Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 03:42:41 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Khát vọng đồng bằng  (Đọc 34072 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #90 vào lúc: 26 Tháng Ba, 2016, 03:24:44 pm »


Đế quốc Mỹ đã tập trung tới bảy mươi vạn quân gồm lính Mỹ, lính ngụy, lính các nước chư hầu của Mỹ cho cuộc phản công lớn lần thứ nhất của chúng bị thất bại. Kẻ thù không đạt được mục tiêu "Tìm diệt chủ lực Việt cộng" không phá được phong trào chiến tranh du kích của quần chúng nhân dân, không giành được thế chủ động trên chiến trường. Đế quốc Mỹ lại tiếp tục đưa hàng loạt sư đoàn: sư đoàn 4, sư đoàn 5, sư đoàn 9, nhiều lữ đoàn lính chư hầu, tăng thêm nhiều phương tiện chiến tranh chuẩn, bị mở cuộc phản công quân ta vào mùa khô năm 1966 và 1967. Chúng đặt lại mục tiêu là "Tìm diệt và bình định".

Ngày 17 tháng 7 năm 1966, Bác Hồ kính yêu đã phát lời kêu gọi cả nước chống Mỹ: "Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do".

Tháng 6 năm 1966, đồng chí Hoàng Văn Thái - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Tổng tham mưu trưởng đã truyền đạt Nghị quyết Trung ương 12 và tình hình các chiến trường cho Quân khu 5. Đồng chí Hoàng Văn Thái được quyết định của Trung ương ở lại công tác. Với cương vị là bí thư quân khu ủy, chính ủy quân khu, tiếp đó đồng chí làm bí thư Khu ủy Khu 5. Đồng chí đã chủ trì Hội nghị cán bộ quân chính toàn khu để đánh giá tình hình hoạt động trong một năm qua và đề ra yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Thực hiện nhiệm vụ của quân khu, Sư đoàn 3 Sao Vàng phối hợp với quân dân Quảng Ngãi, Bình Định mở cuộc tập kích địch ở căn cứ Gò Hội, tiêu diệt 600 tên địch. Trung đoàn 12 trụ bám chiến đấu, hỗ trợ đắc lực cho nhân dân Hoài Nhơn phá vỡ kế "Bình định" của Mỹ. Tháng 12 năm 1966, sư đoàn tiêu diệt bốn đại đội kỵ binh không vận Mỹ ở Long Giang, Lộc Giang. Ta tập kích tiêu diệt địch ở cụm quân hỗn hợp gồm 2 đại đội pháo binh, hai đại đội công binh Mỹ ở Xuân Sơn.

Đêm ngày 5 rạng ngày 6 tháng 2 năm 1966, đơn vị pháo binh Sư đoàn 3 Sao Vàng nã pháo vào căn cứ Độ Đức, bắn cháy 50 máy bay lên thẳng của Mỹ. Những cuộc tiến công địch liên tục với tinh thần chiến đấu không mệt mỏi, không sợ gian khổ, hy sinh, cán bộ và chiến sĩ Sư đoàn 3 Sao Vàng (Quân khu 5) đã góp một phần làm thất bại gọng kìm trong chiến dịch "Bình định" của Mỹ - ngụy ở vùng ven biển miền Trung.

Giữa năm 1967 và 1968, hơn một triệu quân Mỹ - ngụy và lính chư hầu của địch bị dàn mỏng khắp các chiến trường miền Nam. Nội bộ giới cầm quyền Mỹ lục đục. Trên trường quốc tế uy tín của Mỹ giảm sút, bị cô lập. Trong nước Mỹ đã có nhiều cuộc biểu tình của nhân dân phản đối chiến tranh ở Việt Nam. Quân dân ta đang ở thế tiến công, thời cơ chiến lược của ta đã đến. Trung ương Đảng hạ quyết tâm đánh đòn quyết định, tạo bước nhảy vọt buộc Mỹ phải thua ta về quân sự.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #91 vào lúc: 26 Tháng Ba, 2016, 03:27:46 pm »


Tháng 12 năm 1967, Bộ Chính trị quyết định chuyển cuộc cách mạng miền Nam sang thời kỳ mới, thời kỳ giành thắng lợi quyết định - Quân dân ta tiến hành cuộc tổng tiến công đồng loạt và nổi dậy đều khắp.

Các đồng chí lãnh đạo Khu ủy và Đảng ủy Bộ Tư lệnh Quân khu 5 quyết định tập trung lực lượng ba thứ quân hoạt động mạnh. Xuân 1968 quân dân ta tiến công và nổi dậy tiêu diệt địch ở khắp nơi giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân.

Ngày và đêm giao thừa Mậu Thân (Xuân 1968), như thường lệ, quân dân cả nước vui mừng chờ đón lời chúc Tết của Bác Hồ. Lời thư chúc Tết của Bác xuân này là niềm vui của Bác hòa với niềm vui mà quân dân ta giành được chiến thắng địch trên khắp các chiến trường. Lời thơ của Bác như một mệnh lệnh, cổ vũ, động viên toàn quân dân ta đánh Mỹ giành thắng lợi hoàn toàn. Bác viết:

          "Xuân này hơn hẳn mấy Xuân qua,
          Thắng trận tin vui khắp nước nhà.
          Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ.
          Tiến lên!
          Toàn thắng ắt về ta
"1.

Chưa có một lần ra trận nào, lòng cán bộ chiến sĩ chúng tôi được giục giã sục sôi như lần này. Tất cả chúng tôi đều náo nức chờ giờ nổ súng.

Hòa với tiếng súng tiến công và nổi dậy của quân dân toàn miền Nam. Quân ta đã đánh vào hầu hết các thành phố và thị xã, một số thị trấn; ta đánh mạnh vào các căn cứ hậu cần, sân bay, bến cảng, các kho tàng vũ khí, quân trang quân dụng của Mỹ - ngụy. Tại Quy Nhơn, trận mở màn của lực lượng đặc công 407 kết hợp cùng lực lượng vũ trang địa phương, ta tiến công vào đài phát thanh, vào dinh tỉnh trưởng, ty cảnh sát, bến xe, nhà ga. Sau đó quân dân ta đã trụ bám lại trong lòng các thị trấn, thị xã chiến đấu tiêu diệt địch suốt một tuần lễ. Trong khi đó, lực lượng Trung đoàn 12 của sư đoàn đánh chiếm quận lỵ An Nhơn, đánh sở chỉ huy trung đoàn Nam Triều Tiên ở Phú Kiền. Tiểu đoàn 5 Trung đoàn 12 vượt đầm Thị Nại, phối hợp cùng lực lượng địa phương đánh chiếm, xóa sạch một loạt đồn bốt của bọn lính bảo an dân vệ. Trung đoàn 2 của sư đoàn tiến công vào quận lỵ Phú Mỹ, đồng thời có nhiệm vụ kiềm chế sư đoàn bộ binh không vận Mỹ. Phía nam, một bộ phận của sư đoàn đã phối hợp với Trung đoàn 10 chia cắt đường số 1 ở đoạn đèo Cù Mông. Phía bắc, sư đoàn đã hỗ trợ cho hàng vạn quần chúng nhân dân ở Hoài Nhơn nổi dậy bao vây thị trấn Bồng Sơn, Tam Quan, đòi lật đổ chính quyền tay sai của Mỹ.
________________________________________
1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2002, tr. 328.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #92 vào lúc: 26 Tháng Ba, 2016, 03:28:22 pm »


Cuộc tiến công và nổi dậy Xuân 1968 của quân dân ta là một điểm son chói lọi trong lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của cả dân tộc anh hùng nói chung và quân dân miền Nam anh hùng nói riêng. Nội bộ chính phủ Mỹ càng thêm mâu thuẫn. Nhân dân nước Mỹ không còn tin vào khả năng chiến thắng của quân Mỹ trong cuộc chiến xâm lược Việt Nam. Nhân dân tiến bộ và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới rất vui mừng và tin tưởng vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta nhất định giành thắng lợi hoàn toàn.

Sau những ngày chiến đấu diệt địch trong thành phố, các chiến sĩ rút ra trụ bám đất chiến đấu kiên cường, tiêu diệt sinh lực địch ở vùng ven đô. Những tấm gương quân dân ta xả thân vì nước, chiến đấu oanh liệt đến hơi thở cuối cùng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, đã để lại những ấn tượng không bao giờ phai mờ trong lòng nhân dân thành phố, đã khơi dậy tinh thần yêu nước, ý thức tự hào dân tộc trong lòng những người dân sống lâu trong vùng địch kìm kẹp. Vinh dự cho Sư đoàn 3 Sao Vàng cũng là một trong những đơn vị chiến đấu oanh liệt trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.

Những thắng lợi to lớn trên hai miền Nam - Bắc đã tạo cho ta một sức mạnh cả về quân sự lẫn chính trị và tạo cho ta thế đẩy mạnh đòn tiến công trên mặt trận ngoại giao và đẩy Mỹ vào thế bị động lúng túng.

Thất bại chiến lược "Chiến tranh cục bộ", Mỹ chuyển sang chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh", từ đó đã buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh rút hết quân Mỹ về nước. Nhưng đế quốc Mỹ với bản chất hiếu chiến và ngoan cố, Mỹ cố hà hơi tiếp sức làm cho quân ngụy mạnh lên và ra sức phản kích đánh phá ta quyết liệt. Cuộc kháng chiến chống Mỹ của quân và dân ta lại phải trải qua thời kỳ thử thách mới. Cuộc "Bình định" của địch và cuộc phá "Bình định" của ta đã diễn ra rất gay go quyết liệt.

Vào giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ của cả nước đang ở vào thời kỳ thử thách mới, thì Bác Hồ kính yêu của dân tộc ta qua đời. Được tin đau thương này, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân miền Trung của Tổ quốc, trong đó có Sư đoàn 3 Sao Vàng lặng người trước ảnh Bác Hồ. Ngày 9 tháng 9 năm 1969, mọi trái tim đều hướng về Thủ đô Hà Nội nơi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang làm lễ truy điệu Bác Hồ. Mọi người im lặng, lắng nghe Đài tiếng nói Việt Nam phát đi bản Di chúc của Bác. Từng chữ, từng lời, từng câu trong lời di chúc thiêng liêng của Bác để lại cho dân tộc Việt Nam thân tình và xúc động. Đứng trước tấm ảnh chân dung của Người, mọi người nguyện thề trước vong linh của Bác, quyết biến đau thương lớn lao này thành hành động cách mạng, thành sức mạnh vô biên, đạp bằng mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh quyết chiến quyết thắng đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai của chúng giành thắng lợi hoàn toàn là giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc thỏa lòng mong muốn của Bác.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #93 vào lúc: 27 Tháng Ba, 2016, 08:50:51 pm »


Vào giữa năm 1970 và năm 1971, sau thắng lợi to lớn của quân dân ta và sự thất bại nặng nề của địch, tháng 5 năm 1971, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta quyết định: "Đẩy mạnh tiến công quân sự, chính trị, ngoại giao, phát triển thế tiến công chiến lược mới đánh bại chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ - ngụy, giành thắng lợi quyết định, buộc Mỹ phải thương lượng trong thế thua". Quân ủy Trung ương chỉ thị cho Khu 5 và Tây Nguyên phải chấn chỉnh nâng cao chất lượng chiến đấu của lực lượng tại chỗ mạnh và tổ chức lại chiến trường để đánh một số trận lớn hay tương đối lớn.

Sau Xuân Hè năm 1971, thực hiện quyết định của khu ủy, Đảng ủy Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Sư đoàn 3 Sao Vàng được tổ chức lại gồm có: Trung đoàn 2, Trung đoàn 12, Trung đoàn 21 do Sư trưởng Huỳnh Hữu Anh và Chính ủy Mai Tản chỉ huy. (Giữa năm 1970 Sư đoàn 3 giải thể chỉ để lại 2 trung đoàn độc lập là Trung đoàn 2 và Trung đoàn 12).

Để phối hợp với chiến trường miền Nam, thực hiện cuộc tiến công chiến lược năm 1972. Dưới sự chỉ đạo, chỉ huy của tiền phương Quân khu 5. Sư đoàn 3 Sao Vàng mở chiến dịch tiến công ở bắc Bình Định. Ta đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng chính trị, vũ trang địa phương nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng của sư đoàn 22 ngụy. Ta phá vỡ hệ thống phòng ngự cơ bản của địch giải phóng hoàn toàn huyện Hoài Ân.

Mở màn cho chiến dịch, đêm ngày 4 tháng 4 năm 1972 đơn vị đặc công quân khu bí mật bất ngờ tiến công cứ điểm Gò Lai. Chỉ sau hai mươi phút quân ta chiến đấu dũng cảm táo bạo, mãnh liệt, đã tiêu diệt 1 tiểu đoàn lính bảo an, tạo điều kiện cho trận then chốt trên chiến trường.

Sáng ngày 15 tháng 4, màn sương mù dày đặc trên đỉnh núi Hòn Bồ vừa tan thì tất cả các loại pháo cối, ĐKZ của sư đoàn bắn cấp tập nhả đạn chụp kín căn cứ địch. Bọn lính chưa kịp ăn sáng, chạy về lấy súng bò ra công sự chiến đấu. Ta nhất loạt xung phong, cắt chúng ra từng mảnh, tiêu diệt chiến đoàn 40 ngụy.

Đêm ngày 16 tháng 4, tiểu đoàn đặc công 403 và 406 của ta đã tiến công đánh thiệt hại nặng chi khu Tam Quan và sở chỉ huy của trung đoàn 40 ngụy ở Đệ Đức.

Ở phía sau lưng địch, Tiểu đoàn 50, Tiểu đoàn 52 và Tiểu đoàn 8 của ta cùng bộ đội địa phương, dân quân du kích huyện Bình Khê, An Nhơn, Tuy Phước đã tiêu diệt hàng loạt đồn bốt bảo an, dân vệ. Chúng ta hỗ trợ quần chúng nổi dậy phá kìm kẹp. Cả tỉnh Bình Định bừng lên khí thế tiến công nổi dậy.

Quân đoàn 2, sư đoàn 22 ngụy không còn lực lượng chi viện. Bọn cố vấn Mỹ, bọn sĩ quan ác ôn dùng trực thăng bay trốn về Quy Nhơn. Đảng ủy Bộ Tư lệnh Sư đoàn 3 Tỉnh ủy Bình Định hạ quyết tâm phát động quần chúng nổi dậy giải phóng huyện Hoài Ân.

Quân dân ta giành chiến thắng dồn dập. Nhân thời cơ thuận lợi Bộ Tư lệnh sư đoàn đề nghị tiền phương quân khu cho phát triển các cuộc tiến công địch mạnh hơn nữa.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #94 vào lúc: 27 Tháng Ba, 2016, 08:51:35 pm »


Ngày 25 tháng 4, quân ta vây ép tiểu đoàn 2 trung đoàn 41 ngụy ở Bình Dương và hai mươi vị trí địch đóng ở xung quanh. Tiếp đó quân ta chiến đấu với ý chí quyết tâm đã tiêu diệt tiểu đoàn 2, tiểu đoàn 3 thuộc trung đoàn 41 ngụy. Trung đoàn 41 ngụy đã mất sức chiến đấu. Thời cơ quân ta giải phóng Hoài Nhơn đã đến.

Ngày 28 tháng 4, Trung đoàn 21 được tăng cường quân của Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 2, Tiểu đoàn 4 thuộc Trung đoàn 12 tiến công địch ở Bồng Sơn với tinh thần chiến đấu dũng cảm đến 11 giờ ta giải phóng xong thị trấn Bồng Sơn.

Bọn địch ở thị trấn Tam Quan bỏ chạy, căn cứ Đệ Đức của địch, sở chỉ huy trung đoàn 40 có số quân 1.200 tên và 12 khẩu pháo gồm 105 ly, 155 ly, cối 106 của ngụy đã bị quân ta cô lập chúng giữa vùng giải phóng. Quân và dân Hoài Nhơn đã vây chặt chúng chờ ngày tiêu diệt hoàn toàn.

5 giờ 30 phút ngày 2 tháng 5, các súng pháo, cối của sư đoàn nhả đạn, bắn mãnh liệt vào căn cứ Đệ Đức. Các kho đạn và trận địa pháo của địch đã xơi đạn pháo của quân ta bốc cháy ngụt trời, đạn nổ vang rền cả một vùng. Quân ta tổ chức tiến công chia cắt chúng thành từng khu vực để tiêu diệt. Đến đúng 17 giờ, trận đánh kết thúc, phía bắc tỉnh Bình Định bao gồm huyện Hoài Ân, Hoài Nhơn và một phần huyện Phú Mỹ, với 20 vạn dân và 1.500 kilômét vuông đất đai được giải phóng.

Chiến thắng Bắc Bình Định là một nghệ thuật quân sự. Nó đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân. Điển hình là sự kết hợp chặt chẽ giữa tiến công và nổi dậy của bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và quần chúng nhân dân, là nghệ thuật tận dụng điều kiện thuận lợi của chiến trường chung ở miền Nam tạo ra với kết hợp sức mạnh của lực lượng tại chỗ. Ta đã đánh đòn quyết định này, đến đòn quyết định khác để giành thắng lợi gấp nhiều lần so với kế hoạch đề ra.

Với chiến thắng to lớn của chiến dịch Bắc Bình Định Sư đoàn 3 Sao Vàng: góp phần xứng đáng vào cuộc tiến công chiến lược 1972 giành thắng lợi quyết định trên chiến trường miền Nam.

Ngày 27 tháng 1 năm 1973, Hiệp định Pari được ký kết, đây là một thắng lợi vô cùng lớn lao của quân dân ta và là đòn thất bại nặng nề của đế quốc Mỹ trong chiến lược toàn cầu của Mỹ ở Việt Nam, là thể hiện danh dự của Mỹ trước con mắt thế giới. Với sự thất bại quá nhục nhã này đế quốc Mỹ lại tiếp tục thực hiện chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" với công thức là: Quân ngụy cộng với Mỹ viện trợ kinh tế và cố vấn quân sự Mỹ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #95 vào lúc: 27 Tháng Ba, 2016, 08:51:59 pm »


Hội nghị Quân ủy Trung ương tháng 1 năm 1973 đã nhận định: Chúng ta phải sẵn sàng đối phó với khả năng xấu nhất là: "Địch gây chiến tranh trở lại".

Đúng như nhận định của Quân ủy, ngày 28 tháng 1 năm 1973, sau một ngày Hiệp định Pari được ký kết, tổng thống ngụy quyền miền Nam Nguyễn Văn Thiệu trắng trợn tuyên bố: Không hòa bình, không ngừng bắn, không cộng sản... Và ra lệnh "Tràn ngập lãnh thổ". Chúng tiến hành đánh lấn chiếm vùng giải phóng của ta.

Thế là, cùng với quân và dân toàn miền Nam, Sư đoàn 3 Sao Vàng lại kề vai sát cánh với quân và dân tỉnh Bình Định đánh địch "Tràn ngập lãnh thổ".

Quân ta phải kiên quyết chiến đấu để bảo vệ vùng giải phóng Hoài Ân - một địa bàn chiến lược quan trọng ở phía bắc quân đoàn 2 của ngụy. Ở đây cuộc chiến đấu chống lấn chiếm và lấn chiếm giữa Sư đoàn 3 Sao Vàng và lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang Bình Định với các trung đoàn 40, trung đoàn 41, trung đoàn 42 thuộc sư đoàn 22 ngụy ngày đêm diễn ra liên tục và quyết liệt kéo dài từ ngày 1 tháng 1 đến ngày 7 tháng 7 năm 1973. Trên các điểm cao 200, 174, 82, núi Chéo, Dụ Tự làm cho các dãy núi này từ chỗ quanh năm cây cối xanh tốt, dây leo chằng chịt, chim kêu vượn hót giờ trở thành núi trọc, đất đỏ. Bom đạn địch đã bắn phá, cày xới tan nát thành tro bụi. Trời nắng mà ta đi phải lội sâu quá đầu gối. Các trận địa chốt của ta phải dùng công sự bằng bao cát và đào hầm ngầm sâu trong lòng núi. Cuối cùng quân ta đã đánh bại được các cuộc phản kích của địch. Giữ vững chốt, bảo vệ được vùng giải phóng Hoài An và phía tây huyện Hoài Nhơn.

Qua gần hai năm (1973-1974), cuộc chiến đấu phòng thủ bảo vệ vùng giải phóng của Sư đoàn 3 Sao Vàng cùng quân dân bắc Bình Định về lực lượng và thế trận được xây dựng và phát triển mạnh, rộng khắp. Riêng Sư đoàn 3 Sao Vàng quân số trang bị có bị hao hụt nay được bổ sung, đến cuối năm 1974, sư đoàn đã được kiện toàn đủ biên chế gồm Trung đoàn 2, Trung đoàn 12, Trung đoàn 141 bộ binh, Trung đoàn 68 pháo binh, Tiểu đoàn 37 ly phòng không và các tiểu đoàn trực thuộc khác. Đó là những điều kiện thuận lợi cho sư đoàn bước vào cuộc chiến đấu mới.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #96 vào lúc: 27 Tháng Ba, 2016, 08:53:06 pm »


*
* *

Tháng 1 năm 1975, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp thông qua kế hoạch hai năm 1975-1976 giải phóng miền Nam và dự kiến thời cơ thuận lợi thì giải phóng miền Nam trong năm 1975.

Chiến thắng vang dội của quân và dân ta ở chiến trường Tây Nguyên và các chiến trường khác đã gây nên sự sụp đổ đột biến cả về tinh thần, lực lượng và thế trận của quân địch. Cán cân lực lượng quân sự đã nghiêng hẳn về bên ta. Địch rất hoang mang, lo sợ không còn đủ sức để phản kích chiếm lại những vùng đất đã mất. Khả năng của chúng giữ vùng đất còn lại cũng rất mong manh. Thời cơ lớn đã xuất hiện.

Trên đà thắng lợi lớn lao của ta, ngày 25 tháng 3, Bộ Chính trị kịp thời bổ sung quyết tâm giải phóng miền Nam trước mùa mưa.

Trong cuộc tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, quân ta thực hiện ba đòn quyết chiến, chiến lược là: chiến dịch Tây Nguyên mở đầu giải phóng Buôn Ma Thuột; chiến dịch Huế - Đà Nằng; chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Sư đoàn 3 Sao Vàng - Quân khu 5 vinh dự được tham gia hai chiến dịch: chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch Hồ Chí Minh, với ba nhiệm vụ vô cùng quan trọng.

Một là, cắt đứt đường 19 kìm chân sư đoàn 22 ngụy và ba liên đoàn biệt động quân, tạo điều kiện thuận lợi cho quân ta giải phóng Tây Nguyên.

Hai là, tiến công chọc thủng tuyến tử thủ đập nát "lá chắn" Phan Rang mở đường cho Quân đoàn 2 thần tốc tiến vào Sài Gòn.

Ba là, đánh chiếm Bà Rịa, Vũng Tàu, Cần Thơ, bịt chặt hướng biển không cho địch tháo chạy ra hướng này.

Ba nhiệm vụ trên, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và Tư lệnh cánh quân Duyên Hải giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 3 Sao Vàng từng bước.

Để thực hiện thắng lợi ba nhiệm vụ trên, Sư đoàn 3 Sao Vàng phải chiến đấu liên tục suốt 90 ngày đêm (từ ngày 3 tháng 2 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975). Cuộc chiến đấu đánh địch của sư đoàn phát triển trên một đoạn đường dài 600 kilômét. Chiến sĩ sư đoàn đã đánh truy kích địch dọc đường 19 cho tới Vũng Tàu. Trên đường đánh truy kích địch, tuy sư đoàn cũng gặp nhiều khó khăn, tổn thất. Song sư đoàn cũng giành được nhiều thắng lợi, lập được nhiều chiến công vẻ vang tập trung vào ba trận lớn nhất của sư đoàn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #97 vào lúc: 27 Tháng Ba, 2016, 08:54:15 pm »


*
* *

Để chuẩn bị tốt cho trận chiến đấu dài ngày, Sư đoàn 3 Sao Vàng đã chọn thung lũng Kim Sơn là địa điểm để sư đoàn huấn luyện và diễn tập cấp trung đoàn bao vây tiến công liên tục. Chúng tôi chọn khu vực Xuân Sơn nơi mà cách đây 10 năm đã diễn ra trận các chiến sĩ ta chiến đấu ác liệt tiêu diệt gọn hai tiểu đoàn pháo binh Mỹ, làm khu vực diễn tập chiến thuật trung đoàn bao vây đánh lấn. Theo đúng tinh thần mà Thiếu tướng Phó Tổng tham mưu trưởng Vương Thừa Vũ đã hướng dẫn cho Đoàn cán bộ Y trước khi vào Nam chiến đấu, vào Quân khu 5 giúp quân khu xây dựng khối chủ lực.

Trên thao trường sư đoàn, các chiến sĩ ta ngày đêm say mê luyện tập rầm rập khí thế chuẩn bị thật tốt cho chiến thuật bước vào cuộc chiến đấu mới. Tuy các chiến sĩ ta ai nấy đều vất vả nhưng ở họ đều toát lên niềm vui đầy chất thơ.

          Xuân Sơn ngày của nơi chiến địa.
          Xuân Sơn ngày này chốn luyện quân.
          Chuẩn bị tinh thần vào trận mới.
          Nhất định đợt này thắng lợi to.


Chúng tôi vừa tổ chức cho bộ đội huấn luyện vừa đi trinh sát thực địa để chuẩn bị cho phương án tác chiến. Chúng tôi đi trinh sát nhiều lần. Nhưng một lần không may, tổ quân y của ta đi vào khu vực địch phục kích. Chúng đã bắt được đồng chí quân y của ta, địch đánh đập, tra khảo rất dã man, dùng mọi ngón đòn cực hình nhưng đồng chí đã nêu cao tinh thần kiên cường, bất khuất, trước mặt quân thù đồng chí không hề hé răng nói nửa lời. Bởi vậy mà kế hoạch tác chiến của chúng ta vẫn giữ được bí mật.

Tết năm ấy, sư đoàn không kịp ăn tết, đã lần lượt hành quân từ huyện Hoài Ân, qua dốc Bà Rơi vào triển khai trận địa kéo dài từ tây Phú Phong đến tây đèo Cây Ru.

Trận đánh mở màn, sư đoàn tập kích diệt chốt Chung Ổi, Che Chẻ, bọn địch đưa một trung đoàn của sư đoàn 22 ngụy vào phản kích lại ta. Quân ta đã điều động một trung đoàn tăng cường thực hiện chiến thuật: trận vận động bao vây, tiến công liên tục chúng ta đã tiêu diệt một tiểu đoàn địch. Tình hình đang phát triển thuận lợi cho quân ta thì quân địch phát hiện Sư đoàn 3 Quân khu 5 đã vào khu chiến trên đường 19. Địch lần lượt đưa sư đoàn 22 ngụy và ba liên đoàn biệt động quân vào phản kích quân ta.

Tình hình trở nên rất gay go phức tạp. Chúng ta có một sư đoàn chủ lực, một tiểu đoàn bộ đội địa phương Bình Định và các đại đội bộ đội huyện và dân quân, du kích ven đường 19. Địch có một sư đoàn chủ lực ngụy, ba liên đoàn biệt động quân, bảo an, dân vệ chốt giữ bảo vệ đường. Như vậy về tương quan lực lượng giữa ta và địch: ta có một, địch có hai. Song bộ đội ta nêu quyết tâm, ta phải cắt bằng được tuyến đường 19 để chi viện cho Tây Nguyên.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #98 vào lúc: 27 Tháng Ba, 2016, 08:54:51 pm »


Cuộc chiến đấu ở đây ngày đêm diễn ra thật quyết liệt với hình thức cài răng lược xen kẽ rất chặt. Quân ta bao vây các chốt địch bảo vệ đường, quân địch lại bao vây lại quân ta, ta đánh địch, địch đánh ta. Ở trận Đồng Phó, một trung đoàn quân ta bao vây, tiến công một tiểu đoàn địch diễn ra ba ngày đêm mà không dứt điểm. Chúng ta bị thương vong khá cao, một tiểu đoàn xuất trận có 250 đồng chí nay chỉ còn 70 đến 80 đồng chí, đại đội chỉ còn 10 đến 15 đồng chí. Sở chỉ huy sư đoàn xử trí các tình huống vô cùng căng thẳng, có lúc lặng như nín thở.

Trong lúc ta đang gặp khó khăn nghiêm trọng thì Bộ Tư lệnh Quân khu 5 điện thông báo: ở Buôn Ma Thuột quân ta thắng lớn. Địch chuẩn bị rút khỏi Tây Nguyên. Quân khu lệnh cho Sư đoàn 3 truy kích địch trên đường 19.

Bộ Tư lệnh Sư đoàn 3 nhận định: hiện nay trên đường 19, sư đoàn 22 ngụy và bọn biệt động quân vẫn còn ngoan cố. Sư đoàn tập trung sức tiến công mạnh, địch phải co cụm lại. Ta phối hợp với lực lượng bạn đánh Phú Phong giành thắng lợi lớn. Bộ Tư lệnh thông báo ngày 18 tháng 3 địch đã rút khỏi Tây Nguyên. Địch có hiện tượng rút chạy trên tuyến đường 19. Bộ chỉ huy Sư đoàn 3 lệnh cho Trung đoàn 12 đánh ngược lên An Khê. Trung đoàn 2 luồn qua tuyến chốt của địch xuống chốt cầu Đề Di trên đường 1 có một bộ phận phát triển về An Sơn, nơi có sở chỉ huy sư đoàn 22 ngụy. Còn Trung đoàn 141 và sư bộ thì truy kích địch theo đường 19 về Phú Tài và Quy Nhơn. Đơn vị chúng tôi đến Phú Tài thì lực lượng của tỉnh Bình Định kết hợp tiến công và nổi dậy chiếm xong thị xã Quy Nhơn. Quân địch lúc này rất hoang mang, hoảng loạn, lính bộ binh của địch rồi xe tăng pháo binh địch chạy nhốn nháo, đạp dẫm lên nhau về phía biển.

Quân ta giải phóng xong đường 19. Sư đoàn 3 Sao Vàng và Sư đoàn 968 cùng Quân đoàn 2 hình thành đoàn quân Duyên Hải do đồng chí Lê Trọng Tấn - Phó Tổng tham mưu trưởng làm Tư lệnh, đồng chí Lê Quang Hòa làm Chính ủy.

Trong hai Sư đoàn 3 và Sư đoàn 968 có một sư đoàn làm quân tiên phong đánh trước, mở đường cho đoàn quân Duyên Hải tiến vào Sài Gòn, còn một sư đoàn làm dự bị.

Vinh dự cho Sư đoàn 3 chúng tôi được cấp trên chọn làm quân tiên phong đi trước mở đường, do trong quá trình chiến đấu quân số và trang bị vũ khí đã bị hao hụt, tổn thất, để đủ sức làm nhiệm vụ tiên phong mở đường đi trước, quân khu đã bổ sung cho sư đoàn 50 xe gạo, đạn. Bộ Tổng tư lệnh bổ sung cho 100 xe và 3.000 quân, cho phép trưng dụng thêm 100 xe của nhân dân.

Những loại xe lớn (như xe Filông chở khách và xe Poluya chở hàng) đi từ phía nam ra là chúng tôi trưng dụng. Có 80 xe, chủ xe thì có 79 người vui vẻ đi làm nhiệm vụ.

Các chiến sĩ ở miền Bắc lần này vào bổ sung cho sư đoàn chúng tôi toàn thanh niên trẻ, khỏe, đẹp trai, hầu hết các đồng chí đã học qua cấp ba, có một số đồng chí là sinh viên đại học. Các ba, má miền Nam rất yêu quý các cậu tú, cậu cử vào Nam chiến đấu. Còn các em gái miền Nam thì rất quý mến những chàng trai miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

Sau đợt sư đoàn nhận quân và phương tiện cấp trên bổ sung cho đơn vị trưng dụng xe của nhân dân, chúng tôi vô cùng phấn khởi vì đã qua 20 năm đánh Mỹ, chưa bao giờ sư đoàn lại được bổ sung nhiều như bây giờ. Đó là sự quan tâm của cấp trên, nhờ tinh thần hết lòng dốc sức của nhân dân hai miền Bắc - Nam, nên trước khi bước vào cuộc chiến đấu mới này, Sư đoàn 3 chúng tôi có một vạn quân được trang bị đầy đủ và 400 xe cơ giới đủ các loại, ai nấy đều phấn khởi đầy khí thế ra trận. Sư đoàn 3 Sao Vàng tiếp tục hành quân vào phía Nam, nơi chiến dịch lớn đang chờ đón.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #99 vào lúc: 28 Tháng Ba, 2016, 09:19:55 pm »


*
* *

Bọn địch rút khỏi Tây Nguyên, tổng thống ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh cho tướng sĩ lập phòng tuyến tử thủ Phan Rang, tạo một "lá chắn" vững chắc. Chúng hòng cố giữ phần đất miền Nam còn lại kéo dài từ cực Nam Trung Bộ đến đồng bằng sông Cửu Long, phạm vi đất đai của hai quân khu, do quân đoàn 3 và quân đoàn 4 ngụy chiếm giữ, địch lập tiền phương quân đoàn 3, cử trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi ra chỉ huy.

Sư đoàn 3 Sao Vàng bắt đầu hành quân từ ngã ba đường 19 và đường số 1 vào đến Phan Rang phải hành quân bằng cơ giới, đoạn này dài 250 kilômét. Trên tuyến chúng ta đang hành quân, tình thế rất phức tạp. Chỉ cần chiến sĩ ta sơ suất một chút là có thể xảy ra ùn tắc hoặc đi lạc đường. Do vậy mà kế hoạch hành quân của sư đoàn vạch ra rất cụ thể. Mỗi xe phải có trưởng xe và người biết đường. Các ngã ba, ngã tư đều có người gác chỉ đường đến Ninh Hòa là nơi tập kết của các đơn vị trong sư đoàn có kẻ một biển lớn T300. Đến địa điểm, các đoàn xe có người dẫn vào đơn vị của mình. Chiều ngày 12 tháng 4 năm 1975 có bốn xe do người chỉ huy ngủ gật, xe đi qua trạm Ninh Hòa đến đèo Rù Rì gần Nha Trang đã bị máy bay địch phát hiện, chúng lao vào bắn phá, bốn xe của ta bốc cháy. Đạn nổ, hai chủ xe hy sinh, ba người bị thương, xe bị hỏng. Sau trận ta đánh thắng Phan Rang, chúng tôi đã làm thủ tục giải quyết chính sách cho hai liệt sĩ, ba người là thương binh.

Sư đoàn 3 chiến đấu kiên cường dũng cảm suốt hai ngày mới đánh xong tuyến vòng ngoài của địch như Ba Râu, Kiền Kiền... Chưa đánh dứt điểm được thị xã Phan Rang và sân bay Thành Sơn. Máy bay địch ở sân bay Thành Sơn vẫn mang bom, đạn rốc két đi đánh phá khu vực Cam Ranh. Chúng đánh vào cả sở chỉ huy tư lệnh cánh quân Duyên Hải. Các đồng chí ở Bộ Tổng tham mưu đã khiển trách sư đoàn chúng tôi.

Theo lệnh của sư đoàn trưởng Trần Bá Khuê, cơ quan tham mưu cử cán bộ tác chiến của sư đoàn xuống đơn vị trực tiếp kiểm tra thấy một tiểu đoàn pháo gồm 12 khẩu 105 ly không nổ súng. Các đồng chí đó giải thích vì chưa có công sự, sợ địch phản pháo. Thường vụ Đảng ủy sư đoàn họp quyết định cách chức tiểu đoàn trưởng, đồng chí tiểu đoàn phó lên thay.

Từ mờ sáng ngày 16 tháng 4, các trận địa pháo của Sư đoàn 3 Sao Vàng bắn mãnh liệt vào thị xã Phan Rang. Đạn pháo nổ vang trời kết hợp với những đám cháy dữ dội, khói mù mịt phủ kín bầu trời thị xã. Pháo của ta vừa chấm dứt thì lực lượng thọc sâu vào Quân đoàn 2 bao gồm xe tăng và bộ binh bất ngờ, dũng cảm ào tới thọc thẳng vào dinh tỉnh trưởng. Quân địch run sợ, tháo chạy tán loạn, tất cả các hướng của ta đã đồng loạt xung phong tiến vào tiêu diệt địch. Đến 12 giờ trưa, Trung đoàn 12 của ta đã làm chủ Phan Rang. Trung đoàn 25 chiếm Thành Sơn. Trung đoàn 141 chiếm Ninh Trữ. Còn Trung đoàn 2 giữ các tuyến vòng ngoài và kết hợp với lực lượng vũ trang địa phương truy lùng tàn quân địch, tịch thu vũ khí, ổn định tình hình nhân dân.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM