Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 11:04:48 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Napoleon Bonaparte  (Đọc 94425 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #140 vào lúc: 10 Tháng Năm, 2016, 11:04:28 pm »


Na-pô-lê-ông thành công rực rỡ trong việc đạt tới mục tiêu mà ông ta đã trù tính từ cuối năm 1806, lôi kéo được vua Thổ đẩy mạnh hơn nữa cuộc chiến tranh chống lại nước Nga mà Na-pô-lê-ông đã tuyên chiến. Tháng 3 năm 1807, Na-pô-lê-ông viết một bức thư, lời lẽ rất khôn khéo, gửi cho vua Thổ khiến vua Thổ hành động kiên quyết hơn, như trước đây Na-pô-lê-ông đã nhen lại mâu thuẫn giữa Xe-lim với nước Anh. Do đó một bộ phận quân Nga phải rút khỏi sông Vi-xtuyn và Ni-ê-men, nơi quyết định số phận của chiến dịch. Na-pô-lê-ông cũng đã tiến hành đàm phán mấy ngày với triều đình nước Phổ đang tị nạn ở Cơ-ni-xbéc. Điều kiện của Na-pô-lê-ông đưa ra đối với Phri-đrích Vin-hem đệ tam xem ra quá nặng, Vin-hem đã bỏ dở cuộc điều đình. Ngày 26 tháng 4, Phổ hội kiến riêng với Nga hoàng ở Bác-ten-xtanh và sau đó trở thành hoàn toàn bất trị: chính trị Vin-hem đệ tam đã đề ra những điều kiện mà Na-pô-lê-ông dù có bị đại bại chăng nữa cũng không bao giờ chấp nhận được.

Na-pô-lê-ông cho rằng trong chiến tranh không có việc gì nhỏ mọn cả; ông cân nhắc hết thảy, dự kiến hết thảy vì biết rằng kết quả của một trận đánh lúc đang ở vào phút quyết định đôi khi lại phụ thuộc vào những nguyên nhân không thể xác định được. Người, pháo, đạn được ùn ùn tăng viện về các đồn trại và tự thân hoàng đế phân phối các thứ đó cho các quân đoàn. Ông đã ban bố đúng lúc rất nhiều mệnh lệnh và đăng ký một loạt các hiệp ước để bổ sung vào quân đội hiện thời của ông thêm nhiều chi đội lính Đức, Ý, Hà Lan.

Châu Âu khiếp đảm đến mức độ mà Na-pô-lê-ông muốn làm gì thì làm, ngay cả đối với cường quốc chưa bao giờ tham chiến với Na-pô-lê-ông hay với một nước nào khác. Cho nên muốn tăng cường quân đội để sau đây giao chiến với quân Nga, Na-pô-lê-ông tính rằng có thể yêu sách Tây Ban Nha, chừng 15.000 quân, mặc dù không có quyền hoặc một lý do nào cả, và Tây Ban Nha cũng không ở trong tình trạng chiến tranh với Phổ hay Nga. Một bức công hàm khẩn cấp được gửi đến Ma-đrít, trong đó Na-pô-lê-ông lưu ý thủ tướng Tây Ban Nha Gô-đoay về việc 15.000 quân đó rằng, bản thân họ thì "hoàn toàn vô dụng", nhưng trái lại, đối với Na-pô-lê-ông có rất nhiều tác dụng. Thế mà cái lý lẽ tưởng chừng không thể có được ấy - vì chẳng có lý lẽ nào khác - lại đã tỏ ra có sức thuyết phục chính phủ Tây Ban Nha đến nỗi 15.000 quân được đưa ngay đến cho Na-pô-lê-ông, một phần sang Đông Phổ, một phần sang miền Bắc nước Đức. Tháng 5 năm 1807, Na-pô-lê-ông có dưới quyền tám thống chế và ngần ấy quân đoàn, với tổng số quân là 228.000 người, không kể độ 170.000 binh lính chiếm đóng nước Phổ và chưa bị gom đi tham gia chiến dịch sắp mở vào mùa xuân. Trong mùa xuân ấy tình hình tiếp tế được cải thiện. Ngày 26 tháng 5, Đan-xích đầu hàng thống chế Lơ-phe-vrơ sau một thời gian cầm cự tương đối dài và người ta thu được ở đó nhiều kho lương thực lớn và quân dụng đủ các loại.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #141 vào lúc: 10 Tháng Năm, 2016, 11:04:58 pm »


Giai đoạn kết thúc gần đến. Quân đội Nga, sau trận Ai-lau cũng được tăng cường thêm về quân số, nhưng trang bị lại kém nhiều so với đại quân của Na-pô-lê-ông. Trong quân đội Pháp, tất nhiên cũng có nạn tham ô lũng đoạn: Na-pô-lê-ông đã uổng công trong việc diệt bọn ăn cắp và bọn hối lộ, bọn đầu cơ và bọn môi giới, bọn tài chính bất lương và bọn lũng đoạn. Trong cuộc chiến tranh này, Na-pô-lê-ông đã bị thất bại, và ngay ở Pháp người ta cũng nói rằng tất cả bọn ăn cắp ấy đều chỉ cười khi bọn chúng nghe thấy người ta tán tụng hoàng đế là "vô địch". Người ta còn nói rằng quân Pháp sống cực kỳ gian khổ, vất vưởng suốt cả mùa đông năm 1807 trong một vùng hoang tàn, tuy vậy, quân Nga lại còn sống cực khổ hơn nhiều. Binh lính Nga đói và rét, chết như ruồi.

A-lếch-xan đệ nhất sợ một trận Au-xtéc-lít thứ hai. Từ lâu, trong giới cầm quyền và triều đình, người ta cho rằng cần thiết phải dốc toàn bộ lực lượng tinh thần và vật chất của nhân dân Nga để chuẩn bị cuộc chiến đấu lớn. Ý định đó đã mang lại những kết quả rất kỳ lạ. Người ta phổ biến mục đích ấy cho hội đồng tôn giáo, rồi hội đồng này, hoặc do người ta gợi ý hoặc do ý kiến riêng của hội đồng đã quyết định mở một cuộc vận động lạ lùng, làm kinh ngạc bao nhiêu người hồi đó. Trong bản sắc dụ gửi cho toàn thể giáo dân chính thống do những người chăn dắt linh hồn chuyển đến, Na-pô-lê-ông được miêu tả như là một tiền thân của Quỷ vương phản Chúa, như kẻ thù từ hàng triệu năm nay của đức tin, như người sáng lập ra pháp đình Do Thái, ngoài ra, người ta còn nói Na-pô-lê-ông là người bỏ đạo Thiên chúa để theo đạo Hồi (ám chỉ các chiến dịch ở Ai Cập và ở Xi-ri), Na-pô-lê-ông gây chiến với Nga nhằm mục đích chính là tiêu diệt nhà thờ chính thống.

Đó là tóm tắt bản tài liệu lạ lùng đó được đọc trên toàn giảng của tất cả nhà thờ của nước Nga. Nhưng việc chuẩn bị tư tưởng cho cuộc đấu tranh chống lại các binh đoàn của Quỷ vương phản Chúa còn chưa phát triển đến mức mong muốn thì giờ quyết định đã điểm.

Đầu tháng 5, theo lệnh của Na-pô-lê-ông, tất cả các đơn vị đóng ở thành phố và làng mạc được điều động đến doanh trại và ngay sau đó, quân đội đã sẵn sàng chiến đấu. Ben-nit-xen, không biết việc ấy, đã quyết định tiến công vào những ngày đầu tháng 6, A-lếch-xan đệ nhất tới bản doanh, thúc giục tướng Ben-nít-xen ráo riết và càng tin tưởng vào những lời quyết đoán huênh hoang của chính viên tướng này: tô vẽ thêm những câu chuyện về trận Ai-lau, Ben-nít-xen đi đến chỗ cho Nga hoàng tin rằng Na-pô-lê-ông đã bị giáng một đòn khủng khiếp ngày 8 tháng 2, và bây giờ đây, mùa đông đã qua, đường sá đã đi lại được thì đã đến lúc phải hành động ngay.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #142 vào lúc: 10 Tháng Năm, 2016, 11:05:45 pm »


Quân Nga bước vào chiến dịch ngày 5 tháng 6; tuân theo mệnh lệnh của Ben-nít-xen, Ba-gra-chi-on tiến công vào quân đoàn của Nây được phái đi làm nhiệm vụ trắc vệ, còn thủ lĩnh Cô-dắc là Pla-tốp thì vượt qua sông An-le. Nây vừa rút lui vừa chiến đấu chống lại đối phương đông gấp bộ (chừng 30.000 người), họ vừa tiến công vừa uy hiếp Nây. Đồng thời, quân Nga tiến công vào nhiều điểm khác.

Na-pô-lê-ông định mở màn chiến dịch vào ngày 10 tháng 6. Hành động bất ngờ của quân Nga đã buộc Na-pô-lê-ông phải thay đổi ngay kế hoạch. Chạy vọi ngay ra chiến trường, Na-pô-lê-ông ngạc nhiên thấy quân Nga, vì lẽ gì không biết đã ngừng binh lính lại không truy kích quân đoàn của Nây nữa, và sau khi dừng lại tại chỗ 24 giờ, lại quay trở lại một cách bất ngờ. Nhanh chóng tập trung thành một khối xung kích gồm sáu quân đoàn cộng thêm đội quân cận vệ, cả thảy hơn 125.000 người, Na-pô-lê-ông ra lệnh cho các thống chế phản kích. Lúc đó, theo một vài con số ước lượng, Ben-nít-xen có chừng 85.000 quân và theo tài liệu khác thì có chừng 100.000 quân chiến đấu. Đến vùng ngoại ô Hai-lơ-léc, Ben-nít-xen dừng lại chiếm lĩnh cách cứ điểm kiên cố, và trận chiến đấu diễn ra ngày 10 tháng 6 kéo dài vài tiếng đồng hồ. Trong thời gian ấy, đội tiền vệ quân Pháp bị thiệt mất chừng 8.000 người vừa chết vừa bị thương, và quân Nga mất gần 10.000 người. Ben-nít-xen bị thương. Na-pô-lê-ông cho hai quân đoàn tiến quân trên đường đi Cơ-ni-xbéc và do đó, Ben-nít-xen phải rút lui về Bác-ten-xtai ở phía đông-bắc. Chủ tâm của Ben-nít-xen là dùng trận Hen-béc để làm chậm bước tiến Na-pô-lê-ông, nhưng Na-pô-lê-ông lại đã chủ lực của ông tiến thẳng đến Cơn-xi-xbéc, qua Ai-lau. Na-pô-lê-ông đã dự kiến là đối phương có ý cứu thủ đô Đông Phổ. Và hồi ba giờ sáng ngày 14 tháng 6, thống chế Lan-nơ nhận thấy quân Nga đã tiến vào thành phố nhỏ Phrít-lan từ hôm trước, đang chuẩn bị vượt sang hữu ngạn sông An-le để về Cơn-ni-xbéc. Lập tức Lan-nơ hạ lệnh nổ súng.

Thế là trận đánh lớn diễn ra vào ngày 14 tháng 6 năm 1807, và cũng là trận chấm dứt chiến tranh. Lan-nơ phái các sĩ quan tuỳ tùng đến báo cáo với Na-pô-lê-ông và lập tức Na-pô-lê-ông ra chỉ thị cho tất cả các lực lượng phải cấp tốc hành quân và bản thân Na-pô-lê-ông cũng lập tức đến nơi diễn ra chiến sự. Na-pô-lê-ông đã nhận ra sự nhầm lẫn tai hai của Ben-nít-xen, trong lúc vội vã vượt sông, đã để quân đội ùn lại thành một khối lớn ở khuỷ sông An-len. Thống chế Nây nhận nhiệm vụ nguy hiểm là tiến công thẳng vào lực lượng của quân địch. Quân Nga, đặc biệt là đội kỵ binh cận vệ do Cô-lô-gri-vốp chỉ huy, đã chống lại rất ngoan cường, và một bộ phận quân đoàn của Nây trong lúc tiến công vì đội hình quá dày đặc, đã tiêu diệt hoàn toàn. Quân Pháp, sau khi chiến đấu vô cùng gay go mới chiếm được Phrít-lan, đã phá cầu trên sông An-len, Na-pô-lê-ông đích thân chỉ huy trận đánh. Khi một đại bác bay qua đầu, hoàng đế trông thấy một chiến sĩ đứng gần mình hoảng sợ rụt đầu lại thì hoàng đế bảo người lính: "Nếu viên đạn có dành trước cho anh thì dù anh có nấp dưới 30 thước nó cũng đi tìm anh". Sai lầm căn bản của Ben-nít-xen đã đưa quân đến chỗ thất bại hoàn toàn, mặc dầu họ chiến đấu rất dũng cảm: quân Nga phải nhảy xuống sông để tránh pháo binh của Pháp sát thương, một bộ phận chạy trốn dọc theo bờ sông, một bộ phận hàng, nhưng số bị bắt thì ít hơn số bị chết đuối rất nhiều. Hầu hết số pháo của quân Nga rơi vào tay Na-pô-lê-ông. Sau khi bị nặng nề (hơn 25.000 chết, bị thương và bị bắt), Ben-nít-xen đã vội vã lui về hướng Pre-ghên và bị quân Pháp bám sát. Chỉ còn cách chuồn mới có thể tránh bị tiêu diêt hoàn toàn. Ngay sau trận Phrít-lan, thống chế Sun vào thành Cơ-ni-xbéc và vơ vét được rất nhiều quân cụ, lương thực, quần áo và quân Anh thì không dự kiến được tai biến sắp xảy ra, vừa mới đưa từ đường biển vào. Năm ngày sau trận Phrít-lan, quân lính, của Na-pô-lê-ông đã tiến tới sông Ni-ê-men vào ngày 19 tháng 6. Tàn quân Nga vượt sông. Na-pô-lê-ông tiến đến Tin-dít, biên giới đế quốc Nga.

Buổi chiều, ở vị trí tiền tiêu của một sự đoàn kỵ binh Pháp đóng trên bờ sông Ni-ê-men, một sĩ quan quân đoàn Ba-gra-chi-on cầm cờ trắng xuất hiện, viên sĩ quan này mang một bức thư của tổng chỉ huy quân Nga và yêu cầu chuyển đến thống chế Muy-ra. Ben-nít-xen xin đình chiến. Muy-ra lập tức chuyển bức thư lên hoàng đế. Na-pô-lê-ông ưng thuận. Cuộc chiến tranh đẫm máu ấy kết thúc.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #143 vào lúc: 10 Tháng Năm, 2016, 11:06:47 pm »


VI

Cho đến tận phút cuối cùng, A-lếch-xan cũng chưa nhìn thấy sự thất bại. Ngày 12 tháng 6, khi những tin tức của trận Han-béc bay về Tin-dít báo tin trận đánh đã kết thúc với những tổn thất nặng nề và quân Nga đã phải rút lui thì Công-xtăng-tin, em hoàng đế A-lếch-xan, đã dùng những lời lẽ rất mạnh thúc giục Nga hoàng nên điều đình ngay với Na-pô-lê-ông. Công-xtăng-tin thưa rằng: "Tâu hoàng thượng, nếu hoàng thượng không muốn giảng hoà với nước Pháp thì hoàng thượng hãy phát cho mỗi binh sĩ một khẩu súng ngắn nạp sẵn đạn và ra lệnh cho họ tự bắn vào đầu họ, hoàng thượng cũng sẽ thu được kết quả giống như việc hoàng thượng muốn đánh một trận cuối cùng khác, trận đó tất nhiên sẽ mở cửa cho quân đội Pháp tràn vào đất đai của hoàng thượng". A-lếch-xan không muốn nghe gì hết. Ông ta rời Tin-dít, đến gặp các lực lượng dự bị của quân Nga vào chiều ngày 14 tháng 6 tức là đúng lúc quân Nga bị chết chìm trong sóng nước sông An-le ở Phrít-lan, và sáng ngày 15 những tin tức đầu tiên về cuộc thất bại bắt đầu về tới Tin-dít: người ta được biết rằng một phần ba đội cận vệ của quân Nga đã bị tiêu diệt ở Phrít-lan sau một trận chiến đấu anh dũng, Ben-xít-xen đã mất trí và không biết làm thế nào cả. Tiếp theo những tin đồn đại là tin chính xác hơn: ở Phrít-lan, quân đội Nga đã bị thất bại khủng khiếp, không kém gì ở Au-xtéc-lít năm 1805, Na-pô-lê-ông và đại quân có thể tràn ngay vào nước Nga. Bộ tổng chỉ huy quân Nga hoảng loạn.

Đê-nin Đa-vi-đốp, người chiến sĩ du kích nổi tiếng năm 1812, viết về tình trạng quân đội Nga "sau trận doanh thấy nhốn nháo một lũ người tạp nham: Anh, Thuỵ Điển, Phổ, bảo hoàng Pháp, các viên chức hành chính và quân sự Nga, tư sản, những nhân vật không biết gì về công tác quân sự cũng như tất cả các công việc khác, bọn ăn bám, bọn âm mưu, nói tóm lại đó là nơi họp chợ của bọn đầu cơ chính trị và quân sự, chúng giãy giụa trước sự đổ vỡ của bao nhiêu hy vọng, bao nhiêu chương trình và bao nhiêu mưu mô của chúng. Tất cả bọn chúng đều nơm nớp, dường như chỉ trong nửa giờ nữa là đến ngày tận số của loài người".

Ben-nit-xen đề nghị A-lếch-xan cho phép một hiệp ước đình chiến. Lần này, A-lếch-xan đành cam chịu...

Na-pô-lê-ông chấp nhận những đề nghị đó ngay khi vừa tiếp được. Ông ta cũng không còn lý do gì để tiếp tục chiến tranh với Nga, vì muốn tiến hành một cuộc chiến tranh như vậy thì phải mưu tính một cuộc chuẩn bị hoàn toàn khác. Nước Phổ đã bị quy phục và nước Nga có thể chấp thuận thực hiện phong toả lục địa và như vậy là Nga sẽ đi theo đường lối chính trị của Na-pô-lê-ông. Lúc này, Na-pô-lê-ông chỉ cần ở A-lếch-xan có thế mà thôi.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #144 vào lúc: 10 Tháng Năm, 2016, 11:07:40 pm »


Ngày 22 tháng 6, A-lếch-xan cử tướng bá tước La-pa-rốp Rốp-tốp-xki đến gặp Na-pô-lê-ông ở Tin-dít, nơi hoàng đế Pháp đóng bản doanh sau khi rời Phrít-lan, Na-pô-lê-ông mở cuộc hội đàm với Lô-ba-nốp; vừa tiến sát đến cái bàn trên trải một tấm bản đồ, vừa chỉ sông Vi-xtuyn, Na-pô-lê-ông vừa nói rằng: "Đây là biên giới của hai đế quốc, bên này là hoàng đế của ông trị vì, bên kia là tôi". Nói như vậy là Na-pô-lê-ông đã để lộ ra ý định thủ tiêu nước Phổ và chia cắt nước Ba Lan.

Lúc này, A-lếch-xan đang ở Sáp-li. Trong những ngày khủng khiếp chờ đợi La-ban-nốp ký hiệp ước đình chiến trở về, A-lếch-xan đã sống lại những ngày qua sau trận Au-xtéc-lít, và còn khốn khổ hơn thế nữa. Vì chỉ trong một tuần rưỡi là Na-pô-lê-ông có thể tới Vin-nô. "Chúng ta bị tổn thất ghê gớm về sĩ quan và binh lính: tất cả cách tướng lĩnh của chúng ta, và trước hết là những vị tướng giỏi đều đã bị thương hoặc đau ốm - A-lếch-xan thú nhận như vậy - tất nhiên, rồi đây nước Phổ sẽ lâm vào cảnh gay go, nhưng có những lúc trước hết ta cần phải suy nghĩ đến việc bảo tồn mình và chỉ nên tuân theo một nguyên tắc duy nhất là: quyền lợi của quốc gia". Sự quan tâm "bảo tồn mình", như A-lêch-xan đã bày tỏ trong câu chuyện với hoàng thân Cu-ra-kin ở Sap-li, đã buộc A-lêch-xan phải thay đổi về căn bản đường lối trong 24 tiếng đồng hồ; sau khi nhận được tin về Phrít-lan phải quyết đình chiến và nếu cần, còn phải liên kiết với Na-pô-lê-ông, chuyển hướng bất ngờ ấy của nước Nga mà nước Phổ có vĩnh viễn mất đi hay chỉ còn lại một mảnh thì đó chỉ là vấn đề phụ.

Các triều thần tập hợp quanh Sa hoàng ở Sáp-li, run như cầy sấy, chỉ sợ đội tiền vệ của Na-pô-lê-ông tập kích tới.

Khi được tin Na-pô-lê-ông ưng thuận đình chiến và ký hoà ước A-lếch -xan và quần thần lại hoan hỉ cuống cuồng, A-lếch-xan đệ nhất lập tức ra lệnh báo cho Na-pô-lê-ông hay tin rằng Nga hoàng khao khát mong muốn có liên minh chặt chẽ với Na-pô-lê-ông, và chỉ có sự liên minh Pháp- Nga mới có thể đem lại hạnh phúc và hoà bình cho thế giới. Sau khi phê chuẩn hiệp định đình chiến. A-lếch-xan ngỏ ý muốn hội kiến riêng với Na-pô-lê-ông.

A-lếch-xan không thể nào trì hoãn việc giải thích cho Phri-đrích Vim-hem đệ tam, người mà cho đến phút cuối cùng vẫn còn tin vào tình hữu nghị của A-lếch-xan. Nga hoàng đã giải thích cặn kẽ và vua Phổ đã xin đình chiến với Na-pô-lê-ông. Vua Phổ định cử thượng thư Ha-đen-be, người giàu lòng yêu nước, đến đại bản doanh của Na-pô-lê-ông ở Tin-dít. Nhưng Na-pô-lê-ông nổi khùng ghê gớm khi người ta đọc đến tên Ha-đen-be ông ta giậm chân và hét lên đến nỗi người ta không dám nói đến Ha-đen-be nữa. Người ta báo vua Phổ hiểu rõ là nhà vua sẽ bị đối xử một cách không khoang nhượng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #145 vào lúc: 10 Tháng Năm, 2016, 11:09:17 pm »


Ngày 25 tháng 6 năm 1807, lần đầu tiên hai vị hoàng đế gặp gỡ nhau. Để A-lếch-xan không phải qua bên bờ sông phía quân Pháp, bởi lẽ quân Pháp đặ chiếm được sông Ni-ê-men, cũng như Na-pô-lê-ông không phải qua bên bờ phía quân Nga, người ta đã cắm ngay ở giữa lòng sông một cái bè trên dựng hai cái lều lộng lẫy. Tất cả đội cận vệ của Na-pô-lê-ông xếp hàng dọc ở bờ sông bên này, và trên bờ sông bên kia là đội cận vệ của A-lêch-xan với số lượng ít hơn.

Đê-ni Đa-vi-đốp được chứng kiến sự kiện lịch sử ấy và bài tường thuật của ông đã làm sống lại trong đầu óc của chúng ta cái cảm tưởng của những người đã tham dự cuộc hội kiến ở Tin-dít và chẳng có sử gia nào có thể viết hơn được.

"Chúng ta sắp được mắt thấy vị tướng vĩ đại, nhà chính trị vĩ đại, nhà làm luật, nhà cai trị và người đi chinh phục, người mà sau khi đè bẹp... những quân đội của toàn châu Âu và hai lần đè bẹp quân đội Nga. Chúng ta sắp được thấy con người có tài khuất phục tuyệt đối được tất cả những ai mà người ấy cần gặp, và có trí thông minh kỳ lạ..."

"... Tới bờ sông, chúng ta thấy Na-pô-lê-ông cưỡi ngựa, tay cương thả lỏng, đi giữa hai hàng rào cựu vệ binh của ông ta. Tiếng hoan hô, tiếng reo như sấm quanh ông ta và inh ỏi vang sang bờ sông bên kia: quân hộ tống và tuỳ tùng Na-pô-lê-ông ít nhất cũng tới 400 kỵ binh... Trong giờ phút này, cảnh tượng vĩ đại dã trùm lên mọi tình cảm khác... Mọi con mắt đều quay nhìn và dồn sang bờ bên kia, sang chiếc thuyền chở con người phi thường đó, người tướng mà chưa bao giờ người ta được trông thấy hoặc được nghe nói kể từ thời A-lếch-xan đại đế và Giuyn Xê-da đến nay, con người đã trội hơn A-lếch-xan đại đế và Giuyn Xê-da biết bao nhiêu về thiên tài nhiều mặt, về vinh quang do tự mình tạo nên bằng cách khuất phục nhiều dân tộc có trình độ văn minh và văn hóa cao nhất."

Vì lý do kiểm duyệt nên Đê-ni-Đa-vi-nốp không thể nhắc lại trong hồi ký những cảm giác không phải chỉ riêng ông mà là của đa số sĩ quan Nga về A-lếch-xan trong ngày hôm đó; theo lời Đa-vi-lốp thì A-lếch-xan "che giấu nỗi xúc động bằng một sự bình tĩnh giả tạo". Tuy nhiên, chúng ta sẽ hiểu thêm về A-lếch-xan qua những bằng cớ sau đây.

Trong giới quân sự Nga, người ta luôn coi hòa ước Tin-dít là sự kiện còn nhục nhã hơn cả những trận thất bại ở Au-xtéc-lít hoặc ở Phrít-lan. Và về điểm này, quan niệm của tầng lớp quý tộc tự do trẻ tuổi của thế hệ sau này đều thống nhất với quan niệm của những người đã trực tiếp tham gia cuộc chiến tranh đó.

Trong một bài thơ của Pu-skin (1824), A-lếch-xan gặp lại Na-pô-lê-ông trong giấc mộng:

"Na-pô-lê-ông xuất hiện
Hệt như khi quét những đạo quân phương Bắc
Trên chiến trường Au-xtéc-lít xa xôi,
Lúc người Nga học chạy để giữ lấy sống còn.
Và Na-pô-lê-ông còn xuất hiện,
Hệt như kho ở vùng Tin-dít,
Với bàn tay của người chiến thắng.
Na-pô-lê-ông hiến dâng
Hòa bình và hổ nhục
Cho vị Sa hoàng trẻ tuổi"

Chỉ sau Cách mạng, người ta mới dám in nguyên văn những câu thơ đó, cho trong hầu hết những lần xuất bản trước người ta đã in ra những câu thơ đã sửa lại cho nhẹ đi ("Hòa bình hay hổ nhục") và làm sai lạc cả tư tưởng Pu-kin.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #146 vào lúc: 10 Tháng Năm, 2016, 11:09:57 pm »


Dù sao chăng nữa, khát vọng của A-lếch-xan đã được thực hiện không khó khăn, khổ sở như ông ta đã tưởng. Ngay khi hai vị hoàng đế cùng bước xuống mảng, Na-pô-lê-ông ôm choàng lấy A-lếch-xan và cả hai đều bước vào một nhà lều rồi bắt đầu hội đàm ngay với nhau trong gần hai tiếng đồng hồ. Cả hai vị hoàng đế không ai kể lại tỉ mỉ cuộc gặp gỡ, nhưng bọn tùy tùng đứng ngoài đã tiết lộ ra một vài câu chuyện và đương nhiên là nội dung chính của cuộc hội đàm này được ghi lại trong bản hòa ước sẽ ký trong mấy ngày sắp tới. Na-pô-lê-ông hỏi: "Tại sao hai nước chúng ta đánh nhau?" A-lếch-xan nói: "Thưa ngài, tôi căm ghét người Anh cũng như ngài... Tôi sẽ là trợ thủ của ngài chống lại nước Anh". "Nếu như vậy thì hòa ước đã ký rồi", Na-pô-lê-ông đáp.

Suốt trong thời gian hai vị hoàng đế hội đàm với nhau trên mảng, vua Phổ trú ở trên bờ sông Ni-ê-men phía quân Nga, luôn luôn hy vọng người ta sẽ mời cả mình đến nữa. Mãi đến ngày hôm sau, Na-pô-lê-ông mới để cho vua Phổ vào với cương vị là người thứ ba và đối xử với vua Phổ một cách khinh miệt nhất. Lúc chia tay, hoàng đế Pháp mời hoàng đế Nga ăn trưa, không mời vua Phổ và bỏ đi sau khi chỉ hơi khẽ gật đầu chào vua Phổ. Ngày 26 tháng 6, theo lời yêu cầu của Na-pô-lê-ông, A-lếch-xan qua sông sang Tin-dít, và từ đó hai người gặp nhau hàng ngày. Lúc đầu, Na-pô-lê-ông không cho một vị bộ trưởng nào của mình có mặt trong cuộc hội đàm. Na-pô-lê-ông nói với A-lếch-xan: "Tôi sẽ là thư ký của ngài và ngài sẽ là thư ký của tôi". Ngay từ lời phát biểu đầu tiên của Na-pô-lê-ông người ta đã nhìn thấy tình cảnh nước Phổ thật đáng tuyệt vọng biết bao nhiêu. Na-pô-lê-ông đề nghị rất giản đơn việc phân chia như sau: A-lếch-xan sẽ lấy tất cả phần phía dòng sông Vi-xtuyn, còn Na-pô-lê-ông lấy tất cả phần phía tây, Na-pô-lê-ông không thèm nói chuyện cả với vua Phri-đrích Vin-hem và trong những trường hợp hãn hữu mà ông ta cho phép Phri-đrích Vin-hem đến gần, ông ta nói chuyện công việc thì ít nhưng chửi mắng sỉ nhục thì nhiều. "Một ông vua nhơ nhuốc, một quốc gia nhơ nhuốc, một quân đội nhơ nhuốc, một cường quốc lừa dối người và không đáng tồn tại", đó là lời phát biểu của Na-pô-lê-ông với A-lếch-xan về bạn của A-lếch-xan, về con người mà Nga hoàng có lúc thề thốt kết nghĩa đồng minh và tình hữu hảo đời đời trước di hài của Phri-đrích Vin-hem đệ nhị. A-lếch-xan chỉ vừa trả lời bằng nụ cười mơn trớn và xã giao vừa yêu cầu hoàng đế Pháp rằng, ngoài tất cả những điều mà người Pháp có thể trách Phổ thì cũng nên để lại một cái gì của nước Phổ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #147 vào lúc: 10 Tháng Năm, 2016, 11:10:27 pm »


Vua Phổ khiếp sợ, sẵn sàng làm tất cả mọi việc, thậm chí còn lợi dụng cả đến sắc đẹp của vợ mình: ông ta cho triệu gấp hoàng hậu Lu-i-dơ, vốn đẹp có tiếng, đến Tin-dit. Chính Lu-i-dơ là người mà ngay từ thời kỳ đầu cuộc chiến tranh với nước Phổ đã bị Na-pô-lê-ông coi như kẻ thù và đã ra lệnh công kích một cách thô bỉ trên báo chí. Tuy nhiên, trong triều đình Phổ, người ta nuôi hy vọng rằng cuộc hội kiến thân mật với người đàn bà có sắc đẹp quyến rũ đó sẽ có thể làm dịu được trận lôi đình của kẻ chiến thắng tàn nhẫn, và người ta vội vã thì thầm kế hoạch với hoàng hậu, nhưng dù sao họ cũng không quá trông cậy vào đó, bởi người ta đã biết Na-pô-lê-ông ít bị đàn bà làm lung lạc, ngay cả đối với những người mà Na-pô-lê-ông say mê. Cuộc hội đàm được bố trí ở lâu đài Tin-dit. Hoàng hậu có nhiệm vụ phải cố gắng thu hồi lại ít nhất là vùng Mát-đơ-bua và một vài mẩu đất đai khác cho nước Phổ. Sau cuộc cưỡi ngựa đi dạo, Na-pô-lê-ông quay trở về lâu đài, bận bộ đồ đi săn, tay cầm roi ngựa, và được hoàng hậu, trong bộ triều phục lộng lẫy, ra tiếp đón. Cuộc mật đàm kéo dài rất lâu. Sau cùng, khi vua Phri-đích Vin-hem không thể chịu đựng nổi được nữa tình trạng nhục nhã của mình dưới con mắt của bọn quần thần, đã liều mạng bước vào, cuộc hội đàm thân mật giữa hoàng đế và hoàng hậu bị cắt đứt lúc Lu-i-dơ chưa kịp thu hồi được gì... Sau này, Na-pô-lê-ông nói đùa với các thống chế của mình rằng: "Nếu vua Phổ vào chậm một chút thì chắc ta đã trả lại Mát-đơ-bua".

"Nước Phổ cũ", xứ Pô-mê-ra-ni, Bran-đen-bua và Xi-lê-di được để lại cho nước quân chủ thuộc dòng Hô-hen-xon-le. Số còn lại, về phía đông cũng như phía tây, đều bị tước đoạt. Ngoài ra, Na-pô-lê-ông còn tìm cách giày xéo lên tinh thần tự hào dân tộc của nước Phổ bằng cách ghi trong điều 4 hiệp ước Tin-dít rằng, Na-pô-lê-ông hoàn lại bốn tỉnh đó cho nước Phổ vì "nể lời hoàng đế toàn nước Nga". Tất cả những đất đai Phổ về phía tây sông En-bơ đều bị sáp nhập với vương quốc Vét-xpha-li do Na-pô-lê-ông vừa mới thành lập, còn sáp nhập thêm cả đại công quốc Hét-sơ. Na-pô-lê-ông phong cho Giê-rôm làm vua Vét-xpha-li. Những đất đai Ba Lan tước được của Phổ (gồm tỉnh Pô-dơ-na và Vác-sa-va) nay thành đại công quốc Vác-sa-va, và Na-pô-lê-ông chỉ định vua Xắc-xơ làm vua đại công quốc ấy. A-lếch-xan đệ nhất (do Na-pô-lê-ông yêu cầu) sáp nhập vùng Bi-ê-lốt-xtốc nhỏ bé vào đất đai của mình. Một hiệp ước liên minh tiến công và phòng thủ, tạm thời giữ bí mật, được ký kết giữa hai hoàng đế. Như thế là từ đó nước Nga gia nhập cuộc phong tỏa lục địa.

Ngày 8 tháng 7 năm 1907, hòa ước Tin-dít được chính thức ký kết, nó là một cái nhục cho nước Phổ và cho toàn nước Đức.

Hội hè và duyệt binh diễn ra liên tiếp ở Tin-dít cho tới đêm mồng 8 tháng 7. Suốt thời gian này, hai vị hoàng đế đều tỏ ra rất quyến luyến nhau, và Na-pô-lê-ông chú ý nhấn mạnh đến mức độ cao cả của mình đối với kẻ thù ngày hôm qua, nay đã trở thành đồng minh. Ngày 9 tháng 7, Na-pô-lê-ông và A-lếch-xan cùng đi duyệt đội ngũ cận vệ Pháp và Nga, và sau khi hôn từ biệt nhau trước hàng quân và đông đảo quần chúng chen chúc trên bờ sông Ni-ê-mem, hai ông hoàng đế từ giã nhau. Trừ hai vị hoàng đế và những triều thần gần gũi nhất của họ ra, chưa một ai có thể biết được rằng trong mấy ngày diễn ra cuộc tiếp xúc ở Tin-dít tình hình thế giới đã thay đổi lớn lao.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #148 vào lúc: 11 Tháng Năm, 2016, 05:19:19 pm »


CHƯƠNG MƯỜI
TỪ TIN-DÍT ĐẾN VÀ-GRAM 1807-1809

I

Trên đường từ Tin-dít về Pa-ri, Na-pô-lê-ông được toàn nước Đức đón rước với lòng hâm mộ đầy tính chất nô lệ. Hình như quyền lực của Na-pô-lê-ông đã lên tới mức độ mà chưa một đế vương nổi tiếng nào trong lịch sử đạt được. Là hoàng đế chuyên chế của đế quốc Pháp rộng lớn, bao gồm Bỉ, Tây Đức, Pi-ê-mông, Giên; là vua nước Ý, là người bảo hộ (thực tế là chúa tể) những đất đai rộng lớn của Liên bang sông Ranh, cộng cả xứ Xắc-xơ vừa mới sáp nhập; là kẻ thống trị nước Thụy Sĩ; Na-pô-lê-ông cũng là đế vương chuyên chế ở nước Hà Lan và ở vương quốc Na-plơ y như trong đế chế của mình, vì Na-pô-lê-ông đã đặt em là Lu-i và anh là Giô-dép ngồi lên trên ngai vàng của hai nước ấy; cũng như ở tất cả miền Trung và một phần miền Bắc nước Đức, Na-pô-lê-ông đã giao cho người em thứ ba là Ghê-rôm cai trị với danh hiệu là vương quốc Vét-xpha-li; cũng là đế vương một bộ phận lớn thuộc những đất đai cũ của dòng họ Háp-xbua mà Na-pô-lê-ông đã tước của nước Áo và giao cho vua xứ Ba-vi-e là nước chư hầu của mình; cũng là đế vương trên bờ biển miền Bắc châu Âu, nơi quân đội của Na-pô-lê-ông đang chiếm đóng các thành phố Hăm-bua, Brêm, Lu-i-dơ-bếch, Đan-xích, Cơ-ni-xbéc và ở Ba Lan thì quân đội của nó vừa mới thành lập được đặt dưới quyền chỉ huy của thống chế Đa-vu và tuy danh nghĩa là quốc vương xứ Xắc-xơ nhưng thực ra chỉ là một chư hầu và một người tôi tớ của Na-pô-lê-ông với danh hiệu là Đại công tước.

Ngoài ra, đảo I-ô-niêng, thành phố Cát-ta-rô và một phần bờ biển A-đri-a-tích, dọc theo bán đảo Ban-căng, cũng thuộc về Na-pô-lê-ông. Nước Phổ, bị thu hẹp trong một khu vực nhỏ bé và quân đội bị hạn chế gắt gao, run sợ mỗi khi Na-pô-lê-ông hé miệng, và còng lưng đóng góp đủ các loại thuế mới; nước Áo câm lặng và chịu khuất phục; nước Nga đã liên minh chặt chẽ với nước Pháp. Duy chỉ còn nước Anh là tiếp tục đấu tranh.

Về tới Pa-ri, với sự giúp đỡ của bộ trưởng tài chính Gô-đanh và bộ trưởng ngân khố Mô-liêng, Na-pô-lê-ông đã tiến hành hàng loạt cuộc cải cách quan trọng nhằm tổ chức lại nền tài chính, thuế trực thu và gián thu, v.v., nhờ vậy, số thu nhập trong đất đai của hoàng đế (từ 750 đến 770 triệu), cưỡng đoạt được do sự bóc lột tàn nhẫn nhân dân Pháp và các nước tay chân, đủ cho các khoản chi tiêu, kể cả những khoản dự trù trước để chi vào việc nuôi dưỡng quân đội khi xảy chiến tranh. Đó là một đặc điểm của nền tài chính dưới thời Na-pô-lê-ông: Na-pô-lê-ông coi các khoản chi phí về chiến tranh như "các khoản chi thông thường", không có chút gì là đặc biệt cả. Ngân sách của nhà nước được đảm bảo chắc chắn và ngân hàng Pháp thành lập dưới thời Na-pô-lê-ông (còn tồn tại đến bây giờ cùng với những điều lệ đó) chỉ trả 4% lãi cho các tồn khoản, chứ không trả 10% như năm 1804 và 1805 vẫn còn thi hành. Nước Ý, với danh nghĩa là vương quốc "độc lập" của nước Pháp, hàng năm phải nộp cho nước Pháp một khoản đảm phụ 36 triệu phrăng vàng, và Na-pô-lê-ông nhà vua hào hiệp của nước Ý, lại hào hiệp nộp hết cho hoàng đế của người Pháp tức là Na-pô-lê-ông. Còn những khoản chi tiêu về hành chính của nước Ý thì do những khoản thu nhập của bản thân nước Ý trang trải. Đại diện của Na-pô-lê-ông ở Ý là một phó vương không phải ai xa lạ mà chính là Ư-gien đơ Bô-hác-ne, con riêng của vợ Na-pô-lê-ông. Tất nhiên là nước Ý phải chịu mọi khoản phí tổn nuôi dưỡng quân đội Pháp đóng ở trên đất nước. Các nước khác, đặt dưới quyền cai trị trực tiếp hay gián tiếp của Na-pô-lê-ông, đều phải nộp những khoản đảm phụ tương tự như vậy, nhất là những khoản chi phí về nuôi dưỡng quân đội Pháp. Với số vàng bòn rút ở các nước bị trị, với các khoản đảm phụ và các khoản cống nộp khác đã quy định cho các nước ấy, Na-pô-lê-ông đúc tiền một cách đều đặn ở Pháp, và số tiền vàng đó được dùng trong việc lưu thông buôn bán. Việc cải cách tiền tệ do Na-pô-lê-ông khởi thảo từ thời kỳ Tổng tài, đã hoàn thành vào năm 1807, sau khi ở Tin-dít về.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #149 vào lúc: 11 Tháng Năm, 2016, 05:23:13 pm »


Na-pô-lê-ông cũng định dùng nhiều biện pháp để chấn hưng nền kỹ nghệ Pháp, nhưng về mặt này tình hình phức tạp hơn; những cải cách đã đặt ra ấy phải tiến hành song song và gắn chặt với việc thực hiện có hiệu lực cuộc phong tỏa lục địa. Sau khi ở Tin-dít trở về được ít lâu, Na-pô-lê-ông bắt đầu trù tính một quy hoạch chính trị lớn, mà theo Na-pô-lê-ông, nếu không làm như vậy thì sự thực hiện phong tỏa nước Anh sẽ trở thành một trò quái gở. Và cũng chỉ có sau khi lao mình vào cuộc phiêu lưu đó, Na-pô-lê-ông mới dốc hết tâm lực vào lĩnh vực kinh tế. Cho nên, trước khi bước sang phân tích những hậu quả của cuộc phong tỏa lục địa đối với các tầng lớp xã hội khác nhau trong đế chế và đối với toàn bộ đường lối chính sách của Na-pô-lê-ông trước hết chúng ta cần tìm hiểu nguồn gốc của công việc đó, tức là âm mưu đánh chiếm lấy bán đảo Tây Ban Nha.

Nên chú ý rằng từ mùa thu năm 1807 đến mùa đông năm 1808, giữa hoàng đế và các thống chế, các bộ trưởng và các viên chức cao cấp thân cận thống chế, các bộ trưởng và các viên chức cao cấp thân cận nhất đã thấy chớm nở sự khác nhau nào đó về quan điểm, nhưng sự khác nhau đó thực ra còn ngấm ngầm và mập mờ. Triều đình Na-pô-lê-ông chìm ngập trong sự xa hoa: quý tộc cũ và mới, đại tư sản già và trẻ ganh nhau tiếng tăm bằng những tiệc tùng, yến hội, khiêu vũ; vàng tuôn ra như nước, các hoàng tử nước ngoài, vua chúa các nước chư hầu đến chầu, lưu lại ngày này qua ngày khác ở cái thủ đô của cả thế giới và ném vào đấy bao nhiêu của cải. Một thứ hội hè tráng lệ, linh đình như cảnh thần tiên lạc thú liên tiếp diễn ra ở cung điện Tuy-lơ-ri, Phông-ten-nơ-blô, Xanh Clu, Man-me-dông. Chế độ cũ chưa bao giờ được thấy cảnh xa hoa lộng lẫy đến như vậy, cũng không bao giờ được thấy một đám đông nườm nượp những nam nữ triều thần. Nhưng, tất cả bọn họ đều biết rằng trong một căn phòng kín đáo của lâu đài mà âm thanh của những cuộc thú vui không lọt tới, người chúa của họ đang cúi đầu xuống tấm bản đồ của bán đảo Tây Ban Nha và rồi, khi lệnh của hoàng đế ban ra, một số lớn những người nhởn nhơ vui chơi vô tư lự ấy sẽ phải lập tức vĩnh biệt mọi thứ xa hoa lộng lẫy đang tràn lên cuộc sống của họ, để lại hiến mình cho mũi tên làn đạn. Nhưng họ chiến đấu vì ai?

Ngay sau trận Au-xtéc-lít, nhiều bạn chiến đấu của Na-pô-lê-ông ngỡ rằng đã đến lúc phải chấm dứt cuộc chinh chiến, rằng uy thế của nước Pháp đã lên tới mức cao chưa từng thấy và đã vượt quá cả lòng mong ước của nước Pháp. Thật vậy, toàn thể nhân dân của đế chế chịu khuất phục Na-pô-lê-ông, không kêu ca một lời: người nông dân cho tới nay vẫn phải chịu đựng chế độ trưng binh, giới thương nhân (trừ giai cấp tư sản buôn bán ở các phố ven biển) và nhất là kỹ nghệ gia, vui mừng vì thị trường được mở rộng và vì tương lai của công việc làm ăn. Những viên chức cao cấp và các vị thống chế, sau trận Tin-dít, đã bắt đầu suy nghĩ, họ không lo rằng một cuộc cách mạng bên trong sẽ uy hiếp trật tự của xã hội, họ biết bàn tay sắt của Na-pô-lê-ông đã kẹp chặt được dân thợ thuyền, song họ sợ điểm khác: họ hãi hùng vì đất đai của Na-pô-lê-ông quá rộng lớn.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM