Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:48:53 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Khát vọng đồng bằng  (Đọc 34083 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« vào lúc: 11 Tháng Ba, 2016, 12:12:13 pm »

Tên sách: Khát vọng đồng bằng
Tác giả: Trung tướng Vũ Ba
Nhà xuất bản: Quân đội Nhân dân
Năm xuất bản: 2005
Số hoá: ptlinh, chuongxedap



I

Đồn rằng làng Cõi đẹp thay
Bên đông có chợ, bên tây có chùa
Giữa làng có miếu thờ vua
Dưới sông nước chảy đò đưa em về.


Câu ca dao đó đã lưu truyền sâu trong tiềm thức của mỗi người dân làng Cõi (Hội Am) và trong mỗi người dân Hải Phòng chúng tôi. Đó là niềm tự hào về mảnh đất làng quê giàu truyền thống văn hoá và cũng là lời mời gọi du khách thập phương đến thăm. Tự hào thay tôi được sinh ra từ chính làng quê đó.

Làng Cõi hay còn gọi là làng Hội Am thuộc xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng. Xã Cao Minh nằm ở phía nam thành phố, ngay sát sông Hoá Giang về phía tả ngạn, cách trung tâm huyện lỵ Vĩnh Bảo 7 kilômét theo đường 17A về phía đông nam. Chiều dài xã tính từ đường 17A đến sông Hoá Giang là 3 kilômét theo phía tây của thôn thông sang tỉnh Thái Bình qua đò Cõi. Xã có diện tích 736 hécta, dân số 5.000 người (thời kỳ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp). Phía bắc xã Cao Minh giáp xã Liên Am và Lý Học, phía nam giáp xã Thụy Việt huyện Thụy Anh tỉnh Thái Bình, phía đông giáp xã Tam Cường, phía tây giáp xã Liên Am và Cộng Hiền. Xã Cao Minh là một trong ba xã lớn nhất của huyện Vĩnh Bảo, có dân cư đông đúc. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, xã có 5 thôn: thôn Liễu Điện, thôn Tây Am, thôn Đông Lợi, thôn Vạn Trạch và thôn Hội Am. Nay xã có thêm hai cụm dân cư mới là cụm Hợp Thành (Liễu Điện) và cụm Tân Lập nằm cạnh đường 1A.

Cách đây mấy ngàn năm, xã Cao Minh chỉ là vùng đất bãi bồi hoang hoá ngập mặn, toàn những cây sú vẹt, lau sậy và sình lầy. Trải qua từ đời này sang đời khác, tổ tiên ta ngày đêm lao động cần cù khai phá, mở mang, xây dựng lên làng mạc và những cánh đồng phì nhiêu màu mỡ như ngày nay.

Những làng Liễu Điện, Hội Am, Tây Am, Đông Lại, Vạn Hoạch trước đây đều thuộc tổng Đông Am, huyện Vĩnh Lại, trấn Hải Dương. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, ba làng Liễu Điện, Đông Lại, Tây Am được sáp nhập lại thành xã Thanh Am, hai làng Hội Am và Vạn Hoạch được sáp nhập lại thành xã Vạn Hội.

Đến tháng 2 năm 1948, dưới sự chỉ đạo của Ủy ban kháng chiến huyện Vĩnh Bảo thì xã Thanh Am lại được sáp nhập với xã Vạn Hội lấy tến là xã Cao Minh thuộc huyện Vĩnh Bảo tỉnh Hải Dương và xã Cao Minh đã có từ đây.

Từ năm 1952, do yêu cầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, huyện Vĩnh Bảo được sáp nhập vào tỉnh Kiến An. Đến năm 1962, tỉnh Kiến An được sáp nhập vào Hải Phòng nên từ đó xã Cao Minh thuộc huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #1 vào lúc: 11 Tháng Ba, 2016, 12:59:06 pm »


Từ bao đời nay, nhân dân xã Cao Minh chủ yếu làm nghề trồng lúa nước. Trước đây, trên cánh đồng sình lầy này, nhân dân cấy lúa chiêm mùa đôi vụ nhưng vụ chiêm nắng nhiều khô hạn, nhiều nơi bỏ hoang khiến lau lác mọc đầy. Có nơi cấy được lúa thì cây cũng eo ót gầy còm, năng suất của mỗi sào ruộng lúc đó chỉ tính bằng mẹt, bằng giành. Lúa tốt thì được bốn giành một sào, lúa xấu thì được ba đến bốn mẹt thóc một sào. Còn vụ lúa mùa, gặp những năm mưa nhiều lũ lụt, lúa và hoa màu chìm ngập trong nước nhân dân không thu được két thóc nào, bởi vậy trong nhân dân đã có câu phàn nàn: "Chiêm khô, mùa thối". Ngày tháng trôi đi, nhân dân vẫn phải sống trong cảnh lầm than cơ cực, lao động cực nhọc, cả đời lam lũ, tảo tần, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mà cơm không đủ no, áo không đủ mặc. Ai ai cũng gầy gò đen sạm. Chỉ riêng có làng Cõi (Hội Am) là có cuộc sống khấm khá, cả làng có nghề dệt vải ươm tơ. Các bà, các chị ở làng này không phải làm ruộng vất vả như các làng khác, quanh năm suốt tháng mưa không đến mặt, nắng không đến đầu nên hầu hết con gái làng Cõi, cô nào cô ấy đều có nước da trắng mịn màng, hồng hào. So với gái vùng lục tổng thời đó thì gái làng Cõi là xinh đẹp nổi tiếng. Bởi vậy, các vị có chức sắc trong vùng đều say mê con gái làng Cõi nên đã có một số cô trở thành bà Lý, bà Hội, bà Tổng ở các làng trong huyện.

Ngoài nghề canh nông, Cao Minh còn có nhiều nghề phụ truyền thống có từ thời cha ông truyền lại: Làng Hội Am có nghề thả cá bột, làng Tây Am có nghề mây tre, làng Liễu Điện có nghề trồng và buôn thuốc lào đến cả nước biết "thuốc lào lục tổng Vĩnh Bảo” nổi tiếng thơm ngon. Các ngành nghề phát triển đã tạo nên cảnh buôn bán sầm uất, nhộn nhịp, trên bến dưới thuyền (bến Cõi - Hội Am) thu hút nhiều nhà buôn từ Thanh Hóa, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Nguyên về đây buôn bán, trao đổi và giao lưu.

Về tôn giáo, xã Cao Minh có hai dòng đạo, đó là đạo Phật và đạo Thiên Chúa. Đạo Phật chiếm tới bốn phần năm dân số trong xã nên có rất nhiều đình chùa, miếu thờ. Ở đây, việc đời việc đạo gắn chặt với nhau như hình với bóng. Trong tâm linh của mỗi người dân xã Cao Minh đều tâm niệm làm điều thiện, tránh điều ác, cùng nhau hướng tới một cuộc sống yên bình, an lạc chốn làng quê.

Đình làng Hội Am thờ Thành Hoàng, trên bức hoành phi thờ có đề: "Ngọc trang rồng đại địa, Trấn Đông hải đại vương". Ngoài ra còn thờ cúng các vị khoa cử trong làng: Đào tướng công, Phạm tướng công, Nguyễn tướng công. Đến nay địa phương vẫn còn lưu giữ được sắc phong của các triều đại. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, đình là nơi che giấu cho Đại đội 112 của huyện về làng chiến đấu. Đình làng Tây Am thờ tướng công Trần Quốc Thứ là người có công trong trận Bạch Đằng chống quân nhà Nguyên ở thế kỷ XIII nay còn giữ được sáu sắc phong của nhà vua. Đình Liễu Điện thờ Thành Hoàng "Rồng lang tướng" có công giúp Đinh Tiên Hoàng đánh giặc, vẫn còn lưu giữ sáu sắc phong vua ban. Đình làng Đông Lại thờ vị tướng "Lực sĩ Biến ứng đại vương" đã giúp vua Hùng Trấn Vương đánh giặc, còn lưu giữ ba sắc phong của vua ban. Chùa Liễu còn là nơi đóng quân của du kích xã. Chùa cả Tây Am là nơi đặt sở chỉ huy của ban chỉ huy xã đội, nơi đặt trạm công binh xưởng của tỉnh Hải - Kiến chế tạo vũ khí...

Còn một phần năm dân số trong xã theo đạo Thiên Chúa. Cuối thế kỷ XVII, các giáo sĩ phương Tây vào nước ta truyền đạo, nhân dân thôn Vạn Hoạch, xóm Hội Thương, Hội Bến thôn Hội Am đều có người đi theo đạo. Mặc dù họ Hoàng, họ Lê thôn Hội Am vừa có người đi lương, vừa có người đi đạo nhưng vẫn sống quần tụ bên nhau, đoàn kết một lòng cùng làm ăn xây dựng làng quê đầm ấm, yên vui. Các con chiên đều ngoan đạo, kính chúa yêu nước, sống tốt đời đẹp đạo.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #2 vào lúc: 11 Tháng Ba, 2016, 01:00:03 pm »


Xã Cao Minh là một xã giàu truyền thống văn hóa và truyền thống đấu tranh cách mạng. Từ xa xưa, nhân dân nơi đây đã có truyền thống hiếu học, có nhiều người đỗ đạt khoa bảng. Cao Minh cũng chính là quê hương của cụ Bảng Cõi "Thần đồng". Nhân dân thời đó đã ca ngợi: "Bảng Cõi mười ba, Thanh Hà mười bốn". Năm cụ Bảng Cõi mười ba tuổi đã thi đỗ nhất Hương cống, sau đó thi khoá Lê triều tân sửu khoa năm Vĩnh Thọ thứ tư (năm 1661) cụ đã đỗ đệ nhất giáp, đệ nhị danh bảng nhỡn Đào Công Chính làm quan đến chức Hữu thị lang, Tả thị lang. Cụ còn là một nhà sử học, nhà ngoại giao tài giỏi, nhà thơ, nhà thuốc Nam nổi tiếng mà người đời từng suy tôn cụ là vị thánh thuốc Nam. Cụ đã để lại ba tác phẩm có giá trị "Lê triều trung hưng”, "Bắc sử thi tập" và "Bảo sinh diên thọ”. Trước thời cụ Bảng ở làng Cõi (Hội Am) còn có cụ Phạm Đức Khảm đã đỗ đệ nhị giáp khoa tiến sĩ, xuất thân làm quan đến Tả thị kiêm đề lĩnh tứ thành. Cụ Nguyễn Cối đỗ tiến sĩ khoa làm quan Hữu thị lang, Tả thị lang trong triều. Ở làng Đông Lại có tiến sĩ Nguyễn Duy Tiến (1475) làm quan trong triều Lê. Trong xã, làng nào cũng có nhiểu người học hành thi cử đỗ đạt làm thầy đồ, thầy khoá. Nối tiếp truyền thống hiếu học của ông cha ta cho tới ngày nay cũng có nhiều người học hành, tiến bộ đỗ đạt cao đến học hàm giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, kỹ sư. Có nhiều vị là cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, quân đội đang công tác trên mọi miền của Tổ quốc, nhất là làng Liễu Điện có nhiều người có học vị bằng cấp trên đại học.

Đất và người Cao Minh với truyền thống văn hoá đó đã bồi đắp trong tôi một tình cảm yêu quê hương nồng nàn sâu sắc, gieo trong lòng tuổi trẻ chúng tôi những mong ước học hành thành đạt để "trung quân, ái quốc, tận ngã nghĩa vụ vị chi quốc dân...".

Ngay từ nhỏ, lên năm tuổi tôi đã được đi học chữ Nho. Vì là con cầu trong một nhà hiếm hoi, neo người nên tôi được bố mẹ và họ hàng thương yêu chiều chuộng, vả lại, tuy nhà có nhiều khó khăn, bố tôi mồ côi mẹ từ nhỏ, việc học hành và sinh hoạt nhờ cậy vào bà cô, ông bác họ tôi, nhưng bố tôi vẫn cố gắng học hành thành đạt, giỏi chữ Hán (chữ Nho) vào loại nhất nhì trường làng. Khi trưởng thành ông từng được Hội từ văn (hội của những người giỏi chữ Nho) bầu làm Hội trưởng, làm thư từ trông coi hương khói đền Từ Chỉ, đền thờ đức Khổng Tử và các vị khoa bảng được tôn vinh từ xa xưa. Theo cha, tôi cũng đã học đến cả Luận ngữ, đọc và viết được các văn tế, văn tự. Vì gia đình gặp nhiều khó khăn nên tôi học đến năm mười ba tuổi thì đành phải nghỉ học. Gần mười năm trời đèn sách, các cụ đồ, thầy khoá đã khơi sâu và trau dồi cho tôi những đạo lý làm người, gợi cho tôi một tinh thần sống cao đẹp "ích quốc lợi dân".

Nhưng đó chỉ là những điều tiềm ẩn trong con người bé nhỏ của tôi lúc đó, còn sự thật về một cuộc sống khổ đau đang hiển hiện trước mắt tôi.

Ngày ấy, cứ đến tháng ba ngày tám hàng năm, nhân dân làng tôi và các làng phụ cận đều gặp cảnh bữa no bữa đói, có khi phải ăn rau, ăn cháo hàng tháng trời ròng rã. Bởi lúc đó, các ruộng tư điền thuộc vào loại "bờ xôi giếng mật" tập trung vào hết các gia đình địa chủ và phú nông hay những người có chức sắc trong làng. Ruộng công điền thì cấp cho dân đinh, đàn ông từ mười tám tuổi đến sáu mươi tuổi, mỗi người được cấp năm sào Bắc Bộ. Khi chưa có tuổi nhưng có tiền mua được chức dịch cũng được cấp ruộng. Các lão ông ngoài sáu mươi tuổi thì làng rút ra hai sào còn lại ba sào cho các cụ cày cấy mà không phải sưu cao thuế nặng, phu phen tạp dịch gì. Còn bà con nông dân hầu như không có ruộng tư điền. Chính vì điều đó, nông dân cày thuê cuốc mướn quanh năm, đến mùa thóc cũng chẳng đủ ăn chứ nói gì đến thóc nộp cho quan trên, đời đói khổ càng dấn sâu vào đói khổ. Tình cảnh đói kém này không chỉ xảy ra ở riêng làng quê tôi mà có ở tất cả các làng quê khác từ vùng đồng bằng đến các miền cao xa xôi hẻo lánh trên dải đất Việt Nam. Điều đó như một bản án nặng nề quy tội cho một chế độ xã hội phong kiến hà khắc của một triều đại bù nhìn thối nát nhà Nguyễn lúc bấy giờ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #3 vào lúc: 14 Tháng Ba, 2016, 04:42:37 pm »


Từ khi bọn Nhật xâm lược vào nước ta, chúng tổ chức ra bọn bang tá quản lý vải sợi. Gia đình nông dân nào không có tiền, không có thân thế thì không mua được thẻ môn bài không mua được sợi để dệt vải. Gia đình tôi lúc này cũng rơi vào hoàn cảnh như vậy, nên nghề dệt vải của mẹ tôi không hoạt động được nữa, mẹ tôi trở thành người thất nghiệp. Cả nhà trông mong vào nghề buôn cá mè của bố tôi. Ông ngày đêm tảo tần xoay xở để nuôi bảy miệng ăn trong nhà. Kinh tế gia đình tôi ngày càng khó khăn, khốn đốn. Dì hai (vợ hai của bố tôi) và ba đứa em tôi bị ốm liền một lúc, tiền không có nổi đến một xu. Chữa bệnh chỉ bằng tàn hương nước thải của các đền thờ thánh thần nên bệnh không những không thuyên giảm mà ngày càng tăng lên trầm trọng. Dì và các em tôi đã lần lượt ra đi trong vòng chưa đầy nửa năm, để lại trong nhà tôi một bầu không khí ảm đạm lạnh lẽo. Mẹ tôi hoảng sợ phải chuyển cả nhà xuống nương nhờ nhà ngoại, còn nhà phải nhờ bà cô đến ở và trông nom giúp.

Đầu tháng ba năm Mùi (1943), cả anh em họ hàng và gia đình tôi bị đói. Bố tôi liền vào thăm ông bác (anh trai dì hai tôi) ở tỉnh Hưng Yên để vay mượn chút tiền về giải quyết nạn đói cho gia đình. Nhưng các cô bác trong đó cũng túng thiếu nên chỉ trợ cấp một súc vải sợi. Trên đường về quê, bố tôi đi bằng tàu thủy của lái buôn người Pháp đi từ thị xã Hưng Yên về bến Tân Đệ (Thái Bình). Gần đến bến thì bị máy bay Nhật đến bỏ bom, bắn phá làm cho tàu của Pháp bốc cháy. Hành khách trong tàu nhốn nháo, kẻ bị chết, người sống sót nhảy xuống sông. Bố tôi đã may mắn nhảy xuống sông và nhờ có súc vải sợi làm phao bơi nên đã thoát chết. Trước sức ép bom đạn và vì quá hoảng sợ, bố tôi đã bị chấn thương thần kinh nặng, bị ốm liệt người và bị bệnh kiết lỵ kéo dài không thể làm gì được nữa. Trụ cột lao động chính trong nhà là bố tôi không đảm đương được, mẹ thất nghiệp với một em bé gái lên hai tuổi, gia đình tôi đã lâm vào cảnh khốn cùng. Trong cảnh bần hàn cơ cực đó, bố tôi mời ông chú họ đến nhà và nói: "Lúc anh khỏe mạnh, anh và chú cùng làm ăn buôn bán nhưng không may gia cảnh anh đến nỗi này, anh trông nhờ vào chú, nhờ chú cưu mang cháu, cho cháu theo chú đi buôn cá mè con, may ra kiếm được đồng nào để gia đình anh sinh sống qua ngày...". Cuộc gặp gỡ đầy cảm động, chú tôi vui vẻ nhận lời. Từ đây, cuộc đời tôi bước vào một bước ngoặt lớn. Tôi bỏ học và trở thành lao động chính của gia đình, theo chú đi buôn cá kiếm tiền nuôi sống gia đình qua cảnh hoạn nạn.

Lúc đó, tôi vừa tròn mười ba tuổi, dáng người mảnh khảnh, gầy gò, nước da xanh xám nhưng thương bố mẹ và em, tôi đã vượt lên sức vóc của mình theo chú đi buôn cá mè con. Chú sắm cho tôi một đôi quang, hai cái thùng và một đòn gánh. Vì tôi thấp bé nên đôi quang thúng chỉ nhỏ bằng nửa đôi quang của người lớn.

Ban đầu chú tôi phải giúp đỡ tôi rất nhiều. Hàng ngày đi chợ, có bao nhiêu cá, chú đều gánh hết, tôi chỉ gánh đôi quang thúng không lẽo đẽo theo sau, đến gần chỗ bán, chú mới san sang gánh cho tôi. Khi nào bán xong gánh của mình, chú lại đổ gánh của tôi sang bán tiếp và tôi chỉ việc gánh đôi quang thúng theo sau chú về nhà. Có nhiều hôm chú không bán hết cá, tôi phải tự mình gánh lấy gánh cá của mình bước thấp bước cao trên những con đường lầy lội, mấp mô mà thấy mình sao mà cực khổ, rồi đến cả việc bốc phân trâu trên đường bỏ vào thùng cá cho nước nó xanh làm cho có cảm giác cá nhiều. Việc này luôn làm cho tôi xấu hổ nhưng vẫn không xấu hổ bằng khi tôi bị các cô gái trêu ghẹo. Nào là chuyện ăn gian đếm lận của cánh lái buôn cá mè đến nỗi lan truyền thành câu vè dí dỏm: "Ba mươi ba mốt con này tốt, sáu mốt sáu hai, năm ngoái bà mua của ai, chín ba chín tư...”; nào là chuyện tôi nhờ một cô gái lớn hơn mình hai tuổi gánh giúp gánh cá lên đò khi phải qua đò Cõi sang bán cá mãi tận huyện Thụy Anh tỉnh Thái Bình.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #4 vào lúc: 14 Tháng Ba, 2016, 04:43:43 pm »


Sau hơn một năm khó khăn, gia đình tôi cũng đi dần vào sự ổn định, sức khỏe của bố tôi đã khá hơn trước rất nhiều. Nhưng khốn khó không qua được tay kẻ nghèo hèn, gia đình tôi lại lâm vào cảnh bế tắc. Ông anh họ của ông bác lấy cô tôi ốm chết, nhà nghèo không có tiền để mai táng. Ông bà sinh được ba người con gái nhưng chỉ có cô đầu ở lại nhà, còn hai cô em đã đi làm con nuôi. Trong hoàn cảnh đó, cô và bác tôi bàn với bố mẹ tôi cho cô này về làm vợ tôi mặc dù cô này hơn tôi bốn tuổi. Vậy là bỗng dưng tôi có vợ theo đúng kiểu gia phong "Cha mẹ đặt đâu con ngồi đó" và trên đầu tôi phải quấn một vòng khăn trắng để tang bố vợ. Lúc đó tôi mới mười bốn tuổi.

Rồi năm Mùi cũng đã qua, năm Dậu lại tới. Cái đói của năm Mùi vẫn còn hằn lên những nỗi đau thương sợ hãi thì cái đói chết người đầy ghê rợn và thê thảm của năm Dậu lại tiếp diễn trên những làng quê nhỏ bé. Năm Mùi mất mùa, năm Thân mất cả vụ chiêm lẫn vụ mùa. Lúa trên cánh đồng lép gần hết, bông lúa trắng xác xơ như rơm khô đập dở cả cánh đồng. Vậy mà bọn giặc Nhật vẫn bắt nhân dân ta nộp thóc tạ. Mỗi sào Bắc Bộ phải nộp một tạ cho bọn chúng. Bọn cường hào địa phương vì lấy lòng quan Nhật đã bất chấp sự đói khổ của nhân dân, ngày đêm thúc ép dân tình mang thóc đi nộp. Từ sáng sớm tinh mơ đến tờ mờ tối trong làng ngoài xóm rầm rập tiếng tù và, tiếng mõ liên hồi, tiếng chó sủa, tiếng bước chân của bọn phu tuần, trương tuần lũ lượt kéo đến từng nhà để đốc thúc, làng xóm nhốn nháo như đang có vụ cướp xảy ra. Ai không nộp đủ thì bọn chúng kéo đến nhà bắt súc vật, lấy đồ đạc, dỡ cả cửa nhà thay cho thóc. Làng xóm lâm vào cảnh hoang tàn xơ xác, dân tình phải chịu đói kém kéo dài suốt từ tháng 10 năm Thân đến tháng 5 năm Ất Dậu (1945). Cả làng tôi chỉ còn một nhà địa chủ "ông trùm Nghĩa" là còn thóc ăn, còn hầu hết các gia đình đều chung cảnh đói rét. Nhiều gia đình phải dỡ cả nhà ở, lấy những thanh tre làm xà gỗ, bó thành bó củi mang đi bán lấy tiền để mua gạo nấu cháo loãng, có nhà chỉ mua được cám gạo. Đến lúc chẳng còn gì để bán lấy tiền, người ta phải đi hái rau má, rau tầm khúc về luộc ăn với muối, rồi đào củ khoai dại, củ chuối tây, chuối hạt, chuối lùn và lấy tất cả những lá cây gì có thể ăn được để ăn sống cho qua ngày đoạn tháng. Rồi cũng chẳng còn cây cỏ gì ăn được bởi chưa kịp mọc lên con người đã hái về ăn rồi. Cuộc sống túng quẫn, cái đói rình rập từng nhà, kề bên từng người, mọi người đã phải dùng đến bài liều cuối cùng, tụ tập nhau lại xông đến nhà địa chủ, phú nông trong làng cướp thóc gạo, giành chia nhau mỗi người một vài bát về làm thính hay nấu cháo loãng cầm hơi. Cái đói gay gắt kéo dài, cái chết ngày một tăng lên thê thảm, rùng rợn, có nhà chết không còn một ai. Người chết không có người chôn, nằm rải rác, chồng chéo nhau bên vệ đường ven bờ đê, có người còn mảnh quần áo rách che thân nhưng có người chỉ che thân bằng manh chiếu rách, thậm chí để trần. Kẻ sống người chết nằm kề bên nhau, tiếng khóc hò, rên rỉ, tiếng trẻ con gào thét đan xen nhau đến thảm thương. Gia đình tôi, kể từ bà nội, cô, bác, chú có hơn một trăm người thì cũng chết đến gần ba mươi người. Cái chết đói đến với từng nhà, trong làng, ngoài ngõ khắp đất nước Việt Nam ngày càng thê thảm không sao kể xiết. Hôm nào, làng tôi cũng có mấy thằng tuần đinh đi nhặt xác chết không người chôn chất đầy lên xe bò chở ra sông Hoá đổ xuống đó. Nó xúc người như xúc rác, xúc cả những người còn đang ngáp ngoải, cả những trẻ em còn sống. Trong xóm chỉ còn tôi, chú tôi và một thằng em họ còn mang được người chết đi chôn. Lúc đầu, chúng tôi còn bó người chết bằng chiếu và chôn mỗi người một hố; về sau kiệt sức, chúng tôi chôn hai đến ba người chung một hố. Ngày nào, chúng tôi cũng phải đem xác người chết đi chôn. Đến tháng 4 năm đó, thím tôi chết, với cái thân tàn ma dại, chúng tôi kiệt sức đến nỗi không thể đào nổi hố chôn thím, đành phải buộc dây kéo thím tôi bỏ xuống sông Hoá. Những xác chết ngày một vơi dần, đường làng cỏ mọc lấp lối, không khí ảm đạm thê lương tràn ngập lên làng quê vốn hẻo lánh lại càng lạnh vắng hơn. Không ai còn có thể nhỏ được một giọt nước mắt, một tiếng khóc thương nào cho những người thân xấu số của mình. Họ chỉ có thể còn lo đến bản thân khi mình chết thì có còn người chôn giúp nữa không.

Mười lăm tuổi, trực tiếp chứng kiến nhiều nỗi khổ cực nhọc nhằn, đau đớn của gia đình và bà con xóm làng, trong tôi cháy bỏng lên một niềm khao khát phải làm gì để cho quê hương, đất nước, gia đình và ngay cả bản thân mình không phải sống cảnh lầm than, cơ cực, mà phải sống sao cho đáng một kiếp người, được ăn no mặc ấm, gia đình đoàn tụ, con cái được học hành đến nơi đến chốn. Trong làng xã không còn bọn địa chủ, cường hào đàn áp nhân dân và đánh đuổi được hết bọn ngoại bang xâm lược ra khỏi quê hương đất nước mình. Niềm mong ước của tôi tưởng như chỉ là những điều huyễn hoặc, không biết đến bao giờ mới đổi đời vì nhìn vào đâu cũng thấy bi ai, tang tóc, may mà gia đình tôi vẫn còn sống đủ cả nhà. Trên toàn đất nước Việt Nam, nạn đói mà thực dân Pháp và quân phiệt Nhật Bản đã gây ra làm hai triệu người chết, đó là con số chưa phải là chấm dứt bởi vẫn còn hàng triệu người vẫn đang bị nạn đói đe dọa từng ngày từng giờ. Nhưng tất cả đã đổi thay hoàn toàn với những điều tôi nghĩ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #5 vào lúc: 14 Tháng Ba, 2016, 04:46:22 pm »


Trên thế giới lúc này, chiến tranh thế giới lần thứ hai đang dồn dập tiến đến ngày kết thúc. Nhật Bản làm đảo chính nhằm cướp đoạt chính quyền của Pháp tại Đông Dương nhưng đã phải đầu hàng Đồng minh không điều kiện, phe Đồng minh đã giành thắng lợi hoàn toàn. Phong trào giải phóng dân tộc phát triển mạnh mẽ ở khắp nơi. Ở châu Á, nhân dân Inđônêxia đã nổi lên giành chính quyền. Điều kiện quốc tế thuận lợi đó, nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất tề đứng lên làm cuộc cách mạng dân chủ nhân dân vĩ đại, đập tan xiềng xích nô lệ của thực dân đế quốc giành chính quyền về tay nhân dân, giành lại nền độc lập và chủ quyền quốc gia. Ngày 19 tháng 8 năm 1945, Tổng khởi nghĩa thành công ở Hà Nội và đến ngày 25 tháng 8, cuộc nổi dậy cướp chính quyền đã thành công trên toàn quốc. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, dưới ánh nắng mùa thu Hà Nội trong xanh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tự do và độc lập ra đời khẳng định quyết tâm của hai mươi triệu người Việt Nam "đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do ấy, độc lập ấy".

Mùa thu Cách mạng năm 1945 đã mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam, toàn dân tộc Việt Nam đã bước sang một trang sử mới, thoát khỏi ách nô lệ của chế độ thực dân phong kiến. Nước Việt Nam từ chỗ bị xoá tên trên bản đồ thế giới đã trở thành một nước độc lập, mỗi người dân Việt Nam đã trở thành công dân của một nước độc lập. Điều đó cũng mang đến cho làng quê tôi một sự thay da đổi thịt, người dân quê tôi hoà chung với niềm vui dạt dào và phơi phới niềm tự hào của nhân dân cả nước vì:

          "Trăm năm mất nước mất nhà
          Hôm nay mới cất lời ca tiếng cười"

                                                     (Tố Hữu)

Niềm vui độc lập đó tưởng như làm người ta sẽ quên đi những nhọc nhằn trong cuộc sống, quên đi những giọt nước mắt đắng cay tủi hờn mà bao năm đã luôn thường trực trên gương mặt họ. Họ không hề nghĩ đến những khó khăn vẫn đang tiếp tục hoành hành trên đất nước Việt Nam độc lập của họ. Đó có thể sẽ là những khó khăn mà họ chưa từng biết đến.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #6 vào lúc: 14 Tháng Ba, 2016, 04:48:57 pm »


Ngày 3 tháng 9 năm 1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa, việc chống đói được nêu lên hàng đầu trong sáu nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ. Nạn lụt giữa năm 1945 nước lũ lên to, đê sông Hồng bị vỡ và cùng với nó có tất cả hơn 100 quãng đê bị vỡ, làm ngập tám tỉnh Bắc Bộ: Sơn Tây, Hà Đông, Hà Nam, Vĩnh Yên, Phúc Yên, Bắc Ninh, Hải Dương và Thái Bình. Sau đó một nạn hạn hán ghê gớm làm giảm đi một phần ba số lúa thu hoạch hàng năm. Lụt lội cũng làm mùa màng thất thu ở các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh. Theo báo Cứu quốc số ra ngày 4 và 5 tháng giêng năm 1946 cho biết số thóc thu vụ mùa năm 1945 chỉ "đủ nuôi tám triệu người trong ba tháng. Đợi đến vụ chiêm năm 1946 dân sẽ bị đói trong bốn tháng, nghĩa là còn thiếu 850.000 tấn thóc". Bên cạnh đó tình hình kinh tế, tài chính cũng nguy ngập. Trước đây, nền kinh tế Đông Dương chủ yếu do thực dân Pháp nắm: xi măng, than, xe điện, xe lửa, điện, cao su đều trong tay họ. Khi chính quyền nhân dân được thành lập, trừ một số xí nghiệp, các xí nghiệp khác đều bị ngừng hoạt động. Các nhà công thương Việt Nam chỉ làm chủ những cơ sở nhỏ. Sau Cách mạng tháng Tám, sản xuất thiếu hụt, hàng hoá tiêu dùng khan hiếm, số người thất nghiệp tăng... Khi Chính phủ lâm thời được thành lập, ngân sách Đông Dương hụt tới 185 triệu đồng và nợ tới 564 triệu đồng1. Đồng bạc Đông Dương mất giá, quân Tưởng tung "quan kim" và "quốc tế". Ngân hàng Đông Dương tuyên bố không tiêu giấy bạc 500 đồng, không chịu ứng tiền cho Chính phủ nhân dân hòng gây khó khăn cho ta.

Trong bối cảnh đó, một chính phủ bình thường cũng không đứng vững được, nhưng những khó khăn chính trị còn ghê gớm hơn nhiều. Chính quyền cách mạng vừa mới lập nên còn non trẻ, chưa có chỗ đứng vững chắc đã phải chống lại sức ép từ mọi phía. Mỹ và Anh đều tán thành cho Pháp trở lại Đông Dương. Và ngay sau khi Việt Nam vừa tuyên bố độc lập của đất nước mình với toàn thể các nước trên thế giới, quân Pháp núp sau bóng quân Anh đánh chiếm Sài Gòn vào ngày 23 tháng 9 năm 1945, rồi từ đó mở rộng sự chiếm đóng ra Nam Kỳ và Nam Trung Kỳ. Phía Bắc Việt Nam, lực lượng 20 vạn quân Tưởng do tướng Lư Hán chỉ huy và bọn tay sai Việt Nam cách mạng Đồng minh hội, Việt Nam Quốc dân đảng đứng đầu là Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh tiến vào Hà Nội với kế hoạch "Hoa quân nhập Việt" hòng âm mưu lật đổ chính quyền Việt Minh. Chính quyền nhân dân non trẻ đã ở trong trạng thái "nghìn cân treo sợi tóc". Phải cứu lấy chính quyền nhân dân, phải giữ vững chính quyền nhân dân bằng mọi giá.

Trong tình hình đất nước vừa mới giành lại độc lập, hai miền Nam - Bắc đều có quân đội chiếm đóng, việc có ý nghĩa chiến lược là phải nhận rõ kẻ thù chính để thực hiện hai nhiệm vụ cơ bản của giai đoạn mới là kháng chiến, kiến quốc. Khi đó, Trung ương Đảng chỉ rõ: "Kẻ thù chính của nhân dân ta lúc này là thực dân Pháp xâm lược". Trên cơ sở nhận định rất quan trọng đó, Trung ương Đảng vạch bốn nhiệm vụ chủ yếu trước mắt là: củng cố chính quyền, chống thực dân Pháp xâm lược, bài trừ nội phản, cải thiện đời sống nhân dân mà nhiệm vụ bao trùm là củng cố chính quyền2. Đối với quân Tưởng, chủ trương của ta là hoà hoãn để làm cho họ rút quân càng nhanh càng tốt ra khỏi miền Bắc nước ta. Chính vì thế trong bản Điều ước ký kết nhằm thỏa thuận lập chính phủ liên hiệp lâm thời và Ủy ban kháng chiến (24-12-1945), Việt Nam Quốc dân đảng có 50 ghế, Việt Nam cách mạng Đồng minh hội có 20 ghế trong Quốc hội không phải qua bầu cử. Trong chỉ thị "Hoà để tiến" của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, chúng ta đã ký với Pháp Hiệp định sơ bộ (6-3), trong đó Pháp công nhận Việt Nam là một quổc gia tự do, có chính phủ, nghị viện, quân đội và tài chính riêng trong liên bang Đông Dương và một khối liên hiệp Pháp, đồng ý cho Pháp đưa 15.000 quân ra Bắc Bộ hợp tác với quân đội Việt Nam, thay thế quân Tưởng, buộc Tưởng phải rút quân về nước. Sau khi bản Hiệp định sơ bộ được ký kết có hiệu lực, quân Tưởng đã bắt đầu rút khỏi Việt Nam. Nhưng trong ý đồ của Pháp, Pháp đã không thực hiện ngừng bắn mà còn tăng cường càn quét hòng lập lại chính quyền thực dân, đánh chiếm nhiều tỉnh phía Bắc của nước ta. Do đề phòng được ý đồ bội ước của thực dân Pháp, Ban Thường vụ Trung ương Đảng một mặt tìm đặt các giải pháp chính trị có lợi cho ta nhất trên các cuộc thương lượng đàm phán, một mặt kêu gọi nhân dân ta phải tiếp tục chuẩn bị kháng chiến, thực hiện kiến quốc. Điều nhận định khả năng bội ước của Pháp đã rõ ràng, từ Sài Gòn đến Hải Phòng, Lạng Sơn, Pháp đã nổ súng tấn công, giết chết nhiều dân thường Việt Nam. Chiến tranh lan rộng ra toàn quốc, ngày càng thêm ác liệt. Do vậy, ngay tối 19 tháng 12 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi toàn quốc kiên quyết vùng lên kháng chiến chống Pháp: "Chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, rõ ràng chúng muốn cướp nước ta một lần nữa, nhân dân ta không còn con đường nào khác là đứng lên kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc". Cùng với nhân dân cả nước, nhân dân quê tôi cũng sẵn sàng chuẩn bị mọi mặt từ tinh thần đến vật chất cho cuộc kháng chiến trường kỳ sắp xảy ra ở địa phương.
_______________________________________
1. Việt Nam năm đầu tiên sau Cách mạng tháng Tám, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1961.
2. Năm mươi năm ngoại giao Việt Nam 1945-1995, tập I - Ngoại giao Việt Nam, 1945-1975, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 1996.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #7 vào lúc: 14 Tháng Ba, 2016, 04:49:39 pm »


Nói về quê hương yêu dấu của tôi, sự bàng hoàng sợ hãi của nạn chết đói tháng 3 năm Ất Dậu (1945) chưa hết thì lại đến trận vỡ đê Lô Đông xã Thắng Thủy (phía tây bắc huyện Vĩnh Bảo ngày nay) tháng 8 năm 1945. Đê vỡ lớn, nước từ sông Luộc tràn vào khắp huyện, nước ngập lên cao gần tới nóc nhà, kéo dài gần ba tháng, phải phá đê hạ lưu, nước mới rút cạn dần. Nhân dân trong huyện lo âu nghĩ đến cảnh chết đói thảm hại nữa sẽ có thể đến vào những ngày tháng ba năm tới bởi mùa màng đã bị mất trắng. Nhưng điều lo lắng trong nhân dân quê tôi đã dần dần tan biến. Từ đầu huyện đến cuối huyện, từng đoàn thuyền to nhỏ nối đuôi nhau. Trên thuyền chăng khẩu hiệu, kéo cờ đỏ sao vàng làm đỏ rực mặt nước, các cán bộ Việt Minh nam giới đầu đội mũ ca lô, mặc áo sơ mi, quần soóc, chân đi dép cao su, vai khoác túi dết may bằng cói. Còn các nữ Việt Minh đầu vấn khăn mỏ quạ, mặc váy nâu sồng. Tất cả mọi người tưng bừng khí thế cách mạng, đoàn thuyền đi tới đâu, tiếng hô khẩu hiệu của họ vang lên tới đó: "Việt Nam độc lập muôn năm! Tinh thần Cách mạng tháng Tám bất diệt!". Đội quân Việt Minh đã cùng nhân dân cướp chính quyền ở huyện Vĩnh Bảo. Quan tri phủ Vĩnh Bảo lúc đó là tri phủ Nhạc vội vã đầu hàng, trao chính quyền huyện cho Việt Minh. Đoàn quân Việt Minh phân tỏa về các làng xã vận động nhân dân nổi dậy giành chính quyền hàng tổng, hàng xã và giúp đỡ quần chúng nhân dân đi phá kho thóc, kho muối của giặc Nhật chia cho dân nghèo. Thanh niên chúng tôi vô cùng phấn khởi rủ nhau về chặt tre, chặt chuối của nhà mình đóng kết lại thành bè, mảng rồi đi theo thuyền Việt Minh để hoà cùng hoạt động của họ.

Ở làng Cõi, hàng ngàn người dân lũ lượt kéo nhau ra đình làng. Họ hò hét, hô vang khẩu hiệu. Khí thế vũ bão ầm ầm như nước vỡ bờ, áp đảo chính quyền tay sai phong kiến, hỗ trợ cho Việt Minh bắt bọn hương lý trong làng ra đình làng để nghe Việt Minh tuyên bố giải tán chính quyền ngụy hàng xã, tịch thu hết tài liệu triện đằng (con dấu) của lý trưởng, địa bạ... Đồng thời, Việt Minh cũng chỉ định chính quyền lâm thời, cử người làm chánh hương hội, phó hương hội, chánh và phó bảo an. Tổ chức chính quyền mới làm việc theo sự phân công chỉ đạo của Việt Minh. Chính quyền nhân dân thành lập, mọi người dân quê tôi trào dâng niềm hạnh phúc, trong ánh mắt mỗi người sáng lên một niềm tin hy vọng tuyệt đối vào cách mạng.

Song song với việc lật đổ chính quyền cũ, lập chính quyền cách mạng lâm thời, Việt Minh còn tổ chức bắt những tên Việt gian phản động làm tay sai cho đế quốc phong kiến, lập tòa án, đưa chúng ra xét xử để hạ uy thế của chúng, nâng cao uy thế cách mạng nhân dân, đã làm bừng lên ngọn lửa đấu tranh mạnh mẽ trong quần chúng nhân dân. Những tiếng hô khẩu hiệu: "Đả đảo bọn Việt gian bán nước, ủng hộ mặt trận Việt Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm!" vang lên trong lòng mỗi người dân quê tôi.

Trong những ngày đi theo Việt Minh giành chính quyền ở thôn, xã trừng trị bọn phản động, phá kho thóc Nhật... đã gieo vào lòng tôi một nhận thức sâu sắc. Bản thân tôi, gia đình và nhân dân quê hương tôi đã được cứu sống, được làm chủ cuộc sống của mình, làm chủ quê hương đất nước mình. Từ đây, cuộc đời nô lệ lầm than không còn, nạn đói khủng khiếp đã được cứu vãn, cách mạng đã về và có Bác Hồ kính yêu đưa đường chỉ lối cho toàn dân tộc đứng lên làm cách mạng dân tộc dân chủ. Nhân dân quê hương tôi cũng như bao người dân trên mọi miền Tổ quốc đã được đổi đời, bước sang một giai đoạn mới tươi đẹp hơn. Thực tế đó đã cuốn hút một người thanh niên trẻ tuổi là tôi, muốn đứng lên, hoà mình với cao trào cách mạng, đóng góp một phần vào cuộc vận động xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #8 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2016, 02:20:43 pm »


Cách mạng thành công, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ vừa mới ra đời, chính quyền nhân dân mới được thành lập, kinh tế tài chính kiệt quệ, cả nước gặp muôn vàn khó khăn. Thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp của Chính phủ, quê hương tôi dấy lên phong trào diệt giặc đói, giặc dốt, chống giặc ngoại xâm. Đoàn thanh niên cứu quốc được giao nhiệm vụ xung kích đi đầu và vận động nhân dân hưởng ứng làm tốt các công việc: cấy hết diện tích, trồng thêm hoa màu, cây ngắn ngày đề phòng nạn đói trong tháng ba. Vận động nhân dân đi học lớp bình dân học vụ, xóa nạn mù chữ, xây dựng đời sống mới, bài trừ tệ nạn mê tín dị đoan. Vận động thanh niên tòng quân đi bộ đội, tham gia dân quân du kích. Phong trào nhân dân lập hũ gạo kháng chiến được lan rộng trong toàn dân. Mỗi bữa nấu cơm, các mẹ và các chị bỏ vào hũ một hai nắm gạo và cuối tháng đổ ra ủng hộ quỹ nuôi quân. Các phong trào này được nhân dân quê tôi hưởng ứng sôi nổi, hoạt động với tinh thần hăng say, một người làm nhiều việc, gấp ba gấp bốn sức mình mang lại hiệu quả to lớn.

Lúc này tôi mới gần đến tuổi mười lăm, lứa tuổi chưa được kết nạp vào Đoàn, trong lòng tôi háo hức chỉ muốn lớn thật nhanh để đủ tuổi vào Đoàn, để được tham gia làm các việc trọng trách như của các lớp đàn anh đi trước. Điều đó lại càng thôi thúc tôi hơn trong phương châm "tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình" nên tại Hội nghị nhân dân toàn thôn, tôi xung phong nhận hai việc: làm chiến sĩ vệ sinh và giáo viên bình dân học vụ. Tôi đã được hội nghị nhất trí và nhiệt liệt hoan nghênh. Vài ngày sau, Ủy ban nhân dân xã cử tôi đi học lớp "chiến sĩ vệ sinh và lớp giáo viên bình dân học vụ ngắn ngày" do Ủy ban nhân dân huyện mở trong hai tháng. Lớp chiến sĩ vệ sinh học tại thôn Nhân Lệ, xã Thắng Thủy thuộc khu bắc huyện Vĩnh Bảo. Cả lớp chỉ có một trăm người vì mỗi thôn chỉ cử một người đi học. Giáo viên chính trị do cán bộ Việt Minh của huyện giảng dạy. Về chuyên môn, các ông đốc tờ cũ của tỉnh Hải Dương và huyện Vĩnh Bảo đảm nhận (lúc này huyện Vĩnh Bảo vẫn thuộc tỉnh Hải Dương). Chương trình học tập xoay quanh ba nội dung chính: Một là, tình hình nhiệm vụ khẩn cấp của đất nước; hai là, xây dựng nếp sống văn hoá mới; ba là, vệ sinh thường thức trong nhân dân. Đối với chúng tôi, nội dung nào cũng mới mẻ, các thầy giảng đều hay, ai nấy đều học tập say mê như nuốt từng lời giảng của các thầy. Tôi ghi chép cẩn thận, không bỏ qua một câu nào của thầy. Qua quá trình học tập, chúng tôi mới thấy rõ được tình hình đất nước sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, mới hiểu rõ được những nỗi lo lắng về khó khăn đang canh cánh trong lòng những người cán bộ cách mạng.

Năm 1946, tôi vừa tròn mười sáu tuổi, thấy tôi hoạt động tích cực, nhiệt tình và có hiệu quả nên các anh trong Ban chấp hành cứu quốc thôn đã tổ chức kết nạp tôi vào Đoàn thanh niên cứu quốc. Đến cuối năm, tại Hội nghị thanh niên thôn, tôi được tín nhiệm bầu làm bí thư chi đoàn thôn. Với cương vị bí thư chi đoàn thôn, mặc dù còn trẻ nhưng tôi vẫn mạnh dạn đề xuất ý kiến cho thôn Hội Am được tổ chức hội nghị thanh niên thảo luận về quyền bình đẳng nam nữ và đề nghị chia ruộng công điền cho phụ nữ. Được sự nhất trí và sự cổ vũ động viên của Ban chủ nhiệm Việt Minh và Thường vụ thanh niên xã, nhất là sự giúp đỡ nhiệt tình của anh Đỗ Lân - Chủ nhiệm Việt Minh xã, Hội nghị thanh niên thôn Hội Am được tổ chức với sự tham dự của gần hai trăm đại biểu, có đại biểu của chính quyền xã và một số cụ kỳ hào thôn Hội Am. Nội dung hội nghị phù hợp với lòng mong muốn của mọi người nên nhiều đại biểu thanh niên nhiệt tình, mong được thực hiện ngay sau đó nhưng một số kỳ hào lại phản đối. Để dung hòa ý kiến giữa thanh niên và kỳ hào và cũng là để né tránh việc chia ruộng cho phụ nữ, cụ Chủ tịch lâm thời xã Cao Minh lúc bấy giờ nguyên là Chánh tổng Đông Am cũ phát biểu: "Việc thực hiện nam nữ bình đẳng, bình quyền là thể hiện trên các mặt hoạt động của toàn dân, còn việc chia ruộng công điền cho phụ nữ phải chờ sắc lệnh của Chính phủ". Cụ Chủ tịch vừa dứt lời, mọi người trong hội nghị phản đối rầm rộ. Cuộc tranh luận bảo vệ lý lẽ giữa thanh niên và kỳ hào chức dịch cũ ở thôn tôi diễn ra căng thẳng quyết liệt. Cuối cùng lý lẽ hợp lòng dân, đúng đường lối của Đảng Cộng sản, của Chính phủ đã chiến thắng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #9 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2016, 02:21:46 pm »


Sau hơn một tháng, phong trào chia ruộng cho phụ nữ ở làng tôi đã thực hiện thành công, cả nam và nữ từ mười tám tuổi trở lên đều được chia ruộng như nhau, không phân biệt đồng bào lương hay giáo. Phong trào đó như một ngọn lửa thắp sáng, làm gương cho các thôn khác cùng thực hiện. Việc chia ruộng công điền cho giới phụ nữ đã tạo nên sức cổ vũ mạnh mẽ tới chị em, mọi người đều hài lòng phấn khởi vì sự quan tâm đúng đắn, bênh vực quyền lợi cho phụ nữ của Đảng và Chính phủ, khiến cho phong trào phụ nữ ở làng tôi và các thôn trong xã hoạt động sôi nổi hơn. Mọi công việc được giao, chị em làm hăng say, thi đua hoàn thành không kém gì nam giới. Tư tưởng trọng nam khinh nữ đang dần được xóa bỏ. Tư tưởng tự ti, nhút nhát cũng đang dần được thay bằng lòng tự trọng, tự tin và tinh thần tự hào về truyền thống kiên cường bất khuất của người phụ nữ Việt Nam. Chúng tôi lại càng hiểu rõ hơn những nhiệm vụ mà Chính phủ đề ra cấp bách như thế nào, hiểu được sự cần thiết của phong trào diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm; xây dựng nền văn hoá mới, bài trừ mê tín dị đoan. Chúng tôi phải ra sức vận động nhân dân tổ chức ma chay cưới xin theo nếp sống mới; nắm được nội dung thường thức trong phòng ngừa các bệnh dịch truyền thống như sốt rét, thương hàn, tả lỵ, sởi, đậu mùa...; mọi người không nên ăn rau sống uống nước lã, nằm ngủ có màn, vệ sinh, giữ gìn nhà cửa sạch sẽ.

Lớp bồi dưỡng giáo viên bình dân học vụ huyện mở ngay tại đình Miễu thôn Đông Nha cho hơn năm mươi giáo viên các xã phía nam huyện Vĩnh Bảo, tỉnh Hải Dương. Chúng tôi hiểu rằng nhiệm vụ và nội dung xoá nạn mù chữ là nhiệm vụ cần thiết, cấp bách, cần phải tập trung sức lực khẩn trương xoá nạn mù chữ trong quần chúng nhân dân làm cho ai nấy đều biết đọc biết viết, thực hiện theo phương châm người biết chữ dạy người chưa biết chữ, người biết nhiều dạy người biết ít. Nhà nhà đi học, người người đi học với khẩu hiệu: "Thi đua đi học là yêu nước". Cách thức tổ chức bình dân mở lớp theo từng cụm dân cư xóm, học vào ban trưa và buổi tối. Chính trong thời gian này đã xuất hiện những bài về chữ cái để bà con dễ nhớ: "i-t giống móc cả hai, i ngắn có móc, t dài có ngang,...".

Qua hai lớp học vỡ lòng về y tế và giáo dục, tôi thấy mình được tiếp thêm tinh thần nghị lực, đồng thời được bồi bổ thêm kiến thức giúp tôi thực hiện tốt nhiệm vụ mà tôi đã tự nguyện xung phong.

Là một chiến sĩ vệ sinh của thôn, tôi đã trực tiếp đến nói chuyện với các cuộc hội họp của xóm, thôn. Tôi tích cực giải thích tuyên truyền cho nhân dân về nếp sống mới. Tích cực bài trừ mê tín dị đoan, các hủ tục, giữ vệ sinh và phòng bệnh. Tôi đề nghị với ban ủy nhiệm thôn phát động phong trào diệt chó, phá bỏ các hố xí làm cạnh đường... giữ vệ sinh chung cho mọi người. Tuy những việc làm đó chỉ là bình thường nhưng lúc đó, thời điểm đó chúng tôi cảm thấy rất thiêng liêng và hệ trọng, chúng tôi làm rất say sưa, tích cực. Vận động nhân dân tham gia thành phong trào rầm rộ, sôi nổi. Chỉ trong vòng một tuần là chó được giết sạch, các hố xí bên đường đã được nhân dân tự giác dỡ bỏ dời đi nơi khác.

Là một giáo viên bình dân học vụ sau lớp học về, tôi được xã trao nhiệm vụ phụ trách phong trào bình dân học vụ thôn. Tôi đã cùng anh em tổ giáo viên phân công mỗi người phụ trách một xóm. Ban ngày chúng tôi dạy các em nhỏ ban đêm chúng tôi dạy người lớn tuổi và các cụ già. Các lớp học được liên tục kế tiếp nhau tạo nên một sinh khí mới ở xóm làng, một sức sống mới thật sôi động. Người người thi đua nhắc nhở, đôn đốc nhau tới lớp bình dân học vụ.

Để mọi người dân thấy được biết đọc, biết viết chữ Quốc ngữ là cần thiết, để hỗ trợ cho việc đôn đốc học tập, chúng tôi đã lập các trạm ở cổng chợ để kiểm tra hỏi chữ. Nếu ai không biết chữ không được vào chợ, hoặc phải lội ruộng để vào chợ hay bị đuổi về. Ở quê tôi không bao lâu đã thanh toán xong nạn mù chữ.
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM