Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 07:47:37 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Khát vọng đồng bằng  (Đọc 34077 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #40 vào lúc: 22 Tháng Ba, 2016, 03:52:55 pm »


Trên cơ sở phương án tác chiến của tiểu đoàn, Huyện đội Vĩnh Bảo tăng cường cho tiểu đoàn một trung đội bộ đội huyện, một trung đội du kích xã Cao Minh và hai trăm dân công của các xã Cao Minh, Cộng Hiền, Tiền Phong phục vụ trận đánh.

Trận công kiên của bộ đội chủ lực diễn ra vô cùng quyết liệt, ta dùng bộc phá liên tục, có hỏa lực áp đảo nên đã mở được hai cửa. Ta đưa bộc phá vào đánh sập lô cốt chính ở trên đê. Tiếng súng chống trả của địch dần dần im bặt. Đồn giặc đã bị tiêu diệt hoàn toàn. Ta tiêu diệt được hai mươi tên địch, bắt năm mươi tên, thu toàn bộ vũ khí và chiến lợi phẩm. Bọn địch ngoan cố chống trả nên phía ta cũng phải trả giá quá đắt cho cuộc chiến này với gần ba mươi đồng chí bộ đội và du kích bị thương vong.

Trong trận công kiên đồn Hội Am, tuy bản thân tôi góp phần vào chiến thắng chẳng đáng là bao nhưng nó thật có ý nghĩa sâu sắc biết chừng nào. Tôi vừa làm nhiệm vụ của anh Bộ đội Cụ Hồ vừa làm nghĩa vụ của người con quê hương đánh địch để giải phóng quê hương, giải thoát cho bà con nhân dân quê mình khỏi sự kìm kẹp của quân địch.

Tôi rất vui mừng phấn khởi, hả lòng hả dạ vì đã tiêu diệt được bọn phản động gian ác và ngoan cố. Chính bọn này đã "cõng rắn cắn gà nhà", ôm chân bọn đế quốc Pháp, làm tay sai đắc lực cho chúng để giày xéo lên mồ mả tổ tiên của chính mình. Chính bọn này đã bắt và tra tấn cha tôi thành thương tật. Chính bọn này đã làm cho bao đồng đội của tôi hy sinh. Càng suy nghĩ, tôi càng thấy mình tự hào vì đã làm được một việc là "trả thù nhà, đền nợ nước" mà bấy lâu nay canh cánh trong lòng tôi, tiếp nối truyền thống của cha ông ta ngày xưa.

Theo kế hoạch tác chiến của Bộ Tổng tư lệnh Việt Nam, một kế hoạch rộng lớn cho cả chiến trường Đông Dương nhưng chủ yếu vẫn là ở Việt Nam. Trong kế hoạch đánh chiếm nốt Lai Châu để giải phóng hoàn toàn Tây Bắc và đề nghị với quân giải phóng Lào "mở cuộc tiến công vào hướng Trung Lào, tiêu diệt sinh lực địch, mở rộng vùng giải phóng"; bộ đội chủ lực của ta bắt đầu tiến quân lên vùng Tây Bắc Tổ quốc, một bộ phận tiến công vào miền Trung Lào, Tây Nguyên, Thượng Lào và Hạ Lào tạo thành một thế trận tiến công uy hiếp địch trên toàn chiến trường Đông Dương.

Ngày 20 tháng 11 năm 1953, sau khi biết được tin này, tướng Nava quyết định cho quân nhảy dù xuống đánh chiếm Điện Biên Phủ và xây dựng ở đây một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương với 16.200 tên lính tinh nhuệ và nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại. Chúng cho rằng "đó là một tập đoàn bất khả xâm phạm" trên bán đảo Đông Dương, hòng tấn công và chiếm trọn vùng Tây Bắc của ta. Ngày 6 tháng 12 năm 1953, Bộ Chính trị họp nghe Tổng Quân ủy báo cáo quyết tâm, quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam được chỉ định trực tiếp làm Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trong lúc quân dân ta đang ra sức ráo riết chuẩn bị sức người sức của cho chiến dịch Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra chỉ thị: "Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng, không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với cả quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân và toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #41 vào lúc: 22 Tháng Ba, 2016, 03:53:33 pm »


Nhằm thực hiện nhiệm vụ phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ, ngày 10 tháng 11 năm 1953, Tỉnh ủy Kiến An đã họp đề ra chủ trương: "Tích cực hoạt động mạnh, tiêu diệt thật nhiều sinh lực địch, mở rộng khu du kích phía nam Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, kiên quyết phá tan âm mưu bình định Tiên Lãng của địch. Hạn chế mọi hoạt động của chúng trên địa bàn Vĩnh Bảo, bao vây tạo điều kiện diệt vị trí Đông Xuyên ở Tiên Lãng, đồn địch ở Nam Am, Vĩnh Bảo, bao vây nhốt địch trong các vị trí khác trên địa bàn căn cứ du kích Vĩnh Bảo, Tiên Lãng... tạo thời cơ tiêu diệt chúng".

Để thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy Kiến An, tôi và đồng chí Lương (tức Phát) - Bí thư huyện ủy, chính trị viên huyện đội họp bàn dự kiến kế hoạch đợt hoạt động mạnh phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ.

Yêu cầu chung là tấn công địch toàn diện, mạnh mẽ cả về quân sự, chính trị và binh vận (gọi là ba mũi giáp công). Phát động phong trào nhốt địch trong tất cả các bốt, phát triển phong trào "Sờ vị trí địch", gỡ mìn và phá hàng rào địch. Trọng điểm là bao vây, đánh lấn, bức rút, bức hàng hoặc tạo điều kiện cho bộ đội tiêu diệt đồn Nam Am, Chùa Tam; vây đồn kết hợp với diệt viện binh của địch trên đường 10 và đường 17. Phát động rộng rãi phong trào tiến công bằng địch vận, đưa quần chúng ta đi sâu vào các gia đình binh sĩ ngụy để động viên họ, phân tích về đường lối kháng chiến, chính sách khoan hồng của Chính phủ ta nhằm giúp họ kêu gọi con em trở về với quê hương, với đồng bào, với kháng chiến làm cho hàng ngũ địch hoang mang, tan rã.

Về lực lượng, chúng tôi nhất trí sử dụng lực lượng du kích các xã luân phiên tiến lên phía trước bao vây tất cả các đồn địch (gần 9 đồn bốt), sử dụng Đại đội 112 chủ lực của huyện, Đại đội 331 của tỉnh đóng trên địa bàn huyện làm lực lượng tập trung cơ động đánh địch phản kích, ứng cứu, sử dụng lực lượng chính trị binh vận làm công tác vận động binh lính địch hạ vũ khí đầu hàng về với cách mạng.

Ban chỉ đạo chỉ huy toàn huyện được thành lập, do đồng chí Lương - Bí thư huyện ủy làm trưởng ban. Tôi - Huyện đội trưởng làm phó ban và đồng chí Quang, Đại đội trưởng 331 làm phó ban. Hai chúng tôi phụ trách mặt quân sự. Đồng chí Chỉnh - Chủ tịch Ủy ban kháng chiến huyện làm phó ban phụ trách đảm bảo hậu cần. Các đồng chí thường vụ phụ trách dân vận, tuyên giáo, măt trận... làm ủy viên phụ trách công tác tuyên truyền và binh vận. Mỗi một khu vực: Nam Am, Đông Tạ, Chanh Chử thành lập một ban chỉ đạo khu vực do đồng chí huyện ủy viên phụ trách khu làm trưởng ban, các đồng chí bí thư chi bộ, xã đội trưởng trong khu làm ủy viên. Tất cả đều nhằm mục đích thống nhất trong các mặt kết hợp hoạt động, tạo nên sức mạnh tổng hợp đánh địch giành thắng lợi.

Đồng chí Lương là một bí thư huyện ủy nhiều năm ở các huyện An Lão, Kiến Thụy. Ở vùng địch tạm chiếm, đồng chí có nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong chỉ đạo đấu tranh đánh địch, có nhiều ý kiến sâu sắc không những về đấu tranh chính trị mà còn cả về chiến thuật tác chiến đánh địch. Kế hoạch đợt hoạt động mạnh của chúng tôi được các đồng chí thường vụ nhất trí cao, thông qua nhanh chóng. Tôi tổ chức bộ phận cán bộ đi trinh sát thực địa trên địa bàn cả ba khu vực: Nam Am, Đông Tạ, Chanh Chử. Những cán bộ đi trinh sát thực địa bao gồm tôi - Huyện đội trưởng, Đại đội trưởng 112; đồng chí Quang - Đại đội phó và đồng chí Khánh - Trưởng ban quân báo, đồng chí Trà và tổ quân báo của huyện đội.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #42 vào lúc: 22 Tháng Ba, 2016, 03:54:30 pm »


Tình hình cuộc chiến tranh, trên các chiến trường đang thực hiện các hoạt động mạnh phối hợp với chiến dịch Điện Biên Phủ trên địa bàn Hải - Kiến. Các đơn vị chủ lực đã hiệp đồng chặt chẽ, vận dụng cách đánh sáng tạo đạt hiệu suất chiến đấu cao rất đáng khích lệ.

Đêm 4 tháng 1 năm 1954, lực lượng vũ trang Kiến An kết hợp với dân quân du kích tập kích bốt địch ở Đông Xuyên Ngoại, tiêu diệt nhiều tên địch. Sáng hôm sau bộ đội tỉnh đã chặn đánh địch hành quân trên các đường giao thông thủy bộ. Các đồng chí đã phục kích hai bên bờ đê, đoạn đò câu trên sông Thái Bình đánh đắm một tàu chiến LCT của địch, tiêu diệt 300 tên lính Âu - Phi. Đêm ngày 31 rạng sáng 1 tháng 2 năm 1954, bộ đội chủ lực tỉnh lại mở trận tập kích sân bay Đồ Sơn của địch, phá sở chỉ huy, phá hủy năm máy bay địch, đốt cháy năm triệu lít xăng và rút được nhiều kinh nghiệm cho trận đánh sắp tới.

Đêm 6 rạng ngày 7 tháng 3 năm 1954, bộ đội chủ lực tỉnh gồm 32 cán bộ, chiến sĩ với chiến thuật dũng cảm, mưu trí, bất ngờ tập kích sân bay Cát Bi - Hải Phòng, phá hủy 59 máy bay địch, phá một phần phương tiện chiến tranh của địch, diệt sáu lính Âu - Phi. Bom đạn trong máy bay và trong kho bị nổ tung, lửa cháy suốt bảy giờ liền, khói đen ngút trời ngày càng bốc cao như một biển lửa.

Chiến thắng lớn của quân dân Kiến An, Hải Phòng gây cho bọn thực dân Pháp một tổn thất nặng nề. Đường hàng không của chúng đi từ Kiến An, Hải Phòng lên Điện Biên Phủ bị cắt đứt. Địch rất hoang mang lo sợ. Những chiến thắng liên tiếp của quân dân Hải - Kiến làm cho nhân dân hai tỉnh nói riêng và nhân dân cả nước nói chung vô cùng phấn khởi. Chiến thắng sân bay Cát Bi còn làm chấn động thế giới.

Những chiến thắng vang dội của bộ đội tỉnh Kiến An đã đánh hiểm sâu vào ngay trong sào huyệt của địch, cổ vũ mạnh mẽ quân dân Vĩnh Bảo, vùng căn cứ hậu phương vững chắc của tỉnh. Chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua bao vây nhốt chặt địch trong vị trí và cơ động đánh địch ngoài vị trí.

Đầu tháng 5 năm 1954, Đại đội 112 và du kích đã phối hợp với bộ đội chủ lực khu mở trận tập kích bất ngờ vào quân địch tạm trú ở Trại Chiều, diệt gọn hai đại đội địch, đập tan kế hoạch "giải tỏa Chùa Tam và đồn Nam Am" mà đây là hai cơ sở địch đang bị ta bao vây. Sau đó, hai ngày liền địch dùng máy bay điên cuồng bắn phá, thả bom bừa bãi xuống một số thôn, xã thuộc Khu 1 Vĩnh Bảo, bất chấp cả nhà thờ công giáo Tiêu Am, làm chết hơn một trăm giáo dân, gần ba phần tư làng bị phá hủy tạo nên cảnh hoang tàn đổ nát, ảm đạm, chết chóc một cách thê thảm cho nhân dân.

Đúng 00 giờ ngày 7 tháng 5 năm 1954, toàn quân và dân ta đã tổng tiến công tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, một cứ điểm từng được mệnh danh là "bất khả xâm phạm", tiêu diệt và bắt 16.000 tên địch, tịch thu mọi phương tiện chiến tranh của địch. Chiến thắng to lớn Đông Xuân năm 1953-1954, nhất là chiến thắng Điện Biên Phủ, "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" đã giáng một đòn quyết định vào ý chí xâm lược của thực dân Pháp, xoay chuyển cục diện chiến tranh, đập tan "kế hoạch Nava" một cố gắng cuối cùng của thực dân Pháp và bọn can thiệp Mỹ buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ, công nhận Việt Nam là một nước độc lập có chủ quyền, nước ta tạm thời chia làm hai miền, quân Pháp phải rút khỏi hoàn toàn miền Bắc và sau hai năm sẽ tiến hành tổng tuyển cử.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #43 vào lúc: 22 Tháng Ba, 2016, 03:55:38 pm »


Trong không khí phấn khởi chào mừng thắng lợi vang dội ở Điện Biên Phủ, Huyện ủy Vĩnh Bảo chủ trương chỉ đạo dân quân du kích siết chặt vòng vây quân địch ở các vị trí, cùng bộ đội cơ động tiêu diệt viện binh địch, đẩy mạnh công tác địch vận nhằm làm tan rã hàng ngũ địch.

Trong vòng 62 ngày đêm, từ ngày 4 tháng 4 đến ngày 6 tháng 6 năm 1954, du kích xã Cao Minh phối hợp với du kích xã Liên Am tiến hành vây chặt, lấn sâu, huy động được 5.000 dân công đào 3.500 mét chiến hào từ hai đầu thôn Liễu Điện, Tây Am qua bốn lớp hàng rào vào sát tường đồn Chùa Tam về phía đông và phía nam. Hàng trăm lượt du kích bí mật gỡ được 150 quả mìn, đánh bại nhiều đợt phản kích, tiêu diệt 45 tên địch. Lực lượng du kích đã triệt phá cắt nguồn nước, cắt tiếp tế đường bộ và đường hàng không của chúng, bắn rơi nhiều máy bay địch. Ta đã thu được 80 dù hàng tiếp tế gây cho địch ngày càng khốn đốn hơn.

Sáng ngày 6 tháng 6, địch đã huy động ba tiểu đoàn cơ động đến giải vây, bảo vệ cho bọn lính đồn Chùa Tam rút chạy. Đây là trận vây lấn điển hình của chiến tranh du kích Kiến An.

Từ ngày 9 đến ngày 17 tháng 7 năm 1954, Đại đội 112 cùng với du kích kết hợp siết chặt vòng vây bốt cầu Nghìn, bốt Đông Tạ, bốt Mai Sơn, bốt cầu Mục. Ngày 15 tháng 7 năm 1954, quân địch ở bốt Ninh Giang dùng ca nô chuyển quân trên sông Hóa xuống tiếp tế cho địch ở bốt Cầu Nghìn bị bộ đội ta phục kích, diệt được 4 ca nô.

Ngày 17 tháng 7 năm 1954, địch cho một tiểu đoàn từ Ninh Giang về cầu Nghìn theo đường 10 về giải vây cho bốt Mai Sơn, bốt Đông Tạ... đã lọt vào trận phục kích của ta do bộ đội Tiểu đoàn 204 và Đại đội 112 cùng du kích phục kích, diệt 192 tên địch, làm bị thương 12 tên, bắt 13 tên và 20 tên ra hàng.

Ngày 20 tháng 7 năm 1954, Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở ba nước Đông Dương được ký kết. Lần đầu trên thế giới, một hiệp định quốc tế với sự tham gia của các nước lớn công nhận một nước thuộc địa có các quyền dân tộc cơ bản là độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ và quyền dân tộc tự quyết. Hiệp định Giơnevơ là cơ sở pháp lý quan trọng để nhân dân ta tiến lên đấu tranh giải phóng và thống nhất đất nước.

Ngày 22 tháng 7 năm 1954, Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam tuyên bố ngừng bắn trên cả nước. Trước giờ phút ngừng bắn đêm ngày 21 tháng 7 năm 1954, bộ đội và du kích huyện Vĩnh Bảo vẫn tiếp tục đánh địch với tinh thần quyết chiến quyết thắng. Một tiểu đội của Trung đội 2 Đại đội 112 cùng du kích bao vây đồn Mai Sơn đã tiêu diệt được một tiểu đội địch ra phản kích, phía ta hy sinh hai đồng chí. Sáng ngày 22 tháng 7 năm 1954, chúng tôi và hàng trăm người dân xã Vinh Quang làm lễ truy điệu tổ chức an táng cho hai liệt sĩ. Lễ truy điệu diễn ra long trọng, đặc biệt tất cả mọi người đều khóc thương cho người liệt sĩ đã hy sinh anh dũng trước giờ phút chiến thắng ngay trên mảnh đất đã nuôi dưỡng các anh trở thành những người chiến sĩ dũng cảm, kiên cường chiến đấu bảo vệ nền độc lập và giải phóng quê hương đất nước.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #44 vào lúc: 22 Tháng Ba, 2016, 03:56:11 pm »


Những thắng lợi dồn dập trên các chiến trường trong cả nước và chiến thắng trực tiếp ngay tại địa phương đã tạo điều kiện cho mũi tiến công địch vận giành thắng lợi liên tiếp. Tại đồn địch Chùa Tam, chúng ta đã dùng binh vận, dùng loa kêu gọi binh lính hạ vũ khí đầu hàng, rải truyền đơn phân tích chính sách khoan hồng của ta, kêu gọi mọi người trở về đoàn tụ với gia đình. Chúng ta đã cử các cụ già vào đồn vận động làm cho anh em hạ sĩ quan trong đồn tháo quân tư trang trả lại đồn trưởng trở về với gia đình.

Ngay từ tháng 3 năm 1954, các tổ địch vận ở xã Thắng Thủy đã vận động được 300 người trong các gia đình binh sĩ kéo lên đồn Chanh Chử, đồn Hà Phương để vận động chồng con bỏ hàng ngũ địch trở về với gia đình, với quê hương làng xóm. Nhân dân xã Hiệp Hòa kéo lên đòi trả chồng con. Lúc đầu địch bắt một số người nhưng dân chúng mỗi lúc kéo lên đông hơn, tinh thần đấu tranh ngày càng mạnh mẽ buộc địch phải thả những người bị bắt. Nhân cơ hội đó, 60 tên lính đã rời bỏ hàng ngũ địch trở về với gia đình.

Khi có lệnh ngừng bắn, nhân dân trong huyện Vĩnh Bảo đã có nhiều hình thức vận động binh lính địch. Ngày 26 và 27 tháng 7, hàng trăm binh sĩ rời bỏ hàng ngũ địch một cách công khai trở về với gia đình. Bọn sĩ quan bất lực không thể nào ngăn nổi.

Ngày 16 tháng 8 năm 1954, địch rút khỏi bốt Đông Tạ và các đồn bốt còn lại trên địa bàn Vĩnh Bảo. Huyện đội chúng tôi tổ chức tiếp quản huyện lỵ; huy động dân quân du kích dò, gỡ mìn, động viên dân quân và nhân dân san bằng đồn Đông Tạ. Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta chiến đấu gian khổ, anh dũng hy sinh để giải phóng quê hương giải phóng đất nước, bảo vệ nền độc lập dân tộc. Nhân dân trong toàn huyện Vĩnh Bảo với tinh thần phấn khởi tự hào đi dự lễ mít tinh mà Huyện ủy, Ủy ban kháng chiến huyện Vĩnh Bảo tổ chức chào mừng cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp giành thắng lợi huy hoàng của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam. Chiến thắng oanh liệt Điện Biên Phủ có ý nghĩa hết sức to lớn buộc thực dân Pháp, bọn can thiệp Mỹ phải ký Hiệp định Giơnevơ công nhận nền độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam, Lào và Campuchia. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã mở ra thời kỳ lịch sử mới cho cách mạng, cho dân tộc Việt Nam, đó là cuộc cách mạng xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh với bọn tay sai và đế quốc Mỹ để giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Trong cuộc mít tinh chào mừng, huyện ủy cũng nêu ra nhiệm vụ mới, phát động phong trào toàn dân thực hiện: "Ra sức khắc phục bom đạn địch, khai hoang phục hồi, phát triển sản xuất, từng bước cải thiện đời sống nhân dân". Từ đây, lực lượng vũ trang Vĩnh Bảo lại phải bước vào cuộc chiến đấu mới: chống bọn địch cưỡng bức giáo dân di cư vào miền Nam, chống bọn phản động phá hoại để bảo vệ cuộc sống yên bình của nhân dân. Đây là cuộc chiến đấu cũng không kém phần gian khổ, khó khăn và phức tạp.

Về phía mình, tôi chuyển sang quân đội chưa đầy ba năm (từ ngày 20 tháng 2 năm 1952 đến tháng 7 năm 1954) nhưng với cương vị công tác được giao, tôi luôn tích cực tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương; luôn nghiên cứu, rút kinh nghiệm trong sự lãnh đạo của mình trong cao trào chiến tranh du kích trên địa bàn huyện Vĩnh Bảo cùng Ban chỉ huy Huyện đội và Ban chỉ huy Đại đội 112 thực hiện một số trận đánh độc lập, phối hợp với bộ đội chủ lực góp phần nhỏ bé của mình vào chiến công to lớn của quân dân Vĩnh Bảo anh hùng. Qua đó, tôi đã có thêm nhiều kinh nghiệm quý báu dù thành công hay chưa thành công, thậm chí cả tổn thất thương vong. Những kinh nghiệm đó giúp tôi thêm cơ sở thực tiễn để tiếp tục tu dưỡng, rèn luyện trên những chặng đường tiếp theo, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ mà Đảng và quân đội giao phó.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #45 vào lúc: 23 Tháng Ba, 2016, 11:30:37 am »


*
* *

Với việc ký kết Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương bắt đầu có hiệu lực thi hành. Tiếng súng ngừng nổ ngày 27 tháng 7 năm 1954 ở Bắc Bộ, ngày 1 tháng 8 ở miền Trung và ngày 11 tháng 8 ở Nam Bộ. Nước ta bước vào giai đoạn mới: miền Bắc hoàn toàn giải phóng sống dưới chế độ dân chủ nhân dân, miền Nam còn nằm dưới chế độ độc tài của Ngô Đình Diệm, tay sai của đế quốc Mỹ. Sông Bến Hải là giới tuyến tạm thời phân chia giữa hai miền.

Trong giai đoạn cách mạng mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả nước ta có hai nhiệm vu chiến lược cách mạng: Một là, xây dựng và bảo vệ miền Bắc vững mạnh làm hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh cách mạng miền Nam. Hai là, đấu tranh chính trị, đòi hiệp thương tổng tuyển cử, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.

Nhiệm vụ xây dựng miền Bắc cực kỳ quan trọng bởi những điều kiện khó khăn vô cùng gay go đang chồng chất lên nỗi lo của Đảng, Chính phủ và nhân dân cả nước. Toàn miền Bắc đang dấy lên phong trào thi đua cải tạo xây dựng xã hội chủ nghĩa, khôi phục kinh tế, đẩy mạnh sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân đi đôi với giảm tô, tiến hành cuộc cách mạng dân chủ nhân dân, cải cách ruộng đất ở nông thôn, cải tạo tư sản ở thành thị, xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng.

Thực hiện các nghị quyết của Đảng, quân đội lại cùng với nhân dân cả nước bắt tay vào công cuộc phục hồi kinh tế ở miền Bắc, cử các đồng chí cán bộ tham gia vào cuộc cách mạng cải cách ruộng đất, đánh đổ giai cấp địa chủ, cải tạo giai cấp tư sản... Trong niềm vinh dự đó, tôi thật tự hào cùng các đồng chí cán bộ Tỉnh đội Kiến An được cấp trên tín nhiệm cử đi tham gia giảm tô của đoàn bảy ở ba huyện Tiên - Duyên - Hưng tỉnh Thái Bình, khu Tả Ngạn sông Hồng. Đây vốn là khu căn cứ du kích mạnh, nổi tiếng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Đầu tháng 7 năm 1954, tôi bàn giao nhiệm vụ cho đồng chí Trà, thay tôi làm huyện đội trưởng. Tôi chào tạm biệt một số cơ quan chủ yếu trong huyện: Huyện ủy ủy ban, Mặt trận, Phụ nữ, Thanh niên... Và được nghỉ phép một tuần. Những ngày nghỉ phép ít ỏi đó là thời gian vô cùng đáng quý với tôi. Lòng tôi cảm thấy nhẹ nhàng, trào dâng niềm phấn khởi, tự hào vì mình đã trải qua được những khó khăn thử thách, những cam go ác liệt trong cuộc đấu tranh đánh đuổi thực dân Pháp, giải phóng dân tộc. Ý chí quyết tâm của tôi càng được tôi luyện hơn trong cương vị người cán bộ huyện đội. Đến nay, tôi lại được Đảng và cơ quan tin cậy cho tham gia cuộc cách mạng cải cách ruộng đất, đánh đổ giai cấp địa chủ, cải tạo giai cấp tư sản...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #46 vào lúc: 23 Tháng Ba, 2016, 11:31:21 am »


Hết thời gian nghỉ phép, tôi lên đường đi nhận công tác mới. Khoác ba lô trên vai tôi đi bộ sang đoàn bảy cải cách ruộng đất ở huyện Quỳnh Côi tỉnh Thái Bình, ở đây, tôi được học tập về chính sách giảm tô, nội dung từng bước đi của cuộc cách mạng cải cách ruộng đất mà Đảng và Chính phủ đã đề ra. Nghĩa là phải giải thích cho người nông dân xác định đối tượng đấu tranh của mình là kẻ thù nào và chỉ cho tôi biết phương pháp phát động quần chúng nông dân vùng lên, giúp họ tổ chức đấu tranh đánh đổ giai cấp địa chủ. Trước tiên, ta bắt giai cấp địa chủ phải giảm tô, giảm tức, tiến hành cải cách ruộng đất rồi vùng lên đánh đổ toàn bộ bọn địa chủ, tịch thu ruộng đất chia cho nông dân nghèo. Sau đó, hướng dẫn họ tổ chức các tổ đổi công, mọi công việc của nhà nông để tham gia sản xuất như gánh phân, làm cỏ, cấy lúa, gặt hái hay cày bừa, làm đất... Mỗi một tổ gồm mười hay mười lăm gia đình làm đổi công cho nhau. Hôm nay, tất cả làm ở gia đình này, mai lại đến gia đình khác. Họ tự cử ra một tổ trưởng, một tổ phó để điều hành công việc. Do đó, các hợp tác xã nông nghiệp đã được thành lập.

Tổ học tập của chúng tôi có mười hai đồng chí, hầu hết là các đồng chí ở cấp huyện trở lên đã được rèn luyện thử thách trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp vừa qua. Tôi được phân công làm tổ trưởng, anh Nguyễn Ngọc Trừu - Bí thư Huyện ủy huyện Tiền Hải - Thái Bình làm tổ phó. Sau này, anh Nguyễn Ngọc Trừu là Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách về nông nghiệp. Trong quá trình học tập, một nội dung mới nhất đòi hỏi người cán bộ bộ đội cải cách ruộng đất phải thực hiện ba cùng với người nông dân. Nghĩa là cán bộ về địa phương phát động phong trào phải cùng ăn, cùng ở, cùng tham gia lao động với gia đình. Điều đó khiến người cán bộ phải từ thực tế sát sao đó sẽ đồng cảm với hoàn cảnh người nông dân, phát động sao cho họ xuất hiện tư tưởng vùng lên đấu tranh đánh đổ giai cấp địa chủ, hạ uy thế của chúng xuống và nâng cao khí thế cách mậng của giai cấp nông dân trong sức mạnh cách mạng Việt Nam.

Học tập xong, tôi được biên chế vào một đội giảm tô ở xã Châu Giang huyện Tiên Hưng, tỉnh Thái Bình. Đội tôi có ba mươi tám đồng chí do đồng chí Các - Bí thư huyện Hưng Nhân, tỉnh Thái Bình làm đội trưởng. Đồng chí Trinh - nữ du kích huyện Hoàng Ngân tỉnh Hưng Yên làm đội phó, còn tôi là đội viên. Mấy tháng đầu, tôi được phân công xuống phát động quần chúng ở thôn Hậu Xá, xà Châu Giang. Đây là thôn công giáo toàn tòng. Theo phương pháp "thăm nghèo hỏi khổ", tôi phải tự mình tìm ra những người nông dân tuy nghèo khổ nhưng trong sạch về lý lịch mà bắt rễ, xây dựng cơ sở, xâu chuỗi họ lại thành một khối đoàn kết vững chắc rồi đưa họ tham gia vào cuộc đấu tranh giai cấp giữa nông dân và địa chủ. Hai ngày đầu xuống cơ sở, tôi khoác ba lô đi thực tế vào các xóm làng trong thôn để tìm hiểu, nhận thức khái quát về cảnh vật, con người và cách sinh hoạt của nhân dân rồi lựa chọn một gia đình tiêu biểu cho mình dựa vào họ để sinh hoạt, phát động tư tưởng, thực hiện nhiệm vụ. Đây là một thôn có đặc điểm rất phức tạp. Trong những năm 1950-1951, giặc Pháp chiếm đóng tỉnh Thái Bình, thôn Hậu Xá là thôn tề có nhiều tên tay sai cho giặc cực kỳ phản động. Toàn thôn có một trăm hộ dân với ba trăm nhân khẩu. Nhìn chung, dân tình rất nghèo khổ. cả thôn chỉ có bốn gia đình có nhà lợp ngói còn lại toàn nhà tranh vách đất, lụp xụp, xiêu vẹo. Thanh niên trong thôn hầu như đều đi lính, làm lính bảo an tay sai cho Pháp chống phá lại cách mạng, cả thôn chỉ có một đồng chí đảng viên làm nghề dạy học. Các đoàn thể khác như mặt trận, thanh niên, phụ nữ đều có nhưng chỉ về hình thức, không tổ chức nào có sự hoạt động. Do đó, tôi tìm mãi mà vẫn chưa bắt được rễ, chưa tìm được gia đình nào cốt cán ban đầu. Cuối cùng, tôi đành liều vào một gia đình nghèo nhất của thôn. Tên của chủ nhà là Sa, anh này chỉ đi lính dõng ba tháng thì bị thương anh bỏ hàng ngũ địch về với gia đình. Trong thôn, anh là người tham gia ngụy quân với thời gian ngắn nhất nên anh Sa được coi là người trong sạch nhất của thôn. Ngôi nhà có một gian hai chái, được bao bằng bức tường đất lở loét, nằm lụp xụp ở góc làng. Nhà chỉ có hai cái giường tre là tài sản duy nhất của anh chị và hai đứa con nhỏ. Mặc dù anh chị cấy hai sào ruộng, nuôi một con lợn con nhưng trong nhà thóc gạo không có, chỉ có khoai lang và ngô.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #47 vào lúc: 23 Tháng Ba, 2016, 11:32:11 am »


Trong thời gian ở nhà anh chị Sa, tôi thực sự đã thực hiện ba cùng với gia đình. Tôi ăn cùng với gia đình. Cơm thổi độn với ngô lẫn khoai lang cạo vỏ, bổ ra từng miếng, hai phần độn mới có một phần gạo. Tôi gọi là cơm cho sang hơn là ăn ngô khoai. Có lần, sau khi ăn cơm xong, ngồi chuyện trò uống nước, chị Sa ngại ngùng nói:

- Cán bộ đội ăn cơm cùng với nhà em, cơm thì ngô khoai cõng gạo, thức ăn chỉ có dưa muối chấm nước cáy, mong bộ đội thông cảm cho chúng em.

Tôi phải tìm lời lẽ đồng cảm với chị, động viên anh chị và qua đó gợi lên một ý nghĩ căm thù kẻ đã gây ra sự đau khổ cho gia đình anh chị và cho đất nước ta. Tôi cười và nói với chị:

- Chị ạ! Nhà tôi cũng ở quê, mọi sinh hoạt gia đình cũng giống như gia đình anh chị thôi. Chúng ta đều là giai cấp cần lao, đều bị bọn địa chủ chiếm đoạt ruộng đất, bóc lột và đàn áp khiến cho cuộc sống của gia đình anh chị cũng như nhiều gia đình khác đều phải chịu hoàn cảnh nghèo khổ. Tôi rất thông cảm với anh chị về điều đó.

Khi ở nhà anh chị, điều khổ nhất với tôi là phải ăn một thứ nước mắm cáy (mắm làm từ con cáy ngâm bị thối, mùi rất khó chịu, giống như mùi thối tai mà tôi vẫn phải khen ngon. Rồi lại đến chuyện ngủ, tôi và hai cháu nhỏ nằm chung một giường, trên đó được trải bằng hai cái chiếu cói rách bù trừ cho nhau và một cái chăn chiên Nam Định, có lẽ lâu rồi chị không giặt nên nó nhuốm màu xám đen, cáu bẩn.

Để đồng cam cộng khổ với sự lao động vất vả và mong muốn nắm được tâm tư tình cảm của gia đình anh chị, tôi đi làm cùng với gia đình anh chị. Các công việc của nhà nông như: gánh phân lợn bón ruộng, cuốc góc, vạc bờ... Việc gì tôi cũng làm được, làm rất có kỹ thuật. Tôi làm rất khỏe, hăng hái và nhanh nhẹn như bao người lao động khác trong hàng triệu người nông dân trên dải đất Việt Nam. Bà con xung quanh nhà chị Sa tấm tắc khen tôi. Có một bà con bảo với chị ấy về tôi: "Cán bộ đội có nước da trắng như con địa chủ mà lao động khỏe như nông dân". Câu nói đó đã làm tôi giật mình suy nghĩ sợ rằng bà con cho mình là con địa chủ, nếu vậy tôi làm sao phát động được tư tưởng của nông dân. Nhưng điều đó chỉ thoáng hiện trong tôi như thế và tôi đã tự trấn an được mình.

Ban ngày, anh chị Sa làm việc gì tôi làm việc nấy. Buổi tối, tôi họp với nhân dân trong thôn để bắt đầu dần dần hướng và phân tích cho họ về chính sách giảm tô và cuộc cách mạng cải cách ruộng đất. Điều khó khăn đối với cán bộ cải cách về thôn này là thời gian. Ban ngày mọi người đều đi làm, tối về lại đi nhà thờ chầu lễ. Ngày nào cũng chín giờ tối mới bắt đầu họp bàn. Ngay anh chị Sa cũng đi chầu lễ liên miên, tôi chỉ thường phân tích, trao đổi và trò chuyện với anh chị vào những lúc ngồi uống nước sau bữa ăn tối hoặc vào những lúc nghỉ ngơi giải lao ngồi uống nước, hút thuốc lào khi lao động ở ngoài đồng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #48 vào lúc: 23 Tháng Ba, 2016, 11:32:59 am »


Bằng phương pháp "lấy khổ gợi khổ", lấy tội ác của địch, của giai cấp địa chủ phong kiến đã đàn áp, bóc lột đánh đập người nông dân đến kiệt cùng nỗi khổ để khơi dậy lòng căm thù của quần chúng nhân dân, giúp nhân dân xác định được kẻ thù của mình chính là bọn địa chủ phong kiến và bọn thực dân xâm lược; lấy chính sách của Đảng và Chính phủ, lấy những thành quả thực tiễn to lớn mà cách mạng đã giành được ở quê hương Thái Bình làm minh chứng hùng hồn. Từ đó tạo niềm tin tưởng vào chính sách của Đảng ở mỗi người nông dân. Tôi còn kể cho bà con nghe về nỗi khổ của gia đình tôi, của xóm làng và quê hương tôi xảy ra vào năm Ất Dậu (1945), bao nhiêu người chết đói, chết thê thảm như thế nào... ở đâu trên khắp đất nước Việt Nam, từ miền Nam ra miền Bắc cũng đều gặp cảnh người còn sống mà không sao chôn nổi người vừa chết trước mình chỉ vì gầy đói, kiệt sức quá. Năm 1950, bọn địch tràn về đóng đồn ngay trong làng, tên quan hai đồn trưởng Ba Phay gian ác khét tiếng, giết người không ghê tay. Mỗi lần nó cho quân càn quét nơi nào là nơi đó diễn ra cảnh giết người cướp của. Chúng khủng bố dân chúng, bắt dân chúng phải theo đạo Thiên Chúa... nhưng nhờ có chính sách đúng đắn của Đảng mà lương, giáo vẫn đoàn kết một lòng đi theo Đảng, theo kháng chiến; họ đấu tranh rất kiên cường, bất khuất và đã giành thắng lợi. Tôi đã kể thêm một số tấm gương người tốt mà họ đã hy sinh trong lúc chiến đấu ngay trên mảnh đất thân yêu của họ. Tôi lấy những việc đã qua gợi cho nhân dân liên hệ thực tế ở thôn Hậu để tự họ tìm ra những nguyên nhân chủ yếu đã làm họ khổ từ đời này sang đời khác. Họ phải vạch mặt chỉ tên kẻ thù, đấu tranh giành quyền lợi ruộng đất. Họ cần phải hiểu được chính sách của Đảng, tin tưởng vào đội ngũ cải cách, phấn khởi tham gia học tập, họp bàn để cùng nhau phát động phong trào của những thôn dân lương trong toàn xã.

Hơn ba tháng tôi công tác thực hiện phương pháp "ba cùng" với bà con nông dân, tôi đã nắm chắc được tình hình ở địa phương. Ở thôn Hậu chỉ tìm được một gia đình phú nông còn chủ yếu là cố nông, bần nông, trung nông, không tìm được một gia đình địa chủ nào. Bởi vì thôn Hậu chỉ có ruộng công điền, còn ruộng tư điền đều do tên địa chủ ở thôn Trại, xã Châu Giang chiếm hết. Nhân dân chủ yếu là người nhận ruộng phát canh thu tô của y. Trên cơ sở điều tra phân loại quần chúng và kết quả phát động quần chúng về tư tưởng, tôi đã xây dựng được một số đoàn thể như chi hội phụ nữ, chi đoàn thanh niên, tiểu đội dân quân...

Sơ kết bước một giảm tô ở đội Châu Giang, Ban chỉ huy đội đánh giá thôn Hậu do tôi phụ trách chưa đạt yêu cầu vì chưa tìm ra được địa chủ, chỉ tìm được một phú nông nên chỉ đạt 2,3 phần trăm kết quả. Các đồng chí phổ biến kinh nghiệm của đất nước Trung Quốc trong thời kỳ cải cách ruộng đất của họ, thành phần địa chủ và phú nông chiếm 5 phần trăm. Với lý do này, tôi bị điều về Ban chỉ huy đội cải cách, giúp Ban chỉ huy đội phụ trách việc xây dựng lực lượng dân quân trong toàn xã Châu Giang. Đồng chí Ngọc đang phụ trách ở thôn khác về thay tôi phụ trách ở thôn Hậu. Việc điều động này làm tôi rất băn khoăn, suy nghĩ, có lẽ tôi chỉ biết đánh đế quốc chứ không biết đánh địa chủ phong kiến. Tuy tâm tư của tôi day dứt về một cửa ải đấu tranh giai cấp không vượt qua được nhưng tôi vẫn xác định phải làm tốt công tác dân quân. Trong lịch trình công tác tôi đề ra từng bước cụ thể, sâu sát với phong trào. Tôi giúp đỡ đồng chí Đon - Xã đội trưởng và Ban chỉ huy xã đội Châu Giang củng cố và phát triển dân quân, kiện toàn cán bộ xã đội, thôn đội, trung đội và tiểu đội dân quân. Ban chỉ huy xã đội đã huy động dân quân tích cực tham gia tuần tra canh gác bảo vệ an toàn cho đội giảm tô hoàn thành nhiệm vụ. Trong lúc phong trào dân quân phát triển mạnh, bản thân cũng bớt băn khoăn về việc Ban chỉ huy điều tôi lên đội công tác mới thì tôi nhận được quyết định của Quân khu Tả Ngạn đề bạt tôi làm tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 204.

Sau này, tôi được biết đồng chí Ngọc thay tôi về công tác ở thôn Hậu cũng không tìm ra một tên địa chủ nào và việc vận dụng kinh nghiệm của nước bạn Trung Quốc trong cải cách ruộng đất phải có 5 phần trăm địa chủ, phú nông là sai. Và đây cũng chính là những sai lầm trong cải cách ruộng đất khiến cho một số người mắc oan vì bị quy tội sai, khi Đảng có chủ trương sửa sai mới trả lại quyền lợi cho họ được. Lúc này, lòng tôi thật sự thanh thản vì tôi đã hoàn thành nhiệm vụ phát hiện địa chủ phong kiến.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #49 vào lúc: 23 Tháng Ba, 2016, 09:43:27 pm »


Tháng 7 năm 1957, tôi được điều về công tác ở Tỉnh đội Thái Bình, tôi làm trưởng ban dân quân tỉnh đội.

Thái Bình là một trong những mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, đông dân nhiều của ở vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Năm 1930, tiếng trống của hàng nghìn nông dân huyện Tiền Hải đã nổi lên như vũ bão, biểu tình kéo về huyện lỵ đòi bọn quan lại phải giảm sưu cao thuế nặng. Tiếng trống đó vẫn vang vọng khắp non sông đất nước. Lá cờ hồng có thêu dòng chữ "Toàn dân đánh giặc" là một phần thưởng cao quý mà Bác Hồ kính yêu tặng cho cán bộ, quân dân Thái Bình trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, giải phóng dân tộc vẫn mãi mãi tung bay trên quê hương năm tấn. Mảnh đất anh hùng này đã sinh ra nhiều anh hùng dân tộc tiêu biểu. Danh tiếng của họ đã gắn liền với chiến công hiển hách của dân tộc như du kích Nguyễn Thị Chiên, chiến sĩ dũng cảm Tạ Quang Luật hiên ngang tiến lên cắm lá cờ Tổ quốc trên nóc hầm tướng Đờ Cát trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử vừa qua. Sau này, Thái Bình vẫn là đất mẹ đã sinh ra người chiến sĩ dũng cảm Bùi Quang Thận - người cắm lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam lên Dinh Độc Lập trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, anh hùng vũ trụ Phạm Tuân - người Việt Nam đầu tiên bay vào vũ trụ. Thái Bình còn xứng đáng là lá cờ đầu trong nông nghiệp với năng suất năm tấn trên một hécta dẫn đầu toàn miền Bắc.

Quân dân Thái Bình phấn khởi tự hào, nhân dân cả nước và nhân dân thế giới cũng vô cùng cảm phục mảnh đất và con người anh hùng này. Những bài ca năm tấn, những cô gái Thái Bình mãi đi cùng năm tháng suốt chặng đường lịch sử của đất nước như muốn nhắn nhủ chúng ta không thể nào được quên, về công tác trên quê hương năm tấn, tôi vô cùng phấn khởi vì có nhiều điều kiện "Thiên thời, địa lợi, nhân hòa". Quê hương tôi nằm kề sát tỉnh Thái Bình, chỉ cách con sông Hoá Giang nhỏ bé uốn khúc qua xóm làng. Tuy tôi là người con của quê hương Hải - Kiến nhưng Thái Bình cũng được coi là quê hương thứ hai của tôi. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp vào những năm 1950-1952, địch mở cuộc càn quét lớn với chiến thuật "Tách cá ra khỏi nước" hòng tiêu diệt lực lượng kháng chiến. Đây là những năm đen tối của cuộc kháng chiến. Chúng tôi phải luồn lách sang Phủ Dục, Quỳnh Côi, Thụy Anh tỉnh Thái Bình để bảo toàn lực lượng và được nhân dân che chở nuôi dưỡng. Nhiều trận chúng tôi đánh thắng địch, thu được nhiều súng đạn, chiến lợi phẩm. Hoặc chúng tôi lại chuyển sang giúp đỡ các đồng chí du kích ở các huyện bên và ngược lại các đồng chí bên đó lại cho chúng tôi gạo để nuôi quân trong lúc khó khăn.

Trải qua hoạt động trong cuộc kháng chiến chống Pháp nên tôi quen biết nhiều các đồng chí cán bộ của tỉnh Thái Bình, đến thời điểm tôi về công tác ở đó có nhiều đồng chí quen biết đã trở thành cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh như: anh Chất - Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình, anh Trừu - Chủ tịch Ủy ban nhân dân, anh Đinh Linh - Tỉnh đội trưởng, anh Tiến Chinh - Chính ủy Tỉnh đội.

Do phấn khởi vì được giao nhiệm vụ mới nên tôi đến tỉnh đội trước ngày hẹn. Đúng 14 giờ ngày 20 tháng 7 năm 1957, tôi đến phòng trực ban, ở đó anh em dẫn tôi vào phòng làm việc của tỉnh đội trưởng. Qua ít phút chào hỏi, đồng chí Đinh Linh mời tôi ngồi nghỉ trong phòng. Sau đó, đồng chí đi tìm các anh em trong Ban chỉ huy đến để cho tôi gặp mặt và làm quen. Khi các anh đến đầy đủ, anh Đinh Linh vào vấn đề luôn. Anh nhìn về phía tôi và nói:

- Tôi giới thiệu với các đồng chí, đây là đồng chí Quyết Tâm - cán bộ quân khu điều về làm trưởng ban dân quân của tỉnh nhà.

Tiếp theo, anh giới thiệu các đồng chí trong cơ quan với tôi. Anh nói:

- Đây là anh Tiến Chinh - nguyên Bí thư huyện Quỳnh Côi nay làm Chính ủy; anh Võ Đan - Tỉnh đội phó; anh Tuyến - nguyên Huyện đội trưởng Quỳnh Côi nay là Phó chính ủy. Còn tôi, tức Đinh Linh - nguyên Huyện đội trưởng Quỳnh Côi nay là Tỉnh đội trưởng.

Anh giới thiệu xong, không khí trong phòng sôi động hẳn lên. Chúng tôi trao đổi, thăm hỏi lẫn nhau một cách thoải mái, thân tình. Hầu hết mọi người đều đã quen biết nhau từ trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Không khí vui tươi và phấn khởi kéo dài chưa được bao lâu, chúng tôi cùng nhau đi dự lễ kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM