Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 04:02:57 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Khát vọng đồng bằng  (Đọc 34205 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #70 vào lúc: 24 Tháng Ba, 2016, 10:07:38 pm »


Trong lớp tập huấn chiến dịch của quân khu, chúng tôi được quán triệt chỉ thị của Bộ Chính trị Trung ương Đảng về đánh phá âm mưu càn quét bình định của địch, giành và giữ dân của ta. Trong chỉ thị Bộ Chính trị Trung ương nêu rõ: Địch đang dồn toàn bộ lực lượng kể cả chủ lực và địa phương bằng các thủ đoạn quân sự, chính trị, tâm lý, bằng cả "Bàn tay sắt và bàn tay nhung" đánh phá, hủy diệt kết hợp dụ dỗ mua chuộc để càn quét bình định, gom cho được từ 70 đến 80% nhân dân miền Nam vào các ấp chiến lược. Địch có mưu đồ chủ động phá sự chuẩn bị cho hoạt động mùa khô của quân ta. Với chúng ta, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã xác định rõ: "Chống địch càn quét bình định, giành và giữ dân là nhiệm vụ trung tâm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Phải phát huy sức mạnh tổng hợp ba mũi giáp công: quân sự, chính trị, binh vận và các mặt đấu tranh khác để đánh bại âm mưu thâm độc này của địch. Với khối chủ lực của quân khu, của toàn Miền, thời gian này cũng phải tích cực tham gia chống địch bình định, gom dân, lập ấp chiến lược".

Để thực hiện nghiêm chỉnh chỉ thị của Bộ Chính trị Trung ương Đảng, nhiều vấn đề được đặt ra và nhất là giải quyết thông suốt tư tưởng cán bộ trung cao cấp trong hội nghị tập huấn chiến dịch này. Trước hết, chúng ta phải nhận thức sâu sắc rằng: "Nếu không đánh bại được âm mưu càn quét bình định của địch, không giành và giữ được dân, thì ta không còn thế và lực để đẩy mạnh tác chiến tập trung, quy mô lớn được". Nhưng nếu dốc hết chủ lực ra phân tán cùng các lực lượng khác chống phá bình định giành và giữ dân thì không còn lực lượng để huấn luyện, chuẩn bị đánh lớn được. Đứng trước mâu thuẫn giữa tập trung hay phân tán chủ lực, đồng chí Hai Mạnh - Tư lệnh quân khu tài ba được Bác Hồ tặng cho tên "Hai Mạnh" - nghĩa là anh chỉ đạo mạnh cả chính trị và quân sự, hạ quyết tâm nhanh chóng và rất sáng tạo với chủ trương đưa toàn bộ lực lượng chính trị, quân sự của địa phương có sự phối hợp một phần ba lực lượng của quân khu phân tán hỗ trợ, còn hai phần ba lực lượng quân khu đi vào huấn luyện chuẩn bị cho chiến dịch, cho những trận đánh lớn của quân ta tạo nên sức mạnh tổng hợp tại chỗ đánh bại âm mưu bình định của địch. Chủ trương này được Khu ủy Quân khu 5 nhất trí thông qua và quán triệt kịp thời ngay cho các sư đoàn, tỉnh đội trong lớp tập huấn để triển khai thực hiện. Ban đầu có một số đồng chí còn thắc mắc nhưng đến khi quân khu đánh thắng địch trong chiến dịch Ba Tơ, Nông Sơn - Trung Phước thì tất cả mọi người đều hoan nghênh chủ trương của Bộ Tư lệnh Quân khu 5 là đúng đắn và sáng tạo.

Lớp tập huấn chiến dịch ở quân khu kết thúc, anh Nguyễn Năng ở lại quân khu công tác. Sau đó, anh lên Tây Nguyên làm Tham mưu trưởng Mặt trận Tây Nguyên. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, anh là phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân đoàn 3, anh đã lãnh đạo quân đoàn chiến đấu đến khi Chiến dịch Hồ Chí Minh giành toàn thắng, anh về lại Học viện Quốc phòng làm Phó giám đốc.

Còn tôi, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 giao nhiệm vụ quyền Trưởng phòng Quân huấn quân khu thay anh Quách Từ Hợp đi công tác với đồng chí Bảy Râu - Thường vụ Khu ủy phụ trách dân vận và phụ trách phía nam Khu 5. Thời gian đầu, quân khu giao nhiệm vụ cho tôi vào Trường Quân chính quân khu ở Bình Định cùng đồng chí Thượng tá Phan Viên - Hiệu trưởng Trường Quân chính giúp quân khu tổ chức lớp tập huấn chiến thuật cho cán bộ tiểu đoàn, trung đoàn toàn quân khu. Tôi lại vượt đường Trường Sơn nhưng lần này tôi vượt Đông Trường Sơn. Tôi đi dựa theo vùng rừng núi phía đông qua các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Trường Quân chính quân khu nằm ở thung lũng An Lão, tỉnh Bình Định. Để chuẩn bị cho cuộc hành quân của ta, anh Hoàn - Phó tham mưu trưởng, Bí thư Đảng ủy Bộ Tổng tham mưu quân khu phụ trách nội bộ điều cho tôi một chiến sĩ vệ binh đi làm cần vụ, cấp cho tôi một khẩu tiểu liên AK và một trăm viên đạn. Mỗi người một bộ trang bị đi rừng gồm tăng, võng, bạt, áo mưa loại ni lông nhẹ, nước mắm và mười lăm ngày gạo đủ ăn vào đến nơi. Đồng thời, anh còn cấp cho tôi một bản đồ khu vực phía bắc Quân khu 5 để tự tìm đường đi. Bởi vì khu vực rừng núi ba tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có vài vị trí địch ở Ba Tơ hay Giá Vụt, không còn các trạm giao liên dẫn đường.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #71 vào lúc: 24 Tháng Ba, 2016, 10:08:26 pm »

   
Tạm biệt cơ quan đoàn bộ Quân khu 5, tạm biệt các anh em đồng chí, hai thầy trò tôi bắt đầu lên đường vượt Đông Trường Sơn. Khó khăn lớn nhất của chúng tôi lúc này là cả thầy và trò đều là tân binh ở chiến trường, chưa thông thuộc địa hình mà nhìn vào bản đồ, con đường vào Bình Định phải vượt đi vượt lại nhiều lần. Để khắc phục khó khăn, tôi vừa xem bản đồ đi theo góc phương vị, vừa kết hợp hỏi nhân dân địa phương và đi theo người đi đường. Khi vượt sông, chúng tôi phải cho quần áo, gạo vào vải ni lông gói lại tạo thành phao bơi. Tôi kéo phao dụng cụ sang trước rồi quay lại để cậu cần vụ bám vào phao của tôi kéo sang sau. Trên đường đi, vì phải vượt sông nhiều lần nên tôi đã huấn luyện cho cậu cần vụ biết bơi. Cuộc hành quân kéo dài, khiến chúng tôi đã hiểu về nhau nhiều hơn. Người chiến sĩ của tôi tên là Nguyễn Văn Đáng, đã có vợ và một con. Anh là giáo viên dạy cấp hai, vừa mới xung phong đi bộ đội vào Nam đánh Mỹ từ cuối năm 1971. Anh là lính vệ binh của Quân khu 5. Dáng người anh cao to, khỏe mạnh, tính tình điềm đạm. Quê anh ở gần cầu Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Vì nhà ở gần sông mà sông ở đây có rất nhiều ba ba, bố mẹ anh vì sợ ba ba cắn đã không cho anh tập bơi. Chính vì thế đến bây giờ anh mới biết bơi do tôi dạy.

Đúng mười lăm ngày, tôi và đồng chí cần vụ đã đến Trường Quân chính Quân khu 5. Với đoạn đường rừng dài hơn ba trăm kilômét, chúng tôi phải lặn lội hành quân đầy gian truân vất vả tự tìm đường đi, khắc phục bơi lội. Các đồng chí trong Ban Giám hiệu và tổ chiến thuật của Đoàn Y chúng tôi vào ở thời gian trước thấy chúng tôi đến đã vui mừng chào đón. Nhất là anh Phan Viên, bạn giáo viên với tôi khi còn giảng dạy ở Học viện Trung cao Quân sự. Phải nói rằng anh Phan Viên có một đặc điểm riêng mà cả cơ quan học viện không bao giờ quên. Dáng người anh rất đẹp, đã từng đạt giải Người đẹp Đông Dương trong Hội thi người đẹp Đông Dương khi anh còn là sinh viên trường Đại học Huế. Anh rất vui tính, thích đá bóng và đánh cờ tướng. Anh gia nhập quân đội từ trong cuộc kháng chiến chống Pháp, từng làm tiểu đoàn phó. Khi tập kết ra Bắc, anh về làm giáo viên Khoa Bộ binh ở Học viện Trung cao Quân sự - Bộ Quốc phòng. Cuộc kháng chiến chống Mỹ xảy ra, anh trở lại miền Nam chiến đấu, anh được cử làm Hiệu trưởng Trường Quân chính Quân khu 5. Sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ thắng lợi anh làm Tùy viên Quân sự tại nước Cộng hoà Bungari.

Sau mấy phút thăm hỏi, chúng tôi chuyển sang bàn về lớp tập huấn chiến thuật. Anh Phan Viên báo cho tôi biết: quân số toàn lớp có 105 cán bộ gồm các tiểu đoàn trưởng, tiểu đoàn phó, trợ lý tác chiến và tham mưu trung đoàn, trong đó Sư đoàn 3 gửi năm cán bộ đại đội trưởng. Thao trường, chiến thuật đã chuẩn bị xong. Ngày 10 tháng 6 năm 1972, lớp tập huấn chiến thuật sẽ khai mạc.

Theo quyết định của quân khu, lớp tập huấn chiến thuật này tiến hành trong hai tháng. Lớp chỉ học hai hình thức chiến thuật theo tài liệu mới của Bộ là: Bao vây đánh lấn và Vận động bao vây tấn công liên tục cấp trung đoàn. Chúng tôi thống nhất phấn đấu dạy cho người học nắm vững nguyên tắc chiến thuật, biết vận dụng sáng tạo vào thực tiễn, thống nhất về động tác đội ngũ chiến thuật để về huấn luyện thực binh cho đơn vị. Mỗi hình thức chiến thuật đều huấn luyện theo hai giai đoạn: Học nguyên tắc chiến thuật và làm bài tập, tập đội ngũ chiến thuật (thực binh). Để học viên nắm được hành động các phân đội, trên cương vị Trưởng phòng Quân huấn quân khu, tôi vào Sư đoàn bộ binh 3 ở Kim Sơn lấy một tiểu đoàn huấn luyện thực binh chiến thuật bao vây đánh lấn, một tiểu đoàn huấn luyện chiến thuật vận động bao vây, tiến công liên tục để diễn tập thực binh cho lớp tập huấn của quân khu tham quan rút kinh nghiệm.

Từ giữa tháng 6 đến cuối tháng 7 năm 1972, trong khi tôi đang say sưa công tác cùng tổ chiến thuật Đoàn Y của Bộ để giúp Trường Quân chính quân khu tiến hành lớp tập huấn chiến thuật của quân khu và cộng tác với Sư đoàn 3 huấn luyện thực binh hai tiểu đoàn để diễn tập phục vụ lớp tập huấn, tôi nhận được một bức điện của Bộ Tư lệnh Quân khu 5 do anh Hai Mạnh - Tư lệnh Quân khu ký. Nội dung bức điện ghi: "Trung tá Quyết Tâm - quyền Trưởng phòng Quân huấn quân khu về giữ chức Phó tham mưu trưởng Sư đoàn bộ binh 2 Quân khu 5. Có mặt trước ngày 18 tháng 8 năm 1972". Bức điện không ghi địa chỉ của Sư đoàn 2 nằm ở vùng nào nên tôi rất băn khoăn, lúng túng. Tôi trao đổi với anh Trần Bá Khuê - Sư trưởng và anh Nguyễn Thường - Tham mưu trưởng Sư đoàn 3. Dựa vào hướng hoạt động của Sư đoàn 2 ở vùng nam Quảng Ngãi, bắc Bình Định, chúng tôi phán đoán Sư đoàn 2 có thể hoạt động ở vùng Vực Lim huyện Ba Tơ tỉnh Quảng Ngãi.

Ngày chia tay đã đến, tôi tạm biệt Sư đoàn 3, Trường Quân chính Quân khu 5, tạm biệt các anh Phan Viên, Trần Bá Khuê, Nguyễn Thường..., tạm biệt tổ chiến thuật Đoàn Y - Bộ Quốc phòng, thầy trò tôi lại lên đường vượt Đông Trường Sơn, ngược dòng sông Tang để tìm đến Sư đoàn 2 Quân khu 5 là nơi mà tôi sắp về công tác.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #72 vào lúc: 25 Tháng Ba, 2016, 10:04:04 am »


*
* *

Sư đoàn bộ binh 2 là một sư đoàn chủ lực cơ động mạnh. Sư đoàn được bộ chỉ huy giao nhiệm vụ đảm nhiệm hướng chiến lược chủ yếu của Quân khu 5 (Đà - Nam - Ngãi). Là một sư đoàn hình thành và phát triển giữa những ngày cả nước sôi sục khí thế "Quyết đánh và quyết thắng giặc Mỹ xâm lược" trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc thần thánh của nhân dân ta. Sư đoàn bộ binh 2 được thành lập ngày 20 tháng 10 nảm 1965 ở làng An Lâm, xã Phước Hòa, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam - quê hương anh hùng đi đầu trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm để bảo vệ quê hương, bảo vệ Tổ quốc. Đội hình chiến đấu của sư đoàn trong buổi đầu thành lập gồm có Trung đoàn bộ binh 1 (Trung đoàn Ba Gia), Trung đoàn bộ binh 21, Tiểu đoàn bộ binh 70, Tiểu đoàn pháo binh 12, Tiểu đoàn 14 pháo phòng không và các đơn vị bảo đảm.

Qua mười năm, Sư đoàn bộ binh 2 đã liên tục chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước từ năm 1965 đến năm 1975. Với tinh thần bền bỉ, vượt qua mọi thử thách ác liệt, các cán bộ và chiến sĩ Sư đoàn 2 đã chiến đấu ngoan cường, quả cảm, quyết hy sinh để tiêu diệt kẻ thù. Sư đoàn đã khắc phục mọi khó khăn gian khổ, luôn bám sát chiến trường, bám sát địa phương, bám sát quần chúng kết hợp nhuần nhuyễn giữa tiến công quân sự với đấu tranh binh vận, hỗ trợ cho lực lượng quần chúng nổi dậy diệt giặc phá kìm, mở rộng vùng giải phóng, tạo điều kiện cho quần chúng vừa sản xuất vừa chiến đấu. Sư đoàn đã kết hợp chặt chẽ giữa tác chiến và xây dựng, vận dụng nhiều cách đánh táo bạo, linh hoạt trong chiến thuật, tham gia nhiều chiến dịch lớn. Từ những chiến dịch đó đã hình thành trong lòng mỗi người cán bộ và chiến sĩ Sư đoàn 2 tinh thần chiến đấu sục sôi ngọn lửa căm thù giặc, họ quyết chiến đấu đến cùng để giành thắng lợi, lập nhiều chiến công vang dội, tiêu diệt nhiều sinh lực địch.

Sau ngày đất nước ta được hoàn toàn giải phóng, Sư đoàn 2 vẫn giữ vững ý chí tiến công, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi. Khi bọn Pôn Pốt, Iêng Xari xâm lược nước ta, sư đoàn đã chiến đấu anh dũng đánh đuổi giặc ngoại xâm bảo vệ vững chắc vùng biên cương phía Tây Nam của Tổ quốc. Sư đoàn đã cùng với bộ đội quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với lực lượng cách mạng giải phóng Chính phủ Campuchia tiến hành cuộc "tiến công thần tốc dũng mãnh đánh nhanh, thắng lớn, tiêu diệt toàn bộ lực lượng của bọn Pôn Pốt" giải phóng nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng. Sư đoàn bộ binh 2 đã không ngừng rèn luyện nâng cao chất lượng về mọi mặt góp phần tăng cường sức mạnh chiến đấu của quân đội ta, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu chống phá cách mạng của địch, bảo vệ vững chắc sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của Tổ quốc.

Sư đoàn đã vinh dự được Đảng và Nhà nước hai lần tuyên dương Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Trong sư đoàn có ba trung đoàn, năm tiểu đoàn, mười sáu đại đội và năm cán bộ, chiến sĩ đã được Đảng và Chính phủ phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Sư đoàn được mệnh danh là "Sư đoàn thép".

Bản tuyên dương anh hùng của Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 8 tháng 5 năm 1975, có đoạn viết: "Mười năm qua, Sư đoàn 2 đã nêu cao tinh thần tích cực tiến công tiêu diệt địch, bền bỉ khắc phục khó khăn gian khổ, vận dụng nhiều cách đánh táo bạo, linh hoạt, tham gia nhiều chiến dịch lớn, lập nhiều chiến công vang dội...”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #73 vào lúc: 25 Tháng Ba, 2016, 10:04:41 am »


Tôi đến Sư đoàn 2 trong một niềm tâm huyết mới, mang trong mình tinh thần người chiến sĩ cách mạng "đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần". Đến đây, tôi được đồng chí Chính ủy Phương Yên niềm nở đón tiếp. Sau đó, đồng chí truyền đạt cho tôi biết về tình hình đơn vị, tình hình của địch. Trong cùng thời gian đó đồng chí Thượng tá Nguyễn Việt Sơn cũng được đơn vị điều về làm nhiệm vụ thay cho đồng chí Dương Lợi vừa hy sinh.

Sư đoàn bộ binh 2 đã có hai năm hoạt động ở chiến trường Đường 9 - Nam Lào, Đắc Tô, Tân Cảnh, Tây Nguyên và trở lại vùng đồng bằng Khu 5. Trở về vùng đồng bằng lần này, tổ chức của sư đoàn có sự thay đổi. Đồng chí Nguyễn Chơn được cấp trên điều về Sư đoàn 711, đồng chí Dương Bá Lợi được giao nhiệm vụ quyền sư đoàn trưởng. Trung đoàn bộ binh 52 của Sư đoàn 320 chính thức đứng trong đội hình của sư đoàn.

Trước tình hình tiến công chiến lược Xuân Hè năm 1972 của quân dân ta trên chiến trường miền Nam, chúng ta đã giáng cho chiến lược "Việt Nam hoá chiến tranh" của đế quốc Mỹ một đòn choáng váng. Một nửa trong tổng số mười ba sư đoàn chủ lực ngụy đã bị tiêu diệt hoặc bị đánh thiệt hại nặng nề. Lực lượng ngụy quân mà đế quốc Mỹ cho là cái xương sống của "Việt Nam hoá chiến tranh" của chúng đã bị quân dân ta đánh tan tành như xác pháo. Hàng ngàn ấp chiến lược và khu dồn dân đã bị quần chúng nhân dân nổi dậy phá tan. Do vậy, kế hoạch bình định nông thôn - một biện pháp chiến lược chủ yếu của địch đã bị quân dân ta đánh cho sụp đổ hoàn toàn. Cục diện chiến trường miền Nam đang chuyển biến có lợi cho chúng ta.

Bọn ngụy quân, ngụy quyền đang trong cơn hấp hối thì tổng thống Mỹ Níchxơn vẫn ngoan cố nhai lại chiến lược "Mỹ hoá" cuộc chiến tranh bằng cách huy động lực lượng lính không quân và lính hải quân Mỹ với cường độ cao nhất, bắn phá cực kỳ ác liệt trên các chiến trường miền Nam Việt Nam. Chúng đã sử dụng những thứ bom đạn có sức công phá mạnh nhất, trong đó có cả bom chứa chất độc màu da cam. Đế quốc Mỹ là một kẻ thù tàn bạo nhất hành tinh, chính nó đã gây ra những nỗi thống khổ cho hàng triệu nhân dân ở thời kỳ hậu chiến tranh mà chúng ta sẽ phải gánh chịu hàng trăm năm. Chúng hy vọng dùng chiến lược này sẽ nhằm mục đích cứu nguy cho quân ngụy trên các chiến trường ở miền Nam, đồng thời Mỹ điều lực lượng không quân, hải quân rất mạnh lao ra bắn phá miền Bắc. Chúng đánh phá vào các cơ sở kinh tế của ta như: các nhà máy, xí nghiệp, các công trình quân sự, kho đạn, kho xăng dầu, kho khí tài quân sự. Chúng phá hủy các cầu, bến phà, đường giao thông, trường học, bệnh viện, thậm chí cả các khu đông dân cư... Chúng thả thủy lôi, mìn phong tỏa ở các cửa biển của ta. Tất cả những hành động tàn bạo khốc liệt trên của Mỹ nhằm ngăn chặn sự chi viện về sức người, sức của cho tiền tuyến trên chiến trường miền Nam Việt Nam. Chiến lược "Mỹ hoá" của địch trở lại đã gây thêm một phần khó khăn cho quân dân ta, nó vực quân ngụy dậy trên một số hướng chiến lược, quân địch nhân cơ hội đó tung lực lượng ra phản kích lại quân dân ta ở một số vùng.

Với tình hình thực tiễn giữa lực lượng ta và địch lúc này, Bộ chỉ huy quân sự của ta đã khôn khéo sáng tạo thay đổi chiến lược. Do đó, tháng 8 năm 1972, Thường vụ Khu ủy và Đảng ủy Bộ Tư lệnh quân khu kịp thời điều chỉnh lại kế hoạch tiến công và nổi dậy mùa thu ở đồng bằng. Trong đợt hoạt động này, Sư đoàn bộ binh 2 được cấp trên tăng cường Trung đoàn đặc công 459. Nhiệm vụ của Sư đoàn bộ binh 2 là tiêu diệt sinh lực địch giải phóng huyện Ba Tơ và mở rộng căn cứ rừng núi phía tây tỉnh Quảng Ngãi, đồng thời có nhiệm vụ phối hợp với lực lượng quân sự địa phương tiến công phá vỡ hệ thống phòng thủ của địch dọc đường số 1 từ nam sông Vệ đến Sa Huỳnh, mở rộng vùng giải phóng và làm chủ vùng phía nam Quảng Ngãi.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #74 vào lúc: 25 Tháng Ba, 2016, 10:05:31 am »


Huyện Ba Tơ nằm ở phía tây, là một huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi. Số dân khoảng hai mươi nghìn người, phần lớn là đồng bào dân tộc ít người, trong đó người dân tộc H'Rê chiếm đa số, riêng ở huyện lỵ chiếm bốn nghìn người. Ở thời Pháp thuộc, nhân dân huyện Ba Tơ sống rất khổ cực, người dân Ba Tơ luôn bị kẻ thù đàn áp. Trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp, người dân Ba Tơ đã chiến đấu kiên cường, sừng sững như núi rừng Ba Tơ. Từ ngày có Đảng lãnh đạo, phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Ba Tơ ngày càng phát triển mạnh mẽ. Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ và đội du kích Ba Tơ đầu tiên của lực lượng vũ trang miền Trung ra đời là đỉnh cao của phong trào chống thực dân Pháp của nhân dân tỉnh Quảng Ngãi và Nam Trung Bộ thời kỳ tiền khởi nghĩa năm 1945. Đến năm 1954, bọn đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai Ngô Đình Diệm lại ra sức đàn áp phong trào đấu tranh cách mạng của người dân Ba Tơ. Để giữ vững địa bàn quan trọng này, bọn Mỹ - ngụy đã xây dựng thành một khu căn cứ quân sự rất kiên cố. Bọn địch đã dồn sức người, sức của và phương tiện chiến tranh để xây dựng các chi khu, quận lỵ và căn cứ Đá Bàn.

Chi khu của địch nằm lọt trong thung lũng lớn, xung quanh có những dãy núi cao bao bọc. Đây là trung tâm hành chính do tên trung tá Bửu Chương và tên phản động khét tiếng Chánh Ên chỉ huy.

Đá Bàn là một căn cứ nằm ở phía tây quận lỵ do tiểu đoàn 69 quân biệt động biên phòng chiếm giữ. Chúng xây dựng ở đây công sự bao quanh rất kiên cố, có hầm ngầm bằng bê tông cốt sắt. Vòng ngoài của căn cứ địch bao vây từ mười đến mười hai hàng rào dây thép gai dày từ năm đến mười mét. Ở đó chúng gài mìn và chống ngầm dày đặc.

Để thực hiện nhiệm vụ mà quân khu giao, Sư đoàn bộ binh 2 đã lập kế hoạch tác chiến, quyết định triển khai lực lượng theo hai hướng: Trung đoàn 52 và Trung đoàn đặc công 459 tấn công giải phóng Ba Tơ. Trung đoàn Ba Gia và Trung đoàn 141 cùng với lực lượng vũ trang địa phương Quảng Ngãi đánh một số chốt điểm trên đường số 1 từ phía nam sông Vệ đến Sa Huỳnh rồi tiến lên bao vây chốt điểm quận lỵ chi khu Mộ Đức và Đức Phổ.

Đêm ngày 15 tháng 9 năm 1972, cơn bão số sáu có sức gió lớn đổ bộ dữ dội vào tỉnh Quảng Ngãi. Nước ở các con sông, suối dâng lên rất cao đã gây trở ngại lớn cho việc hành quân và chiếm lĩnh trận địa của quân ta trên cả hai hướng Ba Tơ và đường số 1. Cường độ gió bão giật mạnh trên cấp mười, cấp mười một, mưa mỗi lúc một to, mưa như trút nước suốt cả đêm, bộ đội ta phải chịu ướt dành ni lông che cho súng đạn không bị ngập ướt bởi nước mưa. Mặc dù mưa bão lớn trong đêm dữ dội nhưng quân ta theo hướng Ba Tơ vẫn tiến công vào trận địa. Địch phát hiện được quân ta chuẩn bị tiến công nên chúng đã cho quân ra mai phục các ngả đường.

Đến ngày 16 tháng 9, gió bão vẫn đập dữ dội, mưa vẫn xối xả. Ở những nơi quân ta có thể vượt đều có địch phục kích và ngăn chặn. Trong hoàn cảnh này, Đảng ủy và Ban chỉ huy Trung đoàn 52 cùng cán bộ họp nhanh tìm cách đánh, sử dụng cách đánh bắc cầu, vận động nhân dân cho bộ đội mượn thuyền để vượt sông. Đêm ngày 16 tháng 9, toàn trung đoàn đã bí mật hành quân vào chiếm lĩnh trận địa thật an toàn. Cùng đêm ngày 16 và 17 tháng 9, Tiểu đoàn 7, Tiểu đoàn 8 và đơn vị đặc công đã hoàn thành đánh bóc vỏ vùng ngoài. Đúng 4 giờ 15 phút ngày 18 tháng 9, quân ta đánh vào trung tâm huyện lỵ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #75 vào lúc: 25 Tháng Ba, 2016, 10:06:26 am »


Đêm ngày 19 tháng 9, lực lượng không quân và pháo binh của địch đã tập trung đánh quyết liệt vào các hướng đột kích của quân ta. Tên Bửu Chương và tên Chánh Ên là những tên chỉ huy đầu sỏ của địch rất yên trí tin rằng lực lượng pháo binh và không quân của chúng có thể ngăn chặn được lực lượng quân ta nhưng chúng đã sai lầm.

Đúng 21 giờ, quân ta quyết xung phong đánh vào quận lỵ, hai tên chỉ huy đầu sỏ của địch bị tiêu diệt ngay từ phút đầu khi chúng chưa kịp chạy trốn.

Từ đêm ngày 16 đến ngày 18 tháng 9, Trung đoàn 52 gặp khó khăn trở ngại nên Trung đoàn đặc công 459 cũng không hoàn thành được nhiệm vụ đánh tiêu diệt căn cứ Đá Bàn.

Đêm ngày 20 tháng 9, Bộ chỉ huy Quân khu 5 quyết định cho Trung đoàn 52 thay Trung đoàn 459 đánh tiêu diệt căn cứ Đá Bàn.

Trên hướng tiến công đường số 1, mặc cho mưa càng to, bão càng lớn, mặc cho nước sông Vệ chảy dữ dội, nước tràn ngập mênh mông trắng xoá cả vùng phía nam tỉnh Quảng Ngãi, Trung đoàn Ba Gia, Trung đoàn 141 và các đơn vị trực thuộc sư đoàn vẫn vượt mọi gian nguy hành quân thần tốc chiếm lĩnh vị trí tiến công theo đúng kế hoạch.

Giữa đêm ngày 16 tháng 9, tiếng súng tấn công của quân ta vào các cứ điểm địch đồng loạt nổ vang trời. Gần hai mươi cứ điểm của địch ở núi Đá Trắng, Giao Lai, điểm cao 56, Thiết Trường, đồi Ông Nhơn, đồi Ông Độ, núi Đồi, Quán Hồng, Trà Câu, Đồng Quan... đã bị quân ta tiêu diệt. Một hệ thống phòng ngự dọc theo hai bên đường số 1 kéo dài từ phía nam sông Vệ đến Sa Huỳnh, quân ta đã đánh phá tan tành. Đồng thời, hơn bốn nghìn năm trăm người dân đã nổi dậy phá ấp chiến lược. Một vùng nông thôn rộng lớn của hai huyện Mộ Đức và Đức Phổ cơ bản đã được giải phóng.

Bên cạnh đó, ba cứ điểm nằm ở hai huyện lỵ Mộ Đức, Đức Phổ và ấp Mỹ Trang là những cứ điểm then chốt mà quân ta chưa tiêu diệt được. Nên địch lấy những nơi đó làm bàn đạp để phản kích lại lực lượng quân ta một cách quyết liệt.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #76 vào lúc: 25 Tháng Ba, 2016, 10:06:55 am »


Trước sức mạnh tấn công của quân đội ta, Ngô Quang Trưởng - tư lệnh quân đoàn 1 buộc phải đưa sư đoàn bộ binh 2 ngụy (thiếu) gồm trung đoàn 5, trung đoàn 6 và sở chỉ huy sư đoàn cùng với hai liên đoàn quân biệt động 11 và 12 vào cuộc giải toả. Chúng mở những trận đánh phản kích quyết liệt ở cả hai hướng đường số 1 và Ba Tơ. Quân địch liên tiếp mở nhiều đợt phản kích bằng mọi sức mạnh của hỏa lực mà chúng có nhằm tiêu hao sinh lực ta và lấy lại khí thế của lính ngụy.

Trong thời điểm này, sư đoàn đã bị tổn thất lớn. Sở chỉ huy sư đoàn đã bị trúng bom B52. Các đồng chí Dương Bá Lợi - Sư đoàn trưởng, đồng chí Hoàng Chi - Sư đoàn phó, đồng chí Trần Quang Lập - Tham mưu trưởng, đồng chí Nguyễn Văn Hoàng - Chính ủy hậu cần đã hy sinh. Đây là một tổn thất lớn của quân khu, của sư đoàn và đồng đội. Chúng ta đã mất đi những đồng chí cán bộ chỉ huy tài năng, mưu trí, sáng tạo, dũng cảm xông pha giữa trận tuyến mà ở nơi đó hàng nghìn tấn bom đạn giội xuống. Mặc dù bị tổn thất nặng nề nhưng quân ta đã biến đau thương thành lòng căm thù giặc cao độ, quyết chiến đấu và chiến thắng kẻ thù. Chiến trường của ta sẽ lại có những người đồng chí lãnh đạo tài ba khác thay thế các đồng chí đã hy sinh. Quân khu kịp thời điều động đồng chí Nguyễn Việt Sơn - Sư đoàn phó Sư đoàn 3 về làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 2.

Sau khi anh Phương Yên trao đổi về tình hình diễn biến hoạt động của sư đoàn trong thời gian gần đây, Bộ Tư lệnh sư đoàn quyết định triển khai cuộc họp bàn về những công việc trước mắt, những nhiệm vụ quan trọng cần phải làm ngay. Trước hết, sư đoàn phải tổ chức lại lực lượng, chuẩn bị khí tài để đánh phản kích địch trên cả hai hướng. Chúng ta kiên quyết chuyển chiến thuật sang vây lấn, tấn công mạnh để dứt điểm tiêu diệt căn cứ Đá Bàn của địch và phải hoàn thành nhiệm vụ giải phóng Ba Tơ, phối hợp cùng các chiến trường đánh địch thật mạnh để hỗ trợ cho mặt trận ngoại giao của ta đang diễn ra ở Pari - Thủ đô nước Cộng hòa Pháp. Bộ chỉ huy sư đoàn được chia làm hai bộ phận để cùng chỉ đạo sát sao. Đồng chí Phương Yên - Chính ủy sư đoàn và đồng chí Tùng - Phó chính ủy cùng các đồng chí cơ quan phụ trách hướng đường số 1. Đồng chí Nguyễn Việt Sơn - Sư đoàn trưởng trực tiếp phụ trách hướng đánh giải phóng Ba Tơ.

Ngay chiều hôm đó, tôi và đồng chí Nguyễn Việt Sơn lên Sở chỉ huy mặt trận Ba Tơ. Đến nơi, chúng tôi gặp đồng chí Trần Bá Khuê - Tham mưu trưởng, đồng chí Thuần - Phó chính ủy Sư đoàn 3 được Bộ chỉ huy quân khu giao nhiệm vụ phụ trách mặt trận Ba Tơ và đồng chí Cao Niêm - Tham mưu mặt trận. Được sự ủy nhiệm của Bộ chỉ huy quân khu, đồng chí Nguyễn Việt Sơn đã tổ chức lại cơ quan mặt trận Ba Tơ như sau: Đồng chí Nguyễn Việt Sơn - Chỉ huy trưởng, đồng chí Trần Bá Khuê - Tham mưu trưởng, đồng chí Thuần - Chính ủy, tôi và đồng chí Cao Niêm làm Phó tham mưu trưởng của mặt trận Ba Tơ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #77 vào lúc: 25 Tháng Ba, 2016, 10:08:06 am »


Trên hướng đường số 1, sau những trận địch phản kích dữ dội, quân ta cố giữ lấy các điểm cao mà bọn địch cũng đang cố sống cố chết đánh chiếm lại. Quân ta và quân địch ngày đêm giành nhau từng tấc đất gây nên trận chiến càng thêm quyết liệt. Trung bình một ngày, mỗi chốt điểm quân ta phải đánh trả từ năm đến sáu trận đánh phản kích của địch. Địch đã dùng bom, pháo đánh phá hủy diệt một cách hung hãn dữ tợn, nhưng vẫn không chiếm được chốt nào của ta. Theo lệnh chỉ đạo của cấp trên, quân ta chủ động rút khỏi hệ thống chốt để chuẩn bị cho một giải pháp chính trị. Vào trung tuần tháng 10 năm 1972, Trung đoàn Ba Gia theo lệnh cấp trên về khu vực Ba Tơ cùng Trung đoàn 52 vây căn cứ Đá Bàn chống địch lấn chiếm. Khi Trung đoàn Ba Gia tới, cơ quan tham mưu mặt trận chúng tôi làm tham mưu cho Bộ Tư lệnh mặt trận Ba Tơ, phải xác định lại tư tưởng chỉ đạo vây lấn theo quan điểm của Thiếu tướng Vương Thừa Vũ - Phó Tổng tham mưu trưởng phụ trách huấn luyện là: "Quyết, vây, lấn, tấn, phá, triệt, diệt" đã giúp Bộ Tư lệnh điều chỉnh lại thế trận, bố trí lực lượng và tạo ra thế đánh, thế vây chặt, thế lấn sâu. Ta cắt viện binh địch, cắt tiếp tế của địch nhằm tạo ra thời cơ để quân ta tiến công dứt điểm. Kế hoạch được cụ thể hoá là: sử dụng lực lượng vây lấn, chủ yếu là Trung đoàn 52. Lực lượng cơ động cắt viện binh của địch là Trung đoàn Ba Gia, lực lượng tiêu diệt máy bay địch là Tiểu đoàn 14 pháo phòng không.

Tại mặt trận Ba Tơ, cuộc chiến đấu giữa phản kích của địch và đánh lại phản kích của quân ta diễn ra quyết liệt. Bọn địch lần lượt dùng máy bay lên thẳng đổ quân xuống các điểm cao như: Đông Ta, Cao Muôn, Suôi Mít và điểm cao 600... gồm các tiểu đoàn 60, tiểu đoàn 61, tiểu đoàn 77 quân biệt động, tiểu đoàn 2, tiểu đoàn 3 và trung đoàn bộ binh 5. Có những ngày bọn địch đã đổ quân liên tiếp vào Sở chỉ huy mặt trận. Quân địch ở trên đồi, quân ta ở dưới suối, phải chờ đến đêm quân ta mới thoát ra khỏi vòng vây của địch.

Khi các máy bay của địch đổ quân xuống, chúng đã nhanh chóng hình thành các mũi phản kích đánh vào và huyện lỵ Ba Tơ. Cuộc chiến đấu giữa ta và địch ngày một thêm quyết liệt hơn. Mỗi ngày địch điều động máy bay B.52 đến rải bom đánh phá trận địa từ ba đến bốn đợt. Trong vòng bốn mươi lăm ngày đêm từ 15 tháng 9 đến 30 tháng 10, Mỹ đã điều tới 72 lần máy bay B.52 và hàng trăm máy bay phản lực đánh vào trận địa của quân ta. Một hôm tôi xuống đốc chiến Tiểu đoàn 14 pháo phòng không ở Gò Riêng thì gặp tám máy bay địch, máy bay trực thăng loại cá lẹp, loại cán gáo đến đánh phá khu vực trận địa của tiểu đoàn. Các đồng chí pháo thủ của ta đồng loạt nổ súng bắn rơi tại chỗ ba máy bay trực thăng loại cá lẹp. Đồng chí Huy - Tiểu đoàn trưởng đề nghị tôi cho di chuyển vị trí chỉ huy, tôi nhất trí. Và chỉ sau 15 phút, địch đã điều tới hàng chục máy bay F.105, máy bay F.4 đến đánh phá. Chúng bỏ bom trúng hầm chỉ huy của chúng tôi. Nhưng rất may, chúng tôi đã di chuyển đến sở chỉ huy dự bị.

Sau bảy lần trung đoàn 5 và liên đoàn 11 biệt động quân của địch mở đợt phản kích, quân ta đã tiêu diệt nhiêu sinh lực địch ở khu vực Gò Riêng, Tân Ri, điểm cao 600, Nước Niên. Lực lượng pháo binh ta cũng bắn rơi nhiều máy bay phản lực của địch ở Cao Muôn, Núi Đồi. Do vậy, lực lượng phản kích của địch đã bị quân ta đánh bại hoàn toàn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #78 vào lúc: 25 Tháng Ba, 2016, 10:08:57 am »


Còn căn cứ địch ở Đá Bàn, quân ta ngày càng siết chặt chúng trong vòng vây. Mũi nhọn tấn công "lấn, dũi" của Tiểu đoàn 60, Trung đoàn Ba Gia chỉ còn cách lô cốt địch hai mươi mét. Hướng tiến công của Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 52 cách lô cốt địch hai mươi lăm mét.

Những đường chiến hào ngoằn ngoèo của quân ta càng ngày càng bò sát vào cứ điểm của địch. Khi tới hàng rào cuối cùng, một lực lượng lớn của ta đã được chuẩn bị trước phun một luồng lửa khổng lồ thiêu sạch bọn chúng. Tên tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 69 của địch - chỉ huy căn cứ run sợ, liên tục kêu cứu với tiểu khu Quảng Ngãi và sư đoàn 2 ngụy nhưng bọn giặc ở đây cũng bó tay không làm gì được. Đúng 12 giờ đêm ngày 30 tháng 10 năm 1972, nó vừa điện xin cấp trên cho rút lui vừa cho đơn vị bí mật tháo chạy.

Nhưng nó đã không thể thoát nổi sự phán đoán thông minh của quân ta. Trinh sát của ta đã phát hiện ngay được hành động của địch. Chúng ta nhanh chóng phối hợp cùng Đại đội 7 Tiểu đoàn 60 Trung đoàn Ba Gia chặn đánh toán đi đầu. Đồng chí Tiểu đội trưởng Thập bắn chết ngay tên tiểu đoàn trưởng 69 biệt động, số địch còn lại lốc nhốc chạy ngược về đồn.

Thời cơ đã dành cho quân ta; đúng 1 giờ ngày 31 tháng 10, bộ "Rồng lửa" của ta gồm ba mươi sáu quả bộc phá liên kết nổ vang trời phá tan hàng rào cuối cùng và lô cốt đầu cầu của căn cứ địch.

Ở hướng chủ yếu, các đồng chí của Đại đội 6, Tiểu đoàn 8 cùng các chiến sĩ đã nhanh chóng dũng cảm tiến lên đánh mạnh tiêu diệt địch chiếm trận địa pháo.

Ở hướng thứ yếu, các chiến sĩ Đại đội 7 Tiểu đoàn 60 thừa thắng xốc tới đánh thẳng vào sở chỉ huy của địch, còn Đại đội 5 đánh chiếm ngay khu thông tin... Kẻ thù bị chiến sĩ ta tiến công dồn dập bằng mọi sức mạnh sẵn có, bằng tinh thần chiến đấu dũng cảm ngoan cường nhanh nhẹn, mưu trí làm cho chúng không thể nào trở tay để đối phó kịp.

Đại bộ phận tiểu đoàn 69 biệt động quân bị tiêu diệt những tên lính sống sót còn lại kéo nhau ra hàng. Còn khoảng ba mươi tên địch đã liều mạng chạy về hướng Minh Long hòng thoát thân nhưng chúng gặp phải lực lượng quân ta bao vây vòng ngoài. Do đó, chúng đã bị tiêu diệt gần hết.

Cuối cùng, căn cứ Đá Bàn kiên cố của địch đã bị quân ta tiêu diệt. Khu căn cứ cách mạng Ba Tơ sạch bóng quân thù. Khu giải phóng được mở rộng. Quần chúng nhân dân rất phấn khởi, tích cực tăng gia sản xuất để góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ nhanh chóng đến ngày thắng lợi hoàn toàn.

Cán bộ và chiến sĩ quân đội ta cũng vô cùng phấn khởi. Mới hơn hai giờ sáng, sở chỉ huy mặt trận Ba Tơ mổ một con heo ăn mừng và bàn kế hoạch đi trinh sát thực địa để chuẩn bị tổng kết chiến dịch Ba Tơ. Lúc này, tôi đang bị sốt rét. Anh Thuần - Chính ủy yêu cầu tôi về khu vực Gốc Khê để chuẩn bị họp đảng ủy chứ không cho tôi đi nghiên cứu chiến thuật. Đúng 8 giờ sáng, tổ trinh sát báo về: bộ phận đi nghiên cứu chiến thuật ở quận lỵ Ba Gia đã bị trúng mìn của địch gài lại; đồng chí Việt Sơn - Sư đoàn trưởng, đồng chí Nam - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 52 và hai đồng chí tiểu đoàn trưởng nữa đã hy sinh. Niềm vui chưa giành trọn, nỗi buồn mới lại tới, một tổn thất nữa lại đến với Sư đoàn bộ binh 2 của chúng tôi.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #79 vào lúc: 25 Tháng Ba, 2016, 10:12:45 am »


Chiến dịch Ba Tơ kết thúc thắng lợi vẻ vang. Quân và dân Ba Tơ vô cùng phấn khởi, tất cả mọi người đều tự hào về quân và dân ta đã phải trải qua bao ngày gian nan, vượt qua mọi gian nguy, dũng cảm chiến đấu hết mình, tích cực chiến đấu đến giờ phút chiến thắng kẻ thù. Ba Tơ hoàn toàn giải phóng. Niềm xúc động trong tôi hòa cùng niềm xúc động của toàn dân Ba Tơ, của anh em đồng đội và của các chiến sĩ. Tự đáy lòng mình, tôi đã thể hiện những tình cảm mộc mạc của mình bằng một bài thơ "Bài ca Ba Tơ", trong đó có câu:

"Ba Tơ anh dũng tuyệt vời
Chiến công vang động đất trời Pari".

Chiến dịch Ba Tơ kết thúc thắng lợi, Sư đoàn bộ binh 2 chúng tôi tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ mà quân khu giao phó: đánh bại bọn địch phản kích để giữ vững vùng giải phóng. Đồng thời sẵn sàng đánh một số mục tiêu then chốt của địch tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh khi có giải pháp chính trị về mặt ngoại giao của Chính phủ. Đang trong thời điểm đó thì đúng ngày 23 tháng 1 năm 1973, Sư đoàn bộ binh 2 lại nhận được lệnh của tiền phương quân khu yêu cầu Sư đoàn 2 khẩn trương triến khai chiến thuật tác chiến tiến công quân địch trong khoảng thời gian bảy mươi giờ bao gồm cả hành quân và đánh chiếm mục tiêu.

Theo đúng kế hoạch, sư đoàn chúng tôi có nhiệm vụ đánh chiếm khu vực từ chợ Cung xã Phổ Thạnh, Đức Phổ đến Bình Đê. Đồng thời, Sư đoàn 2 còn có nhiệm vụ phối hợp với Sư đoàn 3 đánh chiếm khu vực Chương Hàn, Tam Quan phía bắc tỉnh Bình Định hình thành một vùng giải phóng ven biển, chạy dài từ phía nam huyện Đức Phổ tỉnh Quảng Ngãi đến phía bắc huyện Hoài Nhơn tỉnh Bình Định. Ở đoạn này có hai cửa biển là Sa Huỳnh và Trường Xuân.

Sau hơn ba ngày đêm, cán bộ và chiến sĩ Sư đoàn 2 chiến đấu ngoan cường liên tục. Trong đó có các đơn vị của sư đoàn: Trung đoàn 141, mười tiểu đoàn đặc công, Tiểu đoàn 90, Trung đoàn Ba Gia và một bộ phận hỏa lực. Tất cả quân ta chiến đấu hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm: Đá Heo, Thạch Bi, Long Thạnh, Hải Huyền, giải phóng khu vực Sa Huỳnh, góp phần quan trọng cùng quân và dân Quảng Ngãi làm thất bại kế hoạch "Tràn ngập lãnh thổ” của địch trong ngày đầu ngừng bắn, không ai có thể hình dung được tình hình diễn biến giữa ta và địch sau giờ ngừng bắn có hiệu lực. Tất cả cán bộ và chiến sĩ Sư đoàn 2 vẫn sẵn sàng hy sinh dũng cảm xung phong vào đồn địch quyết tâm giành thêm thắng lợi, giải phóng thêm từng người dân, từng mảnh đất khỏi sự kìm kẹp, đàn áp của kẻ thù trước giờ ngừng bắn theo Hiệp định Pari. Đó chính là sự thể hiện lý tưởng chiến đấu cao đẹp với lòng trung thành vô hạn của những cán bộ, chiến sĩ sư đoàn thép đối với sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc của Đảng, của nhân dân Việt Nam.

Ở Sa Huỳnh, mặc dù cuộc chiến đấu giữa quân ta và quân địch vẫn đang diễn ra quyết liệt nhưng đến giờ Hiệp định Pari quyết định ngừng bắn có hiệu lực thì bỗng nhiên xuất hiện một rừng cờ đỏ sao vàng, màu cờ cách mạng. Cờ treo trước cổng nhà, cờ cắm rải dọc theo đường làng, cờ cắm ngay cạnh hàng rào đồn giặc, cờ treo trên các ngọn cây cao. Tất cả đều tung bay trước gió. Trong rừng cờ ấy có những lá cờ được cất giấu gần 30 năm bây giờ mới được trưng lên. Màu xanh của biển cả và màu xanh của núi rừng càng tôn lên sắc đỏ của màu cờ cách mạng. Những lá cờ to, nhỏ cùng đua nhau mọc lên đón gió biển phần phật bay, siết chặt vòng vây kẻ thù.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM