Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 08:54:40 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Khát vọng đồng bằng  (Đọc 34078 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #120 vào lúc: 03 Tháng Tư, 2016, 08:47:51 pm »


Ngày 15 tháng 7 năm 1987, tôi nhận được quyết định của Nhà nước ta phong quân hàm Thiếu tướng. Biết tin này, các đồng chí Cuba đã tổ chức cuộc liên hoan chào mừng. Đồng chí Tổng Tham mưu trưởng Ulises tới dự. Đồng chí phát biểu chào mừng thành tích của đoàn 2 năm qua (1985-1987). Thay mặt Bộ Quốc phòng nước Cuba, đồng chí đã tặng tôi bộ quân phục mang hàm tướng Cuba. Đồng chí đề nghị: Các đồng chí nâng cốc chúc mừng Hêlêran Việt Nam - Cuba. Các đồng chí Cuba vô cùng phấn khởi vì hơn 10 năm nay Cuba chưa phong tướng. Các đồng chí bắt tôi mặc quân phục tướng Cuba, bê tôi tung lên và hô to: Hêlêran Việt Nam - Cuba bằng tiếng của hai nước. Thế là từ đây các đồng chí Cuba gọi các sĩ quan Việt Nam mặc quân phục của Cuba bằng cái tên trìu mến Hêlêran (tướng) Việt Nam - Cuba. Côlôlen (đại tá) Việt Nam - Cuba, Commanđantê (thiếu tá) Việt Nam - Cuba.

Đầu tháng 3 năm 1988, được sự giúp đỡ của đoàn chuyên gia Việt Nam tỉnh Villa Clara tiến hành diễn tập thực binh trình diễn cho một số cán bộ chủ chốt của Bộ Quốc phòng và tham mưu trưởng các tỉnh tham quan.

Cuộc diễn tập thể hiện một tình huống đặc biệt. Sau nhiều tháng chiến đấu, ta đã đánh địch anh dũng, quyết liệt, tiêu diệt được nhiều địch, nhưng lực lượng địch quá mạnh, chúng đã cơ bản chiếm được địa bàn của tỉnh. Tại thành phố San Taclara địch đã triển khai sở chỉ huy sư đoàn, trung đoàn cơ động, trận địa pháo, kho tàng, sân bay, các thị trấn, đường giao thông chúng đã đóng nhiều đồn, bốt, đang càn quét đánh phá ác liệt hòng tiêu diệt và khu trục hết lực lượng ta ra khỏi địa bàn. Về ta, cơ quan lãnh đạo chỉ huy, lực lượng cơ động của tỉnh đã chuyển vào căn cứ kháng chiến. Một bộ phận lực lượng MTT, đội sản xuất phòng thủ, cán bộ đảng viên dựa vào hầm bí mật, địa đạo, bám trụ ở địa phương. Tiếng súng kháng chiến ngày đêm vẫn tiếp tục nổ, hệ thống thông tin liên lạc bí mật, công khai trong và ngoài thành phố đã được nối thông. Dưới sự chỉ đạo của Hội đồng phòng thủ tỉnh, quận, quần chúng nhân dân đã bắt đầu đấu tranh chống địch khủng bố. Đội sản xuất phòng thủ, lực lượng MTT có nơi đã tiêu diệt bọn phản động ngóc đầu dậy. Đặc công thành phố đã tập kích diệt sở chỉ huy trung đoàn địch, đốt một kho xăng cháy nổ hai ngày liền, v.v...

Kết thúc cuộc diễn tập. Đồng chí Raul - Bộ trưởng thay mặt Hội đồng phòng thủ tỉnh, một số cán bộ của Bộ, người tham quan cuộc diễn tập hoan nghênh lực lượng diễn tập của tỉnh Villa Clara thể hiện những hành động gần như thật, có những pha rất hấp dẫn. Đồng chí đã cảm ơn đoàn chuyên gia Việt Nam đã giúp đỡ tận tình, tạo mọi điều kiện cho sĩ quan Cuba hình dung được thế nào là giai đoạn hai của cuộc chiến tranh. Với đoàn chuyên gia, chúng tôi cho đây là cuộc diễn tập quy mô lớn cấp tỉnh, cuộc diễn tập then chốt của đoàn sau cuộc diễn tập mẫu khu phòng thủ số 2 ở tỉnh Matanzas.

Nhiệm kỳ 1 (năm 1985-1988) đoàn chuyên gia quân sự địa phương của Việt Nam sang giúp Cuba đã kết thúc thắng lợi. Tại buổi liên hoan, đồng chí Raul - Bộ trưởng chuyển lời đồng chí Tổng tư lệnh Fidel khen ngợi đoàn chuyên gia Việt Nam.

Chêghêvara hạng hai. Đây chính là kết quả công tác, là sự đánh giá cao của các đồng chí lãnh đạo Cuba đối với thành tích của toàn đoàn. Khi phát biểu cảm tưởng, trưởng đoàn Lê Thành Văn rất xúc động, nghẹn ngào. Sau buổi liên hoan tôi đã viết tặng đồng chí trưởng đoàn mấy vần thơ:

Trân trọng đón mừng buổi hôm nay
Ba năm chung sức lái vững tay
Kinh nghiệm thần kỳ ta giúp bạn
Những tấm huân chương lệ tràn đầy.


Trên hòn đảo ngọc Cuba tươi đẹp anh hùng luôn tỏa sáng ở vùng châu Mỹ - Latinh. Từ đồng chí Tổng tư lệnk Fidel đến người dân bình thường, ta có thể khẳng định rằng: Ai ai cũng đều trân trọng kinh nghiệm Việt Nam đánh thắng Mỹ, mến mộ con người Việt Nam thật anh hùng bất khuất. Đoàn chúng tôi được ưu ái đặc biệt thể hiện tình cảm sâu sắc, tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt và sự giúp đỡ chí tình chí nghĩa giữa Đảng, Nhà nước, nhân dân, quân đội hai dân tộc, hai quốc gia Việt Nam - Cuba.

Vinh quang này thuộc về Đảng, Bác Hồ, Nhà nước nhân dân, quân đội ta về mặt quân sự, trực tiếp là Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng tham mưu.

Với tôi, đi công tác ở Tây bán cầu lần thứ hai Hêlêran Việt Nam - Cuba, Côlôlen Việt Nam - Cuba, Commandantê Việt Nam - Cuba là một kỷ niệm đặc biệt sâu sắc. Mãi mãi không thể nào quên.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #121 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2016, 09:59:11 pm »



VII

Sau chuyến công tác của đoàn chuyên gia quân sự địa phương Việt Nam sang giúp đất nước bạn Cuba trở về, tôi được Bộ Quốc phòng cho nghi phép một tháng về thăm gia đình và quê hương Hải Phòng.

Hạn nghỉ phép đã hết, đầu tháng 10 năm 1988, tôi về Cục Dân quân tự vệ Bộ Tổng tham mưu - Bộ Quốc phòng nhận nhiệm vụ mới. Với sự tín nhiệm và tin yêu của Đảng, Nhà nước và quân đội, tôi được giao nhiệm vụ trọng trách: Cục trưởng Cục Dân quân tự vệ Bộ Quốc phòng. Với cương vị mới này, tôi sẽ phải là người đứng đầu chịu trách nhiệm trước Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ Tổng tham mưu - Bộ Quốc phòng về công tác dân quân tự vệ quốc phòng địa phương.

Ngay chiều ngày hôm đó, tôi bắt đầu vào công việc của mình luôn. Việc đầu tiên, tôi tổ chức một cuộc họp với các đồng chí Thường vụ Đảng ủy, Thủ trưởng Cục Dân quân tự vệ. Đồng chí Đại tá Kỳ Sinh - Bí thư Đảng ủy phụ trách Cục trưởng thay đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Văn Thiệu nguyên Cục trưởng đã nghỉ hưu, báo cáo về tình hình tổ chức, biên chế, nhiệm vụ của cục và các hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ địa phương toàn quốc. Trong cuộc họp, một vấn đề lớn nổi lên: tình trạng công tác dân quân tự vệ quốc phòng địa phương không đổi mới kịp thời với sự đổi mới mạnh mẽ của đất nước dẫn đến tình trạng sa sút nghiêm trọng. Do đó, tôi đi đến các cơ quan Bộ Tư lệnh binh chủng, Bộ Tư lệnh Quân khu, Phòng Dân quân tự vệ quân khu, Học viện Quân sự Trung cao để nắm tình hình.

Sau một tháng đi nắm bắt tình hình thực tiễn, chúng tôi đã xác định được những việc cần làm ngay trước mắt: phải tập trung tham mưu giúp Bộ Quốc phòng đổi mới công tác dân quân tự vệ. Tuy lực lượng dân quân tự vệ đông nhưng chất lượng hoạt động yếu, không phù hợp với điều kiện tổ chức sản xuất mới.

Trên cơ sở đó, tháng 11 năm 1988, tôi và đồng chí Đại tá Trần Ngọc Minh - Phó Cục trưởng vào khu A làm việc với đồng chí Thượng tướng Đoàn Khuê - Ủy viên Bộ Chính trị, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Thượng tướng Đoàn Khuê còn là thủ trưởng cũ của tôi khi đồng chí là Tư lệnh Quân khu 5, lúc đó tôi làm phó tham mưu trưởng quân khu phụ trách tác chiến. Chúng tôi đã đề nghị với đồng chí Thượng tướng về việc đổi mới toàn diện công tác dân quân tự vệ cho phù hợp với thời kỳ phát triển mới, phát huy sức mạnh tổng hợp của lực lượng vũ trang này sẵn sàng làm nhiệm vụ khi Tổ quốc cần. Đề nghị Nhà nước ban hành Điều lệ Dân quân tự vệ, mở Hội nghị dân quân tự vệ toàn quốc, tạo sự chuyển biến tích cực để phù hợp với công cuộc đổi mới của Đảng. Tiếp theo đó, đồng chí Trần Ngọc Minh báo cáo tóm tắt Dự thảo chỉ thị của Ban Bí thư, nghị định của Chính phủ, Điều lệ Dân quân tự vệ...

Được sự nhất trí của Tổng Tham mưu trưởng Đoàn Khuê, các cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên toàn Cục Dân quân tự vệ rất vui mừng phấn khởi chuẩn bị các văn kiện phục vụ Đại hội "Dân quân tự vệ toàn quốc".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #122 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2016, 10:00:17 pm »


Sau gần tám tháng, từ tháng 11 năm 1988 đến tháng 7 năm 1989, với tinh thần khẩn trương tích cực, chúng tôi đã hoàn thành ba văn kiện quan trọng: Dự thảo Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường chỉ đạo, xây dựng hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ trong tình hình mới; Nghị định của Hội đồng Bộ trưởng ban hành Điều lệ Dân quân tự vệ kèm theo điều lệ (chưa có văn bản chính thức).

Vào sáng ngày 1 tháng 7 năm 1989, tại Hội trường T83 của Bộ Quốc phòng, Hội nghị toàn quốc bàn về xây dựng dân quân tự vệ, quân dự bị động viên trong tình hình mới được tổ chức trang trọng trong không khí tưng bừng phấn khởi, cờ hoa lộng lẫy. Thượng tướng Đoàn Khuê - Ủy viên Bộ Chính trị, Thứ trưởng, Tổng Tham mưu trưởng và đồng chí Trần Đức Lương - Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chủ trì Hội nghị. Thành phần tham dự Hội nghị gồm có các Bộ trưởng, Thứ trưởng, Thủ trưởng cơ quan Đảng, Chính phủ, Bí thư, Chủ tịch, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự các tỉnh trong cả nước. Các đồng chí Tư lệnh quân khu, Tư lệnh quân binh chủng. Các đồng chí chủ nhiệm tổng cục và một số đồng chí trong Bộ Tổng tham mưu và Tổng cục Chính trị.

Trong ba ngày làm việc, từ ngày 1 đến ngày 3 tháng 7 năm 1989, các đại biểu tham dự đã thảo luận rất sôi nổi đi đến sự thống nhất cao với chủ trương của Đảng, Nhà nước về đổi mới toàn diện công tác dân quân tự vệ, dự bị động viên. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, thành phố còn nhấn mạnh "cần phải có chính sách phù hợp mới mang lại hiệu quả cao".

Bế mạc Hội nghị, thay mặt các đồng chí lãnh đạo chủ trì hội nghị Thượng tướng Đoàn Khuê nhấn mạnh: Sau hội nghị toàn quốc, các địa phương cơ sở cần tổ chức hội nghị chuyên đề quán triệt sâu sắc chỉ thị của Ban Bí thư, nghị định của Chính phủ và Điều lệ Dân quân tự vệ. Tạo ra một bước chuyển biến mạnh mẽ và sâu sắc về nhận thức quan điểm của lãnh đạo các cấp về tầm quan trọng vị trí chiến lược của dân quân tự vệ, quân dự bị động viên trong tình hình mới của đất nước, của quốc tế. Từ đó các cấp ra sức chăm lo xây dựng tổ chức dân quân tự vệ, quân dự bị động viên. Mạnh dạn rút gọn quân số (chú ý đến tỉnh), tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng nâng cao chất lượng tổng hợp, nhất là chính trị, chuyển hướng sang hoạt động bảo vệ trị an, cùng lực lượng công an giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội...

Ngày 22 tháng 9 năm 1989, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị 55/CT-TW.

Ngày 29 tháng 1 năm 1990, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ra Nghị định 29/HĐBT và Điều lệ Dân quân tự vệ.

Để có được cơ sở pháp lý của Đảng, của Nhà nước, tôi cùng các đồng chí Đảng ủy, Thủ trưởng Cục ra sức động viên toàn Cục, phát huy mọi sáng kiến làm tham mưu giúp Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng Trung ương Đảng, Chính phủ hướng dẫn các địa phương thực hiện. Sau ba năm từ năm 1989 đến 1991, công tác dân quân tự vệ đã có bước chuyển biến tích cực, đúng hướng, các quân khu địa phương chấp hành nghiêm chỉnh, họ có nhiều sáng tạo. Vai trò vị thế của Cục Dân quân tự vệ tiếp tục được khẳng định và phát huy. Với cương vị Cục trưởng tôi rất phấn khởi và tin tưởng hơn vào sự đổi mới của ngành dân quân tự vệ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #123 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2016, 10:01:11 pm »


Sau thắng lợi Hội nghị dân quân toàn quốc, Cục Dân quân tự vệ đang dồn sức giúp Bộ tập huấn cán bộ tham mưu quân khu, các tỉnh, thành phố triển khai đổi mới công tác dân quân tự vệ trong các vùng trọng điểm xung yếu: Lực lượng dân quân tự vệ vùng ven biển (Quân khu 5), lực lượng dân quân tự vệ vùng biên giới (Quân khu 9), lực lượng tự vệ đường phố (Quân khu 7). Phong trào dân bàn, dân cử, dân nuôi dân quân (Quân khu 2). Ngày 5 tháng 9 năm 1989, Văn phòng Bộ Tổng tham mưu có Thông báo số 130/CP về việc Bộ Quốc phòng giải thể Ban giáo dục quốc phòng toàn dân. Cục Dân quân tự vệ có chức năng thường trực tổng hợp cùng các cục có liên quan giúp Bộ chỉ đạo công tác giáo dục quốc phòng toàn dân.

Với cương vị Cục trưởng Cục Dân quân tự vệ, Phó Bí thư Đảng ủy Cục, tôi quyết định mở cuộc họp Đảng ủy, Thủ trưởng Cục để bàn bạc. Thông qua việc bàn bạc thảo luận trong cuộc họp, chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng: Giáo dục quốc phòng là một bộ phận của giáo dục quốc dân, là cốt lõi của sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ của dân tộc ta thì chỉ có nội dung huấn luyện quân sự phổ thông cho học sinh, sinh viên, với chương trình huấn luyện chiến sĩ mới cho học sinh phổ thông trung học, huấn luyện hạ sĩ cho sinh viên các trường đại học đã đóng góp to lớn vào việc phát triển lực lượng quân đội. Rút ngắn thời gian huấn luyện tân binh, đáp ứng kịp thời nhu cầu cấp thiết cho chiến đấu đánh địch trên các chiến trường. Đến nay chương trình huấn luyện quân sự phổ cập ấy không còn phù hợp nữa. Giáo dục quốc phòng đang xuống cấp nghiêm trọng, đứng trước thử thách lớn, nếu không kịp thời đổi mới sẽ bị đẩy ra khỏi học đường. Các thế lực thù địch của dân tộc ta đang chống phá ta quyết liệt về mặt chính trị. Chúng muốn loại bỏ việc giáo dục chính trị, quân sự ra khỏi học đường. Chúng ta phải chủ động giúp Bộ tháo gỡ khó khăn về vấn đề này.

Ngày 30 tháng 9 năm 1990, Cục Dân quân tự vệ tổ chức cuộc họp; có sự tham dự của đồng chí cán bộ Vụ 1 - Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại tá Bắc Việt - Vụ trưởng để bàn bạc tháo gỡ khó khăn.

Qua báo cáo về tình hình thực trạng việc giáo dục quốc phòng cho học sinh, sinh viên của Vụ 1 hiện nay, chúng tôi nhất trí với sự đánh giá cho đây là một công tác có tầm chiến lược. Trong năm mươi trường đại học có gần ba trăm sĩ quan biệt phái công tác ở đó, có ban quân sự hoặc tổ quân sự của trường. Hơn 100 trường trung học chuyên nghiệp dạy nghề thì có trường có giáo viên quân sự, có trường không. Hơn 1.000 trường trung học phổ thông không có giáo viên quân sự. Môn quân sự của trường phải mượn các đồng chí bộ đội địa phương và chủ lực giảng dạy giúp. Nhiều đồng chí hiệu trưởng còn đề nghị bỏ môn huấn luyện quân sự phổ thông vì kết quả hạn chế, nhàm chán...,Do đó, chúng tôi nhất trí giúp hai Bộ (Bộ Quốc phòng và Bộ Giáo dục - Đào tạo) kịp thời đổi mới từ nội dung đến phương pháp giảng dạy. Trước hết, chúng tôi thay tên "huấn luyện quân sự phổ thông" bằng "giáo dục quốc phòng cho học sinh, sinh viên", về nội dung, đổi mới "chương trình, giáo trình, giáo viên, ngân sách". Đề nghị hai Bộ tổ chức hội thảo tổng kết 10 năm (1980-1990) về công tác giáo dục quốc phòng trong nhà trường. Về phương hướng đổi mới những năm tiếp theo: Mở hội nghị giáo dục quốc phòng toàn quốc, đề nghị Hội đồng Bộ trưởng có chỉ thị về giáo dục quốc phòng trong tình hình mới. Trải qua hai ngày làm việc, cuộc họp đã thành công tốt đẹp.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #124 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2016, 10:01:48 pm »


Sau 3 tháng tích cực khẩn trương, Cục Dân quân tự vệ và Vụ 1 cùng với Cục Nhà trường chuẩn bị xong các văn bản báo cáo tổng kết 10 năm giáo dục quốc phòng, đào tạo sĩ quan dự bị, dự thảo chỉ thị Hội đồng Bộ trưởng. Tháng 12 năm 1990, Hội nghị đổi mới giáo dục quốc phòng toàn quốc được tiến hành ở hai miền Bắc - Nam. Đồng chí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và đồng chí Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trực tiếp chủ trì hội nghị. Hội nghị được tiến hành trong không khí tưng bừng phấn khởi. Hội nghị đã đi đến nhất trí cao về đổi mới giáo dục quốc phòng cho học sinh, sinh viên. Thắng lợi hội nghị là một luồng gió mới thổi mạnh vào phong trào giáo dục quốc phòng cho học sinh, sinh viên ở các trường phổ thông, đại học, trung học chuyên nghiệp trên cả nước trong tình hình đổi mới của đất nước ta.

Phát huy vai trò trách nhiệm cơ quan tham mưu giáo dục quốc phòng, Cục Dân quân tự vệ phối hợp chặt chẽ với Vụ 1, Bộ Giáo dục - Đào tạo, hiệp đồng với các cục có liên quan của Bộ Tổng tham mưu, tổ chức biên soạn 36 giáo trình cho ba đối tượng và chín chương trình cho các cấp học.

Tiếp đến các năm 1992, 1993 và 1994, Cục Dân quân tự vệ và Vụ 1, Bộ Giáo dục - Đào tạo còn làm tham mưu cho hai Bộ lần lượt cho ra đời Trung tâm Giáo dục quốc phòng ở Thái Nguyên, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh thành phố Hà Nội, v.v... Đây là bước phát triển nhảy vọt về chất của giáo dục quốc phòng trong học sinh, sinh viên toàn quốc.

Phong trào giáo dục quốc phòng trong học sinh, sinh viên bước đầu giành được thắng lợi thật đáng mừng. Song việc giáo dục quốc phòng trong hệ thống trường Đảng, hành chính, đoàn thể và bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho cán bộ Đảng, Nhà nước, đoàn thể, các cấp tại chức thì chưa được đặt ra. Để giải quyết vấn đề này, mặc dù Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị và Chỉ thị 20 của Ban Bí thư Trung ương Đảng năm 1986 về tăng cường lãnh đạo, củng cố quốc phòng nêu rõ: "Cần phải đưa giáo dục quốc phòng thành môn chính khóa trong các trường chính trị, hành chính, đoàn thể" nhưng đến năm 1992 vẫn chưa trở thành hiện thực.

Tôi nêu vấn đề với các đồng chí Đảng ủy, Thủ trưởng Cục Dân quân tự vệ. Chúng tôi nhất trí không thể bỏ qua khâu quan trọng này trong công tác giáo dục quốc phòng toàn dân. Một lần nữa, Cục Dân quân tự vệ chủ động phối hợp với các cục có liên quan giúp Bộ tháo gỡ vấn đề khó khăn này.

Trên tinh thần đó, tôi trực tiếp bàn với đồng chí Cục trưởng Cục Tư tưởng Văn hóa. Hai cục cử cán bộ đi khảo sát, hội thảo về giáo dục quốc phòng ở một số trường: Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Hành chính quốc gia, trường công đoàn, thanh niên, phụ nữ và một số trường chính trị, hành chính tỉnh. Các trường đều nhất trí cao vấn đề này. Chúng tôi chuẩn bị chương trình nội dung hội thảo với một số cơ quan Đảng, Nhà nước và báo cáo lên Ban Bí thư Trung ương nhất trí cho ý kiến chỉ đạo Cục Dân quân tự vệ đã làm tham mưu cho Bộ Quốc phòng giúp Chính phủ ra Nghị định 71/CP ngày 18 tháng 7 năm 1994 về giáo dục quốc phòng trong các trường chính trị, hành chính đoàn thể. Đây là kết quả bước đầu rất quan trọng góp phần hoàn chỉnh hệ thống giáo dục quốc phòng toàn dân ở các cấp. Qua đó khẳng định lại vị trí chiến lược của công tác giáo dục quốc phòng: Đổi mới, hoàn thiện chương trình giáo dục quốc phòng trong các hệ thống nhà trường là chiến lược lâu dài của Đảng và Nhà nước.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #125 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2016, 10:02:37 pm »


Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước từ (1954- 1975), Ban Bí thư Trung ương Đảng có Chỉ thị 120/CT-TW về công tác quân sự ở các địa phương. Chính phủ có Chỉ thị 198/CP về công tác quân sự ở các bộ, các ngành, các đơn vị cơ sở của Nhà nước. Do nhu cầu nhiệm vụ quân sự ở các bộ, chỉ có một thứ trưởng phụ trách công tác quân sự địa phương còn lại hầu hết các bộ có sĩ quan quân đội biệt phái sang công tác ở Vụ 1 (Vụ quân sự của Bộ). Công tác quân sự địa phương ở các bộ, ngành Nhà nước đã phát huy vai trò vị trí chiến lược to lớn trong nhiệm vụ động viên sức người, sức của ở các địa phương, các bộ, ngành trong cả nước góp phần đánh Mỹ bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc và góp phần vào thắng lợi hai cuộc chiến tranh ở hai đầu biên giới của đất nước. Nhưng từ năm 1987 đến năm 1992, khi Bộ Quốc phòng rút một số sĩ quan biệt phái về Bộ thì hầu như Vụ 1 của các bộ không còn nữa (chỉ còn ba bộ: Vụ 1 Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Ủy ban kế hoạch Nhà nước). Tổ chức không còn, công tác quân sự có Bộ giao cho Vụ Tổ chức, có Bộ giao cho Vụ Kế hoạch, có Bộ giao cho Văn phòng Bộ. Hoạt động quân sự của các bộ hạn chế, hiệu quả thấp kém.

Khi về làm cục trưởng dân quân tự vệ tôi phân công đồng chí Trần Ngọc Ninh - Phó cục trưởng và đồng chí Lê Ngọc Vân - nguyên Trưởng phòng Tổng hợp quân sự địa phương của Cục cùng với cán bộ Cục Tổ chức động viên (nay là Cục Quân lực) đi khảo sát 14 bộ và 100 đơn vị cơ sở. Các đồng chí thấy rõ thực trạng công tác quân sự ở các bộ, ngành giảm xuống nghiêm trọng.

Từ thực tế trên, chúng tôi đề nghị Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng làm tham mưu cho Chính phủ tổ chức tổng kết và đổi mới công tác quốc phòng ở các bộ, ngành và các địa phương sao cho phù hợp với nhiệm vụ đổi mới chung của đất nước, của quốc phòng - an ninh.

Sau khi được Bộ Quốc phòng nhất trí, Cục Dân quân tự vệ đã phối hợp với Cục Tác chiến, Cục Tổ chức động viên làm tham mưu cho Bộ, giúp Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chính phủ tổ chức Hội nghị về đổi mới công tác quốc phòng ở các bộ, ngành và ở địa phương. Đi sâu tổng kết 5 năm xây dựng khu vực phòng thủ ở các tỉnh, dân quân tự vệ; 10 năm xây dựng lực lượng dự bị động viên. Hội nghị được tổ chức thời gian ba ngày (từ ngày 9 đến ngày 11 tháng 11 năm 1993). Số đại biểu về dự gần 300 đại biểu gồm các bộ, ngành ở Trung ương, đại diện cấp ủy, chính quyền, cơ quan quân sự tỉnh, thành phố, Bộ Tư lệnh các quân khu, quân binh chủng, các học viện về dự.

Được sự ủy quyền của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chính phủ, Đại tướng Đoàn Khuê - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Quốc phòng chủ trì hội nghị, đồng chí Đỗ Mười - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Trần Đức Lương - Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng tới dự và phát biểu ý kiến tại Hội nghị. Hội nghị diễn ra đạt kết quả rất tốt.

Phát huy thắng lợi Hội nghị, Cục đã phối hợp với cơ quan Bộ Quốc phòng, cơ quan của Chính phủ giúp Chính phủ ra Nghị định 19/CP ngày 12 tháng 3 năm 1994 của Chính phủ về công tác quốc phòng ở Bộ, ngành và địa phương.
Dựa vào cơ sở pháp lý của Nghị định 19/CP, Cục Dân quân tự vệ, đã cùng cơ quan liên quan giúp liên Bộ Quốc phòng và Tổ chức Chính phủ khôi phục lại một số Vụ 1 và cán bộ chuyên trách quân sự của các bộ. Duy trì mối quan hệ và nền nếp sinh hoạt giữa Bộ Quốc phòng với các bộ, v.v... đã tạo được bước chuyển biến mạnh về quan điểm nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành. Bộ đã đẩy mạnh công tác quốc phòng toàn dân trong giai đoạn cách mạng mới của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #126 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2016, 10:03:27 pm »


Là một sĩ quan quân đội, nhiều năm tôi làm công tác giảng dạy ở Học viện Quân sự. Tôi đã giới thiệu kinh nghiệm chiến tranh nhân dân của Đảng ta trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cho các đoàn quân sự một số nước bạn đến Việt Nam nghiên cứu. Tôi cũng rất vinh dự được nhiều lần Bộ Quốc phòng điều đi làm công tác chuyên gia cho nước bạn về công tác quân sự địa phương.

Thực hiện Quyết định số 613/QĐ của Bộ trưởng Quốc phòng, gần 3 năm. phấn đấu bền bỉ (tháng 9-1993 đến 1-1996) với 10 đồng chí tướng lĩnh, sĩ quan trong Ban tổng kết của Cục Dân quân tự vệ, được sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu, Đảng ủy, Thủ trưởng Cục Dân quân tự vệ; bản tổng kết kinh nghiệm chỉ đạo chiến tranh nhân dân địa phương trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954-1975) đã hoàn thành, kèm theo bốn phụ lục (địch và ta) và 10 chuyên đề lần lượt được nghiệm thu (chuyên đề trên các chiến trường quân khu).

Ngày 3 tháng 1 năm 1996, Đại tướng Đoàn Khuê - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Quốc phòng, Trưởng ban Tổng kết chiến lược đã đánh giá công trình tổng kết đạt chất lượng tốt, nhanh, đúng đường lối và quan điểm chỉ đạo của Đảng. Công trình có giá trị lý luận và thiết thực phục vụ cho nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ sự nghiệp đổi mới hiện nay của Đảng. Bộ trưởng đã quyết định cho in và phát hành. Cũng trong cuộc họp này, Bộ trưởng còn chỉ thị tổng kết những đặc thù của chiến tranh du kích trên từng chiến trường trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tiếp đó là tổng kết xây dựng và hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ, binh chủng. Công trình này phải đến đầu năm 2000 mới kết thúc. Cơ quan Bộ, quân khu, quân binh chủng đã giúp đỡ Bộ Quốc phòng hoàn thành công trình tổng kết chiến tranh nhân dân địa phương gồm 35 tập sách lần lượt được nghiệm thu, cho in ấn và phát hành.

Hội đồng khen thưởng của Bộ đã đề nghị Bộ Quốc phòng khen thưởng Huân chương Chiến công hạng ba cho Phòng Dân quân tự vệ Quân khu 5, Huân chương Chiến công hạng nhì cho chủ nhiệm công trình tổng kết chiến tranh nhân dân địa phương của Bộ.

Được đón nhận niềm vui, niềm vinh dự này, lòng tôi vô cùng sung sướng vì nguyện vọng tổng kết chiến tranh nhân dân địa phương của tôi đã đạt được kết quả tốt đẹp.

Suốt cuộc đời binh nghiệp của mình, tôi chủ yếu làm cán bộ lãnh đạo, chỉ huy từ cấp thấp đến cấp cao, từ một trung đội trưởng đội du kích rồi xã đội trưởng, chỉ huy trưởng quân sự huyện, đến cấp tỉnh và cục. Tôi hoạt động làm nhiệm vụ ở nhiều vùng, nhiều địa phương, từ miền Bắc đến Tây Nguyên, Nam Bộ. Từ biên giới Tây Nam của Tổ quốc đến chiến đấu giúp nhân dân miền Đông Bắc Campuchia giải phóng khỏi họa diệt chủng của bọn Pôn Pốt, Iêng Xari, v.v... Trong hoàn cảnh chiến đấu ác liệt hay trong hoàn cảnh hòa bình xây dựng, bản thân tôi đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm xương máu, trong đó có một bài học kinh nghiệm rất quan trọng là kinh nghiệm "Tạo động lực". Dù cho chiến đấu và công tác có vất vả khó khăn đến mấy thì người lãnh đạo chỉ huy cũng phải hết sức chăm lo đến công tác xây dựng nội bộ đoàn kết một lòng, luôn làm cho đảng bộ, cơ quan đơn vị vững mạnh về mọi mặt. Phải biết kết hợp chặt chẽ giữa việc phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị với việc xây dựng nội bộ đảng bộ, cơ quan vững mạnh về mọi mặt. Lấy việc xây dựng nội bộ vững mạnh làm "động lực" thúc đẩy việc hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị. Đồng thời lấy việc hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị làm thước đo kết quả việc xây dựng nội bộ. Hai vấn đề này có quan hệ hữu cơ với nhau, không thể tách rời nhau. Ta làm tốt cả hai mặt này là thể hiện được cách lãnh đạo chỉ huy toàn diện, phát huy sức mạnh tổng hợp, thể hiện rõ nét trình độ năng lực lãnh đạo chỉ huy của người cán bộ cách mạng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #127 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2016, 10:05:31 pm »


Được về làm việc ở Cục Dân quân tự vệ, ngay những ngày đầu tôi đã đi sâu tìm hiểu lịch sử của Cục, tự hào về bề dày lịch sử và truyền thống tốt đẹp của Cục. Phòng Dân quân - Cục Dân quân tự vệ có chức năng tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu về vũ trang quần chúng, công tác quân sự địa phương trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Với 50 năm (từ 1947-1997), Cục Dân quân tự vệ đã xây dựng và trưởng thành trong hoạt động "Cục giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa hoàn thành nhiệm vụ chính trị với xây dựng đảng bộ và cơ quan Cục, phát huy truyền thống, sâu sát cơ sở, bám sát địa phương, tích cực, chủ động sáng tạo, đoàn kết hiệp đồng chặt chẽ với các cơ quan có liên quan trong và ngoài quân đội. Từ đó tạo nên sức mạnh tổng hợp để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ trên giao"1.

Ngoài ra, tôi phải phấn đấu nghiên cứu, nắm vững về kinh nghiệm cuộc đời chiến đấu của mình trải dài hơn nửa thế kỷ lịch sử đất nước để phát huy và bổ sung làm phong phú truyền thống kinh nghiệm của Cục, xứng đáng là cơ quan tham mưu chiến lược đầu ngành của ngành dân quân tự vệ, quân sự địa phương Việt Nam.

Trên cương vị cục trưởng, phó bí thư Đảng ủy Cục, tôi đã cùng Đảng ủy, Thủ trưởng Cục lãnh đạo Cục phấn đấu khắc phục mọi khó khăn hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị mà Bộ Quốc phòng giao phó. Lãnh đạo đổi mới công tác dân quân tự vệ, đổi mới giáo dục quốc phòng, đổi mới công tác quốc phòng ở Bộ, ngành, ở các địa phương hoàn thành nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm chiến tranh nhân dân địa phương trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Đồng thời cùng các đồng chí lãnh đạo xây dựng Đảng bộ và cơ quan Cục vững mạnh về mọi mặt. Trong những năm qua, (từ năm 1989, 1990 và 1992), toàn Cục đạt danh hiệu Đơn vị Quyết thắng và được tặng cờ đơn vị khá nhất của Bộ Quốc phòng. Từ năm 1988 đến năm 1990, Đảng bộ Cục đạt Đảng bộ trong sạch vững mạnh, được nhận cờ Đảng bộ trong sạch vững mạnh của Đảng ủy Bộ Tổng tham mưu - cơ quan Bộ Quốc phòng. Trong công tác xây dựng nội bộ, chúng tôi rất quan tâm đến các chính sách: Chính sách bồi dưỡng đề bạt cán bộ, chính sách hậu phương gia đình quân đội và chăm lo đời sống tinh thần vật chất trong cơ quan Cục. Ở thời điểm cả nước gặp khó khăn về kinh tế, nhiều cục trên cơ quan bộ làm kinh tế, song Cục Dân quân tự vệ không có vốn không có kinh nghiệm nên chúng tôi dựa vào thế mạnh của mình có các cơ quan quân sự địa phương giúp đỡ. Cục đã cử một tổ công tác hậu cần vào miền Nam mua gạo về bán cho gia đình cán bộ. Những chi phí đó do Cục thanh toán. Cục còn thuê hàng chục hécta đầm, hồ giao cho một tổ dân quân tự vệ có nhiều kinh nghiệm về thủy sản giúp Cục làm kinh tế... Từ đó, Cục có cơ sở kinh tế hỗ trợ một phần cho gia đình cán bộ, ổn định thêm đời sống thường ngày. Cán bộ, công nhân viên cơ quan Cục thêm đoàn kết, phấn khởi, tinh thần công tác gắn bó keo sơn với Cục.

Với thời gian hơn 10 năm (1988-2000), tôi công tác ở Cục Dân quân tự vệ, có thời gian tôi làm Cục trưởng, có thời gian lại chuyển sang công tác tổng kết. Với trách nhiệm nào tôi cũng luôn phấn đấu, nỗ lực, tích cực để góp một phần nhỏ tạo nên vị thế của Cục, của ngành dân quân tự vệ. Song điều quan trọng hơn nhờ có bước phát triển mới của Cục, của ngành mà cá nhân tôi cũng có sự phát triển vượt bậc. Bản thân tôi rút ra một vấn đề: Kinh nghiệm chiến tranh nhân dân địa phương Việt Nam rất phong phú và đa dạng. Đây là một loại hình kinh nghiệm hiếm thấy trên thế giới nhưng lại chưa được tổng kết đầy đủ. Mỗi khi phải giới thiệu một vấn đề, chúng tôi thường phải tự nghiên cứu rồi "tự biên, tự diễn" chịu trách nhiệm trước Bộ về những tài liệu đã thông qua. Do vậy, khi kết thúc những năm tôi đi chuyên gia quân sự tại Cuba, tôi về làm Cục trưởng Cục Dân quân tự vệ, đi đôi với triển khai toàn bộ công tác dân quân tự vệ, giáo dục quốc phòng, công tác quốc phòng Bộ, ngành và địa phương; tôi rất quan tâm đến nhiệm vụ tổng kết và khoa học phát triển của ngành quân sự địa phương.

Sau 4 năm từ 1989 đến 1993, Cục Dân quân tự vệ đã hoàn thành bước đầu chuẩn bị tư liệu. Để tiến hành bước hai, Cục Dân quân tự vệ đã giúp Bộ Tổng tham mưu làm tham mưu cho Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 613/QĐ ngày 14 tháng 9 năm 1993 về Tổng kết chiến tranh nhân dân địa phương trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ từ 1946 đến 1975.
___________________________________
1. Lịch sử Cục Dân quân tự vệ, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1997, tr. 203, 204.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #128 vào lúc: 05 Tháng Tư, 2016, 07:03:11 am »


ĐOẠN  KẾT

Trước cách mạng tháng 8 năm 1945 khi mới 13 tuổi (1942) tôi đi học chữ Hán, học đến sách Luận ngữ, Mạnh Tử, thầy khóa Thu ra cho học trò một đầu bài "Thiên địa anh khí". Thầy hẹn 30 phút phải nộp bài xướng bằng 4 câu thơ. Ai nấy đều lo lắng suy nghĩ, chưa hết bỡ ngỡ, tôi đã nộp bài cho thầy đúng 4 câu thơ lục bát.

Trời đất có khí anh hoa
Dùi mài hun đúc cho ta nên người
Thông minh tai mắt khác vời
Sống sao đích thực là người nam nhân


Thầy đọc xong bài thơ của tôi, thầy không khen hay cũng không chê dở. Thầy gật gù: "Câu kết nêu rõ được chí hướng phấn đấu của người nam nhân phải sống như thế nào cho ra sống".

Thầy khóa Thu là con trai cụ khóa Thoa, cháu cụ khóa Cổ, ba đời dạy chữ Hán ở trong làng và ở thiên hạ, các cụ đều là bậc nho hiền nổi tiếng thông minh và dạy rất giỏi. Tôi với thầy khóa Thu là cháu bác cháu dì; tôi được học cả ba đời gia đình Nho giáo này (ông khóa Cổ, bác khóa Thoa, anh khóa Thu). Tôi được anh khóa Thu nhẹ nhàng động viên học tập, tuy tôi còn nhỏ, nhưng tôi đã có một ước vọng, lớn lên học hành thành đạt, ngoài làm việc tốt ra, tôi cũng biết làm thơ, noi gương các bậc tiền nhân.

Tôi bắt đầu hoạt động cách mạng (1947-1948). Tôi thấy các đồng chí cán bộ Việt Minh nhiều người có quyển nhật ký, tôi cũng bắt chước đóng quyển nhật ký. Nhưng tôi viết nhật ký bằng thơ chỉ dăm, sáu câu một theo cảm hứng, lúc đầu tôi đặt tên cho quyển sách đó là "Nhật ký người du kích Cao Minh". Khi tôi lên huyện Vĩnh Bảo công tác tôi nghĩ chắc là mình còn phải đi mãi, cái tên đó không phù hợp nữa, tôi viết tiếp quyển nhật ký thứ hai với tên "Những chặng đường". Tôi viết bài thơ làm tựa để:

Mỗi một chặng đường một bài thơ
Để lại trong tôi kỷ niệm xưa
Thanh thản tâm hồn tăng nghị lực
Đi suốt cuộc đời một ước mơ.


Và cũng từ đó, tôi đi đến đâu? Làm việc gì? Chiến đấu hay công tác? Thuận lợi hay khó khăn, thành công hay không thành công tôi đều ghi bằng thơ, ghi mãi dòng nhật ký trôi theo thời gian năm tháng của cuộc đời đến tháng 2 năm 2002, nhân dịp xã Cao Minh, quê hương tôi được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân", tôi viết bài thơ thứ 85 có tựa đề "Quê hương anh hùng" để tặng quê hương yêu dấu. Tôi cho in tập thơ "Những chặng đường" để trong tủ sách gia đình.

Mục đích tập thơ của tôi là ghi lại "Những chặng đường", những chặng đường đời, đường cách mạng tôi đã từng gắn bó chiến đấu cho lý tưởng cao đẹp của người chiến sĩ cộng sản là sống vì dân, chết cũng vì dân. Chặng đường đó phát triển cùng với sự phát triển chung của cách mạng. "Những chặng đường” cũng ghi lại những tình cảm thân thương, trìu mến, sâu nặng của tôi đối với quê hương với đất nước, đối với Đảng, Bác Hồ, với quân đội, với nhân dân. "Những chặng đường" cũng còn ghi lại tình cảm của tôi đối với gia đình, lòng kính yêu bố mẹ, thương yêu vợ hiền, con nhỏ, tình anh em, bè bạn sâu nặng, v.v... Tôi thấy thơ của mình còn thô thiển mộc mạc nhưng trong nó chứa đựng một tình người tha thiết. Có một số bạn bè hiểu ít về thơ khi đọc "Những chặng đường" của tôi đều nói lên lời khen tốt đẹp. Họ phát biểu rất tôn trọng và cũng khá giống nhau ở một điểm: "Bận rộn đến thế mà còn tâm hồn thơ, đó là điều đáng mến phục, con nhà quân sự có thời gian đâu mà nghiên cứu về phương pháp sáng tác thơ, văn. Tuy vậy cũng có một số bài đã đạt đến độ chín".

Đọc xong tập thơ, các anh đều hỏi: Trong tập "Những chặng đường" anh có ba bài thơ tình, vậy có phải là tình thực hay tình giả?

Tôi trả lời ngay: "Cái đó tùy độc giả. Tôi chỉ nêu một chuyện có thật".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #129 vào lúc: 05 Tháng Tư, 2016, 07:04:46 am »


Tháng 2 năm 1952 ở trận đánh đồn Áng Dương, quân ta bắn sai mục tiêu lạc vào quân ta. Có một quả AT nổ trên cây xoan, mảnh đạn văng vào bả vai tôi. Tôi bị thương khá nặng. Chị em du kích cáng tôi bằng võng phải hai đêm mới vượt qua được đường 17 và đường 10; vượt qua đồn bốt giặc. Các đồng chí đưa tôi về nhà cụ Xuất Ban là cơ sở của ta; nhờ gia đình cụ nuôi dưỡng tôi. Huyện đội cử một đồng chí y tá trưởng là nam giới và một nữ hộ lý tiêm thuốc rửa, băng vết thương cho tôi. Bà Âm có cô em gái tên là Rốt sau này đổi là Hạnh. Tuổi đời chừng 19, đôi mươi, dáng cao, thon thả, nước da trắng, mái tóc mây dài. Cô khá xinh đẹp, thỉnh thoảng cô này thay chị mang cơm vào buồng trong cho tôi. Tôi thấy dáng đi nhẹ nhàng, xét nét, mặt đỏ bừng như quả bồ quân, em đặt cơm xuống bàn rồi em chạy. Có lúc cô hộ lý rửa vết thương cho đại đội trưởng của mình. Ánh mắt cô Rốt (Hạnh) như lườm, nguýt, hình như tôi thấy ở em có cái gì khó chịu. Thế là tức cảnh thành thơ, tôi ghi luôn nhật ký bằng bài thơ có tựa đề "Sầu riêng":

Trăng treo lơ lửng dải Ngân Hà
Trăng gần tâm sự nỗi lòng ta
Một gánh sầu riêng đầy ăm ắp
Em ở gần bên sao quá xa
Mảnh tình huyền ảo mà thơ mộng
Nặng trĩu hai vai suốt đời ta.


Với thời gian trôi đi, sau 40 năm từ 1952 đến 1992, người vợ - bạn đời yêu quý của tôi chuyển về Hải Phòng ở với con gái. Tôi lúc đó công tác ở Hà Nội. Một lần tôi về thăm gia đình. Biết tin tôi về Hải Phòng, cô Rốt, tức Hạnh - cô gái năm nào ấy đã cùng chồng là Nghiệp tìm đến nhà tôi, thăm vợ chồng tôi. Tôi đưa tập nhật ký "Những chặng đường" cho chú Nghiệp và cô Hạnh đọc bài "Sầu riêng", chú Nghiệp ngơ ngác không hiểu gì. Còn cô Hạnh nhìn tôi mặt đỏ bừng, nở một nụ cười âu yếm. Tôi giải thích để chú Nghiệp và vợ tôi khỏi nghi ngờ mối quan hệ giữa tôi và cô Hạnh. Được nghe tôi giải thích xong, ai nấy đều vui vẻ, còn cô Hạnh tỏ ra tự hào nói với chồng "Ngày ấy chắc em đẹp lắm nên đại đội trưởng mới có bài thơ này".

Từ khi tôi chuyển sang làm công tác tổng kết kinh nghiệm chiến tranh nhân dân địa phương (tháng 9-1993) Tôi có điều kiện tiếp xúc với tài liệu phục vụ cho tổng kết và các tài liệu quý báu khác. Tôi thấy một vấn đề là ở Việt Nam, từ xa xưa các vị danh nhân nghĩa khí cũng như quần chúng lao động yêu đất nước, quê hương. Họ thường có những câu nói bất hủ. Nhất là thời đại Hồ Chí Minh. Ta có thể khẳng định những lời nói bất hủ của các vị đó trở thành danh ngôn Việt Nam.

Bác Hồ đã nói: Cho dù phải đốt cháy dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập hay Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, độc lập khi mà bản thân dân được ăn no, mặc đủ. Nhân dân ta cũng có câu nói:

Một lời nói tựa nhát dao
Thề cùng giặc Mỹ có tao, không mày.

"Hãy đánh Mỹ đi rồi sẽ biết cách đánh và thắng Mỹ" (Củ Chi đất thép thành đồng), "Còn cái lai quần cũng đánh" (chị Út Tịch, xã đội trưởng - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân).
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM