Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 06:34:28 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tôi từng là phi công tiêm kích  (Đọc 29665 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #50 vào lúc: 17 Tháng Sáu, 2016, 08:43:16 am »

        Năm chiến tranh kêt thúc cũng là năm tôi chính thức đặt vấn đề với cả hai gia đình về chuyện yêu đương của tôi. Bố mẹ tôi thì không có ý kiến gì, đế tự tôi quyết định vì tôi cũng không còn bé bỏng gì nữa, chỉ thương vì xa xôi quá, sẽ vất vả về sau này. “Gần thì chẳng bén duyên cho. Xa xôi cách mấy lần đò cũng đi!” Duyên số vậy rồi, biết làm sao được! Năm trước đó, bố mẹ tôi ở nhà cũng có nhắm nhe cho tôi một cô bé cùng thôn, ở xóm trên xóm tôi, nhưng tôi khăng khăng chối từ, mang tiếng cùng làng, nhưng suốt từ thời cùng sinh hoạt đội với nhau tới tận bây giờ, tôi đâu có gặp lấy một lần, đến khuôn mặt cũng chẳng nhớ, chẳng mường tượng dược ra thì nói gì đến yêu với đương!

        Khi đặt vấn đề với gia đình “cô bé áo xanh” thì tôi được bà mẹ và bà bà chị “thuyết giáo” cho tôi một bài tràng giang đại hải về động cơ yêu đương, trách nhiệm trong tình yêu... Tôi ngồi sốt ruột lắm nhưng không biết làm thế nào. Hồi ấy chúng tôi đâu có được dắt tay nhau đi như thanh niên bây giờ. Tôi ngồi một bên bàn, người yêu tôi ngồi một bên bàn. Đầu bàn thì mẹ ngồi têm trầu, thủng thẳng tuyên bố như Bao Thanh Thiên trên công đường “Các con cứ nói chuyện với nhau đi!” Tôi trộm nghĩ có lẽ “đến cụ tôi cũng chẳng dám nói gì...” Tâm sự với nhau mà luôn có mặt thẩm phán ở cạnh thì chỉ có mà sinh sự! Tôi ngước nhìn người yêu tôi. Cô bé cúi gằm mặt xuống. Tôi lùa chân dưới gầm bàn khoắng chân sang bên kia một cái, rồi xin: “Giải tán biên đội”. Thế là một lần nữa, mối tình của tôi lại chỉ diễn ra trên các bức thư viết và viết - gửi và gửi. Đã có lần tôi chuyển cả một bức thư bằng đường điện báo. Mấy cô ở bưu điện nhận điện chuyển rồi mắt cứ trợn ngược lên hết. Khiếp quá, có lẽ tôi là thằng khách hàng đầu tiên làm cái trò này từ thuở có bưu điện tới giờ thì phải, nên các cô coi tôi như người ở hành tinh khác lạ đến. Cuối đường dây nhận điện xong cũng xôn xao, không ngờ lại có bức thư tình chuyển ngang nhiên trên mạng báo như vậy. Âu cũng là một sự kiện!.

        Những năm ấy tôi đã làm gì có xe máy. Số lượng “bình bịch” ở nước mình cũng rất ít, chỉ có cán bộ to mới có thôi, chiếc xe đạp “Vĩnh cửu” theo tôi suốt các chặng đường bộ. Chuyến đi nổi tiếng của tôi mà tới giờ anh em cùng lứa vẫn nhắc là chuyến tôi đưa người yêu về thăm quê, ra mắt bố mẹ tôi. Tôi được nghỉ 3 ngày. Gian lận tổ chức được nửa ngày hôm trước vị chi là 3 ngày rưỡi. Cơm nước buổi trưa xong, tôi rời trung đoàn đạp xe ngược dốc. Lần nào cũng vậy, chỉ mắm môi, mắm lợi cố sức đạp đến trạm công an ở chân suối thôi, từ đấy lên nhà là phải đẩy bộ. Đi người không lên dốc đã thấy mệt, đẩy thêm chiếc xe đạp với quãng đường mười mấy cây số thì đúng là cả một vấn đề. Giả dụ như không có “động cơ đốt tim” thì chẳng thể đi lại liên tục thế được. Tôi lên đến nhà thì đã tối mịt, cơm nước qua loa rồi đặt vấn đề với bà mẹ và chị (vì ông bố mất mấy năm trước rồi). Gia đình dồng ý. Vậy là gói ghém đồ đạc quần áo, quà cáp... lịch kịch cả. Người yêu tôi bấy giờ chưa biết đi xe đạp (bước chân ra khỏi nhà là dốc rồi, tập vào lúc nào và tập ở đâu được!). Đó mới là nỗi cực cho tôi và cho nàng. Vì kiểu gì tôi cũng gò lưng đạp, tê chân mấy nàng cũng vẫn phải ngồi! Chiếc xe đạp của tôi thật chẳng khác gì con lạc đà. Trên ghi đông thì treo một bi đông nước chè, một gói cơm nắm, một túi đựng gương lược của cô em. Rồi đến tôi là bộ tải chủ lực độc nhất. Rồi đến người yêu. Buộc kèm theo xe gồm mấy túi du lịch đựng: một yến bột đao, mấy chai mật ong, mấy chục quả cam, quýt... là những thứ ở vườn nhà tăng gia, túi đựng quần áo của tôi, của người yêu tôi, túi đựng bánh kẹo, đường sữa., của tôi đem về làm qùa.. Những túi ấy buộc chất cao đến ngang vai người ngồi sau. Chặt cành cây buộc sau xe nữa thế là hai chúng tôi xuống núi bon bon về đồng bằng. Người yêu tôi bấy giờ 55kg, cộng thêm các thứ kia nữa thì tôi cứ bỏ tròn cho là bẩy chục ký. Từ Tam Đảo về đến quê tôi nhẹ nhàng cũng hơn trăm cây số. Một người “chết” cũng phải đạp một người “ốm” cũng phải ngồi! Không thể thay nhau được! Chúng tôi tha nhau đi để nối chặng đường giữa hai quê như thế đấy. Quả đúng là chuyện nàng hỏi mệt hay không thì vội trả lời là “phình phường”. Thật khi mệt đứt hơi, ù cả hai tai thì chẳng còn thấy gì là thi vị! Những cứ mong mình biến thành lạc đà chắc lai thồ sẽ nhẹ nhõm hơn, mà lại đỡ phải uống nước dọc đường! Nhưng có lẽ khổ nhất lại là người ngồi ở đằng sau cơ. Không cựa quậy, vặn vẹo gì được. Ồm eo người đằng trước thì không dám vì ngượng. Mà giả dụ lúc ấy có đụng vào eo tôi thì chắc tôi đổ kềnh ra mất vì tôi có “máu buồn”, thở đã chẳng xong lại giật thót người lên... cầm bằng đổ xe nằm ăn vạ là cái chắc!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #51 vào lúc: 17 Tháng Sáu, 2016, 08:44:29 am »

        Chúng tôi về đến quê thì trời nhá nhem tối. Dắt xe vào sân nhà mà chân tôi bị “chuột rút”, mãi mới khỏi. Gặp gỡ gia đình, hàn huyên mọi chuyện xong. Sớm hôm sau chúng tôi lại rời quê, ngược núi! Trên ghi đông xe vẫn số lượng và “chất lượng” túi như vậy. Đằng sau thì được thay bằng “khoai tây, gạo nếp, đỗ xanh... của nhà trồng, ước chừng cũng 15kg! Có nghĩa là trọng lượng chuyến đi - về như nhau. Chúng tôi lếch thếch về đến chân núi thì đã chiều tà. Cơ cực nhất bây giờ mới là chuyện đẩy xe lên dốc. Không thể bỏ bất kỳ một thứ gì ở trên xe lại được. Mà cái trò mệt rồi thì đến cái cúc áo cũng thấy nặng. Chiều về, sương xuống, gió núi thốc ào ào, lạnh ra trò mà mồ hôi tôi vẫn cứ chảy ròng ròng. Nhẩm tính phấn đấu vượt cứ từng khuỷnh rẽ một. Núi cao mây che lấp khu nhà ở, chẳng nhìn thấy đâu. Đường núi thì heo hút có độc 2 đứa chúng tôi đẩy xe. Tiếng cú rúc trong lòng núi vang vọng rất xa, nghe ớn lắm. Núi rừng tĩnh mịch. Nghe hơi thở của mình cứ như nồi súp de của đầu tầu hoả phì hơi ấy. Có lẽ phải gần nửa đêm chúng tôi mới đẩy được xe lên nhà. Đúng là tình yêu nó lôi kéo, cuốn hút như có ma lực! Không yêu nhau chắc khó lòng mà thúc được tôi đi trong đêm hôm đẩy xe trên đường dốc như vậy.

        Sáng hôm sau thì tôi lại lên đường, trôi dốc rồi đạp xe về trung đoàn, để đêm hôm ấy đi trực chỉ huy ngoài sân bay luôn. Nằm ở nhà trực bấy giờ mới thấy ê ẩm, chân tay rã rời, không muốn nhúc nhích tí nào hết. Cảm tưởng như người mượn: chân tay cứ như của ai lắp vào chứ không phải chân tay mình... Cũng là sự thử thách của tình yêu “tam tứ núi cũng trèo, ngũ lục sông cũng lội, thất bát đèo cũng qua” cơ mà. Anh em biết chuyện, lè lưỡi lắc đầu hết. Không ai có thể nghĩ được rằng trong thời gian ngắn thế mà tôi lại đi được như vậy.

        Năm 1974 tôi đi học ở Học viện Quân sự Gagarin (Liên Xô), hai gia đình chưa thống nhất chuyện cưới xin nên hoãn lại. Suốt mấy năm học (từ năm 1974 đến năm 1976) tôi rất ít nhận được thư của người yêu gửi sang, mặc dù tuần nào dù bận đến đâu tôi cũng viết về một lần. Có lúc tôi đã nghĩ có lẽ lần này rồi mình cũng phải gặp “trục trặc”. Đường tình duyên chắc còn lận đận nữa, chưa thôi! Biết làm thế nào khi mình ở xa hàng ngàn vạn cây số, tình cảm bộc lộ lại chỉ được trên trang giấy, nói làm sao cho đủ, cho hết được. Thôi đành “nếu phải duyên nhau thì thắm lại” bằng không thì cũng chịu chứ biết làm sao. Thực ra thời gian ấy có một số “nhân vật” chuyên thủ tiêu thư của tôi, không cho người yêu tôi nhận những thư ấy, cốt để tôi hiểu lầm. Nhưng rồi mọi chuyện cũng được làm sáng tỏ.

        Năm 1976 chúng tôi nghỉ hè, được về nước, gia đình giục giã tôi chuyện cưới xin ghê quá. Lứa tuổi tôi ở quê, chúng nó con bồng, con mang, lên chức bố hết cả rồi, chỉ mỗi tôi là còn lông bông, lang bang, nên bố mẹ tôi lo lắm. Hơn nữa, tôi có lập gia đình thì mấy đứa em sau tôi mới tính đến chuyện cưới hỏi cho chúng được. Tôi nói với bố mẹ tôi là cứ để cho bọn chúng, dứa nào có điều kiện thì tổ chức trước đi, nhưng bố tôi bảo “kim chỉ có đầu con ạ!” Vậy là tôi chẳng còn cách nào để “thoái thác nhiệm vụ” nữa. Lại một mình đạp xe ngược dốc, đặt vấn đề với gia đình người yêu tôi. Rồi lại xuôi để truyền đạt ý kiến. Lại ngược để phúc đáp. Tôi như con thoi hết lên núi lại xuôi đồng bằng, rối rít tít mù cả lên. Trời thì nắng như thiêu như đốt, tôi mệt đến bã hơi.” Tôi lấy vợ đúng là “Vơ lấy tội”. Có bao nhiêu suối dọc đường lên núi là tôi uống bấy nhiêu, chẳng sợ vắt nước, đỉa núi, vi trùng, vi triếc gì hết. Cứ “nhập” đã, còn đâu - tính sau! Cái nắng, cái khát ở đường dốc quả là dễ sợ! Chiếc xe đạp thực đúng là người bạn trung thành của tôi. Từng ấy chuyến đi mà không hề “làm mình - làm mẩy” một tí nào. Suốt từ khi làm quen, tới khi bàn chuyện cưới xin, tôi chỉ một thân một mình diễn các vai ông mối, chú rể, đại sứ lưu động cho cả hai gia đình. Ngẫm cái mệnh “ốc thượng thổ” của tôi (là đất trên nóc nhà) chơ vơ tự thân, lập thân thật chẳng sai. Ngày đặt lễ ăn hỏi, cũng mỗi tôi đưa đồ lễ: trầu, cau... lên. Tôi còn kiếm thêm cả khúc vỏ trầu to gộc kèm theo. Bà mẹ vợ tương lai của tôi cười bảo: chưa thấy ai sắm giầu vỏ thế này. Tôi liền thưa: Con vẫn nghe có câu “Trầu không rễ (vỏ) như rể nằm nhà ngoài ạ”. Cả nhà cười vui lắm.

        Ngày chúng tôi đi đăng ký trên thị trấn Tam Đảo thì gặp bác Phạm Văn Đồng. Bác đứng nói chuyện với chúng tôi, tôi thưa chuyện và mời Bác ngày tới dự đám cưới của tôi. Bác chúc chúng tôi hạnh phúc và tiếc là không dự được vì hôm sau Bác phải xuôi Hà Nội rồi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #52 vào lúc: 17 Tháng Sáu, 2016, 08:46:29 am »

        Ký vào tờ “Giấy giá thú”, tôi hồi hộp lắm. Sau khi ký xong thì tôi không còn là tôi như trước đây nữa. Không thể lông bông vì đã có “rợ buộc chân”. Trách nhiệm nặng hơn lên nhiều “Nào bên nội, nào bên ngoại, nào các anh, các chị, các em... ứng xử, ăn ở sao cho phải đạo. Rồi cuộc sống riêng tư thế nào... Nhiều vấn đề lắm chứ, đâu phải đám cưới búp bê của lũ trẻ con chơi đồ chơi, chỉ có rặt tiếng cười.

        Giáp ngày cưới của tôi thì bố tôi, bác tôi với mấy đứa em mới lên được. Khổ cho mấy đứa em, ở nhà thì hăng hái đi, dọc đường lên núi thì hồ hởi, thấy cái gì cũng lạ, cũng háo hức vì lần đầu tiên đi núi. Đến nửa chừng dốc thì chân díu lại, không bước nổi, nằm lăn ra đường kêu: “Nếu bây giờ mưa thì cũng đế mặc cho trôi chứ không đủ sức dậy nữa”.

        Ngày tôi cưới là ngày mưa khá to, mưa mãi gần tối mới tạnh, vài tiếng sau lại mưa! Đến cả trời tình cảm cũng ướt át thế chứ nói gì riêng tôi.

        Sang hôm sau thì cả đoàn lại rồng rắn bằng xe đạp về quê tôi để làm lễ ra mắt họ hàng. Khách khứa, họ hàng đông đến mức vợ tôi phát hoảng. Bà con chúc tụng, mừng lắm vì cứ nghĩ rằng tôi ế vợ. Ba chục tuổi đầu rồi chứ còn trẻ trung gì nữa.

        Ở nhà mấy ngày, tôi lại đưa vợ tôi về núi. Rồi thời gian nghỉ hè cũng hết. Tôi lại lên tàu liên vận đi học tiếp. Lại chất nặng thêm nỗi nhớ thương suốt thời gian dài đằng đẵng cả cho người nơi đất khách quê người, cả cho những người ở quê nhà. Những nỗi nhớ thương ấy không thể lấy gì đong đếm được, cũng chẳng sao viết hết ra được. Lòng tôi trĩu nặng suốt những tháng năm cuối của đời học viện. Mong lắm làm sao thời gian trôi nhanh, mong lắm làm sao chóng kết thúc khoá học, dù biết rằng, với thời gian không thể níu, không thể đẩy được, nhưng vẫn mong.

        Rồi ngày về cũng đến. “Ba thu đọn lại một ngày dài ghê!” Cái ngày cuối của học viện sao mà đằng đẵng trong mong chờ. Bỏ lại sau lưng bao nhiêu kỷ niệm êm đềm của một khung trời hoà bình, chúng tôi theo nhịp bánh sắt nghiến trên đường ray trở về quê hương. Những ngày trên tàu là những ngày nhẩm tính cho bao nhiêu dự tính, mà rồi sau này chẳng mấy dự định thành công vì số phận đảo lộn lên hết cả.

        Phút gặp gỡ với gia đình, người thân, thật mừng mừng, tủi tủi. Đời tôi chẳng mấy khi được đông người đón hoặc tiễn. Hầu hết là cứ lủi thủi đến một mình, rồi lại đi một mình... Tôi nghiệm ra rất nhiều lần rồi, mãi tận sau này, phần lớn cũng vẫn vậy, thật không hiểu ra làm sao cả.

        Tôi phải tính đến chuyện đưa vợ tôi xuống núi, đế đi học hành, chứ chẳng lẽ suốt đời cứ “ca bài ca sơn nữ ơi” thì cũng gay lắm. Sư đoàn mở một lớp học y tá, tôi đã làm thủ tục cho vợ tôi vào lớp. Ngày lên đón vợ tôi đi học là ngày căng thẳng vô cùng. Nhạc mẫu “tuyên chiến” với bọn tôi, cho rằng bỏ mặc mình bà trên núi rồi sống chết ra sao không đứa nào cần biết. Đêm bà nằm chửi (tất nhiên là chửi vợ tôi thôi, nhưng tôi cũng ở đấy thì thành ra nghe chung còn gì). Ngày bà nằm rên, bỏ ăn uống. Tôi chán cũng chẳng muốn ăn, lòng buồn như chấu cắn. Bọn tôi quyết định vẫn phải “hành động theo kế hoạch”. Khổ nhất là đi ấy củi, chuẩn bị “cơ số” càng nhiều càng tốt để ở nhà nhạc mẫu không thiếu cái đun. Trời thì mưa, đường mòn vào núi lại trơn. Lúc còn khoẻ thì xuống dốc, chặt được củi rồi, sức đã yếu lại phải vác lên dốc. Vậy là mồm mũi tranh nhau thở. Tôi lẳng lặng chẳng nói câu nào, về vứt củi xuống, uống vội hớp nước, lại đi luôn. Sau rồi, thấy bọn tôi “làm găng”, nhạc mẫu tôi cũng phải dậy nấu nướng, ăn uống. Thế là... tôi đưa được vợ tôi xuống núi, đi học, trở thành người của sư đoàn. Cũng năm ấy là năm tôi lại ngược biên giới phía Bắc nhận nhiệm vụ đặc biệt. Lại để lại sự thấp thỏm, lo âu cho bao người. Bố tôi thì suốt ngày đêm nghe đài, hy vọng có thấy tí tin gì về tôi hay không. Vợ tôi thì ngóng ra sư đoàn xem tôi có nhắn nhe tí nào qua điện cơ yếu. Tôi thì mất hút hàng tháng giời nơi biên giới mù mịt sương, sống chết chẳng biết thế nào. Những ngày căng thẳng ấy, đúng là tôi không có thời gian để nghĩ chuyện riêng tư, ngày thì khoác súng, chạy lụi cụi khắp nơi, đêm cũng phải chia nhau canh gác, pháo bắn chẳng theo quy luật nào hết, rồi bọ chó, rệp, mạt gà... thi nhau đốt. Xoay sở với từng ấy thứ đã đủ ốm rồi, còn đâu sức để nghĩ đến các chuyện khác. Tôi trở lại trung đoàn ở Kép sau khi mọi chuyện tương đối yên ổn. Vài ngày sau thì vợ tôi theo xe của trung đoàn về thăm tôi. Những ngày ấy là những ngày nắng nóng khủng khiếp. Những ai đã trải qua những ngày tháng chiến tranh thì mới thấy thật quý những ngày thanh bình. Tôi giành hết tình thương cho vợ. Đứa con đầu lòng của tôi được hình thành trong giai đoạn này. Tôi nói với vợ tôi rằng, sau này tôi rất muôn đặt tên con là Nắng, dù nó là trai hay gái để ghi nhận lại những ngày nắng ghê gớm ở vùng đồi cằn khô xứ Kép, mà ở đó đã xuất hiện mầm mống sự sống của một sinh linh bé nhỏ, nay mai sẽ ra đời.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #53 vào lúc: 17 Tháng Sáu, 2016, 10:21:36 pm »

        Trung đoàn Không quân 931 được thành lập, tôi lại về Yên Bái. Lại cách xa! Thật khổ cho vợ tôi: từ ngày quen nhau, yêu nhau cho tới giờ luôn luôn phải sống trong sự xa cách, chờ đợi, một thân một mình tự lo liệu, xoay sở giữa cuộc sống bộn bề gian khó. Còn cách ngày sinh gần chừng 1 tháng thì tôi đưa vợ tôi về quê nội, nhân chuyên về họp quân chính ở sư đoàn. Hy vọng là gia đình, bà con cô bác tôi sẽ chăm lo vợ tôi những ngày sinh nở. Khoảng một tháng sau thì vợ tôi sinh. Một cậu con trai nặng 3,3kg! Đời lính bay bọn tôi đến thời điểm đó hầu như rất ít người sinh được con trai, nên có được con trai là cả một sự kiện. Hồi mang thai, thời gian “nghén” của vợ tôi kéo dài suốt từ lúc có thai cho đến tận lúc sinh con, ngửi mùi thức ăn nào cũng sợ, hầu như chỉ nhai lá nhãn bánh tẻ gói với mấy hạt muối. Tôi thường đùa rằng: cứ đà này thì đến đẻ ra loài bò mất thôi! Vậy mà “một chú lính con” đã xuất hiện. Tôi mừng lắm. Nhìn miệng cu con bé như cái vẩy ốc, chóp chép khi tôi quết tí mật ong cho cu cậu mà tôi ngập tràn hạnh phúc. Tôi đã làm bố! Niềm vui lớn và trách nhiệm cũng lớn theo! Vợ tôi sau khi sinh nở yếu lắm vì mất máu nhiều. Kinh tế thời buổi ấy lại khó khăn. Tôi thì vừa chưa có kinh nghiệm chăm người đẻ, lại vừa ở xa. Đưa vợ con về khu gia đình của Sư đoàn xong, tôi lại đi biền biệt. Vợ tôi nuôi con một mình, gặp đủ mọi khó khăn, vất vả, nhưng vẫn cắn răng chịu đựng, càng về sau này, càng va vấp với cuộc sống đời thường thì tôi càng thương vợ tôi nhiều hơn.

        Trước ngày tốt nghiệp Học viện, có lần tôi ngồi tranh luận với mấy bà mẹ Nga về cách tổ chức sinh nhật. Nếu ai đó sinh vào ngày 29/2 thì 4 năm mới tổ chức một lần hay sao (vì chỉ năm nhuận thì tháng 2 mới có ngày 29). Rồi tuổi tính nghĩa vụ quân sự thế nào.v.v... Mấy bà mẹ nói rằng chưa hề thấy ai sinh vào ngày ấy nên cũng không hiểu cách xử lý ra làm sao? Lạ lùng là trường hợp tôi từng thắc mắc lại rơi đúng vào con tôi: cu cậu sinh ngày 29/02/1980, lúc khoảng 8h00 sáng (giờ Canh Thìn, ngày Nhâm Thân, tháng Mậu Dần). Tính theo âm lịch thì ngày ấy là ngày 14 tháng Giêng năm Canh Thân. Cũng thật khó xử cho tôi thật. Sau này, vì con thích đi học quá, vợ chồng tôi phải “khai man” cho một giấy khai sinh khác ghi ngày 22/12/1979. Cũng vì vậy mà cứ đến ngày này là bạn bè của cậu đến chúc mừng. Còn riêng trong gia đình thì đúng 4 năm tôi mới tổ chức cho cậu một lần. Vợ tôi đặt tên cho con là Hùng - Nguyễn Phi Hùng. Tôi chấp thuận vì vợ tôi có công mang nặng đẻ đau nên hoàn toàn được quyền đặt tên cho con. Thời buổi bao cấp lúc đó chạy vạy được một loạt giấy tờ: sổ lương thực, thực phẩm, chứng sinh, khai sinh.v.v... là đủ nhược người. Tôi bù đầu lên mấy ngày mới lo được những thứ đó, về “nộp” cho vợ, rồi lại hối hả ngược về Yên Bái với trung đoàn luôn. Mọi nỗi gian nan hầu như vợ tôi phải gánh chịu cả. Cái cảnh nuôi con một mình, chồng ở xa, không có anh em ruột thịt ở gần thì quả là cơ cực. Khổ nhất là những lần con ốm đau, một mình bế con thui thủi cả ngày lẫn đêm ở ngoài bệnh viện, không nhắn nhe gì được cho tôi, không nương tựa vào đâu được, con thì khóc chẳng ra hơi, xanh rớt như tàu lá, mẹ cũng chẳng được ăn uống gì, sống trong lo lắng, mắt quầng thâm, người rã rời... Tôi thương cảm vô hạn, không thể nào nói ra được. Đã có lần, tôi xin ở lại thêm mấy tiếng đồng hồ vì vợ ốm, con ốm mà không được, lệnh bắt phải về Trung đoàn triển khai nhiệm vụ ngay. Vợ tôi ôm con khóc tiễn tôi đi. Tôi cũng khóc suốt dọc đường, nghĩ đời mình không còn gì cực hơn thế nữa. Những người vợ bộ đội thật chịu thiệt thòi quá lớn, chẳng lấy gì bù đắp lại cho nổi. Giai đoạn ấy vợ tôi chỉ nặng có 39 kg, người gầy như xác ve. Mỗi lần về sư đoàn họp gặp vợ con là lòng lại tê tái, xót thương đến ứa máu.

        Đầu năm 1982, tôi rời khỏi trung đoàn về giữ một chân chủ nhiệm bay ở Sư đoàn. Có lẽ được mấy năm này là tôi được gần gũi, chăm bẵm gia đình hơn cả. Vợ tôi đỡ vất vả hơn. Con đã bi bô gọi bố. Đã có thêm người chơi đùa với con, đỡ đần các việc nặng nhọc trong nhà, vợ tôi mừng lắm.

        Rồi theo như quy luật “cho có đàn”, “một chú lính con” thứ hai lại ra đời. Gần nửa đêm, vợ tôi đau dữ dội, tưởng như “vờ đê” tại trận. Tôi bổ vào sư đoàn xin xe để đưa ra bệnh viện. Gần sáng, xe đến nơi thì vợ tôi lại nhẩn nha, như không có chuyện gì cả. Tôi vẫn phải đưa ra viện cho yên tâm. Suốt cho tới tận trưa rồi gần chiều hôm sau, chảng thấy động tĩnh gì, tất cả vẫn “án binh bất động”. Cái đứa này bé này định dở chứng, quậy phá, làm mình - làm mẩy gì nữa đây không biết. Tôi theo lời dặn của những người lớn tuổi, về nấu cháo vừng cho vợ tôi, để ăn cho dễ đẻ. Cháo nấu xong tôi gửi con đem ra thì cũng vừa lúc thấy nhạc mẫu của tôi bê một đứa bé đỏ hỏn từ phòng sản lên, cười nói rằng “con trai mày ạ”. Thôi, con nào thì con, cứ “mẹ tròn con vuông” là mừng rồi, chứ cảnh chờ “người vượt cạn” mãi thế này, tôi sợ lắm!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #54 vào lúc: 17 Tháng Sáu, 2016, 10:34:19 pm »

        Tôi bê vợ tôi từ bàn đẻ xuống mà thấy vợ tôi bây như con cua lột xác. Để cho một giống nòi tồn tại được thì cũng biết bao sự thăng trầm, gian nan. Tôi tự thấu hiểu thêm được rất nhiều điều. Cu cậu thứ hai ra đời vào lúc 4h chiều ngày 10/11/1982 - giờ Mậu Thân, ngày Đinh Dậu. Tính theo âm lịch thì là ngày 25 tháng 9 - tháng Canh Tuất, năm Nhâm Tuất.


 Người đồng đội, bạn đời của tôi: Nguyễn Thị Hồng Yên

        Thằng đầu mệnh Mộc, thằng thứ hai mệnh Thuỷ, tôi mệnh Thổ, vợ tôi mệnh Kim. Kể có một  đứa mệnh Hoả nữa thì gia đình tôi dầy đủ ngũ hành, rồi tha hồ mà tương sinh, mà tương khắc! Thằng anh tên là Hùng, tôi định đặt tên thằng em là Hục! Huy Hùng Hục - tên ba bố con gọi kế cũng vần mà hay ra trò! Đang yếu như thế mà vợ tôi cũng phải bật cười, hỏi thế nếu đẻ thằng nữa thì sẽ đặt tên là gì. Tôi trả lời luôn: là Huých, Hích hoặc Húc gì đó! Sau rồi vợ tôi đặt cho là Hậu - Nguyễn Công Hậu! Đứa đầu đệm là Phi đứa sau đệm là Công để làm kỷ niệm cuộc đời phi công của tôi. Dầu sao đấy cũng là những dấu ấn khó quên!


Gia đình bé nhỏ cùng các con Nguyễn Phi Hùng, Nguyễn Công Hậu

        Hạnh phúc đốì với mỗi người chẳng biết nói thế nào cho tròn trịa. Với tôi, qua bao nhiêu thăng trầm, trôi nổi, tôi thấy mình cũng phải bằng lòng với số phận “nhất ẩm, nhất trác, giai do tiền định” - Câu cổ ngôn ấy chừng như hoàn toàn đúng. Không thế mãi như cánh phù du bay tìm những ảo ảnh trong đời thường! Con tàu đi mãi ngoài đại dương rồi cũng phải cập bến! Vùng vẫy mãi trên không trung rồi cũng phải về hạ cánh! Điếm dừng chân, bến đỗ của một đời người vô cùng quan trọng. Cái căn cứ, cái “hạ tầng cơ sở” ấy không vững vàng thì không làm gì cho ra hồn hết. Tôi vô cùng cám ơn số phận đã cho tôi một mái ấm gia đình. Tôi vững tâm qua bao tháng năm của đoạn đường còn lại của đời mình bởi biết chắc sau lưng mình còn chỗ dựa vững chắc, sóng gió bão giông của cuộc đời bắt tôi chìm nổi đến bao nhiêu nữa thì tôi vẫn có bến bờ an toàn, nơi đó, lòng tôi được yên tĩnh, thanh thản. Tôi dám giơ ngực ra hứng chịu mọi thử thách có lẽ cũng chính vì tôi đã có “lá bùa” hạnh phúc gia đình.

        Hạnh phúc bao giờ cũng nhỏ bé, mỏng manh, nhưng tôi sẽ phải giữ. Tôi luôn cầu mong cho nó ngày càng được trọn vẹn. Tôi cũng luôn cầu mong cho mọi người, mọi lứa đôi, mọi gia đình trên thế gian này được mãn nguyện với hạnh phúc riêng tư, luôn sống trong cảnh đầm ấm, sum vầy, yêu nhau nhiều hơn, thương nhau nhiều hơn...

        Hạnh phúc riêng tư! Những từ ấy ngân trong tôi như những tiếng chuông chùa giữa chốn linh thiêng. Tôi rũ bỏ mọi bụi bặm chốn trần ai để quỳ xuống, chắp tay, nhắm mắt đưa hồn tôi về nơi tĩnh tại, mông lung không bến bờ của nỗi niềm hạnh phúc, cầu mong nó luôn tồn tại với tôi như đã từng tồn tại.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #55 vào lúc: 17 Tháng Sáu, 2016, 10:36:43 pm »

        
Thay cho lời kết

        Thời gian trôi đi thật là nhanh, lắm lúc còn nhanh hơn là tôi tưởng. Tôi đâm ra hoảng sợ vì không thể níu kéo được nó, trong khi mình còn bao việc phải làm, bao việc còn dang dở cần hoàn thiện. Tôi đã từng viết, viết hối viết hả, lo sao cho kịp xong. Từ nay đến cuối đời tôi, có thế còn viết bổ sung được thêm nữa, mà cũng có thế không viết thêm được trang nào, bởi phải phụ thuộc vào nhiều thứ: thời gian, công việc và bao ngoại cảnh khác tác động.

        Mới thoắt đây thôi mà đã mấy chục năm trôi qua. Tôi ngày nào còn bé con, nhem nhuốc với đủ trò nghịch ngợm của tuổi thơ thì giờ đã lên lão. Bạn bè tôi, tôi như còn thấy đủ các gương mặt sạm đen, căng thẳng trong chiến trận, nô nghịch như con trẻ khi cả lũ cùng ngồi với nhau. Giọng của Trần Hoá: “Phải gọi tao là Hai Đỏ nghe tụi bay!” Sáu Thiên: “Tao méc tía cho coi!” Rồi tiếng của Phạm Đình Tuân: “A! Thằng Sâm, mặt mày trơ tráo như thế, a xít vẩy vào cũng không ăn thua gì, phải gọi mày là thằng Sâm “sành”! Tiếng cười rổn rang của Phạm Thành Nam, tiếng nói rủ rỉ của Bùi Văn Long, những câu đùa hóm hỉnh của Vũ Xuân Thiều... Tất cả như vẫn còn vang ngay ở đâu đây, mới đây thôi... thế mà họ đã trở thành người thiên cố.

        “Cô bé áo xanh” đứng quay tóc, hong tóc ngày nào, giờ đầu đã bạc trắng. Các con tôi hôm nào còn đỏ hỏn, nay đã thành thanh niên lộc ngộc cả...

        Thời gian trôi vùn vụt và cuộc sông cuốn hút tất cả vào trong vòng xoáy lốc khủng khiếp của nó. “Bao giờ cho đến ngày xưa”? “Ngày xưa” có biết bao nhiêu là kỷ niệm đến chua xót mà cũng thật dịu êm, ngọt ngào.

        Quá khứ không thế mất đi được khi người ta còn nhớ, còn cần đến nó! Cũng không nên bới móc, phán xét nó làm gì! Tôi cần thời gian, cần rất nhiều thời gian. Tôi thấy cần phải bổ sung rất nhiều thứ cho kiến thức của mình. Sự học, nhất là học làm người thì phải học đến hết đời mình vẫn chưa đủ. Tôi vẫn còn day dứt, chừng như mình chưa truyền lại được hết những gì cần thiết cho các con, nhất là lòng yêu quê hương, đất nước và trách nhiệm đối với làng quê, với non sông này, Tổ quốc này.

        Làng quê nhỏ bé, nghèo khó của tôi, tôi đã từng bao ngày nhớ mong đau đáu. Nơi ấy có bố mẹ tôi ngày một già nua, ngày một héo hon. Bao vất vả, cơ cực qua tháng năm hằn lên thành những nếp nhăn nhằng nhịt trên mặt bố mẹ, chẳng thế nào xoá mờ đi được. Nơi ấy có những đứa em tôi bé bỏng chật vật, vật lộn với cuộc sông thường nhật. Nơi ấy có bà con họ hàng tôi, mồ mả tổ tiên, dòng họ tôi... Nơi ấy tôi đã sinh ra, đã lớn lên, đã được nuôi cho khôn lớn. Nơi ấy từng là nguồn sức mạnh vô hình tiếp cho tôi trong chiến trận. Nơi ấy con tôi cũng đã sinh ra. Nơi ấy... nơi chôn rau cắt rốn của bao thê hệ gia đình tôi... Làng quê ấy đã trở thành một phần máu thịt của tôi. Dù ở đâu chăng nữa, nhắm mắt lại là tôi có thể thấy được đường làng, các xóm ngõ, ao chuôm, vườn tược của quê tôi. Tôi càng lớn lên, bước chân đi càng xa thì về gặp quê, thấy làng quê càng nhỏ bé, càng nghèo. Nó trở thành nỗi đau dai dẳng trong tôi. Những cánh đồng làng từng thấm mồ hôi của tôi xưa kia, giờ vẫn cứ cằn khô... Biết bao điều ám ảnh tôi khi nghĩ, khi nhớ về làng quê mà các con tôi có hiếu hết được cho tôi? Tôi rất muốn cùng gia đình nhỏ bé của tôi đi thăm hết lượt các bạn bè tôi đã ngã xuống trong chiến trận, vĩnh viễn nằm lại trong lòng đất ở mọi miền quê, đế rồi kể cho các con tôi nghe về cuộc đời ngắn ngủi của họ, đế chúng hiểu được rằng có được cuộc sống thanh bình như ngày hôm nay, biết bao nhiêu máu xương của bao thê hệ đã phải đổ xuống, giành giật từng tấc đất, giành giật từng khoảnh khắc thời gian... cho thê hệ mai sau chúng phải biết tự hào về cha ông, phải biết quý những di sản của người xưa để lại, phải biết trân trọng những thành quả có được và phải có trách nhiệm hơn nữa với gia đình, với xã hội và với chính bản thân mình.

        Tôi rất muốn lại được một lần đạp xe đạp đi lại "chặng đường lịch sử" của mối tình tôi, để lại thấy lại những nỗi vất vả của người vượt dốc với những nỗi hồi hộp, những niềm vui thầm kín, những đam mê của tuổi trẻ, những nỗi buồn miên man vô cớ... đế rồi thêm yêu, thêm thương người bạn đời của tôi. Tôi rất muốn gặp lại tất cả bạn bè; tất cả những người đã từng cưu mang, nuôi cho tôi sống những ngày tháng gian nan vừa qua; tất cả những người tôi quý, tôi thương, tựa như người thân, ruột thịt của tôi... Tôi mang ơn họ rất nhiều! Cả đời tôi, có khi có người chỉ giúp cho tôi đúng một câu nói, mà nhờ câu nói ấy, tôi đứng vững được trước khó khăn, tôi vượt được mọi trở ngại trên đường tôi gặp phải. Tôi làm sao lại không mang ơn được?.

        Tôi rất xúc động khi viết những trang này. Cả cuộc đời tôi từng trải qua hiện lên rõ mồn một trước mặt tôi. Trái tim tôi run rẩy, chất đầy ứ, dồn nén bao nhiêu nỗi niềm... đến mức muốn vỡ tung ra. Đoạn đường trước mặt tôi còn ngắn, rất ngắn, mà tôi lại rất yêu cuộc sống này. Muốn gì đi chăng nữa thì tôi vẫn nghĩ rằng tôi là người hạnh phúc. Bởi tôi đã đi qua lò lửa của hai cuộc chiến tranh mà vẫn trở về nguyên vẹn. Bởi tôi cũng đã từng góp được một chút gì đó có ích cho quê hương, đất nước này. Bởi tôi từng biết yêu thương và từng được yêu thương. Bởi tôi rất mong muốn làm được những gì có ích cho đời, muốn dạy dỗ các con tôi cho đến nơi đến chốn, rồi nhìn thấy chúng phương trưởng...

        Tôi vẫn muốn được như cánh chim, sải rộng cánh chao liệng giữa trời xanh, chẳng muốn dừng một khi tim mình còn đập, máu mình còn chảy.

        Cuộc sống dù lặng lẽ hay sôi động cũng luôn chứa chất những điều bất ngờ. Con người ở đó luôn phải vật lộn, đấu tranh giằng co, không muốn chấp nhận rất nhiều điều, nhưng quy luật sinh tồn, hợp tan của tạo hoá thì không ai cưỡng lại được.

        Rồi sẽ đến lúc tôi nhắm mắt, xuôi tay, giã từ cuộc sống này "Lá già thì lá rụng!". Quy luật muôn đời nay vẫn vậy. Tôi sẽ không ân hận khi nghe "điểm danh" đến tên mình, bởi đời tôi cho tới giờ chưa hề làm hại ai và cũng không hổ thẹn khi nghĩ lại quãng đời mình từng trải qua. Tôi luôn giữ và mang theo mọi tình cảm đẹp đẽ, mọi nỗi niềm chan chứa yêu thương với tất cả mọi người. Rồi tôi sẽ lại được bay lượn tự do trong không trung như "tinh cầu bay trong đêm trăng" trong lời hát của cố nhạc sỹ Văn Cao, Tôi tự hào vì những công việc, những cương vị tôi từng được tham gia, vì tôi đã từng cống hiến, từng sống có ích, tôi tự hào vì tôi từng là phi công tiêm kích.

HẾT
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM