từng ngày, tốt nhất là tuyển mộ người Việt Nam không được hưởng toàn bộ chế độ của lê dương ngoại quốc và phải đội cái mũ mềm trắng thay cho cái kêpi trắng truyền thống; họ được phân tán trong các đại đội khác nhau của các đơn vị Bắc Phi để chứng tỏ lòng trung thành của họ. Quân lê dương còn thành lập những lính dù Việt Nam để sử dụng linh hoạt trong chiến thuật. Tháng 11, từ Bắc Phi, tiểu đoàn dù lê dương nước ngoài mới nhất (1BEP) đến, tiếp theo tháng 2 năm 1947 là tiểu đoàn thứ hai.

        Đối với Hồ Chí Minh, hiệp định mồng 6 tháng 3 là một bước tiến về phía trước. Cụ đã giải thích cho bọn ngoại quốc gia theo Trung Quốc và cho người Pháp rằng người Trung Quốc đã vào Việt Nam và ở lại một nghìn năm, không nên tạo cho họ một cơ hội mới nữa-nhưng sự hiện diện của quân đội Pháp cản trở nghiêm trọng nền độc lập sau này. Nhân dân đã phản ứng mạnh mẽ khi họ biết tin này. Ngày hôm sau, trước nhà hát, nơi hội họp truyền thống của thành phố, Cụ Hồ đã khẳng định tính đúng đắn của hiệp định trước vài trăm nghìn người. “Tôi xin thề tôi không lừa dối nhân dân, nhưng cách tốt nhất để tránh khỏi chiến tranh là đàm phán”.

        Ông Giáp nghĩ rằng chỉ có dùng vũ lực mới có thể giành được độc lập, nhưng vẫn ủng hộ Cụ Hồ và đến lượt mình phải làm cho quần chúng bớt căng thẳng. Trong một bài diễn văn cảm động, ông khẳng định hiệp định cũng có mục đích như lúc Lênin yêu cầu quân Đức ngừng tiến công Nga trong chiến tranh thế giới thứ nhất; do đó mà những người cộng sản củng cố được quyền lực; ngày nay Việt Minh cũng củng cố được vị trí của mình nếu quân Pháp định ở lại đây lâu dài. Hiện nay chúng ta chưa sẵn sàng, phải có thời gian để chuẩn bị quân đội kháng chiến mới thắng lợi. Cuối cùng quần chúng giải tán mà chưa hẳn đã được thuyết phục hoàn toàn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #23 vào lúc: 02 Tháng Tư, 2016, 09:20:25 pm »

        Thật ra quần chúng cũng có lý của họ. Sau khi quân Tưởng và quân Anh đã rút lui, Việt Nam trở thành vấn đề nội bộ của nước Pháp không liên quan đến quốc tế. Người Pháp tự do rảnh tay hành động, kể cả khi người Mỹ đang chú ý theo dõi các sự kiện xảy ra ở đây. Vì từ khi Liên Xô tăng cường ảnh hưởng ở phía Đông châu Âu, người Mỹ rất sợ sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản thế giới.

        Ngày 18 tháng 4, ông Giáp dẫn đầu phái đoàn Việt Minh đến hội nghị Đà Lạt để bàn định những điều chi tiết cụ thể cho hiệp định mồng 6 tháng 3. Đà Lạt là vùng rừng núi có nhiều biệt thự rất thích hợp cho người Pháp nghỉ mát trong những tháng hè oi bức. Cuộc đàm phán không đi đến thỏa thuận, vì trái ngược với ý kiến của người Việt Nam về hiệp định Sơ bộ, người Pháp tuyên bố nhiều hạn chế nghiêm ngặt về quyền kiểm soát của người Việt Nam. Hình như người Việt Nam chẳng còn có quyền lực gì nữa ví dụ luật pháp, kế hoạch kinh tế và giao thông. Vì sự phản bội của người Pháp, Giáp về Hà Nội hai bàn tay trắng. Đến tháng 5, quân Tưởng bắt đầu rút về nước, ông được cử làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

        Theo một sĩ quan Pháp tham dự hội nghị Đà Lạt, ông Giáp bỏ mặc chuyện đàm phán. Người hơi nghiêng, miệng mỉm cười, ông kể cho chúng tôi nghe về thời trai trẻ của ông, vợ ông bị bắt và giết thế nào. Cuộc đời ông tàn tạ đến thế nào. Và ông tiếp tục: nhưng ông sẵn sàng quên hết mọi chuyện, đưa thẳng bàn tay ra, nuốt hết đau thương để dành hận thù cho những kẻ gây nên tội ác và không thể thống nhất với nước Pháp.

        Ngày 31 tháng 5, Cụ Hồ Chí Minh cùng Phạm Văn Đồng đáp tàu đi Hải Phòng, hy vọng một cuộc đàm phán ở Pháp sẽ gặp được thái độ hợp lý hơn. Ngay ngày hôm sau, d’Argenlieu tuyên bố thành lập nước “Cộng hòa Nam kỳ tự trị”, như vậy quyền lực của miền Nam sẽ ở trong tay cao ủy Pháp. D’Argenlieu chắc rằng chia đôi được đất nước thì có thể áp đặt quyền đô hộ của người Pháp trên toàn cõi Việt Nam.

        Ở Nam kỳ, người Pháp tiếp tục tăng cường lực lượng quân sự và tuyển mộ người Việt Nam để chống lại phong trào nổi dậy liên tục của nhân dân và đối phó với việc quân khởi nghĩa thanh chừng hơn ba trăm xã trưởng. Hiện nay quân Pháp đã có ba mươi nghìn lính Pháp và hơn sáu nghìn lính mới bản xứ. Một số lính mới này đã được phục vụ trong quân lực Pháp tự do ở châu Âu.

        Ngày 12 tháng 9 ở Fontainebloau đã có một số thỏa hiệp nhượng bộ đối với Việt Nam, nhưng là những điều vô nghĩa, về thực chất không đạt được tiến bộ nào đáng kể. Ngày 13 phần lớn phái đoàn Cụ Hồ Chí Minh lên tàu thủy về Hải Phòng; nhưng cụ không muốn trở về tay không.

        Ngày 14, Cụ gặp Thủ tuớng Chính phủ lâm thời Georges Bidault và yêu cầu ông ta có điều gì đó để trình bày với nhân dân Việt Nam. Ông Bidault đã hứa sẽ tổ chức trưng cầu dân ý ở Nam kỳ và tiếp tục những cuộc đàm phán năm sau.

        Trở lại Hà Nội, ông Giáp không được nghỉ, ông đã đọc một bài diễn văn nhân dịp kỷ niệm một năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trước quần chúng và một số đại biểu Pháp. Bên ngoài tình thế xem có vẻ bình thường, yên tĩnh, nhưng bên trong có rất nhiều chuyện nổi cộm.

        Ngày 10 tháng 10 năm 1946, D’Argenlieu cho rằng cắt đứt con đường cung cấp là có thể chặn đứng việc vận chuyển vũ khí bí mật vào. Y ra lệnh cho cao ủy Pháp ở Bắc kỳ giành lấy quyền kiểm soát hải quan ở Hải Phòng. Ngày 15 khi người Pháp công bố quyết định này mà không giải thích, lập tức bị quần chúng phản ứng. Người Việt Nam phản đối việc người Pháp cướp quyền kiểm soát hải quan, nhưng người Pháp lại hành động cứ như chính phủ của họ lầm lỡ bỏ qua. Ở Hải Phòng, nhân dân xuống đường còn ở Hà Nội Giáp rất tức giận.

        Ngày 20, một thuyền chở hàng cấm bị quân Pháp tuần tiễu bắt giữ. Trên bờ biển chiến sĩ Việt Minh bắn vào lính thủy Pháp. Quân Pháp bắn trả, trên hai mặt trận, quân lính vào chiến tranh chiến đấu và bắn vào nhau. Ngày 23 D’Argenlieu cho người chỉ huy hải quân Pháp sử dụng những biện pháp hữu hiệu để chấp hành mệnh lệnh của ông. Do vậy, tuần dương hạm Suffren sử dụng pháo binh hải quân và không quân bắn phá Hải Phòng. Phần lớn bom đạn rơi vào khu phố Trung Quốc. Có khoảng 6 nghìn người chết và mười bốn nghìn người bị thương. Một lần nữa phía Việt Nam không ai biết rõ số người thương vong.

        Tình trạng ngày càng căng thẳng. Cụ Hồ Chí Minh đang trên con đường về Việt Nam. Ông Giáp là người thay thế chủ tịch, muốn can thiệp để giảm bớt căng thẳng nhưng không có hiệu quả. Tháng 11, Cụ Hồ về nước. Cả hai mặt trận đã sẵn sàng vào cuộc chiến, tiếng súng đã lan đến Hà Nội.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #24 vào lúc: 02 Tháng Tư, 2016, 09:27:53 pm »

        Ông Giáp kể:

        “Quân Pháp bắt đầu đẩy mạnh những hoạt động khiêu khích tại Hà Nội. Bọn lính lê dương mũ đỏ kéo đi hàng bầy trên phố Tràng Tiền. Chúng xông vào các hiệu buôn, cướp hàng hóa. Chúng xé báo, xé ảnh trưng bày tại nhà thông tin. Có lần chúng giật cả một lá cờ Việt Nam treo trên đường. Lính tuần cảnh Pháp phóng mô tô bừa bãi giữa các phố đông. Chúng cố tình gây ra tai nạn và khiêu khích công an giao cảnh của ta… Có tên lính Pháp còn đứng trên nhà gác, chĩa súng xuống, bắn vào tàu điện đang chạy qua. Vòng xích xe bọc thép của Pháp ngày đêm nghiến mặt đường.

        Ngày 7 tháng 12 quân Pháp ở Hải Phòng tiến hành một cuộc tiến công mới… quân ta chặn đánh kịch liệt. Cuộc tấn công thất bại.

        Ngày 9 Pháp đổ bộ trái phép 800 lính lê dương vào Đà Nẵng một tuần dương hạm đến đó ngày 13. Ngày 14 Pháp đưa thêm 400 lính lê dương vào Hải Phòng…

        Trên cả nước, đã dấy lên một phong trào phản đối bọn phản động Pháp. Tổng bộ Việt Minh thay mặt chín triệu hội viên, gửi thư ngỏ tới Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ, yêu cầu Chính phủ kiên quyết bảo vệ chủ quyền, và tuyên bố sẵn sàng đem xương máu để giữ gìn từng tấc đất của ông cha. Các đoàn thể thanh niên, phụ nữ, giáo viên… đều ra hiệu triệu kêu gọi các hội viên hăng hái góp phần cùng toàn dân phá tan âm mưu xâm lược của quân đội Pháp.

        Đảng ta giữ vững quyền lãnh đạo tuyệt đối các lực lượng vũ trang và thực hiện sự lãnh đạo trực tiếp đối với quân đội… Hàng ngũ dân quân du kích lúc này đã phát triển khá đông, tới gần một triệu người. Công việc xây dựng làng kháng chiến được tiến hành khẩn trương. Bộ đội và dân quân du kích luyện tập ngày đêm, ra sức nâng cao trình độ chiến đấu, sẵn sàng ứng phó với tình thế chiến tranh nổ ra.

        Nhiều nhà máy, xưởng cơ khí của thực dân Pháp trước đây được chuyển thành xưởng quân giới. Với tinh thần của những người chủ mới, anh em công nhân cùng với những cán bộ kỹ thuật phần lớn xuất thân từ các trường kỹ nghệ thực hành của Pháp hăng say làm việc sửa chữa các loại súng và pháp hư hỏng. Chúng ta cũng bắt đầu sản xuất một số vũ khí cần thiết cho bộ binh, đạn, lựu đạn, mìn, bom ba càng…

        Một hôm, sau cuộc họp của Hội đồng Chính phủ, khi mọi người đã ra về, Bác hỏi tôi:

        -Nếu địch mở rộng chiến tranh trên miền Bắc, Hà Nội có thể giữ được bao lâu?

        Tôi thưa với Bác:

        -Có thể giữ được một tháng.

        Bác lại hỏi:

        -Các thành phố khác thì sao?

        -Các thành phố khác thì ít khó khăn hơn.

        -Còn vùng nông thôn?

        -Vùng nông thôn nhất định ta giữ được.

        Người suy nghĩ giây lát rồi nói:

        -Ta lại trở về Việt Bắc.

        Một kế hoạch chiến đấu bảo vệ Hà Nội đã được vạch ra khá cụ thể… Hằng ngày, đồng bào kéo đến ủy ban khu phố đông nghịt, xin ghi tên vào các đội bảo vệ, cứuy thương, hỏa lực (nấu ăn). Phụ nữ cắt bỏ những chiếc áo dài tha thướt, cắt tóc ngắn, mặc quân phục vác súng, đeo gươm tham gia các cuộc tuần tra canh gác. Những người công nhân chuẩn bị khi cần thiết đánh đổ các tàu điện lên đường phố cản trở hoạt động chuyển quân của quân Pháp. Họ đào lỗ trên các gốc cây dọc đường để đặt mìn và khi cần cho đổ cây cản trở sự tiến quân của quân Pháp.

        Từ trung tuần tháng 12, sự khiêu khích của quân Pháp ở Hà Nội chuyển sang một bước mới. Ngày 15 tháng 12, quân Pháp nổ súng ở nhiều nơi trong thành phố. Chúng bắn vào các chiến sĩ công an quận tám tại vườn hoa Hàng Đậu. Chúng ném lựu đạn làm bị thương hai chiến sĩ vệ quốc ở phố Hàm Long… sáng ngày 17 máy bay thám thính của Pháp lượn suốt buổi trên bầu trời Hà Nội. Mười giờ sáng, lần đầu, quân Pháp cho xe bọc thép tới phá những công sự của ta tại phố Lò Đúc. Bọn lính lê dương bắn nhiều phát súng cối vào phố Hàng Bún, có nhiều xe tăng và xe bọc thép đi kèm, kéo ra nhiều khu phố gần khu thành. Cùng ngày Bác Hồ đã nhận định… “Chúng ta đã nhân nhượng, nhưng càng nhân nhượng thì kẻ địch càng lấn tới. Cuộc kháng chiến của nhân dân ta sẽ trường kỳ và gian khổ song nhất định sẽ thắng lợi”.

        Chiều ngày 19, tôi đi thăm bộ đội. Dọc phố nhiều nhà cửa đóng kín. Một số cụ già và em nhỏ tiếp tục rời Hà Nội bằng xe tay. Trên xe những gói quần áo, chăn màn chất đầy trước, sau… từ trong ngõ những chiếc xe bò chở đất đang tiếp tục được đẩy ra. Thanh niên trai, gái vừa đẩy xe vừa vui vẻ la hét mọi người tránh đường. Thành đất đắp cao. Các chiến sĩ tự vệ đóng những cục gỗ và tiếp tục đắp đất vào chiến lũy. Một tổ úy lạo đang hát để động viên họ. Lớp người trẻ tuổi này đang khẩn trương chuẩn bị cho một cuộc chiến đấu quyết liệt với kẻ thù, còn rất xa lạ với chiến tranh. Nhưng qua câu chuyện với anh em, tôi đã thấy mọi người đang đón nó với nhiều lạc quan tin tưởng. Họ chưa biết điều gì xảy ra với họ ngày mai. Nhưng nhìn vẻ mặt của họ, ta biết rồi đây họ sẽ vượt qua mọi thử thách.

        Từ đêm 19 tháng 12 chiến tranh đã lan rộng ra cả nước ta. Huế, Đà Nẵng, Nam Định… cũng đã vùng dậy chiến đấu cứu nước diệt thù.

        Ngày 20 tháng chạp, lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh được đài tiếng nói Việt Nam truyền đi từ một địa điểm cách Hà Nội không xa. “…Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Hỡi: Đồng bào, chúng ta phải đứng lên!”.

        Mùa đông năm ấy, 56 tuổi, với cây gậy trúc và đôi dép cao su, Người lên đường đi kháng chiến. “Cố rán sức qua khỏi mùa đông lãnh lẽo, thì ta sẽ gặp mùa xuân”, Người nói với tôi như vậy. Đó là một con người yêu nước vĩ đại. Tình thương yêu đối với đất nước, sự ân cần sâu sắc đối với nhân dân của Người thật không có biên giới. Người đã hy sinh suốt đời cho sự sống của dân tộc và sự giải phóng của nhân dân…

        Đọc những dòng này và tính đến sự tôn thờ chủ nghĩa cộng sản gắn liền với nhân cách của con người thì có thể giải thích được tại sao những người khởi nghĩa lại chiến đấu cho nền độc lập của họ nhiệt tình đến như vậy.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #25 vào lúc: 02 Tháng Tư, 2016, 09:45:34 pm »

       
Chương 7

Những trận chiến đấu đầu tiên

        Yếu tố quyết định thắng lợi trên chiến trường là làm cho quần chúng cách mạng sẵn sàng xông lên phía trước, sẵn sàng đổ máu, sẵn sàng hy sinh tất cả khi cần thiết, và sẵn sàng chiến đấu vì quyền lợi cơ bản của giai cấp và sự sống còn của đất nước.
       
Võ Nguyên Giáp       

        Việt Minh rời Hà Nội ngày 27 tháng 11 năm 1946 và trở lại Việt Bắc hay chính xác hơn vùng Bắc Cạn cách 130 km về phía Bắc. Ở đó họ tạo lập một vùng tự do cho biên giới không rõ ràng cho nên quân Pháp không thể đánh vào vùng biên giới Trung Quốc, và quá rộng lớn khiến quân Pháp không thể chia cắt được. Ngày 19 tháng 12 Việt Minh tuyên chiến với nước Pháp.

        Ông Giáp có nhiều việc phải làm, ông lao vào công tác tràn ngập ý tưởng, nghị lực và nhiệt tình. Trước hết ông phải tuyển mộ thêm nhiều binh sĩ, trang bị và huấn luyện cho họ.

        Việc tuyển mộ không thành vấn đề. Ở Việt Bắc, nhiệt tình cách mạng đã được tuyên truyền giáo dục cách đây hai năm vẫn còn nóng bỏng; một số cán bộ ở nguyên vị trí, họ tiếp tục hoạt động; chẳng bao lâu số người tuyển mộ được vượt quá con số vũ khí hiện có. Tất nhiên vùng căn cứ là vùng rừng núi, vùng của người miền núi và việc tuyển mộ trước hết trong các dân tộc thiểu số. Những người biết tiếng dân tộc được cử đến những vùng dân tộc đó để tổ chức vận động quần chúng, có thể cưới một cô vợ người dân tộc, để tuyển mộ tân binh ở trong làng và những vùng lân cận.

        Còn vũ khí thì Việt Minh có thể tự sản xuất được một phần ba trong số 83 nghìn vũ khí đủ cho họ chiến đấu đến năm 1949. Một phần ba lấy của quân Nhật đầu hàng hoặc của OSS cung cấp và một phần ba còn lại mang được ở Thái Lan, Hồng Kông hoặc của quân Anh: sáu nghìn súng trường, bốn trăm súng máy, năm cao xạ nhỏ, hai trăm mìn và một nghìn lựu đạn. Ông Giáp có thể bổ sung vào kho vũ khí bằng các trận đánh thắng, thu được vũ khí từ tay quân Pháp. Năm 1946, ông cũng đi mua được mười hai nghìn đồng tiền phương tiện thông tin của Hồng quân Trung Quốc: như vậy rõ ràng ông đã có trong tay phương tiện, tuy còn hạn chế để kiểm soát và chỉ huy lực lượng vũ trang.

        Về vấn đề huấn luyện, năm 1946 Việt Minh đã thành lập những trường sĩ quan và hạ sĩ quan ở Tổng, trên một cơ sở cũ của quân Pháp phía Tây Bắc Hà Nội, và ở Quảng Ngãi miền Trung Việt Nam. Cả hai cơ sở đều có giáo viên Nhật Bản người của tổ chức đoàn kết và ủng hộ nền độc lập của Việt Nam do trung tá Mukaiyaman thành lập. Cuối năm 1946 một nghìn năm trăm hạ sĩ quan ra trường, nhưng chỉ có vài trăm sĩ quan trong khi yêu cầu đến hàng nghìn. Thật lạ lùng, theo tư tưởng chỉ đạo mác xít của Đảng, các sĩ quan không phải thi tốt nghiệp mà họ được lựa chọn trong số học sinh giỏi và tích cực nhất, động cơ tích cực luôn luôn được thuận lợi hơn khi đánh giá về năng lực hành động.

        Sau khi lùi về chiến khu, nhiều sĩ quan và hạ sĩ quan khác được thành lập theo kiểu trường huấn luyện đầu tiên ở Pác Bó với những lán lợp lá cọ và sạp ngủ bằng tre thêm một cái bếp và một văn phòng. Các sĩ quan và hạ sĩ quan ra trường đều đến trung tâm thực tập rồi phân phối về đơn vị. Số đơn vị quân đội ngày càng tăng lên không ngừng. Mỗi khi việc sản xuất vũ khí đã đáp ứng yêu cầu tuyển mộ tân binh, một số người Nhật Bản rời xưởng máy của họ và theo bộ đội Việt Minh đi chiến đấu, thường phụ trách các loại vũ khí nặng: súng cối, súng máy và vài cỗ pháo binh hạng nặng do quân đội Việt Nam lấy được của quân Nhật đầu hàng.

        Tất nhiên trong các nhà trường, đều có giảng dạy về những lý luận cơ bản của chủ nghĩa cộng sản và đường lối lãnh đạo của Đảng cùng với sử dụng vũ khí và luyện tập chiến thuật. Nhiều khẩu hiệu dễ hiểu và dễ nhớ có thể làm cho những trí óc chậm hiểu nhất vẫn có thể nắm được những nội dung cơ bản.

        Võ Nguyên Giáp nhà nghiên cứu và vận dụng lý luận chủ nghĩa cộng sản vào điều kiện Việt Nam đã viết:

        “Cuộc chiến tranh giải phóng là một cuộc chiến tranh lâu dài và khốc liệt trong đó chúng ta phải tự lực cánh sinh là chính, vì chúng ta rất mạnh về chính trị nhưng yếu về vật chất kỹ thuật, còn kẻ địch rất yếi về chính trị nhưng mạnh hơn về vật chất kỹ thuật.

        Chiến tranh du kích là cách đánh của một cuộc chiến tranh cách mạng dựa trên chủ nghĩa anh hùng để chiến thắng vũ khí hiện địa. Đó là cách nhân dân của một đất nước yếu và trang bị kém có thể đứng lên chống lại một quân đội tấn công được trang bị mạnh hơn với kỹ thuật hiện đại hơn.

        Trong cuộc chiến tranh cách mạng thì chiến thuật đúng đắn là tiến hành chiến tranh du kích, rồi chuyển từ chiến tranh du kích sang chiến tranh thông thường và kết hợp chặt hoặc hai loại chiến tranh này; chuyển từ chiến tranh du kích sang chiến tranh cơ động rồi chiến tranh vây hãm”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #26 vào lúc: 02 Tháng Tư, 2016, 09:52:45 pm »

        Tích tụ hàng nghìn chiến thắng nhỏ để làm một thắng lợi lớn… Trong thế giới cộng sản, mọi hành động thực tiễn đều cần có lý luận và cần có lý luận trong mọi hành động thực tiễn. Cách mạng và phục hưng là đề tài của phần lớn lý luận và thực tiễn: làm sao đánh đổ trật tự cũ và thiết lập một trật tự mới ưu việt hơn. Nhưng ông Giáp không tự bằng lòng với việc lặp lại các ý tưởng, ông trau dồi thêm tư duy của mình, và sáng tạo những tư tưởng mới. Ông đem những đóng góp của mình vào nền văn học đang phát triển mà đã có một số nội dung khó tiêu hóa; tên ông có trong danh sách những danh nhân văn học của ý thức hệ cộng sản. Các tín đồ và sinh viên toàn thế giới đang nghiên cứu tác phẩm của họ. Trong những năm tới nhiều người cũng tin tưởng chủ nghĩa cộng sản như ông, tìm tòi trong những tác phẩm của ông con đường đi đến không tưởng. Chắc chắn trong số họ có những người bước tiếp con đường đó và làm sụp đổ thế giới cũ: vấn đề đã trùng hợp với việc thiết lập nên một thế giới khác ưu việt hơn.

        Dựa theo những tư tưởng tiến bộ của Mác và Engels trong tuyên ngôn cộng sản, Mao Trạch Đông đã nhiều năm nghiền ngẫm những tư tưởng sâu sắc đặt ra một số câu hỏi và tìm tòi giải đáp rồi ghi vào bài viết cho in ấn để lại cho hậu thế. Suốt mấy năm đã soạn thảo như vậy được nhiều tiểu luận và sách nhỏ, nhưng lại là tác phẩm quan trọng nhất của ông. Năm 1928 ông viết cuốn đấu tranh trong rừng núi Chi Kan Shan, năm 1937 chiến tranh du kích, năm 1938 những vấn đề chiến lược trong chiến tranh chống Nhật. Ông đã nêu lên những điểm tiên quyết của chiến tranh du kích. Đó là:

        -“Có nước sâu thì cá mới bơi lội được, nói cách khác cán bộ khởi nghĩa phải là bí mật ở cùng nhân dân mới giúp họ nổi dậy được.

        -Không vừa lòng mọi người để họ đáp lại bằng lật đổ. Làm cho họ không vừa lòng nếu họ chẳng còn gì nữa.

        -Những người khởi nghĩa có thể dấu mình trong những mảnh đất không có lối vào nếu họ bị lực lượng an ninh truy đuổi vây ráp.

        -Cần mùa màng tốt cho những người cảm tình nuôi mình. Cần một biên giới với người láng giềng hoàn toàn theo mình”.

        Từ sau năm 1949 Trung Quốc cộng sản cung cấp cho Việt Nam mọi thứ cần thiết. Bảy giai đoạn để giành thắng lợi trong chiến tranh du kích là:

        “-Vận động quần chúng nổi dậy và tổ chức quần chúng.

        -Thực hiện đoàn kết nội bộ.

        -Xây dựng cơ sở.

        -Phát triển cơ sở.

        -Tạo nên một tiềm lực dân tộc.

        -Phá hoại tiềm lực của địch.

        -Giành lại những đất đai bị địch chiếm”.

        Cụ Hồ Chí Minh và ông Võ Nguyên Giáp đã lần lượt qua các Đông Dương này theo đúng thứ tự như trên.

        Ông Giáp còn thêm vào bảy giai đoạn của Mao những nguyên tắc của ông:

        “-Nếu kẻ địch tiến, chúng ta lùi

        -Nếu chúng dừng lại, chúng ta quấy rối

        -Nếu chúng tránh giao chiến, chúng ta tấn công

        -Nếu chúng rút lui, chúng ta đuổi theo”.

        Rõ ràng chúng ta có một ông Giáp hăng hái và sẵn sàng xông tới, ông thẳng thắn, tự tin, quyết đoán và kiên nhẫn. Người Pháp và người Mỹ đã hứng chịu những hậu quả tai hại của những nguyên tắc của ông khi ứng dụng vào thực tiễn.

        Cụ Hồ Chí Minh, ông Giáp và ông Phạm Văn Đồng đã soạn thảo ra những luật tổ chức của Việt Nam:

        -Chia cắt bọn phản động (nước ngoài hoặc chống cộng sản).

        -Không phá tan bọn phản động mà kiểm soát được chúng.

        -Không loại bỏ hoàn toàn hệ thống xã hội hiện hành.

        -Không tham việc quá.

        -Phải có lý lẽ đồng thời hành động chống bọn phản động.

        -Sử dụng những tổ chức bí mật, không để họ tiếp xúc với nhau.

        -Không khơi dậy những sự nới khéo, không có lợi, để tránh tạo nên những đối thủ nguy hiểm.

        -Lao động từ nhỏ đến lớn, từ riêng đến chung.

        -Hãy giành lấy những thắng lợi nhỏ cho chủ nghĩa cộng sản và thắng lợi lớn cho dân tộc.

        Mao đã định nghĩa 3 loại hành động chính trị: Những hành động hướng tới kẻ thù (địch vận); những hành động đối với nhân dân (dân vận); những hành động dùng cho các lực lượng du kích và đảng viên (cương lĩnh và tổ chức). Ông Giáp suy nghĩ về ba dạng hành động phụ trước khi sử dụng các dạng trên:

        Tạo lập cơ sở tâm lý trong nhân dân; một hoạt động tổ chức mức thấp (tìm kiếm những cuộc tiếp xúc vững chắc, lập nên ở đó một hệ thống liên lạc) bao gồm việc thành lập những vấn đề vũ trang tuyên truyền. Những hoạt động khác nhau của cán bộ cốt cán đều có tên khác nhau: dân vận là hoạt động trong nhân dân do đảng trực tiếp kiểm tra, binh vận là hành động trong binh lính địch, địch vận là hành đông trong dân chúng địch. Mỗi lần được học tập hết những nguyên tắc trên, các chiến sĩ sẽ sẵn sàng đi chiến đấu.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #27 vào lúc: 02 Tháng Tư, 2016, 09:58:27 pm »

        Năm 1946 D’Argenlieu đã tính sai những kế hoạch tấn công ở miền Bắc. Ở Hà Nội, những người cộng sản quan tâm chủ yếu đến các nhóm phản động cần thanh toán (trước hết bọn Việt Nam quốc dân đảng) và củng cố chính quyền của họ. Họ không chống đối quyết liệt quân Pháp mà còn tìm kiếm một cách thỏa hiệp với chúng. Trong khi D’Argenlieu tìm cách tăng cường ảnh hưởng của Pháp, tăng cường lực lượng quân sự Pháp ở Nam Kỳ, có thể ông ta đã không ưu tiên cho việc ngăn cản Việt Minh trước khi họ rút về chiến khu. Phong trào chống chủ nghĩa thực dân được thời cơ thuận lợi để cuối cùng họ có thể quét sạch quân Pháp, tuy lúc bấy giờ quân Pháp có thể làm chậm trễ việc rút lui về Việt Bắc, và thời gian sau có thể ra đi ngẩng cao đầu. Cụ Hồ Chí Minh và quân đội của Cụ đã ra đi, miền Bắc mở rộng cửa để người Pháp có thể dùng hiệu lực quân sự để tăng cường nhanh chóng vị trí của họ ở Bắc kỳ và Trung kỳ. Nhưng thật bất hạnh đối với các tướng tá Pháp ở Đông Dương, năm 1947 người Pháp đã qua một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về kinh tế và cả tình trạng lộn xộn về chính trị.

        Hoa Kỳ rót vào châu Âu một khoản viện trợ kinh tế hào hiệp đáng ngạc nhiên để giúp châu Âu hàn gắn vết thương chiến tranh. Vì bị mất thăng bằng trước những hoạt động của chủ nghĩa cộng sản, nước Pháp được hưởng một khoản viện trợ ưu tiên. Đáng lẽ dùng khoản viện trợ này vào việc xây dựng kiến thiết đất nước hưng thịnh và ổn định, nước Pháp dùng tiền của kế hoạch Marshall vào ngân sách chiến tranh ở Đông Dương, không giành khoản nào cho kiến thiết kinh tế. Phản ứng của dư luận dãn đến không ổn định chính trị và thường xuyên thay đổi chính phủ. Các vị thủ tướng chính phủ lần lượt ra đi cùng với các sĩ quan chỉ huy quân sự ở Đông Dương mà họ cử ra. Ở Sài Gòn không còn tư duy chiến lược lâu dài, mà thường xuyên phải chịu những tin tức thất bại của Đông Dương không gây nên một cuộc khủng hoảng chính trị mới ở mẫu quốc và sự thay đổi chính phủ không biết là lần thứ mấy.

        Ông Giáp đã phân tích một cách sáng suốt tình trạng này bằng hai chương sau:

        “Các chính phủ Pháp đều khẳng định mọi cố gắng phải đạt được một lối ra danh dự, nghĩa là một kết cục thắng lợi. Để đạt được mục đích đó, họ đều nhanh chóng tăng cường chiến tranh và họ đã thu được một số thắng lợi nhất định, nhưng chủ yếu đế quốc Pháp đã yếu đi sau chiến tranh thế giới thứ hai, các lực lượng của họ, con người cũng như vật chất kỹ thuật đều có hạn. Hơn nữa ở nước Pháp, nhiều người Pháp phản đối cuộc chiến tranh thuộc địa của họ. Họ đành bất lực trong việc động viên một lực lượng vật chất khổng lồ để chống lại chúng ta, phương thuốc cứu họ là sử dụng ngày càng nhiều quân phản động (thông thường ông Giáp và những người cộng sản gọi bọn người làm việc và chiến đấu cho người Pháp và sau này cho người Mỹ. Về bản chất bọn phản động không kiểm soát được hành vi của họ và tuân theo quan thầy của họ. Từ thế kỷ XIX người Pháp đã tuyển mộ quân thuộc địa vào quân đội của họ và bây giờ vẫn tiếp tục con đường đó).

        Nguyên nhân chính của những khó khăn của họ bắt nguồn từ bản chất không công bằng của chiến tranh xâm lược. Mục đích cuối cùng của bọn thực dân Pháp là chiếm lấy đất đai của chúng tôi; so với cuộc kháng chiến của chúng tôi, họ phải phân tán lực lượng và dựng nên hàng nghìn đồn bốt quân sự, nhỏ và lớn để bảo vệ những gì mà họ đã thu được. Họ phải thường xuyên phân tán quân đội của họ. Càng phân tán, chúng tôi càng có thời cơ để đánh phá từng miếng, từng miếng một. Càng tăng tỷ lệ quân phản động, tinh thần quân địch càng sa sút”.

        Cả hai mặt trận của hai bên đều sử dụng những tháng đầu năm 1947 để chuẩn bị lực lượng. Quân Pháp giành quyền kiềm soát một số thành phố chính của Việt Nam để tăng cường lực lượng quân sự. Ông Giáp thành lập ba thứ quân cần thiết cho cuộc kháng chiến: lực lượng chủ lực, lực lượng quân địa phương và lực lượng dân quân tự vệ.

        Ở cấp thứ nhất, mọi người trong làng-già trẻ, gái trai-phải ủng hộ các đội quân ở cấp cao hơn, có khi trực tiếp tham gia tác chiến du kích hoặc phòng ngự, có khi gián tiếp làm chông bẫy, đào hầm, hoặc cung cấp lương thực và sẵn sàng bảo vệ phòng ngự xóm làng.

        Các đơn vị địa phương tổ chức và trang bị không chặt chẽ như bộ đội chủ lực, chỉ tập trung huấn luyện hai ba lần trong một năm, thường đóng tại quê hương, có thể hành động hợp đồng tác chiến với sức cơ động hạn chế để yểm hộ cho bộ đội chủ lực.

        Theo ý Mao, những đơn vị địa phương thường rất có ích: về chiến lược là quấy rối phía sau địch, và về chiến thuật được sử dụng làm nghi binh và chiến đấu bên cạnh lực lượng chủ lực trong tác chiến. Các đơn vị tự vệ phụ trách thông tin, dẫn đường và chăm sóc thương binh.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #28 vào lúc: 02 Tháng Tư, 2016, 10:02:25 pm »

        Lực lượng chủ lực của ông Giáp nhanh chóng trưởng thành về số lượng và chiến đấu hiệp đồng trong thời gian, tổ chức của quân đội đều chia ba: ba trung đội thành một đại đội, ba đại đội thành một tiểu đoàn, ba tiểu đoàn thành một trung đoàn, ba trung đoàn thành một sư đoàn. Các đội dân quân tự vệ thường hoạt động chiến tranh du kích và khi đã có ít kinh nghiệm đủ sức vững vàng thì có thể trở thành bộ đội chủ lực. Đó là một sơ đồ tổng hợp, mà những nguồn lực của đất nước ở cấp thấp nhất về con người có thể được động viên, được huấn luyện, được hướng dẫn để có thể chiến đấu ác liệt hơn trong cuộc nổi dậy.

        Đầu tháng 10 năm 1947 sau một thời gian dài chuẩn bị, quân Pháp dùng 17 tiểu đoàn tổ chức một cuộc tiến công quân sự với quy mô lớn hy vọng tiêu diệt lực lượng chính của Việt Minh và cơ quan lãnh đạo của họ. Trong cuộc hành quân “Léa”, mười hai nghìn lính dù Pháp sau khi đổ bộ xuống chỉ lùng sục trên mặt đất. Còn Cụ Hồ Chí Minh và ông Giáp đã ẩn nấp vào hang để tránh quân địch phát hiện. Khi bọn lính dù đi khỏi, họ rời khỏi nơi ẩn náu và biến vào rừng rậm. “Ở rừng rậm mọi thứ đều thối rữa, thịt người thối rữa, trước hết”.  Người Việt Nam có thể chịu đựng được một mức độ nào đó, còn người Pháp thì không. Quân Pháp bị thối rữa: họ bị sốt rét và chết vì thối rữa. Quân Việt Minh vẫn qua lại những vùng mà quân Pháp tưởng đã quét sạch địch, để rồi đêm đến lại đánh vào quân Pháp.

        Ngày 16 tháng 10 quân du kích của ông Giáp phá những chiếc cầu phía sau quân nhảy dù. Quân Pháp muốn quay về phải sửa chữa bắc lại cầu. Sâu hơn về về phía Nam, trong vùng châu thổ sông Hồng, hai tiểu đoàn dù người dân tộc Thái do các sĩ quan Pháp chỉ huy đánh đuổi quân Việt Minh khỏi vùng giữa sông Hồng và sông Chảy (trong vùng quân Pháp nhảy dù, quân Việt Minh chống cự đặc biệt hiệu quả như chúng ta sẽ thường chứng kiến sau này). Những đội quân dù khác thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trên hai bờ sông Lô. Mọi việc trông có vẻ trôi chảy, nhưng mùa mưa đến, người chỉ huy quân Pháp hiểu ra rằng quân của ông ta đã tiến quá sâu và dễ bị thương vong trong vùng cơ sở kháng chiến của Việt Minh. Ông ra lệnh cho binh lính lui về trong các đồn trại.

        Thông thường khi gió mùa về cả hai phía mặt trận đều tạm dừng hành quân chiến đấu vì cơ động chuyển quân rất khó khăn. Nhưng trường hợp lần này thì khác. Ông Giáp không muốn cho quân địch rút lui: “phân tán lực lượng chủ lực thành đại đội độc lập và tập trung cỡ tiểu đoàn, tôi có một lực lượng yểm trợ mạnh cho dân quân tự vệ và du kích chiến đấu sau lưng địch. Đồng thời tôi xây dựng những đơn vị cơ động tiến lên đánh cơ động được. Lực lượng vũ trang của nhân dân với ba thứ quân đã hình thành.

        Phân tích cuộc hành quân Léa, ông Giáp đã viết những dòng ngắn gọn và sâu sắc như sau:

        “Mùa đông năm 1947 quân địch đã tung vào Việt Bắc ba nghìn quân thiện chiến hòng tiêu diệt các cơ quan lãnh đạo và bộ đội chủ lực của chúng ta để giành lấy một thắng lợi quyết định và đẩy nhanh việc thành lập một chính quyền phản động trên cả nước.

        Chính sách của tướng Revers (tướng chỉ huy cuối cùng) là tăng số quân trên mặt trận Bắc Bộ, mở rộng vùng chiếm đóng ở đồng bằng sông Hồng, tăng cường phòng ngự vùng tứ giác Lạng Sơn, Tiên Yên, Hải Phòng, Hà Nội, khép kín biên giới Trung Quốc-Việt Nam. Kế hoạch của tướng Revers cũng chỉ rõ:

        1.Phát triển đội quân phản động làm lực lượng chiếm đóng.

        2.Tập trung những đội quân châu Âu và châu Phi trong những đơn vị cơ động.

        3.Tăng cường mật độ hành quân càn quét đàn áp các hoạt động của chiến tranh du kích.

        Về phần chúng ta, chúng ta tán thành một cuộc chiến tranh du kích rộng rãi trong tất cả các vùng chiếm đóng. Chiến thuật sử dụng đại đội độc lập đã được tham chiến và giành thắng lợi lớn. Một bộ phận chủ lực được chia thành đại đội độc lập luồn sâu vào sau lưng địch và kết hợp tác chiến với đấu tranh chính trị trong lòng nhân dân. Kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị vừa tiêu diệt địch vừa xây dựng và củng cố cơ sở trong nhân dân và hướng dẫn các lực lượng bán vũ trang địa phương, kết hợp với nhân dân chiến đấu với quân địch. Công tác địch vận trong hàng ngũ địch, nhất là binh sĩ phản động là một nhiệm vụ chiến lược cần được đặc biệt quan tâm…”.

        Giữa năm 1948 và 1950, Việt Minh tung ra một loạt chiến dịch quy mô nhỏ với 9 tiểu đoàn (không phải 3 như thường lệ), đặc trưng cho chiến dịch du kích. Năm 1950 quân Pháp rải trên những vùng sâu rộng nhưng thưa của Việt Nam. Phân tán quân trong những lô cốt rải rác như những tháp canh trên một vành đai pháo đài vững chắc, họ tưởng rằng có thể kiểm soát được tình hình, nhưng đó là ảo tưởng: nói chung quân Việt Minh tự do qua lại giữa các đồn bốt. Hơn nữa, người chỉ huy quân Pháp không thành lập lực lượng cơ động để đuổi theo quân địch mỗi lần họ tấn công vào các lô cốt hoặc họ yểm trợ cứu ứng và không ngừng di chuyển trên các đường cái.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #29 vào lúc: 02 Tháng Tư, 2016, 11:19:50 pm »

        Dần dần các đội quân của ông Giáp đã khai thông được con đường qua các tỉnh phía Bắc trên đường biên giới Việt Trung: Cao Bằng, Lạng Sơn, Lao Cai, qua Hòa Bình trên con đường phía Nam Việt Bắc và phần lớn vùng Tây Bắc từ sông Hồng đến biên giới Việt Lào. Quân Pháp càng tuyển mộ nhiều người Việt Nam hơn bổ sung vào lực lượng thuộc địa: Cuối năm 1947 lực lượng này chiếm hai phần ba quân Pháp hiện có. Nhờ được ưu đãi, sĩ quan và hạ sĩ quan gắn bó với quân Pháp hơn binh sĩ.

        Bấy giờ quân Pháp đã xác định tổ chức trong chiến tranh Đông Dương: có vài đơn vị ưu tú như lính dù (Mũ đỏ, vững chắc nhất trong quân đội) một số đơn vị khác là quân đội thuộc địa từ Bắc Phi (Algériem, Maroc, Sénégal) dưới sự chỉ huy của sĩ quan Pháp và cuối cùng là quân lê dương ngoại quốc, là đơn vị quốc tế ưu tú lần đầu tiên tham gia chiến đấu. Một phần ba trong số họ là người Đức đã rời bỏ châu Âu lộn xộn sau chiến tranh để tìm đến một thế giới khác mà ở đó họ chỉ chiến đấu bằng mọi giá. Cuối cùng bọn Đức quốc xã cũng đến Đông Á.

        Tháng 3 năm 1948, ông Giáp thành lập 6 quân khu để thuận tiện cho việc lãnh đạo chỉ huy quân đội trong toàn quốc: Quân khu 1 ở vùng châu thổ sông Hồng, quân khu 2 ở Tây Bắc Bắc Bộ, quân khu 3 ở Đông Bắc Bắc Bộ, quân khu 4 ở phía Bắc Trung Bộ, quân khu 5 ở miền Nam Trung Bộ và quân khu 6 ở Nam Bộ. Mỗi quân khu có tổ chức lực lượng vũ trang riêng và sự lãnh đạo của Quân khu ủy, trực thuộc sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Tổng tư lệnh quân đội.

        Cuộc chiến tranh Đông Dương diễn ra chủ yếu trong các quân khu 1 đến 5. Chỉ có một số hành động ở quân khu 6, xung quanh Huế và dọc đường số 1 theo bờ biển Việt Nam mà người Pháp thường xuyên bị đánh, trên con đường quanh co này.

        Những ưu tiên của năm này là giành lấy lòng tin của nhân dân và tiếp tục cuộc chiến đấu để giải phóng đất nước. Về điểm này, Cụ Hồ Chí Minh và các sĩ quan của Cụ đã hoàn toàn thành công, tình cảm gắn bó với đất nước ngày càng trưởng thành trong nửa thế kỷ sau của thế kỷ XX. Sau đây là câu chuyện của cựu trung tá La Văn Cầu hiện đang sống ở Hà Nội kể cho chúng tôi về tình cảm gắn bó của ông đối với Việt Minh:

        “Mẹ tôi người dân tộc Thái sống ở vùng biên giới Trung Quốc còn cha tôi người dân tộc Nùng. Tôi sinh năm 1932 ở làng Na Sen gần Dinh Phong thuộc tỉnh Cao Bằng. Đó là một vùng đất đẹp có một con sông bắt nguồn từ Trung Quốc, chảy qua Việt Nam rồi trở về Trung Quốc. Vùng này có nhiều đặc sản. Trong đó có một loài cá cỏ ở dưới lòng sông, thịt ăn rất ngon.

        Tôi sống ở đó đến năm ba tuổi thì cha tôi vì không đủ tiền trả thuế bị thực dân Pháp đánh đập rồi chết. Tôi còn quá nhỏ, không thể trông coi được trang trại, mẹ tôi phải trở lại quê hương. Chỉ sau cách mạng tôi mới có thể tìm lại mảnh đất của tôi. Hiện tôi còn một mảnh ruộng gần một hecta ở đó. Một bánh xe dẫn nước tưới khắp cánh đồng.

        Khi bố tôi chết, mẹ tôi còn quá trẻ nên có nhiều người đến hỏi, và mẹ tôi đã đi bước nữa. Do đó tôi lại sống ở Dung Diêm với ông bố dượng cũng dân tộc Thái. Chúng tôi ở một vùng đất gần như nô lệ của người Trung Quốc: một ngày năm 1943 những tên cướp, đến cướp hết trâu bò và cả gia tài của chúng tôi. Bố dượng tôi đã chết khi đánh nhau với bọn cướp.

        Tháng 12 năm 1946 chúng tôi bắt đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Cũng như rất nhiều bạn trẻ cùng lứa tuổi, tôi rất muốn tham gia chiến đấu, nhưng tôi rất ốm yếu vì tôi bị sốt rét. Chỉ còn lại trong con người tôi những tình cảm đối với cách mạng. Ngày nào tôi cũng nghe tiếng bom nổ ở cag, rồi ngày 20 tháng 10 năm 1948, tôi nhập ngũ. Tôi được bổ sung vào Đại đội 671, một đơn vị địa phương của tỉnh Cao Bằng có nhiều chiến sĩ người dân tộc thiểu số.

        Trên đường đến trung tâm huấn luyện đóng trong rừng rậm, tôi và các bạn mới nhập ngũ phải vượt qua khu vực bị quân Pháp chiếm đóng. Chúng tôi bị đánh chặn, một người bạn tôi bị giết, nhưng điều đó càng củng cố thêm quyết tâm của chúng tôi. Trong đêm 25 tháng 19 chúng tôi đến một làng bị quân Pháp tàn sát. Nhà cửa đang bị cháy. Điều đó làm cho chúng tôi càng căm thù quân địch.

        Thời đó, nhân dân còn rất nghèo, chúng tôi thiếu thuốc men, thiếu lương thực và vũ khí. Tôi chỉ có mỗi một bộ quần áo để thay đổi, bộ quần áo do mẹ tôi chuẩn bị cho ngày lên đường nhập ngũ. Vì máy bay địch luôn quan sát thám thính, quần áo của chúng tôi không được phơi dưới ánh sáng mặt trời nên không mấy khi được hoàn toàn khô ráo. Chúng tôi đều bị bệnh ngoài da và sốt rét vì điều kiện sinh hoạt thấp kém và thiếu vệ sinh. Chúng tôi thường chưa bệnh bằng lá cây kiếm được trong rừng. Thỉnh thoảng chúng tôi sử dụng loại lá có chất kháng sinh nhưng cách tốt nhất vẫn là dùng nghị lực của mình để giảm bớt đau đớn: chúng tôi lao động cật lực đến toát mồ hôi, mồ hôi đổ ra làm tiêu tan bệnh tật. Khi cơn sốt đến, chúng tôi lại lao động.

Tôi đã qua ba tháng huấn luyện, tập đi đều, tập bắn súng, tập sử dụng lựu đạn và cả cứu thương lúc ban đầu. Lúc nào chúng tôi cũng lạc quan. Ban ngày chúng tôi tập luyện, tối đến ngồi quanh ngọn lửa hát những bài ca cách mạng yêu nước. Chúng tôi mơ đến một ngày có xe tăng, súng lớn và máy bay. Chúng tôi cho nhau như anh em một gia đình, tuy chiến sĩ và sĩ quan thuộc các dân tộc khác nhau của nước Việt Nam”.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM