Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 05:15:25 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Khát vọng đồng bằng  (Đọc 34089 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #10 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2016, 02:22:35 pm »


Với sức trẻ "trai mười bảy bẻ gãy sừng trâu", tôi hăng hái làm việc và còn muốn làm việc nhiều hơn nữa, giúp "ích quốc lợi dân". Nắm bắt được xu hướng và nguyện vọng phấn đấu của tôi nên các đồng chí cán bộ xã thường xuyên quan tâm, động viên và giúp đỡ tôi về nhiều mặt. Một hôm, anh Vũ Hạ và anh Nguyễn Ro là hai đảng viên được kết nạp vào Đảng Cộng sản sớm nhất ở thôn đã đến nhà tôi chơi và rủ tôi ra ngoài ngồi nói chuyện. Chúng tôi ngồi trên nền nhà mà chính nơi đây bà nội, chú thím, cô và mấy đứa em tôi đã chết vì đói, tâm trí tôi hiện về rõ mồn một những cảnh đau thương hãi hùng đó. Nét mặt của ba anh em cùng dịu xuống, trầm tư, hình như không ai bảo ai nhưng chúng tôi đều có suy tư về một thời tang tóc đã qua với mỗi con người. Cuộc nói chuyện của chúng tôi kéo dài tới hai giờ. Các anh ấy nói: "Tại mảnh đất này, em đã chứng kiến sự đau khổ của gia đình, của xóm làng và quê hương, chứng kiến nạn chết đói tháng ba năm Ất Dậu. Em có biết nguyên nhân từ đâu không, do kẻ nào gây nên?". Rồi các anh cùng giải thích cho tôi biết rằng chính vì bọn thực dân Pháp, bọn phát xít Nhật cấu kết với bọn địa chủ cường hào áp bức bóc lột, vơ vét của cải của nhân dân ta nên gây ra cho cuộc sống của nhân dân phải lầm than cơ cực. Do vậy, chúng ta phải làm cách mạng để đánh đổ chúng. Cách mạng của ta là cuộc cách mạng vô sản do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Lãnh tụ của Đảng là đồng chí "Nguyễn Ái Quốc" tức Chủ tịch Hồ Chí Minh. Làm cách mạng thì phải chịu đựng gian khổ, bền bỉ đấu tranh, nếu sa vào tay giặc có thể bị bỏ tù, bị xử trảm (chém đầu)... Cuộc cách mạng đã thành công. Nhưng cuộc kháng chiến chống Pháp mới chỉ là bắt đầu. Chúng ta phải chiến đấu đến cùng chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ cho thực dân Pháp một lần nữa. Các anh thấy tôi là người có học, đã chứng kiến thực tế khổ đau, muốn tôi cùng các anh tham gia làm cách mạng để trả thù nhà đền nợ nước nhưng các anh lại sợ tôi là con trai một của gia đình nên không biết tôi có chịu đựng gian khổ được không, có dám làm cách mạng không. Tôi ngồi nghe các anh nói mà hai hàng nước mắt tuôn chảy ròng ròng, cổ họng như nghẹn lại, tôi nghẹn ngào chỉ nói được mấy câu: "Em chịu được, các anh đừng lo. Em muốn làm cách mạng để trả mối thù năm Ất Dậu (1945). Em xin hứa với các anh sẽ sống bên Đảng trung thành". Vậy là ước mơ và khát vọng làm cách mạng của tôi được sự giúp đỡ của các anh đã trở thành hiện thực. Tôi tự hứa sẽ quyết tâm, thật bền bỉ, đạp bằng mọi khó khăn gian khổ để giành chiến thắng, thực hiện ước mơ cao đẹp và khát vọng lý tưởng của mình.

Vài tuần sau, tôi, đồng chí Lâm (tức Bang) và nữ đồng chí Sáng được các anh triệu tập đến nhà cụ Mầu (nhà anh Ha) để tham dự một cuộc họp kín. Cuộc họp chỉ vẻn vẹn có ba chúng tôi, anh Ro và anh Hạ, không có trang hoàng cờ, ảnh Bác, khẩu hiệu. Anh Ro là người khai mạc cuộc họp và tuyên bố: "Đây là cuộc họp đặc biệt, thay mặt toàn thể, tôi tuyên bố kết nạp đồng chí Bá, đồng chí Lâm, đồng chí Sáng vào tổ Việt Minh bí mật để làm nhiệm vụ đặc biệt cho cách mạng. Theo nguyên tắc, phải tuyệt đối bí mật, ngăn cách không cho người nào biết. Nhiệm vụ của các đồng chí là phải làm thật tốt công việc công khai của mình mà hội kín đã phân công. Đồng chí Bá phụ trách thanh niên, đồng chí Lâm phụ trách du kích, đồng chí Sáng phụ trách phụ nữ. Ngoài ra, các đồng chí còn phải làm nhiệm vụ đột xuất khác mà đoàn thể phân công chỉ thị: đồng chí Bá làm tổ trưởng Việt Minh bí mật dưới quyền phụ trách của đồng chí Vũ Hạ". Cuộc họp kết thúc, các anh còn giao cho mỗi chúng tôi đi chuyển tin mật theo các hướng, tôi đi theo hướng Diên Viên, Thụy Anh. Sau đó, cách một vài tuần, tôi phải đi trong đêm để chuyển thư mật, đi một mình và phải trở về nhà trước khi trời rạng sáng. Công việc vẫn diễn ra đều đều như vậy, mãi sau này chúng tôi mới được biết tổ Việt Minh bí mật là tổ dự bị để thử thách tinh thần công tác, ý thức trách nhiệm về công việc được cấp trên phân công của chúng tôi. Nếu thấy các đồng chí nào đủ điều kiện mới được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #11 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2016, 02:23:25 pm »


Hơn một năm thử thách, giáo dục và bồi dưỡng (từ tháng 6 năm 1947 đến tháng 8 năm 1948), ngày 20 tháng 8 năm 1948, tôi được triệu tập đến nhà cụ Mầu. Lần triệu tập này khác với lần được kết nạp vào tổ Việt Minh bí mật. Tôi đi từ nhà ngoài vào trong buồng, một quang cảnh trang hoàng lộng lẫy và trang nghiêm hiện ra trước mắt tôi. Tôi sững sờ trong giây phút và từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Khẩu hiệu "Tổ quốc là trên hết" được trang trọng treo lên hàng đầu phía trên. Hai bên là hai lá cờ Quốc kỳ và Đảng kỳ, dưới cờ là ba vị lãnh tụ: Các Mác, Lênin và Hồ Chí Minh. Cuối cùng là dòng chữ: "Lễ kết nạp đảng viên mới". Tâm trạng tôi cứ thay đổi đột ngột, cảm xúc đan xen và trộn lẫn trong tôi khiến tôi hồi hộp, xao xuyến. Ánh đèn măng sông sáng rực căn phòng, soi rõ từng chi tiết, từng bàn ghế và khuôn mặt các vị đại biểu. Sau khi làm lễ chào Quốc kỳ, Đảng kỳ, anh Bẩm tuyên bố lý do và giới thiệu đại biểu có mặt trong cuộc họp: Anh Chiểu - đại biểu huyện ủy, anh Ca - bí thư chi bộ. Tiếp theo đồng chí Ro và đồng chí Hạ phát biểu ý kiến, giới thiệu và đảm bảo cho tôi vào Đảng. Các anh đọc nhiệm vụ đảng viên trong Điều lệ Đảng. Sau đó, đại biểu cấp trên căn dặn. Anh Chiểu nói giọng rất trang nghiêm và trịnh trọng: "Thay mặt Đảng bộ huyện kết nạp đồng chí Vũ Văn Bá vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Đặt cho đồng chí tên mới là Quyết Tâm. Từ giờ phút này, đồng chí Quyết Tâm là người của tổ chức Đảng, phải hy sinh vì lợi ích của Đảng, của nhân dân và giữ nghiêm kỷ luật của Đảng". Trước những lời tâm huyết, tin tưởng của các anh thay mặt cho tổ chức lãnh đạo Đảng, tôi xúc động nghẹn ngào: "Xin thề suốt đời phấn đấu hy sinh cho Đảng, dù cho đầu rơi máu chảy tôi quyết không lùi bước, không sờn lòng, nản chí, xin thề!".

Từ hôm đó, tôi được mang một tên mới: Quyết Tâm. Lý do đăt tên này thật đơn giản. Đó là hôm chi bộ xét kết nạp tôi vào Đảng. Chi bộ phân tích: Nhà đồng chí Bá hiếm hoi, ông bà thân sinh chỉ có hai người con là một trai, một gái. Đồng chí Bá là con đầu nên có thể có trở ngại trong đấu tranh gian khổ hy sinh, phải đặt cho đồng chí ấy cái tên "Quyết Tâm" để luôn nhắc nhở đồng chí ấy phấn đấu. Biết được tin này, tôi vô cùng cảm ơn chi bộ đã nhìn xa trông rộng, có biện pháp giáo dục tôi rất sâu sắc và sinh động. Chính cái tên Quyết Tâm ấy đã là động lực thúc đẩy tôi vượt qua bao thử thách khó khăn trên bước đường công tác để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng giao phó. Với tôi, sau này, cái tên Quyết Tâm ấy lại là lá chắn, là bức bình phong che mắt bọn cú vọ đang truy lùng và tìm diệt người đứng đầu một đội du kích mà địch cho là trùm du kích nằm vùng có tên là Vũ Văn Bá.

Theo Điều lệ của Đảng, thành phần bần nông, sau sáu tháng là đảng viên dự bị nếu xét thấy tinh thần phấn đấu tốt thì người đảng viên dự bị đó được tổ chức công bố là đảng viên chính thức. Bản thân tôi đã nêu cao tinh thần phấn đấu trong mọi mặt công tác hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng giao phó nên tôi được chi bộ xét quyết định là đảng viên chính thức trước hai tháng. Đúng ngày 22 tháng 12 năm 1948, tôi trở thành đảng viên chính thức của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau đó, tôi được bổ sung vào cấp ủy. Chi ủy phân công tôi phụ trách tài chính của chi bộ và được cử làm chính trị viên thôn đội, rồi chính trị viên xã đội đồng thời được cử đi dự Hội nghị kinh tài của tỉnh Hải Dương ở căn cứ Bến Tắm, Chí Linh. Đó là niềm vinh dự lớn song cũng là công tác mới, thử thách mới đối với tôi. Từ quê tôi đến Bến Tắm (Chí Linh) phải đi một đoạn đường dài trên một trăm cây số, phải vượt qua một số huyện nằm trong vùng chiếm đóng, đó là huyện Tứ Kỳ, Thanh Hà, Nam Sách và phía nam huyện Chí Linh, phải vượt qua nhiều con sông lớn: sông Luộc, sông Kinh Thầy. Nguy hiểm hơn là phải vượt qua đường sắt, đường số 5 mà bọn giặc xây dựng nhiều đồn bốt, lực lượng của địch bố phòng dày đặc, chúng kiểm soát cực kỳ gắt gao. Theo kế hoạch của các đồng chí giao liên, sáng ngày 25 tháng 1 năm 1949, tôi và đồng chí Đạt thường vụ huyện ủy, đồng chí Ngạch kinh tài của xã Chấn Dương đi đến trạm giao liên của huyện ở thôn Linh Đông xã Tiền Phong. Đi đến gần thôn Đan Điền xã Dũng Tiến nằm bên bờ sông Luộc, chúng tôi dừng nghỉ chút thời gian ngắn ngủi để ăn cơm. Cơm nước xong đồng chí giao liên dẫn chúng tôi ra bờ sông Luộc để vượt sông sang bờ bên kia. Nhưng đêm nay không thấy các đồng chí giao liên tỉnh đến đón như thường lệ nên các đồng chí giao liên chưa dám dẫn chúng tôi bơi qua sông. Trong lúc anh em đang bàn bạc, chờ đợi thì ở bờ sông bên kia có ba chị cán bộ dìu nhau vượt sông sang cho biết tình hình bên Tứ Kỳ bình thường. Đồng chí giao liên quyết định dẫn chúng tôi vượt sông. Chúng tôi lấy vải ni lông trải ra gói quần áo chặt lại làm thành phao bơi. Đến giữa dòng sông nước chảy mạnh, mỗi người bơi theo một ngả. Sang đến bờ sông đất An Thổ, đoàn chúng tôi chỉ còn có ba người. Đồng chí Ngạch bị dòng nước ác nghiệt cuốn trôi mất. Chúng tôi tìm kiếm mãi không thấy. Sau này, tôi được biết đồng chí Ngạch bị trôi về gần đò Quý Cao và đã được nhân dân tận tình cứu chữa. Còn chúng tôi được một đồng chí giao liên dẫn vào thôn An Thổ nghỉ một ngày một đêm chờ các đồng chí giao liên tỉnh đến đón. Tối hôm sau chúng tôi đến huyện Thanh Hà nhưng không vượt qua được đường 5 bởi địch phục kích, tuần tra rất ráo riết. Chúng tôi lại phải nằm chờ đến đêm thứ ba đoàn tôi mới vượt qua được đường 5 đến trạm giao liên ở Nam Sách, ở đây, địch cũng càn quét đánh phá ác liệt, chúng tôi phải trụ lại chờ sau hai ngày đêm địch rút, lại đi tiếp và đến được căn cứ Bến Tắm an toàn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #12 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2016, 02:24:11 pm »


Ở Hội nghị kinh tài của tỉnh, chúng tôi được nghe tỉnh ủy phổ biến tình hình nhiệm vụ và học tập bản dự thảo điều lệ hợp tác xã nông nghiệp. Căn cứ vào tình hình cách mạng trong cả nước đang chuẩn bị chuyển mạnh sang giai đoạn tổng phản công, chủ trương của Tỉnh ủy Hải Dương chỉ đạo chọn mỗi huyện một xã khá về phong trào nông dân đổi công cho nhau trong lao động sản xuất nông nghiệp... xây dựng thành một hợp tác xã nông nghiệp. Từ đó nhân rộng ra toàn huyện, toàn tỉnh khi quân dân ta giành thắng lợi. Chúng tôi tiếp thu nghị quyết trong sự hào hứng, phấn khởi và ai cũng mong sẽ về triển khai thực hiện tốt ở địa phương mình.

Tại địa phương, mặc dù từ ngày toàn quốc kháng chiến diễn ra đến nay được khá lâu, nhưng vẫn chưa có một bóng dáng quân địch nào lui tới. Do vậy, nhân dân quê tôi càng có thêm thời gian chuẩn bị mọi mặt từ vật chất đến tinh thần cho kháng chiến.

Ngay từ đầu năm 1946 đến năm 1947, lúc đó tôi còn là bí thư chi đoàn, chính trị viên thôn, tôi đã cùng Ban chấp hành thanh niên, Ban chỉ huy thôn đã phối hợp với các đoàn thể khác vận động quần chúng nhân dân ủng hộ hàng vạn cây tre, cây cau. Xã huy động hàng trăm dân quân du kích và các đồng chí nam nữ thanh niên vận chuyển chúng ra bờ đê sông Thái Bình, cùng với nhân dân các thôn phía nam huyện Vĩnh Bảo đóng xuống lòng sông. Trên sông Hoá và sông Đô Hàn, từng đoạn sông ta lại cắm cọc tre thành kè ngang lòng sông nhằm mục đích ngăn chặn tàu, thuyền, ca nô của địch, hạn chế sức cơ động bằng đường thủy của chúng. Ngoài ra, Huyện đội Vĩnh Bảo phát động một kế hoạch tổng phá hoại, phá hết các ngôi nhà xây kiên cố, rộng rãi ở thị trấn Đông Tạ, một số nhà nằm dọc ven đường 10 và đường 17. Với khẩu hiệu "Phá hoại là kháng chiến, một nhát cuốc là một viên đạn bắn vào đầu quân thù", các lực lượng dân quân du kích, dân công trong toàn huyện đã phá nát hai con đường huyết mạch trong toàn huyện chỉ bằng các dụng cụ thô sơ như búa tạ, cuốc, mai, thuổng... nhằm ngăn chặn địch cơ động bằng xe cơ giới để hành quân, vận chuyển vũ khí, phương tiện chiến tranh.

Con đường 10 kéo dài từ cầu Nghìn qua Đông Tạ tới đò Quý Cao. Con đường 17 kéo dài từ đò Chanh ven theo sông Chanh Dương ra biển dài chừng hai mươi kilômét. Chẳng bao lâu, hai cung đường này đã bị làm thành ruộng sâu, lầy lội, có đoạn đào thành hào chữ chi. Song với việc phá đường, quân dân ta còn đắp các ụ đất lớn trên đê sông Thái Bình, sông Hoá. Trong các ụ này có chỗ ta đắp bằng rơm nhào với bùn, nếu khi quân địch đến gần ta gài mìn, chúng đến phá ụ là mìn nổ, bọn địch sẽ bị tiêu diệt. Kết quả của đợt tổng phá hoại, đắp ụ, làm kè lòng sông mà Huyện ủy, Ủy ban kháng chiến hành chính Vĩnh Bảo phát động thu được kết quả to lớn. Bon thực dân Pháp gặp nhiều khó khăn, bỏ ra nhiều công sức khắc phục hàng năm mới có thể cơ động được, làm hạn chế đến các cuộc hành quân càn quét của chúng. Qua đó, nhân dân ta càng tin tưởng vào sự đánh thắng quân thù nếu tất cả các lực lượng quân dân đoàn kết một lòng, kết thành một khối thép rắn chắc, thống nhất, vững chãi, mặc cho chúng có vũ khí tối tân hiện đại đến thế nào đi chăng nữa.

Đến cuối năm 1949, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn mới, giai đoạn gay go ác liệt. Lúc này tôi được phân công làm phó bí thư chi bộ, chính trị viên xã đội. Để chuẩn bị chiến đấu lâu dài trên địa bàn xã, tôi bàn bạc cùng chi ủy phải xây dựng củng cố chi bộ đảng thật vững mạnh, cần phải coi đây là cốt lõi, là hạt nhân lãnh đạo phong trào kháng chiến của xã. Chi bộ có mạnh thì phong trào kháng chiến của xã mới thắng lợi, thành công. Trên cơ sở lực lượng đảng viên của hai xã Thanh Am và Vạn Hội sáp nhập lại, chi bộ tiếp tục củng cố và phát triển. Trong hai năm 1948 và 1949, chi bộ đảng thực hiện khẩu hiệu: Thi đua phát triển, phấn đấu làm cho Đảng trở thành Đảng của quần chúng. Ban đầu do phát triển Đảng còn ồ ạt khó tránh khỏi việc lựa chọn có sai sót, nhưng phát triển gắn liền với củng cố, sinh hoạt nền nếp, hoạt động tích cực, lãnh đạo có hiệu quả. Bởi vậy mà chi bộ đảng xã tôi đã được Tỉnh ủy Hải Dương công nhận là chi bộ kiểu mẫu, được tặng một quyển sổ vàng danh dự.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #13 vào lúc: 16 Tháng Ba, 2016, 06:39:17 am »


Đi đôi với xây dựng củng cố chi bộ đảng, chúng tôi ra sức tuyên truyền vận động mở rộng mặt trận Việt Minh phát triển các đoàn thể chính trị của quần chúng làm cho các tổ chức chính trị trở thành mặt trận đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết lương - giáo hướng vào nhiệm vụ chuẩn bị cho cuộc kháng chiến. Ở hai thôn Hội Am và Vạn Hoạch có đồng bào theo đạo Thiên Chúa, chi ủy giao nhiệm vụ cho ban chỉ huy xã đội chúng tôi xây dựng cơ sở chính trị và du kích bí mật để luồn vào hàng ngũ địch khi bị địch đóng bốt trên địa phương hai thôn. Đây là một chủ trương sáng tạo và chủ động có lợi cho ta trong chỉ đạo đấu tranh ở vùng địch kiểm soát sau này.

Trên cương vị là phó bí thư chi bộ, chính trị viên xã đội, tôi đã kề vai sát cánh với anh chị em trong ban chỉ huy xã đội, nhất là đối với đồng chí Vũ Bá Ngọc - Bí thư chi bộ, xã đội trưởng. Chúng tôi làm tham mưu giúp chi ủy, Ủy ban kháng chiến hành chính phối hợp với các ngành, đoàn thể xã, ra sức xây dựng lực lượng và thế trận chiến đấu của xã. Với tinh thần phấn đấu vượt mọi khó khăn, sau hai năm xã Cao Minh đã có lực lượng dân quân du kích tương đối vững mạnh. Ban chỉ huy xã đội được kiện toàn, trong đó có năm đồng chí: một xã đội trưởng, một chính trị viên, hai xã đội phó là nam và một đồng chí xã đội phó là nữ. Có một tổ liên lạc kiêm quân báo gồm mười đồng chí. Một đội văn nghệ không chuyên gồm mười lăm đồng chí là lực lượng dân quân và du kích, các đồng chí này biết ca hát, đàn nhạc, biết sáng tác tự biên tự diễn nhằm cổ vũ động viên khích lệ tinh thần kháng chiến của quần chúng nhân dân. Một trung đội du kích thoát ly của xã có ba mươi hai đồng chí. Một đại đội dân quân du kích của thôn (mỗi đại đội có một trung đội du kích hai trung đội dân quân). Riêng thôn Đông Lại dân số ít nên tổ chức một trung đội du kích hỗn hợp. Tổng quân số lên tới 500 người bằng mười phần trăm dân số trong xã.

Khó khăn lớn nhất của chúng tôi lúc bấy giờ là việc trang bị vũ khí cho dân quân du kích. Nếu không có vũ khí thì chúng ta không thể đánh thắng giặc được dù chỉ là vũ khí thô sơ tự tạo. Với lòng căm thù giặc sâu sắc, ý chí quyết tâm đánh giặc, chúng tôi đã không chịu bó tay mà nảy ra nhiều sáng kiến, mưu mẹo tìm ra vũ khí trang bị cho dân quân du kích đánh giặc. Tôi luôn động viên khích lệ và giáo dục cho dân quân du kích chuẩn bị tốt tinh thần ý chí quả cảm, về mưu trí sáng tạo trong chiến đấu, biến không thành có. Khi quân địch đến, chúng ta phải cướp lấy súng địch cũng là một cách trang bị vũ khí rất tốt cho mình. Nếu địch chưa đến ta phải tự rèn vũ khí các loại: giáo, mác, dao găm, mã tấu... Vận động nhân dân thu gom sắt, thép, gang, đồng đổi cho xưởng công binh Hải - Kiên đế lấy mìn rưa, mìn muỗi, bộc phá, thủ pháo... Chúng tôi đã vận động quần chúng nhân dân ủng hộ kháng chiến bằng tiền, vàng gửi người thân tín đang sống trong vùng địch hậu mua được bốn khẩu súng mút-cơ-tông; vận động nhân dân mua công trái, lập "hũ gạo nuôi quân", mỗi gia đình mỗi bữa để dành một nắm gạo. Số gạo tuy ít nhưng tấm lòng của nhân dân thật lớn lao, sâu nặng. Vận động chị em phụ nữ khi xây dựng gia đình bỏ việc thách cưới bằng tiền vàng mà thay cho việc thách cưới bằng mìn, lựu đạn, được chị em trong xã nhiệt tình hưởng ứng. Ngoài ra, chúng tôi còn vận động các thôn ủng hộ ruộng công điền để dân quân du kích tự sản xuất tự nuôi dưỡng; vận động nhân dân đỡ đầu, nuôi dưỡng cán bộ, chiến sĩ khi về chiến đấu tại địa phương. Mỗi gia đình có thêm niềm vui, niềm tự hào khi được thêm một người con.

Đi đôi với chỉ đạo xây dựng lực lượng vũ trang địa phương đầu năm 1948, Huyện ủy, Huyện đội Vĩnh Bảo tổ chức hội nghị "Xây dựng làng kháng chiến". Đại biểu là các đồng chí bí thư chi bộ, chính trị viên xã đội, xã đội trưởng, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính các xã trong toàn huyện tới dự. Trong hội nghị chúng tôi được quán triệt "Xây dựng làng kháng chiến" là nhiệm vụ khẩn trương, cấp bách của toàn Đảng, toàn dân. Chúng ta có làng kháng chiến vững mạnh mới có thế trận chiến tranh du kích vững mạnh và rộng khắp. Phương châm xây dựng là vững chắc, có lực lượng mạnh, có công sự chiến đấu và phòng tránh tốt. Nhưng cách thức xây dựng như thế nào thì cả huyện và xã chúng tôi đều chưa có kinh nghiệm thực tế.

Do đó, cuối năm 1948, Bộ Tổng tham mưu cử đoàn phái viên về Liên khu 3, đoàn đã trực tiếp xuống cơ sở giúp đỡ xã Cao Minh. Trước tiên, đoàn phổ biến cho xã về kinh nghiệm xây dựng làng chiến đấu, xã chiến đấu của tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Thừa Thiên và một số tỉnh Nam Bộ. Đoàn nhấn mạnh về xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, chuẩn bị tinh thần quyết tâm chiến đấu cho nhân dân là quyết định nhất. Đoàn giúp xã phương án xây dựng công trình công sự vững chắc, bí mật hiểm hóc. Sau đó, đoàn cùng cán bộ lãnh đạo xã đi nghiên cứu thực địa từng thôn để xác định địa điểm xây dựng cách bố trí công trình, công sự cho sát, phù hợp. Được sự giúp đỡ của đoàn Bộ Tổng tham mưu, chi ủy và xã đội Cao Minh lấy thôn Tây Am, thôn Liễu Điện làm hai làng chiến đấu trong thế liên hoàn của xã, riêng thôn Vạn Hoạch thì tình hình chính trị phức tạp không xây dựng được làng chiến đấu nên chủ yếu ở làng này là tổ chức cơ sở và lực lượng ngầm bí mật để đấu tranh đánh địch. Với các thôn Tây Am, Liễu Điện, Đông Lại phải thay đổi việc bố phòng, tăng cường đào hầm bí mật, xây dựng hàng rào từng nhà, từng xóm tạo ra thế hiểm hóc.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #14 vào lúc: 16 Tháng Ba, 2016, 06:40:23 am »


Tiếp theo đó, chúng tôi họp hội nghị dân quân chính Đảng toàn xã để triển khai thực hiện. Chi ủy giao cho Ủy ban mặt trận các đoàn thể xuống từng nhà vận động nhân dân trong xã ủng hộ các bụi tre. Xã đội phối hợp với đoàn thanh niên phân công các đại đội dân quân du kích đến từng nhà đào các bụi tre hoá mang về trồng xung quanh hai làng Tây Am và Liễu Điện làm cổng ra vào, đào hào và các công sự xung quanh. Các tổ đảng của hai thôn vận động nhân dân làm rào trong phạm vi xóm mình tạo ra các đường bí mật để các đồng chí cán bộ và dân quân du kích cơ động luồn lách, đồng thời vận động một số gia đình đào hầm bí mật để các đồng chí cán bộ và dân quân du kích ở đề phòng khi địa bàn bị địch chiếm đóng. Với sự nhất trí đồng tâm hợp sức của nhân dân, sau ba tháng, hai làng kháng chiến đã được hình thành. Đây là làng kháng chiến được chú trọng xây dựng cả về lực lượng và công trình công sự có nội dung và hình thức phù hợp với chiến tranh du kích. "Khi địch càn quét tới, chúng ta bám làng chiến đấu với chiến lược lấy ít địch nhiều, lấy yếu đánh mạnh". Không hào sâu, luỹ cao công khai lộ liễu mà lại mang tính chất hiểm hóc, vững chắc. Cách xây dựng làng chiến đấu theo kiểu này đã tạo cho xã Cao Minh một thế trận chiến tranh nhân dân phù hợp với từng địa thế của từng xóm làng. Sau này, làng kháng chiến xã Cao Minh được xác nhận là làng kháng chiến kiểu mẫu ở vùng địch hậu đồng bằng Bắc Bộ và đã được Bộ Tổng tham mưu lấy làm kiêu mẫu để cho cán bộ miền Bắc tham gia diễn tập rút kinh nghiệm.

Cũng trong thời gian này, nhân thời cơ Huyện đội Vĩnh Bảo mở lớp tập huấn cho cán bộ xã đội, trung đội và đại đội của huyện tại xã Cao Minh. Tôi bàn với đồng chí xã đội trưởng xin cho tất cả cán bộ thôn đội, xã đội, trung đội và đại đội dân quân du kích xã Cao Minh được tham dự học tập. Sau lớp tập huấn, chúng tôi lại tiếp tục rèn cán, chỉnh quân cho dân quân du kích xã, thôn. Với cương vị là chính trị viên phụ trách giảng dạy cho các anh chị em dân quân du kích về nội dung cuốn sách nói về trường kỳ kháng chiến do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo. Đây là lần thứ ba học tập tài liệu này nhưng chúng tôi vẫn thấy còn nhiều điểm mới mẻ, chưa thể hiểu hết được. Lần này tôi đi sâu vào phân tích phương châm: Toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh của kháng chiến. Và lấy thực tế trong nước, ngoài nước để chứng minh cho tính phi nghĩa, tàn bạo của cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp gây ra với đồng bào Tổ quốc ta. Đồng thời phân tích lý giải cho mọi người thấy được tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta. Bởi vậy, chúng ta càng đánh càng trưởng thành càng thắng lớn, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác; địch càng đánh càng thất bại và sa lầy. Đường lối kháng chiến của ta đã khẳng định sự thắng lợi hoàn toàn của quân dân ta là tất yếu, nó củng cố lòng tin vững chắc vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng. Đồng chí Vũ Bá Ngọc - Xã đội trưởng và một số cán bộ, bộ đội tỉnh đóng ở xã đã huấn luyện cho dân quân du kích về chiến kỹ thuật, chủ yếu là nắm kỹ thuật cơ bản: bắn súng ném lựu đạn, bộc phá, công sự, vũ khí thô sơ cá nhân và tổ chiến đấu, đánh một số mục tiêu và vận động trên chiến trường... Những kỹ thuật, chiến thuật cơ bản được huấn luyện đã rất bổ ích cho dân quân du kích trong chiến đấu. Kết thúc cuộc học tập rèn cán, chỉnh quân lần thứ ba, huyện đội tổ chức cắm trại hội thao cho các đội du kích thoát ly xã, du kích chiến đấu thôn trong toàn huyện và bộ đội địa phương huyện ở Gò Cao thôn Tráng, xã An Hòa thi các môn: chính trị (bài kháng chiến trường kỳ), kỹ thuật, chiến thuật và chiến đấu phân đội nhỏ, chông mìn, cạm bẫy và võ thuật. Du kích xã Cao Minh đoạt giải nhất và được Ủy ban kháng chiến hành chính huyện tặng cờ thi đua xuất sắc.

Sau một thời gian dài chuẩn bị kháng chiến, quê hương tôi đã thực sự chuẩn bị đầy đủ tinh thần lẫn vật chất để bước vào cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, tự lực tự cường, trường kỳ khó khăn, gian khổ và ác liệt. Tất cả đều ráo riết chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #15 vào lúc: 16 Tháng Ba, 2016, 06:41:39 am »


Chiến dịch biên giới của ta giành thắng lợi, thực dân Pháp lâm vào tình thế bị động đối phó, chúng rút bỏ một số vị trí biên giới phía Bắc, tập trung cơ động mở các cuộc tấn công đánh chiếm vùng đồng bằng Bắc Bộ nhằm thực hiện kế hoạch "Rơve". Ngày 28 tháng 12 năm 1949 quân Pháp mở cuộc hành quân lớn "Điabôlô". Chúng đánh chiếm phía nam tỉnh Hưng Yên và phía nam tỉnh Hải Dương. Địch cho một bộ phận tiến sang chiếm đóng vị trí Cung Chác, xã Trung Lập, huyện Vĩnh Bảo. Chúng dùng ca nô, tàu chiến tuần tiễu liên tục trên sông Luộc và sông Thái Bình với âm mưu tiến công đánh chiếm huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo nhằm làm bàn đạp tiến đánh tỉnh Thái Bình. Đầu tháng 1 năm 1950, quân Pháp tiến công đánh chiếm huyện Tiên Lãng tỉnh Kiến An. Ngày 20 tháng 2 năm 1950, quân Pháp huy động một lực lượng lớn mở cuộc hành quân "Tônnô" đánh chiếm huyện Vĩnh Bảo để tạo ra vành đai bảo vệ khu vực hậu phương của chúng ở Hải Phòng. Chúng tiến công đánh chiếm Vĩnh Bảo bằng ba mũi, một mũi chúng tiến từ đò Quý Cao theo đường 10 về huyện lỵ. Một mũi từ đò Đàng qua xã Tam Đa đánh thẳng vào huyện lỵ và một mũi đánh thốc từ cầu Nghìn về huyện. Sau mười ngày tiến công liên tiếp, chúng đã đánh chiếm xong huyện lỵ Vĩnh Bảo (Đông Tạ), địch cho một bộ phận đánh xuống Khu 1, chiếm đóng Nam Am. Địch tiến hành nhiều cuộc càn quét ra khắp địa bàn trên huyện, triển khai đóng một loạt đồn bốt ở những nơi quan trọng. Chúng đóng một vị trí ngay bên cầu Nghìn án ngữ tuyến đường Thái Bình, Vĩnh Bảo, bốt Mai Sơn, bốt Đông Tạ, bốt Thiết Tranh, bốt Đòng, bốt Nam Am.

Chúng đánh phá quyết liệt bằng vũ trang quân sự kết hợp với lừa phỉnh dụ dỗ, cưỡng ép nhân dân lập làng tề. Nơi nào nổ súng, mìn chống đối, chúng thi hành chính sách "Tam quang" đốt sạch cửa nhà, phá sạch làng xóm, càng chống trả chúng càng ra sức tàn phá. Xây dựng xong đồn bốt, Pháp tiến hành càn quét vơ vét của cải của nhân dân, săn lùng bắt, chém giết cán bộ, bộ đội du kích, khủng bố nhân dân, hãm hiếp phụ nữ, tàn sát dân lành vô tội. Bọn Việt gian phản động cấu kết với bọn thực dân Pháp chống phá cách mạng, phản bội dân tộc, Tổ quốc và quê hương mình. Lúc này, về phía ta, tuy có sự chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến nhưng vẫn bị động lúng túng đối phó, lực lượng vũ trang chiến đấu còn rời rạc, nhiều người sợ hãi chạy trốn, nằm im, hoặc một số xuất hiện tư tưởng cầu an. Cán bộ, bộ đội, dân quân du kích và nhân dân sống vô cùng cực khổ, gặp nhiều khó khăn khốn đốn.

Tại Khu 1 phía nam huyện Vĩnh Bảo, sau khi địch chiếm đóng Nam Am, Chợ Đông, quân đội viễn chinh Pháp tiến hành càn quét khắp các xã. Toàn khu hầu như không dám nổ súng đánh địch, chỉ riêng dân quân du kích thôn Thượng Trung, Đông Nha xã Liên Am cho nổ ba quả mìn, gây cho địch một số thiệt hại đáng kể, một số tên địch bị mất mạng. Để trả thù, quân Pháp đã vô cùng hèn hạ, chúng đốt phá triệt hạ cả làng, chém giết cả cụ gia, trẻ em, phụ nữ. Chúng dùng thủ đoạn xảo quyệt "chỉ đánh Việt Minh, không đánh Việt Nam". Nơi nào có ý đồ đánh Pháp, Pháp sẽ triệt phá như làng Thượng Trung, Đông Nha. Điều đó gây hoang mang cho nhân dân. Nhân dân trong khu có tư tưởng lo sợ, cầu an, không cho dân quân du kích đánh địch. Nhưng riêng xã Cao Minh, địch chưa dám đánh vào vì cho rằng đây là nơi có phong trào du kích mạnh mẽ. Mặc dù vậy, nhân dân và dân quân du kích vẫn chuẩn bị tinh thần chiến đấu nếu có địch vào sẽ sẵn sàng tiêu diệt.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #16 vào lúc: 16 Tháng Ba, 2016, 06:42:30 am »


Trong khi bọn địch còn thăm dò, chuẩn bị tấn công thì bọn phản động trong xã đã cấu kết với chúng, báo tin của ta cho bọn thực dân Pháp. Chúng kích động các cụ bô lão ở thôn Liễu Điện và thôn Hội Am ép xã đội phải đưa một số mìn, lựu đạn nộp cho giặc. Tôi và đồng chí Vũ Bá Ngọc - xã đội trưởng thống nhất chủ trương kiên quyết vận động các cụ bô lão phản đối việc làm đó. Đồng thời lập đủ hồ sơ đề nghị với cấp trên cho bắt ngay hai tên phản động (một ở thôn Liễu Điện, một ở thôn Hội Am) để trừ hậu họa.

Đề nghị đó được thường vụ huyện ủy hoàn toàn nhất trí, giao nhiệm vụ cho đội Việt Hùng địa phương phối hợp với dân quân du kích bắt ngay hai tên phản động đi "thủ tiêu" và lần lượt bắt tiếp tám tên phản động nữa làm cho địch mất hết bọn tay chân, tai mắt.

Đứng trước tình hình nghiêm trọng, chi ủy xã Cao Minh trực tiếp xin ý kiến chỉ đạo của thường vụ huyện ủy, chi ủy, đề nghị lực lượng du kích bám sát địch, đánh địch xa làng, chủ yếu đánh phục kích, bất ngờ diệt địch ở cổng đồn Nam Am, ở Đòng và ở đường 17. Diệt những tên Việt gian đầu sỏ, cho một bộ phận cán bộ hành chính xã sơ tán sang Thái Bình, một số đồng chí vào hoạt động bí mật, bám dân đánh địch. Đồng thời chuẩn bị đưa đảng viên tốt, quần chúng tốt ra nắm ban tề, bảo an, nhất là bảo an Hội Am. Đề nghị trên hoàn toàn hợp lý, kịp thời với sự chuyển hướng đấu tranh của lực lượng ta, nhạy bén trước tình hình tấn công khủng bố của địch nên đã được sự nhất trí cao của các đồng chí thường vụ huyện ủy. Các đồng chí còn nhắc nhở chúng tôi phải tổ chức cơ sở mật đưa cán bộ, đảng viên về bám dân bám đất.

Thực hiện chủ trương trên, một mặt chúng tôi tổ chức cho đội du kích thoát ly xã liên tục phục kích đánh địch ở bốt Nam Am, cổng bốt Đòng. Có đêm ta giật nổ bốn, năm quả mìn hay có đêm mười quả mìn nổ ngay cổng bốt đã tiêu diệt hàng chục tên địch, bị thương khá nhiều, khiến cho địch hoang mang, dè chừng. Mặt khác, chúng tôi tranh thủ gặp gỡ số cán bộ đảng viên, du kích còn đang bám trụ tại các thôn, động viên ổn định tư tưởng cho mọi người, đồng thời lên kế hoạch cho một số nhân dân và du kích tản cư lần lượt trở về làng xã sống hợp pháp để sản xuất và chiến đấu. Ba thôn Liễu Điện, Tây Am và Đông Lại phấn đấu lập tề với mô hình tề hai mặt theo hình thức "xanh vỏ đỏ lòng", trong ta ngoài địch. Riêng thôn Hội Am phải nắm cho được chức xã ủy tức lý trưởng tề nên chúng tôi chọn bốn đồng chí du kích đảng viên là đồng chí Nhiễu, đồng chí Thủy, đồng chí Cảnh và đồng chí Viễn đưa vào đội bảo an thôn. Đặc biệt, địch đã phản động hoá được một số dân ta ở thôn công giáo Vạn Hoạch nên ta phải tìm cách tổ chức cơ sở mật nắm tình hình, xác định cho được những tên đầu sỏ gian ác để tiêu diệt, chặn ngay hành động hung ác của chúng lại. Với lợi thế có ba gia đình công giáo ở trại Đồng - Liễu Điện và chợ Cao Minh, chúng tôi đã xây dựng được ba cơ sở của ta để phục vụ cho hoạt động kháng chiến sau này.

Trong những ngày quân Pháp đánh chiếm, phá các làng xã của ta, chúng chỉ đi qua xã Cao Minh rồi đánh sang xã Thụy Anh tỉnh Thái Bình. Nhưng đêm ngày 10 tháng 2 năm 1952, Pháp cho một tiểu đội bí mật tập kích vào thôn Liễu Điện, trong đó chúng tập kích vào nhà đồng chí Ngọc - xã đội trưởng và những khu vực du kích xã thường tập trung. Tôi và đồng chí Ngọc rất may đã không ở nhà và được báo tin nên chúng tôi ẩn nấp an toàn dưới một hầm bí mật ở cơ sở khác. Đêm hôm đó, chúng bắt được ba du kích xã và một thôn trưởng Liễu Điện đưa về bốt Nam Am tra tấn hòng khai thác cơ sở hoạt động của ta nhưng không có kết quả, chúng đã thả ba đồng chí còn một đồng chí chúng bắt đi tù dài hạn. Mờ sáng hôm sau, địch lại dùng một trung đội, bất ngờ bao vây tiến vào thôn Đông Lại. Chúng điên cuồng lùng sục khắp nơi. Ở chùa Đông Lại, chúng tìm được một lá cờ đỏ sao vàng và một số tài liệu, có cả danh sách các đồng chí đảng viên trong chi bộ xã.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #17 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2016, 07:49:43 am »


Ngày 15 tháng 2 năm 1950, địch cho một đại đội tiến công càn quét vào thôn Hội Am, thôn Vạn Hoạch. Địch rút lui, đồng chí phó chủ tịch xã (ông Hoàng Mai) sang thôn Vạn Hoạch để nắm tình hình. Bọn phản động đội lốt Thiên Chúa Giáo ở đây bắt ông, chúng giải ông lên bốt nộp cho bọn thực dân Pháp. Tình hình trong xã gặp rất nhiều khó khăn, mỗi ngày lại tăng lên gấp bội, một số đảng viên hoang mang dao động, lo sợ, không muốn hoạt động nữa mà theo gia đình đi tản cư.

Tháng 4 năm 1950, địch cho một đại đội liên hiệp Pháp vế đóng bốt tại Hội Am do tên Ba Phay quan ba Pháp chỉ huy. Đây là một tên thực dân vô cùng khát máu, mỗi ngày đi càn quét nó phải bắn chết vài người dân vô tội. Quân địch ở hai đồn bốt Hội Am và bốt Đòng phối hợp với nhau đánh phá phong trào cách mạng của ta ở xã Cao Minh rất ác liệt. Chúng bắt các làng phải thành lập ban tề. Đội lính bảo an làng Vạn Hoạch, làng Hội Am được bọn chúng trang bị vũ khí đầy đủ.

Trước tình hình cực kỳ khó khăn phức tạp, Thường vụ huyện Vĩnh Bảo chỉ thị cho chi ủy các xã phải khẩn trương chấn chỉnh tổ chức đảng, các đoàn thể kháng chiến đẩy mạnh phong trào phòng gian bảo mật, bảo toàn lực lượng của ta, chuẩn bị đấu tranh đánh địch sắp tới.

Để thực hiện chỉ thị của huyện ủy, chi ủy xã Cao Minh đã rà soát lại đội ngũ đảng viên, du kích, loại bỏ thành phần có tư tưởng, hoang mang, dao động, sợ gian khổ hy sinh. Bổ sung những người có tinh thần dũng cảm kiên cường, những đồng chí có phẩm chất quyết hy sinh cho cách mạng, cho Tổ quốc vào đội ngũ lãnh đạo, vào Đảng, vào du kích. Trong vòng ba tháng, cuộc càn "Tônnô" kết hợp đánh phá và bình định của địch đã cơ bản triển khai xong thế bố trí chiếm đóng kiểm soát được nhân dân, ổn định tình hình. Trên địa bàn xã Cao Minh, địch lập năm ban tề ở năm thôn: Liễu Điện, Tây Am, Đông Lại, Hội Am, Vạn Hoạch; đóng bốt ở Chùa Tam, Hội Am, Vạn Hoạch, Hội Thương. Chúng bắt đầu từng bước thực hiện chế độ thống trị: kìm kẹp nhân dân; bắt nhân dân ta nộp thuế đinh, thuế điền, bắt thanh niên đi lính, bắt nhân dân ta đi phu xây dựng đồn bốt cho chúng...

Về phía ta, tình hình cũng đã đi vào thế ổn định. Một số đồng chí cán bộ, đảng viên, du kích và một số nòng cốt đã sống hợp pháp, bám hầm bí mật, bám dân, số còn lại sống cùng với dân. Địch lập năm ban tề, ta đưa đảng viên và quần chúng tốt tham gia nắm được bốn ban. Những ban tề này về hình thức bên ngoài là của địch, song nội dung hoạt động là của ta, cho ta. Riêng ban tề thôn Vạn Hoạch, địch nắm hoàn toàn. Có năm đội bảo an thì các đội bảo an Liễu Điện, Tây Am, Đông Lại có người của ta tham gia. Hội Am có 35 lính bảo an thì 4 người là cơ sở của ta gài vào. Với lực lượng này từ tháng 5 năm 1950 trở đi, ta liên tục đánh địch và đấu tranh chống địch và cũng từ đây, chiến tranh du kích ngày một phát triển, thực hiện đúng chủ trương của Liên khu ủy: Phải giành lại kho người, vựa lúa của ta ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Phát động chiến tranh du kích và đưa cán bộ về bám đất bám dân. Chỉ thị còn nêu rõ: "Ở đâu cũng phải về, cấp nào cũng phải về, ai không về thì kỷ luật".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #18 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2016, 07:50:42 am »


Qua hơn năm tháng dựa vào cơ sở công giáo mật của ta ở thôn Vạn Hoạch, ta đã nắm được tội ác và quy luật hoạt động hàng ngày của tên phó tổng phản động ở đây, y công khai tuyên truyền chia rẽ tình đoàn kết giữa lương và giáo, hô hào nhân dân chống Việt Minh, chống cộng sản. Được sự nhất trí của huyện, xã đội Cao Minh dùng một tiểu đội du kích và hai đồng chí đội Việt Hùng phối hợp phục kích ở đường tây thôn, đoạn xóm Tây Sơn (Tây Am). 8 giờ sáng ngày 27 tháng 7 năm 1950, tên phó tổng phản động cùng tên lính bảo an đi bảo vệ đã lọt vào ổ phục kích của ta. Quân ta nổ súng tiêu diệt tên phản động này, bắn què tên lính, thu một súng trường. Trận đánh phục kích tuy nhỏ nhưng là trận đánh ban ngày, ngay cạnh đồn bốt của giặc đóng dày đặc nên đã làm cho bọn địch và bọn phản động trong vùng hoang mang, lo sợ. Nhân dân ta vô cùng phấn khởi. Tiếng súng kháng chiến của ta lại bắt đầu nổ, dấy lên niềm tin của quần chúng nhân dân vào lực lượng cách mạng của ta.

Tên bảo vệ bị thương chạy thoát về Vạn Hoạch. Để trả thù cho đồng bọn, chúng kích động bọn phản động thôn Vạn Hoạch mang gậy, giáo mác kéo lên đánh phá thôn Tây Am ngay sau đó. Chúng đốt nhà ở xóm Tây Sơn cháy trụi, chính vì thế xóm này mới có tên là xóm Cháy. Chúng truy lùng trong làng Tây Am để bắt du kích và thanh niên trả thù cho đồng bọn bởi chúng cho rằng du kích và thanh niên Tây Am đã giết tên phó tổng thôn Vạn Hoạch. Chúng lùng sục khắp làng Tây Am nhưng chúng không bắt được một du kích hay thanh niên nào, chúng bèn bắt súc vật, vơ vét của cải của nhân dân mang về Vạn Hoạch. Nhân dân trong làng Tây Am chạy sang thôn Liễu Điện, tụ tập đoàn kết nhau lại và đề nghị với xã cho đánh trả bọn phản động Vạn Hoạch. Tình hình có vẻ căng thẳng, tôi cùng đồng chí Ngọc bàn với chi ủy và ủy ban xã không thể để xảy ra xô xát giữa nhân dân trong hai thôn Tây Am và Vạn Hoạch. Nếu việc đó xảy ra sẽ chia rẽ khối đoàn kết lương giáo, địch sẽ dựa vào đó khoét sâu thêm mối hận thù kéo dài, khó lòng xoá bỏ được. Do vậy, chúng tôi kiên quyết chỉ đạo các tổ đảng ở Tây Am lãnh đạo nhân dân phải nín nhịn lúc này là cần thiết không thể để xảy ra xung đột: "nồi da nấu thịt", "huynh đệ tương tàn". Đồng thời, chúng tôi tổ chức một số cụ già kéo lên bốt Đòng kích động bọn lính bốt nhằm ngăn chặn bọn phản động Vạn Hoạch với âm mưu "lấy độc trị độc". Về phía nhân dân làng Tây Am, sau khi nghe chúng tôi giải thích, thuyết phục hợp lý hợp tình đã chịu đựng một cách im lặng, tránh không để xảy ra xô xát, không mắc mưu chia rẽ của địch. Về phía bọn phản động, sau khi bị một số các cụ già lên bốt Đòng kích động rằng: "Tây Am là đất thuộc quyền kiểm soát của quan bốt Đòng mà nay người Vạn Hoạch lên tàn phá Tây Am. Họ coi các quan không ra gì...", liền phái một tiểu đội mang súng máy, trung liên ra phục ở xóm Cháy, Tây Am. Khi bọn phản động dẫn nhân dân Vạn Hoạch đến gần đầu làng, bọn địch bốt Đòng đã dùng hai trung liên bắn chéo cánh sẻ nhằm uy hiếp buộc bọn phản động Vạn Hoạch bỏ chạy, không phá làng Tây Am nữa. Sự việc tưởng đến đây sẽ kết thúc, nhưng bọn phản động vẫn ngoan cố tìm cách trả thù khác. Chúng bắt nhân dân đóng cổng ba làng: Vạn Hoạch, Đông Lại và Tây Am, không cho nhân dân ở ba thôn này ra đồng sản xuất nên các đồng lúa của ba thôn khô nẻ. Cuộc đấu tranh chính trị, kinh tế đã xảy ra ở ba thôn này phức tạp và quyết liệt, thậm chí mang cả tính chất sống còn của nhân dân. Tôi, đồng chí Ngọc bàn bạc với các đồng chí tổ trưởng đảng ở hai thôn Đông Lại và Tây Am kiên trì vận động các cụ già xuống gặp gỡ các cụ thôn Vạn Hoạch tìm cách tháo gỡ khó khăn, kiên trì thuyết phục nhân dân, gây ra sự ly gián giữa dân với bọn phản động, giải thích cho họ hiểu rằng "kháng chiến đánh Tây, khi bị thua Tây về nước, còn nhân dân ba thôn Vạn Hoạch, Đông Lại, Tây Am thì vẫn mãi chung ruộng, chung cổng với nhau đời đời. Nếu lấp cổng ba làng thì nhân dân cả ba làng đều chết chứ không riêng dân làng Tây Am. Hành động này không thể chấp nhận được, không thể để một số người làm trái với quy ước của ba làng từ đời xa xưa, coi thường các cụ già trong làng...". Các cụ già thôn Vạn Hoạch thấy có lý đã đồng tình gây sức ép với bọn phản động để cho nhân dân ra mở lại cổng ba làng. Cuộc đấu tranh tưởng vô vàn khó khăn đã giành thắng lợi suôn sẻ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #19 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2016, 07:51:17 am »


Sau khi ta giết tên phó tổng phản động, địch bị khuyết chân phó tổng Đông Am. Tôi và đồng chí Ngọc thống nhất xin ý kiến thường vụ huyện ủy cho xã Cao Minh được cử người ra tranh cử. Được sự nhất trí của huyện ủy, chúng tôi vận động cụ Phạm Ngọc Kình ra tranh cử chức phó tổng, vận động các xã bỏ phiếu cho cụ Kình (tức cụ Lư) - nguyên là lý trưởng, cụ Lư đắc cử. Về giúp việc cho cụ Lư và để giữ mối liên lạc giữa chúng tôi với cụ, chúng tôi đã đưa hai đảng viên là đồng chí Đạm và đồng chí Kim ở thôn Liễu Điện và đồng chí Huân ở thôn Hội Am vào làm thư ký và lính tổng. Theo kế hoạch của xã chỉ đạo và thấy có đủ điều kiện lấy súng của lính tổng Đông Am, chúng tôi tiến hành cuộc tập kích theo một kế hoạch đặc biệt. Một hôm, nhân cơ hội nhà cụ Lư có giỗ, ta bày kế cho cụ Lư về ăn giỗ và cho đi kèm bốn tên lính có trang bị súng để bảo vệ đưa lính tổng về. Đêm ngày 28 tháng 9 năm 1950, nhân lúc bọn lính sơ hở, một tổ du kích và bốn đồng chí đội Việt Hùng đã lọt vào bắt tên Thái ác ôn, thu bốn súng trường. Cuộc chiến đấu diễn ra nhanh chóng và thành công tốt đẹp nhưng để chống địch khủng bố, tôi bàn kế hoạch với cụ Lư, cho cụ Lư về bốt Nam Am kêu cứu. Sau trận đánh chưa đầy ba mươi phút, lính bốt Đòng đã kéo đến vây chặt làng Liễu Điện. Xã ủy thôn Liễu Điện nói với bọn chúng rằng: "Việt Minh về đông lắm, đánh lính tổng dũng và kéo đi. Bảo an thôn không đủ sức chống trả". Bọn chúng không tìm được dấu vết gì để khủng bố dân chúng hay bắt bớ tra khảo, tình hình trong thôn lại trở về yên ổn, cơ sở Liễu Điện được bảo toàn.

Để phát huy thắng lợi, chi ủy đề nghị với huyện ủy cho đánh bọn bảo an thôn Hội Am. Lúc này, trong đội bảo an của đồn có 35 tên lính thì đã có 4 đồng chí lọt vào (gồm ba đồng chí đảng viên và một đồng chí du kích). Chúng trang bị 15 súng trường và đóng cùng với một trung đội lính liên hợp Pháp ở đình Hội Am do tên quan một Pháp chỉ huy. Chúng luân phiên canh gác giữa lính bảo an và lính Pháp.

Từ thực tế đó, chúng tôi sẽ lợi dụng giờ gác của đồng chí cơ sở ta. Các đồng chí đó sẽ mở cổng đưa bộ đội vào đồn diệt cả hai trung đội địch rồi thu toàn bộ vũ khí. Kế sách này quá táo bạo, không chắc thắng và khó bảo toàn lực lượng của ta. Thường vụ Huyện ủy Vĩnh Bảo không nhất trí. Huyện ủy yêu cầu chi ủy phải lãnh đạo phát động nhân dân đấu tranh, tách bảo an đóng riêng để ta đánh bảo an, thu vũ khí.   '

Sau hai tháng nhân dân đấu tranh đòi lại đình làng Hội Am, để nhân dân cúng tế, bọn lính Pháp phải rút về chùa Hội Am, trung đội lính bảo an rút về đóng ở nhà cụ Cựu Tục. Lực lượng của địch đã bị tách làm hai. Thời cơ đã đến, chúng tôi báo cáo lên thường vụ huyện ủy được các anh hoàn toàn nhất trí ngay. 12 giờ đêm ngày 30 tháng 11 năm 1950, ta tổ chức trận đánh lực lượng chiến đấu gồm: một tiểu đội du kích xã Cao Minh và hai bộ đội huyện. Đến giờ gác của các đồng chí là nội ứng, các đồng chí mở cổng gác, đưa hai đồng chí bộ đội vào giết tên chánh bảo an phản động. Sau đó hô hoán to "Việt Minh đánh lấy súng". Cả trung đội bảo an hoảng sợ, chạy tán loạn mỗi người một ngả. Quân Pháp ở đồn Hội Am đến chi viện thì quân ta đã rút lui an toàn. Kết quả, ta thu được 15 súng trường, diệt một tên ác ôn. Đây là trận đánh bằng nhân mối nội ứng đầu tiên của du kích Kiến An giành thắng lợi trọn vẹn, được ban chỉ huy huyện đội đánh giá cao. Trận đánh thắng lợi góp phần đẩy mạnh phong trào chiến tranh du kích trong vùng sau lưng địch.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM