Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 04:46:53 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tướng Giáp qua hai cuộc chiến tranh Đông Dương  (Đọc 37257 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #40 vào lúc: 03 Tháng Tư, 2016, 12:09:42 am »

        Ông Giáp kể:

        “Vào thượng tuần tháng 3 năm 1954, nhìn chung hình thái chiến sự trên các chiến trường nổi lên hai đặc điểm đáng chú ý:

        Một là quân ta chủ động ở một loạt chiến dịch tấn công trên nhiều hướng đã chiến thắng khắp nơi…

        Hai là khối cơ động chiến lược của địch không còn tập trung ở đồng bằng Bắc Bộ nữa mà bị phân tán ra nhiều hướng từ 44 tiểu đoàn bây giờ chỉ còn 20 tiểu đoàn…

        Navarre cho rằng mặc dầu đã bị những tổn thất nhất định nhưng đã chống đỡ và ngăn chặn được các cuộc tiến công Thu Đông của ta và thời cơ tốt của chúng đã đến. Tướng Nava ra lệnh tiếp tục tiến công chiến lược trên chiến trường miền Nam, tập trung một binh lực tương đối lớn tiếp tục đánh chiếm vùng tự do Liên khu 5, tiếp tục thực hiện kế hoạch Atlante bị bỏ dở. Ngày 12 tháng 3 chúng mở cuộc tiến công đổ bộ lên Quy Nhơn, không ngờ rằng ngày hôm sau vào ngày 13 tháng 3 năm 1954 quân ta mở cuộc tiến công lớn vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ”.

        Ông Giáp luôn gây rối cho Navarre làm cho ông ta mất hết thời cơ. Ông Giáp cưỡng bức ông ta vi phạm hai nguyên tắc không thể thay đổi của chiến tranh: thứ nhất ông ta không có khả thực hiện mục đích của mình-thành lập một lực lượng dự bị trung tâm-và thứ hai việc tập hợp lực lượng chạy quanh ngắn ngủi buộc phải phân tán lực lượng cho kế hoạch Atlante. Một cuộc tranh chấp nghiêm trọng giữa Navarre và Cogny người chỉ huy Hà Nội càng thổi bùng những vấn đề thêm phức tạp.

        Cogny, một chiến binh có kinh nghiệm và được tôi luyện, không chịu Navarre từ buổi ban đầu; đó là trường hợp thúc đẩy đối lập. Ở Sài Gòn Navarre có một đại bản doanh hiện đại có điều hòa nhiệt độ, với đầy đủ các cố vấn giúp việc xung quanh, ông ta di chuyển người ghi điểm to lớn trên bản đồ. Còn ở phía Bắc Cogny phải chăm lo đến mọi vấn đề hàng ngày, các vật chất kỹ thuật cũng như vận hành của chúng khi chuyển đến, các đường giao thông liên lạc bị cắt đứt, những khó khăn trên đường tiếp tế, bệnh tật của sĩ quan cao cấp và ý thích thất thường của họ cũng như đoàn tùy tùng của khách vãng lai. Đó là dẫn chứng tiêu biểu cho sự đối lập của con người trong văn phòng và con người ngoài thực địa. Trong trường hợp này, sự chống đối chỉ chấm dứt khi họ đã chết sau những năm rời khỏi Đông Dương và trao đổi tình cảm trên quảng trường công cộng ở nước Pháp.

        Cogny và Navarre tranh luận với nhau về vị trí của họ trong lịch sử: Navarre muốn chứng minh những quyết định chính xác của ông ta, Cogny tìm cách trút trách nhiệm thất bại do những quyết định đó gây nên. Cogny chê trách chủ yếu Navarre không đến ngay Điện Biên Phủ từ đầu, đưa quân vào một chuyện nghi binh không hiệu quả, xa hỏa lực chính, mà chỉ cần tổ chức một cuộc hành quân ứng cứu. Cogny cũng muốn Navarre hoãn việc sử dụng 20 tiểu đoàn có thể để giảm sức ép ở Điện Biên Phủ, để ông ta có thể sử dụng gấp đôi lực lượng trong một trận tấn công vào một vị trí mà dù có chiến được lúc bấy giờ cũng hề đưa lại thắng lợi cho cuộc chiến.

        Cuộc tranh luận còn tiếp tục về sau. Đúng lúc xảy ra một câu chuyện về một trận đánh nổi tiếng trong lòng chảo dài 16 km rộng 9 km gần biên giới Lào của một con người hình như đã thấy ngày nhận lon tướng.

        Tháng Chạp năm 1953, ông Giáp đã 42 tuổi, nhưng nhìn có vẻ trẻ hơn. Ông luôn có những nét tinh tế, đôi mắt to bộ tóc dày màu hạt huyền phía trên lông mày. Một hôm ở Pắc Bó, Cụ Hồ Chí Minh cười nói với các đồng chí xung quanh rằng: “Giáp xinh như một phụ nữ”. Nhưng không có gì phụ nữ trong ông: đó là một con người có sức lực kỳ lạ và trí tuệ mạnh mẽ. Ông yên tĩnh phân tích tình hình và hạ quyết tâm không do dự cho các trận đánh. Bây giờ ông sẵn sàng tiêu diệt đối thủ bằng một bầu máu lạnh.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #41 vào lúc: 03 Tháng Tư, 2016, 12:15:05 am »

       
Chương 10

Vũ đài tuyệt hảo

        Đã một năm, chúng ta không thấy thắng lợi nào.
        Bây giờ, chúng ta sẽ thấy rõ ràng, như ánh sáng cuối đường hầm.

       
Tướng Henri Navarre, 1953       

        Điện Biên Phủ-trụ sở của một tỉnh trưởng tỉnh biên giới-lúc bấy giờ chỉ là một xóm nhỏ tất cả độ một trăm sàn nhà rải rác trong một thung lũng dài 18 km, rộng 8 km ở Tây Bắc Việt Nam. Từ khi người Pháp chiếm được Bắc Bộ, Điện Biên Phủ trở thành nhiệm sở của một viên chức giản dị và cô đơn như người ta thường gọi, được cử đến để thu thuế.

        Nhân dân cư trú ở đây đã hàng thế kỷ, các làng mạc ở bên cạnh một con suối, sông Nậm Rốm, chảy qua thung lũng. Người viên chức khổ sở phải cách biệt với nền văn minh Hà Nội hàng mấy ngày đường, gần như bị đầy ải, mà bù lại thật nghèo nàn, ngoài việc sống với người láng giềng dân tộc Thái duy nhất ở đầu cuối thế giới. Trong trường hợp này, những trò tiêu khiển không thiếu: Có những điều kỳ dị để ngắm nhìn, những điều để học hỏi, một cách sống khác với những trò vui mới để giải trí. Thời gian yên bình trôi đi theo vòng quay đều đặn bốn mùa, theo thiên nhiên và theo con người. Không ai nghĩ rằng cái lòng chảo với những ngọn đồi xa xôi bao quanh ấy-mà người Thái gọi là Vũ đài tuyệt hảo-lại có một ngày xảy ra những trận đánh lớn nhất thời đại, một cuộc chiến giữa hai bên cùng hết sức dũng cảm. Không, không có lý do gì để trụ sở của ông tỉnh trưởng một tỉnh biên giới lại là nơi một vị tướng đã vận dụng đầy đủ những tài năng chiến thuật kỳ diệu của mình và chứng tỏ đúng nghĩa một vị Tổng tư lệnh.

        Năm mươi lăm ngày đêm chiến đấu ở Điện Biên Phủ tự nó không phải là một kỷ lục. Quân Mỹ đã giữ Bataan sáu mươi sáu ngày, quân Đức chiếm Stalingrad bay mươi ngày, quân Anh giữ Tolrouk hai trăm bốn mươi mốt ngày. Ở Stalingrad có 330.000 lính Đức bị một triệu Hồng quân Xô Viết bao vây; so với tập đoàn cứ điểm 14.000 lính Pháp chiếm và 50.000 chiến sĩ Việt Minh đánh cho “vàng mắt”. Đó là cách phát triển chiến trận với những hiệu quả của nó đã được ghi vào sử sách là một trong những trận quyết định nhất của mọi thời đại cùng với tên tuổi ông Võ Nguyên Giáp.

        “Đầu tháng 12, Navarre xây dựng một kế hoạch phòng ngự chia thành 4 phân khu, với ý định:

        -Làm chậm bước tiến của quân ta bằng cách dùng máy bay đánh phá các đường giao thông chính của chúng ta

        -Dùng các loại bom hạng nặng để đẩy lùi quân ta ra khỏi Lai Châu

        -Thu hút chủ lực ta tấn công Điện Biên Phủ để gây cho chúng ta tổn thất nặng nề

        -Sau những thắng lợi đó, Navarre đã mở rộng vùng chiếm đóng

        Đối với Điện Biên Phủ, Navarre nghĩ rằng pháo binh và xe tăng của ông ta có thể chặn mọi con đường tiếp cận của quân đội ta, lực lượng pháo binh cơ giới và không quân đủ sức tiêu diệt các căn cứ pháo binh của ta mà chúng cho là dễ phát hiện, vì buộc phải đặt ở sườn núi phía trong lòng chảo, còn nếu đặt ở phía ngoài thì lại quá tầm bắn cần thiết-khoảng 10 đến 12 km; một hệ thống tổ chức phòng ngự đủ mạnh để tiêu hao và đánh lui mọi lực lượng tiến công, có sẵn một lực lượng cơ động sẵn sàng để phản kích và tiêu diệt mọi lực lượng tiến công từ bên ngoài đến…

        Với lực lượng hùng hậu và cơ cấu phòng ngự vững chắc như trên, Navarre đã từng nhận định rằng Điện Biên Phủ là một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất chưa từng có ở Đông Dương, là “một pháo đài không thể công phá” (Sđd, trang 128)”. Do nhận định chủ quan đó, mà địch đã phán đoán rằng quân ta ít có khả năng tiến công vào Điện Biên Phủ, và nếu quân ta mạo hiểm tấn công vào thì càng tốt, vì chắc chắn là quân ta không thể nào tránh khỏi thất bại… Chúng đã có lần láo xược thả truyền đơn thách thức quân ta tiến công Điện Biên Phủ…” (Sđd, trang 123).

        Tập đoàn cứ điểm của người Pháp giống như một dấu chân khổng lồ hướng về phía Bắc trong thung lũng bằng phẳng: Ngón chân cái là đồi Độc Lập, những bộ phận ngang của bàn chân là khu trung tâm, hình thành một dấu chân dài với hàng rào dây thép gai và bãi mìn bảo vệ-con sông chảy ở giữa; Hồng Cúm là gót chân. Trên một chu vi khoảng 45 km, đã bố trí 50 tiểu đoàn để phòng ngự an toàn, nhưng vẫn cần đến pháo binh và súng cối yểm trợ ba cứ điểm phía Bắc và một phía Nam; những pháo binh súng cối khác phòng ngự trung tâm ở mặt Bắc. Từ xa, tập đoàn cứ điểm giống như một con nhím đang giương hết lông lên.

        Chỉ huy tập đoàn cứ điểm là đại tá De Castries. Ông ta đặt tên phụ nữ Pháp cho 9 cứ điểm chính, chuyện kể rằng đó là tên các cô giáo của Castries. (Bigeard không có ý đó: theo ông thì Castries cũng “không khỏe hơn những cô giáo ấy”). Độc Lập gọi là Gabrielle, Bản Kéo là Anne Marie, Him Lam là Béatrice. Phân khu trung tâm là một vòng những cứ điểm kiên cố: Huguette, Fransoise, Claudine, Eliane, Dominique, Isabelle là cái gót chân. Mỗi cứ điểm kiên cố này được đánh số, ví dụ Dominique từ 1 đến 5, Eliane từ 1 đến 4. Tất cả có 49 cứ điểm tổ chức phòng ngự tách rời nhau.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #42 vào lúc: 03 Tháng Tư, 2016, 12:19:54 am »

        Thực hiện được quả là một công trình lạ kỳ. Mỗi tiểu đoàn cần 55 hầm trú ẩn dưới mặt đất, 75 công sự boong ke cho các loại súng máy, xung quanh là những lỗ châu mai đè lên nhau dùng yểm hộ cho các đơn vị lân cận và phòng ngự mặt trước của tiểu đoàn. Các lỗ châu mai không đủ. Cứ điểm còn có công sự pháo binh. Muốn xây dựng những cứ điểm này cần 2.500 tấn vật liệu công binh và 500 tấn dây thép gai. Toàn bộ 3.600 tấn vật liệu các loại do máy bay chuyên chở đến để tổ chức phòng tuyến đồn trú của 10 tiểu đoàn và 2 lữ pháo. Việc tính toán chẳng có gì khó khăn: 1.200 chuyến bay của C47 từ Hà Nội hoặc Hải Phòng lên mới đủ để chở hết số hàng này. Trung bình 80 chuyến mỗi ngày cũng phải mất 5 tháng mới hết!

        Ông Giáp cũng cần nhiều thời gian chăng? Navarre nghĩ rằng quân Việt Minh phải đi bộ mất hàng tháng trời mới có thể tổ chức lực lượng tấn công tập đoàn cứ điểm được. Họ không thể tổ chức tấn công khi các đội tuần tiễu Pháp thường xuyên có mặt trên các ngọn đồi để đánh trả quân địch tới gần. Không, nhất định không thể. Vì hy sinh quá lớn… (sau khi lui quân, Bigeard lúc bấy giờ mới 38 tuổi, khẳng định sai lầm là “tưởng rằng quân Việt Nam không thể đến đó bằng sức mạnh”, nhưng người sĩ quan trẻ tuổi lại tự hào đã dẫn quân đến một vị trí quan trọng mà ông ta nghĩ rằng không thể đánh chiếm được như những người khác).

        Lúc đầu thiếu 30.000 tấn vật liệu công binh. Như vậy phải có hầm ngầm ở chỉ huy của Q.G, trung tâm thông tin liên lạc, bệnh viện và điểm lọc nước sạch. Để bù vào số xi măng và sắt thép đổ bê tông, căn cứ đồn trú đã chặt nhiều cây to trong thung lũng: điều đó làm cho Việt Minh từ trên đồi cao dễ dàng quan sát hoạt động của quân đội trong lòng chảo.

        Về nhân công, 40 người mất 8 ngày để đào một hầm trú ẩn cho 10 lính và 1 khẩu pháo. Cũng chừng ấy nhân công cần 5 ngày để đào 1 công sự pháo binh. Một tiểu đoàn không làm gì hết ngoài việc đào công sự chuẩn bị cho chiến đấu mất 2 tháng. Một trong những quyết định đầu tiên của Castries là xác định ưu tiên giữa người đào công sự và người đi tuần tiễu.

        Theo ý Navarre, cần ưu tiên cho việc tuần tiễu, tiêu diệt quân Việt Minh ở vùng lân cận (điều mà Navarre không biết rằng toàn thể quân đội bước vào chiến đấu sau này sẽ thiếu đi công việc dịch vụ chuẩn bị cần thiết trước đó). Nhưng lính Pháp vẫn phải đào! Trong những tháng cuối năm 1953 và đầu năm sau, những đơn vị xung kích-có khi đến nửa quân số đồn trú-phải mất cả ngày hàng tuần lễ để đi tìm quân địch. Họ cũng thu được một ít kết quả, nhưng không thể so với những mất mát: một nghìn ba trăm bảy mươi thương vong, phần lớn bị các bệnh khác nhau, và số còn bị thương vong trong chiến đấu. Gần 10 % lực lượng bị thương vong trong chiến dịch Điện Biên Phủ chỉ từ 20 tháng 11 năm 1953 đến 15 tháng 2 năm 1954. Sự tiêu hao lực lượng quân sự đó sẽ rất khó khăn cho những tuần lễ tới khi cuộc chiến thật sự bắt đầu.

        Binh lính phải đi tuần tiễu. Khi không đi tuần tiễu, họ phải đào công sự. Vì vậy không bao giờ đủ quân số đi tuần tiễu cũng như đào công sự. Tăng cường tuần tiễu có thể phát hiện và tiêu diệt những sư đoàn chủ lực của ông Giáp. Tăng cường việc đào hầm có thể củng cố hệ thống phòng ngự. Binh lính không bao giờ được nghỉ ngơi. Họ đào hoặc đi, nhưng cả hai việc đều đau chân, đau lưng, viêm tấy, và chai sạn chân tay; mồ hôi chảy qua lỗ chân lông bằng nước lọc ở trung tâm-chỉ do một người điều khiển trong suốt thời gian chiến dịch (uống nước ruộng là mắc bệnh lỵ amip. Mọi người biết thế, nhưng khi những người mang nước bị tai nạn, những người khát nước phải uống nước mưa hoặc nước ruộng rồi chờ bệnh tật đến. Những nỗi khổ ấy vẫn chưa thấm vào đâu!).

        Người tạ sợ đến lúc nào đó cỏ mọc cao lên phất phơ trước làn gió có thể ngăn cản việc ngắm bắn: cần phải cắt phạt đi, nhưng phân công người nào. Nhiệm vụ ấy được xếp ưu tiên cuối cùng và không ai phải làm việc ấy cả. Từ 10 đến 16 nghìn người, gần hai trăm xe ô tô, mười xe tăng, mười bốn máy bay và năm máy ủi ủi nát và chôn sâu xuống đất; những gì còn lại dùng thuốc nổ thổi tung đi.

        Khu trung tâm và phía Nam chật hẹp không thể đặt cố định trong công sự phần lớn ở trung tâm. Các pháo thủ của ông Giáp đã dùng ống nhòm xác định cho mỗi vị trí một con số. Sau đó họ tra số để dễ dàng tìm mục tiêu, đặt máy ngắm chính xác và quan sát điểm rơi ngay ban ngày (một nhiệm vụ của họ càng dễ dàng hơn sau này chiến dịch mờ màn một thời gian ngắn nhờ quân Việt Nam lấy được một bản đồ tỷ lệ cao do quân Pháp dựng lên bằng ảnh máy bay). Thật quá dễ dàng: không phải chỉ pháo binh quân Pháp mới được đánh dấu, mà cả những P.C cứ điểm trung tâm quan trọng cũng bị lộ vì 300 trong số 1.400 máy vô tuyến điện của tập đoàn cứ điểm đều mắc anten bên ngoài, do đó chỉ rõ vị trí cho đối phương.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #43 vào lúc: 03 Tháng Tư, 2016, 12:24:02 am »

        Trước khi cuộc chiến bắt đầu, Bộ Tổng chỉ huy của ông Giáp cho xuất bản một tài liệu mới về chiến dịch. Trong đó có đoạn: “muốn bảo đảm thắng lợi, cần phải bố trí ưu thế về binh lực gấp ba lần và hỏa lực gấp năm lần quân địch” và một đoạn khác: “sau khi mở cửa phải xung phong vào cứ điểm địch và giữ lấy vị trí bằng bất cứ giá nào”. Sau khi viết xong bản tài liệu, ông Giáp tiến hành đưa nguyên tắc lý luận vào thực tế, với sự giúp đỡ của cố vấn Trung Quốc.

        Các tướng Ưei Guoiping và Li Cheng Hu là những cố vấn ở Điện Biên Phủ (theo tướng Bigeard, sự hiện diện và ảnh hưởng của các vị cố vấn này cũng như những người tiền nhiệm, giải thích thái độ của ông Giáp đối với việc hy sinh tính mạng chiến sĩ: ở Triều Tiên quân Trung Quốc đã áp dụng những đợt xung phong của cả biển người để chiến thắng những làn đạn súng tự động, họ yêu cầu ông Giáp cũng theo gương họ). Ngoài các vị tướng, còn hàng trăm cố vấn phân phối trong tất cả các cấp của quân đội, chủ yếu là trong lực lượng pháo binh chiến dịch và pháp phòng không DCA những binh chủng mà chiến sĩ Việt Nam chưa có kinh nghiệm-nhưng họ tiến bộ rất nhanh-Bộ đội Việt Nam đã học tập cách sử dụng pháo binh đúng vào lúc chập tối, còn một ít ánh sáng đủ để trông thấy mục tiêu và ngắm bắn nhưng không kịp cho máy bay và pháo binh địch phản kích.

        Ông Giáp gợi lại ngày đầu của chiến dịch:

        … “Lực lượng của địch ở Điện Biên Phủ được bố trí thành tập đoàn cứ điểm gồm 3 phân khu, tất cả có 49 cứ điểm… (Sđd, trang 120, 121).

        Phân khu quan trọng hơn hết là phân khu trung tâm hai phần ba lực lượng của địch (tám tiểu đoàn gồm 5 tiểu đoàn chiếm đóng và 3 tiểu đoàn cơ động), có nhiều trung tâm đề kháng yểm hộ lẫn nhau và bao bọc lấy cơ chỉ huy, các căn cứ hỏa lực và căn cứ hậu cần, đồng thời bảo vệ sân bay… Điện Biên Phủ có hai sân bay. Ngoài sân bay chính ở Mường Thanh lại còn một sân bay dự bị ở Hồng Cúm, ngày ngày được nối liền với Hà Nội, Hải Phòng bằng một cầu hàng không, trung bình mỗi ngày có 100 chiếc, máy bay vận tải tiếp tế khoảng 200 đến 300 tấn hàng và thả dù khoảng 100 đến 150 tấn… Nhưng do vị trí của nó nằm cô lập ở giữa núi rừng trùng điệp và mênh mông của miền Tây Bắc, rất xa những căn cứ hậu phương, nhất là những căn cứ không quân lớn của địch, mọi việc tăng cường hoặc tiếp tế đều hoàn toàn dựa vào đường không. Do đó, nếu đường hàng không bị hạn chế hoặc bị cắt đứt thì tập đoàn cứ điểm rất mạnh sẽ ngày càng lộ rõ nhược điểm của mình. Trường hợp lâm nguy, cũng khó lòng rút quân được toàn vẹn. Đó là chưa nói đến tinh thần của bính lính địch nói chung là bạc nhược.

        … Chúng ta hạ quyết tâm tập trung đại bộ phận chủ lực tinh nhuệ của ta lên mặt trận Điện Biên Phủ để tiêu diệt những binh lực tinh nhuệ nhất của địch trong tập đoàn cứ điểm… nhiệm vụ của bộ đội ta trên các chiến trường cả nước là phối hợp hoạt động với Điện Biên Phủ tiêu hao và tiêu diệt sinh lực địch, phân tán giam giữ lực lượng của chúng, giảm đến mức tối đa khả năng của chúng tăng quân thêm cho mặt trận Điện Biên Phủ…”

        Trước khi bắt đầu tấn công Điện Biên Phủ, ông Giáp đã thực hiện được hai mục tiêu vô cùng quan trọng: tập trung một lực lượng pháo binh và càng ngày càng phân tán các lực lượng của Navarre. Ông Giáp không chỉ ngăn trở vị tướng Pháp tập trung trở lại các đơn vị để tấn công hoặc đẩy lùi tấn công mà còn phải phân tán những phương tiện vận tải hàng không: việc tiếp tế cần thiết cho các đơn vị hàng không nhỏ lẻ yểm trợ cho lực lượng cơ động ở Lào và ở Tây Bắc Việt Nam cho nên thiếu máy bay cần thiết tiếp tế cho Điện Biên Phủ. Rõ ràng, khi bộ đội của ông Giáp vào vùng này, De Castries vẫn chưa sẵn sàng.

        Từ cuối tháng Chạp năm 1953 đến đầu tháng Giêng năm 1954, ông Giáp đã lệnh cho sư đoàn 308 hành quân gây sức ép ở Lào, và sư đoàn 325 mới thành lập-sư đoàn Sao Vàng-tiếp tục làm nhiệm vụ ấy ở châu thổ sông Mêkông. Bộ đội Nam Bộ lúc nào cũng góp phần vào cuộc chiến mặc dầu xa sự chỉ huy của ông. Navarre đã chấp nhận đáp lại, đưa thêm một ít lực lượng cơ động dự bị đúng lúc ông thấy rằng hiệu quả chẳng đáng kể gì nữa.

        Việt Minh tăng cường lực lượng bộ binh vào lúc quân Pháp chiếm lại Điện Biên Phủ, cuối tháng 11. Quân Pháp đã từng thách thức quân Việt Minh, mà họ không thấy ngay rằng ông Giáp đã nhận lời thách thức, vì rừng rậm đã giấu kín những hoạt động của bộ đội Việt Minh. Tiểu đoàn 980, tiểu đoàn pháo binh mạnh của sư đoàn 316 của tướng Lê Quảng Ba vào vị trí tập kết nửa tháng Chạp. Sư đoàn thép 308 do tướng Vương Thừa Vũ chỉ huy gồm chủ yếu bộ đội tình nguyện Hà Nội cũng tập kết tháng Chạp, sau đó đi Luang Prabang trước khi trở về Điện Biên Phủ vào tháng Giêng, tất nhiên hoàn toàn hành quân bộ. Trung đoàn 57 của sư đoàn 304 do đại tá Hoàng Khải Tiến chỉ huy tập kết ngày 24 tháng Giêng. Các tiểu đoàn khác của sư đoàn 304, 312 và 316 và trung đoàn độc lập 148 lần lượt chiếm lĩnh các ngọn đồi vào vị trí chiến đấu. Pháo binh và công binh nặng của sư đoàn 351 cũng vào vị trí tập kết.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #44 vào lúc: 03 Tháng Tư, 2016, 12:27:48 am »

        Khi bắt đầu chiến đấu, ông Giáp bố trí 28 tiểu đoàn bộ binh-tổng số 37.500 chiến sĩ kể cả pháo thủ và công binh bao vây “Vũ đài tuyệt hảo” và mảnh đất lầy lội của nó. Khoảng 10.000 binh sĩ dự bị trang bị đến tận răng bố trí gồm bộ binh, pháo binh và công binh làm lực lượng dự bị. Toàn bộ cái thế giới hùng vĩ ấy được 50.000 chiến sĩ hậu cần với số dân công gấp 4 lần nuôi dưỡng và cung cấp đạn dược. Tất cả khoảng 300.000 người hành quân theo con đường dọc biên giới Trung Quốc, con đường 13B đến sông Hồng và đường 41 đến Điện Biên Phủ. Tất cả khoảng 800 km hành quân dưới bom đạn máy bay.

        Ông Giáp viết cho chúng tôi về việc tăng cường lực lượng:

        “… Chúng tôi đã xúc tiến mạnh mẽ công tác chuẩn bị về mọi mặt cho chiến dịch sắp tới:

        … Thứ nhất, Điện Biên Phủ nối liền với đường 41 bằng một con đường ngựa dài gần 100 km. Con đường đi qua những đồi núi liên tiếp trên những độ dốc khá cao, bị cắt đứt bởi gần 100 con suối lớn nhỏ. Muốn sử dụng chủ lực, nhất là pháo binh mở cuộc tiến công thì vấn đề đặt ra trước tiên là phải gấp rút mở con đường nhựa để xe hơi có thể chạy được. Quân và dân chúng ta đã khắc phục những khó khăn rất lớn mở được đường, bắc được hàng chục chiếc cầu qua suối trong một thời gian tương đối ngắn. Về sau cho đến khi chiến dịch kết thúc, các đơn vị công binh đã làm tròn nhiệm vụ giữ vững con đường được tốt và nước lũ gây thêm cho chúng tôi rất nhiều khó khăn (Việt Minh có khoảng 800 xe tải trong đó 600 Molotova Liên Xô 2 tấn rưỡi do Trung Quốc viện trợ, số còn lại là xe Mỹ do Trung Quốc chiếm được ở Triều Tiên.

        … Thứ hai, pháo binh của chúng tôi đã được di chuyển bằng xe hơi đến vùng phụ cân Điện Biên Phủ, rồi từ đó cho đến trận địa dã chiến, bộ đội chúng tôi đã từng dùng sức người để kéo pháo trong suốt bảy ngày đêm liền… Tiếp đó chúng tôi đã mở năm con đường mới để có thể vận chuyển pháo binh bằng xe hơi, tạo điều kiện sử dụng pháo binh một cách cơ động hơn. Đây là những con đường được mở qua các sườn núi, ngọn đèo trong tầm hỏa lực pháo binh của địch, qua những nơi từ trước đến nay chưa bao giờ có một vết đường nào cả. Bộ đội chúng ta đã bạt núi xẻ đồi hoàn thành nhiệm vụ mở đường cho pháo binh trong thời gian quy định. Những con đường ấy đã được bảo quản tốt và giữ được bí mật nhờ ngụy trang kín đáo mãi cho đến lúc chiến dịch kết thúc. Trên những đoạn đường quá hiểm trở, xe hơi không thể đi qua thì pháo lại được kéo vào trận địa bằng sức người. Không gì cản trở được họ, kể cả pháo binh và không quân địch. Đã từng có những chiến sĩ hy sinh thân mình để bảo vệ pháo…

        … Thứ ba, Quân đội chúng ta đã tổ chức những trận địa pháo binh hết sức kiên cố, đủ sức chịu đựng những trọng pháo 105 và 155 mm của địch ở những vị trí hoàn toàn bất ngờ đối với chúng. Các trận địa này được xây dựng vào sườn núi, sườn đồi lại được ngụy trang rất kín đáo nên máy bay trinh sát của địch khó phát hiện, và lại có đủ khả năng chịu đựng được mọi sự oanh tạc của địch. Chúng ta lại tổ chức những trận địa nghi binh để làm lạc hướng quân địch, phân tán hỏa lực và tiêu hao bom đạn của chúng…

        … Thứ tư, Quân đội chúng ta đã xây dựng những cơ sở chỉ huy kiên cố phần lớn nằm sâu trong các sườn núi có thể chịu đựng được những trận bắn phá của pháo binh và không quân địch.

        … Cuối cùng chúng ta đã chuẩn bị tốt về mặt cung cấp tiếp tế. Nhu cầu của chiến sĩ về lương thực, đạn dược, thuốc men là rất lớn. Chúng ta đã tổ chức những tuyến cung cấp dài hàng mấy trăm kilômét đi qua những quãng đường hiểm trở và ngày đêm bị oanh tạc phá hoại tìm mọi cách cản trở sự vận chuyển của chúng tôi. Hàng chục vạn anh chị em dân công nam nữ đã không quản khó khăn gian khổ hăng hái phục vụ tiền tuyến, tính đến trên ba triệu ngày công. Các đoàn xe hơi đi không đèn trong suốt nhiều đêm, lợi dụng sương mù để chạy ban ngày. Hàng vạn xe đạp thò và xe thô sơ, hàng nghìn thuyền mảng, hàng đoàn lừa ngựa đã được huy động để vận chuyển lương thực, đạn dược qua đường lớn đường nhỏ, sông sâu, suối lũ để bảo đảm nhiệm vụ chi viện cho tiền tuyến…”

        Quân Pháp tin tưởng rằng pháo binh của ông Giáp dù có đem vào Điện Biên Phủ được cũng không thể bắn thẳng. Pháo phải bắt buộc bắn từ bên kia đồi qua trên đỉnh đồi. Thực tế, các pháo thủ của ông Giáp ở trong những công sự ngầm dưới đất trên sườn trong của các đồi núi kiềm chế cả lòng chảo và có thể ngắm bắn trực tiếp với độ chính xác rất cao.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #45 vào lúc: 03 Tháng Tư, 2016, 12:33:21 am »

        Sư đoàn pháo 351 lúc đầu được trang bị loại pháo 75mm Mỹ do Hồng quân Trung Quốc cướp được của quân Tưởng, đến năm 1953 nhận thêm 48 khẩu 105 mm Mỹ từ chiến trường Triều Tiên gửi về. Đến nửa tháng 12 năm 1953, trung đoàn 675 (trang bị 24 khẩu 75 mm và 10 khẩu 120 mm) đến phối thuộc sư đoàn 308. Trong những tuần đầu của tháng Giêng, trung đoàn pháo 45 gồm 9 khẩu đội mỗi khẩu đội 4 khẩu 105 vào tập kết, tiếp theo là trung đoàn 367 được trang bị 36 khẩu pháo cao xạ 37 mm của Liên Xô (toàn bộ tiểu đoàn được DCA bảo vệ). Sau này trung đoàn 237 trang bị trọng pháo 120 mm cũng vào tập kết. Cuối cùng ông Giáp đã có dười quyền chỉ huy 48 khẩu 75 mm, 48 khẩu pháo chiến dịch 105 mm, 48 pháo cối 120 mm, pháo cao xạ 37 mm và 60 pháo không giật 75 mm. Ngoài ra lực lượng mạnh nhất của chiến dịch là 4 dàn tên lửa Katyusha Liên Xô mỗi dàn 12 quả tên lửa 120 mm. Tất cả ông Giáp có 200 khẩu cỡ trên 50 mm trong khi quân Pháp lúc đầu bố trí 60 về sau trung bình 40 mỗi ngày khi chiến dịch bắt đầu (lực lượng pháo binh thay đổi hàng ngày vì một số pháo phải ngừng hoạt động vì bị hỏa lực đối phương tiêu diệt).

        Các pháo thủ Pháp có mặt trên trận địa đã sử dụng xấp xỉ 30.000 đạn 105 mm và hơn 100.000 đạn cỡ nhỏ trong suốt chiến dịch-vào khoảng 1.500 tấn đạn dược. Hơn nữa cần ghi nhận thêm một thiên tài tổ chức của ông Giáp khi quân đội và dân công mang 8.000 tấn lương thực các loại, 4.500 tấn dầu hỏa và 2.250 tấn thực phẩm-trong đó có 1.700 tấn gạo trừ đi 400 tấn tiêu thụ trên dọc đường.

        Khi ông biết được những tin tức quan trọng của đối phương và nhìn rõ sự phân tán lực lượng của quân đội, Navarre đã nghĩ đến việc rút quân. Nhưng làm sao tổ chức được một cầu hàng không khi các đường băng thường xuyên bị đối phương uy hiếp; ngay cả khi bố trí đủ máy bay để bảo đảm những đơn vị cuối cùng không bị tiêu diệt cũng khó lòng thực hiện mà không mang lại hậu quả nặng nề, còn việc rút quân bằng đường bộ, thì muốn cứu được 4 tiểu đoàn của phân khu trung tâm bao gồm người Việt, Bắc Phi tất nhiên không quan trọng, cần có thể phải hy sinh 6 tiểu đoàn bảo vệ phía trước, phía sau, quân dù, quân lê dương tinh nhuệ của quân đội Pháp. Không phải loại ý kiến được ủng hộ. Navarre bị bắt buộc chấp nhận cuộc chiến kể cả Castries, Langlais, Bigeard và những người khác.

        Christian Marie Ferdinand de la Croix de Castries, 18 huân chương với một Phula màu nhỏ quấn quanh cổ, một caravat ở tay, vốn là một quý tộc bao biện, một người cưỡi ngựa nổi tiếng thế giới, và là một kẻ ăn chơi không đếm xuể nợ nần. Pierre Langlais là một quân nhân dù kỳ cựu, một con người được tôi luyên như Marcel Bigeard; đây là thời kỳ năm thứ ba ở Đông Dương, ông không thể đếm xuể những trận đánh và huân chương khen thưởng của mình. Marcel Bigeard trẻ, cứng rắn, hút thuốc tẩu, con người của trận địa, đã nổi danh, đã qua nhiều trận chiến đấu ở Algérie là một trong những sĩ quan được nhiều huân chương nhất của quân đội Pháp, 25 huân chương. Và ông ta cũng có dưới quyền hàng nghìn người châu Âu, Bắc Phi và Đông Dương (ít hơn 40% của quân Pháp đồn trú).

        Chỉ có một phụ nữ Pháp, một phụ nữ trẻ 29 tuổi mỏng manh, chị Geneviève de Galard-Terraube do máy bay đưa đến Điện Biên Phủ làm bác sĩ rồi ở lại đó không thể trở về nữa. Chị được thưởng huân chương Hồng Thập tự chiến tranh và nhận Bằng danh dự vì dũng cảm dưới lưới đạn tận tụy phục vụ thương binh.

        Có 18 phụ nữ khác trong tập đoàn cứ điểm: 18 gái điếm, 9 phụ nữ Việt Nam, 11 phụ nữ Algérie có tác dụng như nhà thổ quân sự trong chiến dịch (BMC) của quân lê dương. Họ đến bằng máy bay và trở về bằng đôi chân, mặc dầu số phận thế nào, mọi người đều quên họ sau khi họ còn giữ lấy đôi tay đã chết, quấn băng đẫm máu và tứ chi cắt cụt trong một nhà thương ác mộng (còn lại 49.000 chai vang Pháp và một vài thứ cần thiết cho cuộc chiến của người Pháp. Cũng có thể còn lại vài phụ nữ ấy trong một góc làng Thái bị quên lãng chẳng có giá trị gì).

        Buổi sáng ngày 12 tháng 3 năm 1954, tướng René Cogny mang giày da, cao 1m90 thực hành kiểm tra đại tá De Castries. Tháng trước, tướng John W.O’Daniel, một con người nhỏ nhắn đẫy đà và quyết đoán chỉ huy quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương đến Điện Biên Phủ và đã viết một báo cáo cho cấp trên là tham mưu trưởng liên quân. Từ nay, viện trợ Mỹ cho quân Pháp đã đến 80% kinh phí chiến tranh (Mỹ đã có 385 triệu dollars để chi tiêu cho kế hoạch của Navarre nhằm thành lập lực lượng dự bị và tăng cường quân ngụy Việt Nam). Trong số trang bị họ viện trợ có 1.400 xe tăng, 340 máy bay, 350 tàu tuần tra để phát hiện những tàu các loại của Việt Minh trên vô số kênh lạch tự nhiên và nhân tạo chảy khắp đất nước. Nỗi lo lắng của Washington trước tình trạng quân cách mạng đã khiến cho tổng thống Eisenhower quyết định cho máy bay Mỹ hoạt động khi Hồng quân Trung Quốc trực tiếp giúp ông Giáp.

        Hai tuần sau chuyến viếng thăm của O’Daniel ông Malcolm MacDonaldo, con người một thời lang thang, đang từ cao ủy Anh quốc ở Nam Á, vốn là con trai của một cựu thủ tướng Anh, cũng đã đến Điện Biên Phủ va trở về Singapour viết báo cáo cho ngài Anthony Eden bộ trưởng ngoại giao được cử làm phó chủ tịch cùng với người đồng nghiệp Xô viết Moloto ở một hội nghị tranh luận về tương lai Đông Dương.

        Khi máy bay Cogny cất cánh trở về, đạn pháo Việt Nam cày xới đường băng và một máy bay bốc cháy trên sân bay. Cogny không còn tìm cách trở về nữa.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #46 vào lúc: 03 Tháng Tư, 2016, 05:20:59 am »

       
Chương 11

Phát súng kết liễu

        Một trận đánh dù tầm quan trọng của nó đến mức nào ISSOS hay Hastings, Phillippi hay Belle-Aliiance, cũng chỉ thể hiện đỉnh cao của một tình thế cách mạng.
       
Võ Nguyên Giáp       

        Ông Giáp đã thay đổi phương châm tác chiến sau khi bắt đầu đánh chiếm Điện Biên Phủ. Đó là điều không thông thường của ông. Lúc ban đầu ông có ý định sẽ kết thúc nhanh chóng và ra lệnh đánh nhanh giải quyết nhanh. Nhưng rồi chính trong ngôi nhà bằng gỗ trong trung tâm sở chỉ huy chiến dịch ông đã nghĩ lại và kết luận không cho phép hy sinh nhiều xương máu chiến sĩ: nếu ông sai lầm và thất bại, bao nhiêu công lao gắng sức suốt bảy năm kháng chiến sẽ không còn ý nghĩa; quân đội Pháp sẽ chiến thắng và còn một thời gian lâu dài nữa mới có thể xây dựng lực lượng quân Việt Minh được. Ông đặt lại vấn đề và quyết định thay đổi hẳn quyết tâm. Điều đó không dễ dàng: cán bộ chiến sĩ sẽ hiểu là một sự không quyết đoán của ông và mất lòng tin vào ông. Nhưng mất mát đó còn hơn là sai lầm.

        … “Trong thời gian đầu, quân ta mới thực hiện bao vây Điện Biên Phủ, lực lượng của địch chưa được tăng cường ta đã có dự kiến tranh thủ thời gian lợi dụng những điều kiện sở hở của địch để đánh nhanh giải quyết nhanh. Đánh nhanh giải quyết nhanh có nhiều điều lợi: quân ta đang sung sức, vấn đề tiếp tế lương thực, đạn dược có thể bảo đảm chắc chắn. Tuy nhiên đánh nhanh giải quyết nhanh lại có một điều bất lợi rất lớn quân ta chưa có kinh nghiệm thực tế, lần này là đánh tập đoàn cứ điểm lại gặp một tập đoàn cứ điểm mạnh… Nhưng sau vài tuần lễ, địch đã tăng cường lực lượng, xây dựng trận địa phòng ngự tổ chức hệ thống phòng ngự khá vững chắc, nếu đánh nhanh giải quyết nhanh thì không mười phần đảm bảo thắng lợi. Do đó chúng ta đã kiên quyết xác định phương châm của chiến dịch là đánh chắc, tiến chắc…

        … Chúng ta quan niệm chiến dịch không phải là một trận đánh địch trong công sự vững chắc quy mô rất lớn và tiếp diễn liên tục trong một thời gian ngắn, mà là một chiến dịch tiến công trận địa, quy mô rất lớn nhưng lại cần một loạt nhiều trận đánh địch trong công sự vững chắc, tiếp diễn trong thời gian khá dài, tập trung ưu thế binh lực tiêu diệt từng bộ phận tiến tới tiêu diệt toàn bộ cứ điểm…”

        Nguyên tắc chỉ đạo tác chiến của Việt Minh là tập trung ưu thế về binh lực và hỏa lực cần thiết cho một trận tấn công thắng lợi. Do đó, để chắc thắng, ông Giáp đã tập trung các đơn vị quân đội vào một trận đánh. Ông quyết định trước hết đánh vào phân khu phía Đông đầu cuối các đường giao thông của ông, sau đó chuyển phân khu phía Tây, tiếp đó đánh chiếm phân khu trung tâm và cuối cùng là các cứ điểm tiền tiêu thuộc phân khu Nam. Như ông đã giải thích rõ: “chiến thuật này phù hợp với trình độ kỹ thuật của bộ đội, nhưng sẽ nâng dần lên trong một loạt trận đánh khó khăn và phức tạp mà quy mô không lớn lắm, để cuối cùng tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm”.

        Ông Giáp rất quan tâm đến sức khỏe của chiến sĩ, chỉ thị cho các sĩ quan chăm sóc từng bữa ăn của bộ đội, phải được ăn sáng, uống nước nóng và có thể ngủ đủ và khô ráo. Vệ sinh phòng bệnh phải chú ý đến công việc dịch vụ y tế phù hợp với phương tiện hiện có. Nhưng mọi người đều biết công tác chính trị có vai trò quan trọng và xác định cho bộ đội quyết tâm chiến đấu và chiến thắng. Rất nhiều khẩu hiệu được đặt ra như “tích cực xây dựng đường sá cho pháo binh và lao động tích cực cho chiến thắng” hoặc “Giữ vững đường sá luôn luôn tốt là lao động tích cực cho chiến thắng” và “Xây dựng trận địa dày thêm 1 cách mạng là tạo điều kiện thuận lợi để đánh bại quân địch”.

        Để động viên tinh thần quân đội, trước khi bắt đầu chiến dịch một giải quyết ngắn, Cụ Hồ Chí Minh đã gửi một bức thư cho bộ đội, thư được phân phát đến tận đại đội và được phổ biến đến từng chiến sĩ.

        “Các chú sắp ra trận. Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn, khó khăn, nhưng rất vinh quang.

        Các chú vừa được chỉnh quân chính trị và chỉnh huấn quân sự, và đã thu được nhiều thắng lợi về tư tưởng và chiến thuật, kỹ thuật. Nhiều đơn vị cũng đã đánh thắng trên các mặt trận. Bác tin chắc rằng các chú sẽ phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khăn gian khổ để làm trong nhiệm vụ vẻ vang sắp tới.

        Bác chờ các chú báo cáo thành tích để thưởng những đơn vị cá nhân xuất sắc nhất.

        Chúc các chú thắng to.

        Bác hôn các chú”.

        Ông Giáp đã chọn những mục tiêu của đợt đầu của chiến dịch là tổ chức thực hiện một chiến thuật giành thắng lợi mà rút ngắn thời gian bộc lộ lực lượng bộ đội và hạn chế tác dụng sát thương của pháo binh và vũ khí nhỏ khi bộ đội xung phong. Ông chỉ thị đào hào giao thông trong các quả đồi lân cận cách vị trí Pháp vài bước. Mặc dù bom đạn của không quân Pháp, quân Việt Minh đã tổ chức được một mạng lưới giao thông hào dài tất cả khoảng 100 km kể cả những hào nối chúng lại với nhau.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #47 vào lúc: 03 Tháng Tư, 2016, 05:24:36 am »

        Trong đợt đầu, ông lệnh cho quân đội tiêu diệt ba cứ điểm mạnh của phân khu Bắc:

        “… 17 giờ ngày 13 tháng 3 năm 1954, quân ta nổ súng tiến công trung tâm đề kháng Him Lam (Béatrice) nằm nhô ra về phía Đông Bắc, trung tâm đề kháng Him Lam có liên quan mật thiết với trung tâm đề kháng Độc Lập Gabrielle và Bản Kéo (Anne Marie).

        Trung tâm đề kháng Him Lam là một trung tâm phòng ngự kiên cố nhất của địch. Him Lam do một tiểu đoàn lê dương tăng cường thuộc bán lữ đoàn lê dương số 13 mà địch cho là một trong những đơn vị thiện chiến nhất của chúng, chiếm giữ. Địch bố trí thành 3 cứ điểm yểm hộ lẫn nhau có trận địa phòng ngự vững chắc, có nhiều hỏa điểm lợi hại và cả một hệ thống công sự phụ bằng mìn và dây thép gai bố trì thành bãi có nơi rộng đên 100-200 mét. Vị trí đồi Độc Lập do một tiểu đoàn Bắc Phi tăng cường chiếm giữ có nhiệm vụ án ngữ con đường và ngăn chặn các cuộc tiến công của quân ta từ phía Bắc đánh xuống. Còn trung tâm đề kháng Bản Kéo do một tiểu đoàn ngụy người Thái chiếm đóng. Cả ba trung tâm đề kháng nói trên đều được hỏa lực trọng pháo 105 và 155 ở Mường Thanh và Hồng Cúm yểm hộ.

        Bộ binh và pháo binh phối hợp khá chặt chẽ. Sau 1 giờ chiến đấu, quân ta tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm đầu tiên; sau 2 giờ tiêu diệt cứ điểm thứ hai. Cuộc chiến đấu ở cứ điểm thứ ba diễn ra gay go. Pháo binh của địch lúc đầu bị tê liệt, dần dần hoạt động trở lại khá mạnh. Đến 22 giờ 30 phút, quân ta tiêu diệt hoàn toàn trung tâm đề kháng Him Lam, tiêu diệt gần 300 địch bắt sống hơn 200 tên…

        … Đêm 14 rạng ngày 15 tháng 3, quân ta mở cuộc tiến công vào trung tâm đề kháng đồi Độc Lập (Gabrielle). 17 giờ trọng pháo của ta bắt đầu bắn vào khu chỉ huy của địch ở Mường Thanh, vào các trận địa pháo binh và sân bay của chúng. Cuộc chiến đấu bằng hỏa lực diễn ra ác liệt. Theo những tài liệu bắt được của địch sau này, để chi viện cho Him Lam và Độc Lập và phá hủy các trận địa pháo binh của ta, chỉ trong 3 ngày, từ 13 đến 15 tháng 3 quân địch đã bắn tất cả trên 3 vạn phát đạn pháo. Trong đêm 14 tháng 3 chúng lại huy động máy bay oanh tạc từ Hà Nội lên ném bom liên tiếp suốt 3 đêm. Đêm đó trời mưa to, các đơn vị sơn pháo chuyển đến chậm, 3 giờ 30 sáng ngày 15 mới bắt đầu. Đến 6 giờ 30 phút thì quân ta tiêu diệt hoàn toàn trung tâm đề kháng đồi Độc Lập… 6 giờ địch cho một đơn vị bộ binh có xe tăng yểm hộ từ Mường Thanh tiến lên phản kích nhưng bị pháo binh ta bắn thương vong một số phải rút lui.

        … 15 giờ ngày 17 tháng 3 pháo binh của ta bắn 20 phát vào Bản Kéo. Những binh lính người Thái đã lợi dụng lúc bọn chỉ huy chui xuống hầm ẩn nấp, mang cả vũ khí kéo ra hàng mặc dù bọn chỉ huy Phá ra sức khống chế. Địch cho xe tăng đuổi theo toán quân ngụy, pháo binh của ta bắn chặn để yểm hộ cho số hàng binh nói trên, buộc xe tăng của địch phải lùi lại…”.

        Trong quá trình chiến đấu, quân Việt Minh đã mở được một con đường trong quân khu phía Bắc của quân Pháp như vậy cả 3 mặt phân khu trung tâm cùng với sở chỉ huy và sân bay chính đã bày ra trước mũi sóng của đối phương. Sân bay chẳng còn tác dụng mấy, việc tiếp tế trở thành vấn đề nan giải. Chiến dịch càng kéo dài, những tổn thất về người, vũ khí và trang bị càng lớn và càng lớn và càng thấy cần phải được tăng cường. Chuyện ngược đời là càng yêu cầu tăng cường, càng được tăng cường, càng tăng thêm khó khăn thực tế cho De Castries.

        Sau đợt tiến công thứ nhất, có một thời gian tạm ngừng. Ông Giáp đã tranh thủ tăng cường lực lượng và củng cố các đơn vị, sau đó quyết định số phận của rất nhiều thương binh địch bị bắt làm tù binh: ông có thể trả lại cho De Castries hoặc cho họ một dịp may về chiến đấu với đội. Ông quyết định trả lại, các đơn vị đã đủ quân số và De Castries có thêm vấn đề phải giải quyết. Vì vậy, trong một trận đánh, một sĩ quan Việt Nam mang cờ trắng đến gần cứ điểm Bản Kéo và chuyển một bức thư cho De Castries. Trong thư nêu rõ sáng ngày 17 tháng 3, 86 thương binh của đồi Độc Lập sẽ đưa đến một địa điểm cách Bắc Bản Kéo 600 mét, có thể đưa băng ca đến đưa họ về. Đề nghị đó cũng như bao nhiều đề nghị tiếp theo tương tự đến đúng lúc trận chiến đang gay go ác liệt làm quên đi tính chất quan trọng của nó. De Castries đang đứng trước trường hợp phải chọn giữa hai con đường khắc nghiệt: nếu ông từ chối những thương binh của ông, hậu quả tinh thần sẽ rất nghiêm trọng; mặt khác các trung tâm cấp cứu đã đầy ắp, quá tải. Cuối cùng, yếu tố tinh thần xem ra quan trọng hơn và số thương binh được nhận về.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #48 vào lúc: 03 Tháng Tư, 2016, 05:28:38 am »

        Trong bệnh viện đã có gần 500 thương binh nặng, con số đó cứ tăng đều đặn cho đến 1.260 vào ngày 4 tháng 5. Vấn đề càng nghiêm trọng hơn khi khả năng chuyển về bằng máy bay bây giờ hoàn toàn bị cắt đứt (một số người được chuyển đi trong những ngày đầu. Có một lần, máy bay bị đánh ngay khi vừa cất cánh).

        Trong bệnh viện của Pháp, điều kiện phục vụ ngày càng tồi tệ. Lúc đầu bệnh viện có 44 giường, rồi ba kíp phẫu thuật nhảy dù xuống, với 2 băng máu và số “giường bệnh” tăng lên (bệnh nhân phải nằm xuống đất chứ không phải giường). Rồi trong một ngày đẹp trời, một chuyến dù của đội phẫu thuật thứ 6 do trung úy bác sĩ Vidal chỉ huy được lệnh của sĩ quan cao cấp quân y bác sĩ Grauwin, thành lập một bệnh viện phụ trợ bên bờ bên kia sông Nâm Rốm để cho thương binh khỏi phải trèo qua cái cầu trống trải bắc qua sông (về sau người ta bước trên xác chết chồng chất trên dòng sông mà không phải qua cầu).

        Thương binh rên rỉ trong những phòng tối tăm, ẩm ướt giống như dưới địa ngục Hieronymuss Boch trong những tấm màn khủng khiếp nhất: dưới ánh sáng của các ngọn nến, các bác sĩ và phẫu thuật viên khắc phục mọi mệt nhọc và phương tiện hạn chế cắt thịt, thấm vết thương, cưa tay chân, băng vết thương và cố gắng giảm đau trong một không gian sặc mùi hoại thư và tiếng kêu rên ran của người sắp chết. Các thương binh nằm dài trên băng ca đợi trước phòng mổ, nhưng đến lượt họ thì đã muộn quá: những người chết được mang đến những nhà xác dồn thành đống và cùng chôn vội khi trời sắp tối ở một nơi cách xa bệnh viện.

        Trên sườn đồi dốc phía ngoài của các ngọn đồi lần cận, chuyện tương tự được lặp lại trong những lều tre thiếu phương tiện chữa chạy và thuốc men hơn, kể cả khi những người có trách nhiệm nhiệm vụ được cung cấp pênicilin của Trung Quốc viện trợ cho chiến tranh.

        Khi những người lính Thái phòng ngự Bản Kéo không thể chống cự nổi bỏ chạy hoặc ra hàng đối phương, người chỉ huy tiểu đoàn dù số 5, người Việt Nam đứng sau họ ra lệnh bắn vào những người lính bỏ chạy, bao nhiêu phát đạn, bấy nhiêu người chết, không thể nói hết được. Một bộ phận của tiểu đoàn Thứ thứ 3 đào ngũ nhanh chóng, gây tiếp việc rã ngũ hoàn toàn của tiểu đoàn 2 Thái và việc bỏ ngũ của nhiều người lính trong tiểu đoàn độc lập nhẹ Thái, nhưng chẳng có gì đáng ngạc nhiên: một số lính là người địa phương, vợ con họ ở dưới quyền kiểm soát của cộng sản. Tất cả được tuyên truyền giác ngộ nhiều hơn là bom đạn và không hiểu sự thật là nên theo phía nào.

        Quân Việt Minh cũng chú ý lung lạc tinh thần của lính Bắc Phi và Đức của đội quân lê dương ngoại quốc bằng cách phát thanh bằng tiếng của họ hoặc thả truyền đơn ban đêm ở cuối các giao thông hào. Đến sáng, lính lê dương Đức thỉnh thoảng nhặt được các tờ truyền đơn hỏi họ tại sao lại chiến đấu cho kẻ thù của họ. Quân Pháp cũng được thực hiện chiến tranh tâm lý: khi đường giao thông hào chỉ còn cách địch vài mét, quân ông Giáp dùng loa hát điệp khúc bài hát địch vận: “Hỡi người anh em, trong đêm tối hãy vì tự do lắng nghe chúng tôi”. Đáp lại, lính Pháp đồng ca bài La Marseillaise.

        Sau vài tuần lễ, nhiều lính Việt Nam gốc Thái đến thay thế cho bọn lính Thái đào ngũ, số lượng bao giờ cũng đông hơn, hoặc lính Bắc Phi loại lính chuyên nghiệp cũng coi như lính lê dương không cần biết chiến đấu cho ai, hoặc phải chiến đấu cho phía thua (trong trận đánh có lúc những tay súng Algérie khi nhận thấy cả biển người Việt Minh tiến lên, hoảng sợ bỏ chạy. Tất cả đều bị quân xung phong của sư đoàn 312 tiêu diệt trừ một con người cứ đứng đó cho đến lúc quân của sư đoàn gạt đi. Cả sư đoàn tiến theo tốc độ chuyển làn của pháo binh sư đoàn, không gì cản trở được bộ binh Việt Nam xung phong. Trong khi bọn lính Algérie rút chạy, quân Việt Nam tiến vào một bãi mìn và hàng trăm người bị chết).

        Vì chuyện lộn xộn tăng lên trên chiến trường, không có nhân viên cơ quan tham mưu nào của De Castries tính đến “những quân lính bỏ ngũ trong nội bộ”, thật ra phải khoảng 3.000: đội quân đồn trú không phải chỉ có bị tiêu hao vì pháo đạn của quân ông Giáp, mà còn vì chuyện đào ngũ liên tiếp xảy ra. Các binh lính vơi dần vào trong hàm hố khuất nẻo hoặc những hố bên bờ sông Nậm Rốm, đột nhập ban đêm vào chỗ không người lấy trộm những thực phẩm thả dù xuống không đúng địa chỉ để sống sót. Một cái chợ đen được thành lập ban ngày để cho những người lính đang chiến đấu cần đến những dịch vụ cung cấp cần thiết nhất như đôi pin cho điện đài.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #49 vào lúc: 03 Tháng Tư, 2016, 05:32:54 am »

        Đuờng băng nhỏ xíu ở Hồng Cúm bị hỏa lực đối phương trực tiếp kiềm chế ngay từ đầu, khi quân Việt Minh đến gần cứ điểm chính, đường băng trở thành một cái bẫy chết người-những người lái máy bay dũng cảm là dân thường Mỹ đến từ Hà Nội hoặc Hải Phòng không còn muốn hạ cánh ban ngày sau khi cao xạ Việt Minh trải qua một thời kỳ huấn luyện đã tỏ rõ sức chiến đấu ban ngày của chiến sĩ. Sau đó họ phải thực hiện những chuyến bay đêm, tuy vậy cũng phải hủy bỏ việc cất cánh hoặc hạ cánh vì đạn pháo đối phương quá gần-Chỉ còn tiếp tế cho quân lính đồn trú bằng những chuyến thả dù không dễ dàng gì đối với các đội bay cũng như quân lính khi đi nhặt và phân phối hàng trăm tấn hàng trước khi trời sáng. Thỉnh thoảng có những kiện hàng rơi xuống bãi mìn và nổ tung; những kiện hàng khác rơi về phía quân Việt Minh tặng họ những thứ xa xỉ phẩm chưa hề được dùng: mùi nước hoa Gaulois lan tỏa trên những mảnh đất bị cày xới làm nức mũi lính Pháp kiệt sức hoặc bị thương. Một lần, hỏa lực của ông Giáp đánh đúng ngay vào một kho quân dụng và đốt cháy cả những dự trữ thuốc lá và thuốc lào: khói xanh bốc cao trên các ngọn đồi. Thật lãng phí!

        Việc đào hệ thống trận địa tiến công và bao vây theo lệnh ông Giáp được tiến hành cực kỳ dũng cảm, nỗ lực và hiệu quả kỳ lạ. Quân đội và nhân dân địa phương thực hiện. Một chiến sĩ bắt đầu đào dần, đưa đất về phía sau, kết thúc công việc. Những người khác thay thế tiếp tục như một cỗ máy. Họ mang theo lựu đạn và tiểu liên. Ví dụ việc đánh chiếm cứ điểm đông sân bay, họ không đào hào trên đỉnh đồi mà đào xuyên qua đồi và đánh từ phía sau. Mặt đất của cả một vùng bị cày xới và nham nhở, bên trong là những hố bắn lỗ chỗ như một tổ kiến.

        Việt Minh chiếm ưu thế về địa hình so với quân Pháp. Ở trên cao nên họ không bị quan sát, phần lớn lính ở tuyến đầu thức dậy lúc 11 giờ, sau đó được ăn bữa cơm nóng, trong khi lính Pháp chỉ thỉnh thoảng hoặc có khi chẳng bao giờ được ăn sáng. Hơn nữa vì ở dưới thấp nên lính Pháp khốn khổ vì nước nhiều từ trên các sườn đồi chảy xuống bị ngập nhiều ngày. Mọi người không chịu nổi cảnh này. Trong khi De Castries suốt ngày bên máy vô tuyến tranh luận hàng giờ liền với Cogny-để báo cáo, yêu cầu dù tiếp tế nhiều hơn, báo cho ông ta xấu nhiều hơn tốt, Langlais và Bigeard tổ chức chỉ huy các trận phản kích: quân của họ phải thoát ra khỏi hầm trú ẩn để làm cho đối phương phải khiếp sợ và chứng tỏ họ vẫn còn chưa hết. Nhưng quân Việt Minh đẩy lùi họ, quân Pháp lại bị thương vong nhiều. Rất nhiều người trong bọn họ hy vọng người Hoa Kỳ sẽ can thiệp để giải phóng cho tập đoàn cứ điểm hoặc bằng cách gửi quân đến, hoặc ném bom quân Việt Minh. Muốn tăng thêm hy vọng cho quân linh, Bigeard không ngừng tuyên bố với họ: “phải giữ vững thêm một ngày, người Mỹ sẽ đến với chúng ta”.

        Để bù vào những hao hụt quân số chiến đấu, De Castries luôn yêu cầu tăng cường lực lượng. Do đó, 4.227 người nhảy dù, 3.596 có dù, số còn lại không bao giờ nhảy từ máy bay đang bay (thêm 2.500 lính của đạo quân viễn chinh Pháp tự nguyện ứng cứu Điện Biên Phủ, 28.048 người châu Âu, 451 Bắc Phi và 95 ngụy Việt Nam. Kể cả khi lún sâu vào cuộc chiến, nhiều người Việt Nam vẫn trung thành với người Pháp: qua nhiều năm bọn thực dân đã làm cho nhiều người Việt Nam, tất nhiên họ cũng hưởng một phần lợi tức nhưng tinh thần, lòng tự hào và sợ mất mặt cũng là một phần quan trọng trong người Việt Nam.

        Ông Giáp cũng tăng cường lực lượng dự bị lên 25.000 người. Nhận thấy quân đội phòng không giành nhiều thắng lợi và biết rằng tập đoàn cứ điểm không thể giữ được nếu không có cầu hàng không, ông tung thêm một trung đoàn pháo cao xạ 37 mm và 720 tấn đạn dược. Quân tăng cường được lệnh từ tháng 3 từng đội 100 người vào vị trí chiếm lĩnh tháng 4. Mỗi tân binh được hai cựu binh có kinh nghiệm kèm kặp hướng dẫn chiến đấu. Trong 55 ngày chiến đấu, lực lượng của ông Giáp chỉ thiếu hụt tạm thời.

        Ngày 23 tháng 3, Navarre lần đầu tiên gọi ông Giáp là “Đại tướng” trong một cuộc nói chuyện trên máy vô tuyến. Đây là một sự đổi hướng vì cho đến lúc đó, ông Giáp chỉ là một vị chỉ huy du kích. Rõ ràng người ta đã chấp nhận cương vị Tổng tư lệnh quân đội của chiến dịch, điều mà không ai còn tranh cãi.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM