Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 01:19:48 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Khát vọng đồng bằng  (Đọc 34093 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #30 vào lúc: 21 Tháng Ba, 2016, 08:23:31 am »


Chưa đầy hai tuần lễ (từ ngày 27 tháng 1 đến ngày 10 tháng 2 năm 1952), chúng tôi vừa chỉ đạo tổng phá tề, tước vũ khí các đồn bảo an; vừa đẩy mạnh phát triển lực lượng, chống địch phản ứng càn quét. Chủ yếu bằng phương thức đánh du kích, bao vây hù dọa, đóng giả đội hình lực lượng theo kiểu phá đồn Chanh Chử xã Thắng Thủy. Toàn khu tây bắc huyện đã phá được mười lăm ban tề, tước vũ khí và giải tán mười lăm đội bảo an, giải phóng hầu hết các thôn trong năm xã, đưa khu tây bắc huyện Vĩnh Bảo thành khu du kích. Sau đó, bộ đội của huyện và du kích xã Hùng Tiến, An Hòa tiếp tục đánh bại ba cuộc càn quét của địch, giữ vững vùng mới mở ra, góp phần quan trọng vào việc đẩy mạnh chiến tranh du kích trong toàn huyện ở giai đoạn mới, giai đoạn ta phản công và tiến công địch trên khắp các chiến trường.

Tổng kết đợt hoạt động đánh địch, mở vùng du kích tây bắc huyện, chúng ta đã giành được thắng lợi trên nhiều mặt, vừa giải phóng quê hương, vừa phối hợp với chiến trường thực hiện chủ trương đề ra của thường vụ huyện Vĩnh Bảo.

Kết quả giành thắng lợi, là người được thường vụ huyện ủy giao trọng trách Khu 3 và chỉ đạo hoạt động mở vùng, đến lúc này tôi mới hết lo và vô cùng phấn khởi. Qua hoạt động thực tiễn đã cho tôi những bài học kinh nghiệm mới bổ sung cho tôi niềm tin và nghị lực mới trên bước đường phát triển tiếp theo.

Kết thúc đợt tổng phá tề, phá đồn bốt địch, mở khu du kích tây bắc huyện Vĩnh Bảo, chúng tôi đã tập hợp các xã trong khu để rút kinh nghiệm và xác định phương hướng hoạt động. Trong đợt hoạt động vừa qua, những bài học kinh nghiệm không chỉ ở riêng tôi mà còn đối với nhiều người làm cách mạng. Đó không chỉ có quyết tâm chiến đấu, không sợ gian khổ hy sinh mà phải biết nghệ thuật chỉ đạo, biết phân tích đánh giá tình hình địch - ta, biết nắm bắt thời cơ chung để tạo thời cơ tại chỗ, phải kết hợp chặt chẽ giữa điểm và diện, đánh vào các điểm tạo nên sự rung chuyển lớn rồi từ đó khuếch trương ra diện rộng. Còn phương hướng hoạt động cũng được đặt ra: phát huy thắng lợi đã giành được, khẩn trương xây dựng lực lượng ta về mọi mặt, xây dựng làng chiến đấu, sẵn sàng đánh bại các cuộc càn quét phản ứng của địch, bảo vệ vững chắc vùng mới mở ra...

Theo phương hướng trên, tôi lần lượt xuống các xã, trực tiếp hướng dẫn cho các đồng chí chi ủy chi bộ xã về việc tổ chức phát động quần chúng, mở rộng cơ sở chính trị, phát triển dân quân du kích, xây dựng làng chiến đấu đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của cách mạng trong giai đoạn mới. Tại đây, thường vụ huyện ủy có công văn gọi tôi về văn phòng huyện ủy để nhận công tác mới.

Chấp hành chỉ thị của thường vụ, tôi gặp đồng chí Tạo - Huyện ủy viên phụ trách xã Hùng Tiến để bàn giao tình hình nhiệm vụ của Khu 3 (khu tây bắc huyện) theo hướng dẫn của huyện ủy.

Đêm ngày 19 tháng 2 năm 1952, đêm hạ tuần, trời tối đen như mực tưởng chừng như xắn được ra từng mảng, tôi nhận lệnh cấp trên theo đồng chí giao liên huyện đi vượt qua đường 10 (đoạn cầu Kê Sơn) gần đồn địch Mai Sơn để về Khu 2 - khu trung tâm huyện. Lần vượt đường này không khó khăn, nguy hiểm như những lần trước, song tôi vẫn đề phòng bọn biệt kích cho bọn lính ngụy phục kích.

Đúng 21 giờ, tôi về tới văn phòng huyện ủy đóng ở xóm Núi xã Đồng Minh, ở đây, tôi gặp ba đồng chí trong thường vụ huyện ủy: đồng chí Dương - Bí thư huyện ủy, đồng chí Chỉnh - Chủ tịch Ủy ban kháng chiến huyện, đồng chí Vĩnh (tức Diễn) - Huyện đội trưởng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #31 vào lúc: 21 Tháng Ba, 2016, 08:24:15 am »


Lần gặp này, tôi cảm thấy có vẻ khác với nhiều lần gặp gỡ khác. Trước đây, mỗi khi gặp nhau ai nấy đều vui vẻ, phấn khởi như người thân trong nhà đi xa lâu ngày gặp lại nhưng lần này tràn ngập một không khí buồn bã. Tôi thấy nét mặt đồng chí nào cũng buồn rười rượi mà không hiểu được tại sao, trong lòng tôi đầy thắc mắc và cũng buồn lây. Tôi chưa dám hỏi các đồng chí xem có điều gì đã xảy ra nhưng có lẽ mọi người đoán được ý nghĩ của tôi nên sau bữa ăn khuya xong, đồng chí Vũ Dương gặp tôi nói chuyện. Đồng chí nói: "Huyện ủy ta có một tin rất buồn. Hôm vừa qua (ngày 17 tháng 2), đồng chí Thành và đồng chí Bình sang huyện Tiên Lãng họp với tỉnh đội. Khi bơi qua sông Thái Bình vào đến thôn Tràng xã Tam Đa, các anh gặp phải bọn lính biệt kích phục kích đã bắn chết đồng chí Bình, còn đồng chí Thành bị chúng bắt. Huyện ủy ta đã mất đi một đồng chí huyện ủy viên trẻ, năng động. Đại đội 112 bộ đội địa phương huyện mất đi hai cán bộ có nhiều triển vọng (đồng chí Bình - Chính trị viên và đồng chí Thành - Trung đội trưởng).

Lời nói của anh vừa dứt, nỗi buồn thương tiếc người đồng chí của mình ra đi không bao giờ gặp lại trào dâng lên trong tôi và tất cả mọi người có mặt ở đó nhưng dường như ai nấy đều kìm nén lòng mình để không bật lên tiếng khóc. Không ai khóc nhưng tròng mắt mọi người đều đỏ hoe lòng căm thù quân giặc. Ngọn lửa căm thù hừng hực bốc lên trong tôi và trong mỗi người. Tất cả đều mang quyết tâm giết được nhiều quân địch để trả thù cho những đồng chí của mình.

Buổi sáng hôm sau, ngày 20 tháng 2 năm 1952, cuộc họp khai mạc, đây là một cuộc họp huyện ủy mở rộng. Trước khi đi vào nội dung chính, ban lãnh đạo kiểm điểm kết quả đợt hoạt động mạnh phối hợp với chiến dịch Hòa Bình. Ban thường vụ làm lễ truy điệu đồng chí Bình. Đồng chí Đạt - Thường vụ huyện ủy đọc điếu văn viếng đồng chí Bình. Điếu văn được đọc lên, lại một lần nữa khắc sâu trong lòng chúng tôi về thân thế và sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí Bình: "Một người đảng viên đức độ, một thường vụ huyện ủy trẻ tài năng luôn tích cực hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó. Đồng chí sẵn sàng hy sinh tính mạng cho cách mạng, cho nhân dân. Trên đường đi công tác, đồng chí bị địch phục kích đã chiến đấu anh dũng và hy sinh vẻ vang. Đồng chí Bình hy sinh, huyện ủy mất đi một đồng chí thường vụ trẻ đầy năng lực, Đảng và nhân dân chúng ta mất đi một người con kiên trung bất khuất, gia đình và quê hương mất đi một người con trọn nghĩa vẹn tình. Chúng ta vĩnh biệt đồng chí Bình, thường vụ huyện ủy hãy biến đau thương thành hành động cụ thể. Chúng ta sẵn sàng gánh vác công việc mà đồng chí Bình để lại, làm thay đồng chí để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng và cách mạng phân công, quyết chiến đấu tiêu diệt nhiều sinh lực địch, góp phần đánh đuổi giặc Pháp giải phóng Tổ quốc. Chào vĩnh biệt!".

Chúng tôi nghe xong điếu văn, đứng lặng lẽ mặc niệm một phút. Trong chúng tôi không ai cầm nổi nước mắt, nỗi nhớ nhung và niềm cảm phục theo giọt nước mắt lăn dài trên gò má mỗi người.

Tiếp sau đó, cuộc họp đi vào nội dung chính với việc trao đổi bổ sung cán bộ huyện, đại đội Vĩnh Bảo. Đồng chí Vũ Dương thay mặt thường vụ huyện ủy phát biểu, đồng chí nói: "Tôi xin giới thiệu đồng chí Quyết Tâm là Huyện ủy viên phụ trách Khu 3 (khu tây bắc huyện) chuyển sang quân đội, làm Chính trị viên phó huyện đội, Chính trị viên Đại đội 112 của huyện thay cho đồng chí Bình. Đồng chí Quyết Tâm năm nay mới hai mươi ba tuổi (1929-1952), là một huyện ủy viên trẻ nhất trong ban chấp hành huyện ủy. Đồng chí là một cán bộ chủ chốt đã góp phần làm nên phong trào chiến tranh du kích xã Cao Minh, Khu 1 và Khu 3 huyện Vĩnh Bảo. Đồng chí đã có kinh nghiệm tác chiến du kích. Tôi có ý kiến như vậy, đề nghị thường vụ cho ý kiến". Các đồng chí khác phát biểu đều nhất trí với ý kiến của thường vụ. Anh Dương nhìn thắng về phía tôi, hỏi xem ý kiến của tôi thế nào. Tôi đã phát biểu: "Tôi được ban thường vụ huyện ủy tin tưởng trao nhiệm vụ, tôi xin nhận và xin hứa với các đồng chí nguyện đem hết sức mình để cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ".

Từ đây, ngày 20 tháng 2 năm 1952, tôi chính thức chuyển sang quân đội. Với tôi, đây là điểm mốc lịch sử trong cuộc đời và cũng là bước ngoặt mới của đời mình. Trọng trách nhiệm vụ mới thật nặng nề, đòi hỏi bản thân tôi phải quyết tâm hơn nữa, phải học hỏi và trau dồi kinh nghiệm hơn nữa thì mới có đủ nghị lực thực hiện thành công nhiệm vụ mà thường vụ huyện ủy đã trao cho tôi.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #32 vào lúc: 21 Tháng Ba, 2016, 10:43:37 pm »


Sau cuộc họp huyện ủy mở rộng, anh Lê Vĩnh (tức anh Diễn) - Huyện đội trưởng dẫn tôi về văn phòng huyện đội đóng ở xóm Miễn thôn Từ Lâm. Tôi ở lại đây hai ngày, chủ yếu nghe anh Vĩnh trao đổi về tình hình và nhiệm vụ mới của tôi. Tôi đã quen biết anh Vĩnh từ lâu. Anh ở thôn Đông Am, xã Tam Cường gần với xã Cao Minh. Hai xã nằm kề sát nhau như hai gia đình cùng chung một ngõ, tắt lửa tối đèn có nhau. Hồi đầu kháng chiến, hai xã này thường xuyên hỗ trợ nhau trong việc trấn áp bọn tội phạm phản động Việt gian trong những trận chống càn. Anh Vĩnh hơn tôi gần chục tuổi. Anh hoạt động cách mạng từ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, tuổi đời đã đến độ chín và có nhiều kinh nghiệm. Tôi rất quý mến và kính nể anh, coi anh như người anh cả. Anh nói cho tôi biết về tình hình diễn biến của bọn địch : "Vào thời điểm này, quân đội Pháp ở Việt Nam đã tăng lên đến 50 vạn, cao nhất trong cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương của chúng. Nhưng khả năng chiến đấu của chúng kém, tinh thần binh lính ngày một sa sút nghiêm trọng. Việc tiếp tế hậu cần của chúng ngày một khó khăn. Vì vậy, chúng ra sức vơ vét của cải của nhân dân. Chúng thực hiện một chiến lược mới: "Lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt", dựa vào sự viện trợ của Mỹ hòng giành thắng lợi. Về ta, cụ thể ở huyện mình, trải qua hai năm quân và dân ta đối mặt với kẻ thù (1950-1951), quân dân Vĩnh Bảo đã tỏ rõ ý chí kiên cường, vững vàng trong chiến đấu, chiến tranh du kích phát triển mạnh. Lòng dân tin tưởng vào Cụ Hồ, đi theo kháng chiến, đánh đuổi thực dân Pháp giành độc lập cho Tổ quốc. Nhân dân tích cực tham gia các đoàn thể, thanh niên hăng hái tòng quân gia nhập dân quân du kích chiến đấu dũng cảm giết giặc giữ làng. Có nhiều đơn vị dân quân du kích xã kết hợp với bộ đội địa phương dùng lối đánh du kích, cách đánh độn thổ một cách táo bạo, bất ngờ. Địch lọt vào thế trận, quân ta xung phong dùng mã tấu, lưỡi lê, kiếm mác chiến đấu giáp mặt kẻ thù, tiêu diệt chúng, không cho chúng càn quét, vơ vét của cải của nhân dân. Ta gài hầm chông ở nhiều nơi, giặc đến lùng sục gặp phải chông, chết thê thảm, làm cho quân địch khiếp sợ.

Đến tháng 2 năm 1952, toàn huyện có 1.617 du kích và 10.231 dân quân. Nhiều xã trong huyện đã có đội du kích thoát ly được trang bị mạnh. Nhiều thôn, xã vẫn duy trì và phát triển đơn vị lão du kích, đội nữ du kích. Đại đội 27 (Lê Hồng Phong) nay là Đại đội 112 bộ đội địa phương huyện. Lực lượng của ta ngày càng tăng về số lượng lẫn chất lượng, vũ khí trang bị ngày một hiện đại hơn.

Thường vụ huyện ủy cử đồng chí sang làm chính trị viên Đại đội 112, nhiệm vụ chính của đồng chí là cùng Ban chỉ huy đại đội lãnh đạo, chỉ huy, xây dựng thành đại đội vững mạnh, tổ chức tác chiến nhiều trận đánh tốt, đồng thời phải có trách nhiệm dìu dắt, giúp đỡ một số đơn vị dân quân du kích và đẩy mạnh phong trào chiến tranh du kích trong toàn huyện. Ngoài ra, đồng chí còn tham gia các nhiệm vụ chính trị khác của huyện như: phong trào vận động lương giáo đoàn kết hay phong trào vận động tuyên truyền giải thích cho quần chúng nhân dân, nhất là gia đình điền chủ hiểu và thực hiện chính sách giảm tô, giảm tức mà Đảng và Chính phủ ta mới đề ra, góp phần vận động toàn dân đẩy mạnh tăng gia sản xuất thực hành tiết kiệm. Tôi rất tin tưởng đồng chí sẽ làm tốt nhiệm vụ được giao".

Sau khi trao đổi với anh Vĩnh, tôi đã đề nghị anh cho tôi được triệu tập cán bộ chỉ huy Đại đội 112 họp bàn triển khai nhiệm vụ. Anh Vĩnh liền nhất trí với đề nghị đó của tôi.

Cuộc họp Ban chỉ huy Đại đội 112 được tiến hành dưới quyền chủ tọa của anh Vĩnh - Huyện đội trưởng kiêm đại đội trưởng, tôi - Chính trị phó kiêm chính trị viên đại đội và anh Quỳnh - Đại đội phó Đại đội 112. Anh Vĩnh phân tích tình hình chung. Trong đó, về phía địch: số lượng bọn lính Pháp và lực lượng lính ngụy, vũ khí trang bị và tinh thần bạc nhược của chúng; về phía ta, ngày càng lớn mạnh về quân đội chính quy cũng như quân đội địa phương và dân quân du kích. Trong huyện, tình hình thế và lực của chúng ta cũng lớn hơn nhiều. Khả năng chiến đấu của Đại đội 112 ngày càng lớn mạnh. Chúng tôi đã nhất trí với đánh giá tình hình của anh Vĩnh và cùng nhất trí tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tác chiến.

Trước mắt, chúng ta phải phá cho được các đồn của lực lượng "nghĩa quân" mà địch mới phục hồi lại như đồn Áng Dương, đồn Chanh Chử và tiêu diệt đồn bảo an Áng Ngoại, hoàn chỉnh thế trận chiến tranh du kích trên phạm vi toàn huyện. Để khắc phục khả năng tấn công đồn vì hỏa lực của ta chưa đảm bảo, chúng tôi đề ra chiến thuật "Sờ vị trí địch", có nghĩa là chúng ta phải trinh sát, lợi dụng thời cơ, bí mật đưa lực lượng của ta vào trong đồn địch theo lối đánh từ trong đánh ra, từ ngoài đánh vào. Cách đánh này gọi là "nở hoa trong lòng địch", đánh nhanh thắng nhanh.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #33 vào lúc: 21 Tháng Ba, 2016, 10:44:19 pm »


Đêm ngày 23 tháng 2 năm 1952, tại sân đình Cúc Thủy, xã Thanh Lương, Đại đội 112 đã tập hợp đầy đủ ba trung đội trên một trăm cán bộ và chiến sĩ. Các cán bộ chiến sĩ thăm hỏi về sự hy sinh của anh Bình. Mọi người đều buồn thương, luyến tiếc người chỉ huy trẻ, đầy năng lực. Sau những giây phút lặng lẽ mặc niệm tưởng nhớ đồng chí Bình, anh Lê Vĩnh nghiêm trang đọc quyết định của Ban chỉ huy tỉnh đội Kiến An, quyết định điều động đồng chí Quỳnh - Đại đội phó Đại đội 112 đi thực hiện công tác khác; quyết định cử đồng chí Quyết Tâm - Huyện ủy viên phụ trách Khu 3 sang làm Chính trị viên huyện đội, trực tiếp làm Chính trị viên Đại đội 112 thay đồng chí Bình. Đồng chí Quang (Quang sứt) - Trung đội trưởng Trung đội 1 lên làm Đại đội phó thay đồng chí Quỳnh. Như vậy, Ban chỉ huy Đại đội 112 đã kiện toàn về con số nhưng trên thực tế, Ban chỉ huy đại đội chỉ có hai người là tôi và đồng chí Quang. Tôi làm Chính trị viên, đồng chí Quang là Đại đội phó. Anh Lê Vĩnh - Thường vụ huyện đội trưởng kiêm đại đội trưởng. Ở Đại đội 112, tôi phải đảm nhận công việc thay anh Vĩnh nên với tôi lúc này thật là quá sức, có phần khó điều hành vì các đồng chí trung đội trưởng đều là những người nhiều hơn tôi gần chục tuổi. Các anh lại được đi học bài bản chính quy ở trường Nguyễn Huệ, Trường Lục quân, như anh Hoan, anh Năng, anh Định... Tuy tôi có băn khoăn như vậy nhưng tôi hiểu các đồng chí đó cũng biết tôi là một huyện ủy viên trẻ, có tinh thần tiến công, có ý chí cách mạng cao, năng động và được tôi luyện, trưởng thành trong phong trào chiến tranh du kích, biết bám dân bám đất... nên phần nào mặc cảm trong tôi cũng tiêu tan nhanh chóng.

Sau lễ ra mắt toàn Đại đội 112, tôi và đồng chí Quang họp cán bộ trung đội, gồm trung đội trưởng, chính trị viên để triển khai thực hiện chiến thuật "Sờ vị trí địch". Chúng tôi nghiên cứu vị trí bốt Chanh Chử, bốt Áng Dương và bốt Hà Phương. Theo cách thức tiến hành của Ban chỉ huy đại đội chúng tôi cử một tổ trinh sát gồm những đồng chí gan dạ và có kinh nghiệm chiến đấu, huấn luyện cho các đồng chí đó về kỹ thuật dò mìn, gỡ mìn, chống các hàng rào dây thép gai của địch để đưa cán bộ chỉ huy vào sát tường thành vị trí địch để xác định cách đánh. Việc làm của trinh sát rất hệ thống, nó đòi hỏi ở các đồng chí thật gan dạ, dũng cảm, nhanh nhẹn, xử lý tình huống tốt và có kỹ thuật cao. Những chiến sĩ trinh sát này chỉ cần sơ suất một chút là mìn nổ, ta phải bỏ xác trong hàng rào của địch hoặc bị lộ bí mật, địch sẽ đề phòng, chúng ta không đánh được. Để giúp trinh sát có cơ sở nghiên cứu, chúng tôi bàn với các đồng chí chi ủy xã Thắng Thủy, xã Trung Lập cử cơ sở mật vào vị trí địch quan sát, vẽ sơ đồ đồn giặc để cung cấp cho ta. Trên sơ đồ đó phải thể hiện được sự bố trí canh gác của chúng, số lượng địch, vũ khí trang bị của chúng và cách bố trí các lớp hàng rào thép gai... tất cả phải cụ thể, chính xác.

Bằng phương pháp trên, chúng tôi đã có sơ đồ bố trí các hàng rào của các đồn nghĩa quân Chanh Chử, đồn Áng Dương và đồn Bảo Chính ở Hà Phương. Các đồng chí chiến sĩ tổ trinh sát đã đi trinh sát rất kỹ, đã đưa tôi và đồng chí Quang qua năm hàng rào thép gai ở đồn Áng Dương. Chúng tôi đã vào tới tận sân nhà chúng ở.

Để mở màn cho chiến thuật "Sờ vị trí địch" mà đánh, đúng 12 giờ đêm ngày 25 tháng 3 năm 1952, Đại đội 112 đã tập kích đánh đồn "nghĩa quân" ở Áng Dương theo kế hoạch triển khai tác chiến của Ban chỉ huy đại đội giao nhiệm vụ và phân công cho từng trung đội một cách cụ thể.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #34 vào lúc: 21 Tháng Ba, 2016, 10:45:04 pm »


Trung đội 3 do đồng chí Viễn chỉ huy đã luồn qua ba hàng rào dây thép gai tiến đánh từ phía sau nhà chỉ huy địch. Tổ bộc phá do đồng chí Vãng phụ trách có nhiệm vụ phá tung cổng, nhưng do dây cháy chậm bị đứt, bộc phá không nổ, đồng chí Vãng đã nhanh chóng dùng mồi lửa đốt để bộc phá nổ, cổng đồn bị phá tung. Trung đội 2 và Trung đội 3 đồng loạt xung phong tiến thẳng vào đồn địch, diệt bọn chỉ huy, bắt gọn một trung đội địch gồm ba mươi lăm tên, thu ba mươi khẩu súng các loại. Chỉ trong khoảnh khắc, đồn địch Áng Dương đã bị tiêu diệt hoàn toàn. Quân ta bảo toàn lực lượng, chỉ có tôi bị một quả đạn AT bắn vào cây xoan, mảnh đạn rơi chụp xuống bả vai làm tôi ngã xuống rồi ngất đi, anh em cứu thương phải khiêng tôi ra trạm cấp cứu. Sau đó, tôi được đưa về trại Cung Chức một ngày. Ở đây, tôi được nhân dân chăm sóc tận tình, chu đáo. Đêm hôm sau, hai cô du kích có nước da bánh mật, nét mặt hiền dịu, dáng người thấp bé nhưng rắn rỏi đã cáng tôi đi bằng cái võng dài. Trời tối, đường đi phải xuyên tắt qua những cánh đồng, những bờ ruộng. Không may, các cô bước vấp vào mô đất làm tôi bị quật mình xuống đất, vết thương bị cọ xát, toàn thân tôi đau nhói tưởng chừng như chết đứng. Tôi không dám kêu, cắn răng lại chịu đau một mình. Tôi sợ hai cô ấy cười và sẽ cho mình là thanh niên mà thiếu kiên trì, dũng cảm. Rồi hai cô lại tiếp tục cáng tôi đi cho đến mờ sáng ngày hôm sau, các cô vượt đường 10, đưa tôi về thôn Linh Đông, tôi được các đồng chí cán bộ xã Tiền Phong đưa vào nhà cụ Xuất Ban để điều trị vết thương, chăm sóc và nuôi dưỡng. Gia đình cụ Xuất Ban là một cơ sở cách mạng tốt. Ở đây, tôi được con gái cụ là bà Am chăm sóc cơm cháo đầy đủ, hai cô y tá của huyện đội (cô Hường và cô Ngân) hàng ngày đến thay băng, tiêm thuốc, tắm, rửa vết thương cho tôi. Trong nhà còn có cô con gái út, tên là Hạnh nhưng thường gọi là Rốt, bởi vì đẻ đến cô là bà mẹ thôi không đẻ nữa. Thỉnh thoảng, cô này giúp chị là bà Ấm mang cơm cháo cho tôi. Cô Rốt năm ấy mới mười chín tuổi, độ tuổi đang thời kỳ xuân sắc của người con gái nên thân hình cô phát triển khá hoàn chỉnh từ dáng người đến khuôn mặt, ánh mắt, nụ cười... Tất cả đều toát lên vẻ đẹp duyên dáng, đằm thắm. Rốt làm bí thư phụ nữ xã. Trong cái nhìn của tôi, cô là người khá xinh đẹp. Không hiểu sao cứ mỗi lần mang cơm và thức ăn đến cho tôi là cô không nói, mặt đỏ hồng như quả hồng chín rồi chạy xuống nhà dưới. Một hôm, cô gặp các cô y tá đến tiêm thuốc, rửa vết thương và thay băng cho tôi, tôi để ý thấy cô lườm rồi nguýt một cái dài quay mặt đi nơi khác. Một lần khác, đồng chí Dũng làm liên lạc đại đội, người cùng xã Tiền Phong đến chơi chuyện trò thăm hỏi về đời tư của tôi, tôi lại thấy cô Rốt đứng im lặng ngoài cửa lắng nghe. Tôi cảm thấy cô có vẻ rất quan tâm đến tôi nhưng chưa được bao lâu, tôi phải rời xa ngôi nhà mà tôi đang ở để đến một nơi khác làm nhiệm vụ. Mặc dù lúc đó, vết thương tôi chưa lành hẳn nhưng đơn vị di chuyển, mọi người đành phải cáng tôi theo. Qua thời gian kháng chiến kéo dài, tôi cũng không để ý đến chuyện đó. Mãi sau này, tôi viết tập nhật ký bằng thơ và để nhớ về Rốt, tôi đã viết một bài thơ lấy tên là "Sầu riêng". Câu chuyện của tôi với một cô bí thư phụ nữ xã chỉ dừng ở mức độ đó.

Để thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy Kiến An: đẩy mạnh hoạt động Đông Xuân (1952-1953) với tinh thần "tích cực, tranh thủ thời cơ, liên tục dẻo dai công kích, tìm địch mà đánh, không ngồi chờ địch, song song với bồi dưỡng lực lượng ta, củng cố và mở rộng khu du kích...", Huyện ủy Vĩnh Bảo đã triển khai đợt hoạt động đẩy mạnh chiến tranh du kích, mở rộng cơ sở vào vùng địch chiếm đóng như Nam Am, Hội Am, Đông Tạ, phá những tổ chức phản động của địch.

Tháng 10 năm 1952, công an huyện đã phối hợp chặt chẽ lực lượng vũ trang phá nhóm phản động "Việt quốc" của địch, bắt hai mươi tên trong đó có tên mà chúng cài cắm cả vào cơ quan ta.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #35 vào lúc: 22 Tháng Ba, 2016, 07:27:50 am »


Tháng 11 năm 1952, Đại đội 112 được lệnh đánh đồn Bảo An, thôn Áng Ngoại. Thôn Áng Ngoại là một thôn công giáo toàn tòng. Bọn lính trong bốt đều là người công giáo bị bọn địch mua chuộc nên chúng lì lợm, hung hãn và ngoan cố. Cuộc chiến đấu của quân ta diễn ra rất gay go, ác liệt kéo dài suốt một ngày đêm. Tuy bọn địch chống trả quyết liệt nhưng cuối cùng cũng phải rút về nhà thờ cố thủ, hòng chờ viện binh ở bốt Đông Tạ lên ứng cứu. Bọn địch điên cuồng dùng máy bay chiến đấu, thả bom công phá và bom napan xuống hai thôn Áng Dương và Áng Ngoại để hủy diệt trận địa của ta, gây cho quân ta tổn thất lớn.

Dù bom, pháo của địch có công sức tàn phá lớn nhưng vẫn không ngăn chặn nổi ý chí quyết tâm và tinh thần chiến đấu dũng cảm của quân ta. Các tốp máy bay khu trục của địch đen trùi trũi lao vun vút, gầm rú làm cho bầu trời ở đây tưởng như bị rách nát. Nó đua nhau thả bom oanh tạc từ xa để diệt quân ta, cứu nguy cho đồn của chúng. Bộ đội và du kích từng giờ chiến đấu siết chặt vòng vây địch, áp sát nhà thờ. Lúc này, tại Ban chỉ huy chúng tôi hội ý, lệnh cho bộ đội giãn vòng vây, dùng loa kêu gọi dân chúng phá chạy ra ngoài. Chiến sĩ dùng bộc phá đánh sập tháp chuông là ổ đề kháng cuối cùng của địch. Một số tên địch tháo chạy, bốt địch bị xoá sổ. Áng Ngoại được giải phóng, khu du kích được mở rộng liên hoàn. Địch chỉ còn co cụm lại một số vị trí ở Đông Tạ, Hà Phương, Mai Sơn, cầu Nghìn, Hội Am, Chùa Tam, Nam Am.

Trong trận chiến đấu công đồn vừa qua đã xuất hiện tấm gương chiến đấu thật anh dũng quả cảm. Đó là cô du kích Nguyễn Thị Tâm mười bảy tuổi, là người thôn Bắc Tạ. Cô có dáng người nhỏ bé nhưng rắn chắc. Các đồng chí bộ đội cùng tham gia chiến đấu bên cạnh cô đều đã bị thương. Cô bé không đủ sức để vác các đồng chí của mình từ làng Áng Ngoại băng qua một cánh đồng để về thôn Bắc Tạ. Trong hoàn cảnh bức xúc đó, cô đã nảy sinh sáng kiến dùng mo cau đặt thương binh lên và kéo qua cánh đồng dưới làn bom đạn ác liệt của địch, đưa các anh về tuyến sau. Cứ như vậy, hết đồng chí này đến đồng chí khác, cô đã đưa được bảy đồng chí thương binh ra khỏi trận địa về thôn Bắc Tạ an toàn.

Sau trận đánh, Ban chỉ huy Đại đội 112 và huyện đội Vĩnh Bảo đã họp thống nhất viết báo cáo về tấm gương chiến đấu dũng cảm của nữ du kích Nguyễn Thị Tâm lên tỉnh. Trong Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn quân năm 1953, cô bé Nguyễn Thị Tâm vinh dự được bầu là chiến sĩ thi đua giết giặc toàn quân. Ngoài phần thưởng là một khẩu súng côn bát, một phần thưởng lớn hơn nhiều là cô được cử sang Liên Xô, tham quan một đất nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới.

Trận đánh bọn địch đóng ở bốt Áng Dương, Áng Ngoại giành thắng lợi, quân ta đã giải phóng hoàn toàn được vùng này. Huyện Vĩnh Bảo có 105 thôn hầu như không còn ban tề làm việc cho địch. Còn một số thôn như Đông Tạ, Hội Am, Nam Am, Mai Sơn, cầu Nghìn, chúng ta chỉ cho phép họ cử người đại diện quan hệ với các trưởng đồn giặc. Ta gài thế hợp pháp cho nhân dân đấu tranh. Các đường giao thông quan trọng trong huyện như đường 10, đường 17 quân ta làm chủ hoàn toàn. Chúng ta đã chia cắt địch, cô lập chúng, không cho chúng tự do cơ động tiếp tế từ bốt này đến bốt kia. Những đồn địch lẻ tẻ trong huyện lúc đó cũng không còn khả năng đánh nống ra làng xã xung quanh để vơ vét của cải, cưỡng bức và bắt bớ nhân dân ta. Bọn địch muốn cơ động từ bốt Cầu Nghìn về bốt Đông Tạ, hay từ bốt Đông Tạ xuống bốt Chùa Tam thì chúng phải huy động hàng tiểu đoàn quân để mở đường. Điều đó đã chứng tỏ lực lượng của quân dân ta ngày một lớn mạnh. Thế của ta là thế chiến thắng, thế của địch là thế bạc nhược, thất bại hoàn toàn. Khu du kích trong toàn huyện Vĩnh Bảo đã vào thế liên hoàn, vững chắc.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #36 vào lúc: 22 Tháng Ba, 2016, 07:28:35 am »


Đầu tháng 1 năm 1953, đồng chí Nhẫn - Bí thư tỉnh ủy đồng chí Đặng Kinh - Tỉnh đội trưởng Kiến An đã về họp với Thường vụ Huyện ủy huyện Vĩnh Bảo. Các đồng chí xác định rõ địa bàn Vĩnh Bảo đã trở thành căn cứ du kích mạnh, cùng với căn cứ du kích Tiên Lãng tạo nên hậu phương căn cứ liên tỉnh Hải Phòng và Kiến An. Đó là một địa bàn chiến lược quan trọng, là bàn đạp vững chắc cho bộ đội chủ lực tỉnh và là hậu phương lớn cung cấp sức người sức của chủ yếu cho cuộc kháng chiến liên tỉnh.

Những năm trước đó, Vĩnh Bảo đã làm nhiệm vụ của hậu phương lớn đối với tiền tuyến, của liên tỉnh Hải - Kiến thì đến nay Vĩnh Bảo càng phải phát huy với yêu cầu cao hơn nữa, mạnh hơn và quy mô lớn hơn nhiều cho cuộc kháng chiến của dân tộc.

Để thực hiện được phương hướng, nhiệm vụ của một căn cứ hậu phương cấp tỉnh trong vùng sau lưng địch, Huyện ủy Vĩnh Bảo đã khẩn trương triển khai, củng cố căn cứ du kích trên nhiều mặt. Trước tiên, cần phải tổ chức chỉnh huấn chính trị cho toàn đảng bộ và lực lượng vũ trang của huyện gồm bộ đội địa phương và dân quân du kích. Hai là, cần phải tiến hành cuộc vận động, phát động quần chúng thực hiện triệt để chính sách giảm tô, giảm tức, lấy ruộng đất của bọn Việt gian phản động chia cho nông dân nghèo, đồng thời vận động phong trào lương giáo đoàn kết, toàn dân thi đua tích cực đóng góp sức người sức của cho kháng chiến.

Với cương vị là một huyện ủy viên, huyện đội trưởng kiêm đại đội trưởng Đại đội 112, tôi bàn với Ban chỉ huy đại đội và các trung đội, phân công cụ thể cho mỗi trung đội phụ trách một vùng. Tất cả các đồng chí phải sẵn sàng chiến đấu đánh địch trong mọi tình huống khi chúng xuống làng xã càn quét hay chúng đánh ta để lấn đất. Các đồng chí bộ đội cùng với lực lượng dân quân du kích làm nòng cốt cho toàn dân, vận động các tầng lớp thực hiện giảm tô giảm tức, vận động nhân dân tham gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, tích cực đóng thuế nông nghiệp. Trong đó, đơn vị Trung đội 1 kết hợp với du kích Nôi Trạch xã Hòa Bình đã bẻ gãy cuộc càn quét của địch từ bốt Nam Am nống ra. Trung đội 2 đã cùng lực lượng du kích xã Hưng Nhân đồng minh liên tục đánh phục kích địch trên đường 10 bằng mọi chiến thuật của chiến tranh du kích, diệt và làm tiêu hao nhiều sinh lực địch. Quân ta đã gài mìn phá nhiều xe cơ giới của địch nhằm đánh bại âm mưu càn trắng phá hoại hoa màu của địch dọc theo hai ven đường 10 từ Cầu Nghìn đi Mai Sơn, từ Mai Sơn đi Đông Tạ. Trung đội 3 cùng lực lượng du kích xã Tân Liên tập kích địch ở Trại Chiều - Đông Tạ đã diệt gọn một trung đội địch. Tất cả các trung đội đều thi đua tích cực không chỉ trong chiến đấu mà trong cả việc thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần quan trọng vào cuộc triệt để giảm tô, giảm tức đạt 25 phần trăm.

Công tác khai hoang phục hoá của huyện cũng đẩy mạnh đưa sản lượng chung năm 1953 tăng 20 phần trăm so với sản lượng những năm trước. Quần chúng nhân dân đóng thuế nông nghiệp vượt kế hoạch. Phong trào tuyển quân cũng rầm rộ, các xã đều vượt con số chỉ tiêu mà huyện đề ra. Do vậy, khắp nơi trong toàn huyện Vĩnh Bảo dấy lên phong trào thực hiện theo khẩu hiệu "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người". Mỗi xã lúc này bổ sung du kích và thanh niên cho lực lượng quân đội từ 90 đến 150 người. Xã Hiệp Hòa là xã tiêu biểu nhất của huyện đã đóng góp sức người và sức của nhiều nhất cho kháng chiến và được Khu ủy Tả Ngạn, tặng bằng khen. Điều đặc biệt hơn, huyện Vĩnh Bảo từ cuối năm 1952 đến giữa năm 1953 đã bổ sung cho Tiểu đoàn 204 của tỉnh Kiến An hai trung đội gồm cả cán bộ chỉ huy và chiến sĩ, bổ sung cho tỉnh và khu Tả Ngạn ba cán bộ huyện và bảy cán bộ trung đội trưởng. Đến giữa năm 1953, ban chỉ huy huyện, Đại đội 112 của huyện Vĩnh Bảo chỉ còn tôi là Huyện đội trưởng, đồng chí Lương (tức Phát) - Bí thư huyện ủy, chính trị viên, đồng chí Hoằng - Chính trị viên đại đội phó và đồng chí Quang - Đại đội phó. Còn các cán bộ trung đội trưởng đều mới được đề bạt từ trung đội phó hoặc tiểu đội trưởng lên; việc đào tạo, bồi dưỡng đã không theo kịp yêu cầu xây dựng đơn vị và bổ sung lực lượng cho cấp trên.

Địch càng đánh thì chúng càng thua, chúng bị thua đau trên các chiến trường. Thực dân Pháp càng ngày càng bị sa lầy, càng lâm vào thế bị động lúng túng. Địch đang mâu thuẫn lớn về chiến thuật giữa "phân tán và tập trung". Phân tán quân để bình định giữ đất cũng bị lực lượng quân ta gom vào tiêu diệt. Tập trung quân cơ động mạnh để tiêu diệt lực lượng ta thì cũng bị bộ đội ta chia cắt, tiêu diệt.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #37 vào lúc: 22 Tháng Ba, 2016, 03:50:32 pm »


Năm 1953, thực dân Pháp cử tướng Nava sang Đông Dương làm tổng chỉ huy quân đội Pháp, thay tướng Salan bị triệu hồi sau thất bại ở chiến dịch Thượng Lào. Chiến dịch Thượng Lào là một chiến dịch lớn nhất phối hợp giữa bộ đội chủ lực ta và quân giải phóng Pathét Lào kéo dài từ đầu tháng 4 đến tháng 5 năm 1953. Trong chiến dịch này, ta và Pathét Lào đã diệt và bắt sống, làm tan rã gần 2.800 quân địch, chiếm một phần năm tổng số lực lượng địch ở Lào, giải phóng toàn bộ tỉnh sầm Nưa, một phần tỉnh Xiêng Khoảng và tỉnh Phong Sa Lỳ chiếm một phần năm diện tích Bắc Lào và hàng chục vạn dân.

Sang Đông Dương, tướng Nava mang theo kế hoạch chiến lược được gọi là "Kế hoạch Nava" mà mục đích cuối cùng là "tạo nên những điều kiện quân sự làm cơ sở cho một giải pháp chính trị trong danh dự mà chính phủ phải nắm lấy khi thời cơ đến"1. Chúng hy vọng trong vòng mười tám tháng sẽ đảo ngược thế cờ, chuyển bại thành thắng. Ở miền Nam, Nava cố bình định miền Nam và miền Trung Đông Dương; ở miền Bắc, càn quét các tỉnh Nam Định, Hà Nam, Kiến An và tăng cường hoạt động ở một số nơi khác. Giặc Pháp tập trung quân cơ động ở vùng đồng bằng Bắc Bộ lên tới 44 tiểu đoàn, thường xuyên càn quét, đánh phá một cách ác liệt. Chúng đốt phá xóm làng, ruộng vườn của nhân dân ta trong các vùng du kích, vùng ven đô thị và các thị xã, huyện lỵ. Huyện Vĩnh Bảo là một trong những vùng đánh phá trọng điểm của địch.

Để kịp thời đáp ứng tình hình mới của cách mạng, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đề ra phương châm chiến lược trong chiến dịch Đông Xuân năm 1953-1954 là: "Tập trung lực lượng mở những cuộc tiến công vào những hướng quan trọng về chiến lược, ở đó, địch đang ở thế tương đối yếu buộc chúng phải phân tán lực lượng đối phó với ta. Tạo điều kiện thuận lợi mới để tiêu diệt từng bộ phận sinh lực địch, giải phóng thêm đất đai, đồng thời đẩy mạnh chiến tranh du kích trong vùng sau lưng địch...".

Thực hiện phương châm trên, Tỉnh ủy Kiến An chủ trương tập trung lực lượng đánh phá vào những nơi địch sơ hở nhằm gây tiếng vang lớn để khích lệ phong trào. Đồng thời chuẩn bị sẵn sàng đánh bại mọi âm mưu mở những cuộc càn quét của địch, bảo vệ vững chắc căn cứ du kích của ta ở Tiên Lãng, Vĩnh Bảo.

Vĩnh Bảo là căn cứ của tỉnh, được cấp trên giao nhiệm vụ vừa đánh địch để bảo vệ địa phương vừa động viên sức người, sức của chi viện cho hoạt động tác chiến lớn của tỉnh.

Để triển khai nhiệm vụ trên, với sự nhất trí của thường vụ huyện ủy, tôi - Huyện đội trưởng thay mặt huyện ủy, huyện đội giao nhiệm vụ cụ thể cho các xã, các trung đội bộ đội thuộc Đại đội 112... khẩn trương triển khai kế hoạch chống địch càn quét với quy mô lớn của tỉnh. Đại đội 112 phải chuẩn bị sẵn sàng cơ động từ một đến hai trung đội đi chiến đấu xa khi có lệnh của cấp trên. Các xã ở Khu 1 Vĩnh Bảo, cán bộ địa phương phải làm công tác tư tưởng quần chúng nhân dân cho tốt, chuẩn bị nơi ăn ở chu đáo để đón từ một đến hai trung đoàn chủ lực về đóng tại cơ sở địa phương. Những xã ở ven sông Thái Bình (xã Tân Liên, Tam Đa, Liên Am, Lý Học và Hoà Bình) phải chuẩn bị từ mười lăm đến hai mươi thuyền ở mỗi xã và một số dân công biết chèo thuyền để chở bộ đội qua sông khi có lệnh hành quân.
___________________________________
1. Henri Navarre - Le temps des vérites, Nhà xuất bản Plon Paris - 1979, tr. 72.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #38 vào lúc: 22 Tháng Ba, 2016, 03:51:14 pm »


Thế trận của quân và dân ta ngày một lớn mạnh. Để thực hiện kế hoạch tấn công các mục tiêu nằm sâu trong hậu cứ an toàn của địch, đêm 20 rạng ngày 21 tháng 4 năm 1953, khi màn đêm còn đang bao trùm lên các làng quê, mọi người vẫn còn đang chìm trong giấc ngủ say sau một ngày lao động vất vả. Phía xa xa, trên bầu trời đen kịt vẫn còn một số vì sao nhấp nháy tỏa sáng. Đúng giờ xuất kích, bộ đội địa phương Kiến An đã tập kích vào tỉnh lỵ Kiến An. Cuộc chiến đấu giữa bộ đội ta và quân địch diễn ra rất ác liệt. Sau gần hai giờ đồng hồ, với sự chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, quân ta đã làm chủ trận địa, giải phóng hoàn toàn thị xã. Chúng ta đã tiêu diệt được 500 tên địch. Trong đó có 123 tên lính Âu - Phi. Tên tỉnh trưởng và nhiều sĩ quan của chúng đã bị tiêu diệt. Ta bắt được 120 tên, đốt cháy một kho xăng chứa ba mươi vạn lít; phá hủy 235 xe tăng, xe vận tải phương tiện vận chuyên chiến tranh từ xa của chúng. Ta đốt và làm nổ tung 24 kho chứa bom đạn, thu nhiều vũ khí, đạn dược và phương tiện chiến tranh khác của địch. Tiếp đó, ngày 24 tháng 6 năm 1953, lực lượng vũ trang Kiến An lại tập kích ở Sở Dầu - Hải Phòng đốt cháy 147 triệu lít xăng dầu, phá hủy nhiều xe cơ giới các loại. Chiến thắng lớn ở thị xã Kiến An và Sở Dầu - Hải Phòng đã khẳng định chủ trương của tỉnh ủy "tìm nơi sơ hở của địch để chủ động tấn công, đánh thẳng vào sào huyệt, phá cơ sở hậu cần chiến lược của địch" là hoàn toàn đúng đắn và sáng suốt.

Qua hai trận đánh, quân và dân ta giành chiến thắng tao nên một tiếng vang lớn làm nức lòng toàn dân và gây cho địch tinh thần hoang mang, lo sợ. Chiến công đó đã có phần đóng góp của căn cứ hậu phương Vĩnh Bảo.

Để phối hợp với hoạt động chung trên khắp chiến trường của tỉnh và địa bàn huyện Vĩnh Bảo, tháng 7 năm 1953, Ban chỉ huy Đại đội 112 thực hiện phương châm "lấy yếu đánh mạnh, lấy ít địch nhiều", dùng chiến thuật du kích để đánh địch, bộ đội kết hợp với du kích liên tục phục kích độn thổ bọn địch hành quân trên đê Lò Đông xã Thắng Thủy nên đã diệt được hai trung đội địch khi chúng đi từ đồn Hà Phương tới đồn Chanh Chử để sang Ninh Giang. Một bộ phận nhỏ bộ đội huyện phối kết hợp nhịp nhàng với du kích đã liên tục ngăn chặn hàng tiểu đoàn địch, đánh bại các cuộc hành quân của địch từ Ninh Giang theo đường 17 về Đông Tạ. Vì chúng ta đã giành chiến thắng to lớn ở trận đánh trên đê Lò Đông và đường 17 nên sau chiến thắng đó, cán bộ và chiến sĩ Đại đội 112 đã sinh tư tưởng chủ quan, lơ là, thiếu cảnh giác, thiếu chuẩn bị kế hoạch chống giặc càn quét. Đầu tháng 8 năm 1953, bọn địch ở bốt Ninh Giang đưa hai tiểu đoàn cơ động bất ngờ tấn công sang khu du kích tây bắc huyện Vĩnh Bảo. Địch chủ yếu đánh vào thôn Nhân Lễ, Phương Lâm và Bắc Tạ. Tại đây, các chiến sĩ thuộc Trung đội 3 Đại đội 112 chiến đất rất kiên cường, một tiểu đội đã giữ thôn Phương Lâm cả buổi sáng. Chiến sĩ ta đánh bại nhiều đợt xung phong của địch khiến địch không vào được làng. Nhưng đến chiều, cán bộ chỉ huy dao động bỏ vị trí chỉ huy để cho chiến sĩ vừa đánh vừa rút lui về khu vực nhà thờ thôn Bắc Hạ. Tuy vậy, các chiến sĩ vẫn cố thủ chiến đấu dũng cảm, hy sinh đến người cuối cùng. Chiến thuật "lùi dần" làm cho đơn vị bị tổn thất nặng nề với 20 chiến sĩ bị thương vong. Đây là một tổn thất lớn chưa từng xảy ra trong điều kiện ta đang ở thế tiến công. Đó chính là nguyên nhân của tư tưởng chủ quan, khinh thường địch, thiếu tinh thần chiến đấu dũng cảm của cán bộ chỉ huy. Mặc dù tôi không trực tiếp chỉ huy trong trận đánh nhưng tôi nhận thấy khuyết điểm lớn của mình về đánh giá nhận định tình hình của địch, đánh giá cán bộ cấp dưới không đầy đủ nên để xảy ra tổn thất lớn cho đơn vị. Đó là một bài học đau xót trong cuộc đời binh nghiệp của bản thân, nó khắc cốt ghi xương nhắc nhở tôi không bao giờ được lãng quên.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #39 vào lúc: 22 Tháng Ba, 2016, 03:52:14 pm »


Để đối phó với hoạt động quân sự mạnh của ta và tạo vành đai an toàn bảo vệ căn cứ liên hợp hậu phương chiến lược ở Hải Phòng của địch, cuối tháng 8 năm 1953, thực dân Pháp đã huy động một lực lượng lớn gồm ba binh đoàn cơ động chiến lược (GM3, GM5, GM7) tổ chức cuộc càn Cơ Lốt, định đánh phá ác liệt khu căn cứ du kích Tiên Lãng - nhằm tiêu diệt cơ quan chỉ đạo của tỉnh, bộ đội Kiến An, xoá sổ căn cứ du kích Tiên Lãng. Cuộc chiến đấu mới của quân dân ta diễn ra liên tục, gian khổ và quyết liệt. Từ ngày 28 tháng 8 đến ngày 20 tháng 9 năm 1953, suốt một thời gian dài, lực lượng quân ta chỉ có hai đại đội của tỉnh (đơn vị 295, 331), một đại đội bộ đội huyện Tiên Lãng 196 kết hợp cùng với dân quân du kích và quần chúng nhân dân Tiên Lãng đã kiên cường bám trụ, ngày đêm chiến đấu dũng cảm, mưu trí sáng tạo; dùng lối đánh du kích táo bạo, bất ngờ để tiêu diệt sinh lực địch. Quân dân ta đã đánh 182 trận, tiêu diệt 677 tên địch, bắt 6 lính Âu - Phi, phá hủy ba xe lội nước, bắn rơi một máy bay.

Mặc dù chúng ta bị tổn thất hy sinh nhưng quân dân ta đã đánh bại cuộc càn quét quy mô lớn của địch, bảo vệ vững chắc căn cứ du kích, tiếp tục làm bàn đạp vững chắc để quân đội ta tấn công vào hậu phương lớn của địch.

Cùng phối hợp với quân dân Tiên Lãng phá càn, phá tan chiến dịch lớn của địch; thực hiện chỉ thị của Tỉnh ủy Kiến An, Huyện ủy và Huyện đội Vĩnh Bảo, chúng tôi đã điều động bộ đội và du kích phối hợp với đại đội hỏa lực của tỉnh đánh ca nô, tàu chiến địch tuần tra trên sông Thái Bình, huy động hàng ngàn bàn chông, tổ chức cho du kích vượt qua vòng vây địch bao vây trên sông Thái Bình chi viện cho du kích Tiên Lãng cùng đánh địch. Điều đặc biệt quan trọng, Đại đội 112 Vĩnh Bảo và du kích xã Cao Minh, xã Cộng Hiền đã phối hợp và phục vụ tiểu đoàn Giang Đông (Trung đoàn 50) tiến hành đánh công kích tiêu diệt đồn địch ở Hội Am, chọc thủng tuyến phòng thủ sông Hoá của địch. Chúng ta vừa tạo thế phối hợp với quân dân Tiên Lãng phá càn quét của địch, vừa tạo thế bao vây cô lập đồn Chùa Tam để ta đánh lấn sau này. Trận phối hợp với tiểu đoàn Giang Đông đã cho tôi nhiều kinh nghiệm quý, để lại trong tôi nhiều ấn tượng sâu sắc.

Khi được tin tiểu đoàn Giang Đông về địa bàn huyện tác chiến, tôi xuống ngay hai xã Tiền Phong và xã Cộng Hiền, kết hợp với cán bộ địa phương chuẩn bị cùng nhân dân đón tiếp các chiến sĩ, cán bộ. Đơn vị vừa đến, tôi tổ chức đón họ vào cơ sở đã được chuẩn bị và trực tiếp làm việc với đồng chí tiểu đoàn trưởng. Tuy hai chúng tôi chưa biết nhau bao giờ nhưng khi gặp cả hai đều tươi cười phấn khởi như những người đã thân quen gặp lại. Đồng chí Đỉnh, tên của đồng chí tiểu đoàn trưởng, rất trẻ tuổi khoảng chừng hai mươi tư hoặc hai mươi lăm tuổi, ngang với độ tuổi tôi nhưng trông anh có dáng thư sinh và đẹp trai hơn dù cho anh có nước da trắng, xanh xám giống như người bị sốt rét rừng chưa được lại sức. Gặp tôi, anh thân mật hỏi:

-Anh cho tôi biết về tình hình địa phương được không? À quên, anh cho tôi biết tên anh để dễ trao đổi.

Tôi đã vui vẻ trao đổi với anh về tình hình lực lượng của địch, tình hình cơ sở địa phương. Tôi nói:

-Tôi xin tự giới thiệu, tôi tên là Quyết Tâm - Huyện đội trưởng, nguyên Bí thư chi bộ, xã đội trưởng Cao Minh. Đồn Hội Am mà chúng ta sắp tiêu diệt là làng tôi. Cha mẹ và vợ tôi đang sống ở đó. Nhân dân trong làng có cả người đi lương lẫn người đi giáo, cơ sở thì rất tốt. Các tổ đảng bí mật và hoạt động rất hiệu quả. Chúng tôi vừa đánh tập kích đồn Bảo An, Hội Am bằng cơ sở nhân môi, thu được mười lăm súng các loại. Bây giờ, đồn Hội Am đang bị du kích bao vây. Cuối năm 1952 đầu năm 1953, chúng tôi đã đánh hai trận ở đồn này nhưng không thành công. Trong trận đầu, đơn vị Đại đội 112 dựa vào bốn cơ sở nội tuyến mở cửa nhưng bị lộ, địch đã bắn vào cơ sở. Trận thứ hai, Đại đội 331 bộ đội của tỉnh đánh theo cách đánh "Sờ vị trí địch" nhưng chiến sĩ ta chui qua hàng rào dây thép gai để vào bốt địch bị lộ nên đã lui quân. Ở đồn này, địch chỉ có bảy mươi tên nhưng phần đông là người công giáo cực kỳ phản động, chúng ngoan cố chống trả đến cùng. Đồn được bao bọc bởi năm hàng rào dây thép gai và gài nhiều mìn. Có lẽ lần này, bộ đội chủ lực dùng sức mạnh công kiên nhất định sẽ giành thắng lợi.

Tiếp đó, tôi đưa cho đồng chí Đỉnh một sơ đồ vị trí Hội Am. Anh nhìn sơ đồ và vui vẻ nói với tôi:

- Hay quá! Thế là chúng ta nắm được tình hình địch rồi. Đề nghị các đồng chí giúp đỡ tiểu đoàn đi trinh sát thực địa để xác định kế hoạch tác chiến.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM