Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 02:06:27 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Khát vọng đồng bằng  (Đọc 34088 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #20 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2016, 07:51:49 am »


Những ngày sau đó, bọn địch ở bốt Hội Am tăng cường khủng bố, đánh phá phong trào thôn Hội Am. Chúng phá dỡ nhà tôi và nhà đồng chí Ro về làm công sự cho đồn Hội Am, chúng tịch thu của cải, ruộng đất của nhân dân. Bắt hai mươi bốn gia đình có con đi thoát ly phải theo đạo Thiên Chúa và bắt nhân dân Hội Am phải đền súng cho chúng. Chúng còn đặt giải nếu ai bắt được tôi (tức Vũ Văn Bá - chính trị viên xã đội) thì sẽ được thưởng hai mươi vạn đồng Đông Dương. Tình hình lúc này rất căng thẳng. Chúng tôi đã lãnh đạo cơ sở, hướng dẫn đồng chí Tòng tổ trưởng đảng cơ sở bí mật đến vận động các cụ có chức sắc, có uy tín với cha cố và bọn kỳ hào chức dịch của thôn để đấu tranh với địch, mời quan Pháp về họp đình để nhân dân Hội Am có ý kiến.

Trong phiên họp này, các cụ đã phân tích lý lẽ với bọn quan đồn, các cụ nói: "Đồn mà tịch thu ruộng, dân không có ruộng cày, lấy đâu ra thóc để nộp thuế cho các quan Tây? Việt Minh về đánh bốt bảo an Hội Am bên cạnh đồn Tây có vài chục mét, có đủ các loại súng mà không cứu được đồn bảo an, không đánh lại được Việt Minh. Bây giờ các ông lại bắt dân Hội Am đền súng thì thật vô lý quá. Nhân dân chúng tôi nghèo chạy gạo ăn từng bữa cũng không đủ lấy tiền đâu mà đền súng, còn việc quan đồn bắt các gia đình phải tòng giáo thì lại càng không thể được. Kinh thánh đã dạy "đạo tại tâm" không ai bắt ép được...". Trước lý lẽ đanh thép và sức đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân, của các cụ kỳ hào trong làng công giáo và làng lương, buộc tên quan hai chỉ huy đồn Hội Am và một số tên phản động phải nhượng bộ, thừa nhận những việc chúng làm là không đúng. Cuộc đấu tranh do các cụ dẫn đầu đã giành thắng lợi, cơ sở kháng chiến thôn Hội Am được giữ vững và ngày càng phát triển, có tiếng vang trong vùng địch hậu Kiến An.

Vinh dự cho xã Cao Minh, đồng chí Vũ Bá Ngọc - Bí thư, xã đội trưởng được đề bạt huyện ủy viên và điều lên công tác trên huyện. Chúng tôi họp toàn ban chi ủy liên hoan tiễn chân đồng chí Ngọc đồng thời điều chỉnh lại bộ máy lãnh đạo của xã, tôi làm bí thư, kiêm xã đội trưởng thay đồng chí Ngọc, đồng chí Vũ Hạ làm phó bí thư, kiêm chính trị viên xã đội thay tôi. Cuộc tiễn chân bịn rịn kẻ ở, người đi, vừa lưu luyến nhớ anh Ngọc vừa lo làm sao giữ vững, phát triển được phong trào như khi anh Ngọc còn ở địa phương.

Cuối năm 1950, đầu năm 1951, phối hợp với chiến dịch Cao - Bắc - Lạng và thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy Kiến An, huyện Vĩnh Bảo tổ chức đợt hoạt động đánh địch, tiêu diệt địch, tổng phá tề, mở lại khu du kích khu tây bắc huyện và khu giữa huyện. Ngày 10 tháng 4 năm 1951, một trung đội du kích xã Cao Minh phối hợp với Đại đội 61 Kiến An phục kích ở đường 17, đoạn gần xóm Tam Bảo đã diệt gọn một trung đội địch, bắt được tên quan hai. Một tiểu đội du kích phối hợp với Đại đội 112 và du kích Liên Am bao vây bốt Đòng, bắn què tên đồn trưởng Tây Âu, thuyết phục tên quan hai Brochít biên thư cho bốt Đòng ra hàng. Tại bốt Đòng, ta có cơ sở nhân mối là Tổng Hoán - ông là đảng viên, người xã Tam Đa vào đây làm phó đồn, kết hợp vừa vận động binh sĩ vừa uy hiếp bằng quân sự nên toàn bộ lính bốt Đòng phải kéo cờ trắng ra xin hàng. Ta thu toàn bộ vũ khí: súng ống, đạn dược và các phương tiện chiến tranh khác. Ngay sau đó, ta huy động nhân dân dùng mai, cuốc, thuổng san bằng các công sự của bốt. Chúng tôi được trên giao nhiệm vụ trả tên quan hai cho bốt Nam Am, đây là nhiệm vụ mới mẻ nhưng cuộc giao nhận, trao trả tù binh diễn ra tốt đẹp.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #21 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2016, 07:53:03 am »


Với khí thế thừa thắng, đêm ngày 10 tháng 4 năm 1951, chúng tôi tiến hành tổng phá tề ba thôn: thôn Liễu Điện, thôn Tây Am và thôn Đông Lại. Ta bắt một số tên phản động ở Vạn Hoạch và Hội Am. Ta huy động một trung đội du kích phối hợp với Đại đội 61 bao vây bốt Hội Am và 100 dân công chuẩn bị sẵn sàng san bằng bốt. Toàn xã chiến đấu đầy ắp khí thế kháng chiến tổng phá tề; náo động trong tiếng trống, mõ, tù và thúc liên tục, kết hợp với kèn thúc quân ta tạo nên bản nhạc trường ca chiến thắng. Pháo cối của ta bắn vào đồn làm địch khiếp sợ nhưng chúng vẫn ngoan cố không chịu ra đầu hàng.

Trong không khí tưng bừng phấn khởi, chúng tôi đã huy động nhân dân đào hào đắp luỹ củng cố lại làng chiến đấu Liễu Điện, Tây Am, phát triển dân quân du kích, đưa du kích xã lên thành một trung đội. ở mỗi thôn có thêm một đội du kích, quân dân trong xã tích cực chuẩn bị mọi mặt sẵn sàng chống địch càn quét.

Để cứu nguy cho quân địch đang bị ta uy hiếp, tháng 5 năm 1951, địch huy động lực lượng lớn mở cuộc càn "Mêđuy" đánh vào các huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo tỉnh Kiến An, đánh vào huyện Tứ Kỳ, Thanh Hà tỉnh Hải Dương và đánh vào huyện Thụy Anh, Phụ Dực tỉnh Thái Bình. Chúng càn đi quét lại, đánh phá quyết liệt bằng nhiều thủ đoạn quyết tâm bình định hai huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo tỉnh Kiến An. Cán bộ, du kích vẫn bám đất bám dân ở lại cùng nhân dân đấu tranh chống giặc. Mặc dù nhân dân bị đói nhưng vẫn dành lương thực nuôi quân. Các cán bộ du kích phải xuống hầm bí mật ngày đêm. Địch càn quét lùng sục như bầy chó săn, chúng đào được một hầm bí mật ở Tây Am, bắt được ba người: ông Lân, ông Tiện và đồng chí Hân là bí thư phụ nữ xã, chi ủy viên. Địch tra tấn ba người rất dã man, chúng đánh đồng chí Hân chết đi sống lại nhiều lần hòng moi tin tức về cơ sở ta nhưng đồng chí vẫn giữ vững khí tiết người cộng sản, một mực chỉ nói: "Vì sợ bom đạn nên phải xuống hầm" và cuối cùng chúng phải tha. Ngày 20 tháng 5 năm 1951, thực dân Pháp đưa một đại đội về đóng bốt ở Chùa Tam. Chúng ra sức đánh phá phong trào xã. Chúng tôi phải cử đảng viên và quần chúng tốt vào ban xã ủy thôn Liễu Điện, thôn Tây Am và thôn Đông Lại, giao nhiệm vụ cho cơ sở bám sát ban tề Vạn Hoạch và Hội Am nhằm che mắt địch, giữ thế hợp pháp cho dân.

Đầu tháng 6 năm 1951, quân Pháp đã huy động lực lượng quân của ba bốt Chùa Tam, Nam Am, Hội Am, tập trung càn vào thôn Tây Am, Liễu Điện, ở thôn Liễu Điện chúng bắt 36 người dân trong đó có cán bộ xã và du kích đưa về bốt Nam Am, đánh đập tra khảo dã man, tàn bạo nhưng không một ai khai báo điều gì. Đồng chí Túy là đảng viên bị địch đánh đến chết cũng không khai nửa lời, chúng đánh chết anh và vứt xác anh ra hàng rào bốt Nam Am.

Đây là trận càn khủng bố mạnh của địch nhằm uy hiếp tinh thần nhân dân, song quần chúng nhân dân vẫn không hề nao núng, vẫn tuyệt đối tin vào Đảng, vào cách mạng. Tình hình càng khó khăn, việc xây dựng cơ sở bảo vệ cán bộ càng trở nên quan trọng. Chúng tôi phải hết sức quan tâm chăm lo cho nhiệm vụ này. Với thời gian hai năm 1950-1951, trong điều kiện cực kỳ khó khăn đen tối nhưng chúng tôi vẫn ra sức phát triển các cơ sở bí mật để bảo vệ cán bộ và du kích xã đưa từ 16 cơ sở lên 36 cơ sở, mỗi cơ sở có từ một đến hai hầm bí mật được đào nhiều kiểu khác nhau. Điển hình có nhiều cơ sở nuôi giấu cán bộ thời gian khá dài như cụ Khao ở thôn Liễu Điện, cụ Hào ở thôn Tây Am, cụ Tiêu ở thôn Đông Lại, cụ Mầu ở thôn Hội Am... Tôi ở nhà mẹ Khao lâu nhất. Nhà mẹ tuy nghèo nhưng ở mẹ sáng ngời lòng yêu cách mạng, yêu Tổ quốc. Cả nhà đã kết thành một tập thể bảo vệ cán bộ vững chắc. Mẹ là tổ trưởng chỉ huy chung. Hai cô con gái lớn chuyên đi đánh dậm kiếm tôm cá bán lấy tiền đong gạo nuôi cán bộ. Hôm nào có cá to các cô giữ lại cho tôi ăn. Các cô còn kết hợp với các chị khác hình thành tổ trinh sát dẫn đường cho tôi vượt đường 17, đường tây thôn sang Miễu Cô giữa ban ngày. Cô con dâu của mẹ lo việc phục vụ cơm nước, thuốc thang khi tôi ốm đau, cô con gái út làm nhiệm vụ canh gác địch và chuyển thư từ, công văn. Rồi mẹ đã bị địch bắt, chúng tra tấn, đánh đập mẹ rất dã man hòng bắt mẹ phải nói ra nơi che giấu cán bộ. Mẹ kiên quyết không khai, dù những đòn tra khảo có dã man, tàn bạo đến mấy cũng không thể thắng nổi tinh thần kiên trung với cách mạng của mẹ. Sau này, mẹ được Đảng và Chính phủ ta tặng thưởng Huy chương Kháng chiến hạng Nhất. Ngoài mẹ Khao, còn nhiều tấm gương tiêu biểu bảo vệ cán bộ kiên cường, anh dũng như ông Nhuế nuôi giấu cán bộ, địch càn lên đào được hầm bí mật, chúng đánh ông chết đi sống lại nhiều lần nhưng ông chỉ nói: "Tôi không biết họ về đào từ bao giờ". Ông Cóp ở thôn Liễu Điện giấu cán bộ trên trần nhà, địch nghi ngờ bắt ông đánh đập tra khảo, ông đã khảng khái, thách thức nói vào mặt bọn chúng rằng "các người cứ khám nếu có cán bộ thì bắn chết cả nhà". Địch soi xét mãi không phát hiện được nên chúng đã bỏ đi. Quân ta nấp trên trần nhà hồi hộp âu lo nhưng đã được ông che chở an toàn, cảm động hơn là nhà cụ Uy đảng viên, gia đình đã nuôi bảo vệ đồng chí Hiệu - Thường vụ huyện ủy. Đồng chí bị bệnh lao nhưng đã được gia đình chăm lo thuốc thang rất chu đáo, coi đồng chí như con cái, anh em ruột thịt trong nhà. Gia đình lo từ quần áo, đến khi bệnh phát quá nặng, không qua khỏi, đồng chí Hiệu qua đời, gia đình lo việc tang ma, cả làng đến tiễn đưa thương tiếc, vừa lưu luyến nhớ thương người cán bộ cốt cán của dân, trung thành của Đảng vừa để che mắt quân thù. Tuy lúc đó là thời kỳ đen tối nhưng tôi vẫn bám trụ ở địa phương, sống trong sự che chở đùm bọc của nhân dân, bị địch lùng bắt gắt gao nhưng tôi vẫn không bị sa vào tay kẻ thù. Trước tình cảm sâu nặng của quân dân, tôi xúc động ghi mấy vần thơ:

Hai năm trời đất tối mịt mùng
Xóm thôn tề ngụy chúng hành hung
Hầm sâu địch hậu dân che chở
Mối tình cá nước tựa non xanh.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #22 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2016, 07:53:35 am »


Chiến dịch Mêđuy kết thúc, quân cơ động địch rút đi, thay vào đó là một tiểu đoàn khác. Bọn chúng đặt sở chỉ huy tại huyện Vĩnh Bảo do tên quan tư Phan Trọng Vinh (Tư Vinh) phản động khét tiếng làm chỉ huy trưởng. Bọn chúng tiếp tục đánh phá bình định quyết liệt, biến nhà thờ thành vị trí phản động. Tình hình diễn biến khó lường, địch làm chủ cả ngày lẫn đêm, vượt qua đồn giặc như vượt qua cửa tử. Có nhiều đồng chí cán bộ, bộ đội, dân quân du kích vượt đường 10, đường 216, vượt qua sông Hóa dày đồn bốt đã bị địch bắn chết. Lúc này, tôi được huyện cử đi học lớp huyện ủy viên do Tỉnh ủy Kiến An mở ở khu căn cứ du kích: Tiên - Duyên - Hưng (Thái Bình). Tôi, đồng chí Ro - cán bộ tuyên truyền của huyện và đồng chí Thoa - bộ đội đơn vị 112 đã cùng nhau vượt đường 10 đến thôn An Biên xã Hưng Nhân. Chúng tôi nghe thấy tiếng trống mõ nổi lên và trong chốc lát, bọn bảo an trong làng xông ra đuổi nên chúng tôi chạy sang thôn Tứ Duy. Dân ở đây cũng kéo ra chặn chúng tôi lại và đuổi bắt chúng tôi. Nhân dân thôn An Biên đã bắt được đồng chí Ro và đồng chí Thoa giải lên bốt cầu Nghìn. Tôi bị dân Tứ Duy bắt. Tôi nói thẳng với bọn bảo an: "Tôi là xã đội trưởng xã Cao Minh, không phải đóng giả địch để thử dân!” - vì lúc này bọn địch hay đóng giả Việt Minh để thử xem làng tề có trung thành với chúng không. "Nếu bà con giải tôi lên bốt Mai Sơn, ở đó, có mấy tến phản động người làng tôi, chúng sẽ giết tôi. Làm cán bộ, tôi đã xác định hy sinh nhưng khi kháng chiến thắng lợi, nhân dân Tứ Duy đối với Chính phủ Cụ Hồ ra sao...?". Nhân dân trong làng nghe tôi nói vậy thì bắt đầu bàn tán xôn xao. Ban hội tề họp từ tối đến 12 giờ đêm chỉ xoay quanh mỗi việc có giải tôi lên đồn hay không. Đến một giờ sáng tôi đã thuyết phục được một số anh em bảo an đồng tình cởi trói cho tôi và chỉ đường cho tôi về thôn Bến Vọng. Đêm hôm đó, tôi phải ngủ lại ở cánh đồng Hà Cầu. Sáng sớm hôm sau, tôi lấy giỏ treo lên đầu cái gậy giả làm người đi đỏ rọ và đi vào làng Hà Cầu. Tôi đến nhà bà cụ Tầm thì gặp anh Ngọc - huyện ủy viên phụ trách xã Đồng Minh. Anh rất mừng vì gặp lại tôi sau bao ngày xa nhau, mừng vì tôi thoát chết. Chúng tôi tâm sự về những ngày đầu "bám dân, bám đất" ở xã Cao Minh. Cụ đội Tầm cũng hiểu và thông cảm cho hoàn cảnh của chúng tôi. Mặc dù nhà cụ nghèo nhưng cụ vẫn kiếm được một con gà nấu cháo khao hai anh em chúng tôi. Đêm hôm sau nữa, tôi và con của cụ (anh Dũng - đội Việt Hùng) vượt qua đường 10 an toàn. Rồi chúng tôi bơi qua sông Hóa, vượt đường 218, đến cánh đồng làng A Sao thì gặp được các anh bộ đội Kiến An. Từ Quỳnh Côi trở về Vĩnh Bảo, các anh chỉ huy Đại đội 61 cho tôi biết rằng tất cả hội nghị và lớp học của tỉnh đều bị hoãn lại để trở về chiến đấu, phối hợp với chiến dịch cùng quân ta đánh địch ở Hòa Bình. Tôi gặp đồng chí Dương - Phó bí thư huyện ủy nhận kế hoach hoạt động phối hợp với chiến dịch Hòa Bình. Anh Dương nhấn mạnh: "Đây là thời cơ rất thuận lợi. Cần phải đẩy mạnh hoạt động, đưa cao trào chiến tranh du kích trong toàn huyện lên một bước mới".

Trở về xã, tôi cấp tốc họp ban chi ủy và xã đội để bàn kế hoạch đưa phong trào đấu tranh kháng chiến lên cao. Chúng tôi được tỉnh đội cho một trung đoàn bộ đội thuộc Đại đội 61 về phối hợp. Đêm 10 tháng 1 năm 1952, chúng tôi tiến hành tổng phá tề gây chấn động trong toàn xã, triển khai cho du kích bao vây phục kích bắn tỉa bọn địch ở bốt Chùa Tam buộc địch phải cho quân chi viện, quân ta sẽ thừa cơ chặn đánh chúng. Ngày 20 tháng 1 năm 1952, quân địch đi ca nô từ Ninh Giang về bến đò Cõi. Chúng dùng một đại đội đánh theo đường tây thôn về bốt Chùa Tam. Địch lọt vào trận địa phục kích của bộ đội và du kích ở xóm Cháy. Được lệnh, quân ta nổ súng xung phong. Sau mười lăm phút chiến đấu ác liệt, ta đã diệt được 32 tên địch, bắt ba tên, thu 21 súng có hai trung liên. Để khuếch trương chiến thắng, chúng tôi cho bao vây bốt Chùa Tam, bốt Hội Am và bốt bảo an Vạn Hoạch. Dựa vào thế làng kháng chiến, ta triển khai lực lượng dân quân du kích đánh bại các đợt phản kích của địch, chuyển toàn xã lên thành khu du kích, trong đó đã có ba thôn là làng kháng chiến, đó là thôn Liễu Điện, Tây Am và Đông Lại. Đây là thời kỳ phát triển cao nhất của xã Cao Minh từ sau trận càn "Tônnô" của địch từ tháng 2 năm 1950 đến nay. Trong lúc tôi đang say mê với phong trào cuồn cuộn dâng cao của xã thì huyện bổ sung tôi vào ban chấp hành đảng bộ huyện và điều tôi lên huyện công tác. Lòng tôi bồi hồi nghĩ ngợi miên man: phần thì luyến tiếc phong trào đã xây dựng được từ không đến có, từ yếu đến mạnh. Phần thì lưu luyến các đồng chí của mình đã sống chết bên nhau chiến đấu bảo vệ quê hương. Gần bảy năm trời từ năm 1945 đến năm 1951, tôi đã cùng đồng chí của mình "bám dân bám đất". Phần thì tôi lo cho nhiệm vụ mới có hoàn thành tốt đẹp không. Nhưng với nhiệm vụ khẩn cấp, tôi triệu tập ban chi ủy họp phân công phụ trách công tác cho các đồng chí mới. Tôi bàn giao cụ thể rồi ra đi theo yêu cầu nhiệm vụ của Đảng. Tôi đề nghị chi ủy cử đồng chí Hạ thay tôi làm bí thư chi bộ, kiêm chính trị viên xã đội. Đồng chí Hải làm phó bí thư chi bộ, xã đội trưởng. Tập thể ban chi ủy đều nhất trí cao phương án nhân sự của tôi. Cuộc họp cấp ủy cũng gắn liền với cuộc liên hoan tiễn đưa tôi lên đường đi nhận nhiệm vụ mới. Cuộc tiễn đưa lưu luyến, kẻ ở người đi, ai nấy đều rưng rưng nước mắt.

Lần đầu tiên, tôi phải xa quê hương làng Cõi, xa bến đò Cõi bao năm quen thuộc, xa nơi chôn nhau cắt rốn đã từng bao bọc tôi trong những ngày khốn khó của thời thơ ấu và những ngày đầu của tuổi trưởng thành để hoà mình vào quê hương cụ Trạng, quê hương Vĩnh Bảo rộng lớn, anh hùng. Từ đây, tôi sẽ bước vào cuộc chiến đấu mới, một cương vị công tác mới với tinh thần của người chiến sĩ cách mang. Mặc dù tuổi tôi lúc đó còn quá trẻ, sự thử thách chưa được là bao nhưng tôi tự nhủ mình phải quyết tâm phấn đấu cùng đơn vị mới, vượt qua mọi khó khăn để lập nên những chiến công mới góp phần xây dựng quê hương Vĩnh Bảo xứng danh anh hùng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #23 vào lúc: 18 Tháng Ba, 2016, 08:44:20 am »


II

Cuộc liên hoan của chi ủy chi bộ xã Cao Minh tiễn đưa tôi đi nhận công tác mới đã diễn ra trong không khí thật thân tình và cảm động. Nhiều đồng chí đồng đội, nhiều bà con cô bác đến chia tay và tặng tôi những món quà kỷ niệm. Anh Vũ Mạnh - Xã đội phó tặng tôi một khẩu súng côn mà anh mua được của lính ngụy. Cụ Ruận - một cụ già hiền lành chất phác giàu lòng thương người, luôn yêu quý và giúp đỡ cán bộ ở thôn Liễu Điện tặng tôi bộ quần áo phin màu gụ. Các đồng chí ở thôn Tây Am như đồng chí Lãm, đồng chí Thuộc cũng tặng tôi một bộ quần áo phin nhuộm màu nâu non. Cụ Khoát, cụ Bích ở thôn Đông Lại mua sắm cho tôi đủ thứ, nào mũ cát, dép nhựa, túi đựng quần áo... Còn các mẹ ở thôn Liễu Điện, Tây Am, Đông Lại đã thay bố mẹ, vợ và em gái tôi còn đang ở vùng bị địch kìm kẹp (Hội Am) lo cho tôi đủ hành trang để lên đường. Những món quà đó không chỉ là vật chất đơn thuần mà đó là cả tấm lòng thân thương của bà con cô bác, của đồng chí đồng đội, của quê hương dành cho tôi, cho một người con cán bộ của quê hương đi làm nhiệm vụ mới.

Tôi vô cùng sung sướng là một trong những cán bộ bám dân bám đất, được sông giữa lòng dân, được dân yêu thương đùm bọc trong những năm 1950 - 1951. Tôi phải sống ở hầm bí mật, ở bờ, ở bụi. Lúc tôi ốm đau được bà con nhân dân chăm sóc. Khi tôi làm nhiệm vụ bà con luôn cầu mong cho tôi không bị sa vào tay giặc. Giờ đây, tôi đi xa nhận nhiệm vụ cách mạng mới thì họ lại sắm cho tôi đầy đủ mọi thứ.

Trước khi lên huyện nhận nhiệm vụ mới, đồng chí Vũ Dương - Bí thư huyện ủy đã gửi công văn cho tôi. Trong công văn, đồng chí viết: "Đồng chí hãy tạm thời phụ trách Khu 1 (khu Nam) huyện Vĩnh Bảo một thời gian ngắn thay anh Phạm Dũng mà cấp trên đã điều động bổ sung cho bộ đội chủ lực".

Chấp hành chỉ thị của thường vụ huyện ủy, trưa ngày 2 tháng 1 năm 1952, một tổ phụ nữ ở thôn Liễu Điện dẫn đường bảo vệ cho tôi vượt đường 17 - đoạn đường gần đồn giặc (bốt Nam Am) giữa ban ngày một cách an toàn. Tôi tìm đến nhà đồng chí Rích - Bí thư chi bộ xã Lý Học ở xóm Tây thôn Lạng Am. Vừa vào đến nhà, tôi đã thấy anh Dũng ngồi chờ ở đó. Gặp tôi, anh Dũng và anh Rích rất vui, anh em tay bắt mặt mừng, chuyện trò, thăm hỏi lẫn nhau. Sau đó anh Rích đã báo cáo bảo vệ an toàn trước khi vào họp. Đây là thủ tục quan trọng ở vùng địch kiểm soát. Anh cho biết hướng thoát ra hầm bí mật, người mở cửa hầm là vợ đồng chí Rích, còn công tác gác địch phía trước nhà và sau nhà là hai cô em gái đồng chí Rích phụ trách. Cuộc họp gồm có tôi, anh Dũng, anh Rích, bắt đầu từ 2 giờ chiều đến 7 giờ tối. Anh Dũng đã trao đổi cho tôi biết về tình hình địch, bọn Việt gian phản động chống phá cách mạng, đàn áp phong trào quần chúng. Chúng đã tổ chức những cuộc càn quét vơ vét của cải của dân, đánh đập ức hiếp dân chúng như thế nào. Anh cũng cho tôi biết về lòng tin tưởng vào Đảng, vào cách mạng của quần chúng nhân dân đã lên cao của từng xã trong Khu 1 huyện Vĩnh Bảo mà anh là huyện ủy phụ trách. Anh nói cụ thể hơn: "Xã Cao Minh thì đồng chí biết rồi! Đây là xã điển hình, xã đứng đầu của tiểu khu này về phong trào chiến tranh du kích trong Khu 1 huyện Vĩnh Bảo. Ở xã Cao Minh, chúng ta phải chỉ đạo phát huy phong trào cao hơn nữa. Ở xã Tam Cường gần các thôn Đông Am, Cổ Am, Nam Am là cơ sở chính trị mạnh, kể cả thôn đồng bào công giáo như thôn Nam Am, nhưng mặt vũ trang chưa mạnh, ta cần phải nâng phong trào lên. Phong trào ở các xã Chấn Dương, Hoà Bình, Liên Am chưa sôi nổi. Riêng xã Lý Học là một cơ sở cách mạng công giáo tốt rất tin tưởng. Trong đó có đồng chí Nghĩ là con ông lang Nghĩ mà chúng ta đã cài cắm được vào trong hàng ngũ kẻ thù. Ông lang Nghĩ làm chức thư ký kiêm nghề thuốc phục vụ cho tên Bang Cao, đóng bốt ở đầu làng Nam Am, đã kết hợp chặt chẽ với cơ sở đảng là đồng chí Nghiệp ở Nam Am. Chính ở đây có khả năng phát triển nhân mối. Khi có thời cơ ta lãnh đạo dân quân du kích và quần chúng vũ trang phối hợp bộ đội đánh chiếm đồn Bang Tá và bốt Nam Am.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #24 vào lúc: 18 Tháng Ba, 2016, 08:45:32 am »


Qua tình hình thực tế của cách mạng trong Khu 1, tôi và đồng chí Dũng nhất trí phương hướng hoạt động sắp tới của Khu 1 để đồng chí Dũng về báo cáo, xin chỉ thị huyện ủy. Chúng tôi vẫn tiếp tục phương hướng dùng lối đánh du kích phá hết các bốt tề ngụy còn lại để hoàn chỉnh khu du kích phía nam đường 17 gồm các xã Cao Minh, Tam Cường và Chấn Dương. Dựa vào cơ sở mật ở đồn Bang Tá có đồng chí Nghĩ là cơ sở của ta gài vào hàng ngũ địch. Nhiệm vụ của đồng chí Nghĩ là theo dõi quy luật hoạt động đi lại của lực lượng tề làng Trung Am, phát hiện tội ác chúng gây ra hàng ngày, nhất là tên chánh ủy xã hay còn gọi là lý trưởng. Nhưng trước mắt, chúng ta phải theo dõi tình hình địch ở đồn Bang Tá và bốt Nam Am, giết tên Bang Cao cực kỳ phản động, cần phải theo dõi, đề phòng bọn địch tái vũ trang cho bọn bảo an thôn Liên Khê, cũng là một thôn công giáo thuộc xã Liên Am...

Cuộc họp kết thúc vào lúc đêm đã về khuya, xóm làng đã chìm sâu vào giấc ngủ. Lúc này, đồng chí Rích cử hai người của cơ sở dẫn tôi sang nhà đồng chí Nghĩ ở thôn Lạng Đông, nơi công giáo toàn tòng. Nhà đồng chí Nghĩ chỉ cách bốt Nam Am một vạt ruộng nhỏ. Tới nhà, tôi gặp đồng chí Nghĩ và trao đổi công tác. Tuy anh Nghĩ làm thư ký cho Bang Tá nhưng tối được ở nhà, không phải nghỉ ở đồn. Qua đồng chí Nghĩ, tôi đã hiểu thêm về cơ sở của Nam Am, nắm được quy luật hoạt động của bọn tề Trung Am lưu vong chạy sang Nam Am. Hai chúng tôi trò chuyện, trao đổi thâu đêm. Khi thấy trời gần sáng, đồng chí Nghĩ dẫn tôi ra nhà thờ Lạng Am. Anh giấu tôi ở sau bức tường xép, trước bức tường là tượng Đức Bà Maria. Anh bảo tôi yên tâm ở đó và anh lại về đồn Bang Tá như thường nhật, cả một ngày căng thẳng, nhờ Đức Mẹ đồng trinh ban phúc lành đã che chở cho tôi được bí mật an toàn. Trong nhà thờ, đồng bào giáo dân đi lễ rất đông, tiếng cầu kinh của mọi người hoà vào nhau tạo nên một tiếng vang lớn đập vào tường thành một dư âm rất khó diễn tả. Bên ngoài, bọn lính ở Nam Am liên tục sang thôn Lạng Đông như những ngày khác, chẳng ai hay biết tôi đang nấp đằng sau tượng Đức Bà Maria. Chờ đến tối, tôi lại được các đồng chí đưa đi an toàn.

Được sự nhất trí của Ban thường vụ huyện ủy, ngày 12 tháng 1 năm 1952, tôi và đồng chí Rích - Bí thư đảng ủy xã Lý Học đã điều động một tiểu đội du kích do đồng chi xã đội trưởng xã Lý Học chỉ huy. Chúng tôi phục kích tại một điểm trên đường từ đồn Bang Tá (Nam Am) đi Trung Am để giết tên xã ủy phản động, theo đúng dự kiến phương án tác chiến của ta. Tám giờ sáng, tên xã ủy và ba tên bảo vệ đi từ thôn Nam Am về thôn Trung Am dẫn xác đến và đã lọt vào ổ phục kích của ta. Tiếng hô xung phong vừa dứt, anh em du kích xông ra đâm tên xã ủy, tưởng y chết nên ta rút quân. Sau hai mươi phút, bọn lính ở đồn Bang Tá lên chỗ quân ta phục kích đưa tên xã ủy bị thương về đồn cứu chữa nên nó đã thoát chết. Vậy là tên xã ủy còn sống, cần phải làm như thế nào, phải có chiến thuật nào đế trừ khử tên này, nếu không diệt được, nó càng phản động, càng khát máu, càng chống phá cách mạng ta và lực lượng ta quyết liệt hơn. Giữa lúc chúng tôi đang lung bung suy nghĩ tìm cách đối phó thì nhận được thư mật của đồng chí Nghĩ ở đồn Bang Tá báo ra cho biết: "Bọn tề lưu vong rất hoang mang, tên xã ủy chết hụt lại càng sợ Việt Minh, sợ lần sau họ giết thực sự”. Qua thư của đồng chí Nghĩ, tôi và đồng chí Rích bàn bạc kế hoạch và chúng tôi đi đến quyết định. Ngay đêm hôm đó, tôi và đồng chí Rích cùng đồng chí xã đội trưởng xã Lý Học và sáu đồng chí du kích vào thẳng nhà tên xã ủy ở thôn Trung Am nói cho gia đình y biết "Tên xã ủy có tội với dân, với nước, y làm tay sai đắc lực cho thực dân Pháp, chống phá cách mạng, đàn áp dân chúng. Anh em Việt Minh mới đánh nhẹ để cảnh cáo chờ sự hối cải của hắn. Nếu hắn còn phản động sẽ bị tiêu diệt, yêu cầu gia đình nói cho y biết, nếu cải tà quy chính sẽ được Việt Minh khoan hồng". Cả nhà nó lo sợ, rối rít xin lỗi và cảm ơn, hứa sẽ vận động nó sửa lỗi. Ngay chiều ngày hôm sau, chúng tôi nhận được bản thú tội của tên xã ủy với cách mạng và Việt Minh.

Một tình huống khó xử đã được giải quyết, chúng tôi tiếp tục tiến lên một bước mới. Đêm hôm đó, chúng tôi đến nhà bọn tề lưu vong của thôn Trung Am kêu gọi chúng về nhà làm ăn bình thường như mọi người dân thì sẽ được cách mạng khoan hồng. Đồng thời, chúng tôi cho phá ngay tề ở thôn Tang Thịnh, thôn Triệu Am. Chúng tôi đã phá tan được chính quyền ngụy, thiết lập chính quyền cách mạng, đồng thời tổ chức ngay các đoàn thể quần chúng, ban bố ngay chính sách vùng mới giải phóng. Vậy là làng Trung Am - quê hương cụ Trạng Trình đã trở thành khu du kích của ta.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #25 vào lúc: 19 Tháng Ba, 2016, 07:07:22 am »


Chủ trương phá tề, lập khu du kích, ta giành thắng lợi lớn. Chiến thắng nối tiếp chiến thắng đã làm tôi say mê cùng các đồng chí chi ủy hai xã Lý Học, Tam Cường nghiên cứu kế hoạch phát triển cơ sở địch vận để lập tiếp một chiến công mới to lớn hơn, thắng lợi hơn chiến công trước mà tôi đã cùng đảng bộ xã Cao Minh làm, đó là hạ đồn Bang Tá và bốt Nam Am. Giữa lúc đang chuẩn bị cho kế hoạch mới thì thường vụ huyện ủy gửi công văn mời tôi về huyện nhận nhiệm vụ chính thức. Công việc còn lại ở cơ sở cũ do đồng chí Nghĩ và một cơ sở nội tuyến của ta đã phối hợp với một trung đội bộ đội thuộc Đại đội 311 đánh đồn Bang Tá và giết tên Bang Cao cực kỳ phản động.

Nhận mệnh lệnh của cấp trên, chiều ngày 22 tháng 1 năm 1952, tôi đến thôn Am Bố, xã Dũng Tiến là Khu 4 (khu đông bắc huyện Vĩnh Bảo). Thôn Am Bố là một cơ sở chắc chắn đáng tin cậy của huyện ủy. Tôi gặp đồng chí Vũ Dương - Bí thư huyện ủy, anh mắng yêu tôi: "Cậu vô kỷ luật lắm, để thương vụ chờ cậu tới ba ngày, ai nấy đều mong cậu đến, mọi người đều sốt ruột vì tình hình chiến đấu rất khẩn trương, cậu biết chứ?". Trong thường vụ huyện ủy lúc đó toàn các anh lớn tuổi, có anh hơn tôi cả chục tuổi. Các anh đã coi tôi như người em út của các anh, các anh gọi vui tôi là "Thằng nhóc đang trỗi dậy". Sau trận mắng mỏ, phàn nàn, anh Dương dịu giọng bảo: "Đi tắm giặt, ăn cơm xong, hãy bàn giao tình hình Khu 1 cho đồng chí Đạt - Thường vụ huyện ủy. Đúng 19 giờ, gặp tập thể thường vụ bàn nhiệm vụ của cậu". Lúc này, tâm trạng tôi nửa mừng nửa lo. Mừng vì được cấp trên tín nhiệm tin tưởng trao cho nhiệm vụ mới, lo vì không rõ làm nhiệm vụ gì? Làm thế nào để hoàn thành? Mà chắc chắn là nhiệm vụ quan trọng nên phải họp cả thường vụ huyện ủy... Tôi cứ miên man suy nghĩ như vậy cho đến khi ăn tối xong, tôi gặp đồng chí Đạt - Thường vụ huyện ủy là người xã Hòa Bình, bên cạnh xã Lý Học nên anh Đạt không lạ gì tình hình Khu 1 huyện Vĩnh Bảo, anh cũng theo dõi hoạt động của phong trào Khu 1 nên anh nắm tình hình tương đối chắc chắn. Do đó, lúc này tôi chỉ bàn giao những ý định, chủ trương, công việc mà tôi đang tiến hành. Tôi nhấn mạnh khả năng cơ sở nội tuyến của ta trong hàng ngũ địch hoạt động rất tin tưởng, nhất là vai trò đồng chí Nghĩ về ý định phát triển cơ sở địch vận để tiến đến hạ đồn giặc.

Bàn giao cho anh Đạt xong, tôi sang chỗ anh Dương để gặp Ban thường vụ gồm: anh Đạt, anh Dương, anh Vĩnh. Tôi ngồi im lặng chăm chú lắng nghe từng lời nói mà các anh trong thường vụ chỉ giáo. Anh Vũ Dương nêu tóm tắt về tình hình địch, về lực lượng của ta ở Khu 3 (khu tây bắc của huyện Vĩnh Bảo). Về phía địch, ở đây chúng đóng hai bốt lính bảo chính đoàn: bốt cầu Nghìn và bốt Hà Phương. Điều đáng chú ý là ở đồn Chanh Chử, địch mới thành lập một đại đội nghĩa quân có trên bảy mươi tên được trang bị vũ khí đầy đủ, chủ yếu là súng trường, có hai trung liên. Chúng còn có một làng tề mà trong đó có một số tên đội lốt công giáo rất phản động. Chúng đã lập xong các ban tề của năm xã: Thắng Thủy, Hiệp Hòa, Hùng Tiến, An Hòa, Trung Lập. Họ đều có tư tưởng cầu an. Có thôn địch đã trang bị vũ khí nhưng chủ yếu là lựu đạn. Chúng ta đã có những cơ sở chắc chắn để đưa tin tức về các làng tề. Về phía quần chúng nhân dân rất tốt, có cơ sở chính trị, có du kích. Năm 1951, nơi đây đã nổi dậy vũ trang mở khu du kích nhưng bị địch tập trung lực lượng đánh phá ác liệt. Các thôn thuộc xã Hùng Tiến hầu như bị tàn phá hết, phần nào đã làm cho nhân dân lo sợ, đi vào con đường cầu an. Toàn huyện có bốn khu thì ba khu đã tổng phá tề mở thành khu du kích, riêng Khu 3 (tây bắc) huyện chưa làm được nên thường vụ huyện ủy có chủ trương tiếp tục phối hợp với chiến dịch Hòa Bình, tiếp tục mở khu du kích phía tây bắc Vĩnh Bảo, đưa phong trào chiến tranh du kích huyện nhà phát triển lên một nấc cao hơn nữa.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #26 vào lúc: 19 Tháng Ba, 2016, 07:07:46 am »


Tiếp theo ý kiến của đồng chí Bí thư huyện ủy Vũ Dương, anh Vĩnh - Thường vụ huyện ủy, Huyện đội trưởng phát biểu sâu về quân sự của huyện vẫn là chiến thuật du kích, anh Vĩnh nói: "Chúng ta phải tổng phá tề toàn khu nhưng riêng tề Áng Ngoại cực kỳ phản động, ngoan cố, chúng lại được trang bị vũ khí khá đầy đủ nên ta chưa đủ sức phá. Để hỗ trợ cho tổng phá tề, ta phải đánh cho được đồn Chanh Chử, chiến thắng đạt được sẽ làm ngòi nổ khởi động chung cho toàn khu. Huyện đội sẽ báo cáo tỉnh đội, xin tỉnh đội cho một trung đội bộ đội về phổi hợp chiến đấu cùng lực lượng của huyện, lực lượng này sẽ đi cùng đồng chí Quyết Tâm sang hỗ trợ các xã ở Khu 3 để tổng phá tề. Khởi đầu, ta bao vây chặt đồn Chanh Chử, phóng loa kêu gọi đại đội nghĩa quân địch hạ vũ khí ra hàng để hưởng chính sách khoan hồng của Chính phủ ta". Đồng chí Dương kết luận: "Đây là đợt hoạt động mở vùng du kích tây bắc huyện, thường vụ huyện ủy giao cho đồng chí Quyết Tâm - Huyện ủy viên, là một cấp ủy viên trẻ năng động, có kinh nghiệm chiến đấu phụ trách Khu 3, chỉ đạo, hỗ trợ các xã thực hiện quyết tâm này của huyện ủy. Đồng chí Quyết Tâm có làm được không?". Khi đồng chí bí thư huyện ủy hỏi tôi như vậy, tôi thực sự xúc động, bàng hoàng. Vậy là thường vụ huyện ủy đã tin và giao cho tôi nhiệm vụ chỉ huy đợt hoạt động này là quá sức tưởng tượng của tôi. Tôi liền mạnh dạn phát biểu trước thường vụ: "Đây là nhiệm vụ quan trọng quá sức của tôi nhưng thường vụ đã giao, tôi xin cố gắng".

Anh Dương nói lời động viên tôi: "Thường vụ đã cân nhắc rất kỹ và rất tin tưởng ở cậu. Chúc cậu thành công và còn hỏi gì nữa không?". Tôi phát biểu: "Báo cáo thường vụ, cho phép tôi vận dụng cách đánh linh hoạt, miễn là đạt được ý định của huyện và tôi đề nghị, sau khi giải phóng xong đồn Chanh Chử thì cho các đồng chí bộ đội ở lại cùng xã chống càn. Bởi vì địch bị thua đau thường hay mở những cuộc càn quét, trả đũa ta". Các đồng chí thường vụ huyện ủy đã đồng ý với đề nghị của tôi, khiến cho ý chí quyết tâm chiến đấu của tôi một lần nữa được tôi luyện.

Mặc dù đêm hôm đó ít nghe thấy tiếng súng giặc bắn cầm canh nhưng tôi nằm trằn trọc không sao ngủ được. Tôi lo lắng về nhiệm vụ quá nặng nề. Tôi suy nghĩ về một trung đội bộ đội của ta liệu có thể bao vây đồn, gọi hàng một đại đội địch không? Đồn Chanh Chử nằm sát thị xã Ninh Giang, là một đồn địch có tầm cỡ ở vùng đồng bằng, ở đó, địch luôn có hai tàu chiến thường trực sẵn sàng, nên ta cần phải nổ súng và bao vây đồn ngay lập tức. Sáng hôm sau, đồng chí Tính - Chánh văn phòng huyện ủy trao cho tôi một công văn, đó là một giấy giới thiệu ghi rõ: "Đồng chí Quyết Tâm - Huyện ủy viên phụ trách Khu 3, các cấp ủy xã trong khu nghe đồng chí Tâm phố biến ý định của huyện ủy và cùng đồng chí Tâm thực hiện" và giao tôi cho một đồng chí giao liên dẫn tôi vào xã Thắng Thủy. Theo kế hoạch của đồng chí giao liên, cả hai chúng tôi phải cải trang làm người đi buôn thuốc lào. Mỗi người có hai cái giỏ đan bằng cói đựng vài bánh thuốc lào ở bên trong với đôi quang thừng buộc ở đầu đòn gánh. Từ hơn hai giờ chiều đến mờ tối, hai chúng tôi đi từ thôn An Bồ xã Dũng Tiến mới đến trạm giao liên ở trại Cung Chức. Từ trạm này có đường đi qua thôn Áng Dương, Phương Lâm vào xã Hùng Tiến, An Hòa. Một hướng qua trại Chanh vào Chanh Chử, xã Thắng Thủy. Ngay đêm hôm đó, đồng chí giao liên huyện lại giao tôi cho đồng chí giao liên xã Thắng Thủy. Đồng chí đó dẫn tôi đi băng qua một cánh đồng ruộng rộng mênh mông nằm ven sông Luộc để vào thôn Chanh Chử. Tại một cơ sở mật của ta, tôi gặp đồng chí Cậy - Bí thư chi bộ xã Thắng Thủy. Với tôi, anh Cậy là bậc cha chú bởi anh hơn tôi gần hai mươi tuổi nhưng tôi gọi bằng anh là theo thói quen của bạn bè, đồng chí cùng làm cách mạng. Anh vui vẻ đón tiếp tôi và dẫn tôi đến một cơ sở mà anh thường xuyên ở đó. Đó là nhà bà Cậy đảng viên, là con dâu cụ Chánh Hội có uy thế trong làng. Chồng bà đã xấu số mất sớm. Bà ở vậy nuôi một đứa con trai đang theo học ở trên tỉnh. Nhà bà ở cách đồn Chanh Chử (đò Chanh) độ ba trăm mét nhưng kín đáo, vườn rộng xung quanh, có luỹ tre bao bọc, có một hầm bí mật ở trong buồng thông ra một bụi tre hoá. Đây là một cơ sở lý tưởng theo đúng với "nhân hòa địa lợi". Đêm hôm đó, đồng chí Cậy chỉ trao đổi qua với tôi rồi bắt tôi đi ngủ sớm cho lại sức, đến ngày hôm sau mới bàn quốc sự.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #27 vào lúc: 19 Tháng Ba, 2016, 07:08:25 am »


Qua hai ngày đi bộ, hai đêm họp hành nhận nhiệm vụ căng thẳng đầu óc, bà Cậy bắt tôi đi ngủ sớm và tôi đã ngủ một đêm thật thỏa thích. Đến sáng, bà Cậy gọi chúng tôi dậy sớm ăn sáng. Bà bảo: "Ăn sáng xong, anh phải xếp tài liệu cho gọn gàng, cửa hầm tôi mở sẵn, nếu thấy địch vào làng thì phải xuống hầm bí mật ngay". Sau khi ăn sáng xong, tôi và đồng chí Cậy trao đổi công việc. Tôi báo cho đồng chí Cậy biết chủ trương hoạt động của thường vụ huyện ủy. Đồng chí Cậy thông báo cho tôi biết về tình hình địch, ta ở xã Thắng Thủy, đi sâu vào tình hình thực tế thôn Chanh Chử. Ở đây, có một ban tề gần đủ thành phần: Chánh - phó xã ủy, Chánh - phó bảo an, thư ký, địa bạ. Có một đội bảo an thôn hầu hết là người bị chính quyền ngụy bắt buộc, không có ai là phản động nhưng ở họ đều có tư tương cầu an chưa dám hoạt động mạnh cho ta. Đáng chú ý là đại đội nghĩa quân có trên bảy mươi tên trang bị súng, lựu đạn đầy đủ, đồn chúng đóng sát đò Chanh. Trong đồn có hệ thống công sự bằng đất, bao quanh ba hàng rào dây thép gai. Các binh sĩ là những thanh niên thôn Chanh Chử, thôn Hà Phương, phần lớn bị bắt buộc, một số có tư tưởng cầu an. Còn hai tên đồn trưởng và đồn phó lừng chừng, ta chưa nắm chắc thái độ của chúng. Ngoài ra, ở thôn Chanh Chử còn có hai tên phản động là cường hào, nằm ngoài bọn tề cộng tác với địch. Chúng bí mật quan hệ chặt chẽ với tên tỉnh trưởng tỉnh Vĩnh Ninh ở Ninh Giang khống chế ban tề làm tay sai cho giặc chống phá cách mạng, thăm dò và theo dõi những gia đình chúng nghi làm Việt Minh tham gia kháng chiến chống giặc Pháp. Còn các ban tề và bọn bảo an ở các thôn trong xã, địch đã trang bị vũ khí cho chúng (phần lớn là lựu đạn). Nhưng chúng ta vẫn nắm chắc được tình hình diễn biến hoạt động thường ngày của chúng. Bởi vì ở các thôn, chúng ta đều có cơ sở đảng hoạt động bí mật. Nhân dân vẫn hướng về kháng chiến... Từ tình hình thực tế của xã Thắng Thủy, chúng ta thấy chủ trương của thường vụ huyện ủy mở đợt phá tề là đúng đắn. Nhưng việc đánh chiếm đồn Chanh Chử, giành chiến thắng toàn diện bằng cách nào, bằng chiến thuật nào là việc phải lý giải được. Cả một ngày, hai chúng tôi bàn bạc mãi mà vẫn chưa ra. Đêm hôm đó, đồng chí Cậy dẫn tôi đi gặp một cơ sở hoạt động bí mật của ta nằm ở trong ban tề. Ở cơ sở này, các đồng chí đã cung cấp cho tôi một tin vô cùng quan trọng. Ngày 27 tháng 1 năm 1952 sắp tới, ban tề ăn giỗ bố tên chánh xã ủy Diệm, nhân đó bàn một số việc của làng Chanh ở trại Chanh Chử. Hôm đó, tên Sỹ - đồn trưởng sẽ cùng dự. Nắm được tin này tôi phấn khởi lắm, tôi và đồng chí Cậy về ngay nhà bà Cậy đế bàn kế hoạch đánh đồn Chanh Chử. Chúng tôi đã nhất trí phương án tác chiến quyết định đưa trung đội bộ đội vào vây chặt nhà tên xã ủy. Ta sẽ bắt hết bọn này, khống chế chúng, bắt chúng phải nộp vũ khí, nếu không giữ chúng lại làm con tin. Bắt tên Sỹ - đồn trưởng, phải dẫn bộ đội ta về đồn (bộ đội đóng giả làm lính của địch), tạo ra thế bất ngờ và tước vũ khí của đại đội nghĩa quân ngay trong đồn chúng. Đây là phương án táo bạo, bất ngờ, chắc thắng. Phương án này có ưu việt hơn phương án bao vây đồn, kêu gọi địch ra đầu hàng.

Ngay sáng hôm sau, tôi biên thư về huyện xin bộ đội hỗ trợ lực lượng. Đúng giờ G (giờ quy định), đơn vị có mặt ở đê sông Luộc, cách thôn Chanh Chử năm trăm mét, do đồng chí giao liên dẫn đường cầm thư này về, chúng tôi tổ chức đón. Ban thường vụ đã nhất trí, đáp ứng yêu cầu thư đề nghị của chúng tôi. Mờ tối ngày 27 tháng 1 năm 1952, huyện ủy đã cho Trung đội 1 của Đại đội 331 do đồng chí giao liên dẫn đường về đúng nơi quy định. Chúng tôi đưa các đồng chí đó xuống một vạt ruộng khô sát chân đê để làm công tác tổ chức. Tôi tổ chức phổ biến kế hoạch tác chiến của ta cho toàn đơn vị: thống nhất phương án giả làm lính trên quận về đồn phối hợp với nghĩa quân đồn Chanh Chử để hôm sau mở đợt càn khu Hùng Tiến. Tôi làm đồn phó chỉ huy chung. Để hoá trang thành vị đồn phó, tôi đội một mũ bê rê, một can. Đồng chí trung đội trưởng bộ đội làm chỉ huy phó. Thống nhất về mật hiệu, khi bộ đội và nghĩa quân xếp hàng xong, tôi ngoáy can thì quân ta lên đạn gí súng vào ngực bọn nghĩa quân địch và nhanh chóng tước vũ khí của nó. Đúng 20 giờ, cơ sở báo tin: ban tề đã có mặt đầy đủ, chúng đang uống rượu. Đồng chí Cậy cử ba đồng chí cơ sở dẫn đường ba mũi quân ta vào bao vây nhà tên xã ủy. Bao vây xong, chúng tôi ập vào bất ngờ tóm gọn ban tề và tên Sỹ đồn trưởng. Tôi tuyên bố tất cả mọi người bị bắt về tội chống lại kháng chiến. Nếu tất cả lập công chuộc tội sẽ được hưởng khoan hồng với điều kiện tất cả phải nộp toàn bộ vũ khí cho Việt Minh. Bọn tề không kịp trở tay xoay xở, ngồi run sợ, van lạy như tế sao. Chúng xin Việt Minh cho một điều kiện khác. Vì chúng biết khi lệnh cho bọn nghĩa quân mang súng về đây nộp, bọn nó sẽ vác súng bơi qua sông Ninh Giang. Tôi lại tuyên bố điều kiện thứ hai: tất cả ban tề phải ở lại tại đây làm con tin. Ông Sỹ đồn trưởng dẫn bộ đội về đồn, nói rằng họ về đây phối hợp với nghĩa quân để đi càn vùng này. Ông tập hợp nghĩa quân để tôi nói chuyện. Tôi đe dọa: "Nếu ông để lộ ra vấn đề gì thì chính ông và toàn bộ ban tề ở đây đều bị tiêu diệt".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #28 vào lúc: 19 Tháng Ba, 2016, 07:09:30 am »


Bọn chúng đã chấp nhận phương án này, chúng tôi đã để lại một tiểu đội gác giữ ban tề làm con tin. Còn hai tiểu đội bộ đội cùng một tiểu đội du kích xã Thắng Thủy dẫn tên Sỹ đồn trưởng về đồn Chanh Chử. Đúng 24 giờ đêm ngày 27 tháng 1 năm 1952, bộ đội và du kích của ta đã hành quân đến cách đồn Chanh Chử bốn trăm mét. Để tránh sự phát hiện của địch, chúng tôi không cho bộ đội đi trên mặt đê mà đi xuống ven chân đê về phía đông sát luỹ tre làng Chanh Chử. Đến gần cổng đồn, tôi cùng ba đồng chí bộ đội và tên Sỹ đồn trưởng vượt lên trên đê. Hai tên lính gác cổng đồn phát hiện thấy liền bảo:
- Ai?

Tên Sỹ trả lời:
- Sỹ đồn trưởng đây, mở cổng ngay.

Tên gác cổng hỏi:
- Còn ai kia nữa?

Tên Sỹ tỏ ra cáu kỉnh quát lớn:
- Các ông quan trên huyện, mở cổng mau!

Hai tên gác liển mở cổng, tôi và tên Sỹ cùng các đồng chí bộ đội, du kích tiến vào đồn. Tôi, đầu đội mũ bê rê hơi lệch, tay cầm can, quát phủ đầu tên đồn phó:

- Mấy hôm nay, Việt Minh đánh khu Thiết Tranh rồi phục kích đường một, đoạn từ Quý Cao lên Võng La biết không? Sao canh gác sơ sài? Tập hợp nghĩa quân mau!

Nghe thấy vậy, đại đội nghĩa quân, bộ đội và du kích đã tập hợp xong, mỗi đơn vị xếp thành ba hàng dọc, cách nhau ba mét. Tôi đứng ở giữa sân hô lớn:

- Lính quân quay trái, nghĩa quân quay phải. Quay!

Hai đơn vị quay mặt vào nhau, tôi ngoáy can ra mật hiệu. Quân ta lên đạn răm rắp. Tôi hô to:

- Bộ đội về giải phóng nghĩa quân, nghĩa quân bỏ súng xuống, nếu ai chống cự sẽ bị tiêu diệt ngay tại chỗ!

Toàn bộ quân ta xốc tới, thu toàn bộ vũ khí của bọn nghĩa quân. Tôi giao nhiệm vụ cho đồng chí trung đội trưởng chỉ đạo bộ đội, du kích dồn bọn lính bại trận chạy về căn cứ du kích xã Dũng Tiến. Còn tôi, đồng chí Cậy và một tổ trung liên cùng ba đồng chí du kích ở lại. Chúng tôi cho quân báo, báo cho tiểu đội bộ đội gác ban tề và tổ du kích đi bắt hai tên phản động, giải tất cả bọn chúng về xã Dũng Tiến, giao cho huyện đội mà người trực tiếp nhận là anh Vĩnh. Chúng tôi để cho các đồng chí bộ đội dẫn bọn nghĩa quân đi chừng mười lăm phút. Khi không còn nhìn thấy họ nữa, tôi cho tổ trung liên bắn vào đồn Chanh, lệnh cho anh em đốt cháy trại lính, chòi gác, cho bà con quần chúng la ó, kêu gào Việt Minh về quá đông, bắt mấy tến lính bảo an vượt sông sang đồn Ninh Giang, chạy đến bốt Hà Phương kêu cứu viện binh.

Sau nửa giờ chiến đấu bằng chiến thuật cải trang, biến hoá hư hư, thực thực, tập kích bắt đại đội nghĩa quân xóa sổ bốt Chanh Chử; thu 50 súng trường, hai súng trung liên; bắt gọn bọn tề và hai tên phản động ở thôn Chanh Chử. Chúng ta bảo toàn được lực lượng. Đây là trận mở màn cho đợt hoạt động tổng phá tề mở vùng du kích đầy thắng lợi.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #29 vào lúc: 19 Tháng Ba, 2016, 07:10:24 am »


Sáng hôm sau, địch cho một tiểu đoàn sang bao vây càn quét thôn Chanh Chử, chúng không tìm thấy một dấu vết gì là khả nghi để chúng khủng bố quần chúng nhân dân. Về phía nhân dân, bà con nói: "Việt Minh về đông lắm, bắt hết nghĩa quân và các ông ban tề đi. Nhân dân đã báo động kêu cứu, nhưng không thấy một lực lượng nào đến giúp để con em chúng tôi bị Việt Minh bắt. Không hiểu sự sống chết của con em chúng tôi ra sao?".

Chiến thắng đồn Chanh của chúng ta (Việt Minh) là tiếng chuông lớn vang xa trong vùng, nó làm cho bọn tề ngụy, bọn phản động làm tay sai cho giặc rất hoang mang lo sợ. Nó thức tỉnh niềm tin vào chiến thắng cuộc kháng chiến trong quần chúng. Nó làm cho toàn dân trong vùng vui mừng và phấn khởi.

Sau chiến thắng trận Chanh Chử, tôi thay mặt huyện ủy triệu tập cuộc họp gồm các đồng chí bí thư chi bộ khu tây bắc huyện Vĩnh Bảo. Trong hội nghị này, tôi phổ biến cho các đồng chí biết tin chiến thắng khắp các chiến trường, đặc biệt tin nóng hổi là chiến thắng phá đồn Chanh Chử, bắt gọn đại đội nghĩa quân, thu toàn bộ vũ khí của chúng. Tiếp đó, tôi quán triệt chủ trương của thường vụ huyện ủy tổng phá tề, mở khu du kích tây bắc huyện. Các đồng chí bí thư chi bộ các xã rất vui mừng, phấn khởi. Chúng tôi thống nhất nhận định, đây là thời cơ tốt nhất để đẩy phong trào chiến tranh du kích của huyện ta lên tầm cao mới. Tôi đưa ra một số biện pháp rất cụ thể: "Các xã phải tổng phá tề ngay bằng cách: Nơi nào trong ban tề có người của chúng ta gài vào thì tuyên bố giải tán. Nơi nào bảo an có vũ khí thì chúng ta cưỡng bức ban tề bắt bọn bảo an phải nộp vũ khí. Chúng ta học tập cách đánh đồn Chanh Chử. Các đồng chí lưu ý, chúng ta phá tề phải đi ngay vào tổ chức chính quyền mới, các đoàn thể tổ chức lại. Phát triển lực lượng du kích, rào làng kháng chiến chuẩn bị cho việc chống địch càn quét”...

Cuộc họp diễn ra ở thôn Gừng, xã Hoàng Tiến kết thúc. Tôi và đồng chí Cậy - Bí thư chi bộ xã Thắng Thủy trở về thôn Hà Phương (Thắng Thủy), về đây, chúng tôi gặp các đồng chí hoạt động cơ sở để bàn cách đánh, cách phá tề và tước vũ khí của ban tề, bảo an Hà Phương. Các đồng chí ở cơ sở báo cáo cho chúng tôi biết về tình hình địch ở đây.

Ở ban tề thôn Hà Phương, ông chánh xã ủy là người của ta gài vào, còn chánh phó bảo an và phó xã ủy thì ta chưa nắm chắc về thái độ, chúng có vẻ lừng chừng, hai mang. Còn bọn lính bảo an đều là anh em bị bắt buộc. Bởi vậy sau trận ta đánh thắng đồn Chanh Chử, họ tỏ ra hoang mang lo sợ. Nắm được tình hình đó, tôi và đồng chí Cậy đã bàn bạc, vạch ra phương án đánh kết hợp giữa hai mặt tuyên truyền vận động kêu gọi với vũ trang. Hai chúng tôi đều nhất trí, tôi với đồng chí Cậy đêm đêm vào từng nhà phó xã ủy, chánh phó bảo an thuyết phục gia đình phân tích để họ thấy được tham gia hoạt động cho địch là có tội với dân với nước. Để họ nói với người thân của mình, bỏ hàng ngũ địch trở về với gia đình, với xóm làng, ủng hộ kháng chiến...

Đồng thời, tôi thảo một tối hậu thư đưa cho chánh xã ủy buộc họ phải họp ban tề ở ngoài đồn bảo an để cán bộ Việt Minh chúng tôi gặp và nói chuyện. Dựa vào tối hậu thư của tôi, ông chánh xã ủy (người cơ sở ta) đã thuyết phục ban tề tổ chức cuộc họp ngoài đồn thực hiện theo đúng ý định của ta. Chúng tôi đến gặp ban tề nói chuyện, sau đó họ đã dẫn chúng tôi và du kích vào đồn bảo an, chúng tôi nói chuyện với họ, đồng thời thu hết vũ khí của bọn bảo an gồm 45 quả lựu đạn mà không phải tác chiến.

Kết quả của cuộc tước vũ khí lính bảo an và phá tề ở Hà Phương diễn ra cũng thật nhanh gọn. Đêm hôm đó, chánh - phó xã ủy đã mời tôi và đồng chí Cậy về nhà ông chánh xã ủy ăn mừng chiến thắng.

Bữa cơm diễn ra thân mật, có cả đồ ăn tây và ta, có rượu sâm banh Pháp, có gà tần, cơm tám, giò chả... Vợ con gia đình xã ủy phục vụ tận tình, phong cách tiếp khách lịch sự. Cô con gái của họ chừng độ tuổi mười tám hay đôi mươi, đang theo học ở một trường trên tỉnh Ninh Giang. Cô này cũng khá xinh đẹp, đứng xới cơm cho từng người chúng tôi. Ăn đến nửa bữa, tôi chợt nghĩ đến một nguyên tắc trong vùng địch hậu mà tôi giật nảy mình, thay đổi sắc thái nên ăn chẳng thấy ngon nữa... Tôi thầm nghĩ mình thật mất cảnh giác. Giả sử chỉ cần hai phó xã ủy kia lừng chừng cho một thìa thuốc độc vào rượu hoặc canh thì hai cán bộ nòng cốt của huyện (tôi và anh Cậy) đã đi chầu Diêm Vương rồi và nhất định chúng tôi sẽ để lại tiếng xấu về sau. Chừng như đoán được lòng tôi lúc bấy giờ, anh Cậy vội nói động viên trấn an tôi: "Ông chánh ủy và gia đình là cán bộ cách mạng của địa phương, tôi đã ở và được gia đình giúp đỡ, che chở từ lâu; ông ấy đã được thử thách qua những năm tháng đen tối, ác liệt". Sau này anh Cậy còn cho tôi biết rằng ông chánh xã ủy là một đảng viên của ta. Vậy mà anh Cậy không cho tôi biết trước làm tôi đã quá hoảng sợ và hoang mang.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM