Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 06:04:08 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Napoleon Bonaparte  (Đọc 94059 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #270 vào lúc: 16 Tháng Tám, 2016, 02:12:12 pm »


Cũng trong lúc đó, biết bao biến cố đã xảy ra ở Pa-ri, Tan-lây-răng nhóm họp cấp tốc một bộ phận của thượng nghi viện - gồm những kẻ Tan-lây-răng tin cậy đã biểu quyết truất ngôi dòng họ Bô-na-pác và lập lại dòng họ Buốc-bông và biến cố nghiêm trọng hơn nữa là Mắc-mông phản bội hoàng đế, đã cùng với quân đoàn của y rút về Véc-xây, như vậy là y đã chạy sang hàng ngũ Tan-lây-răng và “chính phủ lâm thời” do Tan-lây-răng điều khiển.

Thoạt tiên, A-lêch-xan do dự: cả A-lêch-xan lẫn ông hoàng đế Phan-xơ không phản đối gì lắm việc chú bé “Na-pô-lê-ông đệ nhị” lên ngôi, nhưng bọn bảo hoàng đứng vây quanh bọn vua chúa Liên minh đã năn nỉ cố sao cho những đề nghị của Na-pô-lê-ông bị bác bỏ. Nhưng rồi họ đã không do dự nữa khi nhận được tin Mác-mông phản bội. Sự phản bội của các lực lượng chủ lực, do Na-pô-lê-ông trực tiếp chỉ huy đã làm cho Na-pô-lê-ông không thể tiến về Pa-¬ri được nữa, và phe Liên minh đã quyết định trao ngai vàng cho dòng họ Buốc-bông. Khi Cô-lanh-Cua từ giã Sa hoàng trở về, A-lêch-xan nói rằng: “Ngài hãy khuyên nhủ hoàng đế của ngài nên tuân theo số mệnh”. Để một lần nữa bày tỏ lòng khâm phục “con người vĩ đại”, A-lêch-xan nói tiếp: “Tôi sẽ làm tất cả những điều có thể làm vì danh dự của Na-pô-lê-ông”.

Trước khi Cô-lanh-Cua đi, phe Liên minh yêu cầu Cô-lanh-Cua cố nói sao cho hoàng đế thoái vị không điều kiện: người ta hứa với Cô-lanh-Cua rằng sẽ giữ danh hiệu hoàng đế cho Na-pô-lê-ông và giao cho ông ta toàn quyền sở hữu đảo En-bơ, đồng thời họ nài nẫm về bản tuyên bố thoái vị được ký càng sớm càng hay. Phe Liên minh và bọn bảo hoàng do Tan-lây-răng cầm đầu, lúc này Tan-lây-răng đã ngang nhiên đứng về phía quân Liên minh, đều lo sợ trước một cuộc nội chiến có thể xảy ra và trước việc số đông quần chúng binh sĩ vẫn tuyệt đối trung thành với Na-pô-lê-ông. Chỉ có thể trừ được những sự rối loại khi bản thân ông hoàng đế ấy chính thức tuyên bố thoái vị. Lúc này nghị quyết của Thượng nghị viện chẳng có chút giá trị nào về mặt tinh thần: người ta coi các thượng nghị sĩ như những kẻ tôi tớ của Na-pô-pê-ông, họ đã phản bội người chủ của họ không chút do dự để đi hầu một người chủ khác. Khi nói chuyện với A-lêch-xan, Nay đã thốt lên: “Cái Thượng nghị viện khốn kiếp ấy, đáng lẽ nó có thể làm cho chúng ta tránh được mọi đau khổ bằng cách bền bỉ như thế nào để chống lại khát vọng xâm lược của Na-pô-lê-ông, cái Thượng nghị viện khốn kiếp ấy, nó luôn luôn chịu vâng theo ý chí của con người mà ngày hôm nay nó gọi là bạo chúa, thế thì cái Thượng nghị viện ấy có quyền gì lên tiếng vào lúc này. Nó đã nín thít cần phải nói, vậy thì hiện nay ai cho phép nó được nói trong khi tất cả đều biết nó phải câm đi”. Chỉ Na-pô-lê-ông, đích thân Na-pô-lê-ông nói một lời mới có thể chấm dứt được tình trạng lưỡng nan nặng nề này, và có thể giải được lời thề khi xưa cho binh lính, sĩ quan, tướng lĩnh và viên chức của Na-pô-lê-ông. Đó là ý nghĩ của những người Pháp thuộc bất cứ đảng phái nào cũng như của phe Liên minh.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #271 vào lúc: 16 Tháng Tám, 2016, 02:14:23 pm »


IV

Tối ngày 5 tháng 4, Cô-lanh-Cua, Nây và Mắc-đô-nan từ Pa-ri về đến Phông-ten-nơ-blô. Sau khi báo cáo với Na-pô-lê-ông về những cuộc bàn bạc với A-lêch-xan và phe Liên minh, Cô-lanh-Cua, Nây và Mắc-đô-nan khuyên Na-pô-lê-ông nên chịu theo tình thế, Na-pô-lê-ông nói rằng ông vẫn có một đạo quân binh lớn vẫn trung thành với ông. “Vả lại rồi khắc biết!... Mai đây!”. Sau khi mọi người ra, Na-pô-lê-ông cho gọi Cô-lanh-Cua tới. “Cô-lanh-Cua ạ, người đời, chao ôi, người đời!... - Na-pô-lê-ông kêu lên như vậy trong cuộc chuyện trò kéo dài suốt đêm ấy - Các thống chế của tôi đi theo con đường của Mác-mông lòng họ đầy giận dữ, nhưng họ cũng rất đáng giận bởi họ đã thả mình lao trên con đường danh lợi! Họ rất muốn được giữ nguyên chức vị dưới triều đại Buốc-bông mà không bị ô danh như Mác-mông”. Na-pô-lê-ông đã nói rất nhiều về việc Mác-mông phản bội ông ta trong giờ phút quyết định ấy. “Tên khốn nạn không biết cái gì đang chờ đợi nó: tên tuổi của nó sẽ bị ô nhục. Tôi không nghĩ đến tôi nữa, ông hãy tin như vậy, sự nghiệp của tôi đã hết hoặc sắp hết rồi. Vả lại, khi lòng người đã chán tôi và và hướng về người khác, liệu còn thích thú gì nữa khi trị vì? Tôi nghĩ đến nước Pháp... Chà! nếu bọn đớn hèn ấy không bảo tôi, thì chỉ trong 4 tiếng đồng hồ tôi sẽ không khôi phục được thanh danh, ông hãy tin là thế, bởi vì với vị trí hiện nay của quân Liên minh, sau lưng chúng là Pa-ri trước mặt là tôi, chúng nhất định bị tiêu diệt. Để thoát khỏi nguy cơ đó, bọn chúng buộc phải rút khỏi Pa-ri và sẽ không bao giờ trở lại nữa. Thằng Mác-mông khốn kiếp ấy đã phá hoại cái kết quả tốt đẹp đó, nếu không, nhất định là chúng ta có cách để vươn dậy trong khi kéo dài chiến tranh. Tôi tin rằng, ở khắp mọi nơi, nông dân vùng Lo-ren, Săm-pa-nhơ, Buốc-gơ-nhơ chọc tiết những quân địch đi lẻ. Hơn nữa, bọn Buốc-bông hiện đã về, có trời biết được cái gì sẽ đi theo chúng nó. Chúng nó là cái gì? Là hoà bình đối với nước ngoài, nhưng chiến tranh ở trong nước. Một năm nữa rồi ông thấy chúng sẽ làm được gì cho đất nước. Nhưng, bây giờ đây là cần một cái gì khác chứ không phải tôi. Tên tuổi, hình ảnh, thanh kiếm của tôi đã gây sợ hãi. Đành phải chịu. Tôi sẽ gọi các thống chế đến, và ông sẽ thấy họ vui mừng khi tôi gỡ cho họ khỏi chỗ bối rối là cho phép họ làm như Mác-mông mà vẫn giữ trọn được danh dự”.

Đêm ấy, Na-pô-lê-ông thổ lộ với Cô-lanh-Cua tất cả những điều mà chắc chắn là ông ngẫm nghĩ từ lâu; trong đó, điều nổi bật lên thì rõ rệt là sự mệt mỏi kinh khủng chưa từng có của đất nước đang không sao chịu đựng được một cái triều đại đẫm máu, cái trò nướng sinh mạng không dứt, những cuộc tàn sát rùng rợn, những sự dâng hiến bao nhiêu thế hệ hy sinh cho mục đích không thể hiểu được.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #272 vào lúc: 16 Tháng Tám, 2016, 02:15:30 pm »


“Tôi muốn giữ vững cho nước Pháp là một đế quốc toàn cầu”, Na-pô-lê-ông đã thành thật thú nhận như vậy vào năm 1814; lúc ấy, ông ta không biết rằng những thế hệ mai sau sẽ được chứng kiến một trường phái những nhà sử học yêu nước Pháp cố công gắng sức chứng minh rằng Na-pô-lê-ông suốt đời không đánh ai, mà chỉ là để tự vệ; nếu Na-pô-lê-ông đã đến Viên, Mi-lan, Ma-drit, Béc-lin, Mat-xcơ-va thì duy nhất chỉ là để bảo vệ “biên giới thiên nhiên” của nước Pháp, và ông đến Mat-xcơ-va là để “bảo vệ” sông Ranh. Song chính Na-pô-lê-ông lại không nghĩ ra được lời giải thích đó. Như vậy, Na-pô-lê-ông còn thành thật hơn nhiều.

Ông ta cũng không biết được con số thống kê chính xác về các cuộc chiến tranh của mình; mãi mới đây, sau khi tìm kiếm trong những tư liệu khác An-be May-ni-ê mới xác định được, theo thống kê của ông số công dân Pháp bị chết và mất tích trong các trận đánh và các chiến dịch thời Na-pô-lê-ông đã lên tới 1 triệu người (47 vạn 1 nghìn người bị giết chính thức ghi chép trong sổ sách và 53 vạn người mất tích hẳn). Đó là không kể số người bị thương nặng, bị tàn phế, không chết ngay ở chiến trường, mà ít lâu sau mới chết trong các viện quân y vì các vết thương của họ.

Những con tính của May-ni-e không bao gồm toàn đế quốc Na-pô-lê-ông, chỉ bao gồm: "nước Pháp cũ" những "quận cũ", nghĩa là không phải toàn bộ đất đai do Na-pô-lê-ông trị vì kể từ ngày 18 tháng Sương mù (bởi vì không tính nước Bỉ, xứ Pi-ê-mông, và những đất đai khác mà Cách mạng và bản thân Na-pô-lê-ông đã chiếm trước ngày ông ta làm đảo chính), chỉ tính có nước Pháp trong phạm vi những đường biên giới vào năm 1799. Ngoài ra, cũng còn chưa tính đến tất cả các cuộc chiến tranh mà Na-pô-lê-ông đã tiến hành từ năm 1800 (nói một cách khác là còn gác ra ngoài những con số thiệt hại trong chiến dịch đầu tiên ở Ý vào năm 1796-1797, trong cuộc chiến tranh ở Ai Cập và ở Xi-ri). Như vậy là với dân số 26 triệu người, kể cả đàn bà và trẻ con, "các quận cũ" đã mất hơn 1 triệu người trong các cuộc chiến tranh của Na-pô-lê-ông. Na-pô-lê-ông không thể biết được điều đó một cách chính xác như vậy, tuy nhiên Na-pô-lê-ông cũng thấy được những làng mạc bị thưa thớt bởi những cuộc trưng binh, cũng thấy được những bãi chiến trường của vô số trận giao tranh của mình. Đôi lúc, chính bản thân Na-pô-lê-ông cũng thấy bồn chồn lo lắng và ông ta cố gắng an ủi người khác bằng cách vạch ra cho họ thấy binh lính trong quân đội khác, tức là tất cả những người lính Đức, Thụy Điển, Ý, Bỉ, Hà Lan, Ba Lan, I-ly-ri, v.v... đã bị tiêu diệt nhiều hơn lính Pháp.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #273 vào lúc: 16 Tháng Tám, 2016, 02:15:54 pm »


Nhưng sự tổn thất ba hoặc bốn triệu người ngoại quốc, chiến đấu trong quân đội Na-pô-lê-ông là một sự an ủi chẳng có giá trị gì đối với sự tổn thất một triệu người Pháp "chính cống". Với Na-pô-lê-ông hàng triệu quân địch bị giết, bị mất tích, bị tàn phá đã chẳng đáng để ông nói đến bao giờ. Trong suốt đêm dài ấy, đêm Na-pô-lê-ông đi đi lại lại trong những căn phòng của lâu đài Phông-ten-nơ-blô nguy nga và tẻ ngắt đó, đối diện Cô-lanh-Cua, làm một cuộc tổng kết, Na-pô-lê-ông chỉ rút ra một kết luận chủ yếu sau đây: Na-pô-lê-ông đã làm cho nước Pháp bị mệt mỏi suy nhược, đất nước đang sức cùng lực kiệt; chắc chắn bọn Buốc-bông chẳng làm nổi trò trống gì và sẽ không ai làm được việc hơn Na-pô-lê-ông là được. Trong những ngày tháng 4 ấy, người ta báo cho Na-pô-lê-ông biết rằng nếu như các nhà buôn ở Pa-ri và giai cấp tư sản không nhiệt tình đón tiếp quân Liên minh bằng giới quý tộc bảo hoàng thì họ cũng đã lớn tiếng nói rằng họ bị chiến tranh tàn phá và xô đẩy đến bước đường cùng.

Có thể nói rằng đêm ấy Na-pô-lê-ông không ngủ. Bình minh ngày mồng 6 tháng 4 hé rạng; Na-pô-lê-ông cho gọi các thống chế đến và nói rằng: "Xin các vị cứ yên tâm. Cả các vị và cả quân đội cũng như gia đình tôi mà trao quyền thừa kế cho con trai tôi. Tôi thiết tưởng cái kết cục như vậy sẽ có lợi cho các ngài nhiều hơn là cho tôi, vì hẳn là các ngài sẽ được sống dưới một chính thể thích hợp với gốc xuất thân, với tình cảm và lợi ích của các ngài. Điều đó có thể làm được, nhưng với một sự phản bội bất chính đã cướp mất của các ngài cái hoàn cảnh sống mà tôi mong mỏi đem lại cho các ngài. Đáng lẽ chúng ta có thể làm được nhiều việc khác nữa, chúng ta có thể khôi phục được nước Pháp, nếu quân đoàn thứ 6 (Mác-mông) không phản bội. Nhưng sự việc đã khác hẳn rồi. Tôi đành tuân theo số phận của tôi, các ngài hãy tuân theo số phận của các ngài. Các ngài hãy cam chịu sống dưới triều đại Buốc-bông và phục vụ trung thành bọn chúng... Các ngài mong mỏi được nghỉ ngơi, thì để cho linh cảm của tôi thành sự thật! Thế hệ chúng ta được sinh ra không phải để nghỉ ngơi, cảnh hòa bình mà các ngài ao ước sẽ giết chết nhiều người trong các ngài nằm trên nhung đệm hơn là cảnh chiến tranh dầm mưa dãi tuyết.”.

Rồi Na-pô-lê-ông cầm lấy tờ giấy và đọc cho các thống chế nghe: "Khi các cường quốc Liên minh đã tuyên bố hoàng đế Na-pô-lê-ông là trở lực duy nhất cho việc hòa bình trở lại ở châu Âu, thì hoàng đế Na-pô-lê-ông, trung thành với lời thề của mình, tuyên bố hoàng đế và những người thừa kế của hoàng đế sẽ từ bỏ ngai vàng nước Pháp và nước Ý, và vì lợi ích của nước Pháp, hoàng đế sẵn sàng hy sinh cá nhân, cho đến cả tính mạng của mình". Hoàng đế ngồi xuống bàn và ký tên. Các thống chế cảm động và hôn tay ông và tíu tít tung ra hàng tràng những lời xu nịnh như họ đã từng làm trong suốt thời gian ông hoàng đế ấy trị vì. Cô-lanh-Cua cùng với hai thống chế đem ngay văn kiện ấy tới Pa-ri.

A-lêch-xan và phe Liên minh vô cùng lo lắng đợi kết cục. Khi nắm được bản tuyên bố thoái vị trong tay họ vui mừng khôn xiết. A-lêch-xan ưng chuẩn đảo En-bờ sẽ hoàn toàn thuộc chủ quyền của Na-pô-lê-ông, và con trai Na-pô-lê-ông, ông vua nhỏ thành Rôm, cùng với Ma-ri Lu-i-dơ sẽ được cấp những đất đai gọi là những vương hầu độc lập ở Ý.

Tất cả đã xong xuôi.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #274 vào lúc: 16 Tháng Tám, 2016, 02:17:44 pm »


V

Lúc này, Na-pô-lê-ông lại bị lôi cuốn vào cái ý nghĩ chắc hẳn đã nhiều lần ám ảnh ông trong suốt thời gian chiến dịch năm 1814, một chiến dịch vô cùng chói lọi về phương diện chiến lược, nhưng thực tế chỉ là một công trình tuyệt vọng. Năm 1813, các thống chế, tướng lĩnh, sĩ quan, cần vụ và ngay cả các binh lính đội cận vệ đều nhận thấy rằng ông hoàng đế đã liều mạng, tình thế đòi hỏi ông nhưng thực ra những trường hợp liều mạng ấy hoàn toàn vô ích, chứ không như trong các cuộc chiến tranh trước kia, ở cầu Ác-côn năm 1796, hoặc ở bãi tha ma Ai-lau năm 1807.

Như chúng tôi đã nói, vào năm 1813, sau cái chết của Đuy-rốc, hoàng đế ngồi lặng lẽ một chốc trên một rễ cây, không nhúc nhích và như một tấm bia làm mồi cho những mảnh đạn đại bác đang tung toé quanh mình. Năm 1814, những hành động khác thường ấy lại diễn ra nhiều hơn và không còn ai là người không hiểu ý nghĩ của chúng nữa. Rõ nhất là trong trận Ác-xit-xuya Ô-bơ ngày 20 tháng 3, khi Na-pô-lê-ông lại một lần nữa đi tới cái địa điểm mà chính Na-pô-lê-ông đã hạ lệnh cho binh sĩ rút lui vì không thể giữ được nữa, thì tướng Éc-xen-man đã lao tới Na-pô-lê-ông để ngăn lại, nhưng thống chế Xê-ba-xti-a-ni nói với tướng Éc-xen-man: "Để mặc hoàng đế. Ông không biết là hoàng đế đã có dụng ý sao, hoàng đế muốn kết liễu đời mình’'. Nhưng chẳng một làn đạn nào, một quả đạn đại bác nào muốn chạm vào hoàng đế.

Na-pô-lê-ông luôn luôn thấy rằng tự tử là biểu hiện của sự yếu đuối và hèn nhát, và trong trận Ác-xit-xuya Ô-bơ, cũng như trước đây, trong trường hợp tương tự vào năm 1813 và năm 1814, trong khi đi tìm cái chết bằng một sự tự tử biến hình, không tự tay mình kết liễu lấy cuộc đời thì hiển nhiên là Na-pô-lê-ông đã tự dối mình.

Nhưng ngày 11 tháng 4 năm 1814, tức là năm ngày sau khi Na-pô-lê-ông thoái vị, trong khi ở lâu đài Phông-ten-nơ-blô, người ta đang sửa soạn cho Na-pô-lê-ông đi ra đảo En-bơ thì sau khi cáo từ Cô-lanh-Cua, người mà Na-pô-lê-ông dành nhiều thời gian để gặp gỡ trong những ngày cuối cùng đó, Na-pô-lê-ông đã lui về phòng riêng của mình. Sau này người ta phát hiện những đồ dùng cần thiết khi đi chiến dịch mà ông ta luôn luôn đem theo mình.

Ở Phông-ten-nơ-blô, Na-pô-lê-ông phải cầu cứu đến nó và ông đã uống hết ống thuốc phiện.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #275 vào lúc: 16 Tháng Tám, 2016, 02:18:43 pm »


Những cơn đau đớn khủng khiếp đã dằn vặt ông dữ dội. Do linh tính báo trước điềm xấu, Cô-lanh-Cua vào phòng của hoàng đế và tưởng rằng hoàng đế bất thần bị bệnh, đã định chạy vội đi tìm viên thầy thuốc riêng của hoàng đế, nhưng Na-pô-lê-ông yêu cầu Cô-lanh-Cua đừng gọi ai cả và cũng lại đã giận dữ ra lệnh cấm Cô-lanh-Cua làm việc ấy. Những cơn co giật mỗi lúc một ác liệt thêm, đến nỗi Cô-lanh-Cua phải bỏ đi và đánh thức bác sĩ Y-ăng, người đã pha chế thuốc phiện cho hoàng đế sau trận Ma-lôi-a-rô-xla-vét. Nhìn thấy ống thuốc trên mặt bàn, bác sĩ hiểu ngay. Na-pô-lê-ông bắt đầu phàn nàn là thuốc độc quá yếu hoặc đã hả hơi, và nghiêm nghị đòi viên bác sĩ phải cho ngay một liều khác. Bác sĩ Y-ăng vội vàng rời căn phòng, vừa thề rằng sẽ không bao giờ phạm một tội lỗi như vậy lần thứ hai. Những cơn đau của Na-pô-lê-ông kéo dài trong vài giờ vì Na-pô-lê-ông không chịu uống thuốc giải độc.

Na-pô-lê-ông nghiêm khắc yêu cầu giữ kín sự việc xảy ra. Sau nhiều cơn quằn quại khủng khiếp Na-pô-lê-ông buộc miệng nói: "Cái chết thật là khó, mà ở ngoài chiến trường thì lại dễ quá. Chao ôi! Sao tôi lại không được chết ở Ác-xit-xuya Ô-bơ".

Thuốc độc không có năng lực giết người; từ đó Na-pô-lê-ông không quay lại ý định tự tử nữa và cũng không bao giờ nhắc lại việc đó.

Việc chuẩn bị để lên đường đã xong. Theo những điều kiện đã quy định với quân Liên minh, ông hoàng đế được đem theo ra đảo En-bơ một tiểu đoàn trong đội cựu cận vệ.

Ngày 20 tháng 4 năm 1814, tất cả đã sẵn sàng. Đoàn xe đưa Na-pô-lê-ông, một số nhân viên tùy tùng của ông ta và các uỷ viên của các cường quốc Liên minh đi theo hoàng đế ra đảo En-bơ, đã đậu thành hàng ở chân tường lâu đài.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #276 vào lúc: 16 Tháng Tám, 2016, 02:19:52 pm »


Na-pô-lê-ông muốn từ biệt đội cận vệ của ông. Đội cận vệ cũng đã đứng thành hàng ngũ ở trong sân chính lâu đài, một cái sân rộng lớn mà những nhà du lịch khi đến thăm quan Phông-ten-nơ-blô đều biết tiếng và nó đã được gọi là"sân vĩnh biệt".

Đội cựu cận vệ cùng các sĩ quan và các tướng lĩnh xếp thành đội hình chiến đấu ở phía trước, đội cận vệ mới ở phía sau. Khi hoàng đế hiện ra, người cầm cờ hạ lá cờ của đội cựu cận vệ xuống chân hoàng đế.

"Hỡi các binh sĩ trong đội cựu cận vệ của ta, xin vĩnh biệt các người. Từ hai mươi năm nay, ta thường xuyên cùng các người đi trên con đường của vinh dự và chiến công. Trong những ngày cuối cùng này, cũng như trong những ngày cường thịnh trước kia của chúng ta, các người đã luôn luôn là mực thước của lòng dũng cảm và lòng trung nghĩa. Với những người như các người thì mục đích của chúng ta không thể nào thất bại được... nhưng biết đâu đó chẳng đã là nội chiến. Bởi vậy ta phải hy sinh mọi quyền lợi của chúng ta cho lợi ích của tổ quốc. Ta đi. Các người, các bạn thân thiết của ta, hãy tiếp tục phục vụ nước Pháp... Xin vĩnh biệt các bạn! Ta những muốn ghì chặt tất cả các bạn vào lòng ta, nhưng thôi, đành hôn lá cờ của các bạn".

Na-pô-lê-ông không thể nói được hơn nữa. Tiếng ông đã tắc nghẹn. Ông ôm hôn người cầm lá cờ, rồi bước nhanh lên xe. Đoàn xe chuyển bánh giữa những tiếng hô “Hoàng đế muôn năm!". Nhiều binh lính cận vệ khóc nức nở.

Thuật lại cảnh tưởng ấy, báo chí Anh viết: "Thiên anh hùng ca vĩ đại nhất của lịch sử thế giới đã chấm dứt: "Na-pô-lê-ông đã từ giã đội cận vệ của ông"".

Nhưng thực tế, thiên anh hùng ca hai mươi năm trời đó, bắt đầu từ tháng 12 năm 1793 ở Tu-lông đến tháng 4 năm 1814 ở Phông-ten-nơ-blô, chưa phải đã hoàn toàn chấm dứt.

Na-pô-lê-ông hẳn còn làm cho thế giới không ngờ tới được, cái thế giới từ hai mươi năm qua dường như đã từng học thuộc chữ ngờ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #277 vào lúc: 17 Tháng Tám, 2016, 10:46:08 pm »


CHƯƠNG MƯỜI SÁU

MỘT TRĂM NGÀY
1815


I

Trước khi nói đến câu chuyện về sự kiện dị thường nhất trong cuộc đời của Na-pô-lê-ông cần chú y đến điều sau đây. Sau khi đến đảo En-bơ, trong những ngày đầu, rõ ràng hoàng đế không còn ý đồ gì nữa, ông ta cho rằng cuộc đời chính trị của ông đã hết và đã chỉ có ý định viết về lịch sử triều đại của mình như ông đã hứa hẹn. Ít ra đó cũng là ý nghĩ nảy ra ở Na-pô-lê-ông suốt trong sáu tháng đầu tiên sống trên đảo. Ông sống yên tĩnh và bình thản. Ở những quận miền nam nước Pháp, khi Na-pô-lê-ông đi qua, bọn bảo hoàng đã tỏ thái độ vô cùng thù địch và có khi suýt gây nguy hiểm đến tính mạng của ông, nhưng rồi ngày 3 tháng 5 năm 1814, ông đã tới đảo En-bơ. Từ đây, Na-pô-lê-ông sống trên mảnh đất hiu quạnh, giữa những dân cư xa lạ đã đón người thủ lĩnh mới của họ với thái độ cung kính nhất.

Mùa xuân năm 1811, đúng tròn ba năm trước ngày Na-pô-lê-ông đặt trên lên đảo En-bơ, Na-pô-lê-ông đã tiếp tướng Vrét-đơ ở cung điện Tuy-lơ-ri lúc này đang vào giai đoạn chuẩn bị công khai cho chiến dịch nước Nga. Vrét-đơ đã cung kính đánh bạo đưa ra ý kiến không nên mở chiến dịch nước Nga, thì Na-pô-lê-ông đột ngột ngắt lời Vrét-đơ rằng: "ba năm nữa, ta sẽ làm bá chủ hoàn cầu".

Sau cuộc gặp gỡ ba năm, "đại đế quốc" sụp đổ, còn Na-pô-lê-ông trị vì một hòn đảo rộng 223 ki-lô-mét vuông với ba thị trấn và vài ngàn dân. Số phận đã đưa Na-pô-lê-ông trở về nơi chôn rau cắt rốn: đảo En-bơ cách đảo Cóoc chừng 50 ki-lô-mét. Hồi tháng 4 năm 1814, đảo En-bơ vẫn thuộc quyền công tước Tô-xcan, theo yêu cầu của phe Liên minh, công tước đã nhường lại cho ông hoàng đế thất thế.

Na-pô-lê-ông đã đi xem xét lãnh địa của ông, tiếp xúc với nhân dân và hình như có ý định ở lâu dài trên đảo. Thỉnh thoảng gia đình ông đến thăm: mẹ ông, bà Lê-xi-ti-a, em gái của ông, quận chúa Pô-lin Booc-ghe. Bà bá tước Va-lep-xca, người từng quan hệ mật thiết với Na-pô-lê-ông hồi ông ở Ba-lan và đã yêu Na-pô-lê-ông suốt đời, cũng đến thăm. Ma-ri Lu-i-dơ và con trai không đến, một phần vì hoàng đế nước Áo không cho phép, vả chăng Ma-ri Lu-i-dơ cũng không tha thiết lắm với việc gặp lại chồng. Những người Pháp viết tiểu sử Na-pô-lê-ông thường công kích sự thờ ơ phụ bạc của Ma-ri Lu-i-dơ, họ quên hẳn mất rằng năm 1810, khi Na-pô-lê-ông cầu hôn với Ma-ri Lu-i-dơ thì ông ta cũng như mọi người, có ai đếm xỉa đến việc Ma-ri Lu-i-dơ có ưng thuận hay không. Cũng cần nhắc lại thư Ma-ri viết ở Ô-phen gửi cho một người bạn gái thân hồi đầu tháng 1 năm 1810: "Từ khi Na-pô-lê-ông ly dị Giô-dê-phin, mỗi lần giở tờ nhật báo Phrăng-pho, mình chỉ muốn tìm đến người vợ mới của Na-pô-lê-ông, và thú thực là sự chậm trễ ấy gây cho mình nhiều lo ngaị. Mình chỉ còn biết phó thác số phận mình trong tay đấng tối cao… Nhưng nếu điều bất hạnh chẳng tha mình, mình sẵn sàng hy sinh hạnh phúc riêng cho lợi ích quốc gia”. Vị hôn thê và người vợ mai sau của vị hoàng đế đã suy tính như vậy đó về sự cầu hôn đang đe dọa nàng. Đế quốc của Na-pô-lê-ông sụp đổ tất nhiên là sự giải phóng đối với Ma-ri.

Hoàng đế cũng không được gặp người vợ đầu tiên mà ông đã yêu tha thiết trước khi ly dị, Giô-dê-phin đã chết ở Man-me-dông ngày 29 tháng 5 năm 1814, sau khi Na-pô-lê-ông đến đảo En-bơ vài tuần lễ. Tin đó làm cho hoàng đế Na-pô-lê-ông ủ dột và trầm lặng trong mấy ngày liền.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #278 vào lúc: 17 Tháng Tám, 2016, 10:47:03 pm »


Những ngày tháng đầu tiên đã trôi qua như vậy lặng lờ và đơn điệu trên hòn đảo En-bơ. Hoàng đế thản nhiên trước việc đời và cũng không dấu diếm ai bản chất tình cảm của mình. Ông trầm ngâm suy tưởng hàng tiếng đồng hồ liền.

Chỉ từ mùa thu năm 1914, và đặc biệt là từ tháng 11, Na-pô-lê-ông mới bắt đầu chú ý đến tất cả những điều người ta kể lại tình hình nước Pháp và hội nghị Viên vừa khai mạc vào hồi ấy. Không thiếu gì người cung cấp tin tức. Từ hải cảng Pi-ôm-bi-nô ở Ý, cách đảo En-bơ không quá 12 ki-lô-mét, và trực tiếp từ nước Pháp bay đến cho Na-pô-lê-ông biết rõ rằng, sau khi trở lại ngôi báu, bọn Buốc-bông và quần thần của chúng đã tỏ ra không có chút uy tín nào và ngu xuẩn đến mức không ai tưởng tượng được.

Tan-lây-răng, kẻ thông minh nhất trong bọn đã phản bội Na-pô-lê-ông và đã góp phần khôi phục dòng họ nha Buốc-Bông năm 1814, ngay lúc đó đã nói rằng: "Bọn chúng vẫn hệt như ngày xưa". Trong một cuộc hội đàm với Cô-lanh-Cua, A-lêch-xan đệ nhất cũng cùng chung ý nghĩ như vậy và nói rằng bọn Buốc-bông không chịu thay đổi gì cả và là những kẻ không thể làm cho thay đổi được.

Bản thân lão già tê thấp Lu-i XVIII là một kẻ rất thận trọng, nhưng em hắn, bá tước quận Ác-toa và mấy đứa con của y là công tước Ăng-gu-lêm và Be-ry, cũng như cả cái tập đoàn lưu vong quay trở về cùng với dòng họ Buốc-bông đều xử sự tuồng như chưa hề đã có cuộc cách mạng nổ ra và chưa hề có Na-pô-lê-ông ở trên đời. Bọn chúng rất vui lòng quên đi và tha thứ cho những tội lỗi của nước Pháp, với điều kiện là đất nước ấy phải tự nguyện chịu đau khổ, trở về với lòng trung quân và trật tự chế độ xã hội cũ. Dù có ngu ngốc, bọn chúng cũng phải thừa nhận rằng không thể nào thủ tiêu được những cơ quan và tổ chức bất khả xâm phạm do Na-pô-lê-ông, bộ máy cảnh sát, hệ thống tài chính, bộ luật Na-pô-lê-ông, tòa án, nghĩa là toàn bộ sự nghiệp của Na-pô-lê-ông, và thậm chí cả huân chương Bắc đẩu, bộ máy cai trị, tổ chức quân đội, tổ chức các trường đại học, cao đẳng và trung cấp, điều ước hòa giải của Na-pô-lê-ông. Có khác thì chỉ là trước kia cái nhà nước ấy do một ông vua chuyên chế đứng đầu thì nay do một ông vua "lập hiến".

Nhà vua bị thúc ép phải ban bố một hiến pháp, đặc biệt là do A-lếch-xan khẩn thiết yêu cầu, vì Sa hoàng tin chắc rằng nếu không có hiến pháp, dòng họ Buốc-bông sẽ không thể đứng vững được. Theo hiến pháp ấy, chỉ có một số rất ít người giàu có được quyền bầu cử (chừng 10 vạn người trong số 28-29 triệu nhân dân Pháp).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #279 vào lúc: 17 Tháng Tám, 2016, 10:47:57 pm »


Những kẻ chủ trương phục hồi toàn vẹn chế độ cũ đã tức tối. Kẻ chiếm đoạt ngôi vua thì đã trị vì chuyên chế trong ngần ấy năm trời, mà nay nhà vua chính thống, nhà vua do thượng đế đã sắp đặt, lại bị hạn chế về quyền lực ư? Bọn chúng còn bất mãn vì nhiều lý do khác nữa. Ngay từ những ngày đầu phục hưng, bọn chúng đã không ngừng la ó đòi trả lại những đất đai của chúng đã bị cách mạng tịch thu và bán đấu giá cho nông dân và tư sản. Đương nhiên, chẳng có kẻ nào dám làm việc đó, song những yêu cầu của bọn chúng cũng đủ làm cho nông dân lo lắng cực độ và nông thôn bị náo động dữ dội.

Tầng lớp tăng lữ, hoàn toàn đồng tình với bọn lưu vong cũ, đã đi đến chỗ mạt sát những nông dân đã mua được tài sản quốc gia, ở ngay trên tòa giảng, chúng nói họ sẽ phải hiến mình cho cơn thịnh nộ của chúa Trời và nanh vuốt của chó ngao, như kẻ phản chúa Giê-da-ben.

Bọn quý tộc lưu vong trở về đã tỏ ra ngạo ngược hơn bao giờ hết. Nông dân bị đánh đập nhưng không được tòa án can thiệp, xét sử. Những người có thiện chí nhất của triều đình Lu-i XVIII tỏ ra thất vọng trước tình hình đang diễn ra ở nông thôn và nhìn thấy rõ những tin đồn đại về việc tước lại ruộng đất đang làm cho nông dân bối rối hoang mang sâu sắc đến cùng cực, nhưng họ chẳng thể làm gì được.

Còn như giai cấp tư sản, trong những ngày đầu tiên sau khi đế chế sụp đổ, thì bọn họ nói chung cảm thấy dễ chịu, họ có thể hy vọng được rằng chiến tranh sẽ chấm dứt, chấm dứt cả nạn trưng binh (trong những năm cuối cùng của đế chế, họ đã không mua được người đi lính thay cho con em họ như trước kia nữa, vì thiếu đàn ông), hy vọng bắt tay vào việc chấn hưng thương nghiệp, người ta cũng thoáng thấy được rằng chế độ độc tài gây nhiều trở ngại cho việc buôn bán làm ăn cũng sẽ chấm dứt, còn tầng lớp đại tư sản công nghiệp thì từ những năm 1813-1814, bản thân nó cũng đã không còn coi đế quốc rộng lớn là điều kiện cần thiết cho sự phồn vinh của nó nữa.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM