Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 09:08:03 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Máy bay Mỹ trên vùng trời Điện Biên Phủ  (Đọc 27803 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #50 vào lúc: 24 Tháng Ba, 2016, 09:41:45 pm »


Những người thừa hành công vụ như tôi cảm thấy niềm đắng cay chua chát khi nhận thức tâm trạng nghi ngờ của lục quân đối với không quân. Họ có một niềm tin mù quáng đặt vào tư lệnh trưởng là đại tá Nicot và các chỉ huy đơn vị. Chính vì tình đoàn kết với các bạn mặt đất mà các phi công lái máy bay vận tải trên trời không muốn là nạn nhân của bệnh dịch tâm lý chiến. Ngoại trừ mọi trường hợp rất hiếm, tất cả chúng tôi đều không muốn bị lây nhiễm, nhưng tinh thần bị tổn thương. Những đội phi hành lái máy bay Packet cho rằng họ thường là nạn nhân của việc phán xử không thích đáng.

Chắc hẳn để chấm dứt tình trạng ngán ngẩm của chúng tôi nên những ngày đầu tháng 4 năm 1954 Bộ tư lệnh Binh đoàn tác chiến Tây Bắc đã gửi đến từng người trong đội bay, mỗi người một bức điện với nội dung như sau:

"Chuyển tới các đội phi hành C119. Thay mặt những người đang phòng ngự tại Điện Biên Phủ; xin gửi tới các bạn lời ca ngợi đã thả dù chính xác".

Theo lịch của chúng tôi, từ ngày 21 tháng 3 đã bắt đầu là mùa Xuân, nhưng mùa Xuân ở đây thật là ảm đạm. Một bức điện của Soulat khiến tôi suy nghĩ, phải tìm hiểu sự thật. Bộ tư lệnh quân cảnh Sài Gòn vừa mới hạ lệnh truy nã người lái chiếc xe Jeep số... và đang truy tìm danh tính, lai lịch người lái xe này, hẳn là để trừng phạt.

Chiếc xe mang biến số này đúng là của đội bay của chúng tôi ở Sài Gòn. Vấn đề đặt ra là làm thế nào mà mấy hôm trước, người lái xe này lại từ Cát Bi vượt được hơn một nghìn cây số vào Sài Gòn gây tai nạn. Tôi điện trả lời, có lẽ quân cảnh đã nhầm số biển gắn ở xe.

Rất có thể một ngàv nào đó chiếc xe này sẽ được tìm thấy ngay tại thủ phủ xứ Nam Kỳ. Đó đúng là chiếc xe dành riêng cho các nhân viên người Mỹ sử dụng. Và những chàng trai của không quân Mỹ, khi nào muốn tiến hành một cuộc đi dạo mát, vẫn thường vứt hành trang lên một chiếc xe Jeep hoặc xe Dodge nào đó rồi tiện thể đưa cả một hoặc hai chiếc xe này lên máy bay C119 bay từ Cát Bi vào Sài Gòn, thậm chí sang cả Manila - Philippin. Đó là cách rất thuận tiện để họ đỡ phải thuê xe taxi hoặc xích lô.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #51 vào lúc: 25 Tháng Ba, 2016, 10:19:09 am »


KHI NHỮNG MAY BAY VẬN TẢI
CHUYỂN SANG NÉM BOM


Binh đoàn tác chiến Tây Bắc tỏ ra bất lực.
Chỉ còn một hi vọng duy nhất, đó là tăng cường ném bom.


Sau khi trở về căn cứ ngày 23 tháng 3, tôi chờ báo tin trở lại đơn vị cũ lái máy bay C47, nhưng rất ngạc nhiên khi thấy có thêm nhiều bạn cũ bất ngờ tới đây. Tôi gặp lại đại úy Dompnier, các trung úy Clairé, Coudon, Flachard và Sécrétant.

Như vậy là chúng tôi có một đội bay thuộc lực lượng không quân Pháp và mười hai đội lái thuê từ đội "Cọp bay" ở Đài Loan. Tổng cộng số máy bay lên tới hai mươi chín chiếc. Việc tăng cường bất ngờ này xuất phát từ kết quả cuộc tiếp xúc giữa tướng Ely, cố vấn Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp với Tổng thống Mỹ Eisenhower và các cố vấn thân cận, chủ yếu là đô đổc Radford, Chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hoa Kỳ.

Tướng Ely đạt được hai yêu cầu quan trọng: Mỹ đồng ý bổ sung thêm dù và cung cấp thiết bị cho C119 kể cả những thiết bị ném bom napalm.

Và thế là có lệnh chuyển cơ cấu cổ truyền của đội bay chúng tôi từ vận tải hàng hóa sang ném bom. Đại úy Soulat và trung tá Brunet hối hả phối hợp cùng nhau thực hiện nhiệm vụ này. Họ đã dự đoán trước khả năng này và đã có sẵn kế hoạch chuyển đổi chức năng cho C119. Họ cũng nóng lòng suốt ruột vì mãi đến bây giờ mới được bắt tay thực hiện. Những nhân viên vũ khí và các phương tiện đã có sẵn ở sân bay, sẵn sàng đặt dưới sự điều khiển của Soulat. Họ đã làm việc rất tận tụy, điển hình là trung sĩ Lambert, anh tỏ ra rất gương mẫu trong công tác.

Hiếm khi nhìn thấy một phi vụ được chuẩn bị phối hợp giữa máy bay tiêm kích và vận tải như thế này. Hai bên đều ý thức về những điểm thiếu sót của mình nên đã nhờ cậy chuyên viên kỹ thuật giúp đỡ. Thiếu tá Barras, chỉ huy đội ném bom B.26 đã cử một hoa tiêu máy bay ném bom tới giúp trung úy Mainguy là người đang phải làm việc thiếu dụng cụ, tức là thiếu máy ngắm của máy bay ném bom.

Những quả bom được đặt trên mâm trước kia vẫn dùng để xếp các kiện hàng và được đẩy ra ngoài bằng một hệ thống máy móc rất tinh vi mà tôi thường gọi là "cái máy đẩy". Còn hướng thả bom và đường lao đi của bom được thực hiện bằng sự ước lượng "phỏng chừng" của hoa tiêu. Có thể người ta sẽ cười nhạo, và sẽ là một nụ cười đầy vẻ hoài nghi, không tin chắc, khi phát lệnh "phóng bom"!

Trước kia đã tính đến chuyện hướng dẫn ném bom cho loại máy bay vận tải C119 bằng một hệ thống của máy bay ném bom B26. Nhưng tốc độ hai loại máy bay này khác nhau, không thể sử dụng chung một máy tính. Cũng đã thử sử dụng hệ thống phóng bom của máy bay tiêm kích Privateer nhưng lại xuất hiện những khó khăn phức tạp khác. Cuối cùng, những chiếc máy bay vận tải C119 đã từng dùng nhiều lần để thả hàng, coi như đã trưởng thành, nay được dùng để tự lực thả bom.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #52 vào lúc: 25 Tháng Ba, 2016, 10:20:08 am »


Đầu giờ buổi chiều, Soulat chỉ thị chuẩn bị chiếc C119 để cùng bay với Mainguy đi thả bom thử. Bộ tư lệnh lực lượng không quân chiến thuật miền Bắc đã cho Soulat một mục tiêu ném bom ở khu vực đồng bằng, tọa độ XH562- 476. Nhiệm vụ được tiến hành trôi chảy như đã dự kiến.

Khi trở về căn cứ, đội trưởng của chúng tôi triệu tập các nhân viên phi hành và phổ biến nhiệm vụ, không cần những lời lẽ phô trương. Đây là mệnh lệnh ông trao cho đội bay gồm hai phân đội.

- Phân đội 1: Soulat chỉ huy trên chiếc 136; hai cánh biên là hai chiếc 147 của Bertin và 187 của Courrèges.

- Phân đội 2: Rols chỉ huy trên chiếc 537; hai cánh biên là Secrétant lái chiếc 536 và Clairé lái chiếc 186.

- Cất cánh lúc sẩm tối.   
- Tập hợp đội hình theo qui tắc cũ.
- Độ cao hành trình cũng như lúc thả bom: 4.000 mét.

Người chỉ huy tốp bay sẽ phát lệnh thả bom đầu tiên. Thả theo từng phân đội với khoảng cách đã ấn định.

Tham dự trận ném bom đầu tiên này cùng với chúng tôi còn có trung tá Brunet ngồi trên ghế đồng phi công, Soulat và một quan sát viên của Bộ tư lệnh không quân chiến thuật là trung tá Fevrier.

Những người lái máy bay C47 vừa mới tới Cát Bi ngày hôm trước, chưa được trở lại lái loại C119. Cùng với các đội phi hành khác, trước tiên họ phải tìm hiểu việc tập hợp đội hình bay ném bom của C119 mà họ chưa từng được thực hiện. Chúng tôi đã lao vào thực tập trong những điều kiện phức tạp: ban đêm, chở nặng và độ cao. Việc hấp tấp và tinh thần hăng hái của nhân viên phi hành đã làm cho chúng tôi mất một chiếc máy bay.

Năm chiếc máy bay đầu tiên bắt đầu cất cánh với khoảng cách ba mươi phút một chiếc. Clairé đã khỏi động chiếc máy bay của mình. Khi đạt được tốc độ cất cánh, ông giơ tay ra hiệu cho đồng phi công nhả càng bánh trước. Người lái phụ lại nghĩ đó là hiệu lệnh cho thụt bánh xe vào thân máy bay và lập tức thực hiện. Thợ máy rất ngạc nhiên sửng sốt nhưng không kịp can thiệp. Máy bay trườn trên đường băng cho tới khi tóe lửa mới dừng lại. Cũng may, nhờ ơn Chúa mà bảy nghìn lít xăng dầu và bốn tấn napalm trong khoang chứa không bị cháy nổ.

Trên trời, tốp bay tập hợp theo đội hình. Các phi công mò mẫm tìm cách ổn định vị trí trên không, trên độ cao mười ba nghìn feet, tức khoảng bốn nghìn mét. Với độ cao này, trời chưa tối lắm. Những cặp mắt quen dần với bóng tối đến chậm. Mặc dù chở nặng, nhưng càng bánh sau đã thụt vào trong thân, máy bay lướt nhẹ nhàng trong không khí theo sự điều khiển của phi công. Việc thay đổi áp suất không khí không gây tác động lớn, chỉ đôi lúc ảnh hưởng chút ít tới cánh quạt. Các máy nổ phải hoạt động tốt.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #53 vào lúc: 25 Tháng Ba, 2016, 10:22:35 am »


Dưới ánh trăng mờ, bóng hình những chiếc C119 in trên vòm trời. Phía dưới là một vùng đen kịt. Đó là rừng đêm có Việt Minh hoạt động. Mười phút trước khi tới mục tiêu, trưởng tốp ra lệnh tắt hết đèn báo vị trí bay. Cặp mắt của những người lái hai cánh biên dõi theo bóng hình chiếc máy bay dẫn đầu của người chỉ đạo rất dễ mỏi. Nhiều lúc tôi không thể xác định rõ vị trí chiếc máy bay của mình so với chiếc của đội trưởng.

Soulat ra lệnh chuẩn bị thả bom.

Nhân viên thả hàng nay chuyển sang thả bom bắt đầu nhả dây chằng các thùng bom nhưng vẫn giữ máy hãm không đụng gì đến những sợi dây kim loại đang giữ những trái bom.

Chúng tôi đã bay lên trên thung lũng lòng chảo và khó đoán được những bí ẩn ở phía dưới, chỉ qua những luồng lửa của đạn pháo đang xé màn đêm mà biết được có hoạt động chiến sự ở mặt đất. Mainguy đã xác định được mục tiêu.

Anh đưa tốp bay vào đường trục tiến công. Sau khi ước lượng góc ném với đường bay, anh ra lệnh “go!”1.

Vài giây sau khi chiếc máy bay đi trước đã thả bom, phi công lái chiếc sau nhắc lại lệnh "go". Nhân viên phụ trách thả hàng kéo dây đai, bật hệ thống con lăn tuột ra phía cửa mở ở đuôi máy bay, bốn tấn napalm rơi xuống trong khung cảnh thiên nhiên tạo thành một lò lửa khủng khiếp.

Trong khi bom rơi, tôi cũng rơi vào một tâm trạng bối rối. Tôi không thể nào loại khỏi tâm trí hình ảnh khủng khiếp nếu bom rơi lạc sang vị trí quân Pháp và nhất định các bạn tôi sẽ phải trả giá bằng sinh mạng của mình. Tôi cảm thấy có một phần trách nhiệm nếu xảy ra sự việc, tôi đang hoang mang lo lắng. Chỉ mong sao điều đó ít xảy ra.

Ngay đầu giờ buổi sáng làm việc ngày hôm sau, một đại tá Mỹ đã chạy đến phòng làm việc của Soulat nói to:

- Soulat, hỏng rồi! Hỏng việc rồi!

Ông ta có vẻ chưa tiêu tan hết nỗi đau về số phận chiếc C119 số 186 trong ngày hôm qua (đã nhầm thụt càng bánh xe quá sớm, máy bay trườn trên đường băng bêtông, bị hỏng nặng). Soulat cố gắng giải thích cho viên sĩ quan Mỹ hiểu rằng "không thể làm món trứng ốp-let mà không đập vỡ quả trứng", và cũng không thể tiến hành chiến tranh mà không chấp nhận rủi ro.

Đây là một sự cố gắng liền với các hoạt động chiến đấu, phải xếp nó vào loại tổn thương trong chiến tranh. Tôi không có cảm giác sau bài "diễn văn" này của Soulat, viên sĩ quan Mỹ có thể ra đi "tâm hồn vui vẻ, thanh thản" để nhắc lại câu nói nổi tiếng của Kronprinz từ hồi trước khi xảy ra chiến tranh thế giới thứ nhất năm 1914 (không thể tráng trứng mà lại không đập vỡ trứng).

______________________________
1.  "Go" là khẩu lệnh của không quân Mỹ, dùng chung cho các hành động: nhảy dù, thả dù, phóng bom.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #54 vào lúc: 26 Tháng Ba, 2016, 07:12:43 am »


Bữa ăn trưa rất vội vã vì có tin tướng tư lệnh không quân Viễn Đông cùng đi với đại tá Nicot tới thăm đơn vị vào đầu giờ buổi chiều.

Tướng Lauzin đã nói chuyện một lúc với đội trưởng Soulat của chúng tôi. Tiếp đó, với thái độ giản dị vốn có, ông huấn thị ngắn gọn với chúng tôi, nhấn mạnh công việc chúng tôi đang thực hiện là rất quan trọng, vận mệnh cuộc chiến ở Điện Biên Phủ phụ thuộc vào chúng tôi, và có ảnh hưởng đến toàn bộ cục diện Đông Dương.

Khi ông ra về, chúng tôi bàn tán một lúc về bài nói của tướng Lauzin. Tuy nhiên, chúng tôi biểu lộ một chút ít dè dặt đối với ông, không trao đổi với nhau được nhiều về giờ cất cánh đầu tiên đã ấn định vào lúc mười bốn giờ. Đại tá Nicot ngỏ ý muốn tham gia một phi vụ vào buổi chiều.

Soulat mời đại tá cùng ngồi trong chiếc máy bay số 187 do Soulat lái. Cùng bay có trung úy Lohisse là hoa tiêu - ném bom thay cho trung úy Mainguy.

Tôi trèo lên máy bay với đôi chút buồn rầu trong tim. Có lẽ do bài nói của vị chỉ huy cấp cao của chúng tôi nhận định thành bại của cuộc chiến là tùy thuộc vào không quân. Nhưng khi ngồi yên chỗ, tâm trạng tôi lại vụt biến đổi. Trong khi tôi đang theo dõi những đợt kiểm tra cuối cùng trước khi cất cánh thì một nhân viên vũ khí đến báo cáo, các thùng bom chưa lắp kíp nổ. Tôi hỏi phải mất bao lâu để khắc phục chuyện bỏ quên đó? Anh ta trả lời, ít nhất phải nửa tiếng đồng hồ. Đối với tôi, thời gian này là quá chậm vì tôi sẽ không thể đuổi kịp đội bay trong đội hình ấn định. Tôi đành phải hủy bỏ chuyến bay với niềm cay đắng trong lòng.

Ngày thứ tư 24 tháng 3 quả là một ngày đen đủi đối với đội bay chúng tôi. Đội trưởng Béarn là đại úy Koenig sau khi thả bom xuống lòng chảo, vừa lấy lại độ cao thì bị trúng một quả đạn cao xạ 37 mm làm máy bay rơi xuống đất rất nhanh. Không một nhân viên phi hành nào có thể kịp nhảy dù.

Hôm trước, một người bạn khác của tôi trong đội Béarn là trung úy Arbelet lái máy bay C47 đã hạ cánh ban đêm xuống được sân bay Điện Biên Phủ, vừa mới định cất cánh chở theo một số thương binh thì bị trúng một viên đạn súng máy vào đùi. Thợ máy bị thương nặng. Sau khi được sơ cứu, Arbelet vẫn cố bay được về Hà Nội.

Ngày 25 tháng 3, mười chín phi vụ thả bom napalm được ghi trước tiên trên bảng tác chiến. 9 giờ sáng, bắt đầu thực hiện chuyến đầu tiên với một phi đội gồm ba máy bay. Soulat dẫn đầu với Brunet và Lohisse. Tôi bay ở tốp cuối cùng trên chiếc C119 số 572.

Đến 16 giờ 25 bắt đầu đợt bay thứ hai trong ngày có đại tá Nicot cùng tham gia. Hiện đã có mười đội phi hành người Pháp. Do đó những người Mỹ cũng được nghỉ ngơi đôi chút sau khi đã thực hiện được vài chuyến thả dù.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #55 vào lúc: 26 Tháng Ba, 2016, 07:14:01 am »


Khi bay trên vùng trời tập đoàn cứ điểm, tôi chợt nghe thấy vài câu nói lọt vào điện đài. Tôi có cảm giác một chiếc C47 vừa bị trúng đạn. Nhưng sau đó, không được biết gì hơn.

Cho tới khi trở về căn cứ tôi mới được biết kíp bay của đại úy Boeglin trong đội Béarn đã phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Isabelle. Mọi người vừa chạy ra khỏi máy bay thì đạn súng cối của Việt Minh phá hủy hoàn toàn chiếc máy bay vừa hạ cánh.

Ngày hôm sau, chúng tôi nhận được những chiếc áo giáp cá nhân mà tôi nghĩ rằng đã loại bỏ từ lâu rồi. Nhưng không. Cái "mốt" mặc áo giáp cho phi công lại trở lại trong lực lượng không quân. Quả là một chiếc áo giáp thật sự, chứ không phải là áo nịt chống đạn thông thường. Bộ áo giáp này có những hai lớp. Lớp bên trong che kín phần thân trên. Lớp bên ngoài có vẻ như chiếc "tạp dề" của những người làm bếp, tức là che cả đùi trên. Tất cả nặng tới mười bảy kilô. Nhưng người lái máy bay đâu phải chỉ mang có hai lớp áo giáp này. Họ còn phải đeo một dù nhảy trên lưng, nặng mười một kilô, khẩu phần ăn dự trữ phòng lúc bị rơi, túi cứu thương và khẩu súng tự động... Về phần tôi, bất kể thời tiết, nhiệt độ trong ngày như thế nào, tôi vẫn mặc chiếc blu-dông của nhân viên phi hành có các phương tiện cứu sống khi rơi xuống vùng rừng núi. Nhưng liệu trong trường hợp nguy cấp, tôi có thể chạy ra kịp cửa nhảy dành cho nhân viên phi hành được không. Với vị trí của mình trong khoang lái tôi sẽ là người nhảy dù cuối cùng.

Chương trình ngày 26 tháng 3 còn hai chuyến bay thả bom napalm. Buổi sáng, Coudon lái chiếc 536 gặp trục trặc về động cơ, nửa đường phải quay trở lại căn cứ xuất phát. Buổi chiều đến lượt Flachard trên chiếc 562 phải rời bỏ đội hình sau nửa giờ bay, cũng vì nguyên nhân tương tự.

Tuy nhiên Rols còn gặp trường hợp nguy hiểm hơn tới mức không thực hiện được nhiệm vụ thả bom. Vì một nguyên nhân gì chưa rõ, trong khi đang chuẩn bị thả bom thì một nhân viên điều hành phát hiện thấy hệ thống đánh lửa gắn vào bom bị thả lỏng, các cánh quạt nhỏ ở đuôi bom bắt đầu quay từ từ như một điệu múa vòng tròn chậm chạp, đẩy dần kíp nổ vào vị trí phát nổ trong lúc bom napalm hãy còn chất trong khoang máy bay. Được cấp báo về sự cố này. Rols đã dũng cảm, và cũng có thể nói là rất táo bạo tách máy bay của mình ra khỏi đội hình, sau đó mới trút toàn bộ thùng bom xuống một khu rừng phía dưới.

Ngày thứ bảy 27 tháng 3, một chiếc C47 thuộc đội Sénégal bị bắn rơi. Không một ai sống sót. Tai nạn này làm tôi choáng váng và còn đau đớn hơn mọi người, vì trong số nhân viên phi hành có thiếu úy Thomas, một trong những bạn cũ đã cùng chúng tôi hoạt động trong đội Béarn rồi đội Sénégal từ những ngày đầu thành lập. Đó là một chàng trai rất thân với tôi. Mùa hè vừa qua hai chúng tôi cùng thuộc đội máy bay C47 ở Đà Nẵng.

Chúng tôi cùng sống chung với nhau trong một phòng. Sáng nào anh cũng chạy đi mua nem của những người ngồi bán hàng ngoài phố, tổ chức cho tôi một bữa ăn tự làm lấy, ăn ngay tại giường ngủ. Nếu ngày nay, tôi có được nhiều hình ảnh cuộc sống và hoạt động trong đội bay này cũng là do anh chụp. Sau khi anh tử trận, tên anh đã được đặt cho một con đường trong căn cứ không quân Orléans - Bricy ở Pháp.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #56 vào lúc: 26 Tháng Ba, 2016, 07:14:53 am »


Tại Điện Biên Phủ, bất chấp những trận ném bom hầu như diễn ra hàng ngày, những cuộc bắn phá của cả máy bay B.26 lẫn Privateer, và những hoạt động phản kích do lực lượng dưới đất ở ngay tại chỗ tiến hành liên tục, tình hình vẫn không được cải thiện, ngược lại càng tồi tệ hơn. Việt Minh đã đào lấn, tổ chức được mạng lưới chiến hào ngày càng sát gần các trung tâm đề kháng của Pháp. Ngày nào các cứ điểm phòng ngự cũng bị pháo mặt đất bắn phá. Pháo cao xạ cũng hoạt động không ngừng. Đã có một chiếc Packet do người Mỹ lái, bị trúng rất nhiều mảnh đạn.

Khi bay trở về căn cứ, một lần nữa các phi công dân sự thuộc Công ty vận tải hàng không dân dụng của Mỹ lại họp "hội đồng chiến tranh" rồi tuyên bố với Soulat họ không bay nữa.

Soulat lại diễn lại kịch bản cũ. Ông báo cáo với cấp trên về quyết định ngừng bay của người Mỹ.

Những phi vụ thả bom napalm lại tiếp tục. Không may tôi bị cảm lạnh. Máy bay Packet không có hệ thống điều chỉnh áp lực không khí, và do đó tôi không thể tránh khỏi những hậu quả tai hại nhất là khi bổ nhào từ độ cao bốn nghìn mét. Khi tiếp đất, hai tai tôi ù đặc hầu như bị điếc. Tôi cảm thấy một sự mệt mỏi rã rời cả về tinh thần lẫn thể xác, không còn minh mẫn nữa.

Tôi bay như một cái máy.

Tôi lại được tin, một chiếc C47 nữa bị bắn rơi.

Đó là chiếc do đại úy Dartigues lái. Toàn bộ đội bay không ai sống sót.

Ngày chủ nhật 28 tháng 3, bắt đầu từ lúc 9 giờ 30 phút, chín chiếc máy bay C119 lần lượt cất cánh đi thả bom napalm. Tôi đã kiệt sức nhưng may mắn không được lệnh tiến hành một chuyến bay nào. Lý do là vì thời tiết rất xấu, phải hủy bỏ đợt bay thứ hai vào buổi chiều, trong đó có tôi.

Đêm hôm trước, vào lúc 3 giờ 45 phút, đơn vị tôi lại mất một chiếc C47. Thiếu tá Blanchet vừa được cử làm chỉ huy phó đội Béarn phát hiện sau khi hạ cánh có một chỗ nứt làm rò rỉ dầu từ một động cơ. Thợ máy đã cố sửa chữa, nhưng Việt Minh đã nã đạn phá hủy chiếc máy bay này.

Đó là chiếc máy bay cuối cùng hạ cánh được xuống sân bay Điện Biên Phủ.

Trong đoàn phi hành có Geneviève de Gallard bị kẹt lại ở Điện Biên Phủ, tình nguyện trở thành hộ lý chăm sóc binh sĩ bị thương.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #57 vào lúc: 26 Tháng Ba, 2016, 07:15:44 am »


Sáng thứ hai 29 tháng 3, "những con cọp bay" lại thông báo với Soulat, họ đồng ý chấp thuận lại bay lên Điện Biên Phủ.

Soulat lại chơi tiếp phần hai của kịch bản. Ông cầm máy nói, báo cáo với Bộ tư lệnh vận tải quân sự đường không.

Mọi người tự hỏi, lý do thật sự có phải là vì đội bay dân sự người Mỹ muốn nghỉ từ ngày thứ bảy qua ngày chủ nhật để rồi lại tiếp tục bay vào ngày thứ hai hay không? Các chuyên viên kỹ thuật và thợ máy người Mỹ đều được nghỉ cuối tuần như vậy, nay các phi công Mỹ cũng muốn được hưởng theo bạn. Họ được trả lương để bay mỗi tuần bốn mươi tám giờ công vụ, trong khi các đồng nghiệp người Pháp của họ phải bay tới sáu mươi hai giờ hoặc hơn nữa. Cuộc sống của những người Mỹ cũng không tới mức như người Pháp, họ không trực tiếp đương đầu với nguy hiểm và luôn luôn đòi hỏi phụ cấp quá đáng.

Thời tiết trở nên dữ dội. Có bão. Không một loại máy bay nào có thế cất cánh được từ sân bay Cát Bi.

Chúng tỏi đã được lệnh báo động, sẵn sàng bay từ buổi sáng. Nhưng rồi tiếp theo lệnh bay lại là lệnh hoãn, cứ thế liên tiếp thay đổi, tới mức chúng tôi phải bảo nhau cảnh giác, đừng nhầm lẫn lệnh nọ với lệnh kia. Cái kiểu báo động rồi lại báo yên liên tiếp hoán vị như thế này rất mệt mỏi hệ thống thần kinh. Mọi người dậm chân tại chỗ trên đường bay bê tông, bàn tán, không thể nào tập trung tư tưởng trong khi tâm trí căng thẳng hướng về phía Tây Bắc. Những giờ phút theo nhau trôi dần và cuối cùng đã kết thúc cả một ngày.

Buổi chiều thời tiết hửng dần ở vùng châu thổ.

Đến 16 giờ, tên tôi được ghi trong danh sách bay đi thả dù cùng với một đội bay người Mỹ. Nhưng còn phải chờ tin thời tiết Điện Biên Phủ có cho phép thực hiện được chuyến bay này không. Cuối cùng, chúng tôi không được phép bay.

Trong cảnh chờ đợi kéo dài tại sân bay Cát Bi, tôi chợt nhìn thấy một chiếc C47, mũi máy bay sơn màu vàng, tức là thuộc đội Franche Canté, hạ cánh một cách khó nhọc. Khi tiếp đất, chiếc Dakota này bay loạng choạng một chút rồi quay ngang, theo kiểu mà các phi công chúng tôi gọi là "xoay ngựa gỗ".

Mọi người chạy đến, nhìn thấy đại úy Bouguereau ngồi trong khoang lái, bị thương nặng trong chuyến bay thả dù ở vùng đồng bằng, cố lái máy bay trở về rồi gục xuống bên cần lái.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #58 vào lúc: 26 Tháng Ba, 2016, 07:16:52 am »


Ngày thứ ba 30 tháng 3 tôi tới đơn vị, nhận thấy không có tên một phi công Pháp nào ghi trên bảng danh sách các phi vụ trong ngày. Mọi việc đã rõ ràng. Công việc của chúng tôi trong đội máy bay C119 đã kết thúc. Ngày mai tôi sẽ trở lại với chiếc Dakota cũ kỹ mà tôi đã bỏ lái từ ba tháng nay. Tôi quay về phòng, chuẩn bị hành lý.

Tại Điện Biên Phủ, trời vẫn mưa liên tục. Mặc dù vậy, Việt Minh vẫn mở một đợt tiến công mạnh, đánh vào mặt phía Đông tập đoàn cứ điểm. Các cụm Dominique và Eliane bị pháo bắn như giã giò và bộ binh tiến công liên tục.

Đến buổi trưa chợt có lệnh báo động. Tất cả các đội phi hành đều được lệnh sẵn sàng cất cánh. Các máy bay đều đã chứa đầy bom napalm.

Trên sân bay Cát Bi mưa vẫn rơi nặng. Có vẻ như chỉ chờ ngớt mưa là phát lệnh cất cánh.

Giờ phút lại trôi dần. Đã hết cả buổi chiều. Cũng như hôm trước, chúng tôi dẫm chân tại chỗ bên đường băng bê tông và kìm chặt sự sốt ruột.

Đêm đã tới. Ở Điện Biên Phủ lính phòng ngự tại Dominique và Eliane 1 cố đẩy lùi các đợt sóng tiến công của Việt Minh. Một lần nữa, họ lại nguyền rủa máy bay đã không lên ứng cứu.

Chúng tôi ăn đồ hộp ngay tại chỗ và tiếp tục nghe ngóng. Đến 22 giờ 15 phút có tiếng chuông reo: Lệnh báo động, sẵn sàng cất cánh trong vòng ba mươi phút.

Nhưng rồi lại có lệnh hoãn bay, nhường cho máy bay ném bom B.26 và máy bay khu trục Privateer của hải quân bay trước.

Trên sân bay Cát Bi, đèn sáng như ban ngày, vang rộn tiếng động cơ của những chiếc máy bay nổ máy tại chỗ và những chiếc máy bay cất cánh. Đến nửa đêm thì sân bay hoàn toàn náo nhiệt trong trật tự. Những giờ phút ấn định cất cánh không thay đổi. Tất cả ba sân bay vùng châu thổ là Cát Bi, Gia Lâm, Bạch Mai đều đặt trong một đồng hồ bay thống nhất để khi cất cánh, các máy bay từ các sân bay khác nhau không vướng phải nhau ở trên trời.

Cuối cùng, lệnh bay được phát. Chiếc máy bay đầu tiên cất cánh vào 24 giờ 30 phút. Khoảng cách giữa các máy bay khi cất cánh là mười phút.

Soulat bay dẫn đầu trên chiếc 187, tôi bay ở vị trí thứ chín trên chiếc 572 mang tên cô nàng Rose Marie.

Đó cũng là chiếc máy bay khóa đuôi. Tôi cất cánh lúc 1 giờ 50 phút. Trên vùng trời thượng du, trời chưa thật quang đãng, đây đó vẫn còn những đám mây bay lang thang.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #59 vào lúc: 26 Tháng Ba, 2016, 07:17:32 am »


Bay tới lòng chảo thì vòm trời phủ mây đen kịt, Soulat không thể nào thả bom được. Ba chiếc sau, tức là chiếc máy bay số 147 của Clairé, 557 của Secrétant, 184 của Dompnier cũng trong hoàn cảnh tương tự. Họ buộc phải quay về. Tuy nhiên, theo lệnh từ đài kiểm soát tác chiến họ đã vứt hết những chất cháy nổ này xuống Tuần Giáo.

Tôi hạ cánh lúc 5 giờ 20 phút sáng, trong người chưa hết hoang mang, mệt mỏi vì thức trọn một đêm trắng.

Tôi không thể đứng vững được nữa. Tôi phải nằm liệt trên giường gập trong đội bay từ 15 giờ đến 18 giờ. Chuyến bay sắp tới của tôi được ấn định vào 0 giờ 45 phút.

Vào cuối buổi sáng tôi đã nhìn thấv một chiếc C47 hạ cánh. Tôi gặp lại một trong những bạn cũ thời kỳ còn là học sinh trung học là François Péquin vừa mới đến Đông Dương. Hiện nay, anh là trưởng ban tác chiến của đội máy bay Anjou. Anh phải hạ cánh xuống đây vì máy bay trúng đạn phòng không. Đây là lần thứ hai trong vòng tám ngày máy bay của anh bị đạn.

Chuyến công tác của anh ở Đông Dương khởi đầu như vậy.

Những phi vụ bay đêm được chia cho hai đội với hai nhiệm vụ khác nhau. Năm chiếc đợt đầu thả bom napalm. Ba chiếc bay theo thả các kiện hàng xuống các vị trí phòng ngự.

Những điều kiện khí tượng không hoàn toàn thuận lợi đối với mọi đội bay. Trong năm chiếc "ném bom" chỉ có bốn chiếc nhìn rõ mục tiêu và đã hoàn thành nhiệm vụ thả napalm. Chiếc thứ năm nửa đường phải quay về căn cứ. Ba chiếc "tiếp tế" cũng đều phải quay về nửa chừng mà chưa thả dù được các kiện hàng, trong đó có một chiếc do tôi lái. Chuyến bay đêm hôm đó cực kỳ vất vả. Tôi bay tới lòng chảo trong một bầu trời vẩn đục, thường xuyên có những tảng mây khiến cho mắt tôi như mù tịt. Bay cách mặt đất bốn trăm mét vẫn chẳng hơn gì. Dưới đất là những ánh lửa của các trận giao tranh, trên trời là những luồng đạn phòng không. Tuy vậy, pháo cao xạ của địch bố trí phân tán, đạn pháo 37 mm thường nổ tung trong những đám mây. Tôi không nhìn thấy dấu chữ T trên bãi thả. Tôi bay đi, bay lại, những tảng mây cũng bay qua bay lại chung quanh tôi, vây bọc chiếc máy bay của tôi. Tôi mò mẫm tìm bãi thả dù như một kẻ mù dở, tới mức suýt đâm vào núi. Tôi cảm thấy không dễ chịu chút nào.

Tôi được biết, hôm qua và hôm kia cụm Dominique là sân khấu diễn ra những trận giao tranh kinh khủng. Làm thế nào lính bộ binh giữ vững được trận địa giữa cuộc chiến ác liệt như vậy? Vừa bay, tôi vừa cố hình dung những gì đang diễn ra phía dưới.

Sau khi đã quay cuồng suốt nửa giờ trong cơn ác mộng, tôi đành làm theo hai người bay trước là Magnat và Dompnier, tức là mang trở lại gánh hàng đạn pháo 105 về nhà. Khi tôi quay về tới vùng châu thổ đã 5 giờ sáng. Trời vẫn đầy mây.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM