Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 04:23:49 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Napoleon Bonaparte  (Đọc 94085 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #330 vào lúc: 29 Tháng Tám, 2016, 11:02:18 pm »


Năm 1814, chiến đấu ở vùng lân cận Pa-ri, không phải Na-pô-lê-ông chỉ thiếu 30 vạn lính tinh nhuệ, trong đó một số đã phơi xương trên các bãi chiến trường từ năm 1808 và số còn lại cũng đã cùng chung một số phận ở Tây Ban Nha, không phải ông ta chỉ thiếu những đoàn quân người Pháp đang bận tiếp tục chiếm đóng một vài thành phố của Đức và một vài vùng của nước Ý; mà Na-pô-lê-ông còn thiếu Mát-xê-na, viên tướng bị sức cùng lực kiệt vì cuộc chiến chinh dài đằng đẵng và vô hiệu ở Tây Ban Nha, thiếu Đa-vu đang bị vây hãm ở Hăm-bua thiếu Muy-ra vì Muy-ra đã không rời bỏ xứ Na-plơ để đến với ông ta. Những binh sĩ ưu tú của ông ta, những tướng lĩnh xuất sắc đã từng vào sinh ra tử của ông ta, ông ta ném họ đi khắp bốn phương trên đế quốc mênh mông của ông ta, và đến khi lâm nguy thì số đông trong bọn họ đã chẳng ở bên ông ta. Không phải chỉ vì điều đó nhưng điều đó cũng là một trong những nguyên nhân của cuộc thất bại cuối cùng của ông ta vào năm 1815.

Nhưng nếu như Na-pô-lê-ông còn có đủ các tướng lĩnh ấy ở bên cạnh ông ta và nếu như đại quân đã không bị chia sẻ làm đôi - một thì chiến đấu và diệt vong ở Tây Ban Nha - trong một khoảng thời gian nghiệt ngã thì ông ta vẫn tự thấy mình mãi mãi là người chủ tuyệt đối và vững như đá của châu Âu.

Việc lựa chọn những người thực hiện ưu tú đã góp phần vào thắng lợi của chiến thuật mới về hành binh bao vây tung thâm quân địch; và Giô-mi-ni đã xây dựng chiến thuật ấy thành lý luận trên cơ sở nghiên cứu các cuộc chiến tranh của Na-pô-lê-ông là người đã chứng minh rằng bao vây đối phương chỉ có nghĩa trong hai trường hợp: thứ nhất là khi tiến vào hậu phương của quân địch và cắt đứt các tuyến đường giao thông và thứ hai là khi cuộc hành binh đó dẫn đến một trận đánh, trong đó có những trung đội bao vây tham chiến.

Phôn Bu-lốp, một nhà lý luận khác vào thời Na-pô-lê-ông, cho rằng chỉ cần uy hiếp các đường giao thông là đủ. Nhưng, dựa vào nghệ thuật quân sự của Na-pô-lê-ông, Giô-mi-ni đã nhấn mạnh rằng trận đánh là kết cục cần thiết của một cuộc hành binh bao vây thành công và phù hợp với ý đồ của nhà chiến lược. Na-pô-lê-ông cho rằng người tướng mở một cuộc hành binh bao vây sẽ có nguy cơ bị đối phương hành binh phản lại và tiến công nếu không hành động khẩn trương. Những thống chế được Na-pô-lê-ông đào tạo tiến hành những cuộc hành binh ấy với một mức độ chuẩn xác và khẩn trương đôi khi lý tưởng và hầu như bao giờ cũng thu được kết quả mỹ mãn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #331 vào lúc: 29 Tháng Tám, 2016, 11:02:54 pm »


Nếu kẻ địch cùng với quân chủ lực của họ trong pháo đài hoặc trong công sự thì Na-pô-lê-ông bao vây lại và đánh vào. Khi đã bị buộc phải dùng đến biện pháp cực đoan ấy thì, nếu thắng lợi, Na-pô-lê-ông đã tỏ ra rất quyết liệt. Năm 1806, Bluy-khe cố chống cự trong các đường phố thành Lu-bếch nên khi quân Pháp thắng lợi, vả lại họ vốn sẵn trung thành với truyền thống cũ, đã tàn phá tan hoang thành phố và tàn sát vô vàn nhân dân. Trong những cuộc chiến tranh của Na-pô-lê-ông có đầy dẫy những thí dụ tàn bạo như vậy. Tháng 7 năm 1799, khi một đội quân Phổ gồm 1 vạn 2 nghìn người, được trang bị đầy đủ, đổ bộ lên Ai Cập và ẩn trong pháo đài A-bu-kia, sau còn 3 nghìn quân nữa hội sư ở đó, thì Na-pô-lê-ông đã thấy một trở ngại đáng sợ trên con đường của ông: vậy là cuộc chinh phục Ai Cập vừa hoàn thành đã bị lâm nguy. Quân Phổ bằng đường biển. Bởi vậy, Na-pô-lê-ông đã hạ quyết tâm đánh chiếm pháo đài với bất cứ giá nào, bằng một cuộc tiến công chính diện. Ngày 25 tháng 7 năm 1799, vào hồi 2 giờ sáng, Na-pô-lê-ông nổi lệnh tiến công. Lan-nơ và Muy-ra là những người đầu tiên đột nhập pháo đài, ngay sau đó là quân chủ lực xung kích. Toàn thể quân đội Phổ đã bị chém giết và tàn sát tại chỗ. “Trận đánh ấy là một trong những trận đánh đẹp nhất mà tôi được thấy. Tất cả đạo quân bị vây ấy không thoát được một ai”, hai ngày sau chiến công đó, Na-pô-lê-ông đã viết như vậy Tuy nhiên, những trận công kích chính diện không phải chỉ làm cho đối phương bị thiệt hại nặng, mà cả quân Pháp nữa, nên Na-pô-lê-ông chỉ dùng đến khi không còn cách nào khác.

Tuy Na-pô-lê-ông đánh giá rất cao tinh thần dũng cảm cá nhân, tính linh hoạt và biệt tài chiến đấu của một số cá nhân nào đó, nhưng ông ta tin rằng những kỵ binh tác chiến với đội hình phân tán thì dũng cảm đến như quân Ma-mơ-lúc hay quân Cô-dắc cũng không thể đương đầu được với những khối quân hàng ngũ chặt chẽ của một quân đội châu Âu có kỷ luật, và cứ cho rằng trong những trận đánh nhỏ lẻ, ưu thế cá nhân của họ có thể thật sự giúp cho họ thắng lợi và họ đã thật sự mạnh hơn, nhưng rốt cuộc, các khối lớn sẽ quyết định hết thảy - Na-pô-lê-ông không ngừng nhắc lại chân lý ấy. Nghệ thuật của người tổng tư lệnh trước hết là biết tập trung, trang bị và huấn luyện nhanh chóng những tiểu đoàn lớn mạnh để thành lập những khối quân lớn; thứ hai là làm thế nào để khi đánh đòn quyết định thì tất cả những đơn vị ấy đều đã ở vị trí đã định; thứ ba là khi đã khai chiến thì, nếu cần thiết để chiến thắng, phải biết hy sinh những tiểu đoàn lớn mạnh ấy; thứ tư là, khi đã tập trung được khối lớn ấy rồi thì không bao giờ được lẩn tránh hoặc trì hoãn giao chiến, mà phải tìm cách giao chiến sớm nhất, miễn là có cơ hội thắng lợi; thứ năm là, đây là điểm khó nhất, tìm thấy được trong trận thế của quân địch cái điểm để giáng đòn quyết định. Na-pô-lê-ông nói rằng, trong chiến tranh, những sự ngẫu nhiên và may rủi giữ một vai trò đáng kể, nhưng dầu sao thì những kế hoạch to tát bao giờ cũng tùy thuộc vào những đức tính cá nhân của người chỉ huy; tài trí, kiến thức, đầu óc phương pháp trong hành động gồm chỉ huy hiệp đồng tác chiến, tính linh hoạt và đầu óc phán đoán. "Không phải có một vị thần thánh nào mách riêng cho tôi biết điều tôi phải nói hoặc phải làm trong một tình huống bất ngờ đối với người khác, mà đó chỉ là sự suy nghĩ của tôi, sự nghiên cứu, nghiền ngẫm”, có lần Na-pô-lê-ông đã nói như vậy. A-lêch-xan Ma-xê-đoan, Xê-da, An-ni-ban, Guy-xta A-don-phơ trở thành vĩ đại không prhải vì thời vận giúp họ, mà vì họ là những bậc vĩ nhân và đã biết làm chủ thời vận. Na-pô-lê-ông đã nói như vậy vào những năm cuối cùng của đời ông.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #332 vào lúc: 29 Tháng Tám, 2016, 11:03:18 pm »


Không kể một vài sai lầm ngẫu nhiên và đôi dấu hiệu mệt mỏi vì nghệ thuật sử dụng tất cả mọi thủ đoạn để đạt tới mục đích của mình, tóm lại thiên tài quân sự của Na-pô-lê-ông vào những năm 1813 - 1814 so với những năm rực rỡ nhất trong đời võ nghiệp của ông đã không hề giảm sút: đó là ý kiến nhất trí của những nhà chiến lược và chiến thuật đã nghiên cứu lịch sử của Na-pô-lê-ông. Ngay cả năm 1815, với những lực lượng kém hẳn địch về quân số, trong hoàn cảnh chính trị tuyệt vọng và cơ thể bị đau yếu từ lâu, Na-pô-lê-ông vẫn đã vạch ra được một kế hoạch chiến lược nhằm tiêu diệt đến cùng quân đội đối phương; và nó cũng không kém phần tài tình như kế hoạch đã mang lại thắng lợi rực rỡ cho Na-pô-lê-ông trong chiến lược nước Ý đầu tiên của ông năm 1796. Thắng lợi rạng rỡ mở đường cho kế hoạch đó (trận thất bại của Bluy-khe ở Li-nhi) và kết cục của chiến dịch (trận Oa-téc-lô, chỉ do tình cờ mà Bluy-khe đến đúng lúc và đã cứu được Oen-linh-tơn khỏi một cuộc thất bại không thể trách được) đã chứng minh rằng Na-pô-lê-ông luôn luôn là người thầy xuất chúng trong nghệ thuật chiến tranh.

Tuy nhiên lúc ấy, Na-pô-lê-ông còn thiếu một điều ngay chính ông ta cũng cho rằng điều đó đối với người tổng tư lệnh cần thiết hơn cả thiên tài: thiếu tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng, vì ông ta cảm thấy thời đại của ông ta qua rồi. Ông ta thiếu lòng tin cần thiết nhất của ông ta, khi bàn về chiến dịch Oa-téc-lô, Na-pô-lê-ông đã nói với Lát Ca-dơ như vậy.

Sự mất tin tưởng đó là hậu quả của những sai lầm của Na-pô-lê-ông, trước hết là những sai lầm về chính trị. Những mục tiêu chính trị to lớn không thể thực hiện được của ông ta, thúc đẩy ông ta đến chỗ đi chinh phục thế giới, đã đưa ông ta xa rời chính những nguyên tắc chiến lược của ông ta.

Ta chỉ cần xem về mặt chuyên môn của sự xâm lược: làm thế nào vừa có lực lượng quân sự chiếm đóng cả cái đế quốc khổng lồ đã rơi vào tay Na-pô-lê-ông, vừa chiếm đóng các lãnh thổ mới ở Nga lại vừa bảo vệ các tuyến đường giao thông với Mát-xcơ-va? Trong điều kiện như vậy thì lấy đâu ra những lực lượng đủ cho các trận đánh cần thiết để chinh phục nước Nga? Làm thế nào cho phù hợp với nguyên tắc của chính ông ta đã đề ra: bao giờ cũng phải mạnh hơn quân địch vào lúc và nơi đã định? Xoay xỏa ra sao để đồng thời vừa chiến thắng ở Ma-drít lại vừa ở cả từ Xmô-len đến Mát-xcơ-va?
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #333 vào lúc: 29 Tháng Tám, 2016, 11:03:46 pm »


Trong những chiến dịch lớn lao, ông ta đã cố giữ vững nguyên tắc cơ bản sau của mình: hết sức tăng cường lực lượng để bảo vệ các đường giao thông liên lạc. Mà cũng chính vì để thực hiện điều đó nên trong quá trình xâm lược nước Nga, ông ta làm cho lực lượng của mình bị suy yếu rất nhiều ngay từ trước khi rút lui. Tháng 6 năm 1812, ở sông Ni-ê-men, khi vượt qua biên giới để bắt đầu cuộc xâm lược, Na-pô-lê-ông có 42 vạn quân, nhưng khi tiến sâu vào nội địa nước Nga, thì ông đã chỉ dẫn theo có 36 vạn 3 nghìn quân, vì số còn lại kia phải bảo vệ sườn phía bắc và phía nam trận tuyến. Khi tới Vi-tép thì quân số đã không còn 36 vạn 3 nghìn nữa, mà là 22 vạn 9 nghìn, và khi tới vùng phụ cận Xmô-len thì giảm xuống 18 vạn rưỡi. Sau khi đánh trận Xmô-len và để lại quân bảo vệ thành phố ấy, Na-pô-lê-ông đã tiến về Gơ-giát với 15 vạn 6 nghìn quân và khi tới Bô-ri-đi-nô thì còn 13 vạn 5 nghìn. Rồi ông ta tiến vào Mat-xcơ-va với 9 vạn 5 nghìn chiến binh. Na-pô-lê-ông đã bị tổn thất nhiều như vậy không phải chỉ vì bị bên địch đánh, vì bệnh tật, vì khí hậu, mà còn vì tuyến đường giao thông dài rộng mênh mông đã tiêu ngốn người của đại quân, đó là chưa kể số 22 vạn quân mà Na-pô-lê-ông không đưa được đến cả sông Ni-ê-men vì đã phải để lại trên đế quốc châu Âu bao la của ông ta, cũng không tính số 20 vạn quân và còn hơn thế nữa đang chiến đấu ở Tây Ban Nha.

Đồng thời, Na-pô-lê-ông đã nói với Lát Ca-dơ, có những lúc phải tính nước quyết liều, tập trung hết thảy lực lượng để đánh một đòn quyết định và tiêu diệt quân địch bằng một thắng lợi khủng khiếp; để làm như vậy, cũng phải tạm thời giảm bớt lực lượng bảo vệ đường giao thông liên lạc. “Trong chiến dịch năm 1805, khi tôi đang chiến đấu ở Mo-ra-vi thì nước Phổ đã sẵn sàng tiến công tôi và như vậy là không thể rút quân khỏi nước Đức được. Nhưng tôi đã chiến thắng ở Au-xtéc-lít. Năm 1806..., tôi đã thấy rõ nước Áo sắp sửa đánh vào các đường giao thông của tôi và nước Tây Ban Nha đang đe dọa xâm chiếm nước Pháp bằng cách vượt qua rặng núi Pi-rê-nê. Nhưng tôi đã chiến thắng ở I-ê-na". Trong chiến dịch năm 1809, tình thế còn nguy hiểm hơn thế "Nhưng tôi đã chiến thắng ở Va-gram". Na-pô-lê-ông nói rằng mọi cuộc chiến tranh đều phải tiến hành "có phương pháp", nghĩa là được nghiên cứu sâu sắc, và chỉ như vậy mới có cơ thắng lợi. Na-pô-lê-ông kiên quyết bác bỏ cái thành kiến cho rằng các cuộc xâm lược của Thành Cát Tư Hãn và của Ta-mét-lan chỉ là những hoạt động tự phát và rối loạn. "Những cuộc chiến tranh của Thành Cát Tư Hãn, của Ta-mét-lan là có tính phương pháp vì chúng đã tiến hành đã tương xứng với lực lượng quân đội của họ” - Na-pô-lê-ông nói như vậy với Mông-tô-lông. Về vấn đề này, ta nên chú ý rằng các nhà sử học cận đại nghiên cứu về Á Đông hoàn toàn xác nhận quan điểm của Na-pô-lê-ông về các cuộc chinh phục của người Mông Cổ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #334 vào lúc: 29 Tháng Tám, 2016, 11:04:19 pm »


Na-pô-lê-ông đã nói rất nhiều lần và trong nhiều trường hợp khác nhau rằng nghệ thuật chiến tranh chung quy chỉ là biết tập trung vào nơi và lúc cần thiết một lực lượng lớn hơn lực lượng của quân đội địch lúc ấy. Khi nói về cuộc chiến tranh năm 1796 - 1797, viên đốc chính Gô-hi-ê khen ngợi Na-pô-lê-ông là thường thường đã đánh bại kẻ địch mạnh hơn mình bằng những lực lượng ít hơn, thì Na-pô-lê-ông nói rằng thật ra không phải thế, mà chỉ là do ông đã cố gắng tiến công chớp nhoáng vào những lực lượng phân tán của địch, cho nên sở dĩ ông thu được thắng lợi thì đúng chỉ vì một trận tiến công cục bộ ấy, ông đều tạm thời mạnh hơn kẻ địch, mặc dầu tổng số lực lượng quân đội bên địch đông hơn quân đội của ông.

Na-pô-lê-ông rất quan tâm đến "tinh thần" của quân đội. Na-pô-lê-ông đã hoàn toàn thừa nhận việc thủ tiêu nhục hình ở trong quân đội do cách mạng đề xướng, và ông nói với người Anh rằng ông không thể hiểu được tại sao người Anh lại đã không lấy làm ghê tởm về việc dùng roi vọt ở trong quân đội của họ: "Khi một người lính bị làm nhục và mất danh dự vì roi vọt thì họ còn thiết gì đến vinh quang của chiến thắng. Đối với một người đã bị đánh đòn trước mặt bạn bè của họ thì liệu họ còn cảm thấy cái gì là danh dự nữa không ?.. Tôi những muốn dạy bảo họ bằng tinh thần danh dự chứ không bằng roi vọt... Sau một trận chiến đấu, tôi tập hợp các sĩ quan và binh lính lại và tôi hỏi: những ai là người xuất sắc nhất?". Na-pô-lê-ông khen thưởng bằng cấp bậc cho những người biết đọc biết viết và ra lệnh cho người mù chữ phải học "năm giờ mỗi ngày", sau đó thì họ được Na-pô-lê-ông bổ nhiệm làm hạ sĩ quan, rồi sau nữa lên sĩ quan. Đối với những tội nặng Na-pô-lê-ông nghiêm khắc xử bắn, nhưng nói chung Na-pô-lê-ông khen thưởng nhiều hơn là thi hành kỷ luật: khen thưởng bằng tiền bạc, bằng cấp bậc, bằng huân chương, bằng biểu dương trước toàn đơn vị, ông biết khen thưởng một cách rộng rãi chưa từng thấy. Ngày 14 Tháng Hoa năm 1801, ở phiên họp của Hội đồng chính phủ, trong lúc người ta đang tranh luận về việc ban hành huân chương Bắc Đẩu thì Na-pô-lê-ông la lên rằng: "Các ngài tưởng rằng các ngài đưa được người ta đi chiến đấu bằng phân tích chăng? Đừng hòng, Phân tích chỉ tốt đối với các nhà bác học ở trong văn phòng của họ mà thôi. Với binh sĩ thì cần phải có vinh quang, ưu đãi, khen thưởng cho họ. Quân đội cộng hòa đã làm được nhiều việc to lớn, bởi vì quân đội đó gồm những con cái của dân cày và của những người nông dân tốt, chứ không phải của một bầy hạ lưu đê tiện, bởi vì những sĩ quan mới đã thay thế những sĩ quan của chế độ cũ, và họ có danh dự".

Như vậy là từ những chất liệu do cách mạng đẻ ra Na-pô-lê-ông đã sáng tạo một cách có ý thức và đầy kết quả rực rỡ một công cụ hiệu nghiệm và hùng mạnh và nằm trong tay một người như Na-pô-lê-ông, công cụ ấy tất phải đem lại những kết quả chưa từng thấy trong lịch sử quân sự.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #335 vào lúc: 29 Tháng Tám, 2016, 11:05:01 pm »


Ông ta đánh giá một đức tính mà ông ta cho là chủ yếu, có ngay ở con người mình; ông ta khẳng định: ý định sắt đá, tinh thần kiên quyết và lòng dũng cảm khác thường là đức tính quan trọng bậc nhất và không thể có đức tính nào khác thay thế được. Lòng dũng cảm khác thường ấy không phải ở chỗ ông ta lao lên cầu Ác-côn với lá cờ trong tay hay ở chỗ phơi mình trong hàng bao nhiêu giờ liền dưới làn pháo của quân Nga ở nghĩa địa Ai-lau, mà ở chỗ mình hoàn toàn gánh lấy trách nhiệm nào quan trọng nhất và nặng nề nhất, đó là trách nhiệm hạ quyết tâm. Người thắng lợi không phải là người đã vạch ra kế hoạch tác chiến hoặc đã tìm thấy giải pháp cần thiết, mà là người nhận lấy phần mình trách nhiệm thi hành.

Tất cả các nhà bình luận quân sự đều cho rằng Na-pô-lê-ông là một nhà chiến thuật đại tài - nghĩa là trong nghệ thuật tác chiến - cũng như một nhà chiến lược đại tài - nghĩa là trong nghệ thuật buộc kẻ địch bại trận phải hoàn toàn phục tùng ý muốn của ông ta, tức là ông ta không phải chỉ đè bẹp tinh thần và khả năng đề kháng của bên địch, mà còn bức bách bên địch phải thừa nhận như vậy khi hạ bút ký vào hiệp ước theo ý muốn của người thắng trận, cả ba đức tính ấy đã phối hóa và hòa hợp khăng khít ở Na-pô-lê-ông. Khi trận tổng công kích đã thắng lợi, Na-pô-lê-ông liền tung Muy-ra và kỵ binh của viên thống chế này đi truy kích nhằm tiêu diệt những kẻ trốn chạy. Khi Muy-ra đã hoàn thành nhiệm vụ, thì, để chuyển biến thắng lợi của trận đánh thành thắng lợi của toàn bộ cuộc chiến tranh, lúc đó vấn đề là tiếp tục và hoàn thành cuộc truy kích quân địch "trên bàn cờ" mà quân cờ là những công thức và những yêu sách ngoại giao.

Mỗi khi bắt đầu một cuộc chiến tranh, Na-pô-lê-ông luôn luôn cố gắng đánh qụy kẻ địch một cách mau chóng nhất bằng một hai đòn khủng khiếp và nhanh như chớp, rồi bức kẻ địch phải cầu hòa.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #336 vào lúc: 29 Tháng Tám, 2016, 11:07:29 pm »


Điều đó đã cho phép Clau-dơ-vít định nghĩa quan niệm chỉ đạo chiến tranh của Na-pô-lê-ông là một hiện tượng hoàn toàn mới mẻ trong lịch sử và đã đưa chiến tranh tới gần "mức hoàn chỉnh của nó". Clau-dơ-vít viết: "... Kể từ thời Bô-na-pác thì chiến tranh, trước hết hãy đứng về một phía mà xét - phía người Pháp trong quá trình chống ngoại xâm - rồi đứng về phía khác - phía các dân tộc chống Na-pô-lê-ông, đã trở thành công việc của toàn dân. Nó mang một tính chất khác hẳn, hoặc nói một cách chính xác hơn, chiến tranh đã tiến lại trước gần thực chất của nó, sự hoàn chỉnh tuyệt đối của nó. Do sự phát triển của các phương tiện chiến tranh, của những viễn cảnh rộng lớn mở ra một khi chiến thắng và của sự thức tỉnh tinh thần mạnh mẽ của con người, nên trí thức dành vào việc chỉ đạo chiến tranh đã tiến triển đến cao độ. Tiêu diệt kẻ địch đã trở thành mục đích của các cuộc hành binh; ngừng lại và đi vào đàm phán chỉ có thể tiến hành được khi kẻ địch đã bị đánh bại và không còn đủ sức chiến đấu"1. Khi nghiên cứu vấn đề "tầm cỡ những mục đích chính trị của chiến tranh và cường độ của chiến tranh", Clua-dơ-vít đã có sự đánh giá sâu sắc, tuy nhiên, cần phải bổ sung bằng cách lưu ý rằng chính Na-pô-lê-ông đã phân biệt thành hai loại chiến tranh (tiến công và phòng ngự), nhưng ông không vạch cho nó một ranh giới thật rõ rệt, mà tùy theo tính chất của mỗi cuộc chiến tranh bắt nguồn từ tình thế chính trị và tương quan lực lượng. Nhận xét cuốn sách của tướng Rô-nha, xuất bản năm 1816, Na-pô-lê-ông đã viết: "Mọi cuộc chiến tranh tiến công đều là chiến tranh xâm lược... Mọi cuộc chiến tranh tiến hành theo quy tắc của nghệ thuạt đều là những cuộc chiến tranh tiến hành theo đúng phương pháp. Chiến tranh phòng ngự không loại trừ tiến công, cũng như chiến tranh tiến công không loại trừ phòng ngự, dẫu rằng mục đích của nó là nhằm chọc thủng biên giới để xâm lược đất nước của kẻ địch.

Sau khi nhận xét vắn tắt những chiến dịch của các bậc tướng lĩnh lỗi lạc nhất, Na-pô-lê-ông thấy không cần thiết phải nói bất kỳ điều gì về nghệ thuật chiến tranh. Tuy nhiên, cũng như tất cả các nhà quân sự lớn, ông ta cũng đã ra sức đánh bại và tiêu diệt đối phương.

Quan điểm của Clau-dơ-vít mà chúng tôi vừa dẫn là đặc biệt của riêng ông: người ta không hề tìm thấy quan điểm đó ở Giô-mi-ni chẳng hạn. Về vấn đề này mặc dầu Ăng-ghen thừa nhận, những ưu điểm lớn của các tác phẩm của Clau-dơ-vít, nhưng người lại thích sự nghiên cứu về Na-pô-lê-ông của Giô-mi-ni. Thí dụ, Ăng-ghen đã viết cho Giô-dép Vai-dơ-mai-e (ngày 12 tháng 4 năm 1853): "Chung quy, Giô-mi-ni vẫn là nhà sử học khá nhất của chúng (của các chiến dịch Na-pô-lê-ông), và tuy rằng có đôi điểm đặc sắc, nhưng cái thiên tài tự nhiên ấy của Clau-dơ-vít vẫn không làm tôi thỏa mãn chút nào"2.
__________________________________
1. Clau-dơ-vít, Bàn về chiến tranh, nhà xuất bản Quân sự Mat-xcơ-va, 1935, tr. 545.
2. Mác - Ăng-ghen, Toàn tập, bản tiếng Nga, t. XXV, tr. 183.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #337 vào lúc: 29 Tháng Tám, 2016, 11:08:23 pm »


II

Na-pô-lê-ông hiềm ghét những người Gia-cô-banh đối xử tàn tệ với họ, còn họ chỉ muốn khuếch trương thành quả của cách mạng.

Sự bảo vệ tài sản, tất cả mọi tài sản, trong đó có cả tài sản của nông dân lớp trung sản và tiểu sản - tầng lớp phát triển rộng rãi dưới thời cách mạng - đã trở thành một trong những viên đá nền tảng trong chính sách đối nội của Na-pô-lê-ông, mặc dầu như Mác đã nhận định trong cuốn Gia đình thần thánh, Na-pô-lê-ông đã cố gắng làm cho quyền lợi của mọi tầng lớp trong giai cấp tư sản phải phục tùng quyền lợi của đế chế. Đối với Na-pô-lê-ông, những người dân "không tài sản", thí dụ như thợ thuyền ở Pa-ri, ở Ly-ông, ở A-miêng và ở Ru-ăng đều là những thành phần phá rối, nhưng ông quá thông minh cho rằng biện pháp duy nhất để chống lại họ và bọn lính tuần tiễn, hiến binh, cảnh binh và mạng lưới mật thám vô cùng khôn khéo và đắc lực do Phu-sê đẻ ra. Na-pô-lê-ông đã cố gắng chống chọi lại những làn sóng thất nghiệp năm 1811 đã đẩy hàng nghìn thợ thuyền đói khát, lang thang, cùng khổ, Na-pô-lê-ông cũng đã có tìm cách rút ra ở tình trạng ấy một sự bào chữa cho cuộc phong tỏa lục địa cũng như việc bóc lột tàn nhẫn về mặt kinh tế và làm cho việc chiếm độc quyền tất cả các nước bị xâm chiếm để đảm bảo thị trường tiêu thụ cho sản phẩm Pháp và để cung cấp nguyên liệu rẻ mạt cho nền công nghiệp Pháp.

Những động cơ chính của chính sách phong tỏa của Na-pô-lê-ông là: ước vọng đảm bảo ưu thế cho công nghiệp Pháp ở trên thế giới và, - điều này không thể tách rời khỏi điều trên – ước vọng đuổi người Anh ra khỏi các thị trường châu Âu nhưng trong phạm vi quan hệ giữa chủ và thợ, Na-pô-lê-ông đã giữ nguyên vẹn bộ luật Lơ Sa-pơ-li-ê trong bộ pháp chế của ông. Bộ luật Lơ Sa-pơ-li-ê đã cấm hết thảy mọi biểu hiện đình công, dù rằng rất nhỏ: nhưng đặt ra "tiểu bạ công nhân", Na-pô-lê-ông lại đi xa hơn nữa trên con đường áp bức bóc lột thợ thuyền.

Tại sao ngay cả trong phút gay go nhất, thợ thuyền cũng không nổi dậy chống ông hoàng đế? Tại sao vào những năm 1816, 1817, 1818, 1819, 1820, 1821, các tòa án của dòng họ Buốc-bông phục hưng lại kết án tù nhiều tháng cho những người thợ ở Pa-ri và ở các tỉnh đã phạm tội đã phun ra những "tiếng hô phản nghịch": "Hoàng đế muôn năm!"?
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #338 vào lúc: 29 Tháng Tám, 2016, 11:10:35 pm »


Trong các sách này, tôi xin cố gắng giải đáp vấn đề ấy. Sự giải đáp ngay trong cái thực tế là thợ thuyền đã hiểu một cách bản năng rằng trật tự tư sản xuất xứ từ cách mạng, mà hoàng đế là người đại diện, đối với họ dầu sao cũng còn có lợi hơn là giẻ rách phong kiến mục nát mà những xe vận tải của bọn Liên minh tha về.

Những ngày quang vinh của cách mạng còn chưa phai mờ trong tâm trí của quần chúng lao động. Họ là dân chúng của các vùng ngoại ô Xanh Ăng-toan và Xanh Xác-xen, khu phố Tăng-phơ và phố Múp-phơ-ta. Trong giai đoạn Một Trăm Ngày, những người trung thành nhất với truyền thống cách mạng đều đã nhìn thấy rằng dẫu sao ở Na-pô-lê-ông cũng vẫn không có chút tai họa gì, đối với họ cái nguy hại là chế độ phong kiến quay trở lại.

Nếu trong cuộc đấu tranh ở nước Pháp chống lại sự đe dọa phục hưng của chế độ cũ, Na-pô-lê-ông là người đại diện cho một kỷ nguyên mới, công nghiệp và tiến bộ trong lĩnh vực kinh tế thì đương nhiên rằng những cuộc chinh phục của Na-pô-lê-ông đã đóng vai trò cách mạng khi ông đánh đổ sập những nền tảng của phong kiến châu Âu.

Mác và Ăng-ghen đã không ngừng nhấn mạnh tầm quan trọng của Na-pô-lê-ông trong việc thúc đẩy lịch sử tiến lên. "Na-pô-lê-ông đã tiêu diệt được Thần thánh La Mã Giéc-man và đã giảm bớt số lượng các quốc gia nhỏ ở nước Đức, lập lên những quốc gia lớn hơn. Na-pô-lê-ông đã mang vào các nước bị chinh phục bộ luật của ông cực kỳ tiến bộ so với tất cả các bộ luật hiện hành thời ấy, và bộ luật đó, về nguyên tắc, đã thừa nhận quyền bình đẳng"1. Theo ý kiến Ăng-ghen, nông dân cũng như tư sản Đức đã không hiểu Na-pô-lê-ông, họ bực bội vì giá cà phê, đường, thuốc lá, v.v... lên cao, trong khi đó thì chính cuộc phong tỏa lục địa lại là nguyên nhân của động lực khởi thủy của nền công nghiệp của họ "... Ngoài ra, họ không phải là những kẻ hiểu được tầm lớn lao của các kế hoạch của Na-pô-lê-ông. Họ nguyền rủa Na-pô-lê-ông bắt con cái họ chống lại cuộc chiến tranh do bọn quý tộc và tầng lớp trung sản Anh xuất vốn và đã tán tụng những người Anh ấy, những kẻ đã thực sự gây ra chiến tranh, là bạn hữu..."2.
______________________________________
1. Mác - Ăng-ghen, Toàn tập, bản tiếng Nga, t.V, tr.8.
2. Sách đã dẫn, tr. 9.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #339 vào lúc: 29 Tháng Tám, 2016, 11:14:54 pm »


"Chính sách khủng bố đã thuộc về dĩ vãng ở nước Pháp, đã được Na-pô-lê-ông áp dụng ở những nước khác dưới hình thức chiến tranh và "chính sách khủng bố ấy" là tuyệt đối cần thiết ở nước Đức"1

Trong một bài báo chống Ba-cu-nin (ngày 14 tháng 2 năm 1849), chúng ta được đọc: "Trong lịch sử, không có cái gì phát sinh, phát triển mà không cần đến bạo lực và một ý chí sắt đá, và nếu như A-lêch-xan, Xê-da và Na-pô-lê-ông mà lại đã là những người nổi tiếng về lòng trắc ẩn - cái thứ trắc ẩn mà những người bênh vực dân tộc Xla-vơ dùng để bào chữa cho những khách hàng suy yếu của họ - thì lịch sử đã ra sao?"2

Mác và Ăng-ghen còn cho rằng (khi nói về sự bất lực chung của cả hai bên đối phương trong cuộc chiến tranh phương Đông năm 1853 - 1854) quyết tâm của Na-pô-lê-ông còn "nhân đạo hơn" thói quen hành động cũ kỹ của những kẻ hậu sinh bất tài.

Về cuộc vây thành Xê-va-xtô-pôn, Mác và Ăng-ghen đã viết: "Thật ra, Na-pô-lê-ông đại đế, người "đồ tể" đã sát hại bao nhiêu triệu người, với phương pháp lãnh đạo chiến tranh khẩn trương, quả quyết và mạnh như vũ bão, đã là một mẫu mực về lòng nhân đạo, nếu đem so sánh với "những chính khách" đợi chờ thời cơ và do dự đang chỉ đạo cuộc chiến tranh ấy ở Nga..."3

Không hạ thấp vai trò cách mạng của các cuộc chinh phục của Na-pô-lê-ông ở châu Âu, Ăng-ghen không hề lẩn tránh cái thực tế là vào cuối thời đại của Na-pô-lê-ông, Na-pô-lê-ông ngày càng biến thành một ông "đế vương do Chúa Trời chỉ định". "Sai lầm lớn nhất của Na-pô-lê-ông là đã liên kết với các triều đại phản cách mạng già cỗi, khi ông ta kết hôn với con gái hoàng đế nước Áo, và đáng lẽ phải xóa bỏ mọi vết tích của cái châu Âu già cỗi đó đi thì Na-pô-lê-ông lại đã tìm cách thỏa hiệp với nó (tôi viết riêng - chú thích của tác giả), đã muốn làm người đứng đầu hàng đế vương ở châu Âu, vì vậy thì Na-pô-lê-ông đã tìm mọi cách để cấu tạo triều đình của ông theo kiểu triều đình của họ"4. Theo ý kiến của Ăng-ghen thì cái đã làm cho Na-pô-lê-ông cuối cùng bị thất bại là ông đã đầu hàng "nguyên tắc triều đại chính thống".
______________________________________
1. Sách đã dẫn, t.V, tr.8.
2. Sách đã dẫn, t. VII, tr. 212.
3. Sách đã dẫn, t. X, tr..
4. Sách dẫn, t. V, tr. 10.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM