Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 03:48:20 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Napoleon Bonaparte  (Đọc 94453 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #300 vào lúc: 23 Tháng Tám, 2016, 08:27:42 am »


Chỉ cần nhắc lại rằng, dù bỏ ra ngoài không tính đến những cường quốc đứng hàng hai, thì ngay sau trận Oa-téc-lô, nước Pháp đã thấy mình sẽ bị quân đội Áo (23 vạn người), Nga (25 vạn), Phổ (31vạn) và Anh (10 vạn) xâm chiếm. Những đoàn quân này được cấp tốc thành lập ngay sau khi có tin Na-pô-lê-ông đổ bộ lên miền nam nước Pháp.

Ngoài mối căm thù với kẻ thoán nghịch và xâm lược, ngoài nỗi kinh hoàng do viên tướng bách chiến bách thắng đáng sợ gây nên, điều đã làm cho A-lếch-xan, Phran-xơ, Phri-đrích Vin-hem, Mét-te-ních, thượng nghị sĩ Ca-stưn-rit (lúc này rất chú ý đến tư tưởng của thợ thuyền và sự tiến triển của phong trào cải cách trong giai cấp tư sản Anh) cũng như tất cả các giới cầm quyền phản động ở châu Âu phải lo lắng là những dáng vẻ "tự do” mới mẻ của những nhà cầm quyền châu Âu; chiếc khăn đỏ bịt đầu của Ma-ra còn đáng sợ hơn cái ngai nạm vàng của Na-pô-lê-ông. Đối với họ, hình như vào năm 1815, đúng như Na-pô-lê-ông chuẩn bị cho "Ma-ra sống lại" để tuyển mộ Ma-ra vào cuộc chiến đấu của mình. Na-pô-lê-ông đã không quyết định như vậy, vì đó chính là điều Na-pô-lê-ông sợ nhất, nhưng ở Viên, ở Luân-Đôn, ở Béc-lin, ở Pê-téc-bua, người ta vẫn sợ cái ảo ảnh đó, cái ảo ảnh chỉ kích động thêm mối căm thù không đội trời chung với kẻ xâm lược.

Khi đến với quân đội, Na-pô-lê-ông được quân lính đón tiếp nồng nhiệt không sao kể xiết. Nhân viên tình báo Anh kinh ngạc và báo cáo với Oen-linh-tơn rằng sự tôn sùng Na-pô-lê-ông giống như một sự mê muội. Những lời báo cáo ấy phù hợp với những báo cáo của các gián điệp ngoại khác có nhiệm vụ nghiên cứu tình trạng, nhưng bọn gián điệp của ông ta đều không nhận thấy được rằng trong tư tưởng của binh lính Pháp có một điểm mà từ trước tới nay chưa bao giờ có trong quân đội của Na-pô-lê-ông: họ nghi ngờ và mất tin tưởng vào các tướng lĩnh và thống chế. Binh lính đã nhớ lại thái độ phản bội hoàng đế năm 1814 của các thống chế. Bị lòng trung thành mù quáng với Na-pô-lê-ông kích động, họ muốn Na-pô-lê-ông xử trí "bọn phản bội" như trước đây Hội nghị Quốc ước đã xử trí các tướng lĩnh tình nghi. Cho những tên phản bội mặc áo cổ thêu lá sồi ấy lên máy chém! Nhưng Na-pô-lê-ông đã không giải quyết như vậy, các thống chế và các tướng lĩnh vẫn giữ nguyên chức vụ chỉ huy của họ, Na-pô-lê-ông không dùng đến chính sách khủng bố có tính chất cách mạng, dù ở hậu phương hay ở ngoài tiền tuyến, mặc dù ông tự nhủ rằng chính sách khủng bố đó có thể làm tăng thêm sức mạnh của ông.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #301 vào lúc: 23 Tháng Tám, 2016, 08:28:11 am »


Sự có mặt của hoàng đế làm cho tinh thần binh sĩ phấn khởi: họ yên lòng rằng, các thống chế và các tướng lĩnh bị giám sát chặt chẽ, đông đảo binh sĩ vẫn nghĩ rằng một vài người trong số các tướng lĩnh và thống chế có thế bất thình lình phản bội, thì nay họ không còn lo sợ điều đó nữa.

Trước mắt Na-pô-lê-ông là quân Anh và quân Phổ, những nước đầu tiên trong phe Liên minh xuất hiện trên chiến trường. Quân Áo gấp rút tiến về phía sông Ranh. Tháng 3 năm 1815, những ngày đầu của triều đại mới của Na-pô-lê-ông, Muy-ra - người đã được hoàng đế phong làm vua xứ Na-plơ vào năm 1814 và mặc nhiên được Hội nghị Viên công nhận - đột nhiên lại Liên minh với Na-pô-lê-ông ngay từ khi vừa nhận được tin hoàng đế đổ bộ lên đất Pháp và tuyên chiến với nước Áo. Nhưng trước khi Na-pô-lê-ông mở chiến dịch đánh quân Liên minh, Muy-ra đã bị đánh bại đến nỗi vào trung tuần tháng 6, Na-pô-lê-ông không còn có thể trông cậy gì được nữa vào cánh quân ấy để giam chân một phần lực lượng của Áo. Nhưng quân Áo hãy còn xa. Trước hết là phải đánh bật quân Anh đang ở Brúc-xen; Bluy-khe chỉ huy quân đội Phổ đang ở sông Xăm và sông Mơ-dơ ở giữa Sác-lơ-roa và Li-e.

Ngày 14 tháng 6, Na-pô-lê-ông tràn vào nước Bỉ để mở đầu chiến dịch. Tiến công nhanh chóng vào giữa Oen-linh-tơn và Bluy-khe. Quân Pháp đã chiếm được Sác-lơ-roa và đã tràn sang sông Xăm. Nhưng cánh trái của Na-pô-lê-ông hành binh hơi chậm: tướng Buốc-mông, một hàng ngũ quân Phổ. Binh lính lại càng không tin tưởng vào cấp chỉ huy.

Qua sự việc bất thình lình ấy, Bluy-khe thấy có triệu chứng thuận lợi, mặc dầu ông ta không thú nhận Buốc-mông biết rằng ông ta coi tên phản bộ như "cục cứt chó". Bluy-khe lại càng kiên quyết hơn. Khi được tin báo Buốc-mông, tên bảo hoàng người Văng-đe, phản bội, Na-pô-lê-ông nói: "Bọn trắng thì bây giờ chẳng trắng!".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #302 vào lúc: 23 Tháng Tám, 2016, 08:28:36 am »


Ngày 15 tháng 6, Na-pô-lê-ông hạ Cát-Bra nằm trên đường đi Brúc-xen để kìm chặt quân Anh lại, nhưng vì Nây hành động yếu ớt nên đã thực hiện chậm chễ. Ngày 16 tháng 6, hoàng đế mở cuộc tiến công lớn vào Bluy-khe ở gần Li-nhi và đã thu được thắng lợi: Bluy-khe mất hơn 2 vạn quân, và Na-pô-lê-ông chừng 1 vạn 1 nghìn. Nhưng Na-pô-lê-ông không hài lòng với thắng lợi đó, vì nếu Nây không phạm sai lầm, là đã đưa quân đoàn thứ nhất đi loanh quanh giữa Cát-Bra và Li-nhi làm cho nó không thể tham gia chiến đấu được, thì ắt Na-pô-lê-ông đã có thể tiêu diệt được quân Phổ. Bị đánh bại nhưng không bị tiêu diệt, Bluy-khe đã rút lui mất theo hướng nào không rõ.

Ngày 17, Na-pô-lê-ông cho quân lính nghỉ ngơi, những nhà bình luận quân sự phê phán Na-pô-lê-ông rằng như vậy là để mất một ngày quý báu và giúp cho Bluy-khe củng cố lại được đội ngũ. Đến trưa, Na-pô-lê-ông tách ra 3 vạn 6 nghìn quân giao cho thống chế Gru-si chỉ huy, và hạ lệnh cho Gru-si tiếp tục truy kích Bluy-khe. Một bộ phận kỵ binh Pháp được cử đi truy kích đội quân Anh đã quấy phá quân Pháp ở làng Cat-Bra từ đêm hôm trước, nhưng một trận mưa rào như trút nước làm ngập đường sá đã làm cuộc truy kích phải bỏ dở, Na-pô-lê-ông cùng với quân chủ lực hội sư với Nây và kéo lên phía bắc, tiến thắng về Brúc-xen, Oen-linh-tơn, chỉ huy toàn bộ quân Anh, đã bố trí phòng ngự cách Brúc-xen 22 ki-lô-mét, trên cao nguyên Xanh-giăng, ở phía nam Oe-tec-lô. Khu rừng Xoa-nhơ ở phía bên làng đã cắt đứt đường rút lui về Brúc-xen của Oen-linh-tơn.

Oen-linh-tơn cố thủ trên cao nguyên đó. Kế hoạch của Oen-linh-tơn là đợi Na-pô-lê-ông tiến đến vị trí cực kỳ kiên cố ấy và kiên quyết giữ vững trận địa bằng bất cứ giá nào để tạo điều kiện cho Bluy-khe, đã hồi phục sau trận thất bại và đã có thêm viện binh, kịp đến cứu viện cho mình.

Các trinh sát viên liên tiếp báo cáo về tổng hành dinh quân Anh là mặc dầu đường sá bị ngập lụt, Na-pô-lê-ông vẫn tiếp tục về phía núi Xanh-giăng. Nếu cầm cự được cho đến khi Bluy-khe tới thì sẽ thắng lợi, bằng không, quân đội Anh tất sẽ bị tiêu diệt.

Trong những giờ phút đầu tiên của buổi chiều ngày 17 tháng 6, tình thế đã đặt cho Oen-linh-tơn như vậy, thì tướng Nai-de-man, tham mưu trưởng của Bluy-khe đã báo cho Oen-linh-tơn biết rằng ngay khi vừa chấn chỉnh xong đội ngũ, quân Phổ lại cấp tốc hành quân để đến ứng cứu.

Ngày hôm sau vừa tắt thì Na-pô-lê-ông cũng đã đến gần cao nguyên và từ đằng xa, ông đã trông thấy quân đội Anh qua màn sương mù.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #303 vào lúc: 27 Tháng Tám, 2016, 10:09:18 pm »


IV

Na-pô-lê-ông có 7 vạn 2 nghìn quân, Oen-linh-tơn có 7 vạn và đến sáng ngày 18 tháng 6 năm 1815, hai bên diện đối diện, cả hai bên đều chờ viện binh và bên nào cũng bắt buộc phải đợi: Na-pô-lê-ông thì chờ Gru-si có không quá 3 vạn 3 nghìn quân, còn bên Anh thì chờ Bluy-khe đưa đến chiến trường từ 4 đến 5 vạn quân chiến đấu được, trong số 8 vạn còn lại sau trận Li-nhi.

Đêm hết, Na-pô-lê-ông cũng đã bố trí xong đội hình chiến đấu nhưng ông đã không thể mở cuộc tiến công ngay vào sáng sớm, vì trời mưa lầy lội đến nỗi không thể triển khai được kỵ binh. Buổi sáng, hoàng đế đã đi xem trận địa của quân lính và lấy làm hài lòng về sự đón tiếp của họ; từ sau trận Au-xtéc-lít đến cuộc duyệt đội ngũ lần này, lần cuối cùng trong đời Na-pô-lê-ông, đã gây cho Na-pô-lê-ông và những người có mặt hôm đó một ấn tượng không bao giờ quên được.

Thoạt đầu, Na-pô-lê-ông đặt đại bản doanh ở trại Cay-u. Đến 11 giờ rưỡi trưa, thấy rằng mặt đất đã se, Na-pô-lê-ông ra hiệu lệnh tiến công. 84 khẩu pháo phát hỏa lực như sấm sét vào cánh trái của quân Anh và cuộc tiến công tiến hành dưới sự chỉ huy của Nây.

Đồng thời quân Pháp cũng mở đường tiến công nghi binh vào lâu đài Hu-gu-mông thuộc cánh phải quân Anh, và các đợt xung phong vào vị trí kiên cố này đã gặp phải sức kháng cự quyết liệt nhất.

Mũi tiến công vào cánh trái vẫn tiếp tục. Cuộc chiến đấu khốc liệt ấy kéo dài được một giờ rưỡi thì Na-pô-lê-ông chợt thấy từ xa, về phía đông-bắc làng Sa-pen Xanh Lăm-Phec-đi-nan những đám quân lờ mờ đang tiến đến. Thoạt tiên, Na-pô-lê-ông đoán là Gru-si, người mà trong đêm hôm trước và buổi sáng hôm đó Na-pô-lê-ông đã nhiều lần ra lệnh phải cấp tốc quay lại chiến trường. Nhưng không phải là Gru-si, mà là Bluy-khe. Viên tướng này đã khéo nghi binh thoát khỏi sự truy kích của thống chế Pháp và đến tiếp viện cho Oen-linh-tơn. Khi biết rõ sự thật, Na-pô-lê-ông cũng không bối rối, ông tin chắc rằng Gru-si vẫn bám sát gót quân Phổ, và khi cả hai cùng tới thì lực lượng tương đối ngang nhau, mặc dầu Bluy-khe đem tới cho Oen-linh-tơn số quân đông hơn cả Gru-si, và nếu trước đó ông đã giáng cho quân Anh một đòn sấm sét thì viện binh của Gru-si sẽ bảo đảm chắc chắn cho trận chiến đấu thắng lợi.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #304 vào lúc: 27 Tháng Tám, 2016, 10:09:43 pm »


Vừa phái một bộ phận kỵ binh đi chặn đường Bluy-khe, Na-pô-lê-ông vừa hạ lệnh cho Nây tiếp tục tiến công và cánh trái và cánh giữa quân Anh đã bị quân Pháp mở nhiều đợt xung phong dữ dội gây tổn thất khủng khiếp từ lúc vừa bắt đầu trận đánh, và bốn sư đoàn đội hình rất trật tự của quân đoàn Éc-lông đã lao vào quân Anh. Một trận quyết chiến đã xảy ra trong khu vực đó. Quân Anh đón các trung đội khổng lồ ấy của Pháp bằng hoả lực dữ dội và đã phản xung phong nhiều lần. Các sư đoàn Pháp nối tiếp nhau lao vào cuộc chiến đấu, đã bị thiệt hại rất nặng nề. Một đoàn kỵ binh người Ê-cốt xông vào hàng ngũ quân Pháp và chém giết được một số lớn. Thấy tình hình nguy ngập ấy, Na-pô-lê-ông phi ngựa lên một điểm cao ở gần trại Ben A-li-ăng, và đã tung đội thiết giáp của Mi-lô, quân số chừng vài nghìn, để ứng cứu; quân Ê-cốt bị đánh lui và bị thiệt một trung đoàn.

Cuộc tiến công ấy của quân Ê-cốt đã làm rối loạn hàng ngũ của quân đoàn Éc-lông. Không thể phá vỡ được cánh trái của quân Anh nữa, Na-pô-lê-ông liền thay đổi kế hoạch, ông tập trung lực lượng chủ yếu vào trung tâm và vào cánh phải quân địch. Vào khoảng ba giờ rưỡi chiều, sư đoàn cánh trái của quân đoàn Éc-lông đã chiếm được trại He-xanh, nhưng không còn đủ lực lượng để khuyếch trương chiến quả. Thấy vậy Na-pô-lê-ông liền giao cho Nây 40 liên đội kỵ binh của Mi-lô và Lơ-phe Đét-nu-ét với nhiệm vụ thọc sâu vào cánh phải quân Anh giữa Hu-gu-mông và trại He-xanh. Cuối cùng quân Pháp chiếm được lâu đài Hu-gu-mông, nhưng quân Anh, tuy bị chết hàng nghìn người, vẫn giữ được những vị trí chủ yếu.

Trong khi thi hành nhiệm vụ trọng đại ấy, kỵ binh Pháp bị kẹt vào giữa hỏa lực của bộ binh và pháo binh Anh. Mặc dầu bị tổn thất, những người còn sống vẫn không bị rối loạn. Có lúc, Oen-linh-tơn cho rằng mình đã hoàn toàn bị thất bại, và không phải Oen-linh-tơn chỉ nghĩ vậy, mà còn nói như vậy với bộ tham mưu của mình. Tình trạng tư tưởng của viên tướng Anh, được bộc lộ bằng những lời nói sau đây, khi được báo cáo là quân lính không thể giữ nổi một vài vị trí: "Nếu thế thì còn cách cố thủ cho tới chết! Tôi không còn lực lượng để tăng viện nữa. Phải hy sinh tới người cuối cùng, nhưng chúng ta phải đứng cho vững cho đến khi Bluy-khe tới" Oen-linh-tơn đã trả lời các báo cáo nguy cấp như vậy, đồng thời tung ra chiến trường những lực lượng cuối cùng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #305 vào lúc: 27 Tháng Tám, 2016, 10:10:06 pm »


Còn Na-pô-lê-ông thì không hy vọng gì vào quân bộ binh dự trữ. Chỉ còn hy vọng kỵ binh để ném vào lò lửa chiến đấu, Na-pô-lê-ông liều điều động 37 liên đội của Ken-téc-man. Trời tối dần. Cuối cùng hoàng đế đưa đội cận vệ vào cuộc chiến đấu và đích thân chỉ huy xung phong. Nhưng sau đó, tiếng hò reo nổi dậy, và súng nổ vang bên phía sườn phải quân Pháp, Bluy-khe cùng với 3 vạn quân ồ ạt xuất hiện trên chiến trường. Đội cận vệ vẫn còn không ngừng tiến công chừng nào Na-pô-lê-ông còn tin tưởng chắc chắn là Gru-si sẽ nối gót Bluy-khe đến chiến trường!

Nhưng trong phút chốc, tình trạng hốt hoảng đã tràn lan như một ngòi thuốc nổ: đội kỵ binh Phổ ùa vào đội cận vệ bị kẹp giữa hai vòng hoả lực; trong khi ấy, Bluy-khe, với số binh lực còn lại, tiến công vào trại Ben A-li-ăng, nơi Na-pô-lê-ông và đội cận vệ vừa rời bỏ, để chặn đường rút lui của Na-pô-lê-ông. Lúc đó, đã 8 giờ tối, nhưng trời còn sáng. Oen-linh-tơn, suốt ngày phải chịu đựng nhiều đợt xung phong ác liệt của quân Pháp, cuối cùng đã hạ lệnh phản công toàn diện. Gru-si vẫn biệt tăm. Cho đến phút cuối, ông hoàng vẫn uổng công chờ đợi Gru-si.

Giờ kết thúc đã đến. Đội cận vệ, với đội hình hình vuông, từ từ rút lui, liều chết mở đường vượt qua hàng ngũ dày đặc của quân địch, Na-pô-lê-ông rút lui, đi ngựa giữa một tiểu đoàn cận vệ che chở cho ông. Cuộc cầm cự quyết liệt của đội cận vệ vẫn kéo dài, làm chậm bước tiến quân chiến thắng. Viên đại tá Anh Han-kết hô to với thế trận hình vuông của đội quân cận vệ do tướng Căm-bron chỉ huy, đang bao vây tứ phía: “Các chiến sĩ Pháp dũng cảm, hãy hàng đi!". Nhưng họ thà chết còn hơn hàng, và tướng Căm-bron đã đáp lại lời của kẻ địch bằng một câu chửi khinh miệt.

Quân Pháp vẫn chống cự ở những địa điểm khác, đặc biệt là ở Plăng-sơ-noa, nơi quân đoàn dự bị của Lô-bo tác chiến, nhưng cuối cùng đã không chống nổi sức tiến công của các lực lượng quân Phổ còn nguyên vẹn, và họ đã chạy tán loạn để thoát thân. Cho mãi ngày hôm sau người ta mới tập hợp và tổ chức lại được một số tàn quân. Quân Phổ tiếp tục truy kích rất xa suốt đêm.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #306 vào lúc: 27 Tháng Tám, 2016, 10:50:35 pm »


VII

Hai vạn rưỡi quân Pháp, 2 vạn 2 nghìn quân Anh và Liên minh tử trận, bị thương nằm phơi ngổn ngang trên chiến trường. Quân đội Pháp bỏ chạy, mất hầu hết số pháo, hàng chục vạn quân Áo còn nguyên vẹn đã tiến gần biên giới nước Pháp, và hàng trăm nghìn quân Nga sẽ tiến bước theo sau, tất cả sự việc đó đã dồn Na-pô-lê-ông đến một tình thế hoàn toàn tuyệt vọng, và Na-pô-lê-ông đã thấy ngay được tình thế đó khi ông rời khỏi chiến trường Oa-téc-lô, nơi vừa mới chấm dứt sự nghiệp đẫm máu của ông. Phải chăng Gru-si đã phản bội, cố tình chậm trễ cho quân đội Pháp bị tiêu diệt, hay đã vô tình đi lầm đường? Trong lúc chỉ huy kỵ binh tiến công quân Anh, Nây đã chiến đấu như một anh hùng (theo nhận định của Chi-e) hay như một người mất trí (theo nhận định của Me-dơ-lanh)? Nên đợi đến trưa hãy khai chiến, hay nên khai chiến ngay từ sáng sớm để tiêu diệt quân Anh trước khi Bluy-khe kịp đến? Từ hơn một trăm năm nay, tất cả những câu hỏi đó và hàng nghìn câu khác đã làm bận tâm các nhà viết sử và thu hút sự say mê của những người sống vào thời đại Oa-téc-lô. Nhưng, chúng ta nên chú ý ngay rằng lúc ấy Na-pô-lê-ông rất ít quan tâm đến các vấn đề đó. Vẻ ngoài vô cùng lặng lẽ, và suy tưởng triền miên suốt dọc đường từ Oa-téc-lô về đến Pa-ri, nhưng nét mặt của Na-pô-lê-ông không ủ dột như sau trận Lai-xích, mặc dầu từ nay trở đi, đối với ông tất cả đều đã hết, không bao giờ trở lại nữa.

Một tuần lễ sau trận Oa-téc-lô, Na-pô-lê-ông phát biểu một nhận xét khá kỳ lạ bí ẩn của trận đánh đó: "Không phải các cường quốc đã chiến tranh chống lại tôi, mà là chống lại cách mạng. Lúc nào họ cũng coi tôi là đại biểu của cách mạng, là người của cách mạng". Mặc dầu trên những quan điểm khác nhau, Na-pô-lê-ông còn đứng rất xa, nhưng riêng về nhận xét ấy thì quan điểm của Na-pô-lê-ông đã gặp gỡ quan điểm thuộc phái tư tưởng tự do của những môn đồ của những thế hệ cận đại trong toàn cõi châu Âu. Chỉ cần nhắc lại cảm xúc của Héc-xen khi đứng trước bức tranh in lại miêu tả Oen-linh-tơn và Bluy-khe chào mừng nhau trên chiến trường Oa-téc-lô: "Na-pô-lê-ông đã xô đẩy các dân tộc đến bước đường cùng, làm cho họ sôi sục căm thù, ăn miếng trả miếng, và họ đã chiến đấu với một sự quyết liệt liều mạng cho kiếp nô lệ và cho bọn chủ của họ. Nền chuyên chế quân phiệt lần này đã bị nền chuyên chế phong kiến đánh bại... Tôi không thể dửng dưng trước bức tranh vẽ cuộc gặp gỡ giữa Bluy-khe và Oen-lin-tơn khi họ chiến thắng Oa-téc-lô. Tôi ngắm bức tranh đó rất lâu và lần nào tôi cũng có cảm giác rờn rợn. Oen-lin-tơn và Bluy-khe đã vui vẻ chào mừng nhau. Và làm sao mà những kẻ ấy lại không hài lòng cho được? Họ vừa mới hất bánh xe lịch sử trật khỏi con đường của nó và dìm lịch sử vào vũng lầy mà đến tận nửa thế kỷ nữa người ta cũng chưa thể lôi lên được... Trời đã hửng sáng rồi... Song châu Âu vẫn đang ngủ mê mệt, không biết rằng số phận của nó đã đổi thay". Héc-xen kết tội bản thân Na pô-lê-ông là ông đã xô đẩy các dân tộc châu Âu đến chỗ giận dữ vì chế độ độc tài của ông và không thèm đếm xỉa đến quyền lợi và phẩm cách của họ, còn Na-pô-lê-ông thì vẫn lặng thinh trước khía cạnh ấy của vấn đề, cái khía cạnh không hấp dẫn ông ta.

Nhưng qua lời phát biểu của ông, người ta thấy ông nhìn được rõ ràng trong một chừng mực nào đó, giai cấp quý tộc chuyên chế và phong kiến - giai cấp mà ông đã giáng cho nhiều trận thất bại - đã phục thù được ở Oa-téc-lô, rằng nước Pháp xuất phát từ cách mạng (có thể nói như vậy được) đã cùng với đội cựu cận vệ rút lui ngày 18 tháng 6 năm 1815.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #307 vào lúc: 27 Tháng Tám, 2016, 10:51:00 pm »


Rất đáng chú ý là ngay sau trận Oa-téc-lô, Na-pô-lê-ông đã chỉ nói đến toàn bộ thiên anh hùng ca vĩ đại của ông và việc mới xảy ra làm kết thúc thiên anh hùng ca đó như một người đứng ngoài cuộc quan sát và như thể ông không phải là nhân vật chính.

Một sự thay đổi bất thần đã diễn ra. Sau trận Oa-téc-lô, khi trở về Pa-ri, Na-pô-lê-ông không chiến đấu để bảo vệ ngai vàng nữa, mà ông đã từ bỏ tất cả. Chẳng phải vì lòng kiên định có một không hai đã rời bỏ Na-pô-lê-ông, mà chắc chắn vì ông đã không chỉ hành động theo sự hiểu biết chủ quan của ông và vì ông đã nhận thấy rất sâu sắc rằng ông đã hoàn thành tốt hay xấu sự nghiệp của mình và vai trò của mình đã chấm hết. Mười lăm tháng trước đây, khi cầm bút để ký bảng thoái vị lần đầu, Na-pô-lê-ông đã bất chợt ngẩng đâu lên và nói với các thống chế: "Sáng mai, chúng ta tiến quân và lại đánh chúng nó". Lúc đó, ông cho vai trò của mình chưa chấm dứt. Và ba tháng mới đây vào tháng 3 cũng cái năm 1815 này, Na-pô-lê-ông đã làm một việc mà chưa ai từng làm trong lịch sử thế giới, lúc đo ông còn đầy lòng tin tưởng mình, tin tưởng vào ngôi sao vận mệnh của mình.

Nhưng giờ đây, ngôi sao ấy đã tắt đi bất chợt, vĩnh viễn. Sau trận Oa-téc-lô, không khi nào Na-pô-lê-ông tuyệt vọng như đêm 11 tháng 4 năm 1814, cái đêm ông uống thuốc độc. Nhưng ông đã hoàn toàn mất mọi hứng thú hoạt động, ông chờ đợi kết quả của các biến cố sẽ đến với ông. Ông đã quyết định phó mặc hết thảy.

Về đến Pa-ri ngày 21 tháng 6, Na-pô-lê-ông triệu tập các bộ trưởng. Các-nô đề nghị yêu cầu hai viện tuyên bố tín nhiệm nền chuyên chính độc tài của Na-pô-lê-ông. Đa-vu chỉ khuyên rằng nên kéo dài nhiệm kỳ của Thượng nghị viện và giải tán Hạ nghị viện, Na-pô-lê-ông đã từ chối. Hạ nghị viện liền họp ngay, và tuyên bố nhiệm kỳ vĩnh viễn theo đề nghị của La-Phay-ét, con người mà ta lại thấy xuất hiện như trong lịch sử.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #308 vào lúc: 27 Tháng Tám, 2016, 10:51:26 pm »


Sau này, Na-pô-lê-ông có nói rằng ông chỉ cần nói một tiếng là nhân dân sẽ đập tan Hạ nghị viện, và số đông các nghị sĩ đã sống trong thời kỳ ấy đều xác nhận lời Na-pô-lê-ông. Nhưng nếu như vậy thì hẳn một lần nữa Na-pô-lê-ông phải đặt La-Phay-ét đối địch với "Ma-ra", phải đặt năm 1793 đối địch với những người thuộc phái tự do muốn làm sống lại năm 1789, chúng là những người mà một phần tư thế kỷ trước đây đã cứu vãn nước Pháp thoát khỏi châu Âu quân chủ chuyên chế. Trước cũng như sau Oa-téc-lô, chẳng bao giờ Na-pô-lê-ông muốn đi tới cực đoan như vậy.

Ngày 21, 22, 23 tháng 6, những tin tức lạ lùng nhất từ những khu ngoại ô thợ thuyền liên tiếp bay tới: ở những nơi đó, quần chúng tập chung đông đảo, họ lớn tiếng và kiên quyết tuyên bố phản đối việc hoàng đế thoái vị, yêu cầu tiếp tục đấu tranh chống quân xâm lược.

Suốt ngày 21 tháng 6, suốt đêm 21, 22, và suốt ngày hôm sau, các đoàn biểu tình tuần hành trong các khu ngoại ô Xanh-ăng-toan, Xanh-Mác-xen và khu ngoại ô Tăng-plơ, với những tiếng hò la: "Hoàng đế muốn năm! Đả đảo quân phản bội! Hoàng đế hay là chết! Không thoái vị! Hoàng đế! Vũ trang! Đả đảo Hạ nghị viện!" Nhưng Na-pô-lê-ông đã không muốn chiến đấu và làm vua nữa rồi.

Ở Pa-ri, bọn tài chủ hốt hoảng, những hội viên của cơ quan thương mại, những chủ nhà băng đều nhóm họp mặt với nhau, một bầu không khí khủng khiếp không sao tả xiết trùm lên thị trường chứng khoán. Na-pô-lê-ông có thể nhìn thấy rõ được rằng giai cấp tư sản đã bỏ rơi ông, đối với họ ông không còn tác dụng gì nữa và hình như còn nguy hiểm.

Bị phản bội bởi chính cái giai cấp mà ông đã dựa vào trong suốt triều đại của ông, ông đã dứt khoát từ chối không theo đuổi cuộc chiến đấu nữa.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #309 vào lúc: 27 Tháng Tám, 2016, 10:52:19 pm »


Ngày 22 tháng 6, Na-pô-lê-ông thoái vị lần thứ hai, nhường ngôi cho chú vua nhỏ thành Rôm - chú đã cùng với mẹ ở với ông ngoại là hoàng đế Phran-xơ từ mùa xuân năm 1814. Nhưng lần này Na-pô-lê-ông không thể hy vọng rằng các cường quốc sẽ ưng thuận gạt bỏ bọn Buốc-bông để chấp nhận con trai ông.

Một khối quần chúng khổng lồ tụ tập quanh điện Ê-li-dê, nơi Na-pô-lê-ông ở sau khi rời quân đội trở về. Họ hô lớn: "Không thoái vị! Hoàng đế muôn năm!”. Họ làm náo động đến nỗi tầng lớp tư sản ở trong khu trung tâm thành phố rất lo sợ rằng sẽ nổ ra một cuộc cách mạng, ám ảnh của một cuộc cách mạng và thậm chí một cuộc cách mạng có thể đưa Na-pô-lê-ông lên làm độc tài bắt đầu bám chặt lấy mọi tâm chí, kể cả bọn buôn bạc kếch xù, và làm cho họ sợ hãi. Nhưng khi tin Na-pô-lê-ông thoái vị thì tiền lợi tức ngân khố nhà nước tăng vọt lên: giai cấp tư sản vui lòng cam chịu để quân Anh, Phổ, Áo và Nga nay mai tiến vào thủ đô hơn là để cho các khu ngoại ô thợ thuyền, những người muốn kháng chiến chống xâm lược, hình như đã bắt đầu tiến vào vũ đài chính trị.

Tối 22, khi được tin Na-pô-lê-ông đi Man-me-dông và ông đã nhất quyết thoái vị thì các đám đông dần dần giải tán.

Tình trạng tư tưởng của một bộ phận trong số thợ thuyền đã tham gia các cuộc biểu tình ấy được bộc lộ một phần qua cái thực tế là ngoài số dân lao động ở chính thủ đô, thường thường trong mùa hè còn có thêm hàng ngàn thợ xây dựng từ các tỉnh kéo đến thủ đô để xây dựng nhà cửa và đường phố. Họ là thợ đẽo đá, thợ mộc, thợ khoá, thợ sơn, thợ lợp, thợ thảm, thợ móng, v.v... So với công nhân ở Pa-ri thì những người công nhân làm có vụ ấy gắn bó với nông thôn - nơi mà từ đó họ ra đi - nhiều hơn. Vừa là công nhân, vừa là nông dân nên họ càng căm ghét dòng họ Buốc-bông hơn và họ coi Na-pô-lê-ông là người bảo vệ họ chống dòng họ Buốc-bông ngóc đầu dậy. Những người ấy đã không thể bình tâm được, cũng không thể đành tâm được trước sự thoái vị của Na-pô-lê-ông. Những người ăn mặc sang trọng không chịu hô theo quần chúng: "Không được thoái vị" đã bị họ nghĩ là “quý tộc" và đã bị họ hành hung chí tử, bỏ mặc cho chết ngoài đường phố.

Quần chúng nhân dân liên tiếp tụ tập hết cuộc này đến cuộc khác. Một người đã chứng kiến những biến cố xảy ra ở Pa-ri, đã viết: "Chưa bao giờ nhân dân, những người phải đem xương máu ra chiến đấu, lại đã tỏ ra gắn bó với hoàng đế đến như vậy". Tình hình ấy đã diễn ra không phải chỉ trước khi thoái vị, mà cả sau những ngày 23, 24, 25 tháng 6, các đám đông hàng vạn quần chúng vẫn tiếp tục biểu tình phản đối cái sự việc đã rồi ấy.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM