Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 09:09:16 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Khát vọng đồng bằng  (Đọc 34079 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #100 vào lúc: 28 Tháng Ba, 2016, 09:20:35 pm »


Chiều hôm đó, lúc 14 giờ, máy bay trực thăng và máy bay phản lực của địch vẫn còn quần lộn ở phía tây nam thị xã Phan Rang. Cơ quan tham mưu đề nghị với sư trưởng lệnh cho Trung đoàn 12 tung hết lực lượng ra truy quét địch theo hướng đó, nhưng phải đề phòng tàu chiến của địch ở ngoài biển gọi trực thăng địch đến bốc chúng đi.

Đúng 17 giờ, chúng tôi đang trực ở sở chỉ huy sư đoàn thì nhận được điện của đồng chí Biền, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 12: Báo cáo tham mưu sư đoàn, tổ anh nuôi Trung đoàn 12 đã bắt được tướng ngụy.

Tôi hỏi lại:

- Bắt như thế nào? ở đâu? Tên nó là gì?

Vẫn với chất giọng khàn khàn, Trung đoàn trưởng 12 báo cáo: "Tổ anh nuôi có ba đồng chí, tới vườn mía thì thấy lũ giặc có tới 15 đến 20 tên mà quân ta thì ít quá. Đồng chí tổ trưởng liền nghĩ kế nghi binh lừa giặc. Anh hô lớn: "Trung đội 1 bên phải, trung đội 2 bên trái, sẵn sàng xung phong, trung đội 3 bắn!". Bọn địch hoảng hốt kêu lên: "Đừng bắn! Chúng em xin hàng". Tất cả bọn chúng bỏ súng xuống đất, tay giơ cao, lốc nhốc kéo ra. Tên đi đầu xưng tên là trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi. Tên thứ hai nói tiếp: "Em là chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang".

Tôi liền quay sang hỏi các đồng chí quân báo sư đoàn, trong danh sách tướng ngụy có những tên đó không?

- Có! - Anh em báo cáo với khẩu lệnh gọn và rất nhanh.

Đồng chí sư trưởng lệnh cho Trung đoàn 12 giải chúng về sư đoàn. Lập tức chúng tôi áp tải chúng đưa về tiền phương Bộ (Tư lệnh cánh quân Duyên Hải đóng ở Cam Ranh).

Sáng hôm sau, ngày 17 tháng 4, Thượng tướng Lê Trọng Tấn, Trung tướng Lê Quang Hòa đến thăm sư đoàn bộ tại ấp An Quý, tây thị xã Phan Rang. Đồng chí Lê Trọng Tấn thay mặt Bộ biểu dương Sư đoàn 3 Sao Vàng - Quân khu 5 là đơn vị đầu tiên bắt tướng ngụy.

Anh em rất phấn khởi trước sự động viên của Thủ trưởng. Vừa giải phóng Phan Rang xong, sư đoàn chúng tôi lại bước vào cuộc chiến đấu mới. Thời gian còn mười ngày nữa chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mở màn. Thời gian chỉ vẻn vẹn từ ngày 16 đến ngày 26 tháng 4; công việc chuẩn bị rất khẩn trương. Quán triệt tư tưởng thần tốc, quân ta vừa chuẩn bị vừa cấp tốc hành quân bằng cơ giới, ban đêm hành quân, ban ngày nghỉ. Cứ đi và đi rổi lại nghỉ, với tốc độ nhanh sư đoàn vào khu vực tập kết thật bí mật, thật an toàn. Đêm ngày 24 tháng 4, Sư đoàn 3 đã vào đến Xuân Lộc. Nơi đây Quân đoàn 4 vừa dứt chiến đấu, toàn sư đoàn đã triển khai vào trận địa xuất phát tiến công ở khu vực rừng cao su ven thị xã Bà Rịa.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #101 vào lúc: 28 Tháng Ba, 2016, 09:21:51 pm »


15 giờ ngày 26 tháng 4, Sư đoàn 3 Sao Vàng được lệnh nổ súng, cùng với một số đơn vị đánh trước, mở màn chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Sư đoàn đánh vào thị xã Bà Rịa, đến 19 giờ chúng ta chiếm được dinh tỉnh trưởng ngụy và một nửa thị xã. Trên tăng cường cho sư đoàn 4 xe tăng, khi xe chạy ra rừng cao su bị sập hầm mất hai chiếc. Một xe tiến vào gần dinh tỉnh trưởng bị trúng đạn địch bốc cháy. Như vậy chỉ còn một xe. Các chiến sĩ chiến đấu rất dũng cảm. Đêm đó là đêm trận chiến diễn ra thật dữ dội, chiến sĩ ta quần nhau với địch. Quân ta chiếm phía bắc thị xã, bọn địch chiếm phía nam Bà Rịa.

Mờ sáng ngày 27 tháng 4, sư đoàn lại đánh tiếp, lại bao vây chia cắt tiêu diệt địch, áp sát địch để tiêu diệt trong từng căn nhà. Chúng ta phải chiến đấu để đập tan khối địch cố thủ ở trung tâm huấn luyện Vạn Kiếp. Quân địch không còn cách nào khác phải bỏ Bà Rịa chạy xuống Vũng Tàu. Trên đường tháo chạy, địch dùng mìn giật sập cầu Cỏ May hòng làm cản trở đường ta truy kích.

Ngày 28 tháng 4, sư đoàn tổ chức vượt sông Cỏ May bằng sức mạnh: ta sử dụng pháo của sư đoàn bắn vào trận địa pháo địch ở phía nam cầu cỏ May. Ta dùng thuyền của dân chở bộ đội vượt sông. Quân địch ở phía nam cầu đánh trả dữ dội. Quân ta bị thương vong mà vẫn không vượt qua sông được. Trung đoàn 2 phải dừng lại.

Chiều hôm đó, đồng chí Nguyễn Thương, Tham mưu trưởng Sư đoàn đi đốc chiến Trung đoàn 12, điện về xin ý kiến sư đoàn cho một bộ phận của Trung đoàn 12 trong đêm bí mật vượt qua sông ở khu vực Phước Tỉnh cách cầu Cỏ May 5 kilômét về phía đông, từ đó đánh tạt sườn vào cụm hỏa lực địch ở nam cầu Cỏ May. Đây là một sáng kiến được Sư trưởng Trần Bá Khuê và Chính ủy Mai Tân rất hoan nghênh. Tôi là phó tham mưu trưởng sư đoàn truyền đạt ý kiến nhất trí của sư đoàn trưởng cho đồng chí Thương và Trung đoàn 12 thực hiện, đồng thời thống nhất kế hoạch hiệp đồng tác chiến giữa Trung đoàn 12 và Trung đoàn 2.

Mờ sáng ngày 30 tháng 4, một tiểu đoàn của Trung đoàn 12 sau khi vượt sông đã bất ngờ nổ súng tiến công bên sườn cụm quân địch ở nam cầu Cỏ May. Quân địch bị tiến công bất ngờ, không đủ sức mạnh đánh trả, phải tháo chạy. Trung đoàn 2 nhanh chóng vượt sông và cùng Trung đoàn 12 đánh vào thành phố Vũng Tàu, theo ba mũi: Hai mũi quân ta đánh quặp vòng ngoài ra phía sau núi Vũng Tàu. Một mũi đánh chính diện, bộ đội xung phong đánh thẳng vào trung tâm Vũng Tàu. Địch hoảng loạn dẫm đạp lên nhau mà chạy. Các loại xe tăng, pháo cối, xe cơ giới, xe hon đa địch vất ngổn ngang dọc đường phố và bãi biển. Đúng 9 giờ sáng quân ta đã làm chủ Vũng Tàu, một bộ phận phát triển ra Cần Giờ. Quân ta ở Vũng Tàu và Cần Giờ sẵn sàng đánh địch nếu chúng từ Sài Gòn chạy ra hướng biển, tất cả sẵn sàng thực hiện theo đúng nhiệm vụ được cấp trên trao cho, nhưng không một tên địch nào lui tới vì trên các hướng quân ta bao vây chia cắt chiến thuật khá tốt.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #102 vào lúc: 28 Tháng Ba, 2016, 09:22:36 pm »


Qua đợt chiến đấu dài ngày, liên tục, tất cả cán bộ, chiến sĩ, dân công hỏa tuyến, ai nấy đều dốc hết sức lực cho chiến đấu và cho chiến thắng. Hoàn thành xong nhiệm vụ mới thấy thấm mệt. Đêm về, các chiến sĩ ta đã thiếp đi trong giấc ngủ khải hoàn, vui sướng.

Tiếng điện thoại reo lên, từ đầu dây, trực ban Quân đoàn 2 báo lại: hồi 10 giờ 45 phút, lực lượng thọc sâu của Quân đoàn 2 đã thọc thẳng vào Dinh Độc Lập, nơi hang ổ cuối cùng của Mỹ - ngụy ở Sài Gòn.

Tôi vô cùng sung sướng, gọi mọi người thức dậy, mở to Đài tiếng nói Việt Nam ra nghe. Từ Đài tiếng nói Việt Nam phát đi với giọng của đồng chí phát thanh viên thật dõng dạc truyền cảm:

"Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975. Từ các hướng quân đội ta tiến công vào Sài Gòn, tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện. Quần chúng nhân dân nổi dậy làm chủ thành phố. Thành phố được bảo vệ nguyên vẹn". Mọi người nghe xong, ai nấy đều vui mừng, phấn khởi, sung sướng, cảm động không nén nổi, nước mắt giàn giụa không ngăn lại được. Trước tình cảm xúc động quá mạnh, tôi ứng tác luôn mấy vần thơ mộc mạc miêu tả khí thế của chiến sĩ sư đoàn chiến đấu quyết chiến với quân thù:

Cắt đường mười chín vây chiến dịch
Tích cực góp phần mở Tây Nguyên
Đánh tan sư đoàn hai hai ngụy
Phối hợp địa phương chiếm Quy Nhơn

Tấn công đập nát tuyến Phan Rang
Hiệp đồng chặt chẽ diệt Thành Sơn
Dẫn đầu toàn quân bắt tướng ngụy
Sư Ba rực rỡ ảnh sao vàng.

Phối hợp chiến dịch Hồ Chí Minh
Thần tốc tiến công chiếm Bà Rịa
Nhanh chóng vu hồi vít Vũng Tầu
Sài Gòn thất thủ địch chạy đâu?

Sung sướng đón mừng tin đại thắng
Sư Ba vinh dự góp công đầu.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #103 vào lúc: 28 Tháng Ba, 2016, 09:23:38 pm »


*
* *

Miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, nhân dân ta được hưởng hòa bình và toàn dân tộc ta đi vào xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Cũng như nhiều đơn vị khác, Sư đoàn 3 Sao Vàng đã tổ chức ra một số ban liên lạc "tình bạn chiến đấu" của sư đoàn ở một số thành phố như: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, thành phố Hồ Chí Minh. Chúng tôi muốn tập hợp những cán bộ, chiến sĩ của sư đoàn đã nghỉ hưu, phục viên, chuyển ngành đang làm việc, sinh sống trên địa bàn quê hương. Hàng năm cứ đến ngày 2 tháng 9 anh em lại họp mặt đông đủ để chào mừng ngày Quốc khánh của dân tộc và kỷ niệm ngày truyền thống của sư đoàn. Điểm lại xem anh em ai còn, ai mất, mặc niệm đồng chí vừa qua đời. Cùng nhau ôn lại lịch sử hào hùng, những chiến công hiển hách của Sư đoàn 3 Sao Vàng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ oai hùng của dân tộc.

Trong những giờ phút ấy, chúng tôi bùi ngùi nhớ tới Bác Hồ kính yêu, nhớ những ngày mọi người đau thương tiễn biệt Bác đi xa. Vẫn còn văng vẳng bên tai lời Di chúc Bác dặn lại, phải đánh Mỹ giành độc lập, tự do cho dân tộc... Chúng tôi bùi ngùi nhớ lại cố Đại tướng Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn, Trung tướng Vương Thừa Vũ và vui mừng được biết Đại tướng Chu Huy Mân (tức Hai Mạnh) tuy đã già (90 tuổi) nhưng vẫn mạnh khỏe tinh tường. Chúng tôi cũng nhớ lại vào thời kỳ cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ (1972-1975), quân ta ở thế chủ động tiến công, thế thắng. Địch ở thế phòng ngự, bị động, thế thua. Đoàn Y của Bộ Tổng tham mưu do Thượng tá Nguyễn Năng (nay là Trung tướng Nguyễn Năng) làm Trưởng đoàn vào Quân khu 5. Đồng chí đã trực tiếp xuống giúp đỡ Sư đoàn 3 Sao Vàng. Đoàn đã mang tư tưởng chỉ đạo mới của Bộ vào quán triệt: "Tư tưởng xây dựng sư đoàn mạnh. Tác chiến tập trung chính quy hiệp đồng binh chủng tiến công tiêu diệt từng trung đoàn, đánh quỵ sư đoàn quân chủ lực ngụy...". Đồng thời, các đồng chí giúp sư đoàn vận dụng sáng tạo những hình thức chiến thuật cấp trung đoàn, trung đoàn tăng cường về bao vây đánh lấn, vận dụng bao vây tiến công liên tục trong điều kiện mới. Tạo cho sư đoàn đủ sức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần quan trọng vào cuộc tiến công chiến lược năm 1972 và Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân 1975. Nổi bật là ba trận quyết chiến của sư đoàn: Đường 19, Phan Rang, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Giờ đây toàn dân ta được vui mừng sung sướng sống trong cảnh hòa bình, xây dựng hạnh phúc gia đình. Chúng tôi càng nhớ thương vô vàn những đồng chí đồng đội thân yêu của mình đã ngã xuống mảnh đất này để cho Tổ quốc nở hoa độc lập, kết trái tự do. Các anh vĩnh viễn ra đi nhưng hồn thương của các anh còn mãi ở cùng chúng ta, cùng non sông đất nước.

Chúng tôi nhớ lại ngày đoàn cán bộ, chiến sĩ của sư đoàn tổ chức đi thăm lại chiến trường chống Mỹ nhân kỷ niệm 30 năm ngày truyền thống sư đoàn (1965-1995). Đoàn đi từ Hà Nội vào Bình Định, ngược lên đường 19, ra Phan Rang - nơi sư đoàn bắt tướng ngụy đầu tiên, rồi xuôi về Bà Rịa - Vũng Tàu. Trên đường đi thăm, chúng tôi tìm được một số đồng đội đang sống ở quê hương với cảnh đời thường. Chúng tôi về các khu chiến trường năm xưa, vào thăm các nghĩa trang liệt sĩ, lần theo các mộ chí để tìm đồng đội, đồng chí của mình đã yên nghỉ ở nơi đây từ hơn hai mươi năm về trước. Đoàn tôi đến nghĩa trang Phan Rang, anh em đã tìm được đồng chí của đơn vị mình. Anh em trong đoàn không ai bảo ai cứ thế ôm bia khóc nức nở, khóc như vừa được chứng kiến sự ra đi của đồng chí anh em. Khóc mãi, khóc mãi...

Sau giờ phút gặp gỡ xúc động đó, chúng tôi về đài tưởng niệm một lần nữa chào các anh ở lại, rồi ghi vào sổ lưu niệm của ban quản trang mấy dòng về tình đồng đội sâu nặng, về công lao và sự hy sinh thật anh hùng và bất diệt của các anh.

Trận địa đổi thay, nghĩa trang còn đó
Lòng ngậm ngùi thương nhớ bạn đi xa
Xương, máu các anh trở thành hồn nước
Tưới thắm cho đời độc lập, tự do.


Cúi chào các anh, trong chúng tôi người nào cũng trầm ngâm, rời nghĩa trang mà thầm nhủ lời hứa của mình với linh hồn các anh rằng: Tuy tuổi chúng tôi đã cao, mỗi người ở những hoàn cảnh cuộc sống khác nhau. Song đều hứa với các anh mãi mãi xứng danh Bộ đội Cụ Hồ, suốt đời đi theo Đảng, góp phần nhỏ bé của mình vào công cuộc đổi mới của đất nước, cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #104 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2016, 08:30:17 pm »


V

Chiến dịch Hồ Chí Minh đã kết thúc (30 tháng 4 năm 1975) một thời kỳ chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta đầy gian khổ, hy sinh nhưng vô cùng anh hùng bất khuất. Chiến thắng lịch sử 30 tháng 4 mở ra một trang sử mới của dân tộc ta. Tổ quốc được thống nhất, cả nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, cơ quan Quân khu bộ Quân khu 5 từ căn cứ rừng núi tỉnh Quảng Nam chuyển về thành phố Đà Nẵng; nhưng sở chỉ huy tiền phương Quân khu 5 lại tạm biệt thành phố Đà Nẵng trở lại vùng rừng núi Tây Nguyên công tác. Nhiệm vụ chủ yếu của sở chỉ huy tiền phương Quân khu 5 là thay mặt Bộ Tư lệnh quân khu ở sở chỉ huy cơ bản chỉ huy các lực lượng vũ trang gồm lực lượng chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương phải kết hợp chặt chẽ cơ quan quân dân chính Đảng ở địa phương cùng nhau giải quyết vấn đề FULRO ở Tây Nguyên do địch cài lại, bọn này tiếp tục hoạt động, tìm mọi sơ hở để hoạt động chống phá cách mạng, phá cuộc sống hòa bình của nhân dân ta.

Nhiệm vụ mới của sở chỉ huy tiền phương Quân khu 5 rất quan trọng và vô cùng phức tạp, mà ban đầu chúng ta chưa lường hết được.

Sau chiến dịch Hồ Chí Minh Sư đoàn 3 Sao Vàng chuyển về vùng Diên Khánh, Nha Trang củng cố lại lực lượng chuẩn bị xây dựng sư đoàn trong điều kiện mới thì nhận được thông báo của quân khu "Bộ Tổng tham mưu điều Sư đoàn 3 - Quân khu 5 về đội hình Quân khu 1, tăng cường cho hướng phòng thủ phía bắc". Là phó tham mưu trưởng Sư 3 vào Nam chiến đấu đã lâu nay được ra miền Bắc với sư đoàn để gần nhà thì còn gì hơn nữa. Trong khi tôi đang mừng thầm thì có lệnh của Bộ Tư lệnh Quân khu 5, do Tư lệnh Quân khu Chu Huy Mân ký, điều thượng tá Trần Bá Khuê - Sư trưởng Sư 3 về làm tham mưu trưởng Quân khu 5, trung tá Vũ Ba (Quyết Tâm) - Phó tham mưu trưởng Sư 3 về làm phó tham mưu trưởng quân khu, phụ trách tác chiến, trước mắt là làm tham mưu tiền phương quân khu giải quyết vấn đề FULRO ở Tây Nguyên. Thế là nguyện vọng riêng của tôi bị gác lại để tập trung vào nhiệm vụ mới trong truy quét FULRO ở Tây Nguyên mà Đảng và quân đội giao phó.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #105 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2016, 08:30:55 pm »


Tây Nguyên là vùng cao nguyên, nhiều núi rừng rộng lớn bao la, chiếm tới hai phần ba đất đai Khu 5. Tây Nguyên rộng 67.000 kilômét vuông bao gồm các cao nguyên lớn: Cao nguyên Kon Tum, cao nguyên Gia Lai, cao nguyên Đắc Lắc, Lăng Bi Ăng và cao nguyên Di Linh. Dân cư ở đây thưa thớt, chủ yếu là người các dân tộc thiểu số, người Sê Đăng, người Gia Rai ở cao nguyên Kon Tum, người Ê Đê, người Mơ Nông ở cao nguyên Đắc Lắc, người Kơ Ho, người Mạ ở cao nguyên Lâm Đồng. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược là bọn thực dân Pháp xưa kia và cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ vừa qua. Các dân tộc Tây Nguyên đã đoàn kết cùng nhau đi theo lời kêu gọi của Đảng, của Bác Hồ. Họ chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, họ tìm mọi cách để diệt nhiều sinh lực địch, tịch thu, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của chúng. Lập nên những chiến công, kỳ tích, xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu như anh hùng Vai, anh hùng Núp... Và nhiều tấm gương anh hùng, liệt sĩ khác.

Tây Nguyên là một địa bàn quân sự có tầm chiến lược quan trọng đối với đất nước Việt Nam, là vùng gồm nhiều rừng núi mọc san sát trùng trùng điệp điệp. Có địa thế rất cao so với các vùng tiếp giáp Tây Nguyên sừng sững như một mái nhà rộng lớn. Tây Nguyên là trục nối liền với miền Bắc, giao tiếp với cao nguyên Nam Lào, với miền Đông Bắc Campuchia. Phía nam của cao nguyên trải dài thoai thoải xuống đồng bằng rộng lớn miền Đông Nam Bộ. Sườn đông của cao nguyên đổ xuống đồng bằng chạy dài ven biển nhỏ và hẹp.

Do địa thế hiểm trở vững chắc, Tây Nguyên có thế đứng vô cùng lợi hại, khống chế hầu như toàn bộ các vùng xung quanh, tạo ra một vị trí quan trọng trong chiến lược quân sự, không những đối với miền Nam nước ta mà cả phần phía nam Đông Dương.

Tuy trình độ kinh tế, xã hội, văn hóa dân tộc chưa được phát triển so với các vùng khác trên đất nước ta, nhưng Tây Nguyên là vùng đất căn cứ lâu dài, bền vững của cách mạng trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ngày nay trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, Tây Nguyên vẫn là một địa bàn chiến lược hết sức quan trọng về kinh tế, quốc phòng và an ninh của đất nước ta.

Hiểu rõ vị trí chiến lược của Tây Nguyên nên kẻ địch luôn coi trọng vùng đất này, tìm mọi cách giành giật địa bàn này; trong cuộc xâm lược nước ta lần thứ nhất, thực dân Pháp đã dốc sức cố gắng về mọi phương tiện chiến tranh và lực lượng quân tinh nhuệ nhằm kiểm soát vùng Tây Nguyên. Thực dân Pháp có mưu đồ phòng thủ Tây Nguyên để bảo vệ Đông Dương. Đến khi bọn thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai, quân Pháp cũng dốc sức đánh chiếm và bình định Tây Nguyên để giữ thế của chúng ở phía nam Đông Dương. Khi đế quốc Mỹ xâm lược nước ta, ngay từ những năm đầu chúng đã có âm mưu chiếm lĩnh vùng Tây Nguyên theo chiến lược chiến tranh xâm lược của chúng. Theo chúng muốn chiến thắng ở miền Nam Việt Nam thì phải: "Kiểm soát bằng được vùng cao nguyên trung phần có tính chất chiến lược này". Bởi vậy đế quốc Mỹ đã ra sức xây dựng Tây Nguyên thành một căn cứ chiến lược lớn để khống chế cả Đông Dương và vùng Đông Nam Á. Cuộc xâm lược nước ta của đế quốc Mỹ đã thất bại hoàn toàn nhưng bản chất xâm lược của chúng không thay đổi, trước giờ thất bại, đế quốc Mỹ đã cùng với ngụy quyền Sài Gòn đặt ra một kế hoạch gọi là "Kế hoạch hậu chiến". Theo kế hoạch này, chúng dựa vào đám tàn quân ngụy tổ chức xây dựng, cài cắm lại các đảng phái phản động ở miền Nam để chống phá lại cách mạng ta. Đặc biệt trên địa bàn Tây Nguyên chúng đã khẩn trương khôi phục và mở rộng lực lượng phản động FULRO để đánh phá căn cứ cách mạng ngày đầu miền Nam mới được giải phóng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #106 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2016, 08:31:31 pm »


Là một lực lượng cực kỳ phản động do Mỹ - ngụy tổ chức, nuôi dưỡng, trang bị, huấn luyện và hoạt động. Bọn chỉ huy lãnh đạo FULRO tuyên truyền, dân tộc Tây Nguyên sống khổ cực là do chế độ "Cộng sản". Chúng nói con đường duy nhất của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên là phải vùng lên đấu tranh với cộng sản, phải tham gia vào mặt trận FULRO đòi cho được thành lập nước Đêga tự trị. Chúng đưa ra những lời phù phiếm và đã lừa gạt một số đồng bào, bà con dân tộc ngộ nhận tham gia lực lượng FULRO.

Trong lực lượng FULRO, chúng tổ chức thành mặt trận. Chúng dựng lên một chính phủ lâm thời, lập ra đầy đủ các ban bệ của một nhà nước; có thủ tướng, các bộ trưởng quốc phòng, nội vụ, tài chính, có cả ủy ban thanh tra FULRO... do tên K Ba Kối, K Ba Hăm làm tổng chỉ huy.

Lực lượng vũ trang của chúng phát triển khá đông, có tới hàng vạn tên, chúng tổ chức thành trung đoàn, tiểu đoàn, đại đội... Trang bị vũ khí của chúng chủ yếu là súng bộ binh, chông thò, cạm bẫy. Khởi đầu chúng dựa vào các buôn bản. Chúng rào giậu tạo ra thế làng chiến đấu, bản chiến đấu, vũ trang công khai chống lại lực lượng quân đội ta, cán bộ ta. Bọn chúng đã khống chế, cưỡng ép, mua chuộc, tiêu diệt hoặc đánh bật lực lượng ta ở một số cơ sở để chiếm địa bàn. Chúng đã phục kích diệt xe của ta trên đường giao thông. Chúng tập kích đánh ta ở những nơi ta sơ hở như các cơ quan, các kho tàng... Địch gây nên tình hình vùng Tây Nguyên căng thẳng, làm cho cán bộ và nhân dân lo sợ. Nhiều nơi, cán bộ buôn, xã phải sơ tán lên huyện, lên tỉnh, hoặc lánh vào rừng. Bọn FULRO vừa tìm mọi thủ đoạn tiêu diệt lực lượng cán bộ cơ sở của ta, đồng thời đánh đòn tâm lý vào đồng bào dân tộc thiếu niềm tin vào Đảng, vào cách mạng.

Sau ngày giải phóng, nhân dân miền Nam rất phấn khởi, hồ hởi sống trong không khí hòa bình, toàn dân đang thi đua xây dựng cuộc sống mới thì ở Tây Nguyên không khí chiến tranh do bọn FULRO gây ra đã bao trùm lên khắp buôn làng, khắp núi rừng. Đồng bào Tây Nguyên ngày đêm phải đối mặt với kẻ thù. Máu của đồng bào dân tộc còn phải đổ.

Nhiệm vụ của Quân khu 5 là phải điều chỉnh lại thế trận, bố trí lực lượng, tập trung vào hướng trọng điểm là địa bàn Tây Nguyên để nhanh chóng dập tắt các ổ nhóm phản động FULRO có vũ trang, đưa lại hòa bình thực sự cho nhân dân các dân tộc Tây Nguyên.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #107 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2016, 08:32:13 pm »


Bộ Tư lệnh tiền phương Quân khu 5 làm nhiệm vụ truy quét bọn FULRO được thành lập gồm một phó tư lệnh Quân khu 5 phụ trách tư lệnh tiền phương. Một đồng chí phó tham mưu trưởng quân khu phụ trách tham mưu tiền phương; các bộ phận tham mưu, chính trị, hậu cần, các phó chủ nhiệm binh chủng trinh sát, thông tin, pháo binh, công binh phụ trách các chủ nhiệm binh chủng tiền phương, sở chỉ huy tiền phương quân khu đặt tại Buôn Ma Thuột. Để nhanh chóng đập tan lực lượng vũ trang công khai của FULRO, Bộ Tổng tham mưu tăng cường cho tiền phương Quân khu 5 Sư đoàn bộ binh 320b (một trung đoàn) bố trí ở Đắc Lắc. Một trung đoàn được bố trí ở vùng Đức Cơ tỉnh Gia Lai. Sư đoàn bộ binh 10 bố trí ở địa bàn Lâm Đồng. Bốn máy bay trực thăng UH1A chở quân cơ động, 12 máy bay trinh sát U17. Các lực lượng chủ lực trên phối hợp chặt chẽ với bộ đội địa phương, lực lượng dân quân du kích và nhân dân các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc, Lâm Đồng để giải quyết vấn đề FULRO ở Tây Nguyên.

Thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, một trung đoàn của Sư đoàn 320b đã đánh tan các ổ nhóm FULRO có vũ trang ở một số buôn làng trong khu vực Đức Cơ, Chư Pả và cùng lực lượng địa phương dập tắt cuộc bạo loạn của FULRO ở 11 buôn xung quanh huyện Azun Pa. Sư đoàn 320b thiếu một trung đoàn đã bao vây, tiến công, gọi hàng nhiều ổ FULRO có vũ trang ở nhiều buôn làng của các huyện thuộc tỉnh Đắc Lắc (Buôn Hồ, Đắc Min, Đắc Nông, Kờ Rông Bách). Bọn giặc FULRO nhiều nơi chống trả ta quyết liệt, nhưng đây chỉ là cú đòn trước khi giãy chết của loài thú, cắn lại chính dân tộc của mình. Quân dân ta phát huy tinh thần chiến đấu cao, đánh quyết liệt với bọn FULRO ở cụm buôn làng thuộc xã Xu Đăng bắc Buôn Ma Thuột kéo dài hai ngày ròng rã mới dứt chiến. Trong trận này ta thắng lợi lớn; đã tiêu diệt được một số tên chỉ huy đầu sỏ; bắt sống toàn bộ bọn FULRO. Ở Sư đoàn 10 chiến sĩ ta kết hợp với lực lượng vũ trang địa phương Lâm Đồng tiêu diệt được một số ổ FULRO trong buôn làng. Đại bộ phận địch đã chạy trốn thoát vào rừng.

Chúng ta dùng thế áp đảo, khí thế tiến công dũng mãnh và phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các lực lượng chủ lực và lực lượng địa phương nên chỉ trong một thời gian ngắn (3 tháng) cuối năm 1975, quân chủ lực của ta đã tiễu trừ, giải quyết cơ bản xong các ổ nhóm FULRO có vũ trang. Nhưng đấy mới chỉ là những đòn quân sự mạnh mới đập tan được các ổ FULRO công khai, đại đa số bọn FULRO còn lại lẩn trốn vào trong rừng, trong dân vẫn đẩy mạnh hoạt động chống phá cách mạng. Chúng vẫn phục kích tiến công vào các cơ quan, các doanh trại quân đội. Bọn địch còn bí mật đột nhập vào các buôn làng trong đêm tối để lừa bịp, phỉnh phờ, móc nối cơ sở. Bọn FULRO đã hăm dọa bắt dân bản phải tiếp tế lương thực, thuốc men cho chúng... Đây cũng là vấn đề mới được đặt ra cho cơ quan tiền phương của quân khu phải có những giải pháp hữu hiệu, chiến thuật sắc bén tổ chức chiến đấu làm sao có hiệu quả nhất, giành thắng lợi tốt nhất.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #108 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2016, 08:32:51 pm »


Qua trinh sát điều tra tình hình địch, qua nhiều nguồn tin, nhất là nguồn tin ở cơ sở bí mật người dân tộc thiểu số ở trong buôn làng, cơ quan tham mưu của tiền phương đã nắm được chiến thuật của bọn FULRO đã thay đổi từ sau khi lực lượng vũ trang công khai của chúng bị quân ta đánh tan tành, thì bọn FULRO hoạt động theo ba tuyến. Một tuyến, bám sát trong dân bản, để tuyên truyền dụ dỗ, lừa bịp vận động thành phần lạc đường chống đối lại ta chuẩn bị lương thực và các nhu yếu phẩm khác cho chúng. Một tuyến, ẩn náu trong rừng có vũ trang, có cơ hội thì phục kích, tập kích đánh quân ta, còn một tuyến làm trung gian giữ mối liên hệ lực lượng trong dân bản và lực lượng thất trận ẩn náu trong rừng. Nhóm này có nhiệm vụ móc nối các cơ sở của chúng để lấy lương thực, thuốc men, vũ khí, tiếp tế cho bọn FULRO ở trong rừng.

Chúng ta đã sử dụng đại bộ phận các lực lượng chiến đấu chủ yếu là dân quân du kích. Bộ đội và cán bộ người địa phương được tổ chức thành từng tiểu đội từ 10 đến 15 người, xuống bám trụ ở hầu hết các buôn làng làm công tác phát động phong trào quần chúng tiễu trừ bọn FULRO (sau này chuyển thành các đội vũ trang công tác). Lực lượng bộ đội chủ lực còn lại của Sư đoàn 320b và Sư đoàn 10 trinh sát quân khu, công an vũ trang có nhiệm vụ truy quét bọn FULRO ở ngoài rừng với các tuyến ven làng, ven thị xã, thị trấn. Đồng thời hỗ trợ cho các lực lượng công tác của ta trong các dân bản.

Chiến thuật hoạt động truy quét địch của ta đã hạn chế một phần bọn FULRO, nhưng chưa xóa sạch được lực lượng này một cách cơ bản. Chúng ta đã phát hiện ra âm mưu đầy nham hiểm và táo tợn của địch: Bọn FULRO đã cài cắm người của chúng vào tổ chức của ta, tạo ra một chính quyền hai mang ở cơ sở hoạt động mang tính hợp pháp, tráo trở. Ban ngày loại người này hoạt động cho ta. Nhưng ban đêm lại tiếp tế gạo, thực phẩm, đạn dược và bổ sung người cho bọn FULRO ở trong rừng để chúng duy trì lực lượng. Chúng tổ chức một số trận tập kích, phục kích gây cho chúng ta một số thiệt hại là trận tập kích vào công trường Ea Cao, trận phục kích ở Buôn Hồ, Đức Trọng.

Trắng trợn hơn, hung bạo hơn là trận tập kích ban ngày vào thị xã Buôn Ma Thuột, chúng đã bắn chết một số cán bộ và nhân dân ta ngay bên cạnh nhà khách của Tỉnh ủy Đắc Lắc.

Vào giữa năm 1976, Thượng tướng Hoàng Văn Thái - Phó Tổng tham mưu trưởng vào kiểm tra tình hình Tây Nguyên. Đồng chí Thượng tướng đã hoan nghênh một số địa phương đã tổ chức các đội vũ trang công tác xuống các buôn làng, phát động phong trào quần chúng xây dựng cơ sở, truy quét bọn FULRO. Thượng tướng cho việc làm này là một phương thức hoạt động tốt, cần được phát triển sâu rộng khắp trên địa bàn Tây Nguyên. Cũng trong thời điểm này quân khu ủy và các tỉnh ủy đã có nghị quyết về công tác phát động đồng bào các dân tộc cùng lực lượng vũ trang địa phương tiêu diệt bọn đầu sỏ FULRO.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #109 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2016, 08:33:34 pm »


Để thực hiện chủ trương, nhiệm vụ phát động đồng bào các dân tộc cùng phối hợp với lực lượng của quân ta giải quyết cơ bản vấn đề FULRO. Các đồng chí cán bộ tiền phương quân khu đã cùng với cán bộ Cục Dân quân tự vệ đã phân công xuống các tỉnh công tác, giúp các tỉnh tổ chức các đội vũ trang công tác, đồng thời tiến hành tập huấn bồi dưỡng cho anh chị em về công tác phát động quần chúng dân tộc xây dựng, củng cố cơ sở. Vận động quần chúng nhân dân tích cực tăng gia sản xuất và truy quét bọn FULRO.

Với phương thức này, đến cuối năm 1976, chúng ta đã xóa được một số tổ chức chính quyền hai mang ở một số buôn làng. Còn số người dân bị địch lừa gạt chạy vào rừng theo bọn FULRO để chống phá lại chúng ta cũng ngày một giảm dần. Lực lượng FULRO về xuất thú, đầu hàng chính quyền ta ngày càng nhiều. Những trận phục kích và tập kích đánh trả lại ta cũng ngày một giảm.

Cuối năm 1976, đồng chí Lê Duẩn - Tổng Bí thư đã thăm Tây Nguyên. Trong chuyến thăm Tây Nguyên lần này, đồng chí Tổng Bí thư nói nhiều về phương thức xây dựng căn cứ chiến lược ở Tây Nguyên. Đề cập đến viêc giải quyết vấn đề FULRO; đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh: Muốn giải quyết căn bản vấn đề FULRO trước hết phải giác ngộ chính trị cho đồng bào các dân tộc, làm cho đồng bào phân biệt rõ cách mạng và phản động. Các đồng chí cán bộ lãnh đạo các cấp phải hết sức chăm lo phát triển sản xuất của đồng bào dân tộc, từng bước cải thiện đời sống của đồng bào các dân tộc. Gắn việc giải quyết vấn đề FULRO với công cuộc xây dựng căn cứ chiến lược Tây Nguyên.

Sau cuộc đi thăm Tây Nguyên của đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn về tình hình phong trào Tây Nguyên trong đó có phong trào nhân dân truy quét bọn FULRO có bước phát triển mạnh mẽ.

Tiếp sau đó, đồng chí Phạm Hùng - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng đã thay mặt Chính phủ trực tiếp triệu tập hội nghị với các đồng chí lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên, Bộ Tư lệnh Quân khu 5, đại diện các bộ, ngành để sơ kết công tác truy quét FULRO trong thời gian từ tháng 5 năm 1975 đến tháng 11 năm 1976 và bàn phương hướng cơ bản, toàn diện giải quyết vấn đề Fulrô. Trong hội nghị này, đồng chí Phạm Hùng thay mặt Chính phủ tặng bốn triệu mét vải cho đồng bào dân tộc nghèo ở Tây Nguyên.

Do thực hiện thắng lợi những nội dung cơ bản toàn diện về giải quyết vấn đề FULRO nên từ cuối năm 1976 trở đi, phong trào phát động quần chúng, xây dựng cơ sở truy quét FULRO đã đi vào chiều sâu đạt chất lượng và kết quả đáng khích lệ.

Các đội công tác đã bám trụ được trong các buôn, làng phát động được quần chúng nhân dân phát hiện và bóc gỡ bọn FULRO đã bám vào dân.

Ta xây dựng được cơ sở, đào tạo được lực lượng cốt cán của làng, xã, tạo điều kiện cho họ làm chủ buôn làng của mình.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM