Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 05:41:28 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1945-1954) những sự kiện  (Đọc 55814 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« vào lúc: 28 Tháng Ba, 2016, 05:07:56 pm »

Tên sách: Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1945-1954) những sự kiện
Nhà xuất bản: Văn hoá - Thông tin
Năm xuất bản: 1997
Số hoá: ptlinh, chuongxedap




LỜI GIỚI THIỆU

Sự tuần tự của thời gian là biện chứng vận động nghiêm khắc nhất của lịch sử. Nhận thức sự tuần tự ấy phải bắt đầu đi vào từng sự kiện. Sự kiện trở thành tế bào của lịch sử. Và nhận thức được từng sự kiện cụ thể trong mối quan hệ với các sự kiện khác theo cả chiều đồng đại và lịch đại là một phương cách để nhận thức lịch sử. Cũng vì thế, những bộ sử biên niên ghi chép các sự kiện liên tục theo dòng chảy của thời gian vẫn được coi là cách chép sử cổ điển nhất và thường có giá trị lâu dài.

Thời gian gần đây, chúng ta quan tâm hơn đến cách viết tưởng như đơn giản nhưng có ích này. Đầu những năm 80, Viện Sử học Việt Nam đã bắt đầu lần lượt tổ chức biên soạn và xuất bản các bộ sách "Việt Nam những sự kiện lịch sử". Tiếp đó thể loại biên niên sự kiện này được nhiều cơ quan khai thác để biên soạn những công trình có liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh (Biên niên tiểu sử), Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Lịch sử các ngành, các địa phương,... Đó là những dấu hiệu tốt góp phần nâng cao chất lượng của sử học.

Theo hướng đó, vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày Toàn quốc kháng chiến, nhóm tác giả Trần Tường Vân, Nguyễn Quang Ân đã biên soạn tập sách này với tựa đề ''Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Pháp 1945 - 1954". Cuộc kháng chiến 9 năm với trên ba ngàn ngày không nghỉ được tái hiện trong tập sách này khởi đầu bằng ngày Nam Bộ kháng chiến (23-9-1945). Còn thời điểm kết thúc cuốn sách này không dừng lại ở các mốc son: Toàn thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954) hay Ký kết hiệp định Genève (20-7-1954), ngày Giải phóng Thủ đô (10-10-1954)... mà là ngày cuối cùng của năm 1954 với sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ đặt vòng hoa tại Đài liệt sĩ Hà Nội.

Qua việc sưu tầm và lựa chọn các sự kiện, các tác giả cũng muốn làm đậm hơn lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, không chỉ là lịch sử của một cuộc chiến tranh mà là lịch sử của một giai đoạn phát triển của xã hội Việt Nam trong bối cảnh vừa kháng chiến vừa kiến quốc của một nước Việt Nam đã tuyên bố độc lập từ 2-9-1945 dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Mặc dù các tác giả đã hết sức cố gắng nhưng chắc rằng cuốn sách này chưa thể phản ánh đầy đủ tầm vóc to lớn và phong phú của giai đoạn lịch sử hào hùng này và có thể có những sai sót cần phải sửa chữa, nhưng nghĩ đến câu nói được coi như bài học vỡ lòng của Voltaire "Một sự kiện đáng giá hơn hàng trăm phản đề, đừng đưa sự tưởng tượng thay vào chỗ của sự thật", mà chúng tôi trân trọng những công việc hai tác giả đã làm để giới thiệu với bạn đọc như một công trình thiết thực kỷ niệm nửa thế kỷ sự kiện trọng đại trong lịch sử Việt Nam.

19-12-1996
DƯƠNG TRUNG QUỐC
Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #1 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2016, 11:05:55 pm »


"Lần đầu tiên trong lịch sử một nước thuộc địa nhỏ yếu
đã đánh thắng một nước thực dân hùng mạnh.
Đó là một thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam,
đồng thời cũng là một thắng lợi của các lực lượng hòa bình,
dân chủ và xã hội chủ nghĩa trên thế giới".

HỒ CHÍ MINH

1945

• 23 tháng 9

Ngày mở đầu cuộc kháng chiến của đồng bào Nam Bộ chống thực dân Pháp tái xâm lược nước ta.

0 giờ ngày 23 tháng 9 năm 1945, thực dân Pháp được sự giúp đỡ tích cực của quân Anh - Ấn đã nổ súng, đánh chiếm hàng loạt mục tiêu quan trọng trong thành phố Sài Gòn, bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược lại Đông Dương. Chúng hy vọng nhanh chóng bình định Nam Bộ để làm bàn đạp tiến chiếm miền Trung và Bắc Việt Nam.

Rạng sáng 23 tháng 9, Hội nghị liên tịch giữa Xứ ủy, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban kháng chiến và đại diện của Tổng bộ Việt Minh đã họp cấp tốc tại số nhà 107 đường Cây Mai (Chợ Lớn) hạ quyết tâm chiến đấu và thông qua bản Hiệu triệu của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, kêu gọi "... Tất cả đồng bào, già, trẻ, trai gái, hãy cầm vũ khí xông lên đánh đuổi quân xâm lược... Từ giờ phút này, nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là tiêu diệt giặc Pháp và tay sai của chúng".

Sau đó, Ủy ban Nhân dân Nam Bộ ra Tuyên cáo quốc dân đề ra những biện pháp cấp bách để đối phó với thực dân Pháp như tổng đình công, triệt để không hợp tác, phá hoại đường giao thông tiếp tế, bao vây, đánh du kích tiêu hao tiêu diệt địch.

Nhất loạt nghe theo và làm theo lời hiệu triệu, quân và dân Sài Gòn ngay từ sớm ngày 23 đã phá nhà đèn, nhà máy nước. Cả Sài Gòn, Chợ Lớn thực hiện triệt để lệnh tổng bãi công, bãi chợ, bãi họp, không hợp tác với giặc Pháp. Mọi sinh hoạt trong thành phố bị ngừng trệ.

Ở nội thành, 16 khu tác chiến được thành lập. Ở ngoại thành, hình thành ba mặt trận đông, tây và nam thành thế bao vây quân thù. Hơn 350 đội xung phong công đoàn cùng với các đội tự vệ nhanh chóng triển khai chiến đấu. Chỉ trong vòng một tuần, 138 xí nghiệp và công sở lớn, 22 kho tàng, 4 chợ, 17 đầu máy xe lửa, 51 tàu nhỏ, 200 xe hơi và một số cầu bị đốt phá, gần 300 tên giặc bị đền mạng. Những ngày tiếp theo các cuộc chiến đấu ác liệt giữa ta và Pháp đã diễn ra tại các điểm: cầu Bồng, cầu Kiệu, càu Thị Nghè, cầu Muối, cầu Khánh Hội, cầu Chữ Y, Đất Hộ, Tân Định, Phú Nhuận, Đa Cao…, gây cho địch nhiều tổn thất.

• 26 tháng 9

Qua Đài phát thanh Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi đồng bào Nam Bộ anh dũng kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Người nói: "Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam Bộ... "Thà chết tự do hơn sống nô lệ". Tôi chắc và đồng bào Nam Bộ cũng chắc rằng Chính phủ và toàn quốc sẽ hết sức giúp những chiến sĩ và nhân dân hiện đang hy sinh tranh đấu để giữ vững nền độc lập của nước nhà”.

• 26 tháng 9

Chính Phủ ra lời Hiệu triệu kêu gọi đồng bào toàn quốc: "tranh đấu để huỷ diệt tất cả hành động xâm lăng của giặc Pháp ở Nam Bộ!" Hãy ủng hộ phong trào đấu tranh oanh liệt của đồng bào Nam Bộ! Hãy đoàn kết chặt chẽ xung quanh chính phủ và sẵn sàng hàng ngũ để tranh đấu hy sinh". "Chúng ta phải huy động lực lượng của toàn quốc để chuẩn bị một cuộc trường kỳ kháng chiến rất mãnh liệt và một bất hợp tác triệt để, sự thắng lợi cuối cùng nhất định là về tay chúng ta”.

• 26 tháng 9

Đoàn quân Nam tiến đầu tiên xuất phát từ Hà Nội. Đoàn gồm 3 đại đội Bắc Sơn, Bắc Cạn và Hà Nội được tổ chức thành một chi đội do đồng chí Hoàng Thơ chỉ huy, đồng chí Vũ Nam Long làm phó. Ít ngày sau đoàn quân đã có mặt chiến đấu ở mặt trận Sài Gòn.

Từ đó, suốt 2 tháng hầu như không ngày nào không có quân Nam tiến, hầu như không có chuyến tầu hoả nào không chở quân Nam tiến.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #2 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2016, 11:09:26 pm »


• 27 đến 28 tháng 9

Đại hội Đại biểu thanh niên Hà Nội

Có hơn 100 đại biểu tới dự gồm: 30 đại biểu thanh niên cứu quốc, 15 đại biểu phụ nữ cứu quốc đoàn, 12 đại biểu hướng đạo, 8 đại biểu thanh niên công giáo, 20 đại biểu tự vệ chiến đấu, 2 đại biểu học sinh, 4 đại biểu công nhân... với mục đích thống nhất các tổ chức thanh niên Hà Nội, phát triển công cuộc vận động thanh niên một cách sâu rộng, mạnh mẽ hơn để ứng đáp tình hình hiện tại, đào tạo những cán bộ thanh niên. Hồ Chủ tịch đến dự và phát biểu. Người nói: "phải làm sao cho tổ chức thanh niên Hà Nội phải thành một khối thanh niên khuôn mẫu cho thanh niên toàn xứ và toàn quốc".

Sau 2 ngày làm việc khẩn trương và nghiêm túc Đại hội đã nhất trí thông qua 3 đề nghị cùng kế hoạch triển khai, thực hiện đó là:

1)   Vấn đề thống nhất thanh niên khu Hoàng Diệu.
2)   Vấn đề phát triển kế hoạd vận động thanh niên.
3)   Vấn đề đào tạo cán bộ thanh niên.

Đại hội bầu ban Chấp uỷ VNTNCQHN khu Hoàng Diệu gồm 13 đồng chí.

Đại hội gửi điện văn cho Thanh niên Nam Bộ tuyên bố sẵn sàng đợi lệnh Chính phủ vào Nam tham gia chiến đấu.

• 27 tháng 9

Chính phủ ra sắc lệnh bãi bỏ thuế môn bài dưới 50 đồng và miễn hẳn phần phụ thu đối với các hạng môn bài trên. Thuế chợ, thuế đò được bãi bỏ. Rồi thuế xe tay, xe đạp bị thủ tiêu.

• 27 tháng 9

Hội đồng chính phủ đồng ý cho Nguyễn Hải Thần giữ chức Phó Chủ tịch Chính phủ lâm thời.

• 27 tháng 9

Tại Thị Nghè - một dân quân du kích với 1 khẩu súng liên thanh đã bắn chết 150 binh sĩ Pháp.

Ở Cầu Kiệu du kích bắn chết 30 quân địch, ta chỉ hy sinh 1 người bị thương vài người.

• 27 tháng 9

Tại Thị Nghè và Biên Hoà ta đã chiếm được 3 kho lương thực của thực dân Pháp.

• 27 tháng 9

18 xe chở quân Nhật từ Tây Nguyên theo đường số 21 về Ninh Hoà, bị bộ đội Nam tiến của Thừa Thiên phục kích tại đèo Phượng Hoàng bắt sống toàn bộ. Sau khi giải thích chính sách, ta thả cho về Ninh Hoà. Kết quả, quân Nhật bỏ Ninh Hoà rút về Nha Trang, giao lại 240 khẩu súng và một số đạn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #3 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2016, 11:13:10 pm »


• 28 tháng 9

Hồ Chủ tịch gửi thư kêu gọi "Sẻ cơm nhường áo”. Thư viết "... Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng.

Vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước, và tôi xin thực hành trước.

Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo".

• 28 tháng 9

Quân đội Nhật tổ chức lễ đầu hàng, cử hành tại Phủ Toàn quyền cũ (Hà Nội). Đại tướng Lư Hán là chủ toạ cùng 4 đại biểu quân nhân Nhật.

Bản Hàng ước đã được đọc, các đại biểu quân Nhật ký tên - Tướng Lư Hán đọc bản tuyên ngôn nói rõ nhiệm vụ của quân đội Trung Hoa sang Đông Dương để tiếp thu sự đầu hàng-của Nhật chứ không tham vọng đến chủ quyền Việt Nam.

• 29 tháng 9

Thành lập Uỷ ban nhân dân Nam Bộ mới gồm:

1)   Phạm Ngọc Thạch đại biểu Chính Phủ TW.
2)   Trần Văn Giàu: Chủ tịch uỷ ban kháng chiến.
3)   Phạm Văn Bạch: Uỷ viên nội vụ.
4)   Hoàng Văn Đôn: Uỷ viên lao động, đã bị quân Pháp bắt.
5)   Ngô Tấn Nhơn: Uỷ viên kinh tế và tiếp tế.
6)   Huỳnh Văn Tiểng: Uỷ viên tuyên truyền.
7)   Nguyễn Văn Cao: Uỷ viên đặc biệt.
8 )   Nguyễn Văn Tấy: Uỷ viên đặc biệt.

• 29 tháng 9

Hồ Chủ tịch ký sắc lệnh số 40 về việc lập thêm một Toà án Quân sự ở Nha Trang và quy định các địa phương thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án quân sự này.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #4 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2016, 11:16:30 pm »


• Tháng 9

Hồ Chủ tịch chỉ thị: phải nhanh chóng chấn chỉnh, mở rộng Giải phóng quân Việt Nam và đổi tên thành Vệ quốc đoàn.

• Tháng 9

Nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Hồ Chủ tịch đã gửi thư cho các học sinh: "... Trong năm học tới đây, các em hãy cố gắng, siêng năng học tập, ngoan ngoãn, nghe thầy, yêu bạn... Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài Vinh quang để sánh vai các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em".

• Tháng 9

20.000 người Việt Nam tại Paris vừa là thợ thuyền vừa là học sinh cùng với người Pháp biểu tình ủng hộ nền độc lập của Việt Nam, phản đối việc quân đội thực dân Pháp ở Đông Dương núp sau phái bộ Anh xâm lược Sài Gòn.

• Cuối tháng 9

Đại đội "Cao Miên Việt kiều" được thành lập.

• Cuối tháng 9

Thành lập Bộ chỉ huy Mặt trận Nam Trung Bộ, có nhiệm vụ bảo đảm hành lang vận chuyển từ ngoài vào chi viện cho Mặt trận phía Nam, chuẩn bị sẵn sàng đánh địch ở Nam Trung Bộ.

• Đầu tháng 10

Chính phủ ra nghị định về chế độ lao động, quy định quan hệ chủ - thợ, quy định ngày làm việc 8 giờ, chủ xí nghiệp muốn thải người phải báo cho công nhân biết trước 1 tháng, tháng ấy thợ vẫn được hưởng lương v.v...

• 1 tháng 10

Trước sự khiêu khích của quân Tưởng và bọn phản động, 300.000 đồng bào ở Hà Nội diễu hành biểu dương lực lượng, ủng hộ Chính phủ lâm thời, Mặt trận Việt Minh và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

• 1 tháng 10

Khoá học thứ tư Trường Quân chính Việt Nam làm lễ tốt nghiệp. Hồ Chủ tịch đến dự và phát biểu. Người nói: "Những đức tính mà đã là cán bộ cần phải có là:

1/ Không tự kiêu, không có các bệnh làm "quan cách mạng".
2/ Phải siêng năng: siêng nghe, siêng thấy, siêng đi, siêng nói, siêng làm.
3/ Cần tiến bộ luôn luôn, không lúc nào ngừng nghiên cứu; tự nguyện sửa chữa những khuyết điểm.
4/ Trung thành với mục đích cách mạng: giữ cho nước nhà được độc lập, giống nòi được tự do."

• 1 tháng 10

Hệ thống thông tin liên lạc bằng vô tuyến điện của Bộ Tổng tham mưu đã liên lạc được với đài Nam Bộ, khu 5 và các chiến khu 1,2,3.

Khai giảng lớp báo vụ vô tuyến điện gồm 20 người, học trong 1 tháng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #5 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2016, 11:19:00 pm »


• 3 tháng 10

Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 41 về việc bãi bỏ các công sở và các cơ quan thuộc Phủ Toàn quyền Đông Dương trước đây.

• 5 tháng 10

Tướng Lơ-cléc, Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp tới Sài Gòn.

• 8 tháng 10

Bộ Thanh niên triệu tập đại biểu các đoàn thể thanh niên và các vị vẫn thường quan tâm đến vấn đề thanh niên tới họp bàn về: Nhiệm vụ và công tác cấp bách của thanh niên lúc này là bảo vệ nền độc lập của nước nhà và kiến thiết đất nước.

• 8 tháng 10

Tuần lễ văn hoá Việt Nam khai mạc ở Hà Nội, khẳng định Việt Nam vẫn bảo tồn được nền văn hoá riêng.

• 8 tháng 10

Mở khóa huấn luyện cán bộ phụ trách giáo dục các tỉnh đầu tiên, khóa mang tên "Hồ Chí Minh” khóa dành cho các ủy viên và cho cán bộ bình dân học vụ các tỉnh đồng bằng và trung du Bắc Bộ và Thanh Hóa. Về dự có 79 ủy viên cán bộ, trong đó có 13 nữ.

Chương trình huấn luyện tổ chức trong 10 ngày, chia làm 3 phần: Sư phạm, tổ chức và chính trị. Ngoài ra còn huấn luyện về quân sự, tuyên truyền và âm nhạc.

• 9 tháng 10

Hồ Chủ tịch tiếp Bộ trưởng bộ cứu tế và nhân viên Tổng hội Cứu tế. Người nói "Giúp nạn dân là tuỳ tâm, tuỳ lực từng người, không phải là một thứ thuế. Tuyệt đối không áp bức ai cả. Chính phủ không nài ép ai. Nhưng dân ta nên thương sót lấy nhau. Ta lại phải làm cho hột gạo từ nơi "người cho" đến bao tử "người đói".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #6 vào lúc: 05 Tháng Tư, 2016, 04:54:33 pm »


• 10 tháng 10

Khi lệnh ngừng bắn kết thúc, quân ta tập kích địch ở Khánh Hội, đốt phá nhiều kho lương thực.

• Từ 10 tháng 10

Anh lấy danh nghĩa Đồng minh đưa quân đi tước vũ khí quân Nhật ở các thị xã thuộc Đông Nam Bộ nhằm giúp Pháp mở rộng chiếm đóng các tỉnh xung quanh Sài Gòn.

• 10 tháng 10
 
Chính phủ ký sắc lệnh số 44/SL thành lập "Hội đồng cố vấn học chính”. Hội đồng gồm những nhà trí thức nam và nữ thuộc giáo giới, có nhiều kiến thức và lịch duyệt về vấn đề giáo dục.

• 11 tháng 10

Lễ lên đường của đoàn quân tiễu trừ giặc đói tại Nhà hát lớn thành phố Hà Nội.

• 12 tháng 10

Pháp chọc thủng Phòng tuyến phía Bắc Sài Gòn, chiếm Tân Sơn Nhất, Hóc Môn, Phù Mỹ. Quân Anh chiếm Gò Vấp, Gia Định. Lực lượng vũ trang ta bám đánh tiêu diệt nhiều tên.

• Giữa tháng 10   

Tại trận quyết chiến ở Thị Nghè - giặc Pháp bị ta đánh cho đại bại. Gần 500 quân Pháp tử trận. Quân ta giữ được 3 chiến luỹ.

Toàn thể quân Hai Hổ và Bảy Trương đã hy sinh.

• Giữa tháng 10

Trong trận đánh ở An Nhơn, 7 xe quân địch đã bị tiêu diệt - ta đoạt được 3 xe thiết giáp.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #7 vào lúc: 05 Tháng Tư, 2016, 04:56:35 pm »


• 16 tháng 10

Quân ta chặn đánh quân Pháp nống ra An Nhơn (Gó Vấp) và đốt cháy kho săm ô-tô, kho xăng, kho lương thực, phá hủy nhà máy điện, nhá máy nước.

• 17 tháng 10

Chính phủ ra sắc lệnh về "Thể lệ bầu cử Quốc hội" gồm 12 khoản và 70 điều, chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước ta

• 17 tháng 10

Bộ Kinh tế quốc dân thông tư cho Ủy ban nhân dân các cấp về phương pháp khẩn cấp chấn hưng nông nghiệp.

• 17 tháng 10

Chính phủ ra sắc lệnh số 51 định rõ thể lệ cuộc Tổng tuyển cử, tổng số đại biểu Quốc hội và ngày bầu cử chung cho cả nước.

• 20 tháng 10

Hồ Chủ tịch khai mac Ngày cứu quốc của sinh viên để khuyến khích lòng yêu nước của quốc dân và ủng hộ đồng bào Nam Bộ.

• 20 tháng 10

Lễ xuất phát của Đội tuyên truyền xung phong lần thứ nhất. 500 đội viên nhận tờ uỷ nhiệm thư và những huấn lệnh của Chính phủ để lên đường.

• 23 tháng 10

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nguyễn Hải Thần ký bản thoả ước chấp nhận hai bên cùng đoàn kết, hợp tác với nhau. Nhưng chỉ ít hôm sau, bị Việt quốc phản ứng, Nguyễn Hải Thần tuyên bố xé bỏ thoả ước ấy.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #8 vào lúc: 05 Tháng Tư, 2016, 04:58:14 pm »


• 23 tháng 10

Quân Pháp đổ bộ lên Thị xã Nha Trang sau đúng một tháng nổ súng tấn công Nam Bộ. Mặt trận Nha Trang được mở, khởi đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở tỉnh Khánh Hòa - miền Nam Trung Bộ. Sau đó suốt 101 ngày đêm từ 23-10-1945 đến 2-2-1946, quân dân Nha Trang cùng các đơn vị bộ đội Nam tiến chi viện miền Bắc, liên tục chiến đấu chống giặc, đánh thắng quân địch những trận oanh liệt như Mả Vòng, Bơrten, Chợ Đầm, Chợ Cầu mới - Ngọc Hồi, ga xe lửa Phú Vinh, Nhà Đèn, vườn hoa Võ Văn Ký, Xóm Bóng, khách sạn Beau Rivage, hãng Charner, Cây Đa Quán giếng... kiên cường giữ vững trận địa, giam chân và tiêu diệt địch, thực sự làm thất bại chiến lược "đánh nhanh thắng nhanh" của thực dân Pháp ở mặt trận này.

• 23 tháng 10

Binh đoàn thiết giáp Mát Xuy đến miền Nam, lực lượng Pháp ở Nam Bộ lên tới 6.000, bên cạnh đó có 20.000 quân Anh, 40.000 quân Nhật. Lơ-Cléc đặt kế hoạch "đánh nhanh thắng nhanh", đánh chiếm toàn bộ Nam Bộ và Nam Trung Bộ.

Trong 2 ngày 23 và 24-10, lấy danh nghĩa giải giáp quân Nhật, quân Anh đã chiếm được các thị xã Biên Hòa, Thủ Dầu Một; Quân Pháp chiếm Mỹ Tho.

• 25 tháng 10

Hội nghị cán bộ Đảng bộ Nam Bộ (Xứ ủy Nam Bộ mở rộng) họp ở Thiên Hộ (Mỹ Tho). Dự hội nghị có đồng chí Hoàng Quốc Việt, Ủy viên thường vụ Trung ương Đảng; các đồng chí Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng vừa ở Côn Đảo về cùng nhiều Đảng bộ tỉnh, thành phố. Đây là hội nghị lớn nhất của Đảng bộ Nam Bộ từ sau khi giành được chính quyền.

Hội nghị đã kiểm điểm tình hình, rút kinh nghiệm chỉ đạo kháng chiến Nam Bộ, đề ra nhiều biện pháp cần thiết để củng cố và xây dựng lực lượng, khôi phục chính quyền những nơi bị tan vỡ. Nhiều cán bộ Đảng viên trong đó có khoảng 1.000 đồng chí vừa từ Côn Đảo về được phái vào bộ đội và về các địa phương làm nòng cốt cho phong trào kháng chiến.

• 25 tháng 10

Hình thành trọn vẹn hệ thống thông tin quân sự toàn quốc bao gồm Phòng thông tin trung ương ở Bắc Bộ (Hà Nội), Phân phòng thông tin Trung Bộ (ở Huế), Phân phòng thông tin Nam Bộ đi theo Bộ tư lệnh Nam Bộ.

• 25 tháng 10

Một đơn vị quân Pháp tiến đánh thị xã Gò Công bị lực lượng địa phương chặn đánh loại khỏi vòng chiến đấu nhiêu tên địch.

• 25 tháng 10

Hơn 25.000 Việt kiều ở Pháp xuống đường biểu tình tố cáo trước dư luận hành động xâm lược của thực dân Pháp, đòi nhà cầm quyền Anh "hãy gọi quân Anh về nước".

• Từ 25 đến 30 tháng 10

Quân Pháp đánh Gò Công (25-10), chiếm Vĩnh Long (30-10), Cần Thơ (30-10).

Ở Lào, 27-10: Hoàng thân Xu-pha-nu-vông trực tiếp chỉ huy bộ đội Lào - Việt tập kích Mường Cầu, diệt nhiều địch.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #9 vào lúc: 05 Tháng Tư, 2016, 05:02:09 pm »


• 26 tháng 10

Chính phủ ra nghị định số 19 giảm 20% thuế điền và miễn cho những vùng bị lụt.

• 29 tháng 10

Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi đồng bào Nam Bộ quyết chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ cho nền độc lập của Việt Nam. Để chiến thắng giặc ngoại xâm, toàn thể quốc dân hãy đoàn kết lại thành một khối kiên cố thống nhất.

• 30 đến 31 tháng 10

Trận Xuân Lộc quân ta đánh bại một liên quân Anh, Ấn, Nhật có cả xe tăng, đại bác.

• 31 tháng 10

Làng Đình Bảng (phủ Từ Sơn - Bắc Ninh) làm lễ kỷ niệm Lý Bát Đế và vinh dự được đón Hồ Chủ tịch về dự lễ.

• Tháng 10 (trước 17-10)

Một chiến sĩ Việt Nam đã tẩm dầu vào mình tự làm mồi lửa hy sinh thân mình, chạy vào kho dầu Xi-mông I-ê-tơ-ri (Simon Piétri) của địch. Lập tức kho dầu bốc lửa và bốc cháy dữ dội suốt hai ngày hai đêm.

• Tháng 10 (trước 17-10)

Tại Bùi Chu (Nam Định), Phát Diệm (Ninh Bình) Linh mục Lê Hữu Từ thành lập "Công giáo cứu quốc". Bề ngoài tổ chức này đứng trong Mặt trận Việt Minh nhưng thực chất là lợi dụng danh nghĩa hợp pháp để tập hợp lôi kéo giáo dân phá hoại cách mạng.

• Tháng 10

Nhằm khắc phục những sai lầm, khuyết điểm, nâng cao sức chiến đấu của chính quyền cách mạng các cấp, chủ tịch Hồ Chí Minh viết Thư gửi các Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng. Trong thư, Người chỉ rõ nghĩa vụ của chính quyền đối với nhân dân lao động. "...Các cơ quan của chính phủ từ toàn quốc đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân.". Người phê phán nghiêm khắc những thói xấu của một số cán bộ chính quyền đã mắc phải và kêu gọi những người cán bộ từ trung ương đến các làng nếu đã mắc lỗi lầm thì phải ra sức sửa chữa, nếu "không phạm sai lầm" "thì nên chú ý tránh và gắng sức cho thêm tiến bộ".

• Tháng 10

Người Phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ tuyên bố về tình hình độc lập Đông Dương, thừa nhận nền độc lập Việt Nam, không thừa nhận chủ quyền của Pháp ở Đông Dương

• Tháng 10

Chính phủ quyết định lập các chiến khu. Quyết định này lần lượt được thực hiện ở Bắc Bộ, Trung Bộ, rồi Nam Bộ.
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM