Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 06:27:54 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Napoleon Bonaparte  (Đọc 94060 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #210 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2016, 04:42:07 pm »


III

Đã bao nhiêu lần, trận Bô-ri-đi-nô từng hấp dẫn sự chú ý của các nhà viết sử, các chuyên gia và nghệ thuật quân sự, các nhà đại văn hào và các nhà danh họa. Song, số phận đế quốc Na-pô-lê-ông không phải đã được quyết định trên cánh đồng Bô-ri-đi-nô mà là suốt cả trong quá trình cái chiến dịch nước Nga này: Bô-ri-đi-nô chẳng qua chỉ là một cảnh của tấn bi kịch, chưa phải là cả tấn bi kịch. Ngay cả bản thân chiến dịch nước Nga cũng chưa phải là đoạn trót, mới chỉ là phần mở đầu của đoạn chót còn rất lâu mới hạ màn.

Song, tâm tưởng của những người đương thời và của đời sau vẫn cứ bị mê say bởi những cánh đồng Bô-ri-đi-nô ngổn ngang hàng ngàn xác chết bỏ trơ hàng tháng trời.

Giờ phút chờ đợi, mong mỏi bồn chồn đã đến, giờ phút mà Na-pô-lê-ông không ngừng mơ tưởng từ khi còn ở Đre-xđen, thoạt tiên là ở trên sông Ni-ê-men rồi ở Vin-na, ở Vi-tép, ở Xmô-len, ở Vi-át-ma, ở Gơ-giát. Khi tiến gần đến những nơi đã dành sẵn làm vũ đài cho một trong những cuộc chém giết kinh khủng nhất từ xa xưa đến nay chưa từng thấy trong lịch sử, Na-pô-lê-ông chỉ còn chừng một phần ba số quân so với khi mới đặt chân lên đất Nga.

Bệnh tật và những nỗi gian truân của chiến dịch; nạn đào ngũ; nạn trộm cắp; sự bức thiết phải tăng cường các cánh sườn và các hậu phương xa xôi hướng về Ri-ga và Pê-téc-bua, và về phía nam để nhằm chống lại các lực lượng từ Thổ Nhĩ Kỳ sang; sự bức thiết phải có quân bảo vệ ngày càng nghiêm ngặt hệ thống giao thông rộng lớn từ sông Ni-ê-men đến Sê-vác-đi-nô đã là những yếu tố làm cho quân số của đại quân sụt hẳn đi rất nhiều. Khi tiếp cận cứ điểm Sê-vát-đi-nô, Na-pô-lê-ông có 13 vạn rưởi quân và 587 khẩu pháo. Lực lượng Nga có 10 vạn 3 nghìn quân chính quy và 640 khẩu pháo, cộng thêm 7 nghìn quân Cô-dắc và khoảng 1 vạn dân quân tổng động viên. Chất lượng pháo binh Nga không thua kém gì pháo binh của quân Pháp, và số lượng thì trội hơn. Quân đội của Na-pô-lê-ông bị chết rất nhiều ngựa, nên đã không thể kéo hết được số pháo ở Mô-hi-lép, ở Vi-tép và ở Xmô-len lên đường về Mát-xcơ-va.

Trong suốt trận Bô-ri-đi-nô, Na-pô-lê-ông đã đóng đại bản doanh ở làng Va-lu-ê-vô.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #211 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2016, 04:42:38 pm »


Na-pô-lê-ông tin chắc sẽ thắng và giai đoạn đầu của trận đánh đã làm cho ông vững thêm lòng tin. Ngày 5 tháng 9, Na-pô-lê-ông hạ lệnh công kích cứ điểm Sê-vát-đi-nô. Sau khi Muy-ra đã đánh lùi được một bộ phận kỵ binh Nga và sau đợt pháo hỏa chuẩn bị thì tướng Côm-păng dẫn đầu năm trung đoàn bộ binh xung phong vào và đã chiếm được cứ điểm sau một trận cường tập bằng lưỡi lê. Khuya đêm ấy, quân Pháp kể chuyện rằng họ rất ngạc nhiên khi họ đột nhập vị trí, các pháo thủ Nga đã chiến đấu rất quyết liệt và dù có bị chém chết tại chỗ cũng cam lòng chứ quyết không bỏ chạy trốn, mặc dầu họ có thể chạy trốn được. Tảng sáng ngày 6 tháng 9, Na-pô-lê-ông lên ngựa và hầu như suốt cả ngày không bước chân xuống đấy. Ông ta sợ rằng quân Nga đang chiếm lĩnh cách Ni-ê-men vài ki-lô-mét sẽ đánh để rút lui sau khi bị mất cứ điểm. Nhưng những điều lo lắng ấy đã là vô ích: Cu-tu-dốp vẫn không nhúc nhích. Na-pô-lê-ông rất lo rằng quân Nga lại lẩn tránh một trận tổng công kích nữa; chỉ vì lý do ấy mà Na-pô-lê-ông đã bác ý kiến Đa-vu đề nghị dùng những lực lượng lớn đánh vu hồi và sườn trái quân địch (về phía U-tít-xa), bởi hành động ấy sẽ làm cho Cu-tu-dốp hoảng sợ và thôi thúc Cu-tu-dốp trốn tránh.

Sau trận Xmô-len, nơi mà Na-pô-lê-ông đã hạ quyết tâm là không kéo dài chiến tranh đến hai năm và nội trong năm ấy cần kết thúc, thì mục đích cốt yếu và trước mặt của Na-pô-lê-ông là tiến vào Mát-xcơ-va và ở đó sẽ đề nghị giảng hòa với Sa hoàng. Tuy rất mong mỏi chiếm được Mát-xcơ-va nhưng Na-pô-lê-ông lại hoàn toàn không muốn chiếm được Mát-xcơ-va mà không phải đánh nhau: phải diệt trừ quân đội Nga, nghĩa là phải có một trận tổng công kích Mát-xcơ-va, đó là mục tiêu phải đạt kỳ được, bằng bất cứ giá nào chứ không phải là đuổi theo sau Cu-tu-dốp nếu Cu-tu-dốp quyết định chạy khỏi Mát-xcơ-va, theo hướng Vla-đi-mia, hoặc Ri-a-dan, hoặc xa hơn nữa. Cũng lại chính vì lý do đó mà cả Bác-clây lẫn Cu-tu-dốp đều không muốn đánh trận ấy, trận Na-pô-lê-ông vô cùng mong mỏi. Song, giờ đây thì Bác-clây hơi lặng tiếng, hoàn toàn phụ thuộc vào Cu-tu-dốp kể từ khi còn Dai-mít-sê; Cu-tu-dốp cũng im hơi lặng tiếng vì không thể tránh trách nhiệm ghê sợ ấy và không thể rút lui, không chiến đấu, không thể bỏ mặc cho Mát-xcơ-va thất thủ, nhưng như vậy lại cứu vãn được quân đội.

Suốt cả ngày 6 tháng 9, sau ngày chiếm được Sê-vát-đi-nô, Na-pô-lê-ông không động binh. Sau khi ra lệnh cho binh lính nghỉ ngơi và cho ăn gấp đôi, Na-pô-lê-ông đặt kế hoạch hành động tỉ mỉ cho ngày hôm sau, định rõ nhiệm vụ cho các thống chế và các tướng tụ tập theo Na-pô-lê-ông đi hết chỗ này chỗ nọ. Cũng như hoàng đế và các thống chế, những người binh nhì luôn luôn nhìn về phía quân Nga đóng ở tận xa và tất cả đều đặt ra câu hỏi: Cu-tu-dốp nhổ trại rồi chăng? Nhưng không hề động tĩnh: quân Nga vẫn ở nguyên vị trí.

Dù bị cảm lạnh trong suốt cả cái ngày tất bật ấy Na-pô-lê-ông vẫn tỏ ra không có vẻ gì mệt nhọc.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #212 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2016, 04:43:06 pm »


Đêm xuống. Binh lính đi ngủ sớm, vì biết rằng ngày mai trận đánh sẽ bắt đầu vào lúc tảng sáng. Na-pô-lê-ông hầu như không ngủ được, mặc dầu suốt ngày hôm ấy tinh thần và thể xác bị căng thẳng. Ông ta đã khéo che giấu sự bối rối nhưng không đạt kết quả lắm, ít ra thì cũng là lần này các sĩ quan hầu cận đã thấy rõ ràng ông ta không nghe thấy gì khi họ nói với ông ta. Chốc chốc, Na-pô-lê-ông lại chạy ra khỏi lều để nhìn xem lửa có còn bốc cháy bên trận địa quân Nga không. Mặt trời vừa hé, Na-pô-lê-ông đã hạ lệnh công kích, và theo đúng kế hoạch bố trí của hoàng đế, phó Vương nước Ý là Ơ-gien đơ Bô-hác-ne dẫn đầu quân đoàn của mình xung phong vào làng Bô-ri-đi-nô, bên cánh trái. Đa-vu, Nây, Muy-ra cũng lần lượt động binh để đánh chiếm các tháp canh do Ba-gra-chi-on xây dựng ở trung tâm làng Xê-mê-nốp-xcô-e. Từ cả hai phía, pháo binh bắn như sấm, không ngừng không dứt, đinh tai nhức óc, ngay cả những người đã từng ở Ai-lau và ở Va-gram cũng chưa bao giờ nghe thấy như vậy.

Theo lời những người được chứng kiến thì suốt ngày tháng 9 dài dặc còn ấm áp ấy, trong tâm hồn Na-pô-lê-ông đã lần lượt diễn ra hai trạng thái. Lúc bình minh, khi mặt trời chỉ mới bắt đầu ló ra khỏi chân trời, Na-pô-lê-ông đã vui vẻ nói "Đó là mặt trời Au-xtéc-lít”. Và tâm trạng này đã kéo dài trong cả buổi sáng. Hình như quân đội của Na-pô-lê-ông bắt đầu đánh bật dần dần và đánh bật hẳn quân Nga ra khỏi các vị trí. Nhưng ngay trong đợt xung phong đầu tiên và mạnh mẽ ấy của quân Pháp vào Sê-vát-đi-nô, nhiều báo cáo khá nguy cấp xen kẽ với những tin thắng lợi đáng mừng đã bắt đầu bay tới đại bản doanh, nơi mà hoàng đế đang quan sát cuộc chiến đấu. Và những giờ đầu buổi sáng, hoàng đế được tin một trong số những viên tướng giỏi nhất của mình là Plô-don, chỉ huy trung đoàn tác chiến thứ 106, đã vào được Bô-ri-đi-nô và đánh bật được quân Nga ra, nhưng sau đó đã bị quân Nga tiêu diệt một phần trung đoàn, giết chết Plô-don và một số lớn sĩ quan. Tiếp viện được điều đến ngay và quân Pháp vẫn làm chủ được Bô-ri-đi-nô. Nhưng những hoàn cảnh đưa đến cái chết của Plô-đon đã chứng tỏ tinh thần chiến đấu quyết liệt của quân Nga ngày đó. Rồi một sĩ quan hầu cận chạy tới báo cáo là cuộc tiến công của thống chế Đa-vu đang tiến triển thuận lợi, nhưng sau đó một sĩ quan khác bất chợt đến báo cáo rằng sư đoàn Côm-păng, đơn vị khá nhất của quân đoàn Đa-vu đang bị một làn hỏa pháo ác liệt bao vây, Côm-păng bị thương, các sĩ quan bị chết, thống chế Đa-vu đến tiếp viện cướp được các khẩu pháo của quân Nga đã bắn vào Côm-păng, và cũng như hai ngày trước đây ở Sê-vát-đi-nô, các pháo thủ Nga đã chiến đấu đến phút cuối cùng tới khi bị chém chết ngay bên khẩu pháo của mình, ngựa của Đa-vu đang cưỡi đã bị một viên đạn Nga giết chết, và thống chế bị trọng thương ngất đi bất tỉnh.

Hoàng đế chưa kịp nghe hết báo cáo và cũng chưa kịp ra lệnh mới thì người ta lại báo cáo tin thống chế Nây, dẫn đầu ba sư đoàn, đã chiếm và giữ vững được các tháp canh của Ba-gra-chi-on do quân đánh lựu đạn Nga cố thủ, nhưng đối phương không ngớt phản kích một cách dữ dội. Một sĩ quan hầu cận khác mang tin: sư đoàn của Nê-vê-rốp-xki vừa mới đánh bật được quân của Nây ra khỏi những vị trí ấy. Mãi sau, Nây mới làm chủ lại được tình thế, nhưng hoàng thân Ba-gra-chi-on vẫn tiếp tục chiến đấu sống mái ở cứ điểm đó. Một trong số những công sự quan trọng nhất vừa mới bị quân Pháp (của tướng Rơ-du) chiếm được thì một cuộc xung phong mãnh liệt bằng lưỡi lê của quân Nga lại bị đánh bật ra và làm cho bị tổn thất nặng nề. Cuối cùng Muy-ra đã lấy lại được nhiều công sự nhưng binh lính cũng đã bị thương vong rất nhiều.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #213 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2016, 04:43:48 pm »


Từ khắp nơi, người ta đều báo cáo với Na-pô-lê-ông rằng tuy bị thiệt hại nhiều hơn so với quân Pháp nhưng quân Nga không chịu đầu hàng và trong những cuộc phản kích, họ quyết hy sinh đến người cuối cùng để tìm cách khôi phục tình thế. Muốn kỵ binh được tự do hoạt động, cần phải nỗ lực ghê gớm để đánh chiếm một số điểm cao nhỏ và địa hình mấp mô chạy cắt đôi bãi chiến trường mênh mông, và những chướng ngại vật thiên nhiên ấy đã bắt quân Pháp phải hy sinh quá nhiều. Quân đoàn Rai-ép-xki tuy cũng bị tiêu hao nhưng đã giáng cho lực lượng của Nây và Muy-ra những đòn nặng nề đến nỗi hai viên thống chế này đã phải tung ra tất cả số quân có trong tay. Con suối Xê-mê-nốp-xcô-e và cái làng nằm quanh con suối ấy bị giành đi giật lại nhiều lần. Cuối cùng, hai thống chế xin Na-pô-lê-ông tiếp viện, họ cam kết là trận đánh sẽ thắng lợi nếu kịp thời chiếm được con suối và cái làng kia từ tay Ba-gra-chi-on.

Na-pô-lê-ông không tăng viện cho họ quá một sư đoàn. Qua tình thế đặc biệt ác liệt của trận đánh, Na-pô-lê-ông thấy rằng Nây và Muy-ra đều sai lầm, rằng các quân đoàn của Nga mà Nây và Muy-ra cho là đang chuẩn bị rút khỏi cuộc chiến sẽ không rút lui, rằng các lực lượng dự bị của Pháp có thể sẽ bị kiệt sức vào giờ phút tiến công quyết định. Và giờ phút ấy vẫn con chưa đến. Trong ngày hôm ấy, sư đoàn Mo-răng đã xung phong chiếm được trận địa pháo của Rai-ép-xki, ở giữa Rô-ri-đi-nô và Xê-mê-nốp-xcô-e, nhưng một cuộc phản kích bằng lưỡi lê đã đánh bật quân Pháp, và quân Nga đã chiếm lại được trận địa pháo. Với những tổn thất nặng nề, quân Nga đã cướp lại trận địa trong tay Mo-răng và viên tướng ấy đã chết tại trận.

Tin quân Nga chiếm lại được trận địa trọng pháo với Na-pô-lê-ông cùng lúc với một tin khác: Ba-gra-chi-on đang dốc hết sức lực cuối cùng để đuổi Nây và Muy-ra ra khỏi ba công sự mà Nây và Muy-ra đã phải khó khăn lắm mới chiếm được.

Một trận chiến đấu ác liệt với Ba-gra-chi-on để giành lấy các công sự Xê-mê-nốp-xcô-e đã diễn ra. Chỉ trong vài giờ, những cứ điếm ấy đã bị cướp đi giành lại nhiều lần. Trong khu vực này, hơn 700 khẩu pháo gầm thét, Pháp có 400 và Nga hơn 300. Nhiều lần quân Nga và quân Pháp đã đánh giáp lá cà và pháo binh không phân biệt rõ nên đôi khi đã nã cả vào quân mình đang lẫn lộn với quân địch.

Cho đến lúc cuối đời họ, các thống chế đã dự trận ngày hôm ấy vẫn còn khâm phục tinh thần chiến đấu của binh sĩ Nga ở công sự Xê-mê-nốp-xcô-e. Quân Pháp cũng không kém phần anh dũng. Chính ở đấy đã vang lên tiếng "Khá lắm! Khá lắm!" do Ba-gra-chi-on thốt ra trước khi chết để khen ngợi bộ binh Pháp đang xung phong chiến đấu bằng lưỡi lê, không nổ một tiếng súng dưới làn mưa đạn. Vài phút sau, hoàng thân Ba-gra-chi-on, mà Na-pô-lê-ông cho là người tướng giỏi nhất của quân Nga, bị tử thương và được đưa ra khỏi chiến trường Bô-ri-đi-nô qua những làn đạn dày đặc.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #214 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2016, 04:53:16 pm »


Lúc ấy đang giữa trưa. Tâm thần Na-pô-lê-ông bỗng có sự thay đổi nhanh chóng và quyết định. Sự thay đổi ấy không phải do cảm lạnh như các nhà chép tiểu sử Na-pô-lê-ông đã từng nhắc đi nhắc lại, mà thực tế là do: đứng trước việc Nây và Muy-ra khẩn khoản xin viện binh, rốt cuộc đã xin cho đội cận vệ đi cứu ứng, thì Na-pô-lê-ông thấy không thể làm như vậy được, không phải chỉ vì Na-pô-lê-ông không muốn làm cho đội cận vệ của mình hao tổn ở nơi cách xa nước Pháp hàng ngàn ki-lô-mét, như lúc ấy Na-pô-lê-ông đã nói, mà còn vì một nguyên nhân khác nữa trực tiếp hơn nhiều: kỵ binh Nga, trong số đó có quân Cô-đắc của U-ra-nốp và của Pla-tốp, đã thình lình tập kích vào những phân đội vận tải và sư đoàn vừa tham gia trận đánh chiếm Bô-ri-đi-nô. Cuộc tập kích bị đánh lui nhưng hành động ấy đã quyết định việc không thể đưa tất cả đội cận vệ tham chiến, bởi vì quân Pháp thấy rằng ngay từ hậu phương rất xa của họ, họ cũng không còn được an toàn nữa. Vào ba giờ chiều, Na-pô-lê-ông hạ lệnh mở một cuộc tiến công mới vào trận địa pháo của Rai-ép-xki. Cứ điểm ấy đã bị chiếm sau nhiều đợt xung phong ác liệt. Na-pô-lê-ông tài giỏi hơn các thống chế của ông trong việc cân nhắc và đánh giá những tổn thất ghê gớm ở khắp các nơi báo cáo về.

Khi trời sắp tối thì hoàng đế nhận được nhiều tin quan trọng: Ba-gra-chi-on bị tử thương, cả hai anh em Tu-xcốp đều bị chết, quân đoàn Rai-ép-xki bị tiêu diệt gần hết, cuối cùng quân Nga vừa rút khỏi Xê-mê-nốp-xcô-e vừa tiếp tục kháng cự một cách vô vọng. Na-pô-lê-ông tiến về hướng Xê-mê-nốp-xcô-e. Bất cứ ai lúc đó đã đến gần và nói chuyện với Na-pô-lê-ông đều nhất trí rằng họ không còn nhận ra hoàng đế nữa: Na-pô-lê-ông im lặng nhìn xác người, ngựa chất thành núi, không buồn trả lời những câu hỏi cấp thiết mà ngoài Na-pô-lê-ông ra không còn ai có thể trả lời được. Lần đầu tiên người ta thấy Na-pô-lê-ông chìm đắm trong một thứ lạnh lùng rầu rĩ và hình như đang do dự.

Trời đã tối hẳn, 300 khẩu pháo của quân Pháp bắn vào quân Nga đang rút lui từ từ và trật tự. Nhưng cuộc pháo kích ấy không gây được kết quả như người ta mong muốn: binh lính có ngã xuống nhưng không một ai chạy trốn. Trước tình hình ấy, Na-pô-lê-ông đã phải ra lệnh tăng cường hỏa lực: "Chúng nó còn muốn nữa thì cho chúng nó nữa đi!". Quân Nga vừa rút lui vừa bắn trả lại. Đó là tình hình hai bên khi đêm đến.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #215 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2016, 04:53:35 pm »


Suốt đêm ấy, khi Cu-tu-dốp đã nghe những báo cáo đầu tiên và thấy rằng riêng trong ngày 7 tháng 9 ấy, quân Nga đã bị tiêu diệt mất một nửa thì ông liền hạ quyết định dứt khoát là cứu lấy nửa số quân còn lại và bỏ Mát-xcơ-va, không giao chiến nữa. Điều ấy không ngăn cản gì việc Cu-tu-dốp tuyên bố rằng trận Bô-ri-đi-nô thắng lợi, mặc dầu trong đáy lòng, Cu-tu-dốp rất phiền muộn. Tuy nhiên đó vẫn là một thắng lợi tinh thần không thể chối cãi được. Dưới ánh sáng của những sự kiện sau này xảy ra, người ta có thể khẳng định rằng ngay cả về phương diện chiến lược, thắng lợi cũng thuộc về phía quân Nga hơn là về phía quân Pháp.

Cũng đêm hôm đó, khi người ta báo cho Na-pô-lê-ông biết rằng 47 vị tướng lĩnh của ông đã bị chết hoặc bị thương nặng, hàng vạn binh sĩ bị chết hoặc bị thương nằm phơi trên bãi chiến trường, và khi chính mắt Na-pô-lê-ông nhận ra được rằng chưa có một trận đánh lớn nào từ trước đến nay lại quyết liệt và đẫm máu như trận Bô-ri-đi-nô (mặc dầu ông cũng tự cho mình là thắng trận) thì Na-pô-lê-ông, con người đã từng giành được trong đời mình biết bao thắng lợi đích đáng và không ai chối cãi được, cũng không thể không hiểu rằng nếu như trận Lô-đi, Ri-vô-li, Kim Tự Tháp, trận tiêu diệt quân đội Thổ ở A-bu-kia, trận Ma-ren-gô, Au-xtéc-lít, I-ê-na Phrít-lan hoặc Va-gram đã có thể gọi là những chiến thắng thì đối với Bô-ri-đi-nô phải tìm ra một định nghĩa khác. Na-pô-lê-ông chờ đợi Cu-tu-dốp sẽ tiếp chiến nữa ở Mát-xcơ-va nhưng quyết tâm của Cu-tu-dốp đã là không thể lay chuyển. Na-pô-lê-ông không được nghe nói đến cuộc họp hội đồng quân sự ở Phi-ly, nhưng có nhiều triệu chứng chắc chắn cho phép Na-pô-lê-ông thấy rằng, hai ngày sau trận Bô-ri-đi-nô người ta đa quyết định bỏ rơi thành phố không chiến đấu.

Kỵ binh của Muy-ra bám sát cuộc rút lui của Cu-tu-dốp. Ngày 9 tháng 9, Na-pô-lê-ông tiến vào Mô-gia-it; ngày hôm sau, hoàng thân Ơ-gien, phó vương nước Ý, tiến vào Ru-da. Buổi sáng ngày 13 tháng 9, nắng đẹp, Na-pô-lê-ông cùng với tùy tùng tới Pốc-lon-nai-a Gô-ra và, cũng như những người xung quanh, ông ta đã không thể nén được nỗi ngạc nhiên trước vẻ đẹp của cảnh vật. Trước mắt Na-pô-lê-ông, cái thành phố bát ngát đang rực rỡ dưới ánh mặt trời kia là nơi mà cuối cùng ông sẽ cho quân đội nghỉ ngơi, phục hồi sức lực, và trước hết sẽ là vật bảo đảm không thể thiếu được để buộc A-lếch-xan xin giảng hòa. Những cảnh tượng khủng khiếp của Bô-ri-đi-nô đã bị phong cảnh đẹp đẽ và những viễn cảnh kia xóa nhòa.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #216 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2016, 04:55:48 pm »


IV

Trong ngày 14 tháng 9, quân đội Nga cuồn cuộn kéo qua Mát-xcơ-va không ngớt để tràn về các ngả đường đi Cô-lôm-na và Ri-a-dan và vẫn luôn luôn bị kỵ binh của vua xứ Na-plơ bám sát. Mi-lô-ra-đô-vích, chỉ huy đội tiền vệ, đã tranh thủ được Muy-ra hứa rằng sẽ để cho quân Nga yên ổn qua thành phố. Quân hậu vệ có Rai-ép-xki chỉ huy, tối đến đã dừng lại ở làng Vi-a-dốp-ca cách cổng thành Cô-lôm-na sáu véc-xtơ1. Cũng trong thời gian ấy, kỵ binh Pháp, sau khi vượt qua thành phố đi theo đường Ác-bát, đã đẩy xa dần tiếng đồn đến tận làng Ca-rát-sa-rô-vô.

Ngày 16 tháng 9, quân của Cu-tu-dốp bỏ lại Mát-xcơ-va đằng sau để tiếp tục hành quân theo đường Ri-a-dan, và sau khi hạ trại nghỉ đêm ở gần làng Cu-la-cô-vai-a, thì sáng hôm sau đã đổi hướng, tiến về phía bên phải mà Na-pô-lê-ông không biết. Quân của Cu-tu-dốp, đi ngược dòng sông Pắc-ra, đã đến chiếm lĩnh trận địa ở bên tả ngạn con sông này tại Cra-xnai-a Pắc-ra, trên con đường cũ đi Ca-lu-ga. Đường giao thông độc nhất của Na-pô-lê-ông với Xmô-len đã bị kỵ binh Nga chặn giữ.

Vừa đến cổng thành Đô-rô-gô-mi-lô-vô, nhiều tin đồn khác thường do đội cận vệ nghe được và bàn tán đã bay đến Na-pô-lê-ông: Mát-xcơ-va hoang vắng, hầu hết dân chúng ở đó đã tản cư, sẽ chẳng có một phái đoàn nào ra mở cửa thành phố cho hoàng đế như ông mong đợi. Những tin đồn ấy đã là những tin xác thực.

Ngày 15 tháng 9, Na-pô-lê-ông tiến vào điện Crem-li. Những ngọn lửa đầu tiên đã bốc lên từ đêm hôm trước, nhưng dù chỉ là phỏng đoán, cũng vẫn chưa thể dự kiến được quy mô và ý nghĩa của cái biến cố đang bắt đầu ấy.

Sáng ngày 16 tháng 9, các đám cháy tăng dần. Ban ngày người ta nhận thấy còn nhỏ. Nhưng đến đêm 16 rạng ngày 17, một cơn gió nổi lên và thổi không ngớt trong hơn 24 tiếng đồng hồ. Một bể lửa thiêu hủy khu trung tâm thành phố ở xung quanh điện Crem-li, ở các khu phố Da-mốt-vô-rét-si-ê, Xô-li-an-ca; các khu vực ấy của thành phố ở cách nhau xa nhất đều bốc cháy gần như cùng một lúc.
______________________________________
1. Một véc-xtơ bằng 1,067 mét - ND.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #217 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2016, 04:56:51 pm »


Khi người ta báo tin những đám cháy đầu tiên Na-pô-lê-ông không chú ý lắm, nhưng đến sáng ngày 17 tháng 9, khi đi dạo quanh điện Crem-li, trông qua cửa sổ thấy đâu đâu cũng là một bể lửa đang bốc cháy ngùn ngụt thì, theo lời của Xê-ghi-ê và của bác sĩ Mê-ti-vi-ê và nhiều người khác nữa, hoàng đế đã thất sắc và, sau khi đã lặng lẽ ngắm cảnh cháy ấy rất lâu, ông ta nói: "Cảnh tượng kinh khủng quá! Chính họ đã tự... quyết định kỳ quặc nhất! Những con người đến lạ! Chúng là những kẻ Xít-tơ"1. Giữa lúc này, ngọn lửa không phải chỉ uy hiếp điện Crem-li, mà đã thiêu hủy một bộ phận tường thành (ngọn tháp Chúa Ba Ngôi), một số cửa đã không ra vào được nữa vì bị gió thổi tạt lửa tới. Các thống chế khẩn khoản đề nghị hoàng đế của họ dời ngay đến lâu đài Pê-tơ-rốp-xcô-e ở cửa thành phố. Lúc đầu Na-pô-lê-ông không bằng lòng đi và vì vậy mà suýt nữa bị mất mạng. Cuối cùng khi ông ta rời khỏi điện Crem-li cùng với đoàn tùy tùng thì những tàn lửa như mưa đã tới tấp vây lấy họ trong một bầu không khí ngột ngạt. Một kẻ đi cùng với Na-pô-lê-ông đã kể: "Chúng tôi đi trên mặt đất lửa, dưới bầu trời lửa, giữa hai bức tường lửa".

Đám cháy khủng khiếp ấy vẫn dữ dội ngút trời suốt trong những ngày 17 và 18 tháng 9, nhưng đến tối 18 thì đã bắt đầu yếu dần. Gió đã lặng, trời đổ mưa. Trong những ngày sau nữa, ngọn lửa vẫn còn bốc nhưng đã không thể nào so sánh được với cơn bão lửa không lồ chỉ từ ngày 15 đến ngày 17 mà đã đốt trụi một phần lớn thành phố.

Na-pô-lê-ông không nghi ngờ gì về nguyên nhân của cái tai biến hoàn toàn bất ngờ ấy: người Nga đốt cháy thành phố để khỏi rơi vào tay kẻ chiến thắng. Những sự việc như Rô-xtốp-sin đã mang đi tất cả bơm nước và các dụng cụ cứu hỏa khác; các đám cháy xuất hiện cùng một lúc ở nhiều điểm, những lời khai của một số người bị bắt vì tình nghi gây ra hỏa hoạn; và những lời khai của binh sĩ chứng thực rằng đã trông thấy những người cầm đuốc đốt nhà, tất cả những điều ấy là những dẫn chứng xác thực, về sau này, như người ta đã biết, Rô-xtốp-sin lúc thì khoe khoang thành tích đã đốt cháy thành Mát-xcơ-va, lúc thì chối rồi lại khoe khoang bằng cách phô trương tinh thần yêu nước hung hăng của hắn, sau đó lại chối cãi nữa (trong cuốn sách mỏng viết riêng về việc này hắn cũng đã làm như vậy). Do tính chất của việc đốt thành (về vấn đề này cũng đã có rất nhiều phán đoán của giả thuyết) mà chính là những tác động của nó đến tình hình tinh thần của Na-pô-lê-ông và đến hàng loạt biến cố xảy ra sau này.
_____________________________________
1. Xít-tơ (Scythes): dân tộc thuở xưa ở vùng đông-bắc châu Âu và tây -bắc châu Á. Ý nói là những kẻ man rợ - ND.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #218 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2016, 04:57:19 pm »


Theo những chứng cớ giống nhau trong suốt thời gian ở Pê-tơ-rốp-xcô-e rồi lại trở lại điện Crem-li, khi các đám cháy đã bắt đầu dịu dần thì cũng là khi Na-pô-lê-ông lo âu sầu khổ. Thỉnh thoảng ông ta lại nổi cơn điên giận, và đó là điều bất hạnh cho đám người xung quanh; có lúc lại nín thít trong suốt mấy giờ liền. Nhưng Na-pô-lê-ông vẫn giữ được nghị lực; từ Mát-xcơ-va, ông vẫn tiếp tục cai trị cái đế quốc mênh mông của mình và ký đạo luật, sắc lệnh, quyết định bổ nhiệm, thuyên chuyển, khen thưởng, cách chức những viên chức lớn và nhỏ ở Mát-xcơ-va, cũng như từ trước đến nay, Na-pô-lê-ông muốn rõ hết thảy, ông để tâm đến những việc quan trọng nhất cũng như những việc thứ yếu hoặc những việc hoàn toàn phụ. Xin nhắc lại một chuyện nhỏ kỳ lạ là bản điều lệ tỉ mỉ quy định việc thành lập đoàn kịch nước Pháp, đến tận bây giờ vẫn không có gì thay đổi đã do Na-pô-lê-ông ký ở điện Crem-li và đến nay cũng vẫn gọi là "sắc lệnh Mát-xcơ-va".

Một mối lo lớn, đáng sợ đang ám ảnh ông hoàng đế. Làm gì nữa đây? Trận cháy chưa thiêu đốt hết các kho lương thực hiện có ở Mát-xcơ-va, có những kho tàng thoát tay thần lửa. Nhưng những phân đội được cử ra ngoài thành phố kiếm cỏ cho ngựa đều trở về tay không; binh lính lén đi ăn cắp vặt và biến mất, rõ ràng là kỷ luật đã trở lên lỏng lẻo. Chắc chắn là có thể đặt bản doanh nghỉ quân ở Mát-xcơ-va như một số lớn thống chế và tướng lĩnh đã khuyên Na-pô-lê-ông, nhưng bản năng rất đúng đắn của Na-pô-lê-ông báo trước cho ông ta rằng đế quốc rộng lớn của ông ta không vững chắc gì lắm và lòng trung thành của "các bạn đồng minh" không đủ bảo đảm cho ông ta có thể phó mặc cả châu Âu trong thời gian dài và đi biệt tăm mãi vào băng tuyết trên đất nước Nga. Tiến đánh Cu-tu-dốp đã vô tăm tích cùng với quân đội của ông ta chăng? Nhưng Cu-tu-dốp có thể rút lui về đến tận Xi-bê-ri, thậm chí còn có thể xa hơn nữa. Ngựa sẽ không chết hàng nghìn con nữa, mà là hàng vạn hoặc cũng chẳng kém mấy. Hệ thống giao thông rộng mênh mông cũng chẳng vững chãi gì mặc dầu Na-pô-lê-ông đã phải đóng vô số đồn bốt để bảo vệ, do đó mà lực lượng của đại quân bị giảm sút và nhất là trận cháy ở Mát-xcơ-va, kết thúc của hàng loạt đám cháy liên miên mà các thành phố làng mạc Nga đã dùng để đón tiếp kẻ xâm lược đang truy kích Ba-gra-chi-on và Bác-clây từ Ni-ê-men đến Xmô-len và từ Xmô-len đến Bô-ri-đi-nô; cuộc tản cư khó hiểu, bí mật của hầu hết nhân dân ở chốn kinh thành xưa cũ; quang cảnh trận Bô-ri-đi-nô, trận khủng khiếp nhất mà Na-pô-lê-ông đã mục kích (Na-pô-lê-ông đã thừa nhận như vào thời kỳ cuối đời mình); tất cả những điều ấy nói lên rằng lần này đối phương đã kiên quyết tiếp tục cuộc chiến đấu một mất một còn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #219 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2016, 04:57:53 pm »


Chỉ còn có một việc để làm: đánh tiếng cho A-lếch-xan biết rằng Na-pô-lê-ông sẵn sàng ký hòa ước một cách dễ dàng nhất, thỏa đáng nhất, tôn kính và tốt đẹp cực kỳ. Từ nay trở đi không còn hy vọng gì hơn là ký hòa ước với tư thế của kẻ chiến thắng khi còn ở Mát-xcơ-va và rút khỏi nước Nga một cách an toàn cùng với lực lượng của mình. Na-pô-lê-ông sẵn sàng thuận theo ý kiến và hứa hẹn của A-lếch-xan, sẵn sàng nhượng bộ. Không còn có thể đặt vấn đề A-lếch-xan bị lệ thuộc hay là chư hầu được nữa. Nhưng làm thế nào để A-lếch-xan biết được như vậy, vì từ sau trận Vi-na và sau sự chối từ đầy xúc phạm của Na-pô-lê-ông do tướng Ba-la-sốp chuyển đạt lên Nga hoàng thì Na-pô-lê-ông đã không còn và không thể có quan hệ gì với A-lếch-xan nữa. Đã ba lần Na-pô-lê-ông tìm cách làm cho Nga hoàng biết những ý kiến hòa bình của mình.

Tại Mát-xcơ-va, trung tướng Tu-ton-min, giám đốc "Viện cô nhi" đã xin các nhà trường cục quân sự Pháp bảo đảm an toàn cho viện và trẻ con hiện đang ở kinh thành. Na-pô-lê-ông liền cho gọi Tu-ton-min đến và đã nói chuyện với viên trung tướng ấy khá lâu; tỏ ra phẫn nộ về đám cháy quái gở ở Mát-xcơ-va, về sự dã man đầy tội lỗi của Rô-xtốp-sin, Na-pô-lê-ông bảo đảm là kinh thành và dân chúng không bao giờ phải lo sợ vì hoàng đế cả. Tu-ton-min xin phép Na-pô-lê-ông cho được báo cáo với hoàng thái hậu Ma-ri về tình hình viện cô nhi (vì viện này do hoàng thái hậu đỡ đầu - lời người dịch bản tiếng Pháp). Na-pô-lê-ông không những chỉ cho phép việc đó mà còn bất chợt nói thêm: "Tôi yêu cầu ông khi làm việc ấy, viết trình lên vua A-lếch-xan người mà trước sau tôi vẫn tôn kính, rằng tôi mong muốn hòa bình". Cùng ngày hôm ấy, ngày 18 tháng 9, Na-pô-lê-ông ra lệnh cho phép một phân viên của viện mang báo cáo của Tu-ton-min được đi qua các tiền đồn quân Pháp.

Na-pô-lê-ông đã không nhận được thư trả lời, và cũng không đợi trả lời, Na-pô-lê-ông quyết định thử lần thứ hai. Do một trường hợp còn ngẫu nhiên hơn trường hợp của Tu-ton-min nhiều; một chúa đất Nga giàu có, tên là I-a-cốp-lép, bố A-lếch-xan Héc-xe, đã buộc lòng phải ở tại Mát-xcơ-va. Y tìm đến các nhà chức trách Pháp để xin được giúp đỡ và che chở, yêu cầu của y được chuyển đến thống chế Moóc-chi-ê là người xưa kia đã quen biết I-a-cốp-lép ở Pa-ri, thống chế lập tức tâu việc đó lên hoàng đế. Na-pô-lê-ông ra lệnh dẫn I-a-cốp-lép đến trình diện. Trong tập "Nhớ lại và suy nghĩ", Héc-xen có kể lại câu chuyện giữa Na-pô-lê-ông và cha y: "... Na-pô-lê-ông tức giận Rô-xtốp-sin là kẻ mà ông ta buộc cho tội đã gây ra vụ cháy thành làm hủy hoại các công trình lịch sử, và cũng như bất cứ bao giờ, Na-pô-lê-ông vừa bào chữa cho lòng yêu chuộng hòa bình của mình vừa giải thích rằng ông ta tiến hành chiến tranh là đánh nước Anh, chứ không phải đánh nước Nga, ông ta khoe khoang là đã cho bảo vệ viện nuôi trẻ làm phúc, và nhà thờ Đức Mẹ lên Trời, ông ta phàn nàn rằng: "A-lếch-xan có một bọn cận thần xấu và Sa hoàng không hay biết gì đến những hành động hòa bình của ông". Sau đó, Na-pô-lê-ông ngừng lại suy nghĩ một lát và bất chợt hỏi: viết thư thì ông có chuyển giúp tôi không và liệu tôi có thể tin chắc được là bức thư sẽ đến tay A-lếch-xan không? Nếu ông chuyển được, tôi sẽ cấp giấy thông hành cho ông và bộ hạ". "Hạ thần xin sẵn sàng lĩnh ý của bệ hạ, nhưng trả lời câu hỏi của bệ hạ thật là khó khăn cho hạ thần". Na-pô-lê-ông viết một bức thư cho A-lếch-xan đề nghị giảng hòa và giao cho I-a-cốp-lép. I-a-cốp-lép đã hứa với Na-pô-lê-ông là sẽ cố gắng hết sức để chuyển tới tận tay A-lếch-xan. Trong bức thư hỏa tốc đầy những lời lẽ hòa giải nhất người ta nhận thấy một câu khá kỳ quặc sau đây của Na-pô-lê-ông: "tiến hành chiến tranh với Ngài nhưng không có hằn thù gì với Ngài". Mặc dầu trước đây đã xảy ra bao nhiêu chuyện nhưng hình như Na-pô-lê-ông vẫn dứt khoát cho rằng không ai có thể nguyền rủa được ông và chỉ riêng ông là người có quyền nổi nóng!

Cả bức thư ấy cũng không được trả lời, Na-pô-lê-ông liền cố gắng một lần thứ ba nữa, và cũng là lần cuối cùng để giành lấy hòa bình.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM