Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:05:46 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Napoleon Bonaparte  (Đọc 94075 lần)
0 Thành viên và 3 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #200 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2016, 06:04:50 pm »


Lúc bấy giờ niềm tin của Đê-ni-Đa-vi-nốp thật là vô hạn. Nhưng cũng nên chú ý là trong năm 1812, ý kiến của Na-pô-lê-ông đã thay đổi nhanh chóng. Ở Xmô-len, khi ngắm cửa sổ điện Crem-li, Na-pô-lê-ông đã nói thế này nhưng khi nhìn Mát-xcơ-va bốc cháy thì Na-pô-lê-ông lại nói thế khác và trong khi rút lui lại nói khác nữa. Ấy vậy mà khi vừa mới vào giai đoạn đầu của chiến dịch, tức là khi đi từ Đre-xđen rồi vượt sông Ni-ê-men thì rõ ràng là Na-pô-lê-ông đã nghĩ đến cái mục tiêu thích thú nhất trong mơ ước: đó là phương Đông, là sự chiếm lấy Ấn Độ, nghĩa là nghĩ đến cái kế hoạch mà Na-pô-lê-ông đã phải từ bỏ ngày 20 tháng 5 năm 1799, khi ông ta ra lệnh không vây hãm thành A-crơ nữa và dời quân khỏi Xi-ri để trở về Ai Cập. Nếu hoàng đế A-lếch-xan xứ Ma-xê-đoan cũng đã xuất phát từ một cứ điểm xa xôi như Mát-xcơ-va mà đã đến được sông Hằng thì tại sao ông ta, Na-pô-lê-ông lại sẽ không làm được như thế? Na-pô-lê-ông đã lý giải như vậy với Nác-bon một trong những người tin cẩn đôi khi được Na-pô-lê-ông thật thà bàn bạc. Một khi mà Mát-xcơ-va đã bị thất thủ, nước Nga đã đánh bại, Sa hoàng sẽ phải ký hòa ước hoặc sẽ bị chết trong cơn tai biến của triều đình thì lúc ấy ai sẽ ngăn cản được quân đội Pháp và các nước chư hầu tiến đến tận sông Hằng? Và chỉ cần lưỡi gươm của nước Pháp đâm vào con sông ấy là toàn bộ cái lâu đài thương mại phồn vinh kia của nước Anh sẽ sụp đổ. Đem đối chiếu những cuốn hồi ký với những tài liệu xác thực, ta có thể tin được vào sự dẫn chứng trên. Hoạt động ngoại giao của Na-pô-lê-ông ở Thổ, ở Ba Tư, ở Ài cập, không bao giờ lại sôi nổi như năm 1811-1812 Chính vào những năm ấy, việc lãnh sự Pháp Néc-xi-a đã chạy theo những chỉ thị mật của Na-pô-lê-ông: phải tiến hành việc điều tra cần thiết về những miền ấy để chuẩn bị cho chiến dịch sau này của quân đôị Pháp. Ai cập và Xi-ri phải làm điểm xuất phát của một đường tiến quân phụ vào Ấn Độ, đã bị bỏ dở năm 1799 ở dưới chân thành A-crơ. Cũng nên nhắc đến một việc là Na-pô-lê-ông đã cử bá tước Nác-bon, vẫn con người đã được Na-pô-lê-ông tâm sự về những dự kiến viễn chinh Ấn Độ sau cuộc chiến thắng "tiêu non"1 nước Nga ("từ Mát- xcơ-va đến sông Hằng"), từ Đre-xđen đến gặp A-lếch- xan lúc ấy ở Vin-na để làm như cố cứu vãn hòa bình một lần cuối cùng nữa. Thực ra, Nác-bon đã hoàn toàn biết rõ mệnh lệnh của Na-pô-lê-ông là phải làm chậm lại cuộc tiến công bất thần của quân Nga vào Vác-sa-va bằng cuộc thương lượng vô ích. Sứ mệnh của Nác-bon không mang lại kết quả, đó là điều tất nhiên. Trong tâm trí Na-pô-lê-ông, chiến tranh đã được định đoạt, không gì làm thay đổi được nữa. Đội quân 40 vạn người của Na-pô-lê-ông đã hành quân qua nước Phổ tiến về phía sông Ni-ê-men, và chỉ đợi lệnh là tiến vào đất Nga.

Na-pô-lê-ông đã từ Đre-xđen đến Pô-dơ-man và ở lại đó vài ngày. Giai cấp quý tộc Ba Lan đã đón tiếp Na-pô-lê-ông nồng nhiệt hơn cả năm 1807, trước hết vì lần này người Ba Lan có thể hy vọng thật sự khôi phục được nước Ba Lan theo như biên giới cũ, hoặc ít ra cũng chiếm được của Nga đất Lít-va và Bạch Nga. Vì vậy nhiệt tình của quý tộc Ba Lan đối với Na-pô-lê-ông có thể tự do cởi mở không chút ngại ngùng thớ lợ.

Nhưng tình hình nôn nóng, dễ nổi giận, lại đang tập trung tất cả tâm trí vào những vấn đề chiến tranh nên ông Hoàng đế không hài lòng lắm khi thấy bọn tiểu quý tộc Ba Lan ăn mặc chải chuốt tóc sấy điểm tô son phấn, đến tỏ lòng trung thành sùng bái đối với mình, Na-pô-lê-ông nói cho họ biết rằng ông ta muốn thấy họ đi ủng kỵ mã, đeo kiếm bên sườn, noi gương tổ tiên họ khi quân Tác-ta và Cô-dắc tiến vào đất nước, vì mọi người đang sống trong thời buổi đòi hỏi phải vũ trang từ đầu đến chân và bàn tay sẵn sàng đặt trên đốc kiếm. Na-pô-lê-ông đã nói như vậy với bọn quý tộc tiếp đón ông ta ở Pô-dơ-man, vào ngày 28 tháng 5 năm 1812 do Goóc-dép-xki, tổng giám mục địa phận, chủ trì. Bọn quý tộc Ba Lan vội vã hiểu lời phát biểu ấy như một lời chúc tụng. Na-pô-lê-ông không bao giờ tỏ ra sắc sảo về mặt xã giao, đặc biệt là khi đang đi chiến dịch.
___________________________________
1. Ý nói: chưa chiến thắng đã tính chuyện, cũng như chưa có tiền trong tay đã tiêu trước. N.D
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #201 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2016, 06:06:21 pm »


Từ Pô-dơ-man, Na-pô-lê-ông đi đến Toóc-nơ rồi từ Toóc-nơ đi Đan-xích lưu lại đây bốn ngày để điều động thêm nhiều đơn vị lính mới, từ Đan-xích, Na-pô-lê-ông đi Cơ-ni-xbe, ở lại đó năm hôm (từ 12 đến 17 tháng 6) và dùng toàn bộ thời gian ấy để giải quyết việc quản lý quân lính và việc tổ chức tiếp tế. Ngày 20 tháng 6 Na-pô-lê-ông đến Gum-bin-men, ông đã hạ nhật lệnh cho toàn quân. "Hỡi các binh sĩ! Cuộc chiến tranh Ba Lan lần thứ hai đã bắt đầu. Cuộc chiến tranh thứ nhất đã kết thúc ở Phrít-lan và ở Tin-dít; ở Tin-dít, nước Nga đã thề liên minh mãi mãi với nước Pháp và sẽ chiến tranh với nước Anh. Ngày nay họ bội ước; họ không muốn giải thích chút gì về hành động kỳ quặc của họ, họ muốn quốc huy của đế quốc Pháp không vượt qua sông Ranh để họ tùy ý muốn làm gì những bạn đồng minh của chúng ta ở đó thì làm. Nước Nga đã bị số mệnh lôi cuốn và định mệnh của họ sẽ đến với họ. Họ tưởng chúng ta bạc nhược rồi chăng?

Chúng ta không còn là những binh sĩ Au-xtéc-lít nữa chăng? Nước Nga đặt chúng ta vào thế hoặc chịu ô nhục thanh danh hoặc phải chiến tranh: con đường chúng ta chọn đã rõ ràng. Chúng ta hãy tiến lên, hãy vượt qua sông Ni-ê-men và tiến hành chiến tranh ngay trên đất nước họ. Cuộc chiến tranh Ba Lan thứ hai này sẽ đem lại vinh quang cho quân đội Pháp. Những hòa ước mà chúng ta sẽ ký sẽ mang trong bản thân chúng sự bảo đảm; chúng ta sẽ chấm dứt cái ảnh hưởng bi thảm mà nước Nga dội vào trong công việc của châu Âu từ năm mười năm nay".

Lời tuyên bố của Na-pô-lê-ông được coi là lời tuyên chiến chính thức.

Hai ngày sau, trong đêm 24 tháng 6 năm 1812 (12 tháng 6 theo lịch cũ) Na-pô-lê-ông ra lệnh vượt sông Ni-ê-men và 300 kỵ binh thuộc trung đoàn Ba Lan thứ 13 là những kẻ đầu tiên vượt sông. Ngày hôm ấy và trong những ngày tiếp theo, toàn bộ cận vệ cũ và mới, rồi đến quân kỵ binh của Muy-ra và đằng sau là các thống chế dẫn đầu các quân đoàn của họ đã nối đuôi nhau vô cùng vô tận sang bờ phía sông Ni-ê-men đến tận chân trời, quân Pháp không còn trông thấy một bóng người. "Trước mặt chúng tôi là sa mạc, đất màu nâu và vàng nhạt, cây cỏ úa cằn và những cánh rừng xa xôi tít tận chân trời". Một trong số những người còn sống sót sau chiến dịch đã kể lại như vậy và quang cảnh đã như một điềm chẳng lành.

Na-pô-lê-ông không nhận thấy một dấu hiệu gì như thế cả. Bao giờ cũng vậy, khi đi chinh chiến Na-pô-lê-ông hoạt bát, nhanh nhẹn hơn thường ngày rất nhiều. Chiến dịch vĩ đại nhất của Na-pô-lê-ông từ trước đến giờ bắt đầu, và cứ theo cách chuẩn bị của Na-pô-lê-ông, ta có thể cho rằng Na-pô-lê-ông hiểu rất rõ điều đó. Có thể đây là chiến dịch cuối cùng ở châu Âu và là chiến dịch đầu tiên ở châu Á của Na-pô-lê-ông; cũng có thể là năm nay Na-pô-lê-ông buộc phải kết thúc chiến dịch ở Xmô-len và để lại đến năm sau mới tiến hành nốt (Mát-xcơ-va và Pê-téc-bua), Na-pô-lê-ông nói đến xứ Ấn Độ và sông Hằng, với các thống chế thì Na-pô-lê-ông nói đến việc đóng bản doanh nghỉ quân ở Xmô-len.

Xung quanh có các tướng tá và một đoàn tùy tùng đông nườm nượp, đi trước là đội kỵ binh của Muy-ra, Na-pô-lê-ông thẳng tiến đến sông Vin-na, không gặp một sức kháng cự nào.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #202 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2016, 04:23:39 pm »


CHƯƠNG MƯỜI BA
CUỘC XÂM LƯỢC NƯỚC NGA CỦA NA-PÔ-LÊ-ÔNG 1812

I

Khi bắt đầu cứ một trận nào trong những cuộc chiến tranh liên miên của mình, Na-pô-lê-ông cũng luôn luôn chú ý tới hai vấn đề chính yếu: một là con người của viên tướng tổng tư lệnh đối phương và hai là tình hình chung bộ máy chỉ huy của đối phương. Viên tướng tổng tư lệnh ấy có mạnh không? Có được hành động tự do tuyệt đối không? Trước hết Na-pô-lê-ông quan tâm đến hai vấn đề có tầm quan trọng cơ bản ấy.

Trong trường hợp đặc biệt, hình như Na-pô-lê-ông có thể trả lời hai vấn đề ấy một cách đầy đủ nhất. Người Nga chỉ có một viên tướng giỏi, xứng đáng, là Ba-gra-chi-on nhưng Ba-gra-chi-on lại bị đặt vào địa vị thứ yếu. Còn Ben-nít-xen thì kém xa Ba-gra-chi-on, bị Na-pô-lê-ông gọi là "một kẻ bất lực" đã bị đánh bại tan tành ở Phrít-lan nhưng Ben-nít-xen không phải là con người kém ngoan cường và cả quyết, và đã tỏ ra cương nghị, không phải bằng việc bóp chết hoàng đế Pôn năm xưa mà bằng sự chống cự phi thường của ông ta suốt trong một ngày huyết chiến ở Ai-lau, nhưng Ben-nít-xen cũng chỉ ở vào địa vị thứ yếu. Còn Cu-tu-dốp? Tuy Na-pô-lê-ông đã đánh bại được Cu-tu-dốp ở Au-xtéc-lít, song chưa bao giờ ông dám khinh Cu-tu-dốp, mà trái lại, còn nhân định Cu-tu-dốp là viên tướng mưu trí và khôn ngoan. Nhưng Cu-tu-dốp không cầm quân nữa. Còn đối với Bác-clây dơ Tô-ly, tổng tư lệnh kiêm thượng thư Bộ chiến tranh, thì Na-pô-lê-ông thiếu tài liệu để đánh giá, nhưng cũng có thiên hướng đánh giá viên tướng này không vượt trình độ thông thường của các tướng lĩnh Nga là mấy, mà theo Na-pô-lê-ông thì trình độ ấy chẳng cao gì lắm. Về vấn đề thứ hai thì có thể có một câu trả lời còn lạc quan hơn: sự thống nhất chỉ huy trong quân đội Nga hoàn toàn không có, và tổ chức bộ máy chỉ huy thì không đáng bình luận đến. Thật ra cũng không thể khác thế được, vì A-lếch-xan ở trong quân đội và đã can thiệp vào mọi ý định tổ chức của Bác-clây. Trên đường hành quân đến sông Vin-na, Na-pô-lê-ông đã biết đầy đủ tình hình trên, cho nên ngay ở Vin-na Na-pô-lê-ông đã mỉa mai lưu ý Ba-la-sốp, tướng hậu cần mà A-lếch-xan cử đến lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng để đề nghị ký hòa ước với Na-pô-lê-ông, rằng: "Tất cả bọn họ làm gì chứ? Trong khi Phun đề nghị thì Ác-phen phản đối, Ben-nít-xen nghiên cứu thì Bác-clây là người có trách nhiệm quyết định lại không biết nên quyết định thế nào và thời gian trôi đi chẳng làm được gì cả!".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #203 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2016, 04:25:44 pm »


Đoạn tường thuật ấy của Ba-la-sốp về cuộc hội đàm với Na-pô-lê-ông đáng cho ta tin cậy hoàn toàn vì có nhiều bằng chứng khác xác minh thêm, nói chung, bản báo cáo của tướng Ba-la-sốp, thượng thư Bộ công an Nga, người mà A-lếch-xan đã phái đến để đề nghị ký hòa ước với Na-pô-lê-ông ngay khi vừa được tin quân Pháp vượt qua sông Ni-ê-men - bán báo cáo đã được Chi-e sao lục trong bản thảo tập XIV cuốn Lịch sử chế độ tổng tài và đế chế và được sao gần như nguyên văn trong một chương hay nổi tiếng của cuốn Chiến tranh và hòa bình - không đáng tin cậy lắm, đặc biệt là những đoạn viết về Ba-la-sốp đã dám nói xa xôi đến Tây Ban Nha và dám nhắc đến thành phố Pôn-ta-va trong khi nói chuyện với Na-pô-lê-ông. Thượng thư Bộ công an Nga chưa bao giờ được đặc biệt nổi tiếng vì đức chân thật và rất có thể về sau này vị thượng thư ấy đã ghi thêm chuyện đó vào. Người viết sử phải luôn luôn chú ý đến những sự thêm thắt như vậy. He-slét đã viết cả một cuốn sách nhan đề là Mưu mẹo rẻ tiền trong lịch sử, dành riêng cho những "bí mật lịch sử" và những chước thuật thuộc loại ấy, cũng rất tài trí nhưng được "sáng tạo" quá chậm và chẳng bao giờ được nói ra, bởi vì thật ra chúng chỉ nảy ra trong đầu óc của người sáng tạo ra chúng khi hắn ta đã từ biệt đối phương, và lúc ra "cầu thang" mới nghĩ ra rằng giá như vừa rồi mà nói thêm như thế này hay như thế nọ thì thật tuyệt. Dầu sao Na-pô-lê-ông - con người đã đến Vin-na bốn ngày sau khi vượt sông Ni-ê-men không gặp một sức kháng cự nào và đã được bọn quý tộc Ba Lan địa phương đón tiếp với những biểu hiện của lòng trung thành đầy tôn kính, và biết rằng lực lượng mình hơn hẳn - đã dứt khoát từ chối đề nghị ký hòa ước của Ba-la-sốp, đương nhiên là với một giọng gay gắt và xúc phạm. Na-pô-lê-ông đã ở lại Vin-na 18 ngày trọn, đó là điều mà sau này các nhà viết sử quân sự cho là một trong những sai lầm tai hại của Na-pô-lê-ông. Nhưng thật ra ở Vin-na, cũng như ở Đre-xđen, Na-pô-lê-ông đợi các quân đoàn mới hành quân tới hội sư với ông. Trong số 68 vạn 5 nghìn quân dùng để đánh nước Nga thì hiện Na-pô-lê-ông đã phải để lại 23 vạn 5 nghìn đóng ở Pháp và ở nước Đức chư hầu; chỉ có 42 vạn nhận lệnh vượt biên giới. Nhưng số 42 vạn quân ấy cũng chỉ kéo dần đến Vin-na và tiến dần dần vào nước Nga. Tại Vin-na, Na-pô-lê-ông đã nhận được tin đầu tiên bất lợi cho chiến dịch: ngựa thiếu cỏ chết hàng đàn. Tình hình đáng tiếc khác: người Ba Lan ở xứ Lít-va và ở Bạch Nga đã không điều động đủ lực lượng. Khi đến Vin-na, những đặc điểm và những khó khăn của công cuộc mà Na-pô-lê-ông hiểu sâu hơn khi chưa vượt qua biên giới lại càng hiểu sâu hơn nữa so với khi ở Đre-xđen. Sự kiện ấy tác động tức khắc đến đường lối của Na-pô-lê-ông: ông không hợp nhất xứ Lít-va vào Ba Lan (lúc ấy người ta gọi cả Bạch Nga là Lít-va) mà đặt nó ở dưới một chế độ cai trị riêng, tạm thời; việc ấy làm cho người Ba Lan thất vọng lớn. Điều đó có nghĩa là Na-pô-lê-ông chưa muốn làm việc gì phương hại đến việc giảng hòa với A-lếch-xan. Ngay từ lúc đó, tính chất hai mặt đã bắt đầu biểu hiện trong cách xử lý và trong những kế hoạch có quan hệ đến con đường kết thúc của chiến dịch mà Na-pô-lê-ông vừa mới tiến hành. Tất nhiên Na-pô-lê-ông cho kết thúc bằng sự đầu hàng hoàn toàn của A-lếch-xan và như vậy nước Nga biến thành một nước chư hầu ngoan ngoãn mà Na-pô-lê-ông cần như vậy để tiếp tục cuộc chiến tranh với nước Anh ở châu Âu và có thể cả ở châu Á nữa. Nhưng tình hình càng phát triển thì Na-pô-lê-ông càng có khuynh hướng cho rằng chiến dịch này chỉ là một cuộc "Chiến tranh chính trị" - ít lâu sau khi nói về chiến dịch nước Nga, Na-pô-lê-ông nói như vậy - một cuộc chiến tranh ở văn phòng, như người ta thường nói vào hồi thế kỷ thứ XVIII, nghĩa là một thứ tranh cãi về mặt ngoại giao tiến hành bằng một vài "hành động quân sự", và sau đó, cuối cùng là đi đến một thỏa thuận chung. Nguyên nhân sâu xa của những sai lầm ấy chính là do sự dốt nát và không am hiểu một chút gì về dân tộc Nga của Na-pô-lê-ông. Không phải chỉ riêng Na-pô-lê-ông, mà cả ở châu Âu cũng tuyệt nhiên không có một ai có thể dự đoán trước được mức độ anh dũng của dân tộc Nga khi phải đứng lên bảo vệ Tổ quốc chống lại cuộc xâm lăng hỗn xược và hoàn toàn không có duyên cớ. Không một ai đoán trước được nông dân Nga sẽ biến tất cả những trung tâm của đất nước họ thành một sa mạc mênh mông trơ trụi bể lửa và không chịu khuất phục kẻ xâm lược bằng bất cứ một giá nào. Na-pô-lê-ông biết những điều đó quá chậm.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #204 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2016, 04:33:45 pm »


Những khó khăn của chiến dịch này ngày càng bộc lộ rõ thì quan niệm trước đây của Na-pô-lê-ông về cuộc chiến tranh này ngày càng mờ nhạt trong tư tưởng ông ta và được mau chóng thay thế bằng một quan niệm khác. Mặc dầu Na-pô-lê-ông có dưới trướng 42 vạn quân mà nước Nga chỉ không có đến 22 vạn rưởi quân, nhưng ông ta biết rằng chất lượng quân sĩ của mình không đồng đều. Ông biết mình chỉ có thể trông cây vào các đơn vị lính Pháp (lúc ấy đại quân có tất cả 35 vạn 5 nghìn người thuộc đế quốc Pháp, nhưng rất nhiều người không phải người Pháp) mà cũng không thể hoàn toàn trông cậy vào được vì, số tân binh không thể nào so sánh được với số cựu binh đã từng tham gia nhiều chiến dịch của Na-pô-lê-ông. Còn đối với những người xứ Vét-xpha-li, Xắc-xơ, Ba-vi-e, Rê-nan-ni, những người sinh trưởng ở các thành phố đồng minh thương nghiệp ở miền tây - bắc nước Đức, người Ý, người Bỉ, người Hà Lan, thì cố nhiên là không thể trông mong nhiều vào tinh thần chiến đấu hăng hái đặc biệt của họ được, chưa nói đến những "bạn đồng minh" bắt buộc là người Áo và người Phổ mà Na-pô-lê-ông đã đem theo và đưa họ đi chết trên đất Nga không biết vì mục đích gì và phần lớn họ không căm thù người Nga, mà lại căm ghét Na-pô-lê-ông. Hiểu biết tường tận về lịch sử chiến tranh, Na-pô-lê-ông nhớ lại rằng vô số những người con của các dân tộc bị các vua chua Ba Tư chinh phục, mà Xéc-xe đã tuyển mộ vào quân ngũ, đã chiến đấu không hăng hái lắm với quân Hy Lạp. Na-pô-lê-ông trông cậy hơn đôi chút vào quân Ba Lan vì họ đấu tranh cho chính lợi ích của họ. Nhưng lại ở đây nữa, như trên đã nói, Na-pô-lê-ông đang chờ đợi một sự giúp đỡ đáng kể hơn (về phương diện quân số đơn thuần).

Na-pô-lê-ông biết rõ tình trạng rối loạn ở trong bộ não tham mưu Nga, và, khi đó ở Vin-na, Na-pô-lê-ông nhận được tin báo rằng kế hoạch đầu tiên của Nga định chống cự trên sông Đơ-vi-na trong yếu điểm Đrít-xa đã phải bỏ, vì Bác-clây sợ bị bao vây và sẽ không thể tránh khỏi phải đầu hàng, và cũng được tin rằng quân đội Nga chia làm hai cánh rút sâu vào trong nội địa. Cánh quân Bác-clây rút theo hướng Vi-tép, đi nhanh hơn cánh quân của Ba-gra-chi-on rút về Min-xcơ. Na-pô-lê-ông đem đại bộ phận binh lực tiến đánh Bác-clây. Nhưng Bác-clây đã tăng tốc độ hành quân và ra lệnh cho tướng chỉ huy quân hậu vệ, Ốt-ste-man Tôn-xtôi, ít ra cũng phải làm cho cuộc tiến quân của quân Pháp bị chậm lại. Ốt-ste-man chấp hành lệnh đó bằng cách giao chiến ngày 25 và 26 tháng 7 ở Ốt-trốp-nô. Khi tiến vào Vi-tép, Na-pô-lê-ông không thấy Bác-clây nữa vì ông này đã cấp tốc đến Xmô-len. Trong khi đó, thống chế Đa-vu tiến từ Vin-na đến Min-xcơ với nhiệm vụ chặn đường rút lui và tiêu diệt cánh quân của Ba-gra-chi-on trước khi hội sư được với Bác-clây. Nhưng may mắn cho Ba-gra-chi-on là Giê-rôm Bô-na-pác - em út Na-pô-lê-ông, người chẳng có tài cán gì về quân sự (cũng như về mọi mặt khác) nhận lệnh đuổi theo Ba-gra-chi-on trên đường Grốt-nô đi Min-xcơ, đã không thi hành được một nhiệm vụ nào cả; cuộc hành quân của Giê-rôm chậm trễ nên ngày 23 tháng 7, khi cuộc chiến đấu giữa Đa-vu và Ba-gra-chi-on bắt đầu ở về phía nam Mô-hi-lép thì, sau nhiều lần đánh bật được các đợt xung phong của đối phương, Ba-gra-chi-on lại tiếp tục rút lui theo hướng Xmô-len và từ đó hầu như không còn bị đối phương ngăn cản gì nữa.

Nhận được tin về trận chiến đấu ở Mô-hi-lép và báo rằng Ba-gra-chi-on đã qua sông Đờ-ni-ép ở quãng Nô-vi Bu-khốp, Bác-clây quyết định sẽ gặp cánh quân qua Ba-gra-chi-on ở chânh thành Xmô-len và đã hành quân qua Rút-ni-a đi Xmô-len. Đã chuẩn bị đầy đủ để đánh một trận lớn ở Vi-tép mà Na-pô-lê-ông dự định tiêu diệt Bác-clây thì, ngày 28 tháng 7, trong khi đi kiểm tra những nơi bố trí, đột nhiên Na-pô-lê-ông nhận thấy rằng quân Nga đã rút rất xa về phương Đông. Điều đó làm ông Hoàng đế thất vọng lớn. Đáng lẽ một trận Au-xtéc-lít mới tại chân thành Vi-tép sẽ có thể kết thúc gọn cuộc chiến tranh và khiến A-lếch-xan phải cầu xin hòa bình. Binh lính mệt nhọc vì những cuộc hành quân vất vả dưới ánh nắng gay gắt kinh khủng đến nỗi các cựu binh chẳng còn có cách gì động viên tân binh hơn là nói rằng ở Ai Cập còn nóng hơn thế. Cỏ, rơm cho ngựa ăn thiếu. Ngay từ ở Vin-na, một số đơn vị kỵ mã đã mất quá nửa số ngựa. Những biểu hiện tan rã như ăn cắp vặt, phát triển nhanh chóng khác thường.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #205 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2016, 04:38:01 pm »


II

Càng ngày càng phải tiến vào sâu hơn đuổi theo Bác-clây và Ba-gra-chi-on đang đi về phía Xmô-len bằng nhiều ngả đường khác nhau. Hoàng đế phải thúc hai quân đoàn, đi đầu cánh trái (cánh bắc) của đại quân đang tiến về Xmô-len, tiến đến sông Đơ-vi-na, theo hướng Pê-téc-bua, nơi mà quân đoàn của Vít-ghen-xtai đang hoạt động, Na-pô-lê-ông cũng phải tách ra một số sư đoàn của cánh phải (cánh nam) để đánh lui các lực lượng Nga được cấp tốc triệu từ Thổ về do hòa ước giữa Thổ và Nga vừa mới ký kết một cách bất ngờ đã giải phóng cho họ. Tuy nhiên, trước trận Xmô-len, lực lượng của Na-pô-lê-ông vẫn còn đông gấp bội so với quân Nga. Sau trận giao chiến ở Cra-xuôi-a (ngày 14 tháng 8 ) với sư đoàn của Nê-vê-rốp-xki, người đã chống cự vô cùng kiên quyết trong cuộc chạm trán với những lực lượng trội hơn hẳn của Nây và của Muy-ra và vì vậy đã mất một phần ba quân số, thì Na-pô-lê-ông đã đến chân thành Xmô-len. Ba-gra-chi-on giao cho tướng Rai-ép-xki nhiệm vụ kiềm chế quân Pháp, và trong các trận chiến đấu sau đó, quân đoàn của Rai-ép-xki đã chiến đấu quyết liệt đến nỗi Nây suýt bị bắt làm tù binh. Ba-gra-chi-on khẩn khoản đề nghị không bỏ Xmô-len nếu không giao chiến một trận lớn. Song "trận đánh lớn" đó lại không diễn ra. Quân chủ lực Nga, sau khi nhanh chóng vận động qua Xmô-len, đã rút lui về phía đông. Nhưng dẫu sao Bác-clây cũng không thể quyết định bỏ thành phố cho quân địch mà không đánh một trận nào, mặc dầu ông ta cho là vô ích. Hồi sáu giờ sáng ngày 16 tháng 8, Na-pô-lê-ông hạ lệnh bắt đầu ào ạt pháo kích và xung phong vào Xmô-len, nhiều trận chiến đấu ác liệt đã nổ ra và kéo dài đến sáu giờ tối. Quân Pháp đã chiếm được những vùng ngoại ô Xmô-len, nhưng không làm chủ được khu trung tâm. Quân đoàn của Đốc-tu-rốp, cùng giữ thành phố với sư đoàn của Cô-nốp-kít-xin, và của hoàng thân Vua-tem-be đã chiến đấu với tinh thần dũng cảm và ngoan cường đến nỗi quân Pháp phải ngạc nhiên. Đến tối, Na-pô-lê-ông cho triệu thống chế Đa-vu đến và cương quyết hạ lệnh ngày mai nhất thiết phải chiếm bằng được Xmô-len. Vì biết rằng cuối cùng Bác-clây và Ba-gra-chi-on đã hội sư được với nhau và như vậy là coi như toàn bộ quân đội Nga sẽ tham chiến, nên lúc ấy Na-pô-lê-ông tin tưởng chắc chắn rằng trận Xmô-len ngày mai sẽ là trận quyết định, vì cho đến tận bây giờ quân Nga vẫn không chịu tiếp chiến, cứ nộp cho Na-pô-lê-ông những vùng đất đai rộng lớn của đế quốc họ mà không hề chống cự. Ngày 17 tháng 8, cuộc chiến đấu lại tiếp diễn. Quân Nga đánh lại rất anh dũng. Binh lính không muốn thi hành lệnh rút lui, nên người ta phải dùng đến những lời khẩn khoản và đe dọa để buộc họ rút lui1.

Qua ngày đẫm máu ấy, đêm đến, theo đúng lệnh của Na-pô-lê-ông, cuộc pháo kích thành phố vẫn tiếp tục. Đột nhiên, vang dội liên tiếp giữa bóng tối đặc sệt những tiếng nổ khủng khiếp làm rung chuyển mặt đất; lửa nhen lên rồi tràn khắp thành phố. Quân Nga đã đốt phá kho súng đạn và thiêu hủy thành phố; Bác-clây ra lệnh đánh rút lui. Đến mờ sáng, các trinh sát viên báo cáo là thành phố hoang trống, và thống chế Đa-vu đã yên ổn vào Xmô-len.
____________________________________
1. Về cuộc kháng chiến anh hùng của người Nga, tôi đã viết một tác phẩm riêng, nhan đề Cuộc xâm lược nước Nga của Na-pô-lê-ông M. 1938 (chú thích của tác giả)
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #206 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2016, 04:38:35 pm »


Phố xá ngổn ngang xác người, ngựa. Một góc thành phố vẫn còn bốc cháy và khắp nơi đều vang tiếng rên rỉ kêu la của hàng nghìn người bị thương nằm đợi chết. Na-pô-lê-ông cùng với đoàn hộ giá thong thả đi trên khắp phố phường Xmô-len, vừa quan sát những cảnh tượng đang diễn ra ở xung quanh, vừa ra lệnh dập tắt các đám cháy, thu nhặt các xác chết đang bắt đầu thối nát và những người bị thương, kiểm kê lương thực thu nhặt được ở trong thành phố. Những người đã được chứng kiến có kể lại rằng lúc ấy Na-pô-lê-ông phiền muộn và không trò chuyện với một ai trong đám tùy tùng. Sau cuộc cưỡi ngựa đi dạo quanh ấy, bước vào một ngôi nhà sửa soạn gấp gáp cho mình tạm trú, ông hoàng đế ném thanh gươm lên một chiếc bàn và nói: “Chiến dịch 1812 thế là đã kết thúc". Nhưng cái ý định mà đến lúc ấy ông vẫn còn giữ là: dừng lại ở Xmô-len, củng cố vững chãi những vùng hậu phương ở Ba Lan, Lít-va, Bạch Nga để đến mùa xuân 1813 lại tiếp tục tiến quân vào Mát-xcơ-va hay Pê-téc-bua thì ông đã phải từ bỏ nó cũng ngay ở Xmô-len này. Lại một lần nữa quân Nga đã lẩn tránh được. Na-pô-lê-ông không được tin gì về những khó khăn ngày càng lớn lên mà Bác-clây đã phải đương đầu mỗi khi Bác-clây hạ lệnh rút lui: những tiếng la ó ầm ầm nổi lên buộc tội viên tổng tư lệnh Nga là phản bội, là bạc nhược và làm rối loạn triều đình. Na-pô-lê-ông chỉ thấy có một điều: vì đã không có cách gì để đánh một trận tổng công kích thì phải tiến sâu hơn nữa vào phía đông, vào phía Mát-cơ-va. Và Na-pô-lê-ông càng tiến sâu vào phía đông càng khó kết thúc cuộc chiến tranh này bằng một hòa ước, bằng một hiệp định ngoại giao dễ dàng. Ở Xmô-len, Na-pô-lê-ông không còn nghĩ đến sự chiến thắng hoàn toàn, đè bẹp hẳn nước Nga nữa rồi. Từ lúc này trở đi, vô số sự việc hiện ra trước mắt Na-pô-lê-ông khác hẳn với trước đây ba tháng, khi Na-pô-lê-ông vượt dòng sông Ni-ê-men.

Không phải chỉ là vấn đề quân số bị giảm mất một nửa vì phải bảo đảm một hệ thống giao thông bao la và canh gác các kho tàng, vì những trận chiến đấu cục bộ và ít quan trọng nhưng lại ác liệt và đẫm máu, vì cái nóng kinh khủng, vì mệt nhọc và bệnh tật, Na-pô-lê-ông còn nhìn thấy vấn đề khác: binh sĩ Nga chiến đấu tuyệt nhiên không còn tồi như ở trận Ai-lau nữa. Các tướng lĩnh Nga, không nói đến Ba-gra-chi-on nữa, rốt cuộc cũng không đến nỗi vô dụng như Na-pô-lê-ông đã từng nghĩ khi nói chuyện với Ba-la-sốp ở Vin-na. Thường thường Na-pô-lê-ông đánh giá năng lực của người khác rất đúng, nhất là khi đánh giá năng lực quân sự của họ. Và ông đã phải thừa nhận rằng các tướng lĩnh Nga, thí dụ như Rai-ép-xki, Đốc-tu-rốp, Ru-scốp, Cô-nốp-nít-xin, Nê-vê-rốp-xki, Pla-tốp, đã hoàn thành những nhiệm vụ cực kỳ khó khăn của họ mà các thống chế ưu tú nhất của Na-pô-lê-ông cũng chỉ làm được đến thế. Tóm lại, tính chất chung của cuộc chiến tranh đã bắt đầu làm cho Na-pô-lê-ông và đám cận thần của ông lo lắng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #207 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2016, 04:39:35 pm »


Trong khi rút lui một cách có kế hoạch, quân đội Nga đã chỉ để lại đằng sau họ một đám hoang tàn. Ở Xmô-len, không phải người Nga chỉ thiêu hủy những làng mạc và những thị trấn, mà còn cả một thành phố, một trung tâm lớn về thương mại và hành chính, điều đó vạch rõ quyết tâm chiến đấu đến cùng chống kẻ xâm lược. Na-pô-lê-ông nhớ lại rằng trong các cuộc chiến tranh trước đây, hoàng đế nước Áo, khi bỏ thành Viên chạy trốn, đã ra lệnh cho các nhà chức trách thành phố phải chấp hành nghiêm chỉnh mọi mệnh lệnh của quân Pháp, và vua Phổ, khi bỏ kinh thành trốn đi như hoàng đế Áo, cũng bày tỏ trong một bức thư riêng niềm hy vọng rằng Hoàng đế sẽ có được đầy đủ tiện nghi trong thời gian lưu lại ở lâu đài Pốt-xđam.

Ở Nga, nông dân rời bỏ nơi quê quán thân thuộc của họ, họ đốt nhà và lương thực; người ta đốt cháy cả một thành phố; tất cả đều chỉ rõ rằng đông đảo quần chúng cũng như thượng thư Bộ chiến tranh Bác-clây, cũng như hoàng thân Ba-gra-chi-on và trên họ là A-lếch-xan, ai nấy đều thấy cuộc chiến tranh này là một cuộc chiến đấu sống mái. Trong suốt thời gian ở Xmô-len, Na-pô-lê-ông chìm đắm trong những sự suy tưởng dài dặc và thầm lặng. Không điều động ngay tất cả các lực lượng hiện đang nghỉ ngơi ở Xmô-len, hoàng đế phái Muy-ra cùng với các quân đoàn kỵ binh của Muy-ra truy kích Bác-clây vừa mới lên nắm quyền tổng tư lệnh quân đội Nga (sau khi hai cánh quân hội sư được với nhau, Ba-gra-chi-on làm phụ tá) hiện đang rút lui theo đường đi Mát-xcơ-va. Rồi đến Nây và Đa-vu cùng lên đường hành quân. Đến ngày 18 và 19 tháng 8, đã diễn ra những trận giao chiến ở Va-lu-ti-na Gô-ra và ở Lu-banh; do Giuy-nô bất tài khi thực hiện hành động nghi binh để xông đến sườn của quân đội Bác-clây nên sau những trận ấy, Bác-clây vẫn tiếp tục rút lui về phía đông; những cuộc giao chiến ấy đã làm Bác-clây thiệt 7 nghìn người, ít hơn quân Pháp.

Trong đêm 24 tháng 8, Na-pô-lê-ông rời Xmô-len cùng với đội cận vệ tiến lên Đô-rô-gô-bu-giê. Nhưng Bác-clây lại đã di chuyển về phía đông, và khi rút khỏi Đô-rô-gô-bu-giê, Bác-clây cũng không bố trí quân cản hậu vì địa hình rất bất lợi. Ông ta rút theo đường Vi-át-ma, Gơ-giát, Xa-re-vô Dai-mít-sê và bị Na-pô-lê-ông cùng với toàn bộ lực lượng của ông ta đuổi bám sát gót trên con đường đã bị quân Nga phá hoại.

Mỗi lần quân Nga dừng lại, dù rằng chỉ chốc lát, là Na-pô-lê-ông lại hy vọng có một trận tổng công kích... Ở Đô-rô-gô-bu-giê, ở Vi-át-ma, ở Gơ-giát cũng vậy. Ở đại bản doanh của Ba-gra-chi-on tại Pê-téc-bua, người ta viết một cách độc ác rằng: "Ông thượng thư (Bác-clây) dẫn vị khách của mình thẳng đến Mát-xcơ-va".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #208 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2016, 04:40:51 pm »


Mối sợ hãi, một mối sợ hãi không thể xua đuổi đi được và ngày càng tăng, đã xâm chiếm dần dần tâm hồn của một số giới thượng lưu của xã hội Nga. Thế là hoàn toàn thất bại rồi chăng? Cứ thế này nộp nước Nga cho kẻ xâm lược, không kháng cự gì chăng? Tại sao ở Xmô-len người ta không chiến đấu đến cùng? Tại sao người ta đánh rút lui? Có phải tên Bác-clây người Đức kia phản bội không?

Chính bản thân A-lếch-xan đã cố hết sức phá hoại uy tín của Bác-clây. Chính bản thân A-lếch-xan, với vẻ khoái trá lộ rõ, đã nhại lại cho tướng Uy-xơn, phái viên của chính phủ Anh, nghe lời của Pla-tốp - thủ lĩnh dân tộc Cô-dắc - nói với Bác-clây sau khi rút lui khỏi Xmô-len: "Ông xem, tôi đang mặc quần áo thường dân rồi đây. Và, sau một sự nhục nhã như vậy, tôi sẽ chẳng mặc lại binh phục Nga nữa đâu"1.

A-lếch-xan sống những ngày khổ sở nhất trong đời ông ta. Triều thần hốt hoảng. Sự khiếp sợ ngày càng tăng. Đủ mọi thứ chuyện đồn đại về Nga hoàng và Na-pô-lê-ông lưu hành trong giai cấp tiểu tư sản và nông dân. Từ lâu, người ta không hiểu Na-pô-lê-ông là người thế nào. Cho đến tháng 6 năm 1807, trên tòa giảng, người ta đã bài xích Na-pô-lê-ông là tiền thân của Ma vương phản Chúa; hơn thế nữa, trong khi trò chuyện với nhau, người ta đã thừa nhận Na-pô-lê-ông là hiện thân của Ma vương phản Chúa, là kẻ diệt trừ đức tin, nhưng từ cái tháng nọ, Ma vương phản Chúa lại bỗng nhiên trở thành người bạn và người đồng minh của Sa hoàng mà chẳng có một thời kỳ biến chuyển, cũng chẳng có sự giải thích nào cả. Bây giờ thì lại là kẻ phản chúa rồi, hắn chẳng phải đánh chác gì mà đã chiếm được nửa nước Nga. Xmô-len thất thủ đã làm cho người ta ngã lòng. "Nga hoàng và em là Công-xtan-tin đã làm con người hay nổi nóng ấy phát cáu lên rồi", trong dân gian người ta nói như vậy suốt mấy tháng đầu của cuộc chiến tranh. Nhưng thật ra thì con người hay nổi nóng ấy muốn gì, đó còn là một điều bí mật. Tuy vậy ngay từ những ngày đầu, lòng căm thù, sự phẫn nộ, sự nhục nhã, khát vọng trả thù, ý muốn sôi sục bắt kẻ xâm lược phải trả nợ những hành động bạo ngược và xâm đoạt của y đã mỗi ngày một nung nấu tâm can nhân dân Nga. Những tình cảm ngày càng mạnh lên ấy đã là nguồn gốc của cuộc kháng chiến khủng khiếp và làm tan rã đại quân Pháp. Những mối lo sợ của bọn quý tộc còn có ý thức rõ rệt và mạnh mẽ hơn nhiều so với "những người bình dân". Dưới con mắt của bọn chúng, mối đe dọa do thắng lợi của Na-pô-lê-ông gây ra không những chỉ là sự tiếp tục và tăng cường việc phong tỏa lục địa mà còn là sự lung lay của chế độ nông nô. Thế nhưng, thật ra Na-pô-lê-ông đã không hề nghĩ đến việc xóa bỏ chế độ nông nô trong các tỉnh bị chiếm đóng và hơn nữa lại đã dùng vũ lực để đàn áp mọi mưu đồ tự phát của nông dân nhằm tự mình giải phóng khỏi ách bọn chúa đất. Nhưng dù sao chăng nữa, Nga hoàng và bọn quý tộc cũng cho rằng không thể nào nộp Mát-xcơ-va cho địch mà không chiến đấu, và, hơn nữa, bình lính không biết cuộc rút lui đó là gì cả. Ngày 29 tháng 8, sau khi đã rút khỏi Gơ-giát, quân đội Nga kéo về đến Xa-re-vô Dai-mit-se thì họ đã có một vị tổng tư lệnh mới. A-lếch-xan đã thay thế Bác-clây bằng Cu-tu-dốp, một vị tướng mà từ lâu A-lếch-xan không tài nào chịu đựng nổi, nhưng hiềm vì không tìm được ai xứng đáng hơn.
___________________________________
1. Uyn-xơn, Những sự kiện trong cuộc xâm lược nước Nga, Luân Đôn, 1860, tr. 115.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #209 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2016, 04:41:11 pm »


Ba-gra-chi-on còn không được A-lếch-xan tin cậy bằng, vì, cũng hệt như Bác-clây, cái tên của Ba-gra-chi-on không phải là tên Nga.

Đương nhiên là Cu-tu-dốp biết rằng Bác-clây đã hành động đúng, biết rằng nếu cái gì đó làm cho Na-pô-lê-ông thất bại thì chính là cái việc Na-pô-lê-ông xa rời căn cứ địa; chính là sự không thể tiến hành một cuộc chiến tranh kéo dài hàng năm trời hoặc chỉ hàng tháng thôi trên một chiến trường cách xa nước Pháp hàng bao nhiêu nghìn ki-lô-mét, trên một đất nước khô cằn hoang vu; chính là sự thiếu lương thực; chính là sự không hợp khí hậu. Nhưng Cu-tu-dốp còn biết rõ hơn Bác-clây rằng mặc dầu ông là người Nga với cái tên Nga nhưng người ta cũng chẳng cho phép ông bỏ Mát-xcơ-va mà không có một trận tổng công kích. Và Cu-tu-dốp đã quyết tâm đánh trận ấy, một trận đánh mà Cu-tu-dốp tin tưởng một cách sâu sắc là vô ích, cũng như trước kia Cu-tu-dốp đã bắt buộc phải đánh trận Au-xtéc-lít với ý định của mình, về phương diện chiến lược thì là thừa, nhưng về phương diện chính trị và tinh thần mà nói thì không sao tránh khỏi tránh này. Đối với Na-pô-lê-ông việc thay thế Bác-clây mà Na-pô-lê-ông được tức khắc biết tin do tình báo là dấu hiệu chứng tỏ rằng cuối cùng quân Nga đã sẵn sàng đánh trận tổng công kích ấy.

Sáng sớm ngày 4 tháng 9, Na-pô-lê-ông ra lệnh cho Muy-ra và Nây tiến từ Gơ-giát đến Grít-vê-nô. Quân Nga đã rút lui chậm dần rồi dừng lại, đội hậu vệ dựa vào các công sự. Công sự lẻ loi nhất, đối diện với quân Pháp đang tiến đến là cái đồn lẻ do quân Nga xây dựng ở làng Sê-vác-đi-nô nhỏ bé. Na-pô-lê-ông đến Grít-vê-nô cùng với đội cận vệ, bắt tay ngay vào việc trinh sát cánh đồng trải dài trước mặt họ, nơi quân Nga đã cắm quân lại. Người ta báo cáo với Na-pô-lê-ông rằng cứ điểm lẻ Sê-vác-đi-nô do những lực lượng lớn phòng giữ. Nhìn qua ống nhòm, người ta thấy những vị trí của quân đội Nga ở tít xa bên kia lòng suối khô cạn của con suối nhỏ Cô-lốt-sa. Tối ngày 4 tháng 9, trinh sát báo cáo về đại bản doanh của hoàng đế rằng quân Nga đã cắm đồn từ hai ngày nay và ở gần một làng nhỏ xa xôi, quân Nga cũng đã đào đắp công sự. Khi người ta hỏi tên làng ấy, họ trả lời đó là làng "Bô-ri-đi-nô”.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM