Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:39:21 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Khát vọng đồng bằng  (Đọc 34074 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #50 vào lúc: 23 Tháng Ba, 2016, 09:44:34 pm »


Sáng ngày 27 tháng 7 năm 1957, tôi tới phòng giao ban của tỉnh đội để làm việc với tập thể Ban chỉ huy tỉnh đội và các đồng chí trưởng ban: Trưởng ban tác chiến, huấn luyện, dân quân, động viên tuyển quân, chính trị, hậu cần. Sau khoảnh khắc giới thiệu làm quen nhau, các đồng chí trưởng ban báo cáo tình hình cho tôi nghe. Qua đó, tôi đã nắm khái quát được về tình hình chung trong tỉnh; tình hình cơ quan tỉnh, các huyện đội, thị đội; tình hình dân quân tự vệ xã, tự vệ trong các cơ quan xí nghiệp.

Kết thúc cuộc họp giao ban, tôi xin phép Ban chỉ huy tỉnh đội cho tôi và cán bộ dân quân tỉnh được đi khảo sát tình hình đội ngũ tổ chức dân quân trong toàn tỉnh. Trọng điểm là phong trào tổ chức dân quân vùng ven biển thị xã, và những nơi có nhiều đồng bào công giáo tập trung.

Qua một tháng đi thâm nhập cơ sở ở vùng công giáo trong huyện Tiền Hải, một số xã ở ven biển huyện Thụy Anh, và một số cơ quan xí nghiệp ở thị xã Thái Bình, tôi càng hiểu sâu hơn về tình hình tổ chức xây dựng lực lượng dân quân tự vệ của tỉnh. Tôi có một nhận định khái quát rằng: toàn dân đã phát huy thắng lợi của cải cách ruộng đất, ra sức khai hoang phục hoá, đẩy mạnh hoạt động của tổ đổi công, chuẩn bị bước lên xây dựng hợp tác xã nông nghiệp. Lực lượng dân quân tự vệ được củng cố một bước đang phát huy vai trò chiến lược của mình, làm nòng cốt xung kích trong sản xuất, bảo vệ trật tự trị an. Tuy nhiên phong trào chưa đều, phong trào vùng trọng điểm công giáo, vùng ven biển còn yếu hơn những xã vùng trong nội địa, số lượng chung còn ít chỉ chiếm 5 phần trăm dân số. Chất lượng chưa cao, hoạt động hiệu quả còn thấp, nguyên nhân chủ yếu là nhận thức của lãnh đạo các cấp trong tỉnh còn coi nhẹ chỉ đạo củng cố phát triển dân quân tự vệ. Có nơi còn sợ xây dựng phát triển dân quân tự vệ sẽ ảnh hưởng đến sản xuất...

Nhưng cũng có nhiều nhân tố mới như phong trào dân quân xã Thụy Trình huyện Thụy Anh; phong trào dân quân công giáo Dương Cước xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương; phong trào lực lượng tự vệ bưu điện thị xã Thái Bình có nhiều sáng tạo trong sản xuất, công tác kết hợp chặt chẽ với việc huấn luyện lực lượng tự vệ được cấp ủy chính quyền tin cậy.

Từ những thực tế đó, ban dân quân giúp tỉnh đội tham mưu cho tỉnh ủy tổ chức Hội nghị dân quân tự vệ toàn tỉnh, để quán triệt cho một số lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, huyện và một số xã trọng điểm về Nghị quyết 12 (tháng 3 năm 1957) của Trung ương Đảng, giúp cho các đồng chí nhận thức rõ tình hình âm mưu của địch, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ miền Bắc, phương hướng xây dựng lực lượng vũ trang miền Bắc. Không những có một lực lượng thường trực mạnh mà còn phải có một lực lượng hậu bị mạnh (hậu bị bao gồm cả dân quân tự vệ). Hội nghị còn quán triệt sự chỉ đạo của tỉnh ủy Thái Bình về xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, quân dự bị mạnh gắn với việc đẩy mạnh sản xuất, hợp tác hoá nông nghiệp. Cần phải phát huy vai trò dân quân tự vệ làm nòng cốt và xung kích trong sản xuất của hợp tác xã, đồng thời đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ trị an, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu giỏi. Trong xây dựng phong trào, chúng ta phải tập trung chỉ đạo vào vùng trọng điểm, nhất là các vùng ven bờ biển, vùng đồng bào công giáo, vùng thị xã. Các đồng chí cán bộ lãnh đạo phải chú trọng giáo dục chính trị và kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo quân sự ở cơ sở, lấy thi đua làm động lực thúc đẩy phong trào. Chúng ta phải ra sức tạo những đơn vị điển hình và nhân ra diện rộng.

Hội nghị đã thống nhất với tỉnh đội lấy ba đơn vị điển hình tiêu biểu, đó là: đơn vị dân quân xã Thụy Trình, dân quân công giáo xã Dương Cước và đơn vị tự vệ bưu điện thị xã Thái Bình để xây dựng thành các trung đội cờ hồng, kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng lực lượng dân quân tự vệ với đẩy mạnh sản xuất theo một số tiêu chuẩn mà dân quân xã Thụy Trình đang thực hiện như: hàng năm, số dân quân tham gia các lớp huấn luyện 100 phần trăm, kết quả kiểm tra phải đạt 70 phần trăm khá - giỏi trở lên, biết kết hợp với công an làm công tác trị an tốt, quần chúng nhân dân thôn xã sống yên vui. Trong sản xuất, lực lượng dân quân giữ vai trò xung kích, phải có 70 phần trăm gia đình dân quân vào hợp tác xã nông nghiệp. Trong trung đội dân quân có vườn ươm cây, ao thả cá, câu lạc bộ và có tổ kỹ thuật ươm bèo hoa dâu để cung cấp cho hợp tác xã. Với những tiêu chuẩn toàn diện này đã làm rõ quan điểm nhận thức xây dựng mạnh lực lượng dân quân tự vệ không những không ảnh hưởng đến sản xuất mà còn đẩy mạnh sản xuất, nâng cao văn hoá xã hội - nên đã được cấp ủy và các ngành rất đồng tình ủng hộ, tích cực cùng nhau xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh.

Để kết thúc Hội nghị dân quân tự vệ tỉnh, đồng chí Nguyễn Ngọc Trừu - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã phát động phong trào thi đua trong lực lượng dân quân tự vệ. Đồng chí nói:

- Các đồng chí trong lực lượng dân quân tự vệ toàn tỉnh hãy ra sức phấn đấu, rèn luyện, học tập để đuổi kịp các đơn vị điển hình tiên tiến. Đến năm 1960 hầu hết các xã, phường đều có trung đội dân quân tự vệ đạt danh hiệu trung đội cờ hồng. Qua hội nghị này, các cấp ủy các ngành đã nhận thức sâu sắc được âm mưu của địch, phương hướng nhiệm vụ xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, quân dự bị và các biện pháp đẩy mạnh phong trào tạo nên bước chuyển biến mạnh mẽ, đánh dấu bước chuyển mình quan trọng của phong trào dân quân tự vệ tỉnh Thái Bình.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #51 vào lúc: 23 Tháng Ba, 2016, 09:45:11 pm »


Để hoà nhập với bốn phong trào thi đua lớn, về nông nghiệp có phong trào thi đua với gió Đại Phong, về ngành công nghiệp có phong trào thi đua với sóng Duyên Hải, trong quân đội có phong trào thi đua cờ Ba Nhất, còn ngành giáo dục có phong trào thi đua tiếng trống Bắc Lý thì lực lượng dân quân, tự vệ tỉnh Thái Bình có phong trào thi đua phấn đấu giành danh hiệu Trung đội cờ hồng. Danh hiệu Trung đội cờ hồng là danh hiệu mà tỉnh Thái Bình phát động từ cuối năm 1957 đến đầu năm 1960 đã có một bước tiến khá dài, ban đầu chỉ có ba đơn vị trung đội dân quân, tự vệ đạt danh hiệu Trung đội cờ hồng: trung đội dân quân xã Thụy Trình huyện Thụy Anh, trung đội dân quân công giáo thôn Dương Cước xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, trung đội tự vệ trong tỉnh mạnh lên nhiều cả về quân số, trình độ kỹ chiến thuật đáp ứng với tình hình nhiệm vụ cách mạng mới. Toàn tỉnh có gần 300 trung đội dân quân, tự vệ đạt danh hiệu Trung đội cờ hồng (sau này đổi tên là Trung đội Quyết thắng). Tóm lại, nhờ có phong trào thi đua mà lực lượng dân quân, tự vệ Thái Bình phát triển nhanh mạnh, từ những hợp tác xã Đại Phong, Lệ Thủy, Quảng Bình; Duyên Hải, nhà máy cơ khí đóng tàu Hải Phòng; cờ Ba Nhất của bộ đội trên công trường thủy lợi Bắc Hưng Hải; tiếng trống trường Bắc Lý tỉnh Hà Nam Ninh; trung đội đột phá điểm nhân ra diện rộng trong phạm vi toàn thôn, toàn xã, toàn huyện, toàn tỉnh, nay lại có phong trào dân quân điển hình liên cụm, dẫn đầu là cụm thi đua Phong - Huy - Lĩnh gồm ba xã là Đông Phong, Đông Huy, Đông Lĩnh của huyện Đông Quan. Dưới sự lãnh đạo của đảng ủy, sự điều hành của chính quyền xã, lực lượng dân quân ba xã đã kết nghĩa, tổ chức lễ giao ước thi đua với nhau, động viên giúp đỡ lẫn nhau trong huấn luyện, trong lao động sản xuất, trong phong trào bảo vệ trị an... Phong trào thi đua đã tác động mạnh mẽ, làm chuyển biến về chất và lượng của phong trào dân quân tự vệ tỉnh Thái Bình từ chỗ lực lượng dân quân chỉ có 5 phần trăm đã tiến lên 10 phần trăm theo dân số 12.000 quân dân trên 1.200.000 người dân. Về chất lượng Đảng, đoàn, quân nhân phục viên trong lực lượng dân quân tăng lên đáng kể. Có thôn, xã mà đảng viên, đoàn viên còn đủ sức khỏe đều xin gia nhập lực lượng dân quân tự vệ 100 phần trăm, về giáo dục tư tưởng chính trị, huấn luyện quân sự đạt kết quả cao từ 90 phần trăm đến 100 phần trăm quân số khá, giỏi đạt từ 70 phần trăm đến 75 phần trăm. Hoạt động bảo vệ trị an kết hợp chặt chẽ với lực lượng công an đạt kết quả tốt, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân. Vai trò dân quân tự vệ được phát huy tích cực trong sản xuất, trong hợp tác xã, trong thôn xã, trên các công trình thủy lợi do lực lượng dân quân, thanh niên đảm nhận, góp phần quan trọng vào việc đưa năng suất nông nghiệp của tỉnh lên cao. Phong trào hợp tác xã nông nghiệp phát triển nhanh. Từ những thành tích mà thực tiễn giành được, Ban dân quân tự vệ giúp tỉnh đội, làm tham mưu cho tỉnh ủy, ủy ban tổ chức Hội nghị thi đua dân quân tự vệ toàn tỉnh vào mùa xuân năm 1960. Hội nghị có tới 500 đại biểu tham dự. Trong hội nghị này, đồng chí Nguyễn Quyết - Chính ủy Quân khu Tả Ngạn nói chuyện với hội nghị, đồng chí nhấn mạnh: Phong trào thi đua đạt danh hiệu Trung đội cờ hồng, cụm thi đua Phong - Huy - Lĩnh của lực lượng dân quân tự vệ tỉnh Thái Bình là hành động thi đua xã hội chủ nghĩa, cần phải được chúng ta nâng niu và phát triển mạnh hơn nữa. Đồng chí khen ngợi 300 trung đội dân quân tự vệ đạt danh hiệu Trung đội cờ hồng. Đây mới chỉ là đơn vị mạnh của huyện, xã, của thôn còn ít, cần phải tiến lên phải phấn đấu hầu hết các trung đội dân quân tự vệ đạt cờ hồng để cờ hồng cắm đỏ rực tỉnh Thái Bình, phấp phới tung bay trên quê hương năm tấn. Ta phải phấn đấu xây dựng cho lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp theo hướng chất lượng thiết thực: "Dân quân vững mạnh, xóm làng yên vui"; phải giáo dục cho dân quân trai cũng như gái phấn đấu sao cho "Đảng tin, dân mến, gia đình yêu". Nhờ sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo của chính quyền, phối hợp với các ngành, đoàn thể dân quân tự vệ Thái Bình đã lập được nhiều thành tích đáng kể, có nhiều sáng tạo trong xây dựng và hoạt động. Quân khu coi Thái Bình là một điển hình tốt, để nhân rộng ra toàn quân khu.

Những lời động viên, chỉ bảo của đồng chí chính ủy quân khu đã tiếp thêm sức mạnh cho phong trào dân quân tự vệ Thái Bình vững bước tiến lên.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #52 vào lúc: 23 Tháng Ba, 2016, 09:45:51 pm »


Trong sự chỉ đạo xây dựng dân quân tự vệ Quân khu ủy Tả Ngạn, Tỉnh ủy Thái Bình yêu cầu phải tập trung chỉ đạo xây dựng ở vùng có nhiều đồng bào Thiên Chúa Giáo, đây là tư tưởng chỉ đạo đúng đắn. Ở Thái Bình, đồng bào Thiên Chúa Giáo không sống tập trung như ở Bùi Chu, Phát Diệm song cũng có nơi có nhiều người theo đạo Thiên Chúa như vùng Trung Đồng huyện Tiền Hải, ở đây có nhiều làng hoàn toàn dân chúng theo công giáo như làng Quỳnh Lang ở huyện Quỳnh Côi, làng Phương Xá ở huyện Đông Quan, làng Cao Mai ở huyện Kiến Xương, làng Xá Thị ở huyện Thụy Anh...

Ở những nơi này, vào từng thời điểm quan trọng của đất nước, kẻ địch thường lối kéo kích động bọn phản động đội lốt công giáo chống phá cách mạng một cách điên cuồng, gây cho ta không ít những khó khăn, những tổn thất lớn trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Từ năm 1950 đến 1951, thực dân Pháp chiếm đóng được tỉnh Thái Bình. Chúng đã nắm ngay bọn phản động đội lốt linh mục, địch bồi cho bọn này kích động giáo dân chống lại kháng chiến mãnh liệt. Địch đã lập ra những đội thanh niên chống cộng, phát triển tổ chức vệ sĩ. Chúng biến các nhà thờ thành đồn bốt giặc. Bọn cha cố mặc áo lính, chỉ huy quân mở những trận càn quét, tiêu diệt lực lượng kháng chiến của ta. Chúng tàn sát giết người cướp của, sát hại lương dân, gây ra biết bao vụ đẫm máu, xương chất thành đống ở Phương Xá, hầm chôn người ở Quỳnh Lang, đến nay nhớ lại ai cũng còn ghê sợ.

Trong thời gian chống cưỡng ép đồng bào di cư năm 1955 và năm 1956, chính quyền địa phương của ta đã đấu tranh giành giật với bọn cha cố phản động từng giáo dân, vì bọn chúng có thủ đoạn rất thâm độc, chúng tuyên truyền với mọi giáo dân là chúa đã vào miền Nam, nên các con chiên phải vào Nam với chúa, các con chiên nhẹ dạ cả tin lời lẽ chúng tuyên truyền, dụ dỗ, cưỡng ép nên đồng bào công giáo cứ lũ lượt ra đi.

Nhiệm vụ của cán bộ địa phương là vận động giáo dân ở lại với làng, với quê hương yêu dấu của mình, nơi mà hàng nghìn năm tổ tiên ta cần cù lao động xây dựng lên. Nhiều nơi đã trở thành cuộc xô xát lớn, bọn phản động lợi dụng cơ hội các con chiên ra đi loạn xạ đã ra tay chống đối lại lực lượng ta, chúng đánh đập cán bộ, bộ đội, du kích của ta, gây cho ta những khó khăn rất lớn.

Thời điểm năm 1959 đến 1960, tỉnh Thái Bình đã có cao trào sản xuất hợp tác xã nông nghiệp, nhịp sống toàn dân tưng bừng phấn khởi, mọi người hăng say hồ hởi lao động xây dựng cuộc sống mới. Nhưng ở các làng công giáo của Thái Bình vẫn còn khó khăn, bọn phản động chống lại cách mạng, chống lại Tổ quốc vẫn ngấm ngầm kích động nhân dân công giáo không vào hợp tác xã nông nghiệp. Bọn phản động tuyên truyền nhân dân công giáo không cho con em họ đi bộ đội, gia nhập du kích, dân quân tự vệ, không đi học văn hoá và tham gia các phong trào khác mà địa phương phát động vì các con chiên sợ mất chúa, mất đạo.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #53 vào lúc: 23 Tháng Ba, 2016, 09:46:36 pm »


Với tình hình thực tế của tỉnh Thái Bình, Ban dân quân đã giúp Ban chỉ huy tỉnh đội làm tham mưu cho tỉnh ủy chỉ đạo các huyện tăng cường củng cố phát triển dân quân vùng công giáo, gắn việc xây dựng dân quân với cuộc vận động giáo dân vào hợp tác xã nông nghiệp, đẩy mạnh sản xuất, đảm bảo trị an, bảo vệ cuộc sống yên bình cho nhân dân. Tỉnh đội đề nghị với quân khu tăng cường cho tỉnh một số cán bộ bồi dưỡng về các chủ trương chính sách của Đảng đối với vùng công giáo. Hướng dẫn cho anh em về nội dung xây dựng dân quân tự vệ theo tinh thần hội nghị dân quân toàn tỉnh cuối năm 1957. Chúng ta chú trọng lấy mô hình dân quân công giáo Dương Cước để dân quân các xứ trong toàn tỉnh noi gương phấn đấu thực hiện. Gần một trăm cán bộ được cử về các xã có đồng bào Thiên Chúa giáo. Mỗi địa phương có từ ba đến năm đồng chí cán bộ. Kết quả gần bốn năm từ năm 1957 đến năm 1961, tất cả các thôn xóm có giáo dân đều có cơ sở chính trị, dân quân tự vệ, từ một trung đội dân quân công giáo Dương Cước ở huyện Kiến Xương là Trung đội cờ hồng, đã phát triển được nhiều trung đội dân quân công giáo thành Trung đội cờ hồng, nơi có nhiều khó khăn nhất như Nam Trung, Nam Thanh, Nam Hồng, Nam Chính của huyện Tiền Hải, mỗi nơi có từ một đến hai Trung đội cờ hồng. Để tiếp tục phát huy thắng lợi đẩy mạnh phong trào dân quân công giáo, Ban dân quân chúng tôi đề nghị Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh và quân khu cho tổ chức Hội nghị dân quân công giáo toàn tỉnh tại vùng công giáo tập trung ở huyện Tiền Hải.

Trong hội nghị này có 120 dân quân công giáo tiêu biểu ở các xứ đạo toàn tỉnh về dự cùng với đại biểu Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh cùng các ban ngành của tỉnh về dự. Nội dung hội nghị chủ yếu là giới thiệu về chính sách sản xuất nông nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp, chính sách tôn giáo của Đảng. Sau đó là những báo cáo chung về điển hình phong trào thi đua của dân quân tự vệ công giáo.

Kết thúc hội nghị, chúng tôi mời Chính ủy Nguyễn Quyết nói chuyện với hội nghị. Đồng chí đã nhấn mạnh về chính sách đoàn kết lương giáo của Đảng, biểu dương các trung đội dân quân đạt danh hiệu Trung đội cờ hồng. Đồng chí đề nghị các cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm giúp đỡ để đại hội lần sau có nhiều trung đội đạt danh hiệu Trung đội cờ hồng nhiều hơn nữa. Thay mặt Bộ Tư lệnh Quân khu, đồng chí tặng mỗi đại biểu dân quân công giáo một bộ quân phục mùa đông, một mũ Trung Quốc, một đôi giày bộ đội và chỉ thị cho Ban chỉ huy tỉnh đội tổ chức cho anh chị em đại biểu dân quân công giáo đi tham quan một số xí nghiệp, sân bay, hải cảng để anh chị em thấy rõ về sự lớn mạnh của ta, củng cố lòng tin để từ đó cảnh giác với mọi luận điệu xuyên tạc của kẻ thù trực tiếp là bọn phản động đội lốt tôn giáo.

Sau hội nghị, các anh chị em dân quân công giáo rất vui mừng và phấn khởi. Họ thực sự là những nòng cốt vững chắc trong việc tuyên truyền vận động giáo dân vào hợp tác xã, sản xuất giỏi, vào dân quân tự vệ. Sau này, nhiều người trong số họ đã trở thành cán bộ nòng cốt của cơ sở địa phương (thôn, xã).

Thời gian mà tôi công tác ở tỉnh Thái Bình đã gần tám năm. Một khoảng thời gian cũng khá dài mà sao tôi thấy trôi nhanh đến vậy, hay bởi tôi có tấm lòng mến mộ mảnh đất anh hùng này, mảnh đất của quê hương giàu truyền thống cách mạng, hay bởi tôi quá hăng say công tác. Đó là điều tôi không hề nói quá nhưng cũng có thời gian tôi thực sự làm việc đến nỗi đêm quên ngủ, ngày quên ăn, tập trung trí tuệ, sức lực cao độ để hoàn thành công việc được giao. Lúc nào, tôi cũng tâm niệm phải làm sao vừa làm việc, vừa tìm tòi sáng tạo để công việc đạt hiệu quả cao nhất.

Với cương vị công tác là trưởng ban dân quân, Bí thư Đảng ủy tỉnh đội Thái Bình, tôi rất phấn khởi tự hào vì mình đã góp một phần nhỏ bé vào việc xây dựng và phát triển phong trào dân quân tự vệ tỉnh Thái Bình vững mạnh và rộng khắp, tạo khí thế thi đua sôi nổi giành danh hiệu Trung đội cờ hồng trong lực lượng dân quân tỉnh nói chung và đặc biệt, dân quân vùng Thiên Chúa giáo nói riêng, đã góp phần vào cao trào thi đua quyết thắng của lực lượng vũ trang tỉnh Thái Bình. Tám năm liền, từ năm 1957 đến năm 1964, tỉnh Thái Bình luôn đạt danh hiệu Quyết thắng, là đơn vị khá nhất, luôn dẫn đầu toàn quân khu và được Bộ Quốc phòng tặng cờ. Đây cũng là nơi có nhiều kỷ niệm đáng ghi nhớ trong đời làm công tác dân quân tự vệ của tôi.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #54 vào lúc: 24 Tháng Ba, 2016, 07:12:59 am »


Được lệnh cấp trên, tôi lại rời xa quê hương năm tấn để về làm giáo viên Khoa Chiến tranh du kích ở Học viện Trung cao Quân sự - Bộ Quốc phòng (nay là Học viện Quốc phòng). Các đồng chí trong Ban lãnh đạo của tỉnh Thái Bình: anh Chất, anh Trừu, anh Tiến Chinh, anh Phạm Vạc đã thay mặt Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân, Ban chỉ huy tỉnh đội tổ chức liên hoan đế tiễn tôi lên đường đi nhận nhiệm vụ công tác mới.

Từ quê hương Thái Bình yêu quý, tôi về nhận công tác ở Học viện Trung cao Quân sự. Trên chuyến xe khách Thái Bình - Hà Nội, hành khách cười nói vui vẻ, trò chuyện râm ran làm quen với nhau trong chốc lát trên đoạn hành trình. Còn tôi ngồi trầm ngâm suy nghĩ, đầu óc tôi miên man với các suy tư về những ngày đã qua, tất cả những hình ảnh trong quá khứ, những kỷ niệm vui buồn xen lấn chật chội trong tôi. Nhiệm vụ mới thật vô cùng lớn lao, đè nặng lên tâm trí, khiến tôi vô cùng lo lắng, bao nhiêu câu hỏi cứ liên tiếp đặt ra cho tôi chỉ xoay quanh vấn đề tôi sẽ giảng dạy ra sao? Làm thầy giáo như thế nào? Nó có khó khăn hơn khi phải đối mặt với kẻ thù ở chiến trường không? Bao nhiêu suy nghĩ đó đã theo xe đưa tôi về Học viện lúc nào tôi cũng chẳng rõ nữa, chỉ đến khi mọi người nhắc nhở xuống xe tôi mới thoát khỏi sự lung bung kia trong đầu.

Lúc đó, Học viện ở giữa sân bay Bạch Mai, tôi hăm hở tìm vào Khoa Chiến tranh du kích. Ở đây, tôi được gặp lại nhiều đồng chí quen biết trong quá trình công tác trước kia. Đồng chí Võ Hắc Thông - Trưởng khoa, nguyên là Tỉnh đội trưởng tỉnh Bắc Ninh; anh Khang (Khang voi) - Phó khoa, nguyên là Trung đoàn phó Đoàn 42 hoạt động ở khu Tả Ngạn và anh Kiểu, anh Các... đều là cán bộ xã, huyện đội. Thấy tôi, các anh rất vui vẻ, có anh hỏi:

- Nghe tin Học viện xin anh từ năm ngoái, sau lớp tập huấn công tác quân sự địa phương của Bộ Tổng tham mưu ở Hải Dương, sao đến nay anh mới về? Chắc địa phương Thái Bình không cho đi phải không?

Tôi chỉ cười và vui vẻ trả lời:

- Dạ! Chắc là vậy!

Sau đó, anh em chuyện trò trao đổi. Tôi rất mừng vì xung quanh tôi có rất nhiều anh em đồng đội sẽ hỗ trợ giúp đỡ tôi để hoàn thành nhiệm vụ.

Sáng ngày 22 tháng 7 năm 1964, anh Võ Hắc Thông - Trưởng khoa Chiến tranh du kích dẫn tôi lên phòng Giám đốc báo cáo Giám đốc Học viện và xin ý kiến chỉ đạo. Tại đây, lần đầu tiên tôi gặp Giáo sư, Thiếu tướng - Giám đốc Học viện Trung cao Quân sự - Bộ Quốc phòng Hoàng Minh Thảo. Đó là một người tài ba, đức độ, có uy tín với toàn quân, nguyên là Tư lệnh Liên khu 3 trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, là người mà khi còn ở địa phương tôi đã được nghe kể rất nhiều. Sau lời chào hỏi thân mật, Thiếu tướng hỏi tôi:

- Năm nay đồng chí Quyết Tâm bao nhiêu tuổi? Quê đồng chí ở đâu?

- Dạ, thưa Thiếu tướng, em sinh vào tháng 12 năm 1929, đến nay em 34 tuổi, quê em ở Vĩnh Bảo, Hải Phòng - tôi trả lời Thiếu tướng.

- Một cán bộ rất trẻ, có nhiều triển vọng. Công tác của cậu ở Thái Bình thì mình cũng biết rồi. Phong trào dân quân tự vệ Thái Bình khá lắm, có nhiều sáng tạo... ở Học viện, khi giảng dạy về Chiến tranh du kích quân sự địa phương, anh em giáo viên đã rất chú ý lấy kinh nghiệm của Thái Bình, của khu Tả Ngạn...

Sau một lúc nói chuyện vui vẻ, Giám đốc Học viện, Thiếu tướng Hoàng Minh Thảo giới thiệu về chức năng cơ bản của Học viện là nghiên cứu những vấn đề về đường lối quân sự, chiến tranh nhân dân bao hàm cả chiến tranh chính quy và chiến tranh du kích, đào tạo bồi dưỡng cán bộ cấp sư đoàn và tỉnh đội, giới thiệu kinh nghiệm chiến tranh nhân dân Việt Nam cho các đoàn bạn quốc tế đến Việt Nam tham khảo...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #55 vào lúc: 24 Tháng Ba, 2016, 07:13:45 am »


Để hoàn thành được chức năng nhiệm vụ trên, vấn đề có tính quyết định đòi hỏi đội ngũ các thầy giáo quân sự của Học viện phải xác định là "Khuôn vàng thước ngọc". Vì thầy có tốt, trò mới giỏi. Từ chức năng chung của Học viện, Khoa Chiến tranh du kích cũng có chức năng rất cơ bản như: nghiên cứu về chiến tranh du kích, quân sự địa phương; giảng dạy cho cán bộ cấp tỉnh đội trưởng, tỉnh đội phó về chiến tranh du kích và tham gia giới thiệu kinh nghiệm chiến tranh du kích cho các đoàn khách quân sự quốc tế.

Thiếu tướng liển hỏi anh Hắc Thông - Trưởng khoa:

- Khoa đã phân công cho đồng chí Quyết Tâm giảng dạy môn gì chưa?

Đồng chí Trưởng khoa thưa với Thiếu tướng:

- Khoa dự kiến phân công đồng chí Quyết Tâm giảng dạy về chiến lược chiến tranh du kích như vấn đề chống phá càn, xây dựng căn cứ du kích.

Đồng chí Thiếu tướng - Giám đốc Học viện tỏ vẻ đồng ý với sự phân công của khoa về môn của tôi phụ trách giảng dạy.

Cuộc gặp gỡ với Giáo sư, Thiếu tướng - Giám đốc Học Viện Hoàng Minh Thảo kết thúc, tôi càng lo lắng về trách nhiệm nặng nề của mình, tôi nhớ đinh ninh lời căn dặn đầy ý nghĩa của đồng chí Giám đốc Học viện: Người thầy giáo phải là "Khuôn vàng thước ngọc". Bằng phương pháp ẩn dụ, so sánh thực tế của khuôn vàng, thước ngọc, nó bao hàm mọi phẩm chất người giảng viên Học viện Quân sự phải có một tư cách vững vàng, trách nhiệm.

Cuối tháng 11 năm 1964, Học viện Quân sự tổ chức lớp bổ túc ngắn ngày cho cán bộ quân sự địa phương toàn miền Bắc. Đối tượng học viên lớp này là các đồng chí tỉnh đội trưởng, tỉnh đội phó với tổng số có 61 đồng chí, trong đó có một số đồng chí vừa có cấp bậc quân hàm cao (trung tá, thượng tá) lại có bề dày kinh nghiệm công tác quân sự như đồng chí: Khuất Duy Tiến, Trịnh Tố Phan, Lê Thừa Giao... Tôi được khoa phân công giảng bài chống phá càn và tập bài tập kích của tiểu đoàn bộ đội địa phương tỉnh.

Tôi càng đi sâu nghiên cứu tài liệu lý luận và thực tiễn địch càn, ta chống càn và nghiên cứu kỹ đối tượng người học, tôi càng thấy lo lắng bởi vấn để chống phá càn là vấn đề lớn của chiến tranh du kích trong suốt thời kỳ chống thực dân Pháp và cuộc kháng chiến chống Mỹ hiện tại. Ở các địa phương, các đồng chí cũng có nhiều kinh nghiệm thực tế phong phú. Bản thân tôi mới giảng lần đầu nên sợ nắm chưa chắc được vấn đề. Đối tượng học viên nhiều đồng chí quân hàm chức vụ cao, tuổi đời hơn tôi, các đồng chí có nhiều kinh nghiệm hơn, tôi thật sự cảm thấy e ngại về đối tượng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #56 vào lúc: 24 Tháng Ba, 2016, 07:14:30 am »


Với thời gian hơn ba tháng chuẩn bị bài giảng lý luận và làm bài tập, do nhận thức được những khó khăn bước đầu nên tôi vừa ra sức đọc các tài liệu có liên quan đến nội dung bài; vừa tranh thủ lấy ý kiến đóng góp, giúp đỡ của các đồng chí đã giảng bài về chống phá càn. Chính vì vậy, bài giảng lý luận và bài tập của tôi được các đồng chí giáo viên Khoa Chiến tranh du kích thông qua và được Giám đốc Học viện Hoàng Minh Thảo phê duyệt. Các đồng chí đã đóng góp nhiều ý kiến về nội dung, phương pháp giảng nhằm đạt hiệu suất cao. Thấy tôi quá lo lắng, Giám đốc Học viện đã thân mật động viên: "Vạn sự khỏi đầu nan, cái gì cũng vậy, cứ giảng dạy đi rồi sẽ giảng dạy tốt, không ai làm tốt ngay được".

Đến ngày lên lớp, tuy bài được thông qua nhiều lần, thục luyện kỹ lưỡng, giáo án đã thuộc lòng mà giờ đầu tôi vẫn cảm thấy hồi hộp; có lúc hai chân cứ run cầm cập, may mà tôi cũng trấn tĩnh ngay được. Tiết thứ hai, thứ ba, tôi đã cảm thấy tự tin hơn, giọng nói mạch lạc hơn, tác phong mạnh dạn hơn, phong thái đàng hoàng hơn, không còn các động tác thừa nữa. Bình giảng xong, toàn lớp nêu nhận xét về giáo viên, về ưu điểm: tuy mới giảng lần đầu nhưng bài chuẩn bị tốt, nêu được âm mưu thủ đoạn của địch và nội dung phương pháp chống càn của ta. Về khuyết điểm: những dẫn chứng còn ít, phương pháp giảng chưa tốt, còn tỏ ra thiếu bình tĩnh... nhưng nhìn chung bài đạt yêu cầu. Trong giờ giảng, vì lo lắng truyền tải những điều cần phải làm trong giáo án tới các học viên một cách khoa học nhất nên tôi có lúc thấy vã mồ hôi. Nhưng khi lớp góp ý bài giảng đạt yêu cầu, mọi cảm giác lo lắng trong tôi cũng đã giảm bớt, thay vào đó lại thấy vui vẻ. Anh Võ Hắc Thông - Trưởng khoa động viên tinh thần tôi, anh nói: "Lần đầu tiên anh giảng thế là cố gắng lắm, lần sau có lẽ anh giảng sẽ tốt hơn, kết quả sẽ đạt cao hơn". Lớp học xong phần lý luận, chuyển sang phần thực hành bài tập. Đây mới là phần gay go và khó khăn. Vấn đề huấn luyện được đặt ra là: "Nổ súng tấn công để phối hợp tác chiến với chủ lực nhằm rèn luyện tính kỷ luật trong hiệp đồng chiến đấu chính quy". Tình huống cho là: trung đoàn chủ lực tập kích ở hai quả đồi lớn, đã chiếm lĩnh trận địa và cắt xong rào. Tiểu đoàn địa phương tập kích một đại đội địch ở một đồi nhỏ gần đó. Trên hướng thứ yếu cắt rào xong, hướng chủ yếu cắt xong ba hàng rào, còn hai hàng rào đang cắt dở, đã đến giờ (G) nổ súng. Với tình huống này, cả lớp quân sự địa phương 61 đồng chí, chỉ có một đồng chí Khuất Duy Tiến - Bí thư chi bộ lớp cho nổ súng. Còn 60 đồng chí không cho nổ súng, các đồng chí lập luận: Phương pháp tác chiến là bí mật luồn qua rào. Nay hướng chủ yếu cắt rào chưa xong, nổ súng thì thất bại. Có đồng chí còn tuyên bố gay gắt, "nổ súng mà tốn xương máu bộ đội, thà bị cách chức tỉnh đội trưởng còn hơn". Chúng tôi rất lo lắng nên báo cáo với Giáo sư, Viện trưởng Hoàng Minh Thảo, đồng chí bảo: "Cứ bình tĩnh, hôm tuyên bố đáp án, đồng chí sẽ trực tiếp giải đáp thắc mắc".

Hôm đó, sau khi tôi báo cáo một số phương án đáp án của Học viện xong, Giáo sư Hoàng Minh Thảo đã phân tích ý định huấn luyện là rèn luyện tính kỷ luật trong hợp đồng tác chiến chính quy và phương án đánh bao giờ cũng phải có dự kiến tình huống. Tình huống này cho nổ súng, dùng bộc phá liên tục là giải quyết được. Ai không nổ súng là sai. Cả lớp hoan hô nhất trí 100 phần trăm với đáp án của Học viện.

Tôi cảm ơn Viện trưởng đã giải quyết cho giáo viên một tình huống gay gắt. Lúc này, lòng tôi mới khỏi lo, tôi cảm hứng ghi vào nhật ký của tôi một bài thơ ngắn:

"Khổ nguôi chi mấy những bậc thầy
Đánh thì chẳng giỏi, nói chẳng hay
Khuôn vàng, thước ngọc ai xếp đặt
Gắng công mài sắt ắt có ngày
".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #57 vào lúc: 24 Tháng Ba, 2016, 07:15:26 am »


Từ năm 1965 trở đi, chiến tranh ngày càng mở rộng, quân đội ngày càng phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Do vậy, đội ngũ giáo viên quân sự cũng phải phát triển để theo kịp yêu cầu giảng dạy. Vì phát triển quá nhanh, củng cố nâng cao trình độ không theo kịp, nên trình độ giáo viên bộc lộ mặt yếu của mình. Trong các học viện, nhà trường học viên về học, có nhiều đồng chí được rèn luyện thử thách trên chiến trường nên các đồng chí có nhiều kinh nghiệm chiến đấu. Họ nảy sinh nhiều thắc mắc, có anh em nói: về trường học để xem "Cò gỗ mổ cò thật". Với câu nói chứa đầy hình ảnh ví von so sánh này làm cho đội ngũ giáo viên quân sự chúng tôi phải suy nghĩ trăn trở. Mình phải rèn luyện phấn đấu, học tập để nâng cao trình độ lên nhanh sao cho kịp với yêu cầu giảng dạy, đáp ứng sự đòi hỏi chính đáng của học viên. Thầy phải ra thầy, thầy phải là "Khuôn vàng, thước ngọc" như phương hướng đào tạo bồi dưỡng giáo viên của Học viện một nhà trường cao nhất của toàn quân.

Trong lúc này, tôi được phân công giảng dạy bài xây dựng căn cứ du kích, một vấn đề chiến lược quan trọng của chiến tranh du kích. Tôi đã rút kinh nghiệm ở bài chống địch càn quét, với khuyết điểm lớn là thiếu thực tiễn nên giảng dạy còn khô khan, tính thuyết phục chưa cao. Để khắc phục khuyết điểm trên, tôi đã khắc phục bằng phương châm: "Có công mài sắt, có ngày nên kim". Tôi tích cực, kiên trì sưu tầm, gom góp thu thập những kinh nghiệm thực tế. Ý định của tôi là xây dựng thành một bản phụ lục về thực tiễn một số loại hình: khu du kích, căn cứ du kích ở các vùng khác nhau để chứng minh làm phong phú thêm cho bài giảng lý luận. Ý tưởng này của tôi được đồng chí Võ Hắc Thông, Trưởng khoa Chiến tranh du kích nhiệt tình ủng hộ, anh đã khuyến khích động viên tôi làm điều đó.

Những căn cứ du kích nhỏ nằm sâu trong vùng địch kiểm soát gọi là lõm du kích, ở đó, ta phát động quần chúng, xây dựng cơ sở chính trị, du kích mật trong phạm vi hẹp từng thôn, xóm, tạo ra chỗ dựa vững chắc để cán bộ hoạt động. Và làm bàn đạp cho bộ đội du kích đánh sâu, đánh hiểm vào mục tiêu quan trọng của địch, vào ngay trong sào huyệt của chúng, như ở Hòa Nghĩa, Kiến Thụy giúp ta đánh sân bay Cát Bi, Kiến An, cơ sở Tân Viên, An Lão giúp ta đánh vào thị xã Kiến An.

Có những khu du kích mà ở đó lực lượng chiến đấu của ta phải tranh chấp quyết liệt với địch. Đó là nơi mà lực lượng của ta chưa đủ sức đánh bại địch và phía địch cũng không có đủ sức để trục được lực lượng của ta để làm chủ địa bàn.

Hình thái chiến trường còn diễn biến phức tạp, có khi hôm nay là vùng du kích, chỉ sau cuộc càn quét lớn của địch ngày mai có thể trở thành vùng địch tạm thời kiểm soát như một số khu du kích ở Tiên Lãng, ở Vĩnh Bảo trong những năm 1951 đến năm 1952.

Còn những căn cứ du kích lớn mà ở đó lực lượng ta lớn mạnh về mọi mặt, hầu hết đồn bốt giặc đã bị phá hết. Các cuộc càn nhỏ, càn vừa của địch thường bị lực lượng du kích và bộ đội địa phương đánh bại, như khu căn cứ du kích Tiên - Duyên - Hưng của tỉnh Thái Bình.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #58 vào lúc: 24 Tháng Ba, 2016, 07:16:54 am »


Một số khu du kích, căn cứ du kích ở vùng rừng núi như căn cứ Ba Sơn (Cao Lộc), Chi Lăng (Lộc Bình), Na Thuộc (Đình Lập) của tỉnh Lạng Sơn... Dựa vào xây dựng căn cứ địa thời kỳ tiền khởi nghĩa, ngay từ đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, Tỉnh ủy Lạng Sơn rất chú trọng chỉ đạo các vùng tranh chấp cũng như vùng bị địch kiểm soát, dựa vào thế địa hình hiểm trở của thiên nhiên như núi cao, rừng rậm, khe sâu và lòng dân yêu nước để xây dựng thành vùng kháng chiến, khu du kích, căn cứ du kích. Đến tháng 10 năm 1948 toàn tỉnh đã có 128 vùng kháng chiến và căn cứ du kích1.

Căn cứ Chi Lăng (Lộc Bình) thuộc xã Vĩnh Gia, xã Tam Lông và một phần xã Tú Minh, nằm sát biên giới Quảng Tây, Trung Quốc. Dân số khoảng 2.500 người thuộc dân tộc Tày, Nùng. Đây là một căn cứ tiêu biểu. Ở đây, lòng dân căm thù thực dân Pháp xâm lược rất sâu sắc. Với quyết tâm cao, họ uống máu ăn thề cùng nhau đoàn kết chiến đấu đến cùng để bảo vệ căn cứ, bảo vệ quê hương, họ thề sẽ không bao giờ đầu hàng địch. Với 150 thanh niên Tày, Nùng xung phong vào du kích, họ thành lập ba trung đội. Huyện điều đi bổ sung cho đơn vị tuyến trên một số người nên chỉ còn lại bốn mươi du kích với hai mươi tay súng. Quần chúng nhân dân lại động viên 300 thanh niên vào du kích được trang bị hàng trăm súng các loại. Thế trận được xây dựng vững chắc, có bảy pháo đài đặt trên núi cao, có hầm ba tầng đào sâu trong lòng đất. Ta dựa vào thế đó tập kích, phục kích địch trên đường số 4 và đã đánh bại hàng trăm cuộc càn quét của địch, làm cho chúng không thể xâm phạm vào căn cứ của ta. Trận cuối cùng tên Vike - chỉ huy trưởng liên khu biên thùy Đông Bắc quyết chí đánh vào căn cứ Chi Lăng. Ngày 28 tháng 8 năm 1948, chúng tập trung hai nghìn tên lính, chúng đánh từ bảy giờ sáng đến sáu giờ tối. Địch không những không phá được căn cứ mà 158 tên địch phải đền mạng, trong đó có một tên quan hai và một tên quan ba.

Để có được một số mô hình về khu du kích, căn cứ du kích trên, tôi phải vắt óc nhớ lại những hình ảnh của các khu du kích mà tôi được chứng kiến ở Kiến An, ở Thái Bình trong kháng chiến chống Pháp, đồng thời tôi phải mất thời gian ba tháng trời liên tục đi thâm nhập cơ sở vùng đồng bào dân tộc Tày - Nùng, ở khu căn cứ du kích xưa, ăn củ mài, sắn, rau rừng với chút thịt nai, da bò mà người dân tộc đã treo trên gác bếp hàng năm trời để cho đồng cảm với đồng bào dân tộc, tạo thuận lợi cho tôi khai thác những kinh nghiệm thực tế xây dựng và chiến đấu dũng cảm của quân ta tiêu diệt giặc để bảo vệ căn cứ du kích Chi Lăng nổi tiếng những năm xa xưa.

Khác với lần lên lớp và tập bài chống càn quét, lần lên lớp bài xây dựng căn cứ du kích này cho lớp quân sự địa phương và các lớp sư đoàn chủ lực, tôi tự tin hơn, giảng giải mạch lạc, lưu loát hơn, quyện chặt được giữa nguyên tắc lý luận và thực tiễn. Khi bình giảng, anh em học viên đánh giá kết quả bài giảng tốt, lý luận, nguyên tắc chặt chẽ, có nhiều thực tiễn sinh động. Lời khen ngợi này là một nguồn cổ vũ lớn đối với những người giáo viên chúng tôi.
________________________________
1. Báo cáo năm 1948 của Tỉnh đội dân quân Lạng Sơn - HS lưu trữ Ủy ban tỉnh Lạng Sơn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #59 vào lúc: 24 Tháng Ba, 2016, 07:17:31 am »


Từ đầu năm 1966, đế quốc Mỹ leo thang mạnh chiến tranh phá hoại miền Bắc xã hội chủ nghĩa chủ yếu bằng không quân và hải quân. Đế quốc Mỹ tập trung đánh phá những mục tiêu trọng điểm như hệ thống kho xăng dầu, sân bay, hải cảng, trận địa phòng không, hệ thống cầu cống, đường giao thông. Có nơi Mỹ đánh vào cả trường học, khu dân cư, nhà thờ, bệnh viện... Bởi vậy, công tác phòng không nhân dân trở thành nhiệm vụ trung tâm số một của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân. Để tập trung đầu mối cơ quan tham mưu chiến lược, Bộ Quốc phòng quyết định: giải thể Cục Phòng không nhân dân trực thuộc Bộ Quốc phòng, chuyển nhiệm vụ theo dõi giúp Bộ chỉ đạo công tác phòng không nhân dân về Cục Dân quân tự vệ trực thuộc Bộ Tổng tham mưu. Khoa Chiến tranh du kích của Học viện Quân sự Trung cao cấp của Bộ Quốc phòng có nhiệm vụ giảng dạy về phòng không nhân dân bao gồm cả đánh máy bay tầm thấp và phòng tránh sơ tán, khắc phục hậu quả, bảo đảm giao thông. Phần này các lớp quân sự địa phương và các lớp sư đoàn chủ lực phải học tập.

Bộ phận chiến lược của Khoa Chiến tranh du kích có trách nhiệm giảng dạy môn khoa học quân sự này. Đây là vấn đề có nội dung hoàn toàn mới và khó đối với chúng tôi. Vì trong tay chúng tôi không có một tài liệu lý luận, cũng chưa có thực tiễn, bởi cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ chủ yếu bằng không quân và hải quân vừa mới xảy ra chưa đầy một năm (từ tháng 7 năm 1965 đến tháng 1 năm 1966) và chủ yếu mới diễn ra trên tuyến lửa Quân khu 4 từ Thanh Hoá vào đến Vĩnh Linh. Do đó, chúng tôi đề nghị Học viện cho bộ phận giáo viên Khoa Chiến tranh du kích đi thực tế tuyến lửa Quân khu 4 để tìm hiểu tình hình thực tế, xây dựng thành tài liệu lý luận, lấy nguyên tắc thống nhất giữa thực tiễn và lý luận để giảng dạy.

Được sự đồng ý nhất trí của Học viện, bộ phận giáo viên giảng dạy Khoa Chiến tranh du kích quyết định cử ba đồng chí gồm tôi, đồng chí Võ Đông và đồng chí Nguyễn Nghi đi thực tế ở Quân khu 4 trong ba tháng từ tháng 3 đến tháng 5 năm 1966. Đầu tháng 3 năm 1966, ba anh em chúng tôi mỗi người một xe đạp được sơn lại màu xanh, một ba lô, một tấm vải dù hoá trang, một bao gạo ăn được mười ngày và một số tem phiếu mua gạo trong ba tháng. Đoàn chúng tôi xuất phát từ khu sơ tán của Học viện ở chân núi Tam Đảo về Hà Nội theo đường số 1, đến Sở chỉ huy Quân khu 4 ở phía tây thành phố Vinh xin giấy giới thiệu. Sau đó, ba chúng tôi đạp xe đi Quảng Bình với quãng đường trên năm trăm kilômét. Vào thời điểm này, địch đang ra sức đánh phá tuyến đường số 1 và tuyến đường sắt rất ác liệt để hòng ngăn chặn quân dân ta hành quân vào chiến trường miền Nam hoặc vận chuyển vũ khí, lương thực, thuốc men phục vụ cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ. Chúng đánh ác liệt nhất vào các điểm quan trọng như ga Hà Nội, cầu Hàm Rồng, cầu Giáp thành phố Vinh, Đèo Ngang, đò Quán Hầu, đò Giành thị xã Đồng Hới... Và còn nhiều điểm khác nữa mà giặc Mỹ vẫn ngày đêm điên cuồng bắn phá bằng bom đạn, bom tấn, rổc két và tên lửa.

Để vượt qua các trọng điểm trên, chúng tôi phải đi ban đêm hoặc giữa trưa vì thời gian đó giặc Mỹ ít hoạt động hơn. Đoàn chúng tôi xác định nhiệm vụ nghiên cứu về phòng không nhân dân nên trên đường đi qua những điểm địch bắn phá ác liệt cũng là những nội dung cần phải nghiên cứu.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM