Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 03:45:33 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Napoleon Bonaparte  (Đọc 94056 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #320 vào lúc: 28 Tháng Tám, 2016, 09:52:42 am »


Tháng 3 năm 1821, những cơn đau ghê gớm, mà Na-pô-lê-ông đã âm thầm chịu đựng, luôn luôn diễn ra. Từ lâu, hoàng đế đã đoán chắc rằng mình bị bệnh ung thư, một bệnh gia truyền đã làm cha ông là Sác Bô-na-pác chết năm bốn mươi tuổi.

Về vấn đề này, cũng nên nhắc lại rằng khoảng mười lăm hay hai mươi năm gần đây, trong các tập san y tế Pháp và Đức, đã nhiều lần người ta đưa ra giả thuyết là căn bệnh đã giết Na-pô-lê-ông không phải là ung thư, mà là một bệnh đặc biệt ở vùng nhiệt đới. Họ cho rằng Na-pô-lê-ông nhiễm bệnh này từ hồi còn trẻ, trong chiến dịch Ai Cập và Xi-ri, và khi ông trở lại vùng nhiệt đới thì bệnh lại phát triển.

Ngày 5 tháng 4, bác sĩ Ác-nốt đã báo cho những người bạn đồng hành của Na-pô-lê-ông, thống chế Béc-tơ-răng và bá tước Mông-tô-lông, rằng bệnh tình của Na-pô-lê-ông cực kỳ trầm trọng. Khi cơn đau dịu đi, Na-pô-lê-ông cố giữ tinh thần cho những người xung quanh mình. Hoàng đế pha trò về bệnh của mình: "Ung thư này chính là Oa-téc-lô đã nhiễm vào bên trong phủ tạng".

Ngày 13 tháng 4, Na-pô-lê-ông đọc cho bá tước Mông-tô-lông viết chúc thư, sau đó ông ta tự tay viết lại và ký vào đấy, ngày ấy là 15 tháng 4. Trong chúc thư ấy, người ta đã được đọc những dòng chữ hiện khắc vào tấm đá cẩm thạch đặt trên mộ Na-pô-lê-ông trong điện Anh-va-lít: "Tôi muốn hài cốt của tôi sẽ được đặt bên bờ sông Xen, giữa lòng nhân dân Pháp mà tôi xiết bao yêu mến". Trong chúc thư, Na-pô-lê-ông đã liệt Mác-mông, Ô-giơ-rô, Tan-lây-răng và La-phay-ét vào tội phản bội, đã hai lần giúp cho kẻ thù của nước Pháp chiến thắng; hiển nhiên là vì Ô-giơ-rô đã to tiếng cãi lộn với Na-pô-lê-ông vào hồi tháng 4 tháng 1814, La-phay-ét thì vì đã phản đối hoàng đế ở Hạ nghị viện tháng 6 năm 1815. Sau này, hai nhận xét khắc nghiệt đó không được ai thừa nhận, ngay của những người ở phe của hoàng đế, nhưng lịch sử đã xác nhận sự nhơ nhuốc xấu xa của Tan-lây-răng và Mác-mông. Trong chúc thư, Na-pô-lê-ông còn định đoạt cả việc chia tài sản của mình: cho Béc-tơ-răng 50 vạn, người hầu phòng Mác-săng 40 vạn phrăng, cho mỗi người hầu hạ ông ở đảo 10 vạn phrăng, cũng như cho Lát Ca-dơ và tướng lĩnh, quan chức khác hiện có trên đất Pháp mà riêng ông biết họ vẫn trung thành, v.v... với ông. Nhưng Na-pô-lê-ông đã dành phần lớn gia tài của mình, tới 200 triệu phrăng vàng, một nửa cho những binh sĩ, sĩ quan đã từng chiến đấu dưới quyền ông, một nửa cho các địa phương ở Pháp đã bị tổn thất do cuộc xâm lăng năm 1814 và 1815. Trong chúc thư, người ta cũng tìm được một câu dành cho người Anh và Hút-xơn Lao: "Tôi chết sớm vì bọn tài phiệt Anh và kẻ thích khách của chúng ám sát tôi. Sớm muộn nhân dân Anh sẽ trả thù cho tôi". Na-pô-lê-ông căn dặn con trai ông không bao giờ được chống lại nước Pháp và phải nhớ rằng: "Con sinh ra đã là hoàng tử nước Pháp".

Na-pô-lê-ông rất bình tâm đọc những ý muốn cuối cùng của mình rồi tự tay viết lại. Ba ngày sau, Na-pô-lê-ông còn đọc cho Mông-tô-lông viết một bức thư gửi cho viên toàn quyền đòi người Anh phải cho tất cả những người tùy tùng và phục vụ ông về châu Âu sau khi ông chết đi.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #321 vào lúc: 28 Tháng Tám, 2016, 09:53:04 am »


Trong đêm 21 tháng 4, vào hồi 4 giờ sáng, bất thần Na-pô-lê-ông nghĩ đến việc đọc cho Mông-tô-lông viết một dự án cải tổ quân đội quốc gia Pháp để có thế sử dụng hợp lý quân đội trong công cuộc bảo vệ đất nước chống ngoại xâm.

Ngày 2 tháng 5, các bác sĩ Ác-nốt, Sớơc và Mi-sen báo cho mọi người biết là hoàng đế sắp mất. Cơn đau kịch liệt đến nỗi trong đêm ngày 5 tháng 5, Na-pô-lê-ông như mê sảng, lăn xuống đất, ghì chặt Mông-tô-lông với sức mạnh phi thường, và cả hai lăn lộn trên nền nhà. Người ta đặt lại Na-pô-lê-ông trên giường, ông mê man, nằm im trong mấy giờ liền, mắt mở mà không hề rên la. Vả chăng, trong suốt những cơn đau ghê gớm nhất, Na-pô-lê-ông hầu như không hề kêu rên, tuy cựa quậy rất nhiều. Kẻ đứng đầu giường, người đứng trên ngưỡng cửa, những người thân cận và những người hầu hạ Na-pô-lê-ông tề tựu bên cạnh người sắp từ trần, Na-pô-lê-ông mấp máy đôi môi, nhưng hầu như không ai nghe rõ được điều gì, vì hôm ấy một trận bão khủng khiếp bốc trên đại dương, lay tung cây cối, cuốn mất một số nhà cửa ở đảo và làm chấn động cả vùng Lơn-vút.

Ngay khi được tin báo rằng Na-pô-lê-ông hấp hối, Hút-xơn Lao và các sĩ quan quân đội Anh đồn trú ở đảo vội vàng tới nơi và trú ở những phòng bên. Những người đứng ở đầu giường Na-pô-lê-ông nghe được những lời cuối cùng sau đây: “Nước Pháp ... đứng đầu quân đội...” .
6 giờ chiều chiều 5 tháng 5 năm 1821, Na-pô-lê-ông thở hơi cuối cùng.

Mác-săng vừa khóc vừa đắp lên thi hài Na-pô-lê-ông tấm áo choàng mà ông mặc ngày 14 tháng 7 năm 1800 ở Ma-ren-gô. Viên toàn quyền và các sĩ quan vào, kính cẩn nghiêng mình chào người quá cố. Lúc này Béc-tơ-răng mới để cho đại diện ở các cường quốc vào phòng Na-pô-lê-ông lần đầu tiên, kể từ khi họ đến đây, vì trước đây, Na-pô-lê-ông không bao giờ cho phép họ đến gần ông.

Bốn ngày sau, linh cữu rời khỏi khu Lơn-vút. Ngoài đoàn tùy tùng và những người hầu của Na-pô-lê-ông ra, toàn thể đơn vị canh gác đảo, tất cả lính thủy và sĩ quan hải quân có mặt trên đảo, tất cả những viên chức hành chính, do viên toàn quyền dẫn đầu, và hầu hết nhân dân đảo Thánh bà Hê-len đều đi đưa đám. Khi hạ huyệt một loạt đại bác vang rền: Người Anh dùng nghi lễ quân đội để vĩnh biệt ông hoàng đế quá cố.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #322 vào lúc: 29 Tháng Tám, 2016, 04:37:14 pm »


KẾT LUẬN

I

Gắn liền với Na-pô-lê-ông là một hiện tượng lịch sử đã được mang tên “Chủ nghĩa Bô-na-pác” và các nhà mác-xít kinh điển đã rất chú ý nghiên cứu, và sự đánh giá của họ đều nhất trí và bổ sung hoàn chỉnh cho nhau. Trong khi trở lại nhiều lần và rất nhiều lần vấn đề chủ nghĩa Bô-na-pác, họ đã chú ý đến cả thời đại Na-pô-lê-ông đệ nhất cũng như thời đại Na-pô-lê-ông đệ tam, và vạch ra một cách đúng đắn rằng nguồn gốc của cái hệ thống chính trị ấy bắt nguồn từ vị hoàng đế Pháp đầu tiên. Nhưng trong khi Na-pô-lê-ông đệ nhất, nhằm củng cố nền chuyên chính của giai cấp đại tư sản, không những đã đấu tranh chống những người Gia-cô-banh, mà (đặc biệt trong giai đoạn đầu khi mới lên nắm quyền) còn đấu tranh chống lại bọn bảo hoàng là những kẻ muốn phục hưng nền quân chủ nửa chuyên chế, nền quân chủ của “chế độ cũ”, thì Na-pô-lê-ông đệ tam lại đã xây dựng đế chế của ông ta như một thứ vũ khí đấu tranh của giai cấp tư sản (chủ yếu của giai cấp đại tư sản) chống lại giai cấp thợ thuyền và những xu hướng dân chủ của giai cấp tư sản.

Trong phạm vi cuốn sách này, trước khi đề cập vấn đề chủ nghĩa Bô-na-pác trong thời kỳ Na-pô-lê-ông đệ nhất, trước hết cần phải làm sáng tỏ vai trò của Na-pô-lê-ông đệ nhất đối với vận mệnh của cuộc cách mạng tư sản Pháp, vào cuối thế kỷ XVIII.

Lối viết sử tư sản cũ và hiện đại khẳng định rằng Na-pô-lê-ông đã hoàn thành tốt đẹp sự nghiệp của cuộc cách mạng.

Chắc chắn là không phải như vậy. Na-pô-lê-ông đã nắm lấy và lợi dụng những thành quả của cách mạng về mặt phát triển sự hoạt động kinh tế của giai cấp tư sản Pháp, nhưng ông ta lại đã dập tắt cơn dông tố cách mạng. Vì vậy trong bất cứ chừng mực nào người ta cũng không thể coi Na-pô-lê-ông là người “đã hoàn thành tốt đẹp cuộc cách mạng”, ngược lại Na-pô-lê-ông chỉ có thể có nhiệm vụ thủ tiêu cách mạng.

Bóp chết được cuộc cách mạng, nền chuyên chính Na-pô-lê-ông, trước hết có nghĩa là giai cấp đại tư sản chiến thắng giai cấp vô sản thủ công nghiệp, chiến thắng quần chúng bình dân đã đóng vai trò cách mạng rất lớn lao từ năm 1789 đến năm 1794 cho tới ngày 9 tháng Nóng. Cùng lúc ấy, tầng lớp nông dân hữu sản, mà Na-pô-lê-ông đã bảo vệ quyền lợi của họ chống lại những âm mưu phục hưng chế độ phong kiến, đã ủng hộ triệt để nền chuyên chính của ông.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #323 vào lúc: 29 Tháng Tám, 2016, 04:37:41 pm »


Na-pô-lê-ông, kẻ đã bắn giết những người Gia-cô-banh, trở thành vị đế vương độc tài và cố biến những nước cộng hòa bao quanh nước Pháp thành những vương quốc rồi đem phân phát cho anh em ruột, anh em họ và thống chế của mình; nhân vật lịch sử ấy đã hiển nhiên là thế, chứ không hề liên quan gì đến con người đáng lẽ ra đã hoàn thành tốt đẹp cuộc cách mạng. Và chỉ có lý tưởng hóa một cách dối trá mới có thể phủ nhận được điều đó. Thủ tiêu nền dân chủ, thiết lập uy quyền cá nhân tuyệt đối để trực tiếp bảo vệ quyền lợi của các tầng lớp hữu sản và quyền bá chủ trên toàn cõi châu Âu - đó là đặc điểm sự nghiệp của Bô-na-pác đệ nhất và chỉ có thể chối cãi điều đó bằng cách bất chấp sử thật lịch sử nhằm duy trì vĩnh viễn và xác nhận “thiên truyền kỳ Na-pô-lê-ông”, cái đã gây nên bao nhiêu đau khổ trong quá khứ và thật ra đã được bịa đặt để nhằm tác động tinh thần của quần chúng còn kém giác ngộ và còn đang do dự. Chung quy, thiên truyền kỳ ấy đã luôn luôn phục vụ cho những âm mưu phản động về mặt xã hội và chính trị, đặc biệt là từ thời kỳ 1830 trở đi.

Tuy nhiên, nếu không công nhận những tài năng lỗi lạc về mọi mặt và tầm vĩ đại của con người khổng lồ ấy của lịch sử thì cũng không đúng đắn.

Ở cuốn sách này, độc giả sẽ tìm thấy một số trong nhiều sự đánh giá cụ thể của Mác và đặc biệt là của Ăng-ghen về thiên tài quân sự và về sự ảnh hưởng của những cuộc chinh phục của Na-pô-lê-ông đối với châu Âu phong kiến. Những ai quan tâm đến các vấn đề này mà đọc một cách có hệ thống toàn bộ tác phẩm của Mác và của Ăng-ghen thì sẽ còn tìm thấy rất nhiều nhận xét cùng một loại như vậy. Hơn nữa, với một thái độ hoàn toàn vô tư, không phải Mác và Ăng-ghen chỉ giới hạn trong việc nêu rõ tiến bộ khách quan của Na-pô-lê-ông trong lịch sử nhân loại, mà còn vạch rõ vai trò của Na-pô-lê-ông đã đóng: vai trò người sáng lập ra cái chủ nghĩa Bô-na-pác phản động đã xéo nát những mầm mống của quyền tự do chính trị ở Pháp.

Mác và Ăng-ghen đã sống trong thời kỳ đế chính thứ hai nhưng chắc chắn là hai ông đã chẳng cần đến cái kinh nghiệm sống phũ phàng đó mới thấu hiệu được chủ nghĩa Bô-na-pác - trong những điều kiện bắt nguồn từ sự bành chướng nhanh chóng của chủ nghĩa tư bản vào hồi thế kỷ thứ XIX - với tư cách là một chế độ chính trị đối nội và đối ngoại, chỉ có thể là phản động và chỉ có thể đứng vững được bằng bạo lực vô hạn độ, bằng sự lừa bịp quần chúng một cách có hệ thống và, trong trường hợp cần thiết bằng những hành động quân sự phiêu lưu mạo hiểm.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #324 vào lúc: 29 Tháng Tám, 2016, 04:38:47 pm »


II

Trong lĩnh vực đối ngoại, những khát vọng xâm lược, đế quốc chủ nghĩa, do quyền lợi của giai cấp đại tư sản Pháp xui khiến đã thúc đẩy Na-pô-lê-ông chống lại châu Âu, và cái xã hội nửa phong kiến đang tan rã ấy đã không thể kháng cự được một cách có hiệu lực những trận tiến công đầu tiên của vị danh tướng Na-pô-lê-ông, con người đã tỏ ra có tài năng ngay từ những bước đi đầu tiên của mình. Đồng thời, ách đô hộ của Na-pô-lê-ông tròng vào cổ cái dân tộc bị chinh phục đã kích động làn sóng giải phóng dân tộc, còn như những ngọn đòn mà Na-pô-lê-ông giáng vào nền kinh tế nước Anh thì đã góp phần nhóm thổi ngọn lửa cách mạng bùng lên một cách vững bền ngay trong lòng giai cấp thợ thuyền Anh.

Lý luận và thực tiễn của Na-pô-lê-ông về chiến tranh đã đóng vai trò lớn lao trong việc huỷ diệt chế độ phong kiến chuyên chế xây dựng trên chế độ nông nô đang thống trị châu Âu hồi đó... Lý luận và thực tiễn ấy là con đẻ của cuộc cách mạng tư sản, vì cuộc cách mạng ấy đã tạo ra những phương tiện mà Na-pô-lê-ông đã biết lợi dụng một cách tài tình. Không phải Na-pô-lê-ông, mà chính là cách mạng đã đem lại khả năng thực hiện và đã đẻ ra những cuộc chiến đấu cường tập, chiến thuật đội hình phân tán kết hợp với việc sử dụng những trung đội mật tập, quy mô tổ chức những nguyên tắc mới trong việc tuyển binh; nhưng cũng lại chính là Na-pô lê-ông, chứ không phải một người nào khác, đã chứng minh rằng người ta có thể sử dụng tất cả những cái đó như thế nào, với những kết quả như thế nào, và Ăng-ghen từng nghiên cứu kỹ lưỡng các chiến dịch của Na-pô-lê-ông đã xác nhận rằng Na-pô-lê-ông đã là người đầu tiên dạy cách hiểu, cách nắm chắc, nói gọn lại là cách thấu triệt tất cả những sự biến hóa ấy. Trong lĩnh vực chiến tranh, thời đó, không ai sánh được với Na-pô-lê-ông và ông đã vĩ đại hơn hẳn so với các lĩnh vực hoạt động khác của ông.

Theo Ăng-ghen, Na-pô-lê-ông đã vượt xa vô cùng các vị tiền bối của ông và các tướng lĩnh cận đại đã học cách dùng binh của ông, đã cố gắng bắt chước ông trong một nghệ thuật có như vậy “… công lao bất diệt của Na-pô-lê-ông chủ yếu là ở chỗ đã tìm ra được cách sử dụng - duy nhất đúng đắn về chiến thuật, và về chiến lược - những khối lớn quần chúng đã vũ trang, mà những khối lớn ấy chỉ nhờ có cách mạng mới có thể xuất hiện được. Chiến lược và chiến thuật ấy đã được Na-pô-lê-ông làm cho hoàn thiện đến mức mà các tướng lĩnh đương thời không có một ai có thể vượt nổi ông và họ chỉ có thể cố gắng bắt chước ông trong các cuộc hành trình rực rỡ nhất và may mắn nhất của họ mà thôi”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #325 vào lúc: 29 Tháng Tám, 2016, 04:39:38 pm »


Khi nghiên cứu những sự cải tiến trong nghệ thuật chiến tranh của Na-pô-lê-ông, Ăng-ghen, đã coi hai yếu tố sau đây là hai “cái trục” trong phương pháp quân sự của Na-pô-lê-ông: “… sự tập trung quy mô lớn những phương tiện tiến công: người, ngựa, pháo; và tính cơ động của toàn bộ bộ máy tiến công ấy”.

Ăng-ghen nhìn thấy ở Na-pô-lê-ông một người chỉ huy vĩ đại, ngay trong những chiến dịch mà Na-pô-lê-ông đã bị thất bại. “Trong số những cuộc hành binh phòng ngự và những trận hoàn toàn nhằm mục đích phòng ngự, phải kể đến hai bài học đặc sắc nhất trong hai chiến dịch kỳ lạ nhất của Na-pô-lê-ông: chiến dịch năm 1814 kết thúc bằng việc Na-pô-lê-ông bị đày ra đảo En-bơ, và chiến dịch năm 1815 chấm dứt bằng trận thất bại Oa-téc-lô và Pa-ri đầu hàng. Trong quá trình hai chiến dịch đó, với những hành động nhằm mục đích hoàn toàn phòng ngự, viên tướng tổng chỉ huy ấy đã tiến công kẻ địch trên khắp các vị trí mỗi khi gặp thời cơ thuận lợi; tuy lực lượng luôn luôn ít hơn kẻ địch một cách rõ rệt nhưng, mỗi lần xuất trận, Na-pô-lê-ông đã biết cách làm cho mình mạnh hơn kẻ địch và thường thường hễ ông đã tiến công là thắng lợi”. Na-pô-lê-ông đã thất bại trong hai chiến dịch năm 1814 và 1815 là do những nguyên nhân “hoàn toàn độc lập” với những kế hoạch tác chiến, với phương pháp thực hiện các kế hoạch đó của ông, nhưng thất bại vì quân số các lực lượng vũ trang của châu Âu liên minh quá trội hơn và vì “sự không thể chống lại được cuộc tiến công của cả thế giới vũ trang đánh vào một quốc gia đã bị kiệt quệ bởi những cuộc chiến tranh liên tiếp trong suốt một phần tư thế kỷ”.

Ăng-ghen nói: “Trận Au-xtéc-lit được coi là một trong những chiến thắng lớn nhất của Na-pô-lê-ông và là bằng chứng không thể bác bỏ được “về thiên tài quân sự có một không hai của Na-pô-lê-ông”; bởi vì nếu như những sai lầm của quân Liên minh đã rõ ràng là nguyên nhân chủ yếu làm cho họ thất bại thì “con mắt phát hiện ra được lầm lẫn đó (lầm lẫn của tướng lĩnh đối phương – N.D. tiếng Nga), lòng kiên nhẫn chờ đợi cho lầm lẫn đó chín muồi để quyết tâm giáng đòn quyết định, sự mau lẹ cực kỳ chớp nhoáng để đánh tan kẻ địch, tất cả những cái đó của Na-pô-lê-ông đáng cho ta phải hoàn toàn khâm phục và không đủ lời khen ngợi. Trận Au xtéc-lít là một sự kỳ diệu về chiến lược mà người ta sẽ không bao giờ quên được chừng nào có chiến tranh”.

Na-pô-lê-ông nói: “ở châu Âu có nhiều tướng giỏi, nhưng họ nhìn một lúc nhiều cái quá. Tôi, tôi chỉ nhìn một cái, đó là những khối người, tôi cố tiêu diệt chúng...”. Cũng không ai có thể bắt chước được Na-pô-lê-ông trong việc khuếch trương chiến quả, trong nghệ thuật dùng truy kích để đánh tan đối phương. Nhà sử học quân sự Phổ, bá tước Y-óc-phôn Mác-ten-bua, tác giả cuốn sách nổi tiếng Na-pô-lê-ông, người tổng chỉ huy, nói rằng mệnh lệnh của Na-pô-lê-ông gửi cho nguyên soái Sun, ngày 3 tháng 12 năm 1805 (hôm sau trận Au-xtéc-lít) chứa đựng toàn bộ “thuật truy kích do bộ chỉ huy trình bày trong một số chữ”. Trong thời đó, không ai vượt được Na-pô-lê-ông về nghệ thuật nắm và điều động những khối quân sự lớn trong giai đoạn chuẩn bị cũng như khi ở chiến trường, và tài chỉ huy thay đổi đội hình tác chiến một cách đột ngột nhất.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #326 vào lúc: 29 Tháng Tám, 2016, 04:40:23 pm »


Các nhà sử học và các nhà chiến lược có tài nhất - các tác giả chuyên nghiên cứu về Na-pô-lê-ông - và cả những người chỉ do ngẫu nhiên mà quan tâm đến Na-pô-lê-ông đều thừa nhận rằng Na-pô-lê-ông đã sử dụng và tiếp thu những khả năng mới mà cuộc cách mạng Pháp vừa mới đẻ ra xong, và do lợi dụng một cách tài tình cái di sản ấy của cách mạng mà Na-pô-lê-ông đã trở thành nhà lý luận lớn nhất về phương pháp chỉ đạo chiến tranh thoát thai từ cách mạng. Chiến tranh tổng lực là chiến tranh tiến hành với những lực lượng dự bị đông đảo mà chỉ riêng có quyền lực của một nhà nước tư sản lớn mới có khả năng huy động được, là cuộc chiến tranh sử dụng một cách có hiệu quả những nguồn tài lực, vật lực, nhân lực khổng lồ do một hậu phương có tổ chức cung cấp; hình thức chiến tranh đó đã chỉ phát triển toàn vẹn dưới thời Na-pô-lê-ông. Những đoàn quân đông đặc, chặt chẽ của đại quân đặt dưới quyền chỉ huy của ông tỏ ra, theo lời của ông ta, mạnh hơn đối phương “vào lúc đã định và ở nơi đã định”.

Na-pô-lê-ông thông thạo bản đồ và biết cách sử dụng bản đồ giỏi hơn ai hết, vượt cả tham mưu trưởng của mình là nhà đồ bản nổi tiếng Béc-ti-ê, cũng vượt tất cả các bậc danh tướng trước trong lịch sử, và, tuy vậy, Na-pô-lê-ông không bao giờ bị nô lệ vào bản đồ; khi mắt ông ta rời khỏi bản đồ và khi ông ta ra chiến trường là ông ta kích thích quân lính bằng những lời hiệu triệu, ông ta hạ mệnh lệnh và ông ta điều động những trung đội khổng lồ, hơn nữa ông ta còn đang đứng ở vị trí của mình, vị trí hàng đầu, và đã không ai có thể so sánh với ông được. Cho đến tận ngày nay, những mệnh lệnh, thư từ, của Na-pô-lê-ông gửi cho các thống chế và một vài câu châm ngôn của Na-pô-lê-ông vẫn còn có giá trị như những bản khái luận cơ bản về những vấn đề về công sự, về pháo binh, về tổ chức hậu phương, về tiến quân đánh vào sườn, về hành binh bao vây trận địa quân địch và về nhiều vấn đề hết sức khác nhau của nghệ thuật quân sự.

Có lẽ ngoài A-lêch-xan Ma-xê-doan ra thì sự thật là không có một vị tướng nổi tiếng nào lại ở vào hoàn cảnh thuận lợi như Na-pô-lê-ông: không những Na-pô-lê-ông đã hợp nhất vào trong tay ông quyền hành của một vị đế vương chuyên chế với quyền hành của một vị tổng tư lệnh, mà ông còn trị vì trên những vùng trù phú nhất của thế giới. Trong những bước đầu tiên của mình, Xê-da đã tiến hành chiến tranh khá lâu dài trước danh nghĩa là tổng tư lệnh, được Thượng nghị viện, cơ quan điều khiển nhà nước, cấp cho những phương tiện để đi chinh phục một tỉnh mới và trong những năm cuối cùng của cuộc đời ông, Xê-da lại đã tiến hành một cuộc chiến tranh kéo dài và ác liệt chống lại quân đội của phe đảng đối lập. Không bao giờ Xê-da được cầm đầu toàn bộ lực lượng “La Mã” với quyền lực tối cao để tiến hành chiến tranh. An-ni-ban là một tướng tổng tư lệnh phụ thuộc vào ý muốn của cái Thượng nghị viện keo kiệt và xảo trá của một nước cộng hòa buôn bán. Tuy-ren và Công-đê thì bị lệ thuộc vào những sở thích nhất thời của triều đình Pháp. Xu-vô-rốp thì thoạt đầu lệ thuộc vào hoàng hậu Ca-tơ-tin, con người chẳng ưa gì Xu-vô-rốp, sau đó thì lệ thuộc vào Pôn đệ nhất, một con người gàn dở; cuối cùng là lệ thuộc vào pháp đình tối cao của đế quốc Áo. Đúng là Guy-xta A-đon-phơ, Sác-lơ XII, Phri-drích đệ nhị đều là những vị đế vương chuyên chế nhưng họ trị vì những nước bé nhỏ, nghèo nàn, nguồn nhân lực, tài vật lực có hạn.

Còn như Na-pô-lê-ông thì chỉ những chiến dịch đầu tiên (ở Tu-lông, ở Ý, ở Ai Cập, ở Xi-ri) mới bị đặt dưới quyền một chính phủ mà ngay hồi đó ông đã không phục tùng; song từ năm 1799 trở đi, Na-pô-lê-ông đã trở thành chúa tể chuyên chế của nước Pháp, cũng như của tất cả các nước đã bị ông chinh phục một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, và trong số đó có một số nước đã có một nền kinh tế tiên tiến nhất lục địa, như ngoài bản thân nước Pháp ra, còn có nước Hà Lan và nước Đức Rê-nan. Sau ngày 18 tháng Sương mù, Na-pô-lê-ông đã trị vì chuyên chế trong suốt mười lăm năm liền, còn Giun Xê-da, sau khi vượt sông Ru-bi-con, đã chỉ nắm được quyền lực tối cao trong khoảng năm năm, nhưng đã mất hai năm đầu vào cuộc nội chiến, và chính nó đã nghiền nát vụn lực lượng của đế quốc La Mã.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #327 vào lúc: 29 Tháng Tám, 2016, 04:40:55 pm »


Để thực hành thiên tài quân sự của mình, Na-pô-lê-ông đã có trong tay nhiều nguồn lực vật chất, nhiều thời gian, nhiều điều kiện hơn bất cứ một vị tiền bối nào về nghệ thuật chiến tranh của ông. Cũng không cần bàn cãi gì về vấn đề thiên tài của Na-pô-lê-ông đã tỏ ra lỗi lạc hơn của bất cứ một ai trong số những người ấy.

Na-pô-lê-ông có tài làm cho những câu nói trở thành độc đáo; để xác định toàn bộ những đức tính cần thiết của một người tướng tài, Na-pô-lê-ông nói rằng: “bề cao và bề nằm phải bằng nhau”: ông ta hiểu “bề nằm” là phẩm chất của con người, là lòng quả cảm, lòng can đảm, tính quả quyết, và “bề cao” là tài trí, là những đức tính về trí tuệ. Nếu cốt cách mạnh hơn tài trí, người tướng sẽ bị lôi cuốn ra ngoài mức cần thiết. Nhưng nếu tài trí lại lớn hơn cốt cách thì người tướng sẽ thiếu can đảm để thực hiện kế hoạch. Na-pô-lê-ông cho rằng một viên tổng tư lệnh tồi còn tốt hơn là hai viên tổng tư lệnh giỏi. Và nếu trừ trận vây thành Tu-lông năm 1793 ra, thì chưa trận nào Na-pô-lê-ông chia sẻ quyền chỉ huy và cũng không phải phục tùng một cấp trên nào.

Chúng ta sẽ dừng lại ở một vài đặc điểm.

Na-pô-lê-ông phá bỏ tệ sùng bái bạch binh rất phổ biến thời Xu-vô-rốp, mặc dầu chính Xu-vô-rốp chẳng hề phủ nhận tầm quan trọng của pháo binh. “Ngày nay, các trận đánh được quyết định bằng hỏa lực không phải bằng xung lực”, ông hoàng đế đã viết dứt khoát như vậy ở một trong cuốn sách của ông nói về công sự dã chiến. Là người kế tục chiến thuật của quân đội cách mạng Pháp, trong những cuộc chiến tranh đầu, Na-pô-lê-ông đã tung trước những tuyến tân binh cơ động: với sự yểm hộ của pháo binh, những đơn vị tân binh chuẩn bị cho đợt công kích quyết định bằng cách mở đường cho các trung đội xung kích. Na-pô-lê-ông chăm lo chu đáo và chỉ thị nghiêm ngặt cho các thống chế của mình và cho phó vương nước Ý là Ơ-gien-đơ Bô-hác-ne rằng không chỉ dạy cho binh lính biết bắn, mà phải chăm lo đến việc dạy cho họ bắn trúng đích. Nhưng từ ý kiến của Na-pô-lê-ông, tuyệt nhiên không thể nghĩ rằng nên để tân binh hoạt động trong một khoảng thời gian khá lâu hoặc có sự chi viện của pháo binh, bởi vì như vậy họ có thể dễ bị mất tinh thần dưới hỏa pháo của địch và dễ bỏ chạy; mà Na-pô-lê-ông căn dặn phải sử dụng pháo binh một cách kiên quyết nhất, bởi vì chỉ có dùng hỏa lực khủng khiếp của pháo mới thu được kết quả khả quan. Trong các trận đánh của Na-pô-lê-ông, pháo binh đóng vai trò to lớn và đôi khi quyết định, như ở Phrít-lan, 40 khẩu pháo cỡ lớn của Xê-nác-mông, yểm hộ cho quân đoàn Vích-to, đã gây cho hàng ngũ quân Nga rối loạn tơi bời ngay từ phút đầu của trận đánh, và đã buộc quân Nga phải rút lui vô trật tự qua Phrít-lan và qua cầu An-le, và chính tình trạng vô trật tự ấy đã dẫn đến thất bại.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #328 vào lúc: 29 Tháng Tám, 2016, 11:01:21 pm »


Đáng chú ý là từ năm 1807, Na-pô-lê-ông đã ngày càng tin hơn vào một chiến thuật mới và những quy mô tác chiến mới, bao gồm việc sử dụng các đội hình quá dày đặc và vì vậy dễ bị sát thương, trái với phép dùng binh trước đây trong một nửa đường đầu sự nghiệp của ông ta. Thực tế là những lỗ hổng, khoét dần hàng ngũ những người lính già của cách mạng và những cựu binh của Ai Cập, của Ma-ren-cô, của Au-xtéc-lít, đã buộc ông ta phải cầu cứu đến cách dùng những khối người quá dày đặc ở chiến trường.

Nhiều người cho rằng Na-pô-lê-ông đã không coi trọng các công sự của đối phương. Thật là sai lầm, Na-pô-lê-ông chỉ yêu cầu các thống chế và tướng lĩnh của ông ta phải hiểu rằng vấn đề quyết định chiến tranh không phải là cuộc đánh chiếm các công sự của kẻ địch mà là việc tiêu diệt sinh lực địch ở chiến trường. Nhưng ngay cả trong vấn đề ấy, Na-pô-lê-ông cũng tỏ ra linh hoạt và thông minh kỳ diệu khi ông ta nhận định rằng những tình huống không bao giờ lặp lại hoàn toàn như nhau.

Vào năm 1805, khi Na-pô-lê-ông nhận định là chỉ có chiếm được thành Un-mơ thì mới tiêu diệt được chủ lực của quân Áo, ông ta đã tập trung phần cố gắng chủ yếu vào việc đánh chiếm pháo đài ấy.

Sở dĩ Na-pô-lê-ông đặt công sự xuống vị trí quan trọng chủ yếu là do cái lô-gích sau đây: ông ta cho rằng quyền chủ động sáng tạo đóng vai trò chủ yếu. Na-pô-lê-ông nói rằng chỉ nên tiến hành một chiến dịch sau khi đã chuẩn bị kỹ lưỡng, nhưng một khi đã bắt đầu thì phải chiến đấu đến cùng để giữ lấy thế chủ động sáng tạo.

Khi cái ngày khủng khiếp ở Ai-lau kết thúc, ngày 8 tháng 2 năm 1807, quân đội của Na-pô-lê-ông cũng như quân đội Nga đều bị thiệt hại nặng nề đến nỗi quân số của một vài trung đoàn chỉ còn bằng một tiểu đoàn và thậm chí có vài trung đoàn lại còn ít hơn thế nữa. Ban đêm, chui vào lều, Na-pô-lê-ông viết thư cho bạn là Duy-rốc, trong đó Na-pô-lê-ông đã thừa nhận sự thất bại của ông ta bằng những lời lẽ mập mờ. Nhưng rồi chẳng bao lâu, buổi bình minh ám ảnh của một ngày mùa đông bắt đầu, và người thấy rằng không những Ben-nít-xen đã chỉ rút đi, mà Ben-nít-xen đã vừa đánh vừa chạy rất xa. Thế là quyền chủ động vẫn thuộc về Na-pô-lê-ông, và như vậy là ngày hôm trước của Na-pô-lê-ông đã là ngày thắng trận. Và Na-pô-lê-ông đã liệt Ai-lau vào sổ chiến thắng của ông ta, mặc dầu ông ta hoàn toàn biết rằng quân Nga chưa phải bị bại trận. Ben-nít-xen đã thiếu bình tĩnh và bền bỉ, đã hốt hoảng và đã rời bỏ chiến trường trước, để lại quyền chủ động cho Na-pô-lê-ông mặc dầu cứ ba xác lính Nga thì người ta cũng đã đếm được từ hai đến ba xác lính Pháp.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #329 vào lúc: 29 Tháng Tám, 2016, 11:01:50 pm »


Quyền chủ động trong sự chỉ đạo chung chiến tranh, trong việc lựa chọn địa hình và thời cơ giao chiến, trong những hành động chiến thuật đầu tiên trước khi giao chiến thuộc về người tổng chỉ huy. Trước trận đánh, khi hạ mệnh lệnh cho các thống chế một cách cụ thể, mà đến tận ngày nay vẫn còn làm cho các chuyên viên quân sự phải khâm phục, Na-pô-lê-ông không bao giờ hạn chế các thống chế của ông ta bằng những chỉ thị chi tiết vụn vặt. Thời đó, cách chỉ đạo vụn vặt là khuynh hướng phổ biến trong các tổng tư lệnh thuộc môn phái quân sự cũ, người Áo, người Phổ, Anh và cả người Nga nữa, mặc dầu Nga còn ở trình độ thấp kém hơn nhiều.

Na-pô-lê-ông chỉ thị cho tướng lĩnh của mình thừa hành một nhiệm vụ này hoặc một nhiệm vụ nọ ở một địa điểm này hoặc một địa điểm khác bằng cách chỉ rõ mục đích chiến lược cuối cùng phải đạt được nhưng đạt được mục đích đó bằng cách nào là do các tướng lĩnh quyết định. Trong chiến đấu, Na-pô-lê-ông là trung tâm và đầu não của quân đội. Trong khi làm nhiệm vụ của họ, các thống chế liên lạc thường xuyên với hoàng đế, báo cáo lên hoàng đế tình hình của các cuộc hành binh, xin viện binh và báo cáo cho hoàng đế biết rõ những sự thay đổi luôn luôn diễn ra của tình huống.

Gần năm tháng sau trận Au-xtec-lít, khi chỉ trích bản báo cáo của Cu-tu-dốp đệ lên A-lêch-xa về trận đánh ấy, Na-pô-lê-ông viết rằng số quân đội khổng lồ của Pháp đã hoàn toàn do hoàng đế chỉ huy và sẵn sàng chấp hành bất cứ một mệnh lệnh nào của hoàng đế, chẳng khác gì một tiểu đoàn đặt dưới quyền chỉ huy của một viên tiểu đoàn trưởng.

Điều khó khăn nhất cho những người sống vào thời ấy cũng như đời sau là tìm hiểu xem Na-pô-lê-ông đã giữ vai trò chỉ huy đó như thế nào để không làm mất tính chủ động sáng tạo của cấp dưới. Đương nhiên rằng đây là tính sáng tạo cục bộ, còn như tất cả sự thực hiện đều hoàn toàn phụ thuộc vào cấp chỉ huy cấp tối cao, vào quyền chủ động chỉ đạo của hoàng đế và quyền đó cuối cùng đã làm cho các tướng lĩnh của hoàng đế có thói quen không tự quyết định khi gặp tình thế nguy hiểm quá lớn và khi hoàng đế không có ở bên cạnh họ. Những tướng lĩnh của Na-pô-lê-ông thật sự có năng lực hành động độc lập được thì có ít: năng lực của Đa-vu, Mát-xê-na, Ô-giơ-rô cũng chỉ có chừng mực nhất định, những tướng khác thì chủ yếu chỉ là những người thực hiện xuất sắc, ưu tú, tính độc lập của họ chỉ là tương đối và tùy từng trường hợp vì nó chỉ thuộc phạm vi thừa hành. Na-pô-lê-ông đã chua chát nhận ra điều đó vì đã có lúc ông phải kêu lên rằng ông ta không thể ở khắp mọi nơi trong cùng một lúc được.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM