Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:29:43 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Napoleon Bonaparte  (Đọc 94076 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #220 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2016, 04:58:27 pm »


Ngày 4 tháng 10, Na-pô-lê-ông cử hầu tước Lô-rít-tông, nguyên đại sứ ở Nga trước chiến tranh, đến bản doanh của Cu-tu-dốp ở Ta-ru-ti-nô. Lẽ ra Na-pô-lê-ông định giao nhiệm vụ ấy cho tướng Cô-lanh-Cua, công tức xứ Vi-xăng, nhưng Cô-lanh-Cua đã khẩn khoản can ngăn Na-pô-lê-ông đừng làm chuyện đó vì như vậy sẽ chỉ phát hiện cho quân Nga biết rõ tình thế bấp bênh của quân đội Pháp. Như mọi lần, Na-pô-lê-ông lại đã nổi khùng mỗi khi cảm thấy lập luận của người phản đối mình là đúng đắn: ông ta mất cái thói quen thích bị người ta cãi lại. Vì Lô-rít-tông dựa vào những lý lẽ của Cô-lanh-Cua nên hoàng đế đã cắt đứt câu chuyện và dứt khoát hạ lệnh: "Ta muốn hòa bình, ta cần hòa bình, ta tuyệt đối muốn hòa bình; ngươi hãy bảo vệ lấy danh dự". Và Na-pô-lê-ông hạ lệnh cho Lô-rít-tông phải tức khắc tới doanh trại của quân Nga.

Việc Lô-rít-tông đến vị trí tiền tiêu của quân Nga đã thật sự làm náo động đại bản doanh của Cu-tu-dốp. Đã có nhiều người yêu nước Nga hăng hái hơn cả bản thân Cu-tu-dốp và họ lấy làm khổ não hơn Cu-tu-dốp nhiều về việc mất thành Mát-xcơ-va. Những nhân vật đó chẳng phải ai khác, là Uyn-xơn, phái viên của chính phủ Anh ở bên cạnh quân đội Nga, là hoàng thân Vin-đinh-grốt, kẻ bội phản Liên bang sông Ranh, là công tước Vua-tem-be, là công tước On-đen-bua và nhiều người ngoại quốc khác nữa; họ bám riết lấy Cu-tu-dốp. Ben-nít-xen, kẻ căm ghét Cu-tu-dốp và trước đây đã kịp thời báo lên Nga hoàng rằng bỏ Mát-xcơ-va mà không đánh thêm một trận nào nữa là tuyệt đối không cần thiết, cũng đã về bè với bọn người trên. Nhân danh nhân dân Nga và quân đội Nga (trong hoàn cảnh ấy thì bọn chúng là đại diện), Uyn-xơn đến trước mặt Cu-tu-dốp và tuyên bố bằng những lời lẽ quyết liệt với tổng tư lệnh rằng quân đội sẽ không phục tùng Cu-tu-dốp, nếu Cu-tu-dốp ra vị trí tiền tiêu để hội đàm riêng với Lô-rít-tông. Sau khi nghe Uyn-xơn nói, Cu-tu-dốp thay đổi ý định, ông tiếp Lô-rít-tông ở đại bản doanh, nhưng từ chối không thảo luận với Lô-rít-tông về vấn đề đình chiến hoặc ký hòa ước mà chỉ hứa chuyển lời đề nghị của Na-pô-lê-ông lên cho hoàng đế A-lếch-xan biết. Sa hoàng không trả lời. Về phần Na-pô-lê-ông, hãy còn một biện pháp khác nữa: cuộc cách mạng nông dân ở Nga. Nhưng Na-pô-lê-ông không thể nào đi đến quyết định đó được. Vả lại không thể nào cho rằng Na-pô-lê-ông, sau khi đã dùng lực lượng của quân đội Pháp để đàn áp thẳng tay không những mọi mưu đồ khởi nghĩa mà còn bất kỳ một dấu hiệu không phục tùng nào của nông dân đối với bọn chúa đất ở Lít-va, nay bỗng nhiên lại có thể xưng mình là người giải phóng cho nông dân Nga được.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #221 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2016, 04:59:01 pm »


Sau khi Mát-xcơ-va thất thủ, giai cấp đại quý tộc Nga lâm vào cảnh hốt hoảng khủng khiếp, và người ta báo cáo với A-lếch-xan rằng không những chỉ nghe thấy nông dân bàn tán về việc giải phóng, mà ngay trong binh lính người ta cũng nói rằng hẳn là A-lếch-xan đã bí mật yêu cầu Na-pô-lê-ông tiến vào nước Nga để giải phóng cho nông dân, vì rõ ràng chính Nga hoàng cũng sợ bọn lãnh chúa. Và ở Pê-téc-bua, người ta đã đồn (một gã Sê-ba-lin nào đó đã bị mang ra tòa xét xử về tội nói như vậy) rằng Na-pô-lê-ông là con Ca-tơ-rin đệ nhị và Na-pô-lê-ông đến đoạt ngôi vua toàn nước Nga của A-lếch-xan vì Na-pô-lê-ông là người kế thừa chính thức, sau đó ắt Na-pô-lê-ông sẽ giải phóng cho nông dân. Những nguồn tin chắc chắn cho biết rằng có nhiều cuộc khởi nghĩa của nông dân chống lại bọn quý tộc địa chủ đã nổ ra trong năm 1812, có những cuộc rất quyết liệt.

Rõ rệt là Na-pô-lê-ông do dự trong ít lâu, lúc thì bất thần ra lệnh cho tìm kiếm ở sở lưu trữ Mát-xcơ-va những tài liệu nói về Pu-gát-sép (nhưng không thấy), lúc sai cận thần biên thư cho Ơ-gien đơ Bô-hác-ne nói rằng nên kêu gọi nông dân khởi nghĩa, lúc hỏi mụ chủ hiệu người Pháp ở Mát-xcơ-va là Ô-ben-san-mây xem mụ ấy nghĩ sao về việc giải phóng nông nô, lúc lại hoàn toàn bỏ qua vấn đề ấy để đặt ra những câu hỏi về vấn đề dân tộc Tác-ta và Cô-dắc.

Tuy nhiên, Na-pô-lê-ông đã ra lệnh phải cho ông ta biết về lịch sử phong trào Pu-gát-sép, điều đó chứng tỏ Na-pô-lê-ông đã hình dung một cách cụ thể đến tác dụng của sự can thiệp vào việc giải phóng nông dân Nga. Còn bọn quý tộc Nga, nếu như có một vấn đề nào đó thật sự đang làm "ruột gan" bọn chúng bồn chồn hoảng sợ thì đó là việc nhìn thấy nền móng của chế độ nông nô đang bị lung lay một khi Na-pô-lê-ông chiến thắng, nghĩa là cái tai biến mà bọn chúng có thể mường tượng được do bài học của Sten và Ha-den-be ở Phổ (sau trận đại bại ở I-ê-na của dòng vua Hô-hen-xon-le) đã gợi ra cho chúng, tức là dưới hình thái của một cuộc cải cách "từ trên xuống" sau khi đã ký hòa ước; đó là điều mà bọn quý tộc Nga hoàn toàn không thể chấp nhận được; hoặc dưới hình thái một cuộc khởi nghĩa mới và kinh khủng kiểu Pu-gát-sép do Na-pô-lê-ông gây nên trong lúc đang chinh chiến, hình thái một cuộc tổng khởi nghĩa của giai cấp nông dân nhằm thủ tiêu chế độ nông nô bằng bạo lực và bằng con đường cách mạng.

Na-pô-lê-ông cũng đã không muốn bắt tay vào việc thực hiện kế hoạch cuối cùng ấy. Ông hoàng đế của giai cấp tư sản châu Âu không thể nào chấp nhận được cuộc cách mạng nông dân dẫu là để chống lại nền quân chủ chuyên chế và phong kiến; và ngay lúc ấy thì duy chỉ có cuộc cách mạng như vậy mới đưa ông ta đến chiến thắng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #222 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2016, 05:01:54 pm »


Ở điện Crem-li, có lúc Na-pô-lê-ông cũng lại đã nghĩ đến một cuộc khởi nghĩa ở U-crai-in, một phong trào bất thần nổ ra trong số những người Tác-ta. Tất cả những kế hoạch đó cũng lại bị vứt bỏ. Thật là có ý nghĩa phi thường khi những nhà viết sử hiện đại người Pháp tán dương lòng trung thành không gì lay chuyển nổi đối với những nguyên tắc bảo thủ của Na-pô-lê-ông ở ngay giữa đống tro tàn của Mát-xcơ-va.

Ê-đu-a Đơ-ri-ôn, tác giả tám cuốn sách dày, mới xuất bản, nghiên cứu về đường lối ngoại giao của Na-pô-lê-ông, có nhận xét về vấn đề đó rằng Na-pô-lê-ông đã nghĩ đến việc xúi giục dân Tác-ta ở Ca-dăng nổi dậy đã ra lệnh nghiên cứu cuộc khởi nghĩa của dân Cô-dắc do Pu-gát-sép lãnh đạo, rằng không phải Na-pô-lê-ông không am hiểu đời sống của xứ U-cra-in... Na-pô-lê-ông nghĩ đến Ma-dép-pa... nhưng dưới con mắt Na-pô-lê-ông, phát động cuộc cách mạng ở Nga là một việc vô cùng trọng đại. Khi nghiên cứu sự bí mật đáng sợ của những cánh đồng hoang vu của đất nước Nga, Na-pô-lê-ông không khỏi lo ngại... Ông ta không phải là người sáng lập ra cách mạng, mà là người đàn áp cách mạng. Đó là một con người đầy đầu óc mệnh lệnh: chưa thấy ai có cái ý thức hầu như là bản năng về quyền hành của hoàng đế đến mức độ như vậy. Na-pô-lê-ông gớm ghét các phong trào quần chúng nhân dân... Và chính vì vậy mà Na-pô-lê-ông đã khư khư giữ địa vị hoàng đế, không muốn hạ mình xuống địa vị một kẻ chịu thỏa hiệp1.

Trong cái ngày tháng 10 đó ở cung điện Pê-tơ-rốp-xcôi-e, ngày mà Na-pô-lê-ông cân nhắc xem có nên ban hành một sắc lệnh giải phóng nông nô hay không, một cuộc đấu tranh nội tại mãnh liệt đã diễn ra trong con người Na-pô-lê-ông. Đối với viên tướng 25 tuổi, con người bạn của Ô-guy-xtanh Rô-be-xpi-e, đối với người cùng đảng của Mắc-xi-mi-liêng, và cho đến cả về sau này nữa, đối với tác giả của bộ luật Na-pô-lê-ông, vấn đề có nên để nông dân rơi vào tay bọn chúa đất tàn bạo Si-ti-cốp2 nam hoặc nữ hay không đã được quyết định không một chút do dự. Na-pô-lê-ông hoàn toàn biết rõ rằng chế độ nông nô Nga giống chế độ nô lệ của người da đen nhiều hơn là chế độ nông nô trong bất cứ một nước chuyên chế và phong kiến nào ở châu Âu đã bị Na-pô-lê-ông đánh đổ, vì Na-pô-lê-ông đã nuôi dưỡng ở đất nước Nga một đàn nhung nhúc những gìán điệp nên đã có toàn bộ tin tức đầy đủ và khác nhau về nước Nga. Nhưng từ lâu, viên tướng của cách mạng đã không còn là con người đang đi đi lại lại trong các phòng tại cung điện Pê-tơ-rốp-xcôi-e, đắm chìm trong những chuỗi suy tưởng giữa sự quan sát lấm lét của bọn sĩ quan hầu cận, đã là Đức bệ hạ Na-pô-lê-ông mang ơn Đức Chúa Trời mà trở thành hoàng đế của người Pháp thành vua nước Ý, thành tên chúa đất thực thụ và thủ lĩnh của toàn lục địa châu Âu, thành con rể của hoàng đế nước Áo, thành kẻ đã đưa lên máy chém hoặc đã giết hại trong các ngục tối hoặc đưa đi đày biết bao nhiêu người, những người mà chỉ khi còn thời vận cũng đã là bạn bè của anh em Mắc-xi-mi-liêng và đã có can đảm trung thành với lòng tin của họ.
______________________________________
1. E-đu-a Đơ-ri-ô. Sự sụp đổ của đế chế, Pa-ri, 1927, tr.27-28.
2. D.I.Saltykova, một mụ đại địa chủ mà tên tuổi đã trở thành tượng trưng cho sự man rợ, vô nhân đạo của bọn chúa đất đối với nông nô. (Chú thích của Ban biên tập Nhà xuất bản Ngoại văn Mát-xcơ-va).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #223 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2016, 05:02:52 pm »


Việc giải phóng nông dân bằng một sắc lệnh của Na-pô-lê-ông được thi hành trong tất cả các địa phương của quân đội Na-pô-lê-ông chiếm đóng, và nếu tin này mà được lan rộng trong khắp quân đội Nga, gồm những nông nô bị chỉ huy bằng roi vọt, thì, theo như một số người thân cận của Na-pô-lê-ông nghĩ, sẽ có thể làm rung chuyển khối quần chúng nông dân khổng lồ, sẽ phá hoại kỷ luật trong quân đội của Sa hoàng và trước hết là khởi động một cuộc khởi nghĩa như của Pu-gát-sép. Sự thật là 35 hay 36 năm trước khi bị Na-pô-lê-ông xâm lược, nước Nga là nước duy nhất đã nổ ra một cuộc chiến tranh nông dân quyết liệt, kéo dài rất lâu, lúc thì thắng lợi, lúc thì thất bại; trong quá trình chiến tranh, có lúc nghĩa quân có lực lượng pháo binh thiện chiến hơn của quân đội Sa hoàng, đã đánh chiếm được nhiều thành phố quan trọng, và tiến quân thắng lợi trên cả một vùng đất đai rộng lớn, làm cho toàn bộ lâu đài của đế chế Nga bị rung chuyển trong mấy tháng liền. Na-pô-lê-ông chỉ có thể biết phong trào khởi nghĩa của nông dân Đức qua các tài liệu viết cách đây đã 300 năm, còn như về cuộc dấy lên của Pu-gát-sép thì ông ta lại có thể thu lượm bằng cách nghe chính những nhân chứng, và những người mà cũng chưa cao tuổi lắm. Hơn nữa, đời sống của những nông nô Nga cũng chưa hề có chút gì thay đổi về căn bản cũng như về chi tiết. Sau chế độ ngược đãi nông nô kiểu "San-tút-chích-kha" với những lò than hồng để thiêu đốt những nông dân nô lệ, lại đến lượt những Ít-mai-lốp và những Ca-men-xki với những phòng tra tấn và những hầm kín của bọn chúng, và với những chợ mua bán nô lệ vẫn còn tồn tại từ thời Ca-tơ-rin ở Nít-ni Nốp-gô-rốt về phía bắc và ở Crê-men-chúc về phía nam, từ khắp nước Nga, người ta kéo đến nơi đây mua buôn, mua lẻ nông nô, cướp con cướp cái trên tay những người cha người mẹ. Cái khác duy nhất là quân đội Pháp đóng ngay giữa trái tim của đất nước Nga, có thể làm chỗ dựa cho cuộc khởi nghĩa của nông dân.

Ngày nay người ta biết một cách rõ ràng là, vào năm 1812, viễn cảnh của một cuộc khởi nghĩa như vậy đã làm bọn quý tộc Nga hãi hùng. Ta vừa mới nhắc đến những tin đồn truyền lan ở nông thôn, đến những vụ bạo động nổ ra ở đó đây, đến sự cảm thấy mình bất lực của các nhà đương cục đứng giữa cơn dông tố đang cuồn cuộn dâng lên. Ta biết rằng đông đảo quần chúng đã tiếp đón A-lếch-xan bằng sự im lặng ghê rợn như thế nào khi A-lếch-xan, nhợt nhạt như kẻ đã chết, đi đến nhà thờ Ca-dăng, lúc Pê-téc-bua được tin về trận tàn sát đẫm máu ở Bô-ri-đi-nô và tin Na-pô-lê-ông đã vào Mát-xcơ-va.

Cái gì đã chặn bàn tay của Na-pô-lê-ông lại? Tại sao Na-pô-lê-ông đã không quả quyết tìm cách lôi kéo đông đảo quần chúng nông dân ngả về phía mình. Hà tất phải vắt óc suy nghĩ khi chính bản thân Na-pô-lê-ông đã tự cắt nghĩa điều đó cho mình. Sau này, Na-pô-lê-ông có tuyên bố rằng ông ta không muốn "nổi trận cuồng phong của nhân dân khởi loạn", không muốn tạo nên cái hoàn cảnh để rồi sau này không biết "tìm ai" ra mà ký kết hòa ước. Tóm lại, dẫu sao ông hoàng đế của nền quân chủ tư sản mới cũng cảm thấy mình gần gũi với người chủ của cái quốc gia nửa phong kiến và xây dựng trên chế độ nông nô của dòng họ Rô-ma-nốp hơn là gần gũi các lực lượng cơ bản của cuộc khởi nghĩa nông dân. Na-pô-lê-ông có thể thỏa thuận rất nhanh chóng với kẻ thứ nhất (tức A-lếch-xan - N.D) nếu không ngay tức khắc thì cũng chỉ sau một thời gian ngắn mà thôi, như kinh nghiệm Tin-dít đã chỉ cho Na-pô-lê-ông thấy rõ; còn với kẻ thứ hai (tức là nông dân - N.D) thì ngay cả việc đàm phán, Na-pô-lê-ông cũng đã không muốn rồi. Nếu như trong suốt những ngày hè và đầu thu năm 1789, những nhà cách mạng tư sản Pháp đã sợ hãi cuộc dấy nghĩa của nông dân ở trên đất nước Pháp và lấy làm khiếp đảm khi thấy cuộc dấy nghĩa ấy ngày càng mạnh mẽ thì có gì đáng lấy làm lạ khi vào năm 1812 ông hoàng đế của giai cấp tư sản không quyết định lôi lên từ dưới đáy mồ cái bóng hình Pư-gát-sép?
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #224 vào lúc: 24 Tháng Năm, 2016, 05:16:17 pm »


V

Sau khi đã vứt bỏ ý nghĩ khởi động một phong trào nông dân ở trên nước Nga, đồng thời cũng từ bỏ ý định đóng bản doanh nghỉ quân ở Mát-xcơ-va, Na-pô-lê-ông phải lập tức định hướng sẽ đi khi rời bỏ Mát-xcơ-va. Thế là đã hoàn toàn rõ ràng rằng A-lếch-xan đã từ chối mọi cuộc đàm phán, vì Sa hoàng đã làm thinh phản đối những lời đề nghị do Tu-ton-min làm trung gian đầu tiên rồi đến I-a-cốp-lép và cuối cùng là Lô-rít-tông.

Tiến về Pê-téc-bua chăng? Đó là ý nghĩ đầu tiên của Na-pô-lê-ông. Sau khi Mát-xcơ-va vị thất thủ, cả thành phố Pê-téc-bua hốt hoảng: dân chúng đã bắt đầu thu xếp của nả và bỏ trốn. Ma-ri-a Phê-đô-rốp-na, mẹ A-lếch-xan, mặc dầu rất căm Na-pô-lê-ông, đã là người hối hả và hốt hoảng nhất và muốn người ta ký hòa ước càng sớm càng hay. Công-xtan-tin cũng muốn như A-rắc-sê-ép sợ hãi, cũng rất mong muốn như vậy. Đương nhiên là cuộc tiến quân của Na-pô-lê-ông về Pê-téc-bua sẽ có thể làm tăng thêm sự hoảng đốt đó, nhưng cuộc hành quân này đã không thể tiến hành được. Đúng là binh lính có được nghỉ ngơi chút ít và được lại sức ở Mát-xcơ-va, nhưng thiếu ngựa, thiếu đến mức mà một vài vị thống chế đã phải khuyên Na-pô-lê-ông bỏ lại một số pháo.

Ở Mát-xcơ-va, người ta không tìm đâu được cỏ khô, lúa mạch, vì nông dân ở lân cận Mát-xcơ-va, hoàn toàn bị tàn phá, đã nổi lên chống cự ác liệt với những đội quân đi kiếm thức ăn cho ngựa, vả lại tinh thần của toàn thể quân đội Pháp không còn đủ để cho người ta tiến hành một chiến dịch mới, xa xôi ở tận phía bắc. Một cuộc tiến công bất thần của quân đội Cu-tu-dốp đánh vào Muy-ra đang đóng vị trí quan sát ở Chéc-nít-na trước mặt Tu-ru-ti-nô, nơi Cu-tu-dốp đóng quân, đã buộc Na-pô-lê-ông phải sớm quyết định. Cuộc tiến công ấy xẩy ra ngày 18 tháng 10, đã biến diễn thành một cuộc chiến đấu thật sự và, sau trận ấy, Muy-ra bị đánh bật ra khỏi bên kia làng Xpát Cu-pli-a. Thật ra, đó chỉ là một cuộc giao tranh phụ, nhưng nó chứng tỏ rằng Cu-tu-dốp đã tăng cường lực lượng sau trận Bô-ri-đi-nô và người ta đã phải tính đến những cuộc tiến công chủ động khác của Cu-tu-dốp. Sự thật là Cu-tu-dốp đã không muốn đánh trận Ta-ru-ti-nô và Ben-nít-xen đã nổi khùng với một viên tướng tổng chỉ huy vì không muốn điều động cho Ben-nít-xen những lực lượng cần thiết.

Na-pô-lê-ông đã hạ quyết tâm. Quyết tâm này của Na-pô-lê-ông không có gì bất ngờ, mà hình như còn rất tự nhiên kể từ khi Na-pô-lê-ông phải từ bỏ ý định tiến quân về Pê-téc-bua. Để thống chế Moóc-chi-ê ở lại Mát-xcơ-va cùng với đội quân phòng thủ một vạn người, Na-pô-lê-ông quyết định dùng tất cả số quân còn lại tiến theo con đường cũ đi Ca-lu-ga để đánh Cu-tu-dốp. Na-pô-lê-ông biết rằng Cu-tu-dốp đã nhận được viện binh, nhưng trong lúc đó thì Na-pô-lê-ông cũng nhận được viện binh, như vậy, Na-pô-lê-ông có trong tay hơn 10 vạn quân, trong đó có 2 vạn 2 nghìn sĩ quan và binh lính tinh nhuệ của đội cận vệ. Ngày 19 tháng 10, Na-pô-lê-ông hạ lệnh xuất phát và, trừ quân đoàn của Moóc-chi-ê ra, toàn thể quân đội Pháp hành quân theo con đường cũ đi Ca-lu-ga.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #225 vào lúc: 24 Tháng Năm, 2016, 05:16:54 pm »


Rất nhiều xe cộ kiểu cách kỳ quặc và xe ngựa chở lương thực cùng những thứ cướp bóc được của Mát-xcơ-va đi theo quân đội. Kỷ luật lỏng lẻo đến nỗi thống chế Đa-vu đã bỏ việc xử bắn những người không phục tùng, cố tìm mọi cớ để chất thêm lên xe những đồ vật quý giá ăn cắp được trong thành phố mặc dầu ngựa cũng còn thiếu để kéo pháo. Bị đoàn xe dài dặc đó làm rối loạn hàng ngũ nên quân lính đã phải kéo đi thành một tuyến dài vô tận. Chỉ cần nhắc lại lời nhận xét thường được kể đến sau đây của những người đã mục kích: đi trên một con đường rộng như đường Ca-lu-ga, tám chiếc xe có thể dễ dàng sóng hàng ngang được, mà sau suốt cả một ngày hành quân liên tục không nghỉ, quân đội và hành lý vẫn chưa ra hết khỏi thành phố.

Với con mắt quân sự của mình, Na-pô-lê-ông nhận ngay ra rằng một đoàn xe cộ như vậy sẽ gây nên rất nhiều nguy hiểm cho quân đội, rất nhiều khó khăn trong việc bảo vệ đoàn quân dài, quá dài đó chống lại những cuộc đột kích của kỵ binh đối phương, nhưng Na-pô-lê-ông đã không quyết tâm hạ những mệnh lệnh cần thiết như ý định ban đầu của mình, thì đoàn quân ấy, sở dĩ còn giữ vững được quả thật đã vì bản năng tự vệ ở một đất nước xa lạ và thù địch hơn là vì kỷ luật. Nếu uy tín cá nhân của Na-pô-lê-ông không giảm sút dưới con mắt của những người lính cựu cận vệ người Pháp thì binh lính của các dân tộc bị chinh phục lại có gan làm những gương xấu; trong họ, chẳng có một tình cảm nào đối với Na-pô-lê-ông để ngăn cản họ làm điều xấu.

Ấn tượng đầu tiên và mạnh mẽ nhất của Na-pô-lê-ông là khi nhìn thấy đoàn quân đó kéo dài vô tận, nhưng cái ấn tượng mạnh mẽ hơn có lẽ là khi Na pô-lê-ông biết rõ sự lỏng lẻo về kỷ luật.

Và đột nhiên Na-pô-lê-ông thay đổi kế hoạch, cái kế hoạch mà Na-pô-lê-ông đã có trước vài tiếng đồng hồ khi rời bỏ Mát-xcơ-va.

Dù cho cuộc tiến công có kết thúc bằng một thắng lợi như Bô-ri-đi-nô chẳng hạn thì cái trận Bô-ri-đi-nô mới ấy cũng khó làm thay đổi được ý đồ căn bản của Na-pô-lê-ông, hay đúng hơn, lúc ấy đối với ông ta là căn bản: bỏ Mát-xcơ-va. Na-pô-lê-ông đã đoán trước được ảnh hưởng của các cuộc rút lui này đối với châu Âu và ông rất sợ ảnh hưởng đó. Nhưng, một khi đã quyết tâm tránh giao chiến với Cu-tu-dốp Na-pô-lê-ông liền chuyển ngay sang thực hiện ý đồ khác: bỏ đường cũ Ca-lu-ga, tạt sang bên phải để bắt vào con đường Bô-rốt còn chưa bị chiến tranh tàn phá, rồi tiến về Xmô-len. Na-pô-lê-ông chưa từ bỏ ý định tiếp tục chiến tranh: đi qua Ma-lôi-a-rô-xla-vét và Ca-lu-ga, sau khi đã tới Xmô-len không gặp trở ngại gì thì có thể trú quân qua mùa đông ở thành phố Ma-lôi-a-rô-xla-vét hoặc ở Vin-na, hoặc còn có thể tiến hành những công việc khác. Nhưng trước nhất cần phải quyết tâm dứt khoát rời khỏi Mát-xcơ-va. Tối ngày 20 tháng 10, từ đại bản doanh đóng ở Tơ-rôi-xcô-e, Na-pô-lê-ông ra lệnh cho thống chế Moóc-chi-ê cùng với toàn bộ quân đoàn lập tức đuổi kịp quân chủ lực sau khi đã phá huỷ điện Crem-li.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #226 vào lúc: 24 Tháng Năm, 2016, 05:17:25 pm »


Mệnh lệnh cuối này chỉ thực hiện được một phần. Trong hoàn cảnh hỗn loạn của một cuộc rút lui quá cập rập như vậy, Moóc-chi-ê không có đủ thời gian để chấp hành tốt mệnh lệnh đó. "Không bao giờ tôi làm những điều vô ích", Na-pô-lê-ông đã có lần nói như vậy để đáp lại lời người ta vu cáo Na-pô-lê-ông là cho thắt cổ Pi-sơ-gruy ở trong nhà tù. Nhưng trong hoàn cảnh này, việc phá hoại điện Crem-li là một hành động man rợ hoàn toàn vô ích. Hành động đó có thể là sự trả lời việc A-lếch-xan làm thinh phản đối ba lần đề nghị giảng hòa của Na-pô-lê-ông.

Thừa hành mệnh lệnh của Na-pô-lê-ông, đột nhiên quân đội rời bỏ con đường cũ Ca-lu-ga để đi theo con đường mới và, ngày 23 tháng 10, chủ lực của Na-pô-lê-ông đã tới Bô-rốp. Một bộ phận của sư đoàn Đen-xông chiếm được Ma-lôi-a-rô-xla-vét. Đoán được kế hoạch của Na-pô-lê-ông, Cu-tu-dốp quyết định chặn Na-pô-lê-ông trên con đường mới dẫn đi Ca-lu-ga. Tảng sáng ngày 24 tháng 10, tướng Đốc-tu-rốp rồi đến tướng Rai-ép-xki lần lượt tiến công Ma-lôi-a-rô-xla-vét đã lọt vào tay Đen-xông từ tối hôm trước. Do lực lượng kéo đến tham chiến mỗi lúc một đông nên cuộc giao chiến có tính chất ác liệt kéo dài đến tối, và trong quá trình giao tranh, Ma-lôi-a-rô-xla-vét đã tám lần chuyển từ tay bên này sang tay bên khác để rồi cuối cùng vẫn thuộc về quân Pháp, nhưng cả hai bên đều bị tổn thất nặng nề. Quân Pháp chết tới 5 nghìn người. Trong cái thành phố đã biến thành tro bụi đó, hàng trăm binh lính Nga và Pháp bị chết trong ngọn lửa; rất nhiều thương binh bị thiêu sống.

Mờ sáng ngày hôm sau, Na-pô-lê-ông với đoàn hộ tống ra khỏi làng Gô-rốt-ni-a để quan sát các vị trí của quân Nga thì, đột nhiên, một toán quân Cô-dắc lăm lăm giáo mác đã xông vào toán quân kỵ binh đó. Hai thống chế đi theo hoàng đế (Muy-ra và Bét-xi-e), tướng Ráp và vài sĩ quan liền vây chặt lấy hoàng đế và chống lại cuộc tiến công của toán quân Cô-dắc. Lính khinh kỵ người Ba Lan và quân kỵ mã xích hầu của đội cận vệ vội phi ngựa đến giải nguy, cứu được hoàng đế và những người cùng đi. Nguy cơ bị giết chết hoặc bị bắt cầm tù đe dọa đến nỗi người ta khó mà tin được rằng nụ cười luôn luôn nở trên môi hoàng đế trong suốt thời gian diễn ra sự biến bất thần ấy là một nụ cười chân thật. Nhưng, mọi người đã trông thấy nụ cười đó và trong ngày hôm ấy cũng như về sau này nữa, ai nấy đều say sưa nói rằng chính sự nguy hiểm ấy là lý do để hoàng đế mỉm cười. Buổi tối, hoàng đế hạ lệnh cho bác sĩ I-văng, thầy thuốc hộ giá, pha chế dâng lên hoàng đế một ống thuốc độc mạnh, phòng khi chẳng may gặp phải nguy cơ bị bắt.

Sau khi đi kiểm tra các vị trí về, Na-pô-lê-ông họp hội đồng quân sự ở Gô-rốt-ni-a. Hình như trận Ma-lôi-a-rô-xla-vét chứng minh cho thấy rằng nếu Na-pô-lê-ông không muốn một trận Bô-ri-đi-nô thứ hai thì quân Nga lại muốn, và nếu không có một trận Bô-ri-đi-nô nữa thì hoàng đế sẽ không mở được đường đến Ca-lu-ga.

Hội đồng quân sự đã hoàn toàn nhất trí với ý kiến ấy, mà cuối cùng chính bản thân Na-pô-lê-ông cũng tán thành. Đã không tính đến một trận tổng công kích nữa thì chỉ còn có việc tiếp tục trở về Xmô-len đã hoàn toàn bị tàn phá, và phải hành quân càng nhanh chóng càng hay, trước khi quân Nga chiếm Mô-gia-ít bỏ ngỏ để chặn đường rút lui của quân Pháp. Sau khi lấy ý kiến của các sĩ quan hầu cận, thoạt tiên Na-pô-lê-ông có ý định tuyên bố với họ rằng hãy hoãn việc quyết định dứt khoát và theo ý của hoàng đế thì tốt hơn hết là giao chiến với Cu-tu-dốp để mở đường rút lui về Ca-lu-ga bằng vũ lực. Sự do dự của Na-pô-lê-ông được chấm dứt vào ngày 26 tháng 10, khi được tin quân Nga đánh bật được đội kỵ binh của Pô-ni-a-tốp-xki ra khỏi Mê-đin.

Nhưng Cu-tu-dốp không muốn giao chiến, cũng không gây chiến.

Sau trận Ma-lôi-a-rô-xla-vét, Cu-tu-dốp kiên quyết để mặc Na-pô-lê-ông rút lui, không hề dồn ép, thúc bách. Khi bọn người ngoại quốc (Đức và Anh) theo lệnh A-lếch-xan đến tổng hành dinh của Cu-tu-dốp để do tham viên tướng tổng chỉ huy, đã quấy rầy quá nhiều vị nguyên soái già bằng cách chê trách ông ta là thiếu nghị lực, thì đột nhiên ông phát khùng và tỏ cho họ thấy rằng ông thừa hiểu thủ đoạn của họ và biết rất rõ lý do tại sao bọn họ lại quá sợ cuộc chiến tranh của nước Nga chống Na-pô-lê-ông sẽ kết thúc "non yếu".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #227 vào lúc: 16 Tháng Sáu, 2016, 07:50:05 pm »


VI

Ngày 27 tháng 10, quân Pháp bắt đầu rút lui từ Bô-rốp đến Vê-ri-a, Mô-gia-ít, Đô-rô-gô-bu-giê và cuối cùng đến Xmô-len. Họ hành quân một tuyến rất dài và, theo lệnh của Na-pô-lê-ông, đi đến đâu đốt sạch làng mạc, thôn xóm, vườn ấp đến đấy. Từ Mô-giai-ít trở đi thì hầu như chẳng còn gì để đốt phá nữa vì những nơi này đã bị tàn phá trơ trụi ngay từ trước trận Bô-ri-đi-nô. Thành phố Mô-giai-ít hoang vu chỉ còn là một đống tro tàn. Khi đi qua chiến trường Bô-ri-đi-nô, hàng ngàn xác chết của binh lính Pháp và Nga bị bỏ lại vẫn đang rữa thối, không ai thu nhặt, Na-pô-lê-ông hạ lệnh gấp rút ra khỏi nơi đó càng sớm càng hay: quang cảnh khủng khiếp ấy làm cho binh lính mất hết tinh thần, nhất là lúc này họ đã nhận thấy rằng họ là những người chiến bại.

Ngày 30 tháng 10, khi đến Gơ-giát thì trời bắt đầu trở nên lạnh, thật là bất ngờ, bởi theo sự điều tra mà Na-pô-lê-ông lượm được vào năm 1811 trước khi tiến quân xâm lược thì ở vùng này của nước Nga đến cuối tháng 12 mới bắt đầu rét dữ dội. Đặc biệt năm 1819 mùa đông đến rất sớm, trời rét kinh khủng. Cu-tu-dốp bám sát cuộc rút lui của đối phương. Quân Cô-dắc liên tiếp tập kích làm cho quân của Na-pô-lê-ông mệt nhoài. Phía trước Vi-át-ma, kỵ binh chính quy của quân Nga tiến công quân Pháp, nhưng rõ ràng Cu-tu-dốp tránh một cuộc chiến đấu có thế trận hẳn hoi, mặc dầu những người xung quanh đã không ngừng xúi bẩy ông làm như vậy. Dưới con mắt của người lính già này, tất cả vấn đề là ở chỗ tống cổ Na-pô-lê-ông ra khỏi nước Nga nhưng đối với Uyn-xơn cũng như cả bầy người Đức và bọn lưu vong người Pháp cạnh ông thì cuộc lui quân của Na-pô-lê-ộng không phải là sự kết thúc vấn đề mà lại là sự bắt đầu, bọn họ mong muốn được người ta trừ khử Na-pô-lê-ông hộ, ý định ấy sẽ chỉ có thể thực hiện được khi Na-pô-lê-ông hoàn toàn, bị bắt hoặc bị giết. Nếu không thì đối với họ, châu Âu vẫn chưa có gì thay đổi và rồi Na-pô-lê-ông vẫn sẽ tiếp tục trị vì đến tận sông Ni-ê-men. Nhưng lần này, Cu-tu-dốp đã không nhân nhượng. Nước càng đóng băng và quân Ca-dắc, quân du kích của Phít-ne Xa-la-vin, Đa-vi-đốp càng tăng cường tập kích bao nhiêu thì quân đội Pháp lại càng tan rã mau chóng bấy nhiêu. Ngày 6 tháng 11, khi kéo quân về Đô-rô-gô-bu-giê, quân đội Pháp chỉ còn được khoảng 5 vạn người đủ sức mang nổi vũ khí.

Trong khi luôn luôn cố gắng tỏ ra gương mẫu để động viên tinh thần binh lính, Na-pô-lê-ông phải chịu đựng tất cả những thử thách của cuộc rút lui. Na-pô-lê-ông đi chân hàng mấy giờ liền trên tuyết, tay chống gậy, miệng chuyện trò với binh lính đi bên cạnh. Ông còn chưa biết được rằng sắp tới có nên trú quân ở Xmô-len hay không, cũng chưa biết được rằng sẽ dừng lại ở đó lâu hay chóng. Nhưng ở Đô-rô-gô-bu-giê, Na-pô-lê-ông đã nhận được nhiều tin tức từ Pháp gửi tới buộc ông phải nhanh chóng hạ quyết tâm rời khỏi Xmô-len thật sớm.

Thật ra, đây là những tin tức hết sức lạ lùng do một dạo giao thông ở Pa-ri chuyển đến Đô-rô-gô-bu-giê cho Na-pô-lê-ông. Tướng Ma-lê, một người cộng hòa lão thành bị giam trong một nhà lao ở Pa-ri đã vượt ngục từ lâu, rồi vào một trại lính và báo cho binh sĩ của một đại đội rằng Na-pô-lê-ông ắt sẽ chết ở Nga, và đọc cho họ nghe một bản sắc lệnh của Thượng nghị viện, do chính tay Ma-sê viết giả mạo, trong đó tuyên bố thiết lập chế độ cộng hòa, sau đó Ma-lê cho bắt bộ trưởng Bộ công an Xa-va-ri và dùng súng lục bắn bị thương bộ trưởng Bộ chiến tranh. Sự rối loạn kéo dài trong hai tiếng đồng hồ, sau đó Ma-lê bị lộ, bị bắt đưa ra tòa án quân sự và đã bị xử bắn, cùng với 11 tội phạm khác chỉ vì đã tin rằng bản sắc lệnh đó có thật. Ma-lê đã một mình mưu đồ việc ấy ở trong nhà lao.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #228 vào lúc: 16 Tháng Sáu, 2016, 07:51:05 pm »


Tuy cái việc nhỏ nhặt ấy chỉ là một sự manh động điên rồ nhưng đã tác động sâu sắc đến Na-pô-lê-ông. Ông ta cảm nhận thấy sự có mặt của mình ở Pa-ri là cần thiết. Thoạt tiên là ở Đô-rô-gô-bu-giê, rồi ngày 9 tháng 11, khi đến Xmô-len, Na-pô-lê-ông được biết là Chít-sa-gốp, cầm đầu đạo quân của miền Nam nước Nga từ Thổ Nhĩ Kỳ về, đang cấp tốc hành quân tiến về Bê-rê-di-na. Na-pô-lê-ông cũng được tin là quân đoàn của hoàng thân Ơ-gien bị tổn thất nặng trong những cuộc giao chiến nhỏ với quân Cô-dắc, và cuối cùng, được biết rằng Vi-tép đã bị những phân đội của quân đoàn Vít-ghen-stai chiếm đóng. Na-pô-lê-ông không thể tính đến việc dừng lại ở Xmô-len nữa: phải vượt qua Bê-rê-di-na trước khi quân Nga chặn đường, nếu không Na-pô-lê-ông và tàn quân sẽ nguy cơ bị bắt làm tù binh

Trời ngày càng rét dữ. Ngay khi vừa ra khỏi Xmô-len, binh lính đã suy yếu mệt mỏi đến nỗi gục xuống không dậy được nữa và đành chịu chết cóng tại chỗ. Suốt dọc đường, xác chết ngổn ngang. Do một sự sơ suất tai hại, khi rời khỏi Mát-xcơ-va họ đã không trang bị quần áo rét. Họ phải bỏ lại một phần lớn khí tài, xe cộ, một số pháo, có những đội kỵ binh phải đi bộ hoàn toàn vì ngựa chết như ruồi.

Với khí thế anh dũng ngày càng tăng, quân du kích và quân Cô-dắc lăn xả vào quân hậu vệ và những toán quân Pháp đi rớt lại sau. Khi rút khỏi Mát-xcơ-va Na-pô-lê-ông có 10 vạn quân nhưng khi rời Xmô-len thì chỉ còn lại không đầy 3 vạn 6 nghìn người, chưa kể vài nghìn binh lính đi rớt lại sau dần dần đã bắt kịp. Lúc này, Na-pô-lê-ông phải dùng đến biện pháp mà khi rút khỏi Mát-xcơ-va ông ta không định dùng: hạ lệnh đốt hết xe cộ và quân trang, quân dụng để kéo pháo. Ngày 16 tháng 11, quân Nga tiến công quân đoàn Ơ-gien đơ Bô-hác-ne ở Cra-xnô-e và gây cho nó những tổn thất nặng nề. Ngày hôm sau, cuộc chiến đấu lại tiếp diễn. Quân pháp bị đánh lui, hai ngày ấy bị thiệt mất chừng 1 vạn 4 nghìn, trong số đó có 5 nghìn vừa bị chết và bị thương; số còn lại đã hạ khí giới đầu hàng. Nhưng trận Cra-xnô-e không phải đến đó đã kết thúc. Nây, bị cắt đứt khỏi quân chủ lực và bị tổn thất nặng nề (7 nghìn Cu-tu-dốp đuổi dồn về đến sông Đơ-ni-ép. Trong đêm tối, Nây đã vượt qua được sông ở về phía bắc Cra-xnô-e trên một lớp băng mỏng manh, binh lính bị thụt băng và chết đuối. Nây dẫn đầu một dúm quân còn lại) đã về thoát với đại quân ở Oóc-xa.

Na-pô-lê-ông cố hết sức duy trì kỷ luật và tổ chức việc tiếp tế, nhưng không lo liệu trước một cách đầy đủ tuyến giao thông của mình về phía Min-xcơ. Ở Đu-brốp-ca, Na-pô-lê-ông được tin là quân Ba Lan, mà ngay từ buổi đầu chiến dịch Na-pô-lê-ông đã giao cho phòng giữ Mô-hi-lép và Min-xcơ, đã không làm tròn nhiệm vụ: tướng Đôm-brao-xki, được lệnh tiến công vào Bô-rít-xốp đã không đến chi viện tướng Brô-ni-cao-xki, và ngày 16 tháng 11, Min-xcơ đã rơi vào tay Chít-sa-gốp. Vào thành Min-xcơ, quân Nga chiếm được nhiều kho lương thực lớn do Ma-rô, công tước xứ Bát-xa-nô, tập trung ở đó theo lệnh của Na-pô-lê-ông, mà Na-pô-lê-ông thì lại trông cậy vào những kho tàng đó. Tuyết đã bắt đầu tan.

Hoàn toàn thật là tuyệt vọng. Các thống chế U-đi-nô và Vích-to đã bất lực, không cản nổi quân đoàn của Vít-ghen-stai nên quân đoàn này từ phía bắc đang dọc sông Đơ-vi-na tiến về Bê-rê-đi-na. Chít-sa-gốp cũng đang từ phía nam tiến lên Bê-rê-đi-na. Ngày 22 tháng 11, sau khi đánh bật được Đôm-brao-xki, Chít-sa-gốp tiến vào Bô-rít-xốp.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #229 vào lúc: 16 Tháng Sáu, 2016, 07:51:38 pm »


Na-pô-lê-ông tái nhợt khi nhận được tin là quân Cô-dắc của Pla-tốp và quân của Éc-mô-lốp họp thành đội tiền vệ của Cu-tu-dốp, đã hành quân từ hai ngày nay, nếu không thì là một ngày, để đuổi theo quân Pháp, và quân Pháp đang lâm vào tình trạng sẽ bị bao vây và đầu hàng. Na-pô-lê-ông lập tức hạ mệnh lệnh tìm một chỗ khác có thể bắc được cầu.

Bô-rít-xốp được nối liền với bờ bên kia sông bằng một chiếc cầu cố định, và ở tổng hành dinh của hoàng đế, khi người ta được tin đã mất chiếc cầu đó thì những người can đảm nhất cũng kinh hoảng. Na-pô-lê-ông trấn tĩnh rất nhanh. Căn cứ vào báo cáo của tướng Coóc-bi-nô, Na-pô-lê-ông quyết định vượt qua sông Bê-rê-đi-na, quãng Xtu-đi-an-ca ở về phía bắc Bô-rít-xốp, các kỵ binh người Ba Lan đã tìm thấy ở đó một chỗ lội qua được. Ở quãng này, sông Bê-rê-đi-na rộng chưa đầy 25 mét, nhưng hai bên bờ sông là hai dải phù sa lầy lội, muốn qua được phải bắc một cái cầu dài gấp ba lần mặt nước con sông. Na-pô-lê-ông đã khôn khéo đánh lừa được Chít-sa-gốp. Na-pô-lê-ông làm ra vẻ quyết định vượt sông sang Bô-rít-xốp. Ngày 23 tháng 11, U-đi-nô đánh bật được bá tước Pa-len, người chỉ huy đội tiền vệ của Chít-sa-gốp phải rút khỏi Bô-rít-xốp vừa mới chiếm được, nhưng Chít-sa-gốp vẫn ở gần Bô-rít-xốp và Vít-ghen-stai đã từ phía bắc hành quân cấp tốc về tới. Na-pô-lê-ông không muốn và cũng không vượt sông ở nơi đó được. Bằng một loạt hoạt động nghi binh Na-pô-lê-ông làm cho Chít-sa-gốp lầm tưởng rằng cuộc vượt sông sẽ diễn ra Bô-rít-xốp hay ở phía dưới thành phố ấy, trong khi đó thì chính Na-pô-lê-ông đã có mặt ở Xtu-đi-an-ca vào lúc sáng sớm ngày 26 tháng 11. Lính bắc cầu của quân Pháp, lập tức bắt tay vào việc lội nước đến ngang thắt lưng, giữa những mảng băng đang trôi theo dòng, đã bắc được hai chiếc cầu ghép bằng thuyền; và quá trưa một chút thì quân đoàn của U-đi-nô bắt đầu vượt sông Bê-rê-đi-na. Cuộc vượt sông tiến hành trong hai ngày 26 và 27 tháng 11. Quân Nga bố trí ở bên bờ phải, cách quãng sông lội được không xa lắm, toan tiến công vào những toán quân Pháp đã sang qua sông, nhưng quân Nga do tướng Sáp-lít chỉ huy đã bị giáp binh của đội cận đánh lui. Vít-ghen-stai tới chiến trường quá chậm. Chít-sa-gốp thì bị Na-pô-lê-ông đánh lừa và tàn quân Pháp đã thoát không bị bắt. Tướng A-púc-tin, một nhà sử học quân sự người Nga, đã nói về vấn đề này: "Không thể không nghiêm khắc chỉ trích những người chỉ huy tồi kém như Chít-sa-sốp và Vít-ghen-stai được, họ đã không có gan đương đầu Na-pô-lê-ông".

Cuộc vượt sông tiến hành có trật tự và khi hầu hết quân đội Pháp đã sang sông an toàn, thì thình lình một đám quân Pháp hành quân rớt lại sau khoảng 1 vạn 4 nghìn người bị quân Cô-dắc truy kích và chạy toán loạn về phía cầu. Đám quân đang thất đảm đó vội vã lao xuống cầu vào lúc mà những toán quân cuối cùng của thống chế Vích-to đang hàng ngũ sẵn sàng nhưng còn chưa qua được sông; họ đã phải dùng lưỡi lê đẩy lùi đám quân ấy lại. Được quân Gô-dắc báo tin cho biết là Na-pô-lê-ông đang vượt sông Bê-rê-đi-na ở quãng lội Xtu-đi-an-ca, Cu-tu-dốp lập tức báo cho Chít-sa-gốp biết. Vào giữa lúc pháo binh qua sông thì cầu gẫy. Lính bắc cầu vội vã chữa lại, nhưng vừa chữa xong cầu lại gẫy. Nếu Chít-sa-gốp khẩn trương hơn nữa thì quân Pháp không tài nào tránh được tai họa. Nhưng không rõ vô tình hay hữu ý, Chít-sa-gốp đã đến quá chậm, khi đến nơi thì Na-pô-lê-ông đã cùng với tàn quân ở bờ sông bên kia. Đại đa số binh lính Pháp hành quân rơi rớt (khoảng 1 vạn trong số 1 vạn 4 nghìn người), do bị binh lính của Vích-to đẩy ra xa cầu, đã phải bỏ ở lại bờ sông, phần bị quân Cô-dắc tàn sát, phần bị bắt làm tù binh. Cuộc vượt sông vừa xong thì Na-pô-lê-ông hạ lệnh đốt cầu; và nếu như không có lệnh ấy thì số lính bị rớt lại sau hẳn đã chạy thoát được hết, nhưng vì nhu cầu quân sự đòi hỏi phá huỷ phương tiện qua sông của quân Nga nên việc tổn thất 1 vạn quân rơi rớt ấy không ngăn cản được hoàng đế. Ông ta coi những người nào giữ vững được hàng ngũ là người hữu ích, còn những kẻ đã lạc ngũ thì, bất kể lý do gì, dù bị ốm đau hay vì chân tay bị tê cóng, đối với Na-pô-lê-ông, họ không còn là những người lính nữa, hoàng đế chẳng quan tâm mấy đến số phận của họ. Na pô-lê-ông chỉ chăm sóc đến thương binh khi nào những sự chăm sóc ấy không gây thiệt thòi cho những binh sĩ còn khả năng chiến đấu. Ở trường bợp này, thấy cần thiết phải đốt cầu một cách nhanh chóng nhất, Na-pô-lê-ông đã đốt không chút do dự.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM